GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 368/374
Chúng ta tiếp tục xem phần sau, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có trích dẫn một đoạn trong Đại Trí Độ Luận, chúng ta hãy đọc đoạn này: “Kim giả tuy tri tu hành vãng cầu, liễu liễu thức tri lý thể vô cầu, nhưng bất hoại giả danh thị cố bị tu vạn hạnh, cố năng cảm giả” (Nay hành giả tuy biết tu hành cầu vãng sanh, hiểu rõ ràng Lý-thể là vô cầu, nhưng chẳng hoại giả danh, nên tu đủ vạn hạnh. Do đó, cảm được Bồ-đề). Dưới đây trích dẫn lời trong Đại Trí Độ Luận để nói: “Nhược nhân kiến Bát-nhã thị tắc vi bị phược, nhược bất kiến Bát-nhã thị diệc bị phược” (Nếu ai thấy Bát-nhã là bị trói buộc, nếu không thấy Bát-nhã cũng là bị trói buộc). Bốn câu này là nói về mê, hễ tâm đã mê thì không có gì là đúng cả, thấy Bát-nhã là sai rồi, không thấy Bát-nhã cũng sai luôn. Nói ngược lại, nếu đã giác rồi thì việc gì cũng đúng. Cho nên bài kệ dưới đây đã nói, “Nhược nhơn kiến Bát-nhã thị tắc vi giải thoát, nhược bất kiến Bát-nhã thị diệc vi giải thoát” (Nếu ai thấy Bát-nhã, thì tức là giải thoát. Nếu chẳng thấy Bát-nhã thì cũng là giải thoát). Đây chính là sự khác nhau giữa mê và ngộ. Hai bài kệ này giống như công thức toán học vậy, bất luận là để ở chỗ nào cũng đều chính xác.
Từ đó cho thấy điều mong cầu trong Phật pháp chẳng có gì khác là cầu giác ngộ mà thôi, cũng chính là điều đã nói ở phía trước là cầu “thức đạt” mà thôi. Thức là cạn, còn đạt thì sâu, đạt là thông đạt, thức là nhận thức, thông đạt mới sâu. Trong xã hội hiện nay, nhân sĩ tín ngưỡng tôn giáo rất nhiều, quả thật giống như những lời trưởng lão Wahid đã nói, người nhận thức thì nhiều, người hiểu biết thì ít, hiểu biết chính là thông đạt. Không thể hiểu rõ thông đạt thì niềm tin này gọi là mê tín, xã hội đại chúng nói chúng ta làm điều mê tín, chúng ta không thể trách họ được, nếu bạn trách họ thì chính bạn đã sai, tại sao không thể trách họ vậy? Vì hình tượng của tôn giáo hiện nay thật sự là mê tín, lợi ích mà tôn giáo nói là ở kiếp sau, người thông thường xem trọng hiện thực, tôi hiện nay không nhận được lợi ích, kiếp sau thì quá mù mịt, kiếp sau ai biết được có thật hay là giả?
Sự giáo huấn của Phật pháp hiện tại có đạt được lợi ích hay không? Lợi ích trong đời này gọi là hoa báo, giống như cây cối ra hoa, hoa nở thật đẹp, bạn liền nghĩ đến tương lai được quả tốt. Phật pháp nói quả báo hiện tiền là hoa báo, tương lai là quả báo, kiếp sau mới là quả báo, nhân quả thông ba đời. Hồi giáo thì nói nhân quả hai đời, tôi xem kinh Coran thì nhân quả ba đời, tín điều cơ bản của Hồi giáo có sáu điều, trong đó có một điều là “tin tiền định”. Trong kinh nói “Thánh A-la dựa vào tiền định mà tạo ra vạn vật”, thánh A-la tạo ra người này, cho người này được hưởng phước trong đời này, tạo ra người kia, bảo họ đời này chịu tội, thánh A-la có quyền uy tuyệt đối. Vì sao tạo ra người này hưởng phước, người kia chịu tội? Nếu nói dựa vào sở thích của bản thân Ngài vậy là thánh A-la chẳng có công bằng, nếu người này cả đời làm thiện thì đời sau họ sẽ lên thiên đường, cả đời tạo ác thì kiếp sau xuống địa ngục, điều này chẳng có vấn đề gì. Nhưng mà dựa vào tiền định thì câu nói này rất hay, tiền định chắc chắn là nghiệp nhân của đời quá khứ, trong đời quá khứ bạn làm thiện thì đời này bạn hưởng phước, trong đời quá khứ bạn làm việc bất thiện thì bạn phải chịu khổ, Thượng Đế rất công bằng, Thượng Đế rất chánh trực, không có tư lợi, không có thiên vị, tin vào tiền định thì nói thông suốt.
