GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 44/374
Các đồng tu nhất định phải chú ý, người triệt để giác ngộ thì được gọi là Phật, người giác ngộ mà vẫn chưa triệt để thì gọi là Bồ Tát. Cho nên Bồ Tát là một người chân thật giác ngộ, tuy là giác ngộ chưa đạt đến cứu cánh viên mãn, nhưng họ cũng có năng lực tùy loại hóa thân. Chúng ta xem thấy ở trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ có năng lực này, đáng dùng thân gì để độ thì các Ngài liền hiện ra thân đó. Cũng giống như năm mươi ba vị đồng tham phía sau “Kinh Hoa Nghiêm”, năm mươi ba vị đó thị hiện ra đều là người phàm, nam nữ già trẻ, các ngành, các nghề đều có trong đó. Đó chính là đời sống xã hội hiện thực của chúng ta. Những người này là người sáng suốt.
Hiện tại chúng ta một ngày từ sớm đến tối trải qua đời sống của một người hồ đồ, không hề biết chút gì đối với chân tướng sự thật. Cho nên trong tâm có vọng tưởng, có lo lắng, có phiền não. Người minh bạch thì những thứ này thảy đều không có. Người minh bạch đến giúp những người không minh bạch, đó gọi là Bồ Tát độ hóa chúng sanh. Bồ Tát là người minh bạch. Như thế nào gọi là độ hóa? Giúp đỡ chúng ta giác ngộ. Thế nhưng họ giúp chúng ta giác ngộ, có phải chúng ta có thể giác ngộ hay không? Không nhất định. Đó gọi là căn tánh của người không như nhau. Người căn tánh lanh lợi thì rất dễ dàng, các Ngài vừa giúp thì họ liền giác ngộ. Người độn căn thì rất khó, không dễ gì giác ngộ. Những ai là căn tánh lanh lợi? Thành thật mà nói, phàm hễ người không quá tính toán, tâm phân biệt rất nhạt, tâm chấp trước cũng rất nhạt, bất cứ việc gì lớn thì hóa nhỏ, nhỏ hóa không, không hề gì, những người này rất dễ ở trong pháp Đại Thừa khai ngộ. Phàm hễ tính toán từng li, phân biệt chấp trước, thì người này Phật, Bồ Tát xem thấy rất khó dạy. Đó là trên “Kinh Địa Tạng” đã nói: “Cang cường nan hóa”.
Họ cang cường cái gì? Họ phân biệt, chấp trước, tình chấp rất nặng. Phàm hễ tính toán từng li thì tương đối phiền phức. May mà Phật, Bồ Tát độ chúng sanh, các Ngài không vội vàng. Đời này không thể thành tựu thì có thể đợi đến đời sau, đời sau vẫn không thể thành tựu thì đợi đến đời sau nữa. Các Ngài có thời gian, các Ngài không vội vàng gì. Chúng sanh cho dù đọa vào cõi nào, các Ngài đều rõ ràng, đều tường tận. Chúng ta đời này ở cõi người, Ngài biến ra một người đến giúp chúng ta. Tuy là ta không tiếp nhận, nhưng chúng ta cũng nghe qua không ít, trong A Lại Da Thức đã trồng được thiện căn rồi. Đời sau giả như chúng ta làm không được tốt, đọa vào cõi súc sanh, những Phật, Bồ Tát này lại sẽ biến thành súc sanh để làm bạn với chúng ta, cũng ngày ngày giảng Kinh nói pháp cho chúng ta nghe. Trong súc sanh cũng có Bồ Tát đang giảng kinh nói pháp. Không phải các vị thường hay nghe nói, súc sanh cũng niệm Phật, súc sanh cũng vãng sanh, cũng đứng mà ra đi hay sao?
Chư Phật Bồ Tát mãi mãi không rời khỏi chúng sanh. “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”. Thế nhưng có một điều kiện, đó là con người này có ý niệm cầu giác ngộ thì Phật mới không bỏ bạn, mới mãi mãi đi theo bạn, giúp đỡ bạn. Nếu như bạn căn bản không có ý niệm cầu giác ngộ, Phật đành phải ở bên cạnh mà nhìn, chờ đợi. Lúc nào bạn có ý niệm này thì lúc đó Ngài mới đến, không có ý niệm này thì Ngài sẽ không đến. Việc này không phải Ngài không từ bi mà vì bạn vẫn không muốn giác ngộ, vẫn không muốn thoát sanh tử ra ba cõi, vẫn không muốn thành Phật, cho nên Ngài sẽ không đến. Khi bạn có ý niệm này thì Ngài liền đến. Chỗ này gọi là “vạn hạnh”, chỗ này gọi là “trang nghiêm quả Phật”. Đó chính là vô tướng có thể hiện ra tất cả tướng, có thể tùy cơ giáo hóa, tùy cơ nói pháp, tùy loại hiện tướng. Đây cũng gọi là Hoa Nghiêm. Trang nghiêm tự tánh, trang nghiêm pháp giới, trang nghiêm chúng sanh, đó là ý nghĩa của Hoa Nghiêm.
