#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 11
Xin mở kinh bổn, trang năm mươi sáu.
Phần trước là nói Pháp Thân “thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng nhận lãnh của họ”. Trong đoạn văn này có nói Ứng Thân của A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là có hạn lượng. Đoạn văn này nằm trong trang năm mươi sáu, nơi dòng thứ ba từ dưới đếm lên, nói về “hữu lượng chi lượng” (số lượng có hạn lượng). Xem từ câu thứ hai:
“Như A Di Đà thật hữu kỳ hạn, nhân thiên mạc số, thị hữu lượng chi vô lượng” (Như A Di Đà Phật thật sự có kỳ hạn, nhưng trời người chẳng thể tính toán được, tức là vô lượng trong hữu lượng). Vấn đề này hết sức trọng yếu, vì rất nhiều người thấy kinh nói A Di Đà Phật là vô lượng thọ, lại thấy trong kinh đức Phật có nói A Di Đà Phật trong tương lai sẽ nhập diệt, Quán Âm Bồ Tát [nối ngôi] thành Phật. Sau khi Quán Âm Bồ Tát thành Phật, hóa độ chúng sanh cũng là vô lượng thọ. Sau khi Ngài nhập diệt, Đại Thế Chí Bồ Tát thành Phật. Điều này xác thực là có nói trong kinh. Nói như vậy, thọ lượng của A Di Đà Phật là hữu lượng (có hạn lượng), làm sao có thể gọi là vô lượng? Ở đây đã giải thích, giải thích rất hay. Trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói, giả sử mười phương chúng sanh, đây là nói giả sử, chẳng thật, mười phương tất cả hết thảy chúng sanh đều chứng quả Bích Chi Phật, Bích Chi Phật còn cao hơn A La Hán, thần thông đều giống như Mục Kiền Liên, Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất, thọ mạng đều là luận bằng nhiều kiếp, người đông như thế, trọn hết tuổi thọ hợp sức cùng nhau tính toán thọ lượng của A Di Đà Phật, đều tính chẳng ra! Kinh sánh ví [con số] có thể tính được giống như một giọt nước trong biển cả, tính không ra, giống như nước trong biển cả! Chúng ta có thể suy nghĩ: Thọ lượng của A Di Đà Phật là vô lượng hay là có hạn lượng? Do tính không ra, nên là vô lượng. Vì thế, “vô lượng” nói ở đây là “vô lượng trong hữu lượng”. Tuy là hữu lượng, nhưng chẳng ai có thể tính toán ra, nên có thể nói là vô lượng. Chư vị phải biết kinh nói điều này là nói tới Ứng Thân của A Di Đà Phật, A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là Ứng Hóa Thân. Đương nhiên, đối với Báo Thân, các kinh thường có nói là “hữu thỉ vô chung” (có khởi đầu, nhưng chẳng có kết thúc), sau khi chứng đắc bèn vĩnh viễn chẳng diệt. Báo Thân là thân trí huệ, là vô lượng; đó là vô lượng trong vô lượng. Đối với Pháp Thân, chẳng bàn tới hữu lượng hay vô lượng vì nó chẳng thuộc vào số lượng, nên thảy đều chẳng thể nói được. Có khi sẽ gặp phải câu hỏi này!
Ngoài ra còn có một câu hỏi khác nơi dòng thứ hai trong trang năm mươi tám. Trong Đại Luận, tức là Đại Trí Độ Luận, có một đoạn như thế này: “Đại luận tam thập lục vân” (Đại Luận, quyển ba mươi sáu có chép). Trong quyển ba mươi sáu, chúng ta biết Đại Trí Độ Luận gồm một trăm cuốn; trong quyển ba mươi sáu có một đoạn chép như thế này: “Đương tri Thích Ca cánh hữu thanh tịnh quốc độ” (Hãy nên biết Phật Thích Ca cũng có cõi nước thanh tịnh). “Thích Ca” là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có Tịnh Độ, “như A Di Đà Phật quốc” [nghĩa là Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật] giống hệt thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. “A Di Đà Phật diệc hữu bất nghiêm tịnh quốc” (A Di Đà Phật cũng có cõi nước chẳng nghiêm tịnh), [ý nói Ngài] cũng có cõi nước chẳng phải là Tịnh Độ, cũng có uế độ, “như Thích Ca Văn Phật quốc” (giống như cõi nước của Thích Ca Mâu Ni Phật), [tức là] giống như thế giới Sa Bà của chúng ta trong hiện thời. Đã đọc Đại Trí Độ Luận, người ấy chẳng mong sanh về Tây Phương Tịnh Độ nữa, vì sao? Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có Tịnh Độ chẳng khác gì Tây Phương Cực Lạc thế giới, cớ sao lại phải sang bên ấy (cõi Cực Lạc)? Vì sao phải đến nơi xa xôi ngần ấy, qua khỏi mười vạn ức cõi Phật, sang bên đó để làm gì? Đại Luận nói không sai, nếu chúng ta hỏi: Tâm địa của Thích Ca Mâu Ni Phật có thanh tịnh hay không? Thanh tịnh thì đương nhiên hiện Tịnh Độ, đó là đạo lý nhất định. Vì thế, chuyện này nói theo Lý sẽ thông suốt, về Sự thì vẫn có thể. Vấn đề hiện thời là chúng ta phải làm như thế nào thì mới có thể sanh về Tịnh Độ của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật?
