Tập 17/28 – Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 03-002-0001  đến 03-002-0028

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 17

 

Xin mở kinh bổn, trang chín mươi tám, hàng thứ hai đếm từ dưới lên.

Thiên nhị bách ngũ thập nhân câu.

千二百五十人俱。

(Một ngàn hai trăm năm mươi người nhóm họp).

 

Đây là Chúng Thành Tựu. Trong phần trước đã giới thiệu thời gian, xứ sở, và vị chủ giảng của pháp hội này; ở đây, giới thiệu thính chúng. Một ngàn hai trăm năm mươi người ở đây là các vị đệ tử thường theo hầu đức Thế Tôn, gần như suốt đời chẳng rời khỏi Thích Ca Mâu Ni Phật, nên trong phần đầu mỗi bộ kinh đều nêu tên các Ngài. Do đâu mà có một ngàn hai trăm năm mươi người này, trong chú giải đã nói rõ, chẳng cần giới thiệu nhiều[1]. Những vị này là Thanh Văn Chúng, cũng được gọi là Tiểu Thừa đệ tử. Dưới đây là Bồ Tát Chúng:

 

Bồ Tát tam vạn nhị thiên nhân. Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử nhi vi thượng thủ.

菩薩三萬二千人。文殊師利法王子而為上首。

(Bồ Tát ba vạn hai ngàn người, Văn Thù Sư  Lợi pháp vương tử làm Thượng Thủ).

 

Ở đây, có chữ [bị in] sai. [Chữ Vương (王) trong từ ngữ] “pháp vương tử” bị viết thành Ngũ (五), tức là Pháp Ngũ Tử. Chữ Ngũ ấy phải là chữ Vương, Pháp Vương Tử!

Thanh Văn Chúng nhất định là người xuất gia, một ngàn hai trăm năm mươi người ấy là hàng xuất gia. Bồ Tát Chúng không nhất định xuất gia, chúng tại gia cũng rất nhiều. Như bốn vị đại Bồ Tát thị hiện tại Trung Hoa, chỉ có Địa Tạng Bồ Tát thị hiện tướng xuất gia, những vị khác như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền đều hiện tướng tại gia. Do vậy, trong chúng Bồ Tát, hàng tại gia đông đảo. Thượng Thủ trong chúng Bồ Tát là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tượng trưng trí huệ bậc nhất. Trong kinh này, không liệt kê Thượng Thủ của hàng Thanh Văn, chỉ có trong hàng Bồ Tát là liệt kê một vị Thượng Thủ; đó là vì nhân duyên phát khởi của bộ kinh này vô cùng đặc thù.

Phần Thông Tự được giới thiệu tới đây, kế tiếp là Biệt Tự, tức là Phát Khởi Tự. Chúng ta xem trang một trăm, hàng thứ nhất. Trong Phát Khởi Tự có hai đoạn, đoạn thứ nhất là Đối Biện Bất Đồng (biện định về sự khác biệt). Trong phần Đối Biện Bất Đồng, lại chia thành hai đoạn ngắn. Đoạn thứ nhất là Phiếm Cử Sai Biệt (nêu chung sự sai biệt), đoạn thứ hai là Chánh Hiển Kim Kinh (nêu rõ điều sai biệt trong kinh này). Phát Khởi là nói tới nhân duyên của bộ kinh này. Gần như Thông Tự của tất cả hết thảy các kinh đại khái giống nhau, nhưng Phát Khởi Tự thì mỗi hội mỗi khác, đều có nhân duyên đặc thù.

