GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 50/374
Cho nên Kinh điển không thể sơ sài qua loa, mà phải rất tỉ mỉ mà đọc tụng, mà thể ngộ, chúng ta mới có thể có được thọ dụng chân thật. Thực tế mà nói, “chư Phật vô lượng công đức trí tuệ thánh minh” còn có một tầng ý nghĩa rất sâu, đó là trong tự tánh chúng ta vốn sẵn đầy đủ. Việc này Thế Tôn ở trong Kinh Đại Thừa có nói, trong Kinh Tiểu Thừa thì Phật không có nói. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phẩm Xuất Hiện nói được rất rõ ràng, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai. “Vô lượng công đức” là đức tướng, “trí tuệ thánh minh” là trí tuệ, tự tánh của tất cả chúng sanh vốn sẵn đầy đủ. Tại vì sao chúng ta bỏ mất đi trí tuệ công đức vô lượng của chính mình? Xin nói với các vị, nói mất đi không phải chân thật đã mất, tự tánh vốn sẵn có thì làm sao mất đi được? Quyết định không thể mất đi. Hiện tại trí tuệ công đức của chúng ta không khởi được tác dụng, Phật nói cho chúng ta nghe, là do có chướng ngại, tuyệt nhiên không phải mất đi, là bạn có chướng ngại nên ngăn nó không khởi được tác dụng. Chỉ cần bạn đem chướng ngại trừ bỏ thì trí tuệ đức năng của bạn liền lại hiện tiền. Trí tuệ đức năng hiện tiền thì không hề khác biệt cùng mười phương tất cả chư Phật Như Lai.
Rốt cuộc là chướng ngại gì? Phật vì chúng ta nói thẳng một lời, đó là vọng tưởng, chấp trước, “chỉ bởi vọng tưởng, chấp trước mà không được chứng đắc”. Phật nói ra cho chúng ta nghe rồi, chúng ta phải làm sao? Phải đem vọng tưởng xả bỏ, đem chướng ngại trừ bỏ thì bản năng của tự tánh chúng ta liền hồi phục. Phật nói vọng tưởng chấp trước, trong đó còn có phân biệt, có phải Phật nói thiếu hay không? Không phải! Phân biệt có thể bao gồm ở trong chấp trước, cũng có thể bao gồm ở trong vọng tưởng, cũng có thể đem nó tỉnh lược đi. Chúng ta lại nói phân biệt, cái ý này thì rất rõ ràng, rất đầy đủ. Do đây có thể biết, ba loại chướng ngại này trong Phật pháp gọi là phiền não. Chấp trước là kiến tư phiền não, phân biệt là trần sa phiền não, vọng tưởng là căn bản vô minh, cũng gọi là vô minh phiền não. Ba loại phiền não này, kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, Phật dạy chúng ta cái gì? Đoạn phiền não mà thôi. Sự việc này chúng ta phải thật làm mới được. Phải làm từ chỗ nào? Từ ngay trong cuộc sống thường ngày, từ ngay trong công việc đối nhân xử thế tiếp vật, chân thật đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xả bỏ.
“Xả bỏ”, các vị phải ghi nhớ, không phải là xả bỏ trên sự. Trên sự mà xả bỏ, thì những việc của tôi cũng đều buông bỏ, đều không làm nữa, bạn ngày ngày trải qua đời sống mặc áo, ăn cơm, tôi cũng không mặc áo, không ăn cơm, vậy thì bạn hoàn toàn hiểu sai đi ý nghĩa của Phật. Vạn nhất không nên hiểu lầm. Tôi thảy đều buông bỏ, buông bỏ thì chết rồi, chết rồi thì chẳng phải buông bỏ hết rồi sao? Kỳ thật sai rồi, chết rồi cũng vẫn chưa hết. Trên “Kinh Địa Tạng” nói với chúng ta, chết rồi sau 49 ngày lại phải đi đầu thai, chưa có buông bỏ. Nếu họ thật buông bỏ thì họ sẽ không đến đầu thai. Họ còn đến luân chuyển đầu thai trong sáu cõi, có thể thấy được họ chưa buông bỏ. Chết rồi cũng chưa buông bỏ được, việc này chúng ta nhất định phải làm cho rõ ràng, cho tường tận. Cho nên chết rồi thì thật là khó khăn, chân thật là không thể hết. Phật muốn độ chúng ta, hơi thở này của chúng ta chưa dứt thì còn cứu được, hơi thở này dứt rồi thì hết cứu, Phật Bồ Tát cũng không thể nào giúp được. Cho nên nhất định phải chăm chỉ, phải nỗ lực.
