#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 21
Xin mở kinh bổn, trang một trăm ba mươi bảy, dòng thứ hai từ dưới đếm lên. Thời gian trôi qua rất nhanh, ngày mai chúng tôi sẽ giảng viên mãn; do vậy, hôm nay phải tăng nhanh tốc độ. Nói thật ra, đạo tràng chúng ta là đạo tràng giảng kinh lâu dài, nhất là chuyên giảng Tịnh Tông, có nhiều chỗ đọc qua là đã có thể hiểu rõ. Nếu ở những nơi khác thì cần phải nói tỉ mỉ, ở đây, chúng ta có thể tham khảo kinh Vô Lượng Thọ, hoặc tham khảo sách Di Đà Kinh Sớ Sao, ý nghĩa đại khái chẳng sai biệt cho mấy.
Trong dòng này, phải đặc biệt giới thiệu Vô Sanh Pháp Nhẫn cùng quý vị. Nói thật ra, Vô Sanh Pháp Nhẫn quan trọng nhất là chữ Nhẫn. Đức Phật thuyết pháp có vô lượng phương tiện thiện xảo. Trong kinh Nhân Vương, Ngài đã chia các địa vị Bồ Tát thành năm loại lớn; năm loại lớn ấy đều dùng Nhẫn để biểu thị. Do vậy có thể biết, Nhẫn quả thật hết sức trọng yếu. Từ kinh Kim Cang, chúng ta thấy cương lãnh tu học của Bồ Tát gồm có sáu điều, tức là Lục Độ. Kinh Kim Cang đặc biệt nhấn mạnh Bố Thí và Nhẫn Nhục trong Lục Độ. Quý vị thấy bốn điều kia được nói rất ít, còn Bố Thí được nói rất nhiều, Nhẫn Nhục cũng được nói rất nhiều! Do vậy có thể biết, quan trọng nhất trong sáu đại cương ấy chính là Bố Thí và Nhẫn. Bố Thí là buông xuống. Nếu không buông xuống được, sẽ chẳng thể nhẫn. Chẳng thể nhẫn, sẽ không buông xuống được! Đây là đạo lý nhất định, có mối quan hệ nhân quả hỗ tương.
Ngũ Nhẫn theo kinh Nhân Vương là: Thứ nhất là Phục Nhẫn, thứ hai là Tín Nhẫn, thứ ba là Thuận Nhẫn, thứ tư là Vô Sanh Nhẫn, thứ năm là Tịch Diệt Nhẫn. Đem Ngũ Nhẫn trong kinh Nhân Vương phối hợp với Thập Địa Bồ Tát thì Phục Nhẫn là địa vị Tam Hiền (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng); Tín Nhẫn là Sơ Địa, Nhị Địa, Tam Địa; còn Tứ Địa, Ngũ Địa, Lục Địa là Thuận Nhẫn; Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa là Vô Sanh Nhẫn; Thập Địa và Đẳng Giác là Tịch Diệt Nhẫn. Tiêu chuẩn của chữ Tín cũng rất cao, quả thật là hễ thật sự nói đến hàng Bồ Tát thì phải nên có tiêu chuẩn cao như vậy! Chưa nhập Sơ Địa, vẫn chưa thể nói là tin Phật nghiêm túc được! Nhưng kinh Nhân Vương nói theo Biệt Giáo, chẳng nói theo Viên Giáo. Sơ Địa trong Biệt Giáo chính là Sơ Trụ trong Viên Giáo. Vì thế, dòng thứ nhất ở đây (trong trang một trăm ba mươi tám) là: “Sớ vân, Vô Sanh Pháp Nhẫn, thị Sơ Trụ Sơ Địa” (Sớ rằng: Vô Sanh Pháp Nhẫn là Sơ Trụ hay Sơ Địa). Sơ Trụ Bồ Tát là nói theo Viên Giáo, còn Sơ Địa là nói theo Biệt Giáo, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, khi ấy mới có thể gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nhưng nếu nói nghiêm ngặt thì vẫn chưa được, kinh Nhân Vương nói tương đối nghiêm ngặt. Nói [thật sự] nghiêm ngặt thì Thất Địa Bồ Tát chứng hạ phẩm Vô Sanh Nhẫn, Bát Địa là trung phẩm Vô Sanh Nhẫn, Cửu Địa là thượng phẩm Vô Sanh Nhẫn, đó là nói theo sự chứng đắc chánh thức. Do vậy có thể biết, Vô Sanh Nhẫn do Sơ Trụ hay Sơ Địa chứng đắc chính là Tương Tự Vô Sanh Nhẫn, vì sao? Các Ngài [thật sự] là Tín Nhẫn hay Thuận Nhẫn, tương tự mà thôi! Phục Nhẫn càng khỏi phải bàn tới, “phục” (伏) là gì? Chế phục phiền não. Nói theo Tịnh Tông, giai đoạn “phục phiền não” là công phu thành phiến, Tín Nhẫn mới là Sự nhất tâm bất loạn, đạt đến Vô Sanh Nhẫn sẽ là Lý nhất tâm bất loạn. Tín Nhẫn và Thuận Nhẫn đều là Sự nhất tâm. Trong Sự nhất tâm, có mức độ cạn hay sâu khác nhau. Lý nhất tâm là Vô Sanh Nhẫn và Tịch Diệt Nhẫn, [hai loại Nhẫn này] đều thuộc loại Lý nhất tâm, nhưng Tịch Diệt Nhẫn là công phu Lý nhất tâm sâu, còn Vô Sanh Nhẫn công phu Lý nhất tâm khá cạn. [Do vậy], đặc biệt coi trọng chữ Nhẫn.
