GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 342/374
“Xả gia khí dục nhi tác Sa-môn”. Sa-môn là tiếng Phạn, là cách thường gọi người tu hành xưa ở Ấn Độ, dịch thành chữ Trung Quốc là “cần tức”, siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si, Sa-môn chính là ý nghĩa như vậy. Trong thời kỳ đầu của Phật môn, ngay cả những vị Đại sư phiên dịch kinh sách đều vô cùng khiêm tốn xưng mình là Sa-môn. Sa-môn là cách xưng hô rất khiêm tốn, là tôi ngày ngày đang học tập. Học tập chính là siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si.
Nền tảng của giới học chính là thập thiện, thập thiện mà chưa có thì nhất định bạn cũng không có giới định, đây là đạo lý nhất định. Cho nên trong “tịnh nghiệp tam phước” thì phước đầu tiên là gốc, là gốc của gốc, có phước thứ nhất thì mới có phước thứ hai. Phước thứ nhất là tầng lầu đầu tiên, phước thứ hai là tầng lầu thứ hai, phước thứ ba là tầng lầu thứ ba, bạn không có tầng dưới thì làm sao bạn có được tầng trên. Phước thứ hai là “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”, đây là đệ tử của Phật. Phước thứ nhất là phước báo nhân thiên, phước thứ hai là Tiểu Thừa, phước thứ ba là Bồ-tát, là Đại Thừa “phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Đây là tổng nguyên tắc chỉ đạo của chúng ta, chúng ta không đi con đường này thì bạn không có con đường nào khác để đi. Ba đời chư Phật đều đi con đường này mà thành tựu, chúng ta không đi con đường này thì đi con đường nào bây giờ? Đây là việc mà chúng ta không thể nào không biết.
Chỉ cần chính mình chịu dụng công, chính mình trước tiên phải trồng cái gốc cho tốt, gốc của gốc là Đệ Tử Quy, làm được Đệ Tử Quy rồi thì Thập Thiện Nghiệp Đạo cũng viên mãn, pháp thế xuất thế gian, bất luận bạn học cái gì bạn cũng đều có thành tựu thù thắng. Không trồng cái gốc từ chỗ này thì dù bạn có nỗ lực tinh tấn, dù thời gian có lâu dài hơn đi nữa, đến sau cùng cũng vô ích. Thứ nhất là bản thân phải sanh tử như thế nào thì vẫn sẽ sanh tử như thế ấy. Thứ hai là trong pháp thế xuất thế gian, bạn không có thành tựu gì chân thật, cho dù có thành tựu thì cũng như hoa Phù Dung sớm nở tối tàn. Vì sao vậy? Vì không có gốc, không chịu nổi sự khảo nghiệm của thời gian, không chịu nổi sự khảo nghiệm của lịch sử, việc này không thể nào không biết.
Chúng ta lại xem câu kế tiếp trong kinh này, câu này vô cùng quan trọng. Đây chính là chuyên tu Tịnh Độ, “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Bạn xem trong bộ kinh này, “tam bối” là thượng bối, trung bối và hạ bối đều có câu nói này, “phát Bồ-đề tâm nhất, hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Chúng ta học Phật điều đầu tiên là phải kính Phật, bạn xem trong Phổ Hiền Thập Nguyện thì “lễ kính chư Phật” xếp ở đầu tiên. Lễ kính không phải trên hình thức mà phải trên thực chất, thực chất của lễ kính là gì? Là y giáo phụng hành, chúng ta có lòng tin đối với Phật, có lòng tin đối với giáo huấn của Phật, có lòng tin đối với kinh điển thì bạn mới có thể đạt được lợi ích chân thật, nếu bạn có hoài nghi vậy thì không được. “Bồ-đề tâm” tuy rất khó, nhưng nếu bạn chân thật có thể làm được Đệ Tử Quy và Thập Thiện Nghiệp Đạo rồi thì phát “Bồ-đề tâm” sẽ không khó.
“Bồ-đề tâm” là chân thành, phía trước đã nói qua với các vị rồi. Dục vọng, danh văn lợi dưỡng ngũ dục lục trần tham sân si mạn nếu không đoạn thì tâm của bạn không chân thành, việc này sẽ chướng ngại sự chân thành của bạn. Vì vậy Thích-ca Mâu-ni Phật đã thị hiện cho chúng ta, cả đời không xây đạo tràng, xây đạo tràng thì bạn sẽ có rất nhiều việc để làm. Cổ đức thường nói với chúng ta “nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”, lại nói với chúng ta, “biết nhiều việc thì phiền não nhiều, quen nhiều người thì thị phi nhiều”. Khi bạn tiếp xúc với rất nhiều người thì việc thị phi sẽ chất thành đống. Trong thời đại này, nếu bạn chân thật muốn giữ gìn sự “thanh tịnh bình đẳng giác” của mình như tựa đề của kinh này thì bạn nhất định phải biết lìa xa thị phi nhân ngã. Vì vậy tôi thường nói với các đồng tu, tôi đại khái đã 40 năm không xem báo chí. Vì sao vậy? Vì đó là ô nhiễm, đó là thị phi. Không xem tạp chí, không xem truyền hình, tôi mỗi ngày khi có thời gian thì tôi đọc kinh Phật, xem những tác phẩm của Tổ sư, cuộc sống của tôi rất tốt, rất tự tại. Vậy bạn mới chân thật có thể giữ gìn được sự thanh tịnh bình đẳng của mình mà không bị ô nhiễm. Hiện tại xã hội này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng bản thân có thể không tiếp nhận, chúng ta vẫn có cái quyền này, chúng ta có thể không tiếp nhận, phải nên biết đạo lý này. Những việc này ngày trước lão sư Lý đã dạy qua.
