#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 19
Xin mở kinh bổn, trang một trăm hai mươi lăm:
Nhĩ thời Thế Tôn phóng mi gian quang, kỳ quang kim sắc, biến chiếu thập phương vô lượng thế giới, hoàn trụ Phật đảnh, hóa vi kim đài, như Tu Di sơn, thập phương chư Phật tịnh diệu quốc độ, giai ư trung hiện.
爾時世尊放眉間光 。其光金色。遍照十方無量世界。
還住佛頂 。化為金臺。如須彌山 。十方諸佛淨妙國土。皆
於中現。
(Lúc đó, đức Thế Tôn phóng quang từ giữa hai mày[1], quang minh ấy màu vàng chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới rồi trở về trụ trên đỉnh đầu đức Phật, hóa thành đài vàng như núi Tu Di. Các cõi thanh tịnh mầu nhiệm của chư Phật đều hiện trong ấy).
Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu của phu nhân Vi Đề Hy, thị
hiện các cõi nước Phật để phu nhân Vi Đề Hy tự mình quan sát, chính mình chọn lựa. Đây cũng là một phần phóng quang, hiện tướng lành. Cõi nước của chư Phật hoàn toàn chẳng giống nhau. Từ đoạn kinh văn tiếp theo đây, chúng ta sẽ thấy tướng sai biệt của các cõi ấy. Chúng ta lật qua, xem hàng thứ nhất trong trang một trăm hai mươi sáu:
Hoặc hữu quốc độ, thất bảo hợp thành. Phục hữu quốc độ, thuần thị liên hoa. Phục hữu quốc độ, như Tự Tại thiên cung. Phục hữu quốc độ, như pha ly kính. Thập phương quốc độ, giai ư trung hiện. Hữu như thị đẳng, vô lượng chư Phật quốc độ, nghiêm hiển khả quán, linh Vi Đề Hy kiến.
或有國土 。七寶合成。復有國土。純是蓮華。復有國
土。如自在天宮 。復有國土。如玻璃鏡 。十方國土。皆於
中現。有如是等。無量諸佛國土。嚴顯可觀。令韋提希見。
(Hoặc có quốc độ, do bảy báu hợp thành. Lại có quốc độ, thuần là hoa sen. Lại có quốc độ, như cung trời Tự Tại. Lại có quốc độ, như gương pha lê. Mười phương cõi nước đều hiện trong ấy. Có vô lượng các cõi nước Phật như vậy, trang nghiêm, rõ rệt, đáng ưa để cho Vi Đề Hy trông thấy).
Đoạn này trình bày đại lược trạng huống khác nhau trong các cõi nước Phật, đều là Tịnh Độ của Phật để phu nhân Vi Đề Hy thấy rõ ràng. Ở đây, chúng ta biết: Theo như kinh đã nói rất rõ ràng, phu nhân Vi Đề Hy cùng với năm trăm cung nữ, nên trông thấy những điều này là mọi người đều thấy. Thuở ấy, đức Phật thị hiện tướng này, A Nan ở bên cạnh, Mục Kiền Liên cũng ở bên cạnh, Vi Đề Hy và năm trăm cung nữ đều đích thân trông thấy.
Thời Vi Đề Hy bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Thị chư Phật độ, tuy phục thanh tịnh, giai hữu quang minh.
時韋提希白佛言 。世尊。是諸佛土。雖復清淨。皆有
光明。
(Lúc ấy, bà Vi Đề Hy bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Các cõi Phật ấy tuy là thanh tịnh, lại còn đều có quang minh”).
Bà ta tán thán Tịnh Độ của chư Phật.
Ngã kim nhạo sanh Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật sở.
我今樂生極樂世界阿彌陀佛所。
(Con nay thích sanh về thế giới Cực Lạc là chỗ của A Di Đà Phật).
Qua sự so sánh mười phương cõi nước, bà ta mong cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đây là sự chọn lựa sau khi đã so sánh. Do điều này, có thể chứng minh, Di Đà Tịnh Độ quả thật thù thắng hơn Tịnh Độ của chư Phật. Ở đây, đức Phật chẳng giới thiệu, mà bày ra, để cho bà ta tự do chọn lựa. Chọn chắc chắn rồi, cách sanh về đó như thế nào? Cầu xin đức Thế Tôn chỉ dạy. Khoa tiếp theo là Chánh Thỉnh Tu Nhân, [nghĩa là] chúng ta phải tu cái nhân như thế nào thì mới có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới?
Duy nguyện Thế Tôn giáo ngã tư duy, giáo ngã Chánh Thọ.
唯願世尊教我思惟。教我正受。
(Kính xin đức Thế Tôn dạy con tư duy, dạy con Chánh Thọ).
Nêu ra yêu cầu! Trong phần chú giải có viết: “Sớ vân, tư duy thị nguyện” (Sớ viết: “Tư duy là nguyện”), Sớ là do Trí Giả đại sư nói, tư duy là phát nguyện. “Nguyện tư thị nghiệp, chánh vấn kỳ nhân. Chánh Thọ giả, phi tà viết Chánh, lãnh nạp danh Thọ, tức đệ nhị vấn Quán Hạnh” (Nguyện và tư duy là nghiệp, hỏi thẳng vào cái nhân [để được vãng sanh]. Chánh Thọ: Chẳng tà là Chánh, lãnh nạp là Thọ, tức là câu hỏi thứ hai về Quán Hạnh). Hai câu này nói đơn giản, sẽ là: Một là hỏi về nguyện, phát nguyện như thế nào? Hai là hỏi tu hành như thế nào? Điều này vô cùng quan trọng!
Dưới đây là lời giải thích của tôn giả Tứ Minh: “Sao vân, thử thỉnh Tịnh Độ chánh trợ nhị nhân. Sơ, giáo ngã tư duy. Nhược bất tư duy, bất thành nguyện nhạo. Hữu nguyện chi tư, nãi thành nghiệp nhân, thử thỉnh Sự thiện trợ đạo chi nghiệp dã. Thứ giáo ngã Chánh Thọ, ly tà đảo tưởng, lãnh nạp sở duyên, thử thỉnh tu hành Tịnh Độ quán pháp, tức Chánh Quán dã” (Sao rằng: Đây là xin chỉ dạy chánh nhân và trợ nhân của Tịnh Độ. Trước hết, hãy dạy cho con cách tư duy. Nếu chẳng tư duy, sẽ chẳng thể nào nguyện cầu, ưa thích. Đã nghĩ đến cái nguyện, bèn trở thành nghiệp nhân. Đây chính là thưa hỏi những điều thiện thuộc về mặt Sự để làm nghiệp trợ đạo. Kế đến, dạy cho con Chánh Thọ, lìa bỏ những ý tưởng điên đảo, tà vạy, lãnh nhận các duyên. Đây chính là thưa hỏi quán pháp để tu hành Tịnh Độ, tức là Chánh Quán). Đây là một đoạn giải thích của sách Sớ Sao.
