GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 106/374
Kinh văn càng đọc thì tính cảnh giác của chúng ta sẽ càng cao. Hiểu rõ sâu sắc, không vãng sanh là quyết định không được. Trong vô lượng pháp môn, mỗi một pháp môn, điều kiện của nó đều phải đoạn kiến tư phiền não, phải đoạn trần sa phiền não, còn phải đoạn vô minh phiền não. Chỉ lấy cái thô nhất là kiến tư phiền não mà nói, ở trong kinh Phật nói: “Tam giới 88 phẩm kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc”. Đây là kiến tư phiền não, chúng ta ở trong một đời, năng lực phá một phẩm cũng không có. Đây đều là nói lời thành thật. Ở vào thời cổ nhân có, nhưng vẫn chỉ là một số ít người rất ít ỏi. Chúng ta lấy Thiền tông mà luận, triều Đường Thiền tông Đại sư Lục tổ Huệ Năng, đây là một vị đại đức có thành tựu giáo hóa thù thắng nhất, đại đức tông môn nhiều đời cũng không thù thắng bằng Ngài. Nhưng dưới pháp hội của Ngài, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ cũng chỉ có bốn mươi ba người. Quí vị thử nghĩ, người học Phật với Ngài, tham thiền với Ngài có bao nhiêu người? Tính toán khiêm tốn nhất cũng có mấy chục vạn người. Trong mấy chục vạn người chỉ có bốn mươi ba người thành tựu, vậy mới biết cái khó của đoạn phiền não. Những người không thể thành tựu kia cũng cùng tiếp nhận sự chỉ dạy của tổ sư, cũng cùng tham học với nhau, tập khí phiền não đoạn không hết thì không thể thành tựu.
Niệm Phật vãng sanh thì dễ dàng, không cần đoạn phiền não, phục phiền não là được rồi. Phục dễ dàng hơn đoạn rất nhiều. Phục là gì vậy? Chỉ cần phiền não không phát tác liền gọi là phục. Cho nên, điều kiện vãng sanh của Tịnh tông chỉ cần phục phiền não là được. Chúng ta hạ công phu ở chỗ này. Ý nghĩ vừa khởi lên, liền dùng một câu “A Di Đà Phật” hàng phục nó, đè nó xuống. Ý niệm thứ nhất khởi lên thì niệm thứ hai là A Di Đà Phật, quyết không để niệm thứ nhất biến thành niệm thứ hai, thứ ba liên tục mãi. Liên tục mãi sẽ hình thành nghiệp lực. Vì niệm thứ nhất là mê hoặc, vẫn chưa tạo nghiệp, niệm thứ hai là A Di Đà Phật đã hàng phục nó mất rồi. Đây là công phu thường ngày chúng ta cần phải làm. Tại sao vẫn còn tạo nghiệp vậy? Vì ý niệm thứ nhất là vọng niệm, ý niệm thứ hai vẫn là vọng niệm, ý niệm thứ ba tiếp theo vẫn là vọng niệm, A Di Đà Phật nghĩ không ra, quên mất rồi, vậy mới tạo nghiệp. Nếu như ý niệm thứ hai là A Di Đà Phật rồi thì họ làm sao tạo nghiệp được? Người niệm Phật phải có bổn phận này, có công phu này. Cho nên phải biết niệm. Loại công phu này làm ở trong tâm cho thật miên mật, ở mọi nơi, mọi lúc, ở mọi cảnh duyên, dứt khoát không được lơ là, một chút lơ là thì vọng niệm liền khởi ngay. Đây là đại sự nhân duyên. Việc này không khó. Khó chỗ nào vậy? Khó ở chỗ bạn không chịu làm, khó ở chỗ bạn lười biếng, lười nhác. Bạn thật sự dụng công, thì giống như cái gọi là “vạn người tu vạn người vãng sanh”. Không giống như đoạn phiền não, đoạn phiền não khó lắm, ở trong một vạn người tìm không được một, thậm chí là trong mấy chục vạn người mới tìm được một vài người, cái đó khó thật. Pháp môn Tịnh Tông này không khó, khó ở chỗ bản thân chúng ta lười biếng, lười nhác, trì hoãn, cẩu thả, vậy thì vô phương. Chỉ cần thật sự phấn chấn được tinh thần, dũng mãnh tinh tấn, thì không gì không thành công.
