Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 45/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 45/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, kinh văn hàng thứ ba từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu cuối cùng: “Năm, được thiện tri thức bất hoại, không lừa gạt. Đó là năm.” Đoạn này nói rõ, xa lìa lỗi lầm của nói ly gián thì sẽ được năm loại phước báo thù thắng. Phía trước đã giới thiệu qua bốn loại, sau cùng đây là loại thứ năm, “được thiện tri thức bất hoại”. Thiện tri thức là thầy của chúng ta, là bạn đồng học của chúng ta, điều này có quan hệ mật thiết nhất đối với sự thành tựu về đạo nghiệp, học nghiệp của chúng ta, có thể nói trong tăng thượng duyên thì đây là tăng thượng duyên quan trọng hàng đầu. Trong kinh A-nan Vấn Sự Phật Cát Hung, điều đầu tiên Phật nói với chúng ta là phải thân cận minh sư, đó chính là thiện tri thức mà ở đây nói. “Minh” không phải là nói vị thầy này tiếng tăm lừng lẫy, hiện nay gọi là rất có danh tiếng, điều này chưa chắc có hiệu quả. Nhà Phật nói “minh” là minh tâm kiến tánh, họ trong tu học thật sự có tu, có học, có chứng, đương nhiên tốt nhất là họ chứng quả; cho dù chưa chứng quả nhưng họ cũng là chân tu, thực học, vị thầy như vậy chúng ta gần gũi họ nhất định có lợi ích.

Nhưng rất khó có được thiện tri thức, từ xưa đến nay gọi là “có thể gặp, không thể cầu”. Đến đâu để cầu thiện tri thức đây? Càng là chân thiện tri thức thì càng khiêm tốn, nhất định không được khen mình chê người, hoặc nói “người khác không bằng tôi, tôi cái gì cũng tốt”, loại thiện tri thức này vào thời xưa không có, hiện nay thì rất nhiều, bây giờ đều là tán thán mình, phỉ báng người khác. Chúng ta phải biết rằng, phàm là khen mình chê người thì chắc chắn không phải thiện tri thức. Thiện tri thức đều vô cùng khiêm tốn, nơi nơi đều nhẫn nhường, tuyệt đối chẳng phải trong bất kỳ trường hợp nào cũng đứng trước người khác, muốn tranh đua khoe mẽ, không có chuyện này, họ dứt khoát không làm việc này. Người thật sự tu đạo, thật ra mà nói, thái độ của họ là “nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”, hoàn cảnh sinh hoạt của họ là cực kỳ thanh tịnh. Chỉ có phàm phu chúng ta đi tìm họ, họ cũng rất từ bi, họ không thể không chỉ dạy chúng ta; chúng ta không tìm họ thì họ cũng không tìm chúng ta. Từ xưa đến nay, trong pháp thế xuất thế gian, mọi người đều nghe nói “cầu học”, muốn học thì chúng ta phải đi cầu, họ sẽ không chủ động đến dạy bạn, không có đạo lý này.

Phật pháp là sư đạo, sư đạo thì nhất định phải tôn sư trọng đạo, vậy bạn mới có thể cầu được. Thái độ cầu học là phải chân thành, phải cung kính, phải khiêm tốn, ba thứ này là điều kiện cần phải có đủ. Không có ba điều kiện này thì chư Phật Bồ-tát đến dạy bạn, bạn cũng không đạt được lợi ích, đây là đạo lý nhất định. Bất luận là thế pháp hay Phật pháp, thiện tri thức chân thật chắc chắn là người nhân từ, chỉ cần bạn đầy đủ điều kiện chân thành, cung kính, khiêm tốn thì bạn đến cầu họ, họ tuyệt đối sẽ không từ chối. Nếu họ từ chối bạn, nhất định là bạn thiếu một trong ba điều kiện này, họ sẽ từ chối bạn; ba điều kiện thảy đều có đủ thì họ không có lý do gì từ chối, họ sẽ rất hết lòng giúp đỡ bạn, thành tựu bạn.