Chúng ta xem nhân duyên của bản kinh này trong đoạn thứ hai của trang này, tức đoạn Chánh Hiển Kim Kinh. “Kim kinh chánh dĩ sát phụ, dĩ vi Phát Khởi” (Kinh này chánh yếu dùng chuyện [vua A Xà Thế] giết cha để làm nhân duyên phát khởi); do đó, sự phát khởi này hết sức đặc thù: Vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ, nhân duyên phát khởi từ chỗ này. “Hà cố cử thử nghịch sự vi phát khởi da? Vị chương thử giới cực ác, linh nhân yếm khí. Thân sở sanh tử, do thượng nguy hại, tức dục linh nhân đồng hân Tịnh Độ” (Vì cớ sao nêu lên chuyện ác nghịch này để làm nhân duyên phát khởi? Nhằm tỏ rõ thế giới này ác độc đến mức cùng cực, khiến cho người ta chán bỏ. Con ruột do chính mình sanh ra mà còn hãm hại ta, nhằm muốn làm cho mọi người cùng ưa thích Tịnh Độ). Đây là ý nghĩa được bao hàm trong việc phát khởi. Nói thật ra, vào thời cổ đã có chuyện ác nghịch kiểu này, từ xưa đến nay đều có, nhưng luôn là số ít. Trong xã hội cận đại, chúng ta thấy chuyện bất hiếu, ngỗ nghịch quá nhiều, nhiều đến nỗi không đáng coi là tin tức để đăng tải, chỗ nào cũng đều có.

Vào thời cổ, trong quá khứ, thầy Lý có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, chẳng biết vào triều đại nào, tôi cũng chẳng nhớ. Khi ấy, thầy nói rất rõ ràng, nhưng do thời gian đã quá lâu nên ký ức rất mơ hồ. Thầy nói: Vào thời cổ, có một nơi, đứa con bất hiếu, giết cha. Đây là một chuyện lớn, nên quan lại địa phương trình tấu lên triều đình, vua hạ lệnh ghi lỗi to cho [tỉnh trưởng] tỉnh ấy, [quan đứng đầu tỉnh ấy] tương đương tỉnh trưởng hiện thời, huyện trưởng bị xử phạt cách chức, cớ sao huyện của ngươi nẩy sanh một gã bất hiếu dường ấy? Không chỉ huyện trưởng bị phạt cách chức, mà huyện lỵ xưa kia đều có tường thành, thành tường bị vạt mất một góc, [tức là] hoàng đế hạ lệnh phá bỏ một góc tường thành. Điều này biểu thị ý nghĩa: Nơi các ngươi nẩy sanh một kẻ xấu xa dường ấy, tức là toàn thể nơi ấy bị mang nhục! Trước kia, coi chuyện trái nghịch luân thường nghiêm trọng ngần ấy! Chẳng như hiện tại, nay thì thậm chí phát sanh chuyện như vậy, báo chí chẳng muốn đăng tải, quá nhiều! Báo đăng chẳng xiết! Trước kia ít, hiện tại nhiều. Vào thời xưa, nếu con cái bất hiếu, cha mẹ thỉnh cầu quan phủ trị tội, chỉ cần cáo trạng, chánh quyền chẳng tra xét mà trị tội ngay. Cha mẹ yêu thương con cái, chẳng bỏ sót một điều nhỏ nhặt nào, [thế mà] cha mẹ chẳng cần đến đứa con ấy nữa, nó sẽ chẳng thể sống yên ổn trong xã hội. Vào thời đầu Dân Quốc, pháp luật còn có điều lệ xử trí về thân quyền. “Thân quyền” (親權) là quyền cha mẹ; cha mẹ nói con cái bất hiếu, bẩm báo lên quan huyện vùng đó, xin quan huyện hành quyết đứa con. Chẳng cần thẩm vấn, lập tức lôi đi hành hình. Vì thế, thuở đó, con cái chẳng dám bất hiếu với cha mẹ. Hình như là điều luật này bị phế trừ vào năm Dân Quốc hai mươi mấy. Trong quá khứ, [xã hội và chánh quyền] coi chuyện này rất nặng!