Kinh Kim Cang dạy chúng ta: “Nhất thiết pháp đắc thành ư Nhẫn” (Hết thảy các pháp đều do Nhẫn mà thành tựu). Pháp thế gian và xuất thế gian nếu chẳng thể nhẫn nại, sẽ chẳng thể thành tựu, có thể thấy Nhẫn Nhục Ba La Mật trong Lục Độ là then chốt của sự thành bại. Nhẫn thì mới có thể có tinh tấn, tinh tấn thì mới có thể đắc Định. Nếu nói theo Tịnh Độ Tông, Định là nhất tâm bất loạn, là tâm thanh tịnh. Đã đắc định, trí huệ mới mở mang, nên nhẫn nhục quả thật là then chốt. Ví như nay chúng ta nói đến chuyện tu học, tu học trong thời cổ và hiện thời khác nhau. Tu học thời cổ luôn luôn là thâm nhập một môn. Phải nhẫn nơi một môn, những pháp môn khác ta tạm thời đều phải buông xuống hết, hết thảy các kinh luận ta chẳng thể xem, mà cũng chẳng thể nghe giảng, ta chỉ rất ngoan ngoãn học một môn, điều này đòi hỏi phải nhẫn! Thâm nhập một môn, một môn sẽ tinh (chuyên ròng), nhiều môn chẳng tinh. Tấn trong nhiều môn thì gọi là Tạp Tấn, chẳng phải là Tinh Tấn. Tạp Tấn sẽ khó đắc Định. Nói cách khác, khó đắc tâm thanh tịnh! Tinh Tấn sẽ dễ đắc tâm thanh tịnh. Vì vậy, từ xưa, tổ sư đại đức tạo lập môn đình sai khác, thường ca ngợi pháp môn của chính mình, chê bai, hạ thấp các pháp môn khác. Đó là một phương thức quyền xảo, tuyệt đối chẳng phải là khinh thường các pháp môn khác. Nếu [người đọc, người nghe] có sự phân biệt, chấp trước ấy thì sai mất rồi. Các Ngài dùng phương pháp ấy để cường điệu, nhằm tăng cường tín tâm của kẻ mới học. Tham Thiền thì từ Thiền thâm nhập một môn, chẳng thể vừa học Giáo, vừa niệm Phật. Vì sao? Như vậy thì sẽ biến thành tạp. Người niệm Phật cũng chẳng thể học Giáo, cũng chẳng thể tham Thiền. Nói chung, pháp môn nhất định là một môn thì mới có thể thâm nhập.
Môn nào cũng đều hay, vì sao? Môn nào cũng đều có thể minh tâm kiến tánh, đều có thể đạt đến mục đích. Vì thế, nói “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, chúng ta phải nhớ kỹ điều này. Trong nhiều pháp môn ngần ấy, chúng ta chỉ có thể chọn lựa một môn, điều này quan trọng lắm! Nếu đồng thời chọn lựa nhiều môn, rất khó thành tựu. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, dạy học trò, mỗi học trò cũng đều là học một môn. Đức Phật giảng kinh, họ đều đến nghe, đó gọi là “bàng thính” (dự thính), đến làm Ảnh Hưởng Chúng. Nói theo cách hiện thời là “hộ trì đạo tràng”, khiến cho số lượng thính chúng trong đạo tràng đông thêm, có thể tăng cường tín tâm cho người mới học. Nếu đức Phật giảng kinh chỉ có dăm ba người nghe, người ta trông thấy cảnh tượng ấy cũng chẳng tin tưởng, mất đi tín tâm. Vì thế, những vị Bồ Tát, La Hán giúp Phật trang nghiêm đạo tràng, tăng cường tín tâm của hàng sơ học, mục đích ở chỗ này! Các Ngài ngồi ở đó, nghe hay không nghe chẳng nhất định! Có lúc đức Phật giảng kinh, các Ngài ngồi đó niệm Phật, về căn bản là cũng chẳng nghe câu nào. Đó là trang nghiêm đạo tràng, chúng ta phải hiểu điều này. Chư vị hiểu đạo lý này là được rồi!
Còn như Vô Sanh Pháp Nhẫn là gì? Ở đây, tôi nói đại lược. “Pháp” là hết thảy các pháp. Vô Sanh Pháp Nhẫn là một pháp, còn chữ Pháp chỉ hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Vô Sanh là hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt. Khi nào quý vị chứng đắc, thừa nhận, đồng ý, tán thành “hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt”, cảm thấy đức Phật nói lời ấy chắc chắn chẳng có vấn đề gì, là sự thật, quý vị bèn chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nay chúng ta đang thấy hết thảy các pháp có sanh, có diệt, thấy động vật có sanh, lão, bệnh, tử, thấy thực vật có sanh, trụ, dị, diệt, thấy khoáng vật có thành, trụ, hoại, không, hết thảy các pháp là vô thường. Đó là cách nhìn của chúng ta, chúng ta cảm thấy đó là sự thật. Nay đức Phật bảo chúng ta “hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt”, chúng ta nghe chẳng hiểu, nghe xong bèn hoài nghi, vì sao? Hoàn toàn tương phản với sự quan sát của chúng ta, cảnh giới của Phật và cảnh giới của chúng ta khác nhau. Vì sao cách nhìn của chúng ta khác với cách nhìn của đức Phật? Chúng ta dùng cái tâm sanh diệt để nhìn hết thảy các pháp, nên hết thảy các pháp biến thành sanh diệt. Đức Phật dùng tâm bất sanh, bất diệt để nhìn hết thảy các pháp, nên hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt. Từ chỗ này cũng chứng thực “hết thảy các pháp chỉ do tâm biến, hết thảy các pháp chỉ do tâm chuyển, tâm chuyển cảnh giới, chẳng phải là cảnh giới chuyển tâm”, chứng minh lý luận này. Vì lẽ đó, đức Phật dạy chúng ta thấy chân tướng của hết thảy các pháp, đó chính là Thật Tướng của các pháp. Thật Tướng của các pháp là bất sanh, bất diệt.
