Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 72/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 72/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ tư, bắt đầu xem từ câu thứ ba:

Hai, tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng, trọn không làm ác.

Điều này nói ra dễ dàng, nhưng làm thì rất khó khăn, chỉ có người đầy đủ trí tuệ chân thật, đối với chân tướng sự tình họ thật sự thông đạt sáng tỏ thì mới có thể làm được. Tin sâu nhân quả không dễ! Đối với sự và lý của nhân quả, chúng ta quả thật hiểu rõ hơn một chút so với người thông thường; hiện nay người thông thường trong xã hội rất ít nói đến nhân quả. Người học Phật thì thường nghe nói về nhân quả, chúng ta nghe quen tai rồi, biết được trồng nhân thiện thì được quả thiện, tạo nhân ác thì nhất định có ác báo. Nhưng vì sao vẫn không chịu tu thiện, mà vẫn muốn đi tạo ác vậy? Đây là do tin nhân quả không sâu, chẳng phải tin sâu. Tin sâu là thông đạt đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật. Ví dụ nói một con muỗi, một con kiến, người học Phật thông thường như chúng ta đây, người học Phật nhiều năm mà vẫn luôn còn tâm giết, thậm chí khi muỗi đến chích bạn, bạn đập một phát cho nó chết, đây là tập khí. Chúng ta có biết nhân quả hay không? Biết, nhưng biết không đủ sâu. Chúng ta vô ý giết nó, cố ý hay vô ý giết nó thì quả báo tương lai đều không tránh khỏi.

Trước đây, chúng tôi đọc truyện ký của An Thế Cao, ngài là người tu hành chân chánh đắc đạo, ngài đã từng đến Trung Quốc để trả nợ mạng hai lần; đó là người tu hành chứng quả, trong đời quá khứ ngộ sát người khác, quả báo này ngài vẫn phải tự chịu. Ngài trả nợ mạng, ngài hiểu rõ, ngài biết, nhưng mà người tổn hại ngài là ngộ sát; trong đời quá khứ ngài đã ngộ sát người khác thế nào thì đời này cũng bị người khác ngộ sát như vậy. “Một miếng ăn, một hớp nước không gì không định trước”, người thế gian không hề nói sự việc phát sinh không có nguyên nhân, không có đạo lý này, quả báo nhất định là có nhân, có duyên. Bồ-tát làm ra thị hiện đó là nói cho chúng ta biết: “Nhân mà bạn tạo tác nhất định có quả báo, tự mình nhất định phải gánh chịu quả báo.” Chúng ta không ưa ai đó thì người ta cũng không ưa chúng ta, đây là quả báo; chúng ta thích ai đó thì người ta cũng thích chúng ta. Nhà Nho cũng nói: “Thương người thì thường được người thương.” Bạn thương yêu người khác, đây là bạn tu nhân, đại chúng xã hội đều tôn kính bạn, thương yêu bạn, đây là quả báo của bạn. Bạn hận người khác, chán ghét người khác thì đại chúng xã hội cũng hận bạn, cũng chán ghét bạn. Nếu như bạn thật sự hiểu rõ đạo lý này thì bạn có thể làm được câu nói “thà bỏ thân mạng của mình chứ không chịu tạo ác”. 

Cổ đức ví dụ rất hay, hiện nay trong xã hội có vị trí rất cao mời bạn đi làm, mời bạn đi làm vua chẳng hạn, chỉ cần bạn giết một người; người này không hề có tội, bạn giết người này thì bạn có được vương vị. Người tin sâu nhân quả không làm việc này, bảo họ giết một chúng sanh vô tội, được lợi ích như thế nào thì họ cũng không chịu làm. Người tin sâu nhân quả mới có thể làm được, điều này cần phải lìa tà kiến mới được. Tà kiến là ngu si, người hồ đồ không tin nhân quả. Hay nói cách khác, người không tin sâu nhân quả vẫn là người hồ đồ, không thể xem là người sáng tỏ được. Người sáng tỏ đâu chịu làm việc khờ dại này? Phải biết rằng muỗi, kiến cũng là một mạng sống, tại sao nó lại đi làm muỗi, làm kiến vậy? Quá khứ khi nó làm người, đã tạo quá nhiều ác nghiệp nên đọa vào trong đường này, khi tội của nó báo hết rồi thì nó cũng sẽ chuyển thành thân người. Bản thân chúng ta tạo tội nghiệp nhiều thì cũng sẽ biến thành kiến, biến thành muỗi. Thật ra mà nói, vô lượng kiếp đến nay chúng ta ở trong lục đạo mang đủ dạng thân tướng, chúng ta đều đã từng trải qua rồi, hiện nay đời này được thân người, nhà Phật thường nói “mê do cách ấm”, nên đã quên hết những việc trong đời quá khứ. Tuy là quên hết, quên này là do mê hoặc, nhưng hạt giống nghiệp nhân trong a-lại-da thức vĩnh viễn không bị mất đi. Vì vậy chúng ta không được nói rằng làm rồi thì sau này sẽ không có chuyện gì, đây là tà kiến, là kiến giải hoàn toàn sai lầm. 

