GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 124/374
Trong kinh luận Đại thừa, Thế Tôn dạy bảo chúng ta hồi hướng ba nơi. Thực tế mà nói, chúng ta tu học có ba mục tiêu:
- Thứ nhất là “Hồi hướng chúng sanh”. Hồi hướng cho tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh mà tu học.
- Thứ hai là “Hồi hướng Bồ Đề”. Bồ Đề là trí tuệ, chúng ta học Phật chỉ cầu khai trí tuệ, ngoài việc này ra, không cầu thứ gì khác. Các vị nên biết, ở Singapore có rất nhiều tôn giáo, Minh giáo là Bái Thần giáo, thần mà họ bái chỉ có một tôn thần, đó là thần Trí Tuệ. Họ cầu trí tuệ. Trong Phật pháp chúng ta, ba đức chính là nói Bát Nhã, họ cầu cái này. Chúng ta mong cầu trí tuệ, quyết không cầu danh vọng lợi dưỡng.
- Thứ ba là “Hồi hướng thực tế”. “Thực tế” là minh tâm kiến tánh, điểm này các đồng tu nhất định phải nên biết. Minh tâm kiến tánh là lời của Thiền tông. Thiền tông cầu minh tâm kiến tánh, người niệm Phật chúng ta có cần cầu minh tâm kiến tánh hay không? Vẫn là cầu minh tâm kiến tánh, chẳng qua danh từ minh tâm kiến tánh của ta không như nhau, chúng ta gọi là Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Lý Nhất Tâm Bất Loạn chính là minh tâm kiến tánh, trong Giáo Hạ gọi là Đại Khai Viên Giải. Đại Khai Viên Giải cũng là minh tâm kiến tánh. Danh từ không giống nhau, nhưng ý nghĩa hoàn toàn như nhau, hồi phục tánh đức của chính mình.
Bồ Đề là trí tuệ vô lượng, “thực tế” là đức năng vô lượng, đều là tự tánh. Nếu như chúng ta nhận rõ phương hướng rồi, nhận rõ mục tiêu rồi thì ngay đời này quyết định có thể có thành tựu, không thể nào lệch đi phương hướng, không thể nào lệch đi mục tiêu, cho nên học Phật luôn phải cố gắng ghi nhớ.
Xã hội hiện tại đối với người học Phật của chúng ta mà nói, mỗi bước đều là vực thẳm, mỗi bước đều là hầm lửa, bạn nhất định phải có mắt trí tuệ mới thấy được rõ ràng tường tận, không đến nổi đọa lạc, không đến nổi bị hãm hại. Bạn phải tỉ mỉ cẩn thận, vì thiện tri thức ít, ác tri thức nhiều. Trong ác tri thức, có những người là bạn chán ghét, có một số là bạn ưa thích. Bạn phải ghi nhớ, bạn ưa thích đó cũng là ác tri thức, họ đến cung kính bạn, cúng dường bạn, làm cho bạn bị mê hoặc điên đảo, khiến bạn rơi vào trong tình thức, hoàn toàn không có trí tuệ. Thiện tri thức chân thật, bạn ở chung với họ, họ nói chuyện rất khó nghe, tại vì sao vậy? Ngày ngày họ nói lỗi của bạn, đó mới là thiện tri thức chân thật. Chính mình không biết được lỗi lầm của chính mình, người ta đến nhắc nhở chúng ta, đây là việc tốt, chúng ta phải nên cảm kích. Thế nhưng hiện tại có rất nhiều người khi gặp được người thường hay nói lỗi lầm của mình thì hận họ thấu xương, “ngày ngày tìm ta gây phiền phức”, cho nên viễn ly thiện tri thức. Người mà ngày ngày đến nịnh bợ bạn, nghe theo bạn, ở bên tai bạn nói lời dễ nghe thì bạn cho đó là người tốt. Kỳ thật, người đó mới là chân thật hãm hại bạn, bạn hoàn toàn không biết. Thân cận ác tri thức, viễn ly thiện tri thức thì bạn làm thế nào có được thành tựu? Cho nên mục tiêu phương hướng của chúng ta nhất định phải chính xác, sau đó là “nguyện sanh ngã quốc”.
Chúng ta có thể thấy được, “hồi hướng chúng sanh, hồi hướng Bồ Đề, hồi hướng thực tế”, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ thì người này quyết định được sanh. Ý nghĩa của lời nói này, các vị có thể hiểu không? Tâm lượng quá nhỏ, nơi nơi đều là vì chính mình mà nghĩ thì “sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng” cũng không thể vãng sanh, cho nên tâm lượng chúng ta phải lớn. A Di Đà Phật 48 nguyện phổ độ pháp giới tất cả chúng sanh, không phân chủng loại, không phân chủng tộc. Chúng ta mở kinh Hoa Nghiêm ra thì liền có thể thấy được, trên kinh Hoa Nghiêm mỗi một người là đại biểu cho một tộc loại lớn, mỗi tộc loại lớn này lại phân ra không biết bao nhiêu tộc loại nhỏ, dùng lời hiện đại mà nói, chính là đa nguyên văn hóa.