Đoạn tiếp theo, “thiết vị” (trộm cho rằng), đây chính là lời của pháp sư Đế Nhàn: “Cứ Sớ ý, tư duy thị nguyện, quán hạnh thị hạnh, thị dĩ nguyện đạo hạnh dã, Sao cứ đáp văn” (Xét ra, lời Sớ mang ý nghĩa: Tư duy là nguyện, quán hạnh là hạnh. Do vậy, dùng nguyện để hướng dẫn hạnh; còn lời Sao thì dựa theo lời đáp [của đức Thế Tôn để giảng giải]). Tôn giả Tứ Minh đã căn cứ trên lời đáp của đức Thế Tôn dành cho lời khải thỉnh của bà Vi Đề Hy. Kinh văn ghi chép lời đáp trong phần sau. “Tiên thị tịnh nghiệp thị Trợ, thứ minh diệu quán thị Chánh, thị Chánh Trợ Song Tu dã” (Trước hết, chỉ ra Tịnh nghiệp là Trợ, kế đến giảng rõ diệu quán là Chánh, tức là Chánh Trợ Song Tu vậy). Thích Ca Mâu Ni Phật trả lời, trước hết nói về ba thứ Tịnh nghiệp, đó là Tư Duy. Trong phần sau của lời đáp, đã dạy về mười sáu phép Quán, đó là mười sáu cách tu, tức là nói về Chánh Thọ. Tôn giả Tứ Minh đã căn cứ trên ý nghĩa trong kinh để viết [lời Sao]. Hai cách giải thích ấy đều phù hợp với ý nghĩa của kinh, dùng nguyện hướng dẫn hạnh, Chánh Trợ song tu, đúng là cương lãnh tu học trong Tịnh Tông.
Chúng ta xem kinh văn. Từ kinh văn, có thể thấy phương pháp giáo học của đức Thế Tôn rất hoạt bát, rất sinh động. Đức Phật biết ý nghĩ của bà Vi Đề Hy, cũng biết thiện căn nhiều đời nhiều kiếp hiện thời dấy lên hiện hành, nên Ngài đến hoàng cung, hiển thị sự hoan hỷ khôn sánh. Đây là cơ duyên thành Phật [của Vi Đề Hy] đã chín muồi, nên đức Phật đến độ bà ta hoan hỷ khôn sánh. Dùng phương thức ấy để cho bà ta tự chọn lựa, nói thật ra, đức Phật biết bà ta nhất định sẽ chọn thế giới Cực Lạc. Đã chọn ra, bèn nêu câu hỏi, hỏi về phương pháp tu hành. Chúng ta xem dưới đây, đức Thế Tôn trả lời ra sao, [hãy xem] trang một trăm hai mươi tám:
Nhĩ thời Thế Tôn tức tiện vi tiếu.
爾時世尊即便微笑。
(Lúc đó, đức Thế Tôn bèn mỉm cười).
“Mỉm cười” cũng bao hàm ý nghĩa rất sâu. Mỉm cười là hoan hỷ, tỏ rõ thiện căn của bà ta đã chín muồi, chọn lựa hết sức chánh xác. Không chỉ chính bà ta được lợi ích, mà còn có vô lượng vô biên chúng sanh trong tương lai đều có thể đạt được lợi ích này. Qua việc bà ta thưa hỏi và chọn lựa này, khá nhiều người sẽ đạt được lợi ích do vãng sanh Tịnh Độ.
Hữu ngũ sắc quang, tùng Phật khẩu xuất, nhất nhất quang chiếu Tần Bà Sa La vương đảnh. Nhĩ thời đại vương tuy tại u bế, tâm nhãn vô chướng, dao kiến Thế Tôn, đầu diện tác lễ, tự nhiên tăng tấn, thành A Na Hàm.
有五色光。從佛口出 。一一光照頻婆娑羅王頂。爾時
大王雖在幽閉 。心眼無障 。遙見世尊。頭面作禮。自然增
進。成阿那含。
(Có ánh sáng năm mầu từ miệng đức Phật tỏa ra, mỗi tia sáng chiếu đến đỉnh đầu vua Tần Bà Sa La. Khi đó, đại vương tuy bị nhốt kín, nhưng tâm nhãn chẳng bị chướng ngại, thấy đức Thế Tôn từ xa, bèn dập đầu sát đất làm lễ, tự nhiên tăng tấn, thành A Na Hàm).
A Na Hàm (Anāgāmi) là Tiểu Thừa Tam Quả. Quý vị thấy quốc vương trì giới, tu hành nơi đó, chứng Tiểu Thừa Tam Quả. Kế đó là phần chú giải, trước hết, hãy xem phần khai thị của Trí Giả đại sư: “Tùng thử dĩ hạ, thù tiền tịnh nghiệp” (Từ đây trở đi nhằm đáp tạ [câu hỏi về] tịnh nghiệp). “Thù” (酬) là đền đáp. Trong phần trước, phu nhân Vi Đề Hy đã nêu ra câu hỏi, ở đây, đức Phật sẽ giải đáp. “Cận đáp Tư Duy, Chánh Thọ, tam chủng tịnh nghiệp” (Lời đáp gần gũi là giảng về Tư Duy và Chánh Thọ, ba thứ tịnh nghiệp), đây là lời đáp trước hết. “Tán tâm tư lượng, viết Tư Duy. Thập lục Chánh Quán, danh Chánh Thọ” (Tán tâm suy lường thì gọi là Tư Duy, mười sáu phép Chánh Quán gọi là Chánh Thọ). Tư Duy và Chánh Thọ được giải thích cách này cũng rất hay. Tư Duy là gì? Chánh Thọ là gì? Những điều này liên quan đến sự tu hành của chúng ta trong hiện thời. Tán (散) là tâm tán loạn. Tâm tán loạn nhớ Phật, niệm Phật, đều gọi là Tư Duy. Nhất tâm chuyên xưng niệm là Chánh Thọ, sai biệt ở chỗ này. Phóng quang: Trước khi thuyết pháp, đức Phật thường phóng quang, quang biểu thị ý nghĩa rất sâu. Không chỉ có ý nghĩa biểu thị pháp, mà còn có công đức diệt tội, đoạn Hoặc trong ấy. Như trong kinh điển Tịnh Tông, [xét theo] bản dịch kinh Di Đà của Huyền Trang đại sư, tuy trong kinh Di Đà bản tiếng Phạn không có chữ “nhất tâm bất loạn”, bản tiếng Phạn ghi là “nhất tâm hệ niệm”, La Thập đại sư dịch thành “nhất tâm bất loạn”, nhưng Huyền Trang đại sư chẳng nói là ngài La Thập dịch sai. Bởi lẽ, người vãng sanh trong khi vãng sanh, đức Phật đến tiếp dẫn, trước hết là phóng quang chiếu gội. Khi được Phật phóng quang chiếu gội, công phu niệm Phật của người ấy liền được tăng lên gấp bội. Do vậy, La Thập đại sư dịch thành “nhất tâm bất loạn”, xét theo ý nghĩa thì chẳng sai lầm.
