GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 241/374
Chúng ta muốn đi đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới, lựa chọn thời gian lúc nào, sự việc này có điều kiện gì hay không? Có! Điều kiện này tuyệt đối không phải là tội của ta ở thế gian này chưa thọ xong, không phải là cái ý này, nếu như đợi chịu tội xong mới đi thì đó là tiêu nghiệp vãng sanh, đó không gọi là đới nghiệp vãng sanh. Điều kiện là gì? Ở thế gian này vẫn còn có một số người có duyên, ta vẫn còn có thể giúp đỡ họ, vậy thì ta phải ở thêm một thời gian, ta phải giúp đỡ họ. Nếu như người có duyên ở thế gian này hết rồi, vậy thì chúng ta có thể đi. Khi nào thì hết? Cho dù ta khuyên bảo họ, cho dù làm tấm gương tốt cho họ xem, họ cũng xem không hiểu, nói họ nghe họ cũng không có tin tưởng, không có duyên, vậy lúc này thì nên đi rồi. Vẫn còn người chịu nghe, chúng ta làm ra tấm gương, vẫn còn có người có thể xem hiểu được, chúng ta phải đưa thêm vài người cùng đi, giúp đỡ thêm vài người nữa. Cho nên chọn lựa thời gian để đi đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới là như vậy mà quyết định. Chúng ta tại thế gian này chỉ có một sự việc như vậy, ngoài một sự việc này ra thì thế xuất thế gian không có chuyện của chúng ta, tâm của bạn không phải là thanh tịnh rồi sao? Tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh thì bạn được tự tại an lạc, thì bạn thường sanh tâm hoan hỷ. Phật Bồ Tát thường sanh tâm hoan hỷ. Chúng ta cũng vậy, không được viên mãn như là Phật Bồ Tát thì chí ít tâm hoan hỷ của chúng ta cũng không bị gián đoạn, ngày ngày đều đang được nâng lên cao, đây chính là sự tiến bộ mà người thường hay nói. Mỗi ngày trí huệ tăng trưởng, phiền não giảm bớt, công phu đắc lực, ta gọi là sự dụng công đi vào nề nếp, quyết định là có hiện tượng này. Nếu như không phải hiện tượng như vậy thì bạn phải phản tỉnh, bạn học Phật đã có sự sai lệch, đã có lầm lẫn, không phải sự sai lệch ở trên lý luận thì nhất định là trên sự hành trì sanh ra lầm lẫn. Nếu như không có lầm lẫn thì hiệu quả này của bạn quyết định là giống y như là trên Kinh Phật đã nói. Cho nên, “Kinh” không những là chỉ dạy cho chúng ta tu hành, mà cũng là để kiểm tra thành quả tu hành của chúng ta. Thành quả tu hành của chúng ta so với trên Kinh nói không giống nhau thì đã có vấn đề rồi.
“Sanh tâm hoan hỷ”, câu nói này chúng ta không thể lơ là được. Phải học theo A Di Đà Phật, học theo dụng tâm của A Di Đà Phật, hoằng nguyện của A Di Đà Phật, hành trì của A Di Đà Phật, lấy A Di Đà Phật làm thành tấm gương tốt nhất cho việc tu học của bản thân chúng ta. Ý nghĩa này rất sâu, rất rộng. Nếu như chúng ta có chút lòng riêng tư, đối với người này tốt, đối với người kia không tốt, ưa thích giúp đỡ cho người này, ưa thích chướng ngại cho người kia, đây là sai, cái tâm này không phải là tâm Phật, cái hành vi này không phải hành vi của Bồ Tát, mà cái tâm hành này là tâm hành của ma quỷ. Hoàn toàn dựa theo tình cảm của bản thân thì hoàn toàn không có trí tuệ, vậy thì sao được? Chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, đối người, đối sự, đối vật có sanh ra cái ý niệm này hay không? Khẳng định là có. Vậy phải làm sao? Bản thân phải lập tức giác ngộ ngay, đây là phiền não sanh tử từ vô thủy kiếp đến nay lại đang khởi hiện hành, lại đang quấy phá. Vậy phải làm sao? Phương pháp của pháp môn Tịnh Tông vô cùng hay, chắp tay niệm một câu A Di Đà Phật, đem cái ý niệm này tiêu trừ đi, không nên suy nghĩ về nó nữa, chuyển đổi ý niệm, đem cái ác niệm này chuyển thành A Di Đà Phật, sau đó thì bạn sẽ hiểu được niệm Phật là niệm cái gì. Niệm một câu A Di Đà Phật này, trong câu A Di Đà Phật này bao gồm cả tâm của A Di Đà Phật, nguyện của A Di Đà Phật, hành trì của A Di Đà Phật, bao gồm toàn bộ quyển “Kinh Vô Lượng Thọ”. “Kinh Vô Lượng Thọ” là một bài văn chương mà A Di Đà Phật là một cái đề mục. Đọc cái đề mục này mà không hiểu hàm nghĩa ở bên trong đó thì có tác dụng gì chứ? Chỉ là đọc suông. Niệm câu Phật hiệu này từng giờ từng khắc nhắc nhở chúng ta, ở trên Kinh này Phật dạy chúng ta những gì, chúng ta khởi tâm động niệm lời nói việc làm đều phải nên phụng hành, không thể trái nghịch, thì niệm câu Phật hiệu này mới có tác dụng.
