GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 312/374
Người đứng đầu trong tám đại học thức thời Tống là Hàn Dũ. Thầy của Hàn Dũ là ai vậy? Thầy của Hàn Dũ là Sử Ký. Sử Ký là của thời Hán, Ngài học Tư Mã Thiên, lấy Sử Ký làm thầy, cả một đời chuyên chú vào Sử Ký, trở thành một đại văn hào. Những ví dụ về người xưa này rất nhiều rất nhiều. Nổi tiếng nhất trong nhà Phật, chính là Ngẫu Ích Đại sư.
Ngẫu Ích Đại sư học Ngài Liên Trì. Ngài Liên Trì đã qua đời, nhưng trước tác của Liên Trì Đại sư thì còn, cả đời Ngài chuyên môn học ngài Liên Trì. Ngài cũng đã trở thành một tổ sư của Tịnh Tông. Vì vậy, chân thật chịu học thì không nhất định phải ở bên cạnh họ. Đạo lý này bạn phải nên hiểu. Đặc biệt là ở vào hoàn cảnh hiện nay. Hoàn cảnh hiện nay, dùng lời thật mà nói, thì cũng không khác gì với thời Xuân Thu Chiến Quốc. Chúng ta ngày ngày đi khắp nơi cũng là chu du liệt quốc. Hiện tại xin thị thực vào nước khác không dễ chút nào, quốc gia nào cũng đều rất khó lấy được thẻ tạm trú. Tịnh Tông học viện ở Úc Châu của chúng tôi, các vị cũng đều biết rồi. Chúng tôi học chín năm, tôi đem phương pháp dạy trong chín năm của tôi nói với mọi người. Các vị bất luận ở tại một nơi nào mà học thì cũng như vậy. Nói không chừng, thành tựu mà các vị học được còn vượt hơn cả học viên của chúng tôi, thực tế là như vậy, không giả dối một chút nào. Vấn đề là ở thật sự làm, thật sự học, khẳng định là bạn sẽ vượt hơn. Có một số đồng học muốn đi đến Úc Châu, chúng tôi không phải là chính phủ Úc Châu, tôi không có cách nào cấp được thị thực cho bạn cả. Ở nơi đó của chúng tôi, các vị cũng biết, có không ít các thầy có tên lót chữ “Ngộ” đã đi qua bên đó, khoảng hai mươi mấy người. Hiện tại những người đó đều chỉ lấy được thị thực tạm thời mà thôi, thời hạn chỉ có hai năm. Hai năm sau làm lại, nếu người ta không cấp cho bạn thì phải về nước. Thật không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi cũng thường suy nghĩ đến lúc nào thì Phật giáo Trung Quốc mới có thể thành lập được đại học Phật Giáo. Bạn ở tại đất nước của mình cầu học tu hành thì sẽ rất là tiện lợi, sẽ không bị hạn chế nhiều như vậy. Nếu nhà nước làm thì có thể được hay không? Rất có thể, nhưng hiện tại thì không. Hiện tại vì sao mà không thể? Hiện tại nếu nhà nước làm thì không tìm ra được thầy giáo. Làm trường đại học thì rất dễ, không khó, nhưng đi đến đâu tìm cho được thầy giáo? Cho nên chính các vị phải khổ tu, phải thật làm. Sau khi tu được vài năm, bản thân có được thành tựu rồi, nhà nước làm đại học Phật giáo thì các vị có thể làm thầy. Nếu bạn không có học vấn và đức hạnh này, chúng ta hy vọng nhà nước có thể làm trường đại học Phật Giáo thì cũng rất là mờ mịt. Nhà nước dù gật đầu nói họ sẽ làm, bảo bạn tìm giáo sư cho họ, nhưng bạn một người cũng không tìm được. Đây là sự thật.
Cho nên, hiện tại quan trọng nhất chính là chính mình phải phấn đấu, chăm chỉ nỗ lực. Trong các Kinh điển, câu sau cùng trong mỗi bộ Kinh là “y giáo phụng hành”. Chỉ cần bạn làm cho bằng được bốn chữ này, thì bộ Kinh đó bạn sẽ thật sự được lợi ích. Bạn không thể y giáo phụng hành thì Kinh đó bạn không được gì, không liên quan gì với bạn. Vì vậy, hôm nay chúng ta đọc được đoạn Kinh văn này thì cảm khái rất nhiều. Đoạn Kinh văn này chỉ dạy chúng ta phương hướng để nỗ lực, nhất định phải tranh thủ đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, hoa sen của bạn sẽ lớn, quang sắc của bạn sẽ tốt. Đây là đức hạnh, là giới định huệ tam học. Chỉ có tam học tăng trưởng thì mới có thể lên cao hơn.
Đoạn này sau cùng có một câu: “Nhất nhất hoa trung xuất tam thập lục bách thiên ức quang”.