Việc học kinh giáo cũng phải một môn thâm nhập thì tâm của bạn sẽ định, định rồi có thể khai trí huệ. Nếu bạn học quá nhiều thứ, học rất tạp thì bạn phân tâm, bạn tăng trưởng phân biệt, tăng trưởng chấp trước, tăng trưởng vọng tưởng, nói một cách khác, bạn không những không khai trí huệ, mà tâm cũng không thanh tịnh, tổn thất này quá lớn. Cho nên bạn nhất định phải hiểu được cách học như thế nào. Người thế gian bất luận dân tộc, tôn giáo nào, bạn đi hỏi xem có ai mà không tham tiền tài, có ai mà không tham danh văn lợi dưỡng, có ai mà không tham hưởng thụ. Đây là gì vậy? Đây là căn tánh hạ liệt, không phải là bổn tánh. Phiền não tập khí này đã được huân tập từ vô lượng kiếp đến nay, không dễ gì đoạn được. Cho nên nếu bạn gặp được thiện tri thức tốt, thật sự chỉ dạy cho bạn, thiện tri thức nhất định là lấy thân làm gương. Chúng ta sanh khởi lòng tin đối với họ, lấy họ làm gương, học tập ở họ, nếu có thể học ở họ 20 – 30 năm thì sẽ được thọ dụng, đối với lão sư sẽ sanh tâm cảm ơn. Nếu đều làm được những giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, của Phật Bồ-tát ngay trong cuộc sống thường ngày, vậy thì bạn được thọ dụng rồi. Nếu làm không được, không thể vận dụng thực tiễn, vậy thì sai rồi, chúng ta tuy rằng tu học rất cần cù, nhưng không được thọ dụng. Cũng như đi học vậy, rất cố gắng mà thi cũng chỉ được điểm không, bạn không phải là kiểu như vậy hay sao? Chân thật được thọ dụng thì khi thi sẽ được tròn điểm chứ không phải điểm không. Vì vậy không thể không học giáo huấn của Phật.
Đặc biệt là Thích-ca Mâu-ni Phật đã làm tấm gương cho chúng ta, đạo tràng là do những cư sĩ hộ pháp đi làm. Người học Phật bất luận là tại gia hay xuất gia nếu muốn chân thật có thành tựu trong việc hoằng pháp thì nhất định phải học được “ba điều không quản”: không quản người, không quản việc, không quản tiền. Nếu có thể buông bỏ tất cả thì bạn mới có thể một lòng một dạ mà hạ công phu trên kinh giáo, tâm địa thanh tịnh, bạn mới xem hiểu được kinh văn, bạn mới thấy ra được mỗi câu mỗi chữ có vô lượng nghĩa. Tự mình thể nghiệm thì được thọ dụng, nói cho người khác nghe, người ta có thể cảm động, tâm tâm tương thông, việc gì cũng phải thật làm. Cho nên tôi một đời không có đạo tràng, những năm qua chúng tôi rời khỏi Cư Sĩ Lâm đến Úc Châu, những người năm xưa ở tại Thư Viện là xuất gia với Hàn Quán Trưởng, không phải xuất gia với tôi. Tôi học Ấn Quang Đại sư cả đời tuyệt đối không nhận chúng đệ tử xuất gia, họ là xuất gia với Hàn Quán Trưởng. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh thì những người này cùng đường bí lối, không có nơi để về, tôi không thể nào không chăm lo, đây là nghĩa vụ, cho nên tôi đã xây dựng một đạo tràng ở Úc Châu. Vì sao lại đến Úc Châu? Ở Singapore chúng tôi không có đủ điều kiện để làm, bởi vì nhất định phải là công dân của Singapore thì mới được sở hữu đất đai ở Singapore để xây đạo tràng, không phải công dân Singapore thì không thể sở hữu đất đai ở đó, bạn chỉ có thể mua nhà cao tầng. Ở Singapore giá tiền mua nhà cao tầng quá đắt đỏ, chúng tôi làm gì có nhiều tiền đến như vậy, cho nên không còn cách nào đành phải đến Úc Châu. Ở Úc Châu thì đất rộng người thưa, bất động sản rất rẻ, rất nhiều đồng học cũng đã đi qua Úc rồi, bạn xem quy mô như vậy mà chúng tôi đã tốn hết bao nhiêu tiền? Khoảng ba triệu đồng tiền Singapore, nếu là ở Singapore với quy mô lớn như của chúng tôi thì dù có tăng thêm 10 lần cũng chưa chắc làm được. Cho nên cho qua bên đó để xây đạo tràng cho họ, hiện tại đạo tràng này tôi cũng giao lại cho họ, không còn quản nữa. Tôi nói tôi đã 80 tuổi rồi còn giao cho tôi quản nữa thì các vị thật không có lương tâm, cho nên hết thảy đều đã giao lại cho họ cả rồi, tôi không quản nữa. Ở Úc Châu quan hệ của tôi với chính phủ, với giới học thuật đều rất tốt, vì thế khi làm việc thì có thể dùng danh nghĩa của tôi, sẽ không có chướng ngại, còn làm được rất nhanh. Việc này thì tôi có thể dùng danh nghĩa để giúp các vị, trên thực tế thì tôi nhất định không quản việc, chúng ta đều phải có cách học như vậy.
Bản thân có nơi cư trú an định, nhưng không nên cho đó là nhà của ta, không phải vậy, đã xả gia ly dục thì bạn làm sao có thể xem cái này thành nhà được chứ? Bạn vừa có nhà thì hỏng rồi, vừa có cái nhà thì thế giới Cực Lạc bạn sẽ đi không được, bạn ở đây đã có nhà rồi, bạn còn có thể đi được hay sao? Bạn đi không được. Phải xem nó như thế nào? Xem nó như là một nơi để tu hành giữ đạo chuẩn bị vãng sanh, chúng ta từ nơi này nhất định phải đạt được thế giới Cực Lạc, vậy thì đúng! Không có nhà thì bạn sẽ không có lòng riêng tư, bạn sẽ chân thật một lòng hướng đạo. Nhưng tôi ngày ngày khuyên như vậy còn họ có chịu nghe hay không là chuyện của họ. Bạn không chịu nghe, tương lai bạn bị đọa xuống địa ngục thì bạn không thể trách tôi, vì tôi đã nói từ sớm rồi, tôi không phải là không dạy bạn, bạn không chịu nghe lời, không chịu làm, vậy thì đọa lạc là chuyện của bạn, không phải là việc của tôi, tôi không có lỗi với mọi người.