Cổ đại đức Long Thọ Bồ Tát nói: “Nhược nhân sanh bỉ quốc, chung bất đọa tam thú”. Thiện Đạo đại sư của Trung Quốc cũng nói: “Cho đến thành Phật, không trải qua sanh tử”. Đây là lời chứng minh cho chúng ta. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thù thắng không gì bằng, không còn đọa ác đạo nữa. Nếu như không vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì nguy cơ đọa trở lại ác đạo sẽ rất lớn, gần như có thể nói, không đọa ác đạo chắc chắn là điều không thể. Chỉ cần bạn chưa ra khỏi lục đạo luân hồi, thì ba đường ác là quê hương. Thời gian ở trong ba đường ác chắc chắn dài, còn thời gian ở ba đường thiện thì ngắn ngủi, điều này cần phải biết. Chúng ta ở trong đời người ngắn ngủi này phải giác ngộ, phải tu lấy cái hạnh phúc vĩnh hằng. Pháp môn không còn đọa lạc, ngày nay chúng ta gặp được rồi. Huống hồ sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, mọi người đều là một đời viên mãn thành Phật, ngay trong một đời chứng được A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề viên mãn. Lợi ích thù thắng này ở trong tất cả mọi kinh luận đều tìm không thấy. Đây là sự từ bi vô hạn của Phật A Di Đà, cũng là đại nguyện phổ độ chúng sanh của mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai. Trong hội này, trong pháp môn này áp dụng rồi, thực hiện rồi.
Sau cùng bốn câu này là tổng kết của một chương này, chương này có hai nguyện, là tổng kết của hai nguyện.
“Đắc thị nguyện, nãi tác Phật”. Nguyện này là “Quốc vô ác đạo nguyện”, nguyện người vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc vĩnh viễn sẽ không bị đọa lại ác đạo nữa. Hai nguyện này thành tựu rồi, Phật A Di Đà mới thị hiện làm Phật: “Bất đắc thị nguyện, bất thủ vô thượng chánh giác”. Nếu như hai nguyện này không làm được, Ngài sẽ thề không thành Phật. Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta, Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp. Hay nói cách khác, hai nguyện này Ngài đều đã làm được rồi, thực hiện vô cùng viên mãn rồi. Chúng ta phải ghi nhớ, môi trường sống ở bên đó rất tốt. Thử nhìn lại môi trường sống của chúng ta hiện nay, trong kinh Phật nói là “Ngũ trược ác thế”, trược ác đến cực điểm. Báo chí ngày nay, tôi thỉnh thoảng xem thử, không lật vào trong, chỉ xem tiêu đề, nói người Châu Âu không có lòng tin đối với thức ăn hiện nay, những đồ ăn cho đến các thứ đồ hộp đều dường như là có chứa độc tố gây ung thư ở trong đó, trược ác đến mức độ như vậy. E rằng mấy năm nữa nước cũng không uống được, mấy năm nữa không khí cũng không hít thở được, như vậy thì phải làm sao? Trong ăn uống của chúng ta hiện nay đều có độc, sợ tương lai trong không khí cũng có độc, cho nên người thông minh hãy nhanh chóng di dân về thế giới Cực Lạc. Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta một nơi tốt như vậy, lẽ nào chúng ta vẫn không động tâm sao? Chương thứ nhất chỉ giới thiệu đến đây.
Mời xem chương thứ hai. Phẩm kinh này tổng cộng có 24 chương, bên trong có 48 nguyện, hội tập vô cùng tốt.
***********
Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới, sở hữu chúng sanh, linh sanh ngã sát, giai cụ tử ma, chân kim sắc thân”.
Những chữ này ở trong kinh văn chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Vừa mở đầu, Phật A Di Đà nói: “Ngã tác Phật thời”. Ngài hiện nay đã làm Phật rồi, đã thị hiện thành Phật mười kiếp rồi, nên câu nói này không có vấn đề nữa.