Cho nên khi tôi giao lưu nói chuyện với họ, không phải là hai đời mà là ba đời, mặc dù các bạn không nói luân hồi nhưng chính xác là nhân quả ba đời. Nếu vậy thì bạn sẽ làm cho người ta hoài nghi, bạn khiến cho người ta nghĩ không thông đạo lý này, vạn sự vạn vật đều do tiền định, nếu trong Phật pháp nói tiền định thì có tiền định tuyệt đối, đó là gì vậy? Là Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đây là tiền định, do bạn tạo ra việc bất thiện nên mới có phiền não, mới có vọng tưởng phân biệt chấp trước, những thứ này trong tâm thanh tịnh của tự tánh thì chẳng có. Vốn là không có phân biệt, vốn là không có chấp trước, không có vọng tưởng, vốn là không có, tại sao bây giờ lại có? Cái này gọi là tập khí, Phật pháp và nhà Nho gọi là tập tánh, tập tức là bạn học tập, gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, vì vậy giáo dục mới hưng khởi, tại sao phải giáo dục? Là do tập khí, đây là vấn đề lớn không thể không xem trọng, không phải là một vấn đề nhỏ. Đối với cá nhân mà nói, một đời của bạn giàu nghèo quý tiện là do tập tánh làm chủ, đối với xã hội mà nói, sự an toàn của xã hội, sự nối tiếp của chủng tộc quốc gia có quan hệ rất lớn với tập tánh.
Làm thế nào để gìn giữ tập tánh lương thiện, ngăn ngừa sự lây nhiễm những tập tánh bất thiện thì đều phải dựa vào giáo dục. Tư duy giáo dục của người Trung Quốc do đây mà có, cho nên trước tiên bạn cần phải có nhận thức, sau đó bạn mới biết nên dùng cách gì để xử lý. Năm ngàn năm nay, Trung Quốc luôn xem trọng giáo dục, cho nên trong quốc gia “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên” (dựng nước quản dân, dạy học làm đầu), nhân dân tốt là do bạn dạy mà ra, nhân dân không tốt cũng là do bạn dạy mà ra, bạn đã dạy họ những điều gì? Nhà Nho đề xuất “quân thân sư”, bất kỳ người nào một đời làm người đều phải làm trọn nghĩa vụ.
Bất luận phân thận của bạn là gì, bạn ở trong gia đình, quân là lãnh đạo, bạn lãnh đạo cái nhà của bạn theo phương hướng nào, theo mục tiêu nào. Thân là cha mẹ, bạn có nghĩa vụ nuôi sống gia đình, nuôi sống gia đình là trách nhiệm của thân. Thứ ba là phải dạy, bạn phải dạy bảo họ. Cho nên bất kỳ một người nào, thiên chức chính là quân thân sư. Bất luận là ở trên cương vị nào, phục vụ trong cơ quan nhà nước hay là ở công ty tư nhân, bạn là nhân viên bình thường thì có quân thân sư không? Có, quân là gì? Bạn phải dẫn đầu, làm công việc mà mình phụ trách đến tận thiện tận mỹ, làm tấm gương cho người khác, đó chính là lãnh đạo. Tuy bạn không phải là người chủ quản, không có danh phận lãnh đạo chính thức, nhưng trên thực tế bạn đã ảnh hưởng họ, đó chính là lãnh đạo. Bạn làm tấm gương, làm mô phạm cho họ, đó chính là sư. Bạn thường xuyên quan tâm đến đồng nghiệp, đó chính là thân. Bất luận là ở cương vị nào, bất luận là thân phận như thế nào, quân thân sư là điều tự nhiên, không phải do con người lập ra, đây gọi là tánh đức. Mọi người đều hiểu rõ, mọi người đều biết được, mọi người đều có thể làm được thì gia đình đâu có đạo lý không hưng vượng, quốc gia đâu có đạo lý không cường thịnh chứ. Xã hội thật sự an định lợi lạc, chẳng có việc gì thành tựu mà không nhờ giáo dục, giáo dục mà không còn thì xã hội quốc gia đâu có lý nào mà không loạn. Ngày nay cả thế giới đại loạn, nguyên nhân căn bản ở chỗ nào vậy? Do giáo dục mất hết rồi, không còn giáo dục nữa.
