GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 359/374
Xin chào chư vị đồng tu, hôm nay chúng ta tiếp tục xem kinh văn phần “Thượng Bối Vãng Sanh”:
“Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc.”
Đoạn kinh văn này, vì chúng ta mà nói rất rõ ràng, rất minh bạch, từ xưa đến nay, chư vị Đại đức, đối với đoạn kinh này vô cùng xem trọng, giảng cũng rất nhiều. Phần trước chúng tôi giảng “Phát Bồ-đề tâm”, khiến cho chúng ta nghĩ đến Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng. Trong Đàn Kinh Ngài đã nói, lời nói này là do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư nói, “Đời người sanh tử là việc lớn”. Lời nói này là chân tướng sự thật trong sáu cõi luân hồi, người giác ngộ thì biết rõ nên ngay trong đời này họ nỗ lực làm sao để có thể thoát khỏi sanh tử luân hồi. Đây là đại sự nhân duyên, là sự nghiệp của anh hùng. Như thế nào mới là anh hùng? Việc mà người thông thường làm không được mà họ làm được, đây là anh hùng. Cho nên chánh điện chúng ta thờ Bổn Sư Thích-ca, ở trong các ngôi tự viện được gọi là Đại Hùng Bảo Điện, đại hùng chính là đại anh hùng. Phật có thể đoạn phiền não, Phật có thể đoạn sanh tử, Phật có thể vượt khỏi mười pháp giới, điều này người thông thường không làm được, Phật đã làm được nên gọi là “đại anh hùng”. Ngài dặn dò đại chúng đi theo Ngài, trong Đàn Kinh, Ngài nói với hơn 500 vị theo Ngài học đạo, những người thường xuyên làm công quả trong đạo tràng, còn những người tu học thời gian ngắn thì không tính. Ngài nói với hơn 500 vị thường xuyên ở bên cạnh Ngài là “Chỉ biết cầu phước báo, không cầu thoát khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu đã mê thì phước cũng không thể cứu”. Đây là sự thật, phước báo có lớn hơn đi nữa cũng cứu không được. Cổ Đại đức đã nêu cho chúng ta thí dụ, phước báo của trời Đại Phạm, phước báo của trời Ma-hê-thủ-la, phước báo của vua chúa ở thế gian không cứu được sanh tử luân hồi. Thực sự mà nói cõi trời, cõi người, phước báo tu được từ vô lượng kiếp, lúc hưởng phước thì trong một đời là hưởng hết, hưởng hết phước thì nghiệp chướng liền hiện tiền, làm sao mà không bị đọa lạc được? Những sự việc này hiện bày trước mắt chúng ta, cho nên không thể không giác ngộ.
Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ, những người này thuộc về thượng thượng căn. Người hạ hạ căn phát Bồ-đề tâm thì lập tức chuyển thành người thượng thượng căn. Căn tánh của mỗi người không nhất định, nó không phải là định pháp, phàm phu một niệm giác ngộ thì viên thành Phật đạo. Vì sao như vậy? Vì tánh giác là thứ mà ta vốn đã có, ở trong Đại kinh Phật nói rất hay, “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, bạn vốn là Phật, nhưng tại sao hiện tại bạn lại trở thành như thế này? Nguyên nhân chính là mê mất tự tánh, nên mới sanh ra vọng tưởng phân biệt chấp trước, những thứ này đã khởi lên thì Nhất Chân pháp giới bị bẻ cong, thật sự gọi là vô trung sanh hữu (từ trong không mà sanh ra có), biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành tam đồ. Điều này cổ Đại đức thường nói là “tự làm tự chịu”, không phải do người khác gây cho bạn, bản thân bạn phải chịu trách nhiệm.