Công phu nhất tâm bất loạn có cạn hay sâu sai khác. Chúng ta niệm Phật, niệm đến khi chế ngự được phiền não thì mới có phần vãng sanh. Chẳng thể chế ngự phiền não, sẽ chẳng thể vãng sanh. Có thể chế phục phiền não, sẽ cảm ứng đạo giao cùng A Di Đà Phật. Khi tín niệm trọn đủ, Phật đến tiếp dẫn. Khi Phật đến tiếp dẫn, công phu của quý vị sẽ được nâng cao gấp bội. Do đó, Phật quang có công đức diệt tội và đoạn Hoặc. Đã tăng lên, từ công phu thành phiến tăng lên thành Sự nhất tâm bất loạn, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới như vậy thì nói theo lý luận mới suông được. [Người sanh về Cực Lạc có địa vị] tương đương với các Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo. Viên Giáo Sơ Tín Vị Bồ Tát đã đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, nhưng Tư Hoặc còn chưa đoạn, nên Ngài vẫn trụ trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chưa thể đến cõi Phương Tiện Hữu Dư. Khi nào đoạn sạch tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc thì mới có thể sanh về cõi Phương Tiện Hữu Dư. Do đó, phàm là người vãng sanh, dẫu là hạ hạ phẩm, được Phật quang chiếu gội, nói thông thường, địa vị sẽ tương đương với Tiểu Thừa Sơ Quả, hoặc Sơ Tín Vị Bồ Tát trong Đại Thừa Viên Giáo. Ở đây, đức Phật phóng quang, nói theo phía phu nhân Vi Đề Hy thì cũng có sức mạnh ấy, mà đối với vua Tần Bà Sa La, [Phật lực] cũng gia trì nhà vua. Nhà vua tinh tấn trong ngục, dụng công tu hành. Gặp phải đại kiếp nạn này, tâm nhà vua tu đạo đặc biệt ân cần, tha thiết, do tâm tu đạo đặc biệt chân thành, nên nhà vua tiến bộ rất nhanh. Phật quang vừa chiếu tới, nhà vua có thể chứng đắc quả A Na Hàm.
Ở đây, pháp sư Đế Nhàn có nói mấy câu giải thích ý nghĩa của kinh cũng rất hay. Lời chú giải của Ngài bắt đầu từ câu cuối cùng trong dòng thứ hai đếm từ dưới lên nơi trang một trăm hai mươi chín. Câu nói của lão nhân gia được thêm hai chữ “thiết vị” (竊謂: trộm nghĩ). Câu nào có hai chữ ấy thì kể từ đó là lời của pháp sư Đế Nhàn. “Phật nhân Tần Bà, quả thục đế lạc, thời chí lý chương, cố tiên phóng quang chiếu xúc, linh kỳ xuất phàn lung, nhi thành thánh quả, huống bỉ tiểu cơ, tự thành tiểu quả” (Đức Phật nhân vì [xét thấy] vua Tần Bà Sa La quả đã chín, cuống rụng, thời đã đến, lý ắt tỏ rạng, nên trước hết phóng quang chiếu chạm, khiến cho vua thoát khỏi bẫy lồng, thành tựu chánh quả. Huống chi nhà vua là căn cơ Tiểu Thừa, nên thành tựu Tiểu Quả). Do quốc vương và phu nhân hai người có căn tánh khác nhau, nên tâm tư bọn họ cũng khác nhau. Vua Tần Bà Sa La là căn cơ Tiểu Thừa. Trong đời quá khứ, thời gian nhà vua tu học Tiểu Thừa rất dài, tập khí Tiểu Thừa rất nặng, tuy suốt một đời này thân cận Thế Tôn, vẫn chứng quả Tiểu Thừa. Duyên của nhà vua cũng đã chín muồi! “Bất tỷ Vi Đề, thị bổn kinh phát khởi nhân, hựu thị đương cơ chúng” (chẳng sánh bằng bà Vi Đề Hy là người phát khởi kinh này, lại còn là đương cơ chúng). Phu nhân là căn cơ Đại Thừa. Không chỉ là căn cơ Đại Thừa, mà còn là người phát khởi kinh này, là bậc đương cơ. “Tần Bà nhị sự câu vô, cố linh tiên thoát dã” (Hai chuyện ấy vua Tần Bà đều không có, nên [đức Phật] độ cho vua được liễu thoát trước). Quốc vương chẳng phải là đương cơ của kinh này, mà cũng chẳng phải là người phát khởi, nên vua chứng Tiểu Quả trước!