Thứ hai là chúng ta phải tin vào nhân quả. Bạn xem điều thứ ba trong tịnh nghiệp tam phước là “phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả”, câu nói này vô cùng quan trọng. Thực hiện việc “thâm tín nhân quả” ở chỗ nào vậy? Thực tiễn ở Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng ta không cần chọn thứ gì quá cao sâu, Liễu Phàm Tứ Huấn rất rõ ràng dễ hiểu, các vị cứ học Liễu Phàm Tứ Huấn thì các vị sẽ “thâm tín nhân quả”. Đặc biệt phải tin rằng “miếng ăn giọt nước đều đã được định trước”, bạn phải tin đạo lý này, sau khi rõ ràng được lý thì tâm của bạn liền an. Chúng ta còn cần phan duyên nữa hay không? Không cần nữa, có cần đi kiếm tiền nữa không? Không cần, trong mạng của bạn có thì đến lúc nó sẽ tới, đâu cần phải đi tìm kiếm. Cho nên tôi khuyên đồng tu trong đạo tràng chúng ta tuyệt đối không hóa duyên, tuyệt đối không xin người ta một xu nào, nếu bạn hiểu thì thật sự bạn đã “thâm tín nhân quả”, bạn đã tin rồi. Cả đời tôi chưa từng hóa duyên với ai, dù khó khăn đến đâu tôi cũng chưa từng nói người ta giúp đỡ tôi một chút, dù khó khăn hơn vẫn có thể bình an mà sống qua ngày, như vậy thì bạn tự tại biết bao. Hình tượng Phật giáo bị phá hoại chính là việc hóa duyên, chính là đi khắp nơi hỏi xin người ta tiền, đã khiến rất nhiều người không dám học Phật, nên trách nhiệm mà người học Phật gánh vác rất nặng. Đây là sai lầm của chúng ta. Thích-ca Mâu-ni Phật khi còn tại thế, người học Phật rất tự tại thoải mái, đức Phật mỗi ngày để cho người ta cúng dường một bát cơm, một bát cơm không phải chỉ một nhà, nhiều nhà gộp lại mới được một bát. Vậy thì bạn suy nghĩ xem, Phật đối với người như thế nào, Phật xử sự như thế nào, đây là việc mà chúng ta cần phải học tập. Cho nên nhất định không thể hỏi xin tiền người ta, nhất định không thể hóa duyên, nhất định không thể có tiền riêng. Tiền cúng dường là người ta đang trồng phước, chúng ta nhất định phải làm thay cho họ, tiền đến tay này thì đi ra tay kia, như vậy thì được. Bản thân bạn mới thật sự đạt được sự tự tại, bạn đã thật sự buông bỏ được những thứ này, đây là thuộc về “khí dục” (lìa bỏ dục).
Không nên xây đạo tràng, thế gian này rất nhiều đạo tràng, nếu bạn chân thật tu dưỡng thân tâm của mình, nếu bạn có đạo đức, có học vấn thì nơi mời bạn đi giảng kinh thuyết pháp sẽ rất nhiều. Hơn 10 năm trước tôi ở Mỹ, có vị đồng tu hỏi tôi, ông hỏi: “Thưa Pháp sư, Ngài có cần xây đạo tràng hay không?” Tôi liền nói với ông: “Nơi nào khác thì tôi không nói, chỉ cần nói tại Trung Quốc Đại Lục mà thôi, Trung Quốc Đại Lục mời tôi đi giảng kinh, các vị thử nghĩ xem, tôi nghĩ không cần nói nhiều, ít nhất cũng có 300 nơi, có lẽ là 300 nơi mời tôi đi giảng kinh, mỗi một nơi tôi chỉ cần đến giảng một tháng, tôi có sống đến 100 tuổi cũng giảng không hết, vậy tôi cần đạo tràng để làm gì?” Làm khách thì tốt, làm chủ không tốt, làm chủ thì mọi việc mọi thứ ở trong nhà bạn đều phải chăm lo, nếu bạn làm khách thì gọi điện thoại không cần trả tiền điện thoại, dùng nước máy cũng không cần phải trả tiền, vậy thì tự tại biết bao. Ngày tháng tốt đẹp đến như vậy sao bạn không sống, tại sao lại tự đi tìm phiền phức cơ chứ? Vậy thì không đúng. Chính phủ Trung Quốc hiện tại cũng đang dần dần hiểu tôi, năm ngoái cục trưởng Diệp là cục trưởng cục tôn giáo của chúng ta tham gia triển lãm Xá-lợi ngón tay Phật tại Hồng Kông. Ông rất bận rộn, chỉ ở một đêm duy nhất tại Hồng Công, hôm trước đến thì sáng hôm sau đã về rồi, ông hẹn tôi gặp mặt, chỉ có vào thời gian ăn sáng thì có thể gặp. Tôi nói được, vào buổi sáng, tôi đến khách sạn nơi ông ở, cùng ăn sáng với ông. Ông nói với tôi: “Thưa Pháp sư, tư tưởng và lời nói của Ngài tuyệt đối không có vấn đề gì, nhưng do trong nước vẫn có một số người vô phép, đã mượn danh nghĩa của Ngài để làm những việc phi pháp.” Ông nói những việc này Ngài đều không biết, Pháp sư không có liên quan, việc này chính phủ sẽ có cách giải quyết. Tôi hỏi là sự việc gì vậy? Ông nói: “Thứ nhất là sách và băng đĩa của Ngài đang được rất nhiều người sao chép với số lượng lớn mà chưa được sự cho phép của chính phủ, giống như là chưa được phê chuẩn, đây là việc không như pháp. Ngoài ra còn một việc nữa, họ in những thứ này ra rồi đem đi bán, bán lấy tiền đó là hành vi kinh doanh nhưng họ lại không đóng thuế.” Ông nói việc này tôi đều không biết, không rõ, ông nói tôi không cần phải lo những việc này, sự việc này là việc của chính phủ lo. Tôi nói vậy thì tốt quá, tôi nói người Phật tử thì quan trọng nhất là phải tuân giữ pháp luật, bất luận là ở tại quốc gia khu vực nào thì nhất định phải tuân thủ luật pháp quy định ở nơi đó. Nếu làm những việc phạm pháp, cho dù là việc tốt nhưng lại là phạm pháp thì cũng xem như là việc xấu, đều biến thành việc ác, đạo lý này rất sâu, không thể không biết.
