#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 13
Xin mở kinh bổn, trang sáu mươi tám, dòng thứ hai đếm từ dưới lên:
“Tam, Minh Tông”: Đây là phần Huyền Nghĩa, cũng là đoạn lớn thứ ba trong phần Khái Yếu. “Tông vị yếu, thử kinh chi yếu, tại tu tâm diệu quán, cảm ư Tịnh Độ” (Tông nghĩa là chánh yếu. Điều chánh yếu trong kinh này là tu tâm diệu quán cảm Tịnh Độ). Phần Biện Thể được nói trong phần trước là căn cứ lý luận, đoạn này nói đến tông chỉ, tức là phương pháp tu hành, cũng là tổng cương lãnh tu học của toàn bộ kinh này, hết sức quan trọng. Nếu hiểu rõ lý luận, nhưng chẳng biết phương pháp tu học, thì vẫn chẳng thể thụ dụng. Phương pháp tu hành trong kinh này là Quán, tức là mười sáu phép Diệu Quán. Chúng ta đọc phần tiếp theo: “Tâm quán, tức thị Nhất Tâm Tam Quán, Thích Danh chi trung, kỳ tướng dĩ ủy” (Tâm quán chính là Nhất Tâm Tam Quán. Trong phần giải thích tên kinh, đã giải thích tướng ấy). “Ủy” (委) là đã được giải thích. Trong phần trước đã nói qua, [nên lời Sao viết tiếp]: “Cảm độ chi tướng, thử văn bị luận” (Trong phần kinh văn nói về tướng trạng của các cõi nước được cảm, đã luận định đầy đủ). Tu Nhất Tâm Tam Quán, cảm được bốn thứ Tịnh Độ, bốn thứ Tịnh Độ đã được nói rõ trong đoạn ấy. “Kim kinh diệu tông, tại thử nhân quả” (Tông chỉ mầu nhiệm của kinh này ở trong nhân quả ấy): Nhất Tâm Tam Quán là nhân, cảm bốn cõi [Tịnh Độ] là quả, tu nhân chứng quả. Chúng ta xem đoạn kinh văn tiếp theo.
“Thứ minh kinh Tông” [nghĩa là] tiếp theo đây, trong đoạn thứ ba, sẽ nói rõ tông chỉ của kinh này. “Sơ giản Tông Thể, thứ chánh minh Tông” (Trước hết là biện định Tông và Thể; sau đó, sẽ chánh thức nói về Tông), chia thành hai đoạn. Chúng ta xem kinh văn: “Hữu nhân ngôn, Tông tức thị Thể, Thể tức thị Tông” (Có người nói: Tông chính là Thể, Thể chính là Tông). Có kẻ nói như vậy, coi Tông và Thể là một chuyện, thật ra, chẳng đúng, Tông và Thể có sai biệt. “Kim sở bất dụng” (Nay chẳng dùng thuyết ấy), [nghĩa là] không chủ trương tuân theo cách nói như vậy. “Hà giả? Tông ký thị nhị, Thể tức bất nhị. Thể nhược thị nhị, Thể tức phi Thể” (Vì lẽ nào? Tông đã là hai, Thể chính là chẳng hai. Nếu Thể là hai, thì Thể chẳng phải là Thể). Xác thực là bản thể chỉ có một, chẳng thể có hai; hễ có hai, sẽ chẳng thể gọi là Thể được! “Tông nhược bất nhị, Tông tức phi Tông” (Nếu Tông chẳng hai, Tông sẽ chẳng phải là Tông). Tông là phương pháp tu hành. Xác thực là đối với phương pháp tu hành, mỗi bộ kinh có phương pháp riêng của bộ kinh ấy, tuyệt đối chẳng phải là một. “Như lương trụ, thị ốc chi cương duy” (Như kèo cột, là cái khung của căn nhà): Nêu tỷ dụ về việc dựng nhà, cột và kèo trong khi dựng nhà hết sức quan trọng. Trước hết, phải gác dựng kèo cột rồi mới có thể lợp nhà. “Ốc không, thị lương trụ sở thủ” (Khoảng trống trong căn nhà là do kèo cột tạo thành), sử dụng căn nhà là sử dụng khoảng không gian [trong căn nhà ấy]. Nếu nhà chẳng có khoảng trống bên trong, căn nhà ấy sẽ chẳng thể sử dụng được! Vì thế, nói là “dùng Không”. “Bất ưng dĩ lương trụ thị ốc không, ốc không thị lương trụ” (Chớ nên nghĩ kèo cột là khoảng trống trong nhà, coi khoảng trống trong nhà là kèo cột). Nêu tỷ dụ này dễ hiểu, đó là tỷ dụ về Tông. Xét theo bản chất của Tông, thì quả thật chẳng phải là một, mà là hai; nhưng mối quan hệ giữa Tông và Thể hết sức mật thiết! Tông ắt phải nương vào Thể để kiến lập, tách rời khỏi Thể thì lấy đâu ra Tông?
