GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 247/374
Điều căn bản nhất trong hành môn, Phật ở trên “Quán Kinh” giảng về “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, hiếu dưỡng phụ mẫu chúng ta đã làm được chưa? Chúng tôi đã từng gặp được rất nhiều, rất nhiều gia đình, cha mẹ phản đối con cái học Phật. Tại sao chính mình học Phật lại dẫn đến sự phản đối của cha mẹ? Chúng ta học chưa có tốt, chúng ta chưa có tận hết hiếu đạo. Nếu như sau khi học Phật, càng hiếu thuận hơn đối với cha mẹ, chăm sóc còn chu đáo hơn, cha mẹ nhất định vô cùng hoan hỷ, nhất định đi đến đâu cũng nói với mọi người: “Đứa con của tôi rất có hiếu, nó học Phật, nó hiểu được hiếu thuận”, họ sẽ khích lệ tất cả thanh niên đều nên học Phật, không phải đạo lý như vậy sao? Chúng ta học Phật, không những chưa học đến nơi, căn bản thì cũng chưa học được gì, sau khi học Phật thì trong gia đình biến thành như thế nào? Ngày ngày nhìn thấy cha mẹ tạo nghiệp, ngày ngày phê bình họ, ngày ngày không hài lòng với họ. Cha mẹ bạn nhìn thấy bạn như vậy, họ đương nhiên thấy khó chịu. Nếu bạn hy vọng cha mẹ được tốt, có thể ăn trường chay, có thể không sát sanh, có thể không trộm cắp, có thể không vọng ngữ, làm được giống như trong Phật pháp đã dạy, thì bạn phải dùng phương pháp để mà cảm hóa họ. Bạn không thể phê bình họ, không thể nói: “Cha mẹ cứ ăn thịt đi, ăn thịt thì tương lai phải trả giá đó”, không thể có cách nói như vậy được. Tuy rằng đó là sự thật, nhưng bạn phải hiểu được đó là hoàn cảnh như thế nào. Như vừa mới nói, lúc mà bạn nói pháp, bạn phải xem là ở nơi chốn nào, bạn phải xem là thời gian nào. Cho dù họ đã làm ra rất nhiều ác nghiệp, nhưng không thể nói. Không những không thể nói, mà ngay đến cái vẻ mặt không hài lòng cũng không được để lộ ra. Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, phải từ từ mà dẫn dắt họ, phải có thời gian dài khiến họ từ từ giác ngộ, khiến họ hiểu được mà quay đầu.
Người xưa có một tấm gương tốt là Vua Thuấn. Những gì vua Thuấn đã làm hoàn toàn đều là công phu tự xét lấy mình. Trong thời gian ba năm, ông đã cảm hóa hết tất cả người trong gia đình. Nếu bạn có thể học vua Thuấn, sau khi học Phật rồi, nội trong ba năm bạn có thể cảm hóa được cha mẹ anh chị em thành người thiện, thì công đức của bạn đã thành tựu. Quyết định là không thể phê bình, quyết định không thể hủy báng, ngôn từ, dung mạo đều phải khiến cho người khác nhìn thấy, nghe thấy liền sinh tâm hoan hỷ. Điều kiện đầu tiên chính là phải kết hoan hỷ duyên với chúng sanh. Họ không thể sanh tâm hoan hỷ đối với bạn, không thể sanh tâm tôn trọng, bạn có nói lời hay thế nào, họ cũng sẽ không nghe, nghe không lọt tai. Đạo lý này vô cùng quan trọng.
Tóm lại mà nói, Phật nói với chúng ta tám loại kiếp nạn này, ý nghĩa chân thật chính là họ có sự chướng ngại, không thể thấy Phật, không nghe được chánh pháp. Đây là trong cảm nhận của chư Phật Bồ Tát, các Ngài cho rằng đây là đại tai nạn, là tai nạn thật sự.
Thế giới Cực Lạc, những loại tai nạn này thì không có, trên Kinh nói với chúng ta là “vĩnh vô chúng khổ”. Hai chữ “vĩnh vô” này xuyên suốt xuống phía dưới, “vĩnh vô chư nạn”, “vĩnh vô ác thú”, “vĩnh vô ma não”. Vì sao mà vĩnh vô vậy? Người của Tây Phương Cực Lạc Thế giới có nghiệp nhân khổ nạn, bởi vì họ mang nghiệp mà vãng sanh, nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác duyên. Chúng ta hãy lấy tám điều này mà nói, Thế giới Tây Phương không có ba đường ác. Tại vì sao Thế giới Tây Phương không có ba đường ác? Người ở Thế giới Tây Phương không có tạo ba nghiệp ác. Từ đó cho thấy, hiện tại chúng ta học Phật, trọng yếu nhất là phải học từ chỗ nào? Các đồng tu nhất định phải ghi nhớ, phải đoạn tham sân si. Dù rằng tham sân si đoạn không hết, thì cũng giảm thiểu tham sân si, phải giảm nhẹ cái ý niệm tham sân si này, mỗi năm một nhẹ hơn thì chúng ta có tiến bộ, thì công phu niệm Phật mới được đắc lực. Nếu như tham sân si không thể hoàn toàn buông xuống thì quyết định không thể vãng sanh. Bởi vì sao? Đúng lúc lâm chung Phật đến tiếp dẫn, vào lúc này bạn vẫn còn có chướng ngại, bạn vẫn còn có tham sân si, Phật không có cách nào tiếp dẫn bạn đi được. Cho nên ở trong cuộc sống trước mắt, chúng ta nhất định phải đem tham sân si giảm nhẹ đi; bất luận là đời sống vật chất hay là đời sống tinh thần, nhất định phải biết đủ, có chừng có mực, không nên quá đáng.
