GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 289/374
Kinh văn: “Hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh”.
Phía sau câu này có “vô ngã”. Vô ngã cũng đáng để nói. Thực tế mà nói, “vô ngã” đối với những người học Phật chúng ta rất là quan trọng. Đây là một chân tướng sự thật. Vậy cuối cùng là có ngã hay không? Ngã có ý nghĩa là gì? Trong Phật pháp nói định nghĩa của chữ “ngã” này cần phải có đủ một thể thường nhất. Cái thường này chính là vĩnh hằng, một thì không phải là hai, đây là bản thể của ngã. Tác dụng của ngã thì có đức dụng chủ tể tự tại. Nếu từ trên định nghĩa này mà nhìn thì cái thân này không phải là ngã. Vì sao vậy? Cái thân này là vô thường, không những mỗi năm mỗi khác đi, mà nó thay đổi mỗi ngày.
Trong “Kinh Lăng Nghiêm”, Thích Ca Mâu Ni Phật nói với vua Ba Tư Nặc, trong từng sát na đều có sự thay đổi. Trong hội Lăng Nghiêm, Đại Vương Ngài đã 62 tuổi rồi, Ngài với Thích Ca Mâu Ni Phật là cùng một tuổi, cho nên chúng ta có thể hiểu được, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng “Kinh Lăng Nghiêm” khi Ngài 62 tuổi. Trong thân thể thì tìm không thấy cái thường, cũng tìm không thấy cái nhất, ở trên tác dụng càng không có chủ tể, cũng không có tự tại, cho nên Phật thường hay nói với chúng ta về “Vô ngã”.
Chín pháp giới chúng sanh đều không có ngã, đều vô ngã. Đến lúc nào thì mới có ngã? Ở trong Kinh Phật thường hay nói “thường, lạc, ngã, tịnh”, bốn cái tịnh đức này. “Thường” nhất chính là cái thể của Ngã. “Lạc, Ngã , Tịnh”, đây là từ thể khởi tác dụng. Tông môn thường nói: “Mặt mũi trước khi cha mẹ chưa sanh ra”, đó chính là ngã, cho nên mục đích cuối cùng của việc học Phật là tìm lại cái mặt mũi vốn có của mình. Mặt mũi vốn có là chân ngã, nó không phải là giả mà là vĩnh hằng không mất, bản thân mình có thể làm chủ được thì được đại tự tại. Do vậy mới biết, vô ngã là điều đã nói với phàm phu của chín pháp giới.
Người phàm phu luôn chấp trước cái thân thể này cho rằng nó chính là ta. Đây là điều sai lầm thứ nhất, có thể nói đây là sai lầm căn bản. Sai lầm ở chỗ nào vậy? Sai ở chỗ là bạn cho rằng cái thân thể này chính là ta. Nếu như nói với bạn rằng cái thân thể này không phải là ta thì bạn hoang mang, bạn sẽ khủng hoảng, cái thân này không phải là ta thì nó là cái gì? Vấn đề này lại nghiêm trọng rồi. Cái thân thể này không phải là ta mà là cái của ta, cái ta sở hữu. Giống như chiếc áo này vậy, cái áo không phải là ta, chiếc áo này là cái ta sở hữu; thân thể không phải là ta, giống như quần áo là cái ta sở hữu. Vậy thì cái ta ở đâu? Cái ta không có rời thân thể này, hay nói cách khác, quần áo ta mặc ở trên người, ta thì không có rời khỏi quần áo, quần áo và ta vĩnh viễn cùng chung với nhau. Bạn nên nhận thức rõ ràng, không thể xem quần áo là ta, quên mất cái ta của mình đi. Chúng sanh trong chín pháp giới đều phạm phải lỗi lầm này, thật sự là mặc cái áo vào người thì xem quần áo đó chính là ta, thật sự là quên sạch cái ta đi.
Vậy cuối cùng chân ngã là cái gì? Cái chân ngã mà trong Kinh điển Đại Thừa Thế Tôn thường hay nói, căn tánh của sáu căn chính là chân ngã. Căn tánh của sáu căn chính là chân như bổn tánh, chính là Phật tánh, chính là chân tâm. Đây là ý nghĩa thứ nhất. Danh từ mà Phật nói có hơn mấy chục từ, đều là nói sự việc này.