Chuyện này vẫn là điều được nói trong phần trước. Trong phần trước đã có tỷ dụ, học trò theo thầy, nhưng có nghe theo giáo huấn của thầy hay không? Nếu thật sự nghe theo giáo huấn của thầy, thầy dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là sanh về thế giới Cực Lạc của Thích Ca Mâu Ni Phật! Vì sao? Kinh đã nói rất rõ ràng, sanh về một cõi Phật tức là sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chính là sanh trong hết thảy các cõi Phật. “Hết thảy chư Phật” đương nhiên bao gồm Thích Ca Mâu Ni Phật. Thấy A Di Đà Phật, thấy một vị Phật là thấy hết thảy chư Phật. Chúng ta biết điều này, có thể khăng khăng một mực niệm A Di Đà Phật, bất luận đọc kinh luận thấy đức Phật thuyết pháp như thế nào đều chẳng còn hoài nghi nữa! Vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật không dạy chúng ta sanh về Tịnh Độ của Ngài, mà dạy chúng ta sanh về Tịnh Độ của A Di Đà Phật? Thưa cùng chư vị, sanh về Tịnh Độ của A Di Đà Phật dễ dàng! Đó là do bổn nguyện của đức Di Đà đã phát trong lúc tu nhân: Chỉ cần chấp trì danh hiệu, Ngài liền đến tiếp dẫn. Đối với Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng phát nguyện ấy, chẳng nói quý vị niệm danh hiệu của Ngài, Ngài liền đến tiếp dẫn quý vị sanh về Tịnh Độ. Tìm khắp Đại Tạng Kinh cũng chẳng tìm thấy lời ấy. Điều này nói rõ: Vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ dễ hơn hết thảy các cõi Tịnh Độ khác của chư Phật. Sanh về Tây Phương Tịnh Độ giống như sanh về Tịnh Độ của hết thảy chư Phật, vì sau khi quý vị đã đến Tây Phương Tịnh Độ, muốn đến Tịnh Độ của vị Phật nào bèn đến Tịnh Độ của đức Phật ấy; đó gọi là “một sanh, hết thảy sanh”.
Trong đoạn lớn này, chúng tôi giới thiệu phần Thích Danh (釋名 :
giải thích tên kinh) đến đây, lại xem đoạn lớn thứ hai. Đoạn lớn thứ hai là Biện Thể (辨體: biện định bản thể của bộ kinh này) ở trong trang năm mươi chín, [xem từ] dòng thứ năm. “Tiền văn giải thích năng thuyết, sở thuyết, năng quán, sở quán, giai năng thuyên danh” (Đoạn văn trên đây đã giải thích người nói, đối tượng được nói, người quán, đối tượng được quán, đều là giải thích về danh xưng của bộ kinh). Đoạn lớn trên đây nhằm giải thích những diệu nghĩa được bao hàm trong tựa đề kinh này, còn đoạn này nhằm hiển Thể. Thể là nói đến tánh chất của nó, cũng có nghĩa là căn cứ lý luận mà đức Phật đã dùng để giảng bộ kinh này. Đức Phật đã dựa vào đâu để nói Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh? Nhất định phải biết căn cứ lý luận của nó thì tín tâm của chúng ta mới có thể thật sự kiến lập. Nếu không biết căn cứ lý luận của nó mà tin tưởng, chỉ có thể nói là người ấy thiện căn sâu dầy. Được lắm! Người ấy có thể thành tựu. Có những người mà nếu quý vị chẳng có căn cứ lý luận, họ sẽ chẳng tin, chẳng thể tiếp nhận, nên phần Biện Thể hết sức trọng yếu.
Trong phần giải thích có câu: “Tầm danh, ý tại vong danh hiển Thể” (Tìm hiểu ý nghĩa của tên gọi với dụng ý quên đi cái tên gọi để hiển lộ cái Thể), câu này rất quan trọng. Nói thật ra, trong kinh luận thường dạy chúng ta: “Nghe giáo”, cổ nhân nói là “thính giáo”, còn nay chúng ta nói là “nghe kinh” hoặc “nghe khai thị”, cổ nhân dùng chữ “thính giáo”, thính giáo phải tiêu quy tự tánh. Để tiêu quy tự tánh, nhất định phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên thì mới có thể tương ứng với tâm tánh. Nếu chấp trước những thứ ấy, sẽ không tương ứng. Đức Phật nói ra tên kinh cũng là nói đến Giáo; nếu chúng ta có thể lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, bèn kiến tánh. Tánh là gì? Tánh là Thể của kinh. Do vậy, có thể biết: Đức Phật đã dựa vào đâu để nói kinh? Dựa trên Chân Như bản tánh. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới được kiến lập trên bản tánh, đức Phật nói hết thảy các kinh cũng do từ trong tâm tánh lưu lộ, nên có thể tin tưởng điều này.
