PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 73/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ giữa, xem từ điều thứ tư:
Bốn, trực tâm chánh kiến, vĩnh viễn xa rời tất cả lưới nghi về cát hung.
Lìa tà kiến chính là trí tuệ. Tà kiến mà Phật nói ở đoạn này chính là “si” ở trong tam độc phiền não tham sân si, chuyển ngu si thành trí tuệ, trí tuệ hiện tiền thì tự mình có thể làm chủ được. Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật có nói: “Nếu có thể chuyển cảnh thì đồng với Như Lai.” Mục tiêu cao nhất của tu học Phật pháp là ở chỗ này. Sau khi đã khai trí tuệ rồi thì tất cả cát hung họa phước của thế gian bạn đều hiểu rõ, bạn đều sáng tỏ, bạn không còn nghi hoặc nữa. Có cần phải tránh hung tìm cát hay không? Không cần thiết. Vì sao không cần thiết vậy? Bạn có thể chuyển cảnh giới thì bạn có thể chuyển hung thành cát, chuyển họa thành phước, bạn có năng lực này thì bạn hoàn toàn không giống như người thế gian. Người thế gian không có năng lực chuyển cảnh giới là do nguyên nhân gì? Không đoạn tham sân si, cho nên họ mới bị cảnh giới trói buộc. Đoạn tham sân si rồi thì định tuệ hiện tiền, hết thảy vận mệnh, những cảnh ngộ gặp phải thảy đều chuyển đổi được hết, thật sự là chuyển mười pháp giới thành nhất chân pháp giới, đây là sự thật. Điều kiện mà Phật nói ở đây rất rõ ràng là “trực tâm chánh kiến”, bốn chữ này chính là tâm đại Bồ-đề, tâm Bồ-đề là chân tâm.
Thế Tôn nói với chúng ta trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là “tâm chí thành”, trực tâm chính là tâm chí thành. Trong Khởi Tín Luận, Bồ-tát Mã Minh nói về trực tâm, tâm thể của tâm Bồ-đề là trực tâm; còn Phật nói trong Quán Kinh là tâm chí thành. Do đây có thể biết, trực tâm chính là chân thành đến cực điểm. Cách nói như vậy chúng ta vẫn rất khó thể hội, rốt cuộc thế nào là chân thành? Thế nào là chánh trực? Tiêu chuẩn ở chỗ nào? Trong Độc Thư Bút Ký của tiên sinh Tăng Quốc Phiên thời tiền Thanh, ông đã làm định nghĩa cho chữ “thành”, định nghĩa này rất hay, tương đối gần với nghĩa mà Phật pháp nói. Ông nói: “Một niệm không sanh gọi là thành.” Từ đó cho thấy, có niệm thì không thành, không sanh một niệm mới gọi là thành. Chúng ta muốn hỏi: vô niệm có phải là thành hay không? Vô niệm cũng chẳng phải thành. Nếu như nói vô niệm là thành, vậy nhập vô tưởng định thì tâm Bồ-đề bèn hiện tiền rồi. Phật nói cho chúng ta biết, sau khi tu thành công vô tưởng định thì thật sự gọi là một niệm không sanh. Quả báo ở đâu vậy? Ở trời Vô Tưởng của tứ thiền, ở trời ngoại đạo.
Cho nên, chỗ này chúng ta cần phải có năng lực phân biệt. “Một niệm không sanh”, không được hiểu sai ý nghĩa của câu nói này, một cái là “một niệm”, một cái là “không sanh”, bạn mới có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của nó. Một niệm là không có niệm thứ hai, có niệm thứ hai thì không phải một niệm; không sanh là không sanh niệm thứ hai. Câu nói này phải lý giải nó cho thật chính xác, họ không phải rơi vào vô niệm, họ nói là một niệm, họ hoàn toàn không rơi vào vô niệm. “Một niệm”, trong kinh Đại thừa, Phật thường nói: “Tĩnh lặng sáng suốt, sáng suốt tĩnh lặng”, nó là sống, không phải chết. Vô tưởng định là chết, vô tưởng định không phải là sống. Vì vậy, vô tưởng định là vô minh, không phải Bồ-đề.