Buông bỏ không phải là buông bỏ trên sự, mà là buông bỏ ở nơi tâm, buông bỏ trên tâm lý. Trên sự chẳng phải trên tiêu đề đã viết rất rõ rồi sao, phải làm tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh, làm ra kiểu dáng. Bạn phải làm được càng tốt càng viên mãn, làm ra gương mẫu để cho người khác xem. Đây gọi là giáo hóa chúng sanh. Tuy là làm ra tấm gương tốt nhất, nhưng trong lòng trong sạch không nhiễm một trần. Đó gọi là buông bỏ. Buông bỏ là chỉ sự việc như vậy, vạn nhất không nên hiểu lầm. Cho nên có rất nhiều người nghe giảng hiểu sai đi ý nghĩa, đó là thiểu số không phải đa số, đa số thì phiền phức sẽ lớn. Có một hai người như vậy, công việc của họ đang làm thì không làm nữa, tiền tài trong nhà đều bố thí, đều buông bỏ, sau đó viết thư nói với tôi, họ không có cơm để ăn, phải làm sao? Đó là hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa. Vào thời xưa cũng có một người như vậy làm ra một tấm gương, thế nhưng bạn phải tỉ mỉ mà quan sát họ, họ vẫn còn ăn cơm.
Cư sĩ Bàng Uẩn ở thời triều nhà Đường, ông làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Dụng ý đó rất sâu, chúng ta cũng rất dễ dàng hiểu sai ông. Ông là một người tương đối giàu có, học Phật khai ngộ, ở trong Tông Môn gọi là “minh tâm kiến tánh”, “đại triệt đại ngộ”. Sau khi ngộ rồi, ông đem gia sản của ông bán hết, chất lên một chiếc thuyền, bơi thuyền đến giữa dòng sông, đục một cái lỗ, nhận chìm nó. Ông đã buông bỏ hết, thảy đều xả hết. Có người hỏi ông: “Bàng cư sĩ! Những tài vật này ông đã không cần nữa, tại vì sao ông không đem nó đi làm những việc từ thiện, cứu tế chúng sanh bần khổ trong xã hội?”. Thực tế mà nói, hành động đó của ông chính là bảo với người một câu nói, đáp án của ông là “việc tốt không bằng không việc gì”. Ý nghĩa của câu nói này rất sâu, mỗi một người đều vô sự thì thiên hạ thái bình. Vô sự tuyệt nhiên không phải bảo bạn không làm việc, mà là không nên đi phan duyên, tùy duyên thì tốt. Đời sống của ông không vấn đề, ông biết đan dép cỏ, mỗi ngày đi bán dép cỏ, đổi chút ít tiền mua gạo, mua rau, đời sống trải qua được rất tự tại, rất an vui. Ông không cần tiền, không cần phải tích chứa, không cần phải suy nghĩ cho ngày mai. Vì sao vậy? Ông tự tại vãng sanh. Bạn xem trong “Truyện Ký”, người cả nhà đều rất tự tại.
Có một hôm, ông ngồi trong nhà tĩnh tọa, nói với con gái của ông ra bên ngoài xem bây giờ là lúc nào rồi? (Vào thời xưa không có đồng hồ, xem mặt trời đến lúc nào rồi). Cô con gái ông biết được cha mình muốn vãng sanh, xem thử thời gian đến chưa. Con gái ông ra ngoài lớn tiếng nói với ông: “Thời gian vẫn chưa đến”, rồi đứng ngoài đó vãng sanh. Kết quả, ông già ra ngoài xem, “ây da! Con gái này! Vốn dĩ muốn con gái lo hậu sự cho ta, rốt cuộc ta còn phải lo hậu sự cho nó, nó còn lợi hại hơn ta”. Bạn thử nghĩ xem, sanh tử tự tại, đi được đẹp đến như vậy thì ông còn chuẩn bị cho ngày mai để làm gì, không cần thiết! Chỉ có ở trong Phật pháp tu học, bạn mới có thể đến được loại công phu này, đó là triệt để thấu hiểu chân tướng đối với vũ trụ nhân sanh. Cho nên, khế nhập vào cảnh giới đó có thân hay không vậy? Không có! Vô ngã tướng. Bạn không có thân thì mới có thể hiện ra tất cả thân, nhà Phật gọi là “sanh tử tự tại”. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói tám cái tự tại, nói mười cái tự tại, họ có thể chứng được, chúng ta cũng có thể chứng được. Ngày nay chúng ta không cách gì chứng được chính là bởi vì không buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sự việc dính mắc ở trong lòng quá nhiều. Đó là chướng ngại lớn của phàm phu. Lúc nào bạn buông bỏ thì ngay lúc đó liền thành Phật. Làm Phật, thực tế mà nói là không khó. Chúng sanh và Phật khác biệt ở một niệm. Một niệm giác chính là Phật, một niệm mê chính là chúng sanh. Người niệm Phật thường nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Khi chúng ta thường ngày dụng công, một niệm tương ưng thường có, thế nhưng niệm niệm tương ưng thì khó, thì không dễ dàng. Nếu như chúng ta có thể giữ gìn, mỗi ngày có một niệm tương ưng, không nên cho rằng thời gian của một niệm này quá ngắn, một ngày chỉ một lần như vậy thì quá ngắn, mà rất là hy hữu, rất là đáng quý. Bạn có một niệm thì bạn sẽ có hai niệm, có hai niệm thì sẽ có ba niệm. Cho nên đây là cảnh giới tốt, rất khó được.
