Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 120/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 120/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ ba từ dưới lên: 

Ngũ lực trang nghiêm nên mọi oán diệt hết, không gì hoại được.

Phía trước đã nói qua “ngũ căn”, ngũ căn tăng trưởng bèn sanh ra sức mạnh, cho nên gọi là ngũ lực. Tên gọi của năm điều này tương đồng với ngũ căn là: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Chúng ta đều phải có trình độ nhận biết tương đối về mỗi một điều, lại phải hết lòng nỗ lực mà học tập, như vậy mới có thể đạt được thọ dụng. Điều thứ nhất là “tín căn”. Tài liệu giảng dạy mà hiện tại tôi ở đây giới thiệu với các vị là lấy từ Giáo thừa pháp số. Gần đây hình như Giáo thừa pháp số đã được in ra rồi, sách in ra rất lý tưởng, các đồng tu mỗi một người đều có thể lấy một bộ. Chỉ có điều thứ tự trình bày ở phần đầu kém một chút, đây là vì ban đầu tôi không chú ý đến, đều là do xưởng in làm. Một quyển sách vừa mở ra, thiên thứ nhất phải là lời tựa, đó là lời tựa của Ung Chính, nên dùng màu đỏ để in, thiên này phải để ở phía trước, sau lời tựa mới là phần mục lục. Hiện nay tôi xem thấy quyển này là mục lục xếp ở trước, lời tựa xếp ở phía sau, thứ tự này bị đảo lộn rồi. Những điều như vậy thuộc về thường thức, chúng ta phải nên biết, người đọc sách làm gì không có thường thức này? Vậy thì nói không thông. Hiện tại số lượng in ra không nhiều, chỉ có một ngàn quyển để chúng ta dùng, không lưu thông bên ngoài. Mọi người cần phải biết, về sau khi muốn in sách thì phải lưu ý, đừng để người khác nhìn thấy cười. 

Điều thứ nhất của ngũ căn là “tín căn”, thứ hai là “tấn căn”, tiếp theo là “niệm, định, tuệ”. Tín căn tăng trưởng thì trở thành lực. Giải thích của tín lực là “tín căn tăng trưởng thì có thể phá nghi chướng”, tín thì không hoài nghi. Ngày nay tín của chúng ta có lực hay không? Không có lực. Chẳng những không có lực, có lẽ ngay đến căn đều không có. Chúng ta đối với tất cả pháp thế xuất thế gian đều hoài nghi thì sao có thể thành tựu được? Người xưa nói rất hay, thế nhưng chúng ta không tin tưởng. Bạn xem, ngày nay thế giới này động loạn, lòng người hư hoại, chưa từng có trong lịch sử, tương lai trong lịch sử thì đây là thời kỳ đại loạn. Căn nguyên của động loạn là do đâu? Nếu không tìm ra nhân tố, không tiêu trừ được căn nguyên của động loạn thì xã hội này làm sao an định, thế giới làm sao có hòa bình? 

Căn nguyên này, một câu nói của người xưa đã nói ra, chúng ta chẳng những không tin tưởng, mà mỗi ngày đọc lời nói này cũng không ngờ đến. Trung Quốc thời cổ đại, trẻ nhỏ học Tam Tự Kinh, câu thứ nhất của Tam Tự Kinh chính là căn bản để trị loạn của thế gian. Ai tin tưởng? Đó đều là lời giáo huấn tinh yếu của bậc thánh hiền được trích lục ra, đó là tinh hoa. “Người ban đầu, tánh vốn thiện. Tánh gần nhau, tập xa nhau”, đây chẳng phải đã đem căn nguyên của trị loạn nói ra hết rồi sao? Thiện của tánh vốn thiện không phải là thiện của thiện ác, thiện này rời xa hai bên, trung đạo chẳng lập, đây gọi là chí thiện, là chân thiện, là tánh đức viên mãn. Cho nên nói “tánh gần nhau”, tánh đó là giống nhau, bổn tánh của tất cả chúng sanh đều như nhau, trong bổn tánh có đầy đủ trí tuệ viên mãn, đầy đủ đức năng viên mãn, cho nên “sanh Phật không hai”, chúng sanh và Phật không hề khác biệt chút nào. Tại vì sao có khác biệt? Câu tiếp theo là “tập xa nhau”, tập là tập quán, đó là tập tánh, không phải bổn tánh, tập tánh thì không giống nhau. Gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đây là tập tánh. 