Tiếp theo đó, sách giải thích ý nghĩa của việc Biện Thể, phần này nằm trong phần Chánh Văn, trang sáu mươi mốt, hàng thứ hai: “Thứ Biện Thể giả, Thể thị chủ nghĩa” (Kế đến là Biện Thể, Thể là nghĩa lý chủ yếu). “Thứ” (次) là đoạn thứ hai, “Sơ” (初: đoạn đầu tiên) là Thích Danh (giải thích tên kinh), là đoạn lớn thứ nhất. Đây là đoạn lớn thứ hai, tức Biện Thể trong năm tầng Huyền Nghĩa. Biện (辨) là biện định, phân biệt, Thể (體) là tánh thể của bổn kinh. Trước hết giải thích chữ Thể theo cách nào? Thể là “chủ nghĩa” (主義: nghĩa lý chủ yếu), Chủ là “tân chủ” (賓主: khách và chủ). Trong phần trước, giảng về Danh (tên kinh) thì Danh chẳng phải là Chủ. Ví như tôi xuất gia, sư phụ đặt cho tôi pháp danh là Tịnh Không, Tịnh Không có phải là tôi hay không? Chẳng phải! Con người này mới là tôi. Danh tự thì ta đổi tên chẳng sao cả; ta có thể đổi tên, chẳng thể đổi cái thân. Thân là một, là chủ, ta thích tên gì cũng đều được cả. Quý vị thấy khi Hoằng Nhất đại sư viết văn hay vẽ vời, con dấu khắc tên của Ngài nói chung có đến tám chín mươi loại, sợ rằng chính Ngài cũng chẳng biết rõ [chính mình thật sự có bao nhiêu con dấu]! Danh là giả danh, “tầm danh” là phải tìm Chủ của nó thì mới được, Chủ chính là Thể. “Danh bàng thị Tân”, [nghĩa là] xét theo mối quan hệ giữa chủ và khách, Danh (tên kinh) là khách. “Thể chánh thị Chủ” (Thể đúng là Chủ), dùng Danh để hiển Thể. “Danh thị giả danh, Thể thị thực chất, nhất thiết danh hạ, giai hữu kỳ Thể” (Danh là giả danh, Thể là thực chất. Trong hết thảy các tên gọi đều có Thể của chúng). Nếu danh ấy chẳng có Thể, danh cũng chẳng thể tồn tại. Trong kinh Phật thường dùng tỷ dụ “quy mao, thố giác” (龜毛兔角: lông rùa, sừng thỏ), đó là có Danh, nhưng chẳng có Thể. Con thỏ chẳng có sừng, nói “sừng thỏ” chính là có Danh nhưng chẳng có Thể, chẳng có ý nghĩa gì! Có Danh, nhất định phải có Thể, phải có thật thể. Đó là nói về ý nghĩa của Thể.
Tiếp đó, chánh thức giải thích chữ “chủ chất”. “Thích Luận vân, trừ chư pháp Thật Tướng, dư giai ma sự” (Thích Luận viết: “Trừ Thật Tướng của các pháp ra, những thứ khác đều là ma sự”), đây là căn cứ trên những điều được giảng trong kinh Đại Thừa, đó là ý nghĩa được nói trong kinh Hoa Nghiêm. “Ma sự” là gì? Ma là vùi dập, phiền não, đau khổ. Phàm những gì chẳng tương ứng với Thật Tướng đều có khổ. Tư tưởng, kiến giải, và hành vi của lục đạo phàm phu đều trái nghịch Thật Tướng, nên tam giới đều đau khổ. Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát chưa thể hoàn toàn tương ứng với Thật Tướng, chỉ tương ứng một phần, chưa thể hoàn toàn tương ứng, các Ngài vẫn còn có những nỗi khổ nhỏ, ít hơn chúng ta rất nhiều. Chỉ có viên thật Bồ Tát, [tức là] các vị Bồ Tát chân thật trong Viên Giáo, là những vị Bồ Tát đã chứng đắc Pháp Thân mới thật sự lìa khổ được vui, vĩnh viễn chẳng có ma sự, có thể tương ứng với Thật Tướng. Chúng ta nên biết sự thật này, biết giống như chính mình có gốc bệnh ấy, biết chính mình mắc loại bệnh gì. Đã biết bệnh, chúng ta sẽ có thể tìm bác sĩ, tìm thuốc, mới có thể trị khỏi bệnh ấy. Sợ nhất là chính mình mắc bệnh nhưng chẳng biết, chuyện ấy đáng sợ nhất! Vì lẽ đó, người tu hành phải biết những gì? Vì sao phải tu? Trong tương lai, hy vọng sẽ đạt được kết quả như thế nào? Phải hiểu rành rẽ, rõ ràng chuyện này. Quyết định chớ nên hồ đồ, mê muội tu tập, chớ nên như thế, lãng phí thời gian, lãng phí tinh thần, chẳng đạt được kết quả!
