#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 18
Xin mở kinh bổn, trang một trăm lẻ tám. Chúng ta xem kinh văn, dòng thứ ba từ dưới đếm lên.
Như thị thời gian, kinh tam thất nhật, vương thực sao mật, đắc văn pháp cố, nhan sắc hòa duyệt.
如是時間 。經三七日。王食麨蜜。得聞法故。顏色和
悅。
(Thời gian như thế trải qua hai mươi mốt ngày, vua do ăn bột rang và mật, được nghe pháp, nên vẻ mặt ôn hòa, vui sướng).
Nhìn từ chuyện này, bất luận là vua Tần Bà hay phu nhân Vi Đề Hy, có thể nói là đều gặp phải nghịch duyên hay nghịch cảnh thì mới phát tâm học Phật, giác ngộ từ chỗ này. Duyên tuy là nghịch ác, nhưng hậu quả đạt được lại là chánh diện, là chí thiện. Nhất là phu nhân Vi Đề Hy mong cầu sanh Tịnh Độ, đấy là cơ duyên hiếm có, khó gặp, chẳng ngờ sẽ được chín muồi ở chỗ này, rất khó có! Nếu chúng ta có thể thường ghi nhớ những chỗ này, quan sát thế gian, nhắc nhở chính mình: Đối với những cảnh ngộ gặp gỡ trong thế gian, hãy nên giống như họ, có thể dấy lên giác tánh, nghiêm túc nỗ lực tu học. Tất cả các nghịch duyên đều là Tăng Thượng Duyên tốt nhất. Người đang gặp khổ nạn, nói thật ra, tâm cầu đạo càng ân cần, tha thiết hơn. Hết thảy đều là thuận cảnh, dẫu gặp gỡ Phật pháp cũng rất khó tu trì, thiện căn sâu dầy, sanh khởi tâm hoan hỷ mà thôi, chứ nghiêm túc tu học hết sức khó khăn. Vì thế, nói thật ra, nghịch cảnh trọn chẳng phải là chuyện xấu. Trong kinh, đức Phật thường dạy chúng ta: “Lấy khổ làm thầy”. Xác thực là dễ thành tựu trong khổ nạn.
Quốc vương tuy bị giam cầm, giam cầm đã hai mươi mốt ngày, thời gian rất dài. Nhà vua được ăn uống, lại gặp ngài Mục Kiền Liên và Phú Lâu Na thuyết pháp, vua đạt được pháp hỷ, cho nên “nhan sắc hòa duyệt”, do đạt được pháp hỷ đó mà! Lại xem đoạn kinh văn tiếp theo:
Thời A Xà Thế vấn thủ môn giả.
時阿闍世問守門者。
(Khi ấy, A Xà Thế hỏi người canh cửa).
Đã qua hai mươi mốt ngày, ông ta đến tra hỏi đôi chút, nói:
Phụ vương kim giả do tồn tại da?
父王今者猶存在耶。
(Nay phụ vương vẫn còn sống ư?)
Ông ta hỏi cha mình có còn sống hay chăng? Hỏi kẻ giữ cửa, có còn sống hay chăng? Đã chết hay chưa?
Thời thủ môn nhân bạch ngôn. Đại vương.
時守門人白言。大王。
(Khi ấy, kẻ giữ cửa tâu rằng: “Tâu đại vương”).
Chữ “đại vương” dành để gọi A Xà Thế, vì A Xà Thế là vua trong hiện thời.
Quốc thái phu nhân, thân đồ sao mật, anh lạc thịnh tương, trì dụng thượng vương. Sa-môn Mục Liên cập Phú Lâu Na, tùng không nhi lai, vị vương thuyết pháp, bất khả cấm chế.
國太夫人 。身塗麨蜜。瓔珞盛漿。持用上王。沙門目
連。及富樓那。從空而來。為王說法。不可禁制。
(Quốc thái phu nhân, thân bôi bột rang và mật, chuỗi đeo đựng nước trái cây ép, đem dâng lên vua. Sa-môn Mục Liên và Phú Lâu Na từ trên hư không hiện tới, thuyết pháp cho nhà vua, chẳng thể ngăn cấm).
Người giữ cửa biết tình hình sự thật, cũng chẳng giấu giếm. Anh ta nói hoàng thái hậu mỗi ngày đem đồ ăn, thức uống cho vua, tâu trình tình hình này. Khi ấy, quốc vương cấm những kẻ khác không được gặp vua cha, chẳng nói cấm vương hậu không thể ra vào, chẳng nói tới lời ấy. Do đó, vương hậu vào ra rất tự do, chẳng có ai ngăn trở bà ta. Mục Liên và Phú Lâu Na do thần thông, từ không trung bay đến, bay đi, anh ta cũng chẳng biết làm sao, ngăn chặn không được! Chẳng có cách nào! Những chuyện ấy không có cách nào cấm chỉ, quyền lực của họ đều chẳng làm gì được. Chỉ đành thật thà tâu chuyện này lên A Xà Thế: Cha Ngài nay chưa chết, vẫn còn sống!
Thời A Xà Thế văn thử ngữ dĩ, nộ kỳ mẫu viết: “Ngã mẫu thị tặc, dữ tặc vi bạn. Sa-môn ác nhân, huyễn hoặc chú thuật, linh thử ác vương, đa nhật bất tử”. Tức chấp lợi kiếm, dục hại kỳ mẫu.
時阿闍世聞此語已 。怒其母曰。我母是賊。與賊為伴
。沙門惡人 。幻惑咒術。令此惡王 。多日不死。即執利劍
。欲害其母。
(Khi ấy, A Xà Thế nghe lời ấy, giận mẹ nói: “Mẹ ta là giặc, kết bè đảng với giặc. Sa-môn là kẻ ác, chú thuật huyễn hoặc, khiến cho ác vương đã nhiều ngày chẳng chết”. Liền cầm gươm bén, toan hại mẹ mình).
Người Hoa gọi chuyện này là “thấy lợi tối mắt”, vì thỏa tư lợi của chính mình, hoàn toàn chôn vùi lý trí. Không chỉ muốn hại cha, mà nay còn muốn sát hại mẹ. Đúng là ác nghịch đến cùng cực. Chúng ta xem phần kinh văn kế tiếp, trang một trăm mười một, xem phần kinh văn được in cao hơn một chữ.
Thời hữu nhất thần, danh viết Nguyệt Quang.
時有一臣。名曰月光。
(Khi ấy, có một người bầy tôi tên là Nguyệt Quang (Candraprabhā)).
