GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 194/374
Có lẽ chúng ta muốn hỏi: Người tạo tác tội nghiệp cực trọng, lâm chung niệm Phật vãng sanh thì phẩm vị rất thấp phải không? Đây là người bình thường chúng ta tưởng tượng, thế nhưng vượt ngoài dự đoán của chúng ta. Thế Tôn nói với chúng ta, A Xà Thế vương vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị là thượng phẩm trung sanh. Chúng ta ban đầu nghe được thì rất là nghi hoặc, đại hoặc bất giải, về sau Đại Thừa giáo huân tập lâu rồi thì chúng ta dần dần tường tận.
Công đức sám hối không thể nghĩ bàn. Người xưa chúng ta thường nói: “Lãng tử hồi đầu vàng không đổi”. Họ chân thật quay đầu. Khi chưa hồi đầu thì họ là người ác, khi hồi đầu thì chân thật là người tốt, không còn là người ác nữa. Do đó, chúng ta đối với người làm ác chắc chắn không dám xem thường, nói không chừng, họ lâm chung sám hối vãng sanh, phẩm vị còn cao hơn chúng ta, chúng ta một đời tu học vẫn không bằng họ. Thế là chúng ta tường tận, vãng sanh có hai loại phương pháp tu hành. Một cách là bình thường tích công bồi đức, y giáo tu hành, con đường này là ổn định mà đi. Ngoài ra, còn có một cách là lâm chung sám hối, cũng có thể lấy được phẩm vị cao. Nói đến chỗ này, có một số người nhất định sẽ nghĩ: “Không cần lo! Tạo nghiệp nhiều một chút, làm nhiều việc xấu một chút, lúc lâm chung thì ta sám hối cầu vãng sanh”. Bạn giữ ý niệm này thì bảo đảm bạn không thể vãng sanh. Do nguyên nhân gì? Bạn giữ tâm lý may mắn, bạn cố phạm thì làm sao được? Quyết định không nên giữ cái tâm may mắn, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Có phải là mỗi một người tạo tác tội nghiệp cực trọng, khi lâm chung đều biết sám hối, đều sẽ vãng sanh không? Chân thật là ngay trong ngàn vạn người khó tìm được một người. Bạn cho rằng bạn là một người ngay trong ngàn vạn người đó hay sao? Cho nên, không nên để lỡ việc lớn của chính mình.
Xin nói rõ hơn với các vị, loại người tạo tội nghiệp cực trọng mà lâm chung được vãng sanh là chắc chắn họ đã có thiện căn sâu dày ở trong đời quá khứ, nếu không mà nói khi họ lâm chung làm sao có thể sám hối? Ngay trong đời quá khứ đời đời kiếp kiếp công phu tu tập của họ cũng sắp thành tựu rồi, ngay đời này được thân người thì bỗng chốc bị hồ đồ, khi lâm chung gặp được duyên thì bỗng chốc tỉnh ngộ ra. Cho nên, đây không phải là họ may mắn. Nếu như không có thiện căn sâu dày, lúc lâm chung gặp được thiện tri thức nhắc nhở bạn thì căn bản bạn không thể tin tưởng, không thể tiếp nhận, như vậy vẫn là oan uổng. Thí dụ này tôi đã thấy qua.
