GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 177/374
PHẨM THỨ BẢY
TẤT THÀNH CHÁNH GIÁC
Bồ Tát Pháp Tạng ở trước mặt Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai tuyên thuyết hoằng nguyện của Ngài. Phía trước chúng ta đã đọc qua phẩm này. Sau khi nói xong hoằng nguyện, tiếp theo lại ở trước Phật dùng kệ tụng để biểu đạt nguyện vọng của Ngài, còn thỉnh Phật làm chứng minh cho Ngài. Đại nguyện chân thành sâu rộng vô tận, cho nên cảm động trời mưa diệu hoa vô số tướng lành, không trung tán thán Ngài nhất định thành Phật. Đây là đại ý của phẩm này. Kệ tụng tổng cộng có mười một bài. Ý nghĩa trong bài kệ rất sâu rộng; mỗi một bài, mỗi một câu đều đáng được chúng ta học tập.
Kinh văn: “Phật cáo A Nan: Nhĩ thời Pháp Tạng Tỳ Kheo thuyết thử nguyện dĩ. Dĩ kệ tụng viết:
Ngã kiến siêu thế chí
Tất chí vô thượng đạo
Tư nguyện bất mãn túc
Thệ bất thành chánh giác”.
Hàng phía trước này là nói nghi thức của kệ, đây là Thế Tôn lại nói với tôn giả A Nan.
“Nhĩ thời” chính là sau khi Bồ Tát Pháp Tạng phát nguyện, vào lúc này khẩn thiết lấy kệ tụng để tán Phật, cũng là tuyên nói nguyện vọng của chính mình.
Câu nói thứ nhất là: “Ngã kiến siêu thế chí”. “Kiến” là kiến lập, chính là ngày nay chúng ta gọi là phát tâm phát nguyện. “Siêu thế chí” là gì? Chữ “chí” này dễ dàng hiểu, là chí nguyện. Chí nguyện của Ngài kiến lập ra siêu thế. Đại đức xưa đối với hai chữ “siêu thế” này có một số cách nói khác nhau. Thí dụ nói trong 48 nguyện, cầu pháp thân nguyện, cầu Tịnh Độ nguyện, đây là siêu thế. Ý nghĩa này cũng rất hay.
Thời đại nhà Tùy có Pháp sư Huệ Viễn (Pháp sư Huệ Viễn ở Trung Quốc có hai vị, Tịnh Tông sơ tổ của chúng ta cũng là Đại Sư Huệ Viễn. Danh tự của các Ngài hoàn toàn giống nhau, cho nên ở trên lịch sử gọi vị Pháp Sư Huệ Viễn triều nhà Tùy là tiểu Huệ Viễn), Ngài có chú giải “Kinh Vô Lượng Thọ” gọi là “Tịnh Ảnh Sớ”. “Tịnh Ảnh” là tự miếu mà Ngài ở lúc đó, chùa đó gọi là chùa Tịnh Ảnh, cho nên người sau gọi Ngài là Tịnh Ảnh Đại Sư. Ở chỗ này Ngài đã khải thị cho chúng ta, cầu chứng pháp thân chính mình, cầu sanh Tịnh Độ, đây là siêu thế nguyện. Lời Ngài nói, chúng ta tỉ mỉ nghĩ xem có đạo lý hay không? Có vị Bồ Tát nào mà không cầu pháp thân? Có vị Bồ Tát nào mà không cầu Tịnh Độ? Tại vì sao Pháp Tạng chỗ này nói đây là siêu thế nguyện? Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Bồ Tát phát nguyện tu hành, cho dù chứng được quả vị Viên Giáo Sơ Trụ, còn phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp mới có thể chứng được pháp thân viên mãn. Thế nhưng pháp môn Tịnh Tông cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thời gian rất ngắn thì đầy đủ nguyện vọng của bạn, pháp thân Tịnh Độ của bạn liền hiện tiền. Khi so ra thì Tịnh Độ thù thắng thật nhiều, cho nên hai chữ “siêu thế” này chính là tán thán Tây Phương Tịnh Độ, tán thán đới nghiệp vãng sanh, tán thán bình đẳng thành Phật. Phương pháp của Ngài là bình đẳng, quả đức cũng là bình đẳng, không thể nghĩ bàn.
