PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 58/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Kinh văn của kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã giảng đến không tham, không sân, không si, đây là phần giảng dạy then chốt của toàn kinh, rất quan trọng đối với việc tu học của chúng ta. Có rất nhiều đồng tu từ các nơi đến, sáng sớm hôm nay bởi vì chúng tôi không giảng kinh Hoa Nghiêm, bên kia không có xe chạy qua, nên chúng ta tạm dừng một buổi, hy vọng họ đều có duyên đến nghe. Hôm nay tận dụng thời gian này tôi sẽ nói chuyện với mọi người về lớp bồi dưỡng khóa tiếp theo của chúng ta, mà hiện tại đang tích cực trù bị.
Tháng trước, cư sĩ Lý Văn Hoa đưa cho tôi một danh sách, đã có đủ 30 vị rồi, lúc đó tôi không nghĩ rằng cục tôn giáo quốc gia Trung Quốc có thể phê chuẩn văn kiện này. Văn kiện này là do Đao Thuật Nhân, hội phó của hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đề xuất cùng hợp tác với chúng ta, họ chọn ra 30 học sinh, đưa qua bên đây để bồi dưỡng. Đã được phê chuẩn rồi, hiện nay họ đang lựa chọn học viên, sẽ đưa 30 người qua bên đây, như vậy học sinh khóa kế tiếp của chúng ta chí ít có 60 người, tôi bèn nghĩ đến vấn đề phân phối thời gian cho 60 người này. Mỗi một học sinh, mỗi một tuần lễ nhất định phải giảng một giờ đồng hồ. Ban đầu trong suy nghĩ của tôi là định mở 10 lớp, mỗi lớp có một học sinh đã tốt nghiệp, chúng ta mời họ làm trợ giáo, hướng dẫn ba người. Hiện tại nếu có 60 học sinh, vậy thì mỗi một lớp nhỏ sẽ gồm sáu học sinh với một trợ giáo, bảy người cũng tương đối viên mãn, bảy là con số viên mãn. Đây là 10 lớp, thầy trò chúng ta có hơn 70 người, cộng với những người xuất gia là các nhân viên làm việc ở nơi đây của chúng ta. Lý Mộc Nguyên nói với tôi, đạo tràng này của chúng ta người xuất gia có thể lên đến 100 người, đây là ở Singapore, bất cứ đạo tràng nào cũng không có nhiều người xuất gia đến như vậy, đích thực sẽ rất hưng vượng.
Phân công như thế này thì vấn đề này của chúng ta liền có thể giải quyết, mỗi một lớp có bảy người, mỗi một người giảng một ngày thì vừa đủ một tuần lễ sáu ngày, sáu học trò đều luân phiên giảng. Chúng ta vẫn để trợ giáo giảng đại tòa ở Cư Sĩ Lâm, còn các học sinh thảy đều giảng tiểu tòa, chính là giảng tiểu tòa ở nơi lớp của chính mình. Một người giảng, sáu người phê bình, giúp đỡ họ cải tiến, vậy thì đủ rồi. Ngày trước ở Đài Trung, tôi học giáo với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi ở Đài Trung 10 năm, cũng có một lớp nhỏ. Lớp nhỏ đó của tôi gồm bảy người, bảy người bạn học, bảy người đều học giảng kinh, nên đều hiểu những quy củ của việc giảng kinh, nhờ vào sự phê bình của các bạn học để cải tiến, sau đó lên giảng tòa lớn đối diện với đại chúng thì có thể giảm bớt sai sót. Tôi ở Đài Trung nhiều năm như vậy học tập giảng kinh, thầy Lý chưa từng phê bình tôi. Dường như những gì tôi giảng, thầy chỉ nghe qua một lần, trong 10 năm chỉ nghe qua một lần. Thầy đều không nghe tôi giảng, thế nhưng những gì tôi giảng thì thầy đều biết rõ, chúng tôi không cách gì giấu được thầy, thực tế nghe tôi giảng kinh ở giảng đường chỉ có nghe qua một lần. Cho nên việc này nhất định phải rất nghiêm túc, phải nỗ lực.
