Tập 23/374 – Giảng Kinh Vô Lượng Thọ – Lần 10 (Năm 1998)

GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998

Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ 
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang

Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.

MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.

TỔNG CỘNG 374 TẬP

001 002 003 004 005 006 007 008 009 010 011 012 013 014 015 016 017 018 019 020 021 022 023 024 025 026 027 028 029 030 031 032 033 034 035 036 037 038 039 040 041 042 043 044 045 046 047 048 049 050 051 052 053 054 055 056 057 058 059 060 061 062 063 064 065 066 067 068 069 070 071 072 073 074 075 076 077 078 079 080 081 082 083 084 085 086 087 088 089 090 091 092 093 094 095 096 097 098 099 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364 365 366 367 368 369 370 371 372 373 374

GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 23/374

Lần này ở Bổn Lâm, chúng ta cùng với các vị đồng tu nghiên cứu học tập “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, chính là vì chúng ta không chỉ phải tường tận, mà còn phải nỗ lực học tập Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ. Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Thông thường chúng ta nêu ra cương yếu quan trọng nhất đó chính là mười nguyện của Phổ Hiền. Mười nguyện phía trước đã giới thiệu sơ qua với các vị một số. Bảy nguyện phía trước, từ Lễ Kính, Xưng Tán, Cúng Dường, Sám Hối, Tùy Hỷ, cho đến Thỉnh Chuyển Pháp Luân, Thỉnh Phật Trụ Thế, trong mỗi một nguyện đều đầy đủ sáu nguyện khác. Đó mới là giáo nghĩa của “Hoa Nghiêm”.

Ba nguyện phía sau là Thường tùy Phật học, Hằng thuận chúng sanh, Phổ giai hồi hướng đều là thuộc về hồi hướng. Trong hồi hướng thì “Thường tùy Phật học” chính là hồi hướng Bồ Đề.

8.   Nguyện thứ tám, “Thường tùy Phật học”

Buổi chiều hôm nay, Lý cư sĩ giới thiệu hai vị đồng tu đến thăm tôi. Hiện tại họ đang làm công tác phúc lợi xã hội, thế nhưng rất ít nghe nói đến Phật pháp hóa đời sống. Khi họ nghe tôi giảng Kinh là dường như Phật pháp đều có thể áp dụng ngay trong đời sống nên họ rất hoan hỉ, tán thán. Tôi nói với họ, Phật pháp hóa đời sống không phải do tôi nói, mà là do chính Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói như vậy. Chúng ta làm sao có thể đoạt lấy công đức của Phật làm của riêng mình chứ? Việc này là không thể được. Phật vốn dĩ đã nói như vậy. Người đời sau không chịu nói như vậy thì không còn cách nào. Chúng ta nói là Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra ý như vậy, nếu dùng lời hiện tại mà nói là nguyên chất chúng ta không được sửa đổi ý của Phật.

Người thế gian thông thường nói đến học Phật đều cảm thấy kỳ lạ, con người vì sao phải học Phật? Làm một con người tốt là được rồi, sao phải học Phật? Họ cho rằng học Phật gần như là một việc không bình thường.  Đây là một sự hiểu lầm rất to lớn đối với Phật pháp. Họ không biết được Phật là gì.

Phật là trí tuệ. Học Phật chính là học trí tuệ, học Phật chính là học giác ngộ, học Phật chính là học tập một đời sống trí tuệ cao độ, chân thật giác ngộ. Đây là việc rất bình thường, làm gì có việc không bình thường chứ? Có thể thấy được, xã hội hiểu lầm đối với Phật pháp là do chúng ta chưa đem giáo nghĩa của Phật pháp, nguyên ý của Phật pháp nói ra cho mọi người nghe. Làm thế nào để tuyên dương Phật pháp? Nhất định phải “tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”. Tuân chính là tuân thủ, tu là học tập. Bồ Tát Phổ Hiền là mô phạm tốt cho chúng ta. Trong Phật pháp Đại thừa, các vị cần phải nên biết, ba vị Bồ Tát Phổ Hiền, Quán Âm, Văn Thù là đại biểu tổng cương lĩnh tu học Phật pháp Đại thừa. Bồ Tát Phổ Hiền là biểu thị thực tiễn, nói được thì phải làm được, thấy được thì phải làm được. Văn Thù là biểu thị trí tuệ. Quán Âm là biểu thị từ bi. Thế Tôn ở trong Kinh Đại thừa nói với chúng ta: “Mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều là vì tu học ba pháp môn này mới thành tựu được Phật quả vô thượng”. Phật quả vô thượng, dùng lời hiện đại mà nói là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Chúng ta dùng “Phật quả vô thượng”, danh từ này người thông thường không thể lý giải, không biết được hàm nghĩa chính xác trong danh từ này, cứ hiểu sai, cho rằng là thành tựu trong tôn giáo. Họ không biết được đó là thành tựu học vấn đức hạnh ngay trong cuộc sống của chính mình. Cho nên đối với cách nói của người hiện tại, những danh từ thuật ngữ chuyên môn trong nhà Phật không thể không dùng lời nói rõ ràng hơn, để tránh mọi người nghe rồi sanh ra hiểu lầm. Hồi hướng chính là chúng ta có mong cầu. Hồi hướng Bồ Đề chính là chúng ta phải truy cầu trí tuệ cao độ cứu cánh, viên mãn.