Chân ngã thì không sanh không diệt, cái thân thể của chúng ta thì có sanh diệt. Căn tánh của sáu căn thì không tùy theo cái thân này mà sanh diệt. Thân thể này là gì? Thân thể là do duyên sanh. Duyên có sanh có diệt. Chân tánh nhất định là không theo các duyên này (không có duyên sanh thì nó sanh, duyên diệt thì nó diệt), mà nó là vĩnh hằng, không sanh không diệt, là một thể thường nhất, nó có thể làm chủ tể, nó được đại tự tại, có đủ vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, tiếc là chúng ta không có cách để chứng đắc. Tại sao không thể chứng đắc? Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Thế Tôn nói rất hay, bởi vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Điều này Thích Ca Mâu Ni Phật rất từ bi, đem chân tướng sự thật nói cho chúng ta biết. Nếu như chúng ta buông bỏ được vọng tưởng chấp trước thì chân ngã sẽ hiện tiền, bạn sẽ tìm lại được mặt mũi vốn có của mình, lúc này ở trong Phật pháp Đại Thừa sẽ gọi bạn là Pháp Thân Bồ Tát, hoặc gọi bạn là Như Lai, là Phật.
Như Lai và Phật bên trong cũng có rất nhiều sự khác biệt, hoàn toàn không tương đồng. Thiền Tông nói rất hay: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, cho nên người đã kiến tánh thì có thể được gọi là Phật. Trong Lục Tức Phật của tông Thiên Thai xem người đã minh tâm kiến tánh là “Phần Chứng Tức Phật”, chính là nói người đó thật sự đã thành Phật nhưng vẫn chưa được viên mãn.
Trong giáo lý Đại Thừa, Phật thường hay nói vô minh có 41 phẩm, phá một phẩm vô minh thì liền kiến tánh, người đó đã thành Phật, đã thành Như Lai. Đây là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Phá thêm một phẩm nữa thì sẽ là Nhị Trụ, phá thêm một phẩm nữa thì thành Tam Trụ, vị Phật này từng bước lên cao. Bốn mươi mốt phẩm vô minh phá sạch rồi, đó là Phật cứu cánh viên mãn, thông thường chúng ta gọi đây là quả vị Như Lai cứu cánh. Nếu thêm quả vị cứu cánh nữa, phân biệt rõ không phải là ở phía trước 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, ở trên hội Hoa Nghiêm gọi các vị đó là Pháp Thân Bồ Tát, thông thường cũng có thể gọi là Phật, giống như trong “Kinh Kim Cang” gọi là “Chư Phật”. Quý vị đọc trong Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vỹ Nông, ông giải thích rất là rõ ràng. Ở trên hội Bát Nhã, “Kinh Kim Cang” nói chư Phật là nói 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, chữ “chư” đó chính là 41 vị, đây chính là trong Tông môn đã nói kiến tánh thành Phật.
Trong Tướng Tông, ở trong Bách Pháp Minh Môn Luận đã thấy, người đã kiến tánh cùng với cứu cánh Phật vị là đồng sanh tánh, người chưa kiến tánh cùng với chư Phật Như Lai là dị sanh tánh. Đồng sanh tánh và dị sanh tánh làm thế nào mà giảng? Đồng sanh tánh dùng một tâm giống nhau là chân tâm, người kiến tánh thì dùng chân tâm, người chưa kiến tánh thì dùng vọng tâm. Chư Phật Như Lai dùng chân tâm, kiến tánh cũng là dùng chân tâm, cùng với Phật quả cứu cánh là đồng sanh tánh, giống nhau là đều dùng chân tâm. Nhưng trên quả địa Như Lai là viên mãn, cái chân tâm của họ là viên mãn, chân tâm của Pháp Thân Bồ Tát thì không viên mãn, nhưng cũng đều là chân tâm.
Người xưa dùng mặt trăng làm thí dụ rất hay. Trong đêm tối, ánh trăng rất sáng, họ lấy ánh trăng tròn đêm rằm ví cho Phật quả cứu cánh, lấy ánh trăng trước ngày rằm ví cho 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ. Bạn xem, Viên Giáo Sơ Trụ đại khái là trăng non của ngày mùng 2 mùng 3. Ánh sáng này là thật không phải giả, cùng với ánh trăng đêm rằm nhất định là tương đồng, chỉ là có lớn nhỏ không giống nhau, nó là thật không phải giả. Điều này thì dễ dàng giải thích, là đồng nhất một chân tâm. Những chúng sanh trong chín pháp giới (bao gồm Bồ Tát Thanh Văn Duyên Giác trong chín pháp giới) dùng là vọng tâm. Vọng tâm thì giống cái gì? Giống như mặt trăng ở trong nước, cũng là mặt trăng nhưng thật sự nó không phải là thật. Có những vị Đại đức lấy ánh trăng ở trong nước ví như là sự dụng tâm của phàm phu sáu cõi của chúng ta, tâm mà phàm phu sáu cõi dùng là vọng, hư vọng như mặt trăng ở trong nước vậy. Còn Tứ Thánh Pháp Giới (tức là A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Chư Phật ở trong mười pháp giới), điều mà họ nghe được thì được gọi là Niết Mục Sở Kiến. Niết Mục Sở Kiến này được nói ở trong “Kinh Lăng Nghiêm”, chúng ta dùng ngón tay ấn ở vị trí phía dưới con mắt, bạn nhìn ra bên ngoài thì luôn thấy có hai vật, trong hai vật này thì có một vật là thật, một cái thì giống tương tự, so với mặt trăng ở trong nước thì thật hơn một chút, ở trong nước thì hoàn toàn hư vọng. Dùng cách này làm thí dụ để cho chúng ta hiểu được phàm phu trong sáu cõi cùng với Tứ Thánh Pháp Giới, cùng với minh tâm kiến tánh dụng tâm không giống nhau. Cho nên dụng tâm rất quan trọng.