Chúng ta biết Phật pháp thù thắng không gì bằng, cho nên gọi là bảo, gọi là “pháp bảo”. Pháp bảo ở thế gian này, nếu không có người lưu thông thì sẽ chìm mà không thể nổi, người xưa thường nói: “Người có thể hoằng đạo, chẳng phải đạo hoằng người.” Sự hưng suy của Phật pháp chỉ xem thời đại này có người hoằng dương Phật pháp hay không. Kinh sách đều còn đó, không có người hoằng pháp thì cũng không ích gì, nhất định phải có người hoằng pháp. Cho nên phải chân thật phát đại tâm xả mình vì người. “Xả mình” này là hy sinh hưởng thụ vật chất ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng của chính mình, phải chân thật có thể buông xả. Nếu tham muốn sự hưởng thụ của thế tục, không thể buông xả thì dù Phật pháp có ở ngay trước mặt bạn, bạn cũng không thể bước vào cửa được. Có thể xả mình vì người, tâm này chính là tâm Bồ-đề chân thật, đồng tâm đồng nguyện với chư Phật Như Lai, pháp thân đại sĩ.
Đừng sợ chính mình không có năng lực; thật ra mà nói, chúng ta đều không có năng lực, thế nhưng chúng ta phát tâm này, nếu phát tâm chân thành thì sẽ có cảm ứng. Chúng ta nương vào sự gia trì của Phật Bồ-tát, không có Phật Bồ-tát gia trì thì một câu, một chữ trong kinh điển chúng ta cũng không nói ra được. Bạn giảng kinh giáo rất hay, bạn giảng rất thấu triệt, bạn giảng khiến thính chúng pháp hỷ sung mãn, hoàn toàn là do tâm chân thành của bạn cảm ứng. Mỗi một người chúng ta cùng nhau học tập, nhưng thành tích học tập không như nhau, sự không giống nhau này tuyệt đối không phải thông minh trí tuệ. Có một số người không thông minh trí tuệ nhưng trái lại thành tích tốt, còn người thông minh trí tuệ lại bị đào thải. Do đây có thể biết, thành tích học tập không liên quan đến thông minh trí tuệ, mà liên quan đến tâm chân thành. Bạn có mấy phần tâm chân thành thì bạn được Phật Bồ-tát gia trì cấp độ không như nhau. Chân thành đến cực điểm thì bạn đạt được gia trì viên mãn. Chân thành không viên mãn, chính là Phật đã nói trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, bạn tu thiện không tệ, nhưng ở trong thiện xen tạp bất thiện, khác biệt ở chỗ này.
Thế nào là bất thiện? Tự tư tự lợi là bất thiện, danh văn lợi dưỡng là bất thiện, tham sân si mạn là bất thiện. Không được xen tạp bất thiện, những thứ này là bất thiện căn bản, cần phải nhổ trừ; ngoài ra còn có bất thiện cành ngọn, bất thiện cành ngọn là do thường thức của bạn không đủ. Cho nên hoằng pháp lợi sanh không phải là việc dễ dàng, lúc chúng tôi tiếp nhận giáo huấn, thầy thường dặn bảo, phải thông pháp thế xuất thế gian thì thuyết pháp mới có thể khế cơ, khế lý. Thông Phật pháp thì khế lý, thông pháp thế gian thì khế cơ. Cho nên học Phật không dễ dàng, hoằng pháp lại càng khó, phải thông đạt tất cả pháp thế xuất thế gian thì mới có thể làm được việc này. Pháp thế gian không ngoài hiểu biết thường tình của thế gian, phải biết điều này, phải có thường thức phong phú, phải tiếp nhận giáo huấn ngay trong cuộc sống, ngày ngày có thể sửa lỗi làm mới. Chúng ta thường thấy người thế gian khởi tâm động niệm, lời nói việc làm bất thiện quá nhiều, do đó chúng ta phải giúp họ sửa đổi bất thiện này; để giúp người sửa đổi thì Phật dạy chúng ta cần có phương tiện thiện xảo. Chúng ta không có thiện xảo, không có phương tiện, quá thẳng thắn thì khiến người sanh phản cảm, “dường như bạn đều là đúng, còn tôi đều là sai”, thế nên họ bài trừ bạn, không tiếp nhận bạn. Ý tốt của bạn trong suy nghĩ của người khác là ác ý, đây gọi là gì? Không khế cơ. Cho nên Bồ-tát độ chúng sanh, khế cơ được xếp ở điều thứ nhất.
