GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 303/374
Kinh văn: “Kỳ Phật quốc độ, mỗi ư thực thời, tự nhiên đức phong từ khởi. Xuy giả la võng, cập chúng bảo thọ, xuất vi diệu âm, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, chư Ba La Mật”.
Đây là một đoạn, hôm qua chúng tôi đã giới thiệu một cách sơ lược. Trở lại chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, chúng ta xem, ông đã trích dẫn Kinh luận rất nhiều, trích dẫn hay vô cùng, đáng để chúng ta thâm nhập nghiên cứu học tập. Gió ở Thế giới Tây Phương thì chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng ra được. Cho nên ở trong Kinh nói là “tự nhiên đức phong”. Thực tại mà nói, câu này rất khó nói, rất khó giảng, chú giải cũng không dễ, rất khó chú giải, đương nhiên thì nghe cũng khó hiểu, cho nên cũng không dễ gì thể hội được. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn năm loại bản dịch gốc của “Kinh Vô Lượng Thọ”, trong bản dịch của cư sĩ Ngụy, đây là bản hội tập của Khang Tăng Khải. Trong bản hội tập của ông có nói “đắc phong”, chữ đắc này là đắc của từ được mất. Bản Kinh này của chúng ta là đức của đạo đức, nhưng ý nghĩa này có thể thông. Từ đắc của đắc được cùng với từ đức của đạo đức là thời xưa rất thông dụng, điều này không thành vấn đề, nhưng trong bản dịch của cư sĩ Ngô có mấy câu nói như thế này, họ nói: “Diệc phi thế gian chi phong, diệc phi thiên thượng chi phong”. Hay nói cách khác, gió ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với Thế giới Ta Bà này, thiên thượng nhân gian đều không tương đồng. Đều không tương đồng thì chúng ta chẳng có cách nào giải thích, chưa từng thấy qua, cũng chưa tiếp xúc qua, nói là gió này từ “tám phương trên dưới” ấm áp nhè nhẹ thổi đến. Trong Kinh nói, Ngài cũng nói là “chúng phong trung tịnh, tự nhiên hiệp hội hóa sanh”. Gió bão ở thế gian này của chúng ta có thể phân ra thành rất nhiều loại, điều này chúng ta không cần phải nói chi tiết. Gió ở nhân gian này có rất nhiều loại, có cuồng phong, có gió bão, các loại gió này có hại, đây là bão, là phong tai; gió xuân, gió nhẹ là những loại gió tốt. Cho nên Ngài mới nói tất cả gió đều tụ hợp lại, biến hiện ra cảnh giới như thế này. Ông nói loại gió này “không lạnh không nóng”, vĩnh viễn là điều hòa tương thích, mát mẻ chẳng gì bằng. Thực tại mà nói, gió ở thế gian này của chúng ta đại đa số đều là đối với sức khỏe chúng ta không có lợi, cho nên chúng tôi thường hay nói bệnh tật là do chịu phải phong hàn, như vậy con người sẽ bị bệnh. Gió ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc tuyệt đối sẽ không làm người ta sinh bệnh, cho nên gió này được gọi là đức phong.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn một đoạn trong “Kinh Lăng Nghiêm”, đoạn trích dẫn này hay vô cùng. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói: “Như Lai tạng trung, tánh phong chân không, tánh không chân phong, thanh tịnh bổn nhiên, châu biến pháp giới”. Điều này nói rõ, gió này là đức năng tự tánh, chân phong là tự tánh vốn đã có. Gió có nghĩa là gì? Trong Phật pháp có nói, gió có nghĩa là động. Cho nên mọi người chúng ta đều biết, ở trên Kinh Phật nói vật chất, nói sắc pháp. Sắc pháp là vật chất, vật chất là tứ đại, bản chất của nó là tứ đại. Cái tứ đại này chính là đất, nước, lửa, gió. Đây là nói vật chất, vật chất nhất định có đầy đủ bốn đặc tính này.
