GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 183/374
Văn Danh Cụ Sanh
Kinh văn:
“Ngã nhược thành chánh giác
Lập danh vô lượng thọ
Chúng sanh văn thử hiệu
Câu lai ngã sát trung”.
Sự thù thắng của pháp môn Tịnh Tông vượt hơn tất cả các pháp môn khác. Trong số đồng tu nhà Phật, có không ít người nêu ra nghi vấn đối với vấn đề này. Trên Kinh điển Đại Thừa, Phật thường nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, tại vì sao cứ tán thán Tịnh Độ? Lý do ở chỗ nào? Ngày nay chúng ta giảng đến bài kệ này, không thể không lược nói mấy câu. Sự thù thắng của pháp môn này, thực tế mà nói chính là pháp môn này đơn giản, dễ dàng, ổn định, thành tựu lại thù thắng không gì bằng. Đây là chỗ mà các pháp môn khác không thể so sánh. Ở trên lý mà nói thì pháp môn đích thực là bình đẳng, còn trên sự mà nói thì pháp môn này quá thuận tiện, người người đều có thể tu, người người đều có thể thành tựu. Sự thù thắng ưu việt là bình đẳng thành tựu. Cũng giống như trên đề Kinh đã nói: “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Pháp môn này, trên từ Bồ Tát Đẳng Giác, dưới từ chúng sanh địa ngục đều có thể thọ trì, đều có thể học tập; người không phân quý tiện trí ngu; không giống như một số pháp môn khác, đối với thượng căn lợi trí thì thích hợp, nhưng trung hạ căn thì cảm thấy khó khăn, hay ngược lại, có một số pháp môn thuận tiện đối với hạ căn, nhưng thượng căn thì không được lợi ích. Cho nên, người xưa thường nói pháp môn này là “phổ nhiếp ba căn, lợi độn đều thâu”. Đặc biệt là ở vào thời đại hiện đại này của chúng ta, thời đại này chân thật giống như trên “Kinh Lăng Nghiêm” đã nói: “Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Chúng ta có thể ở trong xã hội này không bị mê hoặc của tà tri tà kiến thì tương đối không dễ dàng rồi, đây chính là trong Phật pháp thường nói “đầy đủ trí tuệ chân thật, thiện căn phước đức chân thật”. Nếu như đối với pháp môn này có thể có lòng tin kiên cố, không chút nghi hoặc, đương nhiên sự việc này rất khó.
Chúng ta thường nói phải xây dựng lòng tin kiên cố, cần phải đầy đủ một trong hai điều kiện.
Điều kiện thứ nhất là thậm nhập Kinh tạng. Bạn đối với tất cả những đạo lý trong Kinh luận của Phật Đà phải thông đạt tường tận thì bạn sẽ không hoài nghi, không bị tà tri tà kiến làm dao động. Đây là người mà chúng ta thường gọi là thượng căn lợi trí. Người thứ hai tuy là họ không có trí tuệ, không thể nào thông đạt Kinh luận của Phật pháp, thế nhưng thiện căn phước đức của họ sâu dày, họ hiếu thiện hiếu đức. Sau khi tiếp xúc Phật pháp, họ liền có thể kiên định tín tâm, thành tựu tín nguyện, cũng sẽ không bị xã hội dẫn sai đường, sẽ không đọa ở trong tà tri tà kiến. Hai người này ngay trong một đời này chắc chắn thành tựu, cũng giống như người xưa gọi là người đương cơ đối với pháp môn này.