9.   Nguyện thứ chín, “Hằng thuận chúng sanh”

Ý nghĩa của điều này rất rõ ràng, là hồi hướng chúng sanh. Vì sao phải hồi hướng chúng sanh? Cái ý này phía trước tôi đã nói qua với các vị, đặc biệt ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh cùng với chúng ta là một thể, cùng một tự tánh, cùng một chân tâm, cùng một lý thể biến hiện ra. Cảnh giới tuy không giống nhau, nhưng thể là tương đồng, cũng giống như một thân thể này của chúng ta. Nếu như nói đây là tự thể của chính mình thì mọi người dễ hiểu. Thân thể của chúng ta là do rất nhiều tổ hợp tế bào mà hình thành. Mỗi một tế bào đều là chính mình, đều không phải là người khác. Móng tay của chúng ta là chính mình, tóc của chúng ta cũng là chính mình. Móng tay, tóc của chúng ta vì sao phải cắt bỏ, chẳng phải chúng đều là chính mình sao? Sau khi hiểu rõ đạo lý thô cạn này rồi, bạn tỉ mỉ mà nghĩ, tỉ mỉ mà quan sát, trên Kinh Phật nói với chúng ta, mười pháp giới y chánh trang nghiêm tất cả là do ta, đâu có chuyện là không quan tâm đến ta. Tự tha không hai, sanh Phật bình đẳng. Chúng sanh và Phật là bình đẳng, cũng là một thể. Cho nên, nhất định phải biết hồi hướng cho chúng sanh.

Hồi hướng thế nào vậy? Chúng ta tạm dùng lời đơn giản để nói là lấy tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi quan tâm tất cả chúng sanh, yêu thương tất cả chúng sanh, toàn tâm toàn lực giúp đỡ tất cả chúng sanh. Giúp đỡ chúng sanh chính là giúp đỡ chính mình. Người không biết quan tâm chúng sanh, không biết giúp đỡ chúng sanh thì người này là không biết quan tâm chính mình. Người thế gian thường nói: “Con người phải biết được tự yêu thương”, bạn chính mình phải biết thương yêu chính mình, phải biết tự trọng. Chính mình phải tôn trọng chính mình. Cái gì là chính mình? Tận hư không khắp pháp giới là chính mình. Rất ít người hiểu được, rất ít người khẳng định điều này. Nếu như chúng ta không lướt qua Kinh giáo Đại thừa thì chúng ta cũng không hiểu. Chúng ta có cơ hội, có duyên phận tiếp xúc với Kinh giáo Đại thừa, đó là thiện căn – phước đức – nhân duyên từ vô lượng kiếp đã chín muồi nên mới có cơ hội thù thắng này. Sau khi thông hiểu, chúng ta nhất định phải làm cho được, phải quan tâm xã hội, phải thương yêu toàn thế giới, hơn nữa còn phải dùng tâm bình đẳng, không thể “đây nồng, kia nhạt”. Đó là một đạo lý, đạo lý này chúng ta phải tường tận. Trên sự thì sao? Trên sự đích thực có xa gần khác biệt. Vì sao có sự khác biệt này? Bởi vì “duyên” khác nhau. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Ngũ châu nhân quả”. Trong Ngũ châu nhân quả có nhân quả khác biệt, có nhân quả bình đẳng. Tâm của chúng ta là bình đẳng, nguyện là bình đẳng, hiểu là bình đẳng, tánh là bình đẳng. Thế nhưng trong gia đình, cha mẹ rất gần với chúng ta, đó chính là duyên phận, nên chúng ta phải thương yêu, giúp đỡ cha mẹ. Đương nhiên đầu tiên là giúp đỡ cha mẹ, sau đó người trong nhà, hàng xóm lân cận, bà con trong làng, rồi thêm xa một chút, đây chính là vì trên duyên không bình đẳng. Việc này các vị phải nên hiểu, trên lý nhất định phải bình đẳng. Bình đẳng và khác biệt không hai; ngay trong bình đẳng có khác biệt, ngay trong khác biệt có bình đẳng, nên gọi là “Viên dung không ngại hành bố, hành bố không ngại viên dung”. Chúng ta phải tu học, phải hoằng pháp lợi sanh như vậy, đó là hồi hướng chúng sanh.