“Phật ư vị phóng quang tiền, tiên vi tiếu giả, hỷ ư trung, nhi hình ư ngoại, vị xuất thế dữ thế, lưỡng câu bất khả tư nghị dã” (Trước khi đức Phật phóng quang, trước hết bèn mỉm cười, niềm vui trong lòng được biểu lộ ra ngoài, có ý nghĩa: Xuất thế gian và thế gian, hai đằng đều chẳng thể nghĩ bàn), nhân duyên này vô cùng chẳng thể nghĩ bàn. “Xuất thế” là đối với chúng sanh căn cơ đã chín muồi, Ngài sắp nói pháp môn thành Phật trong một đời, điều này chẳng thể nghĩ bàn. Pháp thế gian là do cuộc chánh biến của vua A Xà Thế trong lần này, đã dẫn khởi nhân duyên như thế, cũng là chẳng thể nghĩ bàn. Tiếp đó, [ngài Đế Nhàn viết]: “Tần Bà nhược bất sanh Xà Thế, vị tất hiện sanh, tức thành thánh quả” (Nếu vua Tần Bà Sa La chẳng sanh ra A Xà Thế, chưa chắc đã thành thánh quả ngay trong đời hiện tại). Thật vậy, [nếu không gặp cảnh ngộ khốn khổ ấy], nhà vua chẳng dụng tâm tu đạo chuyên tâm ngần ấy. Chẳng chuyên tâm thì chưa chắc đã có thể thành tựu ngay trong một đời. Vì sanh ra một đứa con bất hiếu như thế ấy, đâm ra lại khiến cho chính mình chứng thánh quả, đây là chuyện chẳng thể nghĩ bàn. “Tức sử hiện sanh đắc thành, diệc vị tất hữu nhược tư chi tốc” (Dẫu cho được thành tựu trong đời này, cũng chưa chắc đã nhanh chóng dường ấy). Cho dù có thể tu thành công trong một đời này, chẳng thể nhanh chóng ngần ấy, chẳng thể nào trong hiện tại liền chứng quả A Na Hàm. “Xà Thế nhược bất phùng ác hữu” (Nếu A Xà Thế chẳng gặp bạn ác), [ý nói] nếu A Xà Thế chẳng gặp Đề Bà Đạt Đa, “vị tất tiện hữu sát phụ đồ vương chi niệm” (chưa chắc đã có ý niệm giết cha, đoạt ngôi vua). Nếu Đề Bà Đạt Đa chẳng xúi giục nhà vua, ông ta cũng chẳng dấy lên ý niệm ấy. “Vô thử cực ác chi tâm, đoạn bất tác thử nghịch sự” (Không có tâm cực ác ấy, quyết chẳng làm chuyện ác nghịch này), nhà vua không có tâm ác này, sẽ chẳng làm chuyện xấu xa này. “Dĩ thế gian cực ác chi khổ nhân, trợ thành xuất thế chứng thánh chi thiện quả, khởi phi bất khả tư nghị giả dư?” (Dùng cái nhân của nỗi khổ cực ác trong thế gian để giúp thành tựu thiện quả xuất thế chứng thánh, há chẳng phải là không thể nghĩ bàn ư?). Đây là nói nhân nhân quả quả của vua A Xà Thế, Đề Bà Đạt Đa, và vua Tần Bà Sa La chẳng thể nghĩ bàn.
“Tần Bà nhân thân sanh tử, sát phụ đồ vương, do thị trần niệm nhược hôi” (Vua Tần Bà bị con ruột giết cha, đoạt ngôi, do vậy, ý niệm trần tục [nguội lạnh] như tro tàn), tâm thật sự chán ngán thế gian này tới cùng cực. “Cập chí quan ư thất trùng thất nội, quốc chánh tiêm giới bất văn, thử thời hoàn tha bổn lai diện mục, kiêm chi dĩ phụng giới, văn pháp, Tam Học tề tu. Thị cố, đoạn Hoặc chứng Chân dã, nghi hỹ” (Cho đến khi bị nhốt trong phòng, sau bảy tầng cửa, chẳng còn nghe chuyện chánh sự mảy may, khi ấy, trở về diện mục sẵn có, lại còn giữ giới, nghe pháp, Tam Học cùng tu. Vì thế, đoạn Hoặc, chứng Chân là chuyện phải nên như vậy). Đây là nói về nhân duyên của quốc vương. Thường ngày, quốc vương bận bịu việc triều chánh, nay bị con trai giam cầm, đúng là hết thảy đều buông xuống, thân tâm thanh tịnh. Gặp phải kiếp nạn này, chẳng còn mảy may lưu luyến cuộc đời, toàn tâm toàn lực tu hành, đây là một Tăng Thượng Duyên rất khó có. Vì thế, cụ Đế Nhàn bảo là “thử thời hoàn tha bổn lai diện mục” (khi ấy, trở về diện mục sẵn có của ông ta). Bổn lai diện mục là gì? Là thân tâm vô sự, vô sự là bổn lai diện mục. Nếu đang vô sự mà tìm tòi đa sự, đó chẳng phải là bổn lai diện mục. Tâm thanh tịnh là bổn lai diện mục, phải luôn ghi nhớ điều này. “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi bặm”, đó là bổn lai diện mục. Khi vua Tần Bà Sa La bị giam cầm, đúng là đã khôi phục bổn lai diện mục của chính mình, chẳng bị ràng buộc bởi nhiều chuyện như lúc bình thường. Vì thế, Tam Học của vua tăng thượng, Tam Học là Giới, Định, Huệ. Do đó, vua đoạn Hoặc, chứng Chân.
“Tần Bà chứng quả, Phật tâm thư sướng, sở dĩ, vi tiếu giả dã” (Vua Tần Bà chứng quả, tâm Phật vui sướng, cho nên Ngài mỉm cười). Chẳng ngờ vua Tần Bà Sa La do chuyện như vậy, bèn nhanh chóng, tăng tốc độ chứng đắc Tam Quả của Tiểu Thừa. Đó là một nguyên nhân khiến cho đức Phật mỉm cười. “Quang hữu ngũ sắc giả, biểu tùng Phật pháp tánh Ngũ Ấm thể thượng, hiển lộ diệu quang, chiếu phá Tần Bà Ngũ Ấm, chuyển biến nhi thành ngũ phần Pháp Thân quả dã. Sở dĩ, vương tuy u bế, nhi nội ngoại tâm thân vô bất thư sướng” (Quang minh có năm màu, biểu thị từ bản thể Ngũ Ấm từ trong Pháp Tánh của đức Phật mà hiển lộ quang minh mầu nhiệm, chiếu tan Ngũ Ấm của vua Tần Bà, chuyển biến thành cái quả năm phần Pháp Thân, nên vua tuy bị giam kín, nhưng thân tâm trong ngoài không gì chẳng thoải mái, vui sướng). Nhà vua đắc pháp hỷ sung mãn. “Thất trùng phòng bích, vạn bất năng giá, tuy viết dao kiến, như tại mục tiền. Tác lễ chi khoảnh, tức chứng Tam Quả. Phạn vân A Na Hàm, Hoa ngôn Bất Lai, vị dĩ đoạn Dục Giới cửu phẩm sanh nhân, khả dĩ bất lai hạ giới thọ sanh dã” (Bảy tầng vách phòng, muôn phần chẳng thể ngăn che. Tuy nói là “nhìn từ xa”, nhưng giống như trước mắt. Trong khoảnh khắc làm lễ, liền chứng Tam Quả. Tiếng Phạn là A Na Hàm, Hán dịch là Bất Lai, ý nói đã đoạn cái nhân của chín phẩm sanh trong Dục Giới, có thể chẳng còn phải vào thọ sanh trong hạ giới). Tam Quả được gọi là Bất Lai, Bất Lai là chẳng đến trong Dục Giới. Người ấy (người đã chứng Tam Quả) ở nơi đâu? Trụ trong Ngũ Bất Hoàn Thiên[2] của Tứ Thiền. Người ấy đến đó tu hành, đến tu hành trong Ngũ Bất Hoàn Thiên. Chư vị phải hiểu: Đến tu hành trong Ngũ Bất Hoàn Thiên chẳng phải là thân đi, mà là thần thức đến đó. Quốc vương bị giam cầm ở nơi đây, cũng chẳng có ai cho nhà vua ăn uống, chúng ta thấy quốc vương đã chết đói. Trên thực tế, quốc vương đã đến Ngũ Bất Hoàn Thiên. Đây là đức Phật độ nhà vua trước. Mục đích giết phụ thân của vua A Xà Thế đã đạt được, nào ngờ cha sanh lên Ngũ Bất Hoàn Thiên, đến cõi Tứ Thiền, đã chứng thánh quả, chẳng còn mảy may lưu luyến thế gian này.