Viễn Công chú giải “Kinh Vô Lượng Thọ” gọi là “Kinh Vô Lượng Thọ Nghĩa Sớ”, lưu thông rất rộng. Trong chú sớ, Ngài chú được rất tường tận, chú được rất hay, cho nên từ xưa đến nay, nghiên cứu “Kinh Vô Lượng Thọ”, giảng giải “Kinh Vô Lượng Thọ” phần nhiều đều tham khảo bổn này của Ngài. Bổn này tôi cũng đã đọc qua. Quá khứ ở Đài Trung, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng đã giảng qua. Ngài đã nói là Ngài dùng bổn dịch của Khang Tăng Khải. Ngài nói: “Quang Minh Vô Lượng Nguyện” , “Thọ Mạng Vô Lượng Nguyện”, “Chư Phật Tán Thán Nguyện”, ba nguyện này đều là nói pháp thân; “Quốc Độ Thanh Tịnh Nguyện”, “Quốc Độ Nghiêm Sức Nguyện” là nói trang nghiêm nguyện. Đây là Tịnh Độ nguyện. Cho nên, tiểu Huệ Viễn Pháp Sư Ngài cho rằng năm nguyện này là siêu thế gian. Thế nhưng vào thời xưa, có rất nhiều đại đức cho rằng Tỳ Kheo Pháp Tạng phát ra 48 lời nguyện thảy đều là siêu thế nguyện, mỗi nguyện đều là phổ độ pháp giới tất cả chúng sanh. Chỗ này nói được rất có đạo lý, so với tiểu Huệ Viễn ở 48 nguyện chỉ chọn năm nguyện là phải thù thắng hơn. Cho nên, câu này chúng ta có thể xem thành tổng kết của 48 nguyện. “Ngã kiến siêu thế chí”, câu này là tổng kết của 48 nguyện.
Đại sư Thiện Đạo ngay trong truyền thuyết là A Di Đà Phật tái lai. Ngài cũng tán thán đây là tổng kết của 48 nguyện không thể nghĩ bàn, xưng tán 48 nguyện này là vô ngại thệ nguyện, mỗi mỗi hoằng nguyện đều có công đức không thể nghĩ bàn. Chúng ta ở phía trước khi giảng Kinh đã từng nhiều lần nói qua với các vị, mỗi một nguyện quyết định hàm nhiếp 47 nguyện khác, nguyện nguyện đều như vậy. Nếu bỏ sót một nguyện thì nguyện này của bạn liền không viên mãn, cho nên 48 nguyện cùng trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói: “Một là tất cả, tất cả là một”, trùng trùng vô tận, là một ý nghĩa. Việc này cũng giống như ráp đồ hình vậy, thiếu một miếng thì không viên mãn. Cho nên, 48 nguyện đích thực là hỗ tương lẫn nhau, mỗi nguyện đều là hoằng nguyện siêu thế.
Thế nhưng, Đại sư Thiện Đạo lại nói cho chúng ta: “Hoằng thệ đa môn, tứ thập bát thiên tiêu niệm Phật tối vi thân”. Ý nghĩa này nói với chúng ta là mỗi một nguyện đều là niệm Phật. Tổ sư đại đức xưa nay nói bổn nguyện niệm Phật là ý nghĩa này. Thế mà ngày nay, ở HongKong, ở Đài Loan, ở Hoa Kỳ, chúng ta gặp được một số người từ Nhật Bản truyền đến bổn nguyện niệm Phật không giống như Đại sư Thiện Đạo đã nói. Hiện tại, bổn nguyện niệm Phật của họ chỉ nắm lấy một nguyện, đó là nguyện thứ mười tám trong 48 nguyện. Họ không biết được tổ sư đại đức xưa nay đề xướng bổn nguyện niệm Phật là 48 nguyện, mỗi nguyện hỗ tương lẫn nhau, quyết không phải chỉ có một nguyện. Một nguyện hàm nhiếp tất cả nguyện. Nếu như một nguyện không thể biến dung tất cả nguyện thì sai rồi. Cho nên, chúng ta nghe qua phương pháp tu hành của họ, nghe qua những lý luận này của họ đã nói, họ đúng pháp hay không, chúng ta liền tường tận rồi.