Biết đủ thì thường vui. Thánh nhân đã làm tấm gương cho chúng ta. Thích Ca Mâu Ni Phật là tấm gương tốt nhất. Hãy xem đời sống của Ngài, ba y một bát, đêm ngủ gốc cây, ngày ăn một bữa, cuộc sống của Ngài an lạc đến mức tột cùng. Người thế gian hiện tại không có một người nào có thể so sánh được với Ngài. Nếu như mà bạn hỏi, Ngài an lạc rốt cuộc là an lạc ở chỗ nào? Tôi dùng bốn chữ để trả lời bạn là: “Không thể nghĩ bàn”.
Hiện tại ở Úc Châu, vùng đất trung tâm Úc Châu là sa mạc, vẫn còn có số ít thổ dân trải qua được đời sống như vậy, an lạc vô cùng. Chính phủ Úc Châu cũng muốn giúp đỡ họ, nhưng họ không chấp nhận, họ bằng lòng trải qua đời sống hiện tại. Chính phủ Úc Châu đã xây cho họ một số ngôi nhà nhỏ, họ đều đem cửa của những ngôi nhà này tháo bỏ hết, bên trong ngôi nhà dùng để cất chứa đồ đạc, còn chính họ thì ban đêm ngủ ở ngoài sa mạc, ngủ ở trên đất. Họ không chịu sống ở trong các ngôi nhà. Họ không sợ nắng chiếu, mưa dập, gió vùi. Chúng ta mà trải qua cuộc sống của họ một ngày thì chịu không nổi, đến ngày thứ hai nhất định phải vào phòng bệnh mà nằm. Họ thì từ nhỏ đã được rèn luyện rồi, từ lúc mới sinh ra thì đã sống như vậy rồi, thân thể khỏe mạnh, không có bệnh tật. Làn da phơi nắng đến nỗi đen cả, nếu bạn sờ kỹ thì thấy da của họ rất non, họ không già. Cho nên, họ có một cái quan niệm, những người sống trong đô thị như chúng ta trải qua cuộc sống như vậy, những loại văn minh vật chất đã làm tổn hại tâm linh của chúng ta. Tâm linh là cái gì? Là trí tuệ. Họ có trí tuệ, chúng ta không có trí tuệ, đã làm tổn thương đến khả năng của thân thể, cho nên thân thể này của chúng ta không khỏe mạnh bằng họ.
Tôi đã báo cáo qua với các vị, hiện tại chúng ta muốn thông tin với bạn bè ở nơi xa thì phải dùng điện thoại, dùng điện thoại di động, những thổ dân này trông thấy rất buồn cười, “các vị sao lại phải dùng những thứ này chứ?”. Họ thì không cần, họ dùng tâm linh cảm ứng, cao siêu hơn so với chúng ta rất nhiều. Tôi nghe nói sóng của điện thoại di động rất mạnh, người mà thường hay dùng điện thoại thời gian lâu rồi, một nửa bên đầu sẽ bị tê, là thần kinh não đã bị tổn thương. Họ thì dùng tâm linh cảm ứng, không cần dùng điện thoại, cao siêu hơn chúng ta rất nhiều. Tai, mắt tinh thông, tâm linh cảm ứng, cho nên niềm vui thú ấy là niềm vui chân thật, chúng ta không thể tưởng tượng.
Chúng ta ngày nay cái gọi là vui, thật lòng mà nói, tôi thường hay dùng việc hút thuốc phiện để hình dung. Hút thuốc phiện, dùng ma túy gây sự kích thích, di chứng sau đó của nó không thể tưởng tượng nổi. Đời sống vật chất, đời sống tinh thần của chúng ta hiện nay, phải hiểu được đều là vô cùng không bình thường. Nhu cầu cuộc sống càng ít càng tốt, có chừng có mực, đem tham sân si tận sức mà giảm thiểu, tuyệt đối không thể tăng trưởng. Tăng trưởng tham sân si thì tám nạn này không thể nào tránh khỏi, Thế giới Cực Lạc thì một đời này không có hy vọng rồi. Nếu muốn vĩnh thoát bát nạn, thân cận Di Đà, vãng sanh Cực Lạc thì tham sân si ắt phải giảm thiểu. Bên đó không có ba đường ác, người được sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không khởi lại ý niệm tham sân si nữa. Cái thế giới đó là Nhất Chân Pháp Giới, không có tam đồ, không có lục đạo, cũng không có Trường Thọ Thiên, không có Vô Tưởng Thiên, cũng không có Bắc Câu Lô Châu, những tai nạn này đều không có, mỗi ngày thân cận A Di Đà Phật, nghe A Di Đà Phật giảng Kinh thuyết pháp.
