#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 6
Trong đoạn này, mấy câu cuối cùng rất trọng yếu. Sau khi chúng ta đã hiểu rõ, liền biết công phu của chính mình có đắc lực hay không? Có đúng pháp hay không? Trong đoạn văn này, nơi dòng thứ hai đếm từ dưới lên trong trang ba mươi bốn có nói: “Thường vận niệm vô bất niệm thời, niệm niệm giai giác, thị danh Quán Hạnh Tức Phật dã” (Khi thường vận dụng “niệm mà chẳng niệm” thì niệm nào cũng đều là giác, đó gọi là Quán Hạnh Tức Phật). Câu trước dễ hiểu, đó là chẳng gián đoạn. “Niệm nào cũng đều là giác” là chẳng xen tạp. Hễ xen tạp thì chẳng giác, xen tạp là mê. Khi chúng ta niệm Phật, xen tạp vọng tưởng, đó là bất giác. Ắt phải là niệm niệm đều chẳng xen tạp, niệm niệm đều rõ ràng, đó là giác. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, niệm Phật hoặc niệm kinh như vậy đều thuộc về Quán Hạnh Tức Phật. Ắt cần phải biết chuyện này! Nếu quý vị không biết, sẽ niệm chẳng đúng pháp, chẳng đạt được hiệu quả.
Lại xem đoạn thứ tư tiếp theo là Tương Tự Tức Phật, Tương Tự tiến cao hơn [giai đoạn] trước một bậc. Phần trước là Quán Hạnh, vẫn chưa giống. Tuy Tương Tự chưa phải là Phật thật sự, nhưng đã hơi giống, có thể thấy là công phu đã tiến một bước lớn. Quán Hạnh là chế phục phiền não, nhưng chưa đoạn. Tương Tự là đoạn Kiến Tư phiền não, cảnh giới ấy là cảnh giới của Tiểu Thừa A La Hán, Bích Chi Phật, hoặc Thất Tín Bồ Tát trở lên trong Đại Thừa Viên Giáo, đều là Tương Tự Tức Phật. “Tương Tự Phật giả, niệm Phật tướng hảo, thân đắc tương tự, tương ứng. Niệm Phật pháp môn, thân đắc tương tự, tương ứng. Niệm Phật Thật Tướng, thân đắc tương tự, tương ứng” (Tương Tự Phật là niệm tướng hảo của Phật, thân được tương tự, tương ứng. Niệm pháp môn của Phật, thân được tương tự, tương ứng. Niệm Thật Tướng của Phật, thân được tương tự, tương ứng). Đây là nói đến Tam Thân; trước hết nói về Tam Thân. Kế đó, giải thích chữ Tương Tự. “Tương tự giả, nhị vật tương loại” (Tương Tự là hai vật giống như nhau), hai vật giống nhau, cùng loại, rất gần gũi. “Như thâu tự kim” (Như vàng thô giống như vàng),“thâu” (鍮) là vàng còn trong quặng, chưa được nung luyện. Trong quặng vàng có rất nhiều vàng, nhưng xen lẫn rất nhiều tạp chất trong ấy, so với vàng thì hai thứ rất giống nhau. Đó là Tương Tự. “Như qua tỷ hồ” (Như dưa so với bầu), cũng rất giống nhau. Dưa và bầu[1] rất gần gũi, hình dáng cũng chẳng khác nhau cho mấy. “Do hỏa tiên noãn” (Ví như đối trước lửa bèn ấm), lửa tuy còn xa, nhưng chúng ta đã cảm nhận được sức nóng. Tuy chưa tiếp cận lửa, nhưng đã cảm nhận được hơi nóng, đó là Tương Tự. “Thiệp hải sơ bình” (Vào biển, thoạt đầu sẽ là chỗ cạn), giống như chúng ta vào biển cả: Vào chỗ biển rất to, trước hết bãi biển rất nông, rất phẳng, chúng ta có thể đi trên đó được, nhưng càng đi tới, sẽ càng sâu. Nông cạn là Tương Tự, sâu là biển cả. Từ những tỷ dụ ấy, khiến cho chúng ta thấu hiểu Tương Tự là như thế nào.
“Thủy tánh chí lãnh, ẩm giả nãi tri. Khát bất quật tỉnh, thính thuyết hà vi?” (Tánh nước rất lạnh, người uống vào mới biết [nước lạnh như thế nào]. Khát mà chẳng đào giếng, chỉ nghe nói thì làm sao được?). Mấy câu này nhằm khuyên chúng ta phải tu học, phải nghiêm túc tu học. Nếu chẳng nghiêm túc tu học, nghe Phật pháp sẽ chẳng có tác dụng gì! Nghe Phật pháp, nhưng chính mình chẳng chịu nghiêm túc tu tập, chắc chắn chẳng đạt được lợi ích. Mấy câu tiếp theo là nói đến chuyện chánh yếu: “Lược cử kỳ yếu, như Pháp Hoa trung” (Nêu đại lược những điểm trọng yếu thì như trong kinh Pháp Hoa), như trong kinh Pháp Hoa đã nói: “Lục căn thanh tịnh, tức thị kỳ tướng, danh Tương Tự Phật dã” (Sáu căn thanh tịnh chính là tướng của nó, gọi là Tương Tự Phật), nêu ra tiêu chuẩn. Phật là thân tâm thanh tịnh, thanh tịnh đã đạt đến tột bậc. Nếu sáu căn của chúng ta thanh tịnh, sẽ giống Phật đôi chút. Vì sao sáu căn chẳng thanh tịnh? Có phiền não thì sẽ chẳng thanh tịnh, đoạn hết phiền não bèn thanh tịnh. Phiền não là ô nhiễm. Nói cách khác, A La Hán đoạn Kiến Tư phiền não, Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín trong Viên Giáo đoạn Kiến Tư phiền não, Thất Trụ Bồ Tát trong Biệt Giáo đoạn Kiến Tư phiền não, đều gọi là Tương Tự Tức Phật. Trong Tịnh Độ Tông, nếu công phu niệm Phật đạt tới Sự nhất tâm bất loạn bèn thuộc vào địa vị Tương Tự, đạt đến Sự nhất tâm bất loạn bèn giống như A Di Đà Phật.