Trong “Vãng Sanh Luận” nói: “Tam chủng trang nghiêm, nhập nhất pháp cú, nhất pháp cú giả, chân thật trí tuệ, vô vi pháp thân”. Bốn mươi tám nguyện đích thực là tròn đầy viên mãn, hàm nhiếp ba loại trang nghiêm là “đạo sư trang nghiêm, đồng học trang nghiêm, hoàn cảnh y báo trang nghiêm”. Đạo sư là A Di Đà Phật. Đồng học là người của mười phương thế giới vãng sanh. Bốn độ ba bậc chín phẩm, người của mỗi phẩm vị vãng sanh, người Phàm Thánh Đồng Cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh đều không thể nghĩ bàn. Đây là Thế Tôn ở trong các Kinh khác chưa từng nói qua, mà Ngài tổng quy kết, quy kết đến một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Câu danh hiệu này chính là đức hiệu của pháp thân, là đức hiệu của pháp thân A Di Đà Phật, cũng là đức hiệu pháp thân của mười phương ba đời tất cả chư Phật. Sau khi chúng ta nghe rồi, chính mình liền tường tận rồi, thì bao gồm chính chúng ta trong đó, tròn đầy viên mãn. Nếu khuyết thiếu chúng ta một người, pháp thân liền thiếu đi một miếng, cũng là không viên mãn. Cho nên chúng ta phải biết, niệm danh hiệu này chính là niệm tánh đức viên mãn, tu đức viên mãn, tánh tu không hai.
Ngày nay chúng ta niệm Phật, có phải là hàm nhiếp tánh đức và tu đức tròn đầy viên mãn hay không? Nếu như không thể, cho dù niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Nếu như đích thực viên mãn hàm nhiếp, thì bạn chắc chắn được sanh Tịnh Độ. Hiện tại chúng ta muốn hỏi: thế nào gọi là hàm nhiếp và thế nào gọi là không hàm nhiếp? Trong “Kinh Lăng Nghiêm”, Bồ Tát Đại Thế Chí nói rất hay, Ngài dạy chúng ta niệm Phật: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Đây là tánh đức và tu đức viên mãn hàm nhiếp. Lý thể là tánh đức, công hạnh là tu đức. Tánh đức tức là tu đức, tu đức chính là tánh đức. Pháp môn này thật là diệu tuyệt. Cho nên, chư Phật Bồ Tát không vị nào không tán thán là “niệm Phật Tam Muội, Tam Muội trung vương”. Rất là đáng tiếc, người chân thật tường tận thực tế thì không nhiều, mà người đi theo mọi người cùng nhau mơ mơ hồ hồ mà niệm thì thật không ít. Vậy phải làm sao? Không thể không đọc Kinh, không thể không nghiên giáo. Phải làm thế nào mới có thể làm đến được? “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Nếu bạn không hiểu ý nghĩa của câu nói này, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói được rõ ràng hơn, Ngài nói chúng ta dễ dàng hiểu: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, chính là ý nghĩa này. Lão thật niệm, chắc chắn không hoài nghi thì tu đức cùng tánh đức liền tương ưng, chắc chắn không xen tạp cũng tương ưng, không gián đoạn liền tương ưng. Hay nói cách khác, bạn hoài nghi thì không tương ưng, xen tạp cũng không tương ưng, gián đoạn cũng không tương ưng. Niệm Phật có thể thành tựu hay không, then chốt chính ngay chỗ này. Cho nên, “nhất pháp cú” chính là câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Xưa nay rất nhiều đại đức tán thán danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn, chúng ta mới tường tận, chân thật không thể nghĩ bàn, quyết không phải là một loại tán thán sáo rỗng, hư ngụy không thật.
