PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 79/149
Mời mở quyển kinh, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười hai, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ tư:
Lìa việc không cho mà lấy, lại hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; thù thắng không gì bằng, đều có thể thâu thập đầy đủ pháp tạng của chư Phật.
Trong lục độ thì đây là điều thứ hai: trì giới ba-la-mật. “Không cho mà lấy”, đây là giới trộm; có thể lìa việc không cho mà lấy thì cũng chính là trì giới bố thí. Một điều này chính là trì giới bố thí, phần trước là không sát sanh bố thí, còn đây là trì giới bố thí. Bố thí nhất định được phước báo. “Tiền của” (tài bảo) nói ở đây là quả báo thông ba đời. Bố thí tài thì được giàu có, tiền của cũng được xem là bảo; bố thí pháp được thông minh trí tuệ, thông minh trí tuệ là pháp bảo; bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu, chúng ta nhất định biết được mọi người đều xem khỏe mạnh sống lâu là bảo vật hàng đầu, cho nên tài bảo là thông ba loại nhân quả. Người tuy thường hành bố thí nhưng nếu họ vẫn không lìa ác nghiệp; nghĩa là vẫn tạo mười ác nghiệp, nhưng họ cũng hoan hỷ bố thí thì họ có được phước báo hay không? Được phước báo. Nhưng phước báo của họ hưởng thụ ở đâu? Hưởng thụ ở ba đường ác, bởi chưa đoạn tham sân si. Nếu họ đọa trong cõi súc sanh, trong cõi súc sanh cũng có phước.
Chúng ta hiện nay thấy rất nhiều người nuôi thú cưng, bạn thấy chúng có phước báo biết bao! Một gia đình nuôi một con thú cưng, đó là bảo bối của gia đình ấy, không ai không ưa thích nó, không ai không quan tâm nó, phước báo đó của nó là do đời trước tu bố thí. Nếu thú cưng này rất thông minh là do nó còn có bố thí pháp; hoặc nếu nó khỏe mạnh sống lâu thì do nó còn bố thí vô úy. Cho nên, bạn hãy quan sát kĩ thú cưng mà người ta nuôi thì bạn có thể biết được nhiều con thú cưng trong đời quá khứ đều tu ba loại bố thí, nhưng do chúng chưa lìa tham sân si nên phải nhận quả báo này. Nếu phước báo lớn thì chúng sẽ biến thành la-sát, biến thành a-tu-la, đây là phước báo lớn; a-tu-la là đứng đầu trong cõi súc sanh, là quỷ vương trong cõi ngạ quỷ, sẽ được phước báo như vậy. Thế nhưng chúng ta biết rằng loại phước báo này sau khi hưởng hết rồi thì ác nghiệp của họ hiện tiền, lúc đó mới thật sự là khổ báo. Do đây có thể biết, nếu không tu thập thiện nghiệp thì tất cả phước tu được đều không chân thật; chỉ có tu thập thiện, nương theo thập thiện, lại tu bố thí, trì giới, lục độ vạn hạnh nữa thì phước báo này mới là chân thật, mức thấp nhất cũng là hưởng phước báo trời người.
Thế nhưng quý vị phải biết, phước báo trời người vẫn không phải cứu cánh. Chúng ta xem trước đây, trước đây thì có, hiện nay không còn người có phước báo lớn như vậy. Các vị vua thời tiền Thanh như Khang Hy, Càn Long, phước báo của họ là do đời đời kiếp kiếp đã tu, không biết họ đã tu tích trong bao nhiêu đời mới trở thành đế vương của nhân gian. Phước báo là do tu mà có, chắc chắn là họ thảy đều tu ba loại phước báo, cho nên họ giàu có, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu. Khang Hy đã làm hoàng đế 61 năm, Càn Long đã làm hoàng đế 60 năm và làm thái thượng hoàng 4 năm. Nếu họ không tu ba loại phước báo này thì phước từ đâu mà ra? Dĩ nhiên hai vị hoàng đế này đều là vị vua anh minh, đế vương anh minh, thật sự vì quốc gia dân tộc, vì nhân dân mà làm ra không ít việc tốt. Họ có lỗi lầm hay không? Vẫn có, đó là vụ xử tội dùng ngôn từ phạm húy, là chuyện nhỏ nhặt chẳng đáng kể mà giết biết bao nhiêu người có học, đây là tạo nghiệp. Khi hưởng hết phước báo rồi, họ còn dư phước, lại hưởng dư phước đáng kể rồi thì tội báo liền hiện tiền.