Tôi vẫn nhớ lúc mới vừa xuất gia tại chùa Viên Sơn Lâm Tế Đài Bắc, Thường Trụ phân cho tôi công việc là quét dọn sân chùa. Sân chùa này rất rộng, cây cối cũng rất nhiều, mỗi ngày sáng sớm phải đi quét sân, chúng tôi có tổng cộng ba người vừa mới xuất gia, làm công việc chân tay này. Có một hôm tôi gặp hình như là bốn sinh viên, bên cạnh chùa chúng tôi có một con đường nhỏ dẫn đến vườn bách thú, họ theo con đường nhỏ để lên núi, đi đường nhỏ thì không cần phải mua vé. Tôi nhìn thấy bốn sinh viên này, dáng vẻ không đoan chánh, nói những lời thô lỗ, sau khi tôi nhìn thấy mà lòng cảm thán: “Thật đáng tiếc, chưa tiếp nhận được giáo dục!” Họ nghe được lời nói này của tôi, bốn người này liền quay lại hỏi tôi, họ hỏi có phải thầy nói chúng tôi chưa tiếp nhận giáo dục không? Tôi nói đúng vậy, tôi rất là cảm thán các bạn chưa tiếp nhận được sự giáo dục. Họ liền nói với tôi, bốn người họ là sinh viên năm thứ tư của Đại Học Luật Đài Loan, họ nói tại sao thầy nói chúng tôi chưa tiếp nhận giáo dục chứ? Tôi nói, các bạn là sinh viên đại học năm thứ tư, vậy thì các bạn không đáng được tôn trọng. Tôi nói, được rồi, vậy tôi xin thỉnh giáo bạn nhé, giáo có nghĩa là gì? Dục có nghĩa là gì vậy? Giáo dục có nghĩa là gì? Họ không trả lời được, ba câu hỏi đưa ra họ chẳng trả lời được. Tôi nói các bạn chưa được nhận giáo dục cao đẳng, ngay cả giáo dục tiểu học cũng chưa được giáo dục, họ vô cùng kinh ngạc. Tôi nói, bạn biết ăn cơm không? Họ nói ăn cơm ai mà không biết. Tôi nói chẳng có đơn giản đâu, tôi nói tôi mang bốn món ăn cho bạn, bốn món ăn này có âm dương ngũ hành, bạn có biết món nào phải đặt chỗ nào không? Thật sự là họ chưa học qua. Điều này trong Lễ Ký, chương Nguyệt Lịnh có nói. Sinh viên thời đó vẫn không tệ, bạn thật sự nói thông thì họ vẫn phục, họ nói chúng tôi hiện nay được giáo dục như thế này thì được xem là gì? Tôi nói nếu danh phù hợp với sự thật thì không thể gọi là đại học, vậy gọi là gì? Gọi là Sở Cao Đẳng Tri Thức Chuyên Tập, đây là danh phù hợp với thật, các bạn đã tiếp nhận được sự truyền thọ của tri thức cao đẳng, chứ chẳng hiểu chút nào về giáo dục. Họ đã phục, sinh viên hiện nay thì không được như vậy, họ không phục, không thọ giáo.