Rốt cuộc, chúng ta phải thực hiện từ chỗ nào? Chư vị phải nhớ, trong buổi học trước, chúng tôi đã nói một phương pháp quan trọng. Phương pháp ấy là một phương pháp đoạn phiền não rất đắc lực. Kế đó là y giáo tu hành, chúng ta biến những đạo lý đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ, đương nhiên chẳng dễ gì hiểu ngay lập tức được. Không hiểu rõ chẳng sao cả, quý vị đọc nhiều, nghe nhiều, sẽ dần dần hiểu rõ, phải hiểu rõ lý. Sau khi đã hiểu rõ, chúng liền biến thành tư tưởng và kiến giải của chính mình. Kinh đã ban cho chúng ta rất nhiều giáo huấn về cách xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống. Chúng ta thực hiện từng điều một, sẽ rất giống Phật. Như vậy thì cũng có thể nhập địa vị Tương Tự. So với những cách tu hành thông thường phải thật sự đoạn phiền não để nhập địa vị Tương Tự thì cách này dễ dàng hơn quá nhiều! Phương pháp này quả thật mỗi người chúng ta đều có thể làm được!
Nói đến sự sai khác giữa chín phẩm, trong [khi giảng] kinh Vô Lượng Thọ, chúng tôi cũng đã thưa cùng chư vị đồng tu, chỉ là tùy thuộc chúng ta thật sự thực hiện kinh Vô Lượng Thọ đến mức nào! Nếu có thể hoàn toàn làm được, sẽ là Thượng Thượng Phẩm. Chưa thể hoàn toàn làm được, nhưng có thể làm được chín mươi phần trăm, sẽ là Thượng Trung Phẩm. Có thể làm đến tám mươi phần trăm, sẽ là Thượng Hạ Phẩm. [Lần lượt] hạ thấp như vậy, Hạ Hạ Phẩm cũng phải làm được hai mươi phần trăm, tức là làm được hai phần [trong mười phần]. Hai phần cũng chẳng làm được thì chỉ có thể lui xuống, lui sụt đến Danh Tự Tức Phật trong phần trước. Có thể làm được hai phần trở lên, có thể nói là Quán Hạnh Tức Phật. Làm được năm phần trở lên, gần như là Tương Tự Tức Phật, đã nhập địa vị ấy. Thật sự tu học, phải nghiêm túc nỗ lực thực hiện, phải hiểu. Sau khi đã hiểu, phải hành. Chỉ hiểu mà không hành thì vẫn còn trong địa vị Danh Tự.
Chúng ta lại lật qua xem trang ba mươi sáu, dòng thứ năm, Phần Chứng Tức. Đây là Phật thật sự, chẳng phải là giả, chẳng phải là Tương Tự, mà là thật. [Tuy là] chân Phật, nhưng vẫn chưa viên mãn. Ở đây, trước hết, tôi nói một tỷ dụ. Cổ nhân thường dùng mặt trăng làm tỷ dụ. Vầng trăng trên trời là thật, trong nước cũng có bóng trăng, chẳng phải là thật. Vầng trăng trong nước là Tương Tự, chẳng thật. Mặt trăng thật sự chỉ có một, có Phần Chứng và có Viên Mãn. Phần Chứng là vẫn chưa tròn đầy. Quý vị thấy mồng Ba, mồng Bốn đầu tháng có trăng non, đó có phải là mặt trăng thật sự hay chăng? Thật sự, chẳng giả! Trăng Mười Ba, Mười Bốn rất to, đó là thật, chẳng giả. Nhất định phải đến Rằm trăng mới viên mãn. Vầng trăng Rằm ví như Cứu Cánh Tức Phật. Từ trăng lưỡi liềm Mồng Hai, Mồng Ba đầu tháng cho đến trăng Mười Bốn đều gọi là Phần Chứng Tức, [quả vị Phật] ấy là thật, chẳng giả! Có thể thấy Tương Tự trong phần trước chẳng phải là thật sự, rất giống, nhưng chưa phải là thật, giống như bóng trăng trong nước, chẳng phải là mặt trăng thật sự trên bầu trời.
Bản tánh bị nhiễm vô minh, chẳng thể khử sạch vô minh trong một lúc được, giống như vầng trăng, ánh sáng mỗi ngày một tỏ rạng hơn, chẳng phải là bất thình lình từ trong đêm đen bỗng biến thành vầng trăng tròn trịa, chẳng phải là biến đổi theo kiểu ấy! Đức Phật dạy vô minh trong bản tánh của chúng ta tổng cộng có bốn mươi mốt phẩm. Đoạn bốn mươi mốt phẩm dần dần: Đoạn được một phẩm, quang minh bèn lớn hơn một phần, đó là quang minh trong bồn tánh. Vì thế, kể từ Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, vị ấy là Phần Chứng Phật. Vị ấy là Phật thật sự, chẳng phải là giả Phật, [chỉ] mới phá một phẩm vô minh mà thôi! Phá một phẩm vô minh, dụng tâm của vị ấy và dụng tâm của chư Phật Như Lai là một tâm, tức là chân tâm, sử dụng chân tâm. Từ Tương Tự trở xuống, dùng cái tâm tám thức, dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, coi đó là tâm, hoàn toàn chẳng biết dùng chân tâm, cũng tức là chân tâm chẳng khởi tác dụng. Đạt đến Phần Chứng Tức bèn dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm, nên tư tưởng, kiến giải, và hành trì của vị ấy hoàn toàn giống với Như Lai, chỉ có thể nói là năng lực lớn hay nhỏ khác nhau. Tánh chánh xác, tánh chân thật của vị ấy và tánh của chư Phật Như Lai chẳng sai khác, chỉ là lớn hay nhỏ khác nhau.