“Đại Thừa kinh dĩ Thật Tướng vi ấn, vi kinh chánh thể” (Kinh Đại Thừa lấy Thật Tướng làm ấn, làm chánh thể của kinh). Hết thảy các kinh Đại Thừa do đức Phật đã giảng đều lấy Thật Tướng làm Thể. Thật Tướng là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Nói cách khác, hết thảy các kinh đều nhằm nói rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, căn cứ trên Thật Tướng của các pháp để nói. Có thể thấy mỗi câu trong kinh đều là chân thật, chẳng có câu nào là nói hư giả. Những điều kinh nói dường như mâu thuẫn với kiến thức thông thường của chúng ta, tình hình ấy rất nhiều, đó là vì chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đã tích lũy kinh nghiệm từ các tư tưởng và kiến giải sai lầm, [nên nhận thấy những gì kinh điển đã dạy] chẳng tương ứng với kinh nghiệm của chúng ta. Thật ra vẫn là do chúng ta sai lầm, chẳng phải là đức Phật nói sai, mà do chính chúng ta sai quấy. Bản thân chúng ta nghĩ sai, thấy sai. Người biết tu hành nhất định phải nương theo lý luận và phương pháp do đức Phật đã nói để uốn nắn những sai lầm của chính mình, đó gọi là tu hành. Có rất nhiều đồng tu, mới học cũng như học đã lâu đều có [căn bệnh như thế này]: Xem kinh Phật, ta nghĩ như thế này, thế nọ, ta có cách nhìn thế này, thế nọ. Cái [quan điểm] “theo cách nghĩ, cách nhìn của ta” ấy chính là kinh nghiệm sai lầm tích lũy từ vô thỉ kiếp. Đức Phật giảng cho họ, họ vẫn chẳng tin, vẫn phải đưa ra cách nghĩ, cách nhìn của chính mình, vậy thì khó thể thành tựu được gì! Kinh bảo chuyện ấy là “thiện căn của các chúng sanh đó chưa chín muồi, vẫn chưa thể hoàn toàn tiếp nhận”.
Thật Tướng của các pháp đến tột cùng là như thế nào? Nếu quý vị hỏi là như thế nào thì tình hình ngay khi ấy chính là nó đó. Những gì quý vị thấy, nghe, tiếp xúc là Thật Tướng của hết thảy các pháp. Đức Phật giảng cho chúng ta những tướng chân thật ấy. Đó là Thật Tướng. Thật Tướng ở ngay trước mặt chúng ta, vì sao chúng ta chẳng thấy? Chúng ta đã xen tạp rất nhiều khái niệm hư vọng vào tướng chân thật, rối loạn tướng chân thật, biến chân tướng thành sai lầm. Nói cách này mọi người vẫn rất khó hiểu, [tôi phải dùng một thí dụ để nói]. Như trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật đã nêu một thí dụ, Ngài nêu [thí dụ] mắt thấy sắc. Đoạn kinh văn ấy rất dài, [tức là phần] “mười phen hiển lộ cái Thấy”, chỉ rõ tánh Thấy của chúng ta, thấy Thật Tướng. Thật Tướng là sắc tánh, tánh Thấy thấy sắc tánh, đó là chân thật, là sở kiến của đức Phật và các vị đại Bồ Tát. Tánh Nghe nghe thanh tánh. Tánh tương ứng với Tánh, Tánh và Tánh dung thông, Năng và Sở là một, chẳng hai, nên Tánh và Tướng như một. Thiền gia nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” là do họ thấy như vậy.
Đức Phật nói lũ phàm phu chúng ta thấy như thế nào? Nhãn Thức của phàm phu chúng ta thấy Sắc Trần, chẳng thấy Sắc Tánh. Thức là gì? Thức là phân biệt, chấp trước. Quý vị thấy sắc, sắc chẳng phải là tánh, sắc biến thành trần, trần (塵) là bụi bặm, bụi bặm có thể nhuốm bẩn, do như vậy mà bị nhuốm bẩn. Nhuốm bẩn do trong tâm của chính mình biến hiện. Vốn chẳng bị nhuốm bẩn, nay lại biến hiện thành nhuốm bẩn. Ngay khi chúng ta mở banh mắt, niệm thứ nhất là thấy bằng tánh Thấy, niệm thứ hai liền biến chất, biến thành thấy bằng Nhãn Thức. Niệm thứ nhất có thời gian rất ngắn, ngắn đến mức độ nào? Trong kinh, đức Phật thường dùng tỷ dụ để nói: “Một cái khảy ngón tay”. Một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một sát-na là một phần sáu mươi của thời gian khảy ngón tay. Một sát-na có chín trăm lần sanh diệt, nên một niệm là một phần chín trăm của một sát-na; một niệm là như vậy đó. Quý vị nói xem: Tốc độ này quá nhanh chóng! Thông thường, đại khái là trong một giây chúng ta khảy ngón tay bốn lần, chẳng có vấn đề gì! Bốn nhân với sáu mươi, lại nhân với chín trăm thành hai mươi vạn tám ngàn; một phần trong hai mươi vạn tám ngàn của một giây là một niệm. Niệm thứ hai liền biến thành Thức, liền phân biệt, chấp trước.