Có lẽ có người sẽ hỏi Thế giới Cực Lạc lớn như vậy, nghe nói số lượng người ở nơi đó không có cách nào tính đếm, nhân khẩu ở trên địa cầu này của chúng ta hiện tại cũng gần bảy tỉ người, nhân khẩu của Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có cách gì để tính đếm, A Di Đà Phật lại chỉ có một người, chúng ta có thể có được cơ hội gặp mặt cùng Ngài hay không? Cho nên liền có sự hoài nghi. Cũng như năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế vậy, Thích Ca chỉ có một người, trong lòng chúng ta muốn được gặp mặt Ngài thì có thể gặp được Ngài không? Đừng nói địa cầu này có khó khăn, ở ngay tại thành phố nhỏ Singapore này, chúng ta mà muốn gặp một người nào thì cũng đã không dễ dàng. Nếu nghĩ như vậy thì phiền phức tới rồi, Thế giới Cực Lạc là nên đi hay không nên đi? Tại chỗ này, tôi có thể nói với mọi người: “A Di Đà Phật tại Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi một người từng thời từng khắc đều không rời khỏi Ngài nửa bước, đều gặp mặt Ngài”. Đây là nguyên nhân gì vậy? Ngài có phân thân, Ngài có hóa thân, Ngài có thể hóa vô lượng vô biên thân, hóa thân cùng thân của Ngài là một không phải hai, cho nên đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mọi lúc mọi nơi đều nhìn thấy A Di Đà Phật đang ngồi nơi đó giảng Kinh thuyết pháp, cũng đều thấy có rất nhiều người đang ngồi quây xung quanh. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Phật có năng lực hóa trăm ngàn ức vạn thân, vãng sanh Cực Lạc Thế giới mỗi một người cũng có năng lực này, cũng có thể hóa trăm ngàn ức vạn thân, cho nên những chướng nạn đều không có. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, trên Kinh đã nói với ta được rất là rõ ràng, không những là trên Kinh nói, ở trong 48 đại nguyện cũng đã nói được rất rõ ràng, rất minh bạch, đều là thân Tử Ma Chân Kim Sắc, tướng hảo quang minh so với A Di Đà Phật không có sai khác, mù đui câm điếc càng không thể tìm thấy ở bên đó, thế trí biện thông cũng không tìm thấy ở bên đó. Người của Thế giới Cực Lạc không những mỗi ngày tiếp xúc A Di Đà Phật, mà mỗi ngày còn đến mười phương chư Phật Sát Độ để đi bái Phật. Không gian sinh hoạt của họ rất lớn, tận hư không khắp pháp giới đều là phạm vi sinh hoạt của họ, muốn đi đến thế giới nào, đi lễ bái vị tôn Phật nào, ý niệm vừa động thì thân thể liền đã tới nơi. Hiện tại thì vận tốc của điện, của ánh sáng không có cách nào so sánh được với họ. Ý niệm vừa động thì thân thể đã đến nơi, đã được thấy Phật, cúng Phật, nghe pháp. Các vị nghĩ xem, hoàn cảnh học tập này, Bồ Tát ở mười phương không ai không hướng về. Nhưng có rất nhiều Bồ Tát có chướng ngại, không có nghe được pháp môn này. Bồ Tát làm sao lại có chướng ngại này? Sở Tri Chướng của Bồ Tát chưa có đoạn tận, cho nên gặp được cái duyên Tịnh Tông thật sự là không dễ dàng. Sự việc này, Thế Tôn đã có nói rõ ràng trong phần Kinh văn phía sau.
Sanh đến Thế giới Cực Lạc thì thọ mạng đồng như Phật. A Di Đà Phật là vô lượng thọ, nếu như chúng ta vãng sanh đến bên đó thì cũng vô lượng thọ giống như A Di Đà Phật, quyết định không có cái nạn trước sau thời của Phật, tám loại nạn này hoàn toàn bị tiêu trừ tại Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Không những không có các sự việc này, đến cả tên gọi tám nạn này cũng không hề có, Thế giới Cực Lạc “vĩnh vô chư nạn”.