Chúng ta xem lời giải thích kế đó: “Tức tâm quán Phật, thác cảnh hiển tánh, tuy đắc Tương Tự, thượng thuộc duyên tu” (Dùng ngay cái tâm này để quán Phật, nhờ vào cảnh để hiển lộ tánh, tuy đạt được địa vị Tương Tự, nhưng vẫn là tu tập theo pháp duyên khởi). Câu này nhằm tiếp nối ý nghĩa trong phần trước. Trong phần trước, xét theo địa vị Tương Tự, thành tựu trong địa vị Tương Tự chẳng phải là chân thật, vẫn thuộc loại “duyên tu”, [nghĩa là] tu theo duyên khởi, chưa phải là “từ tánh khởi tu”. Phần Chứng là từ tánh khởi tu, chẳng phải là tu từ duyên khởi, căn cứ để tu hành cũng hoàn toàn chẳng giống nhau. Nói cách khác, một đằng dùng vọng tâm, một đằng dùng chân tâm. Dùng vọng tâm, tu đến cảnh giới cao nhất là Tương Tự Tức Phật, chẳng có cách nào minh tâm kiến tánh. Đạt đến minh tâm kiến tánh, quyết định chẳng thể dùng vọng tâm, cũng là phải “bỏ Thức, dùng Căn”, chuyển Thức thành Trí. Thiền gia nói lìa tâm ý thức thì mới có thể đạt tới Phần Chứng. Chúng ta niệm Phật cũng giống như thế, lìa tâm ý thức thì mới có thể đạt tới Lý nhất tâm bất loạn, đó là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn. “Kim tắc thân chứng” (Nay thì [Phần Chứng] là đích thân chứng), đích thân chứng Pháp Thân, đích thân thấy bản tánh, “thuộc ư chân tu” (thuộc loại chân tu). Do đó, đến khi nào là chân tu? Sau khi minh tâm kiến tánh mới là chân tu, trước khi minh tâm kiến tánh là tương tự tu. Hiện thời, chúng ta nói thật thà thì ngay cả tương tự tu cũng chưa nói được, nay chúng ta thuộc địa vị Danh Tự, hữu danh vô thực, vẫn chưa bắt đầu tu. Nếu quý vị nghĩ lời tôi nói chẳng đáng tin cho lắm, chính quý vị hãy suy nghĩ, có ngày nào quý vị nghiêm túc đoạn phiền não hay chăng? Quý vị niệm Phật, lạy Phật, nhưng chẳng nghĩ phải đoạn phiền não, có thể thấy là quý vị chẳng phải là chân tu! Chân tu là đoạn phiền não, đoạn tập khí, đó mới là bắt đầu tu thật sự. Sự thật tu ấy vẫn là “duyên tu”, chẳng phải là “thật” như đang được nói ở đây, kể như quý vị đã bắt đầu tu hành. Trong địa vị Quán Hạnh và địa vị Tương Tự, đều là dùng tâm ý thức. Đến đây (địa vị Phần Chứng Tức), chẳng dùng tâm ý thức, mà là lìa tâm ý thức.
Vì vậy, nghe kinh, chúng tôi cũng thường nói; tuy nói, có lẽ quý vị nghe vẫn có thể hiểu, nhưng chưa biết dùng. Người chân tu nghe kinh, sẽ đúng như Khởi Tín Luận đã nói: “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”. Người ấy là chân tu, là đích thân chứng. Người giảng, tức là người giảng kinh dùng cái tâm ý thức, nhưng người nghe kinh lìa tâm ý thức, sẽ đắc quả báo như thế nào? Người giảng kinh chưa khai ngộ, người nghe kinh khai ngộ, người giảng kinh chẳng chứng quả, người nghe kinh chứng quả. Do đó, có thể biết: Tu hành đúng là do cá nhân, cũng chẳng liên can gì đến thầy!
Trong kinh Phật có một công án (公案), chúng ta thường gọi công án là “cố sự” (故事: câu chuyện), chuyện này cũng là chuyện thật. Công án ấy xuất phát từ kinh nào, tôi quên mất, nhưng có [chuyện ấy]. Thuở đức Phật tại thế, có một người tu hành mong chứng quả A La Hán, bèn sắp đặt cúng dường trọng hậu, hòng cầu một vị tu hành xuất gia khai thị cho mình. Kẻ [xuất gia] tu hành kia tuy chính mình chưa chứng quả, nhưng tham đồ cúng dường, bèn bảo người đó: “Ta đã chứng đắc quả A La Hán. Ngươi hãy đến cúng dường ta”, tham muốn đồ cúng dường mà! Người ấy cung kính, kiền thành thật sự đối đãi với kẻ [tu hành mạo nhận] ấy như một vị A La Hán, cúng dường gã đó. Gã đó tiếp nhận xong, người ấy thỉnh giáo gã: “Ngài hãy dạy cho tôi tu hành như thế nào để chứng quả”. Gã đó chẳng có cách nào, đành phải lừa người ấy, bảo: “Được rồi! Ta ngồi ở ngay đây, ngươi hãy nghe lời ta nói”. Gã cầm trái banh, bảo người ấy ngồi xổm ở góc tường, ném banh vào người ấy, bảo: “Ngươi đã chứng đắc quả Tu Đà Hoàn”. Người ấy đáp: “Đúng vậy, tôi đã chứng đắc quả Tu Đà Hoàn”, thật sự chứng đắc. Lại chuyển sang góc khác, lại ném banh vào người ấy: “Ngươi đã chứng quả Tư Đà Hàm”. Chuyển đến góc thứ tư: “Ngươi đã chứng quả A La Hán”. Mỗi lần, người ấy đều gật đầu nói: “Tôi đã chứng đắc”. Chuyển xong bốn góc, người ấy dập đầu đảnh lễ gã đó. Gã đó nói: “Ta lừa gạt ngươi”. Người ấy nói: “Đâu có! Tôi thật sự chứng đắc”. Chuyện này là xác thực, vì sao? Người ấy dùng tâm chí thành cung kính để cầu pháp. Tuy [gã đó] dối gạt người ấy, nói lời giả dối, nhưng người ta thật sự chứng đắc. Đó là kẻ thuyết pháp chẳng nói lời tốt lành, nhưng người khéo nghe sẽ đạt được lợi ích chân thật; do đó, biết nói chẳng bằng biết nghe, biết nghe quan trọng lắm!