Năm xưa, tôi ở nơi đây khuyên mọi người niệm Phật, có rất nhiều đồng tu làm việc rất bận rộn, không có thời gian tu thời khóa sớm tối, cho nên tôi khuyên họ dùng “Cách Mười Niệm”. Cách mười niệm của tôi không giống như Pháp sư Quán Đảnh. Pháp sư Quán Đảnh là mười hơi thở, một hơi thở tính là một niệm, một hơi không bắt buộc bao nhiêu niệm. Pháp mười niệm này của tôi chính là mười câu A Di Đà Phật. Nếu như bạn niệm bốn chữ “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, niệm ra mười câu, đại khái một phút thì được rồi. Tuy là thời gian ngắn như vậy, chỉ có mười câu, nhưng phù hợp tiêu chuẩn trên “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói là “một lòng xưng niệm”, “một lòng chuyên niệm”. Trong mười câu Phật hiệu này là bạn một lòng niệm, quyết định không có vọng niệm xen tạp ở trong, chân thật làm được “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, hoàn toàn phù hợp với Bồ Tát Đại Thế Chí dạy cho chúng ta: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Đó là công đức chân thật. Cho nên, không nên nghĩ thời gian quá ngắn, đây là công đức chân thật. Một ngày có được một niệm tương ưng như vậy, đương nhiên số lần niệm càng nhiều càng tốt, cho nên chúng ta liền nghĩ đến một ngày phải nên niệm chín lần. Chín lần niệm thế nào vậy?
- Khi sáng sớm thức dậy, niệm một lần. Đây được xem là thời khóa sớm. Thời gian một phút thì được rồi. Có tượng Phật thì đối mặt với tượng Phật, không có tượng Phật thì hướng về phía tây.
- Một ngày ăn cơm ba bữa, trước khi ăn cơm chắp tay niệm mười câu A Di Đà Phật. Cho nên chúng ta không niệm chú cúng dường, chúng ta chắp tay niệm mười danh hiệu A Di Đà Phật, một lòng xưng niệm, vậy thì được thêm ba lần rồi.
- Buổi sáng bạn đi làm việc, trước khi làm việc niệm qua một lần. Làm việc xong thì niệm một lần. Buổi sáng và buổi chiều là bốn lần.
- Buổi tối trước khi đi ngủ niệm một lần.
Tổng cộng là chín lần. Chín lần này là định khóa của chúng ta. Mỗi một lần chỉ cần một phút. Ngoài ra, có thời gian thì bạn có thể niệm nhiều càng tốt. Phương pháp này rất có hiệu quả, lại không chướng ngại bạn làm việc, đích thực là tiện lợi đến cùng cực. Làm thế nào niệm được chân thật có hiệu quả, nắm chắc được phần vãng sanh? Phải xem bình thường công phu buông bỏ, nhìn thấu của bạn. Buông bỏ, nhìn thấu là giác ngộ, bạn thông suốt đối với tất cả pháp thế xuất thế gian. Thông suốt chính là nhìn thấu, không còn chấp trước chính là buông bỏ. Bạn có thể chân thật làm đến được tùy duyên, tùy duyên chính là buông bỏ, phan duyên là chấp trước, tùy duyên mà không phan duyên. Tuyệt nhiên không phải dạy chúng ta đem công việc đáng phải làm cũng bỏ không làm, vậy thì sai rồi. Tùy duyên chính là tùy thuận cơ duyên, chúng ta phải nên làm.
Như gần đây cư sĩ Lý Mộc Nguyên cùng những vị đổng sự của Cư Sĩ Lâm bàn đến việc của Thôn Di Đà, cũng bàn đến việc của Phật Học viện. Việc này có phải là phan duyên hay không? Không phải! Đó là tùy duyên. Chúng ta bình lặng mà quan sát, có được cơ hội có thể thành tựu, chúng ta nỗ lực đem nó xúc tiến, đó là tùy duyên. Nếu như xem thấy không có cơ hội này, rất là miễn cưỡng mà đi làm, chưa chắc có thể làm được thành công, đó là phan duyên. Việc này phải có trí tuệ. Bạn không có trí tuệ quan sát, cái gì là tùy duyên, cái gì là phan duyên, bạn cũng không rõ ràng. Tùy duyên là một chút miễn cưỡng cũng không có, làm được rất tự tại, rất an vui, chân thật làm đến được pháp hỷ sung mãn, là vì Phật pháp cửu trụ thế gian, vì tất cả chúng sanh có nhân duyên được độ, không vì chính mình. Chính mình tâm địa thanh tịnh vô nhiễm, Đại Sư Huệ Năng đã nói “vốn dĩ không một vật”, chính mình đích thực là trụ ở “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, vì Phật pháp, vì chúng sanh, như vậy chăm chỉ nỗ lực mà phục vụ. Đó chính là hai bên “không có”, đều không trụ. Đó là tinh thần của Bồ Tát Đại Thừa, đời sống của Bồ Tát, việc làm của Bồ Tát, hai bên đều không trụ, tâm địa thanh tịnh không nhiễm một trần, vì Phật pháp vì chúng sanh đang phục vụ, chưa từng nghỉ ngơi, không trụ vào không, không trụ vào có, không – có hai bên đều không trụ. Chỗ này không giống người mê hoặc. Người thế gian mê, người thế gian chấp có, người nhị thừa chấp không. Phật nói, chấp trước hai bên đều là sai lầm. Bồ Tát là trung đạo. “Trung đạo đệ nhất nghĩa đế”. Trung đạo chính là không trụ hai bên.