Nếu không thuộc về hai loại người này, ngay trong đời này có thể thành tựu hay không thì phải xem duyên phận. Ngày xưa, Đại sư Thiện Đạo nói: “Luôn là ở duyên ngộ không đồng”. Câu nói này rất hay. Nếu như họ có thể gặp được duyên phận tốt, gặp được thiện tri thức tốt, gặp được đạo tràng tốt, đạo tràng như lý như pháp, gặp được đồng tham đạo hữu tốt, họ liền thành tựu. Nếu không thể gặp được, họ cũng tùy theo sóng mà trôi đi, cũng chắc chắn là trống qua một đời này.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trong chú giải nói được rất hay. Ông nói, bốn câu Kinh văn “Nhược ngã thành chánh giác, lập danh vô lượng thọ, chúng sanh văn thử hiệu, câu lai ngã sát trung” là trung tâm của đại nguyện, là toàn bộ tròng mắt của “Kinh Vô Lượng Thọ”, là diệu thủ của mười phương Như Lai độ chúng sanh, là bảo thuyền của tất cả chúng sanh siêu việt sáu cõi luân hồi. Nhận biết bốn câu nói này không dễ dàng, nếu không phải là người tái sanh thì có bày ra ở trước mắt cũng không thấy ra. Chúng ta muốn biết một người có kiến địa hay không, có phải là thiện tri thức chân thật hay không, chính là ở chỗ xem họ có nhận biết đối với Kinh luận hay không. Bốn câu này chính là tổng kết của 48 nguyện, hay nói cách khác, 48 nguyện chính là từ bài kệ này mà diễn giải, triển khai ra. Toàn bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” là từ 48 nguyện mà diễn giải ra. Hướng lên trên mà mở rộng, một bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là diễn giải của “Kinh Vô Lượng Thọ”, một đại tạng giáo mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm chính là diễn giải của “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Từ diễn giải, quy nạp đến sau cùng chính là bốn câu này, cho nên bốn câu này quan trọng.
“Nếu ta thành chánh giác”, “ta” là A Di Đà Phật tự xưng. Ngài nói giả sử Ngài thành được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác Bồ Đề, cũng chính là nhân gian chúng ta thường gọi “đắc đạo rồi, thành Phật rồi”. Kỳ thật, chúng ta nói đắc đạo, nói thành Phật, danh từ này rất chung chung, rất hàm hồ. Bạn nói đắc đạo, chứng được Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn cũng gọi là đắc đạo, chứng được A La Hán cũng gọi là đắc đạo. Do đây có thể biết, trong đây có cạn sâu khác biệt rất lớn. Thành Phật, Phật thì có Phật của Quyền Giáo, có Phật trong Thật Giáo. Đồng tu quen thuộc Phật pháp Đại Thừa đều biết, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” cũng là Phật thật, không phải là Phật giả. Trong Phật thật có 42 vị thứ, cũng chính là nói 42 giai cấp. Phật mà ở chỗ này nói là một giai cấp tối cao, chúng ta thường gọi là Phật quả cứu cánh viên mãn. A Di Đà Phật chứng đắc rồi, chứng đắc Phật quả cứu cánh. Danh hiệu của Phật là “Lập Danh Vô Lượng Thọ”. “Vô Lượng Thọ” là phiên dịch Hoa ngữ, Phạn văn gọi là “A Di Đà”. Lập danh A Di Đà, ngày nay chúng ta gọi là A Di Đà Phật. Ý nghĩa của A Di Đà là vô lượng vô biên, hư không pháp giới không có pháp nào không bao gồm trong đó.
Thích Ca Mâu Ni Phật khi đang giảng “Kinh A Di Đà”, đem ý nghĩa “A Di Đà Phật” này vì chúng ta nói ra, Ngài nói là “Vô Lượng Thọ”, “Vô Lượng Quang”. Phật nói ra hai danh hiệu này, chúng ta phải có thể thể hội. “Vô Lượng Quang”, quang là quang minh biến chiếu, là nói không gian. “Vô Lượng Thọ”, thọ là nói quá khứ, hiện tại, vị lai, là nói thời gian. Hay nói cách khác, Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang chính là người hiện tại chúng ta gọi là thời gian và không gian. Các vị tưởng tượng, có pháp nào ở ngoài thời không hay không? Không có pháp nào có thể siêu vượt thời không, thời không bao gồm hết tất cả pháp. Do đây có thể biết, Vô Lượng Thọ, hoặc giả gọi là Vô Lượng Quang, hoặc giả gọi là A Di Đà, chính là tổng danh xưng của tất cả pháp hư không pháp giới vô lượng vô biên, là tổng đề mục của tất cả vạn pháp.