Ở đây, nhằm dạy chúng ta phải dùng chân tâm, chân tâm là chí thành tâm. Chí thành tâm là trong tâm chẳng có một vọng tưởng, chẳng có một vọng niệm, đấy là chân tâm. Chí thành cung kính bèn có thể đạt được lợi ích chân thật. Xưa kia, có người hỏi pháp sư Ấn Quang: “Phải làm như thế nào thì mới có thể đạt được lợi ích chân thật trong Phật pháp? Có bí quyết gì hay không?” Tổ Ấn Quang bảo người ấy hai chữ: “Thành kính”. Ngài nói đó là chìa khóa bí mật để nhập Phật môn: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Người nói có chứng, có học, có tu hay không, đều chẳng quan trọng, vấn đề là ở thái độ cầu học nơi bản thân chúng ta. Chính vì như thế, xưa nay chúng ta thường thấy trò vượt trỗi thầy, màu xanh xuất phát từ màu chàm mà trỗi vượt màu chàm; do nguyên nhân nào? Học trò dụng tâm chân thành hơn thầy, nên trò vượt trỗi thầy. Đối với Sự và Lý đều có căn cứ. Chúng ta đọc đoạn văn tiếp theo: “Hoặc phần phần phá”, Hoặc (惑) là vô minh, [“Hoặc phần phần phá”] là trừ khử vô minh từng phần một. “Tánh phần phần hiển” [nghĩa là] chân tâm bản tánh của chính mình sẽ [do vô minh phá từng phần] mà thấu lộ ra ngoài từng phần. “Tùng sở chứng thuyết, danh vi Phần Chân” (Nói theo điều được chứng đắc, nên gọi là Phần Chân), sở chứng của người ấy là Chân Như bản tánh, mỗi phần đều chân thật. “Tùng năng hiển ngôn, danh Phần Chứng dã” (Nói theo chủ thể của sự hiển lộ (chứng đắc), bèn gọi là Phần Chứng), sáng tỏ từng phần một. Đoạn văn này cũng được chia thành hai đoạn, đoạn thứ nhất là “ước phát tâm minh tức Phật” (xét theo sự phát tâm để giảng ý nghĩa Tức Phật). Chúng ta xem kinh văn.
“Phần Chứng Phật giả, Sơ Phát Tâm Trụ” (Phần Chứng Phật là Sơ Phát Tâm Trụ). Đây là nói theo Viên Giáo, địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo được gọi là Phát Tâm Trụ, phát tâm gì? Phát Bồ Đề tâm. Do đó, chư vị đồng tu nên biết: Hễ phát Bồ Đề tâm bèn là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, vượt trỗi A La Hán quá nhiều! A La Hán tương đương địa vị Thất Tín, quý vị thấy trên đó còn có Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín, Sơ Trụ, còn có bốn tầng cấp. Hễ phát Bồ Đề tâm, liền nhập địa vị Phần Chứng. Bồ Đề tâm là tâm gì? Chân tâm, chân thành, chân thành tột bậc! Chúng ta học Phật phải dùng cái tâm chân thành; xử sự, đãi người, tiếp vật cũng đều phải dùng cái tâm chân thành. Trong xã hội này, có rất nhiều người có những điều kiêng dè, sự kiêng dè ấy là vọng tưởng, phân biệt. Ta dùng tâm chân thành đối với người khác, vậy là ta bị thua thiệt! Kẻ khác đều dối gạt ta, làm sao ta có thể dùng chân tâm đối đãi kẻ khác? Sai lầm to lớn quá đỗi! Nếu quý vị dùng cái tâm chân thành để đãi người, tiếp vật, chắc chắn chẳng bị thua thiệt. Trước mắt có thể chịu thua thiệt đôi chút, nhưng mai sau sẽ đạt được đại tiện nghi, quả báo chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, chẳng sợ bị người khác lừa, chẳng sợ bị lừa! Bị người ta lừa gạt, bị gạt gẫm, đúng là tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng thảy đều tiêu trừ, vô lượng vô biên trí huệ và phước đức tự nhiên hiện tiền, hiện thời bị lừa gạt có đáng sợ chi! Mai sau sẽ có những điều tốt đẹp to tát, được lợi ích to lớn, phước báo to tát, đó là công đức chân thật. Thông thường, người thế gian chỉ thấy chuyện trước mắt, sơ sót chuyện tương lai, đó là tầm nhìn hẹp hòi, nông cạn, chẳng biết tu phước.
