GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 157/374
Nguyện thứ ba mươi ba: “Quang Minh Huệ Biện Nguyện”
Kinh văn: “Thân đảnh giai hữu quang minh chiếu diệu, thành tựu nhất thiết trí tuệ, hoạch đắc vô biên biện tài”.
Chúng ta đem nguyện phía sau đọc qua: “Thiện đàm chư pháp bí yếu, thuyết kinh hành đạo, ngữ như chung thinh, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”. Phía trước nguyện thứ 33, bên trên chúng ta đã từng đọc qua câu “Bỉ Phật thọ mạng vô lượng, quốc trung thiên nhân”, cũng chính là nói người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc có thọ mạng cũng vô lượng giống như A Di Đà Phật. Phật có quang minh vô lượng, cho nên người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là người cõi Phàm Thánh hạ hạ phẩm vãng sanh cũng “thân đảnh hữu quang minh chiếu diệu”. Từ ngay chỗ này, chúng ta có thể thấy ra được Thế giới Cực Lạc đích thực là pháp giới bình đẳng.
“Thân đảnh hữu quang minh”. Chỗ này cần phải chú ý đến, thân là thân quang. Chúng ta ở một số nơi xem thấy họa tượng của Phật, họa tượng bên cạnh thân của Phật thảy đều có ánh sang. Đảnh hữu viên quang, thân quang là cái ý này.
“Quang” đại biểu cho trí tuệ. Chúng ta xem thấy ở trên Kinh, A Di Đà Phật thân đảnh quang trung đều có thể hóa hiện vô lượng vô biên chư Phật, Phật lại phóng quang, biến chiếu hư không pháp giới tất cả chúng sanh. Bạn từ ngay chỗ này mà xem thấy, cảnh quan này thật là thù thắng. Phật như vậy, người sanh đến nơi đó cũng là như vậy. Loại cảnh tượng này rốt cuộc từ nơi đâu mà có? Phật có loại cảnh tượng này, đại khái chúng ta không cảm thấy hi kỳ. Phật là chứng được quả vị viên mãn, hay nói cách khác, kiến tư phiền não đoạn tận, trần sa phiền não cũng đoạn tận, vô minh phiền não cũng tận, đương nhiên tự tánh đầy đủ ánh sáng của trí Bát Nhã cũng là tròn đầy viên mãn hiển thị ra. Đây là người xưa đã nói “nội quang phát ngoại”, phát hiện ra bên ngoài. Cái quang này biến chiếu pháp giới, cho nên gọi là “quang minh chiếu diệu”. Thế Tôn ở trong Kinh Đại Thừa thường hay nói với chúng ta, quang chiếu của Phật cũng chính là nói tự tánh của chúng ta vốn đầy đủ trí quang Bát Nhã. Không chỉ trí quang, mà đức năng, tướng hảo thảy đều viên mãn đầy đủ.
Chúng ta ngày nay tại vì sao thành ra như thế này? Chúng ta đem trí quang của chính mình chuyển biến thành vô lượng vô biên phiền não tập khí. Cho nên bạn muốn hỏi, trí quang Bát Nhã của bạn ở đâu rồi? Chính là phiền não tập khí của bạn. Bạn đem nó biến thành phiền não tập khí, đem đức năng của bạn biến thành hình thái ngu ngờ của chúng ta hiện tại, tướng hảo biến thành thân tướng thô xấu. Tự tánh vốn đầy đủ trí tuệ đức tướng, thế nhưng ngày nay chúng ta đem nó biến thành ra như thế này, thật rất bi ai! Phật dạy chúng ta không gì khác là hồi phục Bát Nhã trí tuệ đức tướng của tự tánh mà thôi. Chúng ta phải tường tận. Phật nói với chúng ta, tại vì sao chúng ta có thể biến thành ra như thế này? Đây là điều rất bất hạnh, vô lượng kiếp trước mê mất đi tự tánh, mê mất đi trí tuệ, cho nên biến thành phiền não; mê mất đi đức tướng, cho nên biến thành thân thể hữu lậu hiện tại này của chúng ta. Phật cùng Pháp Thân Đại Sĩ giác ngộ rồi, liền đem cái thân tướng hữu lậu hồi phục đến tự tánh. Tánh đức viên mãn hiện tiền chính là sự việc như vậy mà thôi.
