GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 200/374
Trên bộ Kinh này, Phật dạy bảo “nhữ đẳng Tỳ Kheo” (đây là gọi học trò xuất gia): “Nhược dục, thoát chư khổ não, đương quán tri túc”. Đây là dạy cho chúng ta phương pháp lìa khổ. Bạn quán sát tri túc: “Tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ẩn chi xứ. Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xứ thiên đường, diệc bất xứng ý. Bất tri túc giả, tuy phú nhi bần, tri túc chi nhân, tuy bần nhi phú”.
Chúng ta tỉ mỉ mà tư duy đoạn Kinh văn này. Sự việc này, chúng ta thường hay xem thấy động vật nhỏ, chỉ cần lưu tâm quán sát thì chúng ta sẽ khai trí tuệ. Chúng ta xem thấy chim ở trên cây, xem thấy tổ chuột trên cây, chúng có cái gì? Chúng mong muốn điều gì? Chúng ta từ ngay chỗ này có thể thể hội được “thiểu dục tri túc”. Chúng chỉ mong cầu thức ăn, ngoài thức ăn ra thì không mong cầu thứ gì. Lại xem qua Thế Tôn năm xưa ở đời vì chúng ta thị hiện ra, cùng với những động vật hoang dã này gần như không hề khác. Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày ra ngoài khất thực, xin được một bát cơm, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Phật dạy cho chúng ta thiểu dục tri túc. Thế Tôn Ngài chính mình làm ra tấm gương để cho chúng ta xem. Đó chân thật gọi là tri túc thường phú. Phú là gì? Bạn cho tôi, tôi đều không cần, đây là thật giàu. Trên thế gian, người nào nghèo nhất? Người không biết tri túc là nghèo nhất. Người tri túc thì thường giàu. “Khuyến Phát Phẩm” trong “Kinh Pháp Hoa” nói được càng hay: “Thị nhân thiểu dục tri túc, năng tu Phổ Hiền chi hạnh”.
Chúng ta tu Tịnh Độ, ở chỗ này đọc là “Kinh Vô Lượng Thọ”, Kinh văn của “Kinh Vô Lượng Thọ” vừa mở đầu liền dạy cho chúng ta “tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”. Câu nói này quan trọng, là câu nói đầu tiên, kế tiếp theo sau 16 Chánh Sĩ. Do đây có thể biết, Thế giới Tây Phương Cực Lạc thảy đều là tu hạnh Phổ Hiền. Phật ở trên đại Kinh nói với chúng ta: “Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền không thể viên thành Phật đạo”. Hay nói cách khác, nếu chứng được Phật quả viên mãn thì nhất định phải tu hạnh Phổ Hiền.
Hạnh Phổ Hiền từ chỗ nào mà tu? Hạnh Phổ Hiền tu từ thiểu dục tri túc. Một người không thể thiểu dục tri túc thì chắc chắn không thể tu hạnh Phổ Hiền. Bạn nghĩ xem, hai câu nói này quan trọng cỡ nào! Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ tổng kết ý nghĩa Kinh luận của Đại đức xưa, ông nói được rất hay: “Bất ư tâm ngoại thủ pháp, vô nhất pháp đương tình giả danh vi thiểu dục”. Hay nói cách khác, chúng ta đối với pháp thế xuất thế gian còn có chút dục niệm thì không xem là thiểu dục. Cảnh giới này cao.
Tri túc là gì? “Thể lộ chân thường, tịch diệc vi lạc, như như bất động, vi tri túc”. Thiểu dục và tri túc đều là nói xứng tánh. Chúng ta tường tận, thế nhưng chúng ta không làm được. Đây là chỉ người nào? Pháp thân Bồ Tát, Bồ Tát minh tâm kiến tánh, không phải là người thông thường. Đó chân thật là Phật đã nói thiểu dục tri túc. Ý nghĩa của Phật rất sâu rất rộng. Hiện tại chúng ta là phàm phu, là đang sơ học, tận lượng giảm thiểu dục vọng, giảm thiểu mong cầu, có sự giúp đỡ đối với tu hành của chúng ta.