Chữ giáo này là trên làm dưới noi theo, đằng trước làm như thế nào thì đằng sau học theo như thế ấy, đó là giáo. Còn dục, trong Thuyết Văn Giải Tự có giải thích, cái gì gọi là dục? “Cứu thất trưởng thiện dã”, thất là lỗi lầm của bạn, bạn phạm lỗi lầm thì giúp bạn sửa đổi lỗi lầm, mỗi ngày giúp tăng trưởng thiện tâm thiện ý thiện hạnh của bạn, đây là dục. Họ đâu có hiểu, nhiều người làm công tác giáo dục cũng không biết, bạn nói có hỏng việc hay không? Trong giáo dục, người thầy phải lấy thân mình làm mẫu mực, phải làm tấm gương cho học trò xem, đó là giáo, không phải nói bằng lý thuyết, lý thuyết là phương tiện, là phụ đạo, điều quan trọng nhất là lấy thân mình làm tấm gương. Trong gia đình, cha mẹ phải dạy dỗ con cái, cha mẹ là tấm gương của con cái, người Trung Hoa thường nói “thượng lương bất chánh, hạ lương oai” (cây đà trên cong thì cây đà dưới cũng dưới vẹo), cha mẹ là thế hệ trước, con cái là thế hệ sau, lời nói, việc làm, cử chỉ của thế hệ trước không đoan chánh, trẻ em từ bé đã biết học theo rồi, tương lai chúng sẽ làm còn hơn bạn nữa. Cho nên tấm gương của thế hệ trước phải đoan chánh, phải tốt, thế hệ sau mới có học trò tốt, mới có con cái tốt.
Ở trong đoàn thể, vừa rồi tôi đã nói, bạn nên hiểu ý nghĩa của quân thân sư này. Là ông chủ của doanh nghiệp, công ty của bạn có thịnh vượng hay không là do ông chủ có đoan chánh hay không. Nếu ông chủ đoan chánh thì nhân viên không thể bất chánh, họ mà bất chánh thì không được rồi. Nếu ông chủ bất chánh thì nhân viên chẳng có người nào đoan chánh, vì sao vậy? Nếu họ đoan chánh thì không thể được, vì phải cùng chung một phường làm sai quấy, không muốn cùng chung một phường làm sai quấy thì tự nhiên họ sẽ từ chức bỏ đi, đây chính là “Vật sống theo đàn, người chơi theo nhóm”. Người thiện bao giờ cũng muốn sống chung với người thiện, người bất thiện thì luôn muốn sống với người bất thiện, bạn phải hiểu đạo lý này. Bạn hãy nghĩ Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi tụ hội của các bậc thiện nhân, tâm hạnh của ta nếu là bất thiện thì có thể đến đó được không? Đến nơi đó nhìn thấy mọi người nhiều như vậy, ai ai cũng đều là người thiện cả thì chính mình cảm thấy e ngại, nên nhanh chóng quay trở về. Trên thực tế không cần bạn phải quay trở về, A Di Đà Phật biết rất rõ, thấy bạn không đủ tiêu chuẩn thì sẽ không tiếp dẫn bạn, đạo lý là ở chỗ này.
Phật dạy cho chúng ta điều kiện để vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều kiện cơ bản trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Thế Tôn dạy cho phu nhân Vi-đề-hi, cũng chính là dạy cho mọi người chúng ta. Bạn thấy phu nhân Vi-đề-hi cầu sanh Tịnh Độ, trước tiên Phật không nói ra phương pháp cho phu nhân, trước tiên là dạy cho bà tu Tịnh Nghiệp Tam Phước, đây là nền tảng. Tịnh Tông Học Hội chúng ta sau khi thành lập, trong phương pháp hành trì tu hành, chúng tôi đã đặt ra năm khoa mục. Khoa mục thứ nhất là Tịnh Nghiệp Tam Phước, câu thứ nhất của điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Nếu bạn bất hiếu với cha mẹ, bất kính với sư trưởng thì phía sau chẳng được gì, bạn làm sao có thể vãng sanh được, đâu có đạo lý này. Hiếu thân tôn sư được thực hiện như thế nào? Phải thực hiện Đệ Tử Quy. Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp là thực hiện Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Cho nên một câu này là gồm hai bộ kinh: Đệ Tử Quy và Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Điều này không phải là Phật pháp mà là thế gian pháp, Phật pháp là sư đạo, sư đạo phải xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Pháp xuất thế phải xây dựng trên nền tảng của thế gian pháp.