Trong phần Sao tiếp đó, tức là trong phần chú giải, có hai câu nói rất khẩn yếu: “Tông thị nhân, quả thuộc Sự” (Tông là nhân, quả thuộc về Sự). Trong đây, [đã nêu lên] mối quan hệ nhân quả, tu nhân sẽ chứng quả. Vì vậy, Tông là cương lãnh tu hành, quả báo là bốn thứ Tịnh Độ ở Tây Phương. “Thể thị nhất tánh, thuộc Lý” (Thể là một tánh, thuộc về Lý), nhân cũng căn cứ trên Lý ấy, mà quả vẫn căn cứ trên Lý ấy, Lý là một. “Tuy bất tương xả, nhị nghĩa tu phân” (Tuy chẳng lìa bỏ nhau, nhưng hai nghĩa vẫn cần phải tách biệt). Xác thực là nhân quả đều có nền tảng là nguyên lý ấy, nhưng chúng ta vẫn phải phân biệt rõ ràng, chẳng thể nói hàm hồ, lẫn lộn được. Vì thế, cần phải tách hai nghĩa ra. “Chấp định thị nhất, ư nghĩa quai vi” (Chấp chặt chúng là một, sẽ trái nghịch giáo nghĩa). Nếu cứ chấp trước nói chúng là một, sẽ mâu thuẫn giáo nghĩa. Kiên quyết chấp trước [Tông và Thể] là một thì vẫn có thể nói cho suông, nhưng tu hành như thế nào, chứng quả như thế nào, sẽ rất khó! Vì thế, ắt phải phân biệt chúng.
Đoạn kế tiếp, quý vị tự xem lời chú giải. Chúng ta đọc đoạn sau đó: “Giản Tông Thể dị” (Biện định về sự khác biệt giữa Tông và Thể), nói rõ vì sao chẳng thể nói gộp chung [Tông và Thể] thành một được, mà cứ nhất định phải phân biệt rõ ràng. [Điều này được trình bày trong] hàng thứ hai từ dưới đếm lên nơi trang bảy mươi.
“Tông Thể dị giả, tắc nhị vật cô điều. Tông phi hiển Thể chi Tông,
Thể phi Tông gia chi Thể” ([Nếu hiểu là] Tông và Thể khác nhau, chúng sẽ trở thành hai thứ cách biệt cô lập. Tông sẽ chẳng là cái Tông nhằm hiển Thể, Thể chẳng phải là cội nguồn của cái Tông nữa). Nói thật ra, Tông và Thể có mối quan hệ mật thiết, chính là mối quan hệ “Lý và Sự là cùng một Thể”. Rời khỏi Lý, lấy đâu ra Sự? Chẳng có Sự, Lý cũng chẳng thể hiển thị được. Tông và Thể có mối quan hệ như vậy, mật thiết dường ấy. Do đó, ở đây [lời Sớ] giảng: Nếu nói Tông và Thể khác nhau, sẽ thật sự biến thành hai vật lẻ loi, Tông sẽ chẳng thể hiển Thể. Thể là Chân Như bản tánh. Hết thảy chúng sanh thật sự vốn sẵn có Chân Như bản tánh; tuy sẵn có, nó chẳng hiển lộ, do đã bị mê. Ắt cần phải cậy vào Tu Đức thì mới có thể hiển lộ Tánh Đức. Tánh Đức là Thể, Tu Đức là Sự, không tu sẽ chẳng thể thành Phật. Nói thật ra, hết thảy chư Phật cũng đều là tu thành, các Ngài tu thành như thế nào? Bản tánh vốn sẵn trọn đủ, vì các Ngài có Phật Tánh, nên chỉ cần chịu tu, nhất định là có thể thành Phật. Đây là nêu bày công dụng của mối quan hệ giữa Tông và Thể. Do đó, chớ nên chấp trước [Tông và Thể] là một, mà cũng chẳng thể chấp trước là hai. Hễ chấp trước thì sai mất rồi, chúng ta hiểu mối quan hệ của chúng như vậy là được rồi!
Tiếp đó là phần Chánh Thuyết, tức là chỉ bày [Tông là gì, điều này được nêu ra trong] hàng thứ tư đếm từ dưới lên nơi trang bảy mươi mốt. “Kim ngôn bất dị nhi dị, cố hữu Tông; bất nhất nhi nhất, cố hữu Thể dã” (Nay nói “chẳng khác mà khác” nên có Tông. “Chẳng một mà là một” nên có Thể). Nói rất hay, đây mới là nêu bày chân tướng sự thật. Chúng ta xem chú giải: “Phổ Hiền Quán Kinh vân, Đại Thừa nhân giả, chư pháp Thật Tướng thị, Đại Thừa quả giả, chư pháp Thật Tướng thị. Thật Tướng nhân quả, bất dị nhi dị, phi đảo Hữu ấn, thử vi diệu tông. Nhân quả Thật Tướng, bất nhất nhi nhất, phi sự ngoại lý, thử vi diệu thể” (Kinh Phổ Hiền Quán[1] nói: “Cái nhân của Đại Thừa là Thật Tướng của các pháp, quả của Đại Thừa là Thật Tướng của các pháp”. Thật Tướng nhân quả, chẳng khác mà khác, chẳng xóa bỏ Hữu ấn[2], đấy là diệu tông. Thật Tướng nhân quả, chẳng phải một mà là một, chẳng phải là Lý ở ngoài Sự, đấy chính là diệu thể). Đoạn giải thích này rất hay, lời lẽ đơn giản, nhưng ý nghĩa trọn vẹn. Lìa khỏi Thật Tướng sẽ chẳng có một pháp nào để được! Nói đơn giản, Thật Tướng là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, đó là Lý Thể. Chúng ta tu hành ắt phải thuận theo nó, nương vào nó, mà chứng quả cũng chính là nó. Từ chỗ này, chúng ta hiểu hết thảy các pháp xác thực là quy nhất (trở về một), giống như Thiền Tông đã nói “vạn pháp quy nhất”, nhất là gì vậy? Nhất Thật Tướng.