Vua có một đại thần.
Thông minh đa trí, cập dữ Kỳ Bà.
聰明多智。及與耆婆。
(Thông minh, lắm trí huệ, cùng với Kỳ Bà).
Kỳ Bà (Jīvaka) cũng là một đại thần[1]. Trong đám bầy tôi có hai người này. Hai người này hết sức hiền năng, là hiền nhân trong nước, được mọi người trong nước hết sức ngưỡng vọng.
Vị vương tác lễ, bạch ngôn: “Đại vương! Thần văn Tỳ Đà Luận Kinh thuyết”.
為王作禮。白言。大王。臣聞毘陀論經說。
(Hướng về vua làm lễ, tâu rằng: “Tâu đại vương! Thần nghe kinh luận Tỳ Đà có nói).
Đây không phải là kinh Phật, [Tỳ Đà (Vedas)] là kinh điển Bà La Môn.
Kiếp sơ dĩ lai, hữu chư ác vương, tham quốc vị cố, sát hại kỳ phụ nhất vạn bát thiên.
劫初已來。有諸惡王。貪國位故。殺害其父一萬八千。
(Từ kiếp ban sơ đến nay, có các vua ác vì tham ngôi vua, giết hại cha mình có đến một vạn tám ngàn kẻ).
Ý nói con đoạt quyền vị của cha từ xưa tới nay đều có, có nghe nói chuyện này.
Vị tằng văn hữu vô đạo hại mẫu.
未曾聞有無道害母。
(Chưa từng nghe nói có kẻ nào vô đạo hại mẹ).
Còn như giết hại mẹ, vẫn chưa hề nghe nói đến.
Vương kim vi thử sát nghịch chi sự, ô Sát Lợi chủng.
王今為此殺逆之事。污剎利種。
(Nay bệ hạ làm chuyện giết chóc ngỗ nghịch này, khiến dòng Sát Đế Lợi bị ô uế).
Ở đây chẳng phải là chữ Hãn (汗), đây lại là một chữ bị in sai, đúng ra phải là chữ Ô (污). Ô nhiễm Sát Đế Lợi, Sát Đế Lợi (Kṣatriya) là vương tộc. Chuyện này khiến cho vương tộc bị ô danh, vương tộc nhục nhã.
Thần bất nhẫn văn, thị Chiên Đà La.
臣不忍聞。是旃陀羅。
(Thần chẳng nỡ nghe. Đó là [hành vi của] Chiên Đà La).
Chiên Đà La (Caṇḍāla) thấp nhất trong bốn chủng tánh (Varṇa) của Ấn Độ, làm nghề mổ heo, giết trâu, là nghề nghiệp bất hảo nhất.
Ngô đẳng bất nghi phục trụ ư thử.
吾等不宜復住於此。
(Bọn thần không nên ở chỗ này nữa).
Hôm nay quốc vương làm chuyện này, chúng tôi thật sự chẳng nỡ lòng. Chuyện này ác nghịch đến tột cùng, chúng tôi chẳng thể lưu lại nơi này nữa, cũng chẳng thể phò tá nhà vua, phải rời đi.
Thời nhị đại thần thuyết thử ngữ cánh, dĩ thủ án kiếm, khước hành nhi thoái.
時二大臣。說此語竟。以手按劍。却行而退。
(Khi ấy, hai vị đại thần nói lời ấy xong, dùng tay đè kiếm, lui chân rời đi).
Hai người ấy chuẩn bị rời bỏ nhà vua, muốn bỏ trốn đến quốc gia khác. A Xà Thế kể ra cũng còn khá lắm…
Thời A Xà Thế kinh bố hoảng cụ, cáo Kỳ Bà ngôn: “Nhữ bất vị ngã da?”
時阿闍世驚怖惶懼。告耆婆言。汝不為我耶。
(Khi đó, A Xà Thế kinh hãi, hoảng sợ, bảo Kỳ Bà rằng: “Ông chẳng vì ta ư?”).
Các ông chẳng thể phụ trợ, giúp đỡ ta ư?
Kỳ Bà bạch ngôn: – Đại vương! Thận mạc hại mẫu.
耆婆白言。大王。慎莫害母。
(Kỳ Bà tâu rằng: “Tâu đại vương! Hãy thận trọng, đừng hại mẹ”).
Ông ta nói: Bệ hạ hãy suy nghĩ, xét tưởng cho nhiều, quyết định chớ nên hại mẹ.
Vương văn thử ngữ, sám hối cầu cứu, tức tiện xả kiếm, chỉ bất hại mẫu.
王聞此語。懺悔求救。即便捨劍。止不害母。
(Vua nghe lời ấy, ăn năn, hối lỗi, liền buông bỏ gươm, thôi không hại mẹ).
Có thể nói là hai người này hết sức thông minh. Khi A Xà Thế đảo chánh, bắt giam cha, sao họ chẳng đến khuyến cáo? Theo như chúng tôi nghĩ, nhất định là có nguyên nhân. A Xà Thế hết sức thông minh, cũng hết sức có năng lực, lại còn đã đạt đến giai đoạn chín chắn. Vua già tuổi đã quá cao, chắc là giải quyết chánh sự cũng có những lúc hồ đồ. Vì thế, tuy A Xà Thế bắt giam lão vương để kế thừa ngôi vua, chắc là cũng chẳng đến nỗi có hại cho dân chúng, mà còn có lợi, chẳng có hại. Vì thế, họ chẳng ra mặt khuyên can, ngăn trở, vẫn giúp nhà vua cai trị đất nước. Nay vua muốn hại mẹ, đây là chuyện đại nghịch bất đạo, ắt cần phải ra mặt khuyên can, ngăn cản. Khuyên can, ngăn cản mà vua chẳng nghe, nhất định sẽ bỏ nước này, trốn sang nước khác. Chuyện này ở Ấn Độ có, mà ở Trung Hoa vào thời cổ cũng có. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, quốc vương vô đạo, hiền nhân trốn đi là chuyện thường thấy, trong lịch sử Trung Hoa cũng thường thấy. Hai vị hiền thần trong lúc ấy đến khuyên nhủ vua, kể ra quốc vương cũng khá lắm, tiếp nhận lời khuyến cáo, chẳng sát hại mẹ.
Chúng ta xem đoạn kinh văn tiếp theo, dòng thứ hai từ dưới đếm
lên trong trang một trăm mười bốn.
Sắc ngữ nội quan, bế trí thâm cung, bất linh phục xuất.
