GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 365/374
Xin chào chư vị đồng tu, xin xem phẩm hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sanh”, đoạn thượng phẩm vãng sanh. Cổ Đại đức nói với chúng ta rất nhiều, đối với những người mới bắt đầu học rất có lợi ích, cho nên chúng ta hãy nên xem nhiều, học tập nhiều.
Hôm nay tiếp tục xem phần giải thích của “phát tâm hữu dị” (phát tâm có sai khác không như nhau), đây là hiện tượng phổ biến hiện nay của chúng ta. Hiện tượng này không những hiện nay có, mà từ xưa đến giờ, trong chín pháp giới, sự phát tâm thực sự là không giống nhau, cho nên tình trạng vãng sanh cũng không giống nhau, phẩm vị vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc cũng không giống nhau. Đây cũng chính là nói trong Nhất Chân pháp giới tại sao vẫn còn nhiều cấp bậc như vậy. Từ sự chú giải này chúng ta có thể hiểu rõ, có thể thông suốt, sự khác biệt lớn là có hai loại, phát tâm có hai loại khác nhau.
Loại thứ nhất là “sơ giả, hành giả ư nhân địa trung, cụ phát dĩ hạ chi tam chủng tâm” (Xưa kia hành giả khi còn ở nhân địa đã phát đầy đủ ba loại tâm như sau), ‘cụ’ là có đủ, là phát ba loại tâm như sau. Thứ nhất là “tu thức hữu vô, yếu tu thức đạt hữu vô, tùng bổn dĩ lai tự tánh thanh tịnh” (phải nhận thức được có và không, phải thông đạt được cái nào vốn có, cái nào vốn không, từ xưa đến nay tự tánh thanh tịnh), điều này đã nói ở phần trước. Ở đây lại nói “Dữ liễu đạt tùng bổn dĩ lai, tự tánh thanh tịnh, tự tánh bổn tịnh, tự tánh bổn thiện” (Cũng hiểu được rằng từ xưa đến nay tự tánh vốn thanh tịnh, tự tánh vốn tịnh, tự tánh vốn thiện). Cổ Thánh tiên Hiền đã nói, nhà Nho truyền thừa nền giáo dục của họ đã nói “nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Tự tánh vốn thanh tịnh, tự tánh vốn là thiện, điều này là chắc chắn, nhất định phải từ chỗ này mà xây dựng tín tâm cho mình.
Pháp thế xuất thế gian trong vũ trụ thay đổi không ngừng, đều không lộ ra tâm thanh tịnh của tự tánh. Nếu có tâm thanh tịnh của tự tánh thì cảnh giới hiện ra là Nhất Chân, là Hoa Tạng, là Cực Lạc. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm chính là Cực Lạc Tịnh Độ. Lời này không phải là tôi nói, là do thiền sư Trung Phong nói. Ngài nói “Nơi đây là Tịnh Độ, Tịnh Độ là nơi đây”. Người thế gian chúng ta thì nói phương này là cõi người, súc sanh thì nói phương này là cõi súc sanh, ngạ quỷ thì nói phương này là cõi ngạ quỷ, ở địa ngục thì nói phương này là cõi địa ngục.
Thập pháp giới y chánh trang nghiêm chính là Tây Phương Tịnh Độ. Lời này nói ra chúng ta không hiểu, nơi này đã là Tịnh Độ thì cớ gì chúng ta phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ? Điều này không phải là mâu thuẫn sao? Cách nói này là nói lý, từ trên lý mà nói thì không có sai chút nào, Tây Phương và nơi này là cùng một pháp tánh, cùng một pháp tánh thanh tịnh thì làm gì có hai loại chứ? Xuất hiện hai loại là do mê và ngộ, người ngộ thì thấy mười pháp giới y chánh trang nghiêm, tự tánh thanh tịnh đồng nhất, người mê thì thấy hoàn toàn khác nhau, tịnh và uế khác nhau rất nhiều. Tây Phương là Tịnh Độ, nơi đây là uế độ, địa ngục nhiễm ô, nhiễm uế đến cực độ, không ngờ rằng sự khác biệt này chính là “duy thức sở biến” (do thức biến ra) mà Thế Tôn đã nói trong Đại kinh.
