GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 51/374
PHẨM THỨ BA
ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI
Kinh văn: “Đại giáo duyên khởi đệ tam”.
Phẩm này là phát khởi phần tựa của bổn Kinh, nói rõ bộ Kinh này, nhân duyên phát khởi lần pháp hội. Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ vận dụng năm loại nguyên bản dịch, có thể tham khảo đối chiếu lại xem, đó là một việc rất tốt.
Kinh văn: “Nhĩ thời Thế Tôn, oai quang hách dịch, như dung kim tụ, hựu như minh cảnh, ảnh sướng biểu lý, hiện đại quang minh, số thiên bách biến”.
Đoạn nhỏ này là nói Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành, dẫn khởi nhân duyên thù thắng của lần pháp hội này. “Nhĩ thời” là khi giới thiệu phần chứng tín xong, cũng chính là pháp hội bắt đầu, đại chúng tụ hội, giống như thính chúng chúng ta đến tham dự pháp hội, mọi người đều đã đến đầy đủ, chính vào ngay lúc này. Trong phần tựa, chứng tín nói rất nhiều, tán thán trí tuệ đức năng của Bồ Tát dự hội, chúng ta cũng đã từng nói qua rất tỉ mỉ với các đồng tu.
Vào lúc này, Thế Tôn “oai quang hách dịch”. “Oai” là nói oai đức, oai thần của Thế Tôn Ngài. “Quang” là quang minh. “Hách dịch”, “hách” là rất tường tận, “dịch” là ý nghĩa tươi tốt. Chính là lúc này, dáng vẻ của Thích Ca Mâu Ni Phật hiển lộ rất thù thắng, rất khác thường, mỗi một đại chúng dự hội đều nhận ra được rất rõ ràng. Phía sau nêu ra một thí dụ: “Như dung kim tụ”, thí dụ này rất hay. Chúng ta đọc được ở trên Kinh, sắc tướng của Phật thường dùng sắc vàng để hình dung. Vàng là một trong bảy báu, vàng sở dĩ được người thông thường xem rất là quí trọng bởi vì vàng ở trong bất cứ tình huống nào cũng không biến sắc, màu sắc của nó vĩnh viễn tươi đẹp, nhất là khi vàng ròng tan chảy ở trong nhiệt độ cao, màu sắc đó càng đẹp. Dùng cái này để thí dụ cho vẻ mặt của Phật hôm đó. Vẻ mặt của Phật có thể nói còn thù thắng xinh đẹp hơn thí dụ này, không tìm ra một chút kém khuyết nào. Chính là lấy cái ý này.
“Hựu như minh cảnh”. “Minh cảnh” là trong ngoài phát sáng.
Phía sau nói “ảnh sướng biểu lý”. “Ảnh” là nói quang ảnh, quang ảnh là nói ở bên ngoài, biểu thị bên ngoài của Phật; “sướng” là một chút chướng ngại cũng không có, từ biểu thị bên ngoài có thể thấy được bên trong. Trong đây là nói sắc tướng của Phật. Chúng ta thường nói sắc tướng của người này là trong suốt, thân thể này trong suốt, đích thực là như vậy. Cái tướng này tốt, nếu dùng lời thông thường hiện tại mà nói, đó là hình tướng rất khoẻ mạnh. Phàm phu vì sao trong và ngoài không thấu suốt? Là bởi vì phàm phu có vọng tưởng, có phiền não, có lo lắng, có vướng bận, cho nên trong sắc tướng của phàm phu là tối tăm, một mảng mờ mịt. Chư Phật Bồ Tát đã đoạn hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên trong ngoài của các Ngài trong suốt. Phàm phu thông thường chúng ta, trong chính mình là một mảng bồn chồn, cho nên không có năng lực thấy được người khác. Thế nhưng thế gian này có một số người tu hành có được chút định lực, chúng ta nói họ có năng lực hàng phục được phiền não, chưa phải là đoạn được, chỉ hàng phục, cũng là thông thường chúng ta gọi là công phu thành khối; những người này tâm thanh tịnh, phiền não ít, phiền não rất nhẹ, họ liền có năng lực xem thấy tất cả sắc thân của chúng sanh, cũng có thể xem thấy bên trong của sắc thân. Hiện tại chúng ta gọi họ là có công năng đặc biệt, hoặc giả có người gọi họ có cặp mắt X-quang, đều thuộc về loại này. Trong Phật pháp cũng gọi là thiên nhãn thông, họ liền có thể xem thấy bên trong của một người. Cho nên thân thể của bạn có phải là trong suốt hay không, họ vừa nhìn liền biết được. Nếu như là trong suốt thì công phu tu hành rất cao, chí ít phiền não đã không còn khởi hiện hành, thân tâm trong suốt, đó nhất định không phải là người phàm. Phàm phu không làm được.