Vừa mở kinh ra, mọi người đều nhìn thấy “thiện nam tử, thiện nữ nhơn”, quí vị cũng thường nghe nói Phật độ người có duyên, Phật không độ người không có duyên, thế nào là người có duyên? Bốn câu này “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp” đều làm được thì đó là người có duyên. Làm không được Đệ Tử Quy, làm không được Thập Thiện Nghiệp, tiêu chuẩn thiện trong pháp thế xuất thế gian bạn không làm được thì làm sao bạn có thể học Phật?
Điều thứ hai là học Phật, học Phật phải bắt đầu từ chỗ nào vậy? Từ Tam Qui Ngũ Giới, điều thứ hai có ba câu “Thọ trì Tam Qui, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”. Tam Qui là gì? Vừa mở đầu là Phật đem mục tiêu học tập Phật pháp nói với bạn, ngày nay chúng ta gọi là đem tổng cương lĩnh, tổng phương hướng truyền trao cho bạn. Nền giáo dục của Thánh Hiền thì thế xuất thế pháp không có ngoại lệ, bạn thấy nhà Nho dạy học, dạy trẻ em Tam Tự Kinh, đầu tiên đem mục tiêu cương lĩnh giới thiệu cho bạn, “nhân chi sơ tánh bổn thiện, tánh tương cận tập tương viễn”. Bốn câu này là tổng phương hướng, tổng cương lĩnh. Phật pháp cũng là như vậy, Phật pháp là tu điều gì? Là giác chánh tịnh đây là Tam Bảo, ở trong Đàn Kinh Đại sư Huệ Năng truyền thọ Tam Qui, Ngài không dùng Phật Pháp Tăng. Khi tôi mới đọc Đàn Kinh cảm thấy rất ngạc nhiên, Ngài truyền thọ Tam Qui là qui y giác, qui y chánh, qui y tịnh. Lúc đó khi đọc đến những dòng chữ này thì tôi hiểu được khi Phật giáo truyền đến Trung Hoa được khoảng 700 năm, là đời nhà Đường, thời gian dài như vậy cho nên càng lâu thì càng bị sai lệch, làm cho mọi người hiểu lầm đối với Tam Bảo. Qui y Phật thì nghĩ đến tượng Phật, qui y Pháp thì nghĩ đến kinh điển, qui y Tăng thì nghĩ đến người xuất gia, là sai rồi, không phải là ý này.
Vậy qui y là gì? Là qui y tự tánh Tam Bảo thì bạn mới có thể được độ. Tục ngữ có nói “Bồ-tát bằng đất qua sông, khó giữ được thân mình”, vậy thì làm sao gia hộ cho bạn được chứ? Cho nên Lục Tổ đã sửa đổi, sau đó nói lại: “Phật là giác, Pháp là chánh, Tăng là tịnh”, giải thích như vậy thì mọi người liền hiểu. Chúng ta phải qui y giác chánh tịnh, giác chánh tịnh là Tam Bảo của tự tánh, là tánh đức vốn có trong tự tánh của bạn. Thế nào gọi là qui y Phật? Niệm niệm giác thì không mê, đây mới thật sự là qui y Phật. Niệm niệm chánh thì không tà, chánh tri chánh kiến không phải là tà tri tà kiến, đây là qui y Pháp. Niệm niệm thanh tịnh không nhiễm, gọi là qui y Tăng. Bạn xem vừa vào cửa Phật là đem tổng cương lĩnh tu học Phật pháp dạy cho bạn, từ nay về sau mọi lúc mọi nơi, khởi tâm động niệm, phải giác chứ không mê, phải chánh chứ không tà, phải tịnh chứ không nhiễm, chính là “thanh tịnh bình đẳng giác” mà trong Kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Thanh tịnh là Tăng bảo, bình đẳng là Pháp bảo, giác là Phật bảo. Phật và chư tổ sư sau khi truyền thọ cho ta thì ta niệm niệm không quên, bạn sẽ không phạm lỗi lầm lớn. Tổng phương hướng mục tiêu của bạn chính xác, không đi sai đường, sau đó thì mới có thể có đủ các giới, không phạm oai nghi, đây là vào cửa Phật. Cho nên điều thứ nhất là thiện thế gian, đây là điều thiện của Tiểu Thừa, mới vào cửa Phật, từ nền tảng này nâng cao hơn nữa đó là điều thiện của Đại Thừa.