Chúng ta hiện tại mỗi một vị đồng tu đều rất là ngưỡng mộ trí tuệ của Phật Bồ Tát, ngưỡng mộ tướng hảo của Phật Bồ Tát. Phật đích thực dạy bảo chúng ta, chúng ta phải có thể nghe hiểu, phải có thể lý giải, phải có thể tin tưởng, phải có thể y giáo phụng hành. Y giáo phụng hành là gì? Nỗ lực đi chuyển cảnh giới. Chúng ta mê được quá lâu rồi, mê được quá sâu rồi, chuyển cảnh giới làm gì mà dễ dàng như vậy? Thế nhưng không thể không chuyển, nếu không chuyển thì bạn không thể thành tựu, bạn vẫn cứ là phải luân hồi sáu cõi. Sáu cõi luân hồi là quá đáng sợ, chúng ta không thể không biết.
Việc lớn thứ nhất là khai mở trí tuệ. Trí tuệ từ chỗ nào mà khai mở? Từ tâm thanh tịnh mà khai mở. Làm thế nào được tâm thanh tịnh? Buông xả duyên lự thì tâm của bạn mới được thanh tịnh. Chúng ta có thể chân thật buông xả hay không? Vào thời xưa, hoàn cảnh tu học tốt, mê hoặc ngoài thân ít, cho nên tương đối dễ dàng thành tựu. Hiện tại chúng ta học Phật, thực tế mà nói là đại nạn, tâm của chúng ta không thể định lại. Nếu như chúng ta hơi lưu ý một chút thì chúng ta liền sẽ phát hiện. Người xưa đã nói: “Phụ bất phụ, tử bất tử”. Xã hội này ngày nay là như vậy. Tiên sinh Phương Đông Mỹ năm xưa nói với tôi (lời nói này là sắp gần 50 năm trước, đã nửa thế kỷ rồi, khi tôi học triết học với lão sư Ngài, muốn đến trường học để nghe bài giảng của thầy): “Trường học ngày nay, tiên sinh không giống tiên sinh, học trò không giống học trò”. Ngay lúc đó, tôi nghe lời nói này rất không dễ gì thể hội được ý nghĩa này, nhưng hiện tại tôi hoàn toàn tường tận. Hiện tại cả thảy xã hội, chân thật là tiên sinh không giống tiên sinh, học trò không giống học trò. Chúng ta muốn học gì đó, rốt cuộc theo học với ai thì không biết được, vậy bạn còn có thể học ra được hay sao? Bạn nói: “Tôi theo vị thầy này học”, điều này thì chưa thấy được, người khác nói vài câu thì bạn nghe lời họ, lập tức liền đi theo họ, bội sư phản đạo. Thế nhưng cái tội danh này không nên gán cho bạn, vì sao vậy? Bạn vốn dĩ không hề xem người đó là thầy giáo thì làm gì có bội thầy phản đạo chứ? Bạn vốn dĩ không có thầy, bạn cũng không có đạo. Người bội thầy phản đạo, họ còn có thầy, họ còn có đạo, còn hiện tại là bạn căn bản ngay thầy và đạo đều không có, vậy thì bạn bội cái gì, phản cái gì? Cho nên nói, bội thầy phản đạo đó là tôn trọng họ, đề cao họ, cho dù bất cứ người nào nói cũng đều nghe.