Bởi vậy, con người không thể không tiếp nhận giáo dục. Mục đích của giáo dục là gì? Mục đích của giáo dục là dạy chúng ta thân cận thánh hiền. Tập tánh của chúng ta nếu như thân cận thánh hiền thì không hay không biết con người cũng trở thành thánh hiền, đây là sự hun đúc của giáo dục. Chúng ta mỗi ngày ở chung với Phật, không hay không biết bèn thành Phật. Mỗi ngày ở chung với Bồ-tát, không hay không biết bèn thành Bồ-tát. Mỗi ngày ở chung với ác đạo thì cũng không hay không biết biến thành ác đạo. Cõi quỷ là tâm tham, địa ngục là sân giận, súc sanh là ngu si, ngày ngày ở chung với họ thì sẽ nhiễm tham sân si, sẽ biến thành ác đạo. Giáo dục rất quan trọng! Chúng ta nhìn thấy giáo dục trong xã hội ngày nay. Ở nhà thì cha mẹ dạy những gì? Ở trường học, thầy cô giáo dạy những gì? Trong xã hội, bạn hằng ngày xem báo chí, tạp chí, truyền hình, phim ảnh, đây là giáo dục xã hội, những thứ này dạy bạn cái gì? Lại xem qua tôn giáo, tôn giáo là giáo dục thánh hiền, hiện tại trong tôn giáo dạy những gì? Chúng ta liền biết được, liền tìm ra được căn nguyên động loạn của thế gian này. Đối trị thì phải từ nơi gốc rễ mà bắt tay vào, hóa ra đây là vấn đề của giáo dục! Chúng tôi trong lúc giảng kinh thường nói, đây không phải vấn đề chính trị, chính trị không giải quyết được; đây cũng không phải là vấn đề quân sự, vũ lực không giải quyết được; đây cũng không phải là vấn đề kinh tế, cũng không phải là vấn đề khoa học kỹ thuật, đều không thể giải quyết được. Là vấn đề gì vậy? Vấn đề giáo dục. 

Cho nên các bậc thánh triết, thánh nhân, thần nhân xưa nay trong và ngoài nước, họ làm cái gì? Làm giáo dục. Ở thế gian này họ không chọn các nghề nghiệp khác, mà họ chọn giáo dục. Vì sao vậy? Cứu đời cứu người. Chúng ta ngày nay ở thế gian này chọn nghề nghiệp này là chúng ta dùng tâm gì, dùng chí hướng gì để chọn lựa? Nếu cũng vì danh văn lợi dưỡng, vậy thì con đường bạn đi là ba đường ác, hơn nữa là vô cùng vô cùng nghiêm trọng. Vì sao nói vô cùng nghiêm trọng? Vì bạn làm biến chất giáo học của thánh hiền, bạn dùng sai giáo huấn của thánh hiền rồi, khiến tất cả chúng sanh lầm lạc, đây là tội chồng thêm tội. Nghề nghiệp này là nghề nghiệp thần thánh, là nghề nghiệp của đại thánh đại hiền, chúng ta phải rõ ràng điều này! Chúng ta chưa làm tốt thì chúng ta chính là tội nhân của Phật Bồ-tát, quả báo khẳng định ở địa ngục A-tỳ. 

Cho nên, phàm là người có trí tuệ thì nhất định sẽ không khuyên người xuất gia. Khuyên người xuất gia, nếu như tương lai họ tu không tốt, mang danh nghĩa Phật pháp nhưng làm những thủ đoạn tham sân si mạn, tự tư tự lợi, tương lai đọa địa ngục A-tỳ, người mà khuyên người đó xuất gia cũng phải gánh trách nhiệm nhân quả, vậy ai dám làm việc này? Chỉ có người ngu si vô tri mới dám làm, người có đầu óc hơi tỉnh táo thì nhất định không dám khuyên người ta xuất gia. Thế nhưng có thể khuyên người ta học Phật. Bạn xem lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, cả đời khuyên người ta học Phật, khuyên người ta quy y, nhất định không khuyên người ta thọ ngũ giới, vậy xuất gia thì càng không cần phải nói, tuyệt đối không khuyên người. Nếu bạn muốn phát tâm xuất gia, thầy sẽ hỏi: “Vì sao anh muốn phát tâm xuất gia?” Khuyên bạn quay đầu. Việc này rất khó! Xuất gia chính là làm Phật, xuất gia chính là hy sinh chính mình để cứu độ tất cả chúng sanh. Bản thân phải làm tấm gương tốt cho chúng sanh, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là mô phạm cho trời người. Người xuất gia được gọi là “thầy của trời người”, không chỉ là thầy của nhân gian, mà còn là hình mẫu tốt nhất trong các vị thầy, là tấm gương tốt nhất, là thầy của chư thiên trong sáu cõi, vua trời nhìn thấy họ đều muốn học tập. Ta có thứ gì để cho họ học tập đây?