Tối hôm qua khi tôi vừa trở lại, cư sĩ Lý Văn Hoa tặng cho tôi một đĩa VCD, tối hôm qua tôi đã xem. Đây là đĩa nói về “đa nguyên văn hóa”, đã đem những hoạt động này ở Singapore cùng Úc Châu của chúng ta hơn một năm qua làm một giới thiệu đơn giản, làm được rất hay. Hôm nay, tôi nói với mấy vị đồng tu, đề mục này chưa hay lắm, các vị có thể nghĩ ra đề mục nào hay hơn hay không? Họ nghĩ rất lâu, cũng không có đáp án. Còn có rất nhiều đề mục, không nên lìa khỏi bổn hiệu. Đa nguyên văn hóa là gì? Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thực tiễn ở Singapore, bạn nói xem, đề mục này có hay hay không? Đề mục nhỏ chính là hoạt động của đa nguyên văn hóa. Chúng ta hoạt động đa nguyên văn hóa ở Singapore và Úc châu, như vậy thì mọi người liền tường tận.
Phật pháp chính là đa nguyên văn hóa. Đa nguyên văn hóa chính là Phật pháp Đại thừa. Hai danh từ không giống nhau, nhưng ý nghĩa hoàn toàn như nhau. Người Trung Quốc chúng ta gọi là Phật, người nước ngoài gọi là Buddha, làm thế nào đây? Buddha không phải Phật, Phật không phải Buddha, hai việc này thôi thì cãi nhau rồi. Trong nhà Phật chúng ta thì gọi là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”, còn ở Úc châu thì họ gọi là đa nguyên văn hóa, chỉ là một sự việc. Cho nên lần này tôi đến Úc châu, nghe nói ở Paris có một số đồng tu trong lòng hoang mang, tại vì sao hiện tại pháp sư Tịnh Không không giảng Phật pháp mà đi làm đa nguyên văn hóa rồi? Tôi vừa nghe qua liền nghĩ đến, người Trung Quốc chúng ta gọi là Phật, người nước ngoài gọi Buddha, hiện tại pháp sư Tịnh Không không học Phật nữa, đi làm Buddha rồi. Việc này chẳng phải như vậy hay sao? Mê ở trong văn tự! Đây là chướng của văn tự, họ không biết được là một sự việc. Bạn thấy chúng ta hồi hướng, hồi hướng phải hồi hướng chúng sanh, chúng sanh đó người ta gọi là đa nguyên văn hóa, bạn có cách nào hay không? Đa nguyên văn hóa chính là hồi hướng chúng sanh. Chúng ta mở kinh Hoa Nghiêm xem, đích thực là như vậy. Trên kinh Hoa Nghiêm rất nhiều chủng loại khác nhau, tôn giáo khác nhau, văn hóa khác nhau, phương thức đời sống khác nhau, họ làm thế nào để dung hợp? Họ dùng trí tuệ để dung hợp, khiến cho mỗi một người đều có thể chân thật khế nhập “Đại Phương Quảng”. “Đại” là bản thể của vũ trụ vạn hữu, bản thể của vũ trụ nhân sanh. “Phương” là hiện tướng của vũ trụ nhân sanh. “Quảng” là đức dụng của vũ trụ nhân sanh. Hoàn toàn thông đạt đối với những thứ này thì liền dung hợp, liền thực tiễn đa nguyên văn hóa. Thực tiễn gọi là “Phật Hoa Nghiêm”. “Phật” là người, là cá nhân ta. Người tường tận thấu suốt chân tướng vũ trụ nhân sanh thì gọi là Phật. “Hoa” là thí dụ cho hoàn cảnh đời sống chúng ta thông đạt tường tận, tất cả sự vật thông đạt tường tận. “Nghiêm” là thọ dụng, hưởng thụ, trang nghiêm, chúng ta gọi là hưởng thụ “chân thiện mỹ huệ”. Phật Hoa Nghiêm chính là hiện tại gọi là đa nguyên văn hóa. Đa nguyên văn hóa chính là Phật Hoa Nghiêm. Đây là một sự việc có hai cách nói khác nhau mà thôi. Cho nên chúng ta đem việc này giới thiệu, tên gọi đổi thành “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” thực tiễn ở Úc châu và Singapore. Singapore và Úc châu, chúng ta lưu thông đến mấy nơi, mọi người vừa thấy thì sanh tâm hoan hỉ. Các vị đồng tu tỉ mỉ mà suy xét.