敕語內官。閉置深宮。不令復出。
(Sắc truyền nội quan nhốt chặt mẹ trong cung cấm, chẳng cho ra ngoài nữa).
“Sắc” (敕) là sắc lệnh, người Hoa gọi là “thánh chỉ” (聖旨), tức là mệnh lệnh do hoàng đế ban ra. Tuy chẳng giết mẹ, nhưng cũng giam cầm mẹ, chẳng cho bà được tự do hành động. Giam chặt bà trong thâm cung, khiến bà chẳng thể lui tới chỗ quốc vương. Lần này, không chỉ mẹ nhà vua mắc nạn, mà cha nhà vua còn bị nạn nặng hơn, đồ ăn thức uống bị đoạn tuyệt, mẹ chẳng được tự do hành động.
Thời Vi Đề Hy bị u bế dĩ, sầu ưu tiều tụy.
時韋提希被幽閉已。愁憂憔悴。
(Lúc đó, bà Vi Đề Hy bị nhốt kín, sầu lo, tiều tụy).
Nói thật ra, bà ta ưu lự không phải vì chính mình, mà vì quốc vương. Quốc vương không có ai lo ăn uống, sẽ nguy lắm! Đúng là mạng trong sớm tối, nên hết sức lo sầu.
Dao hướng Kỳ Xà Quật sơn, vị Phật tác lễ.
遙向耆闍崛山。為佛作禮。
(Bèn hướng vọng về núi Kỳ Xà Quật, kính lễ đức Phật).
Ở trong thâm cung chẳng thể ra ngoài, bèn hướng về đạo tràng giảng kinh, thuyết pháp của đức Phật, hướng về phương hướng ấy mà lễ bái.
Nhi tác thị ngôn: “Như Lai Thế Tôn, tại tích chi thời, hằng khiển A Nan lai ủy vấn ngã”.
而作是言。如來世尊。在昔之時。恆遣阿難來慰問我。
(Mà nói như thế này: “Bạch đức Như Lai Thế Tôn, xưa kia, Ngài luôn sai A Nan đến an ủi, thăm hỏi con”).
Quốc vương và vương hậu khi ấy đều là hộ pháp của đức Thế
Tôn, mà cũng là đệ tử tại gia của đức Thế Tôn, nên đức Phật thường sai A Nan đến giảng kinh, thuyết pháp cho họ.
Ngã kim sầu ưu, Thế Tôn oai trọng, vô do đắc kiến, nguyện khiển Mục Liên tôn giả A Nan, dữ ngã tương kiến.
我今愁憂。世尊威重。無由得見。願遣目連尊者阿難。與我相見。
(Con nay sầu lo, Thế Tôn oai đức cao trọng, không cách nào được gặp, xin hãy sai tôn giả Mục Liên và A Nan đến gặp mặt con).
Đức Phật là thầy, chẳng dám làm phiền lão nhân gia, mong mỏi đức Phật có thể sai tôn giả Mục Kiền Liên và A Nan đến gặp mặt bà ta.
Tác thị ngữ dĩ, bi khấp vũ lệ, dao hướng Phật lễ.
作是語已。悲泣雨淚。遙向佛禮。
(Thưa lời ấy xong, buồn khóc, tuôn nước mắt như mưa, hướng vọng về phía Phật lễ bái).
Chúc nguyện như vậy xong, lại lễ bái. Chúng ta lại xem phần kinh văn kế tiếp nơi trang một trăm mười bảy.
Vị cử đầu khoảnh.
未舉頭頃。
(Trong khoảng chưa ngẩng đầu lên).
Bà ta lạy xuống, còn chưa ngẩng đầu lên, ý nói thời gian rất nhanh chóng.
Nhĩ thời Thế Tôn tại Kỳ Xà Quật sơn, tri Vi Đề Hy tâm chi sở niệm.
爾時世尊在耆闍崛山。知韋提希心之所念。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở núi Kỳ Xà Quật, biết tâm niệm của Vi Đề Hy).
Đức Thế Tôn tâm địa thanh tịnh có thể thấy thấu suốt khắp pháp giới, hết thảy chúng sanh khởi tâm động niệm, chẳng có gì đức Phật không biết. Như trong đại kinh đã nói: Hàng Bồ Tát trong thế giới Tây Phương, ngay cả hạ hạ phẩm vãng sanh đều có năng lực này, chúng sanh trong mười phương thế giới khởi tâm động niệm không gì chẳng biết. Do đó, chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Vừa động niệm, đức Phật biết ngay.
Tức sắc Đại Mục Kiền Liên cập dĩ A Nan, tùng không nhi lai.
即敕大目犍連及以阿難。從空而來。
(Liền truyền Đại Mục Kiền Liên và A Nan, từ hư không mà đến).
Ứng với điều bà ta mong cầu. Bà ta cầu được gặp mặt Mục Kiền Liên và A Nan, đức Phật liền sai hai vị ấy đến. Không chỉ là đức Phật sai hai vị ấy đến, mà Ngài cũng tự đến.
Phật tùng Kỳ Xà Quật sơn một, ư vương cung xuất.
佛從耆闍崛山沒。於王宮出。
(Đức Phật biến mất tại núi Kỳ Xà Quật, xuất hiện tại vương cung).
Đức Phật cũng đến, dẫn theo hai người ấy.
Thời Vi Đề Hy lễ dĩ, cử đầu, kiến Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật, thân tử kim sắc tọa bách bảo liên hoa, Mục Liên thị tả, A Nan thị hữu, Thích, Phạm hộ thế chư thiên, tại hư không trung.
時韋提希禮已 。舉頭。見世尊釋迦牟尼佛。身紫金色
坐百寶蓮華 。目連侍左 。阿難侍右。釋梵護世諸天。在虛
空中。
(Khi ấy, Vi Đề Hy lễ xong, ngẩng đầu lên, thấy đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật, thân màu vàng tía, ngồi trên hoa sen bằng trăm thứ báu, Mục Liên hầu bên trái, A Nan hầu bên phải. Thích Phạm hộ thế chư thiên đều ở trên hư không).
“Thích Phạm hộ thế chư thiên” chỉ hết thảy các vị thần hộ pháp. Thần hộ pháp ở trên hư không.
Phổ vũ thiên hoa, trì dụng cúng dường.
普雨天華。持用供養。
(Mưa khắp các hoa trời, dùng đó để cúng dường).