Khi tôi tiếp xúc với các lãnh tụ tôn giáo khác, tôi nói với họ một sự thật, Phật giáo truyền đến Trung Quốc từ thời triều Hán, thời kỳ hưng thịnh nhất, thời kỳ hoàng kim là thời Tùy Đường. Thời đại Tùy Đường, giao thông giữa Trung Quốc và Tây Vực rất tấp nập, mọi người biết con đường tơ lụa. Vào lúc này, Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo truyền đến Trung Quốc, Hồi giáo cũng truyền vào Trung Quốc, Hỏa giáo cũng truyền đến Trung Quốc, đều được truyền vào rất sớm. Thế nhưng rất nhiều tôn giáo truyền đến Trung Quốc đều không thể sánh với sự phát triển nhanh chóng của Phật giáo. Phật giáo khiến người Trung Quốc hoan hỷ tiếp nhận như vậy là do nguyên nhân gì? Phật pháp hiểu được khế cơ, cũng chính là chúng ta thường nói: Phật pháp biết bổn thổ hóa, hiện đại hóa.
Những vị cao tăng Ấn Độ đến Trung Quốc, mặc y phục Trung Quốc; họ không mặc trang phục của Ấn Độ, mà mặc áo tràng Trung Quốc, cùng hòa chung với đời sống của người Trung Quốc. Kiến trúc của đạo tràng được xây dựng theo kiểu dáng Trung Quốc, do đó người Trung Quốc nhìn thấy rất hoan hỷ. Kiểu dáng xây dựng của các tôn giáo khác nhất định phải là hình thức giáo đường của phương Tây, vừa nhìn là biết của nước ngoài, văn hoá nước ngoài, nên họ không dễ đi vào lòng người. Mặc trang phục là trang phục của người nước ngoài, vừa nhìn là biết người nước ngoài. Do vậy khi họ hoằng dương, tiếp dẫn chúng sanh thì còn xa mới bằng được Phật giáo. Tinh thần của Phật giáo, chúng ta đều đã đọc trong kinh điển rồi, Phật có hình tướng hay không? Không có, tùy loại hóa thân. Việc này cực kỳ vi diệu, bạn ưa thích tướng gì thì ngài hiện ra tướng đó, không có tướng nhất định, cũng không có pháp nhất định, tùy cơ thuyết pháp. Bạn thấy tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, linh động biết bao! Như vậy Phật pháp mới có thể chân thật bén rễ nảy mầm, đơm hoa kết trái ở Trung Quốc, thù thắng không gì bằng, cho nên chúng ta phải xem trọng khế cơ. Phật pháp giáo hóa chúng sanh rất có tâm nhẫn nại.
Hiện tại chúng ta xem thấy, có rất nhiều đạo tràng nhà Phật làm không đúng pháp. Họ đến tìm bạn, thỉnh giáo với bạn, xin bạn chỉ giáo. Xin bạn chỉ giáo, bạn phải xem rõ ràng, đây là thật hay giả, có lúc thì đó là lời khách sáo, không phải thật đâu. Lúc trước tôi đã gặp qua rồi, cho nên từ việc này tôi hấp thụ được rất nhiều giáo huấn, đã khôn ra. Năm xưa khi tôi giảng kinh, tuổi trẻ mà, có một số pháp sư giảng kinh xuống thỉnh giáo: “Pháp sư Tịnh Không, xin ngài chỉ giáo cho.” Họ giảng có chỗ không được tốt, tôi liền muốn chỉ ra, nhưng vừa nhìn, tôi vừa mới mở miệng thì vẻ mặt của họ trở nên không bình thường, tôi liền nói: “À, tốt tốt, thầy giảng rất hay, rất tốt.” Tôi không nói nữa, vì sao vậy? Đó là lời khách sáo thôi, không phải là thật. “Xin ngài chỉ giáo, chỉ dạy cho”, chính là mời bạn nói thêm nhiều lời tâng bốc họ, là cái ý này, bạn đừng cho đó là thật, nếu bạn phê bình thật, sắc mặt họ sẽ lập tức xị xuống. Cho nên chúng ta phải quan sát, khi người ta nói: “Mời pháp sư chỉ giáo”, xem thử họ là thật tâm hay là lời khách sáo. Người ta nói lời khách sáo, bạn nghĩ đó là lời thật, bạn vừa phê bình thì liền tạo thành oan gia đối đầu. Chúng tôi từ trong kinh nghiệm đã học được rất nhiều.