Đây là đoạn nhỏ thứ sáu, “Liên Phóng Diệu Quang”. Trong phần này, sen báu phóng quang. Quang này trong Kinh đã nói “ba mươi sáu”. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói: “Bách thiên ức là lấy số lượng để biểu thị cho vô lượng”. Lời này nói không sai chút nào. Nói ba mươi sáu thì chưa thấy người xưa chú giải. Chú giải cho Kinh Vô Lượng Thọ từ xưa đến nay chưa có ai giảng câu này cho rõ ràng. Vậy số ba mươi sáu này ở đâu ra? Hoàng lão cư sĩ có một cách nói, ông cho rằng thế giới Tây Phương Cực Lạc có bốn độ, mỗi độ đều có chín phẩm, bốn nhân chín thì được ba mươi sáu. Ông nói có đạo lý, vậy thì được rồi. Cho nên ông nghĩ đó là chỉ số phẩm vị ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, bốn lần chín là ba mươi sáu. “Nhất nhất phẩm hữu bách thiên ức liên”, lấy bách thiên ức để biểu thị con số cực đại. Thông thường thì chúng ta nói là vô lượng, vô lượng vô biên. Vì thế, những con số nói ở trong Kinh điển không phải là con số, mà là biểu pháp. Chúng ta nhất định phải hiểu được ý nghĩa này, phải hiểu được ý nghĩa của sự biểu pháp.
“Nhất nhất liên quang như kỳ sắc, cố hữu tam thập lục bách thiên ức quang”. Câu sau ông nói rất hay: “Nhất liên nhiếp tận nhất thiết liên”. Một đóa hoa sen, khẳng định là bao gồm tất cả những đóa hoa sen khác một cách viên mãn. Cho nên nói trong mỗi bông hoa phát ra ba mươi sáu bách thiên ức quang. Cách nói này cùng với Kinh Hoa Nghiêm nói là hoàn toàn tương ưng. Thế Tôn nói thế giới Tây Phương Cực Lạc là vô lượng quang, vô lượng thọ, Ngài đã giải thích với chúng ta danh hiệu “A-di-đà” chính là dùng hai danh từ này: vô lượng quang, vô lượng thọ. Quang và thọ là đại biểu, quang đại biểu cho không gian, quang minh biến chiếu, thọ đại biểu cho thời gian. Nếu dùng cách nói hiện nay thì chính là vô lượng thời không. Vô lượng thời không đã bao gồm hết thảy thế, xuất thế gian, bất kỳ một pháp nào cũng đều hàm nhiếp hết thảy pháp.
Trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói một cách thấu triệt, thậm chí còn nói đến một hạt vi trần. Một hạt vi trần hàm nhiếp hết thảy thế giới. Vô lượng vô biên thế giới nằm ở đâu vậy? Nằm ở trong một hạt vi trần. Mỗi một hạt vi trần đều là như vậy. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Chúng ta nghe xong thật không dễ hiểu được, tin rằng người xưa cũng không là ngoại lệ. Cho nên Hiền Thủ Quốc sư nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một”. Ngài quốc sư nói ở trong cung điện, khi đó hoàng đế và các đại thần đều không hiểu câu nói này. Đây rốt cuộc là cảnh giới gì? Hiền Thủ Quốc sư rất thông minh, xin hoàng đế làm một cái đình tám góc ở trong hoa viên. Việc này rất dễ dàng. Đình tám góc xây xong, Thanh Lương Quốc sư liền nói, đình tám góc có tám cạnh, mỗi cạnh gắn một tấm gương soi thật lớn. Hoàng đế liền cho làm theo. “Một tức tất cả, tất cả tức một”. Ông mời hoàng đế đi vào trong giữa đình mà đứng, nhìn ra bốn phía. Hoàng đế vào đứng liền hốt nhiên đại ngộ, liền hiểu ra. Những tấm gương đó soi chiếu lẫn nhau, người đứng trong đó thấy mình hóa ra vô lượng vô biên thân, hoàng đế liền hiểu được đạo lý này. Ở trong Kinh Phật có nói, Phật lấy cái lưới ở trong thiên cung của Đại Phạm Thiên Vương, ở trên cái lưới này có gắn ngọc minh châu, minh châu phát ra ánh sáng, sáng chiếu lẫn nhau, dùng cái này để làm tỉ dụ. Cũng như hiện tại trong giảng