Buổi tối hôm qua, tôi nghe Lão Pháp sư Tịnh Huệ giảng Kinh, lần này Ngài giảng là “Kinh Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm”. Đương nhiên thời gian tám ngày thì không có cách nào giảng hết, Ngài đã lựa chọn ra những đoạn quan trọng trong bộ Kinh để mà giảng. Tôi nghe nói hôm trước Ngài đã giảng “Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương”, buổi tối hôm qua giới thiệu “Lăng Nghiêm thần chú”. Ở trong “Kinh Lăng Nghiêm”, Thế Tôn tán thán thần chú công đức thần lực không thể nghĩ bàn, lời nói này là thật, một chút cũng không giả, là Phật nói thì làm gì giả được chứ? Phật dùng thần chú này để kháng lại tất cả tà ma ngoại đạo, chân thật là tiêu tai miễn nạn. Bạn niệm câu thần chú Lăng Nghiêm này, xem bạn có thể tiêu tai được hay không? Có thể miễn nạn được hay không? Tôi khẳng định là không linh, bạn không thể tránh khỏi. Nguyên nhân gì vậy? Bạn không biết niệm. Biết niệm thì hiệu quả, không biết niệm thì không hiệu quả. Thế nào gọi là không biết niệm? Một mặt niệm chú, một mặt khởi vọng tưởng, đem công đức của bạn tất cả đều phá bỏ hết, thì không có hiệu quả.
Các vị đồng học đều đã xem qua “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Các vị hãy xem, Vân Cốc Thiền sư khai đạo đối với Viên Liễu Phàm, trong đó có một đoạn nói đến vẽ bùa. Ngài dạy niệm chú Chuẩn Đề, vì chú Chuẩn Đề không dài. Cách niệm như thế nào? Cùng đạo giáo vẽ bùa không khác, tâm phải chân thành, cái bùa ấy một khi đặt bút xuống để vẽ thì phải vẽ cho xong một cái bùa, người vẽ bùa một cái ý niệm gì cũng không có, một niệm cũng không sanh thì cái bùa này linh. Nếu như trong lúc vẽ cái bùa này mà họ khởi một cái vọng niệm thì cái bùa này sẽ không linh. Niệm chú và vẽ bùa cùng một đạo lý. Tại vì sao tôi nói thần chú Lăng Nghiêm khó niệm? Vì quá dài, hơn 400 câu, hơn 2000 chữ. Khi bắt đầu niệm chú này thì một vọng tưởng cũng không có là chân công phu, đương nhiên có thể kháng cự tất cả yêu ma quỷ quái. Đây là thật, một chút cũng không giả. Bên trong có xem tạp một cái vọng niệm thì công phu vứt bỏ hết, thì sẽ không linh. Cho nên cổ đức thường nói: “Đọc Kinh không bằng trì chú”. Kinh thì quá dài, đọc Kinh mà không vọng tưởng thì khó.
Trong bút ký của người xưa ghi chép lại có một đoạn về Thích Kế Quang. Thích Kế Quang là đại tướng vào thời nhà Minh, ông là một đệ tử nhà Phật thuần thành, một đời thọ trì “Kinh Kim Cang”, tụng “Kinh Kim Cang” rất thành thục. Một ngày nọ, ban đêm ngủ ông thấy một giấc mơ, mơ thấy thuộc hạ của ông là một người lính nhỏ đã chết đến cầu ông siêu độ. Ông hỏi vị ấy siêu độ như thế nào? Chỉ cầu ông tụng “Kinh Kim Cang” hồi hướng cho vị ấy. Ông liền đồng ý. Sáng hôm sau, ông thức dậy quả thực liền đi thắp hương lễ Phật, ông tụng “Kinh Kim Cang” hồi hướng cho vị ấy. Khi tụng được một nửa bộ Kinh thì một người hầu của ông đã rót một ly trà nóng mang đến cho ông. Ông nhìn thấy nhưng không nói lời nào, vẫy tay ra hiệu “lui xuống”, ông tụng Kinh tiếp. Sau khi tụng Kinh xong thì hồi hướng cho vị ấy. Đêm hôm đó lại nằm thấy một giấc mơ, người thuộc hạ này đến nói với ông rằng: “Nguyên Soái, (gọi ông là Nguyên Soái), thuộc hạ vô cùng cảm tạ Ngài, thuộc hạ chỉ nhận được nửa bộ “Kinh Kim Cang””. Ông hỏi tại vì sao? Bởi vì Ngài giữa chừng đã xen một chữ “không cần”, cho nên bộ Kinh này không có hiệu quả. Tuy không nói ra chữ “không cần”, chỉ là ra hiệu, thì bộ Kinh ấy bên trong đã bị xen tạp hai chữ “không cần”. Cho nên ngày thứ hai tụng lại lần nữa. Như vậy thì bạn hiểu được là khó. “Kinh Kim Cang” có 5000 chữ, cho nên Kinh mà càng dài thì thọ trì càng khó. Câu chuyện này tuyệt đối không phải là một câu chuyện bịa đặt. Chúng ta phải tin rằng có xen tạp thì mất hiệu lực.