Năm xưa khi tôi giảng Kinh ở Miami, Hoa Kỳ, đã từng có một ông người Mỹ có thiên nhãn, cũng chính là công năng đặc dị, khi tôi giảng Kinh ông ấy cũng đến nghe. Khi ông xem thấy phía trước quyển “Vô Lượng Thọ Kinh Chú Giải” của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có một tấm hình của lão cư sĩ Hạ Liên Cư mà chúng ta in ở trên quyển Kinh, ông ấy nói thân thể của lão cư sĩ là trong suốt. Ông nói với tôi, con người này không phải là người bình thường. Chúng ta cảm thấy kỳ lạ, nếu như ông ấy thấy được thân thể là trong suốt thì còn có thể nói được thông, chỉ thấy được một tấm hình, nói hình ở trên tấm hình là trong suốt, chúng ta rất khó mà hiểu được. Thế nhưng ông ấy nói sơ qua trên tổng thể về lão Hạ Liên thì rất chính xác (ông chưa từng thấy mặt, từ trước đến giờ cũng chưa từng nghe nói qua). Ông ấy nói, người này hiện tại không còn ở đời, người này là người tái sanh, năm xưa khi còn ở đời cũng gặp phải một số khó khăn, nói ra đều là rất gần với sự thật, cho nên có thể phán đoán lời của ông ấy nói là đáng tin, không phải là giả.
Đến “ảnh sướng biểu lý” thì có công phu tương đối rồi, đó là hình dung thân thể của Thích Ca Mâu Ni Phật trong ngoài trong suốt, ánh sáng phát ra “oai quang hách dịch”, bên ngoài thì biến chiếu pháp giới, bên trong còn chiếu đến tự tánh. Đó là ý nghĩa biểu thị của ảnh sướng, ảnh là biểu, sướng là nói lý, nói bên trong.
“Hiện đại quang minh, số thiên bách biến”, ngay trong quang minh biến hóa vô lượng, nó là biến động. Chỗ này khiến cho chúng ta thể hội Phật quang phổ chiếu pháp giới, không hề khác với cảnh giới trên “Kinh Hoa Nghiêm”, biến chiếu pháp giới. Pháp giới, thể tánh, hiện tướng, sự lý, nhân quả chuyển biến vô lượng vô biên, cảnh giới này là ở ngay trong “đại quang minh” hiển lộ ra, đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Phật hiện ra loại cảnh giới này nhất định không phải là ngẫu nhiên, quyết định là có đại nhân duyên, nếu không thì Phật sẽ không hiện ra cảnh giới thù thắng như vậy. Cảnh giới này rất là hy hữu, năm xưa ngay trong hội, Tôn giả A Nan thấy được.
**************
Kinh văn: “Tôn giả A Nan, tức tự tư duy, kim nhật Thế Tôn, sắc thân chư căn, duyệt do thanh tịnh, quang nhan nguy nguy, bảo sát trang nghiêm, tùng tích dĩ lai, sở vị tằng kiến, hỉ đắc chiêm ngưỡng, sanh hi hữu tâm”.
Tôn giả A Nan là thị giả của Thế Tôn, thường hay ở bên cạnh Thế Tôn nhiều năm như vậy nhưng chưa từng thấy qua dung nhan của Thế Tôn như ngày hôm nay, thị hiện ra như vậy. Đó là trong lòng Ngài đang nghĩ tưởng.