Khi tôi mới vừa xuất gia ở chùa Lâm Tế Viên Sơn Đài Bắc. Chùa Lâm Tế có một hội niệm Phật, Phó hội trưởng Lâm Đạo Kỳ – Lâm tiên sinh là người Phúc Châu. Bạn xem, ông là Phó hội trưởng của hội niệm Phật, bình thường khi cộng tu thì ông làm duy na, ông đánh pháp khí rất tốt, dẫn chúng niệm Phật, thế nhưng đến lúc lâm chung, người khác trợ niệm cho ông thì ông lại cự tuyệt, nghe đến Phật hiệu thì ông liền bài trừ. Bạn liền biết được, nghiệp chướng này hiện tiền là đáng sợ cỡ nào! Bình thường thì ngày ngày niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, đến lúc lâm chung thì lại không làm. Vì sao vậy? Sợ chết, nghe nói vãng sanh, “vậy thì phải chết rồi!”, lo sợ khủng khiếp, không cho người khác niệm Phật. Đây là ngay lúc đó chúng tôi chính mắt xem thấy được. Nghiệp chướng hiện tiền, không cho bạn làm chủ chính mình, việc này có đáng sợ không? Cho nên cả đời tạo tác tội nghiệp, lúc lâm chung nghe được Phật hiệu liền sanh tâm hoan hỉ, chân thật phát tâm sám hối quay đầu thì chắc chắn là người có thiện căn rất sâu dày, quyết định không phải là người thông thường. Điều này có thể khẳng định. Họ tạo tác tội nghiệp ở trong đời này là do gặp duyên không đồng. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này.
Loại thù thắng thứ năm, trên Kinh nói là Nhị thừa căn khuyết, mau chóng thì họ chuyển biến thành Nhất thừa (Nhất thừa là Pháp Thân Đại Sĩ). Đây là nói người căn tánh Ngũ thừa, thông thường chúng ta gọi là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Năm loại căn tánh khác nhau này chỉ cần sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều chuyển biến thành Nhất thừa. Nhất thừa là thật, Ngũ thừa là phương tiện nói. Thế Tôn ở trên “Kinh Pháp Hoa” nói: “Duy hữu Nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam, trừ Phật phương tiện nói”. Ý nghĩa này chính là nói rõ, phương tiện vãng sanh liền chuyển biến thành chân thật. Việc này không thể nghĩ bàn. Ở thế gian này của chúng ta tu hành rất là gian khổ, rất không dễ gì vượt khỏi sáu cõi. Sau khi siêu việt sáu cõi mới thành A La Hán. A La Hán lại hướng lên trên tấn tu, hồi tiểu hướng đại, đó mới là Đại Thừa Quyền Giáo Bồ Tát. Đến lúc nào bạn mới siêu việt mười pháp giới? Phá một phẩm vô minh, chứng một phần chân tánh, đây mới là Nhất Thừa. Quá khó rồi! Chúng ta đọc được ở trên Kinh Đại Thừa mới biết được thời gian tu từ Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát đến Đẳng Giác là ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Ba đại A Tăng Kỳ kiếp không phải nói Bồ Tát Địa Tiền của Viên Giáo. Còn sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng đều là A Duy Việt Chí Bồ Tát. Điều này chúng ta đã đọc trong 48 nguyện ở trên Kinh. Đây chính là nói Ngũ Thừa sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng chuyển biến thành Nhất Thừa A Duy Việt Chí. A Duy Việt Chí là quả vị Bồ Tát từ Thất Địa trở lên. Các Ngài tuy là chưa chứng được, thế nhưng tất cả thọ dụng của các Ngài cùng Bồ Tát Thất Địa không hề khác, trí tuệ thần thông đức tướng đều gần giống như Bồ Tát Thất Địa trở lên. Bạn đến nơi nào để tìm? Đích thực là thù thắng độc diệu.
Ý nghĩa thứ sáu, người xưa nói: “Vãng sanh chánh nhân, dễ tu dễ đạt”. Vãng sanh chánh nhân, việc này trên Kinh nói rất hay. Chúng ta xem “Tam Bối Vãng Sanh” trong Kinh văn, các vị có thể xem thấy ra chánh nhân vãng sanh hay không? “Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”, đây chính là chánh nhân vãng sanh. Các vị xem, thượng bối, trung bối, hạ bối đều có câu nói này. “Nhất hướng” là một phương hướng, một mục tiêu. Chúng ta ngay một đời này ở thế gian chỉ đi theo một phương hướng, một mục tiêu thì chắc chắn thành tựu, thành tựu thù thắng không gì bằng. Không luận là người nào, nam nữ già trẻ, bần phú quý tiện, chỉ cần bạn chịu niệm thì bạn chắc chắn vãng sanh.