Người học Phật chúng ta nên dùng chân tâm. Chân tâm thì quá khó. Chân tâm là gì? Chúng ta hoàn toàn không biết. Ở trong Kinh điển có nói với chúng ta cũng rất đơn giản và rõ ràng, nhưng mà làm không được. Cách nói này như thế nào? Rời bỏ vọng đó chính là chân. Lời nói này cũng dễ hiểu, xả bỏ hết vọng thì không phải là chân sao?
Vọng là gì? Là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Bạn có thể xả bỏ hết những thứ này thì chân tâm của bạn sẽ hiện tiền. Thế nhưng, người nào mới có thể xả bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước? Làm không đến được. Phật Pháp bất luận là bao nhiêu tông phái, bất luận là bao nhiêu pháp môn, cái gọi là 84.000 pháp môn, vô lượng pháp môn, nói tóm lại trong một câu, đến cuối cùng đều là dạy cho bạn minh tâm kiến tánh. Nếu bạn không kiến tánh thì bạn không thể xem là đã thành tựu. Kiến tánh mới được xem là bạn tu hành có thành tựu, có kết quả. Tại sao vậy? Vì bạn đã vượt khỏi sáu cõi, vượt qua mười pháp giới. Nếu bạn chưa kiến tánh thì bạn chẳng có cách nào để vượt qua. Cho nên Tứ Thánh Pháp Giới là địa vị tương tự chứ không phải thật, vượt qua mười pháp giới mới là thật, gọi là Nhất Chân Pháp Giới, như vậy mới được xem là thành tựu. Vượt ra sáu cõi vẫn chưa được xem là thành tựu.
Chúng ta đã xem ở trong hội Bát Nhã, Tu Đà Hoàn thì vô ngã rồi. Các Ngài là ai? Các Ngài là thính giáo, thường xuyên nghe Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh, cũng giống như chúng ta. Hiểu được đạo lý này, năng lực của các Ngài mạnh hơn chúng ta. Chúng ta sau khi nghe rồi vẫn còn xem cái thân này chính là ta. Việc này thì coi như là hết cách, vậy thì bạn sẽ không ra khỏi sáu cõi. Các Ngài sáng suốt hơn chúng ta, các Ngài hiểu được lời của Phật nói cái thân này không phải là ta, các Ngài xác thực đã xem cái thân này là cái của ta để mà tiếp đãi, nhất định không chấp trước cái thân này là ta. Không chấp trước thân này là ta, hình thức là như thế nào? Nhất định là không có ý niệm tự tư tự lợi, cho nên các Ngài có thể vượt qua sáu cõi, ý niệm tự tư tự lợi không còn nữa, không để cho cái thân này tạo nghiệp nữa. Phàm phu tuy là nghe được ở trong Kinh Phật thường hay nói, hình như đã nghe hiểu rồi, tự bản thân cũng biết nói, nhưng mà thực tế thì vẫn để cho cái thân này tạo nghiệp, vì thế bạn không chứng được Tu Đà Hoàn; bạn tu học Đại Thừa nhưng bạn chẳng có cách nào chứng được Bồ Tát Sơ Tín Vị, hay nói cách khác là bạn chẳng vào cửa Phật Pháp, Tiểu Thừa Đại Thừa bạn đều chẳng vào được cửa. Đến khi nào thật sự thực hành được vô ngã thì bạn mới vào được cửa. Vô ngã là tuyệt đối không chấp cái thân này là ta nữa. Cái ta thật sự có tìm được hay không? Vẫn không tìm được. Giống như mỗi một người chúng ta vậy, thân người là ta, quần áo này bây giờ hiểu là quần áo không phải là ta. Quần áo tuy không phải là ta, còn cái ta thật sự thì sao? Cái ta thật sự vẫn chưa ngộ được, chỉ biết cái thân này không phải là ta, không bận lòng về y phục nữa. Là cái cảnh giới như vậy. Đây là bạn chứng được cái ta thật sự, chính là minh tâm kiến tánh. Khoảng thời gian phải trải qua này dài ngắn không nhất định, điều đó phải xem căn tánh của mỗi người, cũng phải xem duyên phận của mỗi người.