Nhất tâm tu học thì gọi là Tam Muội. Lời nói này là nói với người sơ học chúng ta. Chúng ta nhất tâm tu học thì gọi là Hoa Nghiêm Tam Muội. Nói đến chỗ này, chúng ta phải ứng dụng một cách rất cụ thể, phải thực tiễn ngay trong cuộc sống. Hoa Nghiêm Tam Muội tu thế nào? Y theo phương pháp lý luận của “Kinh Hoa Nghiêm” mà tu học thì gọi là Hoa Nghiêm Tam Muội. Nếu như có thể khế nhập cảnh giới mà trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói thì gọi là “ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội”. Bạn phải vào cảnh giới mới được, không vào cảnh giới thì tuy là bạn một lòng đang tu, nhưng bạn không vào được cảnh giới. Nói đến chỗ này, có thể tôi đang khuyên các vị tu Hoa Nghiêm Tam Muội phải không? Không sai! Là khuyên các vị tu Hoa Nghiêm Tam Muội, thế nhưng chân thật phải y theo “Kinh Hoa Nghiêm” mà tu thì thật phiền phức. Bạn xem, chúng ta giảng qua “Kinh Hoa Nghiêm” từ đầu đến cuối một lần, hiện tại chúng ta dự định là giảng năm năm, nhưng giảng phía trước không biết được phía sau, giảng đến phía sau thì quên hết phía trước, bạn từ đâu mà khởi tu? Bạn không cách gì để tu. Thế nhưng có một phương pháp, phương pháp tốt nhất đến niệm Phật đường ở lầu bốn niệm A Di Đà Phật, đó chính là viên mãn tròn đầy Hoa Nghiêm Tam Muội.
“Kinh Hoa Nghiêm” đến sau cùng quy kết lại là “Kinh Vô Lượng Thọ”, Bồ Tát Phổ Hiền mười đại nguyên vương quy về Cực Lạc. Cho nên, Đại Đức xưa gọi Kinh này là trung bổn Hoa Nghiêm là có đạo lý. Kinh này là bản tóm lược của “Kinh Hoa Nghiêm”, là tinh hoa của “Kinh Hoa Nghiêm”. Bộ Kinh lớn thì quá rối rắm, quá nhiều. Chân thật nói đến tu hành thì càng đơn giản càng tốt. Đơn giản đến sau cùng là bốn chữ “A Di Đà Phật”. Bốn chữ này chính là Hoa Nghiêm Tam Muội. Nếu bạn niệm đến công phu thành khối, niệm đến nhất tâm bất loạn, thì bạn liền ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội. Việc này chính là như vậy.
Cho nên, có rất nhiều đồng tu niệm Phật ở niệm Phật đường, cảnh giới đều rất không tệ, đều đã ngộ nhập rồi, nhưng họ không biết được đó là Hoa Nghiêm Tam Muội, khi nói ra họ mới biết được họ đã vào Hoa Nghiêm Tam Muội. Hoa Nghiêm Tam Muội có cạn, có sâu. Hiện tại chúng ta vào được cạn, chưa đủ độ sâu. Nếu như đủ sâu thì giống như chư Phật, Bồ Tát vậy, tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp. Tuy không thể giống chư Phật, Bồ Tát tự tại như vậy, nhưng chúng ta ở ngay trong đời này cũng có thể được quả vị gần giống. Quả vị gần giống này chính là người thông thường hay nói: “Thấy người nói tiếng người, thấy quỷ nói lời quỷ”. Thế nhưng bạn nói ra đều có đạo lý, lời nói ra đều là khiến cho người nghe giác ngộ, đều là giúp đỡ họ giác ngộ, đó là vào được vị tương tợ.
Câu Kinh văn phía sau: “Cụ túc tổng trì, Bách Thiên Tam Muội”, đây là lấy Hoa Nghiêm Tam Muội nói chung. “Bách thiên Tam Muội, vô lượng Tam Muội”, đó là dụng. Cũng giống như trên “Kinh Bát Nhã” đã nói là Bát Nhã vô tri. Vô tri là căn bản trí, Hoa Nghiêm Tam Muội là căn bản. Lại nói “vô sở bất tri”. “Vô sở bất tri” là đức dụng của nó, đức năng của nó, chính là tùy loại hoá thân, tùy cơ nói pháp. Đó chính là vô sở bất tri. Tuy là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp, nhưng trong lòng một chút ô nhiễm cũng không có. Đó gọi là Bách Thiên Tam Muội, gọi là vô lượng Tam Muội.