Chịu niệm cũng không phải dễ dàng. Bên cạnh Cư Sĩ Lâm có biết bao nhiêu người, bạn bảo họ niệm nhưng họ có chịu niệm không? Họ ở ngay ngoài cửa mà họ không chịu đến niệm, còn các vị có rất nhiều người từ nước ngoài đến, ngồi phi cơ hơn mười giờ đồng hồ để đến nơi này niệm. Từ ngay chỗ này, chúng ta liền có thể thể hội, Phật đã nói thiện căn, phước đức, nhân duyên. Người không thể không có thiện căn. Bạn từ bên kia của địa cầu bay đến bên đây là vì bạn có thiện căn, ở cạnh bên vách nhưng vì họ không có thiện căn nên họ không đến. Người niệm Phật có phước. Thiện căn, phước đức, nhân duyên, ba điều kiện này đích xác không dễ gì đầy đủ. Ba điều kiện ở trong một thời gian đầy đủ, ở trong một đời đầy đủ rồi, bạn ở ngay trong một đời khẳng định thành tựu.
Không nên nói Phật pháp hiện tiền, mà Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời, tăng đoàn của Thế Tôn có thể vừa được lòng người hay không? Không làm được. Thế Tôn rất thành thật, quyết không lừa dối người, quyết không che giấu lỗi lầm của chính mình. Phật dạy chúng ta phát lồ sám hối, Ngài dẫn đầu làm tấm gương. Trong tăng đoàn năm xưa, Lục quần Tỳ Kheo thường hay ở trong tăng đoàn gây phải quấy, làm cho mọi người đều không an ổn, huống hồ là ở vào Thời kỳ Mạt Pháp này. Người phê bình tăng đoàn này của chúng ta rất nhiều, bởi vì có rất nhiều người đến đây để tham học, sau khi tham học người thoái tâm rất nhiều. Có người đến nói với tôi, tôi gật đầu nói: “Đúng, đúng là như vậy!”. Họ cảm thấy tăng đoàn này của chúng ta không vừa ý, về nhà chính mình niệm Phật có được hay không? Tôi nói: “Được, tốt, rất tốt! Chỉ cần bạn chịu niệm thì tốt rồi”. Chúng ta phải bình lặng mà nghĩ tưởng. Hiện tại ở thế gian này, tìm giống như một tăng đoàn không viên mãn, đạo tràng không viên mãn còn có được mấy cái? Nếu bạn tìm được một đạo tràng hoàn toàn không kém khuyết, thì chỉ có đến Thế giới Cực Lạc. Thế nhưng bạn muốn ghét bỏ đạo tràng này của chúng ta thì e rằng đến Thế giới Cực Lạc vẫn có vấn đề. Làm sao tôi biết? Chúng ta dựa vào lý luận của Phật pháp mà biết được, do tâm của bạn không thanh tịnh, tâm của bạn không bình đẳng, trong tâm của bạn vẫn không buông xả phải quấy nhân ngã. Nếu chân thật là người niệm Phật, Lục tổ Huệ Năng trên “Đàn Kinh” nói rất hay: “Nếu là người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Họ đến đạo tràng này của chúng ta, bơi móc lỗi lầm của chúng ta, họ rất cừ khôi. Trong tâm của chúng ta rất tường tận đây là nguyên nhân gì? Thiện căn, phước đức không đầy đủ, gặp được duyên thì xem thường, bỏ qua hết, còn nói: “Không muốn cúng dường đạo tràng này nữa, đạo tràng này nghe nói thì không tệ, nhưng khi đến xem qua thì không phải là như vậy, nói quá sự thật”. Tốt! Bạn đến nơi khác để tu phước, ở nơi đây không yêu cầu bạn đến cúng dường, ở nơi đây cũng không cần bạn bận tâm cúng dường. Đây là lời thành thật. Trước giờ không có cầu người cúng dường, người đến nơi đây đều là tự động phát tâm. Chúng tôi chỉ biết chăm chỉ nỗ lực như giáo tu hành. Chúng tôi biết rõ ràng là phiền não tập khí của chúng tôi là vô lượng kiếp huân tập mà thành, cho nên không phải chỉ trong thời gian ngắn mà có thể thay đổi, thế nhưng chúng tôi rất chăm chỉ, rất nỗ lực, chân thật đang sửa đổi. Chúng tôi cũng thật có tâm giúp người niệm Phật, thành tựu cho các đồng tu, không phải là không đang làm.