Hiện nay khoa học đã chứng minh cho chúng ta, thế giới vô lượng vô biên, vạn vật thì không có cách nào nói cho hết được. Phật đối với những hiện tượng này biết rõ vô cùng thấu triệt. Nói đến đại chính là nói đến thế giới. Thế giới này ngày nay chúng ta gọi là tinh hệ, ở trong thiên văn gọi là tinh hệ, trong nhà Phật gọi là thế giới, nhỏ gọi là vi trần. Thế giới lớn cùng với tất cả vạn vật, cái vốn có ở bên trong thế giới là từ nơi nào sinh ra? Đều là từ vi trần tổ hợp lại mà có. Vi trần là nền tảng của vật chất. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Nhất hợp tướng”. Từ “nhất” này chính là nói đến vi trần, đây là nền tảng của vật chất. Hết thảy tất cả hiện tượng đều là do tổ hợp mà thành, cho nên mới gọi là “nhất hợp tướng”. Từ nhất này chính là cái gốc của vật chất, là khởi nguyên của vật chất. Vật chất rất nhỏ rất nhỏ này mắt thường của chúng ta không có cách nào nhìn thấy được. Bạn xem ở trong Kinh Phật đã nói, thiên nhãn của A La Hán có thể nhìn thấy vi trần, nhưng mà vẫn còn có vật thể nhỏ hơn vi trần, thiên nhãn của A La Hán cũng nhìn không thấy loại tiểu vi trần này. Điều này chúng ta thấy ở trong Kinh, A La Hán có thể nhìn thấy vi trần. Vật thể nhỏ hơn vi trần thì gọi là “Sắc Tụ Chi Vi”, cái này thì A La Hán nhìn không thấy. Vẫn còn cái nhỏ hơn là “Cực Vi Chi Vi”, cái này đương nhiên A La Hán, thậm chí Quyền Giáo Bồ Tát cũng nhìn không thấy. Thật sự có thể nhìn thấy triệt để, trong Phật giáo Đại Thừa, Phật nói Bát Địa Bồ Tát mới có thể nhìn thấy được chân tướng sự thật. Vật chất nhỏ như vậy nhưng nó có đủ bốn loại tính chất thì nó mới là vật chất.
Vật chất từ đâu mà có? Vật chất là từ năng lượng biến hiện thành. Có thể năng lượng chính là tâm, cho nên sắc và tâm không phải là hai. Trong “Tâm Kinh” chúng ta mỗi ngày đọc: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc”, cái không đó chính là tâm, chính là năng lượng, cho nên sắc pháp là do năng lượng tập hợp lại. Hiện tượng này là như vậy. Vật chất này cũng có thể trở lại thành năng lượng. Ngày nay khoa học đã biết được đạo lý này. Bom nguyên tử chính là bằng chứng, nó được phát minh từ đạo lý này, là vật chất chuyển thành năng lượng. Nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa hiểu được đạo lý, họ không biết được tại sao năng lượng có thể chuyển thành vật chất. Ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng Kinh thuyết pháp cho chúng ta, đã nói đến vật lý học. Cho nên vật lý lượng tử lực học trong vũ trụ ở trong Kinh Phật đều có, nói thấu triệt hơn họ, nói cao siêu hơn họ.
Vi trần nhỏ như vậy nhưng nó có bốn đặc tính thì nó mới thật sự là vật chất. Dùng đất để làm đại biểu, đất đại biểu cho vật chất. Đất làm đại biểu cho vật chất, cho nên gọi là “địa đại”. Tính chất thứ hai là nó có độ nóng, cho nên gọi là “hỏa đại”. Độ nóng này là tánh đức của tự tánh. Ngoài độ nóng này ra nó còn có độ ẩm. Độ ẩm chính là “thủy đại”. Đặc tính thứ tư của nó là tính động, nó không phải là yên tĩnh mà nó là động. Nó động nên gọi là “phong đại”. Tôi nói những lời này để cho quý vị thể hiện đức phong ở trong tự tánh. Chúng ta có thể từ những đạo lý này ở trên Kinh Đại Thừa mà có thể thể hội được một ít. Nó là tự tánh vốn đã có. Điều này xác thực là gió này cùng với chúng ta không có liên quan gì với nhau. Cái gió này xác thực là rất ấm áp, rất dễ chịu. Dễ chịu thoải mái ở tại chỗ nào? Ở ngay trên thân thể chúng ta. Mỗi một tế bào trên thân thể chúng ta, mỗi một nguyên tử, điện tử đều như vậy, nó đều ở trong chuyển động, nó không phải là đứng yên. Trong vũ trụ không có vật chất bất động, hễ nó là vật chất thì chắc chắn nó chuyển động. Sự chuyển động ở đây chính là nói đức phong, nó là ở trong tự tánh. Cho nên “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất hay: “Như Lai tạng trung, tánh phong chân không, tánh không chân phong, thanh tịnh bổn nhiên, châu biến pháp giới”. Điều này thật sự là chẳng có sai một chút nào.