“Tổng trì”, hai chữ này chính là phía trước đã nói là “Đà La Ni môn”. “Đà La Ni” là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung Quốc là “tổng trì”. “Trì” ngày nay chúng ta gọi là nắm lấy. Ý nghĩa của “tổng trì” chính là nói rõ nắm lấy tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của nó, vậy thì bạn dễ làm. Tổng trì này của chúng ta là pháp môn tổng trì giáo hóa chúng sanh, bạn có năng lực giúp đỡ và dạy bảo đối với chúng sanh chín pháp giới. Chín pháp giới, trên từ pháp giới Bồ Tát, dưới đến pháp giới địa ngục, chúng sanh chín cõi, bạn đều có năng lực, có trí tuệ, có phương tiện khéo léo để giúp đỡ cho họ, đó là bạn chân thật đạt được tổng trì. Thông thường chúng ta gọi pháp môn tổng trì chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”.
Hiện tại chúng ta biết, “Kinh Vô Lượng Thọ” là tinh hoa của “Kinh Hoa Nghiêm”. Nếu như bạn nắm vững được “Kinh Vô Lượng Thọ”, đó chẳng phải “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là tổng trì của “Kinh Hoa Nghiêm” sao? “Kinh Vô Lượng Thọ” vẫn rất dài, từ xưa đến nay Tổ sư, Đại Đức nói với chúng ta, ở trong bộ Kinh này, 48 nguyện ở phẩm thứ sáu “Phát đại thệ nguyện”, phẩm Kinh này là tổng trì của bộ Kinh. Đó là tìm ra tổng cương lĩnh.
Ngoài ra, các Tổ sư, Đại Đức cũng đã công nhận, nguyện thứ 18 là nguyện quan trọng nhất trong 48 nguyện. Hay nói cách khác, pháp môn tổng trì trong 48 nguyện là nguyện thứ 18. Nguyện thứ 18 nói gì? “Mười niệm ắt sanh”. Đó là sau cùng qui kết đến danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn. Cứ như vậy mà qui nạp lại thì pháp môn tổng trì chính là danh hiệu “A Di Đà Phật”.
Cho nên, bạn nhất tâm xưng niệm bốn chữ này (nhất tâm là chân tâm, trong đó không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước thì chính là nhất tâm. Nhất tâm thì không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước), vào lúc này nhất tâm của bạn không có giới hạn, tâm của bạn là tận hư không khắp pháp giới. Nếu như bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm của bạn liền nhỏ, tâm liền có giới hạn. Cho nên khi bước vào niệm Phật đường thì buông bỏ vạn duyên, buông bỏ tất cả thân tâm thế giới, đều không cần nghĩ tưởng, chính là nhất tâm xưng danh. Cái tâm này là chân tâm, cái tâm này là tận hư không khắp pháp giới, sức mạnh này không thể nghĩ bàn. Bạn nhất tâm niệm thì bạn liền tâm tâm tương ưng với chư Phật Như Lai.
Phía trước chúng ta dùng sóng điện để làm thí dụ. “Nhất tâm xưng niệm” thì tần suất này tương đồng với tần suất của chư Phật Như Lai phát ra, trong tự nhiên nó liền sẽ liên kết thành một thể, kênh đài liền sẽ thông nhau. Thông rồi thì chính là “gia trì” mà chúng ta thường nói. Chư Phật Như Lai gia trì, chư Phật Như Lai bảo hộ bạn. Bảo hộ, gia trì là ý nghĩa thế nào? Sóng của tâm chúng ta tương đồng với sóng tâm của Ngài phát ra. Thông rồi thì kết nối. Chỉ cần có chút vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không thông, không đúng kênh đài. Nguyện thứ 18 chính là nói việc này.
Như vậy chúng ta mới đem đỉnh cao của Phật pháp, chóp cao nhất của Phật pháp, nắm chắc được pháp môn tổng trì cao nhất. Cho nên niệm Phật đường niệm câu Phật hiệu này thì còn gì bằng. Câu Phật hiệu này tỉ mỉ mà nói thì chính là 48 nguyện. Bốn mươi tám nguyện tỉ mỉ mà nói thì chính là “Kinh Vô Lượng Thọ”. “Kinh Vô Lượng Thọ” tỉ mỉ mà nói thì chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. “Kinh Hoa Nghiêm” tỉ mỉ mà nói thì chính là tất cả pháp mà 49 năm Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói.
Sau đó chúng ta tự nhiên liền hiểu rõ, vì sao mọi người ở nơi khác niệm Phật so với niệm Phật đường này của chúng ta niệm Phật thọ dụng không như nhau? Đạo lý gì vậy? Ở chỗ này có rất nhiều người niệm Phật hiểu rõ được đạo lý này, người minh bạch đang niệm Phật. Các niệm Phật đường khác niệm một câu A Di Đà Phật nhưng đối với đạo lý của A Di Đà Phật thì hàm hồ, rối rắm không rõ ràng, cũng làm ra vẻ ở nơi đó niệm, âm thanh niệm cũng không sai, nhưng tần suất không như nhau nên không thể tương thông. Khác nhau chính ngay chỗ này. Vì sao ở chỗ này, người tường tận nhiều như vậy? Chỗ này ngày ngày đang giảng Kinh, ngày ngày đang giảng đạo lý này, cho nên niệm Phật đường này niệm Phật thọ dụng không như nơi khác. Người hiện tại gọi là từ trường không như nhau. Chúng ta gọi là ở đây đang phát ra sóng âm, sóng điện không như nơi khác. Sóng ở đây cùng với kênh đài của chư Phật Như Lai, cùng A Di Đà Phật tương thông lẫn nhau.