Thưa cùng quý vị đồng tu, đối với phước báo thật sự thì lúc tuổi già hưởng phước sẽ là có phước thật sự. Hiện thời quý vị trẻ tuổi, hưởng hết sạch phước báo, lúc tuổi già nghèo túng, lúc xế bóng chịu khổ, đó mới là thật sự khổ sở! Lúc tuổi già chẳng có thể lực, khổ nạn xảy đến, hứng chịu không nổi. Tuổi trẻ chịu khổ đôi chút, thấm vào đâu! Có thể lực, có tinh thần, sẽ có thể chịu đựng được! Vì vậy, có phước báo đừng hưởng thuở trẻ tuổi, hãy dành lại để hưởng lúc tuổi già. Có của cải thì hiện thời cũng chẳng cần. Trong mạng quý vị có của cải thì có vứt đi cũng không được! Của cải đưa đến, ta đem bố thí hết sạch, ta đều chẳng cần tới, tuổi già sẽ có của cải đưa tới, mới có thể sống thoải mái. Trong cuộc đời một người, nếu quý vị đi xem bói, thầy bói sẽ bảo quý vị: Vận mạng cứ năm năm chuyển biến một lần. Vận mạng của con người cứ năm năm chuyển biến một lượt. Trong một đời, sẽ có năm năm tốt nhất, mà cũng có năm năm xấu nhất. Nếu như năm năm tốt nhất nhằm lúc tuổi trẻ, năm năm tệ nhất nhằm lúc tuổi già, mạng đó không tốt. Năm năm tốt nhất rớt vào tuổi già, năm năm xấu nhất nhằm lúc trẻ trung, mạng ấy tốt đẹp. Nếu vận tốt của chúng ta nhằm lúc tuổi trẻ, vận xấu nhằm thuở già cả, làm như thế nào? Người thông minh gặp lúc vận tốt bèn chẳng nhận lãnh. Chẳng nhận lãnh thì nó sẽ kéo dài đến thuở già nua, kéo dài đến mai sau. Hiện thời phát tài, ta tán tài, ta phân tán nó, căn bản là chớ thụ dụng, đến khi tuổi già, của cải sẽ nhóm lại. Đó là có trí huệ, có tầm nhìn sâu xa, người ấy mới có thể chuyển dời vận mạng. Đó là phương pháp sửa đổi vận mạng của chính mình.
Nếu quý vị thật sự tin tưởng thì sẽ có thể sửa đổi, vận mạng do chính mình điều khiển. Quý vị phải đọc Liễu Phàm Tứ Huấn cho nhiều. Do vậy, tôi thường bảo mọi người hãy một mực đọc Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần, vì sao? Chẳng đọc ba trăm lần, quý vị chẳng thể đọc đến mức giác ngộ được! Đọc một, đôi lượt, xem xong liền quên bẵng, vẫn chẳng thể chuyển vận mạng được! Niệm tới ba trăm lần, ấn tượng sâu đậm, thật sự tin tưởng, biết cách làm như thế nào, xác thực là có thể sửa đổi vận mạng. Thọ mạng ngắn ngủi có thể trường thọ, nghèo hèn có thể trở thành phú quý. Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng. Do đó, quý vị phải hiểu lý luận, phương pháp, đúng lý, đúng pháp mà cầu, chẳng có điều gì không đạt được! Quý vị đạt được, không chỉ là vì trong mạng của quý vị có, mà còn là trong Chân Như bản tánh của quý vị vốn sẵn đủ, há có thứ gì chẳng thể đạt được? Chỉ là đúng lý, đúng pháp khai thác mà thôi! Nay chúng ta khai thác, nhưng khai thác chẳng thích đáng, nơi này có quặng vàng, quý vị biết chỗ, bèn đào bới lên. Quý vị điều chỉnh phương hướng, đến chỗ nọ khai thác, chỗ đó chẳng có [quặng vàng], khai thác cách nào cũng chẳng thể được! Vì thế nói là phương hướng đã sai lầm, nơi chốn đã sai lạc! Nhất định phải biết tu học phước điền chân thật như thế nào. Xử sự, đãi người, tiếp vật bằng cái tâm chân thành, chắc chắn chẳng bị thiệt thòi. Đó là nói tới chuyện phát tâm.
“Nhất phát, nhất thiết phát” (Một thứ đã phát thì hết thảy đều phát), câu này quan trọng! Chớ nên đối với Phật, Bồ Tát bằng chân tâm, đối với Phật Giáo đồ bằng chân tâm, nhưng đối với phàm nhân trong thế gian bèn dùng giả tâm, chớ có nên! Như vậy là quý vị vẫn dùng nhị tâm, chẳng dùng nhất tâm. Đối với Phật, Bồ Tát dùng tâm gì, thì đối với hết thảy chúng sanh cũng là cái tâm ấy. Tức là vì Phật, Bồ Tát mà chúng ta dấy lên cái tâm ấy, sau khi đã phát khởi, trong cuộc sống, xử sự, đãi người, tiếp vật đều phải dùng cái tâm ấy, đó mới là đúng. Hễ phát khởi bèn có tác dụng, chẳng thể nào đã phát mà chẳng khởi tác dụng. Vì thế, phải đối xử với hết thảy chúng sanh giống như đối với Phật, Bồ Tát. “Phát nhất thiết công đức, phát nhất thiết trí huệ, phát nhất thiết cảnh giới, bất tiền, bất hậu, diệc bất nhất thời” (Phát hết thảy công đức, phát hết thảy trí huệ, phát hết thảy cảnh giới, chẳng trước, chẳng sau, mà cũng chẳng phải là cùng một thời). Trước và sau thuộc về cùng một thời, “chẳng phải là một thời” chính là “một thời”. [Đoạn này] có ý nghĩa dạy chúng ta: Trong khi ứng dụng bèn tùy duyên tự tại, chớ nên chấp trước. Nhất thời là chấp trước, “bất nhất thời” cũng là chấp trước, đều rớt vào vọng tưởng, chấp trước. Vì thế, câu này nhằm dạy chúng ta bỏ lìa hết thảy vọng tưởng, chấp trước, đó là đúng.