“Sắc thân chư căn, duyệt do thanh tịnh”. Hai câu này khiến cho người rất ngưỡng mộ. “Sắc thân” là nói thân tướng của Thế Tôn, “chư căn” là nói riêng sáu căn “nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý”, khiến cho người sau khi thấy rồi liền có thể rất rõ ràng thể hội được, toàn thân Thế Tôn đều là an vui. “Duyệt do” là an vui, nên gọi là lỗ chân lông cũng mỉm cười, đều hiển lộ tươi cười, thanh tịnh không gì bằng. “Thanh tịnh” này là nói tâm thanh tịnh. “Căn thân duyệt do”.
Hai câu phía sau là hình dung Ngài: “Quang nhan nguy nguy, bảo sát trang nghiêm”. “Nhan” là dung nhan, diện mạo. Dáng vẻ dung mạo ngày nay, đức tướng của Thế Tôn, “nguy nguy” là hình dung cao, thù thắng, ý là cao lớn thù thắng, đó là cực kỳ hình dung. “Bảo sát trang nghiêm” chính là phía trước đã nói “hiện đại quang minh, số thiên bách biến”. Phật phóng quang, trong hào quang hiển thị cõi nước chư Phật, trong hào quang hiển thị mười phương tất cả cõi nước chư Phật, đều là hiển bày ngay trong Phật quang, cho nên đây là việc hi hữu.
“Tùng tích dĩ lai, sở vị tằng kiến”. A Nan nghĩ lại, từ lúc xuất gia theo Phật làm thị giả, nhiều năm đến nay chưa từng thấy qua Thế Tôn có tướng lạ như ngày hôm nay. Trong Kinh điển ghi chép, hôm Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành đạo, ở dưới cội Bồ Đề đêm nhìn sao sáng, đại triệt đại ngộ cũng chính là lúc A Nan sanh ra đời. Tin tức này thông báo đến Vua Tịnh Phạn, Vua Tịnh Phạn nghe nói em trai ông sanh được một người con trai, lại nghe nói hôm nay Thái tử thành Phật, song hỉ lâm môn, liền đặt tên cho con trai của người em là A Nan. A Nan dịch thành ý Trung văn chính là khánh hỉ, song hỉ lâm môn. Tên của A Nan là do Vua Tịnh Phạn đặt cho. A Nan 20 tuổi xuất gia, như vậy là Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh nói pháp 20 năm trước ông chưa nghe được. Sau khi xuất gia làm thị giả của Phật, Phật nói pháp 49 năm thì 29 năm sau tôn giả A Nan không bỏ sót một hội nào, nhất là Ngài đa văn đệ nhất, sức ghi nhớ rất là tốt, nghe qua một lần thì vĩnh viễn không thể quên đi. Khi A Nan xuất gia, yêu cầu Thế Tôn một điều kiện là yêu cầu Thế Tôn tìm thời gian rảnh trùng tuyên lại một lần cho ông nghe những Kinh pháp mà Thế Tôn giảng nói 20 năm trước, vì 20 năm đó ông không có nghe được. Thế Tôn đồng ý với ông, cho nên những Kinh giảng vào ngày trước giảng lại một lần cho A Nan nghe. Do đó, pháp mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm, có thể nói mỗi hội A Nan đều nghe được, không sót một hội. Cho nên sau khi Thế Tôn diệt độ, A Nan trở thành nhân vật quan trọng để kết tập Kinh điển. Chúng ta biết được tất cả Kinh điển đều là do A Nan giảng lại. Khi giảng lại, phía dưới có đồng tu ghi lại cho Ngài, như vậy mới biên thành Kinh sách. Thế Tôn năm xưa giảng Kinh nói pháp tuyệt nhiên không có ghi chép.
