GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 103/374
Nguyện thứ nhất: “Quốc vô ác đạo nguyện”
Kinh văn: “Vô hữu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, quyên phi nhuyễn động chi loại”.
Bổn nguyện của A Di Đà Phật có 24 chương, gồm 48 nguyện. Trong chương thứ nhất, bốn câu phía trước là tổng thuyết, phía sau chính là biệt thuyết của 48 nguyện. Câu này chính là nguyện thứ nhất trong biệt thuyết “quốc vô ác đạo nguyện”. Kinh văn xem ra dường như rất là phổ biến, thế nhưng ý nghĩa rất là sâu rộng. Mười phương thế giới, dùng tri thức khoa học hiện tại của chúng ta cũng có thể hiểu rõ được một phần, thế nhưng không cách gì hiểu được một cách thấu triệt. Tất nhiên, nếu như cùng với ngoài thái không (hiện tại gọi là người ngoài hành tinh) so sánh về khoa học, thì khoa học của chúng ta vẫn là tương đối thấp kém. Người ngoài thái không thường hay đến nơi này của chúng ta, chúng ta vẫn không cách gì đi đến nơi chỗ của họ để tự do tham quan du lịch, khoa học kỹ thuật của chúng ta không bằng của họ. Mười phương thế giới (ngày nay chúng ta gọi là tinh cầu, nhà Phật gọi là thế giới), ở ngay trong thái không vô lượng vô biên tinh cầu có rất nhiều sinh vật cao đẳng cư trụ ở những tinh cầu đó. Trong thái không tinh cầu nhiều đến như vậy, quyết định không thể nói chỉ trên địa cầu mới có người cư trụ, còn trên các tinh cầu khác không có. Lời nói này quá bảo thủ. Phật nói với chúng ta, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật đều có chúng sanh hữu tình cư trụ. Thế nhưng đại đa số trong những cõi nước này đều có ba đường ác, không có tinh cầu nào mà không có ác đạo, tuy nhiên không quá nhiều. Cái không quá nhiều này là chúng ta so sánh với nơi có ba đường ác, đó là không có nhiều nơi chốn “có ba đường ác”. Đây là nguyện thứ nhất trong biệt nguyện của A Di Đà Phật.
Nguyện thứ nhất chúng ta có thể suy nghĩ ra mà biết, đây là nguyện quan trọng nhất. A Di Đà Phật ở nhân địa là Bồ Tát Pháp Tạng. Bồ Tát Pháp Tạng khi tham học, xem thấy chúng sanh loại này quá khổ, hy vọng tương lai trong thế giới của Ngài không có những chúng sanh này, cho nên thế giới đó gọi là thế giới Cực Lạc. Vui ở chỗ nào? Không có những ác đạo. Chúng ta phải biết, trong đây đã nói “ngạ quỷ, địa ngục, cầm thú, quyên phi nhuyễn động” là đường súc sanh, những thứ ở nơi đó của họ từ đâu mà có? Chúng ta phải nên biết, thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật không có, tại vì sao thế giới của chúng ta có? Không chỉ có ba đường ác, người thế gian hiện tại chúng ta đời sống đều rất là khổ, chúng ta bình lặng mà quán sát, có rất nhiều người đời sống vẫn không sánh bằng súc sanh, ngạ quỷ. Bạn xem thấy ngạ quỷ, tiểu quỷ vương, sơn thần, thổ địa, ở Singapore có rất nhiều nơi thờ “Đại Bá Công”, bạn xem thấy mùng một, mười lăm có bao nhiêu người đi cúng bái. Tiểu quỷ thần đó cũng không tệ, tôi nghĩ đời sống con người chúng ta vẫn không bằng họ. Đạo lý trong đây chúng ta phải tường tận.
Tại vì sao A Di Đà Phật đem việc này để vào nguyện thứ nhất? Thực tế mà nói là không hy vọng xem thấy chúng sanh chịu khổ, đây là lòng từ bi, nhà Phật gọi là đại từ đại bi. Khổ quả nhất định có nhân của khổ. Nhân khổ là nhân ác, về sau còn nói tỉ mỉ. Nghiệp nhân của địa ngục đương nhiên rất là phức tạp. Trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh, Phật đã nói được rất rõ ràng, làm những sự việc “năm nghịch mười ác” họ mới đọa vào địa ngục. Địa ngục từ đâu mà có? Quyết không phải do người tạo ra, cũng không phải là Thượng Đế tạo, cũng không phải là Diêm La vương tạo, mà là chúng ta chính mình làm ác nghiệp chiêu cảm ra. Bạn tạo tác ác nghiệp, trong tự nhiên liền có những quả báo này hiện tiền, tự làm tự chịu, đó là chánh lý.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ba đường ác, liền nói với chúng ta một sự thật, người thế giới Tây Phương Cực Lạc quyết định không có tạo ác, hay nói cách khác, quyết định không có người tạo tác “năm nghịch mười ác”. Không có người tạo nhân thì nơi đó không có quả báo này.
