PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 86/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bốn, hàng thứ ba từ dưới lên:
Này long vương! Nêu ra điều trọng yếu để nói: Hành đạo thập thiện vào trong trì giới trang nghiêm nên có thể sanh ra hết thảy nghĩa lợi của Phật pháp, đầy đủ đại nguyện.
Công đức lợi ích từ đây trở về sau nói chính là điều thứ nhất trong phần trước mà chúng ta đọc đến là hành thập thiện bố thí. Dùng trong bố thí trang nghiêm thì “thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt” là tổng thuyết, những phần sau đều là tổng thuyết, sẽ không nói tỉ mỉ từng điều, từng điều ra nữa. Thế nhưng ở phần trước Phật đã khải thị cho chúng ta, tức là nói cho chúng ta biết, con người ở thế gian này, ngạn ngữ thường nói: “Một miếng ăn, một hớp nước không gì không định trước”, ý nghĩa này quả thật là sâu rộng vô hạn. Quả báo một đời của chúng ta cũng vô cùng phức tạp, cho dù sự việc nhỏ cực kỳ vi tế cũng đều có nhân từ trước, qua đây chúng ta biết được sự phức tạp của nhân này.
Cùng là thực hành bố thí, trong bố thí bất luận là lớn hay nhỏ, xả một đồng cũng tốt, xả ức vạn tiền cũng tốt, bất luận là bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, nếu đầy đủ thập thiện thì phước báo đó viên mãn, không mảy may khiếm khuyết. Nếu có một điều trong thập thiện bị khiếm khuyết thì quả báo này không viên mãn. Xem trong quả báo của bạn, nếu bạn còn những việc nào bất như ý, hiện nay bạn suy nghĩ thì biết ngay, là trong lúc tu nhân có chỗ nào đó bị khiếm khuyết, cho nên quả báo không viên mãn. Từ chỗ này chúng ta mới thật sự thể hội được thế nào gọi là một miếng ăn, một hớp nước không gì không định trước, và thế nào gọi là tự làm tự chịu, chúng ta mới thật sự hiểu rõ. Nhân quả này thật ra mà nói thì nó rất chi li, chỉ có thật sự thể hội được, thật sự hiểu được đạo lý này thì tâm mới thật sự an định, tuyệt đối sẽ không oán trời trách người. Vì sao vậy? Động một ý niệm oán trời trách người thì chúng ta lại tạo nghiệp bất thiện rồi, chiêu cảm đến việc bất như ý cho đời sau, đây là chân tướng sự thật.
Ở phần trước trong kinh, Phật nêu lên ví dụ này chỉ là nói một cách sơ lược, chưa nói cặn kẽ, đại sư Thiên Thai đã giải thích cặn kẽ cho chúng ta trong “Bách giới thiên như”. Vì sao như vậy? Chúng ta học Phật đến bây giờ mới hiểu được đạo lý này, chỉ riêng trong một hạnh bố thí là đã đầy đủ thập thiện, bạn có biết không? Trong mỗi một điều mục của thập thiện, như trong mục không sát sanh thì có không sát sanh của không sát sanh, không sát sanh của không trộm cắp, không sát sanh của không tà dâm, thậm chí là không sát sanh của không tham, không sát sanh của không si. Nếu bạn quan sát như vậy thì quá tỉ mỉ rồi. Phương pháp quan sát này, đại sư Thiên Thai khi giảng kinh Pháp Hoa đã dạy chúng ta, ngài dạy chúng ta nhìn mười pháp giới, trong mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười pháp giới. Trong pháp giới Phật, có pháp giới Bồ-tát trong pháp giới Phật, có pháp giới Thanh văn trong pháp giới Phật, thậm chí có pháp giới địa ngục trong pháp giới Phật. Trong pháp giới người, có pháp giới Phật trong pháp giới người, có pháp giới trời trong pháp giới người, cũng có pháp giới súc sanh trong pháp giới người. Mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười pháp giới, tổng cộng là một trăm pháp giới, đều là nói một cách sơ lược. Trong một trăm pháp giới, mỗi một pháp giới lại đầy đủ một trăm pháp giới. Ai hiểu được đạo lý này? Ai có thể có năng lực để quan sát vi tế? “Thật tướng các pháp”, nói dễ như vậy sao! Chúng ta ngày nay nói một cách đơn giản dễ hiểu là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, hoặc gọi là chân tướng của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, cho dù chúng ta có thể trong một pháp giới thấy được mười pháp giới thì cũng chỉ là thấy được ngoài da, vẫn chẳng phải là thâm nhập. Nếu thâm nhập quan sát thì thấy không có bờ mé, không có cùng tận. Thấu tột nguồn pháp, nguồn pháp thì không có đáy, không có bờ mé.