đường này của chúng ta có mấy mươi cái bóng đèn, mỗi một bóng đèn đều hợp thành một ánh sáng với tất cả các bóng khác. Tuy hợp lại thành một thể, nhưng vẫn là mỗi bóng đèn đều có ánh sáng của riêng mình, không có lẫn lộn nhau. Làm sao biết được nó không lẫn vào nhau? Nếu bạn tắt đi một bóng, thì ánh sáng của bóng đèn này không còn nữa, không có nhiễu đến cái khác. Việc này rất diệu. Cái diệu này chính là tánh đức. Tự tánh vốn chính là diệu như vậy, hàm chứa hết thảy nhưng không làm nhiễu hết thảy. Chỗ này chính là biểu thị bình đẳng đối đãi, chung sống hòa thuận. Cho nên bình đẳng đối đãi, chung sống hòa thuận là hiện tượng tự nhiên ở trong tánh đức, không phải là quy củ do một ai đó đặt ra, yêu cầu người khác phải tuân thủ, mà là tự nhiên mà có, pháp nhĩ như thị (法尔如是). Đích thực là Thế Tôn ở trong Kinh Hoa Nghiêm đem chân tướng của vũ trụ nhân sanh nói rõ ràng, minh bạch với chúng ta. Chân tướng này là trùng trùng vô tận. Hiện tượng này phải làm thế nào thì mới chứng được, mới có thể khế nhập? Phật chỉ nói có một câu: “Không thể nghĩ bàn”. Câu nói này dường như mọi người đều đã nghe qua, nhưng khẳng định là bạn không hiểu. Vì sao vậy? Nếu như bạn hiểu rồi, cho dù bạn chưa thể thành Phật thì bạn cũng nhất định là Pháp Thân Bồ-tát. Hiện tại bạn vẫn là phàm phu, cho nên khẳng định là bạn vẫn chưa hiểu. Đây là chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đây là cảnh giới của các ngài Pháp Thân Bồ-tát, chư Phật Như Lai.
Thế giới Cực Lạc đã nói, Thế giới Hoa Tạng đã nói, đó chính là hoàn cảnh sinh hoạt chân thật thọ dụng của các ngài. Làm sao có thể chứng đắc vậy? Không thể nghĩ bàn. Các vị nghĩ xem, không thể nghĩ. Không thể nghĩ bàn, chúng tôi phân ra mà giảng, chính là không thể có vọng tưởng, không thể có phân biệt, không thể có chấp trước. Buông bỏ hết thảy vọng tưởng phân biệt chấp trước rồi thì gọi là không thể nghĩ. Không thể bàn nghĩa là không thể nói, chỉ cần bạn đoạn dứt tư tưởng lời nói, thì cảnh giới này liền hiện tiền. Cho nên, bạn không hiểu câu nói này là vì sao vậy? Vì bạn vẫn đang khởi vọng tưởng, bạn vẫn đang phân biệt chấp trước, cho nên không thể nghĩ bàn nhưng bạn thì vẫn đang nghĩ, không thể bàn nhưng bạn vẫn cứ nói toàn những lời vô ích.
Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói rất hay, ở trong Tịnh Ngữ, Ngài đã nói nếu như bạn có thể không nói chuyện trong ba năm thì bảo đảm bạn sẽ khai ngộ. Tôi đọc đến những lời này cảm thấy buồn cười nhưng ngẫm nghĩ thấy rất có đạo lý. Không nói chuyện ba năm thì tâm người này sẽ định được. Định thì sanh huệ. Ngài bảo đảm bạn khai ngộ, cái ngộ này gồm có đại ngộ, tiểu ngộ, triệt ngộ. Tiểu ngộ cũng được xem là khai ngộ, cho nên lời của Ngài không thể xem là vọng ngữ. Phải xem công phu của bạn nữa, xem bạn khai cái ngộ là tiểu ngộ, đại ngộ, hay triệt ngộ. Mỗi người đều không như nhau. Cũng như chỗ này đã nói, sanh đến thế giới Cực Lạc hoa sen lớn nhỏ không như nhau, nhưng bạn thật sự vãng sanh. Từ đây mà thấy, học Phật khó khăn nhất chính là buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Khó khăn nhất là ở chỗ này, thế nhưng bạn lại không thể không buông bỏ. Nếu bạn không buông bỏ thì bất luận là bạn dùng phương pháp gì đi nữa, bạn tinh tấn như thế nào, bạn tu hành nhiều đời nhiều kiếp, nhất định là bạn không thể khế nhập, cũng chính là nói bạn không thể vào cửa.