Duy thức dù biến đổi như thế nào cũng không thể biến đổi được bản thể, bản thể là gì vậy? Là tự tánh thanh tịnh, tự tánh bình đẳng, vốn là giác, những điều này ở trong mười pháp giới vĩnh viễn không thay đổi. Cho nên trong Khởi Tín Luận có nói “bản giác vốn có”, không thay đổi; “bất giác vốn không”, hễ có thay đổi thì không phải là thật, không thay đổi thì mới là thật, phải hiểu cái đạo lý này. Cho nên phát tâm thì không thể không rõ lý, sự phát tâm của bạn có lý luận để căn cứ thì mới gọi là chánh tín, sự phát tâm y theo tự tánh thì mới gọi là chân tín. Sự phát tâm này của chúng ta là lấy ý thức làm căn cứ.
Hôm nay chúng tôi nói về sự nhận thức, nhận thức là sự phân biệt chấp trước của ý thức, đó không phải là chân tín, cái tín tâm này không đáng tin cậy, ít nhất là phải chánh tín. “Thức đạt hữu vô, thật vi ngộ tâm chi huyền quan” (Nhận thức được có và không, đó thật là cửa mầu để ngộ tâm), điều này nói lên Phật pháp xem trọng việc khai ngộ. Từ xưa đến nay việc giáo dục cũng xem trọng ở việc khai ngộ, trước đây giáo viên trường tư thục quan sát học trò, em nào có ngộ tánh cao thì vừa nói các em liền hiểu rõ, có những em chưa có ngộ tánh, bạn nói với họ thì họ cũng không hiểu, họ chẳng biết ý nghĩa của đạo lý, cũng chẳng biết cách áp dụng vào trong cuộc sống, hay nói cách khác họ không có được sự thọ dụng.
Si mê là ngu si, mê hoặc, làm sao để đối trị? Dạy cho họ phải thật sự hiểu được cái gì là có, cái gì là không? Phật dạy mọi người là có thiện xảo phương tiện, thật sự từ bi là gốc, phương tiện là cửa. Phương tiện hoàn toàn không phải là sự chân thật, nhưng từ phương tiện mà có thể khế nhập vào sự chân thật. Ví như chúng ta đi trên đường nhìn thấy có rất nhiều biển báo giao thông, biển báo chỉ đường hoàn toàn không phải là cái nơi được ghi trên biển báo, nhưng nhờ biển báo mà chúng ta đi đến được nơi ghi trên biển báo. Biển báo chỉ đường chỉ là phương tiện, mục đích chính là đến được với sự chân thật, nó có thể dẫn bạn đến được nơi cần đến. Nhưng thật sự có không ít người từ xưa đến nay đều không ngoại lệ, xem bảng chỉ dẫn đường là cái nơi được ghi trong biển, điều này là sai rồi. Phải làm sao mới đến được nơi ghi trong biển chỉ đường? Phải rời bỏ cái bảng chỉ đường, phải biết nó không phải là cái nơi được ghi trong biển chỉ dẫn, cho nên bạn phải xả bỏ cái bảng chỉ đường. Nếu có thể bỏ được nó, bạn hướng theo phía trước mà đi thì bạn sẽ đến được cái nơi ghi trong bảng chỉ đường, điều này gọi là “thức đạt hữu vô”. Thức là nhận thức, đạt là thông đạt. “Quang thức hữu vô bất hành” (chỉ nhận thức có và không mà không chịu làm), cần phải đạt được. Hiện nay không ít người biết được có không, nhưng người đạt được có không như lông phụng sừng lân, họ biết được có không nhưng không khai ngộ.
Trong tự tánh thanh tịnh tâm không có tự tư tự lợi, không có thị phi nhân ngã, không có tham sân si mạn thì bạn liền hiểu được tự tư tự lợi, tham sân si mạn, thị phi nhân ngã vốn là không có. Bạn có thể chân thật thông đạt, dáng vẻ của thông đạt là gì? Là đã buông bỏ rồi. Sự việc tuy là có, bày ra trước mặt, có chướng ngại hay không? Không chướng ngại, nhất định là không để ở trong tâm. Tâm là thanh tịnh, tâm là bình đẳng, tâm là linh minh giác tri, nếu để những việc này ở trong tâm thì đã bị nhiễm ô rồi. Quý vị phải nên biết, để ở trong tâm là để trong vọng tâm, còn chân tâm đâu? Chân tâm thì không chịu nhận, để ở trong vọng tâm thì sẽ không thấy được chân tâm.