Vào khoảng năm Càn Long, Trung Quốc đã đem thư tịch từ xưa đến nay trùng tân, chỉnh lý, phân loại, biên tập thành một bộ đại tòng thư, đặt cho một cái tên là “Tứ Khố Toàn Thư”. Đây là tên gọi chung của một bộ sách lớn. Do đây có thể biết, A Di Đà Phật ở trong Phật pháp cũng giống như cái danh hiệu “Tứ Khố Toàn Thư” vậy, không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra 49 năm không thể nào ra ngoài phạm vi này, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật, trong Phật Kinh đã nói trần thuyết sát thuyết, vô lượng kiếp đến nay, về sau còn có vô lượng kiếp, nói ra tổng đề mục của tất cả pháp thì gọi là A Di Đà Phật. Như vậy chúng ta mới hiểu rõ, mới chân thật thể hội tại vì sao đại đức xưa thường nói “danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn”. Đây mới chỉ là có chút nhận biết. Công đức danh hiệu chân thật không thể nghĩ bàn!
“Chúng sanh văn thử danh hiệu, câu lai ngã sát trung”, hai câu nói này vô cùng quan trọng. “Chúng sanh”, chúng ta ngày nay là chúng sanh. “Văn thử hiệu”, chúng ta chân thật cũng nghe được danh hiệu này, nhưng có thể sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc hay không thì chưa chắc. Rốt cuộc việc này là tại vì sao vậy? Then chốt ở chữ “văn” này. Các vị cần phải nên biết, chữ “văn” này không phải ngày nay chúng ta gọi là “nghe được”, thế nhưng cũng được tính, ngay đời này không thể vãng sanh thì có lẽ là đời sau, hay đời sau nữa. Danh hiệu này trong A Lại Da Thức là một hạt giống, mà hạt giống này là hạt giống kim cang bất hoại, chắc chắn sẽ không tiêu mất, luôn có một ngày bạn gặp duyên, hạt giống này chín muồi, bạn vẫn sẽ vãng sanh, cho nên có thể nói được thông. Thế nhưng trên thực tế, cái “văn” này là “văn huệ” của Bồ Tát. Chúng ta biết được, người Tiểu Thừa là tu “Tam học”, Giới-Định-Huệ tam học. Đây là Kinh Đại Thừa, Đại Thừa ngay trong Đại Thừa. Đại Thừa Bồ Tát tu là “Tam huệ”, “Văn-Tư-Tu” tam huệ. Các vị ở trong đạo tràng đã nghe Kinh nhiều năm như vậy rồi, phải nên từ tam học nâng lên khế nhập tam huệ thì chúng ta tu học mới có tiến bộ.
Ý nghĩa của “Văn-Tư-Tu” là gì? Văn là từ đại biểu của “tiếp xúc”. Mắt chúng ta tiếp xúc sắc pháp bên ngoài, mắt thấy sắc. Ở đây không dùng chữ “kiến” mà dùng chữ “văn” này làm đại biểu. Mắt thấy tất cả sắc, tai nghe tất cả tiếng, mũi ngửi tất cả mùi hương, lưỡi nếm tất cả vị đạo, thảy đều dùng một chữ “văn” này làm đại biểu. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần gọi là “văn”. “Văn” là đại biểu tiếp xúc.
Ý nghĩa của “tư” là gì? Tư là đại biểu tường tận. Người thông thường chúng ta nếu như gặp phải một vấn đề khó thì cố gắng nghĩ tưởng, nghĩ ngợi một chút thì tường tận. Thế nhưng trong Tam huệ Đại Thừa không cho phép bạn nghĩ, vì vừa nghĩ chính là bạn rơi vào trong ý thức rồi, đó chính là phân biệt chấp trước, vậy thì sai rồi. Không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vừa tiếp xúc liền tường tận, liền thông đạt, đây gọi là tư huệ.
