GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 329/374
Chúng ta đọc qua kinh văn một lần: “Hà dĩ cố? Dục linh tha phương sở hữu chúng sanh, văn bỉ Phật danh, phát thanh tịnh tâm, ức niệm thọ trì, quy y cúng dường. Nãi chí năng phát nhất niệm tịnh tín, sở hữu thiện căn, chí tâm hồi hướng, nguyện sanh bỉ quốc. Tùy nguyện giai sanh, đắc Bất Thối Chuyển, nãi chí Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề” (Tại vì sao? Vì muốn tất cả chúng sanh ở các phương khác nghe đến danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ mà phát tâm thanh tịnh, nhớ nghĩ, thọ trì, quy y, cúng dường, cho đến phát được một niệm tịnh tín, đem tất cả căn lành chí tâm hồi hướng, nguyện sanh về cõi Cực Lạc kia, tùy nguyện đều được sanh, được Bất Thối Chuyển cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề). Đoạn kinh văn này nói rõ với chúng ta, chư Phật mười phương tán thán y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, dụng ý thật sự là ở chỗ nào? Kinh văn không dài nhưng nói được rất rõ ràng minh bạch.
“Hà dĩ cố” nếu dùng lời hiện nay mà nói thì nghĩa là “tại vì sao”, đây là một câu hỏi. “Dục linh tha phương”, “tha phương” là nói ngoài thế giới Cực Lạc ra, các thế giới khác đều gọi là tha phương. Ngoài thế giới Cực Lạc ra thì “sở hữu chúng sanh” trong cõi nước của chư Phật mười phương, chữ “chúng sanh” này là nói chúng sanh trong chín pháp giới, từ Bồ-tát Duyên Giác Thanh Văn cho đến ngạ quỷ súc sanh địa ngục, hết thảy đều được bao gồm ở trong đó, đây là tất cả chúng sanh. “Văn bỉ Phật danh”, “bỉ Phật” chính là nói bổn sư A Di Đà Phật, có những ai biết đến danh hiệu của A Di Đà Phật? Chư Phật mười phương tuyên truyền thay Ngài, chư Phật mười phương giới thiệu với mọi người chúng ta, việc giới thiệu chính là giảng nói cho chúng ta nghe ba bộ kinh Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và Kinh A Di Đà.
Từ đây chúng ta có thể biết được hết thảy chư Phật Bồ-tát thị hiện ở trong chín pháp giới hằng thuận chúng sanh mà nói ra vô lượng vô biên kinh luận, vô lượng vô biên pháp môn. Mỗi kinh luận, pháp môn đều không giống nhau, căn tánh của chúng sanh ở mỗi nơi không giống nhau, nhưng các Ngài nhất định đều sẽ giảng ba bộ kinh này: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Di Đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Những kinh khác thì không nhất định phải giảng, phải xem căn tánh của chúng sanh. Do vậy mà tất cả chúng sanh trong thế giới mười phương đều có cơ hội được nghe đến danh hiệu của A Di Đà Phật.
Nghe được là duyên, có bốn loại duyên, đây là tứ duyên sanh pháp mà Phật đã nói với chúng ta trong các kinh luận. Sự phát sinh của hết thảy pháp thế xuất thế gian đều không lìa khỏi bốn loại duyên này. Loại thứ nhất là thân nhân duyên, loại thứ hai là sở duyên duyên, loại thứ ba là vô gián duyên, ba loại này đều là của tự thân chúng ta, bản thân chúng ta tự có đầy đủ. Loại sau cùng là tăng thượng duyên, đó là sự giúp đỡ từ bên ngoài, loại duyên này đối với mọi người không như nhau. Tăng thượng duyên là hiện nay chúng ta đều có thể nghe được danh hiệu A Di Đà Phật. Tất cả chúng sanh trong chín pháp giới đều có cái cơ hội này, vì sao vậy? Vì tất cả chư Phật Bồ-tát đều đang tuyên dương, cho nên cái duyên này thật quá thù thắng, vì sao chúng ta không thể vãng sanh? Đó chính là duyên của bản thân chúng ta, bản thân chúng ta có thân nhân duyên hay không. Thân nhân duyên là trong đời quá khứ đã có trồng thiện căn này chưa? Đây mới là thân nhân duyên của chúng ta, trong đời quá khứ không có trồng thiện căn, ngày nay được nghe đến danh hiệu A Di Đà Phật thì thiện căn liền được trồng rồi. Bây giờ mới trồng thiện căn thì sẽ rất khó kết thành quả. Thiện căn phước đức nhân duyên của mỗi người đều là tu được trong nhiều đời nhiều kiếp trước, mà cũng không phải trong thời gian ngắn. Cho nên tín nguyện hạnh là tu được từ nhiều kiếp, đời này chúng ta lại gặp được nữa. Sau khi gặp được rồi, nếu chúng ta có thể nắm chặt lấy, nắm giữ cho thật chặt thì đời này của chúng ta chắc chắn sẽ khai hoa kết quả, sẽ có thành tựu. Điều này vô cùng quan trọng.