Nếu nói rõ ràng hơn một chút, cái thấy thứ nhất là cái thấy bình đẳng, vì sao? Chẳng có phân biệt, chấp trước, vạn pháp bình đẳng, tâm thanh tịnh. Trong cái thấy thứ hai, do một niệm đã bất bình đẳng, nên trong hết thảy tướng bèn dấy lên phân biệt. Hễ dấy lên phân biệt, sẽ chẳng bình đẳng. Thuận theo phân biệt, lại nổi lên sự ưa ghét trong ấy. Thuận theo ý nghĩ của chính mình bèn dấy lên tâm tham, trái nghịch ý mình bèn dấy tâm sân khuể, càng nhiễm càng nghiêm trọng hơn, chuyện là như vậy đó. Vì thế, hoàn toàn gìn giữ niệm thứ nhất, vĩnh viễn gìn giữ niệm thứ nhất chẳng để mất thì sẽ thành Phật, cái tâm ấy chẳng biến đổi. Niệm thứ nhất là chân tâm, chẳng thay đổi sẽ thành Phật; hễ biến đổi sẽ biến thành phàm phu, biến đổi quá nhanh, biến đổi quá tự nhiên, biến đến nỗi ngay cả chính mình cũng chẳng biết. Vì thế, Thật Tướng của các pháp xác thực là ở trước mặt chúng ta, nhưng chúng ta chẳng thấy, vì vẫn chưa đến một sát-na, bị biến chất trong một phần hai mươi vạn của một sát-na, cho nên mê!
Chúng ta xem chú giải nơi trang sáu mươi mốt, dòng thứ hai từ
dưới đếm lên. Trong lời chú giải, câu thứ hai viết: “Vị chư pháp đương xứ bất sanh, bất diệt, phi hữu, phi không, vô năng, vô sở” (Nghĩa là các pháp ở ngay nơi đây, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng có, chẳng không, chẳng có năng, chẳng có sở), câu này nói về Thật Tướng của các pháp. Thật Tướng nào vậy? Thưa cùng chư vị, chúng ta thấy sắc, nghe tiếng, những tướng ấy (sắc tướng, âm thanh v.v…) đều là nó cả. Quý vị đọc đến đoạn văn này bèn cảm thấy kỳ quái, ta thấy rõ ràng con người có sanh, lão, bệnh, tử, cớ sao nói bất sanh, bất diệt? Thưa thật cùng quý vị, chẳng có sanh diệt! Thưa thật cùng quý vị, chẳng có Không và Hữu. Đạo lý này được nói cặn kẽ và đích xác nhất trong kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm dạy: Tất cả hết thảy hiện tượng giống như thế nào? “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra ngay từ nơi đây, sẽ diệt tận ngay tại nơi đây), sanh diệt đồng thời, trong ấy chẳng có giới hạn. Quý vị hãy suy gẫm, đức Phật nói “sanh diệt” là bất đắc dĩ nói phương tiện, trên thực tế, chẳng có sanh diệt. Hiện tượng (hình tượng được biến hiện) của hết thảy các pháp chẳng phải là chân thật, nên những hiện tượng ấy là huyễn tướng. Chẳng có sanh diệt, nếu chúng ta dùng tỷ dụ thì tỷ dụ cũng chỉ có thể sánh ví phảng phất, chẳng có cách nào sánh ví phù hợp khít khao được!
Giống như chúng ta xem phim, các hình ảnh trong phim cũng có động tác. Bất sanh bất diệt bèn chẳng có động tác, như vậy thì rốt cuộc nó là động hay bất động? Tôi thưa cùng quý vị, phim ảnh bất động, hình tướng được chiếu ra bởi phim ảnh là bất diệt, nhưng chúng ta nhìn chẳng ra. Vì sao nói là bất sanh, bất diệt? Quý vị thấy phim, tức cuộn phim được đặt trong máy chiếu là bất sanh bất diệt. Sự sanh diệt như quý vị đã thấy chính là xem tấm phim trước được chiếu xong, lại thấy tấm phim thứ hai [được chiếu lên màn bạc], thấy [có một hình ảnh liên tục biến đổi] như vậy, nhưng thật ra mỗi tấm phim đều là độc lập. Phải biết: Tướng được hiện bởi Chân Như bản tánh giống như cuốn phim được chiếu trong điện ảnh, chẳng có sanh diệt. Hết thảy các pháp chẳng sanh, lấy đâu ra diệt? Chúng ta xem phim, hiện thời phim xi-nê được chiếu với tốc độ hai mươi bốn tấm mỗi giây, chúng ta tưởng nó là thật, đã bị nó lừa gạt. Tôi vừa mới nói tâm sanh diệt, đó là sự sanh diệt của thức thứ tám, tức A Lại Da, trong một giây có đến hai mươi vạn tám ngàn [lần sanh diệt, giống như những] tấm [phim được chiếu]. Vì thế, rất giống như thật, [nên chúng ta] chẳng biết nó là giả. Đây là nói cho quý vị biết Thật Tướng của các pháp, chân tướng của hết thảy các pháp là như vậy đó. Giống như xem phim, chân tướng như thế nào? Quý vị thấy cuộn phim mới là thấy chân tướng, những gì quý vị thấy trên màn bạc là giả tướng, thấy cuộn phim đặt trong máy chiếu phim mới là chân tướng.