Bồ-đề rốt cuộc là gì? Thực ra sự việc này là ở ngay trước mắt chúng ta, ngay cả nhà Nho cũng nói: “Đạo không xa người, người tự xa đạo.” Có phương pháp gì? Phật nói trong hội Lăng-nghiêm: “Ngay nơi sáu căn, phóng quang động địa”, đó chính là một niệm không sanh. “Ngay nơi sáu căn” là mắt có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, thân có thể xúc chạm, ý có thể biết. Mắt chúng ta vừa mở ra thì nhìn thấy cảnh giới bên ngoài rất rõ ràng, rất sáng tỏ, đây gọi là nhất niệm; tai nghe âm thanh ở bên ngoài rất rõ ràng, rất sáng tỏ, đây gọi là nhất tâm. “Không sanh” là thế nào? Không sanh vọng tưởng, không sanh phân biệt, không sanh chấp trước, đây là chí thành. Vô tưởng định tuy dường như là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không có, nhưng họ cái gì cũng không biết, cái gì cũng không hiểu rõ, cho nên đó gọi là vô minh. Nhất định không được đem vô minh, vô tưởng định nói thành tâm chí thành, vậy thì hết sức sai lầm.
Phật Bồ-tát không giống như chúng ta, tức là các ngài có thể vĩnh viễn gìn giữ nhất niệm, không khởi niệm thứ hai, điều này tuyệt vời. Mỗi người chúng ta đều có nhất niệm, nhưng thời gian nhất niệm đó quá ngắn ngủi, trong sát-na liền khởi phân biệt, khởi chấp trước, vậy đã đem trí chuyển thành thức rồi. Nhất niệm là trí, là chân trí tuệ; niệm thứ hai khởi lên thì đã đem trí chuyển đổi thành thức, thức chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Cho nên, tu học Phật pháp là tu điều gì? Đại đức của Tướng tông thường nói “chuyển thức thành trí”. Khác biệt giữa thức và trí là ở trong thức có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; ở trong trí không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Từ đó cho thấy, lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm đó gọi là tâm chí thành, gọi là trực tâm, rõ ràng sáng tỏ đến cực điểm. Khi nó không khởi tác dụng thì giống như là vô tri, trong kinh Bát-nhã nói “bát-nhã vô tri”, vô tri chính là tâm chí thành, chính là trực tâm; khi khởi tác dụng thì “không gì không biết”. Vô tưởng định nó cũng vô tri, khi nó khởi tác dụng thì nó chẳng biết gì cả, như vậy không được. Khi khởi tác dụng là không gì không biết, không gì không thể. Chánh kiến chính là trực tâm khởi dụng, nếu nói theo cách của nhà Nho thì trực tâm chính là thành ý, chánh kiến chính là chánh tâm, đó là “thành ý, chánh tâm”. Trong Phật pháp nói, trực tâm là tâm chân thành, chánh kiến là thâm tâm, đại bi tâm, trong Quán Kinh gọi là hồi hướng phát nguyện tâm. Đây là chánh tri chánh kiến, tất cả cát hung họa phước của thế gian thảy đều sáng tỏ rồi. Sáng tỏ thế nào vậy? Rõ ràng sáng tỏ nghiệp nhân quả báo, một chút cũng không mê hoặc, cho nên là “vĩnh viễn xa rời tất cả lưới nghi về cát hung”.
Người thế gian chúng ta, bạn xem thử xã hội hiện nay, họ xem phong thủy, xem tướng, đoán mệnh, họ làm ăn rất khấm khá. Những người này làm ăn tốt thì chứng tỏ người thế gian đối với cát hung họa phước có chồng chất thắc mắc, họ đều muốn biết một chút tin tức, làm thế nào có thể hướng lành tránh dữ, họ đều có tâm cầu may. Bạn có tai nạn, bạn có thể trốn tránh được không? Trốn tránh không khỏi, quả báo nhất định phải tự chịu. Bạn có phước, cái phước đó bạn không cần, bạn muốn bỏ nó đi cũng không bỏ được, phước cứ đi theo bạn. Phật không cho phép chúng ta đi làm những sự việc này. Trong kinh A-nan Vấn Sự Phật Cát Hung, Phật đối với gieo quẻ, xem tướng, đoán mệnh, phong thủy, hết thảy đều không cho phép chúng ta đi hỏi, ngài nói đây là ý thế gian, đệ tử học Phật “có thể làm việc thế gian, nhưng không được phép có ý thế gian”, lời này đã nói rõ ràng, tường tận như vậy.