Mục đích tu học chung cực trong Phật pháp là khiến cho chúng ta nhận thức chân tướng của vũ trụ và nhân sinh; hễ nhận thức chân tướng của vũ trụ, sự tu hành chứng quả trong Phật pháp bèn viên mãn. Do vậy, nếu chư vị hỏi Phật pháp là gì? Mấy câu đơn giản này đã nói trọn hết toàn bộ Phật pháp. Vấn đề vướng mắc trong hiện tại của chúng ta là chẳng biết chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Không chỉ chẳng biết vũ trụ và nhân sinh, mà ngay cả chính mình cũng chưa hiểu rõ ràng, đó là mê, là điên đảo. Vì lẽ đó, mọi cách nhìn, cách thấy, cách làm đều phát sanh sai lầm, những sai lầm ấy đã đem lại cho chúng ta rất nhiều nỗi thống khổ! Chúng ta học Phật thì phải nhận thức chính mình, nhận thức vũ trụ, nhận thức nhân sinh. Đã hiểu thật rõ chân tướng thì tư tưởng, kiến giải và cách làm của chúng ta sẽ chẳng phạm sai lầm nữa. Chẳng phạm sai lầm, sẽ chẳng có đau khổ, chẳng còn khổ nạn nữa. Đó là mục đích giáo học và tu học trong Phật pháp. Phương pháp trong kinh này hết sức xảo diệu. Tông là tông chỉ tu hành, [tông chỉ tu hành của Quán Kinh] là một tông chỉ tu hành xảo diệu, quả đức của diệu tông là diệu thể.
Tiếp đó, nói thẳng thừng tông chỉ của bản kinh này. Trong hàng thứ hai, nơi trang bảy mươi hai: “Kim thử kinh Tông” (Nay Tông của kinh này), “thử kinh” là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, tông chỉ của bộ kinh này là gì? Cương lãnh quan trọng trong tu hành là gì? “Dĩ tâm quán tịnh, tắc Phật độ tịnh, vi kinh Tông Trí” (Do tâm quán tịnh thì cõi Phật tịnh, đó là Tông Trí[3] của kinh). “Trí” (致) là đạt tới mức tột bậc. Câu này hết sức quan trọng, đúng như kinh Tịnh Danh đã nói: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Chư vị đồng tu tu học Tịnh Độ, bất luận quý vị dùng Quán Tưởng, Quán Tượng, hay Trì Danh để niệm Phật, điều khẩn yếu nhất là phải đạt đến cái tâm thanh tịnh. Nếu tâm chẳng thanh tịnh, quý vị quán tưởng, quán tượng, hay trì danh đều chẳng đạt được kết quả. Giống như học hành trong trường, tuy học tập rất siêng năng, đi thi chẳng đậu, vì sao? Quý vị chẳng nắm được trọng điểm, trọng điểm chính là tâm thanh tịnh. Nói thật thà, hiện thời chúng ta tu hành công phu chẳng đắc lực, là do nguyên nhân nào? Chúng ta chịu niệm kinh, mỗi ngày niệm khá nhiều lượt, chịu niệm Phật, một ngày niệm mấy vạn tiếng, nhưng tâm chẳng thanh tịnh! Vừa niệm vừa còn suy nghĩ loạn xạ, lại còn có thị phi, nhân ngã, lại còn thấy khuyết điểm của kẻ khác, bươi móc tật xấu của người ta, vậy thì làm sao được nữa đây? Kẻ như vậy chẳng biết niệm Phật tu hành chính là tu cho hết những phiền não, tập khí, khuyết điểm. Hễ xóa bỏ chúng, tâm sẽ thanh tịnh. Khôi phục tâm địa thanh tịnh, chúng ta liền đạt được mục đích tu học, hiện tiền là đạt được thân tâm thanh tịnh, tự tại an lạc, trong tương lai vãng sanh Tịnh Độ. Quý vị nói xem: Có quan trọng lắm hay không?
Chúng ta xem chú giải. Đoạn chú giải này hết sức khẩn yếu, có mối quan hệ mật thiết với niềm kỳ vọng trong sự tu học của chúng ta trong hiện thời: “Đại Thừa chi pháp, kỳ yếu tại tâm” (Điều quan trọng trong pháp Đại Thừa là tâm). Khác với pháp Tiểu Thừa, pháp Tiểu Thừa chú trọng sự tướng, chú trọng những chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Pháp Đại Thừa coi trọng tâm thanh tịnh, khác hẳn! “Tâm cụ dị tri, sắc cụ nan giải” (Tâm trọn đủ dễ biết, sắc trọn đủ khó hiểu), “cụ” (具) là trọn đủ. Kinh nói trong tâm trọn đủ vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, chúng ta nghe xong, dường như có thể hiểu tình hình ấy. Sắc là sắc tướng, nhưng [nghe nói] sắc tướng cũng trọn đủ thì chẳng dễ hiểu, khó hiểu lắm. “Cố Chỉ Quán vân, nhân thông dị thức, quả cách nan tri” (Vì vậy, sách Chỉ Quán nói: “Nhân do tương thông nên dễ biết, quả do sai khác nên khó hiểu”). “Quả” là quả báo, quả báo có tới mười pháp giới; còn nói tới nhân thì mười pháp giới có nền tảng là một cái nhân, tức là tâm. Mười pháp giới chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến. Thức là Dụng (tác dụng) của tâm, chẳng phải là bản thể của tâm, mà là tác dụng của tâm. Tác dụng của tâm còn có thuận, nghịch, có tác dụng thuận tánh, có tác dụng trái nghịch tự tánh. Thuận theo tự tánh, liền biến thành quả báo trong tứ thánh pháp giới; trái nghịch tự tánh, liền biến thành quả báo trong lục phàm. Thuận, nghịch là gì? Chúng ta khởi tâm động niệm, thuận theo tâm thanh tịnh bèn gọi là “thuận tánh”. Khởi tâm động niệm mà tâm chẳng thanh tịnh bèn là “trái nghịch tự tánh”. Tôi nói theo cách này, chư vị tương đối dễ hiểu hơn!