Điều thứ ba là nói Đại Thừa, nói Bồ-tát, câu đầu tiên là “phát Bồ-đề tâm”, không phát Bồ-đề tâm thì không phải là Đại Thừa, phát Bồ-đề tâm rồi thì mới thật sự là Đại Thừa. Bồ-đề tâm phát từ chỗ nào? Phát từ tam tự qui y, không có nền tảng của tam tự qui y thì không thể phát được Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm hiện nay chúng ta gọi là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi. Tôi gọi đó là năm thứ tâm thì mọi người dễ hiểu. Chân thành là thể của Bồ-đề tâm, từ thể khởi dụng, dụng có tự thọ dụng, có tha thọ dụng, tức là dùng tâm gì đối xử với chính mình, dùng tâm gì để đối xử với người khác. Đối với chính mình phải dùng tâm thanh tịnh, phải dùng tâm bình đẳng, phải dùng tâm giác ngộ, thanh tịnh bình đẳng giác là đối với chính mình, là tự độ. Tâm từ bi là độ tha, là giúp đỡ người khác, cái tâm này phát ra thì gọi là Đại Thừa. Bạn đã dùng tâm từ bi đối xử với người khác thì bạn có thể làm hại họ được không? Đâu có đạo lý này. Cho nên chúng tôi thường nói, ý nghĩ khống chế, ý nghĩ chiếm hữu, ý nghĩ đối lập đối với tất cả người sự vật tự nhiên sẽ không sanh được, vì sao vậy? Bạn có tâm từ bi, tâm từ bi có thể hóa giải được tất cả những ý niệm này thì chính bạn mới được thanh tịnh bình đẳng giác. thanh tịnh bình đẳng giác là sự hưởng thụ.
Lúc tôi mới bắt đầu học Phật, tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu Phật pháp cho tôi, Phật pháp là sự hưởng thụ cao nhất của đời người, sự hưởng thụ tối cao là gì vậy? Chính là mười chữ này “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Bạn có hay không? Có, trong tự tánh của tất cả chúng sanh vốn dĩ đầy đủ. Nhà Nho thì nói “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, bổn tánh của bạn vốn thiện, bổn thiện chính là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Bổn thiện là vốn có, tại sao hiện nay không có vậy? Vì tập tánh làm cho bạn mê rồi, vậy bạn phải nên biết, tức là phải biết có và không. Bổn tánh vốn là có, chính là thanh tịnh bình đẳng chánh giác vốn có, chân thành từ bi là vốn có. Bất giác vốn là không có, là hư giả, nhiễm ô, cống cao ngã mạn, mê hoặc điên đảo, tự tư tự lợi vốn là không có. Trước tiên bạn hiểu nó cho rõ ràng, nhận thức rõ ràng, vốn dĩ là chẳng có thì không nên tạo ra nó nữa, phải buông xả nó, phải xả cho sạch. Thứ vốn là có thì phải hồi phục lại nó, nó chắc chắn không phải do bạn tu mà có được, không phải là điều mới vừa có được, mà là hồi phục cái vốn có mà thôi.
