GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 182/374
Đã tạo tác tội nghiệp thì không thể không có quả báo. Thế xuất thế gian chân tướng nói rõ ra rồi, chẳng qua là nhân duyên quả báo mà thôi, cho nên nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả vì sao bất không? Nhân quả chuyển biến bất không. Chuyển biến này là sát na đang chuyển biến, mỗi niệm không trụ. Nhân quả tiếp nối bất không, nhân quả tuần hoàn bất không. Đối với những sự thật này, Phật hiểu rõ được rất thấu triệt, rất rõ ràng. Ngài khuyên chúng ta tu thiện, khuyên chúng ta đoạn ác, vậy thì chúng ta niệm Phật phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, khi vừa mở đầu Kinh này, Phật liền dạy bảo chúng ta phương pháp tu hành căn bản, chúng ta có làm được hay không?
“Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mà ngày ngày còn nói lỗi của người khác, tương lai bạn sẽ vãng sanh đến nơi nào vậy? Vãng sanh đến địa ngục cắt lưỡi, chắc chắn không phải Thế giới Cực Lạc. Ngày ngày khiêu khích phải quấy, quả báo là ở địa ngục núi đao, địa ngục vạc dầu, làm gì có thể vãng sanh?
“Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người. Khéo giữ thân nghiệp, không mất oai nghi. Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm”. Ba câu này là phương pháp tu hành căn bản, chính là “Thập Thiện Nghiệp Đạo”.
“Thập Thiện Nghiệp Đạo” là gì? Là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” thực tiễn phước thứ nhất. Phật ở trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” dạy bảo phu nhân Vi Đề Hy phương pháp cầu sanh Tịnh Độ, vừa mở đầu thì giảng “Tịnh Nghiệp Tam Phước”: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu nói này là căn bản giáo hóa chúng sanh của mười phương ba đời tất cả chư Phật.
Phật pháp là gì? Phật pháp là hiếu thân tôn sư, bắt đầu từ ngay chỗ này, cũng đến ngay chỗ này mà viên mãn. Hiếu thân tôn sư làm đến viên mãn thì liền thành Phật. Hiếu thân tôn sư quyết không phải chỉ treo ở trên cửa miệng, mà phải thực tiễn. Thực tiễn ở chỗ nào? Thực tiễn ở “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Cho nên, nhà Phật thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”.
“Từ tâm bất sát” là gốc. Không chỉ không sát hại tất cả chúng sanh, mà làm cho tất cả chúng sanh sanh phiền não thì lỗi lầm của bạn liền sanh khởi. Người chân thật đầy đủ tâm từ bi thì chắc chắn sẽ không khiến cho tất cả chúng sanh vì ta mà sanh phiền não. Sự lý nhân tình thế gian thay đổi khó lường. Chúng ta cùng ở với người, thường hay làm cho người phiền não là việc không thể tránh khỏi. Do nguyên nhân gì? Là do tập khí từ vô lượng kiếp.
Chúng ta qua lại với người đều là có nhân duyên, không có duyên thì chắc chắn sẽ không tương phùng, sẽ không quen biết. Chỉ cần tương phùng quen biết thì đều là có duyên phận. Duyên phận này rất phức tạp, rối rắm. Ở trên Kinh, Phật đem nó quy nạp lại làm bốn loại lớn là: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Chúng ta tiếp xúc với tất cả chúng sanh luôn không ngoài bốn loại lớn này. Vô lượng kiếp đến nay, chúng ta cùng vô lượng vô biên chúng sanh đã kết những cái duyên thiện ác này, sau khi gặp được làm sao có thể dễ qua? Khi không giác ngộ thì làm thế nào? Oan oan tương báo không thể kết thúc, phiền phức chính ngay chỗ này. Người giác ngộ thì dễ xử lý, như cư sĩ Hứa Triết, đây là đại biểu cho một người giác ngộ. Người giác ngộ gặp phải tất cả không như ý thì không nên trách họ, mà quay đầu lại phản tỉnh, đích thực ta làm chưa đủ tốt, ta làm ra khiến cho họ không vừa ý? Chính mình tự cải tiến, quyết không trách cứ người khác.