Phải như thế nào thì mới có thể thấy Thật Tướng của các pháp? Phải có Thiền Định rất sâu. Thiền Định rất sâu là tâm định. Tịnh đến tột cùng, tâm ấy là bất sanh, bất diệt, chân tâm thường trụ, thấy cảnh giới bên ngoài là cảnh giới chân thật. Vì thế, đó là cảnh giới của Phật và đại Bồ Tát; hàng Bồ Tát từ Thất Địa trở lên thấy hết thảy vạn pháp bất sanh, bất diệt. Đó chẳng phải là cảnh giới của bọn phàm phu chúng ta, vì chúng ta chẳng có cách nào sử dụng chân tâm, toàn là dùng vọng tâm. Vọng tâm là tâm sanh diệt, là trong tâm có ý niệm. Khi nào trong tâm chẳng có ý niệm, chẳng có vọng niệm, khôi phục chân tánh của chính mình. Điều này cũng nói rõ: Tu hành trong Phật pháp, bất luận tông nào, bất luận là Hiển Giáo hay Mật Giáo, Thiền Tông hay Giáo Hạ, mục tiêu tu học cuối cùng là minh tâm kiến tánh. Nếu chẳng phải là mục tiêu này, sẽ chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp bất luận bao nhiêu pháp môn, bao nhiêu tông phái, chỉ là phương pháp, đường lối, cách thức khác nhau, nhưng phương hướng và mục tiêu nhất định là nhất trí: Thành Phật! Thành Phật là gì? Minh tâm kiến tánh là thành Phật; minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, quyết định là nhất trí. Tịnh Độ Tông nói “nhất tâm bất loạn”, nhất tâm bất loạn là minh tâm kiến tánh, là kiến tánh thành Phật. Chỉ là các tông sử dụng danh từ thuật ngữ khác nhau, thật ra là một chuyện. Vì vậy, học Phật nói đơn giản là “tu tâm thanh tịnh, tu nhất tâm bất loạn”. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy sắc, nghe tiếng, xử sự, đãi người, tu tâm thanh tịnh, tu nhất tâm trong ấy, đó là đúng!
Người sơ tâm, tức là kẻ mới học, vì tập khí nặng nề, phiền não sâu đậm, chẳng có cách nào tu hành trong một xã hội phức tạp, công phu chẳng thể đắc lực, nên phải chọn lựa hoàn cảnh. Nghĩ đến thuở đức Phật tại thế, đã răn dạy đệ tử trụ A Lan Nhã. A Lan Nhã (Araṇya) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “nơi chẳng ồn ào”. A là Vô, Lan Nhã là náo nhiệt, ồn ào. [Do vậy, A Lan Nhã] là một nơi chẳng ồn ào, náo nhiệt, nên dịch nghĩa sang chữ Hán là Tịch Tĩnh Xứ, đó là một hoàn cảnh hết sức an tĩnh. Trong lời Phật dạy, có một thí dụ rất đơn giản về tiêu chuẩn của A Lan Nhã, Ngài nói: Đó là nơi chẳng nghe thấy tiếng trâu kêu. Vì xưa kia, người tu hành phần đông ở nông thôn, cày cấy ở nông thôn đều dùng trâu, tiếng trâu kêu rất lớn. Nông dân nuôi trâu, nơi chẳng nghe thấy tiếng trâu kêu, chỗ ấy cũng rất an tĩnh. Nếu là hiện tại thì nơi không nghe thấy tiếng xe cộ sẽ khá an tĩnh, nhất định phải tránh chỗ ồn náo. Đối với định nghĩa này, cũng phải nên tùy theo thời đại mà [xét theo] tiêu chuẩn khác nhau. Xưa kia, tiếng trâu kêu rất lớn, hiện thời tạp âm của xe lửa hoặc máy bay còn to hơn xưa kia quá nhiều. Nơi mà những âm thanh ồn ào ấy chúng ta đều chẳng nghe thấy thì chỗ ấy là A Lan Nhã. Điều này nhằm tạo tiện lợi cho hàng sơ học.
Nhưng tâm địa đã thật sự thanh tịnh rồi thì chẳng thể ở mãi nơi đó; ở miết nơi đó, chưa chắc tâm địa thật sự thanh tịnh. Sau khi đã đạt đến một mức độ thanh tịnh [kha khá], phải đến chỗ ồn náo, đến nơi ồn náo để xem cái tâm có còn thanh tịnh hay không? Trong nơi náo nhiệt ấy, nếu tâm lập tức bị ảnh hưởng, hãy nên lui về, chớ nên ở nơi đó. Nếu ở trong nơi náo nhiệt mà không bị ảnh hưởng, tâm vẫn thanh tịnh thì có thể ở nơi đó, [bởi lẽ], động tĩnh như nhau, nhiễm tịnh chẳng hai, đó là thật sự thành tựu. Do đó, người Tiểu Thừa chẳng dám tiếp xúc thành thị, Đại Thừa Bồ Tát tu Định trong chốn chợ búa. Quý vị xem kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Dục Hương tu Thiền Định ở nơi đâu? Kinh nói là trong chốn chợ búa. “Chợ búa” có nghĩa là gì? Là nơi buôn bán, phồn hoa nhất, náo nhiệt nhất, ông ta tu Thiền Định ở nơi đó. Ông ta tu Thiền tại đó, có phải là ngồi xếp bằng nhìn vào vách hay không? Chẳng phải vậy! Ở nơi đó, ông ta la cà trên phố, cái này cũng nhìn, cái kia cũng ngắm, đó gọi là tu Thiền Định. Chúng ta hoàn toàn chẳng nhìn ra ông ta đang tu Thiền Định nơi đó. Ông ta xoay qua, lộn lại trong chốn náo nhiệt, nhưng là Định Huệ song tu. Thứ gì cũng đều xem, giống như những sản phẩm mới hiện thời ông ta đều biết, “đều biết” là Huệ, thứ gì ông ta cũng đều hiểu. Xem xong, như như bất động, như như bất động là Định, ông ta tu Định nơi ấy. Chẳng giống như lũ phàm phu chúng ta, thấy vật này tốt bèn vội vã mua về, tâm đã động mất rồi. Định đã chẳng có, mà Huệ cũng chẳng có luôn! Vì thế, ông ta thường dạo phố, thường la cà chốn náo nhiệt, thứ gì cũng đều biết, Huệ thành tựu. Sau khi đã xem xong, như như bất động, nên Định thành tựu. Người ta tu Định Huệ ở chỗ này! Chuyện này hàng Tiểu Thừa chắc chắn chẳng dám tu, đó là nói công phu đã đạt mức, phương pháp tu hành của họ và phương pháp tu hành của chúng ta khác nhau!