Con ruột do chính mình đẻ ra mà phạm tội đại nghịch bất đạo ấy, có thể thấy thế giới này xác thực là “ngũ trược ác thế” như Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói. [Chuyện A Xà Thế] khiến cho chúng ta chẳng có tâm lý lưu luyến thế giới này, vì nó khiến cho người ta ghét bỏ, chẳng mong trụ trong thế giới này, sẽ hướng về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tây Phương Cực Lạc thế giới tuyệt đối không có những chuyện ác ấy. Không chỉ là chẳng có ác sự, mà tên gọi của những chuyện ác đều chẳng nghe thấy, há còn có chuyện ác? Cõi ấy là một xứ sở thù thắng tốt đẹp dường ấy, vì sao chúng ta không đến đó? Cớ gì phải lưu lại nơi này để chịu tội? Đấy chính là đại ý của việc dùng nghịch hạnh (hành vi ngỗ nghịch) của vua A Xà Thế để phát khởi. Nhân duyên phát khởi này cũng thật sự chẳng thể nghĩ bàn.

Chúng ta xem đoạn văn tiếp theo: “Hạ Vi Đề Hy, nguyện vị ngã thuyết vô ưu não xứ, bất nhạo Diêm Phù Đề trược ác thế” (Kế đó, bà Vi Đề Hy nói: “Xin hãy vì con nói chỗ chẳng có ưu não, con chẳng ưa thích đời trược ác trong cõi Diêm Phù Đề”). Chữ Hạ (下) là nói tới phần kinh văn tiếp theo. Phu nhân Vi Đề Hy là mẹ vua A Xà Thế (Ajātaśatru); ngay cả mẹ mà còn ghét bỏ con cái, ghét bỏ thế giới này, cầu đức Phật dạy cho bà ta một cõi chẳng có ưu não, mong được vãng sanh nơi ấy. “Phát khởi nhân duyên, đại phả tư nghị, nghịch tội bổn thị Vô Gián ngục nhân” (Nhân duyên phát khởi rất chẳng thể nghĩ bàn, tội Ngũ Nghịch vốn là cái nhân của địa ngục Vô Gián). Đây là tội Vô Gián, quả báo trong địa ngục Vô Gián. “Tùy nhân thú quả, trầm A Tỳ ngục trung, thọ cực trọng khổ, chí khinh tu nhất đại kiếp” (Theo nhân hướng đến quả, chìm đắm trong địa ngục A Tỳ, chịu nỗi khổ cực nặng, nhẹ nhất thì phải trải qua một đại kiếp). Chúng ta cũng phải ghi nhớ mấy câu này: Sau khi tạo tác tội Ngũ Nghịch, nhất định đọa địa ngục. Mọi người niệm kinh Địa Tạng sẽ biết chuyện tội khổ trong địa ngục, có thể nói kinh Địa Tạng đã nói rộng rãi tình hình và trạng huống trong địa ngục. Phải chịu tội trong địa ngục bao lâu? Tội nhẹ nhất là một đại kiếp, thời gian quá dài, hết sức đáng sợ! Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giảng về lục đạo luân hồi, đoạn [kinh văn] giảng về địa ngục đặc biệt tường tận, gần như chiếm một nửa phần văn tự nói về lục đạo. Vì sao nói tỉ mỉ ngần ấy? Nhằm làm cho quý vị thật sự thông hiểu, ngàn muôn phần chớ nên tạo tội nghiệp địa ngục! Địa ngục dễ vào, chẳng dễ thoát ra! Nỗi khổ ấy nặng nề cùng cực, chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng, thời gian quá dài, hết sức đáng sợ!