Cho nên, chúng ta từ trong phẩm Kinh văn này đích thực có được thể hội rất sâu, cũng có cảm khái rất sâu, biết được hiện tiền chúng ta phải nên làm những việc gì. Nhất định phải tuân thủ giáo huấn ở trong Kinh điển, đặc biệt là hai đoạn sau cùng “đức dụng vô phương”, “tự lợi đức” cùng “lợi tha đức”. Đó là tổng nguyên tắc chỉ đạo sinh hoạt làm việc tu học của chúng ta. Chúng ta có thể tường tận, có thể y giáo phụng hành, liền có thể cùng các vị đại Bồ Tát trong hội này, các Ngài được trí tuệ thánh minh công đức Phật, chúng ta tuy là không thể chứng đắc viên mãn, nhưng cũng có thể có được chút ảnh hưởng, cũng dần dần tiếp cận được gần hơn, trong bốn gia hạnh gọi là “noãn vị”. Đó là hiện tiền chúng ta phải nên giác ngộ, phải nỗ lực, biết được sứ mạng của chính mình là rất nặng.
*******************
Kinh văn: “Như thị đẳng chư đại Bồ Tát vô lượng vô biên nhất thời lai tập”.
Đây là xem thấy pháp hội của “Kinh Vô Lượng Thọ”, Bồ Tát đến tham dự pháp hội quá đông, quá nhiều. Phía trước đã từng giới thiệu qua với các vị, thượng thủ xếp vào mười sáu người, “thập lục chánh sĩ”. Mười sáu người này toàn là Bồ Tát tại gia, cho nên từ trong phần tựa, chúng ta rất rõ ràng thể hội được, pháp môn này là pháp môn bình đẳng phổ độ, chúng tại gia nhiều, chúng xuất gia ít. Bồ Tát xuất gia, trên Kinh chỉ nêu ra cho chúng ta có ba người, Bồ Tát tại gia thì nêu ra mười sáu người. Trong mười sáu người này, phương này chỉ có một người là Hiền Hộ Bồ Tát, mười lăm vị còn lại là từ phương khác đến. Việc này rất rõ ràng nói với chúng ta, chúng ta cùng thế giới phương khác có quan hệ mật thiết. Tình hình của thế giới phương khác, chúng ta không thể không biết. Người hiện tại nói thế giới phương khác gọi là ngoài thái không, gọi là người ngoài hành tinh, kỳ thật chỗ này nói còn rộng lớn hơn nhiều so với người ngoài hành tinh. Ngày nay chúng ta có thể thấy được người ngoài hành tinh, đại khái là cư trụ cùng đồng một không gian với chúng ta, còn không gian khác nhau chúng ta không thể thấy được họ, họ cũng không thấy được chúng ta.