Giới thiệu đơn giản cùng chư vị chỗ sai biệt giữa Đại Thừa và
Tiểu Thừa tới đây là được rồi! Chúng ta xem đoạn kế tiếp. Trong đoạn này, [đức Phật] chánh thức dạy bà Vi Đề Hy phương pháp tu học, tức là mười sáu diệu quán.
Phật cáo Vi Đề Hy: “Nhữ thị phàm phu, tâm tưởng luy liệt, vị đắc Thiên Nhãn, bất năng viễn quán. Chư Phật Như Lai hữu dị phương tiện, linh nhữ đắc kiến.
佛告韋提希 。汝是凡夫。心想羸劣。未得天眼。不能
遠觀。諸佛如來有異方便。令汝得見。
(Đức Phật bảo Vi Đề Hy: “Bà là phàm phu, tâm tưởng yếu hèn, chưa đắc Thiên Nhãn, chẳng thể nhìn xa. Chư Phật Như Lai có phương tiện lạ khiến cho bà được thấy”).
Nhìn từ dấu tích [thị hiện], phu nhân Vi Đề Hy là phàm phu giống như chúng ta, cũng là mê hoặc, điên đảo, cũng là cảm tình rất nặng, phiền não trùng trùng, giống hệt như chúng ta. Vì thế, “tâm tưởng luy liệt, vị đắc Thiên Nhãn” (tâm tưởng yếu hèn, chưa đắc Thiên Nhãn), sẽ chẳng thể thành tựu Diệu Quán. Nhưng đức Phật có sức mạnh, gia trì, giúp đỡ bà ta. “Chư Phật Như Lai hữu dị phương tiện, linh nhữ đắc kiến” (Chư Phật Như Lai có phương tiện lạ, khiến cho ngươi được thấy). Nếu muốn thấy Tịnh Độ, nhất định phải do Phật lực gia trì, đây là chỉ ra “hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”. Phàm phu tu hành, nói thật ra, dẫu có công phu Định lực nho nhỏ, vẫn chẳng thấy Tây Phương Tịnh Độ. Giống như trong phần trước chúng tôi đã nói, Viễn Công đại sư một đời ba lần thấy Tịnh Độ của Phật, đó là do phương tiện thù thắng, lạ lùng của chư Phật Như Lai gia trì Ngài, khiến cho Ngài trông thấy. Viễn Công có thể thấy, chúng ta cũng có thể thấy. Phật đã gia trì Ngài, Phật cũng sẽ gia trì chúng ta; nhưng chúng ta chớ nên có tâm niệm mong được thấy. Vì sao? Niệm niệm cầu thấy, tâm chẳng thanh tịnh, công phu không đắc lực. Không cầu thấy, đến lúc đó, đôi khi Phật gia trì khiến cho quý vị trông thấy, chứng minh cho quý vị, tăng cường tín tâm của quý vị: [Chắc chắn là] quý vị đã đi đúng đường. Chẳng thấy cũng không khẩn yếu, chớ nên thường hoài nghi: “Ta chẳng trông thấy điều ấy, chỉ sợ công phu lui sụt”. Đó là dấy vọng tưởng, đã sai lầm mất rồi! Phải hiểu pháp môn này đặc biệt coi trọng tu tâm thanh tịnh. Vì lẽ đó, dẫu thấy, cũng phải như kinh Kim Cang đã nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Thấy mà như chẳng thấy, chẳng mảy may trở ngại cái tâm thanh tịnh của quý vị. Đó là đúng. Vì thế, người tu Tịnh Độ, không chỉ [riêng người] tu Tịnh Độ, người tu Phật pháp Đại Thừa quyết định chớ nên tham chuộng thần thông.
