GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 326/374
Chư Phật Bồ-tát dùng tâm chân thành đối với tất cả chúng sanh, ta cũng dùng tâm chân thành. Tâm chân thành khởi tác dụng, tâm chân thành đối với bản thân mình thì gọi là thâm tâm. Thâm tâm không dễ hiểu, tôi đã nói đến ba tâm: tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, đây chính là thâm tâm. Đối với bản thân mình phải thanh tịnh, phải bình đẳng, phải giác ngộ, đối với bản thân mình không thể mê hoặc. Nếu bạn giả dối không thật lòng thì tâm của bạn nhất định là tâm nhiễm ô, là tâm không bình đẳng, là tâm mê hoặc điên đảo, vậy là bạn bị thiệt thòi quá lớn rồi. Sáu chữ “thanh tịnh bình đẳng giác” trong kinh Vô Lượng Thọ là thâm tâm, nếu bạn đạt được thanh tịnh bình đẳng giác thì cuộc sống của bạn rất an lạc, bạn rất hạnh phúc, rất là mỹ mãn, trong tâm không có lo âu, không có bận tâm, không có phiền não.
Tôi thường nói, nhất định không đối lập với tất cả người, việc, vật. Không có đối lập, không có mâu thuẫn, đây là chân tâm. Đối xử với người khác với tấm lòng từ bi, từ bi là tâm thương yêu chân thật, tâm thương yêu thanh tịnh, đây là tâm Phật, đây là cái tâm vốn có của chính chúng ta. Chúng ta vốn có là cái tâm này, hiện giờ thì đã mê mất chân tâm rồi. Sau khi mê thì chân tâm biến thành vọng tâm. Hiện nay, trong cuộc sống hằng ngày, vọng tâm đã làm chủ, không nhìn thấy chân tâm. Chân tâm không hiển lộ ra không phải là không có. Chân tâm vĩnh viễn không rời xa ta, nhưng từ trước đến giờ bạn không quan tâm đến nó, không hỏi thăm đến nó, cho nên tuy là có nhưng nó không khởi tác dụng, vì vậy mà tạo ra sáu nẻo luân hồi.
Nền tảng của việc học Phật, trước đây lão sư Lý thường nói với tôi, cách học Phật như thế nào? Là sửa chữa tâm, thay đổi tâm. Thay đổi tâm không phải là bảo bạn đi phẫu thuật để thay tâm, mà là thay vọng tâm thành chân tâm, thay tâm giả dối thành tâm chân thành, vậy mới đúng. Chỉ có sự chân thành đối nhân xử thế tiếp vật là vĩnh hằng không thay đổi, tuyệt đối không bị thiệt thòi, tuyệt đối không bị mắc lừa, chẳng lo sợ một chút nào.
Mọi người thấy tôi học Phật đã năm mươi mấy năm rồi, tôi cũng chứng minh cho các bạn, trước mắt thì thấy là tôi bị thiệt thòi, bị mắc lừa, nhưng về sau thì có phước báu rất lớn. Khi bị xúc phạm, chúng ta đừng để trong tâm sự trở ngại này, trong tâm vẫn thản nhiên như không, hãy tìm cách tránh xa là được. Sau khi tránh xa thì biển rộng trời cao, tôi thường nói, sau khi bỏ đi thì quang minh sắc vàng, thù thắng vô cùng. Tất cả các chướng nạn, nhà Phật gọi là ma chướng, không phải là ma, mà là Phật Bồ-tát thị hiện ra ở nơi đó, cũng là Phật Bồ-tát đến để thử thách.
Bị thử thách mà bạn qua được thì lập tức được thăng cấp, nếu thử thách mà bị rớt thì sao? Thử thách bị rớt thì bạn bị đọa lạc xuống dưới. Lúc nào cũng có những chướng nạn, tất cả đều là thử thách. Hằng ngày chịu thử thách nhỏ, thử thách lớn, mỗi ngày chúng ta qua được thì mỗi ngày đều được thăng cấp. Vậy là bạn được tự tại, phiền não giảm, trí huệ tăng, chắc chắn không sanh phiền não. Đối với những người đến gây phiền não, không những ta không có tâm oán hận mà phải có tâm cảm ân, tại sao vậy? Vì họ đến để thử thách ta, họ đến hủy báng ta, xem ta có nổi giận không, xem ta có chấp nhận không. Người đến thử thách ta, nếu ta không tiếp nhận, không nổi giận, vậy là ta đã vượt qua rồi.
Nếu ta tiếp nhận, rất hận họ, rất giận họ, vậy là ta bị đọa rồi, bạn nói xem họ là Phật hay là ma? Nếu họ đến hủy báng ta, ta liền nổi giận, oán hận họ, thì họ là ma, vậy là ta đã gặp ma rồi. Họ dến hủy báng ta, ta không nổi giận, ta chẳng có một chút sân hận nào, ta phải cám ơn họ vì họ đã tiêu nghiệp chướng cho ta, vậy họ chính là Phật.
Cổ Đức thường nói không Phật cũng không ma, Phật hay ma đều là do chính tâm của mình biến hiện ra. Bạn vừa niệm thanh tịnh bình đẳng giác thì tất cả đối phương đều là Phật không phải là ma. Nếu bạn niệm mê tà nhiễm thì mười phương tất cả chư Phật đều là ma, không có vị nào là Phật. Cho nên xin nói với quý vị, bên ngoài không Phật cũng không ma. Phật từ đâu đến? Bản thân chúng ta vừa niệm giác chánh tịnh thì cả thảy đều là Phật, mê tà nhiễm thì tất cả là ma, bạn phải biết cái đạo lý này, đây là chân lý.