Cho nên ở trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Tứ Thiếp Sớ” của Thiện Đạo Đại Sư, Ngài giảng vô cùng hay, tất cả chúng sanh tu hành chứng quả, bất luận là thời gian sớm hay muộn, phẩm vị cao hay thấp “đều là do gặp duyên không đồng”. Câu nói này rất là hay. Bạn gặp được duyên thù thắng, vậy nói về thời gian thì bạn rất là nhanh, tiết kiệm được rất nhiều thời gian; ở trên công phu mà nói, bạn có thể thật sự nâng cao cảnh giới của chính mình. Cái duyên này rất là quan trọng.
Hiện nay, cái duyên ở thế gian này của chúng ta thật sự là không tốt. Cái duyên không tốt chính là do sự mê hoặc của năm dục sáu trần ở bên ngoài quá lớn. Vậy làm thế nào để đạt được? Đối diện với sự mê hoặc mà không khởi tâm động niệm, đây mới gọi là công phu. Bị mê hoặc, bạn vẫn khởi tâm động niệm, vẫn khởi tham sân si mạn thì bạn không có công phu. Công phu tu hành đều là ở trong cuộc sống hàng ngày, ở trong công việc, trong việc xử sự đối người tiếp vật mà tu. Đây mới gọi là thật tu. Ở trong hội Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn, đó chính là làm tấm gương chân thật tu để cho chúng ta xem tu hành là tu như thế nào. Điều này chúng ta đã nhìn thấy.
Bước đầu của sự công phu chính là vô ngã. Cho nên phía trước đã nói vô tánh là lý, vô tác là hành, vô ngã là công phu chân thật, thực chứng thật sự. Vì vậy, đối với cái thân này nhất định phải hiểu rõ ràng tường tận, nó là hiện tượng của nhân duyên hòa hợp mà sanh ra. Hiện tượng duyên sanh này, duyên khởi tánh không, nhất định là không có tự thể. Điều này nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Nhà Phật thường hay nói, tứ đại ngũ ấm hòa hợp mà có cái thân này, tứ đại phân tán thì cái thân này cũng không còn. Tứ đại hợp tan vô thường, cho nên nó không phải là cái thể thường nhất. Từ ở chỗ này mà quán sát, bạn hiểu được rõ ràng minh bạch, nhưng thật sự giác ngộ thì vẫn là không dễ dàng gì. Đến lúc chân thật giác ngộ thì bạn được tự tại, đối với cái thân này bạn cũng chăm sóc tử tế cho nó. Tại sao vậy? Vì nó cũng có ích, nó có thể giúp đỡ bạn, thành tựu cho bạn, chính là mượn giả tu chân. Cái thân thể này là giả, chúng ta phải biết lợi dụng cái công cụ này tìm cho được cái chân ngã, rời khỏi cái công cụ này thì không tìm được chân ngã. Dùng cái công cụ này để tìm ra chân ngã, cho nên thân thể này rất hữu ích, bạn không nên làm tổn hại mà nên chăm sóc nó cho tử tế. Nhưng nhất định phải hiểu rõ, nó tuyệt đối không phải là chủ nhân, mà nó chỉ là người giúp việc trong nhà, chủ và khách không thể đảo lộn. Nếu bạn xem nó như là chủ nhân, được rồi, bản thân bạn sẽ là người giúp việc, sự thiệt hại này quá lớn. Cho nên cái thân này là người giúp việc. Người chủ thật sự là gì? Là trí huệ của bạn. Ở trong Kinh luận nói rất nhiều, giống như trong “Kinh Kim Cang”, mọi người đều rất quen thuộc, “Kinh Kim Cang” nói: “Thông đạt vô ngã pháp giả Như Lai thuyết danh thực thị Bồ Tát”. Đây là Bồ Tát Đại Thừa Viên Giáo Sơ Tín Vị. Bạn không nên xem thường sơ tín vị – cái bậc thấp nhất này, Như Lai gọi là Bồ Tát chân thật, tại sao vậy? Các Ngài đã thông đạt vô ngã, chính là ở trong “Kinh Kim Cang” đã nói vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, đây mới là Bồ Tát Sơ Tín Vị, chỉ vừa nhập môn, giống như đi học vậy, học lớp một tiểu học. Ai học lớp một tiểu học thì người đó thật sự là học trò, họ không phải là giả. Nếu như chúng ta đối với điều này vẫn chưa hiểu rõ ràng, không thông đạt, chúng ta không phải học tiểu học mà là học mầm non, không được tính là đang học chính quy. Chúng ta hiện giờ đang học trường mầm non, đại khái là học lớp nhỏ nhất của trường mầm non, lớp lớn hơn thì không có phần. Cho nên, đối với bản thân của mình nhất định phải làm cho rõ ràng, sự cống cao ngã mạn của bạn sẽ không khởi lên nữa, cũng nên biết bản thân cố gắng dụng công nỗ lực. Cho nên, cái vô ngã chân thật thì quá khó.