“Thập phương thế giới, sở hữu chúng sanh” bao gồm chúng ta ở trong đó. Câu này chúng ta có ở trong đó, bạn thấy thân thiết biết bao! Chúng ta là một trong tất cả chúng sanh của thế giới mười phương. Nguyện này của Phật A Di Đà quan hệ với chúng ta vô cùng mật thiết. Hay nói cách khác, chính là vì ta thuyết pháp. Thế giới Cực Lạc được tạo nên là vì ta. Sự từ bi yêu thương của Di Đà Thế Tôn đối với ta, ngay cả cha mẹ cũng không thể sánh bằng, thế gian tìm người thứ hai cũng không có. Ở chỗ này chúng ta cũng phải học, chúng ta muốn gần gũi Phật A Di Đà, học Phật A Di Đà thì học ở chỗ này. Người ta khởi tâm động niệm là “Thập phương thế giới, sở hữu chúng sanh”, chúng ta ngày nay khởi tâm động niệm chỉ có mỗi một mình ta, nhiều lắm là nghĩ đến bạn bè thân thích ở trong gia đình mình, vậy là rất hiếm có rồi! Người ta khởi tâm động niệm là mười phương thế giới tất cả chúng sanh. Cho nên hàm nghĩa ở bên trong câu nói này, ý nghĩa thứ nhất là bao gồm chúng ta trong đó, chúng ta là chúng sanh được Phật hộ niệm. Ý nghĩa thứ hai là chúng ta nhất định phải noi theo A Di Đà Phật, niệm niệm phải nghĩ đến tất cả chúng sanh.
Nguyện thứ ba: “CHÂN KIM SẮC THÂN NGUYỆN”
Phía dưới đây là nguyện thứ ba: “Lệnh sanh ngã sát, giai cụ tử ma, chân kim sắc thân”. “Tử ma” có nghĩa là gì vậy? Là nói họ thanh tịnh vô nhiễm, thanh tịnh không có ô nhiễm, tinh khiết đến cực điểm, chân kim sắc thân. Kim sắc ở chỗ này cũng có nghĩa là pháp biểu trưng. Chúng ta ngày nay chấp tướng, nhìn thấy Phật là sắc thân vàng ròng, đắp tượng Phật liền dùng vàng dát lên, toàn thân đều là màu của vàng. Nếu quí vị thử nghĩ xem, hiện nay nếu xuất hiện một người như vậy, toàn thân đều là màu vàng, nhất định người ta sợ bỏ chạy hết, ai còn dám tiếp xúc họ nữa? Chắc chắn xem họ như là quái vật rồi. Kim là pháp biểu trưng. Chúng ta ngày nay tạo hình tượng Phật Bồ Tát, trên đó cũng dùng màu của vàng, hoặc giả là dát vàng (dát vàng là tương đối nhiều), ý của pháp biểu trưng. Biểu trưng điều gì vậy? Biểu trưng cho chân thật. Trong tất cả mọi kim loại trên thế gian, chỉ có vàng là không đổi màu, những khoáng vật khác đều đổi màu, đều bị ô-xy hóa. Chỉ có vàng là không thay đổi, cho nên nó được xem là kim loại quí. Thân kim sắc của Phật Bồ Tát cũng mang ý nghĩa như vậy. Tâm của Phật Bồ Tát vĩnh viễn không thay đổi, là chân tâm. Chúng ta hiện nay lập ra cương lĩnh tu học, chân tâm chúng ta viết thành mười chữ: Chân Thành không thay đổi, Bình Đẳng không thay đổi, Thanh Tịnh không thay đổi, Chánh Giác không thay đổi, Từ Bi không thay đổi. Không thay đổi thì gọi là kim sắc, thay đổi thì không phải vàng, chúng ta phải hiểu rõ ý này. Cho nên nhìn thấy kim sắc trên tượng Phật, kim sắc trên tượng Bồ Tát, thì hiểu nó có nghĩa là pháp biểu trưng.