Nếu chúng ta từ ở chỗ này mà thể hội, điều này thuộc về cái mà ngày nay người thế gian gọi là khoa học, cho nên mới gọi là “Phong trung chi tinh”. Đây là tinh hoa ở trong gió. Tất cả các động thái là từ chỗ này mà biến hiện ra, vô lượng vô biên đủ các loại gió cả thảy đều từ ở chỗ này mà biến hiện ra. Đây là nền tảng. Trong “Quán Kinh” có nói: “Bát chủng thanh phong, tùng quang minh xuất. Bát phương thanh phong, tùng quang minh xuất”. Quang minh là trí huệ, trí là bất động. Động dựa vào bất động mà sanh ra, cho nên đến lúc nào chúng ta có thể khế nhập động tĩnh bất nhị, trong Đại Thừa giáo gọi là chi vi kiến đạo, thì bạn thấy đạo rồi. Sau khi thấy đạo mới có thể tu đạo, sau khi tu đạo thì mới có thể chứng đạo. Hiện nay đạo của chúng ta đều không có kiến đạo. Cách tu như thế nào? Những lời nói này ở trong Đại Thừa đều không phải là nói với phàm phu. Không những phàm phu không có năng lực này, mà Nhị Thừa, A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát cũng không có năng lực này. Lời này là nói với ai? Là nói với Pháp Thân Bồ Tát, cũng là nói với Viên Giáo Sơ Trụ trở lên. Tại sao vậy? Vì họ đã kiến đạo rồi, cho nên họ mới chân thật kiến đạo, tu đạo, chứng đạo, mỗi một tầng lớp đều tăng lên cao, từ Sơ Trụ đến Diệu Giác hai mươi bốn cấp bậc.
Cho nên Thánh nhân nói với chúng ta, đời người ở thế gian này phải hiểu được chân tướng sự thật này, đó chính là không ngừng học tập, mỗi ngày đều học tập, hy vọng sự thanh tịnh của chúng ta. Thanh tịnh, điều thiện tăng trưởng. Nếu điều ác tăng trưởng thì không tốt. Nếu như bị nhiễm ô, điều ác tăng trưởng thì tiền đồ ở tương lai chính là tam đồ ác đạo. Nếu như chúng ta thanh tịnh, thiện hạnh tăng trưởng thì tương lai con đường này càng đi càng thù thắng, càng được nâng cao lên trên. Hay nói cách khác, thông thường cõi người được nâng cao lên cõi trời. Trời có hai mươi tám tầng, tầng này cao hơn tầng kia. Cấp bậc của Bồ Tát có năm mươi mốt ngôi thứ, cũng phải từng cấp bậc mà tu. Do vậy mới biết, học tập mãi mãi không ngừng lại, học tập vĩnh viễn không thể ngừng lại. Lời của cổ nhân nói có lý vô cùng: “Học như thuyền đi ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”, cho nên nhất định phải nỗ lực tinh tấn. Bạn xem, trong Lục Ba La Mật có nói tinh tấn, Nho gia cũng có nói: “Cẩu Nhật Tân, Hựu Nhật Tân, Nhật Nhật Tân” (Đã mới rồi, ngày ngày càng đổi mới, tiếp tục đổi mới), đó chính là tinh tấn thì học nghiệp, đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Con người có thể sống như vậy mới là chân thật hạnh phúc mỹ mãn, cuộc sống mỗi ngày trôi qua vui vẻ, tâm khai ý giải, mỗi ngày nâng cao cảnh giới. Bạn nói xem, sung sướng biết bao.
Dừng lại trong chốc lát, không thể nâng cao lên trên thì nhất định đọa lạc xuống dưới. Đây là điều tất nhiên. Bạn muốn hỏi tại sao như vậy? Có đạo lý, nó không phải là không có đạo lý. Đó chính là chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, kiếp trước, kiếp này, chúng ta đã tạo tác ác nghiệp quá nhiều. Chủng tử, tập khí ác vô lượng vô biên, cộng thêm hoàn cảnh bất thiện ở bên ngoài, bị hoàn cảnh mê hoặc, bên trong thì có chủng tử bất thiện, hoàn cảnh bất thiện ở bên ngoài mê hoặc, phiền não, tập khí của bạn liền hiện hành. Cái này vừa hiện hành thì đọa lạc. Đây chính là lý do tại sao không tiến ắt sẽ lùi, tại sao không thể dừng lại ở một chỗ, đạo lý là chỗ này. Điều này quý vị hãy bình lặng tỉ mỉ mà tư duy quan sát thì bạn sẽ hiểu được. Cho nên nếu như chúng ta không muốn bị đọa lạc thì chẳng có cách nào khác, chỉ có nỗ lực ngày ngày cầu tiến bộ thì bạn sẽ không bị đọa lạc.