Tu huệ từ chỗ nào mà nói? Tu huệ từ chắc chắn không mê hoặc, đối với tất cả các pháp không mê, không tà, không nhiễm, đây gọi là tu huệ. Đích thực rõ ràng, quyết không có mê tà nhiễm, vừa tiếp xúc là “Giác-Chánh-Tịnh”. Từ “Giác-Chánh-Tịnh” mà nói gọi là tư huệ, từ ly mê tà nhiễm mà nói thì gọi là tu huệ. Do đây có thể biết, “văn tư tu” là một sự việc, một mà ba, ba mà một, chắc chắn không có trước sau. Tuyệt đối không thể nói “văn” là nghe, sau khi nghe rồi ta lại đi nghiên cứu, sau khi nghiên cứu xong rồi ta lại đi thực hành. Đó không phải là Bồ Tát mà là phàm phu. Cho nên, ba chữ văn tư tu này vạn nhất không nên hiểu sai đi ý nghĩa. Còn Giới-Định-Huệ thì có thứ tự, đích thực là một cách nhìn của chúng ta. Trước trì giới, sau đó tu định, do định lại khai trí tuệ, nó có thứ tự. Văn tư tu không phải cái ý này. Đây là chỗ khác nhau giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa. Chúng ta cần phải làm cho rõ ràng, phải làm cho tường tận.
Vừa rồi tôi nói, chúng ta đã học nhiều năm như vậy rồi, đối với Phật pháp cũng biết được đôi chút, phải nên đem cảnh giới của chính mình nâng cao, thấy sắc nghe tiếng liền thông đạt tường tận. Đặc biệt là tượng Phật, chúng ta thấy được tượng của A Di Đà Phật, thấy được danh hiệu của A Di Đà Phật, hoặc giả là nghe được danh hiệu lập tức liền phải thông đạt tường tận hàm nghĩa trong cái danh hiệu này. Danh hiệu này đầy đủ nghĩa lý cứu cánh viên mãn: vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng thanh tịnh, vô lượng trí tuệ, vô lượng trang nghiêm, tất cả đều là vô lượng của vô lượng. Vì sao trên Kinh văn ở chỗ này không nêu thứ khác, mà chỉ riêng nêu “vô lượng thọ”? Bởi vì vô lượng thọ thông thường là đại biểu pháp thân thường trụ. Đồng tu học Phật thường hay đọc thấy trên Kinh điển: “Thanh tịnh pháp thân Phật”, “Viên mãn báo thân Phật”, “Thiên bá ức hóa thân Phật”. Phật có ba thân, trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói mười thân, nhưng thông thường nói ba thân. Ba thân hay mười thân cũng tốt, đều là lấy pháp thân làm căn bản. Pháp thân là năng hiện, báo thân và ứng hóa thân là năng biến. Nó có cái căn bản, căn bản là pháp thân, căn bản là thân thật của chính chúng ta. Nhà Phật tu học không có mục đích gì khác, chính là dạy chúng ta khẳng định nhận biết thân thật của chính mình.
Thiền tông thường nói: “Mặt mũi trước khi cha mẹ chưa sanh ra”. Nếu bạn hôm nào tìm ra được “mặt mũi trước khi cha mẹ chưa sanh ra” thì chúc mừng bạn, bạn thành Phật rồi, bạn chân thật thành Phật, không phải giả. Ở trong pháp môn Đại Thừa nói bạn chứng được pháp thân, bổn lai diện mục chính là pháp thân của chính mình. Pháp thân ở chỗ nào? Pháp thân không nơi nào mà không tồn tại, không lúc nào mà không tồn tại. Lời nói này không dễ hiểu, không dễ gì thể hội, đây là đạo lý rất sâu rất rộng. Thế nhưng lý có sâu hơn cũng đều ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Chúng ta nêu ra một thí dụ, bạn từ cửa của giảng đường đi đến giảng đài, bạn dùng thân gì để đi đến? Nếu như bên đây có một máy quay phim, bạn từ bên đó đi đến giảng đài, máy ghi hình bên cạnh ghi hình bạn (dùng hình ảnh của phim thì dễ dàng thể hội, vì phim gốc đó từng tấm từng tấm, trong một giây chiếu 24 tấm), thân này của bạn có động hay không? Không có động, ở bên cửa kia không có động, đến ở bên đây cũng không có động. Nếu như không dùng khoa học kỹ thuật này, bạn rất không dễ gì thể hội được. Từ ngay chỗ này mới tường tận trong Phật Kinh đã nói: “Tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt”, đây là kiến giải của Như Lai, đây là lời chân thật. Trong “Trung Quán Luận” nói: “Không sanh không diệt, không đến không đi, không một không khác”.