Tại đoạn kinh văn này, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã chú giải rất rõ ràng, chú giải rất hay. Chúng ta cũng rất có duyên phần với ông, chúng ta có thể đọc được sách của ông, có thể nghe được giáo huấn của ông, đây là nhân duyên hy hữu. Có duyên rồi, quan trọng nhất là bạn có thể tin, sau khi nghe xong Tịnh Độ tam kinh, bạn đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc có tin hay không? Nếu nghe xong, bạn cho rằng đây là thần thoại, là ngụ ngôn, chưa chắc là thật, vậy thì bạn có thiện căn hay không? Thiện căn thì có nhưng quá mỏng, không đủ dày, cho nên không sanh khởi nổi lòng tin. Nếu bạn không có thiện căn thì trong đời này bạn sẽ không có cơ hội nghe thấy. Phàm là nghe được thì trong đời quá khứ đều là có thiện căn, đây thật là không thể nghĩ bàn. Thiện căn mà sâu dày thì nghe xong liền sanh tâm hoan hỷ, liền tin tưởng.
Sau khi tin rồi bạn có hiểu hay không? Việc này rất quan trọng, tin mà không hiểu thì lòng tin của bạn không kiên định, rất dễ bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển. Chúng ta sống trong thời đại này, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh đều rất dễ dàng bị đào thải mất. Gặp thuận cảnh thì tham luyến danh văn lợi dưỡng, tham luyến hưởng thụ ngũ dục lục trần, nên đã xem nhẹ sự việc thế giới Tây Phương Cực Lạc. Gặp nghịch cảnh thì dễ sanh tâm sân hận, mỗi niệm đều cảm thấy thế gian này thật bất công, hờn giận oán trách. Những việc này đều là sự chướng ngại nghiêm trọng, đều là chướng ngại cho việc thành tựu trong đời này của chúng ta. Trong thế giới hiện nay chướng duyên quá nhiều, có người nào mà không bị chướng ngại chứ?
Ý nghĩa chính là nói nếu không bị hoàn cảnh bên ngoài làm ảnh hưởng thì người này mới có thể thành công. Việc này trong Phật pháp được gọi là đại thiện căn, là thiện căn rất sâu dày, họ vừa tiếp xúc thì liền tin tưởng, vừa nghe thấy hoặc vừa đọc đến kinh văn thì họ liền hiểu, sanh tâm thanh tịnh. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Tín tâm thanh tịnh ắt sanh thực tướng”, thực tướng là trí huệ Bát-nhã, trí huệ chân thật. Tâm thanh tịnh mới có thể sanh trí huệ chân thật, có trí huệ chân thật thì bạn mới có thể hiểu, bạn hiểu được sâu, hiểu được rộng, chắc chắn sẽ được thọ dụng.
Chư Phật Như Lai cùng A Di Đà Phật từ bi như nhau, đều hy vọng mỗi chúng sanh nghe đến danh hiệu của A Di Đà Phật đều có thể sanh lòng tin, phát nguyện trong đời này vãng sanh bất thối thành Phật. Đây là tâm Phật, là nguyện của Phật. Đoạn này thực tại mà nói chính là sự thành tựu của nguyện thứ 18 trong 48 nguyện. Nguyện thứ 18 là nghe danh nhất định được sanh. Việc này trên lý luận thì nói không sai một chút nào, nhất định được sanh, nhưng được sanh vào lúc nào thì không nhất định. Có người thì ngay trong đời này được sanh, có người thì đời sau, đời sau nữa, thậm chí là vô lượng kiếp sau mới có thể vãng sanh. Đây là nguyên nhân gì vậy? Đây đều là gặp duyên không đồng. Chúng tôi trong buổi giảng trước có nói rằng chúng ta phải học chư Phật Như Lai nói lời chân thật, việc này rất quan trọng. Nếu nói lời thành thật với các vị, cuộc đời của hết thảy chúng sanh thì cái gì là quan trọng nhất? Niệm Phật vãng sanh là quan trọng nhất, không có cái gì quan trọng hơn sự việc này. Sự việc nào trái ngược lại với việc này, làm chướng ngại việc này thì chúng ta phải biết tránh xa. Sự việc nào có ích cho sự việc này, thì ta phải biết thân cận. Hy vọng trong đời này ta phải hoàn thành được việc trọng đại này, những việc khác thì không đáng để nói. Danh văn lợi dưỡng của thế gian là giả, ngũ dục lục trần cũng là giả, hãy nhớ sự giáo huấn trong Kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (phàm là có tướng đều là giả dối), ngay cả cái thân thể này cũng là giả.