Chiều hôm qua, có một cư sĩ đến gặp tôi, ông ta đang gặp khó khăn rất lớn. Hai vợ chồng đều ở trong ngành giáo dục, ông ta kể: Gần đây, bà vợ ông ta nẩy sanh vấn đề, chẳng biết bả thân cận đạo tràng nào, nay đang vướng ma chướng, nên tới tìm tôi. Tôi liền khuyên ông ta: “Tốt nhất là ông bảo bà ta đừng tiếp xúc với những kẻ đó nữa”. Ông ta nói: “Nói rồi mà bả có nghe đâu! Ham thần thông lắm”. Phàm những kẻ bị ma dựa đều là ham thần thông. Nếu quý vị nhìn thần thông và những chuyện kỳ quái rất nhạt nhẽo, chẳng quan tâm đến, yêu ma quỷ quái chẳng tìm quý vị, [vì chúng] chẳng có cách nào tiếp cận quý vị. Quý vị tham chuộng, ưa thích thần thông, hiếu kỳ, quý vị liền bị yêu ma quỷ quái nắm thóp, đùa bỡn quý vị! Ở trong và ngoài nước, chúng tôi đã thấy rất nhiều kẻ trẻ tuổi được hưởng sự giáo dục cao cấp, toàn là những kẻ ưu tú, học [thần thông] chưa đến một năm hay nửa năm, bèn phải vào bệnh viện tâm thần, tinh thần phân liệt, tương lai cả một đời bị hủy hoại. Nói thật ra, những thứ đó chẳng phải là Phật giáo, mà là tà giáo! Yêu ma quỷ quái đang quậy phá. Có phải là thật sự thấy họ phóng quang hay không? Thật sự trông thấy, chẳng phải là giả. Họ nói phóng quang, [thân hình] lìa khỏi mặt đất ba thước, là thật, chẳng giả tí nào! Yêu ma quỷ quái hiện những thứ thần thông ấy cho quý vị trông thấy. Quý vị càng thấy, càng nghĩ chúng nó rất tuyệt. Chúng ta bảo họ: “Bọn chúng nó là giả”, [họ sẽ nạt lại]: “Ngươi không bằng người ta! Nếu không, ngươi phóng quang cho ta xem thử coi!” Họ chẳng tin tưởng chánh pháp, muốn tin tưởng yêu ma quỷ quái, càng mê sâu hơn. Chuyện này không chỉ là đem lại nỗi đau khổ cho chính người ấy, mà còn khiến cho cả gia đình đau khổ, rất đáng thương, chúng ta phải chú ý điều này.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đôi ba lượt khuyến khích chúng ta: “Học Phật thì đạo tràng coi trọng thực chất, chẳng coi trọng hình thức. Tu hành quý nơi cái tâm thanh tịnh, tuyệt đối chẳng chú ý thần thông cảm ứng, ngay cả cảm ứng cũng không mong cầu”. Người thật sự tu hành, tu tâm thanh tịnh, [nhận biết] “ta phiền não ngày càng ít hơn, tâm địa ngày càng thanh tịnh hơn, ngày càng sung sướng hơn, pháp hỷ sung mãn, trí huệ càng ngày càng tăng trưởng hơn”. Trí huệ tăng trưởng nhìn từ chỗ nào? Xử sự, đãi người, tiếp vật chẳng hồ đồ giống như trước, dường như mỗi ngày có trí huệ hơn, đó đều là hiện tượng tiến bộ. Đó là hiện tượng tốt. Nếu nói hằng ngày thấy rất nhiều quỷ, thấy khá nhiều thần, nguy hiểm rồi! Đó chẳng phải là một hiện tượng tốt lành, mà là sắp vào nhà thương điên! Đôi khi trông thấy thì phải làm sao? Có thấy thì chẳng cần quan tâm tới, chẳng cần nghĩ đến họ, niệm Phật cho nhiều, đọc kinh cho nhiều, về sau, cơ hội trông thấy họ sẽ ít đi. Trước kia, cư sĩ Giản Phong Văn thường trông thấy, mỗi tháng thấy khá nhiều lần, đến kể với tôi. Ông ta chẳng bịa chuyện, trước kia, ông ta thích tĩnh tọa. Trong khi tĩnh tọa, thấy khá nhiều cảnh giới kỳ quái, từng thấy Thập Điện Diêm Vương. Sau này, tôi dạy ông ta: “Từ nay về sau, ông thấy những điều đó đừng quan tâm tới, chẳng cần để ý, cứ niệm Phật cho nhiều”. Về sau, dần dần ít đi. Hiện nay, trong vòng một hai năm qua chẳng thấy nữa, không còn nữa, khôi phục bình thường.
[Thấy những cảnh tượng kỳ quái, quỷ thần], chắc chắn chẳng phải là bình thường, chẳng phải là chuyện tốt đẹp. Chẳng cần nói thấy yêu ma quỷ quái chẳng phải là chuyện tốt, mà thấy chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng phải là chuyện tốt. Quý vị hãy xem kinh Lăng Nghiêm, [phần nói về] năm mươi thứ Ấm Ma, yêu ma quỷ quái biến hiện cảnh giới của Phật, Bồ Tát, đơn giản là khiến cho quý vị chẳng có cách nào phân biệt là thật hay giả. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã dạy chúng ta một nguyên tắc: “Bất tác thánh giải” (Chẳng nghĩ [những cảnh giới kỳ quái, lạ lùng ta được thấy] là chính mình đã đạt được sự giải ngộ của bậc thánh), [đối với] những cảnh giới tốt đẹp, căn bản là chẳng quan tâm tới, chúng sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Nếu quý vị nghĩ chúng là thật, sẽ bị mắc lừa, “tức thọ quần tà” (liền rớt vào lũ tà), quý vị đã bị những thứ yêu ma quỷ quái ấy đùa bỡn, gạt gẫm. Đúng là đối với các cảnh giới như trong Lăng Nghiêm đã nói, chúng ta chẳng có cách nào phân biệt là thật hay giả, còn những thứ như ta trông thấy trong hiện thời vừa trông thấy liền biết là giả, tuyệt đối chẳng phải là thật.Đây là nói một người tu hành, trên đường Bồ Đề, tất nhiên sẽ gặp những cảnh giới ấy, khi gặp những cảnh giới đó, quyết định chẳng cần quan tâm tới. Chính vì như vậy, chúng tôi thường khuyên nhủ các đồng tu, hễ quý vị thờ Phật, bèn thờ một pho tượng, hằng ngày nhìn bức tượng Phật ấy, mọi người phải biết điều này. Hết thảy yêu ma quỷ quái có thể lừa gạt người, chúng nó gạt người vì quý vị tự nguyện bị lừa, bằng lòng bị gạt! Nói thật ra, chúng nó trọn chẳng phạm pháp to lớn gì! Chúng nó biến hiện thành hình tượng của Phật, Bồ Tát, nhưng chẳng dám biến thành hình Bổn Tôn, nên nói là chúng nó chẳng phạm pháp. Tuy chúng nó có thể giả mạo, nhưng giả mạo tương tự, chẳng rất giống, nên chẳng phạm pháp. Ví như đối với “thương tiêu” (nhãn hiệu cầu chứng, trademark), tôi thiết kế thương tiêu chẳng khác thương tiêu của quý vị cho mấy, nhưng có đôi chút bất đồng, tôi chẳng giả mạo chiêu bài của quý vị, vì sao? Thương tiêu do tôi thiết kế có đôi chút khác với quý vị, chẳng thể coi là giả mạo nhãn hiệu, chẳng thể trị tội theo pháp luật được. Hoàn toàn giống hệt thì là giả, tức là hàng nhái, phải bị trị tội. Vì lẽ đó, yêu ma quỷ quái chẳng dám hiện thành Bổn Tôn.