Thần hộ pháp ở trên hư không rải hoa cúng dường. Đây là nói phu nhân vừa dấy một niệm, Phật, Bồ Tát bèn xuất hiện tại vương cung. Đức Phật đến vì biết nhân duyên đã chín muồi. Quốc vương cầu Phật, đức Phật chỉ phái đệ tử đến truyền giới và thuyết pháp cho vua, đức Phật chẳng tự đến. Phu nhân vừa động niệm, đức Phật đích thân đến. Điều này cho thấy vua và phu nhân, nguyện vọng mỗi người khác nhau, sở cầu chẳng giống nhau. Một đằng chỉ cầu truyền giới, đức Phật sai đệ tử đến là được rồi. Một đằng mong cầu lìa khổ được vui, trừ đức Phật tự đến [dạy bảo] ra, [sai người nào khác đến giảng giải] đều chẳng thể. Vì thế, do tâm niệm, nguyện cầu của họ khác nhau, mà cảm ứng cũng chẳng giống nhau.
Trong lời chú giải phía sau đoạn này, Đế Nhàn đại sư nêu ý kiến về cách chúng ta thờ tượng Phật trong hiện thời, do đoạn kinh văn này mà Ngài có ý kiến ấy. Chúng tôi đọc đoạn này một lượt, để các đồng tu thấy đoạn này trong tâm chẳng khởi hoài nghi. Nơi hàng thứ ba trang một trăm mười chín, xem từ câu thứ hai. “Ngã quốc các xứ đại điện”, [ý nói] trong Đại Hùng Bảo Điện của các tự viện nhà Phật [tại Trung Hoa]. “Cúng nhất Phật nhị thị giả tượng, tương truyền đô đạo Ca Diếp, A Nan” (Thờ tượng một vị Phật và hai vị thị giả, tương truyền đều nói [hai vị thị giả] chính là Ca Diếp và A Nan), thông thường truyền tụng, hai tượng ấy, một bên là tôn giả Ca Diếp, bên kia là tôn giả A Nan. Quả thật rất nhiều nơi thờ tượng theo cách thức ấy, một bên là tượng một vị trẻ tuổi, tượng bên kia tuổi tác rất cao, thờ hai vị ấy. “Ngã tắc tố ngôn bất dĩ vi nhiên” (Tôi trọn chẳng cho như vậy là đúng), “tôi” là pháp sư Đế Nhàn tự xưng, “tuy bất kiến hữu nhân công nhiên phủ nhận, đản tâm trung do vị thành khẳng nhĩ” (tuy chẳng thấy có ai công khai phủ nhận, nhưng trong tâm vẫn chưa thật sự khẳng định như thế), có những người thấy cách thờ như vậy không nghĩ là đúng, nhưng cũng không tiện nói. “Phù cổ nhân kiến điện, cúng tượng, tất hữu sở bổn” (Phàm cổ nhân dựng điện, thờ tượng, ắt có căn cứ), phải có căn cứ vì sao thờ phụng theo cách thức ấy! “Thí vấn Ca Diếp, A Nan, xuất ư hà điển” (Thử hỏi [thờ hai vị thị giả] là Ca Diếp và A Nan xuất phát từ kinh điển nào), chẳng tìm thấy căn cứ trong kinh điển. “Ngã viết phi giả, nãi bổn ư kim kinh dã” (Tôi nói chẳng phải vậy, do căn cứ theo kinh này). Pháp sư Đế Nhàn nói thờ tượng như vậy có thể là không đúng. [Nói là] không đúng vì căn cứ theo kinh này, căn cứ trên đoạn kinh văn này. “Kinh trung phân minh thuyết Phật thân tử kim sắc, tọa bách bảo liên hoa, Mục Liên thị tả, A Nan thị hữu, tả diện tương truyền ngôn Ca Diếp giả, dĩ manh tùng manh dã” (Trong kinh nói rõ ràng thân Phật màu vàng tía, ngồi trên hoa sen trăm báu, Mục Liên hầu bên trái, A Nan hầu bên phải. Lời truyền tụng vị đứng bên trái là Ca Diếp như trên đây chính là [lời tương truyền] do gã đui dạy kẻ mù vậy). Trong cách nhìn của lão hòa thượng, Ngài nói người bên trái chẳng phải là tôn giả Ca Diếp, phải nên là ngài Mục Liên, do căn cứ theo những điều được nói trong kinh này.
Cách nhìn này của lão hòa thượng cố nhiên là có lý, nhưng chúng tôi cảm thấy người ta thờ một bên là Ca Diếp, thờ bên kia là A Nan, theo như chúng tôi nghĩ, cũng chẳng có gì là thờ sai! Tuy trong kinh điển không có, nhưng những chuyện trong kinh điển không có rất nhiều! Chỉ cần nói theo phương diện ý nghĩa biểu pháp mà thông suốt thì cũng chẳng phải là không được. Ngài Ca Diếp truyền Tông Môn, tức Thiền Tông, ngài A Nan truyền Giáo Hạ. Dùng hai Ngài để biểu thị Tông Môn và Giáo Hạ thì cũng xuôi tai, cũng trọn chẳng phải là hoàn toàn không có lý do! Đây là cách thờ tượng thông thường, cụ Đế Nhàn nói có lý, nhưng thờ A Nan và Ca Diếp cũng có lý, đều chẳng thể coi là sai, chúng ta chớ nên chấp trước, chớ nên thiên chấp là được rồi. Trong pháp môn Đại Thừa, lúc thờ thì thường không thờ A Nan và Ca Diếp, mà là thờ Thích Ca Mâu Ni Phật chính giữa, thông thường là thờ Văn Thù và Phổ Hiền, thờ hai vị đại Bồ Tát ấy, giống như thờ Tây Phương Tam Thánh là thờ A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, thờ theo cách như vậy.
Lại xem đoạn kinh văn tiếp theo. Khoa đề của phần kinh văn này ở trong dòng thứ hai đếm từ dưới lên trong trang một trăm mười chín. Trong khoa đề, có một chữ có vấn đề! Đây là đoạn thứ ba: “Thương thán thỉnh pháp nhị, sơ vấn vãng sanh nhân” (Cảm thương than thở, gồm có hai phần. Phần thứ nhất là hỏi về cái nhân vãng sanh). Chữ “vãng sanh” này có vấn đề, [vì bà Vi Đề Hy] hỏi về cái nhân trong “túc sanh”, tức là hỏi về nhân duyên trong đời quá khứ. Kinh văn phải là “vấn túc sanh”, chẳng phải là hỏi về vãng sanh. Do đó, chữ Vãng là sai!