Khi tôi mới vừa nhập môn, có một vị đồng tu đến thăm tôi, nói ông có nghiệp chướng, thường hay cảm thấy có người nào đó muốn mổ cái ngực của ông ra, ông rất sợ hãi, đây rốt cuộc là sự việc gì vậy? Đích thực là nghiệp chướng đã hiện tiền, chúng ta phải làm thế nào để đối mặt với sự thực này? Không nên hoảng sợ, người học Phật chân chánh biết được bất kỳ một chúng sanh nào cũng không có sanh tử, thân thì có sanh diệt, linh tánh thì không sanh không diệt. Linh tánh là chính mình, thân thể này không phải là chính mình. Nghiệp tội mà ta tạo tác thì phải được tiêu, nghiệp tội là chướng ngại, gọi là nghiệp chướng, bạn phải tiêu tội tiêu nghiệp. Nếu bạn làm được nhiều việc tốt, nhiều việc thiện thì đây là phước, phước cũng cần phải tiêu. Nếu bạn không tiêu trừ thì nó cũng là chướng ngại, cho nên họa và phước đều không khác nhau, đều là nghiệp chướng cần phải tiêu. Phước báo hiện tiền là tiêu phước, tiêu thiện nghiệp, ba đường ác là tiêu ác nghiệp, thảy đều là tiêu nghiệp chướng.
Nghiệp chướng tiêu trừ rồi thì chân như bổn tánh của bạn liền hiện tiền. Nghiệp chướng rất khó tiêu trừ, nguyên nhân ở đâu? Khi hưởng phước thì sanh tâm tham luyến, lại tạo nghiệp rồi, khi gặp phải một số tai nạn thì khởi tâm oán hận, cho nên nghiệp chướng của bạn vĩnh viễn không tiêu trừ, khi tiêu trừ thì lại tạo nghiệp nữa. Người thông minh phải hiểu được khi tiêu nghiệp thì không thể tạo thêm, khi thiện phước hiện tiền thì nhất định không có một mảy may tham luyến. Khi tai họa hiện tiền, tai họa nhỏ, như là người ta hủy báng ta, sỉ nhục ta, làm chướng ngại ta, tai họa lớn như là sát hại ta, ta không có một chút tâm oán hận, đây là thật sự tiêu nghiệp.
Trong Kinh Kim Cang có kể chuyện vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể Nhẫn Nhục tiên nhân, Nhẫn Nhục tiên nhân không có một mảy may oán hận. Đây là làm gương cho chúng ta xem, sự sỉ nhục tổn hại khủng khiếp đến như vậy mà một chút tâm oán hận cũng không có, nghiệp chướng của Ngài đã tiêu hết. Sau khi tiêu hết thì thành Phật, bạn nói xem vua Ca-lợi có tốt hay không? Thật sự là tốt. Nếu vua Ca-lợi không dùng thái độ đó đối với Ngài thì nghiệp chướng của Ngài không tiêu trừ hết, Ngài không thành Phật được. Cho nên Bồ-tát là một người thấy rất rõ ràng, Ngài đối với vua Ca-lợi chỉ có mang ơn đội nghĩa. Ngài đã phát nguyện: “Ta tương lai thành Phật, người đầu tiên ta độ chính là ông”.
Vị Nhẫn Nhục tiên nhân đó chính là Phật Thích-ca Mâu-ni, vua Ca-lợi, là người ngày trước hãm hại Ngài chính là Tôn giả Kiều-trần-như. Thích-ca Mâu-ni Phật nói là giữ lời, Ngài thành Phật thì người đầu tiên được độ chính là tôn giả Kiều-trần-như, đây là cảm ân báo ân. Cho nên sau khi giác ngộ thì bạn sẽ vĩnh viễn sống trong thế giới cảm ơn, bạn nói xem hoan hỷ biết bao! Bất luận là cảnh giới nào, hoàn cảnh nhân sự hoàn cảnh vật chất, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, thiện duyên cũng tốt, ác duyên cũng tốt, vĩnh viễn là cái tâm cảm ơn, vĩnh viễn là cái tâm bình đẳng, vĩnh viễn là tâm thanh tịnh. Tâm của bạn thanh tịnh thì sanh trí huệ, sanh hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn, thọ nhận tai nạn vẫn là pháp hỷ sung mãn, cái vui ấy là từ trong tự tánh, từ trong nội tâm mà sanh ra, không liên quan gì với cảnh giới bên ngoài.