Phải làm thế nào mới có thể khế nhập cảnh giới này? Cổ đức thường nói với chúng ta: “Nhiều một việc không bằng ít một việc, ít một việc không bằng không việc gì”, chúng ta từ câu nói này, rồi giống như công thức toán học mà suy ra: “Hữu tâm không bằng vô tâm.” Pháp thân đại sĩ là vô tâm, trong mười pháp giới thì tứ thánh pháp giới vẫn là hữu tâm. Hữu tâm làm thiện không bằng vô tâm làm thiện; hữu tâm là rơi vào trong ý thức, vô tâm chính là chân tâm, chính là chân như bản tánh. Chúng ta phải tỉ mỉ hướng tâm vào trong mà thể hội. Kinh văn trở xuống đều là nói tổng quát, không cần nói kỹ như phần trước. Phần trước đã hiểu rồi thì phần sau bạn tự mình có thể thể hội được.
“Hành đạo thập thiện vào trong trì giới trang nghiêm”, thực hành thập thiện vào trong trì giới. Chúng ta cũng phải tư duy giống như phần trước là “lìa sát sanh mà trì giới”. Phần tổng thuyết sau đó là “nên có thể sanh ra hết thảy nghĩa lợi của Phật pháp, đầy đủ đại nguyện”. Phần sau chỉ nói về quả báo riêng của lìa sát sanh, ở đây Phật nói tỉnh lược, để chúng ta tự mình suy ra. Lìa trộm cắp mà trì giới, quả báo chung là giống nhau, còn quả báo riêng biệt thì chúng ta phải tự suy ra. Bạn hãy tư duy thật kỹ từng điều một thì bạn sẽ khai ngộ. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được rằng thập thiện nghiệp là căn bản của tu hành, lìa thập thiện nghiệp thì không những không thể sanh tất cả Phật pháp, mà tất cả thiện pháp của thế gian cũng không thể sanh ra. Từ chỗ này chúng ta nghĩ đến vì sao Thế Tôn vừa mở đầu bộ kinh này đã nói với chúng ta: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp.” Câu khai thị này quan trọng, nếu có mảy may bất thiện xen tạp trong đó thì không phải là Phật pháp. Quý vị phải biết, Phật pháp là pháp thuần thiện. Thế nào là Phật pháp? Nhất chân pháp giới là Phật pháp. Vì sao lại có mười pháp giới? Vì tu tất cả thiện pháp mà xen tạp bất thiện. Trong mười pháp giới xen tạp bất thiện, xen tạp bất thiện càng ít thì càng đi lên, càng nhiều thì càng đi xuống, chẳng phải là việc như vậy hay sao? Xen tạp bất thiện nhiều thì đây là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Lẽ nào người trong địa ngục chưa từng tu thiện, chưa từng khởi ý niệm thiện hay sao? Không thể nào! Tâm tưởng và tạo tác của tất cả chúng sanh đều là thiện ác lẫn lộn, hãy xem họ là thiện nhiều hay là ác nhiều. Thiện nhiều, ác ít là phước báo nhân thiên trong lục đạo; thiện ít, ác nhiều là khổ báo của ba đường ác. Cho dù là ở tứ thánh pháp giới thì vẫn là thiện nhiều, ác ít, họ vẫn chưa hoàn toàn lìa ác.