Lần này chúng tôi giảng đến đoạn kinh “Xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn”, đây là người xuất gia, trong kinh nói thượng phẩm thượng sanh, điều kiện thứ nhất là xuất gia, xả dục xuất gia. Có đồng tu đưa cho tôi xem một tài liệu, tài liệu này thực tế là nói về một vị lão Pháp sư trong một ngôi chùa ở Lô Giang. Khi chưa xuất gia, Ngài là giáo sư của một trường đại học, sau này thấu rõ hồng trần nên Ngài xuất gia, Ngài chỉ tu duy nhất pháp môn niệm Phật. Từ trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, Ngài trích ra mấy đoạn mà Ấn Tổ thường nói về việc xuất gia, rất đáng để cho chúng ta đề cao cảnh giác. Ở phần đầu có một đoạn trong “Ấn Quang Đại Sư Giáo Huấn Trích Lục”, người trích lục nói trích lục pháp ngữ của Đại Sư mục đích là để nhắc nhở chúng xuất gia chúng ta đề cao cảnh giác, tự mình phản tỉnh, nỗ lực tu trì, nâng cao cảnh giới. Trong Đệ Tử Quy có câu “Chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng”.
Trích lục của Ngài có sáu đoạn, đoạn thứ nhất Ấn Tổ nói, “chí ư xuất gia vi tăng, nãi Như Lai vi trụ trì pháp đạo, dữ lưu thông pháp đạo nhi thiết”. (Xuất gia làm tăng là giữ gìn và lưu thông đạo pháp của Như Lai). Đây là mục đích và dụng ý của chư Phật Như Lai độ chúng xuất gia. Những người xuất gia chúng ta, mục đích dụng ý của chúng ta có tương đồng với Phật hay không? Điều này bản thân mình phải nghiêm túc phản tỉnh.
“Nhược kỳ lập hướng thượng chí, phát đại Bồ-đề, nghiên cứu Phật pháp, triệt ngộ tự tánh, hoằng Tam Học nhi thiên tán Tịnh Độ”. (Nếu người ấy lập chí hướng thượng, phát tâm đại Bồ-đề, nghiên cứu Phật pháp, triệt ngộ tự tánh, hoằng dương Tam Học và tán dương Tịnh Độ). Tam Học ở đây chính là Giới, Định, Huệ. Tại vì sao phải tán thán Tịnh Độ? Vì thời kỳ mạt pháp, trừ pháp môn Tịnh Độ này ra, một đời thành tựu không dễ, rất là khó, cho nên đối với Giới Định Huệ Tam Học phải tán thán hoằng dương rộng khắp. Pháp môn này có thể đáp ứng được vô lượng căn tánh khác nhau của chúng sanh, pháp môn Tịnh Độ là hợp thời, phù hợp với căn cơ nhất. Chúng tôi hôm nay giảng đến chỗ này chính là nói thế giới Ta-bà, chúng tôi lại nói rõ ràng, minh bạch hơn một chút, pháp môn Tịnh Độ phù hợp nhất với căn tánh chúng sanh trên địa cầu hiện nay. Cách tán thán như thế nào? “Quảng học Tam Tạng, quy tâm Tịnh Độ” là đúng rồi. Ba tạng, mười hai phần giáo chúng ta học hay không? Phải học, ta học pháp môn nào? Tu Tịnh Độ, điều này gọi là “hoằng dương Tam Học và xưng tán Tịnh Độ”, chính là cái ý này. Dùng ba tạng để tiếp dẫn chúng sanh, dùng Tịnh Độ để thành tựu chính mình, thành tựu chúng sanh.
Cho nên “Tức nhất sanh nhi thoát khổ luân” (trong một đời thoát khổ luân hồi), cái khổ này là nói tam giới, luân là luân hồi. Tam giới, lục đạo luân hồi, ngay trong đời này chúng ta có thể ra khỏi. “Thử diệc duy khủng bất đa” (việc này chỉ e không nhiều), đây là lời nói thật, “đa đa tắc ích thiện dã” (càng nhiều thì càng tốt), điều này đương nhiên là càng nhiều càng tốt, chính mình phải luôn biết khởi tác dụng dẫn đầu.
Tại sao Phật lại phải kiến lập một hình thức như vậy? Là để gìn giữ Phật pháp, để truyền bá Phật pháp thì không thể không có một tổ chức. Tổ chức này chính là các tự viện am đường, chính là đạo tràng để gìn giữ Phật pháp, là nơi truyền bá Phật pháp, cái ý nghĩa này to lớn như thế nào. Cho nên đạo tràng thì cần người duy trì, không có người thì đạo tràng này không thể hành đạo, cũng không thể hoằng đạo. Hoằng đạo là do con người, là người thật sự đã giác ngộ, phát đại tâm vì tất cả khổ nạn chúng sanh mà làm sự việc này, như vậy mới đúng.