Người xưa nói rằng tụng Kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật. “A Di Đà Phật” chỉ có bốn chữ, trong bốn chữ này không xen tạp vọng niệm thì dễ làm được. Phật hiệu này niệm thế nào thì linh? Không xen tạp vọng niệm thì linh, xen tạp vọng niệm thì không linh. Cổ đức nói rất hay: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”. Bạn một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, niệm hai mươi vạn câu Phật hiệu, mà bên trong xen tạp vọng tưởng phân biệt chấp trước thì không còn linh nữa.
Cho nên, Từ Vân Quán Đảnh pháp sư mới truyền thọ pháp mười niệm. Pháp mười niệm thời gian ngắn, tuyệt không xen tạp vọng tưởng. Ngài dùng cách này làm công khóa sớm tối, liền linh nghiệm, Ngài có cảm ứng. Một hơi thì gọi là một niệm. Một hơi này bất luận là bạn niệm được nhiều hay ít, mặc kệ, niệm bốn chữ A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, hết một hơi thì gọi là một niệm. Niệm mười hơi như vậy, trong mười hơi đó tuyệt đối không xen tạp vọng niệm nào thì công phu này của bạn làm được như pháp. Buổi sáng một lần, buổi tối một lần.
Tôi đến Singapore thì truyền thọ cho mọi người pháp mười niệm là mười câu, còn dễ hơn cách đó của Ngài. Cách của tôi không phải một hơi mà là mười câu A Di Đà Phật, mười câu A Di Đà Phật niệm liên tục, bên trong không xen tạp một vọng niệm nào. Mười câu A Di Đà Phật chỉ cần một phút, một phút này thì liền sinh ra hiệu quả. Vì sao vậy? “Đại Thế Chí Bồ Tát bên trong Viên Thông Chương” từng nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế”. Tiêu chuẩn này bạn làm được rồi, tuy rằng thời gian không dài, chỉ có một phút, nhưng mà bạn đã làm được, một ngày làm chín lần. Tôi chỉ các vị cách làm này, chín lần này cách tính thế nào?
- Buổi sáng thức dậy một lần.
- Buổi tối trước khi đi ngủ một lần, vậy là được hai lần, đây là khóa sớm tối.
- Ngày ba bữa ăn cơm là được ba lần. Trước khi ăn cơm chúng ta không cần niệm chú cúng dường. Niệm chú cúng dường thực tại mà nói cũng là tâm không chuyên nhất thì cũng không linh, niệm Phật vẫn hay hơn. Chắp tay niệm mười câu A Di Đà Phật không xen tạp, đem cái này cúng dường Long Thiên Thiện Thần, cúng dường tất cả chúng sanh thì cũng được rồi, dùng tâm chân thành cúng dường. Niệm Phật cúng dường trước ba bữa ăn thì được ba lần.
- Kế đến bạn làm việc, trước khi bạn bắt đầu làm việc, bạn ngồi xuống niệm mười câu. Đến lúc làm xong công việc, buổi sáng vào làm và hết giờ, buổi chiều vào làm và tan ca, bốn lần. Thêm ba bữa ăn là bảy lần. Lại thêm sáng, tối là chín lần. Không thể ít hơn chín lần, càng nhiều càng tốt, ít nhất là chín lần.
Bạn hãy theo cách của tôi mà làm, làm được ba tháng, làm được nửa năm, quyết định sẽ có hiệu quả. Ai cũng đều làm được. Phương pháp này của tôi sau khi được truyền ra có không ít người làm theo, có người viết thư cho tôi, có người gọi điện thoại cho tôi, quả thực là có hiệu quả. Không hiểu đạo lý này làm sao được? Tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc, tổng mục tiêu của niệm Phật chính là trên “Kinh Di Đà” đã nói: “Nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”. Thật sự có thể giữ gìn được, duy trì được trong cuộc sống thường ngày, duy trì được trong công việc, trong công việc xã giao có thể giữ được nhất tâm bất loạn tâm bất điên đảo, đây gọi là công phu thành phiến. Người mà công phu thành phiến thì tự tại vãng sanh, muốn đi vào lúc nào thì sẽ đi vào lúc đó, một chút chướng ngại gì cũng đều không có. Từ đây mà biết, người niệm Phật chúng ta hướng về phương hướng nào, về mục tiêu nào để mà tinh tấn, bạn tự nhiên sẽ rõ ràng, liền tự nhiên hiểu rõ. Thật sự làm cho rõ ràng, làm cho minh bạch thì làm sao bạn không sanh tâm hoan hỷ? Cho nên họ mới lễ Phật cúng Phật, biểu thị ý nghĩa báo ân.