Chúng ta học tập từ chỗ này, chúng ta đối với mọi người cũng giống như Phật vậy, đối với tất cả chúng sanh mười phương thế giới, lòng chân thành của chúng ta vĩnh viễn không đổi, tâm thanh tịnh của chúng ta vĩnh viễn không đổi. “Chân thành” tức là một mảy may hư ngụy cũng không có, bạn thật sự làm Phật rồi, bạn là tâm Phật rồi. Thanh tịnh là một mảy may ô nhiễm cũng không có. Lợi ích riêng tư là ô nhiễm, tham sân si mạn là ô nhiễm, ham muốn là ô nhiễm, những thứ này thảy đều buông xả cho thật sạch sẽ, vĩnh viễn không bị ô nhiễm lại nữa, đây là kim sắc thân “Thanh tịnh” của bạn. Bình đẳng là không cao thấp. Phàm phu có tâm cao thấp, cao thấp thì không bình rồi. Cho nên tất cả mọi chúng sanh trong mười phương thế giới không có phân cao thấp, chân tâm “Bình đẳng”. Ở mọi lúc, ở mọi nơi, ở trong tất cả cảnh duyên, niệm niệm giác chứ không mê là thân kim sắc ‘Chánh giác”. Từ bi là tâm thương yêu vô điều kiện, yêu thương tất cả chúng sanh, vĩnh viễn không đổi là thân kim sắc “Từ bi”. Quí vị phải hiểu được ý nghĩa này, nếu không thì quý vị sẽ làm sai tất cả.
Đại sư Thiện Đạo cũng đã nói: “Chư Phật dục hiển thường trụ bất biến chi tướng, thị cố hiện hoàng kim sắc”. Các Ngài đều hiểu được ý nghĩa của pháp biểu trưng. Ở trong “Hội sớ” đại đức xưa của Nhật Bản nói, giới thiệu thế giới Cực Lạc là “Ngã quốc nhân dân, thuần nhất kim sắc, vô hữu hảo ác, bỉ ngã bình đẳng, tình tuyệt vi thuận”. Cách nói này rất hay. Thế giới Tây Phương thực hiện rồi, quí vị phải hiểu ý nghĩa biểu trưng của nó. Không phải nói người thế giới Tây Phương Cực Lạc, ai ai cũng là màu vàng kim. Cách nói này, rất nhiều người sau khi nghe xong liền chau mày, lắc đầu, cái thế giới này không có gì hay, không muốn đi. Người nào người nấy cũng đều vàng óng, chẳng có gì thú vị cả. Cho nên phải hiểu được nghĩa chân thật của nó, đó là cái đẹp chân thật.
Cái đẹp chân thật có tiêu chuẩn hay không vậy? Vừa có tiêu chuẩn liền hết đẹp ngay. Tại sao vậy? Tiêu chuẩn thẩm mỹ của mỗi người đều không giống nhau, đây là điều rõ ràng dễ thấy. Năm loại màu sắc bày ra trước mắt, người này thì thích màu đỏ, người kia thì thích màu xanh, họ đều khác nhau cả. Người thích màu đỏ thì màu đỏ đẹp, màu xanh không đẹp; người thích màu xanh thì màu xanh đẹp, màu đỏ không đẹp, rốt cuộc màu nào đẹp, màu nào không đẹp? Thế giới Tây Phương nhiều người về như vậy, quan niệm thẩm mỹ của mỗi người cũng không giống nhau, đến nơi đó là mỗi người tùy thích, vậy là tốt rồi. Cho nên phải biết, đẹp xấu không có tiêu chuẩn mới là đẹp thật, có tiêu chuẩn liền hết đẹp ngay. Nhưng ở trong không có tiêu chuẩn cũng có một tiêu chuẩn tuyệt đối, đó chính là chân thật, vĩnh viễn không thay đổi, đây là tiêu chuẩn tuyệt đối. Bạn thích cái gì, thích như thế nào nó liền biến hiện như thế ấy. Cái này trong kinh Phật nói có, nếu bản thân thể hội được. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, xứ sở mà bạn cư trú, Phật trong kinh nói cung điện lầu các, tôi không thích ở cung điện lầu các, tôi thích ở nhà tranh, nó liền biến thành nhà tranh, tùy tâm ưa thích. Bạn muốn lớn thì nhà bạn ở liền biến lớn, muốn nhỏ thì biến nhỏ. Muốn ở trên không nó liền nổi ở trên không, muốn ở dưới đất nó liền hạ xuống đất. Sự việc cứ tùy tâm ưa thích, mọi thứ đều tùy tâm ưa thích, vậy mới gọi là chân thiện mỹ huệ.