Sau đó thì bạn có thể nhận thức được, người ở thế gian này, ai là người thiện, ai là người ác. Bạn dùng tâm thiện đối xử với họ thì chẳng có ai không phải là người thiện, mọi người đều là người tốt. Khi phiền não của bạn nổi lên thì hết thảy mọi người đều là người ác, không có người tốt. Đây chính là ở trong kinh thường nói, cảnh chuyển theo tâm. Bản thân bạn nếu chuyển được cảnh giới thì bạn mới có sự an lạc. Cho nên an lạc hay phiền não đều là do chính tâm của bạn tạo ra, bạn làm sao lại trách người? Bạn có thể chuyển được cảnh giới rồi, trong kinh Lăng-nghiêm có nói: “Nhược năng chuyển vật tức đồng Như Lai (người có thể chuyển vật thì đồng với Như Lai)”, vậy thì bạn chẳng kém gì Phật Bồ-tát. Bản lĩnh của Phật Bồ-tát chính là chuyển cảnh giới, phàm phu đáng thương chính là bị cảnh giới chuyển. Bị cảnh giới chuyển, vậy làm sao bạn có thể ra khỏi sáu nẻo luân hồi? Bạn có thể chuyển được cảnh giới thì lập tức ra khỏi.
Chúng ta học Phật, điều này không học được chút nào thì thật phí công, điều này chính là phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Chúng tôi thường chứng kiến cũng cảm thán vô cùng. Hai người vốn rất tốt với nhau, vì một chuyện nhỏ nhặt không đáng kể, nhỏ đến nỗi không đáng để tranh chấp lại có thể cãi nhau, hai người trở mặt với nhau không còn qua lại. Tôi đã gặp rất nhiều rồi, tôi nghĩ đến lời của Lão Tử dạy: “Hòa đại oán tất hữu dư oán (hòa được oán lớn, vẫn còn oán thừa)”. Chúng ta biết được nguyên nhân ở đâu, những chuyện nhỏ nhặt trước mắt này là duyên, còn nguyên nhân là gì? Nguyên nhân là trong đời quá khứ họ đã kết oán với nhau, khi gặp được cái duyên này, khiến cho oán kết trong quá khứ nổi lên, mới có xung đột. Trong đời quá khứ, trong A-lại-da thức nếu không có sự oán kết này thì sự việc có nghiêm trọng hơn chỉ cần cười một cái thì không có việc gì, sẽ không xảy ra sự xung đột lớn như vậy. Hiện nay, trong xã hội, những việc như thế này rất là nhiều, chính là nói rõ chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, trong A-lại-da thức đã chứa đựng sự oán hận với tất cả người, việc, vật. Tập khí này rất sâu, khi nào gặp phải những người đó thì sự việc dù nhỏ cũng dẫn đến sự bùng nổ.
Đây là việc rất đáng tiếc, cho chúng tôi nghĩ rằng thời buổi này thì có, ngày xưa không có hay sao? Thế giới này của chúng ta có, vì sao thế giới Hoa Tạng lại không có? Vì sao thế giới Cực Lạc không có? Đáng lẽ một chỗ có thì ở nơi nào cũng có. Chúng tôi vẫn nghĩ đến những vấn đề này, vì sao thế giới Hoa Tạng không có? Ở thế giới Hoa Tạng, Tỳ-lô-giá-na Như Lai và những vị đại Bồ-tát mỗi ngày đều đang giảng kinh thuyết pháp nên mọi người đã giác ngộ rồi. Tuy mọi người có những sự oán kết nhưng họ hàng phục được, nên rất khó phát tác, cũng chính là do mọi người đã nghĩ thông, đều có khả năng chuyển cảnh giới, không bị cảnh giới chuyển. Ở thế giới Cực Lạc cũng là như vậy, A Di Đà Phật hằng ngày đều giảng kinh thuyết pháp, đều dạy học không gián đoạn, chư đại Bồ-tát cũng mỗi ngày làm gương, cho nên những người ở thế giới đó họ không mê.
Ngày xưa ở thế gian này người giảng kinh thuyết pháp nhiều, đi đến đâu bạn cũng có thể nghe được, có thể thấy được chánh pháp và luân lý đạo đức. Bạn có thể tiếp nhận sự giáo huấn của Thánh Hiền, cho nên khi xảy ra sự xung đột nhỏ, bản thân bạn có thể hàng phục được, không để xảy ra sự xung đột lớn. Cổ Thánh tiên Hiền vô cùng xem trọng việc giáo học. “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên (dựng nước quản dân thì giáo dục là việc làm hàng đầu)”, những người chủ trì giáo dục, những người phụ trách giáo dục, không ai mà không lấy thân mình làm gương. Những người được dạy học rất phục, vì bản thân các vị đó làm được.