Hai câu phía sau: “Chuyên cầu bạch pháp, chuyên lợi quần sanh”. Đây là “bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”. Chúng ta có thể dùng một câu tổng kết là: “buông xả vạn duyên”, cũng chính là buông xả tất cả thân tâm thế giới, quyết không nên đem nó để vào trong tâm, trong tâm trong sạch, sạch sẽ không nhiễm một trần. Đây là ý nghĩa thiểu dục tri túc. Sau đó “chuyên cầu bạch pháp”. Trong Phật Kinh gọi là bạch pháp, là đối với hắc pháp mà nói. Trong từ ngữ của chúng ta gọi là thiện ác, thiện pháp, ác pháp. Người Ấn Độ thời xưa không nói thiện ác, mà nói là hắc bạch. Hắc chính là ác pháp, bạch chính là thiện pháp. Chỗ này nói “chuyên cầu bạch pháp” chính là chuyên cầu thiện pháp. Như “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Phật vì chúng ta khai thị, Ngài nói Bồ Tát có một phương pháp “có thể đoạn tất cả khổ của thế gian”, như chúng ta phía trước đã nói ba khổ, tám khổ, tất cả khổ ở thế gian này. Dùng phương pháp gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, chính là chuyên cầu bạch pháp.
Những gì là thiện pháp? Từ nghĩa hẹp mà nói, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, thường niệm không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt, không tham, không sân, không si. Đây gọi là mười nghiệp thiện. Thường niệm, loại tu này là tiêu cực. Từ tiêu cực chuyển biến thành tích cực chính là “huệ lợi quần sanh”. Huệ là ân huệ, phải bố thí ân huệ. Làm thế nào bố thí ân huệ? Lợi ích chúng sanh, vậy thì biến thành tích cực. Phải đem mười thiện của bạn thực tiễn vào ngay trong cuộc sống thường ngày, thực tiễn trong công việc, thực tiễn vào trong đối nhân xử thế tiếp vật. Nửa bộ sau của “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” cụ thể nói rõ làm thế nào thực tiễn ở Lục Độ Bồ Tát, thực tiễn ở Từ Bi Hỷ Xả (đây là bốn tâm vô lượng), thực tiễn vào Tứ Nhiếp Pháp (Tứ Nhiếp Pháp chính là người với người qua lại, nhiếp thọ tất cả đại chúng), thực tiễn vào 37 phẩm trợ đạo (37 phẩm trợ đạo là bao gồm toàn bộ Phật pháp. Thiên Thai tông nói 37 phẩm trợ đạo là nói Tạng-Thông-Biệt-Viên, đạo phẩm của Tạng giáo, đạo phẩm của Thông giáo, đạo phẩm của Biệt giáo, đạo phẩm của Viên giáo, đó là bao gồm hết thảy Phật pháp). Chúng ta lại nghĩ tưởng, làm thế nào thực tiễn ở pháp môn niệm Phật của chúng ta? Như vậy mới chân thật làm đến “huệ lợi quần sanh”.
Quần sanh là tất cả chúng sanh, không phân cõi nước, không phân tộc loại, tộc loại bao gồm hữu tình, vô tình, bao gồm hiện tại chúng ta xem thấy là động vật, thực vật. Làm thế nào để lợi ích họ? Trong tộc loại là bao gồm cả bọ nhảy, muỗi, kiến. Chúng ta phải “huệ lợi quần sanh”, không thể tổn hại những động vật nhỏ này. Không những chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, mà còn làm thế nào đem mười thiện thực tiễn yêu thương ở trên thân những động vật nhỏ này. Chúng ta có thể cùng với những động vật nhỏ này, cùng với những quỷ thần hòa thuận cùng sống, đối đãi bình đẳng thì thế giới này mới có thể có hòa bình, xã hội mới có thể an định phồn vinh, con người mới có thể có hạnh phúc. Tất cả chúng sanh cả thảy vũ trụ là cùng đồng một thể sinh mạng. Cảm ứng trong đây không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội.