Hiện tại ở trong nhà sách, tôi đến nhà sách, đi qua mấy lần, Đại Chúng Thư Cục là một nhà sách rất lớn, tôi vừa bước vào, từ trường này vô cùng không tốt, không giống như ngày trước. Nhà sách lúc trước có từ trường tốt, có thể nghe được mùi thơm của sách. Nhà sách bây giờ vừa bước vào thì đầu óc muốn nổ tung, u ám chướng khí. Tại sao lại như vậy? Tràn đầy tà tri tà kiến, nó không phải là chánh pháp, cho nên khi bước vào sẽ làm cho người bị nhức đầu, rất không bình thường! Nếu như các vị tỉ mỉ mà so sánh qua, các vị đi tham quan qua mấy nhà sách xem, bước vào trong đó hơn nửa giờ đồng, bạn lại bước vào Phật đường ở đây cũng là nửa giờ đồng hồ, bạn sẽ cảm nhận một chút không khí của hai nơi, lập tức liền có thể nhận ra chân thật là không giống nhau. Vậy thì liền biết được, hiện tại trong nhà sách bán ra là những loại sách gì, nội dung trong những cuốn sách đó nói gì, dạy người làm gì. Ngày nay, báo chương, tạp chí, truyền hình, ngay nhà sách, internet thì càng không cần phải nói rồi, những thứ này là giáo dục xã hội, đem xã hội dạy thành ra như thế này. Đây là xã hội gì vậy? Xã hội động loạn, xã hội bất an, ở trong thế gian này, thân tâm không an, lộ ra lo âu, bồn chồn. Vì sao trên thế giới này có rất nhiều trẻ nhỏ, học trò tự sát? Tỉ lệ tự sát càng ngày càng nhiều hơn, vì sao có hiện tượng này? Sống không chịu nổi, thế gian này quá phiền rồi.
Chúng ta được xem là có may mắn, vô lượng kiếp đến nay có được chút thiện căn phước đức nhân duyên, gặp được chánh pháp. Nếu bạn muốn tu học có thành tựu, không luận xưa nay trong và ngoài nước, vẫn là một quy củ xưa, nguyên tắc xưa, vĩnh viễn không thể thay đổi, đó chính là thầy giáo. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong “A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung Kinh”, câu thứ nhất liền dạy cho chúng ta “thân cận minh sư, thân cận thiện tri thức”. “Kinh Hoa Nghiêm” sau cùng làm ra một điển phàm cho chúng ta xem, đó là Thiện Tài Đồng Tử tham phỏng thiện hữu (thiện hữu là lão sư), tầm sư học đạo. Chúng ta có thể học Thiện Tài hay không? Không có tư cách! Điều kiện thế nào mới có thể giống như Thiện Tài tầm sư học đạo vậy? Nhà Phật có tiêu chuẩn (ngày trước nhà Nho cũng có tiêu chuẩn), nhất định bạn phải khai ngộ, Năm Mươi Ba Tham là sau khi ngộ rồi khởi tu. Thiện Tài Đồng Tử khai ngộ rồi. Ngài ngộ là cảnh giới gì vậy? Trong Thiền tông Trung Quốc gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, đây là cảnh giới của Ngài. Lão sư của Ngài là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Văn Thù biểu thị trí tuệ, từ nơi Bồ Tát Văn Thù mà khai trí tuệ, hay nói cách khác, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của Ngài đã đoạn rồi, kiến tư phiền não không còn, trần sa phiền não không còn, vô minh cũng phá một phẩm, đây là Ngài ở dưới hội của Văn Thù Sư Lợi. Văn Thù là lão sư của Ngài, Ngài có sư thừa. Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là bạn tốt nghiệp rồi, người xưa gọi là xuất sư, bạn có thể rời khỏi lão sư, có thể có tư cách ra bên ngoài tham học. Nếu như bạn có một phẩm vô minh chưa phá thì bạn không có tư cách tham học. Đây là sợ điều gì vậy? Nghe cái này không tệ, nghe cái kia cũng không tệ, tín tâm của bạn liền dao động, tiền đồ của bạn bị hủy mất rồi. Cho nên, lão sư đối đãi học trò, ràng buộc rất là nghiêm khắc.