Cho nên, quả báo ở trong lục đạo đều chẳng phải cứu cánh, người thông minh nhất định phải thoát khỏi lục đạo. Dẫu rằng chúng ta phát nguyện muốn đến lục đạo cứu độ chúng sanh khổ nạn, nhưng nhất định phải là thừa nguyện tái lai. Vì sao vậy? Vì người thừa nguyện tái lai thì họ là thân nguyện lực, không phải là thân nghiệp báo; người thừa nguyện tái lai chắc chắn không tạo nghiệp. Chúng ta có thể từ chỗ này mà quan sát, họ là người tích lũy tu phước tu tuệ mà đến, hay là người đích thực thừa nguyện mà đến. Nếu như vẫn còn ác niệm, vẫn còn yêu ghét thì họ không phải thừa nguyện tái lai; người thừa nguyện tái lai thì tình đã chuyển thành trí tuệ rồi, cho nên chắc chắn không có cảm tình khởi tác dụng. Họ đối nhân xử thế tiếp vật là trí tuệ chân thật, nhất định không dùng tình cảm; nếu còn có tình thì đây là thân nghiệp báo, theo nghiệp mà lưu chuyển. Tông Pháp Tướng trong nhà Phật nói là chuyển thức thành trí, “thức” chính là tình thức. Cho nên nói chuyển tám thức thành bốn trí, bốn trí Bồ-đề, đây là người thừa nguyện tái lai; người không thể đem tâm, tâm sở chuyển biến thành bốn trí Bồ-đề thì người này là phàm phu sáu cõi. Phàm phu sáu cõi dù phước báo lớn đến đâu, làm đến Ma-hê-thủ-la thiên vương, nhưng khi hưởng hết phước rồi vẫn phải đọa lạc xuống; hay nói cách khác, chắc chắn không thoát khỏi luân hồi.
Cho nên, chúng ta hãy lắng lòng quan sát, Đại Phạm thiên vương, Ma-hê-thủ-la thiên vương không sánh bằng Tu-đà-hoàn. Tuy Tu-đà-hoàn tới lui nhân gian và cõi trời bảy lần, nhưng chắc chắn thoát khỏi lục đạo luân hồi. Chư thiên, thiên vương không có cách gì thoát khỏi luân hồi. Chúng ta tu hành, tu ở chỗ nào vậy? Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, làm thế nào chuyển tình thức thành Bồ-đề, trong bốn trí Bồ-đề thì chuyển a-lại-da thức thành đại viên cảnh trí. Đại viên cảnh trí có nghĩa là gì? Chính là chúng tôi hiện nay đem lời giáo huấn của Phật tổng kết thành mười câu là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi; nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”; tâm bao thái hư, lượng chu sa giới, đây là đại viên cảnh trí. Tâm chân thành bao trùm hư không, trọn khắp pháp giới, tâm thanh tịnh bao trùm hư không, trọn khắp pháp giới, thậm chí cả tự tại cũng bao trùm hư không, trọn khắp pháp giới, tùy duyên cũng là bao trùm hư không, trọn khắp pháp giới, đây là đại viên cảnh trí. Chuyển mạt-na thành bình đẳng tánh trí, chuyển ý thức thứ sáu thành diệu quan sát trí, chuyển năm thức trước thành thành sở tác trí, sức chứa của “trí” đều là bao trùm hư không, trọn khắp pháp giới.
Chúng ta từ chỗ nào mà chuyển đổi? Từ trong đời sống thường ngày, trong đối nhân xử thế tiếp vật, làm một sự chuyển đổi lớn, dứt khoát không khởi tự tư tự lợi; thuận cảnh nhất định không khởi tham ái, nghịch cảnh nhất định không khởi sân giận, chúng ta bèn “đạt đến chí thiện”. Tiếp xúc với tất cả chúng sanh, khởi tâm động niệm không có gì là không thiện, nhất định tương ưng với thập thiện nghiệp, quả báo là xứng tánh. Cho nên “thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt”. Tiền của xứng tánh thì có người nào có thể xâm phạm được, người nào có thể đoạt lấy được? Nếu người ta đến xin thì đều cho họ, của ở đây hết rồi thì ở kia liền đến, vĩnh viễn không bị mất đi, cho nên nói càng thí càng nhiều.