Tại vì sao người ở nơi đó không tạo nghiệp nhân này?
Việc thứ nhất, thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới mới hưng khởi, tuyệt nhiên không phải rất cổ xưa, mà năm tháng rất trẻ, ở trên kinh chúng ta đều đọc qua, A Di Đà Phật thành Phật đến nay mới chỉ có mười kiếp, thời gian này rất ngắn. Thế giới khác đều là tương đối cổ xưa, đều là trải qua vô lượng kiếp, Cực Lạc mới mười kiếp, cho nên rất mới. Những người trong thế giới mới thành tựu này từ đâu mà đến? Không phải là sanh ra lớn lên nơi đó, mà là từ các nơi di dân đến nơi đó, mười phương thế giới di dân đến. A Di Đà Phật đối với những người di dân này kiểm soát cửa khẩu rất chặt, thận trọng lựa chọn, nếu như tâm hạnh của bạn ác thì bạn không thể đi được, Ngài không để bạn đi, cho nên phàm hễ là người sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đều là người tốt. Đây là điều kiện thứ nhất.
Chúng ta xem thấy có một số người ác niệm Phật cũng vãng sanh, đó là việc thế nào vậy? Chúng ta xem thấy người đó là người ác, nhưng A Di Đà Phật xem thấy người đó là người thiện. Chúng ta chỉ xem thấy một đời của một người, xem thấy họ hiện tiền, A Di Đà Phật xem thấy đời đời kiếp kiếp của họ, trong đời quá khứ đời đời kiếp kiếp tích lũy công đức, ngay đời này đã làm một chút việc hồ đồ, vậy cũng không hề gì, họ lập tức liền sẽ quay đầu. Cho nên A Di Đà Phật chọn lựa đối với thiện ác cao minh hơn nhiều so với chúng ta. Ngài từ nơi tâm địa mà nhìn, Ngài từ túc căn để quán sát, thật có thiện căn. Đây là nhân tố thứ nhất.
Nhân tố thứ hai là giáo hóa. Một số người tốt này sanh đến thế giới Cực Lạc, người tốt là hảo tâm, hảo hạnh, thế nhưng nếu như đem cái tâm hạnh tốt giữ được lâu dài thì không phải là việc dễ dàng. Thế gian này chúng ta có người hảo tâm, hành vi cũng rất tốt, nhưng thỉnh thoảng cũng làm việc xấu là do nguyên nhân gì vậy? Hoàn cảnh bên ngoài không tốt, mê hoặc họ, nhất thời mê hoặc, loại người này thường có. A Di Đà Phật biết được những sự thật này, cho nên Ngài mỗi ngày giảng kinh, nói pháp, dạy học, phải vĩnh viễn gìn giữ thiện hảo của bạn không đến nổi thoái chuyển, không đến nổi bị mất đi, chỉ có một biện pháp chính là dạy học.
Mấy ngàn năm trước, lão tổ tông chúng ta hiểu được đạo lý này, cho nên ở trong “Lễ Ký”, “Học Ký” đã có một câu nói rất nổi tiếng. “Học Ký” là giáo dục triết học cổ xưa nhất của chúng ta, trong đó nói: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã làm được triệt để câu nói này. Không chỉ A Di Đà Phật chính mình đích thân dạy học, giảng kinh nói pháp chưa từng gián đoạn, mà còn mời mười phương thế giới chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát thường đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để giảng kinh, để dạy học. Cho nên thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng giống y như một trường đại học vậy, sanh đến nơi đó rồi không luận bạn muốn học bất cứ khóa học nào cũng đều có, đều là được thầy giáo cao minh bậc nhất thế xuất thế gian, thiện tri thức chân thật ở nơi đó giúp cho bạn, cho nên ở nơi đó không có duyên thoái chuyển, bạn muốn thoái chuyển cũng không có cơ hội. Những người mà bạn tiếp xúc đều là thiện nhân, việc mà bạn tiếp xúc đều là việc tốt, quyết định không có ác duyên. Đoạn hẳn ác nhân, ác duyên thì quả báo ác đương nhiên sẽ không có. Đây là thế giới Cực Lạc đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm bậc nhất không thể nghĩ bàn.