Từ đó cho thấy, chưa nói đến ngôn ngữ hành vi, ngay cả khởi tâm động niệm, tự mình phải chịu trách nhiệm đối với chính mình. Nhân quả rất đáng sợ, lời nói này là sự thật. Ai biết vậy? Chư Phật Bồ-tát biết, Thanh văn, Duyên giác biết. Trong kinh ghi chép, A-la-hán nghe Phật giảng kinh, khi Phật giảng đến địa ngục thì những vị A-la-hán này tâm vẫn còn khiếp sợ, nghe thấy thì trên thân đều xuất mồ hôi máu, vì quá khứ đã từng trải qua rồi; Phật vừa nói, nghĩ lại tình trạng trước đây ở trong địa ngục, nỗi sợ hãi vẫn hiện tiền như xưa. Chúng ta thì vô tri, khi nào chúng ta thoát khỏi ngu si, đoạn tham sân si, chư vị phải biết, đoạn tham sân si thì chứng quả A-la-hán, những việc trong đời đời kiếp kiếp quá khứ đều có thể nhớ hết, đã khôi phục trí nhớ. Nghĩ đến tình trạng trong lục đạo trước đây, bạn đã từng làm vua trời, cũng làm súc sanh, cũng làm ngạ quỷ, cũng đọa địa ngục, đường nào cũng đều trải qua rồi, chúng sanh ở trong đường nào cũng đều có quan hệ mật thiết với ta, ngày nay chúng ta gọi là quan hệ thân thuộc. Nếu chúng ta giết hại chúng sanh, sỉ nhục chúng sanh, coi thường chúng sanh, Phật nói rất hay: chính là đối xử với chư Phật và cha mẹ của mình vậy. Chúng ta với tất cả chúng sanh, với chư Phật Như Lai, trong quá khứ vô lượng kiếp đều có quan hệ thân thuộc, làm cha con lẫn nhau. Những lời này chắc chắn không phải hoang đường, đích thực là lời chân thật. Cho nên thật sự không làm ác, ngay cả niệm ác cũng không sanh thì A-la-hán mới làm được. Chúng ta phải hết lòng nỗ lực học tập, nếu bạn có thể làm được thì bạn chứng quả A-la-hán, mười nghiệp ác hoàn toàn đoạn rồi.

Ba, chỉ quy y Phật, không quy y các thiên nhân khác. 

Ý nghĩa của “quy y” ở đây chính là lấy Phật làm thầy. Chư thiên thiện thần, trí tuệ của họ cao hơn chúng ta nên họ cũng có thể chỉ dạy chúng ta, chúng ta đối với họ phải tôn kính. Chư thiên thiện thần phần lớn cũng là quy y Phật, cũng đều là học trò của Phật. Trong kinh điển chúng ta thường xem thấy, vua trời Đại Phạm, vua trời Đao-lợi thường thỉnh chư Phật Bồ-tát đến thiên cung để giảng kinh thuyết pháp, cho nên chúng ta biết chư thiên thiện thần cũng là học trò của Phật. Chúng ta nhất định phải lấy Phật làm thầy, thuận theo giáo giới của đức Phật mà tu học, vậy là đúng rồi. Cõi trời tuy tốt nhưng kiến tư phiền não của họ chưa đoạn hết, chỉ có thể nói phiền não của họ nhẹ hơn của chúng ta, phước báo của họ lớn hơn phước báo của chúng ta, nhưng quả vị đạt được không phải cứu cánh, không phải viên mãn. Chúng ta phải tìm một vị thầy thật sự có trí tuệ chân thật, có công đức viên mãn thì mới tốt. 

Chúng ta chọn Phật làm thầy, vậy những chư thiên thiện thần này có trách chúng ta không? Không trách. Nếu chúng ta cho rằng: “Trước đây tôi bái thần, bây giờ tôi quy Phật rồi, không bái thần nữa, thì vị thần này nhất định rất giận, nhất định sẽ tìm tôi gây chuyện.” Chúng ta có cách nghĩ như vậy là sai rồi, không hề biết rằng nếu vị thần đó nhìn thấy bạn quy y Phật, nương theo Phật làm thầy thì thần rất vui mừng, vô cùng hoan hỷ tán thán: “Bạn làm rất đúng, bạn không hề làm sai.” Những vị thần này đều biến thành hộ pháp của bạn. Thần thông minh hơn chúng ta, chánh trực hơn chúng ta. Nếu như vị thần này nhìn thấy bạn quy y Phật, họ còn kiếm chuyện với bạn, không hoan hỷ mà còn trả thù bạn, thì đây không phải chánh thần, đó là yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái sẽ hại người, chánh thần sẽ bảo hộ người. Chúng ta chọn Phật làm thầy thì nhất định chính xác, thế nhưng đối với thiên thần khác nhất định phải tôn kính, tôn trọng và tán thán.

Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường”, chúng ta đối với tất cả thiên thần, quỷ thần phải tôn kính, tán thán, cúng dường, điều này nhất định phải có, đối với quỷ thần phải có thái độ này. Chúng ta đối với những chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau thì cũng phải lễ kính, tán thán, cúng dường, đây là hạnh Phổ Hiền. Bạn muốn hỏi vì sao vậy? Phật nói với chúng ta trong Đại kinh, trong tất cả chúng sanh có nam, có nữ, trong cõi súc sanh chúng ta nói có đực, có cái, “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”, “tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, đạo lý chính là chỗ này. Bạn xem tâm lượng này lớn biết bao! Tri kiến này là chánh tri chánh kiến, cho nên tự nhiên lưu xuất ra lòng thương yêu tất cả chúng sanh còn lớn hơn thương yêu mạng sống của chính mình, vì thương yêu chúng sanh, vì cứu hộ chúng sanh mà bỏ mạng sống của mình cũng không hề tiếc. Mạng sống còn có thể bỏ, huống hồ là vật ngoài thân, đâu có đạo lý nào không bỏ được? Đâu có lý nào chẳng thể cúng dường? Người khác đến tìm chúng ta, trừ khi bản thân chúng ta không có năng lực, nếu có năng lực thì nhất định phải giúp họ. 

Tín đồ Thiên Chúa giáo bên châu Phi đến tìm tôi, muốn tôi tặng họ một chiếc xe hơi. Ở châu Phi rất khổ, có một bệnh viện mà ở đó bệnh nhân rất nhiều, họ ở cách bệnh viện rất xa, phương tiện giao thông thiếu thốn. Họ đến tìm tôi, đương nhiên tôi phải tặng cho họ; không thể nói đó là người ngoại quốc, người châu Phi, đó là Thiên Chúa giáo, không phải Phật giáo, tôi không có cái nhìn như vậy. Tất cả mọi chúng sanh, tôn giáo khác nhau, quốc gia khác nhau, chủng tộc khác nhau đều là một thể. Chúng ta không có năng lực thì đành phải chịu, nếu có năng lực thì nhất định hết lòng hết sức giúp đỡ họ, là việc nên làm. Huống hồ người ta nêu ra thỉnh cầu? Dù họ không nêu ra, chúng ta nhìn thấy, nghe thấy thì đều phải chủ động đi cứu giúp, đi giúp đỡ. Chúng ta đối xử với người như vậy, người ta đối với ta cũng giống như vậy. Nhất định phải tin sâu nhân quả thì mới được, làm theo lời giáo huấn của Phật-đà.

“Quy y Phật”, “quy y” thực hiện như thế nào? Chính là trong kinh thường nói là “thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”; bạn có thể làm được câu nói này thì bạn đích thực quy y, lời dạy của Phật trong kinh điển, chúng ta hoàn toàn tiếp nhận. “Trì” là vĩnh viễn gìn giữ không để mất đi; biết rõ mà vẫn phạm thì chữ “trì” không còn nữa; trì là gìn giữ vĩnh viễn, y giáo phụng hành. “Đọc tụng” là mình và người cùng có lợi. Bản thân mỗi ngày đọc tụng, ôn cũ biết mới, hằng ngày tiếp nhận lời giáo huấn của Phật-đà, mở cuốn kinh ra thì giống như Phật ở trước mặt, nghe Phật thuyết pháp, nghe lời giáo huấn của Phật. “Vì người diễn nói”, “diễn” là phải làm được. Phật dạy cho chúng ta bộ kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo này, chúng ta phải làm được thập thiện nghiệp đạo, đây là diễn; làm cho đại chúng xã hội thấy, làm cho người ta thấy. “Nói” là diễn thuyết cho người khác. Diễn là thân giáo, nói là ngôn giáo, đây chính là thật sự quy y Phật. Nếu chỉ học tập trong kinh điển, không thể thực hiện vào trong đời sống thường ngày của chính mình, vậy thì không có quy y; đây chỉ là có hình thức, không có thực chất, thực chất thì nhất định phải vì người diễn nói. Diễn ở trước, nói ở sau, trước tiên phải làm được, sau khi làm được rồi mới nói, đây là chân thật học Phật, thật sự thực tiễn. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.