GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 161/374
Nguyện thứ ba mươi sáu: “Giáo Hóa Tùy Duyên Nguyện”
Kinh văn: “Trừ kỳ bổn nguyện, vi chúng sanh cố, bị hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu bồ đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú, hoặc nhạo thuyết pháp, hoặc nhạo thính pháp, hoặc hiện thần túc, tùy ý tu tập, vô bất viên mãn. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”.
Nguyện thứ ba mươi sáu này, lần trước tôi đã nói qua với các bạn, thế nhưng ý nghĩa vẫn chưa nói hết. Nguyện này vô cùng quan trọng. Hơn nữa, ngay trong những đại đức cầu nguyện vãng sanh, người phát đại nguyện giáo hóa chúng sanh này so ra thì rất nhiều, họ không chỉ ở thế giới này của chúng ta. Ngạn ngữ thường nói “nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý”, chúng ta liền sẽ liên tưởng đến hư không pháp giới, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, người có tâm nguyện này nhất định không phải là số ít. Nhất là khi chúng ta gặp được chúng sanh gặp phải đại khổ đại nạn, càng cảm thấy giúp chúng sanh có sự cần yếu bức thiết. Thế nhưng chúng ta phải ghi nhớ, nếu như chúng ta không cầu vãng sanh mà ở thế giới này hành Bồ Tát đạo, đối với phàm phu chúng ta thì không làm được, mức độ thấp nhất là phải chứng bốn quả vị A La Hán trở lên. Vì sao vậy? Kiến tư phiền não đoạn rồi, bạn ở trong sáu cõi có thể không bị cảnh giới xoay chuyển, có thể được tự tại, vậy thì được. Nếu như bạn không chứng được quả A La Hán, cho dù kiến hoặc đoạn rồi, tư hoặc chưa đoạn, hay nói cách khác, trong tâm của bạn chưa đoạn tham-sân-si-mạn thì bạn sẽ rất khó ứng phó với mê hoặc của danh lợi, mê hoặc của năm dục sáu trần ngay trong ngoại cảnh, bạn sẽ không vượt qua được cám dỗ, vẫn cứ là đọa lạc. Sự lợi hại này không thể không biết.
Chiều nay, sau khi ăn cơm tối xong, chúng tôi ở trong phòng khách lầu hai cùng với các vị cổ giáo thọ của Quốc Đại có nói đến những nhà Lý học của Tống Minh, nói đến Chu Hy, Chu Phu Tử (đây là những học giả nổi tiếng triều Tống), họ học Phật nhưng lại bài trừ Phật giáo. Nguyên nhân vì sao học Phật mà lại bài trừ Phật giáo? Nguyên nhân vẫn là ở vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không thể buông bỏ. Đây là nói đến ba nhà Nho-Thích-Đạo, lý luận là giống nhau, thế nhưng phương pháp dụng công không như nhau, mục đích tu học không như nhau, nhưng làm học vấn thái độ căn bản thì giống nhau. Ngày nay tôi đã nói với mọi người rồi, đều là cầu giác ngộ, nhà Nho nói ngộ tánh, nhà Đạo cũng dạy người khai ngộ, nhà Phật dạy người đại triệt đại ngộ. Những chỗ này xem ra dường như là rất giống nhau, thế nhưng trình độ ngộ nhập có cạn sâu khác biệt, không giống nhau. Vì sao nhà Nho học Phật mà bài trừ Phật giáo? Vào thời xưa, học Nho là quang vinh nhất, sau khi chết thì bài vị thần chủ của họ có thể được thờ phụng ở trong Khổng miếu, đây là một vinh hạnh không gì bằng, nên nhà Nho học Phật mà bài trừ Phật, mục đích là sau khi chết, thần vị có thể được đưa vào thờ cúng ở trong Khổng miếu, nếu như họ học Phật thì trong Khổng miếu sẽ không thờ cúng họ. Họ vẫn không buông xả được phân biệt, chấp trước.