Thời Vi Đề Hy kiến Phật Thế Tôn.
時韋提希見佛世尊。
(Khi đó, bà Vi Đề Hy trông thấy đức Phật Thế Tôn).
Chẳng ngờ đức Phật đích thân đến.
Tự tuyệt anh lạc, cử thân đầu địa hào khấp hướng Phật.
自絕瓔珞。舉身投地號泣向佛。
(Tự giật đứt chuỗi anh lạc, gieo mình xuống đất, gào khóc hướng về Phật).
Đức Phật hiện đến, cảm động sâu xa nhất, giật bỏ những thứ chuỗi ngọc đeo trên thân, hướng về Phật đảnh lễ, đau đớn khóc ròng.
Bạch ngôn: “Thế Tôn! Ngã túc hà tội, sanh thử ác tử?”
白言。世尊。我宿何罪,生此惡子。
(Bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Con xưa có tội gì mà sanh ra đứa con tàn ác này?”)
Trong đời quá khứ, tôi đã tạo tội nghịch đến nỗi nào mà sanh ra đứa con bất hiếu giết cha, hại mẹ. Đây là hỏi về nhân duyên trong quá khứ.
Thế Tôn phục hữu hà đẳng nhân duyên, dữ Đề Bà Đạt Đa, cộng vi quyến thuộc?
世尊復有何等因緣。與提婆達多。共為眷屬。
(Đức Thế Tôn lại do có nhân duyên như thế nào mà cùng với Đề Bà Đạt Đa là quyến thuộc[2]).
Nói đức Phật Thế Tôn trong quá khứ có nhân duyên gì mà cớ sao Đề Bà Đạt Đa và Ngài là anh em, tức anh em họ. Đó là nhân duyên gì? Con tôi và tôi là nhân duyên gì? Hai kẻ ấy cấu kết muốn hại Phật, muốn hại cha mẹ, làm chuyện đại nghịch bất đạo này!
Tiếp đó là hỏi đến nơi sẽ vãng sanh, trong đoạn kinh văn tiếp theo, tức là dòng thứ tư trong trang một trăm hai mươi mốt:
Duy nguyện Thế Tôn, vị ngã quảng thuyết vô ưu não xứ, ngã đương vãng sanh, bất nhạo Diêm Phù Đề trược ác thế dã.
唯願世尊 。為我廣說無憂惱處。我當往生。不樂閻浮
提濁惡世也。
(Kính xin đức Thế Tôn, hãy vì con nói rộng rãi về chỗ chẳng có ưu não, con sẽ sanh về đó, chẳng thích cõi đời trược ác trong chốn Diêm Phù Đề).
Ở đây bà ta mới nêu ra ý niệm ấy. Trước đó, bà trọn chẳng nói ra, chẳng nêu ra ý niệm ấy, chẳng nói ra ý nghĩ này, nhưng đức Phật đã biết. Chẳng cần chờ quý vị nói ra, đức Phật đã đến, muốn giúp quý vị giải quyết vấn đề ấy. Nay đức Phật đã đến, bà ta nói ra. Chuyện này ngoại trừ đức Phật đích thân đến thì không thể, vì sao? Đây là đại sự nhân duyên, kinh Pháp Hoa nói “một đại sự nhân duyên”, liễu sanh tử, thoát tam giới, thành Phật trong một đời, chẳng có chuyện gì lớn hơn chuyện này! Vua Tần Bà Sa La chẳng có ý niệm này, chẳng mong liễu sanh tử, thoát tam giới, thành Phật, làm Tổ, vua chẳng có nguyện vọng ấy. Nguyện vọng của nhà vua là chỉ cầu được truyền giới, chỉ cầu nghe pháp hòng giải trừ khổ nạn trong hiện tiền. Phu nhân có nguyện vọng vĩnh viễn thoát khỏi khổ nạn, giải quyết một chuyện thì trăm chuyện được giải quyết, hai người có nguyện vọng khác nhau. Vì thế, đối với quốc vương, đức Phật chỉ sai đệ tử đi là được rồi, đã có thể thỏa mãn nguyện vọng của ông ta. Đối với phu nhân, không thể nào chẳng tự đi thì nguyện vọng ấy mới có thể viên mãn; do đó, đức Thế Tôn đích thân đến hoàng cung. Bà ta nói rõ “chẳng muốn trụ trong thế gian này nữa”. Tiếp đó, kinh văn chép:
Thử trược ác xứ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh doanh mãn, đa bất thiện tụ. Nguyện ngã vị lai bất văn ác thanh, bất kiến ác nhân.
此濁惡處 。地獄餓鬼畜生盈滿。多不善聚。願我未來
不聞惡聲。不見惡人。
(Chốn trược ác này, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đầy dẫy, nhiều nỗi bất thiện tụ tập. Nguyện trong tương lai, con chẳng nghe tiếng ác, chẳng thấy kẻ ác).
Mấy câu này nêu rõ phu nhân do gặp nạn này bèn triệt để giác ngộ, thật sự giác ngộ. Thế giới này xác thực là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đầy ắp! Quý vị nói “chúng ta chưa thấy” ư? Chưa thấy là chưa thấy quả, chứ cái nhân đã thấy rồi! Tham dục là nhân của ngạ quỷ, sân khuể là nhân của địa ngục, ngu si là nhân của súc sanh. Chúng ta thấy thế gian này ngập tràn tham, sân, si; những điều tạo tác cũng là tham, sân, si, quả báo trong tương lai là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, lẽ đâu chẳng tràn ngập? Điều này thật sự quá đáng sợ! “Đa bất thiện tụ” là nói tới hoàn cảnh nhân sự, thế gian này quá ít thiện nhân, người thật sự giác ngộ, thật sự hiểu rõ quá ít. Không chỉ là người thế gian là như vậy, mà người học Phật cũng chẳng phải là ngoại lệ. Có thấy rõ ràng hoàn cảnh thì mới biết vãng sanh là khẩn yếu. Rời khỏi thế giới này sớm hơn một ngày, tức là được phước sớm hơn một ngày, được an lạc sớm hơn một ngày. Thế gian này có gì đáng để lưu luyến? Bồ Tát trụ trong thế gian này thêm một ngày, nhằm mục đích độ thêm một người hữu duyên, tuyệt đối chẳng phải là lưu luyến thế gian này. Hết thảy việc làm, hết thảy hành động đều nhằm giúp đỡ chúng sanh hữu duyên sớm sanh về Cực Lạc. Trừ chuyện này ra, chư vị ngẫm xem, còn có lý do gì để ở thêm một ngày trong thế gian này? Hy vọng trụ trên thế gian thêm một ngày, chính là mê hoặc điên đảo, là ngu si. Người có trí huệ, thật sự giác ngộ, chắc chắn không hy vọng ở trên thế gian này thêm một ngày nào! Ở đây, chúng ta thấy phu nhân Vi Đề Hy đã giác ngộ, đã hiểu rõ, trụ trong thế gian này chẳng thể được! Chúng ta thấy bà ta giác ngộ, lại nghĩ tới chính mình, bà ta thật sự biết thế gian này khổ sở, nay chúng ta gặp nạn vẫn chưa đủ, nên vẫn chưa giác ngộ.