“Siêu thế”, không chỉ là siêu việt thế gian (“thế gian” này là nói sáu cõi), mà còn siêu việt xuất thế gian, siêu việt Pháp Giới Bốn Thánh, vẫn không chỉ siêu việt Pháp Giới Nhất Chân – 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ. Nếu như chúng ta nói siêu việt sáu cõi, siêu việt mười pháp giới, có một số người còn có thể miễn cưỡng đồng ý, không đến nỗi có nghi hoặc. Nếu như nói siêu việt 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, mọi người liền nghi hoặc. Kỳ thật, chân thật là siêu việt, một chút cũng không giả. Ấn chứng trong Kinh Đại Thừa, Phật vì chúng ta nói: “Phàm phu và Phật chỉ sai biệt một niệm. Một niệm giác thì phàm phu liền làm Phật, làm cứu cánh viên mãn Phật”. Vì sao vậy? Cứu cánh viên mãn giác chính là sáu chữ hồng danh này. Thế nhưng chúng ta ngày nay niệm sáu chữ này vẫn là bất giác, mê hoặc điên đảo. Nguyên nhân gì vậy? Vừa rồi mới nói, chúng ta ở ngay trong đó có hoài nghi, có xen tạp, có gián đoạn, tuy là niệm Phật nhưng công phu không có lực. Rất nhiều đường chủ của Niệm Phật đường đều dạy người buông xả thân tâm thế giới, một lòng chuyên niệm, nhưng chúng ta chưa buông xả, chưa chuyên niệm, cho nên công phu không thể thành tựu. Đạo lý chính ngay chỗ này.
Pháp sư Đàm Loan là người của thời đại Nam Bắc triều. Ngài nói: “Pháp Tạng Bồ Tát tại Tự Tại Vương Như Lai sở, ngộ Vô sanh pháp nhẫn”. Hay nói cách khác, địa vị của Ngài trên thực tế là Thất Địa trở lên (Thất Địa đến Cửu Địa đều là thuộc về Vô sanh pháp nhẫn), không phải là người thông thường, 48 nguyện là từ trong tự tánh lưu lộ ra. Đại sư Thiện Đạo đồng ý cách nói này của Ngài. Do đây có thể biết, thị hiện của Pháp Tạng, ý này thì rất rõ ràng, rất tường tận.
Trong “Kinh Pháp Hoa” và các Kinh Đại Thừa khác, Thế Tôn nói với chúng ta là Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật, từ kiếp lâu xa là đồng tham đạo hữu, bạn bè tốt, bạn học tốt, cũng đã từng có mối quan hệ anh em, mà cũng còn là đã thành Phật từ kiếp lâu xa. Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế gian này của chúng ta thị hiện thành Phật, trên “Kinh Phạm Võng” nói, ba ngàn năm trước Ngài đến thị hiện ở thế giới này của chúng ta là lần thứ tám ngàn rồi. Ngài thường hay đến. Ngày nay chúng ta xem thấy, Bồ Tát Pháp Tạng làm Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đến hiện tại chỉ mới mười kiếp. Do đây có thể biết, cũng là thị hiện, cùng Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế gian này của chúng ta thị hiện thành Phật là một hình thức như nhau. Cho nên chúng ta phải nên biết, Pháp Tạng từ kiếp lâu xa đã thành Phật rồi, Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, các Ngài cùng ở trên diễn đài diễn kịch cho chúng ta xem mà thôi, đều là chư Phật hóa hiện, cũng giống như chúng ta xem thấy cảnh giới ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” vậy. Chúng ta phải giác ngộ. Thành Phật không phải là một việc hiếm lạ, mà là một việc rất bình thường, là sự việc phải nên làm. Không muốn thành Phật, không nguyện thành Phật thì sai rồi. Thành Phật là ý gì vậy? Hồi phục trí tuệ vô lượng của chính mình, đức năng vô lượng, tài nghệ vô lượng, tướng hảo vô lượng. Ở trên Kinh Phật nói với chúng ta, nhiều thứ vô lượng này đều là trong tự tánh của chúng ta vốn dĩ đầy đủ, không phải từ bên ngoài đến.
