GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 277/374
Một câu sau cùng là: “Hoặc đắc Tư Đà Hàm”. Tư Đà Hàm là nhị quả Tiểu Thừa, dịch ra thành ý nghĩa là “nhất lai”. Thế nào thì gọi là nhất lai? Người ở trên trời không phải là tái sanh bảy lần hay sao? Họ vẫn phải đến nhân gian này một lần. Vì sao vậy? Dục Giới có chín phẩm tư hoặc, đây là tư phiền não, chính là tư tưởng sai lầm. Tư tưởng sai lầm của tam giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) tổng cộng có 81 phẩm, nó chia làm cửu địa. Tam giới cửu địa, mỗi một địa có chín phẩm, chín lần chín là 81 phẩm. Dục Giới là một địa, Sắc Giới Tứ Thiền là bốn Địa, Vô Sắc Giới Tứ Không là bốn Địa, cho nên tổng cộng là chín địa. Chín phẩm tư hoặc, Dục Giới đoạn được sáu phẩm phía trước, ba phẩm phía sau vẫn còn. Hay nói cách khác, họ vẫn còn cái duyên với Dục Giới, cần phải tái lai trở lại Dục Giới một lần, cho nên gọi là nhất lai, là một lần trở lại. Từ Tư Đà Hàm đến A La Hán, họ cần phải đem 81 phẩm tư hoặc của tam giới đoạn tận, gọi là kiến tư phiền não.
Kiến tư phiền não ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là chấp trước. Bạn xem trong Phẩm Xuất Hiện của “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật nói tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng đắc. Vọng tưởng chính là vô minh phiền não, phân biệt là trần sa phiền não, chấp trước chính là kiến tư phiền não. Nói một cách khác, chấp trước nếu không đoạn thì không thể ra khỏi sáu cõi. Bản lĩnh của A La Hán chính là trên trời dưới đất, thế xuất thế gian tất cả chư pháp các Ngài đều không còn chấp trước nữa, cho nên các Ngài siêu vượt sáu nẻo luân hồi. Cho nên chúng ta phải thường suy nghĩ, thấy sắc nghe tiếng đều chấp trước nghiêm trọng thì làm sao có thể nhập môn? Cái cửa này là cửa Tu Đà Hoàn. Tu Đà Hoàn không thể chứng đắc, thì chúng ta học Phật vĩnh viễn cũng ở ngoài cửa. Việc này các vị nhất định phải hiểu được. Tiểu thừa Tu Đà Hoàn nhập môn, Bồ Tát Đại Thừa Sơ Tín Vị (Sơ tín là tầng thứ nhất của thập tín, Bồ Tát thập tín vị), cảnh giới của Sơ Tín Vị và Tu Đà Hoàn hoàn toàn giống nhau, cũng là đoạn 88 phẩm kiến hoặc của tam giới, bạn là người học Đại Thừa thì liền chứng Đại Thừa, Bồ Tát Đại Thừa Sơ Tín Vị, Tiểu Thừa thì chứng quả Tu Đà Hoàn. Cho nên chúng ta học Phật quan trọng nhất là nói công phu đoạn chứng, không phải ở trên văn tự, cũng không phải ở trên lý luận. Văn tự và lý luận thì bạn đã thông được hay chưa? Căn bản là bạn chưa có thông, bạn chưa nhập cảnh giới thì làm sao mà thông?
Bạn giảng Kinh bạn lại chưa có chứng được cảnh giới này, bạn giảng đó là cái ý của chính mình mà thôi, không phải ý của Phật. Đoạn Kệ Khai Kinh: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, bạn không phải giảng Như Lai chân thật nghĩa, bạn là giảng cái ý của chính mình. Bạn giảng cái ý của chính bạn thì chính bạn tự độ mình cũng không được, bạn làm sao có thể độ người khác? Cho nên, sự việc giảng Kinh này khó. Ngày xưa, tiêu chuẩn của việc giảng Kinh là sau khi ngộ rồi mới đi giảng Kinh, mới làm chú giải cho Kinh điển, đều là sau khi ngộ rồi có tu có chứng, giảng giải của họ mới không có sai lầm, chú giải của họ mới không có sai lầm. Người hiện tại thì không được.
Người chứng quả, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, đại khái trên thế giới này không có một người nào cả, vậy thì chúng ta bất đắc dĩ mà cầu người kém hơn. Kém hơn nghĩa là gì? Là có tu, chân thật có tu hành, họ chưa có chứng, lắng nghe họ báo cáo việc tu học để cho chúng ta làm tham khảo. Vậy thì còn có thể. Họ thật sự có tu, thật tu chính là thật làm. Cũng như Thiện Đạo Đại Sư đã nói ở trong chú sớ “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” (Chú sớ này của Ngài thông thường gọi là Tứ Thiếp Sớ, Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ là Thiện Đạo Đại Sư làm ra), ở trong “Thượng Phẩm Thượng Sanh Chương” Đại Sư nói rất hay: Điều mà Phật dạy chúng ta làm, chúng ta nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm; Phật dạy chúng ta không được làm, chúng ta nhất định phải tuân thủ, không thể vi phạm. Đây là chân tu hành, là y giáo phụng hành.
