GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 74/374
Thế nên hiện tại chúng ta cũng đang nỗ lực đem lớp bồi dưỡng mở rộng ra, thành lập Học Viện Giáo Dục Phật Đà, đó là pháp bố thí. Chỉ có thể nói so với trước đây tiến thêm được một bước, có làm được viên mãn hay không? Không có! Phải làm thế nào mới có thể làm được viên mãn? Các vị chân thật phát tâm làm Phật, làm Bồ Tát, pháp bố thí này mới làm được viên mãn. Trên kinh Phật thường nói: “Thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói”, đó là pháp bố thí chân thật, pháp bố thí viên mãn. Ta tiếp thọ đối với giáo huấn của Phật, tiếp thọ được đầy đủ tín-giải-hành-chứng thì gọi là thọ trì, nếu bạn không đầy đủ bốn chữ này thì không gọi là thọ trì. Cho nên hai chữ thọ trì này cũng thường hay bị người hiểu lầm, tôi thọ trì kinh Vô Lượng Thọ,cái gì gọi là thọ trì? Mỗi ngày đọc qua một lần gọi là thọ trì. Đó là hoàn toàn sai lầm. Mỗi ngày đọc qua một biến chỉ là đọc tụng, đó không phải là thọ trì. Thọ trì phải đầy đủ tín-giải-hành-chứng. Ta đối với bộ kinh này tin sâu không nghi; ta có thể lý giải những đạo lý trong kinh này đã nói; có thể thực tiễn ở ngay trong đời sống của chính mình, chân thật đem nó làm cho được;đạo lý, phương pháp và công đức mà trong Phật kinh đã nói ta chân thật có được, đó là chứng. Tín-giải-hành-chứng, nếu thiếu đi một chữ thì thọ trì không viên mãn. Cho nên chính mình chân thật có thể làm được vì người diễn nói, biểu diễn cho người xem,như sau cùng 53 đồng tham trong kinh Hoa Nghiêm, bạn xem Thiện Tài Đồng Tử cùng các vị thiện hữu đem Phật pháp làm ra cho người xem, đây gọi là diễn. Nói là khi người ta đến hỏi, mình tỉ mỉ mà giảng giải cho họ nghe. Chúng ta xây giảng đường, mỗi ngày ở trong giảng đường khai giảng đó gọi là nói, làm ra cho người xem đó gọi là diễn. Diễn là thân giáo, nói là ngôn giáo, thọ trì là ý giáo. Thân-ngữ-ý ba luân giáo hóa, đây mới là gia nghiệp của nhà Phật, gia nghiệp Như Lai.
Từng câu từng lời nói ở trên kinh mà Phật đã nói không hề nói sai, rất nhiều người đọc kinh hiểu sai đi ý nghĩa, hiểu ý nghĩa chưa sâu, hiểu lệch đi ý nghĩa, cho nên lợi ích chân thật vĩnh viễn không thể có được. Không có được nhưng họ không quay đầu lại kiểm điểm chính mình, không phản tỉnh, còn cho rằng kinh Phật là không đáng tin, còn hoài nghi đối với thánh giáo, tạo tội nghiệp nghiêm trọng, tạo thành chướng ngại của chính mình, như vậy thì họ làm sao có thể khai ngộ,làm sao có thể khế nhập? Những đạo lý này nhất định phải hiểu. Không hiểu thì pháp môn bố thí này bạn không cách gì tu được, bạn không thể tu. Bạn khởi tu cũng không được như lý, không được như pháp. Đương nhiên cũng có thể được chút quả báo nhỏ, phước nhỏ trời người, nhưng bạn không có được công đức lợi ích thù thắng chân thật.
Chỗ này tóm lại một câu mà nói, vẫn là do nghe kinh quá ít. Cho nên chúng ta thử nghĩ xem, Thế Tôn năm xưa ở đời 49 năm, ngày ngày giảng kinh nói pháp. Phật là người tái lai, không phải phàm phu, một ngày nói tám giờ đồng hồ, nếu một ngày nói luôn 24 giờ thì Ngài cũng không mệt. Không như phàm phu chúng ta, nói nhiều rồi thì mệt, Ngài là vĩnh viễn không mệt không mỏi, đây là ân đức không gì sánh bằng của Phật đối với chúng sanh. Cho nên năm xưa có nhiều người như vậy đi theo Ngài, chúng thường tùy, trên kinh đã ghi chép có 1.255 người, đó là đệ tử theo Phật xuất gia, tham gia tăng đoàn này, không rời khỏi Thế Tôn một bước. Đây là con số ghi chép, còn số không ghi chép, các vị phải nên biết là còn nhiều hơn rất nhiều so với số người này. Đệ tử tại gia không thể nói là suốt năm đi theo Thế Tôn, khi họ có thời gian rảnh thì sẽ đi theo một vài ngày, cùng đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật một vài tháng, ngay trong tưởng tượng của chúng ta là hai, ba tháng, nửa năm, một năm, ba năm, năm năm,số người này nhất định là rất nhiều. Số đệ tử này không có ghi chép trên kinh sách,thế nhưng chúng ta thường hay xem thấy trên kinh sách, ngoài chúng Tỳ Kheo ra, có chúng Bồ Tát, có chúng thiên nhân, trong số người đó bao gồm cả những số người không có ghi chép kia.
Như hiện tại ở nơi đây chúng ta xây dựng giảng đường cùng niệm Phật đường vậy, đồng tu cư ngụ ở Singapore ngày ngày đến tham gia, mỗi một lần giảng tôi đều xem thấy các vị đến nghe kinh, các vị đến nơi đây niệm Phật. Thế nhưng người khu vực bên ngoài Singapore đến nơi đây một tuần lễ, hai tuần lễ, một tháng, hai tháng thì rất nhiều, những người này không thuộc về chúng thường tùy. Tình hình chúng ta ngày nay là như vậy, Thế Tôn năm xưa ở đời lại chẳng phải như vậy sao? Do đây có thể thấy, pháp duyên pháp hội thù thắng, nhân duyên hy hữu, chỉ có chân thật giác ngộ, người chân thật nhận biết giáo dục của Phật thì họ mới chịu ham học, họ mới có thể học thành công. Sau khi học thành thì làm tấm gương cho người khác. Đến nơi đây học một thời gian, khí chất cải biến, gọi là thay đổi khí chất. Khi bạn quay về thìnhững bạn bè đồng tham của bạn, sau khi xem thấy bạn cảm thấy bạn hoàn toàn khác,sau khi ra đi thời gian không bao lâu quả nhiên liền có thay đổi,thế là họ cũng đến nơi đây học, liền chịu ảnh hưởng của bạn. Bạn ảnh hưởng những người này đến nơi đây để tham học, bạn chính là tiếp dẫn họ, độ hóa họ. Cho nên, chính chúng ta sau khi học xong chân thật làm đến được, tự hành thì là hóa tha. Không phải ngoài tự hành ra có một bộ hóa tha. Tự hành cùng hóa tha là một sự việc, hóa tha chính là tự hành, tự hành chính là hóa tha, một mà hai, hai mà một, bạn mới có thể dần bước vào ngưỡng cửa của Phật pháp.
Thứ hai là trì giới ba la mật.
Không chỉ là Thế Tôn vì chúng ta chế định ra những giới điều này, mà trong giới điều đã quy định có một bộ phận là vĩnh cửu, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là siêu việt thời không, không bị hạn chế thời gian, cũng không bị hạn chế bởi không gian. Thời gian là quá khứ, hiện tại, vị lai. Thế Tôn vào ba ngàn năm trước, người nước ngoài hiện đại nói là hơn 2.500 năm, trong điển tích chúng ta ghi chép là hơn 3.000 năm trước;không luận là 2.500 hay là 3.000, tóm lại mà nói, thời đại này rất lâu xa rồi, thời đại đó cùng thời đại hiện tại của chúng ta tuyệt đối không như nhau. Phật chế định giới điều vào thời đại đó thì thích hợp, đến thời đại hiện tại này vẫn thích hợp, đây gọi là siêu việt thời gian. Trong giới điều có những gì? Hiện tại chúng ta gọi là căn bản giới, đó là quyết định siêu việt thời gian, thuộc về nghi qui.
Oai nghi đời sống thì không thể siêu việt thời gian. Phương thức đời sống xưa và nay không như nhau, rất nhiều hạn chế hoàn toàn khác nhau, ý thức hình thái không như nhau, do đó thời đại đó trở thành lịch sử, quá khứ rồi. Thế nhưng chúng ta phải hiểu được tinh thần của nó, không trái với tinh thần của giới luật, tưởng tượng hiện tại phải nên làm như thế nào. Đây là nói vấn đề trên thời gian. Không gian thì sao? Thế Tôn năm xưa giáo học du hóa là ở Ấn Độ. Ấn Độ của thời xưa, vào lúc đó giao thông không thuận tiện, Thế Tôn chưa hề đến Trung Quốc, các học trò của Ngài cũng không có đến Singapore, hơn nữa mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc, bối cảnh văn hoá lịch sử không như nhau, phương thức đời sống không như nhau, tư tưởng tín ngưỡng cũng không như nhau, do đó ngoài giới cơ bản ra thì không thể siêu việt. Cơ bản giới thì không luận là ở một khu vực nào, không luận ở một quốc gia nào, không luận tín ngưỡng tôn giáo nào, mọi người đều công nhận, vậy thì siêu việt không gian. Không sát sanh, không trộm cắp thì không luận là tôn giáo nào cũng đều có giới điều này, đây là siêu việt. Không luận ở một quốc gia nào, một dân tộc nào, không có người nào nói sát sanh là việc nên làm, trộm cắp là việc có thể làm. Trong Phật pháp cơ bản giới có bốn điều làkhông sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ. Không uống rượu thì đối với thời không thì không được. Cho nên Phật chế định căn bản giới là bốn điều, xác thực là siêu việt thời không, chúng ta nhất định phải tuân thủ.
Giới điều không uống rượu này, Phật nói ra rất rõ ràng gọi là giá giới, bốn giới còn lại gọi là tánh giới. Hay nói cách khác, không luận bạn thọ giới hay không thọ giới, không luận bạn hiểu hay không hiểu giới, bạn phạm rồi đều có tội, không thể nói tôi không có thọ giới thì tôi phạm không có tội, không có đạo lý này. Bạn không có thọ giới, phạm rồi thì vẫn là phạm tội. Thế nhưng giới điều không uống rượu này, nếu bạn chưa thọ qua giới thì không phạm tội. Vậy tại vì sao Phật chế định ra giới điều này? Rượu có thể loạn tánh, sau khi say rượu rồi thì làm những việc giết người trộm cắp, cho nên bảo bạn không uống rượu là giữ cho đầu óc của bạn được tỉnh táo, không đến nỗi mê hoặc, không đến nỗi phạm tội. Giới rượu là thuộc về phòng ngừa bạn phạm tội, bản thân uống rượu không có tội, cho nên cũng đem nó xếp vào trong trọng giới. Đây được xem là đại giới, tuy không phải căn bản nhưng nó được xem là đại giới. Đây thuộc về giới điều.
Ngoài giới điều ra, trì giới là nghĩa rộng, không phải nghĩa hẹp, đây là nói qui phạm đời sống của Phật Bồ Tát, điển phạm của đời sống. Đời sống của các Ngài chính là điển phạm của chúng ta, ở ngay trong đời sống của các Ngài lưu xuất ra rất tự nhiên. Chúng ta phải học với các Ngài. Theo nghĩa rộng, những lời Phật dạy trong tất cả kinh giáo chúng ta đều phải tuân thủ, đều phải học tập, đó là trì giới. Giới điều này chính là lời răn dạy của Phật tổ, Ngài đã nói ra những lời giáo huấn này để dạy bảo chúng ta, chúng ta nhất định phải y giáo phụng hành. Cho nên phạm vi của giới luật rất lớn, trong nhà Phật cũng đem nó quy nạp thành ba loại lớn.
Một loại là luật nghi giới. Đây chính là Phật đã chế định, có điều văn quy định rõ ràng. Luật nghi điều văn quy định bao gồm tất cả pháp luậtthế gian hiện tại chúng ta, bao gồm tất cả những quy ước, nó đều là có văn tự ghi chép, đây là thuộc về luật nghi. Mỗi một quốc gia khu vực, mỗi một thời đại khác nhau, đây là chúng ta nói đến Phật pháp phải biết hiện đại hóa, bổn thổ hóa, thì Phật pháp mới có thể thường trụ ở thế gian. Nếu như Phật pháp không hiểu được bổn thổ hóa, không hiểu được hiện đại hóa, nó nhất định ở khu vực Ấn Độ đó thì đã sớm biến thành lịch sử rồi, làm sao có thể truyền tiếp được. Có thể truyền tiếp là siêu việt thời không. Siêu việt thời không thì nhất định phải thích hợp hiện đại hóa cùng bổn thổ hóa của các khu vực. Ngoài giới điều căn bản ra, tất cả giới luật cũng phải hiện đại hóa, cũng phải bổn thổ hóa.
Như vào thời Đường Trung Quốc, đại sư Bách Trượng thành lập thanh qui, thanh qui đó chính là Trung Quốc hóa giới luật thời xưa. Vào lúc đó, triều nhà Đường đã Đường hóa, ngày nay chúng ta gọi là hiện đại hóa, bổn thổ hóa, bổn thổ hóa giới luật hiện đại. Đời sống của chúng ta hiện đại, tùy theo khoa học kỹ thuật, khoa học ngày càng tiến bộ, đời sống nhân văn của chúng ta cũng bị ảnh hưởng, cũng theo đó mà thay đổi. Cho nên các vị phải nên biết, pháp luật cứ cách vài năm thì phải tu đính một lần. Tại vì sao phải tu đính? Tu đính chính là thời đại không giống nhau, cách vài năm thì những pháp luật đó hiện tại không còn thích hợp nữa, cho nên không ngừng tu sửa, không ngừng hiện đại hóa, không ngừng thích hợp với địa phương hóa thìchúng ta ở nơi đây, mọi người sinh hoạt ở khu vực này được thuận tiện. Cho nên pháp luật, qui ước thường phải tu sửa. Có những pháp luật một năm phải tu sửa hai ba lần, thậm chí ngay đến hiến pháp cách vài năm phải trùng tân kiểm thảo một lần, tu đính điều văn, đều là cái đạo lý này.
Loại thứ hai là nhiếp thiện pháp giới. Ngoài bộ phận luật nghi này ra, Phật còn giảng cho chúng ta nghe “nhiếp thiện pháp giới”. Nhiếp thiện pháp thì không có điều văn qui định, thế nhưng những sự việc này là lợi ích tất cả chúng sanh, lợi ích xã hội, ngày nay chúng ta gọi là với xã hội an định phồn vinh, có quan hệ với thế giới hòa bình hạnh phúc. Tuy trong kinh Phật không có nói, điều văn pháp luật thế gian cũng không có nói, cũng không qui định chúng ta phải làm, nhưng chúng ta phải nên làm, đó là nhiếp thiện pháp giới. Biết được đây là việc thiện, tuy không có dạy chúng ta làm, chúng ta cũng làm.
Còn có một loại gọi là “nhiêu ích hữu tình giới”. Bởi vì trong nhiếp thiện pháp giới có tự lợi lợi tha, nhiêu ích hữu tình giới có lợi ích đối với tất cả chúng sanh, có thể không có lợi ích đối với chúng ta, có nên làm hay không? Nên làm, xả mình vì người. Tóm lại mà nói, chúng ta nhất định phải nên hiểu, lấy lợi ích của tất cả chúng sanh làm hạnh phúc của chính chúng ta, đây gọi là tâm từ bi, đây là tâm Bồ Tát. Bồ Tát có thể xả mình vì người, hy sinh chính mình thành tựu người khác, nhiêu ích hữu tình.
Do đây có thể biết, phạm vi trì giới rất là rộng. Thông thường chúng ta dùng lời hiện đại để giải thích trì giới, tôi thường nói “thủ pháp”, vậy thì mọi người dễ hiểu. Trì giới thì không dễ hiểu, còn cần phải giải thích, dùng thủ pháp thì khái niệm tương đối rõ ràng hơn, tức làtuân thủ giáo pháp của Phật, tuân thủ pháp luật của quốc gia, tuân thủ qui ước của địa phương. Chúng ta đến nhà của người ta, cũng có lễ tiết của nhà người, cũng có gia pháp của nhà người. Đến một đạo tràng, một đạo tràng cũng có qui ước của nó, chúng ta nhất định phải tuân thủ. Chúng ta có thể thủ pháp thì mới có thể được hoan nghênh của đại chúng, mới có thể ở chung hòa thuận với đại chúng. Cho nên đến một khu vực, nhất định phải hiểu rõ pháp luật của địa phương đó, phải hiểu rõ phong tục tập quán, quan niệm đạo đức của địa phương đó. Chúng ta ở nơi đây, lời nói hành động không nên có xúc phạm, không hiểu thì phải thường hỏi, nên gọi là nhập cảnh phải tùy tục, đó là hiện đại hoá và bổn thổ hóa của việc trì giới. Như vậy thì điều này chúng ta mới có thể làm được đúng pháp, như lý như pháp, người thông thường chúng ta gọi là “hợp tình, hợp lý, hợp pháp”, như vậy mới làm đến viên mãn.
Thứ ba là nhẫn nhục ba la mật.
Ý nghĩa chính là phải nhẫn nại. Nhẫn nại phiên dịch trong Phật kinh dịch thành nhẫn nhục, đây là các pháp sư dịch kinh ngày trước có dụng ý dùng cái chữ này. Vào thời xưa, tiếp xúc Phật pháp sớm nhất là giai cấp sĩ phu, nếu dùng lời hiện đại mà nói thì là phần tử tri thức Trung Quốc. Khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, tiếp xúc sớm nhất là một số phần tử tri thức. Đế vương, đại thần, phần tử tri thức, họ tiếp xúc Phật pháp sớm nhất. Ở Trung Quốc, trong giai cấp sĩ đại phu, chúng ta xem thấy trong sách xưa có câu nói là “sĩ khả sát, bất khả nhục”. Sĩ chính là phần tử tri thức, phần tử tri thức có khí tiết, có thể chặt đầu, không thể vũ nhục. Những vị pháp sư dịch kinh nghe được lời nói này nên dịch thành “nhẫn nhục”, nhục mà còn có thể nhẫn thì còn có thứ gì không thể nhẫn? Cho nên đặc biệt dùng cái chữ này. Đây không phải là bổn nghĩa của sáu Ba La Mật. Bổn nghĩa của nó là nhẫn nại. Phiên dịch ở Trung Quốc đặc biệt dùng chữ này, cũng chính là người Trung Quốc xem sự vũ nhục quá nặng, chấp trước quá đáng. Các đại sư này có trí tuệ, mong muốn phá đi chấp trước này của bạn. Không nên quá xem trọng, không nên quá so đo, nhục cũng phải nên nhẫn, lấy cái ý này.
Trong nhẫn nhục, Phật quy nạp làm ba loại lớn. Thứ nhất là đối với người, chúng ta gọi là đối nhân sự, cũng chính là tai hại do con người làm, tổn hại do con người làm, việc nhỏ người khác không lượng thứ đối với chúng ta, vũ nhục đối với ta, hủy báng đối với ta, chướng ngại đối với ta, thậm chí hãm hại đối với ta, thảy đều có thể nhẫn, quyết định không có ý niệm báo thù. Tại vì sao không nên có ý niệm báo thù? Nhất định phải nên hiểu, trong đây quyết định có nhân tố của nhân quả. Họ hủy báng ta, hãm hại ta, tại vì sao họ không hủy báng người khác hãm hại người khác? Cho nên chúng ta nhất định phải chính mình phản tỉnh, chính mình tư duy, quả báo này ắt có nhân phía trước, hoặc giả là ngay trong đời quá khứ ta đã dùng thái độ này đối với họ, họ ngày nay nhân duyên hội đủ, họ hồi báo đối với ta. Ta hiểu rõ ta phải nên thừa nhận, không nên so đo, ân oán của chúng ta liền được hóa giải ở ngay đây,vậy thì tốt. Phật dạy cho chúng ta: “Oan gia nên giải không nên kết”, đây là khai thị rất là quan trọng, chúng ta quyết định không nên kết oán với người. Bị oan uổng quyết định không thể né tránh, vì sao vậy? Trong đời quá khứ vô lượng kiếp đến nay ngu si không biết, chúng ta đã kết bao nhiêu oán với tất cả chúng sanh? Ngày nay bị những tai nạn này, nghĩ lại phải nên chịu, không có lời gì để nói. Cho nên ở ngay trong tất cả nghịch cảnh không như ý, chúng ta liền thản nhiên, tự tại mà trải qua, cũng hoan hỉ tiếp nhận. Đây chân thật gọi là tiêu tai giải nạn. Nghiệp chướng của bạn, tai nạn của bạn cứ như vậy mà tiêu trừ, đời sau thì không còn, đã trả hết nợ rồi. Cái điểm này rất quan trọng. Cho nên người học Phật, nếu muốn học Bồ Tát, quyết định không kết oán thù với bất cứ chúng sanh nào, chúng ta chỉ có hóa giải, quyết định không nên tạo oán kết tiếp. Bất cứ tai nạn gì, bất cứ khổ báo gì cũng đều chấp nhận, đại sư Ấn Quang gọi là cho dù bị người khác ngũ mã phanh thây, hình phạt tàn khốc mà chết cũng không có chút tâm oán hận.
Trong Phật kinh, các vị đã đọc qua kinh Kim Cang. Trong kinh Kim Cang nói qua câu chuyện này, thế nhưng nói rất đơn giản, Ca Lợi Vương cắt xẻo thân thể. Câu chuyện này nếu các vị muốn biết nhiều một chút thì trong kinh Đại Niết Bàn, văn tự ghi chép câu chuyện này rất tường tận. Nhẫn nhục tiên nhân có thể nhẫn nhục, không những không có ý niệm báo thù, một ý niệm oán hận cũng không có, cho nên Phật nói đó là hiện tượng nhẫn nhục Ba La Mật viên mãn. Do đó, người khác vô duyên vô cớ hãm hại chúng ta, đó chẳng phải là thành tựu nhẫn nhục Ba La Mật cho chúng ta hay sao? Nếu không thì pháp môn này đến nơi đâu để tu? Nếu bạn muốn hiểu rõ được đạo lý này, không những không có tâm oán hận mà còn cảm tạ, cảm ơn họ đã tạo cơ hội để cho ta tu nhẫn nhục Ba La Mật. Nếu như không có những người ác và nghịch cảnh đến dày vò, thì nhẫn nhục Ba La Mật chúng ta không có chỗ để tu. Hiểu rõ đạo lý này, thấu đáo chân tướng sự thật, thì những người này là đại thiện tri thức của chúng ta, là đại ân nhân của chúng ta, chúng ta làm sao có thể dùng tâm ác để đối đãi với ân nhân?
Cùng đồng một đạo lý vậy, người khác có cái tốt với ta, thường hay chăm sóc ta, quan tâm ta, đó là thuận cảnh. Thuận cảnh cũng phải nhẫn nhục Ba La Mật, tại vì sao vậy? Nếu như không tu nhẫn nhục, bạn sẽ tăng thêm lòng tham, tham luyến thì cũng phiền rồi. Nghịch cảnh sanh sân hận, thuận cảnh sanh tham luyến, đều đọa lạc. Mọi người không nên cho rằng người ác đáng ghét, người thiện cũng đáng ghét. Nếu bạn không có trí tuệ thì hai bên đều đọa lạc, không phải đọa lạc bên đây thì cũng đọa lạc ở bên kia, trong thuận cảnh luôn luôn đọa lạc thê thảm hơn so với trong nghịch cảnh nhiều, nhiều hơn so với phía người ác này. Cho nên đời người đích thực là hiểu đạo, trong thuận cảnh nắm lấy chính mình, quyết định không thể đọa lạc, không thể khởi lên tâm tham.
Buổi sáng hôm nay, tôi nói với mọi người, thức ăn của Cư Sĩ Lâm hiện tại không tệ, nhà ăn của lầu hai tôi thấy vượt hơn so với Hoằng Quốc, không thể nào ít hơn. Sợ là mọi người xem thấy nhiều thức ăn đến như vậy, làm được ngon đến như vậy, làm được sạch sẽ đến như vậy, bạn cầm lấy cái đĩa, mỗi một món gắp lấy một ít đã quá nhiều, thì bạn ăn đã quá nhiều rồi, đối với sức khỏe của bạn có chướng ngại. Đó là thuận cảnh. Bạn thấy nhiều người như vậy nhiệt tâm cúng dường, là thuận cảnh. Chính mình nếu có trí tuệ, ở trong đó chỉ lấy thứ cần thiết, ta chỉ cần mấy món ăn no là được rồi, không nên ăn quá no, ăn bảy phần tám phần thì được rồi, vạn nhất không nên tham thố, làm hư đi thân tâm của chính mình. Ăn quá no không dễ tiêu hóa, thì bạn dễ dàng bị bệnh, bệnh bao tử. Thân bạn hỏng rồi, tâm làm sao không hỏng? Khởi lên tâmtham, món này ăn ngon, món kia cũng ăn ngon, bạn đã khởi lên tâm tham, cho nên thân tâm bạn đều bị chướng ngại. Ta không bảo họ cúng dường ít đi một chút, tại vì sao vậy? Người ta tu phước mà, cũng là nhiều người như vậy đến ăn cơm, khẩu vị mọi người không như nhau. Cho nên khi chúng ta đi lấy thức ăn, chọn lựa thứ mình ưa thích, chọn lựa ba bốn loại thì đủ rồi, không nên mỗi thứ đều lấy, đây là lòng tham. Chỉ lấy thứ mà mình cần thôi, chọn vài món thì tốt rồi. Cho nên chính mình phải giữ lấy trí tuệ cao độ. Đây đều là tu nhẫn nhục Ba La Mật. Ăn cơm cũng là tu nhẫn nhục Ba La Mật, xem bạn có thể nhẫn hay không? Do đây có thể biết, nhẫn nại là ở ngay trong cuộc sống thường ngày, từng li từng tí đều phải biết đủ, đều phải giữ lấy bổn phận của chính mình, biết được thứ chính mình cần thiết, vừa đủ mà thôi, đó chính là nhẫn nhục Ba La Mật. Cho nên nhẫn nhục Ba La Mật, thực tế mà nói, chính là tu tri túc thường lạc. Đây là chúng ta nói đối với hoàn cảnh nhân sự. Trong hoàn cảnh nhân sự cũng có thuận nghịch.
Loại thứ hai là hoàn cảnh đời sống của chúng ta, hoàn cảnh vật chất, phạm vi này bao gồm rất rộng. Chúng ta ở ngay trong cuộc sống, có thuận cảnh, cũng có nghịch cảnh. Nhất là hoàn cảnh tự nhiên, trong một năm có thay đổi xuân hạ thu đông. Singapore ở gần đường xích đạo, đây là khu vực mùa hạ dài, một năm chỉ có một quý. Chúng ta suốt năm sống ở khu vực này gần như không có cảm giác gì, thế nhưng hiện tại do vì đời sống dư giả, giao thông thuận tiện, mùa hạ mọi người đều đi du lịch trải qua mùa hè. Bạn đi đến khu vực mà hoàn cảnh đời sống khác với nơi đây. Nếu như bạn muốn đi đến phương bắc, phương bắc hiện tại là mùa đông, bạn phải có thể nhẫn nại, nhẫn chịu đối với giá lạnh. Phương thức đời sống khác nhau, ý thức hình thái khác nhau, một số qui củ khác nhau. Thí dụ chúng ta ở nơi đây, các vị lái xe, tay lái xe là ở bên phải, ở Đài Loan thì tay lái xe là ở bên trái. Nếu như bạn đến nơi đó tự mình lái xe, thì bạn phải thích ứng với hoàn cảnh. Đây đều là nói đến thích ứng, chính là nói phải nhẫn nại. Thời gian bạn cư ngụ ngắn thì bạn có mấy ngày nhẫn nại ngắn ngủi, thời gian bạn cư ngụ dài thì bạn phải nhẫn nại thời gian dài. Đây là nói chúng ta đối với thay đổi của hoàn cảnh tự nhiên phải có nhẫn nại thì mới có thể thích ứng.
Loại thứ ba Phật nói là tu học. Tu học bao gồm thế xuất thế gian pháp, chúng ta muốn học một thứ nào thì không phải vài ngày, mấy giờ thì liền có thể học xong, nhất định cũng là thời gian dài. Giáo học của thế gian có tiểu học, có trung học, có đại học. Trong quá trình cầu học, nếu như không có nghị lực, không có quyết tâm, không có sức nhẫn chịu, thì sự nghiệp học tập của bạn không thể hoàn thành. Tu hành cũng là như vậy. Không luận tu học một pháp môn nào đều là thời gian dài, không phải thời gian ngắn. Trong tất cả pháp môn, mọi người đều nói pháp môn Tịnh Độ là đạo dễ hành. Đạo dễ hành là so với các pháp môn khác thì pháp môn này dễ làm, bạn không thể xem là quá dễ dàng, mà là so với các pháp môn khác thì pháp môn này tương đối dễ dàng, nhưng vẫn là phải có tâm nhẫn nại, phải có nghị lực, thì bạn mới có thể tu thành công.
Bộ kinh Vô Lượng Thọ này, ở trong tất cả kinh điển Đại Thừa, đích thực nó không được xem là phân lượng quá dài, cũng không được xem là quá cao thâm, mà rất là thích hợp với người hiện tại tu học. Văn tự của kinh cạn sâu vừa vặn, dài ngắn thích hợp. Hội tập của Hạ Lão cư sĩ công đức vô lượng vô biên, dẫn dắt chúng sanh có duyên 9.000 năm mạt pháp về sau, quyết định là do bộ kinh điển này mà được độ. Từ trong bộ kinh điển này đã xây dựng nền tảng tín-giải-hành-chứng, niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật. Kinh văn tuy là không nhiều, nhưng cũng phải có tâm nhẫn nại. Đọc qua một lần từ đầu đến cuối, tôi khuyên các vị không nên đọc quá nhanh, đọc chậm một chút, đọc cho ra ý nghĩa của nó thì bạn mới chân thật có được thọ dụng. Người xưa thường nói: “Tùy văn nhập quán”,câu nói này rất quan trọng. Tùy theo văn kinh chúng ta liền khế nhập cảnh giới, đây gọi là biết đọc. Không biết đọc thì chỉ là đọc văn tự, sau khi đọc xong thì là cái gì cũngkhông hề biết, ý nghĩa gì cũng không biết. Cho nên đọc tụng vạn nhất không nên thời gian quá vội. Ta đọc được rất nhanh, nửa giờ đồng hồ thì đọc xong, thì cho qua, đây là trả bài đối với Phật Bồ Tát, dường như là đọc để các Ngài nghe, không liên quan gì với chính ta. Sáng sớm đọc một lần, hoặc là đọc hai lần, có người phát tâm đọc ba lần, đều là đọc rất nhanh. Xong việc rồi, ta là học trò tốt, ta một ngày đọc ba biến, kỳ thật tín-giải-hành-chứng hoàn toàn không có. Đọc như vậy cũng như không đọc, đó chính là người xưa đã nói “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Cho nên các vị phải nên biết, đọc kinh từng câu từng chữ phải tương ưng với tín-giải-hành-chứng. Đọc một câu A Di Đà Phật cũng phải tương ưng. A Di Đà Phật, khi bạn niệmbốn chữ này, bên trong cũng phải đầy đủ tín-giải-hành-chứng thì công phu của bạn làm sao mà không có lực chứ? Làm sao mà bạn không có thành tựu? Ngày nay chúng ta làm việc chỉ là ở trên bề nổi, không hề ở trên thực chất mà hạ công phu, cho nên tu tập thế nào cũng đều cách một tầng. Bạn không có tâm nhẫn nại thì bạn làm sao có thành tựu? Niệm Phật phải có tâm nhẫn nại, đọc kinh cũng phải có tâm nhẫn nại, học tập cũng phải có tâm nhẫn nại, trong cách tu phải có nhẫn nhục thì bạn mới có thể thành tựu. Nhất là một môn thâm nhập, huân tu dài lâu thì càng cần phải có tâm nhẫn nại rất lớn.
Hiện tại, công tác trù bị của Phật Học Viện chúng ta cùng thôn Di Đà tương đối thuận lợi. Buổi trưa hôm nay, Cư Sĩ Lý nói với tôi, trường học bên Dương Li Cảng họ đã quyết định dọn đi, thời gian họ yêu cầu là cho họ hai tháng để họ dọn đi. Cư Sĩ Lý hy vọng càng nhanh càng tốt. Sau khi họ dọn đi, sau khi chúng ta tiếp nhận rồi, tôi nghĩ quét dọn phun sơn chỉnh lý trang hoàng lại, đại khái thời gian hơn một tháng thì chúng ta có thể dọn vào, lớp bồi dưỡng của chúng ta liền biến thành Phật Học Viện. Khóa trình của Phật Học Viện, dự khóa một năm, chánh khóa ba năm, lớp nghiên cứu ba năm, toàn bộ học trình là bảy năm. Bạn phải có lòng nhẫn nại học qua bảy năm thì bạn mới có thể tốt nghiệp được. Nếu bạn không có lòng nhẫn nại thì bạn không có thành tựu. Bảy năm học cái gì? Một môn. Một môn thâm nhập thì bạn mới có thể thành tựu. Học một môn nào? Các học trò tự mình chọn lựa, chúng ta không hạn chế, chính bạn ưa thích một môn nào thìchọn lấy một môn này, thời gian bảy năm một môn thâm nhập. Chọn lấy một bộ Phật Thuyết A Di Đà kinh cũng phải học bảy năm, không thể nói tôi chọn lấy cái nhỏ, tôi vài tháng thì có thể tốt nghiệp rồi, vẫn là phải học bảy năm thìA Di Đà Kinh mới học được tốt. Trong dự khóa một năm, tôi có một cách nghĩ, học Di Đà Kinh Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh, trong lớp chánh khóa học Di Đà Kinh Yếu Giải. Yếu Giải thì có hai người thời cận đại chú giải, pháp sư Viên Anh có Yếu Giải giảng nghĩa, pháp sư Bảo Tịnh có Yếu Giải Thân Văn Ký, hai thứ này đủ để cho bạn học ba năm. Lớp nghiên cứu ba năm, học Sớ Sao của Đại Sư Liên Trì. Một bộ kinh A Di Đà cũng phải học bảy năm. Sau bảy năm, bạn đem kinh Di Đà nghiên cứu được thấu triệt, bạn ra bên ngoài đi giảng kinh Di Đà, người ta chắp tay nói A Di Đà Phật đến rồi, A Di Đà Phật đến giảng cho chúng ta nghe kinh A Di Đà, như vậy mới có thể thành tựu. Cho nên tương lai học viện Phật Giáo chúng ta, thậm chí tương lai diễn biến thành đại học Phật Giáo, học trò chúng ta đều là một môn thâm nhập. Khóa trình chúng ta xếp trong Phật học việnso với các trường học khác, phương pháp giáo học hoàn toàn không như nhau. Phật Học Viện chúng ta nơi đây chưa đúng với chức danh của nó, chúng ta đến nơi đây là để học làm Phật, là học làm Bồ Tát, không phải làm thứ khác. Hoàn toàn khác với nơi khác, quyết định không như nhau. Đây là nói bạn tu học “nhẫn nhục”.
Tốt rồi, thời gian hôm nay đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 74)
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban Biên Tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.