Khai ngộ của nhà Phật, các vị phải nên biết, đây là ở trên cảnh giới công phu không như nhau; nhà Phật là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, nhà Phật phải đạt đến tiêu chuẩn này; Nho và Đạo chưa đạt đến tiêu chuẩn này, họ vẫn còn có “phải-quấy-nhân-ngã”, “tham-sân-si-mạn” chưa đoạn. Đương nhiên như cảnh giới của Khổng Tử, Mạnh Tử thì cao, họ ngộ thì tương đối sâu, tương đối rộng. Cho nên, nhà Nho có đại Nho, cũng có tiểu Nho. Cũng giống như Phật giáo chúng ta, có Tiểu Thừa, có Đại Thừa, có Thanh Văn, có Duyên Giác, có Bồ Tát. Mỗi một giai tầng, cảnh giới đều không như nhau.
Mục đích giáo học của Phật giáo là muốn dạy người ngộ nhập vào một tầng thứ tương đối, vậy mới có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Việc này ở trong Phật pháp gọi là “chứng tiểu quả”. Đây không phải là quả báo lớn, mà chỉ là quả báo nhỏ. Mức độ của quả báo nhỏ là siêu vượt sáu cõi luân hồi. Nho và Đạo đều chưa đạt đến cảnh giới này. Đạo là sanh lên trời, mục đích chính của họ là muốn làm thiên thần, làm thần tiên, không hề rời khỏi sáu cõi. Cho nên, nguyên lý nguyên tắc của họ rất giống nhau, phương pháp dụng công cũng rất giống nhau, thế nhưng tầng thứ ngộ nhập có sâu cạn, rộng hẹp không như nhau, cho nên quả chứng của họ có khác biệt. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, lại nghĩ đến chính mình, chúng ta có năng lực đoạn kiến tư phiền não, có năng lực chân thật phá bốn tướng, bốn kiến hay không? Trên “Kinh Kim Cang” nói là “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, bạn có làm được hay không? Bạn quả nhiên đã làm được rồi, vậy thì được, nếu không cầu sanh Tịnh Độ thì bạn cũng có thể đời đời kiếp kiếp ở thế gian này hành Bồ Tát đạo. Giả như chúng ta không có năng lực này thì chúng ta phải đặc biệt đề cao cảnh giác.
Bạn phải nên biết, nếu kiến tư phiền não chưa đoạn thì bạn chắc chắn luân hồi. Chỉ cần luân hồi thì bạn chắc chắn bị mê khi cách ấm. Giống như hiện tại, ngay đời này bạn được thân người, những sự việc trong đời quá khứ đều quên hết sạch trơn. Đây là gì vậy? Đây gọi là mê khi cách ấm. Những sự việc đời trước bạn đều không thể ghi nhớ, những gì tu học đời trước bạn cũng đều quên hết sạch, cho nên ngay đời này nếu muốn đến học Phật thì phải làm lại từ đầu. Chúng ta ngay đời này chẳng phải là làm lại từ đầu hay sao? Sự việc này thật quá khó! Người học đạo rất nhiều, người thoái tâm cũng rất nhiều, người thành tựu thì không nhiều. Nguyên nhân này do đâu? Nguyên nhân luôn là ở nơi duyên phận.
Đại Sư Thiện Đạo nói trong “Quán Kinh” rất hay, Ngài nói: “Chín phẩm vãng sanh đều ở nơi duyên, do chúng ta gặp duyên không đồng”. Câu nói này của Ngài, chúng ta đem nó dẫn ra để nói. Cơ hội của mỗi một người, cơ ngộ không như nhau, bạn được thân người, bạn có thể gặp được thiện tri thức chân thật hay không? Thiện tri thức là một người thì không được. Trước tiên cha mẹ phải là thiện tri thức. Cha mẹ thương yêu con cái thì phải cố gắng dạy chúng, không nên chìu chuộng, phải dạy chúng rõ lý, dạy chúng hiểu chuyện. Chúng ta xem qua xã hội hiện đại này, có mấy người làm cha mẹ có thể cố gắng như lý như pháp mà dạy bảo con cái của họ? Vấn đề này thì nghiêm trọng. Nếu như không thể cố gắng dạy bảo con cái của họ, đó chính là Thánh nhân đã nói, “dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, lỗi lầm là của cha mẹ, bạn nuôi chúng, nhưng bạn không hề dạy chúng. Thế gian hiện tại này, chúng ta cũng không thể nào trách cứ người làm cha mẹ. Vì sao vậy? Bản thân họ không được tiếp nhận qua giáo huấn của Thánh Hiền, cha mẹ của họ cũng không dạy họ, đúng như Thế Tôn đã nói trên Kinh Vô Lượng Thọ: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái tha”, vậy làm sao bạn có thể trách cứ họ chứ? Đây là nguyên nhân dẫn đến thế giới của chúng ta ngày nay đại loạn. Không có người dạy!