Phần sau tiếp tục nói, “Nhược hoặc sảo hữu tín tâm, vô đại chí hướng” (Tuy có một chút tín tâm, không có chí hướng lớn). Câu nói này cũng không khó hiểu, đối với Phật pháp, có một chút tín tâm, nhưng không có đại chí hướng. “Dục tịch vi tăng chi danh, du thủ háo nhàn, lại Phật thâu sanh, danh vi Phật tử, thật thị khôn dân” (Muốn có danh là Tăng, nhưng lười biếng vui chơi, ăn mày nơi cửa Phật, mang danh là Phật tử, nhưng thật sự chỉ là gã cạo đầu). Điều này sai rồi, chúng tôi thường nói đây chính là là phá hoại hình tượng Phật giáo. Phá hoại hình tượng Phật giáo thì làm sao mà không có lỗi với Phật Bồ-tát, làm sao mà không có lỗi với lịch đại Tổ sư, làm sao mà không có lỗi với tất cả khổ nạn chúng sanh, chúng ta có nghĩ đến điều này hay không?
Quý vị biết là trong ngũ nghịch tội có một tội gọi là “làm thân Phật ra máu”, nếu chúng ta mượn bảng hiệu của Phật, sống nhờ vào sự cúng dường của thiện nam tín nữ, lười biếng vui chơi, không chân thành tu đạo, cổ Đức nói “hạt gạo của thí chủ nặng như núi Tu-di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Chúng ta thọ hưởng cúng dường của bao nhiêu người, tương lai tất cả nợ này đều phải trả, bạn cho là sự cúng dường này là được cho không à? Chúng ta ngày nay là nương nhờ vào phước báo của Phật, có nương nhờ nổi vào phước báo của Phật hay không? Thật sự nương nhờ vào phước báo của Phật, vậy thì chúng ta không cần phải trả nợ, Phật sẽ gánh vác. Phật cũng chẳng có cách nào, nhân quả của ai thì người đó tự chịu, Phật chẳng có cách nào gánh chịu nhân quả thay cho bạn, bạn nói xem sự việc này có phiền phức hay không? Chúng ta không thể không biết, không thể nào không đề cao cảnh giác. Vậy phải làm như thế nào? Phải chân thật tu. Có đồng tu nói với tôi, có một Pháp sư muốn hoàn tục, ông ấy hỏi tôi có được hay không? Tôi nói rất tốt, không thể chân thật tu hành thì hãy mau hoàn tục, sau khi hoàn tục thì nghiêm chỉnh học Phật, cúng dường Tam Bảo để chuộc tội, trong khoảng thời gian bạn xuất gia đã tạo rất nhiều nghiệp tội, bạn nên sám hối, bạn nên nghĩ cách chuộc tội.
Tiếp theo là nói: “Tức linh bất tạo ác nghiệp, dĩ thị pháp chi bại chủng, quốc chi phế nhân, thượng hoặc phá giới tạo nghiệp, di nhục Phật giáo, túng linh sanh đào quốc pháp, quyết định tử đọa địa ngục, ư pháp ư kỷ, lưỡng vô sở ích” (Cho dù không tạo ác nghiệp, nhưng đã là hạt giống xấu của Phật pháp, kẻ phế nhân của đất nước, huống hồ còn phá giới tạo nghiệp, khiến Phật giáo phải chịu nhục theo. Cho dù sống có thể thoát khỏi pháp luật quốc gia thì chết nhất định sẽ đọa địa ngục, đối với Phật pháp và bản thân đều chẳng có lợi ích). Lời nói này là thật không phải giả, mỗi câu đều là lời chân thật, bạn xuất gia mà đối với Phật pháp bạn chẳng hiểu gì, sống qua ngày tùy tiện ở trong cửa Phật, cho dù bạn không tạo ác nghiệp, nhưng bạn đã phá hoại hình tượng của Phật giáo rồi. Cho nên Đại sư nói “pháp chi bại chủng, quốc chi phế nhân” (là hạt giống bại hoại trong cửa Phật, kẻ phế nhân của đất nước), đối với quốc gia, đối với xã hội bạn chẳng có chút cống hiến nào.
