PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 100/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ nhất:
Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập quán tứ niệm xứ.
Đây là đoạn thứ nhất trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Phẩm trợ đạo tổng cộng có bảy khoa, ngày nay chúng ta gọi là bảy giai đoạn: tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Bảy giai đoạn này là Phật pháp hoàn chỉnh, cũng có thể nói rằng bất luận là Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, nói chung đều không ngoài bảy loại này, thuật ngữ của kinh Phật gọi là bảy khoa, khoa là khoa mục, bảy khoa mục này đều bao gồm hết cả rồi. Nội dung trong mỗi khoa mục đều là sâu rộng không bờ mé, cho nên chúng ta không thể xem nó là Tiểu thừa. Đại sư Thiên Thai dùng bốn giáo Tạng – Thông – Biệt – Viên để nói rõ với chúng ta, trong mỗi một khoa đều có Tạng – Thông – Biệt – Viên; từ đó cho thấy, nó bao gồm hết cả.
Khoa thứ nhất chính là tứ niệm xứ, trước đây tôi giảng những kinh văn này, cách nói hơi có một chút không giống với người xưa để cho dễ hiểu. Tứ niệm xứ này, chúng tôi thường gọi là nhìn thấu, nhìn thấu được; tứ thần túc tức là buông xuống được; tứ chánh cần là đoạn ác tu thiện. Quý vị từ trên quan điểm này mà thể hội thì sẽ không khó hiểu ý nghĩa của nó. “Nhìn thấu, buông xuống” xuyên suốt toàn bộ Phật pháp. Vì sao phàm phu chúng ta lại có những phiền não tập khí sâu nặng này vậy? Nguyên nhân căn bản là do không biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Tứ niệm xứ giúp chúng ta hiểu rõ, dạy chúng ta nhìn vũ trụ nhân sinh như thế nào.
Ở đây Phật quy nạp nó thành bốn hạng mục: Thứ nhất là quán thân bất tịnh, thứ hai là quán thọ là khổ, thứ ba là quán tâm vô thường, thứ tư là quán pháp vô ngã. Chúng ta hiện nay gọi quán này là nhân sinh quan, vũ trụ quan, cách nhìn của bạn đối với vũ trụ nhân sinh, bạn có thật sự nhìn thấy được chân tướng của nó hay không? Việc nghiêm trọng nhất của phàm phu chính là chấp trước thân này, yêu quý thân này, khởi chấp trước tham ái đối với thân này, gốc rễ của chấp trước này quá sâu. Phải biết rằng chấp trước này chính là gốc rễ của lục đạo luân hồi, luân hồi từ đâu mà có? Là từ đây mà ra. Nếu bạn nhìn thấy sự việc này rõ ràng rồi, buông xuống thân kiến thì bạn sẽ vượt thoát lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi hoàn toàn không phải là thật, nó là tướng hư ảo, trong kinh Kim Cang nói là “mộng, huyễn, bọt, bóng”, quả thật không sai chút nào. Người nào có chấp trước thì sẽ hiện ra tướng này cho người đó, do đó người nào buông xuống chấp trước thì hiện tượng này đối với họ không còn nữa.
Từ đó cho thấy, cảnh giới này là hư ảo, không phải chân thật. Ngày nay ở thế gian này, mỗi người chúng ta đều hiện ra hiện tượng này, trong hội Lăng-nghiêm thì Thế Tôn gọi hiện tượng này là “đồng phân vọng kiến”, kiến là kiến giải, vọng là hư vọng. Đồng phân là mọi người chúng ta đều có điểm chung, tuy có điểm chung nhưng vẫn là mỗi người mỗi khác. Ví dụ hôm nay giảng đường này của chúng ta rất sáng sủa, có mấy chục ngọn đèn đang chiếu sáng, mấy chục ngọn đèn đang chiếu sáng này, đây gọi là đồng phân vọng kiến. Thực ra ánh sáng của mỗi ngọn đèn không liên quan đến nhau, dường như là các ánh sáng hòa lẫn vào nhau, nhưng trên thực tế vẫn là cái nào ra cái nấy; bạn tắt một ngọn đèn đi, ánh sáng của ngọn đèn này không còn nữa, nó hoàn toàn không cản trở cái khác, quý vị hãy từ đây mà thể hội thật kỹ. Như vậy mỗi người có cảnh giới riêng của mỗi người, mỗi người có trời đất riêng của mỗi người, mỗi người có vũ trụ riêng của mỗi người. Có thể nói mỗi người không giống nhau, cũng có thể nói mỗi người đều có sự liên quan mật thiết, chúng ta phải thể hội thật kỹ chân tướng sự thật ở trong đây.
