Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 1/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 1/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm qua, chúng tôi đã giảng viên mãn Cảm Ứng Thiên. Văn tự của Cảm Ứng Thiên tuy không dài, người xưa hội tập lại một số câu chuyện nhân duyên, cũng chính là rất nhiều câu chuyện cảm ứng trong lịch sử, sưu tập rất phong phú, có lý luận, có sự thật, nếu như giới thiệu tường tận thì không thể nào nói hết được. Ngày trước có rất nhiều sự thật cảm ứng, hiện tại còn nhiều hơn, chúng ta ở Trung Quốc, ở nước ngoài, từ báo chí, tin tức truyền hình, thường có rất nhiều báo cáo về phương diện này, những báo cáo này đích thực làm tăng thêm lòng tin của chúng ta. Tuyệt đối không thể nói, chúng ta chưa đích thân nghe thấy thì chúng ta không thừa nhận. Ngày trước thầy Lý thường dùng thí dụ, thầy nói: “Cha của anh thì anh thấy rồi, anh thừa nhận, ông nội của anh anh thấy rồi, ông cố, ông sơ của anh nếu như anh không thấy thì anh không thừa nhận hay sao? Làm gì có đạo lý này?” Có rất nhiều sự việc mà chúng ta không nhìn thấy được. Nhà khoa học hiện nay nói, công năng của mắt chúng ta rất có hạn, ánh sáng nhìn thấy được, sóng ánh sáng chỉ ở bước sóng thích hợp thì chúng ta có thể thấy được, còn sóng ánh sáng dài hơn so với sóng ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy thì chúng ta không thấy được, sóng ngắn cũng không thể thấy được. Thế nhưng ngày nay dùng thiết bị khoa học để đo, đích thực có sóng dài, có sóng ngắn, có sóng chúng ta không thấy được; không thấy được nhưng không thể nói nó không tồn tại, không thấy được nhưng không thể nói nó không phải sự thật, đây là thuộc về mê tín, thuộc về võ đoán!

Phật rất chú trọng đến khoa học, ngài để cho chúng ta đi chứng minh, vũ trụ rộng lớn có đủ những điều kỳ lạ, đây là sự thật. Ngày nay nhà khoa học biết được có các chiều không gian khác nhau, chúng ta thường nghe nói đến không gian ba chiều, không gian bốn chiều, không gian năm chiều, trên lý luận mà nói thì không gian là vô hạn chiều, do các chiều không gian khác nhau nên chúng ta không nhìn thấy, không cách gì tiếp xúc được. Nhà khoa học hiểu rõ sự thật này, đích thực tồn tại các chiều không gian khác nhau, thế nhưng làm thế nào đột phá thì hiện tại về mặt kỹ thuật vẫn chưa làm được. Nhà Phật làm được rồi, rất nhiều nhà tôn giáo cao cấp đã làm được, vì sao họ làm được? Họ biết được nguyên nhân, nguồn gốc của các chiều không gian khác nhau, họ biết được vì sao tạo thành các chiều không gian khác nhau. Làm thế nào mà tạo thành vậy? Do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của tất cả chúng sanh tạo thành. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh vô lượng vô biên, cho nên các chiều không gian là vô lượng vô biên. Biết được căn nguyên của nó, nếu như tiêu trừ căn nguyên này thì vấn đề liền được giải quyết. Cho nên, nhà Phật dùng phương pháp thiền định, để chúng ta buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thế là đột phá được các chiều không gian khác nhau. Bạn buông xuống được càng nhiều thì cấp độ đột phá càng lớn, việc này ngày nay chúng ta gọi là thần thông, người Trung Quốc gọi là công năng đặc dị, sự việc chính là như vậy.