Nay đức Phật dạy chúng ta chân tướng: Hết thảy các pháp chẳng phải có, chẳng phải không. Quý vị nói nó là không thì nó hiện tướng. Quý vị nói nó là có, thì bản thể của chính cái tướng ấy đã tiêu mất. “Sanh từ nơi đâu, bèn diệt mất ngay nơi đó”, giống như máy chiếu phim, [hình ảnh] được sanh ra ngay từ nơi đó và cũng diệt mất ngay tại đó. Xưa kia, đúng là đức Phật nói những lời này, chúng tôi nghĩ người xưa nghe xong có thể khai ngộ, quả thật chẳng đơn giản. Hiện thời, khoa học kỹ thuật phát triển, đích xác là có nhiều thứ trong khoa học có thể giúp chúng ta lãnh ngộ, trước kia chẳng có những thứ đó. Không có Năng, không có Sở, nên sanh diệt. Không, Hữu, Năng, Sở, hết thảy tương đối đều chẳng thể được; đó là Thật Tướng.
Tiếp đó, sách dạy chúng ta làm thế nào thì mới có thể thấu hiểu. “Ly ngôn thuyết tướng”: Đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, chúng ta ngàn muôn phần đừng chấp trước ngôn ngữ của Ngài, xem kinh đừng chấp trước văn tự. Văn tự là phù hiệu ngôn ngữ, lìa tướng ngôn thuyết cũng là lìa tướng văn tự, chớ nên chấp trước văn tự. “Ly tâm duyên tướng”, quyết định đừng nên tưởng tượng, chớ nên tư duy: “Đức Phật nói lời này có nghĩa là gì?”. Chớ nên suy nghĩ, hễ suy nghĩ liền trật. Nay chúng ta giảng kinh, giảng hay cách mấy vẫn chẳng bằng Phật, vì sao? Chúng ta giảng kinh, trước hết bèn suy tưởng kinh này phải giảng theo cách nào, vậy thì làm sao được nữa! Đức Phật giảng kinh chẳng thông qua tư duy. Hễ thông qua tư duy bèn rơi vào ý thức. Rơi vào ý thức là tà tri tà kiến, là ma sự. Người ta không qua tư duy. “Ly danh tự tướng”, “danh tự” là danh từ, thuật ngữ. Thí dụ như trong kinh nói Phật, nói Bồ Tát, nói Lục Độ, nói Tứ Nhiếp, những điều ấy đều là danh từ, thảy đều chẳng chấp trước. “Ly thử đẳng tướng, danh vi Thật Tướng” (Lìa những tướng giống như vậy, gọi là Thật Tướng), đối với hết thảy những thứ ấy, quý vị đều không chấp trước, Thật Tướng ở ngay trước mắt. Quý vị thấy sắc, nghe tiếng, không gì chẳng phải là Thật Tướng, quý vị đạt được sự thụ dụng chân thật trong Thật Tướng. Sự thụ dụng chân thật được hiển thị trong cuộc sống thì vô lượng trí huệ và vô lượng phước đức mới có thể thật sự hưởng thụ. Vì sao? Vì hết thảy các pháp, chẳng có pháp nào không xứng tánh. Tánh là bất sanh, bất diệt, Tánh là viên mãn, chẳng có khiếm khuyết; chân tánh biến hiện hết thảy các vật cũng giống như chân tánh. Cổ nhân nói: “Dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng đều là vàng”, ví vàng như chân tánh, coi các món vật như Thật Tướng của các pháp.
Từ trong hết thảy các món đồ, đều thụ dụng vàng.
Vì thế, trong hết thảy các pháp, lục căn tiếp xúc lục trần, trong hết thảy các pháp đều đạt được tác dụng của tự tánh, hiểu tất cả đều là vật được biến hiện bởi tự tánh. Tánh và Tướng như một, Tánh và Tướng bất nhị, Tánh là Tướng, Tướng là Tánh. Giống như sáng sớm hôm nay, tôi đã nêu lên chuyện nằm mộng, mộng là tâm, tâm là mộng. Mộng và tâm là một, chẳng hai. Từ thí dụ gần gũi, rõ rệt này, nếu chúng ta suy luận thêm một bước nữa, cảnh giới trước mắt chúng ta do Chân Như bản tánh biến hiện, tất cả hết thảy cảnh giới là tự tánh, tự tánh đã biến thành cảnh giới, cảnh giới là tự tánh. Vì thế, “toàn vọng tức chân”, “vọng” là nói đến sự tướng, nói tới các pháp. “Chân” là nói đến bản tánh. “Toàn”: Toàn thể vọng cảnh là tâm, là chân tánh. Toàn thể chân tánh là cảnh giới hư vọng, chân và vọng là một, không hai. Vì lẽ đó, kiến tướng là kiến tánh, giống như thấy đồ vật là thấy vàng, vàng và đồ vật là một, chẳng hai!