Thế nên, không thể nói đồng, cũng không thể nói bất đồng, giống như ánh sáng đèn này vậy, bạn không thể nói chúng không hòa vào nhau, ánh sáng của mấy chục ngọn đèn quả thật là hòa lẫn vào nhau; bạn cũng không thể nói chúng thật sự hòa vào nhau, nếu thật sự hòa vào nhau thì khi tắt một ngọn, ánh sáng ngọn đèn này sẽ không còn nữa. Thế nên, trong Phật pháp khi nói rõ chân tướng sự thật thì thường nói là “chẳng một, chẳng khác”, không thể nói là một, cũng không thể nói chẳng phải một, đây là chân tướng sự thật, không phải là lời nói mơ hồ cho qua chuyện, mà xác thực là chân tướng.
Chúng ta ngày nay đọa lạc vào lục đạo luân hồi, bạn hiểu rõ chân tướng sự thật là việc này không liên quan đến ai cả, hoàn toàn là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình tạo ra hiện tượng này. Phải biết đạo lý này, nếu bạn không hiểu rõ thì bạn sẽ rất khó vượt thoát, vì sao vậy? Trong kinh, Phật đã hết lòng hết dạ khuyên bạn những lời này, nếu bạn nghi hoặc, bạn không thể tin một cách quả quyết, vẫn chấp trước kiên cố thành kiến của bạn, chúng ta gọi thành kiến là ngã kiến, vậy thì bạn bị nó hại rồi, hại quá thê thảm. Cho nên ở đây Phật dùng phương tiện cao độ của trí tuệ viên mãn mà dạy chúng ta quán sát thân thể, “quán thân bất tịnh”, cái gì là thân? Theo nghĩa hẹp là thân thể này của chính chúng ta, theo nghĩa rộng là tất cả mọi vật thể, chỉ cần có hình thể thì chúng ta gọi nó là thân. Bất luận là thân thể này, hay bất luận là tất cả vật thể thì đều là bất tịnh. Phật đã phân tích cho chúng ta ở trong kinh, cấu tạo thân thể vật chất của chúng ta không thanh tịnh, quan sát rõ ràng nhất, đơn giản nhất, bạn thấy thứ mà thất khiếu của chúng ta bài tiết ra là gì? Nó bài tiết ra từ bên trong. Ngoài thất khiếu ra, vi tế hơn nữa là lỗ chân lông, chất mà lỗ chân lông bài tiết ra, người hiện nay chúng ta gọi là chất urê, chứng tỏ bên trong chúng ta không có gì là sạch sẽ. Cho nên người xưa nói bị thịt, túi da, thứ chứa trong bị thịt và túi da là gì? Máu mủ, phân tiểu, chứa đựng những thứ này. Đối với những thứ này, nếu chấp trước tham ái quá mức thì sai rồi! Cổ đức mô tả thân thể là đãy da thối, mùi tỏa ra từ thân này của chúng ta thật khó ngửi. Người có phiền não càng nặng thì mùi sẽ càng khó ngửi, người có phiền não nhẹ thì tương đối tốt hơn một chút, còn người thân tâm thanh tịnh thì mùi sẽ thơm.
Năm xưa, hình như là năm 1977, lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông giảng kinh, đồng tu bên Hồng Kông nói với tôi, lão hòa thượng Hư Vân đã đến Hồng Kông ở hơn một tháng. Sau khi Trung Quốc đại lục giải phóng, đệ tử Phật bên Hồng Kông mong muốn lão hòa thượng Hư Vân ở lại Hồng Kông lâu dài nên đã xây cho ngài một tinh xá, tôi cũng đã đến tham quan. Ở được một tháng, lão hòa thượng nói Hồng Kông không thể ở được, đây là thế giới phồn hoa, không thích hợp cho tu hành, ngài liền trở về tổ quốc. Lúc đó ngài đã hơn 100 tuổi rồi, rất nhiều người đều biết, lão hòa thượng một năm cạo tóc một lần, đại khái cũng là một năm mới tắm một lần, ngài không tắm [thường xuyên]; quần áo mặc trên người rách nát, ghét trên cổ áo bám rất dày. Tuy ngài không tắm, nhìn thấy trên cổ áo rất bẩn, nhưng có mùi thơm dịu, rất dễ ngửi. Chúng ta nếu ba ngày không tắm thì trên cổ áo hôi không chịu nổi, người khác đã tránh xa rồi. Do đây có thể biết tâm của ngài thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh, nên mùi đó là không như nhau. Lão hòa thượng Hư Vân là người tu hành, người có công phu tu hành cao hơn ngài thì sẽ cho rằng mùi của ngài là khó ngửi, đây là đạo lý nhất định. Do đây có thể biết, công hạnh sâu hay cạn đã thật sự thay đổi kết cấu tổ chức của thân tâm chúng ta, đúng như ở phần trước kinh này Phật đã nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Do đó chúng ta bèn thể hội được, vì sao Phật dạy Bồ-tát “ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để mảy may bất thiện xen tạp”, chúng ta đã hiểu rõ đạo lý rồi. Chúng ta muốn chính mình tu thành thân kim cang bất hoại thật sự thì ở thế gian này khó, quá khó quá khó, vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dễ dàng rồi.