Phật dạy chúng ta thập ác là không thể làm, vậy thì chúng ta thật sự phải đoạn trừ, không những ở trên sự không làm, mà ngay cả ý niệm cũng không có. Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, tham, sân, si là thập ác, Phật nói cái này quyết định là phải đoạn, chúng ta đã đoạn được hay chưa? Thập thiện nhất định phải tu. Thập thiện là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ỷ ngữ, không ác khẩu, không tham, không sân, không si, đã làm được hay chưa? Đó là mức độ thấp nhất. Cho nên chúng ta đọc giáo huấn của Thiện Đạo Đại Sư, Thiện Đạo Đại Sư cũng là Phật A Di Đà hóa thân tái lai. Lúc tôi phỏng vấn tại Nhật Bản đã nói sự việc này với người Nhật Bản, họ đã nói rằng họ cũng có cách nói như vậy, người Nhật Bản cũng có cái cách nói như vậy, Thiện Đạo Đại Sư là Phật A Di Đà tái lai. Nếu như chúng ta làm không được, Phật dạy chúng ta không được làm mà chúng ta vẫn cứ làm, dạy chúng ta nên làm mà chúng ta không làm được, đây là không có tu hành, đây không phải là học trò của Phật. Học trò của Phật thì nhất định phải y giáo phụng hành.
Nghìn Kinh vạn Luận, cả đời Phật đã nói không biết bao nhiêu lần, nghìn vạn lần, dạy bảo chúng ta “thọ trì đọc tụng vì người diễn thuyết”, đây là tiêu chuẩn của đệ tử Phật. Thọ là tiếp nhận, giáo huấn mà Phật đã dạy hết thảy đều tiếp nhận. Trì là làm được, cũng như điều mà Thiện Đạo Đại Sư nói nhất định phải làm cho được. Sau khi làm được thì mỗi ngày đều đọc tụng. Đọc tụng là ôn tập, nhà Nho thì nói là “ôn cũ biết mới”. Ngày ngày phải đọc tụng Kinh điển, còn phải vì người diễn nói, lợi mình lợi người. Diễn là biễu diễn, làm cho người khác xem, khiến cho người khác xem đến phải cảm động, dẫn khởi họ, khuyến khích họ cùng học Phật. Cho nên chúng ta khởi tâm động niệm lời nói việc làm, Phật chính là tấm gương cho chúng ta, là điển hình cho chúng ta, là mô phạm cho chúng ta. Chúng ta khởi ý niệm này thì suy nghĩ xem cái ý niệm này Phật có khởi hay không, có giống như Phật không? Mở miệng nói chuyện phải nghĩ đến việc Phật có thể nói những lời này hay không? Phật nói chuyện với mọi người có phải có cách nói như vậy không? Hành vi cử chỉ của Phật chúng ta học có giống không? Tóm lại mà nói, tất cả mọi hành vi, cái việc tu hành này, hành là hành vi, hành vi của chúng ta sai rồi, có sai lầm, đem hành vi sai lầm tu chính trở lại thì gọi là tu hành. Tu hành là tu chính lại hành vi sai lầm.
Khởi tâm động niệm là hành vi của tâm, là hành vi của ý, là ý niệm. Ý niệm của bạn sai rồi, ngôn ngữ của bạn sai rồi, thân thể tạo tác đã sai rồi. Hành vi có nhiều nhưng quy nạp lại không ngoài ba loại lớn này. Tất cả Kinh điển dạy bảo chúng ta tu hành không có gì khác ngoài ba loại hành vi lớn này. Bạn nghĩ sai, nhìn sai, đây là hành vi của ý nghiệp. Kinh Luận giúp đỡ bạn tu chính.