Thế nhưng Phật thật là từ bi đến cực điểm, chúng sanh có mê hoặc này, có căn tánh này, cứ luôn muốn gieo quẻ để hỏi, cho nên Phật cũng thuận theo tập khí của chúng sanh, ngài đã nói ra bộ kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo, đây là Phật dạy đệ tử Phật chúng ta, nếu như đối với cát hung có nghi hoặc thì gieo quẻ thế nào. Cho nên, chúng ta nhìn thấy bộ kinh điển này thì nghĩ đến Phật thật sự là từ bi đến cực điểm, vì những người này của chúng ta mà mở rộng cửa phương tiện. Nhưng phương pháp gieo quẻ đó, phần trước đều dạy bạn phải tu như thế nào thì mới có thể có được cảm ứng; nếu bạn không có công phu tu học thì sẽ không đạt được cảm ứng. Ở Trung Quốc, chúng ta nhìn thấy có một cuốn sách nhỏ “Quán Thế Âm Bồ-tát Linh Khóa”, đó cũng là sách gieo quẻ. Phía trước đại sư Ấn Quang có viết một lời tựa rất rõ ràng, trước khi gieo quẻ phải hết sức cung kính, hết sức thành khẩn mà niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát 108 biến, đây là cầu cảm ứng, điều này rất có đạo lý. Vì sao vậy? Thành ắt linh, bạn niệm Phật hiệu hơn 100 biến thì tâm định, tâm thành rồi.
Nếu chúng ta vĩnh viễn đoạn dứt tham sân si thì tâm này là chân tâm, là trực tâm chánh kiến, tâm Bồ-đề của bạn liền hiện tiền. Cho nên, tất cả cát hung họa phước không cần phải đi hỏi nữa. Giờ nào cũng là giờ tốt, ngày nào cũng là ngày tốt, ở đâu cũng là chỗ tốt, không có gì là không cát tường. Vẫn là nguyên lý mà Phật đã nói trong bộ kinh này là cảnh chuyển theo tâm, tâm của bạn thuần thiện không ác thì cảnh duyên của bạn thảy đều chuyển đổi trở lại. Chúng ta phải biết đạo lý này. Lại xem câu kế tiếp:
Năm, thường sanh chốn trời người, không rơi vào ác đạo.
Chúng ta nhất định phải biết, ác đạo rất đáng sợ, thật sự là vô cùng khủng khiếp. Địa ngục là khổ nhất, chúng ta dứt khoát không được vào. Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện đã nói rất nhiều, vô lượng vô biên nỗi khổ sở, bất kỳ loại nào chúng ta cũng chịu không nổi. Nhưng thật sự mà nói thì rất dễ đọa địa ngục, còn ra khỏi thì rất khó. Những người nào đọa địa ngục vậy? Trong kinh Phật nói là những người phạm “ngũ nghịch thập ác”, ngược lại thập thiện nghiệp đạo là thập ác nghiệp. Tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, thời xưa gọi là A-la-hán, hiện nay chúng ta gọi là thầy tốt. A-la-hán, Bồ-tát ở trong thế gian này xả mình vì người, giáo hóa chúng sanh, là con mắt của trời người, quả thật đúng là vô lượng công đức; người như vậy nếu bạn dùng tâm ác hại họ thì bằng với giết hại A-la-hán.
Điều thứ tư là làm thân Phật ra máu. Phước báo của Phật rất lớn, thần hộ pháp rất nhiều, không có người nào có thể giết được Phật, nhưng khiến Phật bị thương một chút, chảy một chút máu thì có thể. Thích-ca Mâu-ni Phật cũng làm ra tấm gương cho chúng ta thấy, Đề-bà-đạt-đa hại Phật, làm thân Phật ra máu. Chúng ta ngày nay ý ác phỉ báng Phật, hủy hoại hình tượng của Phật pháp, đó cũng là làm thân Phật ra máu. Tượng Phật được tạo ra, nếu chúng ta dùng tâm sân giận, tâm chán ghét phá hoại tượng Phật, đây cũng là làm thân Phật ra máu. Điều này mọi người đều biết, nhưng ý nghĩa sâu hơn thì mọi người không biết, chúng ta thường đang tạo tội mà không biết, đó là gì vậy? Phá hoại hình tượng của Phật pháp. Chúng ta là người học Phật, đã thọ tam quy ngũ giới mà còn làm ra những việc ác, khiến đại chúng xã hội nhìn thấy bèn nói: “Không thể học Phật, bạn xem kìa, người học Phật là như vậy đó!” Chúng ta đã tạo tội địa ngục, phá hoại hình tượng của Phật pháp mất rồi. Người tạo loại tội nghiệp này rất nhiều, nhưng bản thân không hề biết, “tôi không có tạo tội ngũ nghịch”, không biết đây chính là tội ngũ nghịch. Hình tượng của Phật pháp là gì? Lời giáo huấn đơn giản nhất, rõ ràng nhất đó là:
“Chớ làm việc ác,
Vâng làm việc thiện,
Tự thanh tịnh tâm,
Là chư Phật dạy.”