Sanh về thế giới Cực Lạc thì sắc thân của mỗi người đều là sắc thân vàng ròng, đây là đại từ đại bi, đại ân đại đức của Phật đối với chúng ta, nếu Phật không nói rõ cho chúng ta thì chúng ta làm sao biết được? Hơn nữa, pháp môn này khó tin nhưng dễ tu, thành tựu thù thắng không gì bằng, tất cả chư Phật Như Lai trong mười phương muốn phổ độ chúng sanh thì đây là pháp môn hàng đầu, cho nên tất cả chư Phật không vị nào không tán thán, không vị nào không hoằng dương, chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Chúng ta ngày nay tiếp nhận pháp môn này, trong một đời này có thể thành tựu hay không thì phải xem bạn có thể nhìn thấu, buông xuống được hay không. Nếu bạn không thể nhìn thấu, không thể buông xuống thì bạn đời này chỉ có thể nói là kết thiện duyên với A-di-đà Phật và thế giới Tây Phương Cực Lạc, chứ đời này không thể đi được. Nếu muốn trong một đời này chắc chắn vãng sanh thì phải nhìn thấu, phải buông xuống. Vì sao không thể buông xuống? Vì chưa nhìn thấu, thật sự nhìn thấy rõ ràng rồi thì không ai mà không chịu buông xuống, vì sao vậy? Buông xuống thì tự tại, buông xuống là vui sướng thật sự, buông xuống liền nhập vào cảnh giới Phật. Chúng ta vẫn còn chấp trước kiên cố, đó là cảnh giới phàm phu. Buông xuống chấp ta chính là buông xuống lục đạo luân hồi.
Đây là điều thứ nhất, Phật dạy chúng ta quán thân, thân này không phải là thứ sạch sẽ, không cần chấp trước, yêu thương bảo vệ nó quá mức, nhưng cũng không được tùy tiện chà đạp nó, nếu bạn chà đạp nó thì cũng là lỗi lầm, cũng là sai lầm, phải như thế nào? Tùy duyên, vậy thì đúng. Cần phải mượn giả tu thật, cái thân này là tướng giả, chúng ta phải mượn tướng giả này để tu cái chân thật. Bản thân muốn vãng sanh Tịnh độ thì phải lợi dụng thân thể này mà hết lòng nỗ lực niệm Phật, ngoài niệm Phật ra thì thảy đều buông xuống, thân tâm thế giới tất cả đều buông xuống, vậy là đúng rồi. Pháp thế xuất thế gian đều không được để ở trong tâm, vì sao vậy? Pháp xuất thế gian cũng không phải chân thật, Phật nói rất rõ ràng ở trong kinh, Phật pháp do duyên sanh, phàm là pháp do duyên sanh thì đều là hư vọng, đều không phải chân thật, cho nên trong kinh Kim Cang nói: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp.” Ngay cả Phật pháp còn không để ở trong tâm, huống hồ những thứ khác! Thân tâm thế giới thảy đều buông xuống.
Chúng ta ngày nay chưa nhập cảnh giới Phật thì buông xuống tất cả, chỉ chấp trước mỗi danh hiệu A-di-đà Phật. Chấp trì danh hiệu, “chấp” chính là rất chấp trước, “trì” là gìn giữ, tuyệt đối không để mất, chúng ta phải dựa vào một câu Phật hiệu này mà vãng sanh Tịnh độ. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi thì sự chấp trì danh hiệu này cũng buông xuống luôn, khi chưa đến được thì không thể buông xuống, sau khi đến được rồi thì có thể buông xuống. Giống như đi xe vậy, lên xe mua một tấm vé, chấp trì danh hiệu A-di-đà Phật chính là tấm vé này, đến nơi rồi thì trả vé lại cho phòng vé, để họ thu hồi. Ngoài việc này ra thì cái gì cũng phải buông xuống, vậy là chính xác, là đúng rồi. Cho nên nhất định phải nhận thức rõ ràng.