Tốc độ của phi cơ rất nhanh. Hiện tại vận tốc của phi cơ phản lực 747 là hơn một ngàn cây số, chúng ta dùng ống kính tốc độ một phần ngàn của giây để chụp, khi chụp thì phi cơ này không động, cũng chính là nói tốc độ của chúng ta cùng tốc độ phi hành của nó bằng nhau, bạn thấy nó chính là không động. Đây là một hiện tượng vật lý.
Những hiện tượng này ở nhà Phật gọi là: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, không phải thật. Sau đó nói với bạn, mười pháp giới y chánh trang nghiêm “như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Bạn cho rằng đây là thật thì bạn sai rồi. Chân thật là thế nào? Chân thật là pháp thân vĩnh viễn bất biến. Pháp thân là thân thật. Chúng ta từ ngoài cửa đi đến chỗ này, thân của ta đang di động. Có phải thân ta đang di động không? Chúng ta cho rằng thân ta đang di động, nhưng kỳ thật không phải. Chân tướng là gì? Chân tướng là sát na sanh diệt, cũng giống như chúng ta chụp hình vậy, tấm trước qua rồi thì tấm sau hiện lên. Hiện tại, tốc độ chúng ta chụp hình một giây này là 24 tấm. Nếu như có máy chụp hình tốc độ rất cao, một giây có thể chụp mười vạn tám ngàn tấm, thì bạn càng rõ ràng, càng dễ dàng thể hội đích thực là không có động, chỉ là cái tướng này đang sát na sanh diệt. Tốc độ của sanh diệt tuyệt đối không chỉ có mười vạn tám ngàn tấm một giây. Nếu chiếu theo trên “Kinh Nhân Vương” Phật nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có chín trăm lần sanh diệt, vậy nếu chúng ta khảy được nhanh thì một giây có thể khảy được bốn lần, bốn nhân sáu mươi rồi lại nhân chín trăm, thì có tới hai lần mười vạn tám ngàn. Một giây có hai lần mười vạn tám ngàn sanh diệt, đây mới gọi là thật tướng các pháp.
Chánh báo, cái thân này như vậy, hoàn cảnh y báo cũng là như vậy, mười pháp giới y chánh trang nghiêm cũng không ngoại lệ. Đây gọi là “duy thức sở biến”. Bạn từ ngay chỗ này thể hội được, bạn mới chân thật nhận thức được thật tướng các pháp. Sau khi nhận thức, phải đem nó chứng minh thì bạn mới được thọ dụng. Nếu bạn không thể chứng đắc, đó là tri thức của bạn. Tri thức không thể thực tiễn ngay trong cuộc sống, bạn không thể hưởng thụ. Hay nói cách khác, bạn vẫn là không thể trải qua đời sống của chư Phật Bồ Tát. Bạn cần phải đem nó chứng thật, bạn mới có thể được đại tự tại giống như chư Phật Bồ Tát, vĩnh viễn lìa khổ được vui. Đây đều là lời thật.
Người xuất gia chúng ta, Phật chế định cho chúng ta cái phục trang này, hiện tại chúng ta quen gọi là đắp y, Phật pháp gọi là Ca Sa. Các vị xem thấy trên y phục này có từng ô từng ô, y phục này chính là đại biểu pháp thân. Ngày ngày chúng ta đắp lên, có thể hội được pháp thân thanh tịnh hay không? Đời đời truyền nhau, cái y này gọi là y phước điền, đắp lên cái y này có phước. Cũng có đạo lý, thế nhưng bạn phải hiểu rõ đạo lý thì bạn mới chân thật được phước. Nếu không hiểu rõ đạo lý này, thì đắp y này cùng y phục thông thường cũng không có gì khác. Đạo lý là gì vậy? Bạn xem mỗi một ô trên đó đều như nhau, đều đại biểu cho bình đẳng. Nhiều ô như vậy đại biểu cái gì? Ngày nay chúng ta gọi là chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau, tôn giáo khác nhau, cõi nước khác nhau. Bạn có thể chân thật tường tận bình đẳng, lớn như nhau, không có lớn nhỏ, không có cao thấp, có thể cùng tất cả chúng sanh chung sống hòa thuận, đối đãi bình đẳng thì bạn liền có phước báo. Cho nên, y này gọi là y phước điền. Khi cái y phục này khoác lên trên người, bạn còn cho là “tôi lớn hơn anh, anh nhỏ hơn tôi” thì bạn không có phước, bạn điên đảo rồi. Y phục này chính là đem cả thảy hư không pháp giới hợp thành một thể, ý nghĩa này càng lúc càng rõ ràng.