Cho nên sau khi đã thâm nhập kinh tạng thì bạn sẽ hiểu, Phật là một người đại thiện đệ nhất của thế gian, mọi người đều công nhận việc này. Đệ tử Phật cũng là người đại thiện của thế gian, người thiện thì làm sao có thể làm việc phạm pháp được? Làm gì có đạo lý như vậy? Thế Tôn rất từ bi, Kinh Phạm Võng đã nói với chúng ta, “không làm giặc quốc gia, không nói xấu lãnh đạo đất nước”. Ngày trước chúng tôi tại Đài Trung học Phật với lão sư Lý, lão sư thường thường nhắc nhở chúng tôi, tập khí của chúng ta rất nặng, ưa thích phê bình người khác, đây là sai lầm. Đặc biệt là quốc chủ, quốc chủ nghĩa là người lãnh đạo của một đoàn thể, những người lãnh đạo này cũng là phàm phu, phàm phu thì có lúc cũng phạm sai lầm. Ví dụ trong một ngôi nhà, bạn là quốc quân tức là người chủ gia đình. Đoàn thể này của chúng ta cũng như đạo tràng đều có trụ trì phương trượng, đây chính là quốc quân, họ chính là người lãnh đạo của đoàn thể này. Nếu là một huyện thị thì huyện trưởng thị trưởng là vua của một huyện thị. Không được nói xấu lãnh đạo, bạn phải hiểu được cái ý nghĩa này. Ví dụ như một gia đình, trong gia đình con cái đối với cha mẹ đều rất tôn kính, nếu bạn ở trước mặt chúng nói cha mẹ chúng không tốt thế này không được thế kia, nói như vậy thì tâm tôn kính của chúng đối với cha mẹ sẽ không có, gia đình này sẽ sớm xảy ra vấn đề. Việc này nếu bạn không để ý thì bạn đã phá hoại gia đình của họ, tội lỗi này rất nặng, nhất định không được làm. Bạn muốn giúp đỡ gia đình này hòa thuận, gia hòa thì vạn sự hưng, bạn giúp đỡ họ thì bạn không được phá hoại. Chữ “tặc” này chính là giặc, “không làm giặc quốc gia”, không được phá hoại. Lãnh đạo tuy rằng bất thiện, làm không như pháp thì cũng không được nói. Vì sao vậy? Bạn phải nên biết, nếu là đạo tràng của nhà Phật, trong đạo tràng này có biết bao tín chúng, có biết bao tín đồ, nếu bạn tùy tiện hủy báng, tùy tiện phê bình, cho dù họ làm việc không đúng, bạn phê bình họ, tín đồ đối với người chủ trì của đạo tràng sinh ra sự hoài nghi thì đạo tràng này đã bị bạn phá hoại rồi. Việc này trong Giới Kinh chính là phá hòa hợp tăng, tội phá hòa hợp tăng thì đọa địa ngục, đây là việc không nhẫn tâm làm. Cho dù họ có như pháp hay không thì mỗi người đều có nhân quả của mình, bạn hà tất phải xuống địa ngục cùng với họ? Họ xuống địa ngục thì bạn không cần phải đi theo họ, bạn tùy tiện hủy báng họ thì chính là đi cùng với họ rồi. “Bạn đi xuống tôi sẽ đi cùng bạn”, người như vậy là kẻ ngốc, là người ngốc, cho nên nhất định không được làm. Bạn không nghe không hỏi là nuôi dưỡng đức hạnh của chính mình. Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ đã đem khẩu nghiệp trong tịnh nghiệp xếp thứ nhất. Bạn xem trong kinh nói ba loại tịnh nghiệp, điều đầu tiên là “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Phật đem việc này xếp đầu tiên, tiếp theo là “khéo giữ thân nghiệp không mất oai nghi; khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm”. Bạn xem Ngài đem khẩu nghiệp xếp ở đầu tiên trong Kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta thông thường đều thấy “thân khẩu ý”, thân nghiệp xếp ở đầu tiên, nhưng Ngài lại đem khẩu nghiệp xếp đầu tiên, dụng ý rất sâu, đạo lý này chúng ta không thể không biết. Cho nên nhất định không được làm những việc tổn hại đến xã hội, những việc tổn hại đến gia đình người khác, hay sự việc tổn hại đến đoàn thể, việc tổn hại đến đất nước. Thậm chí ngày nay nói là việc tổn hại đến thế giới thì quyết không thể làm, tội lỗi này rất nặng.
Thứ hai là nhất định không được hủy báng lãnh đạo, bất luận là lãnh đạo gia đình, đoàn thể, công ty xí nghiệp. Trong công ty xí nghiệp công nhân viên rất nhiều, công ty làm thế nào hưng vượng? Nhân viên tôn trọng kính phục đối với ông chủ thì công ty này nhất định sẽ hưng vượng. Nếu nhân viên có ý kiến đối với ông chủ, khinh thường không xem trọng ông chủ thì công ty này nhất định sẽ suy. Cho nên người học Phật chúng ta quan trọng nhất là phải tu dưỡng đức hạnh của chính mình, không được có lỗi lầm. Trong Kinh Anh Lạc, Phật có nói hai câu nói, “bất lậu quốc thuế, bất phạm quốc chế” (không trốn thuế, không vi phạm pháp luật), hai câu nói này rất hay, Kinh Anh Lạc hầu hết nói đến giới luật cho Bồ-tát tại gia, chú trọng ở người tại gia. Không trốn thuế, phải tận hết nghĩa vụ đối với đất nước, thứ hai là không làm những việc phạm pháp. “Quốc chế” chính là pháp luật, nhất định không thể làm những việc phạm pháp. Đệ tử Phật chúng ta bất luận tại gia hay xuất gia nếu có thể làm được bốn câu nói này thì có nơi nào mà không hoan nghênh bạn chứ? Hoan nghênh bạn chính là hoan nghênh Phật pháp, tôn trọng bạn chính là tôn trọng Phật pháp, Phật pháp mới có thể hưng vượng được trên thế giới này. Nếu bản thân chúng ta đều phạm bốn câu này thì chúng ta đã diệt Phật pháp ở ngay chỗ này, đã làm chướng ngại Phật pháp ở tại chỗ này, chúng ta chính là tội nhân của Phật pháp. Đạo lý này không thể nào không biết, nó có mối quan hệ trực tiếp với việc “xả gia khí dục”.