Thí dụ, chúng ta cùng quỷ thần là không đồng một không gian duy thứ, tuy là quỷ thần cùng ở chung với chúng ta một nơi, thế nhưng bởi vì không gian duy thứ khác nhau, chúng ta cư trụ ở không gian ba độ, họ có thể là ở không gian bốn độ, không gian năm độ thì không thể biết được. Tuy là cùng ở một nơi, thế nhưng không gian duy thứ không như nhau, cũng không hề chướng ngại nhau. Cũng giống như hiện tại chúng ta xem truyền hình, truyền hình có rất nhiều kênh đài đều ở trên một màn hình, kênh đài không giống nhau, đôi bên hỗ trợ lẫn nhau không hề quấy nhiễu. Bạn mở ở một kênh đài nào thì kênh đài đó liền xuất hiện, đều ở trong một cái khung nhỏ đó. Phật nói với chúng ta, tình huống của mười pháp giới cũng gần giống như vậy, là mười kênh đài. Hiểu được đạo lý này, người xưa nói Tây Phương Tịnh Độ “sanh thì quyết định sanh, đi thì thật không đi”. Lời nói này chúng ta vừa nghe lại hồ đồ, cái gì sanh thì quyết định sanh, đi thì lại không đi? Không đi thì làm sao sanh? Hiện tại bạn hiểu được kênh đài của truyền hình thì liền thể hội được ý này. Sanh thì quyết định sanh, đi thì có đi không? Vẫn là ở trong một cái khung nhỏ đó. Cái khung đó là gì? Pháp Giới Nhất Chân. Mười pháp giới không rời khỏi Pháp Giới Nhất Chân. Pháp Giới Nhất Chân là như thế nào vậy? Hoàn toàn không có duy thứ của thời không, đó gọi là Pháp Giới Nhất Chân. Do đây có thể biết, duy thứ của thời không gọi là ba độ, bốn độ, năm độ, thậm chí đến vô hạn độ là từ do đâu mà đến? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà ra, đem Pháp Giới Nhất Chân biến thành rất nhiều thời không khác nhau. Nếu như đem tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông bỏ, hồi phục đến Pháp Giới Nhất Chân. Người ở trong Pháp Giới Nhất Chân đối với tình hình hoạt động của chúng sanh trong duy thứ thời không vô hạn thảy đều tường tận, thảy đều thấu hiểu. Chúng ta không biết được họ, họ lại biết được chúng ta, cho nên chúng sanh có cảm, Phật Bồ Tát lập tức liền có ứng, cảm ứng tương thông không thể nghĩ bàn. Nguyên lý của cảm ứng, phía trước chúng ta đã từng nói qua, ở đây không cần phải nói dài dòng nữa. Hiện tượng nguyên lý cơ bản này chính là khoa học gia ngày nay gọi là nguyên lý sóng động, hiện tượng sóng động. Câu này là nói rõ mười phương thế giới trong cõi nước chư Phật, những vị đại Bồ Tát này đến tham dự pháp hội, số lượng này không cách gì tính đếm.
*********************
Kinh văn: “Hựu hữu Tỳ kheo ni ngũ bách nhân, thanh tín sĩ thất thiên nhân, thanh tín nữ ngũ bách nhân ”.
Vào thời xưa, nữ chúng xuất gia ít, cho nên số người này ít, Tỳ kheo ni 500 người. “Thanh tín sĩ thất thiên nhân”, đây là nam cư sĩ tại gia. “Thanh tín nữ ngũ bách nhân”, nữ cư sĩ tại gia. Đó là số người mà mắt thịt chúng ta có thể xem thấy được. Phía trước nêu ra đại chúng dự hội, Tỳ kheo gồm mười hai ngàn người, lại thêm vào Tỳ kheo ni 500 người, cư sĩ bảy ngàn người, nữ cư sĩ 500 người, tổng cộng là hai mươi ngàn người. Mắt thịt có thể xem thấy được những đại chúng này là hai mươi ngàn người. Các vị thử nghĩ xem, Thích Ca Mâu Ni Phật vào ba ngàn năm trước, pháp hội giảng Kinh này thính chúng có hai mươi ngàn người, vào lúc đó không có máy phóng thanh, Thích Ca Mâu Ni Phật đối diện với hai mươi ngàn người giảng Kinh nói pháp, dạy cho mọi người đều nghe được rất rõ ràng, đều có thể nghe được ý của Phật, đều có thể sanh đại hoan hỉ. Chỗ này cũng rất không thể nghĩ bàn. Chúng ta ngày nay không cần nói hai mươi ngàn người, giảng đường này của chúng ta sức chứa nhiều nhất cũng không vượt quá một ngàn người, nếu như không có thiết bị phóng thanh, âm thanh của chúng ta sẽ không đến được phía sau, đại khái chỉ có mấy hàng phía trước có thể nghe được, phía sau thì không thể nghe được, vậy hai mươi ngàn người, chúng ta không có năng lực này. Hiện tại là nhờ vào công cụ của khoa học. Cho nên, ở nơi đây chúng ta liền nghĩ đến ở trong Kinh Phật nói: “Phật dùng một âm mà nói pháp, chúng sanh tùy loại đều có thể hiểu”. Đây là nói rõ ngôn ngữ của Phật không có chướng ngại, không chỉ tất cả khác biệt của ngôn ngữ không chướng ngại, mà âm thanh của Phật cũng không chướng ngại. “Vô viễn phất cái”, cự ly có xa hơn cũng đều có thể nghe thấy được. Âm này gọi là diệu âm.
******************
Kinh văn: “Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên, chư thiên phạm chúng, tất cộng đại hội”.
Dục Giới có sáu tầng trời. Gọi là Dục Giới vì ngũ dục chưa đoạn. Ngũ dục là “tài, sắc, danh, thực, thùy”, họ vẫn chưa đoạn, thế nhưng sáu tầng trời của cõi dục càng hướng lên trên cao thì tham ái của ngũ dục càng tan nhạt. Chúng ta không thể nói hưởng thụ. Hưởng thụ là trời càng cao, hưởng thụ đó phước báo sẽ càng lớn, họ có hưởng thụ nhưng không có tham ái, tâm càng thanh tịnh, càng hướng lên trên thì càng thanh tịnh, cũng chính là nói phân biệt chấp trước của họ cũng tan nhạt, không phải không có. Đến Trời Sắc Giới thì đều là ở trong định, ở trong thiền định sâu, định lực khống chế được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đè nó xuống, không khởi được tác dụng, đối với năm dục sáu trần, loại ý niệm phân biệt chấp trước này không có. Không phải họ đã đoạn dứt, mà họ dùng sức định để đè xuống. Định có thể hàng phục, họ hàng phục được, cho nên đây là tứ thiền của Sắc Giới.