Kinh văn phía trước bên trong có đoạn nói “chí tâm tín nhạo”, phải tin tưởng, thật lòng tin tưởng. Nhạo là yêu chuộng, ưa thích pháp môn này, ưa thích phương pháp này, biểu lộ ra sự mong cầu bản thân đạt được trên quả địa Như Lai vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng phước báo, cái tâm này sẽ tự nhiên mà lưu lộ ra. Tại sao lại nói như vậy? “Giai như A Di Đà Phật”, ta tương lai thành Phật phải giống như là A Di Đà Phật, cùng A Di Đà Phật giống như nhau. Thực tại mà nói thì không khó, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới thì liền giống như A Di Đà Phật rồi. Cho nên, người học Phật như chúng ta nhất định phải ghi nhớ cho thật kỹ, A Di Đà Phật có đại tâm, đại nguyện, đại hành, đại trí, đại lực, đại từ, đại bi. Tại vì sao phía trước thêm một chữ đại? “Đại” nghĩa là đối với tất cả chúng sanh không có đòi hỏi điều kiện gì, điều kiện kèm theo cũng không lớn. Tôi thích người nào tôi mới giúp đỡ người đó, không thích thì không có giúp đỡ, thì không phải “đại” rồi. “Đại” là vô điều kiện đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh thì là “đại”, là thanh tịnh. Thanh tịnh thì quyết định không có nhiễm ô. Thế nào là nhiễm ô? Người này đối xử tốt với tôi thì tôi yêu thích, người kia đối xử không tốt với tôi thì tôi chán ghét, vậy là ô nhiễm rồi, tâm của bạn đã bị thất tình ngũ dục ô nhiễm. Thất tình là Hỷ – Nộ – Ai – Lạc – Ái – Ố – Dục. Chân tâm thì không bị ô nhiễm, vọng tâm thì tiếp nhận ô nhiễm. Hay nói cách khác, chúng ta vẫn là dùng vọng tâm, không có dùng chân tâm. Chân tâm là tâm thanh tịnh, chân tâm là tâm bình đẳng, chân tâm là tâm Bồ Đề. Vọng tâm không phải tâm Bồ Đề. Chúng ta phải từ chỗ này mà nỗ lực rèn luyện công phu. Luyện cái gì? Dùng chân tâm không nên dùng vọng tâm. Tại sao vậy? “Ba bậc vãng sanh” trong “Kinh Vô Lượng Thọ” đều là nói đến “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, chúng ta nhất hướng chuyên niệm có thể làm được. Nhất hướng chuyên niệm niệm cho đến không còn xen tạp một vọng niệm, đây là cùng A Di Đà Phật cảm ứng đạo giao, có thể làm được. “Bồ Đề tâm” có phát hay không? Nếu như không có phát “Bồ Đề tâm”, chỉ có nhất hướng chuyên niệm, thì đại khái như người lính của Thích Kế Quang đã nói, Đại soái tụng “Kinh Kim Cang” cho tôi, tôi chỉ nhận được có một nửa, vẫn còn một nửa công đức bị mất đi. Nhất định phải phát tâm Bồ Đề.
Thế nào là tâm Bồ Đề? Cách đơn giản nhất nói với bạn đó là tâm bình đẳng, đối đãi với tất cả chúng sanh đều bình đẳng, nhà Phật thường nói ân oán bình đẳng. Cha mẹ, sư trưởng là ân nhân của ta, oan gia đối đầu là oan nghiệp, phải bình đẳng đối đãi, xem oan gia đối đầu như là cha mẹ, là sư trưởng của mình vậy. Đây là phải có công phu, người bình thường không làm được. Tại vì sao chúng ta nhất định phải làm như vậy? Muốn cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta muốn thành Phật, muốn thành Bồ Tát, bạn muốn thành Phật làm Bồ Tát, vậy thì quyết định là tâm phải bình đẳng đối đãi tất cả chúng sanh. Nếu như lấy tâm không bình đẳng đối đãi chúng sanh, thì bạn không thể làm Bồ Tát, thì bạn không thể vãng sanh Tịnh Độ. Khó thì rất khó, nhưng thật sự mà nói không phải làm không được. Là việc khó của thế gian, người xưa nói rất hay, khó như lên trời, đây là chúng ta làm không được; cầu người thì khó, người ta chưa chắc đáp ứng cho bạn. Lấy tâm bình đẳng tâm thanh tịnh đối đãi người, đây là cầu chính mình, không phải cầu người khác, sự việc này không phải là lên trời, cũng không phải cầu người, nói một cách khác, chỉ cần bạn chịu làm bạn đều sẽ làm được. Nhất định phải ở ngay trong cuộc sống thường ngày, bất luận là ở nơi nào, nhìn thấy người như thế nào đều ân cần, hoan hỷ, lễ kính, không phân quý tiện, không phân giàu nghèo. Dùng tâm thanh tịnh bình đẳng chính tại nơi này mà luyện. Tất cả lúc tất cả nơi, thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, đều là chỗ để cho chúng ta học hỏi tập luyện. Bạn không luyện tập ở những nơi này thì sao được? Đóng cửa lại để tu tâm thanh tịnh là giả, nhất định phải đối mặt với cảnh duyên thuận nghịch, ở tại chỗ này mới biết được tâm của chúng ta có phải là bình đẳng hay không, đối đãi với mỗi một người có phải là ân cần như nhau, yêu thương giống như nhau? Nhìn thấy tất cả chúng sanh cần được giúp đỡ, chúng ta có phải là lập tức đưa tay giúp đỡ mà không cần một điều kiện nào hay không? Công phu phải luyện ở chỗ này.