Cho nên, tâm càng thanh tịnh thì cảnh giới mà bạn có thể tiếp xúc được sẽ càng rộng lớn; vọng niệm càng nhiều, phiền não càng nhiều thì phạm vi của bạn sẽ càng nhỏ, bạn không có cách gì đột phá. Con người chúng ta sống trong không gian ba chiều, không gian bốn chiều thì chúng ta nhất định không có phần. Phật hiểu được đạo lý này, hiểu được hiện tượng sự thật này là do đâu mà ra, cho nên Phật có phương pháp, trong nhà Phật gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn, đó là nói 84.000 phương pháp khác nhau, phương thức khác nhau. Tu cái gì? Đều là tu thiền định. Hay nói cách khác, toàn bộ đều là tiêu trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta, khôi phục chân tâm của chúng ta. Chân tâm là “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới” (tâm bao trùm khắp hư không, rộng chứa vô lượng vô biên thế giới), “không gì không biết, không gì không thể”, lời nói này là thật, không hề huyễn hoặc, mà có căn cứ lý luận rất rõ ràng tường tận, đây là Phật dạy bảo chúng ta. Cho nên, các vị đồng tu đến nơi đây tham học, điều quan trọng nhất chính là từ trong Phật pháp học được buông xuống, “nhìn thấu, buông xuống”. Tôi thường nói với mọi người, sai lầm căn bản này của chúng ra giống như rễ của cây đã bị thối rữa rồi, vậy còn có thể cứu nổi không? Căn bản là gì? Chân tâm, bổn tánh. Chân tâm, bổn tánh của chúng ta vì sao bị thối nát? Vì sao bị hư hoại? Vì đã nhiễm phải tự tư tự lợi, vậy thì xong rồi!

Trong kinh Phật nói với chúng ta, chân tâm có hình dạng như thế nào? Trong kinh luận nói rất nhiều về “chân tâm lìa niệm”. Hay nói cách khác, tâm không có vọng niệm chính là chân tâm, tâm có vọng niệm chính là vọng tâm, vọng hạnh. Vọng là gì? Là vọng niệm. Trong vọng niệm nghiêm trọng nhất chính là chấp ta, khởi tâm động niệm đều là ta, lợi ích của ta, vậy thì hỏng rồi, bạn vẽ ra cái vòng quá nhỏ, chỉ có ta, đều không có người khác. Tôi nghe rất nhiều người nói, hai vợ chồng đều có bí mật. Có một lần, ở nơi đây có một vị rất nổi tiếng, chúng tôi nói đến sự việc của Đường Thành, ông là một ông chủ bên đó, xem thấy Phật giáo Cư Sĩ Lâm của chúng ta thẳng thắn công khai như vậy, ông rất bội phục. Ông và vợ của ông có bí mật, ông có bao nhiêu tiền người vợ không hề biết, vợ ông có bao nhiêu tiền ông cũng không hề biết, bạn thấy chấp ta này ghê gớm không? Chân thật chỉ có ta, ngoài ta ra không có người nào, họ đều không tin tưởng thế gian này có người đáng tin, cả đời không dám nói lời thành thật với người. Bạn nói xem, loại người này sống ở thế gian thật là đáng thương! Điều này trong kinh Phật gọi là “kẻ đáng thương xót”. Không giống như người học Phật chúng ta, trong lòng không có việc gì, nhất định không có tự tư tự lợi, đối đãi với bất cứ người nào đều thẳng thắn công khai, không có chút bí mật nào.

Cho nên việc thứ nhất, nếu học Phật muốn có thành tựu, muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận A-di-đà Phật, nếu như bạn có lòng riêng tư thì không thể đi, niệm Phật có tốt đến đâu cũng không đi được. Vì sao vậy? Ở trong kinh, Phật giới thiệu cho chúng ta, thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”, không chỉ là thiện, mà là tối thiện, thượng thiện, câu lạc bộ của người thượng thiện, chúng ta bất thiện thì làm sao có thể vào được? A-di-đà Phật cho dù từ bi hoan nghênh bạn đến nhưng đại chúng ở nơi đó sẽ không hoan nghênh, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. “Thượng thiện” là gì? Nhất định không có tự tư tự lợi. Bạn có tự tư tự lợi, nói lời chân thật, phước báo của bạn dù lớn đến đâu thì hưởng thụ của bạn cũng chỉ một đời, đời này bạn hưởng hết rồi thì sẽ không còn nữa. Xả bỏ tự tư tự lợi, chuyển đổi ý niệm lại, tất cả vì xã hội, vì chúng sanh. Vậy vẫn chưa đủ lớn, tâm lượng của Phật Bồ-tát, các ngài không phải vì chúng sanh trên địa cầu này của chúng ta, mà là vì tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, cho nên tâm lượng đó lớn, người này mới được gọi là thượng thiện.