Gần đây, đài Truyền Hình Phụng Hoàng Trung Quốc muốn mời tôi đến đó để diễn giảng, chủ đề của tôi là “Ung Chính Hoàng Đế thượng dụ”, hình như ở đây chúng tôi đã cho in ra rồi, không biết quý vị đồng tu có nhận được hay chưa? Ba đời vua đầu tiên của triều Thanh là các vị vua tốt, cho nên quốc gia có được 100 năm thanh bình hưng thịnh, sự hưng thịnh này vì sao mà có? Do giáo dục mà ra. Hoàng đế Ung Chính tuy chỉ trị vì có 13 năm nhưng sự ảnh hưởng rất lớn. Ông xác thực là vị vua tốt, đã lấy thân mình làm gương. Ngày nay chúng ta nói đoàn kết chủng tộc, đoàn kết tôn giáo, sự đoàn kết tôn giáo này là do Hoàng đế Ung Chính đề xuất ra. Vào lúc đó có ba đạo là Nho Thích Đạo, ông nói ba đạo này là một nhà, ba đạo này là một thể, ba đạo nên hợp thành một, không nên hủy báng lẫn nhau.
Trong Thượng Dụ nói rất hay, cho nên tôi dùng tài liệu này để làm chủ đề giảng, phù hợp với sự đề xướng đa nguyên văn hóa của thế giới hiện nay. Chúng ta phải đoàn kết tôn giáo, đoàn kết chủng tộc, ở Trung Quốc nói đến vấn đề đoàn kết sớm nhất là Hoàng đế Ung Chính. Ba trăm năm trước đã nói tôn giáo phải đoàn kết, tôn giáo phải hòa hợp, phải hòa thuận với nhau, phải đối xử bình đẳng. Trong tôn giáo của chúng ta có rất nhiều tông phái khác nhau, các tông phái không qua lại với nhau, vậy thì trở thành cái gì đây? Đây là sự sai lầm quá lớn.
Ba năm trước tôi có đi thăm Nhật bản. Tịnh Độ tông của Nhật Bản cũng có rất nhiều tông phái khác nhau, trong buổi đón tiếp chúng tôi đã gặp được tất cả, lúc tôi đến họ đều ra đón tiếp. Sau buổi hội nghị có một người bạn người Nhật nói với tôi, những tông phái này bình thường không qua lại với nhau, hôm nay tôi đến nên họ cùng đến đây, đây là việc hiếm có, đây là hội nghị quan trọng. Tôi mới biết được các bên bình thường không qua lại với nhau. Nhật Bản là như vậy, Đài Loan cũng không ngoại lệ, rất nhiều chùa chiền không muốn qua lại với nhau, lôi kéo tín đồ của nhau, các bên tự khen mình chê người, không muốn qua lại. Sau khi nghe xong tôi cảm thấy rất buồn.
Lúc tôi trở về, có buổi tiệc chia tay, họ cũng có đến. Trong buổi tiệc chia tay, tôi có khuyên mọi người, không nên không qua lại với nhau, tại sao vậy? Phật giáo bất luận là tông phái nào, không nói là Tịnh Độ tông của chúng tôi, Phật giáo Trung Quốc có mười tông phái, mỗi tông phái đều y theo kinh điển, đều là do Thích-ca Mâu-ni Phật truyền lại. Nếu hai bên chúng ta hủy báng lẫn nhau, đây chính là hủy báng Tam Bảo, Tịnh Độ tông của chúng tôi thì tốt, Thiền Tông của bạn thì không bằng tôi. Thiền có phải là do Thích-ca Mâu-ni Phật truyền lại không? Vậy bạn hủy báng Thiền chính là hủy báng Thích-ca Mâu-ni Phật, bạn hủy báng kinh điển Thiền tông chính là bạn hủy báng Pháp. Những vị y theo Thiền tông tu học từ nhiều đời đó là Tăng, vậy là bạn hủy báng Tăng, bạn đã hủy báng Phật Pháp Tăng. Bạn hãy xem Giới kinh kết tội, tương lai quả báo của bạn là ở địa ngục A-tỳ, vậy là bạn đã sai rồi.
Phật dạy chúng ta tán thán lẫn nhau, không nên hủy báng lẫn nhau. Bạn xem trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử 53 tham vấn. 53 vị thiện tri thức đã tu những pháp môn không giống nhau. Chúng ta không thấy có một người nào nói pháp môn này của chúng tôi tốt, pháp môn của người khác thì không bằng, chẳng thấy có ai nói như vậy. Bạn đã thấy là mỗi vị thiện tri thức đều nói: “Pháp môn thì rất nhiều, tôi chỉ biết được pháp môn này, nếu bạn muốn tham học thì tôi không bằng họ”. Bản thân họ đều là khiêm tốn, luôn tán thán người khác, không phải là tự mình khoa trương rồi hủy báng người khác, chúng ta nên học tập điều này.
Tôi đã nói: “Chúng ta đều là đệ tử của Thích-ca Mâu-ni Phật, không cùng tông phái nhưng chúng ta là anh em ruột thịt. Chúng ta nếu không qua lại, nếu hủy báng lẫn lẫn nhau thì giống như trong một gia đình, cha mẹ sinh được mười đứa con, các con cái đều thù ghét nhau, không qua lại với nhau. Bạn nói xem trong lòng cha mẹ buồn biết bao nhiêu”. Tôi nói đạo lý giống như vậy, các tông phái chúng ta không qua lại với nhau, Thích-ca Mâu-ni Phật mỗi ngày đều chảy nước mắt. Học trò đời sau như chúng ta gọi chúng ta là đại bất kính, đại bất hiếu. Bạn học Phật muốn được thành tựu thì làm gì có cái đạo lý này, thành tựu của bạn là ở trong địa ngục A-tỳ.