Thế Tôn ở trên “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” đã dạy chúng ta một câu vô cùng quan trọng, chúng ta ngay trong một đời phải cố gắng ghi nhớ, dốc hết sức phụng hành. Câu nói này là lời đối với Long Vương: “Bồ Tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ của thế gian” (tất cả thế gian bao gồm sáu cõi, pháp giới bốn Thánh, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều bao gồm ở trong đó). “Bồ Tát hữu nhất pháp” (Bồ Tát này là Pháp Thân Bồ Tát, không phải Bồ Tát thông thường), là pháp nào vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp (là tâm thiện), tư duy thiện pháp (là tư tưởng thiện), quán sát thiện pháp (là hành vi thiện), bất dung hào phân bất thiện gián tạp”. Câu nói này rất quan trọng, một mảy may bất thiện cũng đều không thể để ở trong lòng, nhất thiết phải tu cái tâm của chúng ta thành thuần tịnh thuần thiện, chỉ có như vậy thì chư ác mới vĩnh viễn đoạn dứt, thiện pháp mới viên mãn, mới có thể thành tựu đại đạo. Chúng ta nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học. Hoàng lão cư sĩ ở tại đoạn này đã nói rất hay trong phần chú giải, người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không tạo tham sân si, cho nên địa phương đó không có ba đường ác. Vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, hoàn cảnh tu học ở Thế giới Cực Lạc không giống như thế gian này của chúng ta. Sanh đến thế gian này cuộc sống rất khổ sở, phải tự mình mưu sinh, việc gì cũng rất gian nan. Thế giới Tây Phương cùng với hoàn cảnh chúng ta nơi đây hoàn toàn không như nhau, muốn ăn cơm, ý niệm vừa mới động thì thức ăn đã bày ra ngay trước mặt bạn, thật không thể nghĩ bàn, muốn ăn cái gì thì liền biến hiện ra cái đó, không muốn ăn nữa thì lập tức liền biến mất, rất là sạch sẽ, cũng không cần phải dọn dẹp bàn ăn, càng không cần phải rửa chén bát; muốn mặc quần áo gì thì quần áo liền mặc lên người, không cần phải đi mua vải may cắt. Tây Phương Thế giới không có những ngành nghề này, tất cả công thương nghiệp đều không có, nông nghiệp cũng không, toàn bộ tất cả thọ dụng tùy niệm mà biến hóa thành. Một cảnh giới không thể nghĩ bàn, làm gì mà có ba đường ác, làm gì mà có tham sân si? Công việc hàng ngày của họ là những gì? Công việc chính là nghe Kinh, nghe pháp, đi thăm viếng chư Phật Bồ Tát, tìm thầy, thăm bạn mười phương thế giới. Cuộc sống quả thật là rất tự tại, cho nên họ sẽ không đọa Vô Tưởng, không có Vô Tưởng Thiên. Đời sống tinh thần và vật chất vô cùng sung sướng, do thường thường tiếp nhận sự giáo hóa của tất cả chư Phật Bồ Tát trong mười phương, nên họ không có cái nạn Bắc Câu Lô Châu. Sáu căn của họ thanh tịnh, chúng ta vừa mới nói là thuần tịnh thuần thiện, cho nên không có mù đui câm điếc. Trên Kinh nói: “Chúng sinh sinh giả, giai chánh định tụ”, cho nên thế giới đó không có thế trí biện thông. “A Di Đà Phật hiện tại đang thuyết pháp”, Phật thọ vô lượng, thời gian Phật thuyết pháp cũng vô lượng, tương lai A Di Đà Phật thị hiện nhập Niết Bàn, Quan Thế Âm Bồ Tát lập tức liền thị hiện thành Phật, cho nên bên đó không có trước hay sau thời kỳ của Phật, cho nên tám loại tai nạn này ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới vĩnh viễn không có, đến ngay cả cái tên cũng không có. Chúng ta hiểu được những chân tướng sự thật này, không những hoan hỷ, ngưỡng mộ, quan trọng hơn chính là tu hành, làm thế nào có thể tương ưng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc Y Chánh Trang Nghiêm. Việc này trước mắt chúng ta là vô cùng quan trọng.