Chúng ta ở thế gian này, cảm thụ của mấy mươi năm này không được vừa ý lắm, không dễ trải qua, chân thật gọi là “việc không vừa lòng thường hay đến tám chín”. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, một việc không vừa ý cũng không có, cho nên hai thế giới này, chúng ta làm một thí dụ, đương nhiên sẽ rất bằng lòng di dân đến thế giới Cực Lạc. Quyển sách này chính là Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc, khuyên bảo chúng ta di dân đến nơi đó.
Phẩm “Phát Đại Thệ Nguyện Thứ Sáu” này là A Di Đà Phật chính mình giảng, là kinh điển căn bản của Tịnh Độ. Chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở trong tất cả kinh này, mỗi câu mỗi chữ đều có quan hệ với phẩm này, đều là nói rõ phẩm này. Chỗ này đã nêu ra ba đường ác, chúng ta phải đem ác đạo giới thiệu sơ lược qua.
BA ĐƯỜNG ÁC
Thứ nhất là “địa ngục”.
“Địa ngục” là một tên gọi, ý nghĩa của nó nhất định phải rõ ràng, không thể nói dưới đất có một giám ngục, như vậy là bạn hiểu sai đi ý nghĩa này rồi, đây là y văn giải nghĩa, ba đời chư Phật đều bị hàm oan. Ý nghĩa của hai chữ này là “khổ địa”, cũng chính là nói tình hình đời sống của một xã hội rất khổ thì gọi là địa ngục. Trong sáu cõi, chúng sanh trong cõi địa ngục so với năm cõi khác đều khổ hơn, rất là khổ sở, cho nên khi người xưa dịch kinh, giải thích “địa ngục” có bốn ý nghĩa.
Ý nghĩa thứ nhất, ở trong đây không có thọ vui, chỉ có khổ, không có vui.
Ý nghĩa thứ hai, Phật Bồ Tát rất từ bi muốn giúp đỡ họ cũng không thể giúp được, Phật Bồ Tát muốn cứu tế họ cũng không có cách nào, vì sao vậy? Nghiệp chướng quá nặng. Thí dụ ở trong đường ngạ quỷ, mọi người đều biết, có một loại quỷ gọi là Diệm Khẩu (Diệm Khẩu là trong miệng phun ra lửa), họ đói khát rất khổ, bạn muốn giúp họ, tặng một ít đồ để họ ăn, thức ăn vẫn chưa đến bên miệng thì đã bị cháy hết, không thể nào ăn uống, ngay đến nước cháo cũng không thể uống, đều bị lửa cháy hết. Đây chính là nói bạn muốn cứu họ, muốn giúp cho họ cũng không thể giúp, bạn nói xem, việc này thống khổ cỡ nào.
Ý nghĩa thứ ba là ngu si, không mở trí tuệ. Hoàn cảnh cư ngụ rất là tối tăm, họ không thể thấy được mặt trời hay trăng sao, không trung như khói mù mịt, đám khói rất dày, cho nên mới gọi là địa ngục. Địa ngục ở chỗ nào vậy, có phải ở trong lòng đất hay không? Có một số kinh đích thực nói, dưới lòng đất của chúng ta, qua 500 Do Tuần chính là địa ngục. Năm trăm Do Tuần rốt cuộc là bao xa? Đây là đơn vị cách tính độ dài của Ấn Độ, đại đức dịch kinh thời xưa cũng không thể xác định, có người dịch 80 dặm của chúng ta là một Do Tuần, có người dịch 60 dặm là một Do Tuần, thế nhưng một dặm của người xưa cùng lý trình hiện tại của chúng ta, cách đo tính đều không như nhau. Như trên kinh Phật đã nói, Thích Ca Mâu Ni Phật thân cao một trượng sáu, gọi là kim thân trượng sáu. Hiện tại nếu chúng ta nghe được kim thân trượng sáu, ngay trong tưởng tượng của chúng ta, đại khái phải cao hơn gấp ba lần người bình thường chúng ta. Dáng cao to như vậy, xem thấy sẽ chết khiếp. Đích thực trên kinh ghi chép là kim thân trượng sáu, thế nhưng cái thước vào lúc đó ngắn hơn so với thước hiện tại của chúng ta. Đại sư Hoằng Nhất gần đây, Ngài đã từng làm qua khảo chứng, thiên khảo chứng này hội tập ở trong “Luật Học Tam Thập Tam Chủng”. Tôi đã xem qua quyển này. Khảo chứng của Ngài, lúc đó là dùng một loại thước giống như thước chợ của chúng ta, hơn năm tấc một chút, vẫn chưa đến sáu tấc. Như vậy cho thấy, kim thân trượng sáu cắt bớt đi phân nửa là tám thước, tám thước thì chúng ta liền sẽ gật đầu, Thích Ca Mâu Ni Phật dáng cao như vậy cũng không xem là quá cao, cao hơn người thông thường chúng ta một chút, không cao hơn quá nhiều. Nếu cao hơn gấp đôi một người cao thông thường thì không phải biến thành quái vật rồi sao? Cho nên nhất định phải biết, thước đo vào thời đó cùng với tiêu chuẩn hiện tại chúng ta dùng là không như nhau.