Tại sao không vào được cửa? Vì bạn tự mình đã tạo chướng ngại. Chấp trước chính là kiến tư phiền não. Bạn có kiến tư phiền não thì bạn không có cách nào vào được cửa. Cửa nghĩa là gì? Cửa của Tiểu Thừa là sơ quả Tu-đà-hoàn, cửa của Đại Thừa là Sơ Tín Vị Bồ-tát. Bạn đang ở ngoài cửa. Thành thật mà nói, ở ngoài cửa thì bạn không phải là đệ tử của Thế Tôn. Bạn ở ngoài cửa thì sao bạn có thể là đệ tử chân thật được chứ? Cũng như chúng ta đi học vậy, những học trò thật sự là bắt đầu từ lớp một. Bạn vẫn còn chưa bước vào phòng học của lớp một nữa. Những đạo lý, chân tướng sự thật này chúng ta không thể không biết. Trong kiến tư phiền não, 88 phẩm kiến hoặc đã đoạn rồi thì bạn mới có thể chứng Tiểu Thừa Tu-đà-hoàn, chứng Đại Thừa Sơ Tín Vị Bồ-tát, thì bạn mới được xem là đã vào cửa. Vào được cửa thì được bảo đảm, vào lúc này, dù là bạn chưa ra khỏi sáu nẻo luân hồi, nhưng bạn nhất định không đọa ba đường ác. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đã giác ngộ, bạn hiểu rồi, bạn nhất định là không tạo tham sân si, nhất định là không tạo ác nghiệp. Cho nên, tuy ở trong sáu nẻo, nhưng nhất định là bạn không đọa ba đường ác. Cho dù trong đời quá khứ có nghiệp nhân của ba đường ác, trong cuộc đời này bạn không tạo duyên của ba đường ác, có nhân mà không có duyên thì không kết thành quả. Bạn lại có thể đem tam giới chín lần chín, 81 phẩm tư hoặc đoạn tận rồi, thì bạn đã siêu vượt sáu nẻo luân hồi, trong Tiểu Thừa là tứ quả A-la-hán, trong Đại Thừa là Bồ-tát Thất Tín Vị. Đây là đệ tử của Như Lai, đã vào cửa rồi. Tuy là vào cửa, sau khi vào cửa còn phải đăng đường nhập thất tiến dần từng bước. Chứng được tứ quả La-hán chính là bạn đã siêu vượt sáu nẻo luân hồi, bạn chứng được pháp giới bốn Thánh. Pháp giới bốn Thánh là đăng đường nhưng chưa nhập thất.
Nhập thất nghĩa là gì? Nhập thất bạn phải đoạn hết tất cả phân biệt, phân biệt thế, xuất thế gian, chính là trần sa phiền não đoạn hết. Phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, siêu vượt mười pháp giới, bạn chứng được Nhất Chân Pháp Giới. Nhất Chân Pháp Giới mới gọi là nhập thất. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn không có ngoại lệ, đây gọi là pháp môn đại đạo, điều đặc biệt duy nhất đó chính là niệm Phật vãng sanh.
Niệm Phật vãng sanh là pháp môn đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ nào? Đặc biệt ở chương phía sau ta sẽ đọc đến, phía sau vẫn còn mấy chương nữa. “Tam Bối Vãng Sanh, Vãng Sanh Chánh Nhân”, trong phần đó sẽ nói đến. Thực tế mà nói, pháp môn này quá thù thắng, mọi người đọc Kinh quyết không thể lập lờ qua loa, mỗi câu mỗi chữ đều không thể bỏ lướt qua. Sự giáo huấn quan trọng nhất ở trong tam bối vãng sanh là “phát Bồ-đề tâm nhất hướng chuyên niệm”. Chúng ta mong muốn cầu sanh Tịnh Độ, vậy bạn đã phát Bồ-đề tâm hay chưa? “Bồ-đề tâm”, trong mấy năm gần đây, chúng tôi dùng danh từ dễ hiểu nhất để nói cho mọi người dễ hiểu, tôi cũng thường nhắc nhở các đồng học: Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, là Bồ-đề tâm. Có phải là bạn khởi tâm động niệm, xử sự đối người tiếp vật đều tương ứng với cái tâm này hay không? Đối đãi với hết thảy chúng sanh, đối đãi với oán thân trái chủ đều là chân thành, tuyệt đối không có giả dối, dùng thanh tịnh nhất định không có nhiễm ô, dùng bình đẳng nhất định không có cống cao ngã mạn, dùng chánh giác thì nhất định không có mê hoặc, dùng từ bi nhất định không có tự tư tự lợi. Chúng ta có phải là dùng cái tâm này để đối đãi với người hay không? Bạn phải ghi nhớ, trong Kinh đã nói rất rõ: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Trong 48 nguyện thì phát Bồ-đề tâm là nguyện thứ 19, nhất hướng chuyên niệm là nguyện thứ 18. Nếu như bạn cảm thấy nguyện thứ 18 là số một, nguyện thứ 19 không cần nữa thì không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Bạn không có phát Bồ-đề tâm, bạn chỉ có được một nửa, bạn đã thiếu mất một nửa rồi, không thể không chú ý.