Pháp thân là gì? Hư không pháp giới tất cả chúng sanh là chính mình, đều là chân tâm chính mình hiện ra, tám thức biến hiện. Đây là lời thật, đạo lý này rất sâu rất sâu. “Duy Thức Pháp Tướng Tông” chuyên môn nói rõ hiện tượng của sự thật và lý luận này. Kinh điển chủ yếu của họ là sáu Kinh mười một luận. “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” cũng là một trong sáu Kinh, nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh có liên quan mật thiết với chính mình. Cổ Thánh tiên Hiền thường hay dạy bảo chúng ta: “Đối với người cũng giống như đối với chính mình vậy”, cho nên chân thật yêu chính mình mới yêu thương tất cả chúng sanh, người không yêu thương tất cả chúng sanh thì không biết yêu chính mình, có đại đạo lý trong đây.
Cho nên, Bồ Tát Pháp Tạng thành Phật, lập danh A Di Đà chính là “lập danh Vô Lượng Thọ”. “Chúng sanh văn thử hiệu”, trong danh hiệu hàm chứa nghĩa thú, chúng sanh có trí tuệ, vừa nghe liền thông đạt tường tận, họ liền có thể đem tư tưởng quan niệm chuyển biến, khế nhập cảnh giới này. Có điều kiện này mới có thể vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho nên nói: “Câu lai ngã sát trung”.
Như Lai danh hiệu cần phải phổ văn mười phương. Ai làm sự việc này vậy? Chư Phật Như Lai gánh vác sứ mạng tiếp dẫn dạy bảo chúng sanh. Đại Sư Thiện Đạo đã nói: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải”. Đại Sư Thiện Đạo đã nói “Như Lai” không phải chuyên chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật, mà Ngài rộng chỉ mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai. Phật thị hiện ở thế gian không có công việc nào khác ngoài việc giảng Kinh dạy học. Ngài dạy điều gì? Chỉ nói bổn nguyện hải của Di Đà. Ý nghĩa của câu nói này là gì? Chính là chỉ riêng đến thế gian này làm cái việc này, đem “Kinh Vô Lượng Thọ” giới thiệu cho mọi người. “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là bổn nguyện hải của Di Đà. Cho nên tất cả chư Phật xuất hiện ở đời, Kinh luận của các Ngài giảng không hoàn toàn giống nhau, thế nhưng “Kinh Vô Lượng Thọ” thì chắc chắn phải giảng. Đây chính là các Ngài cần phải nói đến một môn khóa trình này, các Kinh luận khác là phụ thôi, đây là khóa trình chủ yếu, quyết định phải giảng. Ngày nay chúng ta nói Di Đà ba Kinh: “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”, ba Kinh này là chắc chắn phải giảng. Cho dù là Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn Giáo hạ, chỉ cần là Như Lai thị hiện thì chắc chắn sẽ giảng ba bộ Kinh điển này. Đây gọi là bổn nguyện hải của Như Lai. Phật giúp đỡ tất cả chúng sanh ở ngay trong một đời viên mãn thành Phật chính là pháp môn này.