Vào thời xưa, khoảng một thế kỷ trước, người làm cha mẹ còn biết dạy. Người cùng tuổi tác của tôi đây, lúc nhỏ cha mẹ còn dạy chúng tôi, nên chúng tôi hiểu được một chút đạo lý, hiểu được tôn kính trưởng bối, tôn kính lão sư. Đây là gia giáo. Gia giáo là rễ, lão sư dạy là gốc, bạn có gốc, có rễ. Cho nên, vì sao Nho và Phật (Đạo gia cũng không ngoại lệ) dạy chúng ta hiếu thân tôn sư? Bạn có thể hiếu thân thì học vấn của bạn, đức hạnh của bạn liền có gốc; bạn có thể thân cận minh sư, thân cận thiện tri thức thì đức hạnh học vấn của bạn liền có gốc. Chỉ cần có gốc rễ thì cành lá hoa trái tự nhiên sum suê.
Chúng ta xem thấy xã hội hiện tại này, trong nước và ngoài nước, gốc và rễ đều không có. Vấn đề này thật nghiêm trọng. Họ không hiểu được hiếu dưỡng cha mẹ. Ngày nay chúng ta đề xướng hiếu đạo, thanh niên nghe rồi, cảm thấy nghe không vô, không thể tiếp nhận. Họ nói chúng ta là quái luận, nói bậy, không hợp thời đại, lạc hậu rồi. Bạn nói xem, vấn đề này nghiêm trọng cỡ nào! Hiếu đạo không còn thì họ làm sao hiểu được tôn sư trọng đạo? Sư đạo tự nhiên bị mất đi.
Ngày nay trường học tuy là nhiều, nếu nói lời hơi khó nghe thì trường học gọi là học điểm, là mở tiệm làm ăn mua bán; thầy giáo thì buôn bán tri thức, học trò nộp học phí, đến mua tri thức của thầy. Bạn xem, sách in ra có câu: “Sở hữu bản quyền, in sao sẽ truy cứu”, đây không phải là làm ăn mua bán hay sao? Lúc trước, tôi cũng dạy học qua năm năm, những thầy giáo chúng tôi khi rảnh rỗi nói chuyện với nhau, đến nơi đây dạy học là để làm gì? Là đến để nhận tiền giờ. Học trò đến trường học là để làm gì? Học trò đến trường học là để lấy chứng thư tốt nghiệp. Mỗi người có mục đích riêng của mỗi người; mục đích của thầy giáo là lấy tiền, mục đích của học trò là muốn lấy văn bằng. Thầy giáo lấy được tiền rồi, học trò cũng lấy được văn bằng, vậy thì hết việc rồi, cái thỏa hiệp làm ăn buôn bán này đã xong. Không giống như thời xưa, vào thời xưa là truyền đạo, không phải là làm ăn buôn bán. Thầy giáo dạy học quyết không mong cầu cúng dường. Cúng dường là học trò phải nên tận nghĩa vụ đối với thầy, tùy phận, không có yêu cầu nhất định, tùy theo hoàn cảnh gia đình của bạn; gia đình của bạn giàu có thì cúng dường nhiều một chút, gia đình nghèo khó thì cúng dường ít một chút. Người vô cùng bần khổ thì thầy giáo không những không nhận cúng dường, mà còn phải chu cấp cho học trò, giúp đỡ đời sống gia đình học trò. Từ trước là sư đạo, hiện tại thì không còn.