“Ác thú”, thực ra mà nói chính là ác đạo. Ác thú tại chỗ này là cách nói tương đối, ví dụ: so sánh địa ngục với ngạ quỷ thì địa ngục là ác thú, ngạ quỷ là thiện thú; ngạ quỷ so với súc sanh thì ngạ quỷ là ác thú, súc sanh là thiện thú; súc sanh so với người thì súc sanh là ác thú, người là thiện thú. Ác thú ở đây là cách nói tương đối, Bồ Tát so với Phật, Phật là thiện thú, Bồ Tát là ác thú, chúng ta phải nên biết đạo lý này. Chúng sanh trong sáu cõi, trong mười pháp giới đều có nhân quả, trong Phật pháp thì cũng không rời nhân quả, thế xuất thế pháp đều không rời khỏi định luật nhân quả. Người thế gian chúng ta nói chân lý, cái gì là chân lý? Nhân duyên quả báo là chân lý. Vì sao vậy? Thế xuất thế gian đều không nằm ngoài định luật này, đây mới gọi là chân lý. Có nhân thì nhất định có quả, bạn tạo tác là nhân thiện, bạn nhất định có thú hướng của thiện, tạo tác nhân ác thì bạn nhất định có thú hướng của ác, cho nên chữ “thú” này là từ đây mà ra. “Thú” là nói báo ứng, bạn đi tiếp nhận cái báo ứng này, bạn sẽ đi đến nơi đó. Ác thú chúng ta thông thường nói là ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, nhưng mà ở chỗ này là cách nói nghĩa rộng.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc không những không có ba đường ác, Phật ở trên Kinh nói là có Thanh Văn, có Thanh Văn thì đương nhiên có Duyên Giác, thì đương nhiên có Quyền Giáo Bồ Tát, nhưng mà những lời này đều là Phật phương tiện mà nói. Kinh văn này phía sau cũng có, nhưng không phải sự thật, mà là phương tiện nói. Phật vì lẽ gì dùng những lời này để phương tiện nói? Bởi vì cách nói như vậy chúng ta nghe hiểu được, sau khi chúng ta nghe xong sẽ gật đầu, cảm thấy vẫn rất hợp đạo lý. Nếu như Phật phải nói lời chân thật, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng kỳ lạ, sẽ ngạc nhiên, sẽ cảm thấy việc đó là không thể nào. Cho nên, Phật thuyết pháp là y nhị đế (nhị đế ở đây chính là tùy thuận), có những lời là tùy thuận thường thức của chúng ta mà nói, đó là tùy thuận tục đế; có những lời là Phật tự mình thân chứng cảnh giới, đó là tùy thuận chân đế. Chúng ta đọc Phật Kinh, nhất định phải có thể nhìn thấy được những lời nào là Phật tùy thuận tục đế mà nói, những lời nào là tùy chân đế mà nói. Chúng ta phải có khả năng phân biệt, mới có thể đem Kinh văn nói cho được rõ ràng. Nếu như tùy chân đế để nói, đó chính là “duy hữu nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam”. Nhất Thừa là thừa gì? Là nhất Phật thừa, không phải Bồ Tát thừa. Đây là nói lời thật với bạn.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nhất thừa pháp, chỉ có nhất Phật thừa, cho nên sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới một đời thành Phật. Đương nhiên chúng ta là đới nghiệp mà vãng sanh, tuy rằng trí tuệ, thần thông, đức năng, tướng hảo của chúng ta đều không thua kém Phật là bao nhiêu, nhưng mà đây không phải là tự mình tu, mà là do oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, không phải chính mình tu được. Đây không phải mình tự tu được, thế nhưng chính mình lại được hưởng thụ. Đây là thật, không phải giả. Sự hưởng thụ của bạn, bất luận là trí tuệ, bất luận là tài nghệ, bất luận là năng lực hay tướng hảo, thật sự là giống như Phật. Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng, thế nhưng phiền não của bạn đích thực là chưa có đoạn, chẳng qua chỉ là không có duyên mà thôi. Vậy phiền não có cần đoạn hay không? Đương nhiên phải đoạn, không đoạn phiền não thì bạn không phải chính mình thật sự thành tựu. Cho nên, Phật từ trên phương diện đoạn phiền não để nói, có Thiên Nhân, có Duyên Giác, có Bồ Tát, có Phật, tùy thuận những nghiệp mà bạn mang ở trong A Lại Da mà nói. Nếu như tùy thuận thọ dụng hiện tiền mà nói thì đó chính là Nhất Phật Thừa, đó là pháp bình đẳng, Nhất Phật Thừa. Chúng ta đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi ngày thân cận Phật Đà, nghe Phật thuyết pháp thì vô tình đã đem những phiền não tập khí ở trong A Lại Da Thức của chúng ta đều chuyển thành Bồ Đề trí tuệ. Cho nên có thể nói, những lời này là lời thật không phải giả, một đời khẳng định sẽ thành Phật. Đây chính là “Ác Thú” trên tương đối. Ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới, trên thực tế không hề tồn tại, tha phương thế giới thì có, nhưng Tây Phương Cực Lạc Thế giới không tồn tại những vấn đề này.
Tiếp theo là “Ma Não”. Ma là gì? Nếu như các vị có thể xem được phiên bản Kinh điển cổ xưa, các vị hãy thử xem quyển Kinh được chép trước thời Đường Triều, năm ngoái tôi đi đến thư viện trường Đại Học Bắc Kinh thì có xem thấy, họ còn lưu giữ cũng không ít, cách viết cái chữ “Ma” ở trong những quyển này cùng với cách viết ngày nay không giống nhau. Ở phía dưới chữ “Ma” này không phải là chữ “Quỷ” mà là chữ “Thạch” (là hòn đá). Người thời xưa nói ma, ý nghĩa là một hòn đá, là chiết ma, nghĩa là dày vò, khiến chúng ta chịu khổ chịu nạn; dày vò, dằn vặt thì gọi là ma. Đem chữ thạch sửa thành chữ quỷ, đây là một chữ mới, chữ cổ của Trung Quốc đều không có. Chữ này là do ai tạo ra? Không phải ông Thương Hiệt, mà là Lương Võ Đế tạo ra. Lương Võ Đế cho rằng sự dày vò, dằn vặt này thật đáng sợ giống như là quỷ vậy, cho nên ông đã sửa chữ thạch thành chữ quỷ. Ý nghĩa đó cũng hay, cũng giống như ma quỷ vậy, đây là cách gọi tắt của từ “Ma La” trong tiếng Phạn.