Có thể nói là hiện thời, người thế gian trên cả thế giới đang bị hãm trong hoàn cảnh hết sức bất thường. Bình thường là gì? Theo sự giáo hóa của Nho gia, [“bình thường” chính là] Ngũ Luân, Ngũ Thường, luân thường xã hội bình thường, đúng mực. Vứt bỏ luân thường chính là bất bình thường. Toàn thể thế giới đều bất bình thường, khổ nạn càng hãm sâu hơn! Do đó, thế gian này còn có tai nạn rất lớn, ở ngay trước mắt, ngày càng gần hơn. Theo tiên đoán của Cơ Đốc giáo phương Tây, tận thế xảy ra vào ngày nào? Năm 1999. Họ nói tận thế vào năm 1999, năm nay là 1990. Nếu ngay cả đầu đuôi đều chẳng tính thì [theo cách nói ấy] còn có chín năm nữa sẽ tận thế, Gia Tô (Jesus) sẽ giáng phàm tra xét người đời. Đó là tiên đoán của Cơ Đốc giáo: Chín năm nữa, thế giới này sẽ chẳng còn[3]. Trước đây, người ngoại quốc tin theo Cơ Đốc giáo, nay họ chẳng tin tưởng. Hiện thời, tại ngoại quốc người tin theo Cơ Đốc giáo ngày càng ít. Tuy vẫn còn rất nhiều người đến nhà thờ lễ bái, nhưng họ chẳng tin tưởng, nghi vấn rất nhiều. Tôi gặp rất nhiều tín đồ Cơ Đốc ngoại quốc đến nói với tôi: Mỗi Chủ Nhật họ vẫn đi nhà thờ, nhưng có rất nhiều vấn đề hoài nghi đối với những gì Kinh Thánh đã nói. Trong dự ngôn cổ xưa của Trung Hoa, thế giới này sẽ khôi phục trật tự bình thường. Nếu tính theo Công Nguyên, đại khái là từ năm 2020 cho đến 2030, thế giới này mới khôi phục trật tự bình thường. Tiên đoán của phương Đông và phương Tây trọn chẳng cùng nhau nghiên cứu, thương lượng, mà nghiễm nhiên tiên đoán rất giống nhau như vậy, sai lệch khoảng chừng ba mươi năm, gần gũi như vậy đó!
Chúng ta lại xem hoàn cảnh hiện tiền, nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ lòng người, nhìn từ các tạo tác của hết thảy mọi người, thế giới đúng là sẽ có tai nạn. Đại khái là tai nạn ấy hết sức nghiêm trọng; sau tai nạn ấy, con người sẽ rất lắng lòng suy nghĩ cặn kẽ, biết phải thực hiện như thế nào! Nếu chẳng thể khôi phục luân thường, đạo đức, chẳng thể tuân thủ những lời răn dạy của Phật, Bồ Tát, hết thảy chúng sanh quyết định chẳng thể tránh khỏi tai nạn đau khổ. Khi nào mọi người mới có thể tin tưởng, tiếp nhận? Ắt phải là khi còn phải hứng chịu đại khổ nạn, họ mới có thể tin tưởng, tiếp nhận. Giống như phu nhân Vi Đề Hy gặp đại kiếp nạn như thế thì mới thật sự tỉnh ngộ. Bà ta mong cầu một cõi, nhưng cũng chưa biết đến thế giới Cực Lạc, chỉ cầu một nơi chẳng có khổ nạn. Không chỉ là những chuyện khổ nạn tôi không trông thấy, mà ngay cả nghe nói, cũng khiến cho tôi chẳng phải nghe, hy vọng có một nơi như vậy để tôi có thể đến đó. Nêu bày nguyện vọng của chính mình, tiếp theo đó là thỉnh cầu. Phần kinh văn trong trang một trăm hai mươi hai là chính thức hướng về đức Thế Tôn nêu bày yêu cầu. Tiểu đoạn thứ ba là “thỉnh vãng sanh nhân” (thỉnh cầu đức Phật dạy bảo cái nhân để vãng sanh). Chúng ta xem hàng kinh văn được in cao lên một chữ [so với các dòng xung quanh].
Kim hướng Thế Tôn ngũ thể đầu địa, cầu ai sám hối.
今向世尊五體投地。求哀懺悔。
(Nay hướng về đức Thế Tôn, năm vóc gieo xuống đất, xót xa cầu xin sám hối).
Sám hối, đại khái là do trong đời quá khứ tạo tội nghiệp quá nặng, sanh ra một đứa con bất hiếu như thế, sám hối chuyện này.
Phật nguyện duy viết, giáo ngã quán ư thanh tịnh nghiệp xứ.
佛願唯曰。教我觀於清淨業處。
(Kính xin Phật hứa khả, dạy con quán chỗ có nghiệp thanh tịnh).