Nhà Phật có một câu nói: “Quay đầu là bờ”. Quay đầu là gì? Không nên thấy lỗi người khác mà phải thấy lỗi của chính mình, không nên trách người khác mà phải trách chính mình. Có như vậy thì chính mình mới được cứu, chính mình mới có thể được độ. Nếu như lúc nào cũng cho rằng chính mình không có sai lầm, sai đều là ở nơi người khác, thì bạn ngay đời này không có hy vọng vãng sanh, bạn ngay đời này khẳng định vẫn là đọa lạc sáu cõi ba đường; niệm Phật có niệm được tốt hơn, chỉ là kết cái duyên với A Di Đà Phật, trong A Lại Da Thức trồng xuống hạt giống Phật. Chủng tử này tuy là chủng tử kim cang vĩnh viễn bất hoại, thế nhưng lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở trong mi chú của “Kinh Vô Lượng Thọ” viết được rất hay: “Khó tránh được nhiều kiếp luân hồi”. Đây là thật, không phải là giả. Chúng ta nhất định phải có tâm cảnh giác cao độ.
Pháp môn này không dễ dàng gặp được. Trên Kinh thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, trên kệ khai Kinh chúng ta ngày ngày đọc: “Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”, đây đều là lời chân thật. Chúng ta lỡ qua cơ hội lần này, có thể là trăm ngàn vạn kiếp sau, chúng ta mới có thể gặp lại. Trăm ngàn vạn kiếp luân hồi trong sáu cõi ba đường, cái khổ đó có thể chịu đủ rồi. Chúng ta nghĩ đến chỗ này, tâm cảnh giác tự nhiên liền hiện tiền, tự nhiên liền có thể đề khởi, triệt để cải lỗi, chân thật hồi đầu. Ngày trước có lỗi với Tam Bảo, báng Phật, báng pháp, báng tăng, làm cái việc diệt Phật pháp, phá hòa hợp tăng, đây đều là tội nghiệp của A Tỳ Địa Ngục, chỉ cần hiện tại chúng ta vẫn còn một hơi thở, hơi thở này vẫn chưa dứt, liền có thể sám hối, liền có thể hồi đầu.
Chúng ta phải thật sám hối, không nên để ý đến sĩ diện. Sĩ diện thì có ích gì, vẫn là phải đọa ba đường. Ngày trước ta báng Tam Bảo, ta làm thế nào sám hối? Quay đầu lại, ta phải tán thán Tam Bảo. Ngày trước ta phá hòa hợp tăng, hiện tại ta phải ủng hộ hòa hợp tăng. Đây gọi là chân sám hối. Không phải ở trước Phật cầu đảo kỳ nguyện: “Con sám hối, con sai rồi”, mà ở bên ngoài thì không nói với người một câu nào, vậy thì không hữu dụng. Cho nên sám hối, nhà Phật gọi là “phát lồ sám hối”, thẳng thắn tuyên bố với mọi người chính mình sai rồi, từ nay về sau ta thay đổi tự làm mới. Vậy mới được tính đến. Nếu trước mặt đại chúng chỉ lo thể diện, vì thể diện mà không dám nói, còn ở trước tượng Phật Bồ Tát thì thầm thỏ thẻ, thì thầm nửa ngày cũng không ích gì. Tu pháp sám hối mà không biết được cách tu như thế nào! Cần phải đem lỗi lầm của chính mình nói ra.
Mấy tháng trước, chúng ta xem thấy trên báo chí, Giáo hoàng La Mã (giáo tôn) sám hối với người trên toàn thế giới, nói tín đồ Thiên Chúa trên toàn thế giới là trong một ngàn năm trước, họ đã làm ra rất nhiều việc sai lầm, đặc biệt là kỳ thị các tôn giáo khác. Giáo Hoàng đã nói ra, hy vọng ngay trong một ngàn năm này thay đổi tự làm mới, phải học tập với các tôn giáo khác. Việc này rất khó làm được. Người xưa chúng ta thường nói: “Con người không phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi? Lỗi mà có thể sửa thì không gì tốt hơn”.