Ta thờ phụng A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là Bổn Tôn của ta, yêu ma quỷ quái chẳng dám biến thành A Di Đà Phật. Chúng biến thành các vị Phật, Bồ Tát khác đến dụ dỗ, mê hoặc quý vị, tuyệt đối chẳng dám biến thành A Di Đà Phật. Ta thờ phụng Quán Thế Âm Bồ Tát, hằng ngày lễ bái Quán Âm Bồ Tát, xưng niệm Quán Âm Bồ Tát, chúng nó chẳng dám biến thành Quán Âm Bồ Tát. Biến thành hình tượng Ngài, thần hộ pháp quyết định chẳng chấp nhận. Biến thành [hình tượng] tương tự, chẳng phải là thật, thần hộ pháp cũng chẳng quan tâm tới, vì sao? Dẫu sao, chúng nó chẳng thật sự phạm pháp. Thần hộ pháp giống như cảnh sát, chẳng can thiệp, không bắt giữ chúng nó. Chúng ta thờ một bức tượng A Di Đà Phật, suốt đời thờ một tượng ấy, chúng ta thấy hình tượng ấy rất rõ ràng. Nếu chúng nó biến ra một vị A Di Đà Phật, có hình dạng khác với tượng ấy, chúng ta sẽ chẳng quan tâm tới. Khi lâm chung, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chúng ta, quyết định là có hình dáng giống như bức tượng chúng ta đang thờ, khiến cho bản thân chúng ta chẳng có chút hoài nghi nào. Ta mỗi ngày nhìn bức tượng ấy, đến cuối cùng, quả nhiên Phật hiện tiền, Ngài dẫn chúng ta đi, há có lầm lẫn ư? Tuyệt đối sẽ chẳng sai lầm! Đó là cái hay của việc cúng dường một hình tượng Bồ Tát [hay hình tượng Phật, suốt đời chẳng thay đổi]. Hiện thời, thờ một bức rất dễ dàng. Chúng ta đi ra ngoài, hãy chụp ảnh bức tượng chính mình đang thờ để có thể đem theo thân, đến chỗ nào cũng đều có thể cúng dường, chẳng cần phải mang theo tượng khắc hoặc tượng đắp! Nhất là tượng thờ rất lớn, mang theo chẳng thuận tiện. Chúng ta chụp hình mang theo rất thuận tiện. Giống như tượng Phật của chúng ta ở đây, chúng ta đều đã in ra, tượng Quán Âm Bồ Tát cũng được in ra, cuốn thành một cuộn, đặt trong hành lý, đi đến đâu cũng đều có thể mang theo. Tượng Phật trông thấy mỗi ngày là cùng một tượng Phật, tốt lắm!
Chúng ta lại xem phần kinh văn tiếp theo, xem hàng cuối cùng trong trang một trăm bốn mươi.
Thời Vi Đề Hy bạch Phật ngôn: – Thế Tôn, như ngã kim giả dĩ Phật lực cố, kiến bỉ quốc độ, nhược Phật diệt hậu chư chúng sanh đẳng, trược ác bất thiện, ngũ khổ sở bức, vân hà đương kiến A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới?
時韋提希白佛言 。世尊。如我今者以佛力故。見彼國
土。若佛滅後諸眾生等 。濁惡不善 。五苦所逼。云何當見
阿彌陀佛極樂世界。
(Khi ấy, bà Vi Đề Hy bạch Phật: – Bạch đức Thế Tôn! Như con nay do Phật lực được thấy cõi nước ấy, nếu sau khi đức Phật đã diệt độ, các loài chúng sanh trược ác, chẳng lành, bị năm nỗi khổ bức bách, sẽ thấy thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật bằng cách nào?)
Đây là lòng từ bi của phu nhân Vi Đề Hy. Do Thích Ca Mâu Ni Phật dùng thần lực triển hiện các cõi nước Phật trước mặt bà, bà được thấy thế giới Tây Phương. Bà là phàm phu, chẳng có Thiên Nhãn, do Phật lực gia trì khiến bà trông thấy để chọn lựa. Do đó, bà ta liền nghĩ: Trong tương lai, sau khi đức Phật diệt độ, đến thời kỳ Mạt Pháp, ngũ trược ác thế, chúng sanh khi ấy làm thế nào để có thể thấy thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật? Đối với chữ “trược ác”, phần chú giải đã trích dẫn đoạn Ngũ Ác, Ngũ Thống, Ngũ Thiêu được nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Đoạn kinh văn này chúng ta rất quen thuộc, nên nội dung đoạn này giống như Đại Kinh đã nói. Ở đây, ta thấy tấm lòng từ bi của phu nhân: Sau khi chính mình đã đắc độ, bèn nghĩ đến hết thảy chúng sanh sẽ đắc độ như thế nào, kiến giải chẳng giống vua Tần Bà Sa La! Quý vị thấy một đằng là Đại Thừa, một đằng là Tiểu Thừa. Tiểu Thừa thì chính mình đắc độ là được rồi, chẳng nghĩ đến người khác. Tâm Đại Thừa Bồ Tát thì chính mình còn chưa đắc độ, đã ngay lập tức nghĩ đến người khác. Thích Ca Mâu Ni Phật còn chưa dạy bà ta phương pháp tu hành, mà bà ta đã nghĩ đến người khác: Người khác làm thế nào để có cơ duyên này ngõ hầu cũng có thể đắc độ? Đó là sự khác biệt giữa tâm lượng Tiểu Thừa và Đại Thừa, tư tưởng khác nhau!