Nhà Phật nói “trên đền bốn ơn nặng”, báo ơn cha mẹ, báo ơn thầy tổ, báo ơn quốc gia, báo ơn chúng sanh, chúng ta không nghiêm chỉnh tu hành thì lấy gì để báo ơn đây? Hay nói cách khác, làm sao để không có lỗi với cha mẹ, làm sao để không có lỗi với tổ tiên, làm sao để không có lỗi với thầy tổ, làm sao để không có lỗi với quốc gia xã hội, làm sao để không có lỗi vối tất cả chúng sanh, chúng ta có thường xuyên nghĩ đến cái vấn đề này hay không? Nếu bạn thật sự nghĩ đến, tôi tin là nhất định bạn sẽ tinh tấn dũng mãnh, nhất định bạn sẽ nghiêm chỉnh sám hối, đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức, lấy việc này để đền bốn ơn nặng, để cứu ba đường khổ.
Dưới đây nói, huống hồ nếu bạn phá giới, bạn tạo nghiệp, phạm vi tạo nghiệp là vô cùng rộng lớn, những việc bạn đã tạo đã gây, chính là mang lại nỗi nhục cho nhà Phật, khiến cho mọi người xem thường bạn, xem thường bạn chính là xem thường Phật giáo, xem thường mười phương ba đời tất cả chư Phật, xem thường sự giáo hóa của Phật đối với tất cả chúng sanh. Cái tội này thật là khủng khiếp, đọa địa ngục A-tỳ không ra nổi. Cho dù bạn tránh được luật pháp của quốc gia, quốc gia tôn trọng tôn giáo, nhưng bạn đã phạm trọng giới của Phật, bạn không vi phạm pháp luật, tuy quốc gia không trừng phạt bạn, nhưng khi bạn chết thì chắc chắn đọa địa ngục, chắc chắn là như vậy, chẳng có chút hoài nghi nào. Xuất gia chẳng phải là việc dễ, cho nên đối với Phật pháp, đối với bản thân mình, chẳng có chút lợi ích nào.
“Như thị tắc nhất thượng bất khả, hà huống chúng đa” (Thế nên, một việc còn không được làm, huống là nhiều việc). Một chuyện sai lầm bạn không được phạm, huống hồ bạn đã phạm rất nhiều lỗi lầm. Cổ nhân nói, điều này rất nhiều đồng tu đều biết, “Xuất gia nãi đại trượng phu chi sự, phi tướng tướng sở năng vi, nãi chân ngữ thật ngữ” (Xuất gia là việc của đấng đại trượng phu, không phải là công việc của bậc làm tướng soái, đây là lời chân thật). Đây là tán thán người xuất gia, một người phát tâm xuất gia, đây không phải là việc mà một nguyên soái có thể làm được, không phải là việc mà một vị tể tướng có thể làm được. Hai người lãnh đạo của một quốc gia, một người là văn, một người là võ, văn là tướng, võ là soái đều không làm được. Hay nói cách khác, bạn phát tâm xuất gia, làm sự nghiệp xuất gia, sự nghiệp xuất gia này còn trên cả tể tướng, trên cả thống soái. Điều này có ý nghĩa gì? Là bạn có thể giáo hóa chúng sanh, bạn có thể giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Sự nghiệp này, tể tướng cũng không làm được, đại tướng quân cũng không làm được. Cho nên tại sao người xuất gia được gọi là “thầy của trời người”, không những đế vương ở thế gian tôn trọng bạn, mà thiên vương cũng tôn trọng bạn, bạn có thể làm được, họ không thể làm được.