Vì sao Phật lại nói nhiều pháp môn như vậy? Đó là do căn tánh chưa chín muồi, đây là nhà Phật thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Câu nói này không nên hiểu lầm ý nghĩa. Vô duyên là gì? Vô duyên là căn tánh chưa chín muồi. Bạn khuyên bảo họ, giảng giải với họ, họ không thể hoàn toàn tiếp nhận, đây gọi là vô duyên. Tuy không thể tiếp nhận nhưng Ngài cũng giảng để gieo duyên với bạn, không có duyên thì kết duyên với bạn, ngay đời này bạn không thể thành tựu thì đời sau, đời sau vẫn không thể thành tựu thì đời sau nữa. Phật độ hóa chúng sanh rất có lòng nhẫn nại, đời đời kiếp kiếp quyết không bỏ bạn. “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”, đạo lý chính ngay chỗ này. Không giống như chúng ta, chúng ta không có lòng nhẫn nại. Các Ngài rất có lòng nhẫn nại, lòng nhẫn nại của các Ngài là không có bờ mé. Cho nên, người không có duyên thì kết duyên, duyên chưa chín muồi thì giúp cho chín muồi, nếu duyên của bạn đã chín muồi rồi thì liền giúp bạn ngay trong đời này chắc chắn được sanh Tịnh Độ. Đây là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc Phật giúp đỡ tất cả chúng sanh, chúng ta phải nên biết. Không những phải nên biết, mà chúng ta còn phải học tập, thì chúng ta mới biết được làm thế nào giúp đỡ tất cả chúng sanh trên thế giới này. Phương pháp chúng ta ngày nay dùng, bước thứ nhất là vì tất cả chúng sanh giới thiệu Phật pháp, giúp chúng sanh nhận thức Phật giáo. Xã hội hiện đại có rất nhiều người hiểu lầm đối với Phật giáo, họ cho rằng Phật giáo là tôn giáo. Đây là một hiểu lầm rất lớn. Chúng ta nói Phật giáo không phải là tôn giáo, người ta ngược lại trách móc chúng ta, nói chúng ta vô tri: “Toàn thế giới đều thừa nhận Phật giáo là tôn giáo, vì sao ông có thể nói đó không phải là tôn giáo?”. Cho nên, họ nói tôn giáo, chúng ta cũng đành phải thừa nhận đây là tôn giáo. Thế nhưng chính mình phải nên biết, Phật giáo đích thực không phải là tôn giáo. Đây là việc mà họ không biết được. Phật giáo là gì? Dùng lời hiện đại mà nói, Phật giáo là “giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa”, không phải là tôn giáo. Cho nên, chúng ta phải đặc biệt giảng giải cho họ, giới thiệu rõ ràng để mọi người có nhận biết chính xác, không chỉ muốn họ nhận biết Phật giáo, mà còn phải nhận biết tôn giáo.
Thế gian có rất nhiều tôn giáo, quốc gia Singapore này thừa nhận có chín tôn giáo lớn. Tối ngày mai Bái Hỏa Giáo đến nơi đây giảng Kinh. Vào thời xưa, Trung Quốc gọi Bái Hỏa Giáo là Áo Giáo. Áo Giáo được truyền đến Trung Quốc vào triều nhà Đường, rất đáng tiếc hiện tại Trung Quốc đã không còn. Nhân số của họ rất ít, tín đồ ở trên toàn thế giới tổng cộng chỉ có 150 ngàn người, ở Singapore đại khái có 150 mấy người. Người tuy là ít, theo tôi thấy, trong tất cả các tôn giáo, đoàn kết nhất là họ. Họ có hơn 150 người, giống như một gia đình vậy, một đại gia đình vô cùng hòa thuận. Đón tết năm rồi họ mời tôi đến tham gia hội họp của họ, tôi xem thấy được sự đoàn kết của họ, tôn kính lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau. Tôi xem thấy rất là cảm động. Việc này trong các tôn giáo khác, chúng ta rất ít thấy được. Quốc gia Malaysia thừa nhận có bảy tôn giáo, quốc gia của họ không có Bái Hỏa Giáo, không có Do Thái Giáo, còn các tôn giáo khác của Singapore họ đều có.