Trong “Quán Kinh”, chúng ta xem thấy vua A Xà Thế tạo tội năm nghịch mười ác, vào lúc lâm chung ông chân thật sám hối, chân thật cải đổi, ông niệm Phật vãng sanh thượng phẩm trung sanh. Chúng ta đọc đến đoạn Kinh văn này đều rất là kinh ngạc. Đây chính là người mà ngạn ngữ chúng ta thường nói: “Lãng tử quay đầu vàng không đổi”. Ông là một đứa con hư, thế nhưng ông ngày nay chân thật biết cải đổi, chân thật quay đầu rồi. Đó thật là một người tốt.
Vào thời xưa ở Ấn Độ, Bồ Tát Thiên Thân học Tiểu Thừa, hủy báng Đại Thừa, về sau tiếp nhận lời dạy của anh trai thì giác ngộ rồi. Ngài sám hối với Phật, cầm dao chuẩn bị cắt lưỡi của mình. Anh trai của Ngài can ngăn và nói: “Em cắt lưỡi làm gì? Em sai rồi! Ngày trước em dùng lưỡi này mà hủy báng Đại Thừa, vì sao ngày nay em không dùng cái lưỡi này để tán thán Đại Thừa?”. Ngài bỗng chốc liền tường tận, vì vậy Ngài đã tạo ra 500 bộ luận tán thán Đại Thừa. Đây gọi là chân thật sám hối, biểu hiện bằng hành động.
Chúng ta xem thấy Đại Sư Ngẫu Ích, thời cận đại có Đại Sư Ấn Quang, khi còn trẻ đọc sách Nho, báng Phật pháp, về sau hiểu rõ rồi, giác ngộ rồi thì sám hối quay đầu lại, không chỉ không báng Phật pháp, mà còn thế phát xuất gia, hoằng dương Phật pháp. Đây mới gọi là chân thật sám hối.
Chúng ta làm sai sự việc, ngày trước hãm hại người khác, hiện tại chân thật hiểu rõ rồi thì quay đầu lại, ta phải làm thế nào để bồi thường lại người bị ta hại, làm thế nào giúp đỡ họ, đây mới gọi là chân sám hối. Nếu không có biểu hiện hành động thì đều là giả dối. Hay nói cách khác, vẫn chưa có giác ngộ, vẫn chưa có quay đầu, nói cho dễ nghe là cũng không ích gì. Cho dù là phát tâm ra giảng Kinh nói pháp, ngay trong mắt vẫn là xem thường người khác, muốn tích chút công đức để chuộc tội, nhưng không thể chuộc được, vì tội nghiệp của bạn quá nặng rồi. Chư Phật Bồ Tát đại từ đại bi chân thật cứu độ bạn, nhưng bạn chính mình phải giác ngộ, bạn phải thật quay đầu. Đạo lý trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, bạn nhất định phải để ở trong tâm, giáo huấn của mỗi câu mỗi chữ trên “Kinh Vô Lượng Thọ”, bạn quyết định phải thực tiễn vào ngay trong cuộc sống, phải làm cho được, đây gọi là chân sám hối. Ngày ngày bạn có niệm trên một vạn biến, mà trong tâm của bạn đối với tất cả mọi người vẫn còn có ý hận, đối với tất cả việc vẫn có ý niệm không vừa ý, thế thì bạn vẫn chưa quay đầu, bạn chưa sám hối, bạn đáng phải đọa lạc thế nào thì vẫn phải đọa lạc như thế đó.
Trên “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Phật dạy bảo chúng ta, khai thị cho chúng ta rất thù thắng, rất đơn giản, rất tường tận. Hiện tại chúng ta vừa giảng đến đoạn này.