Hiện tại, cả thảy thế giới “trên dưới đều tranh lợi”, thế giới này sẽ nguy hiểm. Cho nên, dự ngôn các nhà tôn giáo nước ngoài đều thường hay nói, thế kỷ này là cuối cùng. E rằng, ngày tàn của thế giới sắp đến gần. Chúng ta đối với những lời nói này đương nhiên không thể hoàn toàn tin tưởng. Thế nhưng, xem qua xã hội hiện tại, nghĩ lại những lời nói này cũng không phải là không có đạo lý. Nhà Phật nói nhân quả, trồng nhân thiện được quả thiện. Nếu như tất cả chúng sanh tâm hạnh đều không thiện thì ác báo nhất định không thể tránh khỏi. Thiên tai nhân họa, chúng ta từ trên nhân quả mà nhìn, từ trên lý luận của Thánh Hiền nhân đã nói mà suy xét. Trên Kinh Đại Thừa thường nói “cảnh tùy tâm chuyển”, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh” là rất có đạo lý. Thế là chúng ta càng nghĩ, cái tiền đồ này càng đáng sợ!
Làm thế nào giúp đỡ chính mình, làm thế nào giúp đỡ xã hội, giúp đỡ tất cả chúng sanh tiêu trừ tai nạn này? Vẫn là dựa vào giáo dục, ngoài giáo dục ra thì không có biện pháp thứ hai. Đây là một vấn đề rất nghiêm túc mà trong lúc giảng Kinh, không ít lần tôi đã nói đến. Vấn đề này chính trị không thể giải quyết, quân sự vũ lực cũng không thể giải quyết, kinh tế, kỹ thuật mang đến là tác dụng phụ, vẫn là không thể giải quyết. Đây là chúng ta hiện tiền sâu sắc thể hội được. Cho nên, thế xuất thế gian, những bậc đại Thánh đại Hiền này, chúng ta xem thấy mỗi một người sáng tạo ra tôn giáo đều là Thánh Hiền nhân, họ không làm chính trị, không làm quân sự, không làm khoa học, cũng không làm kinh tế. Họ làm cái gì? Làm giáo dục. Công việc giáo dục này, ngày nay chúng ta gọi là “giáo dục tôn giáo”. Họ biết được chỉ có giáo dục tôn giáo mới có thể giải quyết vấn đề. Thế nhưng từ xưa đến nay, tôn giáo cũng đã truyền mấy ngàn năm rồi. Lịch sử của Ấn Độ giáo là dài nhất, người thế gian hiện tại thừa nhận lịch sử của nó đã có 8.500 năm. Cho nên, chín tôn giáo chúng ta xếp lại với nhau thì lịch sử của Ấn Độ giáo là lâu nhất, thứ hai là Do Thái giáo (hơn 4.000 năm lịch sử), thứ ba là Bái Hỏa giáo (có hơn 3.000 năm lịch sử), Phật giáo xếp ở thứ tư. Thời gian truyền thừa dài đến như vậy, nên không tránh khỏi trong đó có sự ngộ nhận, có chỗ sai lầm, cho nên càng truyền càng sai, thế là tôn giáo dần dần bị biến chất rồi. Tôn giáo vốn dĩ là giáo dục, là một loại giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, mỗi một tôn giáo đều là như vậy. Tôi xem Kinh điển của họ, tất cả đều có thể tương thông. Thế nhưng, truyền qua nhiều năm như vậy, mọi người đem giáo dục quên mất, chỉ còn lưu truyền ở thế gian là nghi thức của tôn giáo, thế là liền biến thành mê tín. Tôn giáo vốn dĩ không phải là mê tín, mà vốn dĩ là giáo học của trí tuệ.