Trước đây có người từng nói với tôi là không muốn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tại sao vậy? Ở nơi đó không tốt. Tôi hỏi: “Không tốt ở chỗ nào?”. Anh ta nói: “Nhà cửa đều giống nhau, có gì đẹp đâu? Nhà nhà đều là lầu bảy tầng, bảy hàng cây, tôi xem xong một nhà thì không muốn xem nhà thứ hai nữa, không bằng Sanfrancisco. Sanfrancisco mỗi ngôi nhà đều khác nhau, cách thức, màu sắc của mỗi một ngôi nhà đều không giống nhau, đều rất rõ ràng, rất xinh đẹp!”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng giống y như vậy, không có cái nào mà không phải tùy tâm ưa thích, biến hóa vô cùng. “Thất” không phải là con số, đây đều do bệnh chấp tướng, cho rằng mỗi nhà đều xây bảy tầng, bảy hàng cây, họ không hiểu ý nghĩa của bảy. Bảy là đại biểu viên mãn. Sao gọi là viên mãn? Tùy tâm ưa thích chính là viên mãn, không có gì mà không vừa lòng hợp ý, đây mới gọi là viên mãn. Cho nên, nghĩa thú của pháp biểu trưng nhất định phải hiểu.
Đây là nói cái tốt của thân tướng, thanh tịnh vô nhiễm, vĩnh hằng bất biến. Vĩnh hằng bất biến chính là khỏe mạnh trường thọ. Thân thể này của chúng ta hiện nay biến đổi, không phải biến đổi theo mỗi năm, không phải biến đổi theo mỗi ngày, mà biến đổi theo từng sát-na, biến thành già, biến thành hư hoại. Thân thể của người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc vĩnh hằng bất biến, không già, không hoại, không suy, không bệnh. Thế giới Tây Phương không nhìn thấy có một người nào bị bệnh. Cho nên, nơi đó không có bác sĩ, cũng không có thuốc men. Nếu bạn hỏi họ thuốc men, hỏi bệnh, họ sẽ không hiểu, chưa từng nghe nói. Không những không có những sự thật này, mà danh từ cũng không có. Có một thế giới đẹp như vậy.
**************
Nguyện thứ tư: “TAM THẬP NHỊ CHỦNG, ĐẠI TRƯỢNG PHU TƯỚNG NGUYỆN”
Nguyện thứ 4: “Tam thập nhị chủng, đại trượng phu tướng”. Câu này chính là “Tam thập nhị tướng nguyện”. Thông thường nói chúng sanh trong mười phương thế giới, đại khái tương tự như thế giới Ta Bà, hình dáng, màu da chúng ta không giống nhau, tướng mạo cũng không giống nhau. Ở trong tình trạng này, khó tránh khỏi việc tạo nên sự bất bình trong tâm người. Tướng mạo đoan chánh, trang nghiêm xinh đẹp, người ta tiếp xúc liền ưa thích thì bản thân liền sinh ra cống cao. Sắc tướng tôi đoan nghiêm, rất nhiều người các anh không bằng tôi. Kiêu mạn! Nếu như thể chất cơ thể suy yếu, tướng mạo không đẹp thì sinh ra mặc cảm tự ti. Thảy đều sinh phiền não. Vì cơ thể của mình, vì dung mạo của mình, thường sinh phiền não. Phật A Di Đà rất thông minh, nhìn thấy tâm tư của chúng ta, cho nên sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tướng mạo của mỗi người đều vô cùng viên mãn. “Tam thập nhị chủng, đại trượng phu tướng”.