Tôi vừa xem thấy rất nhiều đồng tu từ các nơi đến, sáng sớm hôm nay họ không đi tham gia hội sáng của chúng ta, cho nên tôi đem đoạn Kinh văn này lặp đi lặp lại, hy vọng các vị có duyên nghe được. Đoạn Kinh văn này có thể nói là trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói được rất tường tận, “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” làm một tổng kết. Phật nói Bồ Tát có một pháp có thể vĩnh đoạn tất cả các khổ của ba cõi sáu đường. Phương pháp gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không thể gián đoạn”. Thiện pháp đó phải thường quán sát. Chúng ta nói rõ ràng, nói tường tận một chút, thường niệm thiện pháp thì tâm của bạn thiện, tư duy thiện pháp thì tư tưởng của bạn thiện, quán sát thiện pháp thì hành vi của bạn thiện, ngôn hạnh thiện. Phía sau Phật lại thêm vào một câu: “Không để chút nào bất thiện xen tạp”. Ngày nay có không ít người đang tu thiện, thế nhưng xen tạp bất thiện quá nhiều, cho nên cái thiện của bạn không thành lập. Trong thiện xen tạp bất thiện, cho nên cái thiện cũng biến thành bất thiện, người xưa gọi là đề hồ. Đây là loại thức uống tốt nhất, thức uống cao đẳng nhất, là thiện, trong đó thêm vào chút độc dược, cho nên toàn bộ đều biến thành độc dược. Vì vậy không thể nào xen tạp chút gì bất thiện.
Ở sau cùng, Phật nói rõ, thiện pháp chính là “Thập Thiện Nghiệp Đạo”. Trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” nói: “Từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện”, đây là đại căn đại bổn hành môn của chúng ta. Pháp môn niệm Phật mà không có nền tảng này, bạn giảng “Kinh Vô Lượng Thọ” có tốt hơn, giảng được hoa trời rơi rụng thì cũng không thể vãng sanh. Một ngày niệm mười vạn danh Phật hiệu, một ngày giảng mấy bộ Kinh điển, thế nhưng mười thiện bạn cũng không làm được, trong đó xen tạp độc dược. Đạo lý này chúng ta phải cố gắng nghĩ tưởng. Chúng ta phải tỉ mỉ mà quán sát chân tướng sự thật, nghiệp nhân quả báo, sau đó mới chân thật tường tận chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật vì sao niệm đi đến địa ngục. A Di Đà Phật không hề sai, tâm của bạn hỏng rồi. A Di Đà Phật là thiện pháp, trong tâm của bạn xen tạp nhiều thứ bất thiện thì không được. Không cho phép xen tạp. Đạo lý là như vậy.
Chúng ta thường xem thấy trong Kinh điển có câu: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân”, xưng hô này là đối với chúng ta phải không? Chúng ta chính mình nghĩ tưởng, ta có phải là thiện hay không? Tiêu chuẩn của thiện, mức độ thấp nhất chính là phước thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, đây là trên Kinh nói thiện nam tử, thiện nữ nhân của hạ phẩm. Thiện nam tử, thiện nữ nhân của trung phẩm thì phải thêm “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”. Thiện nam tử thiện nữ nhân của thượng phẩm còn phải thêm vào điều sau cùng là: “phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Đều có điều kiện. Không phải nói tôi học Phật rồi thì tôi chính là thiện nam tử, thiện nữ nhân, làm gì có việc dễ dàng đến như vậy? Chính mình tự đưa cao thân phận của chính mình lên. Kỳ thật, đều là không phải. Phật pháp có tiêu chuẩn của Phật pháp, hơn nữa tiêu chuẩn này rất rõ ràng.
Cho nên, chính mình nhất định phải nỗ lực phản tỉnh, ta có tư cách của thiện nam tử thiện nữ nhân hạ phẩm này hay không? Nếu như có hạ phẩm, chắc chắn có thể vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thiện nam tử thiện nữ nhân của trung phẩm thì vãng sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư. Thiện nam tử thiện nữ nhân của thượng phẩm thì vãng sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Hy vọng các vị đồng tu, nhất là đồng tu từ bên ngoài đến, sau khi nghe rồi trở về nói rõ cho các đồng tu niệm Phật chúng ta nghe, không nên hiểu sai lầm. Khi hiểu sai thì ngay đời này niệm Phật không thể vãng sanh. Đây là Đại Sư Thiện Đạo nói “gặp duyên không đồng”. Bạn không gặp được thiện duyên, bạn không đem sự việc này làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, cho nên tu cả một đời vẫn cứ không có được thiện quả.