Thế nhưng tu học Phật pháp, đặc biệt là ở thời kỳ Mạt Pháp, Thế Tôn cùng chư Phật Như Lai dạy bảo chúng ta “nguyện sanh ngã quốc”, nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ thì mới là chân thật thành tựu cứu cánh viên mãn. Nếu như chúng ta không cầu sanh Tịnh Độ, cho dù vào được cảnh giới Phật Hoa Nghiêm, tương lai vãng sanh thế giới Hoa Tạng là Bồ Tát Viên Giáo sơ trụ, từ lúc đó bắt đầu, nếu như ở thế giới Hoa Tạng tu hành chứng đến Phật quả cứu cánh viên mãn, ở trên kinh Phật nói với chúng ta, phải trải qua thời gian là ba đại A Tăng Kỳ kiếp, cho nên thời gian ba đại A Tăng Kỳ kiếp thành Phật là bắt đầu tính từ Viên Giáo sơ trụ, không tính thời gian về trước, nếu tính vào thì mỗi một người chúng ta đều đã sớm thành Phật rồi. Chúng ta ở trong đời quá khứ tu hành không chỉ ba đại A Tăng Kỳ kiếp mà trải qua vô lượng kiếp, vô lượng kiếp này không tính, mà phải bắt đầu tính từ ngày chứng được Viên Sơ Trụ Bồ Tát. Điều kiện của Viên Sơ Trụ chúng ta biết rồi, phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, bắt đầu tính từ ngày đó. Hiện tại chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta ngay đến kiến tư phiền não cũng chưa đoạn, người ta kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não đoạn rồi, vô minh phá một phẩm, vậy mới vào Viên Giáo Sơ Trụ. Vì vậy vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là thù thắng không thể nghĩ bàn, nếu như không phải tu pháp môn này, chúng ta ngay trong một đời này, một chút hy vọng cũng không có. Kiến tư phiền não đoạn rồi mới ra khỏi sáu cõi, trần sa phiền não đoạn rồi mới ra khỏi mười pháp giới, bạn nghĩ xem việc này khó cỡ nào, người nào có năng lực siêu việt sáu cõi luân hồi?
Kiến tư phiền não, Phật ở trên kinh đem nó quy nạp, kiến phiền não chính là kiến giải sai lầm, tam giới 88 phẩm; tư phiền não là tư tưởng sai lầm, tam giới 81 phẩm. Năng lực chúng ta chân thật phá một phẩm cũng không được. Việc này chính mình nghĩ tưởng liền biết được, một ngày từ sớm đến tối nghĩ tưởng xằng bậy, ngay đến khi ngủ cũng nằm mộng, nằm mộng cũng nghĩ tưởng xằng bậy, bạn nói xem có phương pháp gì? Vậy mới biết được chính mình nghiệp chướng tập khí sâu nặng, bạn chưa có giác ngộ. Nếu chân thật giác ngộ rồi, nhất định liền sẽ cảm giác rất là khủng khiếp, nghĩ lại loại tình huống này, đời sau nhất định đọa ba đường. Ba đường bước vào thì dễ, đi ra thì rất khó. Nếu như muốn tránh khỏi khổ báo của sáu cõi, ba đường, ngày nay chỉ có một phương pháp là một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ, ngoài việc này ra, không có biện pháp thứ hai.
“Nãi chí thập niệm”. “Thập niệm” có rất nhiều cách nói, trong “Quán Kinh” nói: “Cụ túc thập niệm xưng Nam Mô A Di Đà Phật”. Cách mười niệm này, từ trên mặt chữ mà nhìn, chính là mười câu danh hiệu “A Di Đà Phật”. Vào khoảng bốn, năm năm trước, tôi cũng giảng kinh ở nơi đây, truyền cho các đồng tu phương pháp này, nhất định phải tu, nhất định không thể quên đi, niệm mười câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” sáu chữ. Tôi khuyên các vị chỉ niệm bốn chữ “A Di Đà Phật”, mười câu “A Di Đà Phật”, “A Di Đà Phật”, “A Di Đà Phật”… Niệm một hơi mười câu, không có một vọng niệm xen tạp ở trong đó. Mười niệm này thời gian rất ngắn, đích thực là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Một ngày niệm bao nhiêu lần? Tôi kiến nghị các đồng tu niệm chín lần, không thể ít hơn chín lần.