Nói tóm lại, đức phong ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc xác thực là “phong trung chi tinh hoa”, từ quang minh mà sanh ra, cho nên điều này trên Kinh gọi là đức phong. Đức phong tự nhiên “từ khởi”. Từ là không nhanh không chậm, người thông thường chúng ta nói là hoàn toàn thích hợp, ý nghĩa là như vậy. Thực tại mà nói, phía trước chúng ta cũng đã nhắc đến, đây là bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật gia trì, không thuộc về tạo tác, cho nên mới gọi là “tự nhiên”. Trong chú giải của cổ nhân có nói: “Nguyện lực linh lại”. “Lại” là chỉ cái ống sáo. Giống như chúng ta thổi sáo, khi thổi sáo có thể phát ra những âm thanh rất hay, nhờ vào cái gì vậy? Nhờ vào mấy cái lỗ, đục mấy cái lỗ trên cây trúc, nên được gọi là ống sáo. Đây là ống sáo do con người làm ra.
Còn địa, đại địa cũng có lỗ hổng. Điều này hiện nay chúng ta thấy rất nhiều. Khe núi, hang động đều có gió. Ngoài điều này ra, cổ nhân vẫn nói có sáo trời. Ở trên bầu trời, chúng ta không phát hiện ra có lỗ hổng. Những vị này xác thực là Thánh Hiền, thông minh trí huệ cao hơn chúng ta một bậc. Họ nói cái gì được gọi là sáo trời? Sáo trời là tâm con người chúng ta lơ lửng, cảm ứng đạo giao với thiên nhiên. “Phong hòa nhật lệ, kỳ lai hữu tự” không phải là không có nguyên nhân. Tâm người thanh tịnh, tâm người thiện thì có thể chiêu cảm được mưa hòa gió thuận. Nếu như tâm địa của chúng ta không thanh tịnh, không thiện lương thì bạn sẽ chiêu cảm thiên tai nhân họa. Chúng ta nói là tai họa thiên nhiên, thật ra tai họa thiên nhiên là do tâm con người chiêu cảm ra, thiên nhiên làm gì biết gây ra tai họa. Nhưng ngày nay người ta không thừa nhận, họ cho rằng tai họa của thiên nhiên này cùng với tư tưởng hành vi của chúng ta không liên quan. Đây là điều sai lầm lớn. Tuy cổ nhân nói như vậy nhưng họ không thừa nhận. Ngày nay người ta tin vào khoa học, điều đầu tiên của khoa học là “lấy chứng cứ ra”. Cổ nhân thì không như vậy. Nếu như cổ nhân ở ngay trước mặt chúng ta, chúng ta có thể yêu cầu đem chứng cứ ra, họ thật sự đem chứng cứ ra được. Điều này chẳng phải là giả.
Hiện nay có một số nhà khoa học hàng ngày đang làm thí nghiệm khoa học, xác thực là đã có chứng minh. Tất cả vạn vật trong thiên nhiên này, thực vật, khoáng vật đều hiểu được ý nghĩ của con người, tùy theo tâm con người mà sinh ra sự biến hóa rõ rệt. Không chỉ là nhà khoa học của Nhật Bản dùng nước để thí nghiệm, mà ở châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ đều có những nhà khoa học làm thí nghiệm này rất nhiều năm, phát hiện ra động vật cũng hiểu được ý nghĩ con người. Cây cối, hoa cỏ, nếu như bạn ngắt một cây hoa, chặt một cành cây, những cái cây ở xung quanh chúng cảm thấy rất là đau buồn, chúng rất đau lòng. Những cây xung quanh đó nhìn thấy các cây khác bị con người chà đạp. Bạn hiểu được ý nghĩa này, hoa nở ở trên cây rất đẹp, bạn đến ngắt đi một nhánh, những hoa khác ở xung quanh đều cảm thấy rất buồn, đều cảm thấy đau xót. Tôi đã đọc qua một số báo cáo, đây là kết luận đạt được từ những thí nghiệm của khoa học. Thực vật cũng như vậy, khoáng vật cũng là như vậy, nhưng khoáng vật thì rất khó phát hiện. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng rất cần cù, ông đem nước cho kết thành băng ở nhiệt độ âm năm độ, băng liền có hoa tuyết, liền có kết tinh. Họ đến quan sát sự kết tinh này, xem sự thay đổi của nước. Phải trải qua cách làm như vậy mới phát hiện ra. Nhưng chúng ta biết rằng không trải qua cách làm này, không cần thí nghiệm điều này ở nhiệt độ âm năm độ C nó cũng có tác dụng như vậy. Điều này chúng ta không thể phát hiện ra. Hiểu rõ đạo lý này, chúng ta mới chân thật thể hội được lời của Phật đã nói: “Nhất thiết chúng sanh nhân tâm thành thể”. Chúng sanh đây chính là chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi nên các hiện tượng này, bao gồm cả động vật, thực vật, khoáng