Chân tánh là gì? Tôi dùng tâm thanh tịnh để nói. Thật ra, nói theo cách này cũng chẳng sai, vì tựa đề kinh Vô Lượng Thọ là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Do vậy, nói thật ra, tông chỉ tu hành trong kinh Vô Lượng Thọ là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Nói ba thứ, nhưng nói thật ra, ba thứ ấy chính là Tam Bảo. Tôi nghe nói hiện thời có chẳng ít đồng tu muốn phát tâm quy y, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Thanh tịnh là Tăng Bảo, bình đẳng là Pháp Bảo, giác là Phật Bảo; do đó, Tam Bảo đều ở trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ. Đấy là tổng cương lãnh trong sự tu học Đại Thừa. Vì vậy, kinh Vô Lượng Thọ hay lắm, nói thật ra là toàn bộ Thể, Tướng, Dụng đều ở trong tựa đề kinh. Vô Lượng Thọ là Chân Như bản tánh, là Thể. Trang Nghiêm là Tướng. Trang Nghiêm là gì? Tây Phương có tên là thế giới Cực Lạc, Cực Lạc là trang nghiêm, trang nghiêm hoàn mỹ chẳng thiếu khuyết. Trang nghiêm nói đơn giản là “hình tượng”. Thuận tánh thì hình tượng thiện, chẳng thuận tánh là hình tượng bất thiện. Tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, sẽ biến hiện các ác tướng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh trang nghiêm, chẳng thể nói không phải là trang nghiêm, vẫn là trang nghiêm! Do vậy, danh từ “trang nghiêm” có phạm vi hết sức rộng rãi. Y báo và chánh báo trong mười pháp giới đều có thể gọi là “trang nghiêm”. Trong trang nghiêm, có sự tốt xấu khác nhau, thiện ác khác nhau, gọi chung là “trang nghiêm”. Vì vậy, Trang Nghiêm là tướng, Vô Lượng Thọ là Thể, “thanh tịnh, bình đẳng, giác” là tu nhân. Chúng ta phải nên biết tu như thế nào thì mới có thể chứng đắc sự trang nghiêm trong Cực Lạc, đó là trang nghiêm viên mãn rốt ráo.
“Cố quán Tự, quán Tha, giai tu tâm quán” (Vì thế, quán Tự hay quán Tha đều là tu tâm quán). Chúng ta không chỉ phải ghi nhớ hai câu này, mà còn phải biết dùng. Nhà Thiền thường gọi “quán Tự” là “quán tâm”. Quán Tự là quán khởi tâm động niệm của chính mình, có thể biết khởi tâm động niệm của chính mình là thiện hay ác. Đó là giác, chứ không mê. Quán Tha là quán khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác của kẻ khác. [Thật ra], quán Tha là quán Tự, vì quán sát khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác của người khác có ảnh hưởng đến ta hay không? Ví như người khác tán thán ta, ta rất khoái chí, rất hoan hỷ, ta đã bị kẻ khác lay động mất rồi! Người khác chửi ta mấy câu, ta giận dữ, mấy ngày chẳng nguôi giận, đó là chẳng thể làm chủ chính mình, bị cảnh giới bên ngoài lay chuyển. Bị cảnh giới bên ngoài lay chuyển thì người Hoa nói là Phong Thủy. Phong là gì? Bên ngoài. Thủy ví như cái tâm của chính mình. Gió vừa thổi, tâm ta bèn chuyển động, ngay lập tức cuồn cuộn nổi sóng. Phong Thủy có ý nghĩa như thế đó. Khi nào gió cảnh giới bên ngoài thổi như thế nào đi nữa, tâm ta như như bất động. Thưa cùng quý vị, chẳng bị ngoại cảnh chuyển, từ rày trở đi, chẳng cần xem Phong Thủy chi hết, vì Phong Thủy chẳng còn dính dáng với quý vị nữa! Quán Tha chính là quán điều này: Chúng ta có còn bị ngoại cảnh ảnh hưởng hay không? Có thể nói quán Tự hay quán Tha đều nhằm tu cái tâm thanh tịnh của chính mình, đều là tu thanh tịnh, bình đẳng, giác cho chính mình. Đó gọi là “biết tu hành”.