Họ làm không được là tại vì sao? Vì bạn có thể đoạn phiền não nhưng họ không thể đoạn phiền não; bạn có thể đoạn tham sân si, họ thì không thể đoạn tham sân si; bạn có thể ra khỏi tam giới, nhưng họ không thể ra khỏi tam giới, cho nên tướng soái cũng không thể bì được. “Phi ức tướng tướng, nhi dương Tăng-già dã” (Đây không phải là hạ thấp bậc tướng soái mà đề cao Tăng chúng), câu nói này hoàn toàn không phải hạ thấp tướng soái xuống, nâng cao người xuất gia lên, không phải là cái ý này, mà đây là sự thật.
“Lương dĩ hà Phật gia nghiệp, tục Phật huệ mạng, phi phá vô minh dĩ phục bản tánh, hoằng pháp đạo dĩ lợi chúng sanh giả bất năng dã” (Thật sự để gánh vác gia nghiệp của Phật, tiếp nối huệ mạng của Phật, nếu không phải là bậc phá vô minh nhằm khôi phục bản tánh, hoằng đạo pháp để làm lợi ích chúng sanh thì không thể làm được). Câu này tướng soái không làm được, “hà” là gánh vác, chính là bạn gánh vác sự nghiệp của của Như Lai. Sự nghiệp của Như Lai là gì? Là hoằng pháp lợi sanh, nói rõ ràng minh bạch hơn một chút, chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đây chính là gia nghiệp của Phật, là sự nghiệp của nhà Phật. Nghề nghiệp ở thế gian này rất nhiều, sự nghiệp của nhà Như Lai cũng là một loại nghề nghiệp, nghề nghiệp này khó hơn tất cả các nghề nghiệp khác, trách nhiệm cũng nặng hơn tất cả nghề nghiệp khác. Bạn có thể phát tâm gánh vác sự nghiệp này, đây là người rất tuyệt vời, bởi vì họ là người tiếp nối huệ mạng của Phật.
Chúng tôi nghĩ đến, ngày nay chúng ta đã xuất gia, sự nghiệp chúng ta làm là nối tiếp huệ mạng của Phật hay là đoạn mất huệ mạng của Phật? Không nói điều gì khác, chỉ nói đơn giản nhất, là chuyện nhỏ nhặt trong số chuyện nhỏ nhặt ở trong nhà Phật, nếu bạn có thể làm được tất cả những điều của Thập Thiện Nghiệp thì bạn là nối tiếp huệ mạng của Phật. Bạn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm hoàn toàn trái ngược với Thập Thiện Nghiệp thì bạn đã diệt huệ mạng Phật, bạn nói xem vấn đề này nghiêm trọng biết bao. Thập Thiện Nghiệp Đạo làm không được thì không cần phải nói những vấn đề khác, Thập Thiện Nghiệp là điều cơ bản nhất. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, những điều này bạn đã làm được hay chưa? Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, ba điều này là nguyên tắc chỉ đạo, là chánh nhân tịnh nghiệp của chư Phật Như Lai, không có một vị Phật nào mà không thành tựu từ cái cương lĩnh này. Phật đem cương lĩnh này truyền trao lại cho chúng ta, điều thứ nhất chính là Thập Thiện Nghiệp Đạo, làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo thì mới chân thật là hiếu dưỡng phụ mẫu, mới chân thật là phụng sự sư trưởng. Đây mới chỉ là một người thiện mà thôi, chưa có phá mê khai ngộ, nhưng nó là nền tảng. Nếu ngay cả nền tảng cũng không có thì không thể nào bàn đến nền tảng của việc phá mê khai ngộ.
Quý vị hãy xem kỹ Đàn Kinh, trước đây chúng tôi đã đọc qua Đàn Kinh ba lần, là cách đây rất lâu, hình như có lưu lại bằng băng ghi âm. Lục Tổ tuy là không biết chữ, không có đọc sách, chưa từng đi học, nhưng Ngài hiểu được hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, Ngài hoàn toàn thực hiện Thập Thiện Nghiệp. Bạn xem Ngài ở Hoàng Mai, trong khoảng tám tháng, đối nhân xử thế tiếp vật, khiêm cung lễ độ, không một người nào mà Ngài không tôn trọng. Điều này khiến cho chúng ta nghĩ đến Phổ Hiền Thập Nguyện, “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng”, tất cả Ngài đều làm được, cho nên Ngũ Tổ đem pháp truyền cho Ngài mà không truyền cho Thần Tú. Ngài đã làm được, tâm địa thật sự là thanh tịnh bình đẳng giác, chính là “bổn lai vô nhất vật” (vốn chẳng có một vật), “bổn lai vô nhất vật” chính là thanh tịnh bình đẳng giác, quý vị có thể lĩnh hội được cái ý này không? Từ chỗ này mà thấy, người xuất gia gánh vác sự nghiệp của Như Lai, nối tiếp huệ mạng của Phật, phải làm thế nào để làm tốt sự nghiệp này? Là phá vô minh, hồi phục bản tánh, minh tâm kiến tánh, sau đó mới hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh, đây mới chân thật là một người gánh vác gia nghiệp của Như Lai, nối tiếp huệ mạng của Phật. Điều này cho thấy tướng soái của thế gian không thể làm được, người xuất gia làm được.
Tiếp theo Đại sư nói “Kim chi vi tăng dã” (Người làm Tăng thời nay), câu này nói về những người xuất gia hiện nay. “Đa giai bỉ bại vô lại chi đồ, cầu kỳ du du phiếm phiếm, trì trai niệm Phật giả, thượng bất đa đắc, huống năng hà gia nghiệp nhi tục huệ mạng hồ” (Đa phần là kẻ bại hoại, học trò vô lại, mong có kẻ thong thả hời hợt trì trai niệm Phật còn không có nhiều, huống chi là người có thể gánh vác gia nghiệp và tiếp nối huệ mạng). Đây là sự việc mà Đại sư Ấn Quang vô cùng cảm thán, những người xuất gia hiện nay đa số đều trong tình trạng như vậy, những điều đã nói đều là sự thật.
“Kim chi Phật pháp, nhất bại đồ địa dã, dĩ Thanh Thế Tổ bất quán thời cơ, ngưỡng tuân Phật chế, cách tiền triều chi thí tăng, vĩnh miễn độ điệp, linh kỳ tùy ý xuất gia, vi chi tác dũng giả” (Phật pháp ngày nay bại hoại dưới đất bùn là do Thanh Thế Tổ không quán sát thời cơ, mong muốn tuân theo quy chế của Phật môn, ông cải cách chế độ thi cử để làm Tăng của tiền triều, miễn độ điệp, để cho người tùy ý xuất gia, khởi đầu cho phong khí bại hoại). Đây là nói căn nguyên bại hoại của người xuất gia. Đời vua Thuận Trị thời tiền Thanh, Thanh Thế Tổ là Thuận Trị, Ngài có một cái tâm tốt, tâm tốt nhưng không làm được việc tốt. Tiền triều là từ đời nhà Minh trở về trước, Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào đời nhà Hán, những vị xuất gia vào thời đó đều phải trải qua cuộc thi, khảo thí của quốc gia, chứ không phải tùy tiện có thể xuất gia. Nhìn thấy sự nghiệp này của người xuất gia thì bạn liền hiểu, họ thi còn khó hơn thi cử nhân, tiến sĩ nữa. Trong số những cử nhân, tiến sĩ tương lai sẽ có bậc tướng soái ở trong đó, nhưng sự nghiệp của người xuất gia còn hơn hẳn tướng soái, cho nên quan chủ khảo kỳ thi cuối cùng là do đích thân Hoàng Đế trực tiếp chấm thi. Đạo đức của bạn, trình độ của bạn chân thật khiến nhà Vua tôn trọng kính phục thì Vua mới cấp độ điệp cho bạn. Độ điệp chính là tờ chứng nhận, bạn đã qua được cuộc thi rồi, bạn nhận được độ điệp thì mới có thể xuất gia, nếu bạn không có độ điệp thì bạn xuất gia ở nơi nào, Pháp sư cạo tóc cho bạn ở ngôi chùa đó sẽ phạm pháp, phải bị xử lý theo pháp luật của quốc gia rất là nghiêm khắc. Cho nên ngày trước địa vị của người xuất gia rất cao, chúng ta nhìn xem trong lịch sử Trung Quốc, ở các đạo tràng, các vị quan địa phương rất tôn kính người xuất gia, đồng thời những vị xuất gia cũng làm cố vấn cao cấp cho các vị quan này. Khi các quan gặp phải khó khăn trong cách xử trí về chính trị thì luôn đến các tự viện xin các vị xuất gia chỉ dạy, người xuất gia thật sự có khả năng giúp đỡ họ giải quyết vấn đề, nên các quan làm sao không tôn kính chứ? Hiện nay người xuất gia có được cái khả năng này hay không? Có được đức hạnh, trình độ này hay không? Điều này chúng ta phải biết là do nguyên nhân gì?