vật mà hôm nay chúng ta nói, cùng với các hiện tượng của thiên nhiên đều là nhân tâm thành thể. Tâm thì có thấy nghe hay biết, tâm thì có đức. Cho nên vi trần càng nhỏ, nó có sự sống, nó sống động. Chúng ta không thể nói là có sự sống thì đều có mạng sống. Chúng ta đối với mạng sống mà giải thích, đối với khái niệm sống chết đều không chính xác. Ở trong pháp giới chân thật, trong Nhất Chân Pháp Giới không có ý niệm sống chết này, cũng không có sanh diệt. Trong hiện tượng này chúng ta sẽ thấy được sanh diệt, sẽ thấy được sống chết. Đó chính là gì? Đó là cảm giác sai lầm. Bạn thật sự hiểu được “tất cả pháp không sanh”, tất cả pháp đã không sanh thì làm gì có diệt? Cho nên ở trong Kinh Phật thường nói bất sanh bất diệt, không đến không đi, không thường không đoạn, không cấu không tịnh, trong Kinh Đại Thừa của chúng ta thường thường thấy những câu từ này. Hầu như trong khái niệm ngày nay của chúng ta, hết thảy tất cả những thứ tương đối đều mất hết. Cho nên sự tương đối không phải là chân thật. Từ sự tương đối này nói ngược lại là sự tuyệt đối. Sự tuyệt đối này có phải là thật không? Sự tuyệt đối này cũng không phải là thật, tại sao vậy? Tuyệt đối cùng với tương đối vẫn còn là đối lập. Đến lúc nào bạn không còn đối lập nữa thì thật sự bạn sẽ nhìn thấy được. Cho nên ở trong Kinh Phật thường hay nói, nếu bạn thấy được sự thật, pháp chân thật là “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Đó là chân thật. Chỉ có thể dùng tâm để thể hội chứ không thể chuyển đạt bằng lời. Thế Tôn thật sự là dùng phương tiện thiện xảo, dùng lời nói để dạy cho chúng ta. Lời nói cũng là phương tiện, phương pháp. Dùng loại phương pháp, phương tiện này để dẫn chúng ta khế nhập vào sự chân thật. Điều này thì đúng. Nếu như bạn muốn những phương pháp này đều là thật, tâm của bạn chú trọng vào phương pháp này thì bạn sai rồi.
Cổ đức nói thí dụ chỉ mặt trăng. Mặt trăng ở chỗ nào thì ngón tay chỉ về hướng đó. Người đần độn không biết, chỉ nhìn vào đầu ngón tay thì vĩnh viễn họ không nhìn thấy được mặt trăng. Bạn hiểu được ý nghĩa này, bạn mới hiểu được những lời trong “Kinh Kim Cang”: “Pháp còn phải xả, huống gì phi pháp”. Phật pháp đến một ngày nào đó phải xả chẳng còn chút nào, bạn mới gặp được những điều chân thật, bạn mới hiểu được hết Phật pháp. Bộ “Đại Tạng Kinh” này chính là đầu ngón tay, Thích Ca Mâu Ni Phật bốn mươi chín năm giảng Kinh thuyết pháp, biểu diễn đủ loại đủ kiểu chính là cái đầu ngón tay. Bạn hiểu được cái đạo lý này, bạn cho rằng nó là thật, vậy thì hỏng rồi, Phật sẽ chảy nước mắt, bạn đã giải sai ý nghĩa của Ngài rồi. Cho nên nguyện giải nghĩa chân thật của Như Lai, điều này nói dễ dàng làm sao! Đến khi nào chúng ta có thể thoát khỏi, thật sự khế nhập được sự chân thật (sự chân thật đó là cảnh giới thân chứng của Như Lai), cảnh giới bạn chứng đắc cùng với Phật Như Lai chứng đắc là hoàn toàn giống nhau. Cho nên Phật pháp từ đầu đến cuối đều là buông xả.
Chương Gia Đại Sư năm xưa dạy cho tôi, tôi cũng rất khó mà làm được. Bài học đầu tiên Chương Gia Đại Sư đã dạy cho tôi là “nhìn thấu buông xuống, buông xuống nhìn thấu”. Phật pháp từ lúc sơ phát tâm đến quả địa Như Lai chính là cái pháp môn này, hỗ trợ cho nhau. Nhìn thấu hỗ trợ cho buông xuống, buông xuống hỗ trợ cho nhìn thấu. Phương pháp này sẽ thành công. Nhìn thấu là trí huệ, buông xuống là công phu. Đến cuối cùng Phật pháp cũng phải buông xuống. Đến lúc nào bạn có thể chứng được đạo vô thượng, A Di Đà Phật cũng buông xuống, thì bạn có thể thật sự thành Phật. A Di Đà Phật vẫn chưa buông xuống được, cùng lắm bạn chỉ là Bồ Tát, chưa thành Phật được. Tại sao vậy? A Di Đà Phật đã chướng ngại bạn rồi. Thế nhưng hiện nay chúng ta vẫn là phàm phu, không dựa vào A Di Đà Phật thì không được. Chúng ta phải nương tựa vào Ngài để được nâng cao. Đến một mức độ nhất định thì phải buông xả, bạn mới có thể viên mãn Bồ Đề.