Quí vị phải biết, người Ấn Độ thời xưa cho rằng người có 32 tướng này là quí tướng. Người ấn độ có cách nói này, người Trung Quốc cũng có cách nói này. Người Trung Quốc nói quí tướng, phước tướng. Chữ phước tướng này là rất có đạo lý. Tướng mạo là phước báo, thể chất cũng là phước báo. Trong kinh luận duy thức nói với chúng ta, mọi người chúng ta đều đến đầu thai ở cõi người, ở trong giai đoạn này, ở trong khu vực này, chúng ta chung sống với nhau, ai cũng đều được thân người. Đây là dẫn nghiệp dẫn đường chúng ta đến cõi này để đầu thai. Nghiệp lực có hai loại, đây là thuộc về dẫn nghiệp. Mọi người chúng ta giống nhau, đều đến cõi người để đầu thai, được thân người, nhưng thân thể mà mỗi người chúng ta có được đều khác nhau, thể chất (tức là nói mức độ sức khỏe) không giống nhau, thọ mạng dài ngắn khác nhau, diện mạo màu da không giống nhau, hưởng thụ đời sống không giống nhau, những thứ này gọi là mãn nghiệp. Mãn nghiệp là quả báo của tạo thiện, tạo ác trong đời quá khứ. Nếu như trong đời quá khứ thiện nhiều ác ít, thì mãn nghiệp của chúng ta sẽ thù thắng. Phật nói với chúng ta quả báo của bố thí, bố thí tài được giàu có, bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được sức khỏe trường thọ, chúng ta liền biết được mãn nghiệp được tạo nên như thế nào. Người này có tiền, rất giàu có là do trong đời quá khứ họ thí tài nhiều, trong đời này họ được quả báo giàu có. Nếu như họ bố thí rất thoải mái, bố thí rất hoan hỷ thì của cải trong đời này họ sẽ có được rất dễ dàng. Bất kể là họ làm trong ngành nghề nào cũng rất nhanh, không cần tốn nhiều công sức gì cả nhưng kiếm được rất nhiều tiền, đây là mãn nghiệp của họ. Nếu như bố thí rất miễn cưỡng, sau khi bố thí rồi lại hối tiếc, họ vẫn có phước báo, nhưng kiếm tiền rất vất vả. Cho nên nhân và quả nhất định tương ưng, không một mảy may sai lệch. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, sau đó mới biết mình phải tu tích như thế nào.
Nếu chúng ta muốn học tập, phải tu phước báo vô lậu. Việc này phải hiểu. Sao gọi là vô lậu vậy? Ở chỗ này chúng ta không thể nói cặn kẽ, vì nói cặn kẽ sẽ mất rất nhiều thời gian. Nói tóm lại, tu phước mà ta không mong hưởng phước, đây chính là vô lậu. Tu phước mình nhất định được phước báo, phước báo có được hãy để cho đại chúng xã hội hưởng, bản thân chuyên cầu Tịnh Độ, chuyên cầu Phật đạo. Như vậy là tốt, những cái bạn đã tu là phước báo vô lậu. Phước báo vô lậu thì hưởng không hết. Phước báo hữu lậu, phần trước đã nói, khi hưởng phước lại tạo nghiệp, cho nên sẽ đọa ác đạo tiếp. Phước báo vô lậu sẽ không đọa lại ác đạo.
Ba mươi hai tướng này, tướng đại trượng phu là tiêu chuẩn của người thời xưa. Mỗi một tướng đẹp đều có nghiệp nhân. Ví dụ trong kinh Phật thường nói “tướng lưỡi rộng dài”, đây là tướng tốt, nghiệp nhân là gì vậy? Không vọng ngữ. Ở trong kinh Phật nói, một người ba đời không vọng ngữ thì lưỡi của họ lè ra có thể liếm được chóp mũi. Phật Thích Ca Mâu Ni thường hay giảng kinh thuyết pháp,nói Ngài không lừa mọi người, và Ngài đã chứng minh, lưỡi của Ngài khi lè ra che kín cả mặt. Các bạn có làm được không? Chứng minh điều gì vậy? Đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ, xưa nay không lừa gạt người thì mới có tướng tốt này. Cho nên nhà Phật tạo tượng phải tạo cho được nhân quả.
Tạo tượng Phật, tạo tượng Bồ Tát, tạo tượng La Hán đều có pháp biểu trưng nhất định, mang ý nghĩa giáo dục ở trong đó, không phải tùy tiện mà tạo. Hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều tượng Phật, Bồ Tát là tạo theo tượng người nghệ thuật. Tại sao vậy? Vì không tạo ra được ba mươi hai tướng. Thời xưa tạo tượng là căn cứ theo trong kinh Tạo Tượng Độ Lượng, phải tạo ra được “Tam thập nhị chủng, đại trượng phu tướng”, để người ta sau khi nhìn thấy liền hiểu được cái gì là nhân, tu nhân như thế nào sẽ được quả báo như thế nào. Ngoài ba mươi hai tướng ra, còn có tám mươi vẻ đẹp đi kèm, đây gọi là tướng hảo quang minh. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp thì nhân quả thảy đều nói hết, nói rất tường tận, rất rõ ràng là cư sĩ Giang Vị Nông trong kinh Kim Cang Giảng Nghĩa. Nếu quí vị muốn biết, có thể đi tham khảo. Năm xưa chúng ta đã giảng qua kinh Kim Cang tại đây rồi. Bản kinh chúng tôi chọn cũng là bản của cư sĩ Giang Vị Nông. Nhưng ba mươi hai tướng chúng tôi cũng chưa nói rõ, nói rõ quá phiền phức, nhắc qua là được rồi. Nếu quí vị muốn biết nhiều thêm, cuốn “Giảng Nghĩa” này ở đây chúng tôi có rất nhiều, quý vị tự mình có thể lấy đọc. Đặc biệt nhắc nhở mọi người là tạo tượng Phật nhất định phải dựa theo quy tắc này thì mới là như pháp. Nhưng trên thực tế mà nói, không chỉ ba mươi hai tướng, ở trong kinh luận Đại thừa thường nói: “Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, đó là sự thật. Vô lượng, vô tận tướng hảo quang minh lưu xuất từ tự tánh viên mãn.
Chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian phải tùy tục, gọi là “tùy loại hóa thân” Trong Phẩm Phổ Môn nói Bồ Tát Quán Thế Âm có ba mươi hai ứng hóa, đây là điều mà quí vị đều biết, Phẩm Phổ Môn mọi người đều đọc rồi. Ba mươi hai ứng thân chính là ba mươi hai loại, ở trong mỗi loại lại là vô lượng vô biên. Ví dụ nói cần dùng thân đồng nam, thân đồng nữ để thuyết pháp, hình dáng đồng nam rất nhiều, đồng nữ cũng không chỉ một loại. Đó là nói một loại trong ba mươi hai loại. Các Ngài hóa hiện không phải hữu ý, không phải tùy theo ý của mình mà biến hóa. Biến hóa tùy theo ý của mình là phàm phu, không phải thánh nhân. Quí vị nên biết rằng, ở trong lục đạo, những thiên thần, quỷ thần, tinh linh này cũng biết biến hiện ra thân người tùy theo ý của mình. Phật Bồ Tát không như vậy, Phật Bồ Tát là tùy theo ý của chúng sanh. Trong kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Tùy chúng sanh cũng có nguyên tắc, đó là chúng sanh thích thân tướng như thế nào, các Ngài liền hiện thân tướng như thế ấy, thân tướng không cố định. Hiện thân tướng như vậy chúng sanh ưa thích, ưa thích thì sẽ dễ dàng độ họ. Cho nên Phật Bồ Tát hiện thân là vì chúng sanh chứ không phải vì mình, đều nhằm giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, giúp đỡ chúng sanh quay đầu, giúp đỡ chúng sanh khai ngộ tu hành chứng quả, không có một niệm nào là vì bản thân, vậy mới là thị hiện của chư Phật Bồ Tát. Ở trong đây có đạo lý, đạo lý này là hằng thuận chúng sanh. Chúng sanh có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, họ nhìn thấy loại sắc tướng mà họ ưa thích thì họ mới có thể sinh khởi tâm kính yêu. Họ kính người này, ưa thích người này, thì người này nói họ mới chịu nghe. Cùng một câu nói, người không ưa thích nói nhiều lần đi nữa cũng không nghe, người ưa thích nói một câu thì họ liền nghe theo ngay. Cho nên Phật Bồ Tát độ chúng sanh nhất định phải tìm cái mà chúng sanh thích, mới có thể khiến chúng sanh được lợi ích. Đây là nói thân tướng, ba mươi hai tướng. Ở chỗ này đặc biệt nhớ kỹ, chỗ này nói “Tam thập nhị chủng, đại trượng phu tướng” là tiêu chuẩn của người thế gian chúng ta. Thật sự đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không phải dính hình tướng này, mà là thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, nói không hết.
****************
Nguyện thứ năm: “THÂN VÔ SAI BIỆT NGUYỆN”
Kinh văn: “Đoan chánh tịnh khiết, tất đồng nhất loại, nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả”.
Đến chỗ này là một đoạn. Phía sau một câu này: “Bất thủ chánh giác” là tổng kết của ba nguyện này. Văn nguyện này chỉ đến chỗ này, chỉ có bốn câu.
“Đoan chánh” là nói tướng mạo, tướng mạo đoan chánh, trong Phật pháp gọi là trang nghiêm, người thế gian gọi là đẹp.