Tu học của Phật pháp, cho dù có bao nhiêu tông phái, bao nhiêu pháp môn, chúng ta thường hay đọc được trên Kinh điển: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Vô lượng vô biên pháp môn đều là trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ, không có pháp môn nào ở ngoài tự tánh. Ngoài tâm cầu pháp, nhà Phật gọi là ngoại đạo, cho nên nhà Phật tự xưng là nội học. Nội học chính là hướng vào trong tự tánh mà cầu, quyết không ở nơi cảnh giới bên ngoài mà cầu, cho nên gọi là dùng nội công. Việc này bạn cần phải biết dùng. Cách dùng rốt cuộc là thế nào? Sáu căn chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, thậm chí khởi tâm động niệm đều là rơi vào ngoại cảnh mà đi. Đây chính là nói bị mê hoặc của cảnh giới bên ngoài, bị ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài, là cách làm này. Chúng ta vô lượng kiếp đến ngày nay vẫn làm không thành công. Nếu như vẫn là làm theo cách làm này, có làm thêm vô lượng kiếp cũng không khác gì như ngày nay. Vậy thì phải làm sao? Vẫn là Bồ Tát Đại Thế Chí đã nói: “Gom nhiếp sáu căn”. Bồ Tát Quán Thế Âm nói: “Phản văn văn tự tánh”. Phản văn văn tự tánh cùng Bồ Tát Đại Thế Chí nói gom nhiếp sáu căn là một ý nghĩa. Chúng ta mắt thấy sắc, không nên chấp trước sắc tướng, mà phải thể ngộ sắc tánh; tai nghe tiếng, không nên đi duyên tướng âm thanh, đi duyên đi nghe tánh âm thanh. Tất cả chúng sanh duyên theo là tướng cảnh giới của sáu trần. Người chân thật đại tu hành thì họ từ trong tướng mà thấy tánh, cho nên họ thành công.
Đại đức Tông môn khảo nghiệm học trò, học trò này đã khai ngộ rồi, triệt ngộ rồi, lão hòa thượng khảo nghiệm họ, trắc nghiệm họ bằng cách tùy tiện lấy một vật (không có vật nào không phải), xem ngôn ngữ của họ, xem biểu cảm của họ là chân thật hay là làm bộ làm dáng? Làm bộ làm dáng là giả. Quả nhiên là thật, lão hòa thượng liền ấn chứng cho bạn: “Không sai! Bạn đã chứng được cùng với cái ta đã chứng không hề khác biệt”, và sau đó luôn phải dặn dò là phải cố gắng giữ gìn, không nên mất đi, vừa mất đi chính là thoái chuyển. Các vị phải nên biết, Bồ Tát Thất Địa vẫn còn thoái chuyển, Bát Địa mới bất thoái, Bất Động Địa. Khổ tâm hết lời dặn bảo bạn không nên thoái chuyển, không nên để mất đi.
Bồ Tát Pháp Tạng đã từng nói: “Ngã lập thị nguyện, đô thắng vô số chư Phật quốc giả”. Tâm nguyện này cũng là siêu thế, rất là hy hữu. Chúng ta tỉ mỉ quán sát, đồng tu học Phật, nam nữ già trẻ trong nước và ngoài nước, tại sao họ học Phật, mục đích học Phật của họ ở chỗ nào? Đại khái trong 100 người, e rằng hết cả 100, không có ai là ngoại lệ, đều là cầu thăng quan phát tài, cầu khỏe mạnh trường thọ, cầu gia đình bình an. Tôi từ trước đến giờ chưa từng gặp một người nào muốn cầu làm Phật, không gặp được người nào, cũng chưa nghe nói qua. Năm xưa tôi đọc “Đàn Kinh”, đọc đến Lục tổ Huệ Năng gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Ngũ tổ hỏi Ngài: “Anh đến đây làm gì? “. Ngài mở miệng liền nói: “Con đến làm Phật”. Khẩu khí này thật cừ khôi, đích thực là không giống người thông thường. Ngày nay chúng ta xem thấy ở trên Kinh này, Pháp Tạng còn cao hơn nhiều so với Đại sư Huệ Năng. Đại sư Huệ Năng chỉ nói làm Phật, còn Ngài thì phải “đô thắng vô số chư Phật”, “con không những muốn làm Phật, con phải siêu vượt hơn tất cả chư Phật”. Đây chân thật là hoằng nguyện hy hữu.