Địa ngục là hóa sanh. Trên kinh nói với chúng ta, có địa ngục ở dưới đáy biển, có địa ngục ở dưới lòng đất, có địa ngục ở nơi đồng trống, cũng có địa ngục bên bờ sông, bờ biển, hoàn toàn là xem người tạo tác tội nghiệp địa ngục nặng hay nhẹ. Địa ngục là cảnh giới biến hiện ra.
Khi tôi mới bắt đầu học Phật, lão cư sĩ Chu Kính Vũ kể cho tôi nghe một câu chuyện. Câu chuyện này là thật, không phải là lừa gạt người, đích thực có một sự thật này. Cuối năm nhà Thanh, có một người làm quan, tên thì tôi quên rồi, có thể tìm ra trong trước tác của ông, dường như trong quyển “Bát Đại Nhân Giác Giảng Ký” có nhắc đến sự việc này, tôi nhớ không được rõ ràng. Vào triều nhà Thanh (ông làm quan cuối triều nhà Thanh), đại khái có một số nơi có tai nạn, Hoàng Đế phái ông mang tiền đi cứu tai, ông chiếm đoạt hết tiền đi cứu tai, cho nên rất nhiều người trong khu vực tai nạn không có cơm ăn áo mặc, đói chết, lạnh chết rất nhiều. Không được bao lâu, nhà Thanh cũng mất nước. Sau khi dân quốc thành lập, nhà Thanh mất nước, những người này đi làm công trong tô giới của nước ngoài, rất có tiền. Vào lúc đó ông làm tham quan nhưng vẫn không đến nỗi tệ, vẫn còn có chút lương tâm, chính mình biết được đã làm ra những việc sai lầm, cho nên đến cuối đời, ông cúng bái khắp nơi, đến khắp nơi bái Phật, sửa cầu bồi lộ, tận lực làm việc thiện, trong xã hội gọi ông là người đại thiện. Tiền từ do đâu mà có vậy? Lấy từ tiền cứu tai để làm người đại thiện. Cứ như vậy qua được vài năm thì ông chết.
Sau khi ông chết, người trong nhà rất đau lòng. Ông có rất nhiều vợ, nghe nói là bà vợ thứ tư rất nhớ thương ông. Vào lúc đó ở Thượng Hải có một người Pháp thông linh, có thể tìm ra được linh hồn của người mất trong nhà, nói chuyện với bạn, thâu phí dụng rất cao. Bà nghe có được sự việc như vậy liền đi tìm người Pháp thông linh này. Ông này đã nhận tiền rồi, sau đó tìm rất lâu cũng không thấy. Ông cảm thấy rất là kỳ lạ. Sau đó ông nói với bà: “Tuyệt đối tôi không hề lừa gạt bà, tôi thật không tìm ra được. Nếu như ngay trong bạn bè thân thích của bà có một người mới qua đời, tôi chỉ nhận phân nửa tiền, tôi sẽ tìm cho bà, để chứng minh cho bà, để bà tin tưởng”. Sau khi bà nghe lời nói này rồi thì nửa tin nửa nghi, cũng vừa lúc con trai lớn của chồng bà mất (không phải con do bà sanh ra), bà liền tìm chị em các bà đến, mời người Pháp đó tìm. Quả nhiên không bao lâu thì tìm ra được. Tìm được liền nhập lên một người, âm thanh nói chuyện hoàn toàn giống như đại thiếu gia vậy. Họ liền hỏi anh ấy tình hình của anh sau khi chết, anh đều nói hết. Sau đó hỏi anh ấy, tại vì sao không tìm được ba của anh? Anh nói, nghe nói ba đã đọa địa ngục rồi. Người nước ngoài nói, địa ngục thì ông không có cách nào, ông không thể tìm được. Bà nói, ông là một người đại thiện, cả đời tận lực làm việc tốt, ngày ngày lạy Phật, tụng kinh, làm sao có thể đọa địa ngục? Con trai lớn của họ nói ra sự việc mà ông đã lấy số tiền cứu tế. Anh nói, sự việc này không có người nào biết, ở Thượng Hải vẫn còn một số bạn cũ của ông, ngày trước là đồng nghiệp với ông, trong đó có một, hai người