Hiện nay khi có người khác đến yêu cầu chúng ta giúp đỡ, không như những trường hợp khác, những trường hợp khác thì dường như là không có vấn đề gì lớn, chúng ta lại phải suy nghĩ họ có gạt mình hay không. Nhìn thấy tôi là người tốt, mà người thế gian thường nói người tốt thường dễ bị người ta gạt, rất dễ bị đánh lừa. Vẫn là phải xem công phu của chính mình. Điều này khó. Năm xưa, tôi tại Đài Bắc, khi làm tọa đàm đại chuyên Phật học, Lão Pháp sư Đạo An đã thị hiện một chiêu để cho tôi xem. Có một vị tín đồ đã theo lão pháp sư nhiều năm, là đệ tử tại gia của lão pháp sư, họ đã lập một công ty, thỉnh mời lão pháp sư làm đổng sự trưởng, mục đích là muốn lấy tiền của lão pháp sư. Lão pháp sư vừa làm đổng sự trưởng, đương nhiên tiền này thì đưa cho họ. Về sau lão pháp sư đã biết được họ đã lừa gạt Ngài. Ngài bị lừa mà không nói gì, đã bị lừa rồi thì còn có lời gì để nói? Mọi người chúng ta đều biết Đạo An lão pháp sư không tham tài, nhưng háo danh, người ta mà cho Ngài một cái vinh dự gì đó thì Ngài rất vui, Ngài bị thua thiệt ở cái chỗ này. Người ta biết được, có chức vụ gì tốt đều cho Ngài làm, mà số tiền ấy thì Ngài phải bỏ ra. Tôi đi thăm Ngài, ngày hôm đó gặp Ngài, người đồ đệ quy y này của Ngài cũng vừa từ cửa phòng của Ngài bước ra, tôi gặp vị ấy ở bên ngoài. Sau khi vào trong, tôi nhìn thấy lão hòa thượng, lão hòa thượng liền nói với tôi: “Vừa mới lúc nãy có người đến đây, ông có nhìn thấy người ấy hay không?”. Tôi nói: “Có nhìn thấy, tôi cũng biết vị ấy”. Ngài nói: “Người ấy hôm nay lại đến gạt tôi”. Tôi nói: “Vậy Ngài làm sao, có cho người ấy hay không?”. “Tôi cho người ấy rồi”. Biết là đến gạt Ngài mà vẫn đưa cho họ, thật là hay. Người lừa gạt Ngài cũng không có biết, cứ nghĩ rằng lão hòa thượng lại bị lừa một lần nữa. Trong tâm lão hòa thượng thì rõ ràng minh bạch thông suốt thấu đáo, bạn cần tôi vẫn sẽ đưa cho bạn. Chúng ta nhìn thấy đây là đức hạnh chân thật của lão hòa thượng. Đồng thời Ngài cũng không vạch trần vị ấy, mà cũng không có trách mắng họ, hy vọng vị ấy sau này nghe được lão hòa thượng đều rõ ràng, đều minh bạch “bạn không có gạt Lão Hòa thượng được”, lão hòa thượng là đang ở nơi đó cảm hóa bạn, hy vọng bạn quay đầu là bờ. Đây là giáo dục.
Mục tiêu của giáo dục là mong muốn cải biến người ác thành người tốt, đem người bất thiện cải biến thành người thiện, đây là thành công của giáo dục. Tuyệt đối không phải họ là người ác, đã làm việc không tốt, giáo huấn những người ấy, đuổi họ đi về, sau không qua lại nữa, vậy giáo dục của bạn đã thất bại triệt để. Chúng ta không hề thấy Thích Ca Mâu Ni Phật khai trừ một vị học trò nào cả, không có sự việc này. Thích Ca Mâu Ni Phật đối với học trò xử phạt nghiêm khắc nhất là “không nói đến”, đây là hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất, chứ không có khai trừ họ. Luôn luôn mong họ sẽ quay đầu, hy vọng họ giác ngộ, đây là giáo dục. Những chỗ này chúng ta đều phải học tập.