Người khác phê bình đối với chúng ta, chúng ta hoan nghênh, vì họ cho chúng ta sự nhắc nhở, khiến cho chúng ta thường hay có thể cảnh giác là chúng ta làm vẫn chưa đủ tốt, kém khuyết của chúng ta còn rất nhiều. Chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực, phải nâng cao cảnh giới của chính mình, phải đến sau cùng làm ra thành tích cho mọi người xem. Đây là “tác chứng chuyển” trong tam chuyển pháp luân. Chúng ta làm ra thành tích chính là mang ra chứng cứ cho người xem, mục đích là khuyến khích mọi người tu học pháp môn thù thắng vô thượng này, quyết định không vì chính mình, không phải vì lợi ích của chính mình, cũng không phải vì lợi ích của đạo tràng Cư Sĩ Lâm.
Mọi người làm công quả nơi đây rất khổ cực, những người làm công quả này thành tựu phước đức chân thật. Nếu họ không có thiện căn phước đức thì gặp được duyên này họ cũng không chịu làm. Cho nên, câu “trụ chân thật huệ” mà tôi đã giảng phía trước đích thực là quá quan trọng, khiến cho chúng ta lập tức cảnh giác đến là chúng ta không có trí tuệ, phiền não đang thống lãnh, phiền não dẫn đầu, phiền não làm chủ, khiến chúng ta thường hay thấy lỗi thế gian. Thấy lỗi thế gian chính là chính mình phiền não tập khí khởi hiện hành. Vì sao Đại Sư Huệ Năng không thấy lỗi thế gian? Phiền não tập khí của Ngài không khởi hiện hành. Phiền não tập khí của Ngài rốt cuộc đoạn rồi hay chưa thì chúng ta không dám nói, nhưng chí ít nó không khởi hiện hành, cùng tương ưng với Thế Tôn giáo huấn trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” là: “Bồ Tát ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, khiến cho các thiện pháp mỗi niệm thêm lớn, không để chút nào bất thiện xen tạp”.
Vì sao ngay trong mỗi niệm của chúng ta còn có rất nhiều bất thiện xen tạp? Vẫn cứ không biết hổ thẹn, còn cho rằng chính mình là đúng, vậy thì đạo nghiệp đến đời nào kiếp nào mới có thể thành tựu? Chúng ta phải giác ngộ. Nếu chúng ta muốn ở ngay trong đời này đạo nghiệp thành tựu… Không cần nói Cư Sĩ Lâm, đạo tràng này vẫn có thể miễn cưỡng được, mà với những đạo tràng không như pháp khác, chúng ta ở trong đó cũng có thể thấy được chỗ tốt của nó.
Thế gian người cực ác cũng không thể nói họ ác đến một trăm phần trăm, không có được chút chỗ tốt nào, tìm không ra loại người này, họ cũng có một niệm thiện hạnh đáng được chúng ta tán thán, đáng được chúng ta tôn kính. Nếu như chúng ta có thể tôn trọng tất cả thiện pháp, tán thán tất cả thiện pháp, học tập tất cả thiện pháp thì thiện hạnh của chúng ta thành tựu rồi.
Xem thấy tất cả pháp bất thiện, chúng ta quay đầu lại phản tỉnh, kiểm điểm là ta có hay không? Nếu như ta có thì lập tức thay đổi, cái bất thiện đó ở trước mắt chúng ta liền biến thành thiện pháp. Bạn có thể có được sự chuyển biến như vậy thì bạn liền biết tu hành, bạn biết dụng công. Nhà nho nói: “Ba người đi ắt có thầy ta”. Ba người là trong đó chính mình là một, một người thiện và một người ác. Người thiện thì ta làm theo, họ là thầy của ta; người ác thì ta phản tỉnh kiểm điểm, họ là tấm kính phản chiếu cho ta, giúp ta thay đổi tự làm mới, họ cũng là thầy của ta, cho nên ta đối với họ đều tôn kính như nhau. Đây là pháp hành của Phổ Hiền.