Cho nên tôi khuyên họ phải đoàn kết, phải thường xuyên qua lại, phải thường xuyên thăm viếng, giống như người trong một nhà vậy. Đối với các tôn giáo khác, các tôn giáo khác là anh em họ hàng với chúng ta, vẫn là người một nhà, không thể hủy báng. Xã hội này phải hài hòa thì thế giới mới được hòa bình. Không nên thù ghét nhau, thù ghét nhau sẽ có đấu tranh, sẽ có chiến tranh, sẽ có đau khổ. Hiện nay chúng ta cần sự ổn định, cần sự hòa bình, cần hóa giải xung đột, vậy thì mới đúng. Hết thảy các tôn giáo khác đều là anh em họ hàng với chúng ta, là người một nhà, điều này quan trọng hơn tất cả, ngày nay chúng ta phải học Phật, phải học Thượng đế.
Trong Thánh kinh có nói “Thượng đế yêu người đời”, ý nghĩa của câu này rất rộng, yêu người đời không nhất định phải là tín đồ Ki-tô giáo, không phân biệt quốc tịch, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo. Bạn là người, Thượng đế yêu thương người đời. Lúc tôi ở Nhật Bản có một vị Mục sư Ki-tô giáo đến thăm tôi. Mục sư Thạch Tỉnh ở Nhật Bản rất nổi tiếng, rất có địa vị, ông đến thăm tôi ở đài truyền hình, đài truyền hình có đưa tin. Vị mục sư này vô cùng thông suốt, ông là giáo sư của trường đại học ông nêu ra rất nhiều vấn đề, cuối cùng thì ông hỏi tôi một vấn đề, ông nói Ki-tô giáo của chúng tôi tâm lượng quá nhỏ bé không thể bao dung. Ông ấy hỏi tôi: “Thưa Pháp sư, Ngài xem thử điều này có cách nào để giải quyết không?” Tôi liền nói với ông ấy, giải quyết vấn đề này chính là ở trong Thánh kinh. Ông ấy nói: “Thánh kinh? Thánh kinh ở đoạn nào?” Tôi liền nói với ông ấy: “Thượng đế yêu người đời”. Ông ấy nói: “Có, có”.
– Thượng đế yêu người đời không có nói yêu tín đồ Ki-tô.
Tôi nói tiếp với ông ấy:
– Thượng đế yêu thương tôi, không yêu thương ông.
– Tại sao vậy?
– Thượng đế yêu người đời, tôi cũng yêu người đời, cho nên Thượng đế sẽ yêu thương tôi. Ông chỉ yêu Thượng đế mà không thương yêu người đời cho nên Thượng đế không yêu thương ông. Thượng đế yêu người đời là quá trừu tượng, Thượng đế tại sao lại thương yêu người đời? Thượng đế nhất định cần tín đồ của Ngài, là người truyền bá tâm linh của Thượng đế, đại diện cho Ngài để thương yêu người đời. Tôi nói điều này là đúng đó, đệ tử Phật thì đại diện cho Phật, Bồ-tát mang tâm từ bi đến tất cả chúng sanh. Người truyền bá tâm linh các bạn phải đại diện cho Thượng đế yêu thương người đời, họ mới phục. Cách giải quyết vấn đề đều có ở trong kinh, chỉ cần y theo mà làm thì bạn mới thật sự là con cái của thần linh, các vị thần mới tôn kính. Ngày nay bạn chỉ biết tôn kính thần linh mà không hiểu ý của các ngài, các ngài thì yêu thương người đời còn bạn thì không yêu thương người đời, các bạn đối lập với người đời, trong lòng của các vị thần linh rất buồn. Người có cùng chí hướng thì dễ thông cảm nhau, cho nên bạn phải hiểu, phải thông suốt. Vì vậy tôi và Mục sư Thạch Tỉnh đã trở thành bạn thân, mỗi khi tôi đến Nhật Bản, chúng tôi đều gặp nhau.
Kinh này đã dạy chúng ta, kinh của chúng ta là mười phương tất cả chư Phật đến chứng minh cho chúng ta, giúp chúng ta tạo sự ảnh hưởng cho chúng sanh, mong muốn chúng ta thấy được sự việc này, nghe được sự việc này, thật sự phát khởi tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh nhất định không có sự nghi hoặc, có tâm nghi hoặc thì không thanh tịnh, có tâm xen tạp thì không thanh tịnh. Không những không nghi hoặc mà cũng không được xen tạp. Chuyên tu, chuyên học, chuyên hoằng thì chúng ta mới có thể thành tựu. Trước tiên phải khẳng định, bản thân chúng ta là những người căn tánh trung hạ, không phải là thượng thượng căn, không những không phải là thượng thượng căn mà thượng căn cũng không phải. Trong cuộc đời mấy mươi năm ngắn ngủi này của chúng ta, nếu muốn thành tựu, chỉ có một phương pháp mà cổ đức đã dạy: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu (nhập sâu một môn, huân tu lâu dài)”.