biết rõ tình hình sự việc này, các bà đi hỏi ông ấy thì sẽ biết được. Thế là bốn bà dì này đi tìm một người bạn cũ của chồng mình. Người thời trước rất đôn hậu, bạn làm việc ác, người ta cũng không nói. Kết quả sau khi người nhà tìm được, vị lão tiên sinh nói đúng là có việc đó, thế nhưng rốt cuộc ông đã chiếm lấy bao nhiêu tiền thì không có người nào biết. Đọa A Tỳ địa ngục thì người thông linh không thể tìm được. Bạn thử nghĩ xem, đã làm những việc ác này, tuy là ngày ngày lạy Phật, tụng kinh bồi đắp vẫn không thể được, vẫn phải chịu quả báo. Ngay lúc khi tạo ác nghiệp không biết được, sau khi đọa lạc ác đạo hối hận không còn kịp nữa. Đây là lão cư sĩ Chu nói với tôi, ông chính mắt nhìn thấy. Vào lúc đó ông ở Thượng Hải, biết được những sự việc này.
Ngoài ra còn có một việc chứng minh địa ngục là hóa sanh. Nhạc phụ của lão cư sĩ Chu Kính Vũ, ở Trung Quốc ông là một bậc thầy văn học rất nổi tiếng, vào lúc đó không gọi là văn học, mà gọi là bốc học, bốc học bậc thầy, tiên sinh Chương Thái Viêm. Có không ít người đã nghe qua tên tuổi “Chương Thái Viêm” này, ông cũng là nhà cách mạng đầu năm dân quốc. Tiên sinh Chương là một người rất chánh trực, từng bị Viên Thế Khải giam ở trong nhà lao hơn một tháng. Tội danh gì vậy? Không mắng Viên Thế Khải, Viên Thế Khải tức giận liền giam ông vào trong ngục. Tại vì sao ông không mắng Viên Thế Khải? Ông nói, con người này không đáng để ông mắng. Viên Thế Khải nghe được rất tức giận, bắt ông đem nhốt hơn một tháng. Ngay sau khi ông ra ngục, Đông Nhạc Đại Đế mời ông đi làm phán quan. Ở nơi đại lục thì biết được Ngũ Nhạc, Đông Nhạc là đại quỷ vương; trên ông là vua Diêm La. Vua Diêm La quản Ngũ Nhạc bên dưới, Đông Nhạc quản năm tỉnh. Phán quan là chức vụ gì vậy? Dùng chức vụ hiện tại để làm thí dụ thì chính là bí thư. Ông làm bí thư của Đông Nhạc Đại Đế, địa vị này rất cao. Mỗi buổi tối có hai quỷ nhỏ khiêng kiệu đến đón ông đi làm, sáng sớm khi gà gáy thì đưa ông trở về. Ông rất khổ cực, ngày đêm đều không được nghỉ ngơi, ban ngày thì có việc của ban ngày, buổi tối còn phải đi làm ở Nam Tào Địa Phủ. Ông biết được rất nhiều đối với tình hình của quỷ thần, khi ngồi nói chuyện với một số bạn bè, thường kể cho người nghe. Ông nói, ông đã từng có một lần khuyên Đông Nhạc Đại Đế đem hình phạt cột đồng trong địa ngục bỏ đi. Cột đồng là gì vậy? Là một cây cột bằng đồng đốt lên đỏ rực để cho người thọ tội ôm lấy. Ông nói việc này vô cùng tàn khốc, dùng lời hiện tại mà nói là chúng ta không có lòng nhân, hy vọng Đông Nhạc Đại Đế phế bỏ loại hình phạt tàn khốc này. Sau khi Đông Nhạc Đại Đế nghe rồi mỉm cười,bảo chính ông hãy vào hình trường mà tham quan và phái hai tiểu quỷ đưa ông đi. Hai tiểu quỷ này dẫn ông đi. Sau khi đi một đoạn, tiểu quỷ liền nói với ông, hình trường chính ngay chỗ này, ông xem đi. Ông vào xem, nhưng không hề thấy gì, mới bỗng nhiên hiểu ra, quả báo này là do nghiệp lực chính mình biến hiện ra, không phải do người tạo ra. Cho nên bạn không có loại tội nghiệp này, đến địa ngục bạn cũng không hề xem thấy, như vậy mới tường tận lời trên kinh Phật nói có đạo lý.