“Tịnh khiết”, điều này càng khó được. Thân tâm thanh tịnh, cái gọi là “không nhiễm mảy bụi”.
“Tất đồng nhất loại”, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn toàn giống nhau, tướng mạo của mỗi người đều đoan chánh tịnh khiết, hoàn toàn giống như tướng hảo của Phật.
“Nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả”. Ở đây liền có vấn đề, “hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả”, thế giới Ta Bà chúng ta rất rõ ràng, rất rõ rệt. Chúng ta ở trong một đời đã thấy được mấy lần tướng mạo hai người giống nhau vậy? Ở trong đời này tôi chỉ thấy được một lần tướng mạo của hai người hoàn toàn giống nhau, họ không phải anh em, không phải người một nhà, rất khó gặp được! Trong thời gian kháng chiến, một bạn học cùng lớp của tôi lúc tôi đi học tại Quí Châu. Sau khi kháng chiến thắng lợi, tôi đi học ở Nam Kinh, trong lớp lại có một người bạn học, tướng mạo giống hệt như người bạn học trước đây của tôi, động tác cũng giống, dáng đi cũng giống, rất kỳ lạ. Có một hôm tôi gọi anh ta lại, tôi nói anh có những ưu điểm nào, những khuyết điểm nào, chỉ ra từng cái từng cái cho anh ta thấy. Anh ấy vô cùng kinh ngạc. Anh ấy nói: “Sao bạn biết vậy? Là bạn biết đoán số, xem tướng phải không?”. Tôi nói: “Tôi không biết đoán số, tôi biết xem tướng”. Anh ấy nói: “Bạn xem như thế nào?”. Tôi liền nói với anh ấy: “Trước đây tôi có một người bạn học, tướng mạo giống hệt như anh vậy. Tính tình của hai người đại khái cũng giống nhau, sở thích cũng giống nhau, quả nhiên không sai”. Không dễ gì gặp được. Điều này đối với việc học Phật của tôi sau này có một thể nghiệm như vậy.
Tướng mạo từ đâu mà có vậy? Người xem tướng họ sẽ nói: “Tướng tùy tâm chuyển”, tướng mạo này chính là tâm tư của bạn. Không nên cho rằng tâm tư của bạn ẩn náu ở trong tâm không ai biết, kỳ thực nó lộ hết ở trên mặt. Người tâm ý lơ là nhìn không ra, người tâm ý tinh tế, người có học vấn, người có sức định, người có trí tuệ, họ nhìn qua là biết ngay. Tâm tư của bạn đều ở trên mặt, tướng tùy tâm chuyển. Chỉ có một người tướng mạo hoàn toàn giống nhau, đó là Phật, vì tâm của Phật đều giống nhau, Phật Phật đạo đồng. Tướng mạo của Phật với Phật hoàn toàn giống nhau, tướng này là tâm biến ra. Tướng của Bồ Tát thì gần giống nhau. Tướng của La Hán khác biệt sẽ rất lớn. Các bạn thử xem, ở dưới đại điện của chúng ta có cúng dường 18 vị La Hán, tướng mạo của mỗi người không giống nhau. Nhưng tướng của Bồ Tát thì rất giống nhau. Tướng La Hán không giống nhau, tại sao vậy? La Hán vọng tưởng, phân biệt chưa dứt, cho nên tướng mạo sẽ có khác biệt. Nhưng kiến tư phiền não của họ dứt rồi, tuy tướng mạo đó thấy rất kỳ lạ, bạn hãy nhìn tỉ mỉ, họ rất lương thiện, họ không ác. Tại sao vậy? Kiến tư phiền não dứt rồi.
Tướng mạo không giống nhau cũng dẫn đến phiền não cho chúng sanh. Phật A Di Đà hiểu được tình trạng này, cho nên dùng nguyện lực của Ngài tạo nên phàm là người vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc tuyệt đối không có phiền não này. Người ở thế gian này do tướng mạo không giống nhau mà tạo ác nghiệp thật quá nhiều, nhiều không kể xiết. Cho nên Phật A Di Đà từ bi, đem cái duyên mà chúng sanh tạo tác ác nghiệp dứt sạch toàn bộ cho chúng ta rồi. Thế giới Tây Phương chỉ có thiện duyên, không có ác duyên, đây là chỗ thù thắng hy hữu không gì bằng.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 106)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.