Hai câu tiếp đó nói rất hay: “Vô tướng chi tướng dã, thùy nhân bất cụ, hà pháp bất nhiên” (Tướng vô tướng có ai là chẳng trọn đủ, có pháp nào chẳng phải là như vậy). Hai câu ấy nói rất hay! Hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới, ai nấy đều trọn đủ. Hết thảy vạn pháp, chúng ta nói là khoáng vật, thực vật, hư không, thế giới, không pháp nào chẳng phải là như vậy. Chẳng có một pháp nào không do tự tánh biến hiện, pháp nào cũng đều như vậy. Đó là Thật Tướng, là chân tướng, nhưng người biết chân tướng này quá ít. Tiếp đó, sách viết: “Nhược luận chứng tri, duy hữu chư Phật” (Nếu luận về sự chứng biết, chỉ có chư Phật), “chứng” (證) là chứng minh, “tri” (知) là biết. Nếu chúng ta nói người nào chứng thực chuyện này, người nào biết rõ ràng? Chỉ có chư Phật! Vì vậy, kinh Pháp Hoa có nói: “Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp Thật Tướng” (Chỉ có Phật và Phật thì mới có thể thấu hiểu rốt ráo Thật Tướng của các pháp). “Cứu cánh” (究竟) là hiểu rõ triệt để. Triệt để hiểu rõ chân tướng sự thật thì chỉ có Phật và Phật. Nói cách khác, hàng Đẳng Giác Bồ Tát đều chẳng thuộc trong số ấy. Vì sao? Đẳng Giác Bồ Tát có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá. Một phẩm sanh tướng vô minh ấy là ma chướng và ma sự của Đẳng Giác Bồ Tát.
Đẳng Giác Bồ Tát còn có ma chướng thì các ma chướng mà chúng ta đang có há thấm vào đâu! Nhất định là có ma chướng, vì sao? Quý vị chưa thành Phật. Tôi vừa mới nói Đẳng Giác Bồ Tát còn có ma chướng, ma chướng nhất định phải có. Tuy có, quý vị chớ sợ nó, phải mong biến ma thành Phật. Nói thật ra, ma và Phật là một, chẳng hai. Quý vị mê, Phật liền biến thành ma; hễ giác ngộ, ma liền biến thành Phật. Hiểu rõ đạo lý này, có Phật và ma hay không? Chẳng có! Không Phật, mà cũng không ma. Phật và ma biến hóa tùy thuộc tâm địa của chính chúng ta là mê hay giác. Đã mê bèn thành chướng, chướng ngại là vùi dập, đó là ma. Hễ giác ngộ bèn vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, bèn gọi là Phật. Ma và Phật xuất hiện như vậy đó! Nói đi, nói lại, nói chung đều quy vào ý niệm của chính mình. Một niệm tà, quần ma quay cuồng loạn xạ; một niệm chánh, ắt chư Phật xuất thế; nhưng chư vị phải hiểu: Chánh niệm là vô niệm. Nói “vô niệm”, cổ nhân sợ quý vị lại hiểu lầm ý nghĩa, ngỡ vô niệm là “ý niệm gì cũng chẳng có”, tức là lại biến thành Vô Tưởng Định, lại sai mất rồi! Vì thế, còn phải chú giải thêm: Vô tà niệm, “vô niệm” là vô tà niệm; nói cách khác, hãy còn có niệm. Nói thật ra, có niệm là đã có vấn đề to lớn. Vì có niệm bèn có chấp trước, có phân biệt. Trong phần trước, chẳng phải là tôi đã nói quý vị phải lìa hết thảy phân biệt, chấp trước ư? Lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, thứ gì cũng hiểu rõ, thứ gì cũng minh bạch, bèn gọi là “chánh niệm”. Nếu lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, nhưng thứ gì cũng không biết, bèn gọi là vô minh. Vô minh chẳng phải là chánh niệm. Chánh niệm phân minh, chánh niệm chẳng phải là vô minh. Những chỗ này đều phải phân biệt rõ ràng, rành rẽ.
Đoạn kế tiếp nói rất hay: “Bẩm viên thuyết giả, sơ tâm tức dụng Phật trí chiếu cảnh, cố năng tín giải chư pháp Thật Tướng. Ký giải Thật Tướng, diệc giải thật tánh, thật thể, nãi chí thật bổn mạt cứu cánh đẳng. Thập pháp ký thật, tức thị thật sanh, thật Phật, thật y, thật chánh, nhất sắc, nhất hương, vô phi Trung Đạo, nhất thiết chư pháp giai thị Phật pháp” (Nếu nói với người có căn tánh Viên Giáo thì sơ tâm bèn dùng Phật trí để chiếu cảnh, nên có thể tin hiểu Thật Tướng của các pháp. Đã hiểu Thật Tướng thì cũng hiểu thật tánh, thật thể, cho đến gốc ngọn rốt ráo thật sự v.v… Mười pháp[1] đã là thật, tức là chúng sanh thật sự, Phật thật sự, y báo thật sự, chánh báo thật sự, mỗi sắc, mỗi hương, không gì chẳng phải là Trung Đạo, hết thảy các pháp đều là Phật pháp). Đoạn này hay lắm, xác thực là đã giảng rất rõ chân tướng sự thật, ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. “Viên” là căn tánh Viên Giáo. Căn tánh của hết thảy chúng sanh khác nhau; tông Thiên Thai chia căn tánh thành bốn loại lớn là Tạng, Thông, Biệt, Viên, tức là nói hết thảy các căn tánh bất đồng [được quy nạp lại], chia thành bốn loại lớn. Vì sao mà có căn tánh [khác biệt]? Cổ nhân nói “do tập quán thành tựu”, nên gọi nó là “tập tánh” (習性), chẳng phải là bản tánh. Trong Luận Ngữ, Khổng lão phu tử cũng nói về vấn đề này rất hay, hết sức chánh xác! Lão nhân gia nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn” (Tánh thì gần giống như nhau, do huân tập mà trở thành khác xa nhau). Trong Luận Ngữ, Khổng lão phu tử đã nói như thế hai lượt. Phật pháp gọi “tánh” là Chân Như bản tánh, [tánh và Chân Như bản tánh] giống như nhau. Chư Phật Như Lai và hết thảy chúng sanh đều giống nhau, nhưng do tập tánh sai biệt to lớn, mà biến thành mười pháp giới. Thói quen trở thành tự nhiên, tập tánh chẳng phải là một đời, mà là đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay dưỡng thành thói quen, rất phiền phức!