Ngôn ngữ tạo tác là hành vi của thân nghiệp. Thân bao gồm cả khẩu, là giới luật. Giới luật là hành vi chính xác, hành vi của thân khẩu. Kinh điển là hành vi của tư tưởng kiến giải chính xác. Y chiếu Kinh luận để tu chính tư tưởng kiến giải của chúng ta, y chiếu giới luật tu chính tạo tác của thân khẩu chúng ta. Bạn phải nên làm. Cho nên Phật pháp là học vấn thực tế chân thật, không phải đàm huyền thuyết diệu, cái đó không có tác dụng gì. Phật pháp mà học được thì lập tức có công dụng, lập tức thấy hiệu quả. Còn quả báo, Phật Thích Ca Mâu Ni, tất cả chư Phật Như Lai, ở trên bộ Kinh này bạn xem thấy Phật A Di Đà đã thị hiện ra, quả báo là cái gì? Trí huệ, phước đức, thọ mạng, trường thọ, vô lượng quang, vô lượng thọ. Ba cái này có chúng sanh nào mà không cầu. Chúng sanh sáu nẻo, chúng sanh chín pháp giới, người nào cũng mong cầu. Chúng đều có ở trong các Kinh giáo. Bạn thật sự hiểu rõ rồi, thật sự hiểu được rồi, đó là người thông thường chúng ta nói là “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”, nó có lý luận, nó có phương pháp, y chiếu theo lý luận và phương pháp để mà cầu thì làm gì có đạo lý không cảm ứng chứ! Cho nên, cái cửa này thực tế mà nói thế xuất thế gian là cái thiện pháp số một, là cái pháp chân thật số một. Nó không phải là giả, mà là chân thật.
Trí huệ khiến chúng ta hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sanh, phước đức khiến cho chúng ta được đại tự tại. Chân chánh giải thoát thì được đại tự tại. Cho nên, những Kinh điển này đều là nói đến thực chứng. Thật sự phải nên đoạn phiền não.
“A Na Hàm” là tam quả, dịch ra là bất lai. Chữ A dịch là Vô, Na Hàm dịch là lai, dịch ra là bất lai. Bất lai ở đây là gì? Là không đến nhân gian nữa, không đến Dục Giới nữa. Họ tu hành ở chỗ nào vậy? Tu hành ở trời Tứ Thiền thiên, ở Sắc Giới, Sắc Giới là Sơ Thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, họ lên xuống là ở trong phạm vi này, họ sẽ không đến Dục Giới nữa, cái duyên với trời Dục giới họ đã đoạn mất rồi. Dục Giới chính là nhất địa. Ở nhất địa này chín phẩm tư hoặc họ đã đoạn tận rồi, cho nên họ sẽ không đến nữa, đa số họ đều trụ tại Tứ Thiền. Tứ Thiền Tịnh Cư cũng gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên. Cái Tịnh Cư Thiên này có năm loại không tương đồng. Ở đây không những là có A Na Hàm của Tiểu Thừa, mà cũng có Bồ Tát Quyền Giáo của Đại Thừa, công phu đoạn chứng của họ tương đồng với A Na Hàm, đều là ở tại nơi này. Chúng ta thường gọi là người ở Tịnh Cư Thiên. Những người này hết thảy đều là người tu hành. Tứ Thiền là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Tứ Thiền là Phước Thiên, có đại phước báo, đó là phàm phu. Ngũ Bất Hoàn Thiên là nơi Thánh nhân ở. Cho nên đệ tứ Thiền là Phàm Thánh Đồng Cư Độ.
Tầng trời thứ tư ở trong trời Dục Giới cũng là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Tầng thứ tư của trời Dục Giới là trời Đâu Suất. Trời Đâu Suất có nội viện và ngoại viện. Ngoại viện là phàm phu, nội viện là đạo tràng của Bồ Tát Di Lặc. Cho nên, phàm phu ở trời Đâu Suất không nhìn thấy được nội viện, giống như chúng ta ở thế gian này vậy, thế gian này của chúng ta cũng là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, có đạo tràng của Bồ Tát (chúng ta cũng biết ở Trung Quốc có bốn vị đại Bồ Tát), có đạo tràng của A La Hán. Ở trong “Tam Muội Thủy Sám”, Ngộ Đạt Quốc sư gặp được vị Ca Nặc Ca tôn giả ấy là A La Hán, đạo tràng của Ngài nằm ở Tứ Xuyên, người chúng ta nhìn không thấy được. Người ta nhìn thấy chỉ là ngọn núi hoang, trên thực tế là đạo tràng của A La Hán. Là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Thánh nhân biết cảnh giới của phàm phu, phàm phu thì không biết Thánh nhân, nhìn không thấy.