“Kim quán Tịnh Độ, tu cầu ư tâm, tâm năng cụ cố, tâm năng tạo cố, tâm cấu, độ cấu, tâm tịnh, độ tịnh” (Nay quán Tịnh Độ, cần phải cầu nơi tâm. Do tâm có thể trọn đủ, do tâm có thể tạo, nên tâm nhơ, cõi nước nhơ, tâm sạch, cõi nước sạch). Mấy câu này hết sức quan trọng. Nếu thật sự hiểu phương pháp và đạo lý này để tu hành, không có gì chẳng thành tựu. Chẳng biết đạo lý và phương pháp tu hành này, dẫu dụng công như thế nào, công phu cũng chẳng đắc lực. Đây chính là thật sự dạy cho chúng ta biết cương lãnh tu hành. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều vốn sẵn có trong tự tâm. Thế giới Cực Lạc do tự tâm tạo, thế giới Sa Bà cũng do tự tâm tạo. Tâm tạo vạn vật. Tâm chẳng thanh tịnh, cõi nước là hoàn cảnh, hoàn cảnh sẽ chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, hoàn cảnh liền thanh tịnh. Thật vậy! Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói bao nhiêu lượt, nói rất thấu triệt: “Nhược năng chuyển cảnh, tắc đồng Như Lai” (Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai). Vấn đề hiện tại là cái tâm của chúng ta có thể chuyển cảnh, hay là bị hoàn cảnh chuyển? Nói “tâm chúng ta bị hoàn cảnh chuyển”, thưa cùng quý vị, đó là giả, là sai lầm, là mê, quyết định chẳng phải là giác. Tâm chuyển cảnh là thật, chẳng giả tí nào, vì sao? Hết thảy chỉ do tâm tạo. “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Hãy nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ là tâm tạo): Tánh là tánh thể. Bản thể của hết thảy vạn pháp là tâm tạo, tâm biến, tâm hiện. Trong hai câu ấy, “tâm trọn đủ, tâm tạo, tâm cấu, tâm tịnh” chính là nguyên lý của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, là Thật Tướng và chân tướng của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới.
Nay chúng ta nói hoàn cảnh không tốt, chuyển hoàn cảnh như thế nào? Chuyển từ tâm địa. Người thế gian hiện thời nghĩ đủ mọi phương pháp để làm đẹp hoàn cảnh, chẳng biết chuyển hoàn cảnh từ tâm địa. Hoàn cảnh bên ngoài dẫu chưng dọn đẹp đẽ cách mấy đi nữa, nhưng trong lòng ưu sầu, vướng mắc, phiền não quá nặng, dẫu có hoàn cảnh đẹp đẽ, chẳng thể nào thưởng thức! Nếu tâm địa thật sự thanh tịnh, chẳng cần cố ý làm đẹp hoàn cảnh, nó có vẻ đẹp tự nhiên. Thơ cổ nhân có câu: “Lục mãn song tiền, thảo bất trừ” (Trước song chẳng nhổ, cỏ xanh um), quý vị thấy rất đẹp. Đó là gì? Bên ngoài đủ thứ cây cỏ mọc lung tung, chẳng cắt xén, cứ để mặc nó, nó có một vẻ đẹp tự nhiên. Nay chúng ta cố ý dùng sức người tạo tác, chẳng phải là vẻ đẹp tự nhiên, nói thật thà thì sinh thái tự nhiên đã bị phá hoại. Mấy câu này dạy chúng ta tu hành phải coi trọng tu tâm, tu tâm bèn coi trọng tâm địa thanh tịnh. Để đạt được tâm địa thanh tịnh, phải buông hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống. Quý vị chẳng buông những thứ ấy xuống, tâm quý vị làm sao có thể thanh tịnh cho được? Do đó, nói thật thà, cái tâm của chúng ta khởi tâm động niệm đều là thị phi, nhân ngã, chẳng phải là [toan tính] tự tư tự lợi cho chính mình, thì cũng là người khác trở ngại chúng ta. Hằng ngày khởi ý niệm ấy, đó là chướng ngại trọng đại trong sự tu hành.
Vì thế, bộ kinh này dạy chúng ta phương pháp: Hễ khởi tâm động niệm bèn tưởng Phật, niệm Phật. Chúng ta là phàm phu, tập khí nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay rất nặng, chẳng thể không tưởng, suy tưởng chẳng ngừng, suy nghĩ loạn xạ, căn bệnh ấy cũng rất nặng. Nay kinh dạy chúng ta hãy gom những suy tưởng loạn xạ thành một tưởng, tức là tưởng A Di Đà Phật, tưởng y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng dấy lên một niệm tưởng gì khác. Nếu tưởng khác, ngay lập tức buông xuống loạn tưởng ấy, ta tưởng thế giới Cực Lạc, tưởng A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, dùng phương pháp này để khôi phục tâm địa thanh tịnh. Nếu không, niệm Phật hiệu, niệm kinh này, há có ý nghĩa gì? Chỉ dùng phương pháp này để khôi phục cái tâm thanh tịnh, chế phục hết thảy vọng tưởng mà thôi!