Phạm vi của bốn chữ “xả gia khí dục” vô cùng rộng. Sa-môn là thân tâm thanh tịnh một trần không nhiễm, chân thật có thể buông bỏ, buông bỏ thì được đại tự tại. Cho nên để buông bỏ thì bạn không thể không hiểu nhân quả, không hiểu nhân quả thì bạn có nghi hoặc, bạn có lo lắng, muốn buông bỏ nhưng lại không dám. Nếu bạn chân thật hiểu rõ hiểu thông nhân quả thì bạn mới chịu buông xuống, biết buông xả thì mới được đại tự tại. Trong mạng của bạn có tài phú, bạn đã xả bỏ hết thảy rồi, vậy tiền tài có mất hay không? Không thể nào, vài ngày sau nó lại đến, càng xả thì càng được nhiều. Chỉ người thế gian này không hiểu, họ cho rằng bản thân có tài cán, bản thân có bản lĩnh, nên có thể kiếm được bao nhiêu tiền ở ngoài xã hội, kỳ thực họ đã sai rồi, hoàn toàn sai rồi. Năm kia, trường đại học Griffith Úc Châu khánh thành tòa lầu Học Viện Thương Mại, tòa lầu cao đó vừa mới xây xong, liền cử hành một buổi lễ cắt băng khánh thành, hiệu trưởng mời tôi đến cùng tham dự. Chúng tôi đến để chúc mừng, họ cũng mời một vị giáo sư người Mỹ rất nổi tiếng đến dự, ông đã nghỉ hưu rồi, hiện tại hình như có mười mấy công ty đang mời ông làm cố vấn, ông là một chuyên gia về tài chính mậu dịch. Trong lễ khánh thành ông lên phát biểu, ông là vị khách mời diễn giảng đặc biệt. Sau khi tôi nghe xong, tôi ngồi cùng với vị hiệu trưởng, tôi nói với vị hiệu trưởng: “Ông giáo sư ấy nói rất hay, nhưng nếu gặp người học trò như tôi thì sẽ gay go.” Ông hiệu trưởng hỏi vì sao? Tôi nói tôi không tin. Hiệu trưởng hỏi vì sao không tin, giáo sư đó là một chuyên gia kinh tế kia mà. Tôi nói: “Nhưng ông ấy không có tiền, ông ấy vẫn làm giáo sư, mỗi ngày đều nhận một ít tiền lương để sống, nếu ông biết cách dạy người ta phát tài đến như vậy thì bản thân ông phải nên phát tài, bản thân ông chẳng phát tài thì những lý luận phương pháp mà ông giảng đó tôi đều không dám tin. Vị hiệu trưởng cũng ngẩn người ra, sau cùng tôi nói với ông, tôi rất hiểu đạo lý về việc phát tài, tôi mà dạy thì học trò nhất định sẽ phát tài, vị giáo sư đó mà dạy thì không được, ông không phát tài. Hiệu trưởng hỏi tôi, tôi nói việc đó cũng giống như người nông phu trồng trọt, giáo sư biết được phương pháp của việc trồng trọt, hiểu được cách thức của việc trồng trọt, tại vì sao ông ấy không phát tài? Vì ông không có hạt giống, bạn nói đến hoa trời rơi rụng nhưng đến sau cùng bạn vẫn không có cách gì, bạn không có hạt giống mà. Tôi nói tôi biết phương pháp, tôi lại có rất nhiều hạt giống, việc này là thật không giả chút nào. Hạt giống của sự phát tài là gì? Là bố thí tài, thông minh trí tuệ là quả báo thì bố thí pháp là nhân. Nó có nhân có duyên có quả, cho nên những thứ mà các vị giáo sư dạy trong trường đều là duyên không có nhân, học viên học trường công nghiệp thương mại nhiều như vậy mà được mấy người phát tài? Vì sao vậy? Vì không có nhân.
Số mạng của tôi không có tiền, không bằng một ai, cả đời đều là bần cùng khốn khó, vả lại còn đoản mạng, thọ mạng chỉ có 45 tuổi, còn thua xa tiên sinh Liễu Phàm, tôi không bằng ông Liễu Phàm. Tôi nhờ gặp được Chương Gia Đại sư mới thay đổi lại được. Cho nên tiền tài, thọ mạng, sự thông minh trí tuệ đều được nâng lên. Tiên sinh Liễu Phàm gặp được thiền sư Vân Cốc thì mới biết sửa lỗi đổi mới. Vì vậy số mạng là tự mình tạo ra, tự mình lại có thể thay đổi số mạng. Bạn biết tự mình thay đổi thì tương lai của bạn là vô lượng quang minh, bạn không biết thay đổi vậy thì vô ích, bạn đành phải y theo vận mạng của mình thôi, đành trôi qua đời này. Cho nên nhất định phải thật sự “thâm tín nhân quả”.
Lão sư dạy tôi tu ba loại bố thí: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Ba loại bố thí đều cần đến tiền, tôi làm gì có tiền. Lão sư dạy tôi, nếu tận hết sức bố thí một đồng tiền, bố thí một xu tiền mà bản thân bạn có được thì sự bố thí tài đó của bạn là viên mãn. Điều này khiến tôi nhớ lại trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một câu chuyện nhỏ, có một cô gái khi còn nghèo khó đã bố thí hai đồng tiền, về sau cô được làm hoàng hậu. Khi đó vị trụ trì chùa đã làm hồi hướng cho cô, giúp cô tu phước. Đến khi cô được làm hoàng hậu, mang nghìn lượng vàng đến ngôi chùa đó để cúng dường, lão Hòa thượng không thèm để ý đến cô, chỉ bảo một người đồ đệ đi làm hồi hướng cho cô mà thôi. Vì thế cô thấy rất kỳ lạ, cô nói: “Khi tôi còn nhỏ đến ngôi chùa này chỉ cúng dường có hai đồng thôi mà Hòa thượng Ngài đích thân hồi hướng cho tôi.” Lão Hòa thượng liền nói: “Số tiền đó tuy ít nhưng tâm địa của hoàng hậu là chân thành. Chân thành nên có vô lượng công đức, ta không làm hồi hướng thì có lỗi với người. Bây giờ tuy hoàng hậu bố thí rất nhiều tiền nhưng với tập khí ngạo mạn, hoàng hậu đã không còn tâm cung kính nữa, cho nên đồ đệ của ta làm hồi hướng cho người là được rồi.” Đây chính là việc bố thí không quan trọng ở tiền nhiều hay ít, tâm của bạn chân thành, tâm viên mãn thì công đức là viên mãn. Chúng ta hiểu được đạo lý này, không phải người nghèo thì không thể tu phước, người nghèo thường tu đại phước. Họ bố thí một hai đồng, người giàu có thì bố thí mấy chục ngàn mấy trăm ngàn, nhưng cũng không sánh bằng công đức của người nghèo. Thật vậy, không giả chút nào, vậy nên phải học.