“Nhân hữu thiện nguyện, thiên tất thành chi”, nguyện vọng của Ngài quả nhiên không sai, Ngài thành tựu rồi.
“Tất chí vô thượng đạo”. Chữ này dùng được khẳng định như vậy, một chút hoài nghi cũng không có, quyết định đến vô thượng đạo. “Vô thượng đạo” là Phật quả cứu cánh viên mãn. Pháp Tạng đã chứng được, trên thực tế ở chỗ này là Ngài dạy chúng ta.
Chúng ta ngày nay sau khi Tịnh Tông Học Hội thành lập, chúng ta đã định ra một bổn khóa tụng sớm tối. Khóa sớm chúng ta đọc Kinh, chúng ta không đọc chú Lăng Nghiêm, không đọc mười tiểu chú, chúng ta đem nó đổi thành phẩm thứ sáu của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Ý nghĩa là gì vậy? Phải học, phải đem 48 nguyện của A Di Đà Phật biến thành bổn nguyện của chính mình. Như vậy mới được. Chúng ta mỗi ngày niệm không phải bổn nguyện của A Di Đà Phật, mà là chiếu theo nguyện này của A Di Đà Phật làm cho nội tâm của chính chúng ta phát ra nguyện này. Ngài phát ra nguyện này, chúng ta theo Ngài cũng phát ra nguyện này, như vậy thì đúng rồi. Tâm của chúng ta đồng tâm với A Di Đà Phật, nguyện của chúng ta đồng nguyện với A Di Đà Phật thì làm gì có lý nào mà không thành công chứ? Ngài là “tất chí vô thượng đạo”, còn chúng ta là “tất chí đáo Cực Lạc quốc”, quyết định thấy A Di Đà Phật. Chúng ta khóa sớm đọc đoạn Kinh văn này, dụng ý chính ngay chỗ này.
“Tư nguyện bất mãn túc, thệ bất thành đẳng giác”. Đây là chúng ta ở trong mỗi một nguyện đều xem thấy. Do đây có thể biết, mỗi nguyện trong bổn nguyện của Di Đà đều viên mãn. Chúng ta phải tin tưởng, quyết định không thể hoài nghi. Chúng ta phải tường tận, Bồ Tát vì sao có thể thành vô thượng đạo. Căn bản của vô thượng đạo chính là hoằng nguyện. Do đây có thể biết, hoằng nguyện là nhân, vô thượng đạo là quả. Trồng nhân thiện nhất định được quả thiện. Trồng nhân là vô thượng đạo, cái được đương nhiên là đạo quả vô thượng viên mãn. Nhân quả tương ưng. Chúng ta phải phát tâm, phải chăm chỉ nỗ lực tu hành thì mới có thể thành tựu.
****************
Từ bài thứ hai về sau là nói tu hành, nguyện phải đối hiện, nguyện không thể nào không phát.
Kinh văn:
“Phục vi đại thí chủ
Phổ tế chư cùng khổ
Linh bỉ chư quần sanh
Trường dạ vô ưu não”
Nguyện vọng này đối hiện rồi. Hành môn của Bồ Tát tuy nhiều, bao gồm vô lượng vô biên hành môn, Thế Tôn vì chúng ta nói pháp, đem vô lượng vô biên hành môn của Bồ Tát quy làm sáu loại lớn, gọi là sáu Ba La Mật. Sáu loại lớn này, nếu như muốn quy nạp nữa, có thể quy nạp thành một là “bố thí”.
Cho nên, bạn muốn hỏi Bồ Tát tu pháp gì? Từ sơ phát tâm đến viên thành Phật đạo chỉ là tu bố thí mà thôi, là đại thí chủ. Trong bố thí có ba loại lớn là tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Bố thí một loại này thì liền đầy đủ ba loại. Trì giới Ba La Mật, nhẫn nhục Ba La Mật là vô úy bố thí. Tinh tấn Ba La Mật, thiền định Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật là thuộc về pháp bố thí. Cho nên, quy nạp lại chính là một cái bố thí. Tất cả Bồ Tát tu hành chứng quả đều là tu bố thí, đều là làm đại thí chủ.