Chúng ta học Phật, nếu ngay cả điểm này cũng không học được, vậy thì sai rồi, đó gọi là học vô ích. Mỗi buổi bạn học được một cái gì đó để mang về, vậy thì tại buổi nghe giảng này bạn không uổng công. Tu hành nhất định là từ không vọng ngữ mà bắt đầu, chính là nói lời thành thật mà phía trước đã nói. Nói lời thành thật không bị thiệt thòi, người khác lừa ta, ta không lừa người khác, bề ngoài thì thấy là ta bị thiệt thòi, ta bị mắc lừa, thực tế thì chúng ta không bị thiệt thòi một chút nào, vì sao vậy? Vì linh tánh được nâng cao, chúng ta gọi là đạo đức được nâng cao, bạn đã gia tăng thêm trên phần đạo đức. Bạn ở trong phần vật chất, trong phần danh văn lợi dưỡng có phải là bị mất bớt hay không? Có thể hiện tại dường như là bị mất phần, qua một thời gian ngắn thì sẽ không ngừng tăng thêm cho bạn. Đây chính là thiện có thiện báo, trồng thiện nhân nhất định được thiện quả.
Nhưng bạn phải nên hiểu rằng được cái thiện quả đó cũng không được có tâm tham ái, không được có cái tâm ngạo mạn, nếu có thì bạn lại tạo nghiệp nữa rồi. Đây chính là lý do mà tất cả chúng sanh trong nhiều kiếp đến nay muốn tiêu nghiệp chướng mà vẫn không tiêu hết, vẫn tiêu không sạch nổi, nguyên nhân là chỗ này. Cũng chính là bạn không nhìn thấu, không buông xả. Người chân thật nhìn thấu buông xả thì mới có thể nói đến tích công lũy đức, mỗi ngày đều đang tích lũy công đức, không phải là phước báo, không phải là nghiệp chướng, tích lũy đều là công đức.
“Phát thanh tịnh tâm, ức niệm thọ trì” (phát tâm thanh tịnh, nhớ nghĩ, thọ trì), đây là điều mà buổi hôm nay chúng ta phải chăm chỉ học tập. Tâm thanh tịnh là gì? Tâm thanh tịnh chính là không bị nhiễm ô, sáu căn của phàm phu tiếp xúc cảnh giới sáu trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, cảnh giới thuận với ý của chính mình thì khởi tâm tham, muốn khống chế, muốn chiếm hữu, muốn chi phối. Khống chế, chiếm hữu, chi phối là tạo nghiệp, vậy thì bạn đã tạo nghiệp rồi, nghiệp liền tạo thành chướng ngại, cho nên gọi là nghiệp chướng. Chân tâm của bạn vốn là thanh tịnh, vì những thứ đó mà chân tâm của bạn bất tịnh rồi, bị ô nhiễm rồi. Không hợp với ý của mình thì khởi tâm sân hận, rất khó, vô cùng vô cùng khó.
Bản thân chúng ta phải nên có tâm cảnh giác cao độ, luôn phải nhắc nhở chính mình, không để cho hoàn cảnh bên ngoài làm ảnh hưởng. Lời hiện nay gọi là ảnh hưởng, trong Phật pháp thì gọi là sở chuyển, bạn không thể để cho hoàn cảnh xoay chuyển. Chúng tôi nói bị cảnh giới xoay chuyển thì có rất nhiều người nghe không hiểu, chúng tôi dùng lời hiện nay mà nói, đó là nếu bạn vẫn còn bị ảnh hưởng thì bạn đã sai rồi.
Làm sao mà trong cuộc sống hằng ngày, trong hết thảy hoàn cảnh đều không bị ảnh hưởng, vĩnh viễn giữ gìn sự thanh tịnh bình đẳng giác của chính mình, vậy thì mới đúng. Nói ra lời này thì dễ dàng, làm cho được thì tương đối khó khăn, nguyên nhân là gì? Tập khí của chúng ta quá nặng, cái tập khí này không phải một hai ngày mà hình thành mà đã hình thành từ vô lượng kiếp rồi. Tập khí được tập thành từ vô lượng kiếp mà trong đời này muốn đoạn trừ nó thì đâu có dễ gì, nhưng nếu chúng ta thật sự muốn làm thì có thể làm được hay không? Khẳng định là có thể làm được, vấn đề là ở chỗ bạn thật có quyết tâm, có nghị lực hay không?
Phải buông xuống phiền não tập khí của bạn, việc này không cần hỏi ai mà hỏi chính mình, nếu quả thật có quyết tâm này thì có thể làm được. Việc này không phải là cầu ở người, cầu người rất khó, người ta chưa chắc đồng ý với bạn, hãy cầu ở mình. Thiện Đạo Đại sư đã nói, vạn người tu pháp môn Tịnh Tông vạn người đi, không sót một ai cả. Chỉ cần bạn chân thật chịu làm, chân thật chịu làm thì bạn phải trừ bỏ những chướng ngại của việc vãng sanh, là những chướng ngại nào? Những điều trong kinh điển nói đều là tiêu chuẩn, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm hết thảy tương ưng với kinh điển, vậy thì làm sao mà không được vãng sanh?