“Thử do thông thị, vị thị đích luận” (Điều này vẫn còn là nói chung chung, chưa phải là luận định đích xác). Đúng thế! Đây là nói tới nguyên lý, tất cả hết thảy các pháp Đại Thừa thảy đều căn cứ trên nguyên lý này. Có thể nói bộ kinh này là tinh yếu nhất trong các điều tinh yếu, bộ kinh này “đích tại nhất tâm, đốn tu Tam Quán” (Đích thực là chú trọng nhất tâm, tu Tam Quán mau chóng), đây là nói đến Tịnh Độ Tông. Cổ nhân gọi phương pháp tu hành trong Tịnh Độ Tông là Đại Thừa của Đại Thừa, viên nhất trong các pháp viên, nhanh chóng nhất trong các pháp đốn, xác thực đã nắm được điều tinh yếu này, đó chính là Nhất Tâm Tam Quán. Tam Quán chẳng tu theo thứ tự, mà là đốn tu, tu một là tu hết thảy. “Thử Quán quán ư An Dưỡng y chánh” (Phép Quán này quán y báo và chánh báo của cõi An Dưỡng), An Dưỡng là thế giới Cực Lạc. “Y chánh”: Y báo là hoàn cảnh, chánh báo là người và vật. Chúng ta quán hoàn cảnh của Tây Phương Cực Lạc thế giới, thấy Phật và các vị Bồ Tát bên ấy thì Phật và Bồ Tát là chánh báo. “Tất cánh thanh tịnh” (Rốt ráo thanh tịnh), nói theo cách hiện thời, Phật, Bồ Tát là hoàn cảnh nhân sự, cây cối, hoa, cỏ, cung điện, vườn, rừng là hoàn cảnh vật chất để cư trụ. Hoàn cảnh nhân sự thanh tịnh, hoàn cảnh vật chất thanh tịnh. Dạy chúng ta hãy quán những hoàn cảnh ấy, thấy chúng thanh tịnh, dùng phương pháp ấy để dẫn khởi cái tâm thanh tịnh của chúng ta. “Danh tâm quán tịnh, thử Quán năng linh tứ Phật độ tịnh” (Gọi là tâm quán tịnh, phép Quán này có thể khiến cho bốn cõi Phật thanh tịnh). Cõi Phật có bốn loại: Cõi Thường Tịch Quang, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Phương Tiện Hữu Dư, và cõi Phàm Thánh Đồng Cư, bốn cõi đều là Tịnh Độ. “Như thị phương vi thử kinh Tông Trí” (Như thế mới là Tông Trí của kinh này), đấy mới là tông chỉ và nguyên lý tu hành của bản kinh này.
Trong thế giới này, bất luận hoàn cảnh nhân sự hay vật chất đều chẳng thanh tịnh. Không chỉ chẳng thanh tịnh, mà trong thời đại của chúng ta, có thể nói là ô nhiễm nghiêm trọng tới cùng cực. Điều này có ảnh hưởng hết sức to lớn đối với tâm lý chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là thánh nhân, sẽ bị hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng. Là phàm phu, tâm bị cảnh chuyển. Tu hành bất luận theo phương pháp nào đều hết sức khó khăn, chẳng dễ gì thành tựu. Dùng phương pháp Tịnh Độ, thật sự là có chỗ thù thắng so với hết thảy các phương pháp khác, nhưng phải biết dụng công. Chẳng biết dụng công thì vẫn không được. Có chẳng ít người biết lý luận và phương pháp, biết phải nên làm theo cách như vậy, nhưng cứ khăng khăng chẳng chịu làm như vậy, vì sao? Chẳng thể buông xuống. Vì sao chẳng thể buông xuống? Nói thật ra là do chưa hiểu lý luận triệt để, có hoài nghi, muốn làm, nhưng chẳng dám làm, đó là chướng ngại, Phật môn gọi chuyện này là “nghiệp chướng”. Trừ chẳng sạch nghiệp chướng, muốn làm mà không dám làm, sợ sệt, sợ sệt điều gì? Chẳng giữ nổi thân mạng, sợ ngày mai đói lạnh, sợ ngày mai chết đói! Ta hết thảy đều buông xuống thì ngày mai sẽ sống như thế nào đây? Ai sẽ chăm sóc ta? Vì thế, tuy biết là phải nên làm như thế nào, kết quả là vẫn chẳng dám làm, vẫn luân hồi trong lục đạo, vẫn làm phàm phu sanh tử!
Có mảy may chẳng thể buông xuống, tâm sẽ không thanh tịnh. Điều này còn được diễn tả là “tri dị, hành nan”, tức là biết dễ dàng, làm rất khó. Biết dễ, làm khó! Chúng ta nghe nói [như vậy] cũng thấy rất có lý; thật ra, đạo lý ấy chẳng phải là chân lý, chân lý là gì? Chân lý hoàn toàn đảo ngược, tức là “biết khó, làm dễ”, đó là chân lý. Quý vị biết dễ, làm khó, tức là quý vị biết chưa đủ triệt để. Nếu thật sự biết triệt để, sẽ buông xuống dễ dàng, thành Phật chẳng khó! Quý vị thấy là chiếu theo phương pháp trong kinh này, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ giảng rõ ràng hơn: “Hoặc một ngày” cho đến “hoặc bảy ngày” bèn thành Phật, thành Phật có khó khăn chi? Chẳng khó! Khó ở chỗ quý vị chẳng chịu buông xuống. Khó ở chỗ quý vị chẳng biết triệt để, lại chẳng thật thà! Người thật sự thật thà chuyện gì cũng chẳng biết, nhưng thầy dạy như thế nào, người ấy bèn chịu làm, chẳng hoài nghi, thật sự chịu làm theo. Dạy người ấy buông xuống, liền triệt để buông xuống, người ấy có thể làm được. Tuy người ấy chẳng hiểu lý luận, nhưng chịu làm, đó gọi là thật thà, là thiện căn sâu dầy. Chúng ta lại thua kém những người ấy, nên tu hành đúng là khó khăn!