Các vị nhất định phải nên biết, mọi người nghe đến thiền thì không nên nghĩ đến cả ngày từ sớm đến tối ngồi quay mặt vào vách. Nếu như cho rằng một ngày từ sớm đến tối ngồi xếp bằng quay mặt vào vách, mặt nhìn mũi, mũi nhìn tâm thì gọi là thiền là bạn hoàn toàn sai lầm. Thiền đó có dùng được vào đâu? Thiền đó một chút tác dụng cũng không có. Chúng ta đọc “Lục Tổ Đàn Kinh”, Đại Sư Huệ Năng Ngài có phải là đang ở ngay trong định không? Ngài thật là đang ở ngay trong định. Ngài có ngồi thiền hay không? Không có! Ngài mỗi ngày đều làm việc, bận rộn đến không thở ra hơi, đó là đang ở ngay trong định. Trong “Đàn Kinh” giải thích với chúng ta ý nghĩa của hai chữ thiền định, chúng ta phải nên hiểu. Ngài nói: “Ngoài không dính tướng gọi là thiền, trong không động tâm gọi là định”. Cách giải thích thiền định của Ngài là như vậy, chúng ta phải nên hiểu. Hai câu nói này của Ngài, thực tế mà nói là nói ra từ trên “Kinh Kim Cang”. Ngài khai ngộ từ “Kinh Kim Cang”. Trên “Kinh Kim Cang” nói với chúng ta: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Không dính ở tướng là thiền, như như bất động là định, có thể thấy được không chướng ngại bạn sinh hoạt, không chướng ngại bạn làm việc. Chúng ta ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” xem thấy năm mươi ba tham Pháp Thân Đại Sĩ, họ có rêu rao tu thiền định không? Thiện Tài Đồng Tử đến thăm viếng, đến tìm cầu họ, họ ở nơi đâu vậy? Trên Kinh nói ở ngoài chợ. Ngoài chợ là nơi nào vậy? Nếu dùng lời hiện tại mà nói là siêu thị. Vị thiện tri thức này tu thiền định là tu ở siêu thị, đi dạo ở siêu thị. Người ta là thật dụng công phu, dạo siêu thị là xem thấy siêu thị lập lòe hoa mắt nhưng không dính mắc. Dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói, không bị mê hoặc đó là thiền, trong lòng như như bất động gọi là thiền, họ ở nơi đó tu thiền định. Cách tu thiền định của người là như vậy, không phải ngồi xếp bằng quay mặt vào vách. Ngày nay chúng ta xem thấy người ta xếp bằng quay mặt vào vách, ở nơi đó vừa vào định thì một tuần lễ, một tháng cũng không xuất, chúng ta đảnh lễ năm vóc sát đất, con người này rất cừ khôi, công phu rất cao. Ngoài ra, có người tu thiền định thì ngày ngày đi xem kịch, ngày ngày đi khiêu vũ, thì nói con người này là phá giới, không biết được công phu thiền định này cao hơn nhiều so với người phía trước. Đó là hoàn toàn cự tuyệt ngoại duyên, họ ở nơi đó không động tâm, nhưng nếu họ ra ngoài đi một vòng, có thể công phu của họ sẽ không còn. Người ta chân thật tu hành ở ngay trong môi trường náo nhiệt, mắt thấy cũng không bị mê hoặc, tai nghe cũng không bị mê hoặc, sáu căn tiếp xúc đều không bị mê hoặc, đó là thật công phu. Chúng ta thấy Năm Mươi Ba Tham trên “Kinh Hoa Nghiêm”, những vị đại thiện tri thức này, chúng ta rất có lĩnh ngộ, biết được thiền định là tu bằng cách nào.