- Lần thứ nhất là sáng sớm khi vừa thức dậy, súc miệng rửa mặt xong, có tượng Phật thì chắp tay ở trước tượng Phật, không có tượng Phật thì mặt hướng về phía Tây. Thời gian ngắn, không dài, không làm trễ công việc của bạn, không luận là bạn làm công việc bận rộn thế nào, đều không trễ nãi, vì sao vậy? Chỉ cần thời gian một, hai phút. “Chí tâm tín nhạo”, “chí tâm” thời gian rất ngắn, dài thì không được, dài thì vọng niệm khởi lên. Phương pháp này rất tốt, chỉ cần ngày ngày làm theo, cả đời không kém khuyết lần nào, nhất định bạn cũng được sanh, bạn tạo thành thói quen này. Đây là lần thứ nhất.
- Buổi tối trước khi ngủ niệm một lần.
- Mỗi ngày bạn ăn cơm ba bữa, trước khi ăn cơm chắp tay, không niệm chú cúng dường, chỉ niệm mười câu A Di Đà Phật. Ba lần này nữa là được năm lần rồi.
- Ngoài ra thêm hai lần nữa là khi bạn đi làm, trước khi bắt đầu làm việc, bạn ngồi ngay bàn làm việc của bạn, chắp tay niệm mười câu Phật hiệu, rồi mới bắt đầu làm việc. Trước khi nghỉ trưa cũng niệm một lần.
- Trước khi bắt đầu làm việc buổi chiều niệm một lần, khi nghỉ làm vào buổi chiều niệm một lần nữa.
Tổng cộng tất cả là chín lần, tạo thành thói quen, chín lần không thể kém khuyết. Khi nào được rảnh thì có thể tăng thêm, không thể giảm ít, mỗi ngày chín lần là ít nhất, không được ít hơn, không thể thiếu kém đi lần nào. Ngày ngày làm theo, vậy thì có công đức. Công đức này có thể đem hồi hướng. Cho nên, thời gian ngắn, mười câu Phật hiệu. Trên “Quán Kinh” nói “đầy đủ mười niệm”, mười niệm này nhất định là “chí tâm tín nhạo”, vì sao vậy? Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, từ ngay chỗ này bồi dưỡng thói quen, tạo thành thói quen niệm Phật.
Trên kinh văn nói “nãi chí thập niệm”, “nãi chí” là nói ít nhất, ít nhất bạn phải có loại công phu tu học này. Vào thời Càn Long – nhà Thanh, pháp sư Từ Vân Quán Đỉnh cũng đề xướng cách “thập niệm pháp”. Cách mười niệm này của Ngài là để cho những người làm việc bận rộn, không có thời gian công phu sớm tối. Ngài dùng một hơi thở là một niệm, dốc hết mười hơi, trong mỗi một hơi, không quy định Phật hiệu niệm được nhiều hay ít, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, dốc hết một hơi gọi là một niệm. Đây cũng là biện pháp tốt. Tôi nói với các vị phương pháp niệm Phật của tôi, có rất nhiều đồng tu làm theo, cảm thấy so với cách dốc hết mười hơi mà niệm thì tốt hơn, thù thắng hơn, vì sao vậy? Bởi vì thời gian này ngắn, cách không bao nhiêu thời gian thì bạn phải làm một lần, mỗi ngày làm chín lần, không kém khuyến lần nào, trong khi đó thời gian của thời khóa sớm tối dài, cho nên thời khóa càng thắt chặt lại càng nhận được hiệu quả.
Như tôi nói với các vị phương pháp giảng kinh, bạn học đến đoạn kinh này, mỗi ngày bạn giảng một lần, ngày ngày giảng, một tuần lễ giảng bảy lần, huân tập dày đặc, hiệu quả đó thù thắng. Nếu một tuần lễ chỉ giảng một lần, tuần lễ sau lại giảng một đoạn khác, đoạn phía trước quên hết rồi, đoạn phía sau thì lại rất sơ sài, vậy thì rất không dễ gì thành tựu. Khi tôi học giảng kinh, tôi tự hạn định cho tôi, tôi học bộ kinh này phải dùng thời gian rất ngắn đem nó giảng qua mười lần, huân tập dày đặc, vậy mới có hiệu quả. Nhất tâm chuyên chú thì bạn sẽ không phân tâm. Tôi học giảng kinh như vậy mười năm không gián đoạn. Những lão pháp sư giảng kinh này, tiền bối ở trước tôi rất nhiều, đến Singapore, pháp sư Long Căn là tiền bối của tôi, pháp sư Diễn Bồi cũng là tiền bối của tôi, đều là pháp sư giảng kinh, thế nhưng luận thời gian giảng kinh mà nói, thời gian của tôi đều dài hơn họ. Tôi giảng mỗi ngày, đã từng có một thời gian, đại khái là ba năm, mỗi ngày tôi giảng ba lần (sáng sớm giảng, buổi chiểu giảng, buổi tối giảng, một ngày giảng ba lần), một tuần lễ thời gian giảng cũng gần 30 giờ đồng hồ. Cho nên, nếu như không phải huân tập dày đặc như vậy thì rất khó thành tựu. Phàm phu luôn là có vọng tưởng, cho dù bất cứ việc gì cũng sẽ khởi vọng tưởng. Việc này khó, quá khó. Biện pháp khắc phục vọng tưởng của chính mình, phương pháp duy nhất của tôi chính là giảng kinh, bởi vì khi không giảng kinh thì bạn phải chuẩn bị, chuẩn bị tốt rồi thì giảng tiếp cho người nghe, giảng xong rồi lại phải chuẩn bị tiếp cho lần sau, còn phải lướt qua một số tư liệu tham khảo, cho nên phương pháp này làm cho chúng ta không có thời gian khởi vọng tưởng, luôn phải bức ép chính mình, không thể cho chính mình phóng túng, vừa phóng túng thì phiền não liền lớn, quay đầu rất khó, cho nên nhất định phải bức ép chính mình.