“Tam trí nhất tâm trung đắc” (Do nhất tâm mà đắc ba trí): Ba Trí là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, và Nhất Thiết Chủng Trí. Nhất Thiết Trí là chứng đắc của A La Hán, Đạo Chủng Trí là chứng đắc của Bồ Tát, Nhất Thiết Chủng Trí là sự chứng đắc nơi quả địa Như Lai. Nhất Thiết Trí là biết bản thể của hết thảy các pháp. Đạo Chủng Trí là biết Tánh và Tướng của hết thảy vạn pháp. Nhất Thiết Chủng Trí là không gì chẳng biết, không gì chẳng thể, đó là trí huệ rốt ráo viên mãn, học từ nơi đâu? Do từ nhất tâm mà đạt được! Câu này quan trọng lắm! Vì mục tiêu tu hành của Tịnh Độ Tông là nhất tâm, nhất tâm bất loạn. Bắt đầu là nhất tâm, cuối cùng đắc nhất tâm, khởi đầu bèn dạy quý vị điều gì? Nhất tâm niệm Phật. Do đó, trực tiếp dùng nhất tâm, dùng nhất tâm thì mới có thể chứng nhất tâm. Khởi đầu dùng nhất tâm là tâm ý thức, chẳng phải là chân tâm, mà là vọng tâm, tức tâm ý thức. Tâm ý thức vọng niệm rất nhiều, vọng tưởng rất nhiều, nay ta chuyên tâm nơi một Phật hiệu, dùng một Phật hiệu để thay thế tất cả hết thảy vọng niệm, tức là dùng một niệm thay thế hết thảy vọng niệm, quy hết thảy vọng niệm vào một niệm, điều này được gọi là “nhất tâm”, dùng phương pháp này để tu. Đến khi tất cả hết thảy vọng niệm đều chẳng còn, bèn chứng đắc nhất tâm. Nhất tâm là chân tâm, đã chứng đắc. Phương pháp tu học này thẳng thừng, thỏa đáng, chẳng giống các pháp môn khác phải đi vòng vèo, chẳng biết phải đi vòng vo đến khi nào thì mới có thể đạt đến. Pháp môn này là trực tiếp, đạt được ngay lập tức.
Vì vậy, chư vị đồng tu phải thật tu, thật sự tu tập. Quý vị phải nhớ, thật sự hiểu rõ đạo lý ấy, hiểu rõ chân tướng sự thật thì mới biết tu. Người biết tu “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”, từ sáng đến tối, khóa tụng chuyên ròng. Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã dạy chúng ta. Công khóa của Ngài đơn giản, công khóa trong mười hai thời đều hệt như nhau. Một biến kinh A Di Đà, ba biến chú Vãng Sanh, một ngàn câu Phật hiệu, đó là công khóa mỗi lần. Khóa sáng là như vậy, mà khóa tối cũng giống như vậy, tuyệt đối chớ nên xen tạp những thứ khác. Đối với khóa tụng ở nơi đây tôi vẫn chưa biết, tôi không ở nơi đây. Đêm qua, tôi nghỉ lại nơi đây, nghe chúng ta tụng khóa sáng ở đây. Khóa sáng ấy xen tạp, chẳng phải là “một mực chuyên niệm”. Vẫn xen tạp những thứ như mười tiểu chú trong ấy, tức là đối với Sự và Lý của Tịnh Tông vẫn chưa hiểu rõ. Nếu thật sự hiểu rõ, sẽ chẳng phải là như vậy. Tổ sư đại đức Tịnh Tông thường là kinh cũng chẳng niệm, mà là niệm Phật hiệu, mỗi ngày mười vạn câu Phật hiệu. Các Ngài cũng chẳng có khóa sáng hay khóa tối chi cả, một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, quyết định vãng sanh.
[Khóa tụng] do Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã dạy là chuyên tu. Vì sao trước hết bảo quý vị niệm một biến kinh, niệm ba biến chú Vãng Sanh? Nhằm thâu hồi cái tâm, nhiếp tâm, chế phục vọng niệm. Chế phục vọng niệm thì Phật hiệu mới có công đức, mới tương ứng, nên bảo quý vị niệm một ngàn câu Phật hiệu. Trong cây hương thứ hai cũng làm như vậy, cách niệm đại khái là như vậy. Niệm một ngàn câu Phật hiệu gần như là hai tiếng đồng hồ. Nếu muốn thực hiện Tinh Tấn Phật Nhất thì một ngày một đêm là mười hai cây hương, khóa trình hoàn toàn giống nhau. Một ngày là mười hai biến kinh Vô Lượng Thọ, mỗi lượt đều là ba biến chú Vãng Sanh, một ngàn câu Phật hiệu. Một ngày một đêm là một vạn hai ngàn tiếng Phật hiệu, nếu có thừa thời gian bèn lạy Phật. Phương pháp này đắc lực. Do đó, đáng kỵ nhất là xen tạp. Chúng tôi chỉ có thể khuyên lơn ở nơi đây, hiện thời con cái chẳng nghe lời cha mẹ, đồ đệ cũng chẳng nghe lời thầy, đó là hiện tượng rất bình thường. Vì thế nói: Mỗi người mỗi tu, thành tựu của quý vị chẳng có liên can gì với tôi, mà thành tựu của tôi cũng chẳng thể cho quý vị hưởng ké được! Nhưng tôi chẳng thể không nói cho quý vị biết. Không nói cho quý vị biết tức là có lỗi với quý vị. Đã bảo ban mà quý vị chẳng làm, đó là chuyện của chính quý vị, quý vị chẳng thể trách tôi! Vì thế, Tam Trí do nhất tâm mà đắc.Giống như trong Thiền Tông, tọa hương trong Thiền Đường, thứ gì cũng đều chẳng có. Trong mười hai thời, bảo quý vị tĩnh tọa. Ngồi đến khi tê chân thì chạy hương, [đó là] vận động. Sau khi chạy xong, lại tĩnh tọa, khiến cho quý vị đoạn hết vọng tưởng, do nhất tâm mà đắc. Bất luận pháp môn nào cũng đều do nhất tâm mà đắc, tuyệt đối chẳng thể nói là do tạp tâm mà sẽ đạt được, chẳng có đạo lý ấy. Tra duyệt khắp Đại Tạng Kinh, có kinh nào nói do hai tâm hay ba tâm mà đạt được hay không? Chẳng có! Chúng ta mong thật sự đạt được thành tựu trong một đời này thì chớ nên không biết điều này!