Ngày trước, tôi trải qua học tập, đã từng nói qua với các bạn rất nhiều lần, cung cấp cho các bạn làm tham khảo, nếu bạn muốn thật có thành tựu thì phải giữ quy củ xưa. Hiện tại thiện tri thức không chỉ là có thể gặp không thể cầu, gặp cũng không thể gặp được, cầu thì không cần phải nghĩ. Ở thời đại này của chúng ta phải làm sao? Đại đức xưa, thiện hữu trước một đời dạy bảo chúng ta, làm đệ tử tư thục của người xưa, biện pháp này thì tốt. Tìm một vị Đại đức xưa làm lão sư. Người đó đã không còn, người không còn mà trước tác của họ còn. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy tôi lấy Đại Sư Ấn Quang làm thầy. Đại Sư Ấn Quang là thầy của Lão cư sĩ. Thầy khiêm tốnnói: “Chúng ta là đồng học, chúng ta đều nương theo Đại Sư Ấn Quang”. Làm cách nào để nương theo? Ngày ngày đọc “Văn Sao”, ngày ngày học tập “Văn Sao”. “Văn Sao” là Đại Sư Ấn Quang giáo huấn đối với đại chúng. Chúng ta phát nguyện làm học trò tốt của Đại Sư Ấn Quang, tiếp nhận pháp của Ngài, y giáo phụng hành, đây chính là học trò của Đại Sư Ấn Quang. Đến lúc nào chính mình chân thật có giác ngộ, có kiến địa rồi (kiến địa là có năng lực phân biệt tà chánh, phải quấy, chân vọng của thế xuất thế gian pháp), thì bạn liền có thể đi tham học. Nếu không có năng lực phân biệt thì bạn không thể tham học. Việc này chính mình phải biết. Vì hiện tại không có người ràng buộc bạn, nên chính mình cần phải ràng buộc chính mình. Nếu như không có năng lực, nghe người khác nói chuyện, còn bị cảnh giới bên ngoài dao động, vậy thì làm sao được? Bạn sẽ sanh ra nghi hoặc đối với chính mình đã học, vậy thì có đáng sợ không?
Thí dụ, ngày nay chúng ta học quyển Kinh này, đây là bổn hội tập mới, được hội tập 70 năm trước, Lão cư sĩ Hạ Liên Cư truyền cho học trò của Ngài. Ở Trung Quốc đại lục, tiếp nhận truyền thừa là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Ngoài ra, Ngài còn có một học trò cũng là người tại gia, cư sĩ Hoàng Lô Sơ thân cận Hạ lão nhiều năm, là bạn học với lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Trong bạt văn có nhắc đến ông. Về sau ông đến Đài Loan, xuất gia ở Đài Loan, là Pháp sư Luật Hàng. Ở tại Đài Trung, bổn hội tập này chính là Pháp sư Luật Hàng mang đến Đài Loan. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng Kinh nói pháp ở Đài Trung, ông đem quyển này tặng cho lão sư Lý. Lão sư Lý vừa xem qua rất là hoan hỉ, vì phía trước có một thiên lời tựa rất dài là do thầy của ông – cư sĩ Mai Quang Hi viết. Cư sĩ Mai Quang Hi là lão sư của cư sĩ Lý Bỉnh Nam, giáo lý của lão sư Lý là học với Ngài. Lão sư Lý cũng có mấy vị lão sư, Tịnh Độ là Đại Sư Ấn Quang truyền, cho nên có một cội nguồn như vậy, có truyền thừa của thầy. Mai lão và Hạ lão là bạn học, duyên của hai vị này rất sâu, quan hệ rất là tốt, tuổi tác cũng gần bằng nhau. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi: “Cuối đời, Mai Quang Hi bái cư sĩ Hạ Liên làm thầy”. Sự việc này rất ít người biết được. Mai Quang Hi là cậu của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Cuối đời có thể bái bạn học làm thầy, nếu không phải là bội phục đến sát đất thì làm sao có thể làm được? Không phải người thông thường! Các Ngài đã truyền thừa bộ Đại Kinh này. Cho nên, Lý lão sư sau khi tiếp nhận được quyển Kinh này thì lập tức liền khai giảng ở Đài Trung, đồng thời chính ông cũng viết ra mi chú (chúng ta đều in nó ra, các vị xem thấy quyển mi chú này viết vào năm 1950, năm nay vừa đúng 50 năm).