Trong chú giải của Hoàng Lão cư sĩ nêu ra một vấn đề, vấn đề này cũng đáng được chúng ta làm tham khảo, hoặc giả có người nghi vấn, ngay trong kinh văn chỉ nói mười niệm, không hề nói “cho đến mười niệm, niệm A Di Đà Phật”, không hề có những chữ này, tại vì sao bạn lại nói là mười niệm chính là niệm A Di Đà Phật chứ? Có thể niệm vị Phật khác hay niệm vị Bồ Tát khác hay không? Vì chỉ nói mười niệm mà! Đáp án của ông cũng hay, ngay trong mười niệm, cái niệm này “tức chỉ khẩu niệm Phật danh chi niệm”, đây là thật phải không? Nếu theo văn tự của người Trung Quốc mà nói, văn tự của chữ “niệm” này, niệm là chữ “kim” “tâm”, trong tâm có thì mới gọi là niệm, chưa chắc ở nơi miệng niệm. Thế nhưng đích thực có chứng cứ, kinh Vô Lượng Thọ có năm loại nguyên bản dịch, kinh văn trong bản dịch nhà Tống thì tương đối rõ ràng hơn, kinh văn bản dịch nhà Tống nói như vầy: “Sở hữu chúng sanh, cầu sanh ngã sát, niệm ngô danh hiệu, phát chí thành tâm, kiên cố bất thoái”. Đoạn văn này thì tương đối rõ ràng, đoạn kinh này là A Di Đà Phật chính mình nói. “Cầu sanh ngã sát” chính là cõi nước của A Di Đà Phật, “niệm ngô danh hiệu” chính là niệm danh hiệu của A Di Đà Phật. Cho nên chúng ta dùng đoạn kinh văn này để chứng minh, vậy thì khẳng định mười niệm này nhất định là niệm “A Di Đà Phật”, không phải niệm các danh hiệu Phật khác. Đây là chúng ta có thể lấy trong kinh văn kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ – bản dịch nhà Tống để làm chứng minh.
Trong “Ban Chu Tam Muội Kinh” cũng có cách nói rõ ràng, “Ban Chu Kinh” cũng là đề xướng trì danh niệm Phật, trên kinh văn nói: “Nhĩ thời A Di Đà Phật ngữ thị Bồ Tát ngôn, dục lai sanh ngã quốc giả, thường niệm ngã danh, mạc hữu hưu tức, như thị đắc lai, sanh ngã quốc độ”. Đoạn này cũng là A Di Đà Phật chính mình nói niệm danh hiệu của Ngài, cho nên đây đều là thuyết minh rất rõ ràng “trì danh niệm Phật”, không phải quán tưởng, không phải quán tượng, cũng không phải thật tướng. Chúng tôi nói ra những vấn đề này là muốn giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín, vì sợ mọi người niệm Phật khởi lên tâm nghi hoặc.