Do đây có thể biết, ác không thể không đoạn, tâm hại người chắc chắn không thể có, ý hiềm ghét người cũng không thể có; đem ý niệm của chúng ta chuyển đổi 180 độ, thuần là lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, hộ trì chánh pháp thì chúng ta chắc chắn được sanh Tịnh Độ. Mỗi niệm không còn nghĩ chính mình, mỗi niệm chỉ nghĩ tưởng người khác; ngày trước người hiểu lầm ta, người nhục mạ ta, người hãm hại ta, chúng ta chỉ có cái tâm cảm ân đối với họ, chắc chắn không có chút tâm oán hận. Không những không có chút tâm oán hận, mà khi họ có khó khăn, khi họ cần giúp đỡ, chúng ta nhất định chủ động toàn tâm toàn lực đi giúp đỡ họ. Cần phải khiến cho tâm hạnh của chúng ta làm đến thuần thiện (nhà Nho nói là “chỉ ư chí thiện”), thì đời sống của chúng ta mới chân thật hạnh phúc mỹ mãn, đời sống của chúng ta tiếp cận chư Phật Bồ Tát, sinh hoạt ngay trong trí tuệ viên mãn, không sanh phiền não.
Chúng ta đọc “Đàn Kinh”, xem thấy Đại Sư Huệ Năng khi lần đầu gặp Hòa thượng Hoằng Nhẫn Ngũ Tổ, Ngài nói với Ngũ Tổ: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí tuệ”. Tôi tiếp xúc Phật giáo khi tôi 26 tuổi, xem quyển Kinh đầu tiên chính là “Đàn Kinh”. Khi xem đến câu này tôi vô cùng cảm khái, quay đầu nghĩ lại, nếu như là tôi, tôi sẽ nói: “Trong tâm đệ tử thường sanh phiền não”. Người ta không sanh phiền não, thường sanh trí tuệ, vậy thì còn gì bằng không? Cho nên, Ngài ở Hoàng Mai tám tháng, Ngủ Tổ liền đem y bát truyền trao cho Ngài. Vì sao không truyền cho người khác? Người khác đại khái cũng giống như ta: “Trong tâm đệ tử thường sanh phiền não”, bao gồm Thần Tú ở trong đó, đều vẫn đang sanh phiền não. Thần Tú làm bài kệ mất nửa ngày, sau khi viết ra rồi trong lòng vẫn còn thấp thỏm không an, đó là thường sanh phiền não, không sanh trí tuệ. Không dễ dàng!
Mỗi niệm không vì chính mình, mỗi niệm vì chúng sanh, vì xã hội, vì chánh pháp cửu trụ, con người này mới không sanh phiền não, mới là chân thật sanh trí tuệ. Người chân thật sanh trí tuệ quyết định ngày ngày sám hối, ngày ngày cải lỗi, ngày ngày tiến bộ, cho nên “cải tiến”, cải lỗi thì tiến bộ rồi, không thay đổi thì làm sao có thể tiến bộ? Nếu muốn tiến bộ thì ngày ngày phải cải lỗi. Nếu muốn cải lỗi thì ngày ngày phải biết lỗi. Biết lỗi chính là nhà Phật gọi là khai ngộ. Bạn chân thật giác ngộ rồi, biết được chính mình có lỗi lầm. Cải lỗi là công phu. Bạn cải lỗi là bạn chân thật đang tu hành. Nếu biết lỗi mà không chịu cải sửa, tuy là khai ngộ rồi, nhưng không tu hành thì không ích gì, quả báo vẫn tự chịu. Nói ra nhiều lời như vậy, nhưng ý nghĩa vẫn chưa nói được thấu triệt. Tôi không biết các vị đồng tu nghe rồi, có thể thể hội được mấy phần?