Những chuyện giống như vậy, phàm phu nhục nhãn chẳng thấy được. Nếu ở đây, đức Phật chẳng nói rõ, thì cũng chẳng có cách nào biện định vấn đề này: Rốt cuộc là vua đến đó khi còn sống, hay đã chết? Rốt cuộc tình huống là như thế nào? Qua lời giảng giải này, [vấn đề ấy] liền rành mạch. Tam Quả La Hán, Tam Quả cũng được gọi là La Hán, có đủ năm món thần thông, nên nhà vua thấy đức Phật thuyết pháp cho vương hậu, bèn đảnh lễ Phật từ chỗ bị giam, chứng đắc Tam Quả. Nhà vua đã trọn đủ năm món thần thông.
Nhĩ thời Thế Tôn cáo Vi Đề Hy.
爾時世尊告韋提希。
(Khi ấy, đức Thế Tôn bảo Vi Đề Hy).
Đức Phật độ hai người gần như đồng thời, trong khi phóng quang đã đồng thời gia trì hai người ấy, bảo phu nhân Vi Đề Hy:
Nhữ kim tri phủ? A Di Đà Phật, khứ thử bất viễn.
汝今知不。阿彌陀佛。去此不遠。
(Bà có biết không? A Di Đà Phật cách đây chẳng xa).
Nói về Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Nhữ đương hệ niệm, đế quán bỉ quốc. Tịnh nghiệp thành giả, ngã kim vị nhữ quảng thuyết chúng thí, diệc linh vị lai thế nhất thiết phàm phu dục tu Tịnh nghiệp giả, đắc sanh Tây Phương Cực Lạc quốc độ.
汝當繫念諦觀彼國 。淨業成者。我今為汝廣說眾譬。
亦令未來世一切凡夫欲修淨業者。得生西方極樂國土。
(Bà hãy nên hệ niệm, quán kỹ cõi ấy, sẽ thành tựu Tịnh nghiệp. Ta nay vì bà nói rộng các thí dụ, cũng khiến cho hết thảy phàm phu muốn tu Tịnh nghiệp trong đời vị lai, được sanh về Tây Phương Cực Lạc quốc độ).
Đoạn này chỉ rõ công đức khải thỉnh vô lượng vô biên. Trước hết là an ủi, khuyến cáo: Bà đã chọn lựa Di Đà Tịnh Độ, cõi ấy cách nơi này chẳng xa. Phương pháp để mong đến nơi đó, quan trọng nhất là phải “hệ niệm, đế quán bỉ quốc”. “Hệ niệm” là trả lời câu hỏi của bà ta về Tư Duy, “đế quán” là trả lời câu hỏi về Chánh Thọ. Ở đây, tuy chẳng nói cặn kẽ, nhưng đã nói với bà ta thì không chỉ mình bà ta được lợi ích, “diệc linh vị lai thế nhất thiết phàm phu dục tu Tịnh nghiệp giả” (cũng khiến cho hết thảy phàm phu muốn tu Tịnh nghiệp trong đời vị lai). Nay bà đã chọn pháp môn này, người khác trông thấy, nhất định là sẽ ngưỡng mộ, nhất định cũng muốn vãng sanh Di Đà Tịnh Độ. Lợi ích đều được dẫn khởi bởi sự chọn lựa của bà, nên công đức lợi ích này quá thù thắng.
Ở đây, Trí Giả đại sư giải thích, vì sao nói “khứ thử bất viễn” (cách đây không xa): “Sớ vân, khứ thử bất viễn giả, Cực Lạc khứ thử thập vạn ức sát” (Sớ rằng: “Cách đây chẳng xa”: Cực Lạc cách thế giới này mười vạn ức cõi). Khoảng cách giữa thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà là mười vạn ức Phật quốc độ. Một Phật quốc độ là một tam thiên đại thiên thế giới; cớ sao có thể nói khoảng cách mười vạn ức đại thiên thế giới giữa hai cõi chẳng xa? Trong lời đáp, có hai ý nghĩa: “Đáp hữu nhị: Nhất dĩ Phật lực cố, dục kiến tức kiến” (Đáp rằng: Có hai nghĩa; một là do Phật lực nên muốn thấy liền thấy). Nay đức Phật dùng thần lực, phô bày cõi nước của mười phương chư Phật trước mặt phu nhân Vi Đề Hy, nên chẳng xa, bà ta vừa mới thấy rành mạch, vừa mới trông thấy. Đó là một ý nghĩa. Ý nghĩa thứ hai: “Quang trung hiện độ, hiển ư Phật đảnh, nhất niệm năng duyên, ngôn bất viễn dã” (Trong quang minh hiện cõi nước, hiển hiện trên đỉnh đầu Phật, do một niệm bèn có thể duyên, nên nói chẳng xa). Hằng sa các cõi Phật, đức Phật đều có thể triển hiện trong Phật quang. Vì thế, tâm chúng ta vừa động một niệm, bèn có thể đạt tới. Nếu nói theo sự tướng thế gian, xác thực là mười vạn ức cõi Phật. Mười vạn ức cõi Phật trong một niệm có thể đạt đến, vậy thì rốt cuộc phạm vi có thể đạt đến của một niệm to cỡ nào? Thưa cùng chư vị, có thể đạt đến tận hư không khắp pháp giới. Mười vạn ức cõi nước quá gần, giống như phát ra làn sóng điện, làn sóng điện vừa phát ra sẽ đến tận hư không khắp pháp giới, khoảng cách mười vạn ức đích xác là rất ngắn, chẳng kể như rất dài!