Kế đó là nói “đắc Như Lai diệu sắc thân, trạm nhiên ứng nhất thiết, khai bí mật tạng, dĩ bất trụ pháp, tức trụ kỳ trung” (đạt được sắc thân mầu nhiệm của Như Lai, bình lặng ứng với hết thảy, mở tạng bí mật, do chẳng trụ pháp mà liền trụ trong ấy). Tu hành thì bắt đầu tu từ nhất tâm, đạt được quả báo là tam trí [thì cũng] do từ nhất tâm mà đạt được. Tam Thân, tức Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Thân; Tam Đức là Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát, tất cả đều vốn sẵn có trong nhất tâm. Vì nhất tâm là chân tâm, nhất tâm là bản tánh, vốn sẵn trọn đủ. Chúng ta xem lời giải thích cuối cùng nơi trang ba mươi bảy, dòng thứ tư đếm từ dưới lên, xem từ câu cuối cùng: “Tam Thân, Tam Đức, thể ly tung hoành”. “Tung” (縱) là nói theo chiều dọc, nói đến [thứ tự] trước sau; “hoành” (橫) là nói theo chiều ngang, nay chúng ta gọi [“tung hoành”] là thời gian và không gian. “Ly” (離) là vượt thoát. [Câu ấy có nghĩa là] Tam Thân và Tam Đức đều vượt thoát thời gian và không gian. Dùng thuật ngữ hiện đại để nói khiến cho mọi người dễ hiểu hơn: [“Thể ly tung hoành”] là vượt thoát thời gian và không gian. Trước kia chẳng hiểu, “kim thỉ phát minh” (nay mới phát hiện, hiểu rõ), “phát” (發) là phát hiện, đến nay mới phát hiện; “minh” (明) là hiểu rõ. Tới nay mới phát hiện, hiện nay mới hiểu rõ! “Danh khai bí tạng” (Gọi là mở kho tàng bí mật): Từ vô thỉ kiếp đến nay, nó được cất giấu ở chỗ này, trước nay chưa bị phát hiện, dường như là bí mật, nay đã mở toang ra. “Nhập Lý Bát Nhã danh vi Trụ” (Do nhập Lý Bát Nhã, nên gọi là Trụ), Lý Bát Nhã là gì? Là Căn Bản Trí. Kinh Bát Nhã nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”, vô tri là tâm thanh tịnh, vô tri là Định. Định là Thể, Huệ là Dụng. Huệ là Thể, Định là Dụng. Định và Huệ có thể làm Thể và Dụng cho lẫn nhau. Có thể dùng làm Thể và Dụng của lẫn nhau thì mới lần lượt tiến cao hơn. Đó gọi là Trụ, chính như kinh Kim Cang đã nói “vân hà ưng trụ” (nên trụ như thế nào).
Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy tôn giả Tu Bồ Đề, tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Nên trụ như thế nào?” Đức Phật bèn nói, nói thẳng thừng: Trụ theo cách giống như vậy là đúng. Thích Ca Mâu Ni Phật trụ nơi đâu? Quý vị đọc kinh Kim Cang có tìm ra hay không? Thật sự tìm chẳng ra, trong kinh Kim Cang có hai câu đã nói rõ ràng: “Vô trụ Niết Bàn”, chẳng trụ trong sanh tử, chẳng trụ Niết Bàn, đó là “Phật trụ”. Nói thật ra, chúng ta vẫn chưa học được, nay chúng ta có thể học được [bằng cách] trụ cái tâm nơi Phật hiệu A Di Đà Phật, trụ nơi Phật tướng của A Di Đà Phật, cách này hay lắm! Trụ nơi danh hiệu của A Di Đà Phật, hay trụ nơi thân tướng của Ngài cũng là nhập Lý Bát Nhã, vì sao? Nếu quý vị chẳng có trí huệ như vậy, sẽ chẳng thể an trụ cái tâm ở nơi ấy. “Thử trụ vô trụ, trụ bí tạng trung” (Trụ nơi vô trụ chính là trụ trong kho tàng bí mật), đó là cảnh giới của kinh Kim Cang, chẳng phải là cảnh giới như tôi vừa mới nói. Nhưng trong cảnh giới như chúng tôi vừa mới nói, hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới liền tiến nhập “trụ bí tạng trung”. Tuy vậy, an trụ cái tâm nơi danh hiệu hoặc thân tướng của A Di Đà Phật là chuyện chúng ta có thể làm được trong hiện tại.
Đoạn kế tiếp là “ước bị vật minh Phật dụng” (dựa trên những chúng sanh được Phật hóa độ để nói về tác dụng của Phật), đây là nói đến tác dụng. Chúng ta đọc đoạn văn này một lượt: “Dĩ phổ hiện sắc thân, tác chúng sắc tướng” (Nhằm hiện trọn khắp các sắc thân [ứng với mọi loài chúng sanh] mà hiện ra các thứ sắc tướng). Đây là nói đến chuyện “tùy loại hóa thân” (hóa thân tương ứng với từng loài). Chư vị phải biết trong chương Quán Thế Âm Bồ Tát Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, Ngài có địa vị là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Sơ Trụ Bồ Tát cũng có ba mươi hai ứng thân, xét thấy nên dùng thân Phật khiến cho chúng sanh đắc độ, Ngài bèn thị hiện tám tướng thành đạo, dùng thân phận Phật để độ họ. Phần Chứng Phật còn có năng lực hiện ra các thứ thân, có thể hiện thân Phật. Thân Phật mà còn có thể hiện, những thân khác chẳng cần phải nói nữa, đương nhiên có thể hiện những thân khác. Kinh Pháp Hoa nói Quán Âm Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, kinh Hoa Nghiêm nói Quán Âm Bồ Tát là Đệ Thất Hồi Hướng Bồ Tát. Quý vị thấy: Đều cùng nói về Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng trong mỗi bộ kinh, trong mỗi pháp hội, Ngài thị hiện thân phận và địa vị khác nhau, đọc kinh phải biết điều này. Phần Chứng Tức đang được nói ở đây đều là nói theo phía Sơ Trụ của Viên Giáo. Sơ Trụ Bồ Tát đã là như vậy, những địa vị cao hơn càng chẳng cần phải nói nữa, trí huệ, đức năng, và thần thông của các Ngài càng ngày càng thù thắng hơn. “Phổ hiện sắc thân, tác chúng sắc tướng” giống như ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát.