A Nan giảng lại có sai hay không? Điểm này chúng ta không cần hoài nghi, Thế Tôn sớm đã biết rõ, cho nên A Nan giảng trùng tuyên lại có 500 A La Hán làm tác chứng cho Ngài. Bên dưới có 500 A La Hán nghe A Nan giảng lại, cần phải có sự đồng ý của 500 A La Hán là A Nan giảng lại không hề sai, Thế Tôn có nói như vậy thì mới có thể ghi chép lại. Có một người đưa ra ý kiến thì câu này không thể ghi lại. Cho nên kết tập Kinh Tạng không phải số ít phục tùng số nhiều, mà nếu có một người nêu ra ý khác thì không được, thì không thể ghi chép lại, nhất định phải 500 vị mỗi mỗi đều gật đầu đồng ý, đều khẳng định là Thế Tôn nói như vậy thì mới ghi chép lại. Đó là chánh tín, để người sau khi mở Kinh điển ra đều có thể đoạn nghi sanh tín, quyết định không hoài nghi, A Nan trùng tuyên lại chính là Thế Tôn năm xưa đã nói không hề khác biệt. Cho nên ngày trước kết tập Kinh Tạng nghiêm túc như vậy, thận trọng như vậy.
A Nan, thực tế mà nói, cũng là Pháp Thân Đại Sĩ thừa nguyện tái lai thị hiện. Ngay trong những đệ tử của Phật, nhất là chúng ta xem thấy trong Kinh điển Đại Thừa, đều là Đại A La Hán, không phải Tiểu Thừa A La Hán. Chữ “Đại” này chính là Đại Thừa. Đại Thừa A La Hán là địa vị gì vậy? A La Hán là tiếng phạn, dịch thành ý Trung văn là “vô học”. Vô học chính là tốt nghiệp rồi. Tiểu Thừa A La Hán là tốt nghiệp trong Tiểu Thừa giáo, cái họ đã học đều đã học xong, không còn thứ gì để học nữa thì mới gọi là quả A La Hán, chính là tốt nghiệp rồi. Trong pháp Đại Thừa gọi là A La Hán cũng là tốt nghiệp rồi, đó là quả vị Bồ Tát Pháp Vân Địa, Bồ Tát Thập Địa, đó là tốt nghiệp rồi. Trên Kinh thường nói ba A Tăng Kỳ kiếp viên mãn thành Phật. Ba A Tăng Kỳ kiếp là nói Bồ Tát Thập Địa, Bồ Tát Pháp Vân Địa. Nếu như là trên Kinh đã nói, những người này đều là A La Hán, hay nói cách khác, vị thứ thấp nhất của họ đều là Bồ Tát Đại Thừa Pháp Vân Địa. Đó là ở vết tích mà nói. Bổn lai diện mục của họ bộc lộ cho chúng ta, hiện tại là đang biểu diễn ở trên vũ đài, là họ biểu diễn một Tiểu Thừa sơ quả Tu Đà Hoàn. Tôn giả A Nan vào lúc này là địa vị như vậy, còn trên thực tế đều là Pháp Thân Đại Sĩ. Cho nên chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ những chân tướng sự thật, đối với kết tập Kinh điển sẽ không hoài nghi.
Thế nhưng những lời nói này đối với người hiện tại mà nói, họ khó mà tin tưởng, anh tin tưởng tôi không tin tưởng, người như vậy quá nhiều. Việc này chẳng trách. Chỗ này trên “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” đã nói, chúng sanh cõi Ta Bà, đặc biệt là chúng sanh Mạt Pháp “cứng đầu khó dạy”, làm gì họ có thể tin tưởng dễ dàng. Người chân thật có thể tin tưởng được có hai loại người, chúng ta trong lúc giảng Kinh cũng thường nói qua. Một loại người là người căn tánh thông minh lanh lợi, bạn vừa nói thì họ liền thông hiểu, họ sẽ tin sâu không nghi. Ngoài ra, một loại người nữa là người trong đời quá khứ thiện căn phước đức sâu dày, bạn giảng cho họ nghe họ có thể tiếp nhận, khi vừa nhắc đến thì dẫn khởi thiện căn phước đức trong đời quá khứ của họ, họ tin tưởng, họ không hoài nghi. Hai loại người này có thể được lợi ích, hai loại người này chính là trong Phật pháp gọi là chúng sanh căn tánh chín muồi, căn tánh của họ chín muồi, có thể được độ. Đã không phải thượng căn lợi trí, lại không phải là thiện căn phước đức chín muồi, thì họ làm sao không hoài nghi? Cho nên, họ nhất định sẽ hoài nghi. Loại hoài nghi này không chỉ ở trong Phật pháp nói đến rất nhiều, nghi là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát, đó là đại phiền não. Tham-sân-si-mạn, phía sau chính là nghi, không thể tin tưởng, không thể tiếp nhận. Đây là phiền não chướng. Cái nghi này là chướng ngại rất lớn. Cho dù có nghi, tri kiến của họ quyết không phải là chánh tri chánh kiến, tri kiến của họ là tri kiến sai lầm, chấp trước tri kiến sai lầm của chính mình, vậy thì liền biến thành thiên kiến.