Chỗ này là nói niệm Phật, niệm Phật phải niệm bằng cách nào? Bồ Tát Đại Thế Chí ở trong “Niệm Phật Viên Thông Chương” dạy cho chúng ta phương pháp, có tám chữ: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục”. Câu “gom nhiếp sáu căn” cùng câu mà Mạnh Tử đã nói: “học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi kỷ”, tâm của chúng ta đều phóng ra bên ngoài, mắt thấy sắc thì tâm liền chạy đến nơi sắc, tai nghe tiếng thì tâm liền chạy đi nghe tiếng. Mạnh Phu Tử nói học vấn là gì? Bạn có thể đem tâm tán loạn bên ngoài thâu nhiếp lại, đây là học vấn. Cách nói này cùng ý nghĩa của “gom nhiếp sáu căn” là hoàn toàn như nhau. Nói đơn giản là “gom tâm”, cũng chính là chúng ta bình thường nói “buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là “gom nhiếp sáu căn”, sau đó cái niệm đó mới là tịnh niệm, tâm đã thanh tịnh. Tâm thanh tịnh niệm Phật thì gọi là tịnh niệm. Trong tâm thanh tịnh chắc chắn không có chút nào xen tạp. Tâm thuần thiện, tâm thuần tịnh, không có chút nào ô nhiễm.
Chúng ta đơn giản giới thiệu rõ về thanh tịnh. Buông xả tự tư tự lợi, buông xả phải quấy nhân ngã, buông xả danh vọng lợi dưỡng, buông xả tham-sân-si-mạn, tâm của bạn liền thanh tịnh. Chỉ cần những thứ này có chút nào xen tạp bên trong, tâm của bạn liền không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì sanh phiền não, không sanh trí tuệ.
Cho nên, tôi thường hay khuyến khích đồng tu chúng ta, các vị mọi người đến đây phát tâm học giáo, phát tâm tương lai làm một vị pháp sư giảng Kinh hoằng pháp, pháp sư giảng Kinh muốn đem Kinh giảng cho tốt thì nhất định phải khai trí tuệ. Nếu muốn khai trí tuệ, nhất định phải đoạn phiền não, không nên có chút nào tự tư tự lợi, phải quấy nhân ngã, tham-sân-si-mạn, năm dục sáu trần, có một chút xíu này xen tạp thì Kinh của bạn liền giảng không tốt. Cho nên, tôi thường hay phụng khuyến mọi người, phát tâm giảng Kinh nhất định phải phát tâm buông xả tất cả chấp sự trong tự viện, không nên đi làm cái gì là hội trưởng hội Phật giáo, làm trụ trì phương trượng gì đó. Vừa làm thì xong rồi, chắc chắn bạn mất đi tâm thanh tịnh, bạn bị ô nhiễm rồi. Bạn phải có thể nắm chắc lấy, phải gìn giữ được, tiền tài một xu cũng không cần đến. Vì sao vậy? Ô nhiễm. “Tài, sắc, danh, thực, thùy” thảy đều là ô nhiễm. Bạn phải đem nó buông sạch sẽ, ngay đời này Kinh bạn liền giảng được tốt, bạn liền giống như Phật Đà vậy, rộng độ chúng sanh vậy. Đời sống của chính mình nhất định phải giữ lấy thanh bần, quyết không phan duyên.
Bồi dưỡng nhân tài của nhà Phật, lần trước Hội phó Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc – cư sĩ Đao Thuật Nhân đến đây thăm viếng, cùng chúng ta bàn luận về việc lớp bồi dưỡng. Tôi liền kiến nghị với ông: “Chúng ta bồi dưỡng nhân tài giảng Kinh hoằng pháp, ở Trung Quốc có hai lớp bồi dưỡng là đủ rồi. Ngoài ra, lớp bồi dưỡng chấp sự am đường tự viện, số người này phải nhiều”. Trung Quốc có rất nhiều tự viện am đường, cho nên cần phải bồi dưỡng nhân tài quản lý. Người quản lý thì không cần giảng Kinh nói pháp, còn người nói pháp thì không nên tham dự quản lý. Tất cả phải chuyên, phải phối hợp thì Phật pháp chúng ta mới được cứu.