Tứ quả A La Hán, A La Hán dịch ra thành “sát tặc ứng cúng bất sanh”, có ba ý nghĩa. Đây là tam giới kiến tư phiền não hết thảy đều đoạn tận rồi. Tôi nói lại một lần nữa, tôi dùng cách nói của “Kinh Hoa Nghiêm” cho mọi người dễ hiểu, là không còn chấp trước đối với tất cả pháp thế xuất thế gian nữa (các vị hãy suy nghĩ cho kỹ câu nói này), vậy thì bạn đã chứng quả A La Hán rồi. Bạn vẫn còn chấp trước thì bạn sẽ không ra khỏi lục đạo luân hồi. A La Hán đối với thế gian pháp và xuất thế gian pháp đều không còn chấp trước. Chúng ta phải học ở họ. Phải biết được chấp trước là một việc bị thiệt thòi lớn, phân biệt chấp trước sẽ hại chết chúng ta. Chúng ta vô lượng kiếp tu hành, đời đời kiếp kiếp không thể thành tựu, thiệt thòi là ở chỗ nào? Là thiệt ở chỗ phân biệt chấp trước, đây là sự thiệt thòi lớn, đời này hà tất phải làm việc đó nữa. Bất luận là có chuyện gì, sự việc lớn bằng trời, thật sự gặp được rồi cũng không sao, người ta muốn làm như thế nào cũng được, các vị đi làm đi, thế nào cũng được, không có liên quan gì với tôi. Cho dù là cuộc sống, ngay cả cuộc sống của chính mình cũng không được chấp trước. Hôm nay ăn được no cũng tốt, ăn không được no cũng tốt, có cái để ăn cũng tốt, không có cái để ăn cũng tốt, vậy thì bạn mới tự tại. Nhất định phải nghĩ như thế nào thì bạn đang tạo lục đạo luân hồi. Tôi phải nghĩ thế nào thế nào, hết thảy đều là nghiệp lục đạo luân hồi. Vả lại ở trong cái vọng tưởng chấp trước này có quá nhiều quá nhiều nghiệp báo tam đồ ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, hà cớ gì lại làm những việc này?
Phân biệt chấp trước của tam đồ, chúng ta không thể không biết, phải có sự cảnh giác cao độ. Đó là cái gì? Là tương ưng với tham sân si. Loại phân biệt chấp trước này chính là tam đồ. Ngạ quỷ đạo là tham, phân biệt chấp trước của bạn tương ưng với tâm tham, bạn tạo đó là nghiệp của ngạ quỷ đạo. Nếu như tương ưng với sân hận, tương ưng với đố kỵ sân hận, bạn tạo là nghiệp địa ngục. Còn ngu si, ngu si chính là lơ mơ hồ đồ, không có trí huệ thì tương ưng với cái này, bạn tạo đó là nghiệp của súc sanh. Cho nên phân biệt của chúng ta, chấp trước của chúng ta, nếu như là tương ưng với tham sân si, bạn tạo cái nghiệp này là nghiệp tam đồ. Ở trong Kinh Phật đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch, chúng ta phải tin tưởng. Phật là chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, Phật không lừa gạt người. Phật đến thế gian này để giúp đỡ mọi người không đọa tam đồ, siêu vượt lục đạo, siêu vượt thập pháp giới, giúp đỡ bạn thành Phật, giúp đỡ bạn thành Bồ Tát. Ngài đến thế gian này chính là vì một sự việc này, Ngài không phải vì bản thân mình, không có vì mình. Chúng ta luôn phải rõ ràng, phải minh bạch, phải chăm chỉ học tập ở Phật.
A La Hán là tiếng Phạn, dịch ra có nghĩa là có Sát Tặc, ứng cúng, bất sanh. Tôi có một lần gặp được một vị cha xứ của Thiên Chúa Giáo, cũng là một vị học giả rất có uy tín và địa vị, đến từ Đài Loan. Người lớn tuổi có lẽ sẽ biết ông, là Phương Hào, ông là Viện trưởng Viện văn học của Trường Đại học Chính trị. Xưa kia tôi đã từng sống 17 năm tại nhà của Hàn Quán Trưởng. Nhà của Hàn Quán Trưởng sát vách nhà một người Thiên Chúa Giáo, cho nên vị cha xứ này chúng tôi thường gặp mặt. Ông là người khá thông suốt, nhưng ông có một sự nghi hoặc, liền đến hỏi tôi: “Pháp sư à, Phật giáo các ông nói không nên sát sanh, nói phải từ bi, vậy A La Hán là “Sát tặc”, vậy tâm từ bi ở đâu?”. Ông đến hỏi tôi vấn đề này. Đây chính là việc nhìn chữ mà đoán nghĩa. Nhìn chữ đoán nghĩa thì đã lý giải sai rồi.
Chữ “tặc” này không phải là người, chữ “tặc” này nghĩa là kiến tư phiền não. Phật đem kiến tư phiền não tỉ dụ là kẻ tặc. Vì sao vậy? Kiến tư phiền não làm chướng ngại mất công đức pháp tài của chúng ta, chướng ngại trí huệ của tự tánh chúng ta, chướng ngại đức năng của tự tánh chúng ta, chướng ngại mất tướng hảo vốn có của tự tánh chúng ta, cho nên chúng cũng giống như kẻ tặc vậy, giống như đã cướp đi hết tiền bạc của cải trong nhà của chúng ta vậy, là cái ý như vậy.