“Nhất âm tùy loại, báo đáp chư thanh” (Một âm thanh mà tùy theo từng loại biến thành các thứ âm thanh nhằm trả lời [ứng với ngôn ngữ của từng loại chúng sanh]), đây là nói về chuyện thuyết pháp. “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải” (Phật dùng một âm để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo từng loại đều hiểu). Phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân sẽ làm được, sẽ có năng lực ấy. Ngài thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh chẳng cần phiên dịch. Người Trung Quốc nghe thành tiếng Trung Quốc, người Nhật Bản đang hiện diện cùng nghe, thấy [đức Phật] đang nói bằng tiếng Nhật. Chẳng cần phiên dịch, mỗi người đều nghe khác nhau, đều [nghe thành] ngôn ngữ của chính mình, đều có thể nghe hiểu, đều có thể tiếp nhận, rất chẳng thể nghĩ bàn! Năng lực ấy có thật hay không? Các khoa học gia hiện thời tin tưởng [chuyện ấy], vì các nhà khoa học lợi dụng computer, computer có thể sanh ra năng lực ấy. Trong tương lai, sang du lịch ngoại quốc, sau khi loại computer ấy đã được thật sự phát minh, chẳng cần phiên dịch, computer có thể dịch được. Có thể thấy chuyện này là thật, chẳng giả, là đức năng vốn sẵn có trong bản tánh.
“Bất động Chân Tế, quần tình đẳng duyệt” (Chân Tế chẳng động, mọi loài đều vui sướng). Chân Tế (真際) là chân tánh, chân tánh bất động, chân thân chẳng động, chúng sanh hữu duyên trong mười phương pháp giới đều là pháp hỷ sung mãn. Có thể nói là trong mỗi phút, mỗi giây, A Di Đà Phật đều ở trong mười phương thế giới tiếp dẫn vô lượng vô biên chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chúng ta [nghe như vậy bèn] nói “A Di Đà Phật bận bịu chết luôn!” Thật ra, A Di Đà Phật có động hay chăng? Chẳng động, Ngài ngồi chễm chuệ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng động! Chẳng động thì đến [mười phương thế giới] bằng cách nào? Hóa thân đến. Thân Phật có vô lượng quang minh, trong quang minh có vô lượng vô biên Hóa Phật đến mười phương thế giới tiếp dẫn. Chẳng động, mà [người niệm Phật vãng sanh trong] mười phương thế giới đều thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn họ. Chẳng động Chân Tế, mà muôn loài đều hoan hỷ. “Ưng dĩ tam luân độ giả’ (Đối với kẻ nên dùng tam luân để độ), “tam luân” (三輪) là thân, miệng, ý. “Năng bát tướng thành đạo cụ Phật oai nghi, dĩ Phật âm thanh, phương tiện nhi độ thoát chi, huống cửu pháp giới tam luân da? Sơ Trụ thượng nhĩ, huống Đẳng Giác da? Thị danh Phần Chứng Tức Phật dã” (Có thể hiện tám tướng thành đạo, đầy đủ các oai nghi của Phật, dùng âm thanh và phương tiện của Phật để độ thoát, huống hồ tam luân của [các chúng sanh] trong chín pháp giới [mà Ngài chẳng thể biến hiện] ư? Sơ Trụ Bồ Tát còn [có năng lực] như thế, huống là Đẳng Giác? Đó gọi là Phần Chứng Tức Phật vậy). Giảng rất rõ ràng! Nhưng sợ chư vị chẳng hiểu rõ chữ Tam Luân trong đoạn ấy cho lắm, nên trong chú giải có [giải thích]. Lời chú giải thuộc trang ba mươi tám, tức là dòng thứ ba đếm từ dưới lên trong trang ấy, xem từ câu cuối cùng. “Oai nghi thuộc thân, âm thanh thuộc khẩu, phương tiện thuộc ý”, đó là tam luân. Tam Luân là nói tới thân, khẩu, ý. Phật độ chúng sanh, cả ba thứ ấy đều phải dùng. Phải dùng thân tướng, phải dùng ngôn ngữ, phải dùng các thứ phương pháp phương tiện quyền xảo. “Ưng dĩ Phật độ, tức hiện Phật tam” [nghĩa là] đáng nên dùng thân Phật để độ, bèn hiện thân, khẩu, ý của Phật; đáng nên dùng thân phận Bồ Tát để độ, bèn dùng thân, khẩu, ý của Bồ Tát; đó là “tam luân”. Câu cuối cùng là: “Lương do vị vị Thỉ Giác, Bổn Giác, nhất hợp câu vong, trí sử Thể Dụng cao quảng nhược thử” (Ấy là vì trong từng địa vị [của Pháp Thân Bồ Tát], Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, hễ hợp lại thì những tướng đối đãi đều mất sạch, khiến cho Thể và Dụng cao rộng dường ấy). Có nghĩa là: Đạt đến địa vị Phần Chứng Tức, sử dụng chân tâm, nên lìa hết thảy các tướng, giống như kinh Kim Cang đã dạy: “Chẳng chấp lấy tướng, như như bất động”, nên Ngài có tác dụng rộng lớn vô biên. À! Chúng tôi giảng đến đây!
[1] Theo ngu ý, có lẽ là đại sư muốn so sánh giữa bí và bầu, vì bí được gọi là Đông Qua.