Ở trong Phật pháp chỉ tu tâm thanh tịnh. Chúng ta niệm Phật, niệm Phật nhất định phải tu “nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”, chính là thiền định. Tóm lại một câu mà nói, Phật pháp lấy thiền định làm căn bản, tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi một pháp môn đều là tu thiền định, chỉ là cách thức phương pháp tu thiền định không như nhau, nhưng đều là tu thiền định. Chỉ có tu thiền mới có thể khai trí tuệ. Cho nên Phật pháp tổng quy nạp lại là giới-định-huệ tam học. “Giới” là như pháp, tu học đúng lý, đúng pháp gọi là giới. Tuân thủ lời dạy trong Kinh điển của Phật Bồ Tát, dạy bảo chúng ta phương pháp lý luận, đó gọi là trì giới. Dùng những phương pháp này chúng ta mới có thể được định. Được định, dùng lời hiện đại mà nói, là chúng ta không bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc, trong lòng chính mình có chủ tể, đó gọi là được định. Sau khi được định thì liền khai trí tuệ. Trong “Kinh Bát Nhã” giảng cho chúng ta nghe, trí tuệ có Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí là trí tuệ chân thật, là thể của trí tuệ. Cái thể này trên Kinh nói rất rõ ràng là: “Bát Nhã Vô Tri”. Chỉ có vô tri khởi tác dụng mới là “vô sở bất tri”. Cho nên, các vị muốn cầu trí tuệ chân thật, trí tuệ chân thật là gì? Trí tuệ chân thật là vô tri, vĩnh viễn giữ gìn tự tánh thanh tịnh giác. Đề Kinh này của chúng ta rất hay: “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”. Giác là không mê, vô tri không phải là mê, vô tri là không mê, mọi thứ đều rõ ràng, mọi thứ đều tường tận, không có khởi tâm, không có động niệm. Cảnh giới mà Phật Bồ Tát thị hiện ra chính là như vậy. Cho nên, tất cả chúng sanh có nghi nan tạp chứng, thỉnh giáo với các Ngài, Phật từ bi khai thị, khi Ngài khai thị có phải suy nghĩ là vấn đề của anh ta phải giải đáp như thế nào không? Không hề có! Nếu như vừa rơi vào tư duy thì đó chính là ý thức, vậy thì mê rồi. Ngài không hề thông qua tư duy, không thông qua tưởng tượng, bạn vừa hỏi thì tự nhiên có câu trả lời, trả lời không sai một chút nào. Đó là gì? Đó gọi là Hậu Đắc Trí. Hậu Đắc Trí từ đâu mà có? Từ Căn Bản Trí mà có. Cái ý này các vị tỉ mỉ mà thể hội.
Căn bản trí là vô tri. Mọi người nghe nói chữ “Vô” này, xem thấy chữ “Vô” này thì cho là không có bất cứ thứ gì. Nếu thấy như vậy thì sai rồi, hoàn toàn sai lầm. “Vô Tri” là gì? Họ không có khởi tâm, không có động niệm, không có phân biệt, không có chấp trước nên gọi là Vô. Vô là vô những thứ này. Vô vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, Vô khởi tâm động niệm phân biệt chấp trước, đó là Vô. “Tri” là họ cái gì cũng biết, không có thứ nào không biết. Cho nên, Vô Tri phải phân ra hai vế để xem, vô là một ý nghĩa, tri là một ý nghĩa. Họ vô vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vô khởi tâm động niệm, nhưng cái gì cũng đều biết, đó gọi là Căn Bản Trí.
Hậu Đắc Trí là Vô Sở Bất Tri, là bạn hỏi họ thì họ giải đáp liền cho bạn, đó chính là khởi tâm động niệm. Họ không khởi tâm động niệm thì họ làm sao nói với bạn? Tuy khởi tâm động niệm, nhưng không có phân biệt, chấp trước. Cũng giống như câu trả lời của Đại Sư Vĩnh Gia với Lục Tổ. Vĩnh Gia kiến tánh rồi, Lục Tổ chứng minh cho Ngài. Sau khi chứng thật, Lục Tổ liền hỏi ông một câu: “Ông còn có phân biệt không?”. Vĩnh Gia trả lời: “Phân biệt cũng không phải là ý”. Lục Tổ gật đầu: “Ông như vậy, ta cũng như vậy”. Phàm phu chúng ta, phân biệt là rơi vào trong ý thức, cho nên nói không có phân biệt chấp trước, kỳ thực Ngài vẫn là phân biệt chấp trước, thế nhưng hoàn toàn khác với phân biệt chấp trước của phàm phu chúng ta. Phàm phu chúng ta thật có phân biệt chấp trước, phân biệt chấp trước đó của các Ngài không phải là thật, mà tùy thuận phân biệt của chúng sanh mà phân biệt, tùy thuận chấp trước của chúng sanh mà chấp trước, cho nên đó không phải là cái ý của chính các Ngài. “Phân biệt cũng không phải là ý” là cách nói như vậy. Nếu như Ngài không tùy thuận phân biệt của chúng ta, không tùy thuận chấp trước của chúng ta, thì Thích Ca Mâu Ni Phật không cách gì giảng Kinh. Ngài giảng Kinh nhất định phải thuận theo phân biệt của chúng ta, thuận theo chấp trước của chúng ta, thì Ngài giảng chúng ta mới có thể hiểu. Nếu như Ngài thật không có phân biệt, không có chấp trước, thì Thích Ca Mâu Ni Phật một câu cũng không nói ra. Cho nên trên Kinh Đại Thừa nói với chúng ta, khi Phật cùng Phật gặp nhau thì không có lời nào. Đó là thật, một chút cũng không sai, đôi bên đều hiểu rõ thì còn có gì để nói. Phật gặp được Bồ Tát thì còn có nói, Bồ Tát vẫn còn có chỗ không rõ ràng, cho nên mới nói cho họ nghe. Phật Phật đạo đồng, trình độ đều như nhau thì còn có gì để nói. Không những không nói, mà ngay đến biểu thị cũng không cần, đó mới là khế nhập vào cảnh giới cứu cánh viên mãn.