Từ trước lão sư của tôi dạy tôi (vào lúc đó nói triết học Phật Kinh), thầy nói: “Phật giáo là trí tuệ chân thật, là đời sống nghệ thuật cao độ. Tu học Phật pháp là sự hưởng thụ cao nhất của nhân sanh”. Tôi bị mấy câu nói này kéo vào trong nhà Phật. Khi tôi đọc Kinh, tôi giảng Kinh, quả nhiên không sai, lời của lão sư đã nói là chân thật, không giả, đích thực Phật pháp là trí tuệ cứu cánh viên mãn, là đời sống nghệ thuật chân thật cao độ. Chúng ta hưởng thụ được rồi. Lại xem qua các tôn giáo khác có phải vậy không? Phải! Không hề khác gì với Phật giáo. Ngày nay chúng ta ở Singapore, ngưỡng cửa các tôn giáo chúng ta đều đã bước qua, đều đột phá hết. Chín tôn giáo thường cùng nhau tụ hội, một tháng chí ít có ba đến bốn lần tụ hội, cho nên chúng ta rất quen, là bạn tốt rồi, là người một nhà. Thế nhưng đây là gì vậy? Đây là tình người. Mâu thuẫn bên trong có thể tiêu trừ hay không? Rất khó. Mâu thuẫn phải làm thế nào để tiêu trừ? Chúng ta phải ở nơi giáo lý, giáo nghĩa mà câu thông thì vấn đề này mới chân thật được giải trừ, hồi phục lại giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Điều này đối với xã hội, đối với quốc gia, đối với thế giới, đối với chúng sanh có cống hiến chân thật. Đây là bổn ý của chư Phật, của chúng thần sáng giáo. Đây là đại từ đại bi lưu xuất ra ái tâm chân thật.
Cho nên, cư sĩ Lý Mộc Nguyên đại diện Lâm trưởng, hôm nay tuyên bố với mọi người, bắt đầu từ tháng sáu, giảng đường này của chúng ta, mỗi một ngày chủ nhật sẽ mời chín tôn giáo luân phiên đến đây để giảng Kinh (giảng Kinh của họ). Mục đích do đâu? Mục đích của chúng ta là muốn dung thông giáo lý, giáo nghĩa của các tôn giáo. Đó mới chân thật là một nhà, vì tất cả chúng sanh mà tạo phước. Những hiểu lầm ngăn cách của chúng ta ở trên lý luận hoàn toàn phá hết, chân thật có thể đạt đến hòa thuận cùng sống, bình đẳng đối đãi. Chúng ta học tập Kinh điển của họ, họ cũng học tập Kinh điển của chúng ta. Kỳ thật, họ đã sớm bắt đầu học tập Kinh điển của chúng ta. Chúng ta phải nên chăm chỉ nỗ lực học Kinh điển của họ.
Cho nên, chúng ta vì tất cả chúng sanh mà phát đại thệ nguyện, lưu lại thế gian này để giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Nguyện này thì vĩ đại, nguyện này chư Phật Như Lai đều tán thán. Khi phát ra nguyện này, chúng ta nhất định phải quy y A Di Đà Phật, phải cầu sanh Tịnh Độ. Vì sao vậy? Có thể có được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, thì chúng ta ở trong sáu cõi, nhất là ở trong ác đạo mới không bị mê hoặc. Cùng ở chung với tất cả chúng sanh mà không mê, đây mới là công phu, mới là bản lĩnh. Đây chính là nói rõ, Bồ Tát nói pháp độ sanh vì sao nhất định phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Đạo lý chính ngay chỗ này.