Do quy chế độ khảo thí thời xưa quá hay, Thanh Thế Tổ phát tâm từ bi, xuất gia là một việc tốt, cớ gì phải nghiêm khắc như vậy, phạm vi qui định như vậy sẽ khiến cho rất nhiều người muốn xuất gia không có cách nào để xuất gia, phạm vi qui định quá khắt khe nên Ngài bãi bỏ cái qui chế này, không cần thi cử nữa, mọi người đều có thể tùy ý xuất gia. Vào thời đó thì không sao, bởi vì trong ba triều đại Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, trong số những vị xuất gia thật sự là không hiếm người tài, Phật pháp cực kỳ hưng thịnh một thời, thật sự có lợi ích. Cuối đời Càn Long sau thời Gia Khánh, Phật giáo dần dần suy yếu đi. “Vi chi tác dõng” chính là sự dẫn đầu, sự dẫn dắt này của hoàng đế Thuận Trị không được hay, lúc đó thì có lợi ích trong thời gian rất ngắn, nhưng nhìn về lâu dài thì Phật pháp bị suy yếu.
Cho nên Đại sư nói: “Phù tùy ý xuất gia, ư thượng sĩ tắc hữu đại ích” (Việc tùy ý xuất gia thì có lợi ích lớn đối với bậc thượng thừa), bậc thượng thừa muốn xuất gia nhưng có lúc khảo thí lại bị rớt, cho nên họ được lợi ích lớn. Thế nhưng “Ư hạ sĩ tắc đại hữu tổn” (Đối với hạ sĩ thì là tổn thất lớn). “Thảng thế giai thượng sĩ, tắc thử pháp cố ư pháp đạo hữu ích (Nếu thế gian này đều là những bậc thượng thừa thì phương pháp này có ích đối với đạo pháp). Nếu thế gian này đều là người thượng thừa thì đương nhiên xả bỏ cái quy định này sẽ có lợi ích lớn đối với tu học và hoằng dương. “Nhi thượng sĩ như lân giác, hạ sĩ như ngưu mao” (Nhưng bậc thượng thừa như sừng lân mà kẻ hạ sĩ nhưng lông bò), đây là sự thật. “Ích tạm” là lợi ích tạm thời. Từ khoảng thời gian đầu nhà Thanh đến năm Càn Long “thiện tri thức nhiều như rừng nên điều này sẽ có ích”, đây là sự thật. “Họa quảng đàm ư hậu thế” (nhưng mối hoại hại lan rộng đến về sau), về sau vấn đề này càng nghiêm trọng. “Chí kim ô lạm dĩ cực” (Cho đến hiện nay sự sai trái đã đến mức cùng cực). Đến hiện tại “túng hữu tri thức” (cho dù có bậc tri thức), tri thức ở đây là nói chân thiện tri thức, đại thiện tri thức, “dục nhất chỉnh đốn, vô tùng thố thủ, khả bất ai tai” (muốn chỉnh đốn lại cũng không biết bắt tay làm từ đâu, đau xót lắm thay!) Phật Bồ-tát có đến cứu vãn thì cũng không cứu vãn được vấn đề này. Cho nên cổ Đại đức mới thiết lập quy định, suy xét vô cùng chu đáo chặt chẽ, tại sao phải nghiêm khắc như vậy, không phải là không có đạo lý, lúc đó bỏ đi quy chế thì nhìn thấy tưởng rất tốt, qua 200 năm, 300 năm sau thì bạn mới biết được, tai hại vô cùng.