Chúng ta ngày nay không thể tu thiện, hằng ngày vẫn tạo ác nghiệp, khiến đại chúng xã hội nhìn thấy tín đồ Phật giáo thì mắng Thích-ca Mâu-ni Phật, đánh giá thấp Phật giáo, đó là chúng ta đang phá hoại hình tượng Phật giáo. Cho nên học Phật, là đệ tử Phật thì trong tất cả trường hợp đều phải chú ý cẩn thận, phải làm ra tấm gương tốt cho đại chúng, không được tạo hình ảnh xấu. Chúng ta tạo hình ảnh xấu thì làm sao có thể xứng đáng với Thích-ca Mâu-ni Phật? Chúng ta quy y A-di-đà Phật thì làm sao có thể xứng đáng với A-di-đà Phật? Mỗi niệm phải tương ưng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, mỗi hành vi phải tương ưng với nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, đây gọi là ủng hộ Phật pháp, đây gọi là lễ kính chư Phật. Chúng ta biểu hiện ra có phải như vậy hay không? Cho nên, chúng ta đã tạo tác rất nhiều tội nghiệp mà chính mình hoàn toàn không biết, tương lai đọa lạc đến âm tào địa phủ, vua Diêm-la tính sổ với bạn, nói ra với bạn từng món từng món, đến lúc đó thì đã quá muộn màng, hối hận không kịp nữa.
Điều thứ năm là phá hòa hợp tăng, phá hoại tăng đoàn, đặc biệt là phá hoại cơ duyên hoằng pháp, cơ duyên nghe pháp. Pháp sư giảng kinh thuyết pháp, bạn phá hoại đạo tràng này; chúng sanh có cơ duyên nghe Phật pháp, bạn đi chướng ngại họ, không để họ nghe pháp, đây gọi là phá hòa hợp tăng. Năm tội này đều là đọa địa ngục A-tỳ, cực sâu cực nặng. Chúng ta tạo loại tội nghiệp này thì có nguy không? Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện đã nói rất cặn kẽ, tỉ mỉ về nghiệp nhân quả báo, chúng ta thường xuyên đọc tụng, phải thường xuyên ghi nhớ, nhất định phải quay đầu, phải đoạn ác tu thiện, nhất định phải biết “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”. Phật Bồ-tát là sư trưởng của chúng ta, mở quyển kinh ra, nghe lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, nhất định phải tùy thuận theo giáo huấn của Phật-đà, không được tùy thuận theo ý của mình, tùy thuận theo tham sân si mạn của mình thì chắc chắn đọa lạc. Phật ở trong kinh giáo hết lòng hết dạ chỉ dạy chúng ta, khi chưa chứng được A-la-hán thì nhất định không được tùy thuận theo ý của mình, không được tin vào ý của mình, vì ý của bản thân mình là sai lầm; khi chứng được quả A-la-hán, tức là kiến tư phiền não đều đoạn rồi, thập ác nghiệp đều không còn nữa, những việc bạn làm đều là thập thiện nghiệp, vậy thì khi đó bạn có thể tin vào ý của bản thân bạn. Chưa đoạn hết thập ác thì không thể tin vào ý của mình.
Người mà có thể đoạn ác tu thiện, đoạn sạch sẽ, tu hành viên mãn, cho dù chưa gặp được Phật pháp, không biết thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đời sau của họ cũng “thường sanh chốn trời người, không rơi vào ác đạo”. Tuy không thể thoát khỏi luân hồi nhưng đều thọ sanh ở ba đường thiện, tuyệt không bị đọa vào ba đường ác. Là cõi trời người trong ba đường thiện, không làm a-tu-la, a-tu-la cũng không tốt. Hôm nay, chúng tôi giảng kinh Hoa Nghiêm sẽ nói về a-tu-la, sẽ giới thiệu với quý vị thế nào gọi là a-tu-la, a-tu-la không tốt ở chỗ nào? Tốt rồi, thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.