Tập tánh của mỗi cá nhân cũng khác nhau. Đức Phật thuyết pháp chỉ có thể phân loại tổng quát, chẳng thể phân chia tỉ mỉ. Phân chia tỉ mỉ thì đích xác là mỗi người đều khác biệt, phân chia tổng quát sẽ là bốn loại Tạng, Thông, Biệt, Viên. Có kẻ là căn tánh Tiểu Thừa, căn tánh được gọi là Tiểu Thừa vô cùng cố chấp, chuyện gì cũng đều rất chấp trước. Đức Phật thuyết pháp cho loại chúng sanh này liền nói theo kiểu chấp trước, cũng làm ra vẻ rất chấp trước. Họ thấy Ngài chí đồng đạo hợp nên rất hoan hỷ, như vậy thì mới có thể dạy họ. Nếu tập tánh tương đối cởi mở hơn một chút, chẳng chuộng câu nệ, dè dặt như vậy, thứ gì cũng thích tương đối tự do một chút, tùy tiện một chút, đó là điều khiến cho người Tiểu Thừa nhìn chẳng thuận mắt nhất. Đối với những người ấy, đức Phật liền thị hiện tác phong cởi mở, khiến cho những người ấy thấy vậy cũng hoan hỷ.
Đức Phật xuất hiện tại Ấn Độ, người Ấn Độ thuở đó rất câu nệ, dè dặt, nên khi đức Phật xuất hiện trên thế gian, giới luật rất nghiêm ngặt, họ thấy vậy rất bội phục, rất hoan hỷ. Nay trong thế giới này, có những người trông thấy hàng Tiểu Thừa đều cảm thấy không chịu nổi: “Chúng tôi chẳng có cách nào tiếp nhận”. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa, đức Phật mới nói: Trong thời kỳ Mạt Pháp, để độ hết thảy chúng sanh, nhất định phải dùng Đại Thừa, vì sao? Thế giới hiện thời cởi mở, dân chủ, tự do, quý vị cần phải phù hợp với hình thái ý thức của họ thì người ta mới thích tiếp nhận. Nếu còn định ra nhiều quy củ bó buộc con người, cái này cũng chẳng thể động, cái kia cũng chẳng thể động, Phật pháp sẽ không thể thực hiện trôi chảy được. Phật pháp tốt đẹp, nhưng người ta chẳng cần quý vị thì quý vị cũng chẳng có cách nào!
Vì lẽ đó, ắt là phải trong một thời đại nào đó thì phải có cách giảng và cách làm của thời đại đó, hình thức thiên biến vạn hóa, nhưng nguyên lý và nguyên tắc hoàn toàn bất động. Nguyên lý và nguyên tắc là “khiến cho chúng ta phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui”, nhưng hình thức thì thiên biến vạn hóa. Nhất định phải thích hợp với con người, tư tưởng, bối cảnh văn hóa và phương thức sinh hoạt của người nơi ấy thì mới có thể thúc đẩy và lợi ích chúng sanh. Lợi ích là nói theo phía chúng sanh ở nơi ấy, lúc ấy; luận theo nơi ấy, khi ấy, chẳng phải là nói tới những khu vực khác, đó gọi là “khế cơ” thì mọi người mới hoan hỷ. Hiện thời, chẳng dễ gì cổ động Phật pháp, nguyên nhân chủ yếu là vì chẳng khế cơ, do bản thân chúng ta đã giảng kinh chết cứng, giảng sai lầm. À! Chúng ta nghỉ ngơi mấy phút!
[1] “Mười pháp” ở đây chính là Thập Như Thị được nói trong kinh Pháp Hoa (phẩm Phương Tiện). Mười món Như Thị chính là Như Thị Tướng, Như Thị Tánh, Như Thị Thể, Như Thị Lực, Như Thị Tác, Như Thị Nhân, Như Thị Duyên, Như Thị Quả, Như Thị Báo, Như Thị Bổn Mạt Cứu Cánh. Như Thị chính là đặc tánh của Thật Tướng, nên tương ứng với mười món Như Thị mà nói Thật Tánh, Thật Thể v.v…