Phật dạy Bồ-tát sáu ba-la-mật, trong đó nhẫn nhục là quan trọng, nhẫn nhục chính là phải có tâm nhẫn nại. Việc tốt cũng không phải dễ thành tựu, làm gì có được phước báo lớn như vậy? Chúng ta thường nghe cổ đức nói là “việc tốt lắm giày vò”, giày vò là chướng ngại; khi bạn muốn làm một việc tốt thì chướng ngại trùng trùng. Bạn phải dùng trí tuệ để ứng phó những chướng ngại này, con đường này đi không thông, vẫn còn con đường kia; con đường kia không thông vẫn còn con đường nọ, luôn sẽ có con đường đi được thông, không thể nói không có đường để đi. Chướng ngại là điều nhất định không thể tránh khỏi, phải biết đi đường vòng, phải biết chờ đợi thời tiết nhân duyên, ở ngay trong chướng ngại mà học tập thành tựu hậu đắc trí của chính mình. Sau đó ở trong tất cả cảnh giới, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, chúng ta mới có năng lực ứng biến khéo léo; nhà Phật thường nói “phương tiện khéo léo”, chúng ta bèn có năng lực này.
Bởi vậy, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, duyên này là hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh nhân sự tốt, hoàn cảnh nhân sự xấu, đối với chúng ta đều là nơi chốn học tập, chỉ cần bạn chịu dụng tâm học tập thì chắc chắn sẽ khai trí tuệ. Người thiện là thiện tri thức của ta, người ác cũng là thiện tri thức của ta, sau đó bạn mới có thể lĩnh hội được, mới có thể hiểu rõ chư Phật Bồ-tát vĩnh viễn sống trong thế giới cảm ơn. Không chỉ tất cả con người đều là thầy, mà tất cả vạn vật cũng là thầy. Thế gian này, hiện nay chúng ta gọi là động vật, thực vật, khoáng vật, hiện tượng tự nhiên, từng li từng tí đều đang khai phát trí tuệ bát-nhã của chúng ta. Chỉ cần chính mình xả bỏ tham sân si mạn, xả bỏ tự tư tự lợi, xả bỏ thành kiến, khiêm tốn học tập thì thành tựu vô thượng Bồ-đề không cần phải ba đại a-tăng-kỳ kiếp. Trong kinh Phật nói tu hành chứng quả phải cần thời gian dài như vậy, gian nan như vậy, nguyên nhân là gì? Chúng sanh không khéo học, không biết học, cho nên mới cần thời gian dài như vậy. Nếu như biết học thì không cần thời gian dài đến như vậy.
Biết học, phương tiện trước tiên cũng chính là điều kiện thứ nhất, là phải hiếu học, thích học, chịu học. Sau đó từ nơi thầy, từ nơi thiện tri thức, bạn sẽ có được rất nhiều giáo huấn quý báu, bạn sẽ biết học, như vậy mới có thể thành tựu. Cho nên lớp bồi dưỡng của chúng ta, khóa này có nhiều đồng tu như vậy cùng nhau học tập, đây là nhân duyên hiếm có, chân thật là trong kệ khai kinh nói “trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu”. Chúng ta nhất định trân quý nhân duyên này, toàn lực dụng công, cố gắng học tập, thời gian ngắn sẽ thành tựu thù thắng không gì bằng. Thời gian học tập lần này là sáu tháng, sáu tháng không dài, cơ duyên đích thực là rất khó được, rất hiếm có, hy vọng các đồng tu chân thật hiếu học, nhất định phải nắm lấy cơ hội. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.