Do vậy, ý niệm chẳng thể nghĩ bàn, kinh thường nói: “Niệm kiếp viên dung” (Niệm và kiếp viên dung). Một niệm triển khai thành vô lượng kiếp, vô lượng kiếp rút gọn thành một niệm. Một niệm là vô lượng kiếp, vô lượng kiếp là một niệm. Đây cũng là nói rõ: Thời gian chẳng thật, không gian cũng là giả. Nay chúng ta nói tới thời gian và không gian, trong Phật pháp, thời gian và không gian là Bất Tương Ứng Hành Pháp. Nói cách khác, chúng là những khái niệm trừu tượng, chẳng thật. Vì y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, một niệm này chính là tâm thức khởi tác dụng. Vì thế, một niệm có thể biến ra khắp hư không pháp giới, dẫu xa cách mấy, một niệm vẫn đạt tới. Đừng nói Di Đà Tịnh Độ, còn xa hơn Di Đà Tịnh Độ. Vô lượng vô biên Hằng hà sa đại thiên thế giới, cũng là một niệm bèn đạt tới, chẳng cần tới hai niệm hay ba niệm, chỉ một niệm bèn đạt tới viên mãn. Do đó nói là “chẳng xa”.
Tiếp đó, lão pháp sư Đế Nhàn khai thị: “Phật ngôn bất viễn giả, hiển Cực Lạc nãi duy tâm Tịnh Độ, hà viễn chi hữu? Sớ chỉ Phật đảnh quang trung Di Đà, cố thị, Phật bất nhất định Di Đà thuyết tại quang trung. Như quả thị quang trung Di Đà, dữ Vi Đề địch diện tương kiến, Phật diệc bất vấn tri chi dữ phủ? Cứ Phật ý vị, nhĩ tiền ngôn nhạo sanh A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới, kim cáo Vi Đề Hy ‘nhữ kim tri phủ? A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới, khứ thử bất viễn’, bất nan vãng sanh, chỉ yếu hệ niệm A Di Đà Phật, đế quán bỉ Cực Lạc quốc độ” (Đức Phật nói “chẳng xa” nhằm hiển thị Cực Lạc là duy tâm Tịnh Độ, há có xa chi? Lời Sớ nói đến Phật Di Đà ở trong quang minh, cố nhiên là như vậy, nhưng đức Phật chẳng nhất định nói tới Phật Di Đà ở trong quang minh. Nếu là Phật Di Đà ở trong quang minh thì bà Vi Đề Hy đã thấy ngay trước mặt rồi, đức Phật cũng chẳng hỏi bà ta có biết hay không! Xét ra, ý đức Phật là nói: Trước đó, [do Vi Đề Hy] đã nói “thích sanh về thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật”, nay Ngài bảo Vi Đề Hy: “Bà có biết chăng? Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật cách đây chẳng xa, sanh về đó chẳng khó. Chỉ cần hệ niệm A Di Đà Phật, quán chắc thật cõi nước Cực Lạc”). Pháp sư Đế Nhàn chú trọng hai câu này, hai câu ấy giải thích hết sức thân thiết, quả thật là rõ ràng, đúng chỗ, khẳng định hơn so với lời Sớ của Trí Giả đại sư. Nói hay tuyệt! Xa hay gần chẳng phải là chuyện khẩn yếu, chuyện khẩn yếu là đến đó như thế nào, quyết định đến, đó mới là chuyện khẩn yếu! Cụ Đế Nhàn đã căn cứ trên ý nghĩa của kinh văn để giải thích: Chỉ cần hệ niệm A Di Đà Phật! Xét theo ý nghĩa trong phần trên, “hệ niệm” (繫念) là tín nguyện cầu sanh. Tâm cầu sanh hết sức khẩn thiết; đó là hệ niệm. Tâm cầu sanh khẩn thiết, tự nhiên sẽ coi nhạt thế gian này, bất luận đãi người tiếp vật trong thế gian này, đối với người, đối với sự, quý vị sẽ chẳng còn so đo, mà cũng chẳng riết róng, vì sao? Nhất tâm nhất ý mong sanh về thế giới Cực Lạc, mong lìa bỏ thế giới này, há còn có gì chẳng thể chịu đựng thế giới này nữa? Chẳng có! Đó gọi là buông xuống vạn duyên, thật sự buông xuống! Hệ niệm là buông xuống vạn duyên, nhất tâm nhất ý cầu sanh thế giới Cực Lạc.
“Đế quán” (諦觀) là nhớ Phật, niệm Phật. Mười sáu phép Quán đã được nói chung thành bốn chữ ấy (nhớ Phật, niệm Phật). Mười lăm phép Quán trước là nhớ Phật, phép Quán cuối cùng là niệm Phật. Đại Thế Chí Bồ Tát đã giảng về nhớ Phật, niệm Phật: “Hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”. Ta mới hiểu đế quán bao gồm phương pháp tu hành. Phạm vi của ức niệm là y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Hệ niệm tức tư duy, trợ đạo dã. Đế quán, tức quán tưởng, chánh hạnh dã” (Hệ niệm là tư duy, là trợ đạo. Đế quán là quán tưởng, là chánh hạnh). Trì danh niệm Phật thuộc loại Chánh Hạnh, thuộc phạm vi của quán tưởng, thuộc trong phạm vi của mười sáu phép Quán. Vì thế, chư vị phải ghi nhớ: Trì danh chẳng phải là trợ niệm[3], trì danh là chánh niệm, chẳng phải là trợ đạo, mà là chánh hạnh. “Nhị câu tịnh nghiệp” (Cả hai đều là tịnh nghiệp), hai điều như đức Phật đã nói đều là tịnh nghiệp. “Chánh trợ hạnh thành, lâm chung quyết định vãng sanh, khả vô nghi nhị” (Chánh hạnh và trợ hạnh thành tựu, lâm chung quyết định vãng sanh, chẳng còn ngờ vực chi nữa). Chánh tu và trợ tu, chánh trợ song tu, lâm chung quyết định vãng sanh, đó là vấn đề chẳng còn có mảy may nghi ngờ chi nữa!
Tiếp theo đây, đức Phật dạy chúng ta cách hệ niệm, tức là hệ niệm ba thứ tịnh nghiệp. Chúng ta đọc phần kinh văn này một lượt, vô cùng quan trọng, đó là tịnh nghiệp chánh nhân của tam thế chư Phật. Vì vậy, tựa đề của khoa này được ghi là “chánh thị vãng sanh chánh nhân” (chỉ bày cái nhân chủ yếu để vãng sanh). Trong phần này có hai đoạn, đoạn thứ nhất là Chánh Nhân. Vì vậy, phần này vô cùng quan trọng.
Dục sanh bỉ quốc giả, đương tu tam phước.
欲生彼國者。當修三福。
(Người muốn sanh về cõi ấy, nên tu ba món phước).