10. Nguyện thứ mười, “Phổ giai hồi hướng”

Phổ giai hồi hướng là hồi hướng tự tánh, hồi hướng chân như, cũng chính là nói, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể tương ưng với tự tánh thì đúng.

Trên đây là giới thiệu đơn giản mười cương lĩnh của hạnh Phổ Hiền.

**************

Kinh văn: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”.

Chữ “Đức” này chúng ta phải đặc biệt chú ý. Chủ đề của chúng ta diễn giảng lần này, tổng cương lĩnh giảng Kinh là “tác sư tác phạm”, học vi nhân sư hành vi thế phạm. Chư Phật Bồ Tát ở trong chín pháp giới thị hiện ra nhiều hình tướng, các Ngài biểu diễn ra một người giác ngộ, biểu diễn một đời sống trí tuệ cao độ chính là để cho tất cả chúng sanh chưa từng giác ngộ, vẫn còn đang trong tình huống mê hoặc xem thấy, nghe thấy, tiếp xúc được, trong lòng có cảm ngộ, có thể sanh tín tâm, sanh hoan hỉ, hy vọng chúng ta học tập với các Ngài. Đó chính là đức của Đại Sĩ, đức của Phật Bồ Tát. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là như vậy. Mười phương thế giới chư Phật, phàm hễ dùng tâm thanh tịnh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, tâm hạnh của các Ngài tất nhiên cũng tương ưng với hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền. Chúng ta gọi là cùng một phương hướng, cùng một mục tiêu thì chính xác. Câu Kinh văn này chúng ta giới thiệu đến đây.

******************

Kinh văn: “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.

Câu Kinh văn này nói về hạnh nguyện công đức. Vô lượng là hình dung nhiều, đích thực là không cách gì tính đếm, vô lượng “hạnh”, vô lượng “nguyện”. Hạnh cùng nguyện bao gồm cả thảy đời sống của chúng ta, không chỉ là một đời này mà bao gồm đời quá khứ và đời vị lai, quá khứ vô cùng, vị lai vô tận. Tâm hạnh của chúng ta đời đời kiếp kiếp đều bao gồm trong hai chữ “hạnh-nguyện” này, cho nên bên trên để hai chữ “vô lượng”.

“Hạnh” là hành vi đời sống. Trong Phật pháp thường hay dùng ba chữ “thân-ngữ-ý” để khái quát hành vi đời sống của chúng ta, chúng ta gọi là hành vi ba nghiệp. Thân là tạo tác của thân thể, chúng ta gọi là động tác của thân thể. Ngữ là ngôn ngữ. Ý là tư tưởng, là kiến giải, chúng ta gọi là khởi tâm động niệm. Bao gồm tất cả hành vi, vô lượng vô biên hành vi đều không ngoài ba loại lớn này, chúng ta gọi là hành vi ba nghiệp. Hành vi ba nghiệp này của chúng ta phải tương ưng với mười cương lĩnh của Bồ Tát Phổ Hiền, nếu trái với mười đại nguyện, mười cương lĩnh này thì hành vi này là sai lầm. Nếu tư tưởng hành vi của chúng ta thảy đều tương ưng với mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, cho dù không thể làm đến được tương ưng đầy đủ, chỉ có thể làm đến được một trình độ tương ưng nào đó, hoặc giả sơ học chúng ta một trình độ nào đó cũng không làm đến được, thì chúng ta cũng có thể hướng đến phương hướng này, thuận theo mục tiêu này, như vậy cũng được. Tuy bạn chưa đi, vẫn chưa khởi bước, nhưng phương hướng của bạn đã rất chính xác rồi. Hạnh nguyện của bạn chính xác, đó chính là hạnh Phổ Hiền. Tất nhiên tiêu chuẩn của hạnh Phổ Hiền thì cao, người tu học thông thường chúng ta rất khó đạt đến tiêu chuẩn của Ngài. Tiêu chuẩn của Ngài cũng có rất thấp, nhưng thấp nhất chúng ta cũng không thể đạt đến. Vậy chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta thuận theo phương hướng, thuận theo mục tiêu đó. Những gì là phương hướng, là mục tiêu? Trong “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”, Thế Tôn giảng cho chúng ta nghe ba loại tịnh nghiệp, đó chính là phương hướng, chính là mục tiêu. Cho nên, chúng ta học Phật phải từ đâu mà học? Ở trong chú giải của Đại Sư Thiện Đạo, Ngài đặc biệt vì chúng ta nhấn mạnh phải tu từ “Tam phước”.

TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC

  1. Phước thứ nhất

Trong “Tam phước”, phước thứ nhất là phước báo nhân thiên, có bốn câu.

  • Câu thứ nhất, “Hiếu dưỡng cha mẹ”

Người học Phật chúng ta, nếu như làm người mà cũng làm không tốt thì làm Phật Bồ Tát nhất định sẽ không có phần. Muốn học làm Bồ Tát, học làm Phật, trước tiên bạn phải làm người cho tốt. Cho nên, Đại sư Ấn Quang đề xướng “Giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời hay, làm người tốt”. Chúng ta đem giáo huấn của Tổ sư phổ biến rộng lớn. Người làm tốt, trong Kinh nói việc thứ nhất là hiếu dưỡng cha mẹ. Chữ “dưỡng” này hay, không chỉ phải dưỡng cái thân của cha mẹ, chăm sóc đi đứng, đời sống tuổi già của cha mẹ. Tuổi tác của cha mẹ lớn rồi, thể lực suy yếu, cần có người chăm sóc, đây là dưỡng cái thân của cha mẹ. Đời sống đi đứng chăm sóc rồi, nếu như để cha mẹ thường hay lo buồn thì cũng là bất hiếu, chưa thể tận được hiếu. Cha mẹ lo buồn điều gì? Đại khái rất khó xả chính là con cháu. Nếu như con cái nhiều, con cái bất hòa thì cha mẹ sẽ lo lắng. Con cái đều thành gia rồi, giữa chị em bạn dâu bất hòa, cha mẹ cũng buồn lo. Nếu như con cháu nhiều, quyến thuộc nhiều, thì điều mà cha mẹ buồn lo phân tâm sẽ càng nhiều. Do đây có thể biết, phải dưỡng tâm của cha mẹ, để cha mẹ không có lo buồn, hoan hỉ vui vẻ mà trải qua ngày tháng. Việc này thì không dễ. Không những gia đình hài hòa, thân tộc hòa thuận, bè bạn hòa kính mà đi học ở trường phải tôn trọng lão sư, hòa thuận với các đồng học, hữu ái đồng học; làm việc ở trong xã hội phải tôn trọng người lãnh đạo, hòa thuận đối với đồng liêu của bạn thì cha mẹ của bạn mới có thể an lòng. Trung Quốc thời xưa, những người làm đế vương, vì quốc gia, vì địa phương chọn ra nhân tài lãnh đạo thì họ đề bạt những hiếu tử, nên gọi là “Trung thần xuất thân từ hiếu tử”. Họ ở trong nhà có thể tận hiếu, nên khi được tuyển chọn ra thì họ tự nhiên liền có thể tận trung đối với tổ quốc. Trung hiếu là một thể, trong đó không có giới hạn. Người thế gian nói hiếu, nhà Nho nói hiếu, Đạo gia nói hiếu, đại khái đến chỗ này có thể nói là rất viên mãn. Thế nhưng trong nhà Phật nói hiếu thì vẫn chưa được. Nếu như dùng tiêu chuẩn của nhà Phật để nói thì bạn làm như vậy chỉ mới làm được một phần mười, vẫn còn chín phần mười bạn chưa làm được, thế nhưng một phần mười này đối với người thế gian mà nói là rất viên mãn rồi.

Chúng ta xem một gương đại hiếu trong lịch sử Trung Quốc thời xưa, đó là vua Thuấn. Ở phía trước đã nói, dưỡng thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, ông thật đã làm được rất viên mãn, không chỉ người thời đó tán thán, mà người đời sau chúng ta xem thấy ghi chép này, tâm cung kính tự nhiên liền sanh khởi. Vì sao Phật pháp nói bạn chưa tận được hiếu? Phật pháp hiểu rõ tường tận, sinh mạng là vĩnh hằng, không phải chỉ một đời, mà còn có đời quá khứ, có đời vị lai. Nếu như bạn để cho cha mẹ bạn vẫn cứ ở trong sáu cõi luân hồi thì bạn là đại bất hiếu. Nếu muốn cha mẹ thoát khỏi sáu cõi luân hồi thì trước tiên chính bạn phải thoát khỏi sáu cõi luân hồi, khi đó bạn mới có thể giúp đỡ cha mẹ, bạn mới có thể giúp đỡ thân bằng quyến thuộc của bạn. Nếu chính bạn không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, chữ hiếu nói trong nhà Phật bạn còn kém quá xa. Đây chính là nói phải “dưỡng cái chí của cha mẹ”, ý nghĩa trong đây rất sâu rộng. Con cái có thể làm Phật, làm Bồ Tát thì việc báo hiếu đối với cha mẹ mới xem là làm đến được viên mãn. Nếu lấy tiêu chuẩn của nhà Phật mà nói, nhất định bạn phải chứng được quả Phật viên mãn thì chữ hiếu này mới làm đến viên mãn. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, cho nên hiếu đạo còn kém khuyết một phần, chưa làm được viên mãn. Đây là nhà Phật cùng nhà Nho nói hiếu trên cảnh giới có chỗ không giống nhau, thế nhưng học thuyết, tu trì, giáo học của Nho và Phật đều lấy hiếu làm căn bản, đều là kiến lập ở trên nền tảng của hiếu đạo. Đó là điểm giống nhau, thế nhưng cảnh giới thì không giống nhau.