“Kim vi Tịnh Độ tác phát khởi duyên, phỉ duy Vi Đề Hy phả tư nghị, tức A Xà Thế diệc phả tư nghị dã” (Nay [đem chuyện ác nghịch ấy] làm duyên phát khởi Tịnh Độ, chẳng phải chỉ riêng bà Vi Đề Hy là chẳng thể nghĩ bàn, mà A Xà Thế cũng là chẳng thể nghĩ bàn). Do dùng nhân duyên ấy để phát khởi kinh này, do vậy, kinh Tịnh Độ cũng được gọi là kinh chẳng thể nghĩ bàn, trong tên gọi của kinh Tiểu Bổn Di Đà đã nói rất rõ ràng. Chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm! Hoa Nghiêm được gọi là kinh bất tư nghị. Người Hoa thường gọi Hoa Nghiêm là đại bất tư nghị kinh. “Cụ kiến nghịch sự năng dụng, tức thị tánh ác pháp môn, tánh ác dung thông, nhậm vận nhiếp đắc tánh thiện. Do tánh ác nhi khởi tu ác, thậm chi vị địa ngục nhân. Năng dụng chi vi pháp môn, chuyển nhi vi Tịnh Độ chủng, khởi phi tự tánh trung bổn cụ chi đức da?” (Trọn thấy là có thể sử dụng chuyện ác nghịch, tức là đối với pháp môn tánh ác thì tánh ác dung thông, tùy ý dung nhiếp tánh thiện. [Thông thường thì] do tánh ác mà dấy khởi chuyện làm ác, đến nỗi trở thành cái nhân của địa ngục, nhưng có thể dùng [chuyện ác ấy để] làm pháp môn, hòng chuyển thành hạt giống của Tịnh Độ, há chẳng phải là trong tự tánh vốn có trọn đủ các đức ư?). Nói thật ra, nếu vua A Xà Thế chẳng giết cha hại mẹ, đức Phật sẽ chẳng nói bộ kinh này, nhận thức của chúng ta về Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng thể viên mãn. Lại nói thật thà, mẹ nhà vua cũng chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, có lẽ vẫn phải luân hồi bao nhiêu kiếp chẳng nhất định. Con vừa giết cha hại mẹ, đâm ra mẹ liền đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật, đây là nhân duyên chẳng thể nghĩ bàn. Là một chuyện ác, mà kết quả lại biến thành việc tốt cùng cực, kết quả hết sức viên mãn!

Có thể thấy là thiện và ác quả thật rất khó nói, ắt phải xét theo kết quả. Nếu do nhân lành mà đắc quả ác thì điều thiện ấy chẳng phải là chân thiện. Do ác nhân mà đắc quả cực thiện, vua A Xà Thế có công đức rất lớn. Quý vị thấy nhà vua khiến cho mẹ mình thành Phật trong một đời, năm trăm cung nữ hầu hạ mẹ nhà vua cũng đều có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, độ lắm người ngần ấy! Kinh điển lưu truyền đến đời sau, chẳng biết đã độ được bao nhiêu người! Do một niệm ác ấy, đâm ra, nhà vua lại khiến cho nhiều người thành tựu ngần ấy, chẳng thể nghĩ bàn! Vì thế, đến khi lâm chung, nhà vua hối hận, sám hối vãng sanh, sanh trong thượng phẩm trung sanh, hết sức có lý. Do đó, thiện hay ác phải xét theo hậu quả, phải dùng tầm mắt trí huệ để quan sát. Tại Trung Hoa, gần như ai nấy đều biết Nhạc Phi là một vị anh hùng dân tộc, bất hạnh bị Tần Cối hại chết. Từ xưa tới nay, người Hoa hận Tần Cối thấu xương, hắn là một gã xấu xa như thế! Trên thực tế, hai người ấy có công đức bằng nhau, cớ sao nói là bằng nhau? Nhạc Phi dạy chúng ta phải nên học theo ông ta tận trung báo quốc, phải học giống như ông ta. Tần Cối nêu gương, nhằm dạy chúng ta chớ nên học theo, học theo gương ông ta sẽ để tiếng xấu vạn năm! Một người dạy theo lối chánh diện, một người dạy theo kiểu phản diện, nhưng cả hai đều là thầy tốt, đều là công đức vô lượng. Đó là xét theo hậu quả, hậu quả có sức giáo hóa sâu xa, có sức ảnh hưởng chánh đáng đối với xã hội thì là công lao, là công đức. Chúng ta xét theo quan điểm Phật pháp, sẽ có cách nhìn khác với người thế gian, biết [việc làm ấy] quả thật sẽ sanh ra sức ảnh hưởng chánh đáng đối với sự giáo hóa người đời sau. Vua A Xà Thế cũng thuộc về tình hình như vậy đó.