Cái gì là ác? Vọng tưởng, phân biệt là ác. Ác cực kỳ vi tế, trong kinh gọi là mảy may bất thiện. Bất thiện đó của họ thật sự là chỉ có mảy may, bất thiện tuy rất nhẹ nhưng vẫn chướng đạo, chướng ngại bạn không thể nhập nhất chân pháp giới. Chúng ta không hiểu đạo lý này, thế nên trong đời sống thường ngày lơ là sơ ý, còn cho rằng có thể bỏ qua giới rất nhỏ, điều bất thiện rất nhỏ thì không sao cả, chỉ cần đại thể tốt lên là được rồi, chúng ta thường hay tự an ủi mình như vậy. “Đại thể rất tốt”, xin thưa với quý vị đó là đối xử với xã hội, đối xử với người khác, yêu cầu người khác không được quá nghiêm khắc, ngay cả Phật pháp cũng không được phép. Tại sao vậy? Vì yêu cầu quá nghiêm khắc thì họ không đến nữa. Giảng đường giảng kinh không phải là trường học, họ thích đến thì đến, không thích thì không đến, cho nên không được quá nghiêm khắc. Mặc dù ngày nay chúng ta nói cộng tu cùng nhau nhưng cũng không được quá nghiêm khắc. Đạo tràng tu hành nghiêm khắc thật sự thì các đại đức thời xưa đã làm được rồi, các ngài thật giống như đi học vậy, đăng ký tham gia, không phải nói là bạn thích đến thì đến, thích đi thì đi, không phải vậy.
Tịnh tông của chúng ta năm xưa, đạo tràng Lô Sơn của Viễn công[1] là liên xã đầu tiên tại Trung Quốc, đồng tham đạo hữu có 123 người, đây là số người cố định, tuyệt đối không phải bạn muốn tham gia thì đến tham gia, bạn muốn rời khỏi thì rời khỏi, không phải vậy. Mọi người thật sự có chí nguyện, chí đồng đạo hợp, cùng nhau cộng tu niệm Phật, 123 người đó đều thành tựu, đây là đạo tràng tu hành chân chánh vào thời xưa. Niệm Phật đường của chúng ta ngày nay đã thoáng hơn rồi, đây là gì vậy? Đây là đạo tràng tiếp dẫn; tiếp dẫn quảng đại quần chúng thì không thể yêu cầu nghiêm khắc như vậy. Trong khi tiếp dẫn mọi người một thời gian dài thì thiện căn phước đức nhân duyên đã chín muồi. Chín muồi là thế nào? Họ thật sự muốn vãng sanh, lúc này thì có thể nghiêm khắc, xem coi có bao nhiêu người, số người bao nhiêu không quan trọng. Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh đã nói trong Tây Phương Xác Chỉ, họ tổng cộng có mười hai người chí đồng đạo hợp, mười hai người ở trong một đạo tràng nhỏ tiến tu, chỉ một phương hướng, một mục tiêu, chí đồng đạo hợp nên mười hai người này đều thành tựu.
Số người ít nhất, lấy một tăng đoàn để nói là bốn người; hay nói cách khác, bốn người trở lên là được rồi. Đã thật rõ ràng, thật sáng tỏ sự việc này rồi thì bốn người chúng ta kiên định quyết tâm cầu sanh Tịnh độ, mọi duyên của thế gian này thảy đều buông xuống, có đạo tràng nhỏ như thế thì được! Xác thực làm được lục hòa kính một cách rất viên mãn. Không dễ gì tìm được bốn người chí đồng đạo hợp, hai người ở chung với nhau mà còn muốn cãi nhau, còn muốn ý kiến bất hòa rồi thì bạn còn có cách nào nữa! Bạn mới biết rằng bốn người đồng tâm là việc khó khăn biết bao. Sau đó nghĩ đến Viễn công năm xưa còn tại thế, thành tựu 123 người thật là không thể nghĩ bàn. Những đạo tràng vào thời xưa có lẽ là Bồ-tát thị hiện làm gương cho chúng ta, làm mô phạm cho chúng ta thấy, hy vọng chúng ta có thể học tập.