Cho nên tôi tôi khuyên các đồng tu Tịnh Độ, nguyên tắc chỉ đạo tối cao của pháp môn Tịnh Độ chính là Tịnh Nghiệp Tam Phước. Điều thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước chính là kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, điều thứ hai là Sa-di Luật Nghi, điều thứ ba là kinh Vô Lượng Thọ. Những người chuyên tu tịnh nghiệp chúng ta chỉ cần y theo ba bộ kinh này thì thành công. Bạn có thể thực hành tốt kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, như trong kinh nói bạn là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Bạn có thể thực hiện được Sa-di Luật Nghi thì bạn đã trì giới rồi. Bạn cũng làm được những lời dạy trong kinh Vô Lượng Thọ, đây chính là niệm Phật. “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật”, điều này không thể không biết. Lấy kinh Vô Lượng Thọ làm chánh tu, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo và Sa-di Luật Nghi làm trợ tu, chánh trợ song tu. Ba bộ kinh này không dài, mỗi ngày phải đọc, mỗi ngày phải học, phải nghiêm túc làm cho được thì việc vãng sanh thế giới Tịnh Độ của chúng ta nhất định là có phần.
Nếu không dùng Sa-di Luật Nghi, vậy thì bạn tuân theo lời giáo huấn của Đại Sư Ấn Quang, dùng sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên để thay thế giới luật. Chúng ta đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, so với học Sa-di Luật Nghi thì dễ hơn. Đây là sự đề xướng của Đại Sư Ấn Quang, cả đời Ngài cực lực đề xướng ba quyển sách Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư. Đại Sư Ấn Quang đã giới thiệu ba bộ sách này trong Văn Sao mấy chục lần. Đọc Văn Sao đã cho mọi người ấn tượng sâu sắc nhất, chính là biết được ba bộ sách này. Y theo ba bộ sách này tu hành thì nhất định vãng sanh, bởi vì bài cuối cùng của An Sĩ Toàn Thư là Tây Quy Trực Chỉ, chính là khuyên bạn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
“Phát thanh tịnh tâm, ức niệm thọ trì, quy y cúng dường”, sự quy y này không phải là hình thức, “quy” là trở về, “y” là nương tựa, chúng ta cúng dường Phật như thế nào? Phật không còn ở trước mặt chúng ta, chúng ta dùng cái gì để cúng dường? Chúng ta chỉ dùng “y giáo tu hành cúng dường” (cúng dường bằng cách y theo lời dạy mà tu hành). Đây là điều hoan hỷ nhất của chư Phật Như Lai, những thứ cúng dường khác Phật đều không cần, hương hoa cúng dường chúng ta ở nơi đây, hương có tốt hơn, hoa có đẹp hơn, cũng không thể so với thế giới Cực Lạc. Chúng ta lấy vàng bạc bảy báu ở nơi đây đem cúng dường, người ở thế giới Cực Lạc không cần thứ này. Cho nên cách duy nhất là dùng tâm chân thành, dùng tâm Bồ-đề để cúng dường, dùng “y giáo phụng hành” (làm theo lời dạy) để cúng dường, như vậy mới đúng.
Hôm nay cũng có một số đồng tu phát tâm quy y thì nhất định phải hiểu được đạo lý này. “Quy” là trở về, Tam Quy không phải là nói trên hình thức bạn thọ xong là đã quy y rồi, không đáng tin, bạn phải làm được thì mới tính là quy y. Bạn làm không được thì chứng điệp quy y cầm ở trên tay cũng không có hiệu quả, đó là giả không phải là thật. Bạn phải thật sự làm được, như vậy chư Phật mới thật sự hộ niệm, long thiên thiện thần tán thán. Ở trong Giới kinh có nói, thật sự là người đã quy y Tam Bảo, ngày đêm có 36 vị thần Hộ Pháp bảo hộ cho bạn, bạn nhất định không gặp yêu ma quỷ quái, chắc chắn không bị si mê, vì bạn đã có thần Hộ Pháp bảo hộ, đây mới là thật sự quy y.
Quy y Phật, Phật là ý nghĩa giác ngộ, chính là giác mà không mê, từ mê hoặc điên đảo mà quay về nương theo sự giác ngộ, nương theo chánh giác, được gọi là quy y Phật. Từ tà tri tà kiến quay về, nương theo chánh tri chánh kiến thì gọi là quy y Pháp, “Pháp giả chánh dã” (Pháp chính là chánh vậy). Từ tất cả sự nhiễm ô quay về nương theo tâm thanh tịnh, tịnh mà không nhiễm thì gọi là Tăng. Cho nên quý vị nhất định phải hiểu được, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải nương vào Giác Chánh Tịnh, chính là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác của đề kinh Vô Lượng Thọ. Giác là Phật Bảo, chánh là Pháp Bảo, thanh tịnh là Tăng Bảo. Trong kinh này nói là bình đẳng, bình đẳng chính là Pháp Bảo, thanh tịnh là Tăng Bảo, giác là Phật Bảo. Đề kinh này thì có đủ Tam Bảo, cho nên từ đề kinh này chúng ta có thể thấy được bộ kinh này đã viên mãn, là thù thắng. Điều này chúng ta không thể không biết, không thể không nghiêm túc mà học tập.
Phải thường xuyên tránh xa mê tà nhiễm, thường xuyên nương vào giác chánh tịnh, đây là thật sự quy y. Quy y hoàn toàn không phải là quy y với một vị Pháp sư nào. Nếu quy y với một vị Pháp sư nào, vị Pháp sư này này là sư phụ của tôi, vị Pháp sư kia thì không phải, nếu bạn luôn có cái tâm này làm những việc như thế này, cuối cùng thì quy y để đi đến địa ngục A-tỳ, bị tội gì vậy? Tội phá hòa hợp Tăng, bạn phá Phật, phá Pháp, phá Tăng, cái tội này nặng, bạn có tâm thiên vị. Phía trước đã nói hết thảy người xuất gia đều là người một nhà, còn bạn thì ở đây chia rẽ, làm như vậy sao được! Đạo tràng này là của sư phụ tôi, đạo tràng kia thì không phải, các bạn đừng đi đến đó mà hãy đến chỗ này. Điều này phiền phức lớn lắm, đây là tạo tội nghiệp địa ngục A-tỳ, điều này là không nên.