Ở trong Phật pháp có thể quy nạp trong năm loại kiến hoặc. Năm loại kiến hoặc này mọi người đều biết. Loại thứ nhất là “thân kiến”, chấp trước cái thân này là ta. Loại thứ hai là “biên kiến”, biên kiến chính là thiên kiến. Loại thứ ba là “kiến thủ kiến”. Loại thứ tư là “giới thủ kiến”. Loại thứ năm là “tà kiến”. Phàm hễ không thuộc về tất cả kiến giải sai lầm của bốn loại trước thì đều gọi là “tà kiến”. Tà kiến là kiến giải sai lầm. Chúng ta nghĩ lại xem, lời nói của Phật rất có đạo lý. Thế giới ngày nay tại vì sao loạn thành một mảng? Ngày trước nói thế giới đại loạn chúng ta rất khó thể hội. Hiện tại nói thế giới đại loạn thì ai mà không biết chứ? Người người đều có thể xem thấy, mỗi người đều đích thân cảm nhận được là loạn thế. Do đâu mà loạn vậy? Từ thiên kiến mà ra. Phật dạy chúng ta phải đoạn trừ, Phật dạy chúng ta kiến giải phải viên mãn. Phật pháp nói viên, tín phải viên tín, giải phải viên giải, hành phải viên hành, chứng phải viên chứng, giác ngộ phải viên giác, tu hành phải viên tu, đều nói viên không nói thiên, vừa thiên thì hỏng. Thế giới ngày nay, chúng ta từ ngay chỗ này liền rất rõ ràng thể hội được, người đời ngày nay cái chú trọng cũng là thiên kiến, thiên ở khoa học kỹ thuật, thiên ở tài phú, cho nên trong cả văn hóa, trong cả đời sống đều không quân bình. Nghiêng ở một bên thì tâm bệnh xảy ra. Chúng ta quay đầu xem lại giáo huấn của Phật Bồ Tát, lại xem giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, cùng với người hiện tại đã dạy đã học đích thực là không giống nhau. Nho Phật đều chú trọng đến toàn diện, chỉnh thể của vũ trụ nhân sanh, không phải nghiêng trọng ở một bộ phận nào, xem thường một bộ phận nào, mất đi sự cân bằng, cũng giống như địa cầu hiện tại đã mất đi sự cân bằng, trong đây có nguy cơ rồi, có tai nạn rồi. Những đạo lý này rất sâu, không dễ gì thể hội. Hiện tại chúng ta trước mắt đã nhận chịu rồi, khi mở Kinh Phật ra chúng ta bỗng nhiên hiểu được, bỗng nhiên tường tận.
Ở trong hội này, tôn giả A Nan cũng là như vậy, từ trước đến giờ chưa từng thấy qua Thế Tôn có tướng lạ đặc biệt đến như vậy. “Hỉ đắc chiêm ngưỡng”, sau khi xem thấy rất là hoan hỉ. “Sanh hi hữu tâm”, quá hi hữu. “Hi hữu”, tướng lạ hi hữu thì Thế Tôn nhất định sẽ nói pháp môn hi hữu, Ngài hiện tướng lạ cùng Ngài giáo học nhất định có liên quan. Thời gian A Nan theo Phật rất lâu, Phật mỗi lần giảng Kinh nói pháp đều phóng quang hiện tướng, cho nên mọi người vừa nhìn thấy Phật có tướng lạ liền biết được Phật sắp nói pháp, thế nhưng tướng lạ hôm nay hi hữu không gì bằng.