  • Câu thứ hai, “Phụng sự sư trưởng”

Đây là sư đạo. Sư đạo được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Phật pháp khẳng định, người học Phật chúng ta cung kính đối với Phật, lạy Phật mỗi ngày, nhưng bạn không cung kính đối với cha mẹ, cho nên bạn học Phật không thành. Các vị thử tỉ mỉ mà nghĩ tưởng xem, bạn học Phật học được mấy năm, thậm chí học được mấy mươi năm mà vẫn cứ là một phàm phu, chưa vào được cảnh giới của Phật. Do nguyên nhân gì vậy? Bạn vừa mở đầu đã sai. Bạn phải nên làm thế nào? Cha mẹ ở nhà là hai vị Phật sống, Phật tượng bằng gỗ, xi măng bạn bái lạy mỗi ngày, còn cha mẹ là hai vị Phật sống thì bạn không lạy. Bạn học thế nào vậy? Bạn làm sao có thể có được thành tựu? Chỗ này không phải tôi dạy bạn, đây là Thế Tôn dạy cho chúng ta. Cha mẹ ở nhà là hai vị Phật sống, tuy không cần mỗi ngày sáng sớm bạn thức dậy, hướng đến cha mẹ dập đầu ba lạy, cha mẹ cũng không hy vọng bạn làm như vậy, thế nhưng cái tâm cung kính hiếu thuận đối với Phật như thế nào thì nhất định đối với cha mẹ cũng phải y như vậy. Người học Phật chúng ta mỗi ngày đều tụng khóa sớm, trước phải lễ Phật, sau đó tụng Kinh, niệm Phật, tam quy, hồi hướng. Bạn làm những thứ này để làm gì vậy? Sau khi làm rồi, chúng ta phải đem dùng ở ngay trong đời sống hôm nay. Cha mẹ là hai vị Phật sống, ngoài cha mẹ ra còn phải coi tất cả chúng sanh đều là Phật thì chúng ta liền vào được cảnh giới “Hoa Nghiêm”. Cha mẹ là Phật, người khác không phải là Phật, việc này thông thường Kinh Đại thừa nói: “Nếu như bạn có thể xem tất cả chúng sanh đều là Phật, thì bạn vào được cảnh giới “Hoa Nghiêm””. Cái tâm cung kính này không có thì làm sao được? Phật là thầy giáo, Phật dạy chúng ta phải đặt cha mẹ ở ngôi thứ nhất, thầy giáo đặt ở ngôi thứ hai.

Hiện tại chúng ta xem thấy rất nhiều gia đình, cha mẹ phản đối con cái học Phật, có đạo lý hay không vậy? Có đạo lý! Cha mẹ thấy con cái xem thấy pháp sư thì cúi đầu kính lễ, cung kính cúng dường sư phụ của họ; trong khi cha mẹ muốn mua một ít đồ thì họ rất khó mà đưa tiền ra, sắc mặt cũng rất khó coi. Người làm cha mẹ liền nghĩ, vì sao hòa thượng là người ngoài, không có liên quan gì với bạn mà bạn thân thích đến như vậy, còn ân dưỡng dục của cha mẹ đối với bạn thì bạn thảy đều quên, người ngoài nói ra vài câu lừa dối thì bạn liền tin tưởng. Vậy thì làm sao mà cha mẹ bạn không cảm thấy đau lòng, làm sao cha mẹ bằng lòng để bạn đi học Phật? Cho nên, cha mẹ không hề làm sai. Ai làm sai vậy? Pháp sư làm sai. Pháp sư không dạy nên con cái không hiểu chuyện, không hiểu Phật pháp. Mỗi ngày bạn cung kính đối với cha mẹ, mỗi ngày cúng dường cha mẹ bao đỏ, cha mẹ sẽ nói: “Con cái của tôi học Phật thật đúng!”. Họ liền khuyên mọi người học Phật, sẽ không chướng ngại. Mỗi ngày cúng dường cha mẹ bao đỏ là đúng, không cần phải nhiều, bạn thấy như các bạn cúng dường pháp sư vậy, trong bao đỏ đó hai đồng, ba đồng thì được rồi, bạn mỗi ngày đều cúng dường như vậy, không nên quên. Như vậy thì bạn chính là “tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”, vậy thì bạn chính là “cụ túc vô lượng hạnh nguyện”. Bạn học rồi mà không chịu làm thì làm sao được? Nếu bạn chưa làm thì bắt đầu từ sáng ngày mai bạn phải làm. Kinh này các vị không nghe suông mà phải nỗ lực làm, làm cho người trong gia đình bạn đều sanh tâm hoan hỉ. Bạn học Phật làm cả nhà đều hoan hỉ, đều học Phật, sau đó bạn mới khuyên cha mẹ bạn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đó là đại hiếu. Như vậy thì “Phụng sự sư trưởng”, cha mẹ bạn sẽ không phản đối bạn bái lão sư hay đi học Phật. Lão sư phải cố gắng dạy bảo bạn làm thế nào hiếu dưỡng cha mẹ, thương yêu anh em, cùng xã hội đại chúng hòa thuận ở với nhau, hợp tác lẫn nhau, làm cho xã hội này phồn vinh, hưng vượng và an định. Đó là giáo học. Vị lão sư này đáng được chúng ta tôn kính, đáng được chúng ta học tập.