Lần này, không ít người từ bên ngoài đến tham gia kỷ niệm ba năm Hàn Quán Trưởng mất, tôi đem bản nguyên gốc này mang ra, không ít người xem thấy qua. Một quyển sách cũ từ 50 năm trước, tôi gìn giữ rất là hoàn chỉnh, không bị tổn hại. Tôi ở Đài Trung mười năm, lão cư sĩ Lý đem quyển này giao cho tôi, tôi có trách nhiệm y theo quyển này tu học, tôi cũng có sứ mạng hoằng dương quyển này. Sư Ngộ Văn, thời gian pháp hội ông ấy cũng đến hai ngày, mang đến một số tạp chí cho tôi xem và nói: “Pháp sư! Có người phê bình quyển này”. Tôi nói: “Tôi biết! Người phê bình quá nhiều, các vị có thể nghe, tôi sẽ không nghe. Nếu như tôi nghe những tin tức này thì tôi ở Đài Trung mười năm xem như học uổng phí rồi, lão sư Lý đem quyển này truyền lại cho tôi, Ngài đã nhìn sai người rồi!”. Các vị nghĩ xem có đúng không? Đừng nói người thông thường hủy báng quyển này, hiểu sai đi quyển này tôi sẽ không để ý, mà chư Phật Bồ Tát hiện tiền nói quyển này không đáng tin, còn có quyển khác tốt hơn, tôi cũng sẽ không để ý họ, tôi cũng sẽ không tiếp nhận. Vì sao vậy? Nếu tôi tiếp nhận, đó chân thật là bội sư phản đạo, vong ân phụ nghĩa. Ngay nhân cách làm người cũng không có, bạn còn nói gì đến học Phật? Thế Tôn dạy người học đạo, trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, câu đầu tiên là “hiếu kính cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, hai câu nói này thì tôi hoàn toàn trái nghịch, vậy thì phía sau không cần phải nói đến. Cho nên, tôi nói các bạn học đạo không có lão sư, đó là đương nhiên, vì bất cứ người nào, các bạn đều có thể nghe. Tôi có lão sư, cho nên ngoài lão sư ra, tôi sẽ không nghe. Các vị nói tương ưng với lão sư của tôi nói thì tôi nghe, không tương ưng thì tôi nhất định sẽ không nghe. Tu học hoằng pháp của tôi có phương hướng, có quỹ đạo, có y cứ, làm sao có thể dễ dàng bị người khác dao động, vậy còn có thể thành tựu hay sao? Thành tựu mà còn không dễ, bạn còn có năng lực gánh vác gia nghiệp của Như Lai hay sao? Hoằng pháp lợi sanh là gia nghiệp của Như Lai. Đạo lý này chúng ta phải hiểu thì gốc của chúng ta mới có thể cắm được chắc, đạo nghiệp của chúng ta mới có hy vọng thành tựu.
Giống như cái nguyện này đã nói: “Thành tựu nhất thiết trí tuệ, hoạch đắc vô biên biện tài”. Biện tài từ chỗ nào mà có? Biện tài từ trí tuệ mà có. Trước tiên phải thành tựu tất cả trí tuệ. Tất cả trí tuệ, cái duyên này là thiện tri thức. Tôi thân cận lão sư. Khi còn trẻ, tôi có ba vị lão sư. Ba vị lão sư dạy cho tôi nguyên lý nguyên tắc hoàn toàn giống nhau, đó chính là nghe một mình thầy dạy, không được nghe người khác nói. Không phải nói người khác giảng không hay, không phải là cách nói như vậy, mà là vì mỗi một người có con đường, tư tưởng của mỗi người không giống nhau, phương pháp tu học của mỗi một người cũng không hề giống nhau. Cho nên, chúng ta chỉ có thể học một người, không thể học nhiều. Phải cắm gốc ở một lý, gốc sâu bền vững, sau đó mới có thể thông suốt được tất cả. Đây là phương pháp giáo học cổ xưa của chúng ta, bám sâu, không giống như cách giáo dục của trường học ngày nay.