Thực tế thì đi tìm chân tâm ở chỗ nào? Chân tâm biến thành vọng tâm, nếu không đặt ở trong tâm thì chân tâm sẽ hiển lộ, vọng tâm không còn nữa, vọng tâm không còn thì chân tâm sẽ hiển lộ ra. Xin nói với quý vị, chân tâm là có, giới định huệ là có, pháp thân Bát-nhã giải thoát là có, điều này không phải giả. Vốn dĩ không một vật thì là có, vốn dĩ có một vật thì là không. Cái vật này, nói một cách tổng quát, chính là người hiện nay nói là hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, trong Phật pháp thì dùng từ vật để thay thế. Hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần đều không có, tự tánh tâm thanh tịnh, thanh tịnh thì đương nhiên bình đẳng, thanh tịnh thì đương nhiên giác ngộ. Cho nên giác chánh tịnh là một mà ba, ba mà một.
Giác ngộ rồi thì ý niệm khống chế đối tất cả pháp thế xuất thế gian không còn nữa. Giác ngộ rồi cũng chính là đã buông xả si mê rồi. Còn si mê thì cái hiện tượng đó chính là có sự khống chế, chúng ta hiện nay nói là sự việc gì cũng đều muốn quản lý, muốn quản lý chính là khống chế, cái tâm đó là tâm gì? Là tâm si mê. Muốn chiếm hữu, chiếm hữu là tâm tham, tâm nhiễm ô. Đối lập, đối lập là thuộc về sân giận, những thứ này là gì? Là tham sân si. Si mê, tham dục, sân giận, những thứ này trong tự tánh vốn là không có.
Trong tự tánh hiển lộ ra những gì? Là giới định huệ, ngược lại với tham sân si là giới định huệ. Ngược lại với tham là giới, ngược lại với sân là định, ngược lại với si là huệ. Bạn liền hiểu được giới định huệ vốn là có, tham sân si vốn là không. Vốn dĩ là không thì đâu có đạo lý không đoạn trừ được? Vốn là có thì đâu có đạo lý không hiện tiền? Cho nên sau khi chân thật triệt ngộ thì vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo mà tự tánh vốn có thảy đều hiện tiền.
Thích-ca Mâu-ni Phật từ bi, đã nói với chúng ta về Thế giới Cực Lạc, Thế giới Hoa Tạng, đó chính là sự hiển lộ của tánh đức viên mãn. Chúng ta ngày nay đã mê mất tự tánh rồi, tánh đức đã hòan toàn biến thành phiền não, biến thành ác nghiệp, ác báo. Ngày nay những điều chúng ta thọ nhận, những thứ mà hiện tiền cảm nhận, thực tế mà nói điều mà mỗi một người cảm nhận được tuyệt đối là không có chuyện hai người giống nhau. Chẳng những không có chuyện hai người giống nhau, chính bản thân mình, điều đã cảm nhận của năm trước cùng với năm nay cũng không như nhau, hôm qua cảm nhận cùng với hôm nay cũng không giống nhau, buổi sáng cảm nhận cùng với buổi tối cảm nhận cũng không giống nhau. Xin nói với bạn là niệm niệm đều không như nhau, vì sao vậy? Vọng tâm thì niệm niệm không như nhau, vọng tâm là động, nó không phải là tĩnh.