Chúng ta thấy thế gian hiện nay, chúng sanh sống khổ đến như vậy, trình độ văn hóa ngày một sa sút. Đời sống vật chất gian khổ là do không biết bố thí tài; trình độ văn hóa sa sút là do không biết bố thí pháp. Chúng ta mỗi lần xem thấy một cuốn sách, lật đến trang cuối là “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, không chịu bố thí pháp thì làm sao có thể tăng trưởng thông minh trí tuệ cho được? Niệm niệm luôn tính toán với người khác, ham muốn lợi nhỏ, quả báo khỏe mạnh sống lâu sẽ không đạt được, sẽ không có. Chúng ta quan sát tỉ mỉ xã hội này, mọi người đều đang tạo nghiệp, không biết tu phước, cho rằng tạo nghiệp là chính mình thông minh, bản thân tài giỏi hơn người khác, cho rằng tạo tác những ác nghiệp nên có được phước báo này. Họ không hiểu được rằng phước báo đó là trong mạng họ có, phước báo trong mạng họ có thật ra lớn hơn rất nhiều, rất nhiều so với phước mà họ hiện nay đạt được và hưởng thụ! Bởi vì họ tạo tội nghiệp nên đã bị tổn giảm, bị giảm bớt mà họ vẫn còn hưởng phước lớn như vậy thì bạn thử nghĩ xem, nếu không bị giảm bớt thì phước báo của họ còn lớn đến cỡ nào!
Trước đây, trên thế gian có nhiều bậc thánh hiền, cho nên có môi trường tu học tốt, trong nhà có người già làm tấm gương cho bạn thấy, trong xã hội có rất nhiều học giả làm tấm gương cho bạn thấy. Sách xưa của Trung Quốc, không cần nói nhiều, cuối năm triều Thanh trở về trước, có tác phẩm văn học nào ở sau có dòng chữ “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu” hay không? Không có. Cái mà các bạn nhìn thấy đều là “hoan nghênh lưu thông, công đức vô lượng”, đều là khuyên bạn lưu thông, không hề ngăn cấm. “Sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu” là đến đầu năm Dân Quốc mới có, người ở thời đại Dân Quốc này khổ, đáng thương, không biết tu phước. Những trưởng giả đại phú, quý tộc quyền thế trong xã hội từ thời Dân Quốc về sau mà chúng ta nhìn thấy đều đã tu phước ở các thời đại đế vương trước đây, hiện nay họ đến hưởng thụ. Chúng ta đời này thật sự là may mắn gặp được Phật pháp, nên mới có thể nhìn ra được, nhân duyên quả báo của thế gian này, chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, rất sáng tỏ, cho nên chúng ta tự mình biết cần phải làm như thế nào.
Câu này là lìa trộm cắp thì được phước báo “thù thắng không gì bằng, đều có thể thâu thập đầy đủ”. Hai câu này ý nói, cái mà bạn đạt được là phước đức tối thắng không gì bằng. Không chỉ như vậy, phía sau hai câu này là “đều có thể thâu thập đầy đủ pháp tạng của chư Phật”, phước và tuệ, hai loại phước báo này bạn đều đạt được, quả báo này thật sự là thù thắng không gì bằng. Trí tuệ là từ bố thí pháp mà có được. Người thật sự có tâm bố thí thì trước tác của họ nhất định không được có dòng chữ “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu” này, làm như vậy thì phước mà họ đạt được vô cùng có hạn. Hiện nay, trong cửa Phật có một số đại đức cũng lơ là không chú ý, đã sơ suất sự việc này, trước tác của mình cũng in lên dòng chữ “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, đoạn mất pháp duyên của mình rồi, đã đi ngược lại thệ nguyện của mình. Mỗi ngày vẫn tụng thệ nguyện trên cửa miệng là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, còn trên trước tác thì ghi “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, vậy bạn độ chúng sanh kiểu gì đây? Bạn đã đi ngược lại thệ nguyện của mình rồi, bạn độ chúng sanh là có điều kiện. “Bạn hãy mang tiền đến mua sách của tôi”, vậy sẽ biến thành gì? Biến thành hàng hóa làm ăn mua bán rồi, làm gì có pháp duyên? Tâm thái của bạn như vậy thì niệm Phật không thể vãng sanh, thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người lòng dạ hẹp hòi như vậy.