Tôi cùng Phương tiên sinh học triết học, Phương tiên sinh không để tôi đến trường học để nghe bài, do nguyên nhân gì vậy? Sợ tôi quen biết thầy giáo quá nhiều, quen biết bạn học quá nhiều, nghe ở đây một chút, nghe ở kia một chút, tư tưởng của tôi liền loạn, hay nói cách khác, tôi chỉ có thể có được một ít thường thức của triết học, còn tinh túy của triết học thì tôi không học được. Cho nên thầy rất là từ bi, thầy để tôi đến nhà của thầy học, mỗi chủ nhật thầy dạy cho tôi hai giờ đồng hồ. Lên lớp ở trong nhà của thầy, học trò chỉ có một mình tôi, chúng tôi là một đối một mà dạy. Từ bi đến tột đỉnh! Đây là sư thừa. Thật là không dễ dàng! Tôi không có đóng học phí, cũng không có cúng dường. Vào lúc đó, đời sống của tôi rất là khốn khó, nhưng lão sư đối với tôi tốt đến như vậy, yêu thương đến như vậy là do nguyên nhân gì? Chịu học, hiếu học, chính cái điểm chân thành này đã cảm động lão sư.
Sau khi tiếp xúc với Phật pháp, tôi rất may mắn quen biết Đại Sư Chương Gia, tôi theo học với thầy ba năm. Phương thức của Đại Sư giống y như Phương tiên sinh, cũng là mỗi một tuần dạy cho tôi hai giờ đồng hồ. Tôi thân cận Đại Sư ba năm, mãi đến khi Ngài vãng sanh. Gốc của tôi từ đây mà cắm vào. Một năm sau khi Đại Sư Chương Gia vãng sanh, tôi thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung. Ngày đầu tiên gặp mặt, thầy liền nói ra điều kiện.
- Điều kiện thứ nhất, chỉ có thể theo học với thầy, ngoài thầy ra, bất cứ pháp sư, cư sĩ Đại đức nào giảng Kinh nói pháp đều không được nghe.
- Điều kiện thứ hai, không luận xem sách gì, sách Phật cũng vậy, thư tịch thông thường cũng vậy, không được sự đồng ý của thầy thì không cho phép xem.
- Điều kiện thứ ba, thầy biết tôi ngày trước đã thân cận Đại Sư Chương Gia, thân cận tiên sinh Phương Đông Mỹ, hai người này thầy cũng rất là bội phục, thế nhưng thầy nói: “Những gì mà ông học trước đây với các Ngài đều phải bỏ hết, tôi không thừa nhận, ông học lại từ đầu. Ba điều kiện này ông tiếp nhận thì được, ông ở lại chỗ tôi học, không tiếp nhận thì ông đến nơi khác mà học”.
Tôi tiếp nhận điều kiện của thầy. Đây gọi là sư thừa. Lão sư rất tốt. Điều kiện này có hiệu lực thời gian năm năm, sau năm năm thì sách gì cũng có thể xem, người khác giảng bất cứ thứ gì bạn đều có thể nghe, trong năm năm thì nhất định không được. Tôi dùng phương pháp này có được lợi ích rất tốt, đại khái khoảng hai đến ba tháng liền cảm thấy được tâm thanh tịnh, nhãn căn thanh tịnh, nhĩ căn thanh tịnh, ý căn thanh tịnh. Nhãn căn có rất nhiều thứ đều không được xem, nhĩ căn có rất nhiều thứ đều không được nghe, ý thì có rất nhiều thứ cũng không được nghĩ đến. Tâm thanh tịnh liền sanh trí tuệ. Sanh được một chút trí tuệ, khi nghe lão sư Lý giảng Kinh nói pháp, thể hội liền không giống nhau. Tôi nghe Kinh có được lĩnh ngộ, thể hội được so với bạn học thông thường sâu hơn, được rộng hơn, liền được chỗ tốt. Sau nửa năm thì hiệu quả càng rõ rệt. Tôi cảm tạ lão sư và nói với Ngài: “Phương pháp này tốt, có hiệu quả, lão sư Ngài hạn chế con năm năm, con tự động thêm năm năm”. Tôi tuân thủ phương pháp của lão sư Lý mười năm. Như vậy thì tâm bạn mới có chủ tể, trong sáu Ba La Mật, bạn mới có Thiền định, mới có Bát Nhã.