Làm thế nào chuyên cầu thiện pháp? Căn bản nền tảng của thiện pháp, trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” Phật nói với chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Chúng sanh tạo tác tội nghiệp, tối trọng nhất là sát sanh, đặc biệt là giết hại những động vật nhỏ này. Động vật nhỏ là do quá khứ đã tạo tội nghiệp quá nặng, ở trong cõi súc sanh biến thành những động vật nhỏ yếu này. Đây đều là đền trả nghiệp báo. Chúng đến để trả mạng. Chúng ta trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp thiếu biết bao nợ mạng của chúng sanh, đương nhiên chúng sanh cũng có thiếu chúng ta. Loại oan oan tương báo này vĩnh viễn không kết thúc, rất là tàn khốc. Chúng ta tường tận giác ngộ rồi, chân thật quay đầu. Triệt để quay đầu thì không còn tổn hại những động vật nữa. Không tổn hại động vật chính là không tổn hại chính mình, yêu thương động vật nhỏ là chân thật yêu thương chính mình. Tự – tha là một, không phải là hai. Thiện pháp đến chỗ cứu cánh chính là trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bao gồm trong tất cả thiện pháp, không có cái gì có thể tốt hơn. Đây là đến đỉnh điểm. Do đó, chúng ta phải tường tận lý luận và chân tướng sự thật này, chúng ta phải chăm chỉ tu thiện pháp cứu cánh viên mãn.
Chúng ta tu như thế nào? Khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây là thiện pháp đạt đến cứu cánh viên mãn. Cách khuyên như thế nào? Chúng ta chính mình phải thật làm. Chính mình không chịu tu, khuyên người khác tu thì người ta sẽ không chịu tin tưởng. Chúng ta chính mình phải thật tu. Không những phải thật tu mà chính mình còn phải phát nguyện, khi lâm chung đến biểu diễn một màn để mọi người xem, vậy thì có thể độ rất nhiều chúng sanh. Phải dạy mọi người tin sâu, không nghi. Ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm.
Lão Lâm trưởng của chúng ta, lão cư sĩ Trần Quang Biệt, đã vì chúng ta thị hiện. Tuổi tác của ông đã lớn, ông bị trọng bệnh, bất cứ hành động gì đều không thuận tiện, nằm ở trên giường bệnh xem băng ghi hình giảng Kinh của chúng ta. Ngày trước chúng ta giảng có ghi hình bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”. Ông từ đầu đến cuối nghe qua năm lần. Ông tường tận rồi, vạn duyên buông xả, nhất tâm niệm Phật. Ba tháng trước khi ra đi thì biết được. Người nhà của ông nói với chúng ta, lão cư sĩ đã viết mười mấy lần “mùng 7 tháng 8” ở trên trang giấy. Người trong nhà đều không dám hỏi ông. Mùng 7 tháng 8 ngày hôm đó ông đi. Trước ba tháng biết được chính mình ngày hôm nào ra đi. Lẽ ra hai năm trước ông phải đi rồi. Ông nói với Lý Mộc Nguyên: “Tôi muốn vãng sanh Thế giới Cực Lạc rồi”. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên cầu ông ở lại, bởi vì Cư Sĩ Lâm chưa có một người đức cao vọng trọng lãnh đạo, lo là sẽ có khó khăn, nên cầu ông ở thêm vài năm. Ông ở thêm được hai năm, đến lúc đó ông ra đi, đem Cư Sĩ Lâm bàn giao cho cư sĩ Lý Mộc Nguyên quản lý. Hiện tại ông đại diện Lâm Trưởng. Đây là “chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sanh”, làm ra tấm gương tốt cho chúng sanh.