Trước tiên, hãy mở rộng tâm lượng, nhất định không vì chính mình, không vì chính mình có rất nhiều điều tốt! Các bạn đồng tu hãy bình lặng mà quán sát, tỉ mỉ mà tư duy, bạn sẽ thấy rất nhiều người, cũng có người xuất gia, người vì chính mình thì hình tướng của họ như thế nào? Người không vì chính mình, chúng ta đây là không vì chính mình. Mỗi một tuần lễ có hai ba đoàn đến nơi đây thăm tôi, đây là thí dụ rất rõ ràng. Nếu như tôi tự tư tự lợi, các bạn nhất định sẽ không đến nơi đây thăm tôi, cũng sẽ không có nhiều người như vậy tụ hội về Cư Sĩ Lâm, Tịnh tông Học hội, không hề tự tư tự lợi, tất cả đều công khai. Tiền quý vị cúng dường cho tôi, tôi liền chuyền tay đưa đi ngay. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên tay không sờ đến chỗ tiền đó, bạn cúng dường cho Cư Sĩ Lâm bất kỳ thứ gì, cho dù là chi phiếu, ông ấy cũng bảo người khác nhận, bản thân ông ấy không nhận, cảm thấy sợ những thứ này. Quý vị đưa cho tôi, tôi chuyền tay đưa đi liền. Hết thảy đều vì chánh pháp cửu trụ, chánh pháp là giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh giác ngộ, trong tất cả việc tốt thì đây là việc tốt hàng đầu.

Cho nên tôi đã nói với mọi người rất nhiều lần, muốn xã hội an định, muốn thế giới hòa bình, tất cả chúng sanh muốn chung sống hòa thuận với nhau thì phải đối đãi bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, vậy thì cả thế giới là một đại gia đình. Làm thế nào mới có thể thực hiện? Chính trị không làm được, vũ lực cũng không làm được, kinh tế, khoa học, kỹ thuật đều không làm được. Việc này mọi người đều thấy rất rõ ràng, lịch sử mấy ngàn năm chúng ta thấy được rất rõ ràng, thứ có thể làm được chỉ có giáo dục. Thích-ca Mâu-ni Phật xuất thân là vương tử, ngài có thể làm quốc vương, nhưng ngài biết được việc này chính trị không thể giải quyết nên ngài từ bỏ ngôi vua. Trong kinh điển ghi chép, khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn trẻ võ nghệ siêu quần, ngài có thể làm tướng quân, làm nguyên soái, nhưng ngài cũng không làm việc này, ngài biết được việc này không thể giải quyết được vấn đề nên xả bỏ hết, cả đời theo đuổi công tác giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá. Thích-ca Mâu-ni Phật là thân phận gì? Là người như thế nào? Dùng lời hiện nay mà nói, ngài là người làm công tác giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá, ngài làm sự việc này. Hơn nữa là dạy học miễn phí, ngài không nhận học phí, không nhận cúng dường của người khác, trải qua đời sống đơn giản nhất, mỗi ngày ba y một bát, thanh tịnh tự tại, an vui không gì bằng, làm mô phạm cho chúng ta.

Năm xưa ở đời, ngài du học năm khu vực ở Ấn Độ, Ấn Độ chia làm năm khu vực, vào lúc đó đều là nước nhỏ, chưa thống nhất, giống như thời nhà Chu của Trung Quốc vậy. Vào thời nhà Chu, chúng ta đọc trong sách có đến 800 chư hầu, chính là hơn 800 quốc gia nhỏ. Nước lớn đại khái chỉ lớn bằng một huyện ngày nay; nước nhỏ thì như một thôn trang nhỏ, thôn trấn nhỏ. Những nước nhỏ này đương nhiên có mâu thuẫn, đương nhiên có xung đột, đương nhiên có chiến tranh, Thích-ca Mâu-ni Phật dạy học đã đem những việc này hóa giải hết. Cho nên chúng ta xem thấy trong sách, lúc đó 16 vị đại quốc vương đều quy y Phật pháp, đều nương theo Thích-ca Mâu-ni Phật làm thầy, đây là họ hiểu được. Cổ thánh tiên hiền của Trung Quốc cũng hiểu được đạo lý này, trước khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, Trung Quốc thời xưa đề xướng hiếu đạo, đề xướng sư đạo. Hán Võ Đế chế định phương châm giáo học của quốc gia, cũng chính là ngày nay chúng ta gọi là chính sách giáo dục. Vào thời Hán Võ Đế, Phật pháp vẫn chưa truyền đến Trung Quốc, Phật pháp truyền đến Trung Quốc là triều Hán Minh Đế, phải đến mấy đời sau, thời hậu Hán Minh Đế, Hán Võ Đế là thời tiền Hán. Chính sách này căn cứ vào chương Học Ký trong sách Lễ Ký mà thực thi, Học Ký là triết học giáo dục của Trung Quốc cổ xưa, trong đó có câu: “Dựng nước quản dân, giáo dục làm đầu.”