Ý nghĩa của từ “Ma La” trong tiếng Phạn là chướng ngại, dày vò. Thứ nhất là nó có thể hại mạng sống của chúng ta, bất luận sự việc gì có thể hại đến mạng sống chúng ta thì là ma. Có thể chướng ngại thiện hạnh, việc thiện của chúng ta, đây cũng là ma, là ma chướng. Còn có một loại nhiễu loạn sự hứng thú của chúng ta, nhiễu loạn thân tâm của chúng ta thì cũng là ma. Ý nghĩa thứ tư là phá hoại; thiện hạnh của chúng ta, việc tốt của chúng ta, nó ở trong đó dùng các loại phương pháp để chướng ngại, khiến chúng ta không thể thành tựu. Phàm mà thuộc về những loại như vậy thì đều gọi là ma. Cho nên ý nghĩa của chữ ma này rất rộng, phạm vi rất rộng lớn.
Thực tại mà nói, ma nạn nghiêm trọng nhất trong các ma nạn các vị có biết là ai không? Tuyệt đối không phải quỷ thần, nhất định không phải yêu quái, mà đáng sợ nhất là con người. Ở trong quyển “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của Kỷ Hiểu Lam có ghi chép một câu chuyện, tôi còn đặc biệt trích lục trở lại. Hồ Tiên là Hồ Ly tu thành Tiên. Hồ Tiên này cũng rất có đạo hạnh, thường hay cùng nhau qua lại xã giao với mọi người, họ cũng có thể làm thơ, làm câu đối, cùng xã giao qua lại với những văn nhân này. Có một hôm cùng nhau uống rượu thì có người hỏi, có người thỉnh giáo với vị Hồ Tiên này rằng: “Các vị sợ nhất là cái gì?”. Hồ Tiên nói: “Chúng tôi sợ nhất chính là Hồ Ly”. Thế là mọi người thấy lạ liền hỏi: “Ông là Hồ Tiên mà sao lại sợ Hồ Ly?”. Ông đã nói ra một đạo lý chân thật vì sao ông sợ Hồ Tiên. Ông nói ra đạo lý, con người sợ nhất là người cùng ngành nghề, cùng ngành nghề thì đố kỵ nhau, họ đến đoạt mạng, họ đến chướng ngại, họ đến nhiễu loạn, họ đến để phá hoại, chính là kẻ cùng ngành nghề. Ông nói lời này rất có đạo lý. Không cùng ngành nghề với bạn, họ sẽ không đến chướng ngại bạn. Vì sao vậy? Vì không có liên quan đến lợi ích của họ. Cho nên, nếu bạn mà hỏi tôi: “Hòa thượng các vị sợ ai?”. “Hòa thượng sợ hòa thượng”, cư sĩ sợ cư sĩ. Cùng ngành nghề thì sẽ có xung đột lợi ích, thế là họ mới nghĩ hết mọi phương pháp để chướng ngại bạn, không phải là đạo lý như vậy hay sao? Vì sao mà họ lại tạo nghiệp, lại dày vò bạn? Đều là vì không có buông bỏ tự tư tự lợi, đều không có buông bỏ danh văn lợi dưỡng. Cho nên chướng nạn, ma chướng là từ đâu mà phát sinh? Tôi thường nói đến 16 chữ: “Tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn”. Vì vậy, nói tới nói lui vẫn là ở bên trong chứ không phải bên ngoài, bên trong có ma bên ngoài liền tạo nghiệp. Chúng ta có thể đem phiền não tập khí đoạn dứt thì ma chướng mới thật sự lìa khỏi. Tâm lượng phải lớn, người xưa thường nói lượng lớn phước lớn. Người có tâm lượng nhỏ làm gì có phước? Học Phật rồi, hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta khởi tâm động niệm quên mình vì người, vì chúng sanh tạo phước. Vì những chúng sanh nào? Vì một gia đình, vì một đoàn thể, vì một quốc gia, vì một cái địa cầu thì quá nhỏ. Các vị xem chư Phật Bồ Tát, phạm vi của các Ngài là tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta phải có cái tâm lượng như vậy thì đời này mới có thể làm Phật được, mới có thể được sanh Tịnh Độ. Không có tâm lượng lớn như vậy thì không được. Nhất định phải mở rộng tâm lượng. Bạn có tâm lượng bao lớn, bạn mới có thể thành tựu được sự nghiệp bao lớn, bạn mới có thể tu được phước báo bao lớn, quyết định là có tỷ lệ thuận với tâm lượng của bạn.