Chúng ta niệm Phật cũng phải phát ra nguyện này, nhất định phải nỗ lực y theo đạo lý, phương pháp của Kinh điển mà tu học, tương lai khi ra đi dự biết trước giờ đi. Nếu như chân thật chuyên tu bạch pháp, thiểu dục tri túc, khi bạn lâm chung chắc chắn sẽ không có bệnh khổ. Không có bệnh khổ, biết được giờ ra đi, như vào thiền định, biểu diễn của bạn sẽ cao minh hơn nhiều so với lão Lâm Trưởng. Ông bốn năm trước khi vãng sanh mới chân thật gặp được Phật pháp, cho nên làm cái thị hiện này. Hiện tại chúng ta tuổi tác rất trẻ, thân thể rất khỏe mạnh thì gặp được Phật pháp, khi ra đi còn nằm dài trên giường bệnh, còn bất tỉnh nhân sự, vậy thì hổ thẹn rồi. Đó là đặc biệt sai lầm. Khi ra đi, bạn phải nên đứng mà đi, ngồi mà đi, tự tại an nhàn mà đi. Sự biểu diễn này bạn độ được bao nhiêu người! Mục đích của chúng ta không phải huyễn lộng công phu của chính mình, mà chúng ta chỉ có một nguyện vọng chân thành là hy vọng đại chúng xem thấy ta đi như vậy có thể sanh khởi tín tâm kiên định đối với Tịnh Độ, hy vọng họ cũng phát tâm niệm Phật vãng sanh. Chúng ta có thành ý này, quyết không phải đang huyễn lộng công phu chính mình. “Phật Thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Bạn cầu cái này, tôi nghĩ nhất định sẽ cầu đến được, Tam Bảo sẽ gia trì. Cho nên dùng việc này để giúp đỡ chúng sanh, để bố thí hữu tình, làm lợi ích thù thắng không gì bằng.
“Chí nguyện vô quyện”. “Quyện” là mệt mỏi. Thế gian thông thường khi người mới phát tâm, cái nguyện đó dường như rất kiên định, nhưng thực tế mà nói, không vượt khỏi khảo nghiệm của thời gian. Người xưa có câu: “Học Phật năm đầu, Phật ở trước mặt” (rất thành tâm); Học Phật hai năm, Phật ở chân trời (cự ly cách xa rồi); Học Phật ba năm, Phật hóa mây khói (không còn nữa)“. Đây là nói rõ điều gì? Nói rõ tâm của bạn phát ra gọi là đạo tâm sương sớm. Sương thì rất ngắn, thái dương vừa xuất hiện thì không còn. Vậy thì làm sao có thể thành tựu? Không thành tựu thì thôi vậy. Thế nhưng, bạn không biết được di chứng về sau thật phiền phức. Việc này rất ít người nghĩ đến. Di chứng về sau là gì? Làm cho đại chúng xã hội nhìn thấy hành vi này thì có tâm khinh mạn đối với Phật pháp, sanh tâm hủy báng. Đây là do vì chúng ta chính mình làm không được tốt, làm cho người khác tạo thành khẩu nghiệp. Người tạo ra rất nhiều tội lỗi nghiêm trọng là do chúng ta dẫn phát ra, dẫn khởi cho họ. Chúng ta có trách nhiệm hay không? Không thể nói không có trách nhiệm.
Trong Phật pháp, việc xuất gia không dễ đùa. Việc này nhất định phải biết. Nếu chúng ta làm được không đúng pháp chính là phá hòa hợp tăng. Ta tuy là không phá hòa hợp tăng, thế nhưng ta làm không như pháp. Phật đã dạy cho chúng ta, chúng ta không nỗ lực mà làm, làm cho đại chúng xem thấy nghi hoặc, hủy báng, tạo khẩu nghiệp trùng trùng. Lỗi lầm này của chúng ta thì phải đọa địa ngục rồi. Người xưa đã nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Lời nói này không phải không có nguyên nhân. Chúng ta tạo tác tất cả không như pháp, tạo khẩu nghiệp cho đại chúng xã hội, thì chúng ta phải gánh vác cái tội lỗi này. Cho nên, chí nguyện nhất định phải kiên định, không thể nào mệt mỏi.