Cũng giống như xem truyền hình vậy, ở đây không có quấy nhiễu. Bạn đến đây xem hình ảnh rất rõ ràng, đến nơi khác xem cũng có thể xem thấy, nhưng hình ảnh đó không rõ ràng, chỉ mờ mờ thôi. Vì sao vậy? Có quấy nhiễu. Quấy nhiễu là gì vậy? Tất cả chúng sanh nghĩ tưởng xằng bậy, bị sóng đó quấy nhiễu. Ở chỗ này niệm Phật, nơi đây mọi người đều là dùng tâm thanh tịnh, cho nên không có quấy nhiễu. Khi bạn cảm giác được rất là tường tận, khi bước vào niệm Phật đường, bạn liền cảm thấy rất hoan hỉ, tâm địa rất thanh tịnh. Đạo lý chính ngay chỗ này.
Cho nên đồng tu ở nơi khác đến đây niệm Phật, muốn trở về xây dựng một niệm Phật đường cũng giống như niệm Phật đường này vậy, để mọi người cùng nhau niệm Phật, hiệu quả có thể so với ở đây không? Vẫn là phải kém hơn một bậc. Nguyên nhân này do đâu? Phải mỗi ngày giảng Kinh, ngày ngày khế nhập, “giải – hành” phải tương ưng mới được. Chỉ có hành môn, không có giải môn thì vẫn là có phiền não. Đại Sư Thanh Lương đã nói trong “Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao” là: “Có giải không hành, tăng thêm tà kiến, có hành không giải, tăng thêm vô minh”. Ngài đã nói được rõ ràng như vậy. Nhất định phải “giải – hành” tương ưng. Chỗ tốt của đạo tràng chúng ta ngày nay chính là “giải – hành” tương ưng.
Có lẽ đồng tu nghe lời nói này rồi lại hoài nghi. Ngày trước nghe nói niệm Phật đường của Lão Pháp sư Ấn Quang không có giảng Kinh, chỉ là một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Việc này nói thế nào đây? Lão Pháp sư Ấn Quang thì được, thời đại của Lão Pháp sư Ấn Quang thì được, tốp người niệm Phật đường Lão Pháp sư Ấn Quang thì được. Chúng ta ngày nay không được, căn tánh của chúng ta không giống như các Ngài. Vào lúc đó người bước vào niệm Phật đường tuy không hiểu sâu đối với đạo lý này, nhưng họ không có vọng tưởng, họ chân thật có thể buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nhất tâm bước vào niệm Phật đường niệm Phật. Vậy thì được, không cần phải giảng Kinh.
Nếu như nghi hoặc của chúng ta nhiều, phân biệt rất nặng, chấp trước rất sâu, nếu như chúng ta không ở trong Kinh giáo để tiêu trừ, hóa giải cái tâm này, thì chúng ta bước vào niệm Phật đường không có được lợi ích. Cho nên con người, thời điểm, nơi chốn không như nhau. Vì vậy, vào lúc đó, loại phương pháp đó của Ngài khế cơ, khế hợp với căn cơ thời đại đó. Ngày nay, thời đại hiện tại này của chúng ta, phương pháp đó không thể khế hợp với căn cơ đại chúng. Cho nên hiệu quả nhận được kém xa, không thể so sánh với thời đại đó. Đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu.
Nguyên tắc trên Kinh này đã nói, tùy cơ nói pháp, tùy cơ ban giáo. Phương thức ban bố giáo hóa không giống như thời trước. Phương thức đó của Ngài đem áp dụng vào hiện tại chúng ta thì người được lợi ích sẽ ít. Loại phương pháp hiện tại này của chúng ta, nếu đem về quá khứ đó của Ngài, không những không có lợi ích, mà còn gây thêm phiền phức. Cho nên, nhất định phải hiểu được khế cơ, khế lý, đó mới là phương tiện khéo léo.