Ngạn ngữ có câu: “Tám gió thổi không động”. Tám gió thổi không động thì bạn có sức định nho nhỏ rồi. Chúng ta lấy thí dụ này để nói. Cái bạn thấy, cái bạn nghe, ý kiến phản đối thì bạn mỉm cười cho qua, tuyệt đối không bị nó làm dao động. Những ngôn luận của họ, những cử chỉ của họ, bạn rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, đó là trí tuệ. Bạn vừa nhìn là thấu suốt hết, không chỉ trước mắt có thể nhìn thấu họ, còn có thể nhìn thấu được quả báo tương lai của họ. Khi có năng lực này, bạn mới có thể tham học. Thành tựu tất cả trí tuệ, đạt được vô biên biện tài, bạn mới có thể tham học. Tham học là gì? Không luận bất cứ người nào diễn giảng bạn đều có thể nghe, không luận bất cứ sách gì bạn đều có thể xem. Vì sao vậy? Bạn có năng lực phân biệt tà chánh, bạn có năng lực phân biệt phải quấy, bạn có năng lực phân biệt chân giả. Họ thành tựu hậu đắc trí của bạn, họ sẽ không phá hoại bạn, họ sẽ không ảnh hưởng căn bản trí của bạn, trái lại họ có thể thành tựu hậu đắc trí của bạn. Hậu đắc trí là không gì không biết. Cho nên chúng ta trước khi chưa có được định huệ, nên giữ giáo huấn của lão sư là chắc chắn đúng đắn. Tôi giới thiệu lão sư cho các vị đồng tu là “Kinh Vô Lượng Thọ”, nương A Di Đà Phật làm lão sư, lấy bổn hội tập này làm lão sư. Thế nhưng phải làm thế nào để đọc bổn hội tập này? Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói qua: “Thọ trì bổn hội tập, chí ít phải đem năm loại nguyên bản dịch đọc qua một lần, hoặc giả đọc qua vài lần, sau đó đối với bổn hội tập này, bạn liền sanh tín tâm kiên định không thay đổi”. Phàm hễ nói những lời nói này là họ chưa đọc qua năm loại nguyên bản dịch, họ đến là để phá hoại, không có dụng ý khác. Việc này đã tạo ra tội nghiệp rất sâu, là phá hòa hợp tăng, phá Tam Bảo, là tội nghiệp cực trọng.
Muốn đạt được định huệ, nền tảng của định huệ là gì? Gốc của định huệ, gốc của chúng ta tu hành là quan niệm lý luận, “hiếu thân tôn sư” là gốc, “tịnh nghiệp tam phước” là gốc. Phật nói được rất rõ ràng, “ba đời chư Phật, chánh nhân tịnh nghiệp”, cho nên đây là gốc. Từ nơi gốc này mà nẩy mầm. Mầm là cái gì? “Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Gốc này của bạn là sống. Nếu như không có sự tu trì này, cái gốc này chôn xuống đất là chết, không phải sống, nó vẫn chưa nẩy mầm, vậy thì gốc này có ích gì chứ? Cho nên tu hành từ nơi nào mà khởi tu? Bồi dưỡng tâm từ bi, hành mười nghiệp thiện; khởi tâm động niệm, lời nói việc làm phải dùng mười thiện để đối chiếu, bạn so sánh một chút xem nó có trái ngược hay không? Nếu như trái ngược với mười nghiệp thiện, vậy thì bạn đang làm việc sáu cõi ba đường. Nếu như tương ưng với mười nghiệp thiện, vậy thì tốt, cái mầm này của bạn sẽ phát khởi được tốt. Từ trên nền tảng này thêm vào dụng công, gia công dụng hạnh, tu tam quy là “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”, thì cái gốc này của bạn lớn thành cây, lớn thành một cây nhỏ. Ý nghĩa của “tam quy” phải rất rõ ràng, rất tường tận. “Quy” là quay đầu, “y” là nương tựa; ta từ mê tà nhiễm quay đầu lại, nương vào Giác-Chánh-Tịnh. Chân thật có chỗ quay về, có chỗ nương tựa.