Nguyện thứ 18 là nói lâm chung một niệm – mười niệm đều có thể được vãng sanh. Vì sao họ có thể vãng sanh? Vì họ có “Bồ-đề tâm”. Nếu họ không có “Bồ-đề tâm”, lâm chung một niệm mười niệm vẫn là không thể vãng sanh. Từ đó cho thấy chúng ta ở trong một đời này không thể không học làm một người tốt. Bạn nhất định phải biết được thế giới Tây Phương trong Kinh Di-đà đã nói rất rõ, nơi đó là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Nếu chúng ta không học thượng thiện thì làm sao được? Cái thượng thiện này, trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã nói rất rõ ràng, tâm thiện, tư tưởng thiện, lời nói, việc làm thiện. Tiêu chuẩn của Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là đơn giản nhất, thân có ba, khẩu có bốn, ý có ba, phải thật sự làm cho được. Không phải là nói ngày ngày đọc tụng, đọc không có tác dụng gì, mà phải làm được, trở thành thân thiện, ngữ thiện, ý thiện của chính mình, phải làm cho được. Bạn thật sự làm được thì thọ dụng không cùng tận, tánh đức của bạn sẽ lưu lộ ra bên ngoài. Cổ Thánh tiên Hiền giảng nói về đạo đức, bạn không cần học mà tự nhiên cũng làm được như vậy, đây là bên trong; bên ngoài bạn được chư Phật Như Lai hộ niệm, được Phật gia trì, bạn được hết thảy thiện thần bảo hộ. Hay nói cách khác, ở thế gian này, bạn không gặp phải tất cả mọi tai nạn, chân thật là gặp dữ hóa lành, gặp xui hóa may. Đạo lý này ngày nay khoa học cũng đã chứng minh.
Thí nghiệm với nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng chính là một sự chứng minh rất hay. Khoa học cũng có thể chứng thực cảnh tùy tâm chuyển. Quang minh nói ở trong Kinh, hiện tại thì khoa học gọi là làn sóng động, là cùng một ý. Chúng ta biết được tất cả vật chất đều có hiện tượng làn sóng động. Nhỏ như vi trần, lớn đến tinh cầu, cho dù nhỏ nhất như là một hạt vi trần thì hiện tượng làn sóng của nó cũng rất phức tạp. Nó không đơn thuần, không phải là đơn nhất, làn sóng cùng làn sóng có ảnh hưởng lẫn nhau. Đây là nói về vật chất.
Chúng ta biết được bản thể của vật chất là pháp tánh. Ở trong Kinh Phật đã nói: “Nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể”. Cho nên cái thể của nó, cái tâm đó chính là pháp tánh. Pháp tánh có đầy đủ vô lượng đức năng. Một hạt vi trần là pháp tánh biến ra, một hạt vi trần có đầy đủ tánh đức viên mãn. Đạo lý này nhất định phải hiểu. Nếu bạn chân thật hiểu rõ ràng minh bạch rồi, bạn đối với chúng sanh, vạn sự vạn vật tự nhiên sẽ sanh khởi tâm cung kính. Vì sao vậy? Là pháp tánh, đầy đủ viên mãn trí huệ đức tướng của Như Lai. Cũng giống như trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Xuất Hiện có nói, hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai. Các vị phải biết, chữ “chúng sanh” này có nghĩa rộng, chúng sanh không phải ám chỉ người. Nếu bạn cho rằng chúng sanh là nói con người, thì bạn đã hiểu sai ý nghĩa rồi. Nghĩa gốc của chữ “chúng sanh” nghĩa là hiện tượng chúng duyên hòa hợp mà sanh ra. Hết thảy hiện tượng đều là chúng duyên hòa hợp mà sanh ra. Câu nói này nếu dùng lời hiện nay mà nói, chính là bất kỳ một hiện tượng nào cũng đều phải có rất nhiều, rất nhiều điều kiện mới sản sinh ra nó, nó không hề đơn thuần. Tuyệt đối không có hiện tượng gì là đơn thuần, mà đều là có rất nhiều điều kiện thì nó mới trở thành một hiện tượng. Người hiện tại nói là điều kiện, trong Phật pháp thì nói là duyên. Duyên chính là điều kiện mà người hiện nay nói, là hiện tượng vô lượng nhân duyên sanh khởi. Hiện tượng này đầy đủ vạn đức vạn năng, đầy đủ đức năng của tánh đức viên mãn. Cho nên Pháp Thân Bồ-tát rõ ràng minh bạch, họ đối với hết thảy vạn sự vạn vật đều sanh khởi tâm chân thành, tâm cung kính. Cho dù là đối với chúng sanh địa ngục thì cũng không ngoại lệ. Đối với cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa đều biết là một thể. Thể là tương đồng. Chúng ta đối với lý và sự đều phải nhận thức cho rõ ràng thì tư tưởng kiến giải của bạn sẽ tự nhiên sản sinh ra sự thay đổi. Cái biến đổi này là gần với chánh tri chánh kiến, gần với Phật tri Phật kiến, xả bỏ những cách nghĩ cách nhìn sai lầm của mình ngày trước một cách tự nhiên.