Ngày ngày tụng kinh, mục đích đọc tụng kinh là gì? Là kiểm tra việc khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta có giống với ở trong kinh nói hay không? Điều mà trong kinh dạy chúng ta làm, chúng ta đã làm được hay chưa? Trong kinh dạy chúng ta không được làm, chúng ta đã phạm hay chưa? Ngày ngày đọc kinh, ngày ngày phải phản tỉnh, ngày ngày phải kiểm điểm, đây gọi là chân dụng công, chân tu hành, đây chính là “ức niệm thọ trì” mà kinh văn này nói.
Nhất định phải khiến cho tâm của chúng ta giống với tâm của A Di Đà Phật, nguyện cũng giống nguyện của Ngài, lời nói cũng giống với Ngài, hạnh cũng giống với Ngài. Tâm nguyện ngôn hành đều tương ưng với A Di Đà Phật, cổ đức thường nói, một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật, vậy thì làm gì có đạo lý không thành Phật? Chúng ta phải hiểu lý, phải chân thật mà làm ở ngay trong cuộc sống hằng ngày, không nên cứ nghĩ tưởng lung tung, vì sao vậy? Nghĩ tưởng lung tung đều là tạo nghiệp luân hồi. Bạn nghĩ thiện thì sanh ba đường thiện, bạn nghĩ ác thì đọa ba đường ác, đều là không thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi, cho nên mới dạy chúng ta nhớ Phật niệm Phật.
Chúng ta nghĩ tưởng cái gì? Chúng ta không thể nào không nghĩ tưởng, bảo không nghĩ tưởng gì thì không làm được. Hãy nên đem sự suy nghĩ này đổi trở lại, đổi thành thế giới Tây Phương Cực Lạc, đổi thành A Di Đà Phật. Chúng ta ngày ngày nghĩ đến Phật, ngày ngày nghĩ đến thế giới Cực Lạc, tâm tưởng sự thành thì thành công rồi.
Niệm không phải là ở trên miệng, bạn hãy xem chữ “niệm” (念)này trong văn tự Trung Quốc, “niệm” nghĩa là gì? Là “kim tâm” (今心), chính là cái tâm này ở hiện tại. Hiện tại trong tâm có thì gọi là niệm, không phải là có ở trên miệng. Trên miệng thì có mà trong tâm không có thì không được. Hữu khẩu vô tâm thì nhất định không thể vãng sanh. Một ngày bạn niệm được một vạn, hai vạn tiếng Phật hiệu, người xưa nói là “hét bể cổ họng cũng uổng công”, nhất định sẽ không thể vãng sanh. Vãng sanh là trong tâm bạn thật sự có Phật, thật sự là có thế giới Cực Lạc. Nếu bạn không ngày ngày đọc tụng kinh điển thì sao mà thật sự có Phật, thật sự có thế giới Cực Lạc được? Không những đọc kinh mà còn phải xem những chú giải của các Tổ Sư Đại Đức nữa thì ấn tượng của bạn mới sâu.
Thế giới Cực Lạc là quê nhà của chúng ta, chúng ta bây giờ phải về nhà, về nhà mà không biết tí gì về tình trạng ở nhà thì bạn về không được rồi, bạn phải hiểu cho được rõ ràng, minh bạch thì bạn mới có thể về nhà được. Niệm niệm đều nghĩ đến việc về nhà, nghĩa là trong tâm của bạn thật sự có, sự việc này thật không dễ nói, nói ra không dễ gì hiểu được. Tôi lấy một ví dụ thực tế, các vị tỉ mỉ mà suy nghĩ.
Có một năm vào dịp Tết âm lịch, tôi ở tại Đài Bắc, lúc đó vẫn còn ở Hoa Tạng Đồ Thư Quán. Có một lão cư sĩ đến Đồ Thư Quán chúc Tết tôi, bà nói với tôi: “Thưa Pháp sư, trong mấy năm nay công phu niệm Phật của con vô cùng đắc lực, cái gì con cũng buông bỏ hết, chỉ có đứa cháu là không buông bỏ được”. Các vị nghĩ xem vậy là như thế nào? Trong tâm bà cái gì cũng không có, hết thảy đều buông bỏ được rồi, nhưng trong tâm vẫn còn đứa cháu. Không phải miệng bà niệm cháu tôi cháu tôi cháu tôi, không phải là bà niệm như vậy, nhưng trong tâm của bà thì thật sự là có niệm như vậy. Lúc nào khởi tâm động niệm bà đều không quên đứa cháu này, đây mới gọi là niệm, trong tâm bà thật sự có. Lúc đó tôi nói bà hãy đem A Di Đà Phật làm thành cháu của bà thì bà sẽ thành công. Đây không phải là chuyện đùa mà là sự thật. Bà ta yêu thương cháu của mình đến như vậy, niệm niệm đều không quên đứa cháu. Bà hãy đem A Di Đà Phật đổi thành đứa cháu thì sẽ thành công. Về sau bà có đổi được hay không thì tôi cũng không biết, tôi chỉ dạy cho bà cái phương pháp như vậy.
Cho nên chúng ta phải hiểu chữ “niệm” này. Trong tâm bạn chân thật có, ở mọi nơi, vào mọi lúc, cả buổi tối nằm mơ cũng không lìa khỏi, trong tâm bạn chân thật có. Chúng ta phải đem A Di Đà Phật để ở trong tâm, đem y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc để ở trong tâm. Niệm Phật như vậy thì vạn người tu vạn người đi, một người cũng không sót.
“Ức” là nghĩ, bạn thường hay nghĩ đến Phật, trong tâm thật sự có Phật.
Còn hai chữ “thọ trì” này thì ý nghĩa của nó vô cùng sâu rộng. “Thọ” là tiếp nhận, “trì” là duy trì, thọ trì là gì? Thích-ca Mâu-ni Phật, A Di Đà Phật, mười phương tất cả chư Phật dạy bảo chúng ta ở trong các kinh điển thì chúng ta phải tiếp nhận. Không những chúng ta phải tiếp nhận mà còn phải duy trì, vĩnh viễn không nên để mất đi. Các Ngài đã dạy ta, như trong phẩm kinh này chúng ta vẫn là phải học mấy câu này. Trong phần trước của đoạn này, chúng ta học một câu “thuyết thành thật ngôn” là được. Từ nay về sau, đối với bất kỳ ai, chúng ta đều chân thành đối đãi, trong ngoài như một. Trong tâm chân thật yên bình dễ chịu an lạc, không hề có một bí mật nào, không có một điều gì giấu giếm người khác. Nếu bạn giấu giếm người khác thì bản thân sẽ rất mệt.
Trong ngạn ngữ người xưa có nói: “Lòng hại người không nên có, bụng phòng người chẳng thể không”. Lòng hại người đương nhiên không thể có rồi, nhưng bụng phòng người cũng không cần phải có, vì phòng người thì rất mệt. Bạn thấy trên thế giới hiện nay người ta đang chống khủng bố, bạn xem vất vả mệt nhọc biết bao! Càng chống thì thành phần khủng bố càng nhiều, bạn không chống thì sẽ không có. Khi bạn không chống thì một phần tử khủng bố cũng không có, cho nên không cần phải chống gì cả, bạn chống họ để làm gì? Suy cho cùng thì phần tử khủng bố chỉ là thiểu số của thiểu số. Cho dù là ở thế giới này mỗi ngày đều xảy ra, bạn nói xem các phần tử gây ra khủng bố thì giết hại được mấy người chứ? Vài người hoặc vài chục người, trên thế giới này có tới 7 tỉ người, vài người thì có là gì, việc gì phải đi chống họ? Nếu không may mà tôi gặp phải khủng bố, phần tử khủng bố giết hại tôi thì tôi còn cảm ơn họ, vì sao vậy? Vì họ khiến tôi sớm được rời khỏi thế giới Cực Khổ này, tôi được sớm đi đến thế giới Cực Lạc.
Cái sự thực này, không phải là người học Phật, không phải là người chân thật khế nhập Phật pháp thì họ sẽ không hiểu. Chúng ta là người học Phật thì biết, chúng ta ngày ngày nâng cao linh tánh của mình, nâng cao đức hạnh của mình, chăm chỉ gắng sức học Phật Bồ-tát ở trong các kinh điển, không có sanh tử, không có tai nạn. Hôm qua tôi đã nêu một ví dụ với mọi người, Đại sư Lục Tổ nói việc gió động hay là phướn động, cái ý đó rất sâu, rất có đạo vị. Tất cả những lỗi lầm đều là vọng tưởng phân biệt chấp trước của chúng ta tạo thành, chỉ có lìa khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước thì thiên hạ thái bình.
Thiền sư Trung Phong nói rất hay, thế giới này chính là Cực Lạc, Cực Lạc chính là thế giới này. Câu nói này có ý nghĩa rất sâu, lìa khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước thì nơi đây chính là Cực Lạc, có vọng tưởng phân biệt chấp trước thì Cực Lạc biến thành Ta-bà, sự việc chính là như vậy, bạn phải hiểu được đạo lý này. Hết thảy Phật pháp đều phải cầu từ trong nội tâm, không cầu ở bên ngoài. Bạn cầu ở bên ngoài thì sai rồi, bạn sẽ sanh phiền não, còn cầu ở nội tâm thì bạn sẽ sanh trí huệ, bạn sẽ đạt được sự thọ dụng chân thật. Chúng ta không thể không biết việc này, cần phải thật sự nỗ lực mà học tập.
Sau khi học tập thì phải “quy y”, việc này rất quan trọng. Xã hội hiện nay của chúng ta có rất nhiều người, người giàu cũng có, người nghèo cũng không ngoại lệ, đều không có chỗ để nương tựa, đều sống rất là vất vả. Nói một cách thành thật, trong mấy mươi năm cuộc đời của mình, họ không có cảm giác an toàn, điều này thật là đáng thương. Hai năm gần đây tôi có nghe nói, có lẽ là số lượng Phật tử trên toàn thế giới đang tăng lên, ở Singapore tăng lên cũng không ít. Có một số đồng tu nói với tôi rằng Phật tử ở Singapore chiếm khoảng 51% tổng dân số của cả nước, hơn một nửa, việc này rất hiếm có. Hai năm nay tôi sống ở Úc Châu, Bộ trưởng Bộ Đa Nguyên Văn Hóa của Úc đã nói với tôi, trong hai, ba năm gần đây, trong tốc độ tăng trưởng của tín ngưỡng tôn giáo tại Úc Châu thì Phật giáo đứng hàng đầu, tốc độ tăng trưởng rất nhanh, nguyên nhân là gì vậy? Là “quy y”, bạn thật sự đã học Phật rồi, bạn có nơi để trở về, có nơi nương tựa.
Ý nghĩa thật sự của hai từ “quy y” này thì “quy” là hồi đầu, “y” là nương tựa, hồi đầu thị ngạn (quay đầu là bờ), hồi đầu từ đâu vậy? Từ phiền não mà hồi đầu thì nương vào Bồ-đề, từ ác pháp mà hồi đầu, từ thập ác hồi đầu thì nương vào thập thiện, từ phá giới mà hồi đầu thì nương vào trì giới, từ sanh tử hồi đầu thì nương vào Niết-bàn. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi niệm đều phải biết hồi đầu, cho nên “hồi” là “quay về”.
Phật lập ra ba tiêu chuẩn, gọi là Tam Quy Y, các vị đều biết, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nhưng ngày nay việc Tam Quy Y này chỉ có hình thức mà không có thực chất, hay nói cách khác, chúng ta vẫn là không có quy cũng không có y. Thọ Tam Quy Y rồi nhưng vẫn chưa có quy chưa có y, việc này thật đáng thương, bởi vì không biết Phật Pháp Tăng là gì. Nói đến quy y Phật, cái tượng Phật này được nặn từ đất sét, từ cao su, có câu nói “Bồ-tát bằng đất qua sông còn khó giữ được mình”, vậy thì Bồ-tát đó làm sao mà bảo hộ cho bạn được? Bạn làm sao nương nhờ vào họ được! Những hình tượng này chỉ là biểu pháp. Bạn nhất định phải nên biết, chỉ là biểu pháp, ý nghĩa của Phật là giác ngộ, ý nghĩa của Pháp là chánh tri chánh kiến, chính là tư tưởng chính xác, là kiến giải chính xác. Quy y Tăng, ý nghĩa của Tăng là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh một trần không nhiễm, cho nên nó là biểu pháp, bạn phải nên hiểu cái ý nghĩa này.
Trong Đàn Kinh, bạn xem Đại sư Lục Tổ Huệ Năng truyền thọ Tam Quy. Ngài không nói là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, mà Ngài nói là quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. Tôi học Phật lúc đó còn trẻ, lần đầu tiên tôi đọc Đàn Kinh là năm tôi 26 tuổi, khi vừa mới học Phật, tôi rất thích đọc bộ kinh này. Về sau, khi đã học Phật rồi, tôi mới biết cách nói của Lục Tổ không giống với cách nói của người thông thường. Người thông thường đều nói là Phật Pháp Tăng, vì sao Ngài lại nói là Giác Chánh Tịnh? Lục Tổ cách chúng ta hiện nay khoảng 1400 năm, chúng ta có thể suy đoán cách đây 1400 năm thì mọi người trong xã hội đã có sự mơ hồ về ý nghĩa của Tam Quy. Nếu mọi người hiểu rất rõ ràng thì Lục Tổ không cần phải nói Giác Chánh Tịnh, vẫn phải nói là Phật Pháp Tăng.
Vì mọi người trong xã hội nhận thức không rõ ràng đối với Phật Pháp Tăng nên Ngài mới sửa lại một cách nói khác là Giác Chánh Tịnh. Trong Đàn Kinh nói là quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh, sau đó Ngài có giải thích, Phật nghĩa là Giác, Pháp nghĩa là Chánh, Tăng nghĩa là Tịnh. Chúng ta liền hiểu sự giải thích này. Phật Pháp Tăng là Tam Bảo trên hình thức, Giác Chánh Tịnh là Tam Bảo trên thực chất. Chúng ta cần quy y Tam Bảo trên thực chất, từ hình tướng thì bạn phải hiểu được thực chất, cho nên hình tướng cũng rất quan trọng. Nhìn thấy Phật thì chúng ta liền nghĩ đến tự tánh giác, tự tánh chúng ta vốn dĩ là giác mà không mê, cho nên từ mê quay lại nương vào giác. Trong cuộc sống hằng ngày, lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần phải giác mà không mê.