Sau đó chúng ta lại đem tâm lượng mở rộng ra, đó chính là pháp môn của Bồ Tát Quán Âm. Các vị phải nên biết, “hiếu thân tôn sư” mà phía trước đã nói là pháp môn Địa Tạng, đây là pháp chuyển đổi tốt tâm địa, tử tưởng, hành vi của chúng ta. Khi vừa nâng lên thì là pháp môn Quán Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi.

  • Câu thứ ba, “Từ tâm bất sát”

“Từ tâm bất sát” là bồi dưỡng, mở rộng tâm từ bi của bạn. Từ bi chính là thương yêu. Người thế gian nói “yêu”, mọi người đều biết Kitô giáo nói “bác ái”. Lịch sử của chúng ta sớm hơn Kitô giáo, theo cách nói của người phương tây, chí ít cũng sớm hơn 5.000 năm, nhưng nếu theo ghi chép của lịch sử Trung Quốc thì sớm hơn 1.000 năm. Phật pháp vì sao không dùng từ “yêu”? Yêu là cảm tình cho nên mới đổi tên gọi khác là “từ bi”. Từ bi là có lý trí, yêu có lý tính, không phải yêu của cảm tình. Yêu của lý tính thì gọi là từ bi, việc này chúng ta cần phải nên hiểu. Phải bồi dưỡng tâm yêu thương, mở rộng tâm yêu thương một cách thanh tịnh và bình đẳng.

Sau đó Phật dạy chúng ta ngay trong cuộc sống thường ngày phải “tu mười nghiệp thiện”. Chúng ta nhất định phải tuân thủ mười nguyên tắc này.

  • Câu thứ tư, “Tu mười nghiệp thiện”
  • Thứ nhất là “Thân nghiệp”. Thân nghiệp gồm:
  •  “Không sát sanh”. Chúng ta không những không tổn hại tất cả chúng sanh, mà nếu như chúng ta khiến cho chúng sanh phiền não thì chúng ta có lỗi lầm. Chỗ nào Bồ Tát ở thì khiến cho tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Chúng ta phải nỗ lực mà học tập, phải đem nó làm cho được.
  • “Không trộm cắp”. Phạm vi không trộm cắp ở đây rất rộng lớn. Trên Kinh Phật đích thực phiên dịch là “bất dư thủ”. Vật, đồ vật đã có chủ, nếu người chủ không đồng ý thì chúng ta không thể lấy đi. Không những không thể lấy mang đi mà cũng không thể di động nó, vì nếu như bạn di dời nó, tuy là bạn chưa dùng đến nó, thế nhưng khi người chủ đến muốn tìm cũng tìm không được, bạn đã làm cho họ sanh phiền não, vậy thì cũng không được. Cho nên điều cấm giới này không dễ gì làm được. Người học Phật phải từ ngay chỗ này mà nỗ lực học tập làm theo.
  • “Không tà dâm”Đây là đối với đồng tu tại gia. Người tu tại gia đều có chồng vợ, đều có hôn phối. Chồng vợ là đạo nghĩa, nhất định phải giữ lễ, giữ phép, có tình, có nghĩa, có ân, có đức. Đây đều là ba điều mà thân thể tạo tác nên Phật nêu ra cho chúng ta ba nguyên tắc quan trọng.