Trong “Bách Thiên Tam Muội”, Tam Muội này so với ý nghĩa của Hoa Nghiêm Tam Muội không như nhau, chúng ta phải giải thích đơn giản. Hoa Nghiêm Tam Muội trực tiếp có thể gọi là chánh thọ. Thế nhưng chánh thọ có cạn – sâu, rộng – hẹp không đồng. Hoa Nghiêm Tam Muội là đạt đến cứu cánh viên mãn. Thực tế mà nói, chỉ cần ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội thì con người này chính là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, trong Tịnh Độ Tông chúng ta gọi họ là “lý nhất tâm bất loạn”, họ không phải là “sự nhất tâm”. “Lý nhất tâm bất loạn” mới là Hoa Nghiêm Tam Muội, sự nhất tâm bất loạn thì không phải. Cho nên, ý nghĩa của Tam Muội trong Hoa Nghiêm Tam Muội phía trước này sâu, ý nghĩa của Tam Muội trong Bách Thiên Tam Muội phía sau này thì cạn, hiện tại chúng ta có thể học tập.
Đó là gì vậy? Đơn giản mà nói, đó là “thiện tâm nhất xứ trụ bất động”, đó gọi là Tam Muội. Cái ý này thì rất cạn, tâm thuần thiện. Như thế nào gọi là thiện? Tiêu chuẩn của thiện ở đâu vậy? Chúng ta dùng năm giới, mười thiện đơn giản nhất của nhà Phật. Cái tâm này tuyệt đối không dao động. Trong tất cả thời, tất cả nơi, tất cả hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất đều có thể bất biến, đều có thể kiên trì, có thể giữ lấy.
“Thân” không sát sanh, không trộm cắp, tại gia đồng tu không tà dâm. “Miệng” không vọng ngữ, không hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt. “Ý” không tham, không sân, không si. Bạn có thể kiên trì mười thiện mọi lúc mọi nơi đều có thể không thay đổi, đó gọi là Tam Muội. Bạn dùng loại tâm này ở ngay trong cuộc sống thường ngày đối nhân, xử thế, tiếp vật, không luận làm bất cứ sự việc gì, đó chính là Bách Thiên.
Bách Thiên là từ trên sự mà nói, không luận bất cứ sự tướng gì đều tương ưng với mười thiện tâm, đều không rời khỏi mười tâm này, đó gọi là Bách Thiên Tam Muội, cũng gọi là vô lượng Tam Muội. Cho nên Tam Muội này, thực tế mà nói, hiện tại chúng ta phải nên học tập. Chúng ta đích thực tường tận, hiểu rõ ý nghĩa của Hoa Nghiêm Tam Muội nhưng không dễ gì ngộ nhập. Thế nhưng Bách Thiên Tam Muội có thể giúp cho chúng ta ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội. Có thể làm đến được điểm này, chúng ta niệm Phật nhất định nắm chắc được phần vãng sanh.
Ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, duyên là hoàn cảnh nhân sự, cảnh là hoàn cảnh vật chất. Tất cả hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, cả thảy đời sống của chúng ta đều bao gồm ngay trong đó. Chúng ta luôn không thể nào thoát khỏi hai loại hoàn cảnh này. Ở trong hai loại hoàn cảnh này, nhất định phải tương ưng với Thập Thiện Nghiệp Đạo. Cố gắng nhớ lấy câu nói này, nhất định phải làm cho được. Sau đó là ngay trong hai đến sáu thời giữ chặt lấy một câu danh hiệu “A Di Đà Phật”, vậy thì bạn đầy đủ tổng trì Bách Thiên Tam Muội. Câu này ngay hiện tại chúng ta có thể làm đến được.
Đồng tu ở khu vực Singapore có thời gian liền phải đến niệm Phật đường này niệm Phật. Đến nơi đây niệm Phật thì câu Kinh văn “Cụ túc tổng trì Bách Thiên Tam Muội” liền thực tiễn được rồi. Bạn tưởng tượng xem, bạn ở niệm Phật đường niệm Phật giữ lấy được tổng trì, Bách Thiên Tam Muội cũng đầy đủ. Khi bạn niệm Phật sẽ không khởi lên ác niệm, sáu căn đều sẽ tương ưng với mười thiện. Ở nơi đây tiếp nhận huấn luyện, tiếp nhận rèn luyện, dùng ở ngay trong đời sống, dùng ở trong công việc, dùng ở trong giao tiếp, bạn liền được lợi ích chân thật.
***************
Kinh văn: “Trụ thâm thiền định, tất đỗ vô lượng chư Phật”.
Đoạn phía trước là nói “định huệ đẳng trì”. Đoạn kinh văn này cũng không dài, chỉ có hai câu, nói là “từ thể khởi dụng”. Chúng ta phải làm cách nào học tập? “Trụ thâm thiền định”. Thâm thiền định là gì? Thế Tôn ở trong Kinh Đại Tập nói: “Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là thâm diệu thiền”. Cho nên các vị xem thấy câu này, không cần phải đi tham thiền nữa, vì như vậy là bạn làm sai hết rồi. Pháp môn niệm Phật là thâm diệu thiền, không phải là thiền thông thường. Ngay chỗ này “trụ thâm thiền định” chính là dạy bạn đem tâm trụ ngay trong danh hiệu A Di Đà Phật, như vậy là bạn đang trụ thâm thiền định. Vào mọi lúc, ở mọi nơi, trong lòng đều có A Di Đà Phật.