Tiếp theo đó, sách nói bốn loại Tịnh Độ là quả báo, chỉ cần quý vị chịu tu cái nhân, nhất định có thể chứng quả báo thù thắng: “Tứ chủng Tịnh Độ, vị Phàm Thánh Đồng Cư độ, Phương Tiện Hữu Dư độ, Thật Báo Vô Chướng Ngại độ, Thường Tịch Quang độ dã” (Bốn loại Tịnh Độ là Phàm Thánh Đồng Cư độ, Phương Tiện Hữu Dư độ, Thật Báo Vô Chướng Ngại độ, Thường Tịch Quang độ). Trước hết, kể tên bốn loại Tịnh Độ rồi mới nói “tịnh uế chi tướng” (tướng nhơ sạch). “Các hữu tịnh uế” (Mỗi cõi đều có tịnh và uế): Đối với bốn loại Tịnh Độ này, nói thật ra, Ngài nói tịnh và uế là nói so sánh, chứ như chúng ta thấy, các cõi ấy đúng là thanh tịnh tột bậc. “Ngũ Trược khinh trọng, Đồng Cư tịnh uế” (Ngũ Trược nặng hay nhẹ là sự tịnh uế trong cõi Đồng Cư). Đây là nói tới cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhất định sẽ có Ngũ Trược, kinh Di Đà đã nói rất rõ ràng. Trong Ngũ Trược, thật sự quan trọng là Kiến Trược và Phiền Não Trược, vì sao? Hai loại này là nhân, ba thứ khác đều thuộc loại quả báo. Chỉ cần đoạn trừ hai thứ này, ba thứ kia đều chẳng có. Kiến là gì? Kiến giải, tư tưởng. Tư tưởng và kiến giải sai lầm, sẽ sanh ra phiền não. Nói theo cách hiện thời, chữ Trược (濁) nghĩa là ô nhiễm. Cái tâm thanh tịnh của chúng ta bị ô nhiễm bởi các thứ tư tưởng, bị ô nhiễm bởi các thứ kiến giải, bị ô nhiễm bởi tham, sân, si mạn. Tham, sân, si, mạn là phiền não.
Nếu chư vị đồng tu có thể nghe hiểu ý nghĩa của lời này, trong sự học Phật sẽ bài trừ rất nhiều chướng ngại. Chúng ta bị ô nhiễm bởi các thứ tư tưởng, bị ô nhiễm bởi các thứ kiến giải. Nếu quý vị hiểu lời này, tốt nhất là hết thảy tạp chí, báo chí đều chẳng xem, vì sao? Tránh bị ô nhiễm. Không chỉ chớ nên xem những thứ ấy, mà kinh Phật cũng chớ nên xem, vì sao? Sẽ bị Phật pháp ô nhiễm. Vì lẽ đó, đức Phật nói những pháp ấy cũng hại chết người, chẳng phải là chuyện tốt đẹp. Quý vị thấy trong Thiền Tông, đừng nói là bị ô nhiễm bởi Phật pháp hay bởi kinh điển, mà ngay cả một câu A Di Đà Phật cũng là ô nhiễm. Họ nói niệm Phật một tiếng, còn phải súc miệng ba ngày, sợ bị danh hiệu A Di Đà Phật ô nhiễm! Trong tâm thanh tịnh, chẳng lập một pháp, há có A Di Đà Phật? Vốn chẳng có một vật, hễ có A Di Đà Phật tức là còn có một vật. Vậy thì làm sao có thể trừ sạch ô nhiễm nơi tư tưởng và kiến giải? Thiền Tông dùng phương pháp rất triệt để, ngay cả căn cội cũng trừ sạch. Phật pháp mà còn chẳng thể xem, pháp thế gian càng chẳng cần phải nhắc tới! Ô nhiễm bởi Phật pháp nhẹ hơn một chút, ô nhiễm bởi pháp thế gian nặng hơn.
Vì thế, hễ nói đến tâm địa thanh tịnh thì chẳng thể tiếp nhận loại ô nhiễm này. Người sống trong một khu vực chưa được khai hóa, đối với hết thảy các học thuyết và tư tưởng trong thế gian, họ đều không biết. Mặt trời mọc bèn làm lụng, mặt trời lặn liền nghỉ ngơi, chưa từng bị ô nhiễm, cuộc sống cũng rất tự tại, cũng rất hạnh phúc, sống cuộc đời nguyên thủy. Họ có thể thành Phật hay không? Chẳng thể thành Phật! Nguyên nhân ở chỗ nào? Họ còn có một đại chướng ngại mà chẳng có cách đột phá, chướng ngại gì vậy? Vô minh. Chúng ta gọi sự ô nhiễm ấy là tà kiến, đọc nhiều Phật pháp cũng sanh ra tà tri tà kiến, nguyên nhân ở chỗ nào? Nguyên nhân là vì quý vị không hiểu Phật pháp, hiểu lầm Phật pháp. Học Phật pháp theo kiểu chúng ta, ba đời chư Phật trông thấy đều ứa lệ, than oan uổng. Vì sao? Quý vị hiểu Phật pháp sai be bét! Hiểu sai như thế nào? Quý vị ngỡ là trong Phật pháp thật sự có ý nghĩa, tức là hiểu sai bét mất rồi. Tất cả hết thảy các pháp do đức Phật đã giảng đều chẳng có ý nghĩa; do đó, bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, có mấy ai có thể hiểu nghĩa chân thật? Nghĩa chân thật là tâm thanh tịnh. Nghĩa chân thật là “hoàn toàn không có ý nghĩa!”