Khi tôi còn trẻ đã từng gần gũi rất nhiều thiện tri thức, không có người nào từ chối tôi cả. Tôi có thái độ tốt đẹp của một người học trò, thật sự là muốn học nên được thiện tri thức chỉ dạy đặc biệt. Năm 1949 tôi đến Đài Loan, thường hay nghĩ đến khổ nạn của nhân gian, làm sao giúp chính mình, làm sao giúp đỡ người khác? Tôi đã nghĩ rất nhiều vấn đề, cuối cùng rút ra một kết luận: đây đều liên quan đến con người. Cổ nhân nói rất hay: “Người còn chế độ còn, người mất chế độ mất.” Thế nên, tôi mới thật sự thể hội ra chế độ là thứ yếu. Có rất nhiều người hỏi tôi: “Pháp sư à, rốt cuộc là thầy tán thành quân chủ hay tán thành dân chủ?” Quân chủ hay dân chủ đều không quan trọng, quan trọng nhất là gì? Là người tốt. Vị lãnh đạo này là người tốt thì quân chủ cũng tốt, dân chủ cũng tốt, mọi người đều hưởng phước; người này không phải là người tốt thì quân chủ hay dân chủ, mọi người đều gặp nạn. Vấn đề ở con người!

Nghiên cứu vấn đề con người thì không thể không nghiên cứu triết học. Làm sao làm người tốt? Làm sao khai trí tuệ? Cho nên tôi một lòng một dạ muốn học triết học, cũng được gần gũi mấy vị thầy, cuối cùng tôi chọn tiên sinh Phương Đông Mỹ. Thầy rất từ bi, mục đích ban đầu của tôi là chỉ hy vọng thầy cho phép tôi đến trường để nghe bài giảng của thầy, vậy là tôi thỏa mãn rồi. Thầy thấy tôi thật sự có thành ý, thật sự muốn học, tôi đối với thầy cung kính, thái độ của tôi vô cùng khiêm tốn, tiếp nhận sự chỉ dạy 100%. Bởi thế nên thầy không để tôi đến trường, mà dạy tôi ở nhà thầy, mỗi chủ nhật hằng tuần tôi đến nhà thầy để học, học trò chỉ có mình tôi. Một thầy, một trò, tại bàn tròn nhỏ trong phòng khách nhỏ của nhà thầy, pha một tách trà, như vậy mà học, tôi đã học triết học với thầy như vậy. Thầy đặc biệt yêu thương tôi. Học trò của thầy thì rất nhiều, rất nhiều, vì sao thầy lại đặc biệt quan tâm tôi như vậy? Chính là tôi đầy đủ ba điều kiện này. Học trò có đầy đủ ba điều kiện này không nhiều, đây chính là “có thể gặp, không thể cầu”; học trò muốn tìm thầy không dễ, mà thầy tìm học trò cũng không dễ. Sau đó rất nhiều bạn học biết được, họ rất xem trọng, rất tán thán tôi, họ nói: “Mắt thầy Phương để ở trên đỉnh đầu, không hề xem trọng người nào, thầy có thể đối xử với anh như vậy, nhất định anh không phải là người đơn giản.”

Các bạn đồng tu ở Hồng Kông, có lẽ ở Hồng Kông đều biết tiên sinh Đường Quân Nghị. Đường Quân Nghị là học trò của tiên sinh Phương, ông là người rất có thành tựu. Thầy Phương đối với tiên sinh Đường cũng rất yêu mến, cũng thường hay nhắc đến với tôi. Cho nên, tự bản thân chúng ta phải đầy đủ điều kiện cầu học, tức là bạn phải hiểu đạo lý làm học trò. Bạn là học trò tốt thì tự nhiên Phật Bồ-tát, ông trời sẽ sắp đặt cho bạn một người thầy tốt; bạn không phải học trò tốt thì bạn gặp thầy giỏi cũng uổng công, bạn cũng không có được lợi ích.

Về sau tôi tiếp xúc Phật pháp, tôi thân cận đại sư Chương Gia, thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, đều nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Do đây có thể biết, bản thân chúng ta có thể thành tựu hay không, có được sự giúp đỡ của thiện tri thức, thiện hữu hay không đều do chính mình. Bản thân phải có nhân chân thật thì bên ngoài mới có sự trợ duyên tốt. Nhân và duyên đều đầy đủ thì quả báo mới hiện tiền. Việc gì cũng oán trời trách người thì chắc chắn sẽ không có thành tựu. Nếu ta luôn cảm thấy mình lúc nào cũng đúng, người khác là không đúng, luôn cảm thấy người khác có lỗi với mình, ngay cả ông trời cũng có lỗi với mình thì ta hết cứu rồi. Vì sao vậy? Tất cả thiện tri thức, thiện duyên nhìn thấy bạn liền kính mà tránh xa, không dám gặp bạn. Ta phải hiểu đạo lý này, chân thành, cung kính, khiêm tốn, nơi nơi đều nhẫn nhường.