“Phổ tế chư cùng khổ”. Nếu chúng ta không phát tâm tu bố thí, không phát tâm làm đại thí chủ thì chúng ta làm sao có thể thành tựu? Có lẽ bạn nói: “Làm đại thí chủ phải có tiền, ta ngày nay không có tiền, ta không làm được đại thí chủ”. Bạn sai rồi! Thích Ca Mâu Ni Phật không có tiền, nhưng Ngài đích thực đã làm được đại thí chủ, đầy đủ ba loại bố thí. Trong tài bố thí, các vị biết được có nội tài và ngoại tài. Ngoại tài thì chúng ta không có, chúng ta không có tiền, không có ngoại tài, nhưng chúng ta có thân thể. Làm công quả là nội tài bố thí. Bạn làm sao mà không có tiền vốn? Có! Phước báo của nội tài bố thí siêu quá ngoại tài. Cho nên, chúng ta dùng thể lực, dùng lao lực để bố thí. Ngày nay chúng ta ở trong giảng đường giảng Kinh này, giảng Kinh thì cần có thân thể, cần có thể lực, ngôn ngữ âm thanh của thân thể là nội tài bố thí; nội dung của bố thí là Phật pháp, nên gọi là pháp bố thí; chúng ta đôi bên đều giác ngộ, đều phá mê khai ngộ, đây là vô úy bố thí. Cho nên, bất cứ một loại bố thí nào cũng đều viên mãn đầy đủ ba loại bố thí. Do đây có thể biết, hai câu này là then chốt của tu hành, là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của tu hành. Chúng ta thường hay có tâm bố thí, tâm ý của bố thí từng giây từng phút đều không nên gián đoạn, vậy thì bạn chính là Bồ Tát, bạn đang hành Bồ Tát đạo, chân thật phát tâm Bồ Đề.
Mục đích của bố thí chính là “phổ tế chư cùng khổ”. “Phổ” là phổ biến, trong chữ này hàm chứa “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi”, vậy mới gọi là phổ; không có thiên tâm, không có thiên ái, không có nhiễm trước. “Chư” là tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh này thông thường là nói sáu cõi, nói rộng hơn là chúng sanh trong mười pháp giới, đây là trên Kinh Đại Thừa thường nói. Lại hướng sâu thêm một tầng, đó là bao gồm 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ trong Pháp Giới Nhất Chân. Các Ngài còn có cùng khổ hay sao? Có! Bồ Tát Đẳng Giác còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, đó chính là cùng khổ của họ. Chúng ta phải phát đại tâm.
“Cùng khổ”, hiện tại chúng ta xem thấy chữ này, nghe được câu này thì lập tức sanh ra một khái niệm, đại khái người này không có cơm ăn, không có việc làm, đời sống trải qua rất khổ, con người này rất cùng khổ. Bạn chỉ hiểu được một mặt của ý nghĩa này, mặt khác thì bạn chưa hiểu được. Ngày nay đại phú trưởng giả trong xã hội, có địa vị, có quyền lực, có tiền tài, thế nhưng họ cũng có cùng khổ. Họ nghèo khổ chỗ nào vậy? Họ không có đạo, không thể liễu sanh tử, không thể ra khỏi ba cõi, đây là cùng khổ của họ. Trong pháp giới bốn Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật thì tuy là kiến tư phiền não đoạn rồi, nhưng trần sa vô minh chưa đoạn; trần sa chưa đoạn tận, vô minh chưa phá, nên các Ngài không thể ra khỏi mười pháp giới, đây là cùng khổ của các Ngài. Trong Pháp Giới Nhất Chân, 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, vô minh chưa đoạn tận, nên không thể chứng được pháp thân viên mãn, đó là cùng khổ của các Ngài. Thoát khỏi cùng khổ chỉ có một người, đó là Như Lai quả địa, Đẳng Giác trở xuống đều cùng khổ. Tình hình của cùng khổ không như nhau. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải tường tận, sau đó mới biết được dùng phương pháp gì để cứu tế họ.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 177)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.