Trong “Kinh Kim Cang”, Tôn giả Tu Bồ Đề thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật, thực tế mà nói chính là hai vấn đề. Một là “làm thế nào hàng phục vọng tưởng? ”. “Vân hà hàng phục kỳ tâm? ”, cái tâm đó là vọng tưởng. Vọng niệm của ta quá nhiều, làm thế nào có thể tiêu trừ được vọng niệm? Đó là một vấn đề lớn. Vấn đề thứ hai là “Tâm phải trụ vào nơi đâu? Tâm phải an trụ vào chỗ nào? ”.
Thích Ca Mâu Ni Phật khai thị cho Ngài ấy, giảng giải cho Ngài ấy, giải thích hai vấn đề này, Phật liền giảng ra một bộ “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”. Chúng ta sau khi khế nhập vào pháp môn Tịnh Độ, xem thấy Thích Ca Mâu Ni Phật trả lời tôn giả Tu Bồ Đề hai vấn đề này cảm thấy rất rối rắm, nói ra nhiều lời đến như vậy. Các vị đọc qua “Kinh Kim Cang”, câu “vân hà ưng trụ”, “vân hà hàng phục kỳ tâm”, các vị đã biết hay chưa? Vẫn là chưa biết! Không biết thì chẳng phải là uổng phí hay sao? Chân thật không sai, đích thực là uổng phí. Thích Ca Mâu Ni Phật làm gì có nói lời thừa. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng nói với những người đó là ứng với căn cơ của chúng sanh có căn tánh đó. Những người đó nghe được cách nói này của Thích Ca Mâu Ni Phật thì giác ngộ, thấu hiểu. Ứng cơ nói pháp.
Chúng ta không phải là căn cơ trên hội Bát Nhã, cho nên chúng ta nghe rồi không hiểu, còn trách Thích Ca Mâu Ni Phật là nhiều lời. Vì sao trách Ngài là nhiều lời vậy? Nếu như loại căn tánh hiện tại này của chúng ta, chúng ta thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật là làm thế nào hàng phục vọng tâm thì Thích Ca Mâu Ni Phật nhất định sẽ rất đơn giản mà nói là “A Di Đà Phật”. Một câu A Di Đà Phật hết thảy vọng niệm đều diệt hết. Bạn xem, rất đơn giản, làm gì nói nhiều lời thừa như vậy?
Lại hỏi tâm này phải làm thế nào an trú? “A Di Đà Phật”, tâm an trú trên câu “A Di Đà Phật” thì tốt rồi. Bạn xem, một câu A Di Đà Phật cả thảy vấn đề đều giải quyết hết, viên mãn tròn đầy, cao minh hơn nhiều so với “Kinh Kim Cang”. Như vậy bạn mới thể hội được công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn, “Kinh Kim Cang Bát Nhã” không thể so sánh được. Tụng “Kinh Kim Cang” hết nửa ngày, bạn vẫn chưa hiểu được. Một câu “A Di Đà Phật” này thật có hiệu quả, liền có thể đánh bạt được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn, liền có thể làm cho tâm chúng ta an trụ ngay trong câu “A Di Đà Phật”. Đó gọi là “trụ thâm thiền định”.
Pháp môn này vì sao tất cả chư Phật Như Lai đều tán thán, vì sao tất cả chư Phật Như Lai đều cực lực đề xướng? Đối với tất cả chúng sanh chín pháp giới, các Ngài đều không ngừng đang giới thiệu, không ngừng đang thúc đẩy. Pháp môn này thật tốt, chân thật là đơn giản, dễ hiểu, ổn định, dễ dàng, thành tựu cao hơn rất nhiều so với các pháp môn khác. Bạn tu pháp môn Bát Nhã, tu Thiền Tông, minh tâm kiến tánh mới là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, tu đến thập hồi hướng tròn đầy thì phải dùng một A Tăng Kỳ kiếp, lại tu đến Thất Địa thì phải mất hai A Tăng Kỳ kiếp, tu đến Pháp Vân Địa thì phải mất ba A Tăng Kỳ kiếp, bạn mới biết được khó cỡ nào! Bạn từ thiền, từ trên hội Bát Nhã tu thật khó.
Từ một câu A Di Đà Phật sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, một phẩm phiền não chưa đoạn, nhưng trí tuệ đạo lực, thần thông, đức năng của họ, chúng ta giảng là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp, năng lực của họ tương đương với Bồ Tát Bát Địa. Như vậy bạn mới biết các Phật pháp Đại Thừa khác làm sao có thể so sánh? Chúng ta nói những lời này tuyệt đối không phải vì chúng ta tu Tịnh Độ nên chính mình khoa trương chính mình, như “lão ông bán dưa tự bán tự khoe”, mà sự thật là như vậy. Quyết định không phải khoa trương chính mình mà chèn ép người khác. Đây hoàn toàn là chư Phật Như Lai đã nói, sự thật là như vậy.