Cư Sĩ Lâm là một tấm gương rất tốt, người quản lý là cư sĩ Lý Mộc Nguyên, việc giảng Kinh thì tôi gánh trách nhiệm. Tôi không can thiệp ông ấy, ông ấy không can thiệp tôi. Chúng tôi hai bên phối hợp mật thiết thì đạo tràng này hưng vượng lên. Quyết định không nên nói pháp sư giảng Kinh thì cao hơn người quản lý một bậc, người quản lý thì thấp hơn một bậc, vậy thì hoàn toàn sai rồi. Trong “Kinh Đại Niết Bàn”, Phật nói được rất rõ ràng, pháp sư giảng Kinh thấp hơn người quản lý một bậc, cho nên công đức hộ pháp siêu vượt hoằng pháp. Bạn phải hiểu được đạo lý này.
Hoằng pháp là người nào? Giống giáo viên trong trường học vậy, người quản lý là hiệu trưởng, đổng sự trưởng. Nếu họ không lập trường học, nếu không mời thỉnh bạn đến dạy học, thì cho dù bạn có đầy bản lĩnh, bạn cũng không có chỗ phát huy, cũng không ích gì. Cho nên, nhất định phải hiểu được, người quản lý so với người giảng Kinh hoằng pháp đích thực là cao hơn một bậc. Chúng ta phải nương vào họ, nhất định phải tôn kính họ. Hiện tại người hiểu được đạo lý này rất ít. Điên đảo rồi! Xem trọng giáo viên, còn hiệu trưởng, đổng sự trưởng thì quên mất, ngó cũng không thèm ngó họ, vậy làm sao được? Phật giáo làm sao mà không suy?
Làm thế nào cải biến quan niệm của mọi người? Giáo viên giảng Kinh chúng ta phải làm từ chính mình, chúng ta chính mình cung kính nhân viên hộ pháp. Chúng ta tri ân báo ân, đầu tiên là chúng ta phải báo ân nội hộ. Ngày nay chúng ta giảng Kinh, dạy học ở Cư Sĩ Lâm, lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm, những vị chủ tịch trong hội đổng sự này là đại ân nhân thứ nhất của chúng ta. Cư Sĩ Lâm từ trên đến dưới, cho đến những người làm công quả, bao gồm người hộ pháp, công đức đều không thể nghĩ bàn. Người ở trong đây, nếu thiếu đi một người thì công đức của chúng ta sẽ không viên mãn. Người chủ yếu nếu thiếu đi thì pháp hội này sẽ không thể thành tựu. Bạn phải hiểu được đạo lý này.
Thế Tôn năm xưa ở đời đem nhiệm vụ hộ pháp ủy thác cho quốc vương đại thần. Quốc vương đại thần hộ pháp thì Phật pháp mới hưng vượng, chúng sanh mới được độ. Hoằng pháp, hộ pháp tương bổ tương thành, giáo dục Phật giáo phổ cập sung thạnh, quốc thái dân an, nhân dân có trí tuệ; tiếp nhận huân đào của Phật giáo thì họ hiểu được bố thí, họ hiểu được trì giới.
Ý nghĩa của bố thí là gì? Dùng lời hiện đại mà nói, họ hiểu được xả mình vì người, bố thí là vì đại chúng xã hội mà phục vụ. Trì giới là thủ pháp. Nhẫn nhục là tâm nhẫn nại. Tinh tấn là tiến thủ. Thiền định là trong tâm có chủ kiến, chủ tể, quyết không bị hoàn cảnh bên ngoài làm dao động.