Trong đoạn kinh văn này, phần trước trong Đại Trí Độ Luận đã nói hai bài kệ giác và mê, phía sau trích dẫn lời giải thích của Bồ-tát Long Thọ, giải thích rất hoàn hảo, “thị trung bất li tứ cú giả vi phược, li tứ cú giả vi giải” (Ở trong ấy mà không lìa được tứ cú thì bị trói buộc; lìa tứ cú thì được giải thoát). Bạn phân biệt chấp trước bốn câu này thì chính là mê, bạn không phân biệt không chấp trước bốn câu này thì chính là giác. Bốn câu này chính là phía trước chúng ta đọc hai bài kệ trong Đại Trí Độ Luận, “Nếu ai thấy Bát-nhã là bị trói buộc, nếu không thấy Bát-nhã cũng là bị trói buộc”. Bài kệ thứ hai “Nếu ai thấy Bát-nhã, thì tức là giải thoát. Nếu chẳng thấy Bát-nhã thì cũng là giải thoát”. Chấp trước là mê, không chấp trước là ngộ. Cho nên trong Khởi Tín Luận, Bồ-tát Mã Minh dạy chúng ta, người biết học thì “lìa tướng ngôn thuyết”, không chấp trước ngôn ngữ, văn tự là kí hiệu của ngôn ngữ, không chấp trước ngôn ngữ chính là không chấp trước văn tự. “Lìa tướng ngôn thuyết”, “lìa tướng danh tự”, “Bát-nhã”, “giải thoát” đều là danh tự thuật ngữ, hiểu ý nghĩa của nó, chứ đừng chấp trước nó. “Lìa tướng tâm duyên”, tâm duyên là bạn đi nghiên cứu điều này phải nói như thế nào, cái này có nghĩa là gì, chẳng có nghĩa gì cả, càng nghiên cứu thì càng sai lầm. Cho nên dính vào là mê, lìa khỏi là giác, lìa là buông xả, dính vào là không buông xả, buông không được thì mê rồi, buông được thì liền giác ngộ. Cách nói này mọi người dễ hiểu.
Không nên chấp trước tất cả pháp thế xuất thế gian, vì sao vậy? Vì tất cả pháp đều là giả. Bạn xem Thế Tôn nói Kinh Bát-nhã, đây là bộ kinh có phân lượng lớn nhất trong Đại Tạng Kinh, nó gồm 600 quyển, nếu chúng ta xem qua một lần 600 quyển này thì cũng mất hết 2-3 tháng bạn mới có thể xem qua một lần bộ kinh này. Sáu trăm quyển kinh này nói điều gì vậy? Cổ nhân nói rất tuyệt vời, Kinh Kim Cang là cương lĩnh của Bát-nhã, hay nói cách khác, 600 quyển này là nói tường tận về Kinh Kim Cang. Nói sơ lược chính là Kinh Kim Cang, còn nói đơn giản hơn là Bát-nhã Tâm Kinh gồm 260 chữ, nó là cương lĩnh của Kim Cang Bát-nhã, là cương lĩnh của cương lĩnh. Hai trăm sáu mươi chữ vẫn còn nhiều, tôi qui nạp nó lại thành 12 chữ, thật đơn giản. Trong hai mươi hai năm Thế Tôn đã nói 12 chữ này, “nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không bất khả đắc” (tất cả pháp vô sở hữu, thảy đều không, không thể đạt được), đây là chân tướng sự thật. Đã là “vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” thì nếu bạn còn chấp trước, nếu bạn còn phân biệt, vậy không gọi là mê thì gọi là gì? Bạn không buông xả thì bạn đã sai rồi. Tất cả pháp này không những bao gồm thế gian pháp, mà còn bao gồm pháp xuất thế gian. Bạn thật sự đã giác ngộ rồi thì thế gian và xuất thế gian đều không tồn tại. Theo cách nói của Lục tổ là thế gian và xuất thế gian là hai pháp thì không phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp không hai. Cho nên trong giáo lý Đại Thừa là vào pháp môn không hai, để vào pháp môn không hai thì tất cả đều phải buông xả thì mới vào được, còn thứ gì buông chưa được thì bạn sẽ không vào được. Đạo lý này phải nên suy nghĩ nhiều thì sau đó bạn mới có thể buông xả tất cả pháp. Điều này vừa buông xả thì bạn liền tự tại, vừa buông xả thì liền khai ngộ.