Trên kinh Địa Tạng nói với chúng ta, địa ngục chỉ có hai loại người có thể thấy được. Một loại người tạo tác nghiệp địa ngục, quả báo hiện tiền, họ phải đi chịu tội. Ngoài ra một loại là Bồ Tát đến địa ngục độ chúng sanh. Các vị ở trên kinh Địa Tạng xem thấy nữ Bà La Môn, đó là hiếu nữ, niệm Phật một ngày một đêm, chân thật niệm đến nhất tâm bất loạn (sự nhất tâm bất loạn tương đương quả vị A La Hán), cho nên cô có năng lực tham quan địa ngục, du lịch địa ngục. Nếu như không phải Bồ Tát, không phải A La Hán, bạn ở ngay trước cửa địa ngục, bạn cũng không thấy được. Đây là nói rõ tình hình của địa ngục. Cái khổ của quả báo địa ngục trên kinh Địa Tạng nói được rất rõ ràng, chủng loại nhiều, thời gian dài, đều nói không hết. Thế nhưng chúng ta cũng đã từng xem thấy trong sách cổ, có một số người đọa địa ngục không bao nhiêu năm lại trở lại nhân gian, hoặc là trở lại đường súc sanh. Nhưng quả báo trong địa ngục đã nói đều là thời gian dài dùng kiếp để tính đếm, thế là có một số người liền hoài nghi, tại vì sao thời gian dài đến như vậy nhưng chúng ta xem ra cũng không dài, không bao lâu thì họ lại trở ra rồi, họ làm ngạ quỷ, họ làm súc sanh, hoặc giả là lại đến cõi người? Ở đây hiện tại nói lời nói này mọi người liền dễ hiểu, duyên cố gì vậy? Thời gian không như nhau, nhân gian chúng ta một năm, trong địa ngục chính là một ngàn năm. Tục ngữ chẳng phải thường hay nói “qua ngày như năm” sao? Địa ngục khổ, qua ngày như năm. Cho nên thời gian không phải là thật, thời gian là khái niệm trừu tượng mà tạo ra. Trên địa cầu chúng ta có thời gian sai biệt, trên các tinh cầu khác cũng có sai biệt. Tám tinh cầu của Thái Dương hệ, nếu như dùng tinh cầu đi quanh mặt trời một vòng gọi là một năm thì sai biệt thời gian rất lớn. Tinh cầu của chúng ta đi quanh Thái Dương hệ một vòng là 365 ngày. Hải Dương Tinh, Minh Vương Tinh đi quanh mặt trời một vòng, dùng thời gian địa cầu của chúng ta mà tính thì phải một đến hai trăm năm. Cái vòng của nó thì quá lớn. Thời gian sai biệt khác nhau. Thời gian sai biệt của ba đường ác so với nhân gian chúng ta rất lớn, bị chịu tội ở trong địa ngục đích thực là thời kiếp rất lâu, rất dài, thông thường đều là dùng đại kiếp để tính đếm.
Nghiệp nhân của địa ngục là năm nghịch mười ác. Trong năm nghịch mười ác, nhân tố thứ nhất là tâm sân hận nặng, cho nên nhà Phật thường nói sân hận đọa địa ngục. Có lúc chính chúng ta có tâm sân hận mà chính mình không hề biết, cho nên người học Phật đầu óc phải tường tận, mỗi giờ mỗi phút phải có thể quán sát hành vi đời sống của chính mình. Khi chúng ta gặp những việc không vừa ý, trong lòng có chút không vừa lòng, có một chút không vui, đều là khởi tác dụng của tâm sân hận. Không nên xem tác dụng này rất nhỏ, rất bình thường, không có sai biệt gì quá lớn, bạn nghĩ như vậy thì sai rồi. Từ cái điểm bất bình phẩn hận nho nhỏ này liền biết được chính mình tâm sân hận nghiêm trọng. Nếu như mỗi ngày đều có mấy lần thì ngay trong một đời này của bạn tích lũy lại thật là không thể tưởng tượng. Tích ác nhỏ thành ra ác lớn, tương lai đọa vào trong địa ngục vẫn không biết tại vì sao mà đọa, bạn thấy có oan uổng hay không? Cho nên, Phật dạy chúng ta đoạn tham-sân-si, thường hay xem thấy chỗ tốt của tất cả chúng sanh, thường hay nghĩ đến thiện hạnh của tất cả chúng sanh, không nên nghĩ đến lỗi lầm của người ta, không nên ghi nhớ ác hạnh của người. Bạn nghĩ đến những thứ này, nhớ đến những thứ này, tương lai người bị hại là chính mình, không phải người khác. Tại vì sao chính mình không vượt qua được chính mình?