Bố thí vô úy thì quả báo là khỏe mạnh sống lâu. Phương pháp thù thắng nhất là ăn chay, không ăn thịt chúng sanh, không kết ác duyên với chúng sanh, đây chính là chân thật bố thí vô úy. Việc này không cần tốn tiền, vì sao không làm chứ? Bạn thật sự sẽ khỏe mạnh sống lâu. Tôi 26 tuổi học Phật, đại khái học Phật được nửa năm thì tôi ăn trường chay. Tôi ăn chay đã 54 năm rồi, nếu không nhờ ăn chay thì thân thể chắc sẽ không khỏe mạnh thế này. Tôi đã đến rất nhiều nơi trên thế giới, việc đầu tiên chính là người ta rất ngưỡng mộ sức khỏe của tôi, hỏi tôi cách giữ gìn sức khỏe như thế nào, tôi liền nói với họ: “Ăn chay một cách rất đơn giản, vả lại ăn rất ít, nhất định không ăn vặt, tâm địa thanh tịnh từ bi, vĩnh viễn ghi nhớ chỗ tốt của người, không nên nhớ chỗ không tốt của người.” Tâm của chúng ta phải giống như cái gì? Phải trong suốt giống như chiếc bình thủy tinh, bên trong phải chứa những thứ tốt đẹp, không nên chứa rác rưởi. Một chút điều không tốt của người khác, ta chất chứa ở trong lòng thì không phải là chứa rác hay sao? Tâm của bạn trở thành thùng rác của mọi người rồi, vậy thì bạn có gì tốt chứ? Chỉ nhớ chỗ tốt đẹp của người khác, quyết không nhớ lỗi lầm của người, việc này rất quan trọng.
Trong số các vị tôi nghe nói hôm nay có không ít người đến từ Trung Quốc Đại Lục. Các đồng bào Đại Lục phải ghi nhớ, ở Đại Lục đích thực như cục trưởng Diệp đã nói, có người lấy danh nghĩa của tôi đi khắp nơi để gạt tiền, các vị phải cẩn thận. Đặc biệt là việc hóa duyên, các vị phải nên nhớ tôi cả đời chưa từng hoá duyên, người nào lấy danh nghĩa của tôi đi hoá duyên thì đó đều là lừa gạt, tuyệt đối không có sự việc như vậy. Cho nên phải nên biết, cả đời tôi không xây chùa, cả đời không hóa duyên, cả đời không hỏi xin ai một xu tiền nào, hy vọng các vị phải nên lưu ý, không nên lơ là mà bị người khác lừa gạt. Cả đời tôi chính là giảng kinh dạy học, việc khác thì tôi không nghe không hỏi. Mấy năm qua đi lại các nơi trên thế giới, thực sự là xã hội động loạn quá nghiêm trọng, nếu không có duyên phần như vậy thì chúng tôi cũng không đi phan duyên, tôi sẽ không đi tìm việc như vậy. Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì. Họ đến tìm tôi vậy chính là duyên đã chín muồi, nếu chúng tôi không chăm chỉ đi làm thì chúng tôi có lỗi với họ, bởi vì họ đến tìm tôi không phải tôi đi tìm họ. Tôi bước ra thế giới, ban đầu là trường học đến tìm tôi, sau khi sự kiện 11/9 xảy ra, trường đại học Queensland có một trung tâm nghiên cứu hòa bình, vị hiệu trưởng nghe nói trước kia tôi đã đoàn kết chín tôn giáo lớn ở Singapore. Không biết họ làm sao mà biết được tin tức này. Chín tôn giáo đều không như nhau, vậy làm sao có thể đoàn kết lại được? Cho nên họ đã đến tìm tôi, muốn tôi đóng góp một chút ý kiến cho trung tâm hòa bình của họ. Sau sự kiện 11/9, mười mấy vị giáo sư của họ bên ấy cùng nhau nghiên cứu, chiến tranh lạnh và chiến tranh nóng đều không thể hóa giải vấn đề, cần phải nghĩ ra một phương pháp nào đó để hóa giải xung đột. Dùng phương pháp hòa bình, chúng ta từ bỏ vũ lực, đây là một cách nghĩ rất tốt, cho nên họ mời tôi đi, tôi liền đến trường học để dự buổi tọa đàm với các giáo sư. Trước tiên tôi lắng nghe báo cáo của họ, mới biết được trung tâm này của họ, trên thế giới tổng cộng chỉ có 8 ngôi trường là có trung tâm chuyên nghiên cứu hóa giải xung đột thúc đẩy hòa bình. Tôi nghe xong vô cùng hoan hỷ, sau 50 phút báo cáo xong, họ mời tôi lên phát biểu. Trước tiên tôi nói với họ: “Vấn đề của các vị đó là chưa tìm ra được cốt lõi của sự xung đột, cho nên các vị không thể nào hóa giải xung đột.”