Các bạn phải biết, một quốc gia trị hay loạn, nguyên nhân là ở giáo dục, gia đình bạn hưng hay suy thì then chốt cũng ở giáo dục. Nhà của bạn có thể hưng thịnh hay không phải xem trẻ nhỏ trong nhà bạn, bạn làm cha mẹ thì phải thường xuyên biết con của bạn chúng muốn cái gì? Chúng nghĩ cái gì? Chúng nói cái gì? Chúng làm cái gì? Bạn phải hiểu rõ chúng, tất cả sai lầm đều phải sửa đổi, đây là giáo dục. Điều quan trọng nhất là không được có tâm tự tư tự lợi, phải nỗ lực, phải hiếu học. Trong học tập, quan trọng nhất là đức hạnh, sau khi trí tuệ và kỹ năng học thành rồi thì phục vụ cho xã hội, từ nhỏ cha mẹ phải dạy; vì quốc gia mà phục vụ, vì nhân loại toàn thế giới mà phục vụ, đây là điều vĩ đại. Còn cha mẹ ngu si thì sẽ vì gia đình chính mình mà kiếm tiền, để gia đình hưởng thụ. Bạn phải biết, ngạn ngữ nói rất hay: “Một nhà no ấm, ngàn nhà oán.” Cả nhà bạn rất sung túc, bạn không chăm sóc người khác, người khác đều là oán thân trái chủ của bạn, hận bạn tận xương, đến khi vận của bạn suy rồi họ sẽ cùng nhau tấn công, nhà của bạn liền bị diệt vong. Cho nên phải bố thí ân đức, chính mình có năng lực, có tiền của thì bố thí cho người nghèo khổ, gia đạo của bạn sẽ vĩnh viễn không suy. Vì sao vậy? Người nghèo khổ ủng hộ bạn, bạn là người tốt, bạn chịu giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi hy vọng bạn phát tài to, bạn phát tài to thì chúng tôi được nhờ, người người đều giúp đỡ. Nếu bạn không chăm sóc người khác, bạn phát tài, người ta sẽ hận bạn; nhà bạn bị hỏa hoạn, họ quyết không đến cứu lửa, “cháy hay lắm, cháy hay lắm”. Khi nhà bạn bị cường đạo cướp bóc, họ đứng bên cạnh nhìn thấy sẽ nói: “Cướp rất đúng, đáng bị cướp”, đều sẽ biến thành hiện tượng này, đây là thường tình của con người. Nhất định phải giúp đỡ người khác, phải giúp đỡ xã hội. Chúng ta giúp đỡ người khác, khi chúng ta gặp khó khăn thì người khác giúp đỡ chúng ta, giúp đỡ lẫn nhau, cho nên nhất định phải hiểu đạo lý này.

Tôi cũng gặp rất nhiều bạn đạo đồng tu, thậm chí một số lão pháp sư đến hỏi tôi: “Pháp sư Tịnh Không, tôi muốn học tập với thầy.” Tôi hỏi: “Học gì vậy? Tôi có gì hay đâu mà học? Tôi chẳng có gì cả.” Họ nói: “Pháp duyên của thầy thù thắng, thầy dạy cho tôi với.” Tôi nói: “Việc này rất đơn giản, bố thí đi, bạn bố thí thì pháp duyên sẽ tốt, bạn không chịu bố thí thì bạn lấy đâu ra pháp duyên?” Mấy chục năm qua, tôi ở trên đài giảng kinh, năm nay được 41 năm rồi, những băng ghi hình, băng ghi âm của chúng tôi, hiện tại làm thành đĩa và in thành sách, phía sau tờ bản quyền của chúng tôi đều là “hoan nghênh sao chép”, tuyệt đối không có nói “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, nhất định không có như vậy. Cho nên băng đĩa, sách giảng của chúng tôi lưu thông khắp thế giới, pháp duyên thù thắng như vậy. Nếu như phía sau tôi in lên “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, vậy thì pháp duyên xong rồi. Ngày nay vì sao sinh ra ảnh hưởng lớn đến như vậy trên thế giới? Rất nhiều đồng tu nói với tôi, tính toán dè dặt nhất thì có hơn hai trăm triệu người [bị ảnh hưởng]. Do nguyên nhân gì? Chính vì không có bản quyền, nên mọi người hoan hỷ lưu thông. Chúng ta là lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng, bạn hà tất phải cần bản quyền? Bạn muốn bản quyền đó, bạn lấy được bao nhiêu tiền? Quá hạn hẹp! Chúng tôi không có bản quyền, bạn xem số người [bị ảnh hưởng] rất đông. Tôi sống ở Singapore, mỗi một tháng đều có mấy trăm người từ nước ngoài đến thăm tôi, đến thăm tôi đều mang một ít cúng dường, tiền quá nhiều, so với thu nhập bản quyền của bạn không biết là vượt hơn bao nhiêu lần. Đây đều là sự thật.