************
Kinh văn: “Tức tùng tọa khởi, thiên đản hữu khiên, trường quỳ hiệp chưởng”.
Đó là lễ tiết. Đoạn phía sau là “lễ tán trần từ”, chính là hiện tại chúng ta gọi là thỉnh pháp. Trước khi thỉnh pháp nhất định phải hành lễ. Lễ đại biểu chính mình trọng pháp, chúng ta gọi là “tôn sư trọng đạo”, cho nên lễ không thể phế bỏ. Người hiện tại tuy là không nói lễ, thế nhưng khi gặp người có lễ phép thì mọi người đều hoan hỉ, có thể thấy được đích thực là có thể thuận theo tánh người, xem thấy người có lễ mạo thì luôn hoan hỉ.
Lễ nhất định phải học. Ngày trước tôi ở Đài Trung thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy giảng cho chúng ta nghe “Lễ Ký”. Biên độ của “Lễ Ký” rất rộng, thầy tuyên giảng cho chúng ta nghe. Khi giảng “Lễ Ký”, vừa mở đầu đầu bài đoạn này liền nói với chúng ta là thầy giảng “Lễ Ký” không phải là muốn các vị học lễ, học lễ rất khó, chỉ là dạy các vị hiểu được thường thức của lễ, hy vọng tương lai đối nhân xử thế tiếp vật đừng để người khác chán ghét. Bài khóa này rất có ý nghĩa với chúng ta, liền có được thành tựu, không cầu quá cao, trình độ không quá cao, trình độ rất thấp, bạn ra ngoài tiếp xúc với đại chúng, người ta sẽ không chán ghét bạn. Cho nên lão sư Lý dạy chúng tôi “Lễ Ký”, mức độ chính ở ngay chỗ này. Điểm này tương đối quan trọng. Người xưa đã nói: “Bất học lễ, vô dĩ lập”, bạn không hiểu được lễ mạo thì bạn sẽ không có chỗ đứng trong xã hội, bởi vì đất nước chúng ta từ xưa đến nay là nước chú trọng lễ nghĩa.
Lễ giáo, giáo học của Lễ vào thời xưa là khóa trình mà trẻ thơ cần phải học. Bắt đầu học từ lúc nào? Bảy tuổi đến trường thì bắt đầu học. Có thể nói là quá trình giáo dục tiểu học chính là học lễ, chính là dạy bạn qui củ đối nhân xử thế tiếp vật. Đến đầu năm dân quốc vẫn còn một môn học, môn học này tôi cũng chưa học qua, đại khái phải lớn hơn tôi năm tuổi thì có học qua, đến tuổi tác như tôi khi đi đọc thì môn học này đã không còn. Dạy điều gì? Tu thân! Có môn học này, tôi đã xem qua quyển sách này, khóa trình học tu thân trong tiểu học, sách giáo khoa tu thân tôi xem qua. Thế nhưng khi chúng tôi đi học thì bài khóa này đã bị phế bỏ, đã không còn, đổi thành công dân. Tu thân đổi thành công dân, nhiều ít còn dạy được một ít, hiện tại e rằng trường học đã không còn môn học này nữa. Nhất là hiện tại đề xướng dân chủ, tự do, mở rộng nhân quyền, những thứ này rất thời trang, quyết định không thể phản đối, thời đại trào lưu này có thể phản đối được sao? Kỳ thực đó là thiên kiến. Những khẩu hiệu này tuyệt nhiên không thể mang đến an định hòa bình cho cả thế giới, không hề có được phồn vinh hưng vượng. Tỉ mỉ mà suy nghĩ, khẩu hiệu này dường như còn mang đến tai nạn, chúng ta vẫn không phản tỉnh, vẫn không giác ngộ hay sao? Khẩu hiệu này là chân lý sao? Rất đáng được chúng ta sâu sắc phản tỉnh. Đây là chúng ta từ trên lễ tiết mà nghĩ đến.