Trong hạnh Phổ Hiền, thứ nhất là “lễ kính chư Phật”. Trong lễ kính không có phân biệt thiện ác, không có phân đẳng cấp, lễ kính đối với chư Phật Như Lai và cũng lễ kính đối với chúng sanh địa ngục, quyết định bình đẳng. Đây là hạnh Phổ Hiền. Trong hạnh“xưng tán Như Lai” thì có khác biệt, tùy thuận tánh đức thì xưng tán, không tùy thuận tánh đức thì không xưng tán. Trong xưng tán có điểm đặc biệt này, nhưng trong lễ kính thì không có khác biệt. Lại nói với các vị, phục vụ không có khác biệt, bố thí cúng dường cũng không có khác biệt, đây gọi là Phật pháp, như vậy mới có thể thành tựu chính mình, mới có thể giáo hóa chúng sanh. Cho nên, câu “nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật” nói ra thì dễ dàng, thế nhưng muốn tường tận triệt để nghĩa thú ở trong đó cũng không phải là việc dễ dàng. Thế nhưng không tường tận nghĩa thú cũng có thể thành công, đó chính là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì được. Không có xen tạp thì tâm của bạn thiện, ý niệm thiện, hành vi thiện, không có chút nào bất thiện xen tạp, bạn niệm Phật khẳng định vãng sanh. Bởi vì Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, bạn là người thiện thì tương lai đi đến Thế giới Cực Lạc, cho nên niệm Phật có thể vãng sanh. Ta còn hiềm cái này không tốt, hiềm cái kia tạo ác, đây là trong tâm bạn xen tạp bất thiện. Xen tạp bất thiện thì niệm Phật vãng sanh liền có chướng ngại. Đây là chúng ta không thể không biết.
Trong “Kinh Bát Nhã Đại Nhân Giác”, Phật dạy bảo chúng ta: “Không nhớ ác cũ, không ghét người ác”. Chúng ta nghĩ xem khai thị của Phật, ác cũ là quá khứ, ngày trước người ta có lỗi với ta, hủy báng ta, nhục mạ ta, hãm hại ta, đã là quá khứ rồi thì thôi vậy, không nên để vào trong tâm. “Không nhớ” chính là không để vào trong tâm. Bạn xem thấy một người ác, bạn không nên ghét bỏ họ. Nếu bạn ghét bỏ thì phiền não của bạn liền hiện tiền, tâm của bạn vĩnh viễn bị cảnh giới bên ngoài chuyển. Tâm bị cảnh giới bên ngoài chuyển là phàm phu.
Chúng ta học Phật Bồ Tát, tâm của Phật Bồ Tát, trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói được rất hay: “Nếu có thể chuyển cảnh thì đồng với Như Lai”. Chúng ta phải học chuyển cảnh giới, không bị cảnh giới chuyển, phải học bản lĩnh này. Cảnh giới là ác, nếu ta không ghét người ác thì ta liền đã chuyển cảnh giới rồi. Gặp nghịch cảnh ác duyên, nhưng đời sống của chúng ta cũng rất là thoải mái, rất an vui, không bị cảnh giới chuyển. Đây là Phật dạy cho chúng ta. Đặc biệt là ở vào thế giới hiện tại này, nghịch cảnh ác duyên thường hay gặp phải. Người xưa đều nói qua: “Thế gian việc không vừa ý thường đến tám chín”. Làm thế nào đem việc không vừa ý chuyển biến thành vừa ý thì chúng ta thành công rồi. Phật dạy bí quyết cho chúng ta, tất cả việc không vừa ý đều không nên để vào trong tâm, thường nhớ ân Phật, thường nhớ chỗ tốt của tất cả chúng sanh; ngày trước oan gia trái chủ cùng ở chung với chúng ta cũng có khi đối xử được rất tốt, chúng ta nên nghĩ nhiều đến lúc tốt, không nên nghĩ đến lúc phân chia. Cái tốt này rất nhiều, công đức rất lớn, không thể nghĩ bàn.