Phổ Hiền Bồ Tát phát mười đại nguyện, các vị đều biết được, gọi là mười đại nguyện vương. Mỗi nguyện sau cùng đều nói: “Hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã nguyện nãi tận”. Chúng ta thường đọc, nhưng đọc xong lập tức quên hết, không đem nó để vào trong tâm, không hề đem nó cho là việc gì. Thí như lễ kính, “nhi hư không giới, nãi chi phiền não, vô hữu tận cố, ngã thử lễ kính, vô hữu cùng tận, niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp, vô hữu bì yễm”. Đây là chí nguyện chân thật không mệt mỏi. Đương nhiên đây là hoằng nguyện của Pháp Thân Đại Sĩ Đẳng Giác Bồ Tát. Chúng ta chưa làm được cũng phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học. Không thể nói làm được, không được thì thôi. Các vị nhất định phải biết, Bồ Tát hoằng nguyện không ở hình thức, phải ở thực chất. Người có thể tu hạnh Phổ Hiền, niệm Phật chắc chắn vãng sanh. Không chỉ vãng sanh, bạn sanh đến Thế giới Cực Lạc nhất định là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chắc chắn không phải là ở cõi Đồng Cư hay cõi Phương Tiện, quyết định ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Chúng ta chỉ cần chăm chỉ nỗ lực thì thật làm đến được.
“Lễ kính chư Phật”, thế nào là lễ kính thực chất? Trước tiên bạn phải nên biết, hai chữ “chư Phật” này nói bằng cách nào. Chư Phật là nói quá khứ, hiện tại, vị lai, mười phương ba đời tất cả chư Phật. Phật quá khứ, ở trong “Phật Danh Kinh” chúng ta đã xem thấy Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu. Phật hiện tại thì Phật cũng giới thiệu cho chúng ta một số. Phật vị lai là ai? Phật nói với chúng ta, tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai. Hay nói cách khác, nếu ta không có kính ý đối với một chúng sanh, lễ kính của chúng ta liền khiếm khuyết. Chúng ta có thể đều có kính ý đối với tất cả chúng sanh hay không. Cái kính ý này và kính ý của chúng ta đối với chư Phật Bồ Tát không hề khác nhau. Việc này thì khó. Nhất là oan gia đối đầu của chính mình, xem thấy liền chán ghét, không báo thù cũng là không tệ, còn phải khoan hồng đại lượng, phải xem họ như là Phật để đối đãi, việc này rất khó. Chúng ta làm không được thì không cách gì tu hạnh Phổ Hiền, vãng sanh phẩm vị liền thấp, không có cao lắm. Thế nhưng, chân thật có thể làm được, vừa rồi nói với các vị, muỗi kiến đều là chư Phật, nếu người tu hạnh Phổ Hiền thì đối với những động vật nhỏ này cũng xem như chư Phật Như Lai, không hề khác biệt, chân thật là cung kính cúng dường. Khi xem thấy chúng đọa vào cõi súc sanh, chính mình nhất định biết sám hối nghiệp chướng. Vì sao chúng bị đọa vào cõi súc sanh? Nghiệp chướng quá nặng. Chúng ta chính mình tạo nghiệp sâu nặng, đời sau cũng sẽ đọa vào cõi súc sanh. Cho nên, xem thấy chúng nó, chính mình phải biết sám hối.
Trong Phổ Hiền mười nguyện, quan trọng nhất chính là bốn nguyện phía trước, nhất định phải thực tiễn. Nghiêm khắc mà nói, tu pháp môn Tịnh Độ cần phải tu hạnh Phổ Hiền. Thế nhưng, tập khí phiền não của chúng ta quá nặng, hạnh Phổ Hiền đích thực có khó khăn với chúng ta, chúng ta chỉ có thể tùy phần tùy lực mà tu học. Thế nhưng nhất định phải hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật: “Hư không pháp giới chỉ có riêng ta là phàm phu”. Đây là trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Thiện Tài Đồng Tử vì chúng ta thị hiện. Ngoài chính mình ra, không có ai không phải là chư Phật Như Lai, đều là chư Phật Như Lai thị hiện đến dạy chúng ta. Các Ngài thị hiện thiện pháp, ta xem thấy rồi thì ta phải học tập với các Ngài, bắt chước các Ngài. Các Ngài thị hiện pháp ác là đến nhắc nhở ta, để ta phản tỉnh ta có làm pháp ác hay không, nếu ta có cái ác này thì phải mau cải đổi. Cho nên thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, thảy đều là chư Phật Bồ Tát thị hiện, ứng hóa. Chúng ta có thể giữ loại tâm này, có thể hiểu được đạo lý này, tu hành như vậy thì một đời viên thành Phật quả. Phàm phu chứng được Phật quả cứu cánh, làm gì cần phải ba A Tăng Kỳ kiếp? Không cần thiết. Cho nên phải ba A Tăng Kỳ kiếp, phải vô lượng kiếp tu hành gian khổ như vậy, đó là do không hiểu được chân tướng sự thật, không hiểu được những đại đạo lý này, không thể nào tùy thuận giáo huấn của Phật Đà, cho nên mới có gian nan đến như vậy, mới tu khổ đến như vậy. Tất cả thông đạt tường tận, quyết định tùy thuận giáo huấn Phật Đà, không còn tùy thuận phiền não tập khí chính mình thì một đời liền thành tựu.