Nghi hoặc là chướng ngại tu học lớn nhất của Bồ Tát. Trong “Quán Kinh”, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh chính là dạy cho chúng ta trì danh niệm Phật. “Thập Lục Quán Kinh”, các vị phải nên biết, Phật nói pháp cũng là ứng cơ mà nói. Người thế gian chúng ta luôn đem những gì tốt nhất xếp ở phía sau, người thông thường có loại phân biệt chấp trước này, cho nên Phật tùy thuận thế gian chúng ta, Ngài cũng đem pháp môn thù thắng nhất xếp ở sau cùng. Bạn thấy, chúng ta đọc kinh Lăng Nghiêm, hai mươi lăm viên thông chương của kinh Lăng Nghiêm nêu ra hai mươi lăm vị Bồ Tát làm đại biểu, vì chúng ta nói rõ họ chính mình tu hành chứng quả như thế nào, mỗi một người đều nói kinh nghiệm tu học của chính mình để chúng ta làm tham khảo, cũng là đem cái thù thắng nhất để ở sau cùng, chúng ta vừa xem liền biết. Giống ca kịch vậy, tiết mục hay, tiết mục đặc biệt nhất định là ở sau cùng. Nếu như tiết mục hay nhất mà để ở phía trước, sau khi người ta nghe xong rồi, phía sau không còn hay nữa, người ta đi hết, giải tán hết, thì phía sau không cần phải hát, cho nên nhất định phải đem cái hay nhất để ở phía sau, để người ta từ từ mà thưởng thức, đừng đi, phía sau còn hay nữa. Phật nói pháp cũng là như vậy, hay thì để ở phía sau. Nếu như chiếu theo thứ tự mà xếp thì “Quán Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương” phải nên xếp ở vị trí thứ hai, thế nhưng Ngài đem Bồ Tát Quán Âm pháp môn tu học này xếp ở sau cùng, đây chính là nói tốt nhất, thù thắng nhất. “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương” phải nên xếp ở thứ hai mươi ba. Thứ tự của các Ngài là lục căn, lục trần, lục thức, thất đại, chiếu theo thứ tự này mà xếp. “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương” là thuộc về căn đại “địa – thủy – hỏa – phong – không – kiến – thức”. Kiến chính là căn, chính là căn đại, phải nên xếp ở phía trước thức. Thức là Bồ Tát Di Lặc làm đại biểu, cho nên Ngài phải xếp ở trước Bồ Tát Di Lặc, thế nhưng thứ tự xếp trên kinh Lăng Nghiêm không phải theo thứ tự này, Ngài xếp ở thứ hai mươi bốn, đem thức đại của Bồ Tát Di Lặc đưa lên trước. Bồ Tát Quán Âm xếp ở thứ hai mươi lăm, cho nên thông thường khi đọc kinh Lăng Nghiêm có rất nhiều người không để ý, chỉ xem thấy Bồ Tát Quán Thế Âm đặc biệt, không hề xem thấy pháp môn đặc biệt của Bồ Tát Đại Thế Chí. Bồ Tát Quán Âm từ thứ hai xếp vào thứ hai mươi lăm, cự ly này quá lớn, cho nên vừa nhìn liền biết được. Bồ Tát Đại Thế Chí cùng Bồ Tát Di Lặc chỉ là đổi một vị thứ, mức độ rất nhỏ nên rất nhiều người qua loa. Trong hai mươi viên thông chương có hai pháp môn đặc biệt, không phải một pháp. Rất nhiều người tâm ý qua loa, cho rằng chỉ có một pháp môn đặc biệt, không biết là có hai pháp môn đặc biệt.
Hai pháp môn đặc biệt, tại vì sao không đem pháp môn niệm Phật xếp ở sau cùng, mà đem Bồ Tát Quán Âm xếp ở sau cùng là ý gì? Pháp môn của Bồ Tát Quán Âm chỉ khế hợp với căn cơ chúng sanh thế giới Ta Bà. Khi Bồ Tát Văn Thù chọn lựa, nói ra rất tường tận: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”. Chúng sanh thế giới Ta Bà có nhĩ căn nhạy bén, trong sáu căn thì nhĩ căn tương đối nhạy bén hơn, cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm khế hợp với căn cơ chúng sanh thế giới Ta Bà. Pháp môn niệm Phật của Bồ Tát Đại Thế Chí khế hợp với căn cơ tất cả chúng sanh tận hư không, khắp pháp giới, cho nên đem pháp môn này để ở phía trước Bồ Tát Quán Thế Âm, khế hợp với căn cơ của tất cả chúng sanh, đạo lý này là như vậy.