Phàm là người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận là người tu hành tích lũy công đức, hoặc là người lâm chung sám hối vãng sanh, nhất định trọn đủ ba phước. Sau này, vua A Xà Thế cũng vãng sanh Tịnh Độ. Vua giết cha, hại mẹ, có tu “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” hay không? Thưa cùng chư vị, có chứ! Hiện thời chẳng có, nhưng lâm chung vừa sám hối bèn có, hễ sám hối liền trọn đủ. Nghĩ lại trong quá khứ, thái độ, tâm thái, hành vi đối với cha mẹ thật sự sai lầm, bèn triệt để ăn năn hối lỗi. Vừa ăn năn hối lỗi, phước ấy liền trọn đủ, vì sao? Ông ta chẳng còn dùng tâm thái ấy, dùng hành vi ấy để đối xử với cha mẹ nữa, thật sự sửa đổi. Người Hoa có câu tục ngữ: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán” (Lãng tử quay đầu, vàng chẳng đổi), thật sự triệt để hối cải. Vua A Xà Thế đến khi lâm chung mới hối cải, nên vua ắt phải trọn đủ ba thứ tịnh nghiệp ấy. Chẳng có ba thứ tịnh nghiệp ấy, quyết định chẳng thể vãng sanh. Chư vị đồng tu phải ghi nhớ điều này.
Nay chúng ta bất hiếu với cha mẹ, bất kính với sư trưởng. “Chẳng sao hết! Học theo vua A Xà Thế, đến khi lâm chung, chúng ta mới sám hối vãng sanh”. Nếu ấp ủ tâm thái ấy, đó gọi là “lươn lẹo, mánh mung”, tâm thái như vậy chắc chắn chẳng thể vãng sanh! Vì sao? Khi quý vị lâm chung, chẳng có cơ hội sám hối, tất nhiên đọa lạc. Đức Phật giáo huấn chúng ta, trước khi chúng ta nghe biết Phật pháp thì đã tạo tác tội nghiệp, mê hoặc, điên đảo. Sau khi nghe Phật pháp, nhất là sau khi đã thọ Tam Quy, thọ các giới, nếu lại tạo tác tội nghiệp, tức là tội càng thêm tội. Do đó, bốn giới trọng chẳng thông sám hối, chẳng có cơ hội sám hối, chư vị nhất định phải ghi nhớ điều này. Quyết định chớ nên có tâm lý cầu may, [nếu có tâm lý ấy] sẽ là lầm lẫn quá đỗi, kể từ hôm nay, hãy bắt đầu nghiêm túc tu học. Trong ba câu ấy, câu đầu tiên là:
Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.
孝養父母。奉事師長。慈心不殺。修十善業。
(Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp).
[Phước này] gồm bốn chuyện. Điều thứ hai:
Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi.
受持三歸。具足眾戒。不犯威儀。
(Thọ trì Tam Quy, tròn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi).
[Phước này] gồm ba chuyện. Điều thứ ba.
Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả.
發菩提心。深信因果。讀誦大乘。勸進行者。
(Phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến khích, sách tấn hành giả).
[Phước này] gồm bốn chuyện. Tổng cộng là mười một chuyện. Thứ nhất là phước nhân thiên, trong chú giải nói phước thứ nhất là “cộng phàm phu” (chung với phàm phu), tức là phước báo nhân thiên. Phước thứ hai là “cộng Tiểu Thừa”, thứ ba là “Bồ Tát phước”. Vì thế, ba điều này, mỗi điều sau trỗi vượt điều trước, điều sau nhất định bao gồm điều trước, điều trước chẳng thể bao hàm điều sau. Nếu nói chi tiết thì tổng cộng mười một câu, câu sau bao quát câu trước, câu trước chẳng thể bao quát câu sau. Nói cách khác, bất hiếu với cha mẹ, chắc chắn chẳng thể “phụng sự sư trưởng”, chẳng có lẽ này! Chẳng thể phụng sự sư trưởng, nhất định là chẳng có tâm từ bi, chẳng thể có tâm từ bi. Không có tâm từ bi thì làm sao có thể tu mười thiện nghiệp cho được? Chẳng có mười thiện nghiệp, làm sao có thể thọ trì Tam Quy? Người thọ trì Tam Quy chắc chắn viên mãn Thập Thiện. Nhìn từ chỗ này, quý vị biết Tịnh Độ Tông là đạo dễ hành, nhưng thật ra cũng chẳng dễ dàng! Nếu dễ dàng, sẽ là một vạn người niệm Phật, một vạn người đều vãng sanh. Cớ sao thầy Lý thường nói: “Trong một vạn người niệm Phật, chỉ có đôi ba người vãng sanh?” Quý vị chú tâm quan sát đôi ba người vãng sanh ấy, [sẽ thấy] họ thật sự làm được, xác thực là làm được [Tịnh nghiệp tam phước]. Phàm là những kẻ chẳng thể làm được, bề ngoài tuân phục, bên trong chống đối, sẽ chẳng thể vãng sanh. Bất luận quý vị là tại gia hay xuất gia, quý vị mong sanh về Tịnh Độ chẳng dễ dàng dường ấy! Đức Phật đã nói rành rẽ, nhưng bản thân chúng ta chẳng làm theo.
Ở đây, chúng tôi đơn giản là đọc lời chú giải cho quý vị nghe, đoạn này chẳng cần nói cặn kẽ, vì chúng tôi vừa mới giảng tại giảng đường chưa lâu, tôi nhớ là giảng ba lượt, giảng xong ba điều này. Hy vọng mọi người sẽ tìm băng thâu âm để nghe kỹ càng, vô cùng quan trọng. Đây là mấu chốt để được vãng sanh hay không? Không có cơ sở này, làm sao có thể niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu cho được? Làm sao có thể niệm tương ứng? Nay chúng ta niệm A Di Đà Phật chẳng tương ứng, càng niệm phiền não càng nhiều, niệm đến cuối cùng chẳng muốn niệm nữa, niệm không nổi. Đó là do thiếu phước. Đây là ba phước, niệm một câu A Di Đà Phật tương ứng, sẽ là người có đại phước báo, như vậy thì mới có thể niệm tương ứng.