Cho dù bạn xuất gia với động cơ gì, hiện tại bạn đã xuất gia rồi, hiểu được những đạo lý này rồi thì bạn phải hết lòng nỗ lực tu học. Người xuất gia cả đời làm hai sự việc: một là hoằng pháp, hai là hộ pháp. Hoằng pháp là đảm nhận việc giáo học, giảng kinh thuyết pháp; hộ pháp chính là làm công việc hành chính trong đạo tràng, công việc quản lý, chúng ta không mời người bên ngoài đến làm, mà chính mình tự làm, hoằng hộ là một thể. Người hộ pháp chăm sóc đồng học hoằng pháp, về phương diện quản lý, cố hết sức giảm nhẹ lượng công việc của họ, để họ có thời gian đọc sách, đọc kinh, để tiến tu; về công việc quản lý, lao động thì người hộ pháp gánh vác nhiều một chút, đây là nội hộ. Giống như trong trường học, người hoằng pháp là giáo viên, phụ trách lên lớp, còn người hộ pháp là viên chức, địa vị của giáo viên và viên chức là bình đẳng, giáo viên và viên chức là một thể, quan hệ luôn phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận.

Người xưa dạy chúng ta: “Cách giáo dục, quý ở chuyên”, phần đầu của Tam Tự Kinh nói như vậy, chúng ta có tin tưởng hay không? Chúng ta không chịu chuyên nhất, không chịu chuyên chú, nhìn thấy người khác học rất nhiều thứ, chỉ sợ mình không bằng người khác, vậy thì sai rồi! Nếu bạn chuyên chú thì bạn sẽ nổi trội hơn người, người tạp tu chắc chắn không thể nào sánh bằng bạn. Người chuyên chú thì đầy đủ tam học giới định tuệ, người học tạp thì tam học giới định tuệ bị phá hoại hoàn toàn, họ làm sao có thể thành tựu được? Giáo học của Phật học viện ngày nay hỏng rồi, do bắt chước theo một số phương pháp dạy học và cách sắp xếp khóa trình của trường học, cho nên tam học giới định tuệ hoàn toàn không có, chẳng những tín lực không có, mà tín căn cũng không có. Đây hoàn toàn khác với giáo học của người xưa, người xưa đích thực là “quý ở chuyên”. Bạn theo thầy học tập thì nhất định chỉ học một môn, nhất định không được đồng thời học hai môn. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cả đời giảng kinh dạy học ở Đài Trung, đối với việc này thầy hạn chế rất nghiêm khắc, học trò chỉ được học một môn. Người có thiên phú, người có năng lực đích thực mới cho phép bạn đồng thời học hai môn. Không có chuyện học đến ba môn, nhất định không làm được. Hơn nữa, nếu đồng thời học hai môn thì hai môn này nhất định phải bổ trợ thành tựu cho nhau, hai môn này nhất định không được trái ngược nhau. Đều có nguyên tắc. 

Thế nhưng người hiện nay không tin tưởng, người hiện nay nhìn thấy người khác học nhiều thứ như vậy, đọc nhiều sách như vậy, cho nên họ không tin! Tôi thường nói: “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt.” Họ không tin, vậy thì còn cách nào? Mỗi một câu trong Tam Tự Kinh không phải chỉ một người nói, mà đó là sự tích lũy kinh nghiệm giáo huấn của cổ thánh tiên hiền trong vô lượng kiếp, chẳng phải do một người nói. Ở Trung Quốc, mấy ngàn năm qua tổ tổ truyền nhau chỉ một nguyên tắc như vậy. Ngày nay, tín của chúng ta không có căn thì làm gì có lực? Tín có lực thì phá nghi, phá chướng, chúng ta trong quá trình tu học chắc chắn không có nghi hoặc. Chướng là gì? Chướng ngại từ bên ngoài đến, ngày nay còn gọi là “bị ảnh hưởng bởi tất cả người, việc và vật”, liền sanh ra chướng ngại. Nhất định không bị ảnh hưởng bởi ngoại lực, đây là trừ chướng ngại, vậy thì đạo đức, học vấn của chính mình ngày ngày càng thêm lớn. 