Bình thường tôi hay khuyên nhủ đồng tu buông bỏ tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm thì nghĩ đến tất cả chúng sanh, không nên vì bản thân mình, mà vì chánh pháp tồn tại dài lâu, cái ý niệm này đã chuyển trở lại rồi. Phàm phu vì cái gì mà không vào được cảnh giới này vậy? Vì họ khởi tâm động niệm là nghĩ cho bản thân của mình, nghĩ đến điều hữu dụng, điều lợi ích cho chính bản thân mình. Vậy thì hỏng rồi, vậy là tăng trưởng ngã chấp mà không làm giảm đi ngã chấp. Nếu như ý niệm của chúng ta vừa chuyển, niệm niệm là vì chúng sanh, niệm niệm vì chánh pháp tồn tại dài lâu, tất cả vì Phật pháp, không phải vì đạo tràng này của ta, không phải vì chỗ này của ta. Ngày nay chúng ta ở trên quả địa cầu này, ít ra cảnh giới của bạn là phải nghĩ đến toàn cầu. Phật Giáo toàn cầu hưng vượng, đây là lý tưởng của chúng ta, là sứ mệnh bổn phận của chúng ta. Tất cả chúng sanh cư trú trên quả địa cầu này nên sống chung hòa thuận, đối xử bình đẳng, đây là công việc mà Bồ Tát làm, là tổng cương lĩnh tổng nguyên tắc.
Phật giáo mọi người đều đã biết, Phật giáo đề xuất ra tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc này từ bi chính là phương tiện. Phật Giáo là gì? Phật Giáo là “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, từ bi tận hư không khắp pháp giới. Phương tiện là gì? Phương tiện chính là làm thế nào để từ bi được thực tiễn, phương pháp thực tiễn thích hợp nhất gọi là phương tiện. Tiện là tiện nghi, phương là phương pháp, dùng từ ngữ đơn giản để nói chính là phương pháp thích hợp nhất làm cho từ bi của bạn được thực tiễn. Đây chính là Phật pháp. Phật pháp đáng được chúng sanh trong chín pháp giới tôn kính, tôn Phật là thầy của trời người, tôn Phật Pháp Tăng là Tam Bảo. Điều này là dựa vào cái gì? Là dựa vào thiện xảo phương tiện, là dựa vào Phật pháp có mục tiêu chân thật. Mục tiêu này chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Ngộ, nhất định phải giúp đỡ cho bạn giác ngộ triệt để. Sự giác ngộ triệt để này chính là minh tâm kiến tánh. Sau khi kiến tánh rồi, bạn sẽ thoát khỏi mười pháp giới, đương nhiên là thoát khỏi sáu cõi, thoát ly mười pháp giới sanh đến nhất chân pháp giới. Thông thường mà nói là sanh đến Thế Giới Hoa Tạng, thân cận Tỳ Lô Giá Na Như Lai, 40 phẩm vô minh đều được đoạn mất từ từ ở Thế giới Hoa Tạng. Ở trong cảnh giới đó sẽ không còn khởi tâm động niệm, không còn phân biệt chấp trước nữa. Trên Kinh Phật thường hay nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tất cả pháp này chính là nói mười pháp giới y chánh trang nghiêm từ tâm tưởng sanh. Người ở nhất chân pháp giới thì không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không có khởi tâm động niệm, cho nên mười pháp giới cũng chẳng có, mười pháp giới liền biến thành nhất chân pháp giới. Đạo lý chính là như vậy. Bạn vẫn còn khởi tâm động niệm, vẫn còn nghĩ ngợi lung tung thì bạn sẽ vĩnh viễn không có cách nào thoát khỏi mười pháp giới. Mười pháp giới là từ tâm tưởng sanh. Nhưng mà ở đây lại có phiền phức, “được, cái gì tôi cũng không nghĩ đến”, cái gì cũng không nghĩ đến thì sanh về Trời Vô Tưởng, vẫn là rất phiền phức. Trời Vô Tưởng thuộc về tứ thiền, cũng rất là khó khăn. Tại sao không phải thật sự chứng quả vậy? Sanh vào Trời Vô Tưởng Thiên là sanh vào trong vô minh. Cái gì cũng không nghĩ đến thì trở thành vô minh rồi, cái gì cũng nghĩ đến thì trở thành vọng tưởng, cho nên khó, bạn không rơi vào vọng tưởng thì lại rơi vào trong vô minh. Cho nên Phật dạy chúng ta giác ngộ, sau khi giác rồi không rơi vào hai bên thì gọi là trung đạo. Không rơi vào vọng tưởng thì bạn đã vượt qua mười pháp giới, không rơi vào vô minh thì vượt qua Trời Tứ Thiền. Chữ “vô ngã” này chúng tôi xin giới thiệu đến chỗ này, nói tóm lại là vô cùng quan trọng, không thể nói qua loa.