Tội ngũ nghịch là tội nghiệp cực trọng, thứ nhất là giết phụ thân, thứ hai là giết mẫu thân. Ân đức của cha mẹ to lớn, ngay đến Phật Bồ Tát thường hay tán thán trong các kinh điển. Phật dạy người câu thứ nhất chính là “hiếu dưỡng cha mẹ”. Cho nên, giết hại cha mẹ quyết định đọa A Tỳ địa ngục.
Tội ngũ nghịch thứ ba là giết A La Hán. A La Hán ở thế gian này, thực tế mà nói bạn muốn tìm cũng không tìm ra được, do đó cùng đồng với tội giết A La Hán chính là giết lão sư. A La Hán là thiện tri thức, là lão sư tốt, đức hạnh của họ, học vấn của họ, ảnh hưởng của họ đủ có thể giáo hóa chúng sanh một phương, người một phương chúng ta đều được giáo huấn của họ, đều được lợi ích của họ, đây là thiện tri thức. Bạn giết hại nhữngngười này, cái tội này không phải chỉ kết tội đối với họ, mà là bạn làm cho người của cả một khu vực đều mất đi một lão sư tốt, không có người dạy bảo, cho nên tội này rất nặng, đây cũng là đọa vào A Tỳ Địa Ngục.
Tội ngũ nghịch thứ tư là làm thân Phật ra máu. Phước báo của Phật quá lớn, quyết định không có người nào có thể tổn thương Phật. Phật có thần Hộ Pháp bảo hộ thì làm sao bị bạn tổn thương được? Đây là việc không thể nào. Thế nhưng thỉnh thoảng có thể làm Phật bị chút tổn thương nhỏ, trên da chảy chút máu, cho nên dùng ác ý làm Phật bị thương, cái tội này thì rất nặng. Phật là lão sư của trời người, không chỉ là lão sư tốt của nhân gian, mà cũng là lão sư tốt của thiên nhân. Chúng ta xem thấy trên kinh, thiên chủ Đao Lợi (chúng ta gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, Thượng Đế) thường hay mời Thích Ca Mâu Ni Phật đến cung trời Đao Lợi giảng kinh nói pháp. Ngay đến thiên thần đều tôn kính, bạn làm tổn hại thì đương nhiên tội sẽ rất nặng. Ngày nay Thích Ca Mâu Ni Phật không còn ở đời, bằng tội này là hủy hoại hình tượng của Phật. Không luận là hình tượng đắp nắn hay là hình tượng họa vẽ, bạn dùng tâm sân hận, ác ý mà đem hủy hoại thì cái tội này như nhau. Nếu như không phải là ác ý, hoặc giả là vô ý, vậy thì không có lỗi gì nặng.
Điều sau cùng trong tội ngũ nghịch là phá hòa hợp tăng. Trong nhà Phật, một đoàn thể đại chúng cùng nhau tu học gọi là tăng đoàn hòa hợp. Đây là đoàn thể mô phạm trong tất cả đoàn thể của thế gian, bởi vì phần tử trong đoàn thể này, người người đều tuân thủ sáu nguyên tắc mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói.
LỤC HÒA KÍNH
Thứ nhất là “kiến hòa đồng giải”. Câu nói này nếu dùng lời hiện tại mà nói là chúng ta có nhận biết như nhau, quan niệm lý luận như nhau, mục tiêu như nhau, cho nên mọi người cùng sinh hoạt với nhau rất là hòa thuận.