Các pháp môn khác không phải không tốt, mà các pháp môn đó có căn cơ nhất định. Chỉ có pháp môn này là “ba căn trùm khắp, lợi độn gồm thâu”. Thượng thượng căn cũng tu pháp môn này. Văn Thù, Phổ Hiền là bậc thượng thượng căn, chúng ta xem thấy trên hội Hoa Nghiêm, các Ngài phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, phát nguyện thân cận A Di Đà Phật. Đó chân thật là thượng thượng căn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm thượng thượng phẩm thượng sanh, sanh đến bên đó liền làm Phật rồi. Hạ hạ căn là phàm phu chúng ta, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới bình đẳng, chỗ này quá hi hữu. Cũng chính là nói phàm phu chúng ta sanh đến nơi đó ở chung với Văn Thù, Phổ Hiền. Mười phương thế giới không có tình huống này, bạn không phải đồng một giai tầng này thì không cách gì ở chung được. Như địa cầu này của chúng ta, địa cầu là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, trong đây có Phật, Bồ Tát tu hành ở nơi đây, có A La Hán tu hành ở nơi đây, nhưng phàm phu chúng ta không nhìn thấy được. Không đồng một giai tầng thì không cách gì thấy được, không gặp được. Thế giới Cực Lạc thì không như vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, những vị Bồ Tát Đẳng Giác cùng ở chung với phàm phu, cùng ngồi nghe A Di Đà Phật giảng Kinh, xếp hàng mà ngồi. Đó là chỗ mà mười phương thế giới không có. Cho nên, Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới bình đẳng. Vì sao vậy? Vì tất cả đều là niệm A Di Đà Phật vãng sanh, đó là nhân bình đẳng. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc là quả bình đẳng, thọ dụng bình đẳng, tất cả đều bình đẳng. Pháp môn này mới gọi là không thể nghĩ bàn.
Trên mặt tác dụng mà nói, chỉ nêu ra một thí dụ. Tác dụng không thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên, chỗ này chỉ nêu ra một điểm là “tất đỗ vô lượng chư Phật”. Vô lượng chư Phật Như Lai, bạn thảy đều thấy được. Chỉ có Thế giới Tây Phương Cực Lạc mới có thể làm được điều này. Vô lượng chư Phật đều bao gồm chúng ta ở trong đó, cho nên người Thế giới Tây Phương Cực Lạc xem thấy những người chúng ta đây đều thành Phật rồi. Vì sao vậy? Họ thành Phật rồi nên họ xem thấy tất cả chúng sanh thảy đều thành Phật. Đó là họ chân thật thành Phật. Nếu như còn thấy có một chúng sanh chưa thành Phật, thành thật mà nói, chính họ chưa thành Phật. Nói như vậy lại thấy kỳ lạ, xem thấy chúng ta đều thành Phật, Phật còn có thể đến độ Phật hay sao? Không sai. Phật xem thấy chúng ta chân thật là thành Phật rồi, thế nhưng hiện tại là một vị Phật hồ đồ. Họ xem thấy chúng ta thành Phật không sai, nhưng xem thấy hiện tại chúng ta mê mà không giác. Làm sao là giả được chứ? Là thật! Cho nên, giúp đỡ chúng ta giác ngộ. Họ biết chúng ta “bổn giác vốn có, bất giác vốn không”, cho nên họ nắm chắc, có lòng tin, nhất định giúp đỡ chúng ta có thể giác ngộ. Lý luận này căn cứ vào ngay chỗ này, tất cả chúng sanh chúng ta “bổn giác vốn có, bất giác vốn không”, là Phật thật, quyết định không phải là Phật giả.
Cho nên chúng ta giảng Đại Kinh này, đây không phải là Kinh thông thường. Kinh thông thường chúng ta không nói những lời này, nói rồi chỉ phí sức, phải giải thích rất tỉ mỉ, để lỡ rất nhiều thời gian, người khác cũng chưa chắc có thể thể hội được. Hiện tại trong giảng đường giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, giảng “Kinh Hoa Nghiêm”. “Kinh Hoa Nghiêm” cùng “Kinh Vô Lượng Thọ” là một bộ Kinh, bổ khuyết lẫn nhau. Mọi người ngày ngày ở nơi đây huân tập, lời nói liền thuận tiện hơn nhiều. Tôi dạy các vị đồng tu xem tất cả chúng sanh đều là Phật, đích thực là Phật thật. Phàm phu chỉ có một mình ta, một mình ta là phàm phu, người khác đều là chư Phật Như Lai. Không luận họ làm thiện, làm ác, chúng ta đều phải nghĩ đến đó là các Ngài tùy loại hóa thân, tùy cơ thị hiện, là các Ngài thị hiện cho chúng ta xem, ta cần phải ở trong cảnh giới thị hiện mà tu hành. Tu hạnh gì? Tu hạnh bình đẳng. Đó là thành tựu Phật đạo của chính mình. Thiện hạnh của họ chúng ta thấy rõ ràng, chúng ta tâm địa thanh tịnh không nhiễm, không thể dính mắc. Ác hạnh của họ chúng ta cũng thấy tường tận, chúng ta cũng thanh tịnh không nhiễm. Cho nên, ở trong cảnh giới, chúng ta tu luyện tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, tu tâm chánh giác. Nếu như không có những cảnh giới này hiện tiền, thì Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác của chúng ta đến nơi đâu để tu? Cho nên những cảnh giới này giúp đỡ chúng ta thành tựu Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác của chúng ta. Như vậy thì họ không phải là thiện tri thức của ta thì là gì? Họ không phải chư Phật Như Lai thị hiện thì là gì?