Đây là nói đến sáo trời và nhân tâm. Nhân tâm và cả vũ trụ này quan hệ mật thiết với nhau, niệm niệm đều tương thông. Cái niệm này chính là một sát na có chín trăm lần sanh diệt. Cái niệm này cùng với cả vũ trụ tương thông nhau. Vốn dĩ đã tương thông nhau, hiện tại vẫn là tương thông nhau, vậy vì sao bản thân bạn cho là không thông với nhau? Cho nên thật sự không thông với nhau. Không thông nhau nên bạn mới sanh bệnh, không thông nên bạn mới chịu khổ. Nếu như quả nhiên thông rồi thì bệnh của bạn không còn, khổ cũng không còn. Do đó mới biết, “chân” là không sanh không diệt, “vọng” là có sanh có diệt. Cái chân này là đức tánh mà chúng ta vừa mới nói, nó là thông nhau, nó là không sanh không diệt. Vọng là gì? Là bản thân chúng ta mê rồi, cho là không thông, điều này cho là không thông thì có sanh có diệt. Có sanh có diệt thì chúng ta phải biết tránh xa nó. Không sanh không diệt thì chúng ta phải biết tương ưng với nó, phải biết khế nhập.
Cổ đức nói đến đoạn này, các vị nói đây là nguyện lực của tiếng sáo trời, nói là đức phong của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, là nguyện lực của bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật thành tựu. Điều này nói rõ tác dụng tự nhiên của tự tánh bổn nguyện Phật Đà. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Kinh văn trước tiên nói rõ: Phong xuy chư la võng, cập chúng bảo thọ, xuất vi diệu âm. Gió này là gió mát, gió êm dịu, không phải là gió bão mãnh liệt. Cho nên “la võng” là sự thành tựu quý báu. Chúng thọ cũng là sự thành tựu quý báu. Ở những chỗ này, nếu chúng ta nghĩ đến chuông gió. Người Hoa rất thích chuông gió, hiện nay người ngoại quốc cũng rất thích. Chuông gió thông thường được làm bằng đồng, hiện nay cũng có làm bằng đá quý, hoàn toàn không phải là loại đá rất quý, mà là đá quý thông thường. Đá được làm thành những cái ống, bên trong của cái ống được khoét thành lỗ, âm thanh nghe rất hay. Chúng tôi thấy những vật này liền nghĩ đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, làn gió mát này thổi động cây báu và lưới trời, gió thổi lá cây và lá cây va chạm với nhau liền phát ra âm thanh. Ở trong Kinh Phật nói với chúng ta, Thế giới Tây Phương tất cả vạn vật đều do vật báu hợp thành. Thất bảo, “thất” đại biểu cho sự viên mãn, nó không phải là con số. Nếu như bạn cho rằng bảy báu là có bảy loại thì sai rồi, như vậy thì Thế giới Cực Lạc kém thế giới của chúng ta rất nhiều, vật báu ở nơi này của chúng ta không chỉ có bảy loại. Bảy chỉ là đại biểu cho sự viên mãn, con số bảy này chính là bốn phương, trên, dưới và chính giữa. Con số này đã bao gồm toàn bộ sự viên mãn, nó đại biểu cho ý nghĩa này, là vô số vật báu thành tựu. Vô số vật báu chúng ta có thể tin. Tại sao vậy? Là nó hiển lộ tánh đức, lưu lộ tánh đức cứu cánh viên mãn. Cho nên nó là tự nhiên, nó không phải được chế tạo.