Các bạn thử nghĩ xem, ở trên nguyện văn nói “giáo hóa nhất thiết hữu tình”, câu này có phải hiện tại nói là “giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa” hay không? Trong tất cả không có phân biệt, không phân cõi nước. Cõi nước này có phạm vi rất lớn, là cõi nước chư Phật. Người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương là từ mười phương tất cả cõi nước chư Phật, cho nên rất là phức tạp. Người trong vô lượng vô biên thế giới chư Phật, Phật Bồ Tát ở nơi đó đều khuyên mọi người niệm A Di Đà Phật cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Cõi nước nhiều, tộc loại sẽ càng nhiều, hình sắc không như nhau, phương thức đời sống không giống nhau, ý thức hình thái không giống nhau, tín ngưỡng tôn giáo cũng không giống nhau, tất cả đều bao gồm hết. A Di Đà Phật cùng chư Phật Như Lai bình đẳng phổ độ tất cả chúng sanh, nhất định không có phân biệt, không có chấp trước mà là đối đãi bình đẳng. Vì sao phải đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh? Người xưa chúng ta có một câu nói rất hay: “Bổn thị đồng căn sanh”. Lời nói này rất hay, hư không pháp giới tất cả chúng sanh vốn là từ gốc mà sanh ra. Gốc là gì? Gốc là chân tâm, gốc là bổn tánh. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, hư không pháp giới tất cả chúng sanh từ đâu mà có? “Duy tâm sở hiện”, đây là gốc; “duy thức sở biến”, đó là gốc. Phật tìm ra được đại căn đại bổn rồi, cho nên mới đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh. Tiêu chuẩn bình đẳng giống như chính mình đối đãi với chính mình thế nào thì đối đãi với tất cả chúng sanh như thế đó, nhất định không có kém khuyết. Cho nên, trên Kinh thường nói “sanh Phật không hai” (sanh là chúng sanh, Phật là chư Phật), chúng sanh cùng chư Phật không hề khác nhau. Bạn cần phải triệt để hiểu rõ chân tướng sự thật này. Chân thật tìm được căn bản, bạn mới có loại quan niệm lý luận này, mới có cách nghĩ này. Bạn có cách nghĩ này thì mới có thể có hòa thuận cùng sống với nhau, cách làm đối đãi bình đẳng. Đây là chúng ta xem thấy “giáo hóa tất cả hữu tình”.
Giáo hóa chính là phục vụ. Chư Phật Bồ Tát là người chân thật giác ngộ. Các Ngài thị hiện ở thế gian này, chọn lựa một nghề nghiệp giáo học. Giáo học này là giáo học nghĩa vụ, giáo học không cầu học trò hồi báo, đây là chân thật vĩ đại. Phương pháp giáo học thì có rất nhiều. Hôm qua đạo tràng của chùa Trúc Lâm khai mạc. Buổi diễn lễ khai quang Thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm có rất nhiều đồng tu đều đến tham gia. Mấy ngày trước họ làm pháp hội Hoa Nghiêm, đọc “Kinh Hoa Nghiêm”. Việc này rất tốt. Chúng ta biết, Bồ Tát Quán Âm có ba bộ Kinh, gọi là “Quán Âm Tam Kinh”. Bộ Kinh thứ nhất chính là ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, tham phỏng Bồ Tát Quán Âm. Bạn xem, Bồ Tát Quán Âm dạy bảo đối với Thiện Tài Đồng Tử, nói đến chúng sanh căn tánh không đồng, đáng dùng thân gì để độ thì Bồ Tát liền hiện ra thân đó để độ. Chúng ta từ ngay chỗ này liên tưởng đến Bồ Tát Quán Âm tùy loại hóa thân. Chư Phật Như Lai đương nhiên là không ngoại lệ.
Phật Bồ Tát có thân tướng hay không? Xin nói với các vị, các Ngài không có thân tướng, vậy mới có thể tùy loại hóa thân. Làm sao biết được họ không có thân tướng? Trên “Kinh Kim Cang” đã nói: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát”, đó không phải là Bồ Tát, Bồ Tát đó là giả, không phải là Bồ Tát thật. Bồ Tát thật nhất định vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Họ vô tướng, vô tướng mới có thể tùy hiếu thích của chúng sanh mà hiện tướng. Bất cứ tướng gì họ cũng đều có thể hiện, tùy loại hóa thân.