Chúng ta đều rất hoan hỷ khi đọc “Kinh Kim Cang”, nửa phần phía trước là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng; nửa phần ở phía sau ý nghĩa càng sâu hơn: Vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến. Kiến là gì? Chính là ý niệm mà chúng ta hiện đang nói. Không những là vô ngã tướng, mà ý niệm của ta cũng không có, sự công phu càng cao hơn. Đây là nhập môn của Phật Pháp Đại Thừa. Sở dĩ chúng ta bị tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng làm hại, ngũ dục lục trần mê hoặc, làm hại, bên trong thì khởi tham sân si mạn, những thứ này mà không buông xả triệt để thì sự vô ngã này nhất định không thể thực hiện được. Vô ngã làm không được thì bạn không thể nhập vào Pháp Đại Thừa. Sau này bạn mới hiểu được là quá khó.
Xưa nay Tổ sư Đại đức dạy cho chúng ta, ngoài việc niệm Phật ra bạn còn đi tìm pháp môn nào nữa không? Không có đường lối khác để mà đi. Bạn thật sự biết được 84.000 pháp môn, vô lượng pháp môn thật là khó, bạn phải quyết một lòng thật thà mà niệm A Di Đà Phật, cầu A Di Đà Phật tiếp dẫn vãng sanh, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc bạn liền nhập vào địa vị Bồ Tát. Đến cuối cùng là đạt được đẳng cấp Bồ Tát nào? Không cần phải bận tâm, Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có can hệ gì. Tại sao vậy? Vì bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật sẽ gia trì cho bạn. Phàm Thánh Đồng Cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, một phẩm phiền não vẫn chưa đoạn nhưng bạn vẫn là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Điều này quá tuyệt vời. A Duy Việt Trí Bồ Tát là Đại Thừa Thất Địa trở lên, chính là nói bạn đã đến Thế giới Cực Lạc thì trí huệ, thần thông và phước báo của bạn cùng với Thất Địa Bồ Tát là như nhau, không phải là do bản thân bạn tu được mà là hưởng phước của A Di Đà Phật. Một mặt là hưởng phước của A Di Đà Phật, một mặt tự mình tu hành, đợi đến khi bản thân mình tu đến Thất Địa thì hưởng phước do chính bản thân mình tu được, vậy là không phải hưởng phước của A Di Đà Phật nữa. Cho nên đến được nơi đó bao giờ cũng có một khoảng thời gian phải nương nhờ vào A Di Đà Phật. Điều này thì mười phương thế giới sát độ của chư Phật không có được, chỉ có Thế giới Tây Phương mới có. Đây là một thế giới đặc biệt, một pháp môn đặc biệt.
Cái “ngã” này vẫn còn một ý nghĩa nữa, vẫn có một cách gọi là “pháp ngã”. Chấp trước cái thân thể này là ta, đây gọi là nhân ngã. Chấp trước tất cả pháp thật có, đây gọi là pháp ngã. Nhân ngã là nguồn gốc của phiền não chướng, pháp ngã là nguồn gốc của sở tri chướng, hai cái này cần phải đoạn. Cho nên ở trong Kinh luận thường nói nhân vô ngã, pháp vô ngã. Cái ngã này là nói từ trên thể, con người không có tự thể mà là do nhân duyên hòa hợp, tất cả các pháp cũng là nhân duyên hòa hợp, đều không phải là thật có. Hiểu được đạo lý này, đối với cái thân thể này, đối với tất cả các pháp sẽ không còn chấp trước nữa. Cho nên mới nói vọng tưởng phân biệt chấp trước rất là tự nhiên sẽ phai nhạt dần đi, tuy là không thể đoạn được nhưng xem ra cũng bình thường, điều này mỗi năm mỗi giảm dần, vậy là công phu đã được nâng lên cao rồi, không ngừng nâng cao hơn.
Kinh văn: “Đại từ đại bi hỷ xả thanh”.
Câu này ở trong Phật pháp nói là “Tứ vô lượng tâm”. “Tứ vô lượng tâm” là người cõi trời tu, đặc biệt là Trời Sắc Giới. Chúng ta biết là ở trong Kinh Phật dạy cho chúng ta, điều kiện thứ nhất để sanh về Trời Sắc Giới là phải có thiền định, tứ thiền bát định, điều thứ hai là tứ vô lượng tâm. Người cõi Trời Sắc Giới ai ai cũng đều từ bi hỷ xả, cho nên ở trên trời tốt. Chúng ta biết được tâm từ bi hỷ xả biến hiện ra cảnh giới không phải là ngũ trược ác thế, ngũ trược ác thế là tâm hạnh vô cùng bất thiện biến hiện ra.