Đoạn kinh văn này là cầu [chỉ dạy] cái nhân vãng sanh. Tuy phu nhân khải thỉnh, nhưng đức Phật dùng phương pháp thiện xảo cùng cực, đức Phật trọn chẳng bảo bà ta: Ở phương Tây của thế giới Sa Bà, có thế giới Cực Lạc, có A Di Đà Phật, nơi ấy tốt đẹp như thế nào, bà có thể vãng sanh nơi đó. Đức Phật chẳng nói như thế, mà dùng phương pháp thị hiện trọn hết Tịnh Độ của chư Phật trong mười phương trước mặt bà ta, để chính bà tự chọn lựa. Nói như hiện thời, cách làm này dân chủ, cởi mở, chính quý vị chọn lựa. Quý vị chọn lựa kỹ càng rồi, ta sẽ dạy quý vị cách tu như thế nào, cách đến đó như thế nào, đó mới là thật sự thỏa mãn nguyện vọng của bà ta. Nói thật ra, phu nhân chọn lựa là chọn lựa thay cho chúng ta, không phải là đức Phật chủ động giới thiệu cho chúng ta, để cho chúng ta được tự do tự tại chọn lựa. Phương pháp này thiện xảo, khiến cho chúng ta cầu sanh Tây Phương, quả thật là tâm phục, khẩu phục, xuất phát từ nguyện vọng của chính mình. Chúng ta hãy nên ghi nhớ phương thức giáo học này, vì sao? Chúng ta thường khuyên người khác niệm Phật, khuyên người khác cầu sanh Tịnh Độ, vì sao người ta chẳng bằng lòng, không thể tiếp nhận? Thấy người ấy không thể tiếp nhận, bèn chẳng khuyên kẻ ấy. Hãy nói với kẻ ấy những điều hay trong Phật pháp, bảo người đó làm lành có thiện báo, để kẻ ấy tiếp xúc nhiều, hiểu rõ hơn, sẽ dần dần khiến cho người ấy tự mình phát hiện chỗ thù thắng của pháp môn Tịnh Độ. Do tìm được bèn cam tâm tình nguyện tu tập, ta đã đạt được mục đích.
Trở về Tịnh Độ là điều chắc chắn có thể xảy ra, vì sao? Tịnh Độ thuộc loại tự tánh Tịnh Độ, tự tánh Di Đà, đều chẳng tách rời tự tánh, chẳng lìa khỏi tự tâm, há có lẽ nào chẳng thể giác ngộ? Bất quá là nhất thời mê hoặc mà thôi. Do mê hoặc nhất thời, nên mới chẳng cầu sanh về Tịnh Độ. Nói thật ra, chẳng nghĩ tới [cầu sanh Tịnh Độ] thì trong ấy cũng có nhân tố. Nhân tố ấy chính là sự sai lầm trong quan niệm. Có những người nghĩ: “Ta tu hành, trong tương lai sẽ vượt Phật trỗi Tổ, cần gì phải vãng sanh?” Giống như A Di Đà Phật đã phát nguyện trước Thế Gian Tự Tại Vương Phật: “Trong tương lai, con thành Phật sẽ vượt trỗi chư Phật”. Đã vượt trỗi chư Phật thì cần gì phải cầu sanh Tịnh Độ? Nhưng vấn đề là người ấy có thể vượt trỗi được hay không? Đây là một vấn đề. Có những người phát nguyện, tâm từ bi rất nặng: “Người khổ nạn trong thế gian này rất nhiều, ta đời đời kiếp kiếp làm pháp sư trong cõi này để giáo hóa chúng sanh là được rồi. Dẫu Tịnh Độ tốt đẹp, ta nay vẫn chưa muốn đi”. Vì vậy, có khá nhiều quan niệm sai lầm. Còn có người nghĩ: “Tịnh Độ rất tốt, nhưng nay ta vẫn chưa muốn tới đó. Trong tương lai, đến lúc lâm chung, lại cầu sanh thì vẫn còn kịp”. Nào có biết là đến khi lâm chung, không chừng cũng có khi bỏ lỡ nhân duyên. Quá nhiều nhân tố khiến cho vãng sanh Tịnh Độ bị chướng ngại. Chúng ta cần phải biết những chuyện này! Phải trừ khử những chướng ngại ấy ngay trong hiện tại, chứ lúc lâm chung rất khó thể nói!
Phu nhân Vi Đề Hy chẳng biết trong quá khứ đã tạo tội nghiệp gì nên “cầu ai sám hối” (xót xa cầu xin sám hối). Bản thân chúng ta làm sao biết tội nghiệp đã tạo trong quá khứ? Chúng ta sẽ chết bữa nào, chết theo kiểu nào, làm sao biết được? Tại Hương Cảng, Phật môn chúng ta có một vị đại hộ pháp, cũng rất giàu có, là bà Lôi, bà đã từng đến thăm đạo tràng chúng ta. Kinh doanh rất thành công, năm 1997, đảng Cộng Sản thu hồi Hương Cảng, nên bà ta dùng tiền kiếm được ở Hương Cảng sang Gia Nã Đại mua đất đầu tư. Năm xưa, bà ta có nói với tôi, tại Ôn Ca Hoa (Vancouver), tôi từng ở nhà bà ta. Tôi đến đó vào khoảng năm 1985, khi hội chợ triển lãm thế giới khai mạc tại Ôn Ca Hoa vào năm 1985. Bà đã mua hơn bảy mươi mẫu đất, một khu đất khá lớn. Mấy năm trước, tôi có gặp bà ta, bà cho biết lại mua hơn một trăm mẫu đất, khu đất ấy đã cất vài khu phố, quá to! Năm nay, bà ta chết vì tai nạn xe cộ, chính bà ta lái xe gặp tai nạn. Đại khái là bà ta cũng bị bệnh tim, khi tai nạn xe cộ xảy ra, đưa tới bệnh viện thì chết. Bà cùng chồng hai người, ông chồng bị thương. Chồng bà mắt không tốt, thị lực rất kém, ban ngày có thể lái xe, nhưng buổi tối chẳng dám lái xe. Bà ta lái xe, đã chết! Lần này, tôi ở Hương Cảng, khi Hương Cảng làm lễ truy điệu, tôi có đến tham dự. Rất giàu có. Đó là gì? Đó là hoạnh tử (chết ngang xương)! Kinh hoảng, thất thố, còn biết niệm Phật hay chăng? Quên sạch Phật hiệu, chết như vậy không thể vãng sanh, vì kinh hoảng, thất thố. Do đó, chúng ta biết chính mình có tội nghiệp gì, tương lai sẽ là tình huống ra sao? Không biết!
Vì thế, niệm Phật cầu vãng sanh, nhất định phải nắm chắc thời gian trong hiện tại thì mới đáng tin cậy. Quyết định chớ nên nghĩ trong tương lai ta phải như thế này, như thế nọ! Như bà Lôi luôn nghĩ tương lai phải như thế này, như thế nọ, mua đất lớn như vậy, còn mong lập đạo tràng. Phát tâm lập đạo tràng là tâm tốt lành, nhưng đạo tràng chưa cất xong, chính mình đã chết ngang trái. Vì thế, đối với nhân duyên quá khứ, chính mình chẳng hiểu. Phát tâm thì không chỉ người khác chẳng hiểu, mà nói thật thà, chính mình cũng chẳng hiểu. Phát tâm dựng chùa, xây đạo tràng hay chùa chiền thì bà ta đủ sức để xây, chẳng có vấn đề gì, nhưng dựng chùa xong, có đạo hay không? Cơ sở thì có, nhưng cơ sở đó trong tương lai sẽ để làm gì? Đều có vấn đề. Nếu cơ sở ấy chẳng có đạo, không chỉ chẳng có công đức, mà phước đức cũng chẳng có! Nếu cơ sở ấy xây cất rất lớn, khiến cho người xuất gia ở trong ấy tranh quyền đoạt lợi, không chỉ là chẳng có phước, mà còn tạo tội nghiệp. Chẳng dựng còn tốt hơn, chẳng dựng sẽ tốt đẹp!