Bởi lẽ, thiện và ác đều khởi từ Chân Như bản tánh, tùy thuộc chúng ta sử dụng theo cách nào! Dùng theo kiểu ác, sẽ là quả báo trong địa ngục A Tỳ; dùng theo lẽ thiện, sẽ thành Phật, làm Tổ! Do vậy có thể biết: Trong cuộc sống hiện tại của chúng ta có thuận cảnh và nghịch cảnh, những kẻ chúng ta gặp gỡ, có người tốt, có kẻ ác. Người thiện cố nhiên là tốt, nhưng kẻ ác cũng chẳng tệ! Thuận cảnh cố nhiên là tốt đẹp, nhưng nghịch cảnh cũng thế, tùy thuộc quý vị vận dụng như thế nào! Nếu quý vị biết dùng, thuận hay nghịch đều là Tăng Thượng Duyên. Giống như năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm, năm mươi ba vị thiện tri thức có người thiện, kẻ ác, nhưng đều là các vị đại thiện tri thức thật sự, đều có thể giúp quý vị thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Điều này cũng chứng tỏ lời Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Cảnh duyên chẳng tốt xấu, tốt xấu do tâm mình”, chẳng do ngoại cảnh chi phối! Tâm chính mình thuần thiện, thiện lương, tất cả hết thảy cảnh giới đều thiện, điều này đáng cho chúng ta phản tỉnh thật sâu. Chỉ có thật sự giác ngộ từ chỗ này, tâm chúng ta mới có thể thanh tịnh, bình đẳng, bất luận đối xử với ai, sống trong hoàn cảnh nào, đều có thể đạt được thanh tịnh tự tại, công phu tu hành đều có thể đắc lực. Người ấy đã chuyển biến những điều ấy thành pháp môn, chuyển thành hạt giống Tịnh Độ, há chẳng phải là trong tự tánh vốn trọn đủ các đức ư?

“Kim chi nghịch sự, kỳ chủng tử tức thị tánh cụ chi duyên nhân Phật Tánh” (Nay đối với chuyện ác nghịch, chủng tử của nó chính là duyên nhân Phật Tánh vốn sẵn có trong tánh). Đây là nói về phu nhân Vi Đề Hy, bà gặp chuyện này, khiến cho chính mình thật sự giác ngộ thế gian này vô thường, hiểm ác, bà ta ngộ chuyện này. Đó là trí huệ, là giác ngộ. Không gặp phải chuyện này, bà chẳng giác ngộ. Gặp chuyện này, bà giác ngộ, đó là duyên nhân Phật Tánh. Duyên là gì? Tu hành trong đời quá khứ, thiện căn trong đời quá khứ, đã kết duyên với Phật. Nay bị cảnh giới ảnh hưởng, khiến cho chủng tử Phật pháp từ vô thỉ được kích phát. “Tạo nghịch tâm tức thị tánh cụ chi liễu nhân Phật Tánh” (Tâm tạo nghịch chính là liễu nhân Phật Tánh có sẵn trong tánh). Liễu nhân là hiểu rõ, vừa thấy chuyện này bèn hoàn toàn hiểu rõ, chân tướng của pháp thế gian và xuất thế gian vừa tiếp xúc bèn hiểu rõ, hiểu rõ là trí huệ. Duyên nhân là chủng tử trong đời quá khứ, chúng ta thường nói là thiện căn. “Nhi chánh nhân Phật Tánh, chung nhật bất biến, chung nhật tùy duyên; chung nhật tùy duyên, chung nhật bất biến” (Nhưng chánh nhân Phật Tánh suốt ngày bất biến, suốt ngày tùy duyên; suốt ngày tùy duyên, nhưng suốt ngày bất biến). Chánh nhân là bản tánh, là Phật Tánh. Trong Phật pháp, duyên nhân, liễu nhân, và chánh nhân được gọi “tam nhân Phật Tánh”. Nếu chúng ta có thể lắng lòng quan sát thế gian này, nói thật ra, lúc nào, chỗ nào cũng đều có thể khải phát giác tánh của chúng ta.