“Tức tùng tọa khởi”. Khi nghe Kinh thì mỗi người ngồi ở vị trí của chính mình, nếu như cần phải thỉnh giáo… Hiện tại rất thuận tiện, hiện tại muốn thưa hỏi không cần phải rời chỗ ngồi, đưa tay lên thì được, ta có vấn đề nêu lên thì được rồi. Thời trước qui củ lớn hơn một chút, nhất định phải từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước mặt của Phật hành lễ.
“Thiên đản hữu khiên”. Hiện tại chúng ta đắp trên mình Ca Sa, vai phải là “thiên đản”, mọi người đều xem thấy, thế nhưng Ca Sa hiện tại của chúng ta đã cải tiến. Ca Sa đúng cách năm xưa khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời, Ca Sa mà hiện tại Tiểu Thừa mặc chính là Ca Sa vào thời đó. Bạn thấy nó là một tấm vải quấn trên thân, thông thường hai vai đều không lộ ra, quấn lấy bên trong, khi hành lễ mới để lộ vai phải ra. Thế nhưng Ca Sa hiện tại của Tiểu Thừa màu sắc cũng không đúng, hiện tại họ mặc màu vàng, có người mặc màu vàng, cũng có người mặc màu đỏ, vậy thì không đúng, phải là nhiễm sắc mới đúng. Ca Sa hiện tại không phải nhiễm sắc.
Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, Cương Vực của Trung Quốc ở phía bắc của Ấn Độ (các vị xem bản đồ thì biết được), cho nên khí hậu của Trung Quốc lạnh hơn so với Ấn Độ, ba y nhất định không đủ dùng. Cho nên Phật giáo truyền đến Trung Quốc, y phục, ăn uống rất nhiều thứ đều phải Trung Quốc hóa, việc này chúng ta thường nói hiện đại hóa cùng bổn thổ hóa. Chúng ta nhất định phải tường tận, tuyệt nhiên không phải là giữ nguyên không đổi. Sau khi đến Trung Quốc, mặc y phục của Trung Quốc. Hiện tại chúng ta mặc áo tràng. Áo tràng là y phục của người thời nhà Hán, ở nhân gian đã không còn. Người xuất gia còn có một kỷ niệm, chúng ta mặc y phục của thời nhà Hán, gọi là áo tràng. Khác biệt của tại gia và xuất gia, áo tràng của người xuất gia mặc thì trên áo tràng không có thêu hoa, áo tràng của người tại gia mặc có thêu hoa, ít nhất là trên cổ, trên ống tay áo có thêu hoa. Người giàu sang có địa vị thì toàn thân áo đều thêu hoa văn. Hoa văn đó cũng là có nhất định, không phải tùy tiện mà thêu, đại biểu thân phận của bạn, đại biểu địa vị của bạn, cho nên gọi là chương phục. Thân phận của bạn như thế nào, sĩ, nông, công, thương phân ra rất rõ ràng. Y phục không thể mặc sai, để khi bạn đi ra ngoài tiện cho việc hành lễ, biết được bạn là thân phận gì, người dưới chí kính trước với người trên, phải hành lễ. Mão cũng là như vậy, trên hoa văn đều có tiêu chí của địa vị thân phận. Người xuất gia thì thuần sắc, hoàn toàn không có thêu hoa văn. Khác biệt ở ngay chỗ này. Thế nhưng ba y của Phật chúng ta vẫn có, chỉ có ở ngay trong pháp hội, giảng Kinh là pháp hội, khi giảng Kinh nghe Kinh phải đắp y. Thế nhưng y này không cần phải lớn như nguyên gốc, lớn như vậy đắp ở bên ngoài của chúng ta rất phiền phức, cho nên đem cái y này cắt bớt đi phân nửa, chúng ta đã rút gọn đi phân nửa, chỉ còn lại phân nửa so với nguyên gốc. Lúc trước chỗ này không có móc y, làm cái móc, móc hai cái mí lại. Về sau không biết người nào phát minh ra cái móc này rất là thuận tiện, thuận tiện hơn nhiều so với buộc. Đây là Trung Quốc hóa, bổn thổ hóa, cho nên y của chúng ta đã rút gọn đi phân nửa. Đây là nói đến “thiên đản hữu khiên”.