Niệm mà chánh rồi, đây là chánh niệm, chánh tư duy ở trong Bát Chánh Đạo. Kiến giải chính xác rồi thì là chánh kiến. Đương nhiên lời nói, hành động của chúng ta tương ưng với tánh đức thì sẽ không có sai lầm, sẽ xa lìa hết thảy sai lầm. Đến lúc đó thì bạn mới có thể dần dần phát hiện ra, dần dần thể hội hiểu được cái quang minh biến chiếu, cái tâm của bản thân chúng ta, niệm của bản thân ta, ngôn hành của chính mình, hết thảy của mình cùng với cả vũ trụ, cũng giống như bóng đèn với bóng đèn, sáng chiếu lẫn nhau. Hiện tượng chiếu sáng lẫn nhau này đối với phàm phu của chúng ta chính là được chư Phật Bồ-tát gia trì. Ánh sáng của các Ngài chiếu đến chúng ta, ánh sáng của chúng ta cũng chiếu đến các Ngài, được chư Phật Như Lai gia trì, nâng cao cảnh giới. Thực tế mà nói, khó nhất chính là giai đoạn trước mắt của chúng ta, rất nhiều rất nhiều gút mắc không thể nào đột phá được. Sau khi đột phá được thì sự nâng cao đó là cấp số nhân, nâng lên gấp bội lần, tốc độ rất nhanh, bạn mới được thọ dụng chân thật, bạn mới hiểu được những nghĩa thú nói ở trong Kinh.
Chúng ta xem tiếp đoạn Kinh văn tiếp theo, phẩm Kinh văn này không dài, nó được phân thành hai đoạn, trong đoạn lớn thứ hai, mỗi câu là một đoạn nhỏ.
Kinh văn: “Nhất nhất quang trung xuất tam thập lục bách thiên ức Phật.”
Câu này là một đoạn. Quang trung hóa Phật, số lượng Phật cũng là “ba mươi sáu”. Do đây mà thấy, số ba mươi sáu này không phải là một con số, mà đại biểu cho sự viên mãn. Kinh Vô Lượng Thọ cùng Kinh Hoa Nghiêm là như nhau, ở trong đây đã bao gồm hết thảy tông phái trong nhà Phật. Ngày nay chúng ta nói là Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, toàn bộ đều bao gồm hết. Trong sự biểu pháp thì trong Mật Tông, số ba mươi sáu đại biểu cho đại viên mãn, nó không phải là con số, nó đại biểu cho sự viên mãn.
“Nhất nhất quang trung”, mỗi hoa sen đều có trăm nghìn ức cánh hoa, không những quang trung hóa Phật mà những cánh hoa này đều hóa Phật. Việc hóa Phật này không phải là cố ý. Phật vì sao lại xuất hiện vậy? Vì cùng tất cả chúng sanh cảm ứng đạo giao. Trong sự cảm ứng phải có duyên. Trong Phật pháp thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Phật thì nhiều, vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, bạn và các Ngài không có duyên thì các Ngài cũng hết cách. Do đây mà biết, chúng ta phải kết duyên với chư Phật, chúng ta phải kết duyên với hết thảy chúng sanh. Kết duyên với hết thảy chúng sanh, tương lai bạn thành Phật thì bạn sẽ độ nhiều chúng sanh. Bây giờ bạn không kết duyên với chúng sanh, tương lai, khi thành Phật thì việc độ người khác cũng có hạn chế, số lượng rất ít, vì bạn không có duyên với chúng sanh. Có duyên thì tự nhiên sẽ hiện thân, tuyệt đối không phải là cố ý. Nhưng cái cảm của chúng sanh trước đây chúng tôi đã báo cáo qua với các vị, trong Đại Thừa Phật pháp nói cảm ứng đạo giao có bốn loại lớn là “hiển cảm hiển ứng, minh cảm hiển ứng, minh cảm minh ứng, hiển cảm minh ứng”. Đại khái là phàm phu có khởi tâm động niệm cầu Phật Bồ-tát, đặc biệt là ở trong khổ nạn, ý niệm vừa mới động thì Phật tướng liền hiện tiền. Nhưng mà Phật tướng này hiện tiền, có lúc chúng ta nhìn thấy, có lúc không nhìn thấy. Nhìn thấy thì đây là hiển ứng, nhìn không thấy là minh ứng, nhất định là có hiện tướng. Số lượng chư Phật Bồ-tát nhiều hơn số lượng con người chúng ta thật là quá nhiều. Thực tế là nghiệp chướng của chúng ta quá nặng nên không nhìn thấy.