Lúc diễn giảng Kinh, tôi thường hay nói, xã hội ngày nay động loạn bất an, thế giới ngày nay đích thực là không thái bình, rất nhiều chúng sanh ngay trong một đời không có cảm giác an toàn, ngày tháng trải qua khổ cực như vậy. Những hiện thực này rốt cuộc là vì sao mà tạo thành? Quy kết nhân tố thứ nhất chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta, thường hay xem thấy lỗi lầm của người khác. Tôi xem thấy xã hội này động loạn, xã hội bất an, nhân tố là từ gia đình. Nhà Nho chúng ta nói rất hay: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Bình thiên hạ chính là thiên hạ thái bình, xã hội an định. Nền tảng của thế giới hòa bình là xã hội an định, nền tảng của xã hội an định là gia đình hòa thuận. Chúng ta thường nói: “Gia hòa vạn sự hưng”. Gia đình của bạn có thể hưng vượng hay không thì phải xem gia đình của bạn có hòa thuận hay không. Nhân vật then chốt trong gia đình là vợ chồng hòa hợp. Nếu vợ chồng bất hòa thì gia đình liền phá hoại, xã hội liền động loạn, thiên hạ liền không thái bình. Nó có quan hệ liên đới, chúng ta không thể không biết.
Vì sao vợ chồng bất hòa? Bất hòa vì sao lại muốn kết thành vợ chồng? Chuyện này kỳ lạ, thế nhưng việc này không khó lý giải. Trước khi chưa kết hôn, đôi bên đều xem thấy chỗ tốt của đối phương, quyết định không xem thấy khuyết điểm của đối phương, đối phương có khuyết điểm cũng không để vào trong tâm. Người ta có nói đối phương thế nào, thế nào đó, không tốt, nhưng họ đều không tin tưởng. Bạn thấy, họ có cách nhìn thế nào vậy? Sau khi đã kết hôn thì chuyên thấy khuyết điểm của đối phương, phiền phức chẳng phải lớn rồi sao? Đây là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu như có thể vĩnh viễn xem thấy chỗ tốt của đối phương, không nên xem thấy khuyết điểm của đối phương thì vợ chồng liền hòa hợp. Tề gia rồi sau trị quốc, trị quốc rồi sau thiên hạ bình. Cổ Thánh tiên Hiền giảng cho chúng ta nghe đại đạo lý, cùng Phật pháp nói hoàn toàn tương ưng. Chúng ta học Phật, nếu muốn có thành tựu thì phải ở chỗ này mà hạ công phu. Người khác có khuyết điểm, nếu như chúng ta không biết thì là ngu si, không có trí tuệ, còn người biết được mà không để ở trong tâm, thì con người này có trí tuệ, đây gọi là có công phu. Không phải chúng ta không biết, mọi thứ đều biết, nhưng quyết không để vào trong tâm. Tâm địa vĩnh viễn gìn giữ thanh tịnh bình đẳng, đó gọi là trụ chân thật huệ. Cho nên, pháp môn Tịnh tông này nói khó thì không khó, nói dễ cũng không dễ, thế nhưng so với các pháp môn khác thì đích thực là dễ tu, dễ dàng thu được quả báo viên mãn. Người xưa gọi pháp môn này là pháp môn dễ tu, mau lẹ, ổn định. Lời nói này mỗi câu đều là chân thật.