Trên đây là nói đến Tứ Thiền Sắc Giới, chúng ta hiểu rõ ý nghĩa chân thật của thiền định. Cho nên, người trời tứ thiền có sinh hoạt hay không? Có hoạt động, tuyệt đối không thể nói người Trời Tứ Thiền ngày ngày đang ngồi thiền, vừa ngồi thì ngồi bao nhiêu kiếp, vậy thì một chút ý nghĩa cũng không có, ai bằng lòng đi đến Trời Tứ Thiền. Trời Tứ Thiền có hoạt động. Không chỉ Trời Tứ Thiền có hoạt động, mà Người Tứ Không Thiên cũng có hoạt động, thế nhưng Trời Tứ Không Thiên không có sắc tướng, cho nên trên Kinh không nói đến họ. Bởi vì họ không có sắc tướng nên không nói đến họ, chỉ nói đến Dục Giới, Sắc Giới; Vô Sắc Giới không nói.
“Chư thiên phạm chúng”, đó là tổng kết.
“Tất cộng đại hội”, đó là chúng hội, mắt thịt chúng ta có thể nhìn thấy. Mắt thịt chúng ta xem thấy số thính chúng này rất có hạn, không nhiều, số thính chúng mà mắt thịt không nhìn thấy mới nhiều. Đạo tràng Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh nói pháp không chỉ là một hội “Kinh Vô Lượng Thọ” này, mà mỗi hội đều vậy, cho nên mới nói “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Thế nhưng những Đại Đức kết tập Kinh vì sao có những Kinh điển ghi chép thính chúng rất nhiều, có những Kinh điển ghi chép thính chúng tương đối ít? Các vị phải nên hiểu, đó là ý nghĩa của biểu pháp, cũng là vì chúng sanh Mạt Pháp của chúng ta căn tánh khác nhau chọn lấy vị đạo của pháp môn ở trong đó. Có cái ý này ở trong đó. Kỳ thật Thích Ca Mâu Ni Phật không luận là giảng Kinh nào, thính chúng đều nhiều đến như vậy. Đó là chúng ta có thể thể hội được, ngay chỗ này hiển thị sự thù thắng của pháp môn này, hiển thị pháp môn không thể nghĩ bàn.
Do đây có thể biết, giảng đường này của chúng ta ngày nay, mắt thịt của chúng ta có thể nhìn thấy một ngàn người như vầy, nhưng thính chúng nhiều hơn một ngàn người, mắt thịt chúng ta không nhìn thấy, đó là nhờ đường truyền chuyển phát đi đến toàn thế giới. Đồng tu bên Hoa Kỳ gọi điện nói với tôi, hiện tại họ cũng đang xem, âm thanh nghe được rất rõ ràng. Chúng ta biết được trên thế giới có rất nhiều khu vực đồng bộ đang xem trực tiếp trên màn hình. Đây là thính chúng mà chúng ta không nhìn thấy. Thực tế mà nói, đạo tràng của chúng ta có chúng quỷ thần hay không? Nhất định có! Lẽ nào mà không có chứ? Niệm Phật đường của chúng ta có Trời Dục Giới, Trời Sắc Giới, “chư thiên phạm chúng” ở trong đây niệm Phật hay không? Có! Không những chỉ có vậy, mà còn có chư đại Bồ Tát của mười phương đến cũng đang niệm Phật ở niệm Phật Đường. Đạo tràng thù thắng! Tại vì sao những Bồ Tát, thiên thần, đại chúng này đến tham dự pháp hội của chúng ta? Chân thành chiêu cảm. Chúng ta đôi bên cho rằng chúng ta là phàm phu, trong mắt của họ xem thấy chúng ta là Bồ Tát, ngay đến chư thiên phạm chúng xem thấy chúng ta đều là Bồ Tát. Chỉ cần bạn phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật, đệ tử Di Đà, bạn tương lai nhất định được sanh Tịnh Độ. Hiện tại tuy là chưa đi, nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã báo danh rồi, đã có danh sách rồi, nhất định sẽ đi, cho nên những thiên thần này thấy được rõ ràng tường tận, qua mấy ngày nữa thì bạn phải đi rồi, thì họ làm sao mà không tôn kính bạn? Pháp hội này của bạn làm sao họ không đến ủng hộ chứ? Cho nên niệm Phật đường có rất nhiều Bồ Tát, hộ pháp, quỷ thần cũng đều đến tham gia ở nơi đây, từ trường không như nhau. Chúng ta bước vào nơi đây pháp hỉ sung mãn, đạo lý chính ngay chỗ này.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến chỗ này. A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 50)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.