–   Thứ hai là “Khẩu nghiệp”. Lời nói thì rất dễ dàng phạm phải, cho nên Phật đã nói ra bốn điều.

  •  “Không vọng ngữ”. Không vọng ngữ chính là không lừa gạt người khác.
  •  “Không hai lời”. Hai lời chính là khiêu khích phải quấy.
  •  “Không ác khẩu”. Ác khẩu chính là lời nói thô lỗ, làm cho người nghe rất là khó nghe, thậm chí còn sanh ra lỗi lầm.
  •  “Không thêu dệt”Thêu dệt là lời nói bóng bẩy, ngon ngọt, mê hoặc người khác. Hiện tại chúng ta xem thấy một số truyền hình, phim ảnh, ca múa, có lúc thì màu vàng, có lúc thì màu xám, loại này đều là thuộc về thêu dệt mà trong Phật pháp đã nói, khiến cho mọi người rất thích nghe, nhưng bên trong dạy người đều không phải là chánh pháp, đều là phá hoại đạo đức xã hội chứ không phải xây dựng. Cho nên những thứ này chúng ta cần phải nên ít tiếp xúc, chính mình càng không nên làm những việc này.

–   Thứ ba là ý nghiệp, chính là khởi tâm động niệm.

Trong ý nghiệp nhất định phải học “không tham, không sân, không si”. Thuận cảnh không sanh tâm tham ái, nghịch cảnh cũng không khởi tâm sân hận, đối với tất cả sự lý rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo, đó là trí tuệ, chính là không mê. Tham-Sân-Si nhà Phật gọi là phiền não ba độc, vì tất cả ác pháp đều là từ tham-sân-si mà sanh ra. Chúng ta ngay trong lúc giảng giải thường hay vận dụng danh từ hiện đại, gọi là bệnh độc. Bệnh độc nghiêm trọng nhất gọi là tham-sân-si. Nếu như bên trong có tham-sân-si, ngoài có mê hoặc của năm dục sáu trần, con người này làm sao có thể chịu nổi, làm sao mà không bị bệnh chứ? Không những thân bị bệnh mà y báo cũng tùy theo đó mà chuyển. Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt, hoàn cảnh sinh hoạt cũng biến đi càng ngày càng xấu. Hiện tại các vị đều biết, đại hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại của chúng ta mỗi năm càng tệ đi. Đại hoàn cảnh sinh hoạt là địa cầu. Hiện tại trong xã hội có rất nhiều người nói địa cầu này bệnh rồi. Địa cầu vì sao bệnh chứ? Bạn thấy khí hậu khác thường, tai nạn triền miên, hơn nữa tai nạn mỗi năm một nghiêm trọng hơn. Địa cầu này chân thật bệnh rồi. Địa cầu vì sao bệnh? Là tâm của chúng ta không tốt. Trong tâm của chúng ta có tham-sân-si, cho nên thân có bệnh, hoàn cảnh đời sống cũng có bệnh, đúng như Phật pháp đã nói “đời ác năm trược”. Trước đây chúng ta đọc câu “đời ác năm trược” này không dễ gì cảm xúc được, vì thấy thế gian này rất đẹp mà sao Phật lại nói thế giới này là đời ác năm trược. Ngày nay chúng ta đọc đoạn Kinh văn này mới sâu sắc cảm nhận được Thích Ca Mâu Ni Phật thật rất trác tuyệt, trí tuệ chân thật, vào ba ngàn năm trước Ngài đã biết được địa cầu của chúng ta bệnh rồi, chân thật là tướng năm trược hiện tiền.

Chúng ta có thể làm được bốn câu “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Hiện tại phải làm ngay, phải nỗ lực chăm chỉ mà làm thì bạn niệm danh hiệu Phật sẽ tương ưng với Phật. Cũng giống như điện báo, đường truyền đã được thông, chúng ta vừa niệm A Di Đà Phật thì liền có cảm ứng với A Di Đà Phật. Nếu như bạn không làm được bốn câu này thì cho dù một ngày bạn niệm mười vạn danh hiệu Phật, nhưng một lời A Di Đà Phật cũng không nghe thấy, vì bên trong có chướng ngại, đường điện tín không thông. Bạn cần phải làm cho được chỗ này, đó chính gọi là “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Nếu việc này bạn làm không được thì một ngày bạn niệm mười vạn danh hiệu, Đại đức xưa nói: “Đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Cho nên, người niệm Phật rất nhiều, người vãng sanh không nhiều, nguyên nhân chính ngay chỗ này. Chúng ta không thể không hiểu. Bạn hiểu được rồi, đem những lỗi lầm thiếu sót thay đổi lại, thì bạn cùng với A Di Đà Phật liền có thể giao thông, liền có thể qua lại, ngay trong mỗi niệm liền có cảm ứng. Từ trên nền tảng này phước đức trời người này mà nâng cao, thì mới vào được cửa Phật.