Mở rộng tâm lượng, đầu tiên phải làm từ khoan dung. Phải có thể bao dung, đặc biệt là phải bao dung những người thường gây phiền phức cho ta, những người đố kỵ làm hại, trước tiên phải bao dung yêu ma quỷ quái, đây mới gọi là chân công phu. Chúng ta bao dung họ, chúng ta giáo hóa họ, cảm hóa họ, giúp đỡ họ phá mê khai ngộ, giúp đỡ họ quay đầu là bờ, cái tâm này mới là chân tâm, mới là tâm của Phật Bồ Tát. Trong Kinh Phật thường hay nói đến ma vương, đây là trên Kinh nói đến biệt danh của ma Ba Tuần. Ba Tuần là Ma Vương, ông có đại phước báo, cũng có đại thần thông, cũng rất có trí tuệ. Vì sao ông lại biến thành ma vậy? Không có buông bỏ tự tư tự lợi, không có buông bỏ danh văn lợi dưỡng, nơi nơi đều chướng ngại người tu hành chân chánh, cho nên trở thành ma. Chúng ta đọc đến chỗ này, bản thân phải có tâm cảnh giác, ta hôm nay học Phật, học giảng Kinh ở nơi này, tương lai ta rốt cuộc là đệ tử Phật hay là đệ tử ma? Nếu như ta giảng Kinh thuyết pháp rất giỏi, nhìn thấy người khác còn giỏi hơn ta thì liền đố kỵ họ, ta liền tìm phương pháp để hại họ, để chướng ngại họ, thì ta đã biến thành ma rồi. Đó không phải là Phật. Phật thì quyết định không có tâm đố kỵ, Phật Bồ Tát nhìn thấy người khác giỏi hơn mình thì sanh tâm hoan hỷ, nhìn thấy người khác giỏi hơn mình thì sanh tâm cung kính, toàn tâm toàn lực thành tựu cho người khác, thì đây là Phật Bồ Tát. Nếu như chúng ta còn có đố kỵ, còn muốn chướng ngại người, nhiễu loạn người, tự mình nhất định phải biết là đã biến thành ma rồi, bạn chính là con cháu của ma vương Ba Tuần. Bạn đến thế gian này để làm gì? Bạn là đến để tiêu diệt Phật pháp, quả báo của bạn là ở đâu? Nhất định là ở A Tỳ Địa Ngục. Trong một cuộc đời ngắn ngủi mấy mươi năm này, nhờ vào phước báo của bạn, bạn tận sức để chướng ngại. Sau khi mấy mươi năm này qua đi, thì A Tỳ Địa Ngục sẽ chờ bạn. Phật và ma chính tại một niệm ở trong tâm của bạn, một niệm giác thì ma liền thành Phật, một niệm mê thì Phật liền biến thành ma. Nói lời thật với bạn là “không có Phật cũng không có ma”, chỉ là một niệm giác hay mê mà thôi. Câu nói này vô cùng quan trọng, hy vọng chúng ta phải thường thường giác ngộ. Điều đầu tiên trong Tam Quy Y là giác mà không mê. Ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp thì bạn không mê, không bị đọa lạc vào ma đạo. Một niệm không giác thì một niệm liền đọa rồi. Một niệm giác thì quay đầu trở lại, xoay chuyển trở lại. Chúng ta học Phật, các đồng tu xuất gia, mỗi ngày vẫn chính là chuyển qua chuyển lại giữa ma và Phật, một lúc là Phật một lúc lại là ma. Cái việc này cần phải tính toán cho kỹ, rốt cuộc ngày hôm nay ta làm ma thời gian dài hơn hay là làm Phật thời gian dài hơn? Nếu như thời gian làm ma dài hơn thời gian làm Phật thì tiền đồ rất nguy hiểm, thời gian làm Phật dài hơn thời gian làm ma thì bạn còn có thể được cứu. Sự tu hành của bạn có nắm chắc được hay không? Không đáng tin. Vì sao vậy? Đến lúc lâm chung, một ác niệm khởi lên thì biến thành ma, nên không đáng tin. Chúng ta phải luôn ghi nhớ.