Đại đức xưa ngoài việc này ra, còn dạy chúng ta tìm một điển hình, tìm một tấm gương để thay đổi chính mình. Phương pháp này đích thực là tốt, là của Thích Ca Mâu Ni Phật truyền cho. Trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Thiện Tài Đồng Tử chính là một tấm gương tốt của tu hành, chính là một điển hình. Thiện Tài thân cận một vị thiện tri thức là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, đây đều làm điển hình, làm tấm gương cho chúng ta. Chúng ta mới có thể thành tựu, không gì không biết. Đến lúc đó, tất cả chúng sanh đều là thiện hữu, “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Thành tựu không gì không biết của ta, đây mới là trí tuệ chân thật viên mãn. Không phải bạn ở trong nhà bế quan mà có thể thành tựu, mà là ở trong đời sống làm việc, trong đối nhân xử thế tiếp vật học tập mà thành tựu. Sáu căn tiếp xúc toàn là thiện tri thức, toàn là Phật Bồ Tát thì bạn mới có thể thành tựu trí tuệ viên mãn của chính mình, làm gì mà đơn giản như vậy? Cho nên, trước tiên cần phải đoạn phiền não, cũng chính là chúng ta thường nói “phải buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta, hồi phục thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác của chính mình”; lấy thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác để tham học, để tiếp xúc ngoại vật, vậy mới có thể thành tựu trí tuệ chân thật, trí tuệ vô lượng, thành tựu vô lượng biện tài. Nếu không ở nơi đây mà hạ thủ công phu, cho dù chúng ta tu học thế nào, tu cả một đời cũng không thể thành tựu.
Cho nên, việc đầu tiên chính là quan niệm lý luận nhất định phải rõ ràng, đó là “hiếu thân tôn sư”. Phật pháp là sư đạo, mà sư đạo được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo, cho nên nền tảng của Phật pháp là hiếu đạo. Nền tảng giáo hóa chúng sanh của cổ Thánh tiên Hiền chúng ta cũng là ở hiếu đạo. Phật giáo truyền đến Trung Quốc, vì sao được người Trung Quốc nhiệt liệt hoan nghênh, nhiệt liệt yêu thích, Trung Quốc mở mang rộng lớn? Quan niệm lý luận cơ bản hoàn toàn tương đồng, đạo lý chính là như vậy, là sư đạo. Sư đạo không còn thì hiếu đạo cũng sẽ không còn. Sư đạo và hiếu đạo có quan hệ mật thiết, có thể nói là quan hệ biểu lý. Xã hội ngày nay, hiếu đạo không còn nữa, sư đạo cũng không còn, cho nên ngày nay chúng ta tu học phải tuân thủ phương pháp của người xưa dạy cho chúng ta, đó là tư thục người xưa.
Ngày nay, chúng ta lấy “Kinh Vô Lượng Thọ” làm lão sư, nương vào “Kinh Vô Lượng Thọ” để tu học. “Kinh Vô Lượng Thọ” tổng cộng có chín bản, trong đó năm loại là nguyên bản dịch, hai loại bổn hội tập, một loại là bổn tiết hiệu của Khang Tăng Khải, một loại là của cư sĩ Bàng Tế Thanh làm. Chín bổn này phải nên đem nó đọc qua một lần, chí ít phải đọc một lần, có thể đọc qua ba đến năm lần thì rất tốt, sau đó một lòng một dạ thọ trì bổn hội tập của Hạ Liên Cư, bạn liền có thể đoạn nghi sanh tín, bạn liền có thể ở ngay trong một đời này có thành tựu huy hoàng không thể nghĩ bàn.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 157)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.