Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 101/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 101/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ nhất: “Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập quán tứ niệm xứ.” Tứ niệm xứ, lần trước tôi đã giảng hai điều là “quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ”. Trong kinh điển, Phật đã quy nạp tình hình đời sống trong lục đạo của tam giới cho chúng ta thành tam khổ, bát khổ. Ở trong bát khổ, “sanh, già, bệnh, chết” là điều mà mỗi chúng sanh đều không có cách gì tránh khỏi, đây gọi là khổ bên trong thân thể. Khổ ngoài thân cũng quy nạp thành ba loại, thứ nhất là “oán tắng hội”, nghĩa là người bạn không thích, việc không ưa thích, hoàn cảnh sống không ưa thích nhưng cứ gặp phải, không có cách gì rời khỏi, loại này đều thuộc về oán tắng hội. Chúng tôi nghĩ hầu như mỗi một người đều không có cách gì tránh được, đó là những thứ phải gặp trong đời. Thứ hai là “ái biệt ly”, người chúng ta ưa thích, việc ưa thích, hoàn cảnh sống ưa thích lại không được dài lâu, đây là điều mà ở xã hội trước mắt, chúng ta có thể nhìn thấy rất phổ biến, thậm chí ở ngay bản thân chúng ta cũng có thể cảm nhận được, loại này cũng là khổ. Đời người thì việc không như ý thường chiếm tám, chín phần, chúng ta nhất định phải thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ. Thứ ba là “cầu bất đắc”, nguyện vọng và mong cầu ở trong tâm chúng ta đều không thể thành hiện thực. Vậy là đã bao quát hết toàn bộ nỗi khổ ở ngoài thân chúng ta rồi.

Một điều cuối cùng gọi là “ngũ ấm xí thạnh”. Nếu đem tám loại này tách biệt ra để nói thì bảy loại trước đều thuộc về quả báo, loại cuối cùng này là nhân khổ. Hay nói cách khác, nguyên nhân chúng ta có sanh, già, bệnh, chết, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc ở phía trước là do ngũ ấm xí thạnh, câu nói này không dễ hiểu. Ngũ ấm, nói theo lời hiện nay của chúng ta thì chính là thân của chúng ta, tâm của chúng ta không khỏe mạnh, thân tâm đều đang tạo nghiệp bất thiện, cho nên mới gặt quả báo bất thiện. Nếu như thân tâm khỏe mạnh thì đều sẽ tạo thiện nghiệp, như trong bộ kinh này Phật dạy chúng ta, ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, vậy thì tám loại khổ này của chúng ta đều không còn nữa. 

Người thế gian cầu tài, tài có thể cầu được hay không? Được, chắc chắn có thể cầu được, nhà Phật thường nói “trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, nhưng bạn phải biết đạo lý, nó có nhân quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, bạn tạo nhân gì thì bạn sẽ được quả báo như thế ấy. Phật nói cho chúng ta biết, nhân của giàu có là bố thí, người ưa thích bố thí thì được giàu có, người tham lam keo kiệt thì quả báo bần cùng. Chúng ta thấy xã hội ngày nay có rất nhiều người, đặc biệt là trong giới kinh doanh, ông chủ doanh nghiệp của giới công thương, họ sở hữu tiền của ngàn tỷ, tiền của ngàn tỷ này là do nguyên nhân gì vậy? Do trong đời quá khứ họ tu đại bố thí, chúng ta nói là trong mạng của họ có tài, tiền tài này không phải do trời sinh, bởi nếu trời sinh thì mỗi người phải đều như nhau, vì sao mỗi người đều không giống nhau? Do nhân mỗi người tạo không như nhau. Họ bố thí nhiều thì trong mạng của họ có tài nhiều, trong mạng có tài thì bất luận làm ngành nghề nào họ cũng đều phát tài. Sự nghiệp kinh doanh của họ, đó là duyên, trong mạng của họ có nhân, nhân cộng thêm duyên thì quả báo liền hiện tiền, sự việc là như vậy. Nếu trong mạng không có nhân giàu có, cho dù họ cũng học theo người khác làm sự nghiệp kinh doanh, nhưng người ta kinh doanh phát tài, còn họ kinh doanh lỗ vốn, đó là do trong mạng không có tài.