Vị đồng học An Thế Cao ấy, nói lời chân thật, chúng ta không bằng ông, chúng ta còn kém ông rất xa. Ông là một người xuất gia tốt, minh Kinh hảo thí, thông hiểu Kinh, là pháp sư giảng Kinh thuyết pháp lại ưa thích bố thí. Việc sai trái là ở chỗ nào? Mỗi ngày ra ngoài đi khất thực (bạn cũng biết đời sống của người xuất gia ba y một bát, thật sự đêm ngủ gốc cây, ngày ăn một bữa, làm một người tu hành như vậy), đi khất thực mà được thức ăn không như ý, thì trong lòng liền có một chút không vui, bữa cơm này không được ngon cho lắm mà vẫn phải ăn. Chỉ có một chút không được vui như vậy mà đọa vào trong súc sanh đạo. Chúng ta ngày nay có việc gì làm cho thấy không vui hay không? Bởi vì ông là pháp sư giảng Kinh lại ưa thích bố thí, có trí tuệ, có phước đức, cho nên ông đọa trong súc sanh đạo được làm Long Vương. Chúng ta nghĩ xem, liệu rằng chúng ta tương lai mà đọa súc sanh đạo thì biến thành gì? Thành tôm tép, chúng ta không thành Long Vương được, vì trí tuệ, phước đức, tu hành của chúng ta không bằng ông, những nghiệp chướng mà ta đã tạo ra nhiều hơn ông không biết bao nhiêu lần. Chúng ta phải đem sự thật này để mà so sánh, nghĩ xem tiền đồ chúng ta là gì. Không cần phải hỏi người, hỏi chính mình thì sẽ rõ ràng, minh bạch. Chúng ta có thật sự nắm chắc vãng sanh Thế giới Cực Lạc hay không, đều phải xem ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, chúng ta nghĩ là những gì, niệm là những gì, làm là những gì. Phật pháp không lừa gạt người, Kinh Đại thừa nói với chúng ta chân tướng sự thật. Chúng ta trải qua đời sống như thế nào, vì sao chúng ta lại đến thế gian này, sống để làm gì và tương lai sẽ đi về đâu, chúng ta có từng chú tâm suy nghĩ qua chưa? Nếu như để tâm suy nghĩ nhiều hơn thì đối với việc học Phật của chúng ta có lợi ích rất lớn. Không thể trầm luân sanh tử. Ngày ngày trải qua cuộc sống hồ đồ lầm lẫn, đây không phải là cách, đây gọi là tâm luân hồi, vẫn là tạo nghiệp luân hồi; học Phật, tụng Kinh, giảng Kinh vẫn là đang tạo nghiệp luân hồi. Vị đồng học An Thế Cao này không phải tạo nghiệp luân hồi hay sao?
Chúng ta có phương pháp gì để có thể không tạo nghiệp luân hồi không? Đó chính là phải chăm chỉ làm, tu luyện cái tâm; trong cuộc sống thường ngày phải học tùy duyên, tuyệt đối không phan duyên; mỗi ngày chúng ta gặp phải tất cả người sự vật, người khác cúng dường chúng ta tốt hay xấu không nên phân biệt, không nên tính toán, vui vẻ hoan hỷ, vĩnh viễn sống trong thế giới cảm ân, chúng ta mới được cứu. Đối với sự việc này hoan hỷ, đối với sự việc kia thì chán ngán, đây là tâm luân hồi, đây là nghiệp luân hồi, giải quyết không được vấn đề, niệm Phật cầu vãng sanh đến lúc lâm chung có thể tạo thành chướng ngại. Người chân thật muốn cầu vãng sanh thì nhất định phải đem những chướng ngại này bài trừ. Đây là nói sơ lược về Ma Vương.
Trong “Kinh Bát Đại Nhân Giác” còn nói với chúng ta bốn loại ma: Ngũ ấm ma, phiền não ma, tử ma, thiên ma. Đây là Phật thường nói ở trên Kinh.
“Ngũ ấm” là sắc – thọ – tưởng – hành – thức. Sắc – thọ – tưởng – hành – thức có thể sanh ra đủ loại phiền não, cho nên cũng có thể gọi nó là ma. Chúng ta ở Dục Giới, ở Sắc Giới thì có thân, có thân thì bạn có loại chướng ngại này, thì có những cái khổ này. Vô Sắc Giới thì không có ngũ ấm ma. Sắc Giới, Dục Giới thì không có cách nào tránh khỏi. Cái thân này của ta là thân ngũ ấm, làm thế nào để giảm bớt sự đau khổ cho cái thân này của chúng ta? Nhất định phải chú ý hơn nữa đối với việc ăn uống trong cuộc sống thường ngày. Người xưa thường nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Phật dạy chúng ta giữ mồm giữ miệng, không những nói chuyện phải giữ mồm giữ miệng, mà ăn uống cũng phải giữ mồm giữ miệng, không thể tham ăn. Tham ăn thì thân sẽ sinh ra đủ loại bệnh. Đây là ngũ ấm ma.
“Phiền não” là ma, cái này thì mọi người dễ hiểu.
“Tử” là ma. Thọ mạng ngắn ngủi, chúng ta muốn học thứ gì mà vẫn chưa có học xong thì thọ mạng hết rồi, đời sau tuy rằng có duyên, nhưng gián đoạn một khoảng thời gian ở giữa thì không dễ gì tiếp nhận.
“Thiên ma”, thiên ma là ý nói sự mê hoặc của hoàn cảnh bên ngoài. Sức mạnh của sự mê hoặc này rất lớn, bạn có thể không bị mê hoặc hay không?
Đây là sơ lược bốn loại ma. Lần sau tôi sẽ báo cáo tỉ mỉ hơn với các vị, bởi vì chúng tổn hại đến chúng ta quả thật là rất nghiêm trọng, chúng ta phải nhận biết chúng, mới có thể ngăn ngừa chúng.
Tốt rồi, hôm nay chỉ nói đến đây thôi.
A Di Đà Phật…
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 247)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.