Đại sư lại nói “Dĩ hậu cầu xuất gia giả, đệ nhất yếu chân phát tự lợi lợi tha chi đại Bồ-đề tâm” (Về sau người cầu xuất gia, thứ nhất là phải phát tâm đại Bồ-đề tự lợi lợi tha). Về sau chính là lời của Đại sư Ấn Quang nói, sau thời đại này bao gồm thời đại của chúng ta, Đại sư Ấn Quang đề xuất ra điều kiện để xuất gia. Thứ nhất là phải chân thật phát tâm Bồ-đề tự lợi lợi tha. Thứ hai là “có thiên chất hơn người”, hơn người là vượt trội hơn người khác, đây chính là người chân thật có trí huệ, chân thật có đức hạnh, như vậy mới có thể thế độ, “thế” là cắt tóc, là cạo đầu. Hai điều này không đủ thì không thể xuất gia, đây là vì người xuất gia hôm nay và mai sau mà Ấn Tổ đề xuất điều kiện này.
Hai điều kiện này là đoạn thứ nhất, đoạn thứ hai Đại sư nói: “Xuất gia nhất sự, kim nhân đa dĩ vi tị lãn thâu an kế, kỳ hạ yên giả, tắc vô hữu sanh lộ, tác thâu sanh kế” (Việc xuất gia ngày nay đa phần bị kẻ lười biếng nương náu vào đó dựa dẫm để an ổn, những kẻ kém hơn do không có đường kiếm sống thì dùng cách này để sanh kế). Những hiện tượng này không thể nói là không có, hạng người thứ nhất tại sao phải xuất gia? Do không chịu lao động, lao động rất cực khổ, rất mệt, cuộc sống xuất gia yên ổn, sẵn có đồ cúng dường. Thật lòng mà nói, ở nội địa Trung Quốc đặc biệt là vùng nông thôn, cuộc sống rất khổ, ăn mặc, cư trú đi lại là cả một vấn đề. Xuất gia có tự viện nên có thể ổn định, cuộc sống không hề lo toan, thật sự là có điều này. Còn có một loại là ở trong xã hội không có khả năng lao động, không có kỹ năng mưu sinh, vậy là họ xuất gia, xuất gia để có cái ăn, có cái mặc, có chỗ để ở, xuất gia là vì mục đích này. Điều này không giống như hai điều kiện mà Đại sư Ấn Quang nói ở phía trước, thứ nhất là chân thật phát tâm tự lợi lợi tha, đại Bồ-đề tâm; thứ hai là chân thật có đức hạnh, có trình độ, có trí huệ, có thể gánh vác gia nghiệp của Như Lai, nối tiếp huệ mạng của Phật. Có được khả năng này, có chí hướng này thì không phải là vào trong cửa Phật để kiếm miếng cơm ăn. “Cố kim chi xuất gia giả đa giai vô lại chi đồ, trí pháp đạo tảo địa nhi tận, giai thử bối xuất gia dã vi chi bại hoại nhi trí nhiên dã” (Vậy nên, đa số người xuất gia thời nay đều là những kẻ vô lại, dẫn đến đạo pháp bị bại hoại cùng cực, thảy đều do sự bại hoại của những hạng xuất gia đó gây nên), lão Pháp sư rất là đau lòng khi nói ra những lời này.
Ở Trung Quốc những lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền từ năm ngàn năm nay đã đề xướng “tu thân vi bổn, giáo học vi tiên” (lấy tu thân làm gốc, lấy dạy học làm đầu), cuộc sống của người xuất gia dũng mãnh tinh tấn, đâu thể giải đãi được? Giải đãi thì làm sao bạn có thể khai ngộ, làm sao bạn có thể minh tâm kiến tánh? Cho nên người xuất gia ít ra phải có đủ bốn thiện căn, trong thế gian pháp thì Phật nói là ba thiện căn. Không tham, không sân, không si thì có thể thành tựu tất cả thiện pháp của thế gian. Người xuất gia vẫn phải thêm một điều là tinh tấn, tinh là không xen tạp, tấn là không thoái chuyển thì họ sẽ có thành tựu. Nếu giải đãi lười nhác, việc này ở trong cửa Phật là đã tạo tội nặng.
Bây giờ thời gian hết rồi, hôm nay chúng tôi giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 359)
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.
.