Cốt lõi của sự xung đột là gì? Tôi nói với họ, cốt lõi của xung đột là gia đình. Bạn xem xã hội ngày nay, vợ chồng bất hòa, cha con bất hòa, anh em bất hòa, họ bước ra xã hội thì làm sao họ có thể hòa được chứ? Mấu chốt là ở đây. Tôi nói đây vẫn không phải là cái nhân thật sự, nhân thật sự thì vẫn phải thâm nhập thêm một tầng. Chánh nhân là cái gì? Chánh nhân là bổn tánh xung đột với tập tánh. Trong Tam Tự Kinh câu đầu tiên là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, bổn tánh của bạn vốn thiện, hiện tại phiền não tập khí của bạn rất nhiều cho nên tự tánh của bạn và phiền não tập khí là tập tánh, tập tánh và bổn tánh của bạn xảy ra sự xung đột. Việc này không phải ở bên ngoài mà là bên trong, đây mới thật sự là nguyên nhân. Nói tập tánh, nói bổn tánh thì rất khó hiểu, cho nên tôi có một phương pháp ứng biến linh hoạt, tôi nói đó là tự lợi xung đột với lợi tha, như vậy thì họ sẽ dễ hiểu. Bất kỳ sự việc gì bày ra ở trước mắt thì trước tiên bạn đều nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, như vậy nhất định sẽ có xung đột với người khác. Nếu chúng ta có thể đổi ngược lại, khởi tâm động niệm đều có thể suy nghĩ cho người khác thì xung đột liền được hóa giải. Nếu niệm niệm đều là lợi ích của chúng ta, lợi ích của đất nước ta, vậy đương nhiên sẽ xảy ra xung đột với đất nước của người khác. Nếu niệm niệm đều vì lợi ích đất nước người khác, lợi ích cho thế giới thì xung đột tự nhiên sẽ không còn nữa, liền được hóa giải. Họ nghe xong thấy rất có đạo lý cho nên sau đó lại đến tìm tôi lần nữa, tôi cùng họ đã tọa đàm hai lần. Trường học của họ mời tôi đến làm giáo sư, từ đó đã tạo ra mối quan hệ với trường học, sau này khi có những hội nghị như vậy trên quốc tế, tôi làm đại biểu cho trường để đi tham dự. Họ không mời người xuất gia, không mời nhân sĩ tôn giáo, đều là mời trường học, trường học thì có những vị giáo sư chuyên gia làm đại biểu để tham gia hội nghị. Thế nên quan niệm này vô cùng quan trọng, phải đem nó đổi trở lại, mọi thứ đều vì người khác mà suy nghĩ, không nên vì mình. Vốn dĩ là không có xung đột mà, làm gì có xung đột chứ? Khởi nguồn của xung đột nguyên nhân chính là ở chỗ này, chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Kinh Phật thường nói, buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn sẽ không còn xung đột. Vì vậy những đạo lý này chúng ta phải hiểu, chúng ta phải áp dụng thực tiễn, bắt đầu làm từ chính bản thân mình.
Tôi tham gia rất nhiều hội nghị, mọi người đều rất hoan hỷ tôi, cảm thấy nét mặt tôi luôn tươi cười, vẻ tươi vui này không phải là giả tạo, là từ trong nội tâm mà phát xuất ra, thường sanh tâm hoan hỷ. Vì sao vậy? Trong tâm không có mâu thuẫn, không có phiền não thì bạn rất vui vẻ. Trong Luận Ngữ nói “học rồi thường luyện tập, chẳng phải vui lắm sao?”, cái vui đó là từ trong nội tâm mà phát xuất ra, không phải là tác động từ bên ngoài. Trong nhà Phật thì gọi là pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Loại vui sướng này là tánh đức, là từ trong tự tánh mà lưu lộ ra. Trong tự tánh của bạn nếu có phiền não, nếu có vọng tưởng phân biệt chấp trước thì sẽ làm chướng ngại, niềm vui sướng này của bạn sẽ không thể sanh khởi. Có đồng tu đến hỏi tôi, họ nói họ rất muốn hoan hỷ, cũng muốn hoan hỷ giống như tôi vậy, nhưng sao họ không hoan hỷ được. Chúng ta phải thật sự yêu thương hết thảy chúng sanh. Năm ngoái tôi đã viết một bức đối liễn, “yêu thương trùm pháp giới, thiện ý khắp nhân gian”, họ xem thấy đều rất hoan hỷ, họ nói tâm yêu thương đó họ phát không nổi, họ rất muốn yêu thương người khác nhưng phát không ra được. Họ vừa nói như vậy thì đối với tôi cũng là một sự khải thị. Tôi nói: “Đúng, người xưa đã hiểu được đạo lý này, tâm yêu thương có một điểm bắt đầu, bạn tìm cho được điểm khởi nguồn này rồi thì từ điểm này mà đem tâm yêu thương từ trong tự tánh dẫn phát ra.” Điểm khởi nguồn này là gì? Câu đầu tiên trong giáo dục luân lý là “phụ tử hữu thân”, đó chính là khởi nguồn của tâm thương yêu và thiện ý.
Trưa hôm nay có đồng tu mời tôi ăn cơm tại quán Linh Chi, khi tôi đang ngồi thì ông dắt đứa cháu tới, ôm nó ở trong lòng, đứa bé hơn 4 tháng tuổi, nó nhìn thấy mỗi một người đều hoan hỷ, đó chính là điểm khởi nguồn của tâm yêu thương, không có bất kỳ điều kiện gì. Bạn xem đứa trẻ nhìn thấy bất kỳ ai cũng đều hoan hỷ, nó đều yêu thương, ai bế nó nó cũng không cự tuyệt, nó đều không khóc hay khó chịu, người nào cũng yêu thích nó, đây là điểm gốc, là tình thân cha con. Giáo dục truyền thống hiệu quả là ở chỗ tình thân ái này, nếu giữ gìn cả đời không hề thay đổi loại yêu thương thân ái này thì giáo dục thành công.
Yêu thương không có bất kỳ điều kiện nào, đây chính là tánh đức, trong tự tánh của bạn vốn dĩ chính là như vậy. Bạn có phiền não tập khí thì bạn đã quên mất tánh đức của chính mình. Hiện tại chính là làm sao để khôi phục tánh đức của chính mình? Bạn từ chỗ này mà xem, tỉ mỉ mà quan sát giáo dục luân lý, đây là điểm nguyên thủy nhất, từ cái điểm này mà phát dương quang đại. Con cái yêu thương cha mẹ, cha mẹ yêu thương con cái, sau đó mở rộng ra yêu thương cả gia đình, yêu thương anh em, yêu thương dân tộc, yêu thương bạn bè thân thuộc bà con lối xóm, dần dần mở rộng ra là yêu thương hết thảy mọi người. Trong Đệ Tử Quy nói “phàm là người, đều yêu thương” thì bạn có thể yêu thương tất cả chúng sanh rồi. Cho nên bạn nắm bắt cái điểm gốc này thì được rồi. Nhưng khi bạn còn nhỏ không có ai dạy bạn tốt, đến nay thì bạn đã mê lạc quá lâu rồi, giảng cho bạn nghe bạn cũng rất khó hồi phục lại được. Cho nên giáo dục thời xưa rất đáng quý, trong nền giáo dục đó không có sự mâu thuẫn, không có sự xung đột. Giáo dục luân lý chính là thực hành Đệ Tử Quy, ngàn kinh vạn luận hết thảy đều phải áp dụng thực tiễn, không thực tiễn thì trở thành huyền học, có học mà không có dùng, bạn không sử dụng được, như vậy thì không có ý nghĩa gì. Những thứ học được nhất định cần phải áp dụng vào trong thực tiễn, trở thành cuộc sống của chính mình thì chúng ta mới thật sự được thọ dụng. Tâm hoan hỷ này trong ngạn ngữ cũng thường hay nói đến: “Người gặp chuyện vui thì tinh thần sảng khoái”. Tín tâm, hoan hỷ tâm là nguồn gốc khỏe mạnh hạnh phúc vui vẻ của con người, bạn phải biết cái đạo lý này. Có bệnh thì có cần tìm bác sĩ hay không? Nói lời thành thật, ngày trước thì có thể tìm bác sĩ, hiện tại thì không được tìm bác sĩ, bạn không có bệnh thì họ trị cho bạn có bệnh, bạn có bệnh thì họ trị cho bạn chết. Thuốc hiện tại cũng không thể uống, là thuốc giả, không phải thuốc thật.