Nhất là trên Kinh này nói với chúng ta: “Tín nguyện trì danh, mười niệm ắt sanh”, thế là người xưa có đề xướng “bổn nguyện niệm Phật”. Bổn Nguyện niệm Phật ở người xưa thì họ hiểu được, chắc chắn là không có sai lầm, thế nhưng hiện tại truyền lâu như vậy rồi, càng truyền thì càng lệch, sai đến quá nghiêm trọng, sai đến trái ngược với giáo nghĩa. Việc này thì có tội lỗi. Họ cho rằng chỉ cần trì nguyện thứ mười tám trong 48 nguyện, còn bốn mươi bảy nguyện khác thảy đều không cần, vậy thì sai lầm quá nghiêm trọng. Chúng ta đã giảng tỉ mỉ 48 nguyện với mọi người, mỗi một nguyện trong 48 nguyện đều bao gồm bốn mươi bảy nguyện khác thì nguyện này mới viên mãn. Nếu như chỉ có một nguyện, bốn mươi bảy nguyện khác đều không cần đến thì nguyện này cũng không có, toàn bộ đều trống không. Sai lầm này thì quá nghiêm trọng, điều này liền biến thành tà giáo, tà thuyết. Nếu như chúng ta không có thời gian dài như vậy để tỉ mỉ nghiên cứu thảo luận những Kinh nghĩa này, khi nghe cách nói của người ta thì chúng ta cũng rất dễ dàng mê hoặc, dễ dàng sanh ra hiểu lầm.
Thứ bảy, đây đều là người xưa nói, sau khi vãng sanh quả báo có được thì quá nhanh, quá cao. Có một chút khiến người không dám tin tưởng. Không chỉ người thông thường chúng ta không dám tin tưởng, mà ngay đến Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát nghe rồi đều không tin tưởng, làm gì có sự việc này? Họ đã tu ba đại A Tăng Kỳ kiếp mới tu thành Đẳng Giác, bạn làm sao mà thành tựu nhanh như vậy? Rất khó tiếp nhận. Đặc biệt là nói năm nghịch mười ác, lâm chung mười niệm đều có thể vãng sanh. Việc này vừa rồi tôi mới nói qua, họ không phải là nhân vật thông thường, đều là trong đời quá khứ đã đầy đủ các thiện căn, nhưng ngay trong đời này chưa gặp được thiện duyên. Đặc biệt ở vào thời đại hiện tại này của chúng ta, ác duyên thì nhiều, thiện duyên thì ít, người tà tri tà kiến thì nhiều, người chánh tri chánh kiến thì ít. Những gì là tà tri tà kiến? Phóng túng, tranh lợi. Bạn xem, hiện tại trên thế giới có ai không phải là như vậy. Chánh tri chánh kiến là gì? Còn có một số khái niệm nhân nghĩa đạo đức. Hiện tại ở trong xã hội, người nói nhân nghĩa đạo đức quá ít. Mấy ngày nay, ngẫu nhiên tôi xem thấy tiêu đề lớn trên báo chí, xem thấy có rất nhiều “khiêu tào”. Nếu như nhận qua giáo dục cổ xưa của chúng ta, chắc chắn sẽ không có sự việc này. Vì sao vậy? Giữa người và người phải nói đạo nghĩa. Cho dù công ty khác đãi ngộ tốt hơn công ty của chúng ta một chút, nhưng chúng ta cũng không thể nào vong ân bội nghĩa, sự việc này không thể làm. Người có đạo nghĩa thì đời sau mới có thể được lại thân người. Nếu thấy lợi quên nghĩa thì đời sau bạn đến cõi súc sanh, đến cõi ngạ quỷ, ngay đời này được chút tiện nghi nho nhỏ, nhưng phiền phức đời sau sẽ lớn. Một người rõ lý chắc chắn sẽ không làm sự việc này.