Bạn xem, Thiện Tài một đời viên thành Phật đạo. Trong “Kinh Pháp Hoa” nói được càng thù thắng, Long Nữ tám tuổi thành Phật. Long là cõi súc sanh, tám tuổi là trẻ thơ, không phải là người lớn. Súc sanh tuổi tác nhỏ đến như vậy mà có thể ở ngay trong một đời chứng được Phật quả viên mãn, huống hồ chúng sanh các cõi thiện khác. Đây là Thế Tôn ở chỗ này khuyến khích chúng ta, làm ra một số tấm gương cho chúng ta xem. Ngày nay chúng ta không thể thành tựu, đây là thường nói tiến tiến thoái thoái. Tiến một bước, thoái mười bước, làm sao có thể thành công?
“Chí nguyện vô quyện”. Họ là tinh tấn không thoái. Một người chân thật đến tinh tấn không thoái thì một đời này liền thành tựu. Trong hoàn cảnh của chúng ta, thoái duyên quá nhiều. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, mê hoặc của cảnh giới đều là dạy chúng ta thoái chuyển. Chúng ta không có sức định, không có năng lực khắc phục hoàn cảnh. Hay nói cách khác, nhìn thấu buông xả chúng ta chưa làm được, cho nên tu hành khổ đến như vậy. Tuy là ngày ngày chúng ta dụng công nỗ lực nhưng rất khó thấy được tiến triển. Nếu quả nhiên có thể nhìn thấu buông xả, tiến bộ đó là một ngày ngàn dặm, không có hạn lượng.
Một câu sau cùng nói rất hay: “Nhẫn lực thành tựu”. Nhẫn là phải nhẫn nại, bạn phải có thể nhẫn chịu được. Người xưa nói “nhẫn” có ba loại, thực tế là trong nhẫn nhục Ba La Mật cũng nói ba loại nhẫn.
Loại thứ nhất là trong hoàn cảnh đời sống khốn khó, chúng ta phải có thể nhẫn chịu. Nếu như không thể nhẫn chịu đời sống thanh khổ, tâm của bạn sẽ không thể định lại. Tâm không định lại thì đạo nghiệp liền rất khó thành tựu. Cho nên, phải có thể an ở đời sống bần khổ, không cần nâng cao lên đến mức đời sống của chính mình. Người chân thật tu hành thì đời sống tùy duyên. Vào thời trước là xin ăn, là đi bát. Hiện tại đời sống của chúng ta tùy duyên.
Đời sống của Cư Sĩ Lâm xem là không tệ, như pháp. Vì sao vậy? Bao gồm tất cả cúng dường, cúng dường ăn uống đều là rất nhiều tín đồ đưa đến, rất là đầy đủ. Bạn xem, lần trước Tổng thống tiền nhiệm đến nơi đây để tham gia “Phát Phóng Độ Tuế Kim”, xem thấy nhà bếp của chúng ta, ông rất là ngưỡng mộ. Ông nói: “Các vị ăn nhiều thức ăn đến như vậy à? Tôi ăn chỉ có năm món”. Trong nhà Tổng thống ăn cơm chỉ có năm món, Cư Sĩ Lâm có đến mười mấy món ăn, cho nên ông rất ngưỡng mộ. Thế nhưng, chúng ta ở trong đây tu hành phải hiểu được tri túc. Trong nhiều món ăn như vậy, chọn lấy ba bốn món thì được rồi, không nên chọn hết mọi thứ. Không nên vừa nhìn thấy, tâm tham khởi lên, vậy thì làm sao được? Cũng giống như đi khất thực vậy, chúng ta tự lấy thức ăn, cầm cái đĩa là đi bát, chọn lấy ba bốn món mà mình cần thì được rồi, không nên vượt quá năm món. Năm món thì bạn vượt qua tổng thống rồi! Chúng ta nhất định phải không khởi tâm tham, thức ăn không ngon thì không khởi tâm sân hận. Đạo lý này phải hiểu.