Quý vị đọc qua Liễu Phàm Tứ Huấn thì sẽ hiểu được, “một miếng ăn, một hớp nước không gì không định trước”, đời trước ai định cho bạn vậy? Tự mình định, không phải người khác định, đây mới thật sự là công bằng. Sau khi hiểu rõ đạo lý này, trong số mệnh của chúng ta đời này thiếu tài thì cũng đừng căng thẳng, hiện tại chúng ta tu, tu tích cực cũng vẫn còn kịp. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi hiểu rõ đạo lý này, ông tự mình biết được tu nhân, ông đều tu ba loại nhân là: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy; bố thí tài thì được giàu có, bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu, không những bản thân ông làm, mà vợ ông cũng giúp ông làm, cả nhà làm, cho nên vận mệnh của ông mới thay đổi nhanh như vậy. Khi phát tài, bản thân ông không hề hưởng thụ. Thật ra mà nói, ông trải qua đời sống vô cùng vui sướng, tiết kiệm, đem tiền của mà mình tiết kiệm được tiếp tục giúp đỡ những người có nhu cầu, phú quý của ông vĩnh viễn hưởng không hết, đời đời kiếp kiếp không bị quả báo bần cùng. Ông hiểu được đạo lý này, biết được phương pháp, như lý như pháp mà cầu thì có cầu tất ứng.

Có một số người trong đời quá khứ gặp được lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, gặp được Phật pháp, họ chịu tu, nên đời này được quả báo. Sau khi được quả báo rồi nhưng chưa chắc gặp được nhân thánh, chưa chắc có thể gặp được lời giáo huấn của thánh hiền, Bồ-tát. Không gặp được thì đời này chỉ biết hưởng phước, chứ họ không biết tiếp tục không ngừng tu thêm, điều này rất đáng tiếc. Sau khi hưởng hết phước báo đời này rồi thì đời sau sẽ không bằng đời này, mỗi lúc một tệ thêm, đời sau không bằng đời trước. Từ đó cho thấy, giáo huấn của thánh hiền là quan trọng hàng đầu, không có gì quan trọng hơn điều này. 

Trong tất cả bố thí thì bố thí pháp là đệ nhất, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng. Chúng ta biết được đạo lý, cũng biết được phương pháp, vậy mới hết lòng nỗ lực tu học, cho nên quả báo ngày càng thù thắng. Quả báo hiện tiền, trong Phật pháp gọi là hoa báo, còn quả báo thì ở đời sau. Tự mình đã cảm thấy hoa báo thù thắng như vậy thì có thể suy ra quả báo như thế nào rồi. Giống như thực vật vậy, ra hoa trước, kết quả sau, chúng ta nhìn thấy thực vật ra hoa, hoa nở đẹp thì có thể dự đoán tương lai kết quả nhất định vô cùng mỹ mãn. Cho nên, nhà Phật dạy chúng ta lìa khổ được vui, lời nói này là chân thật, không phải giả. Những lời này đều là nói về thế gian, quả báo của thế gian không phải cứu cánh, nhưng đại đa số người thế gian ham muốn quả báo thế gian. Phật Bồ-tát là người hiểu rõ, những bậc thánh triết xưa nay trong và ngoài nước cũng đều là người hiểu rõ, họ có thể quán sát căn cơ của chúng sanh. Bạn ham muốn phú quý thế gian thì họ giúp đỡ bạn thỏa mãn nguyện vọng của bạn, khiến bạn sanh tâm hoan hỷ. Bạn có thể sanh tâm hoan hỷ đối với thánh hiền thì bạn mới thích gần gũi họ, bạn mới sẵn lòng tiếp nhận lời giáo huấn của họ, tất nhiên họ ở trên nền tảng hiện có của bạn mà giúp đỡ bạn nâng cao lên thêm. 

Phú quý ở nhân gian rất tốt, nhưng phú quý trên trời còn thù thắng hơn, con người sống được bao nhiêu năm? Mạng sống quá ngắn ngủi, cho dù sống đến 100 tuổi cũng là trong khoảng khảy ngón tay. Chúng ta tự mình hồi tưởng một chút, năm nay đã mấy chục tuổi rồi, nghĩ xem từ lúc sinh ra cho đến bây giờ, chẳng phải giống như một giấc mộng hay sao? Nhớ lại sự việc thời niên thiếu thì giống như ngày hôm qua vậy, ngày tháng trôi qua rất nhanh, 100 năm chỉ là một khảy ngón tay, phú quý của bạn có thể hưởng thụ được mấy ngày? Phước báo ở trên trời lớn hơn nhiều so với nhân gian, không cần nói những tầng trời quá cao, chúng ta thông thường nói trời Đao-lợi, người Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, trong tôn giáo thông thường nói sanh thiên thì phần lớn đều sanh về trời Đao-lợi. Làm sao biết vậy? Nhìn họ tu nhân, nhân họ tu là nhân gì thì biết quả báo ở đâu, cách suy đoán này tương đối đáng tin. 