Chúng ta xem dòng thứ hai từ dưới đếm lên trong trang một trăm ba mươi bốn, xem từ câu thứ ba: “Tổng chi, dục tu tịnh nghiệp, phụ mẫu bất năng bất hiếu, sư trưởng hợp nghi phụng sự” (Nói chung, muốn tu Tịnh nghiệp, chẳng thể không hiếu thảo với cha mẹ, hãy nên phụng sự sư trưởng), “hợp nghi” (合宜) là hãy nên, “thân khẩu ý nghiệp, bất đắc bất thận” (thân, khẩu, ý nghiệp, chẳng thể không cẩn thận). Từ tâm, Thập Thiện là thân ba điều, khẩu bốn điều, ý ba điều, phải cẩn thận. “Thị phàm phu phận sở đương hành, cố viết cộng phàm phu” (Là những điều nên hành thuộc vào bổn phận của phàm phu, nên nói là “cộng phàm phu”). Đây là đức hạnh cơ bản của nhân thiên; chẳng làm được chỗ này thì nói cách khác, trong đời sau chẳng có tư cách được làm người hay trời! Đời sau chẳng đến được cõi nhân thiên, sẽ đến nơi đâu? Đương nhiên là vào trong ba ác đạo. Có thể thật sự giữ gìn, làm được bốn câu này, đời sau quyết định chẳng đọa trong ba ác đạo, hưởng phước báo nhân thiên. Chẳng còn tranh cãi chi nữa, cha mẹ có ân dưỡng dục, lẽ đâu chẳng báo? Đối với sư trưởng thì có vấn đề, phải chọn lựa vị thầy chúng ta thân cận và bạn bè, cha mẹ chẳng thể tuyển chọn, chẳng có cách nào tuyển chọn, nhưng phải tuyển chọn thiện tri thức chân chánh, thân cận họ, bái họ làm thầy. Bái họ làm thầy thì phải nghe lời, chẳng nghe lời sẽ vô dụng. Phụng sự sư trưởng thì quan trọng nhất là y giáo phụng hành; do đó, chọn lựa thầy lại càng phải thận trọng hơn!
Trong Phật môn, vị sư phụ ta quy y, vị thầy xuống tóc, vị thầy truyền giới đều chẳng trọng yếu. Đó là “sư phụ dẫn vào cửa, tu hành do cá nhân”. Điều này cũng giống như nói người giới thiệu chúng ta vào Phật môn chẳng quan trọng. Quan trọng là gì? Là vị thầy chỉ dạy chúng ta tu hành, trong Phật môn gọi vị thầy ấy là “vị thầy truyền pháp”, người đệ tử ấy được gọi là “pháp tử”. Trong Phật môn, hết sức coi trọng vị thầy này, gọi là “sư thừa”. Ta chẳng quy y với vị ấy, vị ấy cũng chẳng phải là giới hòa thượng (hòa thượng truyền giới) của ta, điều này chẳng sao cả! Ta theo vị ấy học pháp, vị ấy truyền pháp cho ta, vị ấy chính là hòa thượng, là thân giáo sư của ta, điều này trọng yếu! Tu hành tại gia cũng là như thế, nhất định phải chọn lựa thiện tri thức. Thật ra, chọn lựa chẳng được, ai là thiện tri thức chân chánh, chúng ta cũng không nhận biết. Càng là thiện tri thức chân chánh, quý vị đến cầu Ngài, Ngài càng khiêm hư: “Tôi chẳng có gì để dạy quý vị, chính tôi cũng chưa thể liễu sanh tử!”, càng khiêm hư, càng khách sáo. Kẻ chẳng phải là thiện tri thức [sẽ lớn lối]: “Ta tu hành công phu tốt đẹp lắm, có thể phóng quang, ta có thần thông”. Hiện thời thật hay giả chẳng dễ gì phân biệt, vào lúc này thì phải làm sao? Vì thế, tôi thường khuyên đồng tu chúng ta lấy cổ nhân làm thầy, chẳng sai, dùng phương pháp này!
Vị thầy tốt nhất là A Di Đà Phật, há còn sai sao được? Trực tiếp học với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật chẳng ở nơi đây, làm thế nào đây? Tịnh Độ Ngũ Kinh chính là [giáo huấn của Ngài], nương theo Tịnh Độ Ngũ Kinh để học, quý vị bái A Di Đà Phật làm thầy, bái Thích Ca Mâu Ni Phật làm thầy, chắc chắn các vị thầy chẳng sai lầm. Nếu nói “giáo huấn của các vị ấy quá sâu, tôi vẫn chưa hiểu”, cạn hơn một chút, gần gũi hơn một chút sẽ là Ấn Quang đại sư. Tuy Ấn Quang đại sư chẳng tại thế, Văn Sao vẫn còn. Ta mỗi ngày đọc Văn Sao, y giáo phụng hành, Ngài dạy ta làm như thế nào, ta liền làm như thế ấy. Pháp sư Ấn Quang là thầy của chúng ta, đó là đúng, chẳng sai lầm! Phải khéo chọn thầy, chọn lựa đồng tham đạo hữu, trong một đời này, chúng ta mới có thể đạt được thành tựu.
[1] Lời chú giải trong sách Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa về tướng bạch hào giữa hai mày đức Phật như sau: “Giữa hai lông mày của đức Như Lai có tướng bạch hào, ví như kha tuyết, dài một trượng năm thước. Bạch hào có tám cạnh, chu vi năm tấc. Trong bạch hào rỗng không, uyển chuyển xoay về bên phải, như ống lưu ly. Từ đó tỏa ra quang minh, chiếu vô lượng cõi nước, trở về trụ trên đỉnh đầu đức Phật, biến thành đài vàng, hiện rộng khắp các cõi nước, khiến cho bà Vi Đề Hy thích sanh về cõi An Dưỡng. Sự phóng quang này nhằm đáp ứng lời thỉnh xin chỉ dạy về cõi sẽ sanh về”. Kha là một loại ngọc quý, sanh từ một loại ốc trong biển cả. Sách Nhĩ Nhã giảng Kha (珂) là một loại ốc lớn mặt ngoài màu vàng pha đen, mặt trong trắng ngần, nên từ ngữ “kha tuyết” thường được dùng để hình dung những gì trắng ngần, không tỳ vết, chẳng bị nhiễm bẩn.
[2] Ngũ Bất Hoàn Thiên (Śuddhāvāsa), còn gọi là Tịnh Cư Thiên, là nơi ở của các bậc thánh nhân trong Tứ Thiền Thiên. Ngũ Bất Hoàn Thiên gồm năm tầng trời là Vô Phiền Thiên (Arvha), Vô Nhiệt Thiên (Atapa), Thiện Sanh Thiên (Sudrśa), Thiện Hiện Thiên (Sudarśana), và Sắc Cứu Cánh Thiên (Aknistha).
[3] Xin lưu ý, trợ niệm ở đây không phải là đến niệm Phật trợ duyên cho người sắp mất theo cách hiểu thông thường, mà có nghĩa là phân biệt Chánh Hạnh và Trợ Hạnh. Hòa Thượng Tịnh Không nói “trì danh chẳng phải là trợ niệm, mà là chánh niệm” ngụ ý: Trì danh là phương pháp, là hạnh chánh yếu trong cách niệm Phật, chẳng phải là một hạnh phụ trợ cho các cách tu niệm Phật khác.