Tuần trước, tôi đến thăm viện Nghiên Cứu Trung Ương, xem giáp cốt thuộc phòng trưng bày của tiên sinh Đổng Tác Tân. Đổng tiên sinh trước kia có một người bạn thân là tiên sinh Nghiêm Nhất Bình, cùng nghiên cứu giáp cốt văn[2] với Đổng tiên sinh, ông ta là giáo sư trường đại học Đài Loan. Tôi liền hỏi người phụ trách quản lý hiện thời, ông ta cho biết Nghiêm tiên sinh đã mất từ năm năm trước, thế mà tôi không biết. Nghiêm Nhất Bình và tôi rất thân thuộc. Về sau, ông ta mở một thư điếm, tức xưởng in các tác phẩm văn nghệ. Cổ thư Trung Hoa [tại Đài Loan] do thư điếm của ông ta in đầu tiên. Các bộ Thập Tam Kinh, Nhị Thập Ngũ Sử tôi được đọc lần đầu là do tiệm của ông ta in. Tôi đến chỗ ông ta mua sách, nên rất thân quen với ông ta. Mở thư điếm kiếm tiền rất nhiều, đại khái là trong mười năm đầu kiếm được rất nhiều tiền. Đã kiếm được tiền, bèn thôi không dạy học nữa, từ nhiệm chức giáo sư, chuyên môn kinh doanh. Đại khái là trong vòng mười năm, ông ta mua năm mươi căn nhà, cho người khác thuê. Những căn nhà giá rẻ thời đó, bây giờ đắt lắm. Về sau, ông ta chuyên kinh doanh địa ốc. Tôi chẳng gặp mặt ông ta đã hai mươi năm, tôi nghĩ nhất định là ông ta có một, hai trăm căn nhà. Đáng tiếc là chẳng thọ, đã chết rồi! Sống chẳng mang theo gì đến, chết chẳng mang theo được gì. Chẳng biết tài sản là bao nhiêu ức, mở thư điếm hễ kiếm được tiền bèn mua nhà. Đã nhiều năm ngần ấy, tôi chẳng gặp ông ta, nào ngờ ông ta đã chết từ năm năm trước, đời người vô thường! Có tiền, nhưng chẳng biết làm chuyện tốt, lắm tài sản ngần ấy, chết đi, cũng chẳng mang theo được một đồng nào, cũng chẳng mang theo được một căn nhà nào! Vẫn phải lưu chuyển theo nghiệp, rất đáng thương!

Thuở ấy, tôi vừa mới học Phật. Có một hôm, ông ta cùng tôi trò chuyện. Ông ta nói: “Kinh Phật thì kinh Kim Cang tôi đã xem qua”. Tôi nói: [Ông nghĩ] như thế nào? [Ông ta đáp]: “Chẳng có ý nghĩa gì! Giống như hai thùng nước đổ qua, đổ lại, lặp đi lặp lại!” Một vị giáo sư đại học nổi tiếng đấy nhé! Tôi nghe cảm thấy thật nực cười, ngu si, điên đảo! Những chuyện giống như vậy rất thường thấy, hãy nên giác ngộ, phải thường cảnh tỉnh chính mình: Pháp thế gian vô thường. Có thể giác ngộ thì tín tâm và nguyện tâm tu hành của chúng ta sẽ kiên cố, nghiêm túc!