Điều thứ hai là “quán thọ là khổ”, thọ là sự hưởng thụ của chúng ta, nói chuẩn xác hơn một chút là cảm thọ của chúng ta. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, nhất định phải biết được thứ mà chúng ta tiếp xúc thảy đều là khổ, chắc chắn không có vui. “Khổ”, thông thường trong kinh thì đức Phật dùng tam khổ, bát khổ để nói rõ chân tướng sự thật cho chúng ta. Trong tam khổ, thứ nhất là khổ khổ, thứ hai là hoại khổ, thứ ba là hành khổ; trên thực tế thì bát khổ chính là khổ khổ, điều đầu tiên trong tam khổ, có tám loại khổ khổ. Trong khổ khổ thì chữ “khổ” phía sau là danh từ, chữ “khổ” phía trước là động từ, là hình dung từ. Trong khổ khổ, cái mà tất cả chúng sanh không thể tránh khỏi là sanh, già, bệnh, chết, đây gọi là tứ khổ, không ai có thể tránh khỏi. Dù bạn làm đến hoàng đế thì bạn cũng không có cách gì tránh khỏi sanh, già, bệnh, chết; bạn là kẻ bần tiện, là kẻ ăn mày, bạn cũng không thể tránh khỏi sanh, già, bệnh, chết. Cái khổ của sanh, chúng ta đã quên mất rồi, nhưng Phật đã nói rất rõ ràng trong kinh, chúng ta nhất định phải biết, vì sao vậy? Nếu bạn không ra khỏi lục đạo luân hồi thì bạn vẫn đi đầu thai, đầu thai chẳng phải là sanh trở lại hay sao? Già khổ, bệnh khổ, hai thứ này chúng ta tự mình đều có thể thể nghiệm được. Cho dù chúng ta còn trẻ, nhưng bạn hãy nhìn người già, nhất là xem người già trong xã hội thời nay, người được con cháu hiếu thuận rất ít, con cháu có thể chăm lo người già, hiện nay ngày càng hiếm hoi, người già đáng thương! Người già phải chịu quả báo này. Tại sao vậy? Vì thế hệ chúng ta không chăm lo cho thế hệ trước, chúng ta đã tạo nhân bất thiện, vậy thì thế hệ sau có thể chăm lo cho thế hệ của chúng ta không? Nhân duyên quả báo mà! Chúng ta không hiếu thuận cha mẹ, mà lại muốn con cái hiếu thuận chúng ta, không có đạo lý này. Người hiện nay tạo tác là nhân bất thiện, theo suy đoán của chúng ta thì quả báo chắc chắn sẽ là bất thiện. Xã hội hiện nay, chính phủ phụ trách việc nuôi người già, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đều có chế độ dưỡng lão khi về hưu, chế độ này có một số quốc gia làm rất tốt, chúng tôi đã thấy rất nhiều, nhưng để làm được tận thiện tận mỹ thì còn một khoảng cách rất xa.
Chúng tôi hiện nay cũng đang nỗ lực đề xướng làng Di-đà, tôi nghĩ quý vị đã nhìn thấy, làng Di-đà của Cư Sĩ Lâm Singapore đã bắt đầu khởi công hôm qua, hình như có mười mấy công nhân, bên cạnh có quây một cái tường gỗ, có lẽ là để che bụi bặm, đã bắt đầu khởi công rồi. Hơn một năm nay, chúng tôi đã tìm rất nhiều chỗ nhưng đều không thành công, cuối cùng bất đắc dĩ phải xây trên chỗ đất trống nhỏ còn thừa lại của Cư Sĩ Lâm. Cư sĩ Lý nói với tôi, đây là xây tòa nhà bảy tầng để làm liêu phòng, tương lai có thể chứa được bốn đến năm trăm người, vậy cũng tốt. Túc xá, trai đường, niệm Phật đường, giảng đường đều chung một chỗ, đối với người già mà nói là rất tiện lợi; về mặt quản lý cũng giảm bớt rất nhiều việc, giảm bớt rất nhiều nhân công, cho nên tôi nhìn thấy rất hoan hỷ. Đối với xã hội, bởi vì đồng tu ở rất nhiều quốc gia khu vực trên thế giới đều phát tâm ủng hộ sự việc này, cho nên nói chung cũng như là có khai báo với họ, chúng tôi lạc quan với thành tích này. Tốt rồi, hôm nay giảng đến đây.