Niệm Phật phải niệm như thế nào? Phải nên tuân thủ giáo huấn của đoạn kinh văn này, chân thật chí tâm. Không hoài nghi, không xen tạp mới là chí tâm, vẫn phải tiếp nối không gián đoạn, cho nên người chuyên tu pháp môn này, một ngày từ sớm đến tối, một câu Phật hiệu tiếp nối miên mật, ngày đêm không gián đoạn. Người chân thật làm đến được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì người này niệm Phật quyết định được vãng sanh thượng phẩm. Người bậc thượng có phước báo lớn, họ không cần phải làm việc, một ngày từ sớm đến tối công việc của họ chính là niệm Phật. Người bậc trung thì không có phước báo lớn như vậy, vẫn phải quan tâm đời sống của chính mình, chính mình vẫn phải đi làm việc, chính mình nuôi sống chính mình. Người bậc thượng thì có người khác nuôi sống họ, vậy thì quá thù thắng. Cho nên đồng tu xuất gia, các bạn đều là người bậc thượng, có người cúng dường bạn, nếu bạn không cố gắng mà niệm Phật thì bạn làm sao xứng đáng với họ? Bạn quả nhiên chân thật vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bao gồm những người cúng dường bạn đều được phước, chân thật họ đều tu được phước, trồng được phước. Nếu bạn không vãng sanh, họ cũng chẳng mất đi chút nào, đời sau bạn phải trả nợ, “hạt gạo của thí chủ, nặng như núi Tu Di, đời nay không liễu đạo, mang lông đội sừng để trả”. Nhân quả thông ba đời, quyết định có báo, có thưởng. Chúng ta đã xuất gia, bạn chọn lấy nghề nghiệp này là bạn chân thật là có huệ nhãn, bạn chọn lấy đại phước báo, có người cúng dường bạn thì bạn phải nên cố gắng tu hành, bạn phải chân thật liễu đạo để báo đáp thí chủ.
Học giảng kinh, giảng kinh cũng là tu giới, tu định, tu huệ. Y theo phương pháp tu học chính là trì giới. Y theo phương pháp, nhất tâm chuyên chú chính là tu định. Bạn đọc tụng, bạn diễn giảng, mỗi lần cảnh giới đều không như nhau, đó là huệ. Tương ưng với Giới-Định-Huệ tam học. Niệm Phật không thể ít, chí ít phải đầy đủ mười niệm, xưng niệm “A Di Đà Phật”, vậy thì được. Như chúng ta giảng kinh, trước khi bắt đầu giảng mọi người chắp tay xướng “tán Phật kệ”, pháp sư giảng kinh chúng ta thì tu pháp mười niệm, chúng ta ngồi đó chắp tay, chí tâm chuyên niệm mười danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT. Sau khi giảng xong, mọi người niệm “kệ hồi hướng”, tôi cũng chí tâm niệm mười câu Phật hiệu. Thế nhưng bởi vì chúng ta giảng kinh, sau khi giảng xong đều cùng nhau niệm Phật, sau khi niệm Phật xong thì đọc “kệ hồi hướng” cũng tốt. Có rất nhiều trường hợp sau khi giảng kinh xong không niệm Phật, mà đọc “kệ hồi hướng”. Pháp sư giảng kinh chúng ta thì niệm A Di Đà Phật, việc này không thể gián đoạn.
Đoạn kinh văn này, từ xưa đến nay pháp sư giảng kinh, pháp sư chú kinh, đối với nguyện văn này có rất nhiều cách giải thích khác nhau. Những giải thích này chúng ta đều phải hiểu, nếu như không hiểu, tương lai sau khi bạn thấy rồi thì có nghi hoặc “Vì sao người khác giảng như vậy? Có phải chúng ta đã giảng sai không? “. Thế thì xong rồi, công phu của bạn tiêu hết. Cho nên, có nghi hoặc thì nhất định phải hỏi, nhất định phải đem nghi hoặc của chính mình tiêu trừ, công phu của chúng ta mới có thể có lực. Không nên sợ, e ngại không dám hỏi, vậy sai rồi. Có lúc khi bạn vừa hỏi, bạn cũng có công đức rất lớn, vì sao vậy? Vì có rất nhiều người có nghi vấn này, họ cũng e ngại không dám hỏi, bạn thay họ hỏi; khi giải đáp, mọi người đều tường tận rồi, người hỏi có công đức. Học vấn phải hỏi, chúng ta phải thường học tập, phải đặt câu hỏi. Giảng đường lớn nhiều người, khi hỏi, sợ có một số thính chúng nghe không được rõ ràng, nếu bạn có vấn đề, chỉ cần là vấn đề trên bản kinh, chúng ta giảng giải trên những nghi hoặc này, bạn đều có thể viết một miếng giấy để ở trên bụt giảng của tôi. Chúng ta tranh thủ trong lúc giảng kinh liền có thể giúp bạn giải đáp, cũng giúp được rất nhiều người có nghi vấn giống như vậy đều nhận được giải đáp.