Nếu bạn thật sự quy y Tam Bảo thì phải hiểu được pháp bình đẳng, bất luận là họ đến đạo tràng nào cũng được, cũng đáng được tán thán, thậm chí đi đến đạo tràng của tôn giáo khác chúng ta cũng hoan hỷ tán thán. Bạn tin vào thần linh thì thần linh sẽ bảo hộ bạn, không nên nói với họ là tôn giáo đó là tà giáo. Ki-tô giáo không phải là tà giáo, Hồi giáo không phải là tà giáo. Mọi người trên toàn thế giới thừa nhận họ là chánh giáo thì làm sao bạn có thể nói họ là tà giáo? Những lời nói trong kinh điển của họ đều là chánh kinh, cũng không khuyên người làm điều xằng bậy. Trong kinh Coran tuy có nói đến thánh chiến, bạn nên hiểu ý nghĩa của thánh chiến, thánh chiến là cuộc chiến bảo vệ không phải là đi xâm lược người khác, người khác đến xâm lược chúng ta thì chúng ta có thể chống lại. Ngày xưa chúng ta đánh nhau với Nhật Bản tám năm, đối với Trung Quốc là thánh chiến, chúng ta là chiến đấu bảo vệ, không phải là xâm lược người khác, phải hiểu rõ cái ý này. Các vị chánh thần cũng không bảo bạn đi xâm lược người khác.
Cho nên chúng ta phải tôn kính tất cả tín đồ các tôn giáo, chúng ta cũng nên lễ bái họ. Đi vào giáo đường của Ki-tô giáo, tôi cũng lễ bái Thánh giá, lễ bái chúa Giê-su. Mọi người nhìn thấy đều rất ngạc nhiên, tại sao ngài lại lễ bái họ vậy? Tôi nói, bạn không biết đó là Thích-ca Mâu-ni Phật hóa thân, tôi nhận ra được còn bạn không nhận ra. Tôi đọc kinh điển của họ, đó là gì vậy? Là kinh Phật, là Phật nói với họ. Bạn xem Ngài nói như thế nào, Phật không có định pháp để nói, đối với người nào Ngài cũng có cách nói pháp. Chúng tôi đã xem nhiều, đã thấy Phật đối với những người không cùng chủng tộc, những người không đồng văn hóa, xem Phật nói pháp như thế nào.
Học nhiều thì trí huệ khai, Phật có thể ứng phó, chúng ta cũng có thể ứng phó, đặc biệt là sau khi đọc kinh Hoa Nghiêm mới biết được, khắp pháp giới hư không giới đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (theo tâm mà hiện, theo thức mà biến). Không những là chánh giáo “duy tâm sở hiện duy thức sở biến” mà ngay cả yêu ma quỷ quái cũng là “duy tâm sở hiện duy thức sở biến”. Cho nên yêu ma quỷ quái chẳng qua là nhất thời mê tà nhiễm mà thôi. Mê tà nhiễm thì trở thành yêu ma quỷ quái, tương lai họ nhất định sẽ gặp được Phật Bồ-tát, Phật Bồ-tát dạy bảo họ, họ nhất định sẽ quay đầu lại, cũng học giác chánh tịnh, họ vĩnh viễn sẽ không mê nữa. Cho nên nói “tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai”, bạn nên biết cái đạo lý này. Tâm lượng của bạn mở rộng thì không có chướng ngại, cũng không đối lập với bất kỳ tôn giáo nào, bất kỳ chủng tộc nào, mối quan hệ này mới có thể giải quyết tốt được. Bất kỳ vấn đề nan giải nào cũng đều được hóa giải, không có chuyện không thể hóa giải.
Quy y được nói ở trong kinh, chúng ta nhất định phải hiểu được ý nghĩa của quy y, tuyệt đối không được hiểu lầm, sau khi quy y thì không nên tạo thêm tạo nghiệp tội nữa. Nếu không biết được ý nghĩa của quy y, quy y Pháp sư này là sư phụ của tôi, vị kia không phải là sư phụ của tôi, ý niệm, hành vi này chính là phá hoại hòa hợp Tăng, chính là đang khởi tác dụng chia rẽ. Cái tội này nặng chẳng gì bằng, không thể không biết được, không thể không nói rõ ràng, bởi vì hiện nay những người hiểu sai điều này rất nhiều.
Chúng tôi khi truyền Tam Quy thì nhất định phải nói rõ, bởi vì thời gian có hạn, hôm nay chỉ có thể làm nghi thức cho quý vị đến chỗ này, đến mức việc giảng giải Tam Quy, đây là chuyện quan trọng hơn hơn tất cả. Chúng tôi có quyển sổ tay nhỏ, có “Truyền Thọ Tam Quy”, hình như là có ba cái đĩa, trước đây đã giảng giải rất chi tiết. Hình như ở Úc Châu cũng có giảng qua, ở bên đó cũng có đĩa, về nhà quý vị nên nghe nhiều để hiểu cho rõ ràng cho tường tận, y theo lời đã giảng mà làm thì mới thật sự là hồi đầu, thật sự quy y Tam Bảo, đây thật sự là công đức thù thắng không gì sánh bằng.