Chúng ta xem phần kinh văn tiếp theo trong trang một trăm bốn mươi lăm.
Phật cáo Vi Đề Hy: – Nhữ cập chúng sanh, ưng đương chuyên tâm hệ niệm nhất xứ, tưởng ư Tây Phương.
佛告韋提希 。汝及眾生。應當專心繫念一處。想於西
方。
(Đức Phật bảo Vi Đề Hy: – Bà và chúng sanh hãy nên chuyên tâm
hệ niệm nhất xứ, tưởng Tây Phương).
Hàm nghĩa trong kinh văn này hết sức sâu xa. Chữ “nhữ” (汝) chỉ phu nhân Vi Đề Hy. Chữ “chúng sanh” bao gồm chúng ta trong đó; chỉ cần là kẻ đời sau, có duyên đọc bộ kinh điển này, liền được bao gồm trong đó. Do vậy có thể biết, đức Phật khai thị lần này cho phu nhân Vi Đề Hy, cũng là khai thị cho mỗi vị đồng tu chúng ta. Bà Vi Đề Hy là bậc đương cơ; chúng ta mở bộ kinh điển này ra, đọc tụng, tiếp xúc bộ kinh điển này thì cũng là đương cơ của bản kinh này. Do đó, sự giáo học của đức Phật là một Thể hoàn toàn bình đẳng, dạy chúng ta “hãy nên chuyên tâm hệ niệm nhất xứ, tưởng Tây Phương”, câu này là khuyên tu. “Chuyên tâm hệ niệm” thì mới có thể bỏ vọng tưởng. Vì sao người bình phàm chẳng thể chế phục vọng tưởng? Do ý niệm của họ chẳng chuyên. Nếu ý niệm chuyên nhất, những vọng niệm khác sẽ tự nhiên chẳng sanh. Phàm phu chẳng thể nào chẳng có niệm. Phương pháp của đức Phật rất xảo diệu, tức là dùng ngay ý niệm [niệm Phật] này để ngưng dứt vọng niệm. Dùng phương pháp này khiến cho trong ý niệm của quý vị chỉ nghĩ đến một chuyện. Chẳng khởi niệm thì thôi, hễ khởi niệm bèn nghĩ tới một chuyện, tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, tưởng A Di Đà Phật là được rồi. Dùng niệm để dứt niệm, dạy chúng ta sử dụng phương pháp này. Tu học phương pháp này sẽ thuận tiện hơn nhiều!
Dưới đây, đức Phật dạy chúng ta cách tưởng, [hãy xem] trang một trăm bốn mươi sáu.
Vân hà tác tưởng?
云何作想。
(Quán tưởng như thế nào?)
Cách tưởng ra sao?
Phàm tác tưởng giả, nhất thiết chúng sanh, tự phi sanh manh, hữu mục chi đồ, giai kiến nhật một.
凡作想者 。一切眾生。自非生盲。有目之徒。皆見日
沒。
(Phàm là quán tưởng, hết thảy chúng sanh nếu chẳng phải là kẻ mù từ lúc mới sanh ra, những ai có mắt đều thấy mặt trời lặn).
Đây là nêu thí dụ để dạy cách tưởng như thế nào. Hết thảy chúng
sanh nếu chẳng phải là kẻ sanh manh, “sanh manh” (生盲) là sanh ra liền bị mù thì gọi là “sanh manh”. Nếu chẳng phải là tình hình ấy, nhất định đã từng thấy mặt trời ngả bóng, ắt phải là đã từng thấy cảnh tượng mặt trời lặn. Thật ra, đức Phật dạy điều này là nói về xưa kia, trước kia cảnh mặt trời lặn, đặc biệt là sống ở hương thôn, chúng ta thường trông thấy. Hiện thời, tại đô thị, sống trong cao ốc, có thể là có kẻ suốt đời chưa hề thấy cảnh mặt trời mọc hay lặn, người ấy tu phép quán tưởng này cũng rất khó khăn, vì chẳng có kinh nghiệm này. Người hiện thời sống tại đô thị, khi đến chơi núi A Lý[1], thấy mặt trời xuất sơn, tức là thấy mặt trời mọc. Thấy mặt trời mọc thì có, chứ thấy mặt trời lặn dường như vẫn chưa hề nghe nói tới! Do đó, trước hết, đức Phật dạy chúng ta quán tưởng phương hướng, tưởng Tây Phương, nơi mặt trời lặn là Tây Phương, tưởng hình dạng mặt trời lặn.
Đoạn kinh văn kế tiếp [bắt đầu] từ hàng cuối cùng trong trang một trăm bốn mươi bảy.
Đương khởi tưởng niệm, chánh tọa Tây hướng, đế quán ư nhật dục một chi xứ.
當起想念。正坐西向。諦觀於日欲沒之處。
(Hãy nên khởi tưởng niệm, ngồi ngay ngắn hướng về phía Tây, quán kỹ lưỡng nơi mặt trời sắp lặn).
“Đế quán” là quán sát cặn kẽ, hãy xem nơi mặt trời lặn.
Linh tâm kiên trụ, chuyên tưởng bất di, kiến nhật dục một, trạng như huyền cổ.
令心堅住。專想不移。見日欲沒。狀如懸鼓。
(Khiến cho tâm trụ chắc, chuyên quán tưởng chẳng đổi dời, thấy mặt trời sắp lặn, hình dạng như cái trống treo).
Khi mặt trời sắp lặn, chỉ thấy một vầng mặt trời đỏ rực, giống như
một cái trống, tức cái trống đang treo lơ lửng trong không trung.
Ký kiến nhật dĩ, bế mục, khai mục, giai linh minh liễu.