Đây là “xuất vi diệu âm”, chú trọng vào cái chữ “vi” này. Thế gian này của chúng ta, giống như lời cổ đức đã nói, không những nhân gian mà ngay cả trên trời, người trời cũng đều chưa từng nghe qua loại âm thanh này. Thế nhưng những người học Phật, những người có duyên học Phật, vô tình sẽ nghe được. Nhưng điều này rất là hy hữu. Người có duyên ngửi được mùi thơm lạ tương đối nhiều. Bản thân chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm này. Cũng có một số đồng tu nói với tôi, họ ngửi được mùi hương rất đặc biệt, mùi hương rất kỳ diệu, không phải là những loại trầm hương mà nhân gian chúng ta đốt. Bản thân mình khi đang tụng Kinh, hoặc khi đang niệm Phật, hoặc là khi đang kinh hành ngẫu nhiên ngửi được. Đây là đại đa số. Mùi thơm này không phải là ở nhân gian mà ở trên trời. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, rất nhiều lần ngửi được mùi này. Sau này tôi đi thỉnh giáo các vị lão Hòa thượng, lão Hòa thượng nói với tôi, đây là người thông thường khi đang công phu, chư thiên từ trên không trung đi ngang qua nhìn thấy bạn, chấp tay tán thán, trên thân của họ có mùi thơm. Chúng ta có thể tin được điều này. Đương nhiên cũng không hiếm là mùi hương quý của Thế giới Tây Phương, điều này thì càng thù thắng hơn, mùi thơm này thì thù thắng hơn mùi thơm của chư thiên. Đã ngửi được mùi hương còn có thể nghe được nhạc trời tràn ngập không trung, đương nhiên đa số là âm nhạc của chư thiên. Trong lúc chúng ta đang công phu đắc lực, chư thiên tán thán, cho nên rải hoa cùng nhạc trời cúng dường. Chúng ta nghe được nhạc trời, đa số là ở trên trời không phải là ở nhân gian. Mùi hương quý cùng với âm nhạc của Thế giới Tây Phương vượt qua nhạc trời, mùi hương trên trời rất nhiều, không thể nào so sánh. Từ ở chỗ này mà nói, người thật sự có duyên sẽ gặp được.
Bản thân chúng ta có duyên hay không? Duyên chắc chắn là có, nhưng đến lúc nào hiện tiền thì không biết. Tại sao nói duyên chắc chắn là có? Vì Thế giới Tây Phương là duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà thì làm sao bạn có thể nói là không có duyên. Niềm tin của chúng ta đối với Tây Phương Tịnh Độ được sinh ra từ ở chỗ này. Duy tâm tịnh độ tự tánh Di Đà, Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với ta quan hệ vô cùng mật thiết, tín tâm sinh ra từ ở chỗ này. Đến lúc nào tương ưng thì cảnh giới này sẽ hiện tiền. Tâm của chúng ta, nguyện của chúng ta, hạnh của chúng ta, ba phương diện này cả thảy tương ưng rồi, chúng ta tin tưởng âm nhạc của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quang minh của Thế Giới Cực Lạc, mùi hương quý của Thế giới Cực Lạc, sự cảm ứng như vậy giống như Tổ sư Đại đức của chúng ta thời xưa, sẽ có. Như vậy sẽ tăng trưởng tín nguyện tu hành của bản thân chúng ta, tăng trưởng đạo tâm của chúng ta. Đây là điều bình thường. Cho nên cảm ứng đạo giao, chúng sanh mười phương thế giới có cảm, tánh đức này tự nhiên sẽ có ứng. Cảm ứng đạo giao, hãy xem công phu của bản thân chúng ta.
Điều tối vi diệu ở chỗ này chẳng qua là nó có thể diễn nói khổ, không, vô thường, vô ngã, các Ba La Mật. Đây thật sự là vi diệu, nó có thể nói pháp. Cách thức nói pháp của nó là không thể nghĩ bàn, có phải là giống như chúng ta hiện giờ dùng lời nói để thuyết pháp không? Không chắc. Nói tóm lại, bạn thấy được rồi, bạn nghe được rồi, bạn tiếp xúc được rồi thì sẽ bỗng nhiên đại ngộ. Đây chính là “diễn thuyết”. Giống như người xưa tu hành, trong cuộc đời vô số lần tiểu ngộ, vô số lần đại ngộ, triệt ngộ cũng là vô số lần. Tiêu chuẩn ở thế gian của chúng ta, triệt ngộ là nói minh tâm kiến tánh. Phá một phẩm vô minh thì minh tâm kiến tánh, triệt ngộ. Sau khi triệt ngộ lại triệt ngộ thêm một lần nữa, đó chính là phá hai phẩm vô minh, địa vị Bồ Tát lại tăng thêm một bậc. Lần thứ ba đại triệt đại ngộ thì họ tăng lên cấp bậc thứ ba. Từ Viên Giáo mà nói, sơ trụ, nhị trụ, tam trụ đến quả địa Như Lai phải bốn mươi hai lần đại triệt đại ngộ.