Chúng tôi đem số tiền này làm càng nhiều kinh sách băng đĩa hơn, kết duyên cùng với các nơi trên thế giới. Cho nên tiền nhiều thì làm nhiều, tiền ít thì làm ít, không tiền là tốt nhất, không có tiền thì tôi không có việc, tôi có thể tìm một nơi sơn thủy hữu tình để ẩn cư, để đọc sách, để niệm Phật, an vui biết bao! Thế nhưng hiện tại thì không cách gì làm được, các vị đưa nhiều tiền đến như vậy thì phải làm sao? Tôi phải nghĩ cách dùng nó như thế nào, nhanh chóng đem nó đưa đi hết, thứ này nhất định không được lưu lại. Người xưa gọi tiền tài là “thông hóa”, giống như nước chảy, nhất định phải lưu thông, đi nhiều đến nhiều, đi ít đến ít, không đi không đến. Thông hóa thì phải lưu thông mới được, không được tích tài, hễ tích thì sai rồi, trong kinh Phật nói “tích tài hại đạo”, đạo sẽ không còn. Cho nên không thể tích tài, tiền tài nhất định phải dùng, đặc biệt phải giúp đỡ người khổ nạn. Thế nên, chúng ta làm nhiều việc lợi ích cho xã hội, lợi ích cho đại chúng, đây là công đức chân thật, đời này bạn đến không hề uổng phí, bạn đã không sống uổng.

Cho nên các vị đến nơi đây, điều quan trọng nhất chính là buông xuống “tự tư tự lợi”, buông xuống “danh văn lợi dưỡng”, buông xuống “tham sân si mạn”, chỉ cần buông xuống mười hai chữ này thì bạn học Phật nhất định sẽ thành Phật. Bạn học Phật không thể thành Phật là vì trong mười hai chữ này luôn có mấy chữ bạn không buông xuống được, tạo thành chướng ngại. Phật Bồ-tát sở dĩ có thể thành Phật Bồ-tát là vì mười hai chữ này các ngài hoàn toàn không có. Học Phật, mọi người thường nghe nói, chư Phật Bồ-tát thừa nguyện tái lai, thế nào gọi là thừa nguyện tái lai? Nếu như chúng ta phát nguyện, nguyện lực vượt qua nghiệp lực của chúng ta thì hiện tại chúng ta là thừa nguyện tái lai. Phật Bồ-tát là nguyện gì? Chúng ta biết, Phật Bồ-tát ứng hóa đến thế gian này, thân thể này là phục vụ cho mọi người, không phải vì chính mình. Ngày nay chúng ta được thân này, mỗi niệm đều là vì ta, vì ta là nghiệp lực. Thân thể không phải là ta, thân thể là một công cụ phục vụ cho tất cả chúng sanh, vậy thì bạn chính là thừa nguyện tái lai, bạn không khác gì với Phật Bồ-tát. Cho nên nói phàm phu và Phật chỉ khác nhau ở một niệm, một niệm mê, mê cái gì? Mê thân này là ta, tất cả đều vì ta, đã mê rồi! Phật Bồ-tát là giác, giác là gì? Thân thể không phải ta, thân thể là công cụ vì chúng sanh mà phục vụ, tận lực phát huy công cụ này, vì tất cả chúng sanh mà tạo phước, một niệm này chuyển đổi lại thì phàm phu thành Phật. Không vì chính mình thì phước báo của chính mình vô lượng vô biên, trí tuệ vô lượng vô biên. Chúng ta từ chỗ này mà làm một sự chuyển biến lớn 180 độ thì các bạn học Phật ngay trong một đời này khẳng định thành tựu. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.