Sau này chúng ta đọc Kinh điển nhiều rồi, chúng ta cũng sẽ hiểu một sự thật, đó chính là trong Kinh điển đã nhiều lần nói “nhân quả thông ba đời”. Người khác đến lừa gạt chúng ta, lấy đi tiền của chúng ta, lấy đi nhà của chúng ta, tiền của bị lừa mất rồi có cần phải để trong lòng không? Không cần. Nếu như không như Phật Bồ Tát độ lượng như vậy thì cũng không sao, biết đây là nợ, là thiếu nợ. Người đó lừa gạt ta, họ mắc nợ ta thì đời sau phải trả cho ta, ta không nên có một chút oán hận, mà trái lại vui vẻ hoan hỷ, đời sau họ vui vẻ hoan hỷ trả lại cho ta. Ta đời này nếu có tâm oán hận với họ, đời sau họ vẫn phải trả cho ta mà trả một cách đau khổ. Ngay trong đời này của chúng ta, có những lúc bạn kiếm tiền rất vất vả, đó là gì vậy? Bạn không có hoan hỷ bố thí, cho nên đến khi bạn nhận được đền đáp thì nó đến cũng rất khó, đến cũng rất vất vả. Cho nên bố thí phải vui vẻ hoan hỷ, người khác đến lừa chúng ta thì cũng hoan hỷ mà để cho họ lừa, đời sau họ sẽ hoan hỷ xin trả lại. Hoàn trả đương nhiên còn thêm cả lợi nhuận nữa, có gì mà không tốt chứ? Việc tốt mà. Cho nên bạn thật sự hiểu được chân tướng sự thật, thì cả một đời người thật sự luôn sống trong sự hoan hỷ, có gì mà không vui chứ? Chuyện như thế nào cũng đều vui cả. Người khác ăn hiếp ta, sỉ nhục ta, đánh ta, mắng ta, ta cũng hoan hỷ, vì đây là tiêu nghiệp chướng mà. Đây quyết định không phải tinh thần AQ chính truyện, đó là người thông thường thật sự không hiểu Phật pháp, không hiểu được nhân quả ba đời. Cái này quyết định không phải là nhu nhược, quyết định không phải là vô dụng. Tại sao vậy? Phiền não của bạn ngày càng giảm, trí huệ ngày càng tăng, bạn có thể giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trong xã hội rộng lớn, sao lại là vô dụng, sao lại là nhu nhược? Chúng ta quan sát một con người, quan sát một sự việc, không thể dùng cách nhìn phiến diện mà quy chụp cho tất cả, vậy thì mãi mãi bạn sẽ nhìn sai. Mọi mặt đều phải nhìn mới hiểu được đây là hàm dưỡng công phu sâu sắc, thế mới thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật. Cho nên, họ có thể làm được, chúng ta không làm được, không hiểu được chân tướng sự thật, không có sự hàm dưỡng sâu như vậy. Đây chính là việc trong đời này mà chúng ta phải nỗ lực, phải học tập. Phật pháp từ sơ học (ngày này bắt đầu) thẳng cho đến khi thành Phật, con đường này rốt cuộc thì dài bao xa, rốt cuộc cần có bao nhiêu thời gian? Mỗi một người đều khác nhau. Việc này là nói từ chính bản thân mình, mỗi một người thiện căn phước đức không giống nhau, từ trên cơ hội mà nói thì nhân duyên của mỗi một người không giống nhau, có người rất nhanh, có người thì chậm chạp. Sự chậm chạp đó thật là vô lượng kiếp, khi nhanh chóng thì rất dễ dàng thành tựu. Bạn gặp được pháp môn Tịnh Độ, bạn tin tưởng A Di Đà Phật thì bạn đi đường tắt, là đi con đường này với vận tốc nhanh nhất. Sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới một đời viên mãn thành tựu, đại viên mãn của A Di Đà Phật, chúng ta ngay trong một đời này có thể đạt được. Đạo lý này không thể không hiểu.
Chúng ta xem tiếp phần cuối đoạn Kinh văn này: “Phật tức tri chi”.
Các vị xem, một câu Kinh văn phía trước: “Tâm trung nguyện ngôn”, trong tâm những người này đang nghĩ “chúng tôi muốn tương lai thành Phật phải giống như A Di Đà Phật”, trong lòng đang nghĩ mà không nói ra. Thích Ca Mâu Ni Phật biết được, như vậy nghĩa là gì? Tâm linh cảm ứng. Nói đến tâm linh cảm ứng, Phật có, Bồ Tát có. Cách nói Tây Phương Cực Lạc Thế giới, chúng tôi phía trước có nói, bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” này chúng tôi nghĩ, phương pháp này phải cần đến ba năm, 3600 giờ mới giảng xong. Cách giảng hiện tại này của chúng tôi thì không biết phải giảng đến bao nhiêu năm nữa. Đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới, những Bồ Tát này cùng A Di Đà Phật gặp mặt, A Di Đà Phật giảng cho mọi người “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” giống như chúng ta hiện tại học bộ Kinh điển này thì cần bao nhiêu thời gian để giảng xong? Xin nói với các vị, chỉ một sát na. Ngài giảng như thế nào? Không cần nói gì, người ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới còn phải nói chuyện, vậy thì nơi này có gì hay đâu chứ, chúng ta có thể không cần phải đi. Không cần nói gì cả, hai bên trò chuyện đều là tâm linh cảm ứng, tâm tâm tương ấn. “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” ở trong tâm Phật giống như là một con dấu, đem đóng lên cái tâm của bạn thì bạn đều đã nhận được hết, không có lần lượt. Xác thực là như vậy. Miệng để làm gì? Miệng để ca hát, để tán thán Phật, hát bài “kệ tán Phật”, tán thán Phật, dùng miệng để làm các loại cúng dường, không phải dùng để nói chuyện. Mọi người nói chuyện với nhau không dùng ngôn ngữ, không dùng miệng. Giảng Kinh thuyết pháp cũng không dùng đến cái miệng, tâm tâm tương ấn. Cho nên, chúng sanh vừa mới động niệm thì Phật liền biết, Phật liền rất rõ ràng.