Cuối năm ngoái, tôi theo đoàn tôn giáo viếng thăm Indonesia và Trung Quốc. Lúc đó là mùa đông, miền bắc rất lạnh, đặc biệt là ở Bồng Lai tiên đảo, gió biển rất lớn, tôi bị một chút lạnh, bị một chút phong hàn. Sau khi về lại Úc tôi còn giảng kinh được một tuần lễ, đến tuần thứ hai thì không chịu nổi, sức khỏe không còn ổn nữa. Tôi đã nghỉ ngơi hết bốn tuần thì mới hồi phục trở lại, tôi không đi khám bác sĩ, không uống thuốc, tôi dùng phương pháp gì vậy? Dùng ý niệm. Chính là dùng tâm thiện niệm thiện mà điều dưỡng thân thể của mình. Ý niệm của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tất cả tế bào trên thân thể của chúng ta. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản đã làm một thí nghiệm đối với nước để chứng minh rất hay. Tâm của chúng ta lương thiện, tâm của chúng ta hoan hỷ thì mỗi một tế bào trên thân thể của chúng ta đều sẽ hồi phục lại bình thường, bình thường thì khỏe mạnh. Cho nên con người vạn phần không nên nổi giận, khi nổi giận thì toàn bộ tế bào của bạn sẽ biến dạng, đó là nguồn gốc của một số bệnh tật. Người thường xuyên nổi giận thì sức khỏe của người này nhất định không tốt, nhất định sẽ có bệnh, việc này chúng ta thường gọi là hay nổi cáu, tính tình hay nóng nảy, đây nhất định không phải là việc tốt. Phải nên tâm bình khí hòa, người đọc sách xưa thường nói “học vấn thâm thời ý khí bình” (người học vấn cao sâu thì tính tình điềm đạm), sẽ không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Bạn tán thán tôi thì tôi cười cười với bạn, nhưng không phải thật sự có tâm hoan hỷ, hoan hỷ cũng không được, tế bào của bạn cũng sẽ biến dạng. Người ta hủy báng bạn thì bạn tuyệt đối không được nổi giận, phải dùng tâm bình thường mà đối đãi. Tâm bình thường là đạo, tâm bình thường là khỏe mạnh nhất, cho nên đây là bình đẳng. “Thường” nghĩa là giữ gìn sự thanh tịnh bình đẳng thì khỏe mạnh nhất, phải nên hiểu đạo lý này.
Ăn mặc ngủ nghỉ, ăn chay càng đơn giản càng tốt. Đối với những động vật nhỏ cũng không được giết hại. Ruồi muỗi kiến gián đều thông hiểu lòng người, bạn nói chuyện trao đổi ý kiến với chúng chúng đều hiểu. Khi con muỗi đến đốt bạn, bạn bố thí cho nó một bữa thì được rồi, nó cũng chỉ muốn ăn một bữa mà thôi. Bạn hãy cúng dường nó, khi cúng dường cho chúng thì cũng có thể ra điều kiện. Muỗi cắn thì sẽ đau, sẽ ngứa, “muỗi có thể cắn nhưng không được để tôi đau, tôi không muốn ngứa”, chúng sẽ nghe lời, sẽ hợp tác với bạn. Nếu đốt ở trên mặt thì rất khó coi phải không? Không được cắn trên mặt, còn trên người trên tay chân đều có thể, chúng hết thảy sẽ nghe lời, rất dễ thương. Cho nên đối với những động vật nhỏ này, bạn dùng thành tâm thành ý, bạn xem chúng như Bồ-tát, những động vật nhỏ như Bồ-tát kiến, Bồ-tát ruồi, Bồ-tát muỗi đều biết nghe lời, chúng ta hợp tác quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Có một vị cư sĩ, khi ông mệt mỏi quá, ông nói: “Hôm nay không được rồi, hôm nay tôi mệt quá, các vị không thể đốt tôi được, các vị nên đi đi, hãy để tôi dưỡng vài ngày rồi tôi lại cúng dường các vị.” Những con muỗi đó thật sự đi hết, liền không đốt ông nữa. Không những động vật, mà cây cối hoa cỏ cũng hiểu được lòng người. “Yêu thương trùm pháp giới, thiện ý khắp nhân gian”, cũng phải bao trùm cả những động thực vật này.
Trong Phật pháp, đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm đã nói rất rõ ràng, cả vũ trụ này là một cơ thể, cũng tức là nói hết thảy vạn vật đều là sống, đều không phải chết, ngay cả đất cát sỏi đá đều sống. Vì sao vậy? Vì đối với khởi tâm động niệm của chúng ta, chúng đều có cảm ứng, ý niệm ta thiện thì chúng phản ứng là thiện, ý niệm ta ác thì chúng phản ứng là ác. Cho nên nếu bạn muốn thân thể khỏe mạnh thì bạn nhất định từ nay trở đi không được nổi giận. Bất luận là đối với người, với vật, với việc đều hoan hỷ, vậy thì bạn nhất định sẽ khỏe mạnh sống lâu, nhất định không cần phải đi tìm bác sĩ, đây là một việc rất chân thật.
Hơn 50 năm trở lại đây, cả đời tôi không sanh bệnh, bệnh viện không hề có bệnh án của tôi. Tôi cũng nhất định không đến bệnh viện, có bệnh tôi cũng không tìm đến bác sĩ, đều tự mình trị liệu, tự mình hồi phục lại năng lực của các cơ quan, các tế bào. Tự mình thật sự làm chủ được chính mình thì bạn mới vui sướng. Những lý luận phương pháp này đều nằm ở trong kinh Đại Thừa, học rồi thì phải biết dùng, học được rồi tôi liền thấy rất vui vẻ.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 342)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.