Thứ hai là “giới hòa đồng tu”. Giới này chính là qui ước đời sống, rất nhiều người cùng nhau, đương nhiên ở ngay trong cuộc sống thường ngày đều có định ra qui ước, người người đều phải giữ qui củ, đều không vi phạm qui củ, hiện tại gọi là thủ pháp. Người người đều thủ pháp thì đoàn thể này đương nhiên liền có trật tự, xã hội an định, không có động loạn.
Thứ ba là “thân hòa đồng trụ”.
Thứ tư là “khẩu hòa vô tranh”.
Thứ năm là “ý hòa đồng duyệt”. Đây là nói đời sống của chúng ta. Ngay trong cuộc sống thường ngày, đôi bên đều có thể tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, bạn nói xem, tăng đoàn này thật khó được hay không.
Điều sau cùng là “lợi hòa đồng huân”. Chúng ta ở trên đời sống vật chất, mọi người đều có được mức sống như nhau, tiêu chuẩn đời sống như nhau, đoàn thể như thế là một đoàn thể mô phạm trong tất cả đoàn thể xã hội ở thế gian, đoàn thể đáng được mọi người tôn kính, đoàn thể đáng được mọi người học theo, đây là một đoàn thể tốt. Nếu như bạn ác ý tạo ra sự chia rẽ trong đó, phá hoại đoàn thể này, khiến cho người trong đó đôi bên bất hòa với nhau, tội lỗi này sẽ rất nặng. Kết cái tội này không phải chỉ kết tội đối với đoàn thể này, mà là bao gồm tất cả đoàn thể trong xã hội rộng lớn, bạn phá hư đi tấm gương tốt nhất, kiểu dáng tốt nhất của mọi đoàn thể, kết tội là từ ngay chỗ này mà tính. Tội này thì nặng, đây là tạo tội ngũ nghịch.
Mười ác gồm: thân tạo ra sát sanh, trộm cắp, tà dâm; miệng vọng ngữ, ác khẩu, thêu dệt (thêu dệt là lời nói đường mật để lừa gạt người khác), nói lời hai chiều; trong ý thì tham, sân, si, đây gọi là mười ác. Tạo tác thượng phẩm mười ác, mười ác nghiệp nghiêm trọng đều là nghiệp nhân đọa địa ngục. Thực tế mà nói, trong xã hội hiện tại chúng ta rất dễ dàng tạo ra tội nghiệp địa ngục này. Sau khi tạo ra tội nghiệp rồi, tương lai chịu quả báo đọa vào trong địa ngục, nếu muốn thoát ra thì thật khó. Tuy là thời gian sai biệt nhân gian chúng ta cùng địa ngục không như nhau, thế nhưng địa ngục nghiêm trọng, vẫn là thời gian rất dài. Chúng ta đọc ở trong Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo kinh, Phật nói vào lúc đó có hai vị Tỳ kheo vì đố kỵ chướng ngại, phá hòa hợp tăng mà đọa vào địa ngục, dùng năm tháng của nhân gian chúng ta mà tính là một ngàn tám trăm vạn năm. Đây là dùng thời gian của nhân gian để tính, nếu như dùng thời gian của địa ngục mà tính thì thời gian còn dài hơn. Thế nhưng một ngàn tám trăm vạn năm của nhân gian cũng rất là đáng sợ, giống như bạn tạo tội phạt bạn ngồi tù, ngồi tù đến một ngàn tám trăm vạn năm cũng khiếp người, huống hồ trong địa ngục nhiều loại khổ báo, đến nỗi Bồ Tát đều không nhẫn tâm nói. Cho nên chỗ này quyết định không nên đi, hay nói cách khác, ý niệm ác, hành vi ác quyết định không nên làm. Chư Phật Bồ Tát không hù dọa người, nếu bạn cho rằng sự việc này là Phật Bồ Tát dùng phương pháp này cố ý khuyên người làm thiện thôi thì bạn hoàn toàn sai rồi. Trên kinh Kim Cang nói rất hay: “Như Lai thị chân ngữ giả”, chân thì không giả, Như Lai là chân ngữ; “thật ngữ giả”, thật ngữ thì không hư dối; “như ngữ giả”, như ngữ chính là cùng với sự thật đã nói hoàn toàn như nhau, Phật đã nói không hề thêm vào chút nào, cũng không giảm đi chút nào; “bất cuồng ngữ giả”, cuồng là lừa gạt người, Phật không vọng ngữ, không lừa gạt người; “bất dị ngữ giả”, đã nói ra là quyết định như nhau, không thể nào có hai cách nói. Chúng ta phải tin tưởng mỗi câu Phật đã nói đều là chân thật.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 103)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.