Người theo đuổi học vấn thì không ham muốn lãnh đạo, không ham muốn chiếm hữu, họ đều rất nhiệt tâm đứng ở bên cạnh, đứng ở phía sau giúp đỡ người khác. Cho nên, họ có thể chung sống hòa thuận với mọi người, họ lui về phía sau. Tôi cả đời đều là giúp người, chỉ cần người ta đồng ý tiếp nhận sự giúp đỡ của tôi, những việc họ làm là chánh pháp, là lợi ích xã hội đại chúng, chúng tôi sẽ cùng chung sống thật tốt. Trước đây, tôi chung sống với quán trưởng Hàn Anh suốt 30 năm. Sau khi bà vãng sanh, chúng tôi tiếp nhận lời mời của cư sĩ Lý Mộc Nguyên đến Singapore, chúng tôi toàn tâm toàn lực giúp đỡ ông. Bởi vì ông là thân phận cư sĩ, cho nên khi chúng tôi ở cùng nhau, ông luôn đặt tôi ở vị trí hàng đầu, còn ông ở vị trí thứ hai, điều này là người tại gia tôn trọng người xuất gia. Nếu hai người đều là người xuất gia thì tôi nhất định nhường họ đứng chính giữa, tôi sẽ đứng ở bên cạnh, đây là đạo lý nhất định. Khiêm tốn cung kính không chỉ là một đời, mà đời đời kiếp kiếp, đại thánh đại hiền thế xuất thế gian vĩnh viễn là khiêm tốn, cung kính. Trong Luận Ngữ, học trò tán thán đức hạnh của Phu tử là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”. Cuối cùng là nhẫn nhường, nhường là khiêm tốn, nhường ở mọi lúc mọi nơi, nhường là mỹ đức.

Thế nào gọi là “thiện tri thức bất hoại”? Duyên mà bạn được gần gũi thiện tri thức tuyệt đối không bị người khác phá hoại, thế nên bạn được thiện tri thức bất hoại. Bạn thân cận thiện hữu, đặc biệt là ở thời đại này, việc bị phỉ báng, đố kỵ là điều khó tránh khỏi. Ba vị thầy mà tôi thân cận thật sự là ba vị đại đức. Có người biết tôi học với các thầy, bèn đến ngăn cản và khuyên tôi, nói các thầy không phải thật sự là người tốt. Họ đố kỵ chướng ngại, muốn tôi thoái tâm, đến nơi khác tìm thiện tri thức khác. Họ nói đại sư Chương Gia là hòa thượng chính trị, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là tứ bảo, tiên sinh Phương Đông Mỹ ghét bỏ người vợ của ông. Người phao tin đồn nhảm nhiều, tôi nghe rồi cười xòa cho qua, tôi vẫn một lòng một dạ học với các thầy. Nếu dễ dàng nghe người khác nói ly gián gây chia rẽ thì tâm của chúng ta sẽ bị dao động, tín tâm bị mất hết, đây là chính mình không có phước báo, không có thiện căn nên mới tin vào lời đồn nhảm. Những lời mà họ nói đó có phải là sự thật không? Chúng ta nếu không điều tra mà dễ dàng tin theo thì ngu si đến cực điểm! Chúng ta có cần thiết điều tra hay không? Nếu điều tra thì tâm bạn đã bất thành, bất kính rồi. Vì sao vậy? Vì bạn sinh ra hoài nghi. Nếu đối với thầy thật sự có tín tâm thì những lời này nghe mà không nghe, phải dùng thái độ này thì mới có thể giữ vững đạo học của mình, không đến nỗi bị người khác cản trở.