  1. Phước thứ hai

Vào cửa Phật, việc trước tiên phải “Quy y Tam Bảo”, cho nên trong phước thứ hai liền giảng quy y, giảng trì giới: “Thọ trì Tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”.

  • Câu thứ nhất, “Thọ trì tam quy”

Hiện tại ngay trong đồng tu chúng ta, người quy y Tam Bảo rất nhiều, thế nhưng có thọ trì hay không thì chưa chắc. Ở trước mặt Phật Bồ Tát phát thệ, làm nghi thức quy y, nhưng trên thực tế bạn không hề quy, cũng không hề y, bạn chỉ làm hình thức, làm ra dáng vẻ mà thôi, vậy thì không thể dùng. Bạn nhất định phải thọ trì. Thọ là gì? Thọ là hoàn toàn tiếp nhận. Hai chữ “tiếp nhận” này không phải là dễ dàng. Nếu như đối với đạo lý của Tam quy y bạn không thông hiểu, không tường tận, không biết hành pháp của Tam quy chính là tác pháp thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày thì bạn làm sao học tập? Công đức, lợi ích, cảnh giới, chỗ tốt của Tam quy y bạn không biết được thì bạn làm sao có thể sanh tâm hoan hỉ? Cho nên truyền thọ của Tam quy nhất định phải giảng cho rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Chúng ta cử hành nghi thức Tam quy đều có rất nhiều người nhưng thời gian thì rất ngắn, không cách gì giảng giải được một cách tường tận. Thế nhưng chúng ta cũng có phương pháp bổ cứu bằng nghe băng thu âm (hiện tại nghe nói đã làm thành CD, chất lượng âm thanh đã tốt hơn nhiều), hay đọc sách (quyển sách nhỏ này căn cứ vào băng ghi âm mà viết ra). Cho nên đồng tu học Phật, không luận bạn đã quy y Phật rồi, hoặc giả là vẫn chưa có quy y thì đây là bài khóa cần thiết của chúng ta. Chúng ta học Phật, hiện tại có hai quyển sách nhỏ, một quyển là “Nhận Thức Phật Giáo”, một quyển là “Truyền Thụ Tam Quy”. Hai quyển này là bài khóa cần thiết, nhất định phải làm cho thật rõ ràng, tường tận. Phật giáo rốt cuộc là gì, chúng ta phải rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, biết Phật giáo phải tu học như thế nào, đó chính là quy y.

Tam quy y, danh từ “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, vào thời xưa giảng giải, mọi người đều có thể lý giải, không đến nỗi sanh ra hiểu lầm. Hiện tại hiểu lầm, cho rằng Phật pháp là tôn giáo, mê tín, cho nên hiện tại chúng ta đối với Phật-Pháp-Tăng Tam Bảo phải giảng cho thật rõ ràng, tường tận. Vào một ngàn ba trăm năm trước, Đại Sư Huệ Năng – Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc giảng quy y đã không dùng danh từ “Phật-Pháp-Tăng”, mà dùng danh từ “Giác-Chánh-Tịnh”, có thể thấy được cách nói phải khế cơ. Nhất định phải hiểu được khế cơ. Vì sao Đại sư Huệ Năng không nói Phật-Pháp-Tăng? Vì sợ thính chúng sanh ra hiểu lầm, không dễ dàng lý giải, không nhận được hiệu quả thực tế, cho nên Đại Sư Ngài đổi lại thành “Giác-Chánh-Tịnh”; Quy y Giác, Quy y Chánh, Quy y Tịnh. Phật là “giác” vậy, Pháp là “chánh” vậy, Tăng là “thanh tịnh” vậy. Cách nói này làm chúng ta nghe qua cảm thấy rất là dễ hiểu, hơn nữa ba chữ này đều là lưu xuất ra từ tự tánh. Quy y giác là tự tánh giác. Do đây có thể biết, quy y không phải là quy y người khác. Mỗi ngày chúng ta tu thời khóa sớm tối gọi là “Tam tự quy”. Các vị tụng “tự quy y Phật, tự quy y pháp”, không phải là quy y người khác. Chữ “tự” này là nói tự tánh. Phật là “tự tánh giác”, Pháp là “tự tánh chánh”, Tăng là “tự tánh tâm thanh tịnh”. Chúng ta đối với giáo huấn của Phật Đà thật bội phục đến năm vóc sát đất. Phật không hề dạy chúng ta quy y Ngài, mà Phật dạy chúng ta quy y tự tánh Tam Bảo.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 23)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *