GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 – NĂM 1998
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Cư Sĩ Lâm Singapore, Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Từ 1998
Cẩn dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Thuyết minh: CS Thiện Quang & CS Hạnh Quang
Mã AMTB: 02-034-0001 đến 02-034-0188.
MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.
TỔNG CỘNG 374 TẬP
GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – LẦN 10 (NĂM 1998) – TẬP 317/374
Đoạn Kinh văn này nói hoàn cảnh của thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm thù thắng vô cùng. Những người dân ở nơi đó “duy thọ thanh tịnh, tối thượng khoái lạc”, nên thế giới đó gọi là thế giới Cực Lạc. Nguồn gốc của thế giới Cực Lạc không phải dựa vào sự tưởng tượng viễn vông mà nói, đó là tình hình cuộc sống thực tế của Di-đà Tịnh Độ.
Bản Kinh giới thiệu y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc đến đây là đoạn cuối cùng, phần sau là mười phương chư Phật tán thán. Đối với chúng ta, việc chư Phật tán thán là sự khích lệ rất lớn, khiến cho chúng ta chân thật sanh khởi lòng ngưỡng mộ Di-đà Tịnh Độ, hy vọng chúng ta có thể sanh về nơi đó. Thuật ngữ hiện nay của chúng ta nói là di dân, chỉ có di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong một đời mới có thể thành tựu viên mãn vô thượng Bồ-đề. Đạo lý này cùng với chân tướng sự thật, trong những năm gần đây chúng tôi đã giảng rất nhiều lần. Tuy là nói rất nhiều, mọi người hình như cũng đều có nguyện vọng này. Nhưng tỉ mỉ mà quan sát, tôi mới phát hiện ra thật sự có không ít đồng tu có tâm và khẩu trái ngược nhau, không tương ưng. Học Phật kiểu này thì cả cuộc đời không tránh khỏi sự uổng phí. Sự uổng phí này là một chuyện phiền phức. Phiền phức ở chỗ nào vậy? Ở đây không thể không nói ra, chúng ta đều chưa hiểu rõ ràng lý và sự của sáu nẻo luân hồi ở thế giới Ta-bà. Nói là chưa hiểu rõ ràng giống như là chỉ hiểu có một nẻo luân hồi, nghiêm túc mà nói thì có thể nói là hoàn toàn không hiểu.
Năm nay, ở Đài Trung, thầy Giang Dật Tử sẽ triển lãm bức tranh Địa Ngục Biến Tướng Đồ. Ông dựa theo nội dung đã nói trong tác phẩm Ngọc Lịch của Đạo giáo mà vẽ ra. Tác phẩm Ngọc Lịch là một bộ sách khuyến thiện rất hay, cũng rất đáng được đề xướng. Do nhân duyên này, chúng tôi phải tiến hành thuyết minh, chú thích cho bức tranh này. Tôi đã tìm vài vị đồng tu, dùng thời gian hai tuần lễ để tra Đại Tạng Kinh, xem thử Thế Tôn vì chúng ta đã nói rõ tình trạng của địa ngục như thế nào. Bình thường chúng tôi hay tụng Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, trong đó vẫn chưa nói đủ những chi tiết. Lần tra Đại Tạng Kinh này tổng cộng là tra 25 bộ. Kinh luận nói rất chi tiết, nói nhân như thế nào thì có quả báo như thế đó. Cùng giống chung một nhân nhưng động cơ không giống nhau, cách thức tạo nghiệp khác nhau thì quả báo sẽ khác nhau. Chúng tôi lần này phải làm cho thật rõ ràng, minh bạch. Tác phẩm Ngọc Lịch của Đạo giáo giống như cơ quan tòa án của thế gian chúng ta, chỉ là sự việc nhỏ, hình phạt không lớn lắm. Trong Kinh Phật của chúng ta nói nghiệp nhân quả báo chính là tòa án cao cấp, tòa án tối cao. Nhưng rất nhiều người chưa thấy tài liệu này, nên hiện nay chúng tôi phát tâm đem những Kinh văn nói đến địa ngục của 25 bộ Kinh luận ở trong Đại Tạng Kinh này trích lục ra thành một quyển sách có tựa đề là Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu. Chúng tôi muốn nhanh chóng cho lưu thông với số lượng lớn để mọi người được xem, được nghe những điều Thế Tôn nói với chúng ta như thế nào. Phần cuối có kèm theo sự giới thiệu của Thế Tôn về thiên đường, chủ yếu là giới thiệu với chúng ta về trời Dục Giới, nghiệp nhân gì thì được sanh thiên, nghiệp nhân gì sẽ bị đọa lạc. Sau khi hiểu rồi thì bản thân chúng ta mới có sự lựa chọn chính xác. Sự lựa chọn thù thắng nhất, chính xác nhất là lựa chọn Tịnh Độ Di-đà, tức thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu bạn không biết được nghiệp nhân của thiên đường, địa ngục, bạn lựa chọn Tây Phương Tịnh Độ thì chưa chắc có thể vãng sanh. Nguyên nhân do đâu? Vì khởi tâm động niệm, lời nói việc làm vẫn không đổi, vẫn tạo nghiệp tội của địa ngục. Vậy thì làm sao có thể vãng sanh? Trong Kinh Di-đà nói với chúng ta rất rõ ràng, không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà được sanh về nước đó, lại nói với chúng ta ở thế giới Tây Phương Cực Lạc “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Bạn nghĩ xem thiện căn phước đức của chúng ta nếu như không đủ thì không thể vãng sanh. Nếu như chúng ta không phải là thượng thiện thì không thể vãng sanh.
Trong các buổi giảng chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích các đồng tu, Thế Tôn cùng với chư Phật, Bồ-tát hết lòng hết dạ dạy bảo chúng ta, bất luận là tu pháp môn nào, muốn trong một đời này thành tựu thì nền tảng tu học của bạn không thể không tốt. Cũng giống như xây nhà vậy, nền móng không thể không xây vững chắc. Nền móng mà không vững chắc, bất luận là xây nhà kiểu gì cũng sẽ bị sụp đổ, không thành công. Kiến thức này chúng ta đều biết, tu hành cũng không ngoại lệ.
Nền tảng là gì? Tôi nghĩ là rất nhiều đồng tu đã biết. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Thế Tôn nói với phu nhân Vy Đề Hy “Tịnh nghiệp Tam Phước”, đó là nền tảng. Chúng ta ngày nay nghĩ thử, có được mấy người có thể vâng theo lấy Tịnh Nghiệp Tam Phước làm nền tảng? Ba điều này có tổng cộng mười một câu, chúng ta vẫn chưa làm tròn, nên tuy là có nguyện vãng sanh nhưng đến cuối cùng có thể là tâm và nguyện không tương ưng, uổng công cho bạn.
Điều thứ nhất trong Tam phước là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Hai câu này bắt đầu làm từ đâu? Trước đây, ở Cư Sĩ Lâm có một lớp dạy cho trẻ em tên là Canh Tâm Viên, hiện nay không biết còn hay không. Các cháu nhỏ ở Canh Tâm Viên học tập Đệ Tử Quy. Tám chữ trên chính là Đệ Tử Quy. Nếu như làm không tròn Đệ Tử Quy thì bạn không có tám chữ này. Đây là căn bản của căn bản. Ngày nay, tôi khuyến khích tất cả các đồng tu ở Tịnh Tông Học Viện Úc Châu học Đệ Tử Quy trong thời gian hai năm. Tôi không yêu cầu bạn phải học thuộc, không yêu cầu bạn phải biết giảng vì như vậy chẳng có tác dụng, mà mỗi câu, mỗi chữ bạn phải làm cho được. Bạn làm không được thì bạn không thể niệm Phật vãng sanh.
Từ hai câu này lại nâng cao thêm: “Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Hai câu này được áp dụng trong Thập Thiện Nghiệp Đạo. Thập Thiện Nghiệp Đạo phải lấy Đệ Tử Quy làm nền tảng. Phật nói Thập Thiện Nghiệp Đạo rất đơn giản. Mỗi ngày chúng ta dùng mười điều này để phản tỉnh, thân nghiệp của chúng ta, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có tạo ra sát đạo dâm hay không? Nếu như khởi tâm động niệm mà có hại đối với người khác thì đều thuộc về tạo tội sát nghiệp. Hễ khởi tâm động niệm mà muốn chiếm tiện nghi của người khác là thuộc về nghiệp trộm cắp. Những điều ở trong Thập Thiện Nghiệp Đạo vô cùng chi tiết, chúng ta không thể không biết. Thập Thiện Nghiệp Đạo nói chi tiết có thể xem trong Sa-di Luật Nghi, trong đó chú giải rất hay, không thể không học. Làm tròn bốn câu đầu của điều thứ nhất thì được phước báu nhân thiên. Chúng ta niệm Phật có phước báu như vậy là do làm được tất cả, bạn được coi như là người thiện. Người thiện ở cõi trời người, trong Kinh gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Bạn niệm Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ, như vậy thì bạn mới có được điều thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước.
Điều thứ hai là: “Thọ trì Tam Quy”. Tam quy y thì mọi người đều thọ rồi, thọ tam quy y chỉ là hữu danh vô thực. Lục Tổ của Thiền Tông – Đại Sư Huệ Năng giải thích Tam Quy hay vô cùng. Quý vị xem Đàn Kinh thì hiểu rõ. Lục Tổ cách thời đại chúng ta khoảng 1.400 năm. Những người trước đây 1.400 năm thọ Tam Quy, người ta không dạy cho họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Bạn xem ở trong Đàn Kinh là quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. Họ dùng Giác, Chánh, Tịnh. Sau đó giải thích với bạn là “Phật giả Giác dã”, quy y Giác chính là quy y Phật, “Pháp giả Chánh dã”, quy y Pháp chính là quy y Chánh, “Tăng giả Tịnh dã”. Giác Chánh Tịnh là Tam Bảo của tự tánh, là nơi quy y chân chánh của bạn. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đối người, đối sự, đối vật, khởi tâm động niệm có quy y hay không? Đối với tất cả người sự vật, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể giác mà không mê, thì bạn thật sự quy y Phật, chánh mà không tà là bạn quy y Pháp, tịnh mà không nhiễm là bạn quy Tăng. Tựa đề Kinh Vô Lượng Thọ của chúng ta: “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” chính là Giác Chánh Tịnh. Thanh tịnh là Tăng Bảo, quy y Tăng. Bình đẳng là quy y Pháp, bình đẳng là chánh. Phía sau có Giác, Giác là quy y Phật. Cho nên trong đầu đề Kinh đã có đủ Tam Bảo, Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có tương ưng với Giác Chánh Tịnh hay không? Thật sự tương ưng thì bạn mới thật sự là đệ tử Phật, đã thọ trì Tam Quy Y. Trong Giới Kinh nói rất hay, thật sự có thể làm tròn Tam Quy thì bạn được 36 vị thần hộ pháp ngày đêm bảo hộ cho bạn. Nếu như bạn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm vẫn là mê tà nhiễm, thì không phải thần hộ pháp, mà e rằng yêu ma quỷ quái (yêu ma quỷ quái còn nhiều hơn 36 vị hộ pháp nữa) đến bảo hộ cho bạn, thì rắc rối của bạn càng lớn. Điều này thì không thể không biết.
“Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới”. Chúng giới, chúng tôi không nói nhiều, chỉ cần ngũ giới. Ngũ giới đã thọ trì tốt chưa?
Tiếp theo là “bất phạm oai nghi”. Chư vị đồng tu chúng ta phải biết, điều thứ hai này lấy điều thứ nhất làm nền tảng không có điều thứ nhất thì không có điều thứ hai. Cũng giống như xây nhà vậy, tầng lầu thứ hai nhất định phải có nền móng ở phía dưới. Điều này thì không thể không biết. Những điều này thuộc về hành vi, không phải giáo học, nên phải làm cho được. Chúng ta đã làm được chưa? Nếu như đã làm được hai điều này thì niệm Phật sẽ vãng sanh Phương Tiện Hữu Dư Độ. Đây là cấp bậc cao.
Điều thứ ba là phước báu của Bồ-tát Đại Thừa, cho nên điều đầu tiên là: “Phát Bồ-đề tâm”. Tâm lượng lớn của Bồ-đề tâm, Bồ-đề tâm là chân tâm. Bồ-đề là tiếng Phạn, có nghĩa là giác, thật sự giác ngộ. Thật sự giác ngộ chính là không mê. Giác ngộ điều gì? Tất cả chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ của ta, là chư Phật trong vị lai. Bạn có dám nói cha mẹ là không đúng không? Bạn có dám phê bình cha mẹ không? Hiện nay mọi người gặp nhau là nói nhà họ Trương thì thế này, nhà họ Lý thì thế nọ. Hằng ngày phê bình người khác chính là phê bình cha mẹ trong quá khứ, là phê bình chư Phật trong tương lai. Điều này phạm tội rất nghiêm trọng. Đây không phải là tâm Bồ-đề mà là tâm luân hồi. Tâm luân hồi thì tạo nghiệp luân hồi, vậy làm sao bạn có thể vãng sanh? Cho nên không thể không biết điều này.
Những năm gần đây, tôi thường dạy các đồng tu bốn chữ “thành, kính, khiêm, hòa”. Chân thành, cung kính, khiêm nhường, hòa mục. Hết thảy đều nhường cho người, sẽ không bị thiệt thòi. Việc học Phật, trong Phật pháp nói rất hay: “Trước cầu tự độ, chưa thể độ mình mà muốn độ người, làm gì có chuyện này”. Những lời này có nghĩa là gì? Tự bản thân mình trước tiên phải học, không đòi hỏi người khác, chúng ta phải lấy tâm chân thành mà đối xử với người, không cần người khác lấy tâm chân thành đối xử với mình. Người khác dùng tâm giả dối đối với ta, ta phải dùng tâm chân thành đối với họ. Người khác dối gạt ta, ta thì không dối gạt họ. Vừa nghe được điều này, mọi người cảm thấy như vậy thì không thể học Phật, học Phật thì bị thiệt thòi quá lớn. Không sai! Những người học Phật, trước mắt thì bị thiệt thòi nhưng tương lai thì được lợi rất lớn. Tại sao vậy? Vì bạn được đi đến thế giới Cực Lạc, bạn giống với Phật, Bồ-tát. Có vị Phật, Bồ-tát nào dối gạt người đâu? Không có đạo lý này. Chúng ta cùng với Phật Bồ-tát là giống nhau. Nếu như bạn cũng muốn dối gạt người, có thiệt thòi một chút cũng không cam chịu, không nhẫn nhịn thì là dạng người nào? Đây là chúng sanh ở địa ngục. Sao bạn đi chung đường với họ chứ? Những chân tướng sự thật này không thể không hiểu rõ. Bạn muốn ở bên cạnh Phật thì đối với chúng sanh trong lục đạo phải luôn nhẫn nhịn. Chúng sanh trong lục đạo rất đáng thương, không hiểu sự, không biết lý nên làm điều sai quấy.
Ba năm trước đây, ở nơi này, chúng tôi gặp phải một số trở ngại, tôi có viết một cặp câu đối: “Xứ nghịch cảnh, tùy ác duyên, vô sân nhuế, nghiệp chướng tận tiêu”. Một chút ý niệm sân hận cũng không có, đây là tiêu nghiệp chướng. Người khác hủy báng chúng ta, làm nhục chúng ta, thậm chí là hãm hại chúng ta, chúng ta không có một chút tâm sân hận, ngược lại chúng ta còn phải cảm ơn họ. Tại sao vậy? Vì họ không sợ tạo nghiệp tội đọa địa ngục mà giúp ta tiêu nghiệp chướng. Nếu như chúng ta không cám ơn họ thì làm sao có thể được chứ. Chúng ta phải cảm ơn họ, tri ân họ, hy vọng họ tạo nghiệp tội này thì quả báo có thể giảm nhẹ một chút, thật sự là sẽ giảm nhẹ. Nếu như ta có tâm sân hận, tâm báo thù thì phiền phức lớn rồi, kết thành quả xấu rồi, đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo không bao giờ chấm dứt. Đó chính là nghiệp tội của địa ngục. Cho nên bản thân chúng ta phải tự độ chúng ta, cũng giảm nhẹ nghiệp tội của họ, cả hai bên đều có lợi. Nếu như ta có tâm sân hận, tâm báo thù, thì cả hai bên đều gặp nạn. Bạn không hiểu được chân tướng sự thật thì bạn sẽ không trả được món nợ này. Sau khi hiểu được rồi thì bạn sẽ chấp nhận trả nợ.
Câu đối sau là: “Xứ thuận cảnh, tùy thiện duyên, vô tham si, phước huệ toàn hiện”. Đây là gặp tất cả những điều thuận lợi, rất là tốt. “Vô tham si”, không thể khởi tâm tham, không thể ngu si. “Phước huệ toàn hiện”, bạn phải thật sự hiểu, phải thật sự làm, tai nạn tiêu thì phước đến. Cho nên mọi việc phải khiêm tốn, phải nhẫn nhịn.
Tháng Giêng năm nay, tôi tham dự Hội Nghị Hòa Bình do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Okayama, Nhật Bản. Họ thảo luận bốn chủ đề, trong đó có một chủ đề là giáo dục tôn giáo. Trong hội nghị này, tôi đã thấy một nhóm khoảng mười mấy sinh viên trẻ đến từ các quốc gia, khu vực khác nhau mà mấy ngày trước tôi đã tiếp ở Úc Châu, số lượng. Họ đưa ra nhiều vấn đề để hỏi tôi, trong đó có một câu hỏi, họ đối với sự hòa bình còn có thái độ hoài nghi, hòa bình vẫn còn có hy vọng không? Lời nói rất là xót xa. Mỗi ngày đều nói đến hòa bình, nhưng trên thực tế, chúng tôi từ những thông tin nhận được, mỗi ngày đều có chiến tranh, chiến tranh dồn dập, thiệt hại mỗi năm càng nghiêm trọng. Tôi còn nghe nói tỷ lệ thanh thiếu niên tự sát mỗi năm đều tăng lên. Tin tức này làm cho chúng ta nghe thấy mà đau lòng. Họ hỏi tôi, tôi trả lời với họ rằng: “Hòa bình và tai nạn là do chúng ta lựa chọn, chúng ta mong muốn hòa bình thì hòa bình có thể thực hiện được, chúng ta mong muốn chiến tranh thì thế giới này liền đi đến ngày diệt tận”. Trong Kinh, Phật nói rất hay: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Mọi người chúng ta đều nghĩ đến hòa bình thì hòa bình sẽ có thật. Chúng ta không muốn hòa bình, chúng ta hoài nghi về hòa bình thì hòa bình khó được thực hiện, không dễ gì thực hiện được. Nếu như đối với vấn đề này có hoài nghi thì không có hòa bình. Lấy tâm chân thành của chúng ta mà cầu.
Trong hội nghị ở Okayama, mọi người nhìn thấy vấn đề giống nhau. Những người tham dự đều là hiền nhân quân tử, là các vị chuyên gia học giả. Tôi được nghe những báo cáo của họ, thấy các bài thảo luận của họ đều rất hay, nói rất rõ ràng mạch lạc. Cuối cùng, tôi đã nêu ra một câu hỏi là làm sao để thực hiện? Mọi người đều nhìn nhau nhưng không có câu trả lời, không thể thực hiện. Liên Hợp Quốc thành lập đến nay được bảy mươi mấy năm rồi, thành lập sau đại thế chiến thứ hai. Mỗi năm mở ra không biết bao nhiêu lần hội nghị. Tôi cũng giống như những bạn sinh viên trẻ kia, nhìn tình hình hòa bình hình như không có hy vọng. Nhưng tôi không nản lòng như họ, tôi vẫn còn ấp ủ một chút hy vọng, nên tôi đưa ra câu hỏi làm sao để thực hiện? Không có ai trả lời câu hỏi của tôi. Tôi nói: “Hòa bình sở dĩ không thể thực hiện được là do cách nghĩ sai lầm của chúng ta”. Điều này khiến mọi người đều nhìn tôi. Cách nghĩ thế nào là sai lầm? Tôi nói: “Ý nghĩ của chúng ta, lời nói việc làm của chúng ta hôm nay nói lên điều gì? Tôi thì đúng, còn các bạn là sai. Đây là quan niệm sai lầm. Đây là việc tạo ra sự động loạn, sự đối lập, phá hoại hòa bình, phá hoại ổn định của xã hội. Chúng ta đang làm việc này. Làm sao thực hiện hòa bình đây? Bạn phải biết, tùy tiện phê bình người khác, hủy báng người khác là bạn đã phá hoại sự ổn định của xã hội, phá hoại hòa bình của thế giới. Tội danh này sẽ đưa bạn vào địa ngục A-tỳ. Bạn xem thử vấn đề này có nghiêm trọng hay không? Chúng tôi muốn sửa đổi lại quan niệm này 180 độ. Chúng ta phải biết tán thán người khác, người khác luôn luôn đúng, còn chúng ta là sai. Người khác có sai cũng là đúng, ta có đúng cũng là sai”. Mọi người đều nhìn tôi, lắc đầu. Điều này không dễ gì làm được. Tôi nói: “Bạn có thể làm được sự cống hiến đối với hòa bình thế giới và sự ổn định của xã hội. Nếu như không bắt đầu làm từ chỗ này thì sẽ không hy vọng có hòa bình, chỉ là lời nói suông”. Những người học Phật chúng ta phải bắt đầu sửa đổi từ nơi nội tâm. Tôi nói, điều này là tâm đắc hơn năm mươi mấy năm tu học Phật pháp của tôi.
Sự thay đổi này, cổ Thánh tiên Hiền mọi người đều làm được. Ở Trung Quốc, nhân vật đầu tiên đại biểu là vua Thuấn. Trong hai mươi bốn gương hiếu thảo thì Ngài đứng đầu tiên. Trong lịch sử, chúng ta biết được hoàn cảnh cuộc sống thời niên thiếu của vua Thuấn rất bất hạnh. Mẹ của ông qua đời, cha ông cưới người vợ kế, người cha luôn nghe lời của vợ kế. Người mẹ kế sinh ra một người con cùng cha khác mẹ với ông. Người trong nhà đều ngược đãi ông, đều muốn hại ông, ngày nay chúng ta nói là ngược đãi trẻ em. Cả cha và mẹ của ông ngược đãi ông một cách tàn bạo. Hàng xóm đều cảm thấy rất chướng mắt, đều chỉ trích cha mẹ của ông, ông thì chẳng có lỗi lầm gì. Ông Thuấn liền ra nói với hàng xóm, cha mẹ của ông không có lỗi, lỗi là do ông, do tôi làm không tốt, nên cha mẹ không yêu thương tôi. Bạn nghĩ thử xem, tâm của ông là như thế đó, ông xử sự như vậy đó, đương nhiên là ông cảm hóa được cha mẹ. Cha mẹ luôn luôn đúng, ông đã làm được điều này, cha mẹ sai cũng là đúng, ta có đúng cũng là sai. Mọi người nếu ai cũng học theo vua Thuấn thì hòa bình sẽ lập tức thành hiện thực ở thế giới này. Chúng ta nên xem tất cả chúng sanh như là cha mẹ của chúng ta. Ở trong Kinh, Phật đã dạy chúng ta như vậy, chúng ta chưa thật sự học tập. Trong cuộc đời này của chúng ta, cống hiến cho đất nước, cống hiến cho dân tộc, cống hiến cho tất cả chúng sanh, không có gì vĩ đại hơn điều này, không có gì thiết thực hơn điều này. Ngày nay, ở xã hội này, sự giáo huấn luân lý đạo đức của Thánh Hiền không được xem trọng, không có ai nói đến.
Mỗi ngày bao nhiêu người ở nơi đây bàn về hòa bình mà không biết hòa bình phải bắt đầu làm từ chỗ nào. Tuổi tác tôi đã cao, hai năm nữa là tám mươi tuổi rồi mà vẫn còn bôn ba khắp nơi trên thế giới. Tại sao vậy? Vì nhìn thấy nhiều nhân sĩ nhiệt tâm như vậy đang bàn về hòa bình mà chưa nắm bắt được nòng cốt của hòa bình, không biết được sự trở ngại của hòa bình cuối cùng nằm ở chỗ nào. Tôi đi tham dự là để truyền cho mọi người thông tin này. Nếu có người có thể truyền đạt, có thể thay thế, thì tôi yên ổn ở đây giảng Kinh, không cần đi đâu hết.
Sự việc này không thể nói là chúng tôi đã đọc sách rồi, cứ y theo trong sách mà nói thì chẳng có ai tin. Tự bản thân bạn phải làm được. Bản thân bạn không làm được, bạn đi khuyên người khác, kết quả chỉ là con số không. Bản thân mình làm được thì kết quả có thể thu được khoảng hai đến phần mười là tốt rồi, không thể thu được thêm nữa. Thu được thêm nữa rất khó. Có thể thu được một phần mười thì cũng không uổng công, sự vất vả cũng đã được đền bù. Nhất định phải nỗ lực mà làm. Tâm chúng ta như vậy, hành trì của chúng ta như vậy, chúng ta niệm Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định là nắm chắc phần, là thượng thượng phẩm vãng sanh. Đây gọi là chân thật phát tâm Bồ-đề.
“Thâm tín nhân quả”. Sự tin sâu nhân quả này hiện nay không thể nói cao như vậy được. Hiện nay chúng tôi nói nhân quả, thiện nhân thì được thiện quả, ác nhân nhất định có ác báo. Thật sự có thể tin tưởng trồng nhân thiện thì được quả thiện, như vậy là tốt rồi. Chúng ta ở trong cuộc đời này có thể thay đổi vận mệnh của chính mình. Thật vậy, “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”, chỉ cần bạn thật sự dám làm. Hiện nay thế gian này đã loạn. Tuy hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh nhân sự đều có rất nhiều chướng ngại, nhưng với một người thật sự hiểu được việc tu hành thì hẳn là việc tốt. Gặp nghịch cảnh ác duyên, chúng ta ở đây tu nhẫn nhục ba-la-mật, tu nhìn thấu buông bỏ, đối với bản thân thì được lợi ích quá lớn. Tại sao vậy? Vì nghiệp chướng được tiêu trừ rất nhanh. Đặc biệt là bị vu oan, chúng ta không làm chuyện ác mà người ta đến đặt chuyện sanh sự, đây là cách tiêu nghiệp chướng lớn nhất. Chúng ta phải biết, cuộc đời này của ta tuy không có làm việc này mà họ đến hủy báng hoặc là hãm hại, đó là tiêu nghiệp chướng trong đời quá khứ của chúng ta. Trong đời này ta không có làm, có thể trong đời quá khứ đã làm, kiếp trước đã làm, vô lượng kiếp về trước đã tích lũy nghiệp chướng, trong đời này đều có thể tiêu trừ, là việc tốt không phải việc xấu. Cho nên ta nhất định phải có tâm cảm ơn những người này. Trong đời này của chúng ta phải sống trong thế giới biết ơn, bạn nói xem tốt biết bao! Nghiệp chướng tiêu trừ thì trí huệ tăng trưởng. Trí huệ tăng trưởng, bất luận ở trong hoàn cảnh nào cũng đều tự tại, đều là được sự thanh tịnh, không dám nói tối thượng, nhưng sự hạnh phúc là có, thanh tịnh vui sướng. Đối với hoàn cảnh hiện tại, thậm chí đối với hoàn cảnh trong tương lai, bạn nhìn được rất rõ ràng, rất thông suốt, đây là trí tuệ, cho nên hiện tại thì được thanh tịnh vui sướng. Điều này cùng với thế giới Tây Phương Cực Lạc có sự cảm ứng đạo giao, khi cái thân nghiệp báo này của ta hết rồi thì nhất định sanh đến thế giới Cực Lạc.
Kinh văn: “Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược dĩ sanh, nhược đương sanh, giai tất trụ ư, Chánh Định chi tụ, quyết định chứng ư, A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Hà dĩ cố? Nhược Tà Định Tụ, cập Bất Định Tụ, bất năng liễu tri, kiến lập bỉ nhân cố”.
Trước tiên chúng ta xem câu này: “Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược dĩ sanh, nhược đương sanh, giai tất trụ ư, Chánh Định chi tụ”. Câu này chú trọng ở “chánh định chi tụ”. Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói đây chính là nguyện thứ 29 trong 48 nguyện của A-di-đà Phật “Trụ chánh định tụ nguyện” cùng với nguyện thứ 20 “Định thành chánh giác nguyện”. Định thành chánh giác là câu: “Quyết định chứng ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”. Câu này là gồm hai nguyện trong 48 nguyện. Ông nói hai nguyện này thực tế là trung tâm bổn nguyện của A-di-đà Phật: “Vô lượng diệu hạnh chi Thánh quả, trí bi phương tiện chi cực tắc, độ sanh đại nguyện chi cứu cánh”. Ông trích dẫn cứ điểm của Kinh, chú giải hai câu Kinh văn này vô cùng tường tận. Trong đó, thực tại mà nói, chính là hai chữ “chánh định” ở trong Bát Chánh Đạo, chúng ta phải chú trọng. Chánh định tự nhiên sẽ sanh trí huệ, trí huệ hiện tiền mới có thể độ chính bản thân mình. Tự mình thành tựu vô thượng Bồ-đề mới có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh, áp dụng cho việc lợi tha chính là từ bi hỷ xả, chính là Tứ Nhiếp Pháp và Lục Độ. Nhà Phật thường nói là thiện xảo phương tiện, Tứ Nhiếp Pháp là thiện xảo phương tiện. Có thể áp dụng Tứ Nhiếp Pháp vào trong cuộc sống hằng ngày của bản thân, áp dụng trong công việc của chính mình, áp dụng trong xử sự đối người tiếp vật. Đây là việc làm trí huệ chân thật. Cho nên lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói: “Trí bi phương tiện chi cực tắc”. Câu nói này rất hay. “Độ sanh đại nguyện chi cứu cánh”, sự độ sanh này bao gồm độ chính mình và độ chúng sanh, hai ý nghĩa này cứu cánh viên mãn đắc độ. Trong đoạn Kinh văn này có chánh định, có tà định, có bất định.
Câu sau cùng: “Hà dĩ cố? Nhược Tà Định Tụ, cập Bất Định Tụ, bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố!”. Đây là ba câu. Phật nói ba câu này chính là Chánh Định, Tà Định, Bất Định. Trong Kinh điển Đại Tiểu Thừa nói rất nhiều. Từ đó cho thấy, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, giảng Kinh thuyết Pháp 49 năm thường hay nhắc đến. Nếu thường hay nhắc đến thì nó rất là quan trọng. Đối tượng mà Phật giảng Kinh không như nhau, thời tiết nhân duyên cũng khác nhau. Cho nên những điều Ngài đã nói với những người không tương đồng nhau, chúng ta đều phải học tập, như vậy thì bản thân mới có thể thông hiểu đạo lý. Phật thuyết pháp nhất định không có mâu thuẫn. Ngày trước nói cùng với ngày hôm nay nói, nói ở chỗ kia cùng với nói ở chỗ này, vì thời gian, nơi chốn thuyết pháp, thính chúng không giống nhau, căn tánh không giống nhau, nên Phật có lời nói giống nhau nhưng hàm chứa ý nghĩa thì không giống nhau, có cạn sâu, rộng hẹp khác nhau. Nhưng Ngài có nguyên tắc là lợi ích cho chúng sanh hiện tiền, làm cho chúng sanh hiện đang nghe Pháp được lợi ích thật sự. Nguyên tắc này vĩnh viễn không thay đổi.
Ba loại Chánh Định, Tà Định, Bất Định này, theo cách nói của Tiểu Thừa, từ Sơ Quả trở lên gọi là Chánh Định, tạo nghiệp tội ngũ vô gián thì gọi là Tà Định, những điều khác thì gọi là Bất Định. Đây là cách nói đơn giản nhất. Chúng ta phải hiểu cái ý này, biết học tập như thế nào. Sơ Quả cùng với Bồ-tát Sơ Tín Vị của Đại Thừa đang đoạn chứng là giống nhau. Mấy năm gần đây chúng tôi đang giảng Kinh Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm là viên giáo. Bồ-tát Sơ Tín Vị Viên Giáo đoạn phiền não cùng với quả vị Tu-đà-hoàn của Tiểu Thừa hoàn toàn như nhau, 88 phẩm kiến hoặc của tam giới đoạn tận rồi. Kiến hoặc là gì? Dùng từ ngữ hiện nay để nói, đó là cách nhìn sai lầm. Kiến là kiến giải, kiến giải sai lầm. Bạn nhìn sai lầm, bạn có cách nhìn sai đối với vũ trụ, bạn nhìn sai đối với nhân sinh. Bởi vì bạn nhìn sai cho nên bạn sẽ nghĩ sai, nên bạn sẽ nói sai, bạn sẽ làm sai. Điều này sai đến cùng.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 317)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
.
.