“Không lừa gạt”, không bị lừa gạt. Thầy không lừa gạt chúng ta, chúng ta làm người học trò, dứt khoát không lừa gạt thầy, phải dùng tâm chân thành mà đối xử lẫn nhau. Người sống ở đời, cổ nhân đều cảm thán: Một người trong một đời có thể gặp được một tri kỷ, có thể không có điều riêng tư, không có lời giấu giếm thì cuộc sống của bạn trong đời này có ý nghĩa rồi. Đời này tôi còn gặp được rất nhiều người. Điều quan trọng nhất là mình phải hoàn toàn không lừa gạt người khác. Không những đối với thầy, với cha mẹ, với tôn trưởng, với bạn bè, mà với tất cả chúng sanh, chúng ta đều không lừa gạt, không có lý do gì để lừa gạt. Tại sao lừa gạt chúng sanh? Ta không lừa gạt người khác mà người khác lừa gạt ta thì ta cũng hoan hỷ tiếp nhận. Vì sao lại có quả báo này? Phải hiểu được đạo lý, ta đời này không lừa gạt người khác, nhưng trong đời quá khứ lúc chưa gặp được Phật pháp, có lẽ ta cũng đã lừa gạt rất nhiều chúng sanh, thế nên ngày nay người khác đến lừa gạt ta, đây là oan oan tương báo, như vậy là đã trả xong nợ, là việc tốt. Họ lừa ta, ta không lừa họ; họ phỉ báng ta, ta tán thán họ. Sau khi trả nợ xong thì thiện duyên chín muồi. Cho nên phải luôn ghi nhớ, người tu đạo chân chánh, người thật sự có học vấn thì nhất định phải biết chuyển thù thành bạn, vậy là bạn thành tựu rồi, không được đối lập với người.

Tôi cũng thường khuyên mọi người, trong xã hội này không nên cạnh tranh, người học Phật chúng ta hiểu nhân quả, “một miếng ăn, một hớp nước không gì không định trước”. Hiện nay trong thế gian này, tất cả những người phát minh đều muốn thứ gì vậy? Bản quyền sáng chế. Tôi cũng đã từng khuyên một nhà khoa học, ông là người Trung Quốc hiện đang sống ở Mỹ, thứ mà ông phát minh có hơn 100 loại, loại nào cũng đòi bản quyền sáng chế. Tôi nói với ông: “Từ bỏ bản quyền sáng chế thì ông sẽ được lợi lớn hơn. Bản quyền sáng chế đó của ông rất nhỏ, có tí xíu, vì chúng sanh trong xã hội mà tạo phước thì ông cần bản quyền sáng chế để làm gì?” Điều này cần trí tuệ, chúng ta phải thật sự nghĩ thông. Trước tác của nhà văn không cần bản quyền, sản phẩm của bạn là sản phẩm tốt, là sản phẩm lợi ích xã hội, bạn việc gì cần bản quyền để hạn chế sản phẩm của mình. “Sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, việc thiện của chính mình vốn dĩ có thể tỏa khắp đến hư không pháp giới, bạn lại đi vẽ cái vòng giới hạn cho nó, làm nó chết cứng ở trong đó, không thể tạo ra sự ảnh hưởng rộng lớn, đây là sai lầm hết sức to lớn! Đều là do tự tư tự lợi làm hại chính mình.

Thánh nhân, hiền nhân, người Trung Quốc gọi là thánh hiền. Thế nào gọi là “thánh hiền”? Người thông đạt hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì người này được xưng là thánh nhân, là hiền nhân, trong Phật pháp thì xưng là Phật, là Bồ-tát, các ngài thông đạt hiểu rõ. Người thông đạt hiểu rõ thì làm gì có bản quyền sáng chế, quyền sở hữu? Là chuyện không thể. Đây là điều chúng ta phải học tập. Thiện tri thức không lừa gạt chúng ta, chúng ta cũng không lừa gạt tất cả chúng sanh, vậy bạn mới có thể được chân thiện tri thức chỉ dạy, bạn mới có thể thân cận chư Phật Bồ-tát. Đây là năm loại pháp không thể phá hoại, nhân chân thật của năm loại pháp không thể phá hoại này là không nói ly gián. Năm loại pháp không thể phá hoại này có thể thành tựu tất cả thiện nghiệp, tất cả công đức chân thật của thế xuất thế gian.

“Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác”, phần trước nói không phải là người học Phật, nếu là người học Phật, là người chí ở vô thượng Bồ-đề thì “tương lai thành Phật được quyến thuộc chân chánh”. “Quyến thuộc” là nói pháp quyến thuộc, đoàn thể của bạn, tăng đoàn của bạn, mọi người cùng nhau tu hành thì “các ma ngoại đạo không thể phá hoại”, vì sao vậy? Vì bạn không có nhân ác. Tuy các ma ngoại đạo là duyên ác, nhưng bạn không có nhân ác thì duyên ác có nhiều đến đâu cũng không khởi tác dụng. Nhân phải chánh, nhân không thể không chánh, thập thiện nghiệp là nhân chánh. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.