Ngoài ra còn có một đạo lý nữa, việc này trên Kinh Phật thường nói, mọi người đều quen thuộc, đó là “cảnh tùy tâm chuyển”. Chúng ta dùng tâm Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác để nhìn tất cả chúng sanh, thì tất cả chúng sanh liền thành Phật. Tất cả chúng sanh chính là Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác. Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác nói ở trên đề Kinh này là biệt hiệu của A Di Đà Phật. A Di Đà Phật gọi là Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác. Cho nên, cảnh duyên thành tựu Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác cho chính chúng ta. Ta dùng Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác để xem pháp giới tất cả chúng sanh. “Tình dữ vô tình” chân thật “đồng viên chủng trí”. Chúng sanh hữu tình là Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác, chúng sanh vô tình cũng là Thanh Tịnh Bình Đẳng – Giác, vậy thì làm sao không vào cảnh giới này chứ! Đó gọi là tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội.
Tôi dạy các bạn phương pháp tốt này, nếu bạn có thể thường hay đem cái tâm này chuyển đổi lại, thường hay thấy như vậy, lâu ngày dài tháng trong bất tri bất giác thật có thể tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội. Chúng ta ở niệm Phật đường niệm Phật, sức mạnh đó thì lớn, chuyển biến sóng tư tưởng bất thiện của tất cả chúng sanh thế gian này. Chúng ta có năng lực làm được hay không? Khẳng định có thể làm đến được. Thời gian tuy có tai nạn, cho dù chúng ta không có năng lực có thể hóa trừ tai nạn này, nhưng nhất định cũng có thể làm cho tai nạn này giảm nhẹ, làm cho tai nạn này kéo lui về sau.
Ở trong đây có đạo lý, đó là sóng tư tưởng của chúng ta là Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác. Sức mạnh của tần sóng này rất mạnh, có nhiều người như vậy, mọi người cùng nhau tu tập, lại có thể được tất cả chư Phật Như Lai gia trì. Trong đây có đạo lý, có lý luận, không phải tùy tiện nói. Cho nên chúng ta hiểu được đạo lý này, tường tận lý cùng sự này thì tín tâm của chúng ta liền khẳng định, một chút hoài nghi cũng không có. Chúng ta bước vào niệm Phật đường chân thật là tự độ, độ người, cứu mình, cứu người, chân thật là cứu độ tất cả chúng sanh. Cho nên, nếu như đối với những sự cùng lý này không tường tận, không thấu triệt, họ làm gì có được loại tín tâm kiên định này? Không có tín tâm kiên định này, tuy niệm Phật nhưng sóng tư tưởng niệm Phật không có được sức mạnh như vậy. Hay nói cách khác, không đủ sức mạnh để chuyển nghiệp lực của chúng sanh. Chúng ta đích thực là may mắn, có thể gặp được đại pháp này, gặp được pháp thuần chánh này, pháp môn đệ nhất chư Phật Như Lai độ chúng sanh thành Phật đạo. Cũng giống như cư sĩ Bàng Tế Thanh đã nói: “Một ngày từ vô lượng kiếp đến nay hi hữu khó gặp”. Chúng ta gặp được rồi, bạn nói xem việc này may mắn cỡ nào!
Giả như chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, nếu không thể “trụ thâm thiền định”, không thể “tất đỗ vô lượng chư Phật”, công phu tu tập của chúng ta sẽ không có lực. Cũng là người thông thường nói, công phu tu hành của bạn không có lực. Nếu như muốn có lực thì phải thực tiễn hai câu nói này, hai câu nói này phải áp dụng.
*******************
Kinh Văn: “Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ”.
Ý này rất sâu, tác dụng này càng rộng, trong đây cũng hàm chứa vô lượng nghĩa.
Hôm nay chúng ta chỉ học đến đây thôi. Câu “ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ”, thứ bảy tuần sau sẽ giảng giải tiếp với các vị là chúng ta phải nên học bằng cách nào. A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 44)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.