A La Hán kiến tư phiền não đã đoạn rồi, việc đoạn dứt này cũng giống như đem những kẻ tặc này loại trừ đi, họ không phải là giết kẻ tặc. Ở đây không phải là nói cường đạo thổ phỉ, nhất định không nên hiểu sai cái ý này. Trước đây chúng tôi đã từng gặp qua sự việc như vậy, đó là nhìn chữ đoán nghĩa. Cho nên trên Kinh Phật nói là “tam thế Phật oan”, bạn nhìn chữ đoán nghĩa thì sẽ nói sai, ba đời chư Phật đều bị oan uổng, đó không phải là ý của Phật. Việc này chúng ta nhất định phải hiểu.
“Ứng cúng” là có ý nghĩa gì? Phước báo của họ đã thành tựu rồi. Quả báo ở trong lục đạo của họ, quả thì phải có nhân, cái nhân này chính là kiến tư phiền não họ đã đoạn tận rồi, cho nên cái nhân của lục đạo không có nữa, họ cũng không nhận quả của lục đạo, siêu vượt lục đạo luân hồi. Thông thường chúng ta nói là nhập Hữu Dư Niết Bàn, họ cũng được xem như là nhập Niết Bàn. Niết Bàn dịch ra là Tịch Diệt, cũng dịch là bất sanh bất diệt. Bất sanh bất diệt này của họ là nói lục đạo. Vì sao mà gọi là hữu dư? Bởi vì họ chưa đoạn vọng tưởng, họ chưa đoạn phân biệt, họ vẫn còn phân biệt, vẫn còn vọng tưởng, chỉ có chấp trước là không có thôi, quả thực không có chấp trước nữa, cho nên họ Hữu Dư, họ không phải là nhập đại Niết Bàn trên quả địa Như Lai. Quả địa Như Lai là vọng tưởng phân biệt cũng đã đoạn rồi. Việc này nói ra thì rất quan trọng. Nếu như đem phân biệt đoạn dứt, thế xuất thế gian pháp không còn phân biệt nữa, thì người này đã siêu vượt mười pháp giới. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, Phật này là Phật ở trong mười pháp giới, không phải là chân Phật. Đại Sư của Thiên Thai nói là tương tợ tức Phật, Pháp giới bốn Thánh là tương tợ tức Phật, đây là sự chứng đắc cao nhất ở trong mười pháp giới. Họ không có kiến tánh, họ đạt đến chỗ bờ mép của sự kiến tánh chứ chưa kiến tánh. Đây là Phật ở trong mười pháp giới. Ở trong Thiên Thai Đại Sư, Thiên Thai tứ giáo đã nói, là Phật của Tạng giáo, Phật của Thông giáo, họ nói là Tạng, Thông, Biệt, Viên Phật giáo, Phật Thông giáo, đây là chưa kiến tánh ở trong mười pháp giới, cũng chính là nói họ chưa có đoạn trừ tận gốc sự phân biệt. Ở trong Hiền Thủ Hoa Nghiêm tông nói Tiểu giáo, Thủy giáo, là Phật của Tiểu giáo, Phật của Thủy giáo, đây là Phật ở trong mười pháp giới. Cho nên Phật ở đây chúng ta biết là cũng có cấp bậc. Đây là ở trong mười pháp giới. Nếu như đều đem phân biệt đoạn trừ rồi, kỳ thực thật sự là phải đoạn, bạn hiểu được chân tướng sự thật thì bạn sẽ không còn phân biệt nữa, cảnh giới của bạn sẽ được nâng lên cao.
Phật Bồ Tát ứng hóa tại thế gian, chúng ta sẽ thắc mắc, họ có còn phân biệt hay không, họ có còn chấp trước hay không? Thật sự là họ không có phân biệt, không có chấp trước. Nếu họ có phân biệt, có chấp trước, vậy thì họ thối chuyển rồi. Tuyệt đối không thể thối chuyển được, bởi vì họ chứng được là vị bất thối, hành bất thối, niệm bất thối, họ làm sao có thể thối chuyển? Không thể nào thối chuyển được. Họ đến đây cùng với chúng ta, họ biểu hiện ra là có phân biệt, có chấp trước, đó là gì? Bởi vì bạn phân biệt nên họ tùy thuận bạn mà phân biệt, bạn chấp trước nên họ tùy thuận sự chấp trước của bạn, bản thân họ thì quyết định là không có phân biệt chấp trước, họ là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Ví dụ như bạn hỏi Phật đây là cái gì? Phật sẽ nói đây là cái khăn. Đây không phải là phân biệt hay sao? Ngài cũng chấp trước sao? Vì các vị gọi đó là khăn nên Phật cũng tùy thuận mà nói như vậy, trong tâm của Phật một ý niệm cũng không có. Bạn phải nên hiểu cái ý này. Cho nên chư Phật Bồ Tát ứng hóa tại thế gian, trong Kinh luận này thường nói: “Phật pháp tại thế gian, bất hoại thế gian tướng”. Nếu bạn hoại thế gian tướng, thì bạn sẽ không có cách nào để giáo hóa chúng sanh. Nếu bạn giáo hóa chúng sanh, nhất định phải tùy thuận sự phân biệt của chúng sanh mà phân biệt, tùy thuận sự chấp trước của chúng sanh mà chấp trước, bản thân thì quả thật là không hề có phân biệt chấp trước, bạn mới có thể nhập vào cảnh giới Phật.