Ở trong xã hội ngày nay, khi nói đến sự việc này thì chúng ta không thể không tôn kính người Nhật Bản. Người Nhật Bản sau chiến tranh trở thành một quốc gia kinh tế lớn trên thế giới, thực tế mà nói, họ nhờ vào huân đạo văn hóa của người xưa Trung Quốc. Họ nói đến nghĩa khí. Khi công ty kinh doanh gặp lúc rất không thuận lợi, nhân viên cấp cao bằng lòng không nhận tiền lương, họ vẫn cứ làm việc. Họ có nghĩa khí. Quyết định là không phải vì công ty khác xem thấy bạn là một nhân tài, bạn ở nơi đó làm được bao nhiêu lương, họ sẽ cho bạn nhiều hơn, thì bạn lập tức liền đi qua. Đây là bất nghĩa. Loại hành vi này ở vào xã hội thời xưa thì không thể đứng được. Vì sao vậy? Mọi người xem thường bạn. Xã hội ngày nay không trọng đạo nghĩa. Người Nhật Bản còn trọng đạo nghĩa, cho nên người Nhật Bản có thể ở trên thế giới chiếm được địa vị rất cao. Họ là người nổi tiếng, nói đến người Nhật Bản thì không có người nào mà không tôn kính họ. Họ có rất nhiều khuyết điểm, nhưng đây là ưu điểm của họ. Bạn xem, khi công nhân không bằng lòng với ông chủ, họ chỉ kháng nghị mà không bãi công, vì bãi công thì có lỗi với ông chủ. Biểu thị thế nào vậy? Trên đầu của họ quấn miếng vải trắng biểu thị kháng nghị. Ông chủ cũng rất thông minh, xem thấy trên đầu công nhân quấn vải trắng liền khẩn trương hội họp để giải quyết vấn đề. Đây là có đạo nghĩa. Tinh thần này phải mở mang rộng lớn, chúng ta phải nên học tập, quyết không tham lợi nhỏ. Người xưa nói: “Bằng hữu là đạo nghĩa”. Kết hợp của lợi hại là bạc tình, kết hợp của đạo nghĩa là ân tình hậu, đây là ý nghĩa của cuộc sống, giá trị quan của nhân sanh. Hiện tại, giá trị là xem tiền bạc nhiều hay ít, bạn nói xem còn gì để nói không? Xã hội đó sẽ có nguy cơ.
Ở nước ngoài có rất nhiều người nói thế giới của ngày tàn. Nếu như mọi người chỉ thấy lợi, giá trị quan cuộc sống là dùng tiền vàng để đo đếm nhiều ít, thì thế giới này nguy cơ liền hiện tiền. Vì sao vậy? Bức mọi người không thể không đi tranh lợi, tranh đến sau cùng chính là chiến tranh máu chảy, chính là hủy diệt thế giới. Giáo dục thời xưa của chúng ta là nói nhân, nói nghĩa, nói đạo, nói đức, xem thường danh lợi. Cho nên, giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21, học giả của phương tây nói: “Chỉ có học thuyết của Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa”. Lời nói này rất có đạo lý. Làm thế nào để giải quyết vấn đề của thế kỷ 21? Thế kỷ 21 đã đi đến tranh lợi phóng túng, nếu việc này phát triển thì thế giới sẽ hủy diệt. Đạo để cứu vãn; nhà Nho chúng ta nói nhân, nói nghĩa; trong Phật pháp Đại Thừa nói đạo, nói đức, nói chân thành (chân thành là đạo), nói thiện tâm, thiện hạnh (đây là đức). Chỉ có những điều này mới có thể cứu. Việc này một chút cũng không giả.
Sau khi sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta đọc được ở trên Kinh, Thế Tôn quyết định không có vọng ngữ, vừa đến Thế giới Cực Lạc chính là A Duy Việt Chí Bồ Tát, như vậy là quá nhanh. A Duy Việt Chí là Thất Địa trở lên. Việc này thì quá nhanh, quá cao. Đây là trong mười phương cõi nước chư Phật đều không có.
Người xưa đã nói bảy loại, từ trong bảy loại này tỉ mỉ mà quán sát, Thế giới Tây Phương Cực Lạc đích thực có thể gọi là “siêu thắng độc diệu”. Bốn chữ này không phải là xưng tán thông thường, đích thực là có sự thật căn cứ. Việc này khó được.
Hai câu phía sau là: “Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”. Việc này càng không thể nghĩ bàn.
Hôm nay thời gian đã hết, hai câu này chúng ta lần sau mới có thể giảng. A Di Đà Phật.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 194)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
; text-align:justify;line-height:115%’>
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.