Rốt cuộc tôn giáo là gì? Ngày trước, Hứa Triết ở đây nói rất hay: “Tôn giáo chính là yêu thương, yêu thương chính là tôn giáo”. Lời của bà giải thích được rất có đạo lý, thế nhưng cần phải thuyết minh rõ ràng hơn. Chúng ta xem thấy nhà Phật thường nói, Phật giáo là: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”. Phật giáo là gì? Từ bi. Hàng xóm lân cận của Singapore chúng ta là Malaysia, Indo đều là quốc gia Hồi Giáo, người tín ngưỡng Hồi giáo rất nhiều. “Kinh Ko-Ran” của Hồi giáo tôi cũng thường đọc, câu thứ nhất của mỗi đoạn Kinh văn là: “A La đích thực là nhân từ”, cho nên căn bản của họ là nhân từ. Căn bản của Phật giáo là từ bi. Lại xem qua các tôn giáo khác, như “Tân Cựu Ước Toàn Thư” nói: “Thượng Đế ái thế nhân”, “Thần ái thế nhân”. Chúng ta tổng hợp tất cả các tôn giáo, đề ra bốn chữ: “Nhân Từ Bác Ái”. Nhân từ bác ái chính là tôn giáo. Cho nên, tôn giáo không mê tín, tôn giáo là nhân từ bác ái, tôn giáo là tốt, cần phải nên đề xướng. Cho nên, tôi tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo, tôi khuyên họ nhất định phải khởi xướng giáo dục tôn giáo.
Giáo dục tôn giáo là gì? Giáo dục yêu thương, giáo dục nhân từ bác ái. Mục đích của giáo dục ở chỗ nào? Dùng kỳ vọng của mọi người ở xã hội hiện tiền chúng ta, mục đích thứ nhất là “thế giới hòa bình“, thứ hai là “xã hội an định”, thứ ba là “nhân dân hạnh phúc”. Ở trong Phật pháp chỉ có một câu, đó là “Lìa khổ được vui”. Do đây có thể biết, căn bản của tất cả tôn giáo là giống nhau, đều là “nhân từ bác ái”; mục đích của tất cả tôn giáo là giống nhau, đều là cầu thế giới hòa bình, xã hội an định, nhân dân lìa khổ được vui. Thế nên tôn giáo có lý luận đoàn kết, đương nhiên có phương pháp đoàn kết.
Chín tôn giáo của Singapore hợp tác như thế này, hòa thuận cùng sống, đối đãi bình đẳng, đây là một việc tốt. Chúng ta nhất định phải đem việc tốt này thúc đẩy đến toàn thế giới, giới thiệu đến mỗi quốc gia, làm ra tấm gương tốt, kiểu dáng tốt cho mọi người. Nhà Phật gọi là Thế giới Cực Lạc; Mạc Tư Lâm gọi là Thiên Quốc; Thiên Chúa Giáo, Ki-Tô Giáo gọi là Thiên Đường; các tôn giáo khác đều gọi là Thiên Quốc Thiên Đường, tất cả đều là khuyên người làm thiện, “vi thiện tối lạc”. Nhà Phật càng là như vậy.
“Thập Thiện Nghiệp Đạo” là căn bản giáo học của nhà Phật. Hiện tại chúng ta đang học tập bộ Kinh điển này. Pháp môn Tịnh Tông không thể rời khỏi mười thiện, vì sao vậy? Ở trên Kinh Phật giới thiệu, giảng cho chúng ta nghe rất rõ ràng, thế giới đó đều là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, cho nên nếu như tâm của chúng ta bất thiện, Phật hiệu niệm được tốt hơn cũng không thể vãng sanh. Phật hiệu nếu niệm được tốt, mười thiện chắc chắn đầy đủ. Mười thiện nếu không đầy đủ, thì niệm Phật đó là giả, không phải là thật, không phải thật niệm. Mỗi câu niệm Phật đó chỉ là nịnh Phật A Di Đà, lấy lòng Phật A Di Đà. Giữ tâm không tốt thì không thể vãng sanh. Cho nên, chúng ta nhất định phải thật làm, thật làm thì chắc chắn tương ưng. Đây là trong Phật Kinh thường nói, người nhiều thiện căn, nhiều phước đức thì tất sanh Tịnh Độ, tất chứng Bồ Đề, thù thắng viên mãn, phương tiện cứu cánh. A Di Đà Phật làm Phật, cho nên dùng danh hiệu này, dụng ý của danh hiệu này vô cùng sâu rộng.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 183)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.