Trên “Kinh Lăng Nghiêm”, Thế Tôn nói rất hay: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”, đích chỉ thời đại hiện tiền này. Câu nói này, dùng lời hiện đại mà nói, xã hội ngày nay mỗi mỗi giai tầng, không luận là nhân sự hay là hoàn cảnh vật chất, sức mê hoặc quá to quá lớn. Loại mê hoặc này chính là ở trên Kinh Phật nói: “tà sư nói pháp”. Họ không phải là chánh pháp. Họ dạy bạn cái gì? Dạy bạn tự tư tự lợi, dạy bạn tham-sân-si-mạn, dạy bạn chuyên đi làm việc tổn người lợi mình. Đây là ma, đây là tà đạo, đây là tà pháp. Phật Bồ Tát không dạy chúng ta như vậy, Phật Bồ Tát dạy chúng ta xả mình vì người, hoàn toàn tương phản với ma. Ma chuyên môn phá hoại việc tốt của người, ma chuyên môn phá hoại thiện pháp của người. Ma quá nhiều. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên phát tâm muốn xây một Thôn Di Đà, biết bao nhiêu lần đều bị chướng ngại, đều không thể thành tựu.
Buổi trưa hôm qua, chủ tịch Đức Giáo mời tôi ăn cơm trưa, từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều, chúng tôi nói đến cái gì? Ma chướng, việc tốt nhiều dày vò. Đức giáo của họ cũng làm không ít sự nghiệp từ thiện nhưng không có việc nào là thuận lợi. Tôi ở bên cạnh nghe, rất có cảm khái. Việc tốt nhiều dày vò! Ma chướng từ đâu mà có? Xem thấy đạo tràng này của bạn hưng vượng, người nhiều như vậy, cúng dường nhiều như vậy, người khác bên cạnh xem thấy khó chịu, luôn là nghĩ ra hết cách để gây phiền phức, cho nên chướng ngại vô cùng nhiều. Năm nay làm việc tốt có chướng ngại, làm việc xấu không có chướng ngại. Làm việc xấu có rất nhiều người thành tựu bạn, đến giúp đỡ bạn, đây chẳng phải là trên Kinh Phật nói: “Ma đến chướng đạo” hay sao? Ma hy vọng bạn hướng vào ba đường ác mà đi, họ xem thấy hoan hỉ. Bạn siêu việt sáu cõi, siêu việt mười pháp giới thì họ sẽ hận thấu xương. Chúng ta hiện tại là ngày ngày khó qua được với họ, chính là muốn hướng lên trên mà đi, không hướng xuống mà đi, chiêu cảm đến rất nhiều chướng ngại. Chúng ta chính mình phải rõ ràng, phải tường tận.
Một câu A Di Đà Phật muốn niệm tốt thì bạn phải rõ lý, phải hiểu được “Kinh Vô Lượng Thọ”, hoặc giả là đại đạo lý trong năm Kinh một luận đã nói. Bạn không thông đạt tường tận thì không được, bạn niệm Phật sẽ không tốt. Phương pháp giáo huấn trong đó dạy chúng ta làm thế nào phục phiền não. Ghi nhớ là: “Tịnh niệm liên tục”. Làm thế nào làm đến “tịnh niệm”? Then chốt ở trong chữ “tịnh” này. Pháp môn này là pháp môn Tịnh Độ, “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Cho nên chúng ta phải suy xét nhiều, nếu tâm của chúng ta không tịnh, tuy là tu học pháp môn này, cũng chỉ là trồng xuống một chút thiện căn mà thôi, ngay trong đời này không thể thành tựu. Nhất định phải làm đến tâm tịnh. Sau khi tâm tịnh, quan trọng nhất là liên tục. Liên tục là gì? Vĩnh viễn gìn giữ. Không thể nói hôm nay tâm ta thanh tịnh rồi, ngày mai thì lại phóng dật, liền quay trở lại rồi, vậy thì không được. Liên tục là giữ gìn liên tục, vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh, y giáo phụng hành.
Câu sau cùng của Kinh này là: “Tín thọ phụng hành”. Chúng ta nhất định phải tin tưởng, phải tiếp nhận, phải nỗ lực mà làm cho được. Phụng hành, dùng lời hiện tại mà nói là thực tiễn ngay trong đời sống của chính mình, thực tiễn ở công việc, thực tiễn ở đối nhân xử thế tiếp vật, đây mới gọi là phụng hành. Có như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được công đức lợi ích thù thắng chân thật của Phật pháp.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 182)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.