Muốn sanh lên trời Tứ Thiên Vương, trời Đao-lợi, phải tu thập thiện thì bạn mới có thể đến nơi đó được. Phước báo ở nơi đó thù thắng hơn nhân gian, trước tiên là thọ mạng dài. Một ngày ở trời Đao-lợi bằng 100 năm ở nhân gian chúng ta, hiện nay nói như thế này thì mọi người dễ hiểu, hiện nay chúng ta biết có sự chênh lệch thời gian, địa cầu này của chúng ta có sự chênh lệch thời gian rất lớn so với trời Đao-lợi, một ngày ở trời Đao-lợi là 100 năm của chúng ta. Thọ mạng của họ là bao nhiêu? Nơi đó của họ là 1.000 tuổi, tính theo thế gian chúng ta thì thời gian đó là quá dài. Một ngày của họ là 100 năm của chúng ta, một năm của họ, chúng ta cũng định cho họ là 365 ngày đi, thọ mạng của họ là 1.000 năm. Cho nên, hưởng phước ở trời Đao-lợi so với nhân gian chúng ta thù thắng hơn quá nhiều. Càng lên trên thì phước báo tăng thêm gấp nhiều lần. Nếu chúng ta biết đạo lý này thì đối với phước báo ở nhân gian, tự nhiên chúng ta sẽ xem nhẹ, chúng ta sẽ tu phước trời.

Phật Bồ-tát lại nói với chúng ta, còn có phước báo thù thắng hơn so với phước trời, đó là liễu sanh tử, xuất tam giới, phước báo của A-la-hán, Bích-chi Phật, Phật Bồ-tát thì người trời tuyệt đối không thể sánh được. Đại Phạm thiên vương, Ma-hê-thủ-la thiên vương là người có phước báo lớn nhất trong tam giới mà còn không sánh bằng A-la-hán, không sánh bằng Bích-chi Phật. Cho nên, Phật Bồ-tát biết giúp đỡ chúng ta, khiến chúng ta không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Phật nói cho chúng ta biết, phước báo đệ nhất là vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, trí tuệ và phước đức của thế xuất thế gian không thể sánh với họ được, cho dù sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc ở cõi Phàm thánh đồng cư, vãng sanh hạ hạ phẩm thì Ma-hê-thủ-la thiên vương cũng không thể sánh bằng, tứ thánh ở trong mười pháp giới cũng không thể sánh bằng. Sự việc này nếu không phải Phật-đà nói ra cho chúng ta thì chúng ta làm sao biết được? 

Cho nên, chúng ta hiện nay ở thế gian, hiện nay thân thể này ở thế gian, phải hết lòng nỗ lực đoạn ác tu thiện, tuyệt đối không mong cầu phước báo của thế gian này. Phước mà chúng ta tu thì đến đâu để hưởng vậy? Đến thế giới Cực Lạc để hưởng. Nhưng phước mà ta đã tu không lớn, còn phước của người thế giới Cực Lạc lại quá lớn, không sai! Một chút phước nhỏ này của ta khi đến thế giới Cực Lạc thì sẽ biến thành phước lớn, nhân tuy nhỏ nhưng đến thế giới Cực Lạc sẽ biến thành phước lớn. Nhưng nếu không có nhân của phước nhỏ này thì không thể đến thế giới Cực Lạc. Phật ở trong kinh giới thiệu cho chúng ta thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”. Thế nào gọi là thượng thiện? Những người này tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện, chính là điều mà trong bộ kinh này nói: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”, đây chính là thượng thiện. 

Từ đó cho thấy, đối với người tu Tịnh độ, bộ kinh này vô cùng quan trọng, nếu bạn nói trong kinh Tịnh độ không có nói kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, vậy thì bạn hoàn toàn nhìn sai rồi. Chúng ta xem kinh phải thận trọng, không được hời hợt qua loa. Phương pháp tu hành Tịnh độ, điều cơ bản là tịnh nghiệp tam phước, điều đầu tiên của tịnh nghiệp tam phước là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”. Vậy làm thế nào tu thập thiện nghiệp? Bộ kinh này chính là nói về thập thiện nghiệp; do đây có thể biết, bộ kinh này quả thật đúng là nền tảng tu hành của chúng ta. Pháp môn niệm Phật được xây trên nền tảng này thì bạn mới có thể vãng sanh. Cho dù bạn niệm Phật tốt đến đâu, nhưng không có nền tảng của tịnh nghiệp tam phước thì không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Tâm hạnh bất thiện, không tương ưng với đại chúng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất định phải biết đạo lý này. Cho nên có thể giải quyết được khổ, nhưng phải biết được đạo lý, biết được phương pháp.

Phần sau của tứ niệm xứ còn có hai điều là “quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã”. Mỗi một điều đều rất quan trọng, chúng ta nhất định phải hiểu thật rõ ràng, sau đó mới biết tu học ra làm sao. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.