Người trời thì tướng hảo. Chúng ta ở trong Kinh này, Thế Tôn so sánh với chúng ta, càng lên cao thì tướng mạo càng hảo, bậc thấp hơn thì tuyệt đối không thể so sánh được. Phật đưa ra ví dụ này rất là thú vị, Ngài đã lấy tiêu chuẩn cơ bản này. Ngài nói một người ăn mày và một vị quốc vương, người ăn mày và vị quốc vương đứng bên cạnh nhau, quốc vương thì phước báo rất lớn, tướng mạo rất tốt đẹp, người ăn mày thì làm sao so sánh với quốc vương. Ví dụ này chúng ta rất dễ nhận thấy, có thể hiểu được, có thể tiếp nhận. Sau đó Ngài nói với chúng ta, nếu vị đại quốc vương của thế gian này đứng bên cạnh vị Chuyển Luân Thánh Vương thì vị quốc vương này chẳng khác nào người ăn mày, chẳng có cách nào so sánh với vị Chuyển Luân Thánh Vương. Chuyển Luân Thánh Vương có bốn cấp bậc: Thiết Luân Vương, Đồng Luân Vương, Ngân Luân Vương và Kim Luân Vương, cấp bậc cao thì thù thắng hơn cấp bậc thấp, chẳng có cách nào để so sánh. Kim Luân Thánh Vương nếu đem so sánh với Tứ Thiên Vương, thì Kim Luân Thánh Vương giống như người ăn mày vậy. Tứ Thiên Vương đem so sánh với Đao Lợi Thiên Vương, thì Tứ Thiên Vương giống như người ăn mày. Như vậy cứ từng bậc từng bậc mà so sánh, người tu Tứ Vô Lượng tâm là Trời Sắc Giới, trời Sơ Thiền. Trời Tha Hóa Tự Tại là cao nhất trong cõi Dục Giới. Tha Hóa Tự Tại Thiên nếu đem so với Sơ Thiền Thiên thì cũng giống như người ăn mày ở thế gian này đem so với vị quốc vương vậy.
Hiện tại chúng ta hiểu được, phước báo từ đâu mà có? Phật đã nói với chúng ta về một tổng nguyên tắc, hy vọng là chúng ta thường xuyên nhớ đến không quên: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Điều này ở trên Kinh Đại Thừa, Phật đã nói rất nhiều rồi. Nếu như bạn thật sự nghĩ thông câu nói này, hiểu được minh bạch, hiểu được rõ ràng, thì tất cả pháp này bạn có thể thực hiện được, làm chủ được. Tại sao vậy? Do tâm bạn tưởng mà sanh ra.
Sắc Giới Thiên cách chúng ta không xa, so với Cực Lạc, so với Hoa Tạng thì gần hơn rất nhiều, thiên đường của họ rất là tốt đẹp. Đây chính là tâm thanh tịnh là thiền định, thiền định là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh biến hiện ra, thiện hạnh biến hiện ra. Thiện hạnh này chính là từ bi hỷ xả. Tâm thanh tịnh và từ bi hỷ xả biến hiện ra cảnh giới. Nếu như chúng ta học được, tu được tâm thanh tịnh, tu từ bi hỷ xả, cảnh giới này của chúng ta sẽ trở nên giống cảnh giới của các Ngài. Mười phương sát độ từ chư Phật đến tất cả chúng sanh đều bình đẳng, duy tâm sở hiện là thế giới bình đẳng. Nhưng trên thực tế, thế giới này không bình đẳng. Nó không bình đẳng là do tự bản thân chúng ta tạo ra. Bản thân bạn khởi tâm động niệm, cho nên nhất chân pháp giới biến thành mười pháp giới. Sự việc chính là như vậy. Bây giờ làm sao để biến đổi trở lại, biến đổi trở thành nhất chân pháp giới, như vậy mới gọi là tu hành. Tu hành chính là chúng ta làm sao để biến đổi trở lại, phản bổn hoàn nguyên, trở lại thành nhất chân thì mới đúng. Việc Phật độ chúng sanh như vậy cũng là viên mãn rồi. Cho nên chúng ta phải thật sự biết hoàn nguyên, thật sự phải biết về nhà.