Trên Kinh điển nói Bồ Tát Quán Âm có ba mươi hai ứng thân. Ba mươi hai ứng thân là tùy loại hóa thân. Thế là chúng ta đối với thế gian này, nghi hoặc đối với các tôn giáo đều phá trừ hết. Đáng dùng thân Ki-Tô để hóa độ, vậy Bồ Tát Quán Âm không thị hiện thân Ki-Tô mà vì đó nói pháp hay sao? Ngày nay chúng ta xem thấy Ki-Tô, thì “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, đó chính là hóa thân của Quán Âm Bồ Tát. Xem thấy A-Hồng của Hồi giáo, đó là đáng dùng thân A-Hồng để độ thì liền hiện thân A-Hồng mà vì đó nói pháp. Chúng ta xem thấy A-Hồng, thì “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chính là do Bồ Tát Ngài thị hiện. Cái nghi hoặc này liền được giải trừ. Tùy loại hóa thân, ứng cơ nói pháp. Tâm bình đẳng, tâm cung kính của chúng ta hiện tiền đối với hết thảy các tôn giáo, liền biết được Thần mà họ thờ phụng, truyền giáo sư của họ, Kinh điển của họ cũng là Tam Bảo cùng Tam Bảo trong Phật Kinh đã nói không hề khác nhau. Cho nên, nếu trên lý không quán thông thì trên sự liền có mâu thuẫn, liền sẽ có chướng ngại. Trên lý đã thông đạt thì chướng ngại trên sự liền không còn. Cho nên, chúng ta phải xúc tiến giáo học tôn giáo. Tôn giáo phải ở trên lý luận, giáo lý, giáo nghĩa mà câu thông. Học tập lẫn nhau, chúng ta mới chân thật có thể phổ độ chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.
Chúng ta tuyệt đối quyết không tạo thành chiến tranh tôn giáo. Nếu tôn giáo phát khởi chiến tranh là chuyện cười của thiên hạ, quyết không phải là ý của Thần. Tôn giáo phát sanh chiến tranh là ý của người, không phải là ý của Thần. Chân tướng sự thật chúng ta thật làm cho rõ ràng rồi, thật làm cho tường tận rồi, mới biết được ở trước mắt xã hội này tai nạn triền miên, chúng ta phải nên làm như thế nào. Phải nên bắt tay vào từ chỗ nào? Phải liên hợp hết thảy truyền giáo sư của các tôn giáo khác nhau. Khi qua lại với họ, ta gọi họ là “hóa thân của Thần Thánh”, “hình tượng của Thượng Đế”. Bốn chúng đệ tử nhà Phật chúng ta là hóa thân của Bồ Tát, chư Phật Như Lai, là hình tượng của Bồ Tát, chư Phật Như Lai. Chúng ta nhất định phải thực tiễn “học vi nhân sư hành vi thế phạm” thì chính mình mới có thể được độ, mới có thể giúp đỡ xã hội, giúp đỡ chúng sanh tiêu tai khỏi nạn. Cho nên, phương pháp giáo học là vô lượng vô biên, nhưng tông chỉ thì chỉ có một. Phương pháp thì quá nhiều quá nhiều, nhà Phật nói “pháp môn vô lượng”. Pháp môn vô lượng này là đem hết thảy giáo học của tôn giáo đều bao gồm trong đó, phương pháp khác nhau, nhưng mục tiêu giáo học thì nhất định giống nhau.
Ở chỗ này chúng ta đã nói ra ba mục tiêu. Thứ nhất là sơ cấp, “giai phát tín tâm”. Bạn tin điều gì? Tin đạo. Đạo là gì? Thực tiễn hiếu đạo và sư đạo vào ngay đời sống của chúng ta. Đây không chỉ là nhân đạo, là Thần Thánh, mà còn là căn cơ đại đạo của chư Phật Như Lai. Chúng ta phải tin tưởng. Chỗ này nếu bạn không tin tưởng, đó chính là người xưa đã nói bạn tu thiện pháp có nhiều hơn cũng đều là hư giả, đều không phải chân thật, quyết định không thể thành tựu đức hạnh của bạn. Vì sao vậy? Bạn không có gốc, không có rễ. Hiếu đạo là gốc, sư đạo là rễ, phải từ chỗ này mà xây dựng tín tâm. Người bất trung bất hiếu, bội thầy phản đạo, cho dù thiện hạnh của họ có nhiều hơn, thì cũng giống như hoa trong bình nở vậy thôi, xem ra thì rất đẹp, qua hai ba ngày thì tàn tạ khô héo, vì không có gốc. Cho nên, chân thật muốn tu học thì nhất định phải từ gốc rễ mà tu, đầu tiên phải từ nơi gốc rễ mà xây dựng lòng tin.