Quý vị nên biết, chân tâm là tĩnh, còn vọng tâm là động. Bạn hãy tỉ mỉ mà quán sát một cái hồ nước, bạn thấy nước trong hồ nổi sóng, gió thổi làm cho nước trong hồ nổi sóng, sóng trong thời gian một giây có giống nhau hay không? Một giây thì có trước có sau, nửa giây trước và nửa giây sau không giống nhau. Cảnh giới ở bên ngoài tùy theo ý niệm mà chuyển đổi, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Tất cả pháp này là mười pháp giới y chánh trang nghiêm từ tâm tưởng sanh. Cho nên trong một giây, niệm trước và niệm sau không như nhau, vậy thì cảnh giới bên ngoài làm sao mà giống nhau được? Không cần nói một đời một kiếp của bạn là không có một ý niệm giống nhau, mà đời đời kiếp kiếp, quá khứ vô thủy vị lai vô chung, cũng không thể có một ý niệm giống nhau. Từ nơi bản thân mà cầu cũng không thể có được, cầu ở bên ngoài tất cả chúng sanh thì lại càng không được. Đây là khái niệm cơ bản mà bạn phải hiểu rõ ràng, phải thông suốt. Vì sao vậy? Cái chúng ta dựa vào để giác ngộ là dựa vào khái niệm cơ bản này. Tự tánh vốn là có, chúng ta nhất định không hoài nghi, nhất định không dao động. Cái vốn là không có thì nhất định phải buông bỏ, không nên để vào trong tâm. Cũng chính là nói không nên chấp vào nó nữa, không nên phân biệt nó, không nên khởi tâm động niệm nữa, như vậy mới đúng. Vậy bạn và chư Phật Như Lai mới giống nhau. Nhận thức và thông đạt là hai việc khác nhau.
Lần này chúng tôi đi viếng thăm Indonesia, trưởng lão Wahid đã nói ra lời này, ông nói tín đồ Hồi giáo của ông hiện nay, người biết được tôn giáo thì nhiều, người tín ngưỡng tôn giáo thì nhiều, người thông đạt thì quá ít. Ông nói rất có lý, lời ông nói cùng với chư tổ sư Đại đức trong Phật môn không khác nhau. Vì sao việc thông đạt không dễ vậy? Vì chướng ngại chưa mất hết, những gì làm chướng ngại? Là tham sân si mạn nghi làm chướng ngại. Phiền não chướng, sở tri chướng, hai loại chướng ngại lớn này cản trở bạn không thể thông đạt. Chướng ngại mất hết rồi thì thông đạt sẽ không khó. Giống như chúng ta xem trong Đàn Kinh, Đại sư Huệ Năng không phải là một nghe ngàn ngộ, mà một nghe thì liền triệt ngộ, ngộ tất cả. Chúng ta tỉ mỉ đọc Đàn Kinh, tỉ mỉ mà quán sát, một chút cũng chẳng sai. Vì sao Ngài triệt ngộ? Là vì Ngài không có chướng ngại, không có phiền não chướng, không có sở tri chướng. Trong chú giải cũng nói rất hay, nói đến chữ “vô”, cái chữ này đã nói rất nhiều, bản thân quý vị có thể tỉ mỉ mà xem, ở chỗ này tôi đã giảng cho quí vị nhiều lần rồi. Một thông thì tất cả đều thông.
Ở đây có mấy câu nói rất hay, tôi xin đọc một lần, Ngài nêu một đoạn trong kinh Đại Bát Niết-bàn, “Đại Niết-bàn kinh vân, như thị nghịch thuận nhập siêu thiền dĩ, phục cáo đại chúng, ngã dĩ Phật nhãn, biến quán tam thế, nhất thiết chư pháp, vô minh bổn tế, tánh bổn giải thoát, ư thập phương cầu, liễu bất năng đắc, suy bổn vô cố, sở nhân chi diệp, giai tất giải thoát” (Kinh Đại Niết-bàn nói, nghịch thuận nhập thiền định siêu việt xong, Đức Thế Tôn lại bảo đại chúng: “Ta dùng Phật nhãn xem khắp ba cõi tất cả các pháp, thể tánh của vô minh vốn là giải thoát, tìm khắp mười phương trọn không thể được. Vì cội gốc đã không nên nhánh lá thảy đều giải thoát). Điều này giống như một cái cây vậy, không có thân cây thì làm gì có cành và lá? “Vô minh giải thoát cố, nãi chí lão tử, giai đắc giải thoát, dĩ thị nhân duyên, ngã kim an trụ, thường tịch diệt quang, danh Đại Niết-bàn” (Vì vô minh giải thoát nên hành đến lão tử đều được giải thoát. Do đây nên ngày nay ta an trụ thường tịch diệt quang gọi là Đại Niết Bàn). Đoạn văn này hay, đây là sự thuyết minh vô cùng cụ thể về có và không. Thế nên lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói đây chính là “Thế Tôn tối hậu từ bi vi thiết chi thùy thị, diệc tức Vĩnh Minh Đại sư nguyện ư vô lượng kiếp bác bì vi chỉ, tích cốt vi bút, dụng huyết vi mặc, dĩ thư thử văn, dụng báo từ ân giả dã” (Đây là lời tha thiết dạy bảo sau cùng của Thế Tôn, Đại sư Vĩnh Minh nguyện trong vô lượng kiếp được lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, lấy máu làm mực để viết lời này nhằm báo từ ân của Thế Tôn). Đoạn này là nói đến “tri vô” (biết không). Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai, thị hiện ở thế gian này của chúng ta. Chúng ta gọi là ứng hóa thân.