Bạn nói “Được, tôi sẽ thử xem, tôi sẽ buông”, buông xả rồi vẫn chưa khai ngộ, là do nguyên nhân gì vậy? Sự buông xả đó của bạn còn phải buông xả thêm nữa. Cả thảy bạn đều buông mà trong tâm vẫn còn cái “tôi buông xả” thì vẫn là chưa buông xả. Cho nên nói đến cuối cùng là buông xả cái gì vậy? Là buông xả vọng tưởng phân biệt chấp trước thì trong tâm mới sạch sẽ. Cuối cùng xin thưa với bạn, vốn là chẳng có thì bạn buông xả cái gì chứ? Đúng như lời của Lục Tổ đã nói “xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”, nếu vốn là có thì bạn thật sự buông xả, nhưng nó vốn là chẳng có mà. “Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không bất khả đắc”, bạn buông cái gì chứ? Nói buông xả là thừa rồi, đâu có cái gì để buông xả. Then chốt của mê và ngộ là ở chỗ này.
Phía trước Tổ sư có nói “thức đạt hữu vô” (nhận thức có và không), đó là then chốt của mê và ngộ, bạn thật sự có sự nhận thức này hay không? Thật sự có sự nhận thức này thì lập tức tâm liền thanh tịnh, tâm an lý đắc, vì sao tâm an vậy? Vì đã thông đạt rồi, hiểu rõ rồi, trong tâm không còn nghi hoặc nữa, thật sự được đại tự tại.
Phần sau giải thích “Bất hành vi hành tức vô cầu nhi cầu, tuy tri lý thể vô cầu Bồ-đề vô đắc, nhưng bị tu vạn hạnh dĩ cảm Bồ-đề, diệu khế trung đạo, cố năng tương cảm nhi tương khế dã” (Không hành mà hành, chính là không cầu mà cầu. Tuy biết lý thể là vô cầu, Bồ-đề chẳng thể đắc, nhưng vẫn tu đủ vạn hạnh để cảm Bồ-đề, khéo khế hợp với trung đạo nên cảm được tương ứng và khế hợp). Điều này năm xưa lão sư đã dạy cho tôi “chí thành cảm thông”, lý đạt đến cứu cánh viên mãn, sự đạt đến cứu cánh viên mãn, chẳng có một chút khiếm khuyết nào. Lý chính là sự, sự chính là lý, tánh chính là tướng, tướng chính là tánh, tánh tướng nhất như, lý sự không hai. Cho nên bạn chấp trước lý, không cần sự nữa thì cái lý này của bạn đã bị lệch rồi, không còn viên mãn, bạn có thể làm được không? Làm không được.
Thí dụ lấy vàng chế ra đồ vật, tôi cần đồ vật chứ không cần vàng thì vàng không có, tôi cần vàng chứ không cần đồ vật thì vàng cũng không có, vì sao vậy? Nó là một chứ không phải hai. Cho nên lý với sự là viên dung, lý và sự không chướng ngại với nhau. Về sự thì cần phải tu hay không? Phải tu, thành Phật ứng hóa trong mười pháp giới, thị hiện cho chúng sanh là tu hành. Không phải nói đã thành Phật rồi thì tôi không cần tu nữa, các bạn phải tu, tôi không cần phải tu, không phải như vậy. Nó vốn là như thế, các Ngài không phải tạo tác, cũng không phải cố ý biểu diễn cho chúng ta thấy, mà vốn là như vậy. Nếu bạn thể hội được tầng nghĩa thú sâu xa này thì bạn mới có thể khế nhập cảnh giới. Trong kinh Phật nói “Pháp vốn là như vậy”, ý nghĩa này rất sâu, hy vọng chúng ta nên tỉ mỉ mà thể hội. Làm sao mới có thể khế nhập? Về sự tu thì chắc chắn không thể hủy bỏ, lý tạm thời không hiểu cũng không quan trọng, bạn tu sự, tu lâu rồi, dần dần sẽ hiểu rõ, dần dần có thể khế nhập.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết. A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 368)
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.
.
.