Người xưa có nói, mười niệm mà chỗ này nói là “y mười pháp khởi mười niệm”, không phải nói tên gọi. Thế nhưng chúng ta vừa rồi mới nói, chúng ta nói tên gọi mười niệm là có căn cứ. Trong năm loại nguyên bản dịch thì bản dịch thời nhà Tống chính là chứng minh rất tốt, thế nhưng vào thời xưa, những đại đức giảng kinh có thể xem thấy được năm loại bản dịch thì không nhiều. Kinh điển vào thời xưa, các vị nên biết phần nhiều đều là chép tay, sau nhà Tống mới có bản khắc gỗ. Số lượng lưu thông của bản khắc gỗ rất ít, cho nên có thể có cơ hội thấy được năm loại nguyên bản dịch thì thật khó, vô cùng khó. Cư sĩ Vương Long Thư triều Tống chuyên tu Tịnh Độ, còn làm ra bổn hội tập cho kinh Vô Lượng Thọ, ông chỉ xem thấy bốn loại, còn “Đại Bảo Tích Vô Lượng Thọ Hội” bản dịch đời Đường thì ông không xem thấy. Không như hiện tại kỹ thuật in ấn phát triển, gần như mỗi một người trong nhà của mình đều có thể có được một bộ “Đại Tạng Kinh”. Chúng ta hiện tại xem không khó, còn thời xưa rất không dễ xem thấy. Cho nên nếu như chưa xem thấy được bản dịch đời nhà Tống thì họ liền sẽ khởi lên hoài nghi: “Có phải chỉ mười niệm mà Bồ Tát Di Lặc đã hỏi hay không? “. Việc này ngày trước chúng ta đã giảng qua ở nơi đây, cũng là một hội trong “Kinh Đại Bảo Tích”, “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh” hay gọi là “Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh”, Bồ Tát Di Lặc ở ngay chỗ này hỏi: “Cụ túc như thị niệm tức đắc vãng sanh an dưỡng quốc độ, phàm hữu thập niệm, hà đẳng vi thập? “, phía sau từng điều, từng điều nói ra cho chúng ta. Cho nên có người ở trong đây xem thấy mười niệm, có phải là mười niệm mà Bồ Tát Di Lặc đã hỏi hay không? Do đó, mười niệm mà Bồ Tát Di Lặc đã hỏi chính là Thích Ca Mâu Ni Phật nói, chúng ta cũng phải nên biết, đây là tư liệu tham khảo rất tốt cho người niệm Phật chúng ta. Nếu như chúng ta quả nhiên đầy đủ mười niệm mà Bồ Tát Di Lặc đã hỏi, xin nói với các vị, bạn nhất định vãng sanh thượng thượng phẩm. Thế nhưng mười niệm Bồ Tát Di Lặc hỏi cùng với mười niệm mà hiện tại chúng ta nói có thể dung hợp lại với nhau. Làm cách nào để dung hợp? Lần sau tôi sẽ báo cáo tường tận với các vị.
Trên kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”. Mỗi một câu Phật hiệu đều đầy đủ mười niệm mà Bồ Tát Di Lặc đã hỏi. Mỗi câu Phật hiệu đều đầy đủ, cho nên cái niệm này có lý niệm, có sự niệm. Mỗi niệm đều có mười niệm của Bồ Tát Di Lặc, đó chính là lý niệm, công phu niệm Phật này thì sâu. Đại sư Ngẫu Ích giảng rất hay: “Phẩm vị cao thấp, quyết định ở công phu sâu cạn”, vậy thì công phu này của bạn sâu, cho dù mỗi ngày bạn tu chính là pháp mười niệm. Pháp mười niệm này, tôi xúc tiến các vị, mỗi ngày làm chín lần, mỗi một câu Phật hiệu đều đầy đủ cảnh giới mà Bồ Tát Di Lặc đã hỏi, bạn nhất định là vãng sanh thượng thượng phẩm. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói ba bậc, bạn thuộc về bậc thượng. Bậc thượng vãng sanh sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm, hoa khai kiến Phật, đó là thù thắng không gì bằng. Cho nên, đoạn kinh văn này chúng ta phải giới thiệu, phải nói tường tận, rất đáng dùng nhiều thời gian một chút. Tuy là không làm được, nhưng tâm phải ngưỡng vọng. Thực tế mà nói, có thể làm được hay không then chốt chính ở chúng ta có thể khắc phục tập khí vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình hay không. Quả nhiên là có thể khắc phục. Phật ở thế gian này vì chúng ta nói ra tất cả pháp, chúng ta đều có thể làm đến được. Những gì người thế gian này không làm đến được thì Phật nhất định không nói, vì Phật nói thì không có ý nghĩa gì, nói rồi mà chúng ta không làm được thì nói làm gì? Cho nên những gì Phật nói ra, chúng ta đều có thể làm đến được, Phật mới là đại từ đại bi.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 124)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.