Vô minh là gì? Vô minh vốn là không có, nhưng tại sao nó lại có? Hiện tượng này thực tế nói ra là vô cùng vi tế, vi tế đến nỗi bạn chẳng có cách nào cảm nhận được, điều này là thật. Các nhà khoa học hiện nay dùng thiết bị tinh vi, toán học uyên thâm để suy luận để quán sát, có thể nói là đạt được một chút thông tin, một chút ít thông tin này có được không phải dễ, vô cùng quí giá, thông tin này là gì vậy? Là sát-na sanh diệt, hiện tượng trong cả vũ trụ này là sát-na sanh diệt, thời gian sanh diệt thần tốc không có cách nào tưởng tượng được, cho nên mới nói cái cảnh giới này không thể nghĩ bàn. Cũng chính là nói bạn chẳng có cách nào tưởng tượng, lại càng không có cách nào để nói ra. Bạn mới khởi lên một ý niệm, cái ý niệm đó không biết là bao nhiêu ý niệm, đó là tướng liên tục, sáu căn của bạn tiếp xúc rồi cho rằng đó là thật.
Trong Kinh Nhân Vương Phật nói một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một phần sáu mươi của cái khảy móng tay gọi là một sát-na. Một sát-na có chín trăm lần sanh diệt, sự sanh diệt này liên tục không gián đoạn. Giống như bạn xem phim vậy, trong máy chiếu phim đang chiếu cuộn phim, nó là liên tục không gián đoạn, ống kính vừa mở thì hình ảnh chiếu lên trên màn bạc, lập tức đóng lại rồi lại mở ra lần thứ hai, lại đóng rồi mở lần thứ ba, một giây là 24 tấm phim. Chính là bảo bạn xem hình ảnh này giống như xem tranh vẽ vậy, sự liên tục của những bức tranh, trong một giây cho bạn xem 24 tấm, bạn cho rằng đó là thật. Giống như trong Kinh Nhân Vương thì thí dụ một giây là bao nhiêu? Một giây là bốn lần khảy ngón tay, ta có thể khảy bốn lần trong một giây, bốn nhân cho sáu mươi rồi nhân cho chín trăm vừa đúng là hai trăm mười sáu ngàn (216.000), một giây bảo bạn xem hai trăm mười sáu ngàn tấm hình, bạn sẽ cho nó là thật mà không biết nó là giả.