Vì lẽ đó, Phật, Bồ Tát dạy chúng ta, dạy quý vị hãy lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, đó là đúng, chẳng sai tí nào! Phật trông thấy liền sanh hoan hỷ, quý vị thật sự hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, chẳng hiểu sai ý nghĩa, đó là dạy quý vị thứ gì cũng đừng nên chấp trước. Đức Phật nói hết thảy các pháp nhằm phá sự chấp trước của chúng ta, kết quả là chúng ta không chỉ chẳng phá chấp trước, mà lại còn chấp trước Phật pháp, đó chẳng phải là hỏng bét ư? Do vậy, chư vị phải biết nguyên lý và nguyên tắc này: “Tâm tịnh, cõi nước tịnh. Tâm nhơ, cõi nước nhơ”. Nếu chúng ta nhiễm trước một đống lớn Phật pháp, tâm cũng chẳng thanh tịnh, đương nhiên cõi nước chẳng tịnh. Vì vậy, Ngũ Trược nhẹ sẽ là Đồng Cư Tịnh Độ, Ngũ Trược nặng là Đồng Cư uế độ. Nay chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật, đối với A Di Đà Phật, nếu quý vị thật sự hiểu Lý, biết niệm, tuy niệm câu A Di Đà Phật, sẽ là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Trong tâm thanh tịnh, một chữ A Di Đà Phật cũng chẳng nhiễm trước, đó là thuần Tịnh Độ, thuần tịnh.
Chấp trước thật sự có A Di Đà Phật, thật sự có Tây Phương Cực Lạc thế giới, như vậy thì có thể vãng sanh hay không? Có thể vãng sanh. Tâm địa quý vị nhiễm trước “có A Di Đà Phật”, nhiễm trước “có y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương”, sẽ là uế độ trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Uế độ cũng được, vẫn là vô lượng thọ, chẳng giống như thế giới này của chúng ta. Vì thế, tịnh rất khó, nhưng so với uế độ của hết thảy chư Phật, cõi ấy (Phàm Thánh Đồng Cư độ của Tây Phương Cực Lạc) vẫn được coi là Tịnh Độ, chúng ta cũng nên cầu sanh về đó, hãy nên tu học. Chẳng thể thành tựu cái cực cao thì nhất định cũng phải hiểu rõ, ngàn vạn phần chớ nên hiểu lầm! Điều chấp trước này (chấp có A Di Đà Phật) tốt lắm, chọn lấy điều tốt lành để cố chấp, đó chính là chí thiện, chỉ ư chí thiện. Chúng ta nói theo tầng cấp này, tức là chí thiện, chưa nói đến tối thiện. Chúng ta chấp trì danh hiệu, chấp trước Tây Phương có Tịnh Độ, quyết định mong cầu vãng sanh, mỗi người chúng ta đều có thể làm được chuyện này. Càng tiến lên, cảnh giới càng cao hơn, chưa chắc chúng ta đã có thể làm được, nhưng chúng ta nhất định có thể làm được chuyện này. Được rồi! Chúng ta nghỉ ngơi mấy phút.
[1] Bộ kinh này có tên gọi đầy đủ là Phật Thuyết Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Pháp Kinh, do ngài Đàm Ma Mật Đa nước Kế Tân dịch vào năm Nguyên Gia nguyên niên (424) đời Lưu Tống. Kinh dạy về phương pháp tu hành của Phổ Hiền Bồ Tát, đồng thời dạy cách tu Pháp Hoa tam-muội và pháp môn sám hối. Kinh này cùng với kinh Pháp Hoa và kinh Vô Lượng Nghĩa được tông Thiên Thai gọi là Pháp Hoa Tam Bộ Kinh.
[2] “Hữu ấn” được dùng với ý nghĩa Hữu Biên. Câu này tạm hiểu thô thiển như thế này: Tuy nhân và quả đều là Thật Tướng, tức Sự (nhân và quả) chẳng rời khỏi Lý (Thật Tướng), do chúng đều có cùng một Thể nên “bất dị” (chẳng khác). Xét theo Sự thì nhân và quả sai khác, nên nói “nhi dị” (mà khác). Do Lý mà hiển Sự, nên chẳng phải là không Có. Vì thế, nói là “phi đảo Hữu Ấn” (chẳng phải là xóa bỏ Có).
[3] Tông Trí là danh xưng khác của Tông Thú. Trí và Thú có cùng một ý nghĩa. Cụ Hoàng Niệm Tổ giảng: “Ðiều được kinh đề cao gọi là Tông (宗). Tông là trọng yếu, là tông chỉ của toàn bộ kinh. Tông lại là đường lối trọng yếu để tu hành. Vì vậy, Tông là cương lãnh của toàn bổn kinh… Ngài Hương Tượng giảng: ‘Ðiểm được coi trọng là Tông, chỗ quy hướng của tông thì gọi là Thú’. Ngài Khuê Phong đại sư viết trong sách Viên Giác Lược Sớ rằng: ‘Thú có nghĩa là hướng đến, tức là chỗ quy hướng của tâm ý thức’. Ðủ biết: Thú (趣) là quy thú (歸趣: Hướng đến, quay về). Vì vậy, dựa vào tông chỉ của kinh để tỏ rõ việc làm, biết điều mong cầu, thấu đáo tột cùng chỗ kinh đạt đến thì gọi là Thú vậy”.