Đây là hành thập thiện nghiệp, nhấn mạnh ở chữ “hành”, hành chính là thực hành, thực hành ở việc trì giới, trì giới trang nghiêm. Trang nghiêm, nói theo hiện nay là tốt đẹp, viên mãn không có khiếm khuyết. Ý nghĩa là viên mãn tốt đẹp, chúng ta trì giới mới có thể viên mãn. “Có thể sanh ra hết thảy nghĩa lợi của Phật pháp”, “nghĩa” là đạo lý, đối với tất cả đạo lý của Phật pháp đều hiểu rõ. “Lợi” là lợi ích, là thọ dụng. Trì giới ở đây là nghĩa rộng chứ không phải nghĩa hẹp, bởi vì lục độ là tiêu chuẩn hành vi của Bồ-tát. Trì giới, nói theo cách nói hiện nay của chúng ta chính là tuân thủ pháp tắc. Con người bất luận là sống một mình hay là chung sống với mọi người, đều phải có quy luật; đặc biệt là chung sống với mọi người, nhất định phải tuân thủ pháp tắc, nhất định phải tuân thủ giáo giới của đức Phật. Cho nên không hẳn là các giới điều, mà phàm là những giáo huấn được nói trong kinh thì đều là giới pháp, lời khuyên răn, vì vậy phải hiểu rõ ý nghĩa, hành vi phải tuân thủ. Ngoài những điều này ra thì hiến pháp, pháp luật, quy định của quốc gia cũng đều phải tuân thủ. Vào trong nhà của người khác, gọi là “gia có gia quy, quốc có quốc pháp”, chúng ta phải tuân thủ quy củ gia đình người ta. Quy củ của mỗi gia đình không như nhau, như đạo tràng Phật giáo chúng ta, đạo tràng nhiều như vậy, mỗi một đạo tràng đều có qui củ riêng của mình. Chúng ta xem quy ước thường trụ mà mỗi một đạo tràng đặt ra đều không như nhau, chúng ta trước tiên phải đi xem thử, không biết thì trước hết phải hỏi, trong đạo tràng có tri khách, họ chính là người quản lý việc này, phải thỉnh giáo nơi họ. Đặc biệt là chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau. Hôm kia, Ấn Độ giáo nói với chúng ta về lễ nghi phổ thông được coi trọng nhất của Ấn Độ giáo, bất luận là bạn biếu tặng họ cái gì, hoặc là họ biếu tặng bạn vật gì, nhất định phải dùng tay phải. Họ tặng quà mà bạn nhận bằng tay trái là đại bất kính. Chúng ta thì không sao cả, nhưng ở chỗ họ thì không được. Bạn tặng quà cho họ, nhất định phải đưa bằng tay phải; họ tặng quà, bạn nhất định phải dùng tay phải để nhận, không được dùng tay trái. Chúng ta phải biết thì mới có thể “đầy đủ đại nguyện”. Đầy đủ đại nguyện chính là có cầu tất ứng mà chúng ta thường nói, chúng ta có nguyện cầu gì thì đều có thể đạt được như ý. Đây là thực hành thập thiện vào trong trì giới.
Vì sao tuân thủ luật nghi thì có thể đạt được như ý? Quý vị phải biết, một người tuân thủ pháp tắc thì sẽ được mọi người tôn kính hoan nghênh, được nhiều người giúp đỡ. Nếu bạn thường xuyên không tuân thủ pháp tắc thì người ta không có lòng tin đối với bạn, khi bạn cần sự giúp đỡ thì người khác sẽ không giúp đỡ bạn, bạn làm việc gì cũng có rất nhiều chướng ngại, thành tựu sẽ khó khăn. Cho nên, Phật đem việc tuân thủ pháp tắc xếp ở vị trí thứ hai, bố thí đặt ở hàng đầu. Bố thí thì phải thật sự buông xuống, vì sao vậy? Bạn thật sự buông xuống thì bạn mới có thể tuân thủ pháp tắc, bạn bỏ đi phân biệt, chấp trước của mình thì bạn có thể tuân thủ pháp tắc; bạn không thể bỏ đi thành kiến của mình, không thể bỏ đi sự chấp trước của mình thì không thể tuân thủ pháp tắc. Cho nên trình tự của sáu ba-la-mật không thể đảo lộn được, mắt xích này gắn liền với mắt xích kia: không thể bố thí thì không thể tuân thủ pháp tắc; không thể tuân thủ pháp tắc thì chắc chắn không thể nhẫn nhục; không thể nhẫn nhục thì bạn chắc chắn sẽ không có tiến bộ. Cái này móc nối với cái kia. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.
[1] Tức là đại sư Huệ Viễn.