Ngày trước An Thế Cao đến Trung Quốc hoằng pháp, ở hồ Động Đình – Giang Tây độ bạn học của ông, là đồng tham đạo hữu trong đời quá khứ. Hiện tại ông đắc đạo rồi, đạo hạnh của An Thế Cao rất cao, rốt cuộc ông đến quả vị gì thì chúng ta không biết. Thế nhưng cứ xem cả đời của ông tu hành hoằng hóa, khẳng định là từ A La Hán trở lên, quyết không thể ở dưới tứ quả. Ông có dịch “Kinh Vô Lượng Thọ”, rất đáng tiếc là đã bị thất truyền, không có truyền về sau. Nếu như từ trên “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh” mà nói, ông chắc chắn là pháp thân Bồ Tát, không chỉ là A La Hán. Ông độ người bạn học này của ông. Bạn học này của ông bị đọa vào cõi súc sanh, là thần đạo trong cõi súc sanh, làm Long Vương, là một con rắn to. Ông đến độ người bạn học này của ông, đọc Kinh niệm chú để chúc phúc cho ông ấy. Sau khi làm xong pháp sự, ông liền nói với bạn ông: “Ông nên xuất hiện để mọi người xem”. Vị Long Vương này bất đắc dĩ phải xuất hiện, thân thể rất khó coi. Ông nói: “Không cần khẩn trương, để mọi người xem thấy có thể trồng thiện căn, tiêu trừ nghiệp chướng của ông”. Ông ấy liền trong bàn Phật từ từ bò ra, là một con rắn to. Pháp sư này niệm chú cho ông, con rắn này liền vãng sanh. Về sau, thôn trang này gọi là Xà thôn. An Thế Cao ngồi thiền đến Nam Xương, ở trên thuyền xem thấy một người mặc y phục màu trắng, hướng đến ông lạy ba lạy rồi liền bay lên không. An Thế Cao nói với người bên cạnh: “Người vừa rồi đến lạy tôi chính là vị Long Vương này, ông ấy đã sanh trời Đao Lợi rồi”. Các vị phải nên biết, sức mạnh lớn nhất của chúc phúc siêu độ chỉ có thể siêu độ đến trời Đao Lợi, từ trời Dạ Ma trở lên, nhất định phải do công phu chính mình tu hành. Nếu chính mình không có công phu tu hành, chỉ dựa vào siêu độ thì không được. Cho nên, sức mạnh lớn nhất của siêu độ chỉ giúp bạn sanh trời Đao Lợi. Trời Dạ Ma trở lên phải tu định. Định chưa thành công gọi là vị đáo định. Ít nhiều có chút sức định thì mới có thể hướng lên trên siêu thăng.
Có người hỏi: “Bạn của Ngài ngày trước cùng nhau tu hành, vì sao Ngài chứng quả, còn ông ấy thì đọa vào cõi súc sanh?”. Ông liền nói, vị bạn học này của tôi ngày trước thông Kinh, thích bố thí. Các vị nghĩ xem, “thông kinh”, ông ấy là một pháp sư giảng Kinh nói pháp, thông đạt giáo lý, cho nên ông ấy đọa vào cõi súc sanh làm long vương. Vị long vương này rất linh, mọi người đến đó cầu rất có cảm ứng, rất là linh nghiệm. Đây là ông rõ Kinh. Tín đồ của ông rất là nhiều, tín đồ chu vi một ngàn dặm đều đến bái lạy vị long vương này, hương hỏa rất thạnh. Đó là gì vậy? Phước báo lớn. Ông ưa thích bố thí, cho nên phước báo lớn. Pháp duyên thù thắng, “minh Kinh hiếu thí”. Chúng ta nghĩ đây chân thật là pháp sư tốt, chân thật khó được. Tội lỗi như thế nào vậy? Khi khất thực (vào lúc đó đều là đi khất thực), khất được thức ăn không được ngon, trong lòng liền không được vui, cảm thấy chính mình tu hành cũng không tệ, cũng làm được không ít việc công đức, khi khất thực thỉnh thoảng hồi báo đồ ăn không ngon, trong lòng rất khó chịu. Do nguyên nhân này mà đọa vào cõi súc sanh.