Sau khi quy y thì khuyên bạn nên phát tâm, “nãi chí năng phát nhất niệm tịnh tín, sở hữu thiện căn chí tâm hồi hướng, nguyện sanh Tịnh Độ” (cho đến có thể phát một niệm tịnh tín, tất cả thiện căn đều chí tâm hồi hướng, nguyện sanh Tịnh Độ), bạn xem ở đây có nhất niệm tịnh tín, có thiện căn, có tâm, hướng, nguyện. Tâm của chúng ta phải có phương hướng, phải có mục tiêu. Trong cuộc đời này, chúng ta nhất định y theo phương hướng mục tiêu này mà nỗ lực, mà tinh tấn, cuộc đời này không để uổng qua. Nếu một đời người không có chí nguyện, không có phương hướng, không có mục tiêu thì cuộc đời này thật là uổng phí, cuộc đời này trải qua rất là cực khổ, đến cuối cùng thật sự là chẳng được thành tựu gì cả.
Nghe được Phật pháp, chúng ta mới tìm được phương hướng mục tiêu chính xác chân thật, đó chính là con đường thành Phật. Con đường thành Phật dễ dàng nhất, vững chắc nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất, thù thắng nhất, không có gì có thể sánh bằng việc đới nghiệp vãng sanh. Cho nên pháp môn này mới được tất cả chư Phật mười phương tán thán, tại sao vậy? Ai ai cũng có thể thành tựu, “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu” (phổ khắp ba căn, phàm thánh đều thâu). Đại sư Thiện Đạo nói pháp môn này vạn người tu vạn người đi, không có một người nào bị rớt lại. Tại sao lại nói người tu học Tịnh Tông niệm Phật nhiều, người vãng sanh lại ít? Vạn người tu vạn người đi, tại sao một vạn người tu thật sự có thể vãng sanh chỉ có hai, ba người, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân là họ không có tu, nếu họ có tu thì họ sẽ vãng sanh, họ không chịu y giáo phụng hành, vậy là hết cách rồi. Nếu thật sự y giáo phụng hành thì chẳng có ai mà không thành tựu, y theo giáo pháp nào vậy? Y theo kinh Vô Lượng Thọ là được.
Cho nên tôi nói kinh Vô Lượng Thọ là giấy bảo đảm vãng sanh thế giới Cực Lạc của Tây Phương Tịnh Độ. Nếu bạn lấy được giấy bảo chứng như đã nói thì bạn phải thực hiện, bạn phải thực hiện nghiêm chỉnh thì bạn sẽ nhận được giấy bảo chứng. Ở phần sau chúng tôi vẫn phải chia sẻ tường tận cho quý vị, chúng ta phải vãng sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ, chúng ta phải vãng sanh thượng thượng phẩm, phải có ý chí mạnh mẽ như vậy, phải có cái đại nguyện này. Không thể đặt mục tiêu quá thấp, nhất định nên đặt nơi cao nhất để mạnh mẽ bước lên. “Nhất niệm tịnh tín” vô cùng quan trọng, “tịnh tín” là gì? Là nhất niệm, cái nhất niệm này rất quan trọng.
Từ hôm nay trở đi, trong cuộc sống hằng ngày, nên học hỏi để duy trì nhất niệm, nhất niệm là gì? Nhất niệm A Di Đà Phật này trong hai mươi bốn giờ của một ngày đêm niệm niệm đều không quên. Cái nhất niệm này không còn thì vọng niệm của bạn liền khởi lên. Cho nên dùng nhất niệm để đè phục hết thảy vọng niệm của bạn. Trong tâm chỉ có A Di Đà Phật thì sẽ không có những ý niệm khác. Làm thế nào để đoạn được vọng niệm? Chỉ một câu A Di Đà Phật này là được. Bạn xem pháp môn này thù thắng biết bao, đơn giản biết bao!
Trước đây tôi giảng kinh Kim Cang, tôi đã giảng kinh Kim Cang mấy lần rồi, khi giảng đến “vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm” (làm sao an trụ, làm sao hàng phục cái tâm ấy), điều này rất khó giảng, giảng để bạn nghe mà hiểu thì lại càng khó. Trong kinh Bát-nhã đã nói điều này, nếu lấy kinh giáo của Tịnh Độ tông để trả lời thì quá đơn giản. “Làm thế nào để hàng phục tâm?” Đó là là Nam-mô A Di Đà Phật, thì tâm liền được hàng phục, hàng phục được vọng tâm, vọng niệm. “Vân hà hàng phục kỳ tâm” chính là làm thế nào để có thể hàng phục vọng niệm của chúng ta, Nam-mô A Di Đà Phật chính là hàng phục. “Vân hà ưng trụ” là tâm của ta trụ ở chỗ nào, Nam-mô A Di Đà Phật, trụ A Di Đà Phật là đúng rồi. Cho nên kinh Kim Cang rắc rối như vậy, nhưng đến Tịnh Độ tông, một câu A Di Đà Phật thì cả thảy được giải quyết. Bạn xem pháp môn này thù thắng biết bao, đơn giản biết bao, vững vàng biết bao, đáng tin biết bao!