既見日已。閉目開目。皆令明了。
(Đã thấy mặt trời rồi, [hãy quán tưởng sao cho] nhắm mắt, mở mắt, đều thấy rõ ràng).
Quán thành công sẽ là cảnh giới như thế này: Nhắm mắt, mặt trời ở trước mặt; mở mắt, mặt trời vẫn ở trước mặt. Đó là quán tưởng thành công. Nếu mở mắt, mặt trời ở trước mặt, nhưng nhắm mắt, mặt trời chẳng còn nữa, tức là quán chưa thành công. Hoặc là nhắm mắt, hình tượng ấy ở trước mặt, nhưng mở to mắt lại chẳng còn, cũng chẳng thể coi như là thành công được! Phép Quán này cũng rất khó. Sau khi quán thành công, bất luận ở nơi nào, mở to mắt, mặt trời quả thật ở trước mặt; nhắm mắt, mặt trời vẫn ở trước mặt. Đó là phép Quán thứ nhất thành tựu. Trong mười sáu phép Quán, đây là phép Quán đầu tiên, là phép Quán dễ nhất. Quý vị thử tập xem, quý vị có bản lãnh quán thành công hay chăng? Có thể quán thành công, sẽ có thể vãng sanh. Trong mười sáu phép Quán, chỉ cần quán một phép thành công, sẽ đều có thể vãng sanh. Chẳng cần phải là mỗi phép Quán trong mười sáu phép Quán đều thành công, chỉ cần thành một phép Quán là được rồi. Nói rất dễ dàng, làm thì sẽ rất khó thực hiện! Nếu chẳng chuyên tâm đến tột bậc, cảnh giới này sẽ chẳng thể hiện tiền.
Thị vi nhật tưởng, danh viết Sơ Quán.
是為日想。名曰初觀。
(Đó là phép tưởng mặt trời, gọi là phép Quán đầu tiên).
Đây là phép Quán thứ nhất trong mười sáu phép Quán. Sau đoạn kinh văn này, có chú giải rất nhiều, nhưng không gì chẳng nhằm nói rõ nguyên lý này. Thiên Thai đại sư dùng đạo lý Nhất Tâm Tam Quán để thuyết minh sự thật này. Nếu chẳng đạt đến Nhất Tâm Tam Quán, cảnh giới này chẳng thể hiện tiền! Do vậy, quán thành công hết sức khó khăn. Sau khi quán thành công, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn phải trừ bỏ tướng hư vọng ấy. Vì sao? Trong tâm thanh tịnh vốn chẳng có một vật, lẽ đâu có mặt trời? Quý vị phải hiểu đạo lý này, mới hiểu trong bốn loại niệm Phật, Trì Danh thù thắng bậc nhất. Trước đây, tôi đã từng hỏi thầy Lý chuyện này, thầy Lý bảo tôi: “Quán rất khó thành tựu! Quán thành công, anh nghĩ xem ấn tượng sâu đậm cỡ nào! Giống như chúng ta tưởng niệm một ai đó, thời thời khắc khắc đều nghĩ nhớ người ấy. Người ấy ở ngay trước mặt, tưởng niệm khắc sâu ngần ấy. Trong A Lại Da Thức, sức mạnh ấy phải mạnh mẽ lắm thì hiện tượng ấy mới hiện thành được! Nhưng nó toàn là tướng hư vọng, sau khi đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, lại còn phải trừ bỏ tướng ấy. Quán thành công khó khăn, về sau, trừ bỏ nó cũng khó, xóa bỏ cũng khó, vì sao? Ấn tượng quá sâu!” Vì vậy, thầy nói [mười lăm phép Quán trước] chẳng bằng [niệm] danh hiệu. [Bởi lẽ], xóa bỏ danh hiệu dễ dàng, do biết danh hiệu là giả danh. Vì vậy, chấp trì danh hiệu vãng sanh thế giới Tây Phương dễ dàng; sau khi đã sanh về thế giới Tây Phương, trừ bỏ danh hiệu cũng dễ dàng. So với chuyện đã quán thành công rồi, sau đó lại bỏ phép Quán ấy, chúng ta suy nghĩ sẽ tự biết sự khó hay dễ trong ấy.
Thầy khuyên chúng tôi, biết lý luận và phương pháp quán tưởng niệm Phật, nhưng chẳng cần phải dùng tới, vẫn giữ lối trì danh niệm Phật, giữ cách này sẽ tốt đẹp. Trì Danh tương ứng với Thật Tướng, còn phương pháp [quán tưởng] này chẳng tương ứng với Thật Tướng. Quán Tưởng Niệm Phật và Quán Tượng Niệm Phật đã khó, lại còn chẳng tương ứng. Trì danh niệm Phật dễ dàng, tương ứng với Thật Tướng. Đó là lý do vì sao chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức đặc biệt nhấn mạnh, đề xướng pháp môn Niệm Phật, đạo lý ở ngay chỗ này.
[1] A Lý Sơn là một trong năm rặng núi lớn (Trung Ương Sơn Mạch, Tuyết Sơn, Ngọc Sơn, A Lý Sơn, và Hải Ngạn Sơn Mạch) ở Đài Loan. Rặng núi A Lý Sơn chạy từ trấn Tập Tập thuộc huyện Nam Đầu ở phía Bắc đến khu Yến Sào thuộc thành phố Cao Hùng ở miền Nam, dài đến 250 km, ngọn cao nhất là Đông Thủy Sơn (2.611m), các ngọn núi nổi tiếng khác thuộc rặng núi này là Lãnh Đầu, Kim Cam Thụ, Ngũ Xa Luân, Sư Tử Đầu, Lộc Khuất, Ô Tùng Khanh, Tùng Sơn, Tiểu Tháp, Đại Tháp, Đối Cao, Chúc Sơn, Tiểu Lạp, Tự Trung, Bắc Hà, Kê Tử, Bằng Dục v.v…