Chúng ta chính mình nghĩ tưởng xem, chúng ta tu hành có thể hơn được ông ấy hay không? Ngày nay chúng ta tiếp nhận những vật chất cúng dường này, trong lòng có vừa ý hay không? Nếu như trong lòng vẫn còn chút không vừa ý, bạn liền nghĩ đến tương lai bạn sẽ đi làm long vương rồi. Thật đáng sợ! Không phải là việc dễ đùa. Cho nên, chúng ta chính mình nhất định phải huấn luyện chính mình, đối với mức đời sống vật chất phải giáng xuống thấp, quyết định không thể tham hưởng thụ, quả báo không thể lường.
Loại thứ nhất là phải nhẫn nại với đời sống vật chất.
Loại thứ hai là “bất nhiêu ích nhẫn”, cũng chính là nói bị hại do người làm. Đây là bình thường chúng ta rất có thể tiếp xúc được. Người khác trách cứ bạn, thậm chí vô cớ nhục mạ bạn, hãm hại bạn, chúng ta phải có thể nhẫn. Đặc biệt là chúng ta đối với người khác tốt, thiện ý, người ta hồi đáp lại là ác ý, vậy thì càng phải nhẫn. Đây là loại thứ hai.
Loại thứ ba là “tu pháp”. Chúng ta tu học không thể nhẫn, không thể hành. Phật ở trên “Kinh Kim Cang” dạy bảo chúng ta: “Tất cả pháp đắc thành ư nhẫn”, đó là nói thế xuất thế gian tất cả pháp. Ý nghĩa của chữ “nhẫn” rất là rộng, rất là sâu. Nhẫn nhục đối trị tham sân. Phật pháp thường nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Chúng ta xem thấy bạn học của An Thế Cao rơi vào tình huống này, chúng ta chính mình đích thực phải đề cao cảnh giác. Vì sao vậy? Tu hành của chúng ta không bằng người ta, chúng ta tạo tội nghiệp chắc chắn nghiêm trọng hơn ông ấy không biết gấp bao nhiêu lần. Ông ấy đọa vào cõi súc sanh làm thần, có thể tương lai chúng ta biến thành rắn nhỏ, làm binh tôm tướng rùa của long vương, không phải giống như ông ấy làm rắn to, làm long vương. Cho nên, nghĩ lại những nghiệp nhân quả báo của đại đức xưa, cố gắng làm kiểm điểm phản tỉnh xem chúng ta tương lai có thể có thành công gì.
Bao gồm trong thành tựu, vãng sanh là thù thắng đệ nhất. Chúng ta có thể nắm chắc chưa? Bạn muốn hỏi có nắm chắc vãng sanh hay chưa, có thể nói sáu câu Kinh văn này là đáp án cho bạn rất tốt. Sáu câu này bạn chân thật hiểu rồi, bạn chân thật một đời đều có thể phụng hành, đều có thể không trái phạm, vậy thì bạn liền được bảo chứng, bạn ngay đời này chắc chắn vãng sanh làm Phật. Trong đời quá khứ, ngay trong đời này, bạn tạo ra vô số tội nghiệp đều có thể tiêu trừ. Nếu như không làm được sáu câu này, tội nghiệp của chúng ta không cách gì có thể tiêu được. Lâm chung lại không thể vãng sanh thì phiền phức sẽ to, chắc chắn đọa ác đạo.
Ý nghĩa của câu này vẫn chưa thể giảng hết. Lần sau chúng ta lại bổ sung thêm một chút. Hôm nay chỉ giảng đến chỗ này, thời gian đã hết rồi.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 200)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.