Cảnh giới của Phật chính là trí huệ, đức năng, tướng hảo vốn có của tự tánh. Ba thứ này đã bao gồm hết thảy toàn bộ lý sự, tánh tướng, nhân quả trong vũ trụ này. Bạn triệt để hiểu rõ thông đạt rồi, tự nhiên sẽ sanh khởi cái tâm đại từ bi. Tâm đại từ bi làm gì có việc khởi phát miễn cưỡng? Nó là sinh ra một cách tự nhiên, khởi một cái tác dụng cảm ứng đạo giao với tất cả chúng sanh. Chúng sanh có cảm thì Phật Bồ Tát lập tức có ứng. Trong việc này không hề có điều kiện, cho nên gọi là vô duyên. “Duyên” ở đây chính là chúng ta ngày nay nói là điều kiện. Không có điều kiện, tất cả chúng sanh có cảm Phật liền có ứng. Vì vậy chúng ta niệm Phật, Phật niệm chúng ta; chúng sanh niệm Phật, Phật niệm chúng sanh. Chúng sanh niệm Phật là hư tình giả ý, không phải là thật sự. Phật niệm chúng sanh là thật lòng thật dạ, thành tâm thành ý. Đó không phải là giả, cho nên sự cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.
A La Hán chứng được cảnh giới này. Phật nói họ cần phải tiếp nhận sự cúng dường của thiên nhân, tất cả toàn bộ chúng sanh trong lục đạo cúng dường. Vì sao vậy? A La Hán là phước điền, bạn cúng dường họ sẽ được phước báo. Chúng sanh trong lục đạo, phước báo được xem trọng nhất là gì? Quan trọng nhất là sự giàu có, cũng chính là ngày nay chúng ta nói là đời sống vật chất, đây là thứ mà mọi người xem trọng nhất. Bạn cúng dường Phật, cúng dường A La Hán thì phước báo mà bạn được sẽ lớn. Vì sao vậy? Cúng dường các Ngài thì có phước báo lớn, cúng dường người thông thường thì phước báo lại nhỏ, đạo lý ở chỗ này chúng ta phải nên hiểu. Tâm lượng của A La Hán lớn, lớn ở chỗ nào vậy? Lớn ở chỗ các Ngài không có chấp trước. Chấp trước thì tâm lượng rất nhỏ. Các Ngài không còn chấp trước nữa, tâm lượng các Ngài liền lớn, cho nên cúng dường những người này thì phước báo sẽ lớn, sẽ mở rộng theo cái tâm lượng này của các Ngài.
Nếu như bạn cúng dường Bồ Tát thì phước báo sẽ lại càng lớn hơn nữa. Vì sao vậy? Bồ Tát không còn phân biệt, A La Hán vẫn còn có phân biệt, không có chấp trước. Cho nên cúng dường Phật thì phước báo sẽ là lớn nhất, Phật thì ngay cả vọng tưởng cũng không có, đều đã đoạn tận rồi.
Nhưng trong 42 chương Kinh sau cùng có một câu nói: “Cúng dường tất cả chư Phật Như Lai không bằng cúng dường một người vô tu vô chứng”. Những lời này nghĩa là gì? Vô tu vô chứng là chính mình, còn vượt hơn cả Phật nữa. Vô tu vô chứng dung hợp với hư không pháp giới thành một thể, không để lại một vết tích nào, không phải là hạng phàm phu như chúng ta. Tôi vô tu vô chứng cúng dường tôi thì hơn cả chư Phật rồi, vậy thì bạn đã hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa rồi, đã hiểu sai rồi. Cái vô tu vô chứng này nghĩa là tu chứng của họ đã viên mãn, ngay cả vết tích của sự tu chứng cũng đều không có, đây gọi là “ly nhất thiết tướng”, “tức nhất thiết pháp”. Đó là ai? Đó là nói chính mình, chính mình nếu như có thể lìa bốn tướng, lìa bốn kiến, bất luận là cúng dường một chúng sanh nào thì phước báo cũng bằng như hư không pháp giới. Đạo lý là ở chỗ này. Phước báo là tùy vào tâm lượng lớn hay nhỏ của mình mà hiện ra lớn hay nhỏ, cho nên tâm lượng của bạn càng lớn, bạn tu công đức một văn tiền thì công đức đó cũng lớn như hư không pháp giới.