Thế nhưng, học Phật chủ yếu vẫn là học tiêu nghiệp chướng. Tiêu nghiệp chướng thì phải tu giới định huệ. Trong nhà Phật thường nói: “Cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si”. Tham sân si là nghiệp chướng, siêng tu giới định tuệ thì nghiệp chướng dần dần ít. Nghiệp chướng ít rồi thì bạn liền có thể ý thức được sự cảm ứng, bạn liền có thể cảm thấy được, có thể cảm thấy được có Phật Bồ-tát gia trì, có thể cảm thấy được có long thiên thiện thần bảo hộ. Công phu của bạn càng cao thì sẽ càng rõ ràng, đến lúc này thì bạn mới tin tưởng nhân quả là thật không phải là giả.
Phật nói: “Nhất thiết nhân quả thế giới vi trần”, một chút cũng không giả. Cả vũ trụ, thật tình mà nói, chính là nhân quả. Kinh Hoa Nghiêm nói “ngũ châu nhân quả”, Kinh Pháp Hoa nói “nhất thừa nhân quả”, lìa khỏi nhân quả thì không có Phật pháp. Thế, xuất thế gian đều không thể rời khỏi được định luật nhân quả. Cho nên nhà Phật có một câu nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Đạo lý này không thể nào không biết. Nhân quả vì sao lại “bất không”? Nhân quả chuyển biến bất không. Nhân biến thành quả, quả lại biến thành nhân, nhân quả đều chuyển biến, chuyển biến bất không, nhân quả tương tục bất không, nhân quả tuần hoàn bất không, nó có ba cái hiện tượng này. Nhân quả tuần hoàn. Cho nên thật sự mà hiểu rõ minh bạch thì chúng ta nhất định sẽ tu nhân thiện, nhất định cảm được quả thiện, nhất định không thể tạo nghiệp ác. Tạo nghiệp ác, nghiệp ác khởi từ ý niệm, nhất định không thể có ác niệm. Khởi tâm động niệm không thể tùy thuận theo ý của chính mình. Vì sao vậy? Ý của chính mình đều là sai lầm.
Trong Kinh Phật đã nói rất hay, chúng ta phải nên tin tưởng. Phật nói: Trước khi bạn chứng được quả A-la-hán thì không nên tin tưởng vào cái ý của chính mình. Câu này nói rất hay. Đến khi nào bạn chứng được quả A-la-hán thì bạn có thể tin là cái ý của chính mình không có sai lầm. A-la-hán gọi là Chánh Giác, Bồ-tát là Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật thì gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Cánh Giác. Chúng ta cho dù giác ngộ rồi nhưng gọi là tà giác không phải chánh giác, là tà tri tà kiến, đem cái tà tri tà kiến của chính mình làm thành chánh tri chánh kiến, đem tri kiến của chư Phật Bồ-tát làm thành tà tri tà kiến. Tạo cái nghiệp này thì lớn rồi, cái quả báo này là ở tam đồ, rất đáng sợ, cho nên các vị đồng học nhất định phải nên biết.
Ngày hôm qua tôi đã báo cáo với các vị, thầy Giang Dật Tử đã vẽ bức tranh Địa Ngục Biến Tướng Đồ. Bức tranh này của ông sẽ được triển lãm ở tại Nhật Bản vào giữa tháng 11 năm nay. Hiện tại chúng tôi đã tìm được hai chỗ để triển lãm tại Nhật Bản là Kyoto và thành phố Nara, ông có thể triển lãm cùng lúc. Các đạo hữu Nhật Bản bên đó cũng rất là hiếm có, mong muốn, mời chúng tôi cùng đến giảng Kinh trong khi triển lãm. Tôi vừa nghe mời tôi đi giảng Kinh, tôi liền nghĩ đến việc kiến nghị với họ, hy vọng họ làm Phật học giảng tọa, những buổi tọa đàm về Phật học tại Kyoto 7 ngày, ở Nara 7 ngày. Cũng như năm xưa tôi ở Đài Loan làm những buổi tọa đàm đại chuyên Phật học trong kỳ nghỉ đông nghỉ hè giống như vậy. Phương thức này có thể thúc đẩy công tác giảng Kinh dạy học tại Nhật Bản. Đây là một việc tốt. Các vị muốn phát tâm tùy hỷ để làm bức tranh này, loại tranh này hiện tại đại khái cũng có rất nhiều cách, trước mắt là tạo theo kích thước bản gốc, là phục chế. Phục chế không phải là in chụp lại, mà là chế tác từng tấm từng tấm một. Loại vật liệu để làm nó là một loại vật liệu đặc biệt, có thể chống nước. Tôi nghe nói loại tranh này khi bị dơ, có thể dùng khăn để lau sạch. Nó không phải là giấy, giống như là bằng nhựa vậy, màu sắc cũng rất đẹp, không bị phai màu, đem nó phơi dưới ánh nắng mặt trời một tuần lễ cũng không bị phai màu. Đã làm thử nghiệm rồi, ít nhất cũng có thể lưu giữ được trên 100 năm, cho nên loại vật liệu này rất đặc biệt. Ngoài ra, chúng tôi cũng định làm loại gấp lại thành quyển, in bằng giấy, giá tiền cũng tương đối rẻ, thuận tiện cho việc lưu thông. Trong tương lai còn có thể làm thành bưu thiếp, làm truyện tranh. Đương nhiên việc đầu tiên chúng tôi nghĩ đến chính là muốn làm thành đĩa VCD. Làm đĩa thì trong đó sẽ có giải thích, làm thành đĩa thì giá thành là rẻ nhất. Cả bức tranh của ông làm thành một cái đĩa, đại khái một hai đồng là cùng, lại còn có thể lưu hành số lượng rất lớn. Lưu hành bằng đĩa, ở nhà bạn chỉ cần có tivi là có thể xem, có thể có giải thích. Về công đức phát tâm làm việc này, tiền bạc, tại Đài Loan có thể giao cho Pháp sư Ngộ Đạo. Thầy Ngộ Đạo có thể đến đây hôm nay hoặc ngày mai. Tôi ủy thác cho thầy làm thay tôi tại Đài Loan. Ở hải ngoại thì do Học Viện Tịnh Tông Úc Châu của chúng ta làm. Học Viện Tịnh Tông đã mở riêng một tài khoản ở ngân hàng để chuyên làm công việc này. Chúng tôi cũng rất chăm chỉ nỗ lực mà làm, hy vọng giữa tháng 11 năm nay chúng tôi có thể đem ra triển lãm. Thầy Giang vẫn còn có một số tác phẩm khác nữa, đều là những bức tranh về Phật Bồ-tát, sẽ triển lãm cùng lúc ở bên đó. Chúng tôi cũng muốn ghi hình lại toàn bộ quá trình triển lãm, tương lai đều có thể lưu hành trên mạng internet và trên truyền hình vệ tinh, mọi người đều có thể xem thấy được.
Thời gian trôi qua rất nhanh, hình như thời gian cũng đã hết rồi. Nói tóm lại, bộ Kinh này các vị nghe tôi giảng, các vị có thể thấy rằng mỗi câu mỗi chữ trong Kinh đều có vô lượng nghĩa, giảng không hết. Cho nên bộ Kinh Hoa Nghiêm này phải cần đến 20.000 giờ đồng hồ mới có thể giảng hết. Khi tôi nói chuyện với các giáo sư và hiệu trưởng của trường đại học, họ hỏi tôi việc giảng những bộ Kinh này. Tôi nói một khóa trình tôi phải giảng mấy chục ngàn giờ, họ đều giật cả mình. Cả đời họ cũng giảng không nổi nhiều giờ đến như vậy, mới biết được những Kinh điển này tinh thâm uyên bác.
Tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo khác, các mục sư cha xứ cũng hỏi tôi, họ nói: “Thưa Pháp sư! Kinh điển của chúng tôi không bằng Kinh Phật”. Tôi nói với họ: “Phật nói pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Phật nói pháp môn bình đẳng thì đã bao gồm Kinh điển của các vị, đó cũng là một pháp môn, không có cao thấp. Tôi nói Kinh điển của các vị mà đưa tôi giảng thì cái ý cũng vô lượng vô biên. Đây là do người giảng không như nhau, không phải Kinh điển không như nhau. Kinh điển đều như nhau cả. Tôi giảng Kinh Coran, Tân Cựu Ước cho bạn thì cũng giống y như Kinh Hoa Nghiêm vậy, nhất định không có khác nhau. Cho nên tôi khuyến khích họ phải thật làm, phải buông bỏ tự tư tự lợi, phải buông bỏ danh văn lợi dưỡng, phải buông bỏ ngũ dục lục trần, phải buông bỏ tham sân si mạn. Họ nghe tôi nói như vậy xong liền chau mày lại, cái này thì không dễ chút nào. Vì sao vậy? Vì những thứ này đang chướng ngại trí huệ các vị. Trí huệ của các vị cùng trí huệ của tôi, trí huệ của chư Phật Như Lai, trí huệ của thượng đế, trí huệ của các Thánh thần đều không khác nhau. Bởi vì sao mà hiện tại bạn không có trí huệ vậy? Chính là vì 16 chữ này làm cho chướng ngại. Các vị hãy nghĩ thử xem, chúng ta bất luận là học pháp môn gì, trước tiên phải buông bỏ những cái này. Không thể nào có tự tư tự lợi, không thể nào có tham sân si mạn, không thể có danh văn lợi dưỡng, không thể có ngũ dục lục trần. Nên biết những thứ này đã hại chúng ta khổ đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp đến nay, vẫn còn chưa buông bỏ, vậy thì chính là kẻ thật sự ngu si rồi.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 312)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.