Trên Kinh luận, Tổ sư Đại đức thường xuyên dạy bảo chúng ta, tiểu ngộ mới có đại ngộ, tích đại ngộ mới có triệt ngộ. Đạo lý này nói rất hay, chúng ta cần phải ghi nhớ. Ghi nhớ là bạn phải tự cầu bản thân mỗi ngày đều phải có chỗ ngộ, tiểu ngộ. Mỗi ngày phải có chỗ ngộ. Không ngộ thì mê, ngộ thì tiến bộ, cho nên không ngộ thì thoái lui. Đây gọi là không tiến ắt sẽ lùi, đạo lý là ở chỗ này. Làm sao mới có thể duy trì được sự giác ngộ? Đại khái là người mới học Phật, mỗi ngày có tiểu ngộ thì không phải dễ, mỗi ngày có tiểu ngộ thì công phu đắc lực rồi. Khoảng một tuần hoặc là hai tuần có tiểu ngộ thì cũng không tệ. Thế nhưng nhất định phải dũng mãnh tinh tấn. Nói tóm lại, cũng không ngoài việc trong tâm luôn có đạo thì bạn mới có giác ngộ. Giống như người tu Tịnh Độ chúng ta, trong tâm thật sự có A Di Đà Phật, ở trong tâm thật sự có Thế giới Cực Lạc, giống như Bồ Tát Đại Thế Chí dạy cho chúng ta: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật”, đó là chỗ ngộ. Nhớ Phật, nhớ là tư duy, tưởng tượng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Cho nên Kinh không thể không thuộc. Nếu như không thuộc Kinh thì bạn sẽ không có chỗ nhớ, thì bạn sẽ suy nghĩ lung tung. Thường xuyên nhớ đến những cảnh giới ở trong Kinh thì bạn mới có chỗ ngộ, trong tâm thường xuyên thật có A Di Đà Phật. Tại sao biết được không có chỗ ngộ? Không có chỗ ngộ là do trong tâm bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng phân biệt chấp trước này chính là tập khí phiền não từ vô lượng kiếp đến nay, những thứ này đã đóng chặt cánh cửa ngộ của bạn.
Chúng ta làm sao để đoạn phiền não, đoạn tập khí? Không nên học Tiểu Thừa. Tiểu thừa rất là vất vả, cách thức không linh hoạt, nhất định phải chấm dứt nó, học không phải dễ. Pháp Đại Thừa thì uyên bác hơn Pháp Tiểu Thừa nhiều. Pháp Đại Thừa thì đem ý niệm chuyển trở lại, tôi không muốn tham sân si mạn, tôi không muốn tự tư tự lợi, tôi chỉ chuyên nhớ đến Kinh Phật, cảnh giới y chánh trang nghiêm này vi diệu không thể nghĩ bàn. Chỉ nghĩ đến cảnh giới này, không nên nghĩ đến thế gian này.
Ở thế giới này tin tức báo đài tạp chí mỗi ngày đều là tin tức hỗn độn, không nên để ý đến nó, căn bản là không nên xem nó và cũng không nên nghe nó, mà bạn nên xem Kinh. Mỗi ngày đều nghĩ đến Thế giới Cực Lạc, nghĩ đến Tịnh Độ của chư Phật Bồ Tát. Cứ như vậy, bạn dụng công phu dài lâu, thực tại mà nói có thể công phu trên nửa năm hoặc một năm, thì nhất định bạn thường xuyên có chỗ ngộ. Sự thường xuyên này ít ra mỗi tuần lễ đều có chỗ ngộ, hay nói cách khác, cảnh giới của mỗi tuần đều không giống nhau. Đến khi công phu đắc lực rồi, đây là điều tôi đã nói với bạn là mỗi ngày đều có chỗ ngộ, cuộc sống rất hạnh phúc, sống rất an vui.
Chỗ ngộ này là gì? Chính là được tiếp cận với Phật Bồ Tát, mỗi ngày một gần hơn. Đây là pháp lạc, là pháp hỷ, người thông thường không có cách nào thể hội được. Hàng ngày đọc Kinh, sự thể hội được mỗi ngày đều khác nhau. Cho nên Kinh là sống chứ không phải chết, nó có vô lượng nghĩa, mỗi ngày đều phát hiện ra một chút nghĩa mới, ngày mai xem lại phát hiện ra một ý nghĩa mới, ý nghĩa thật sâu sắc hơn. Kinh không phải là một ý nghĩa. Có một ý nghĩa thì đọc xong chẳng có hứng thú gì. Thật sự là có vô lượng nghĩa, vĩnh viễn thể hội không hết được. Như vậy mới hiểu được lời của cổ nhân nói là có đạo lý, không phải là không có đạo lý. Mỗi chữ mỗi câu trong Kinh sách này là từ trong tự tánh của Như Lai mà lưu xuất ra. Tự tánh thì không có sanh diệt, tự tánh không có lớn nhỏ, tự tánh vô lượng vô biên.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 303)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.