Trong Tông môn khai ngộ thật sự là không dễ, trong Tịnh Tông khai ngộ thì dễ, chỉ cần bạn bền lòng chặt dạ nắm chắc câu A Di Đà Phật này, có chết cũng không buông, chẳng khác nào bạn đã khai ngộ, người đã khai ngộ cũng không bằng bạn. Thực tế mà nói, người khai ngộ nhiều nhất chẳng qua là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, là Viên Giáo Sơ Trụ. Bạn sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là A-duy-việt-trí Bồ-tát, bạn cao hơn họ rất nhiều. Họ muốn trở thành A-duy-việt-trí Bồ-tát thì phải tu hành hai a-tăng-kỳ kiếp mới tu thành. Chúng ta ở nơi đây công phu mấy năm thì thành công rồi, họ làm sao có thể sánh bằng được! Chúng ta phải hiểu sự và lý này, nhưng nghiệp chướng là sự việc rất là phiền phức, nhất định phải tiêu trừ. Tiêu nghiệp chướng chính là sự việc lớn nhất trong cuộc đời này của chúng ta.
Muốn tiêu trừ nghiệp chướng, chỉ cần bạn nhớ kỹ câu Phật hiệu này. Thực tại mà nói là phải biết dùng câu Phật hiệu này thì nghiệp chướng gì cũng được hóa giải. Thí dụ như bạn gặp phải những oan gia đối đầu, đến mắng bạn, đến đánh bạn, đến đặt chuyện vu oan cho bạn, đến phá hoại bạn, đến hủy nhục bạn, bạn đối phó với họ như thế nào? Niệm A Di Đà Phật thì vấn đề gì cũng được giải quyết. Tâm của bạn luôn luôn trụ trong câu A Di Đà Phật, việc gì cũng không nên bàn cãi, tại sao vậy? Tất cả đều là giả, đều không phải là thật, đã là giả thì bạn tranh cãi với họ làm gì?
Công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn, bất cứ vấn đề gì của thế xuất thế gian, một câu Phật hiệu thì tất cả được giải quyết hết. Bạn thật sự phải biết áp dụng, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta ở thế gian này chỉ là tạm trú, thời gian không lâu dài, ở thế gian này có oan khuất như thế nào ta cũng bằng lòng chấp nhận, không cần tranh luận thì làm gì có chuyện không được vãng sanh, từ vô lượng kiếp đến nay nghiệp chướng như thế nào cũng đều được tiêu hết. Cho nên câu danh hiệu này là pháp môn bất nhị tiêu nghiêp chướng. Lời này không phải là do tôi nói, là Đại Sư Từ Vân Quán Đảnh nói. Pháp Sư Quán Đảnh là người đời Càn Long, ông là người rất tài ba, tác phẩm của ông rất nhiều, được lưu giữ trong Vạn Tục Tạng, hình như là hai mươi mấy loại, tôi đã đọc rất nhiều. Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ của ông, sớ chính là chú giải. Chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói, nghiệp chướng nghiêm trọng của người đời, hết thảy các kinh luận tiêu trừ không hết, hết thảy các phương pháp sám hối tiêu trừ không hết, cuối cùng vẫn còn một cách có thể tiêu trừ hoàn toàn, là phương pháp nào vậy? Nam-mô A Di Đà Phật. Đây là do Pháp Sư Quán Đảnh đời Càn Long nói. Sau khi tôi đọc được chú giải này, càng nghĩ càng thấy có lý, thật là tuyệt vời vô cùng!
Người ta chỉ vào mặt của bạn mà mắng một giờ đồng hồ, bạn thì chắp tay A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, niệm một giờ đồng hồ, đừng để ý đến họ, cũng không nên trả lời, cũng đừng mắng lại họ, chỉ là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật. Bạn xem cuối cùng kết quả ra sao, là đã độ họ rồi, họ sẽ không mắng bạn nữa. Gia đình bất hòa bạn cũng dùng cách này thì gia đình bạn sẽ hòa thuận. Ở trong công ty bất hòa với đồng nghiệp, dùng cách này thì đông nghiệp sẽ hòa thuận. Ngày nay chúng ta muốn cho thế giới hòa bình, chúng ta dùng cách này thì thế giới sẽ được hòa bình. Một câu A Di Đà Phật thật là không thể nghĩ bàn.
“Chí tâm hồi hướng, nguyện sanh bỉ quốc, tùy nguyện giai sanh, đắc Bất Thoái Chuyển, nãi chí Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề”, ý nghĩa của mấy câu kinh văn đơn giản này rất sâu xa khó hiểu, sau khi bạn đã thật sự lĩnh hội được rồi thì bạn mới thật sự hiểu được mười phương chư Phật tại sao lại tán thán, công đức tán thán này không thể nghĩ bàn, tại sao vậy? Muốn khiến cho tất cả phàm phu tin tưởng, khiến cho tất cả phàm phu tiếp nhận quy y, phát nguyện vãng sanh. Nhờ sự tán thán này mà chúng sanh đều được độ, công đức thù thắng là ở chỗ này, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc không ai mà không chứng được Phật quả cứu cánh. Hơn nữa, trong thời gian rất ngắn là có thể thành tựu. Chúng tôi hy vọng là quý vị tự nghiên cứu chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ngài chú giải hay vô cùng, đều căn cứ vào kinh điển. Thời gian của chúng ta có giới hạn, cho nên không giảng nghĩa chi tiết chú giải của ngài cho quý vị, hôm nay chúng tôi xin giảng đến chỗ này.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 326)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.