Sau khi Phật giáo truyền đến Nhật Bản, người Nhật Bản còn giỏi hơn chúng ta, cái Ca Sa của họ rút gọn lại chỉ còn ba tấc. Bạn thấy Ca Sa của Pháp sư Nhật, họ mặc tây phục, họ không mặc áo tràng, bình thường Ca Sa của họ để ở trong túi áo đồ tây, khi làm pháp hội họ cũng mang nó ra, họ có một sợi dây màu đỏ quàng ra phía sau cổ, một miếng ba tấc thì để ở phía trước, vậy là họ đắp y lên rồi. Họ còn đơn giản hơn chúng ta nhiều, không có phiền phức như chúng ta. Đây chính là tính chất của kỷ niệm. Chúng ta đắp y là kỷ niệm Thích Ca Mâu Ni Phật, kỷ niệm tình hình pháp hội thời đó, khiến chúng ta mỗi niệm không quên ân đức của Phật Đà. Ý nghĩa chính ngay chỗ này. Đây là thuộc về tri ân báo ân, báo ân cội nguồn, niệm niệm không quên ân đức của lão sư.
Cho nên “thiên đản hữu khiên”, vì sao phải “thiên đản hữu khiên”? Khi hành lễ không quên hầu hạ lão sư. Lão sư có việc gì dặn bảo bạn làm, động tác của bạn phải nhanh nhẹn, tay phải làm việc thì thuận tiện, cho nên thừa sự cúng dường. Vì vậy, khi hành lễ không phải ở một chỗ đó mà chí kính, mà còn phải tùy thời nghe dặn bảo, tùy thời phục vụ, cho nên “trường quỳ”. Trường quỳ thông thường là quỳ một chân, khi đứng dậy thì dễ dàng, đứng dậy được nhanh hơn. Người Trung Quốc quỳ là hai đầu gối đều quỳ xuống, cho nên trong Phật Kinh cũng thường nói hồ quỳ. Hồ là người nước ngoài. Cách quỳ của người nước ngoài và cách quỳ của người Trung Quốc không như nhau. Người Trung Quốc quỳ hai đầu gối, người nước ngoài quỳ một đầu gối. Hồ quỳ chính là một đầu gối chấm đất, đứng dậy được nhanh. Vai trái lộ ra làm việc được nhanh. Đó chính là lúc nào cũng chuẩn bị hầu hạ trưởng giả, vì trưởng giả phục vụ. Đó là rất lễ kính.
“Trường quỳ hiệp trưởng”. “Hiệp trưởng” cũng là chí kính, biểu thị một lòng. Mười ngón tay biểu thị tán loạn, tâm bình thường hay tán loạn, nghĩ tưởng xằng bậy. Hiện tại khi hành lễ, biểu thị ta một lòng cung kính, đem tất cả vọng niệm đều buông bỏ, chuyên tâm chí kính, chuyên tâm để nghe giáo huấn của tôn trưởng, cho nên chắp tay là biểu thị ý này. Hiểu được ý nghĩa của việc chắp tay này, khi chắp tay phải cho khít lại mới là một, nếu như chắp mà ở giữa phình ra thì là hai chứ không phải là một, cho nên nhất định phải khép lại, nó biểu thị nhất, biểu thị nhất tâm, biểu thị ý này.
Phía sau là lời thỉnh pháp của tôn giả A Nan.
***************
Kinh văn: “Nhi bạch Phật ngôn, Thế Tôn kim nhật, nhập đại tịch định, trụ kỳ đặc pháp, trụ chư Phật sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo”.
Lời thỉnh giáo này, trong đây có hai đoạn. Đoạn này trước tiên tán thán Thế Tôn thị hiện tướng lạ.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 51)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.