Thật ra cách nói này trong Kinh Hoa Nghiêm tôi đã nói với quí vị rồi, đây là Phật phương tiện nói không phải là sự thật, sự thật là gì? Sự thật so với tốc độ này còn nhanh hơn nhiều, nhất định không phải là một phần hai trăm mười sáu ngàn giây, không phải như vậy, mà là bao nhiêu? Là một phần ức vạn giây, đây mới là chân tướng. Trong cái chân tướng này nói với bạn, có và không đều là không có, bạn không thể nói có, cũng không thể nói không. Bạn nói không nhưng nó có hiện tướng, bạn nói có thì hiện tướng của nó lại diệt mất. Thực tế hiếm có, các nhà khoa học cận đại đã phát hiện ra, phát hiện điều gì? Vật chất là từ không sanh ra có, tuy là có nhưng trong sát-na lại không còn. Tất cả những hiện tượng vật chất mà hiện nay chúng ta nhìn thấy được là tướng liên tục sanh diệt của vật chất. Cũng giống như xem hình ảnh trên màn bạc chiếu phim vậy, so với hình ảnh trên màn bạc chiếu phim, thực tế mà nói thì tốc độ đó phải tăng thêm hơn mười ngàn lần, cho nên chúng ta không có cách nào để quán sát nó là giả. Chỉ có Phật cùng với những vị Bồ-tát mới có thể nhìn thấy nó là giả.
Đây không phải là sự việc đơn giản, các Ngài dùng cách gì để nhìn thấy chân tướng sự thật? Dùng thiền định, thiền định càng sâu thì bạn nhìn thấy càng sâu, nhìn thấy càng rộng. Trong kinh, Phật nói với chúng ta, thiền định đến mức độ nào thì bạn mới thấy được hiện tướng của vật chất? Hiện tướng của vật chất này chính là trong kinh Phật gọi là tướng tam tế của A-lại-da: nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng (cảnh giới tướng là vật chất). Tướng tam tế của A-lại-da, cách nói này các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện ra, các nhà khoa học chỉ phát hiện ra tướng cảnh giới từ không mà sanh ra có. Chuyển tướng thì ngày nay chúng ta gọi là tinh thần, tướng cảnh giới là vật chất, tinh thần và vật chất đều là từ nghiệp tướng biến hiện ra, nghiệp tướng là vô minh. Nói đơn giản là tướng của động (tướng động).
Nghiệp là động, quý vị phải biết điều này, tự tánh thì không động, bởi vì tự tánh là thanh tịnh tịch diệt, động là vô minh. Chúng ta thường nói vô thủy vô minh, sanh tướng vô minh. Sanh ra tướng gì? Sanh hiện tượng tinh thần, sanh hiện tượng vật chất. Tinh thần và vật chất không có đối lập, mà có cùng nguồn gốc, cùng một gốc sanh ra, do nghiệp tướng sanh ra. Nhận thức vũ trụ, nhận thức vạn sự vạn vật, sau đó bạn mới hiểu được vốn là cùng một căn tánh, là một chứ không phải hai. Bạn thật sự nhận thức, khẳng định rồi thì tâm thương yêu chân thành, tâm thương yêu thanh tịnh, tâm thương yêu bình đẳng, thương yêu tất cả vạn sự vạn vật trong vũ trụ, cái này gọi là tâm đại từ bi hiện tiền.Tâm đại từ bi là trong tự tánh vốn có.
Chúng ta đã mê mất không nhận thức được, cho nên mới khởi lên phân biệt, khởi lên chấp trước. Sau khi chân thật hiểu rõ thì tâm khai ý giải, buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước rồi thì gọi là đại tự tại, đại giải thoát. Sau đó mới hiểu được có và không là một chứ không phải hai. “Không” là thể của năng hiện, “có” là tướng của sở hiện, tánh và tướng là một chứ không phải hai. Tánh chính là tướng, tướng chính là tánh. Cái tướng này thì hữu dụng. Cho nên Tông môn thường nói “Tất tu tri hữu thủy đắc”.