Vậy tại vì sao chúng ta không rõ ràng? Sáu căn này của chúng ta đã có chướng ngại, cho nên không rõ ràng. Tai nghe không rõ ràng, mắt thấy không rõ ràng, tuyệt đối không phải nói kiến tánh có chướng ngại, văn tánh có chướng ngại. Căn tánh của sáu căn không có chướng ngại, mà là công cụ có chướng ngại, căn đã có chướng ngại, đó là sự thật. Cũng giống như đồ điện máy của chúng ta vậy, cái quạt gió này quay bị chậm là vì sao vậy? Nó có chướng ngại, tuyệt đối không phải là do điện chướng ngại nó, điện không có trở ngại. Hai cái quạt gió, một cái thì quay nhanh, một cái thì quay chậm, đó có phải là vấn đề về điện hay không? Không phải vấn đề ở dòng điện. Cho nên, căn tánh sáu căn không có chướng ngại. Sáu căn có chướng ngại rồi thì không linh, không nhận được thông tin từ bên ngoài.
Sáu căn của Thích Ca Mâu Ni Phật hoàn toàn không có chướng ngại, một làn sóng cực kỳ nhỏ bé ở trong tâm chúng sanh Ngài cũng đều nhận được một cách rõ ràng. Cho nên chư vị phải hiểu, chúng ta khởi tâm động niệm, Phật Bồ Tát tất cả đều nhận thấy hết, Phật Bồ Tát khởi tâm động niệm thì chúng ta lại không biết. Tuyệt đối không nên cho rằng ta khởi tâm động niệm thì người khác không biết, người khác khởi tâm động niệm ta cũng không biết, đại khái Phật Bồ Tát cũng không biết chúng ta khởi tâm động niệm, vậy thì bạn đã sai hoàn toàn. Bởi vì người khác cũng giống như ta, các căn cũng gần như đã hỏng rồi. Phật ở trên Kinh giới thiệu chúng ta Tây Phương Cực Lạc Thế giới, trong phần nguyên văn phía trước đã có nói qua, tất cả những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương, thiên nhãn thấy suốt, thiên nhĩ nghe thấu, tha tâm đều biết, tận hư không biến pháp giới tất cả chúng sanh, tất cả hoạt động của chúng ta họ đều thấy biết, âm thanh cực kỳ nhỏ của chúng ta, họ đều nghe thấy, chúng ta khởi tâm động niệm không gì mà họ không biết. Giấu người thì dễ, giấu quỷ thần thì không dễ. Chúng ta thường hay nói rằng: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”, che giấu thần linh thì đã không dễ rồi, làm sao mà có thể che giấu Phật Bồ Tát?
Phật Bồ Tát rất tốt, Phật Bồ Tát nói với chúng ta cái năng lực viên mãn như vậy của các Ngài không phải chỉ các Ngài mới có, mà hết thảy tất cả chúng sanh người người đều có, gồm cả chúng ta trong đó. Chúng ta có trí tuệ thần thông đạo lực giống như các Ngài, bây giờ có bị mất đi hay không? Không có, Phật nói chúng ta không có mất đi. Vậy tại sao năng lực của chúng ta không khởi tác dụng? Phật nói rồi, bởi vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng đắc. Chỉ một câu đã đem cái gốc bệnh của chúng ta nói ra. Nói một cách khác, chỉ cần chúng ta buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì năng lực của chúng ta hồi phục. Hồi phục thì gọi là thành Phật, thì gọi là chứng quả. Tại vì sao không chịu buông bỏ? Mọi người không ám thử xem sao, buông bỏ một phần bạn sẽ thông minh một phần, buông bỏ hai phần bạn sẽ thông minh hai phần. Bạn không chịu buông bỏ thì bạn sẽ hồ đồ mà qua một đời.