Phật ở trên Kinh thường dạy bảo chúng ta: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Chúng ta khởi tâm động niệm không nên vì chính mình mà nghĩ, không nên vì gia đình mình mà nghĩ, cũng không nên vì công ty ngành nghề của mình mà nghĩ, người xuất gia cũng không nên vì đạo tràng nhỏ của mình mà nghĩ, vậy thì tâm lượng của bạn sẽ rất nhỏ, phước mà bạn tu được rất có hạn. Khởi tâm động niệm phải nghĩ đến tận hư không khắp pháp giới tất cả chư Phật sát độ, tất cả chúng sanh. Bạn mà tu phước như vậy thì phước báo sẽ không thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên. Cho dù là ngay trong cuộc sống thường ngày chỉ làm được một việc tốt vô cùng nhỏ bé, nhìn thấy người nghèo khổ khó khăn, bạn bố thí một đồng tiền, bạn nghĩ đến là biến pháp giới hư không giới, công đức một đồng tiền này của bạn liền biến pháp giới hư không giới. Thật sự tùy thuộc vào tâm lượng của bạn. Ta làm sai một việc gì, ta khởi cái tâm sám hối, cái tâm của sự sám hối này cũng biến khắp hư không pháp giới. Bạn nói xem, cái công đức này lớn đến dường nào.
Chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát các Ngài đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức đều là ở ngay trong cuộc sống thường ngày niệm niệm đều cứu cánh viên mãn. Việc này tuyệt đối không phải chỉ có các Ngài mới có thể làm được, mà chúng ta cũng có thể làm được. Cách nghĩ này của bạn gọi là vọng niệm, gọi là vọng tưởng, bạn đã tưởng sai rồi. Nhất thiết chúng sanh đều có thể làm được, chỉ là chúng ta không hiểu được cái đạo lý này, không biết được chân tướng sự thật, cuộc sống của chúng ta đã hoàn toàn bị kìm hãm và chi phối bởi vọng tưởng phân biệt chấp trước của chính mình. Đây gọi là đáng thương xót, ở trên Kinh Phật thường nói là kẻ đáng thương xót. Đây là sự cảm thán của Phật.
Vọng tưởng phân biệt chấp trước vốn là không có, ở trong tự tánh không có những thứ này. Ở trong tự tánh chỉ có trí huệ, đức năng, tướng hảo, ở đâu mà có vọng tưởng phân biệt chấp trước? Cho nên vọng tưởng phân biệt chấp trước gọi là vọng. Vọng nghĩa là vốn chẳng hề có. Từ vọng tưởng sinh phân biệt, từ phân biệt sinh ra chấp trước, năng sanh là vọng sở sanh, không phải hết thảy đều là hư vọng sao? Có cái gì là chân thật! Chúng ta bị những cái này hại rất thê thảm, nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp đến nay, nếu như không có gặp được Phật pháp, làm sao chúng ta có thể biết cái chân tướng sự thật này?
Biết được chân tướng sự thật rồi thì sẽ phát ra một quyết tâm: XẢ! Đem chúng xả bỏ, không làm cái này nữa. Quả nhiên có thể xả thì bạn sẽ an lạc, cuộc đời này của bạn sẽ sống được vô cùng tự tại, lập tức sẽ nhìn thấy được kết quả. Hiệu quả là cái gì? Phiền não nhẹ, trí huệ tăng. Phiền não nhẹ chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn mỗi năm một ít hơn, trí huệ đức tướng của bạn mỗi năm một tăng trưởng lên. Đây là đạo lý nhất định. Bạn chính mình tu học như vậy rồi mới đi độ hóa chúng sanh, cho nên tự hành và hóa tha là một sự việc chứ không phải hai sự việc. Đạo lý này không khó hiểu. Người trong nhà bạn, thân bằng quyến thuộc của bạn, hàng xóm của bạn, nhìn thấy bạn mỗi năm một tốt hơn, một hai năm đầu thì họ không cảm thấy, không phát giác, qua 5 năm, 10 năm, sự chênh lệch này là rất lớn thì họ sẽ thấy ra. Sau khi nhìn thấy được thì họ sẽ bội phục, sẽ tôn trọng bạn, họ sẽ thỉnh giáo với bạn xem bạn đã học như thế nào? Sự việc đầu tiên khiến người cảm thấy không còn giống như trước kia nữa là bạn rất vui sướng, từ sáng đến tối cứ hoan hỷ.
Năm xưa, khi tôi ở tại California của Mỹ, hàng xóm của chúng tôi đều là người Mỹ bản xứ. Tôi đã sống ở nơi đó được hai – ba năm. Đại khái là sau một năm, hàng xóm đã đi hỏi thăm xem chúng tôi những người này làm cái gì. Vì sao lại đi dò hỏi? Họ nói vì sao mà chúng tôi lại vui vẻ đến như vậy? Hay nói cách khác, họ phát hiện ra cuộc sống của họ đang rất khổ, vì sao mà chúng tôi lại vui vẻ đến thế. Nếu như bạn để ý một chút, những người chúng tôi không già đi, họ cảm thấy rất ngạc nhiên, không dễ gì mà bị già yếu. Thường sanh tâm hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn.