Tại vì sao ngày nay cả thế giới lại hỗn loạn như vậy? Tại vì sao tai nạn nhiều như thế? Khoa học kỹ thuật thì đang tiến triển từng ngày, nhưng đối với tai nạn, với sự động loạn thì không có cách giải quyết, một chút giải pháp cũng chẳng có. Nguyên nhân này rốt cuộc là do đâu? Cổ Thánh tiên Hiền nói với chúng ta, Phật pháp cùng với lời chúng tôi đã nói càng rõ ràng hơn, là đến hoàn cảnh cực điểm, chính là ý niệm thiện và ác, ở trong Phật pháp nói chính là giác và mê. Các nhà khoa học rất thông minh nhưng họ chưa có giác ngộ, họ vẫn là đang mê, mê mà không giác, chắc chắn là tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh, hay nói cách khác, mê tà nhiễm đã tạo thành hiện tượng này. Muốn cho thế giới này có thể trở lại bình thường, tiêu tai miễn nạn, người dân thật sự có thể trải qua cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, nhất định phải trở về với giác chánh tịnh. Đây là cuộc sống tương tự với pháp giới bốn Thánh. Sự thật thì tầng lớp của nó không đồng. Làm thế nào để tạo dựng được khi giác chánh tịnh không tương đồng, chưa đạt được sự viên mãn? Trình độ không tương đồng. Trình độ của Phật nói là Nhất Chân pháp giới, lấy Nhất Chân pháp giới làm trình độ căn bản. Bên trong Nhất Chân pháp giới không có sự thay đổi. Tại sao không có sự thay đổi? Bởi vì hết thảy tất cả chúng sanh, sáu căn đối với sáu trần ở bên ngoài đều không khởi tâm động niệm, đều không có sự phân biệt chấp trước, cho nên cảnh giới của nó không thay đổi. Giống như ở trong Kinh Vãng Sanh chúng ta đã đọc được, nhìn thấy được tình huống ở Thế giới Cực Lạc không có sự biến đổi, người là do hóa sanh. Không giống như chúng ta ở nơi đây, đến cõi người này, từ lúc còn nhỏ từ từ lớn lên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không như vậy. Nếu như còn nhỏ từ từ lớn lên, đó chính là hiện tượng sanh diệt. Họ thì không phải vậy mà là do hóa sanh, khi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thân hình giống như A Di Đà Phật vậy. Họ là do biến hóa ra, là hóa sanh, không phải là thai sanh, cho nên họ không có thay đổi, họ không bị già yếu đi, họ vĩnh viễn không bị bệnh. Từ “bệnh” này ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không nghe nói đến, từ già cũng không nghe nói đến.
Từ đó cho thấy, trong giai đoạn hiện tiền này của chúng ta, việc đoạn ác tu thiện là quan trọng hơn hết. Đoạn ác tu thiện không phải là lợi ích cho người khác, mà là lợi ích cho chính mình. Chúng tôi nói là lợi ích cho người khác nhiều nhất chỉ ba phần, lợi ích cho bản thân ít nhất là bảy phần. Lợi ích người khác là chân thật lợi ích của bản thân. Việc làm lợi ích cho người khác, người khác chỉ được lợi ích có ba phần, bản thân nhất định được bảy phần. Con số này phải tính cho rõ ràng thì bạn mới vui vẻ đi làm. Bản thân đạt được lợi ích như thế nào? Không phải là được sự giàu có, không phải là đạt được công danh, không phải là được sự danh vọng lợi dưỡng, vậy thì được cái gì? Là được trí huệ. Trí huệ khai rồi thì đức tướng hiện tiền. Đức là năng lực, năng lực hiện tiền, tướng hảo hiện tiền, tướng mạo của bạn thay đổi rồi, thể chất thay đổi rồi. Bất luận là ở trong hoàn cảnh nào, điều này ở trong Phật pháp có nói, thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, bạn đều được tự tại, đều sanh tâm hoan hỷ. Đây là sự thọ dụng chân thật, trong Phật pháp hay nói là thường sanh tâm hoan hỷ. Đây là thật, không phải giả, đây là sự thọ dụng chân thật của Phật pháp. Học Phật mà điều này một chút thọ dụng cũng không đạt được, vậy là học thật uổng công, càng học lại càng thấy đau khổ, vậy là sai lầm quá lớn rồi. Học Phật thì phải càng học càng sanh trí huệ, càng học càng vui thích. Tại sao vậy? Trí huệ khai rồi, bạn hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chân tướng là gì vậy? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh”. Cho nên sau khi bạn khế nhập cảnh giới rồi thì tư tưởng kiến giải của bạn sẽ thay đổi, hành vi của bạn hết thảy đều thay đổi, so với lúc chưa học Phật nhất định là có sự khác nhau. Đó chính là lúc chưa học Phật, niệm niệm là vì chính mình, thật sự là tự tư tự lợi. Sau khi thật sự hiểu rồi thì niệm niệm là vì chúng sanh. Ý niệm thay đổi rồi, vì chúng sanh nên họ biểu diễn.
Tôi ở Úc Châu có người đến hỏi tôi, Phật pháp của các bạn là những gì? Tôi trả lời là diễn kịch, hàng ngày biểu diễn cho người khác xem. Diễn kịch gì vậy? Làm tấm gương tốt cho người khác xem. Điều này thật sự có thọ dụng. Người của xã hội hiện nay thông thường là không biết hiếu thuận cha mẹ, chúng ta biểu diễn làm một tấm gương hiếu thuận với cha mẹ cho mọi người xem. Hiện nay người không biết tôn sư trọng đạo, chúng ta thể hiện ra một tấm gương tôn sư trọng đạo để cho họ xem. Hiện nay con người không biết sống chung hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta làm tấm gương sống chung hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau để cho mọi người xem. Việc này phải nên làm.
A Di Đà Phật………
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 289)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.