Phần trước đã nói về tự tánh rất nhiều, nó không phải là vật chất, nó cũng không phải là tinh thần, bạn không tìm được nó. Sáu căn đều duyên không tới, mắt nhìn không thấy, tai không nghe được, mũi ngửi không được, thân thể không tiếp xúc được, trong tâm bạn cũng nghĩ không tới, cuối cùng thì nó ở chỗ nào? Nó có thể hiện tướng, có tướng, bạn nên biết tướng tức là tánh, tánh tức là tướng. Giống như lấy kim loại chế tạo máy móc, kim loại đâu rồi? Máy móc chính là kim loại, kim loại chính là máy móc, kim loại và máy móc là một chứ không phải hai, nhìn thấy máy móc thì nhìn thấy kim loại. Thí dụ này rất đơn giản, rất dễ hiểu, từ cái thí dụ này bạn liền giác ngộ. Thực tế mà nói, từ xưa đến nay từ cái thí dụ này mà rất nhiều người khai ngộ, người thượng thượng căn thì không cần thí dụ, chỉ nói sơ lược là họ liền triệt ngộ. Người thượng thượng căn, người thượng căn, người trung thượng căn, từ cái thí dụ này đã khai ngộ rất nhiều. Đến người trung hạ căn trở xuống thì khó, cho nên người trung hạ trở xuống thì trước tiên cần phải nâng cao mức độ của họ lên. Người hạ căn thì nâng họ lên trung căn, người trung căn thì nâng họ lên thượng căn, sự giúp đỡ họ nâng cao mức độ này là dùng cách gì vậy? Dùng giáo dục, giáo dục giúp họ nâng cao lên. Giống như việc đi học vậy, từ mẫu giáo nâng cao lên tiểu học, từ tiểu học nâng họ lên trung học, trung học thì nâng lên đại học, như vậy thì có khả năng khai ngộ.
Huân tu trong một thời gian dài, trong nhà Phật thường nói là “một môn thâm nhập, huân tu lâu dài”. Trong quá trình huân tu này, điều then chốt là ở vị thầy. Học trò phải thật sự gặp được minh sư, giống như Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung nói là minh sư không dễ gặp. Người có tu có chứng thì mới gọi là minh sư, minh là minh của quang minh, không phải là sự nổi tiếng, sự nổi tiếng là phước báo, không hẳn là có trí huệ. Chữ minh của quang minh là họ có trí huệ, có trí huệ cũng không hẳn là có phước báo, điều này phải biết rõ ràng. Có đủ phước huệ thì khó, rất không dễ, vì vậy chúng ta nên thân cận những vị có tu có chứng. Nhưng hiện nay điều này không dễ dàng, hiện nay trên thế giới này tìm người chứng quả thì đi đâu để tìm? Không có. Ở trong tình hình như thế này ép buộc chúng ta bất đắc dĩ tìm vị thầy tương đối, vị thầy tương đối là như thế nào? Là có học có tu, như vậy là khá lắm rồi. Họ thật sự có tu hành, y theo những lời giáo huấn trong kinh điển mà tu hành. Chúng ta thường nói trì giới tu định, những người thật sự y theo lời giáo huấn mà tu hành thì rất là hiếm, nếu có hành mà không giải, có giải mà không hành đều không đáng tin cậy. Đại sư Thanh Lương nói rất hay “có giải không hành tăng thêm tà kiến, có hành không giải tăng thêm vô minh”, hai dạng thầy như thế này thì làm sao mà thân cận? Một dạng là tà tri tà kiến, một dạng là vô minh, điều này thật khó. Cho nên ngày nay tìm một vị thầy không phải là một chuyện dễ dàng, bạn không tìm được thầy thì tìm cổ nhân vậy. Lời dạy của cổ nhân để lại là vị thầy của chúng ta, chúng ta chăm chỉ nỗ lực y theo lời dạy mà tu hành, thật sự là một phần thành kính thì được một phần lợi ích, mười phần thành kính thì được mười phần lợi ích. Do đây mới biết, có thể thành tựu hay không là ở chính bản thân mình.
Hiện nay sách vở người xưa để lại rất nhiều, hãy “một môn thâm nhập, huân tu lâu dài”. Hoàn cảnh ngoại duyên vô cùng quan trọng, người tu hành trước tiên phải cầu tâm định, tu tâm thanh tịnh. Cho nên người xưa tu hành, vì sao khi đọc sách phải tìm một nơi thanh vắng, như vậy mới có khả năng khai ngộ, để giảm bớt sự quấy nhiễu ở bên ngoài. Đặc biệt là sự làm phiền từ người và công việc, sự quấy nhiễu từ người và công việc nghiêm trọng hơn sự quấy nhiễu từ hoàn cảnh, việc này phải khéo lựa chọn thì bạn mới có thành tựu.
Được rồi, thời gian đã hết, chúng ta học đến đây.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 365)
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.
.