Bản thân chúng ta học Phật có một chút tâm đắc viết ra cúng dường đại chúng, tiếc là không thể in nhiều một chút để tặng cho người khác. Bản thân ta không có khả năng in thì người khác in chẳng phải càng tốt hơn sao? Ta càng bớt việc. Bạn không cho người khác in, nhất định muốn tự mình in để bán kiếm tiền thì còn ra thể thống gì! Tâm thái như vậy thì niệm Phật không thể vãng sanh, một người từ thiện ở thế gian còn không làm như vậy. Người Trung Quốc chúng ta vào thời xưa dạy học, đều tìm đủ mọi cách để lưu thông những điều tốt đẹp. Bình thường chúng ta rất dễ nhìn thấy những vị thầy thuốc, họ có một số phương pháp cấp cứu thông thường đều in thành cuốn sách nhỏ, cuốn sách nhỏ này cũng là “hoan nghênh in ấn, công đức vô lượng”, từ trước đến giờ không hề nhìn thấy ở phần sau những cuốn thiện thư này ghi hạn chế người khác sao chép, chưa từng nhìn thấy. Người Trung Quốc trước đây không có loại tư tưởng này, loại tư tưởng này là từ nước ngoài truyền vào.
Từ xưa đến nay, người nước ngoài tiếp nhận nền giáo dục là giáo dục chủ nghĩa công lợi, họ phải bảo vệ bản thân, sợ người khác xâm phạm quyền lợi của mình, cho nên trong pháp luật đã lập ra rất nhiều điều. Người Trung Quốc từ xưa đến nay tiếp nhận giáo dục thánh hiền, giáo dục thánh hiền là hy vọng tất cả chúng sanh ai ai cũng có thể làm thánh, làm hiền. Giáo dục Phật pháp là hy vọng tất cả chúng sanh sớm thành Phật đạo, làm sao có thể có hạn chế được? Đây là mức thấp nhất mà chúng ta phải giác ngộ. Năm xưa tôi ở đây, pháp sư Diễn Bồi hỏi tôi: “Làm thế nào để có được pháp duyên thù thắng?” Tôi nói với ông: “Bố thí. Bố thí vô điều kiện, bố thí vô tư thì pháp duyên của mình tự nhiên sẽ thù thắng. Bản thân chỉ cần hết lòng thực hiện lời giáo huấn của đức Phật, y giáo phụng hành thì pháp duyên tự nhiên thù thắng.”
Tôi giảng kinh hoằng pháp 41 năm, trước giờ không hề lôi kéo một tín đồ nào đến nghe, không hề có. Tôi trước giờ cũng không đi rải quảng cáo, đây là thầy Lý dạy tôi, thầy nói rất có đạo lý, tôi hiểu. Thầy nói: “Bạn đi giảng kinh ở bên ngoài, bạn rải rất nhiều quảng cáo, cảm được rất nhiều thính chúng đến. Ngày đầu tiên rất tốt, mọi người đều mắc lừa, bị bạn lừa mà đến; sau khi nghe qua, họ thấy bạn giảng chẳng ra sao thì ngày mai số người sẽ giảm bớt một nửa, ngày kia lại giảm tiếp, chẳng phải bạn sẽ nản lòng sao? Bản thân bạn không còn lòng tin nữa.” Lời thầy nói rất có đạo lý, cho nên không rải quảng cáo. Ngày đầu tiên mình giảng kinh có ba người nghe, ngày thứ hai giảng kinh có bốn người nghe, ngày thứ ba giảng kinh có năm người nghe, thính chúng của bạn mỗi ngày đang tăng lên, tăng lên sẽ khiến tinh thần của chúng ta phấn chấn hơn, đây là thầy Lý dạy tôi. Cho nên, nhất định không được làm quảng cáo, làm quảng cáo thì nhiều nhất là bạn giảng được một lần, bạn không thể giảng lần thứ hai, giảng lần thứ hai, lần thứ ba thì thính chúng của bạn sẽ dần dần giảm xuống; trừ khi bạn thật sự giảng hay, người thật sự giảng hay cũng không làm theo cách này.
Phật giáo không giống với những tôn giáo khác, Phật giáo là sư đạo, sư đạo là “chỉ nghe học trò đến học, chưa từng nghe thầy giáo đến dạy”, tuyệt đối không lôi kéo thính chúng, thính chúng là tự họ ngưỡng mộ mà đến. Họ có tâm chân thành, điều này như Ấn tổ nói: “Một phần cung kính được một phần lợi ích”, họ thật sự đạt được lợi ích. Người bị lôi kéo đến, vì cảm tình hoặc bất đắc dĩ miễn cưỡng mà đến, họ sẽ không có tâm cung kính, nên họ không được lợi ích. Đây thật sự là người từng trải thì mới hiểu được, mới đem đạo lý này truyền cho chúng ta. Đến khắp nơi mời chào tín đồ, đây đều là tư tưởng của người nước ngoài, không phải lời dạy của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc chúng ta. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.