Vì thế, chúng ta phải quan sát từ nhiều phương diện, quý vị sẽ hiểu: Niệm Phật cầu vãng sanh quyết chẳng thể chần chừ, chẳng thể chờ đợi đến tương lai, chẳng thể đợi đến sang năm, ngày mai sẽ chẳng đợi được đâu! Ở đây, phu nhân Vi Đề Hy đã thị hiện lìa bỏ Sa Bà, cầu sanh Cực Lạc, quyết chẳng trì hoãn. Do đó, chỉ có Thích Ca Mâu Ni Phật đích thân đến thì mới có thể giúp cho bà ta đạt được nguyện vọng này. Được rồi! Chúng ta tan học.
[1] Ngài Trí Giả chú giải: “Kỳ Bà, cõi này dịch là Hoạt (sống). Lúc sanh ra, một tay cầm túi thuốc, một tay cầm ống kim. Xưa kia đã thề làm thầy thuốc, có thể trị bệnh cho người khác. Do đức mà lập hiệu”.
[2] Tổ Trí Giả sớ giải: “[Trong] kinh này chẳng đáp, nhưng các kinh khác có nói. Xưa kia vào thời Định Quang Phật, Phật Thích Ca [có tên] là Ma Nạp, theo học ở chỗ tiên nhân Trân Bảo. Học tập đã thành, nghĩ muốn báo ân, nhưng tự xét chính mình nghèo khó. Khi ấy, ông Da Nhã Đạt muốn gả con gái, có ông Tu Ma Đề mong được làm rể. Ông này thông minh, có trí huệ, nhưng hình mạo xấu xí. Ma Nạp gặp mặt [cùng Tu Ma Đề] nghị luận. Tu Ma Đề biện luận thua cuộc, Da Nhã Đạt hoan hỷ, giúp Ma Nạp rất nhiều trân bảo, gả con gái cho. Tu Ma Đề sinh lòng phẫn hận, phát thệ trong vị lai đời đời gây não hại. Vì nhân duyên ấy, thường xúc não ông ta”.
[3] Thật ra, đây không phải là tiên đoán của giáo hội Công Giáo, Chính Thống Giáo hay các giáo hội Cơ Đốc Tân Giáo (Tin Lành, Phúc Âm, Cải Cách, Giám Lý v.v…). Những tiên đoán này chỉ là ý kiến của một số cá nhân, dựa theo cách họ diễn dịch những ẩn dụ trong sách Khải Huyền (Apocalypse, Revelation) của Kinh Thánh. Cứ mỗi lần chuyển sang một thế kỷ mới, lại có dự đoán thế giới sẽ tận diệt. Nhất là vào năm 1999 là năm cuối cùng của thế kỷ 20, do phát hiện một sai lầm trong hệ thống computer, nhất là trong hệ thống Mainframe (do tiết kiệm bộ nhớ, người ta chỉ ghi năm bằng hai con số cuối, nên sang thế kỷ 21, nếu không sửa lỗi trong các chương trình đã sử dụng, năm 2013 sẽ được máy tính hiểu là năm 1913. Điều này có thể gây nên những rối loạn trong các hệ thống dịch vụ công cộng), những nhà “tiên tri” bèn ầm ĩ tiên đoán năm 1999 hoặc năm 2000 sẽ tận thế. Họ thường viện dẫn Nostradamus để chứng minh cho lập luận này, nhưng khi xét đến nguyên văn, chúng ta chẳng thấy Nostradamus khẳng định năm nào. Những nhà “tiên tri” tiên đoán ồn ào nhất về ngày tàn của thế giới vào năm 1999 hoặc năm 2000 là James Gordon Linsay (1906-1973) (ông này là người sáng lập học viện Christ For The National Institute), Edgar Cayce, Sun Myung Moon (mục sư sáng lập Unification Church của Đại Hàn, rất nổi tiếng với những trò gây ồn ào như rửa tội cho hàng ngàn người bằng ống tưới để xịt thay vì rảy nước thánh, hoặc làm lễ kết hôn cho mấy trăm cặp cùng một lúc), Ed Dobson (mục sư của Calvary Church tại Grand Rapids, Michigan), Lester Sumrall, Harold Camping (ông này rất nổi tiếng vì đã tiên đoán rất nhiều lần và luôn đoán sai be bét, vụ ầm ĩ nhất là ông tiên đoán như thánh phán ngày Hai Mốt tháng Mười năm 2011 vừa qua sẽ có động đất khủng khiếp và Chúa sẽ mang 3% dân số trên thế giới về nước trời mà thôi, những người còn lại sẽ chết sạch). Ngay cả chuyện thế giới sẽ tận diệt vào cuối năm 2012 được các nhà “tiên tri”, khoa học gia giả mạo tiên đoán vừa qua cũng chẳng phải là chuyện mới mẻ, vì John of Toledo (giám mục xứ Proto and Santa Rufina, mất năm 1275) đã từng tiên đoán thế giới tận diệt vào năm 1186 do các hành tinh trong Thái Dương Hệ xếp thẳng hàng. Điều đáng trách là những đệ tử tại gia khi đọc các tin từ Internet hay các sách vở mạo danh khoa học đã thiếu thái độ nghiêm túc suy xét, nên đã cung cấp những thông tin sai lạc cho Hòa Thượng (vì Ngài không đọc báo, xem TV, nghe radio, nên không thể kiểm chứng tính chân xác của mỗi bản tin), khiến cho trong các buổi giảng, với dụng ý khuyên răn các đồng tu luôn tỉnh ngộ thế gian vô thường, Ngài đã dẫn dụng các tin này, tạo thành những hạt sạn trong các lời giảng, khiến cho người nghe do thiếu suy xét, phán đoán, chỉ lo chăm chú những chuyện vụn vặt ấy mà quên đi những giáo nghĩa quan trọng, những lời khuyên thiết thực trong bài giảng của Hòa Thượng.