Huệ Năng Đại Sư gặp Ngũ Tổ, Ngài liền nói với Ngũ Tổ: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Bạn xem, khiến người ngưỡng mộ biết bao nhiêu! Người thông thường chúng ta mà gặp Tổ sư thì phải nói là trong tâm đệ tử thường sanh phiền não. Cho nên nói thành tích tu học của chính bạn đều nằm ở trên gương mặt của bạn, đều nằm ở trên thân thể của bạn, không nằm ở nơi nào khác. Dùng lời rõ ràng hơn mà nói, nhìn thấy hình tượng của bạn thì sẽ hiểu được bạn tu hành đã có được công phu gì. Sau đó xem đến cử chỉ lời nói của bạn, tự nhiên đã khiến cho người khác tôn kính, tín phục. Cái này là độ hóa chúng sanh. Cho nên tự hành chính là hóa tha, hóa tha chính là tự hành, vì người diễn thuyết, làm ra tấm gương cho người khác xem. Đặc biệt là xã hội ngày nay, hiện tại tất cả chúng sanh trong xã hội có những tật xấu gì chúng ta phải thị hiện ra cho họ thấy, phải giúp đỡ họ sửa lại. Bạn hãy tỉ mỉ xem sự đau khổ của họ, khổ đó từ do đâu mà đến? Hiện tại ở trong xã hội rộng lớn này bạn xem thấy có tai nạn, tai nạn từ do đâu mà ra? Nó có nhân của nó. Chúng ta biết cái nghiệp nhân này, trong việc thị hiện này của chúng ta thì không có nghiệp nhân của tai nạn, không có nghiệp nhân của khổ báo, bạn phải từ chỗ này mà thị hiện. Phật Bồ Tát vì chúng ta thị hiện, ngày nay chúng ta học được rồi thì cũng mô phỏng theo Phật Bồ Tát mà thị hiện một chút cho người khác xem.
Người xưa đã nói rất hay, lo buồn khiến người già. Sự già đi của con người thực ra mà nói, lo âu là cái nhân tố đầu tiên khiến con người già đi. Chúng ta phải đem những chuyện phiền lòng, thường nói là sự vướng mắc của bạn, được mất của bạn, những sự việc khiến người phiền lòng này hết thảy đều buông xả hết, đem chúng bỏ đi hết. Bạn nhất định phải biết, cái thế gian này không có một sự việc nào đáng để phải phiền lòng. Vì sao chứ? Người thế gian không thoát khỏi được số mạng, trong số mạng của bạn đã được định sẵn rồi, bạn còn nhọc lòng để làm gì? Còn học Phật, thì cuộc đời này của chúng ta đã có tất cả Phật Bồ Tát thay ta sắp xếp, vậy ta còn phải lo điều gì? Nếu như chúng ta lo lắng thì Phật Bồ Tát sẽ không an bài cho chúng ta nữa, vậy thì ta sẽ rất phiền não rồi. Tất cả mọi việc đều phải tự mình lo nghĩ thì mệt chết mất. Hết thảy đều giao cho Phật Bồ Tát, ta chỉ ngoan ngoãn mà nghe lời, ngày ngày tụng Kinh, ngày ngày niệm Phật thì được rồi. Làm người học trò giỏi, Phật Bồ Tát là bảo mẫu, các Ngài sẽ đến chăm lo. Chúng ta nhất định không nên vượt quá quyền hạn, không nên lo việc của các Ngài, thì bạn sẽ được đại tự tại.
Những cương lĩnh, phương pháp tu học này đều là do Chương Gia Đại Sư đã truyền thọ lại cho tôi. Tôi rất cảm ân đối với lão sư. Tôi học Phật 50 năm nay không hề lo nghĩ một chút gì cả, quyết định không hỏi đến, phước báo quả thật đều là tự nhiên cả, mãi cho đến như bây giờ. Khổng Lão Phu Tử nói 70 tuổi muốn sao được vậy mà không vượt ngoài khuôn phép. Tôi ngày nay cũng đã đến cái tuổi này rồi, năm nay 77 tuổi, có thể nói với các vị một câu là tôi tâm nghĩ sự thành. Hiện tại tôi nghĩ tưởng, hy vọng thế giới này không nên có chiến tranh. Nếu như nước Mỹ không khởi động chiến tranh với I-raq, thì tôi đã tâm nghĩ sự thành rồi.
Bây giờ thời gian đã hết, hôm nay chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật…
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 277)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.