Tâm giác là thanh tịnh, là sanh trí huệ, không sanh phiền não, tâm mê thì sanh phiền não, không sanh trí huệ. Ví dụ chúng ta thấy sắc nghe tiếng rồi sanh khởi tham sân si mạn vậy thì mê rồi, sẽ sanh khởi thất tình ngũ dục, vậy thì mê rồi. Lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần bên ngoài, không khởi tham sân si, không khởi danh văn lợi dưỡng, không khởi ngũ dục lục trần, đây là giác ngộ. Hiểu biết rõ ràng tường tận cảnh giới là huệ, như như bất động là định, hết thảy hành vi liền tự nhiên như pháp, chính là giới. Cho nên bạn sẽ sống trong giới định huệ, đó chính là sự giác ngộ chân thật. Nếu bạn sống trong mê tà nhiễm vậy thì bạn đã sai rồi, đây mới là chân thật quay đầu, bạn chân thật có chỗ dựa, nương dựa vào tự tánh giác.
Quy y Pháp, Pháp là chánh, chánh tri chánh kiến, tư tưởng chính xác, kiến giải chính xác, tiêu chuẩn của tà chánh là gì? Là kinh điển. Làm sao biết được kinh điển là chánh tri chánh kiến? Kinh điển là do Phật thuyết, là do Pháp Thân Bồ-tát thuyết. Những vị Phật Bồ-tát này đều đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, các Ngài không có mê tà nhiễm, chỉ có giác chánh tịnh. Những gì các Ngài nói với chúng ta là từ trong giác chánh tịnh mà lưu lộ ra, mỗi câu mỗi chữ đều là giác chánh tịnh, chúng ta có thể dùng nó để làm tiêu chuẩn. Một ví dụ cạn cợt nhất, Phật dạy hầu hết những người sơ học là thập thiện nghiệp. Thập thiện là chánh, ngược lại với thập thiện là thập ác. Thập ác là tà tri tà kiến, thập thiện là chánh tri chánh kiến, thập thiện là giác, thập ác là mê, đây là lấy một ví dụ. Ở trong kinh thì Phật đã nói rất nhiều, không dễ dàng thọ trì. Chúng ta thọ trì chính là ở trong hoàn cảnh cuộc sống hiện thực nắm bắt mấy câu cương lĩnh này, cả đời được thọ dụng không cùng tận.
Cương lĩnh quan trọng nhất ở chỗ này không gì hơn Tịnh Nghiệp Tam Phước. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Phật dạy phu nhân Vi-đề-hi ba điều 11 câu. Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Bốn câu này là điều đầu tiên, là tiêu chuẩn tuyệt đối. Chúng ta học tập tiêu chuẩn này như thế nào? Thực hành như thế nào? Tôi dạy các đồng học, dùng Đệ Tử Quy của nhà Nho để dưỡng chánh từ nhỏ, tu dưỡng cái gì? Tu hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng. Dùng Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo để thực hành từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Chúng tôi đã giảng qua kinh này rồi.
Điều thứ hai là “thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới bất phạm oai nghi”, thọ trì điều này như thế nào? Đầu tiên phải thọ trì Tam Quy Y, phải quay đầu, lúc nào cũng quay đầu, nơi nơi đều quay đầu, mỗi niệm đều quay đầu, đó là chân thật quy y. Từ mê mà quay đầu, chúng ta nương vào tự tánh giác. Từ tà là từ tư tưởng sai lầm, quan niệm sai lầm, quay đầu trở lại nương dựa chánh tri chánh kiến. Quy y Tăng là từ hết thảy nhiễm ô quay đầu trở lại nương vào tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh bên ngoài liền thanh tịnh, nhất định là không nhận sự ô nhiễm nào, chúng ta từ chỗ này mà thực hành.
Cụ túc chúng giới, chúng giới thì không cần phải nói quá nhiều, chúng ta chỉ nói ngũ giới, chỉ học ngũ giới thập thiện, làm tốt ngũ giới thập thiện thì được. Oai nghi là lễ tiết, xử sự đối người tiếp vật cần phải giữ quy tắc. Những quy tắc này là sống không phải chết, người Trung Quốc thì có lễ tiết của người Trung Quốc, người ngoại quốc thì có lễ tiết của người ngoại quốc, nhập gia phải tùy tục thì mọi người mới hoan hỷ.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 329)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.