Phật dạy chúng ta buông bỏ, buông bỏ vọng tưởng, buông bỏ phân biệt, buông bỏ chấp trước, việc này quan trọng. Danh văn lợi dưỡng chỉ là thứ yếu, những thứ này nó có công dụng của nó, có thể dùng nó để giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, chúng ta phải vận dụng cho khéo, nhưng mà tuyệt không thể được tham trước, tham trước thì chúng ta sai rồi, tâm thanh tịnh của chúng ta liền mất đi, chúng ta lại hồ đồ, lại mê hoặc rồi. Vì thế thế xuất thế gian hết thảy pháp có thể dùng nó, không thể chiếm hữu nó, không thể khống chế nó. Sai lầm lớn nhất của phàm phu là chiếm hữu, khống chế. Buông bỏ chiếm hữu, buông bỏ khống chế thì bạn được tự tại. Tuy rằng tôi không dám nói được đại tự tại, bạn cũng tương đối là tự tại, bạn nhất định là không như những người thông thường, ở trong cuộc sống thường ngày, chúng tôi có thể nhìn ra hình tướng khác biệt của bạn. Tại vì sao? Bạn hoan hỷ, bạn an lạc, bạn tự tại, có thể nhìn thấy được, bạn không có ưu tư, bạn không có phiền não, bạn không có vướng mắc, bạn xử sự đối người tiếp vật thái độ tự nhiên sẽ không giống như người khác, nó tràn đầy trí tuệ, tràn đầy sự chân thành. Tâm chân thành khẩn thiết đối người tiếp vật thì làm sao như mọi người được? Đến lúc đó, dần dần từng bước linh tánh của bạn từ từ sẽ thấu xuất ra, đây chính là người thường chúng ta hay nói là cảm ứng. Cho nên “Phật tức tri chi” nghĩa là cảm ứng.
Phật khi ấy nói với đại chúng: “Cáo chư Tỳ Kheo, thị vương tử đẳng hậu đương tác Phật”. Việc này cũng như là thọ ký, những vị vương tử này họ tương lai đều sẽ thành Phật. Một câu thọ ký này, nói chư vị biết, đó cũng là thọ ký cho rộng rãi đại chúng chúng ta, chúng ta tương lai mỗi một đại chúng “hậu đương tác Phật”. Câu nói này là Phật nói, không phải là tôi nói. Không phải ở chỗ này nói, chỗ này là nói đối với 500 người của A Xà Vương tử. Phật ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta: “Nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật”. Trên đại Kinh thường nói: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, tức hữu Phật tánh giai đương tác Phật”. Cho nên, trong mắt của Phật thấy tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Họ từ chỗ nào mà nhìn thấy sự bình đẳng? Chính là từ chỗ này. Mỗi một chúng sanh bất luận là bạn hiện tại làm thiện hay làm ác, bạn luân hồi như thế nào ở trong lục đạo, bạn đời sau sanh lên trời cũng được, đọa xuống địa ngục cũng vậy, sau cùng bạn đều sẽ thành Phật, chỉ là thành Phật sớm hay muộn mà thôi, nhất định thành Phật. Cho nên, ở trong Phật pháp nói là chân bình đẳng, không phải giả bình đẳng. Phật cung kính đối với tất cả chúng sanh cũng như đối với chư Phật, không khác. Phật cúng dường đối với tất cả chúng sanh cũng như đối với chư Phật Như Lai, không khác.
Hôm nay chúng ta sẽ hỏi, trên thế giới chúng sanh khổ nạn rất nhiều, kẻ không có ăn, người không có mặc, Phật Bồ Tát vì sao không đến cúng dường? Phật ở trên Kinh nói những lời này có mâu thuẫn hay không? Phật Bồ Tát là chân thật bình đẳng cúng dường, vấn đề là ở đâu? Tất cả chúng sanh có phước báo để hưởng hay không? Cúng dường bạn còn phải có cái phước để hưởng, không có phước để hưởng thì không được. Tôi lần này ở Hồng Kông giảng Kinh, có vị đồng tu nói với tôi, dường như là trong thời kỳ đại cách mạng văn hóa, thời kỳ đó đấu tranh vô cùng nghiêm trọng, người tôi tớ làm ở trong nhà đấu tranh với chủ của họ. Người chủ đương nhiên đều là những người giàu có, họ đấu tranh tính toán hơn thua với những người chủ này, rồi cướp đoạt hết tài sản của họ. Cũng vào lúc này, nhìn thấy ông chủ nhà giàu trong nhà có rất nhiều sâm cao ly, bình thường họ làm gì có để mà ăn, giờ thì tốt quá rồi, lấy hết tất cả nấu một nồi to, mọi người trong nhà đều ăn. Hình như ngày hôm sau đều chết hết cả. Đây là không có phước báo, đem số sâm cao ly ấy ăn hết trong một bữa, đó không phải là con đường chết hay sao? Cho nên, Phật Bồ Tát độ chúng sanh vô cùng từ bi, xem phước báo của bạn bao lớn. Bạn không có phước báo thì lúc đó chịu thêm một chút khổ nạn là tiêu nghiệp cho bạn. Trước tiên tiêu nghiệp chướng của bạn, sau đó mới từ từ giúp đỡ bạn. Nghiệp chướng chưa có tiêu trừ mà muốn giúp bạn, không những giúp không được mà còn làm cho bạn tăng thêm nghiệp tội. Vì sao vậy? Bạn sẽ báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, vậy thì tội càng thêm tội. Họ đành phải ở bên cạnh quan sát đợi chờ cơ duyên, đây là sự từ bi đến cùng cực, không phải không chiếu cố, không phải không giúp đỡ. Chúng ta hiểu được chân thành cúng dường, bất luận là ở tại nơi nào, nhận chịu cái khổ nạn như thế nào, quyết định là được Phật Bồ Tát giúp đỡ, nên phải hiểu việc này phải có lòng tin.
Hôm nay chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật…
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 241)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
.