Công khóa có thể định ra mấy môn thì phải học từng môn một, không được đồng thời học nhiều môn. Chúng tôi chọn ra cho các đồng tu thường trụ tại đạo tràng bảy môn công khóa, bảy môn công khóa này chẳng phải là bảo bạn học cùng một lúc, bạn phải học từng môn một, quý ở chuyên! Học môn nào trước, việc này không hề gì, bạn có thể chọn lựa; thứ tự các môn học thì cá nhân bạn có thể chọn lựa, không cần phải giống nhau. Chúng tôi định ra bảy môn, bạn thích nhất kinh Vô Lượng Thọ thì có thể chuyên chú học tập bộ kinh này trước, học xong bộ kinh này rồi thì học tiếp bộ thứ hai. Nếu bộ này chưa học chưa xong thì không được học bộ thứ hai. Thế nào gọi là “học xong”? Hiện nay tiêu chuẩn này đã bị hạ đến mức thấp nhất, tiêu chuẩn của thầy Lý là bạn lên bục có thể giảng được thì mới xem là học xong, bạn chưa lên bục giảng qua một lần thì không tính. Tiêu chuẩn của thầy là tiêu chuẩn ở mức thấp nhất, phải lên bục giảng qua một lần từ đầu đến cuối thì mới xem là bạn đã học xong. 

Năm xưa tôi học với thầy, từ trong kinh nghiệm, tôi sâu sắc cảm nhận được rằng giảng một lần không đủ. Trong lớp học tập, tôi cũng giống như lớp trưởng vậy, các bạn học đều rất tôn trọng tôi, tôi đề nghị với thầy, đó là ý của riêng tôi, tôi không yêu cầu người khác, tôi phải giảng mười lần thì mới xem là học xong. Thầy Lý gật đầu. Học một bộ kinh, giảng một lần không đủ, phải liên tục không ngừng giảng mười lần. Lần trước, cư sĩ Sử ở Khai Phong, Hà Nam đến bên đây, mọi người cũng đều gặp ông ấy rồi, ông ấy xin xuất gia và muốn tôi thế phát cho ông. Tôi không còn cách nào khác, ông ấy đứng ỳ ra, tôi từ chối cũng không được. Tôi yêu cầu ông một điều kiện là trong vòng một năm, ông giảng mười lần kinh Vô Lượng Thọ thì tôi sẽ thế phát cho ông. Tuần trước, ông gọi điện thoại cho tôi, ông nói ông đã giảng năm lần rồi, trong một năm nhất định ông có thể giảng xong. Tôi nói: “Được, trong vòng một năm nếu ông có thể giảng mười lần kinh Vô Lượng Thọ thì ông đến tìm tôi, tôi sẽ thế phát cho ông.”

Chúng ta phải biết đạo lý cơ bản này, phải có tín tâm! Phải học từng môn từng môn một, cho dù trong một đời này, ta chỉ học xong một bộ thì cũng là thành tựu. Trong một đời này, nếu học một bộ cũng không xong thì rất hổ thẹn, không thể thành tựu! Đồng tu tại gia thật thà niệm Phật có thể cầu vãng sanh; đồng tu xuất gia học một bộ kinh luận cũng không học xong thì có lỗi với Phật Bồ-tát, có lỗi với sự cúng dường của đại chúng. Tín đồ tại gia cung cung kính kính cúng dường tứ sự là vì cái gì? Thật ra mà nói, ngày nay đồng tu xuất gia chúng ta, tam độc phiền não quá nặng, tâm tham quá nặng, tâm si, đố kỵ, sân giận không hề buông xuống, cho nên lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền nghe không lọt vào tai, không chịu nhất môn thâm nhập. Không cam tâm học một thứ, “người khác biết nhiều như vậy, mình phải biết nhiều hơn họ”, kết quả sau cùng không thông được thứ nào, cũng chẳng hiểu được thứ gì. Cổ đức đã nói: “Một kinh thông, tất cả kinh thông”, nhưng họ không tin tưởng. Thật sự là thông một kinh rồi thì tất cả các kinh khác thảy đều thông suốt, vừa tiếp xúc với pháp thế xuất thế gian liền thấu hiểu, không cần phải học tập. Tuy những lời mà cổ thánh tiên hiền đã nói là chân lý, nhưng người hiện nay không tin chân lý; nhận giả, không nhận thật, vậy thì hết cách. Cho nên, vĩnh viễn không thể phá được nghi và chướng, vậy công phu làm sao có thể đắc lực? Chúng ta nói đến ngũ căn, thật ra mà nói thì ngũ lực vẫn là ở trong ngũ căn mà dụng công, có căn thì sau đó mới có lực, căn đều không có thì làm gì có lực? Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.