Phật là sư đạo. Hiếu đạo là do lão sư dạy cho chúng ta, chúng ta mới hiểu rõ hiếu đạo. Nếu không có giáo huấn của thầy giáo, chúng ta làm thế nào hiểu được đạo hiếu? Không thể nào! Học trò làm sao hiểu được tôn sư trọng đạo? Do cha mẹ dạy. Cho nên, tôi vừa rồi nói, chúng ta ở trong sáu cõi được thân người, nếu muốn tiếp tục từ nơi công tác hoằng pháp lợi sanh, duyên thứ nhất của bạn, thiện tri thức thứ nhất là cha mẹ của bạn. Nếu cha mẹ của bạn có thể chân thật dạy bạn tôn sư trọng đạo thì cha mẹ bạn sẽ chọn cho bạn thầy giáo tốt, bạn hiểu được tôn sư trọng đạo. Thầy giáo tốt nhất định dạy bạn hiếu dưỡng cha mẹ. Thế là học vấn đức hạnh của bạn đã cắm gốc rồi, bạn ngay đời này liền có thể thành tựu đại đức.
Thế nhưng, xã hội ngày nay rất phiền phức, cha mẹ không hề dạy bạn tôn sư trọng đạo, thầy giáo ở trường cũng không dạy bạn hiếu thuận cha mẹ. Bạn nói xem, còn cách nào nữa không? Cho nên cứu vãn kiếp vận thế giới này ngày nay, ngoài chúng ta phải nương vào truyền giáo sư của tôn giáo ra, đã không còn con đường thứ hai có thể đi. Nếu giáo dục tôn giáo không thể hồi phục thì tai nạn thế gian tất nhiên sẽ hiện tiền.
Cho nên, chỗ này nói “giai phát tín tâm”, hai chữ “tín tâm” này sâu rộng không bờ mé, căn bản nhất chính là hiếu đạo và sư đạo, hai chữ này là căn bản nhất. Hai việc này là thiện căn chân chánh, thiện căn chân thật. Không tham, không sân, không si là từ trong hai cái căn bản này phát sanh ra. Vì sao vậy? Nếu như chúng ta còn có “tham-sân-si-mạn”, còn có “phải-quấy-nhân-ngã” chính là bất hiếu, bất kính. Người hiếu thân tôn sư chắc chắn là tan nhạt “phải-quấy-nhân-ngã”, buông bỏ “tham-sân-si-mạn”. Bao gồm tất cả thiện pháp đều từ đây mà sanh ra, đây gọi là thiện căn. Tín tâm cứu cánh viên mãn là đối với giáo huấn của chư Phật Như Lai, họ chân thật đem cội gốc của vũ trụ nhân sanh tìm ra được. Thế xuất thế gian tất cả pháp chân thật tường tận rồi. Họ làm sao có thể tường tận? Dựa vào phương pháp của họ, trên tổng nguyên tắc chính là nói “thiền định”. Thiền định sâu thẳm, đem không gian duy thứ đột phá, cho nên mới xem thấy được chân tướng sự thật, xem thấy được trong một cái gốc, một cái rễ phát sinh ra. Cái gốc rễ này chính là Phật ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, họ xem thấy cái này. Tận hư không khắp pháp giới, bao gồm tất cả chúng sanh đều là tâm hiện thức biến. Tin sâu không nghi đối với giáo huấn của Phật, chọn lấy nguyên tắc tu học Phật mà dạy cho chúng ta.
Nói đến thiền định, xếp bằng quay vào vách là một phương pháp tu thiền định. Nhà Phật nói “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, đó là một môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn. Chúng ta chọn lấy một môn nào? Chúng ta chọn lấy pháp môn niệm Phật. Chúng ta dùng phương pháp chấp trì danh hiệu để đạt đến thiền định sâu thẳm. Nếu chúng ta đột phá không gian duy thứ, Phật nói cho chúng ta nghe lời nói này, chúng ta phải đích thân đi chứng minh, xem có phải là tâm hiện thức biến hay không. Phải đợi chính mình đi chứng minh. Bạn chứng minh được rồi thì mới gọi bạn là đã chứng đạo, đã thành đạo.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 161)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.