Mấy câu tiếp theo đó rất trọng yếu: “Cẩu năng toàn tánh khởi ư thuận tu, tắc duyên liễu nhị nhân, thành vi phước trí trang nghiêm. Thị cố hành nhân thành Phật, nhi hữu tướng hảo vô biên, trí huệ vô biên” (Nếu có thể toàn tánh khởi nơi thuận tu, thì duyên nhân và liễu nhân trở thành phước trí trang nghiêm. Vì thế, hành nhân thành Phật bèn có tướng hảo vô biên, trí huệ vô biên). Mấy câu này rất quan trọng. Phải thuận tánh khởi tu, tánh là gì? Tánh là thanh tịnh, bình đẳng, đại từ, đại bi, chúng ta phải ghi nhớ và tu học những điều này. Trong tâm thanh tịnh, chẳng có mảy may ô nhiễm, điều này quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Vì vậy, thuận tánh tu tập duyên nhân và liễu nhân. Duyên nhân là thiện căn nhiều đời nhiều kiếp; liễu nhân chính là trí huệ hiểu rõ trong hiện tiền, cũng có thể nói là giác tánh. Nay chúng ta nói người nào đó có ngộ tánh rất cao, tâm cảnh giác rất cao. Đối với giác tánh, người hiện thời nói là “tánh cảnh giác cao”, người ấy chẳng mê. Đó là liễu nhân. Sau khi đã tu thành công, bèn biến thành tướng hảo vô biên. Tướng hảo vô biên do duyên nhân biến thành. Trí huệ vô biên do liễu nhân biến thành, toàn là Tánh Đức tự tại hiện tiền. “Tùng toàn tánh khởi ư nghịch tu, tắc duyên liễu nhị nhân, thành vi tội xuẩn trang nghiêm. Thị cố chúng sanh đọa ngục, vô luận ngục chi đại tiểu, nhất nhân diệc mãn, đa nhân diệc mãn, sở hữu khổ cụ, tự nhiên nhi chí, thử giai phả tư nghị chi ác trang nghiêm, bất tùng ngoại lai, diệc tự tánh chi bổn cụ dã, cố viết vô pháp bất cụ, vô pháp bất tạo” (Từ toàn tánh mà khởi lên nghịch tu thì duyên nhân và liễu nhân sẽ trở thành sự trang nghiêm trong [cảnh giới] tội lỗi, ngu xuẩn. Vì thế, chúng sanh đọa địa ngục, bất luận là địa ngục lớn hay nhỏ, một người cũng đầy ắp trong ngục, mà nhiều người cũng đầy ắp. Tất cả những dụng cụ hành hình tự nhiên xuất hiện, những điều này đều là những thứ trang nghiêm xấu ác chẳng thể nghĩ bàn, chẳng đến từ bên ngoài, mà cũng là có sẵn trong tự tánh. Do đó nói “không pháp gì chẳng trọn đủ, không pháp nào chẳng tạo”). Có thể thấy y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thảy đều vốn sẵn có trong tự tánh, đều do tự tánh biến hiện. “Tạo” là biến hiện, đều chẳng phải đến từ bên ngoài, mà do quý vị một niệm thuận tánh hay một niệm trái nghịch, sai biệt ở ngay chỗ này! Thuận thì là toàn bộ thuận, hay là bộ phận thuận? Do điều này mà có tứ thánh pháp giới sai biệt. Hoàn toàn thuận bèn thành Phật, bộ phận thuận bèn thành Bồ Tát, ít phần thuận sẽ là Thanh Văn, Duyên Giác. Trái nghịch cũng giống như vậy. Hoàn toàn trái nghịch bèn là A Tỳ địa ngục; nhiều phần trái nghịch là ba ác đạo; ít phần trái nghịch là hai đường nhân thiên. Tùy thuộc thuận hay nghịch tự tánh! Vì sao mười pháp giới hình thành, đạo lý ở ngay nơi đây. Đoạn này nói rất hay!

Chúng ta lại xem đoạn văn  kế  tiếp, hãy  xem  dòng  thứ  ba  trong

trang một trăm lẻ hai. Đây là khoa văn (lời nhận định về khoa phán), không phải là sớ văn (lời sớ giải). Đáng lẽ phải in chữ thứ nhất thấp hơn, họ lại nâng cao lên, sai mất rồi! Trong phần nhận định về khoa phán đã viết: “Tựu trung vi nhị”, [có nghĩa là] trong vấn đề lớn này, sẽ chia thành hai đề mục nhỏ. “Sơ nhĩ thời hạ, chánh minh sát phụ, thứ vấn thủ môn nhân hạ, minh dục hại mẫu” (Thứ nhất là từ chữ “lúc ấy” trở đi, là nói [vua A Xà Thế] giết cha, kế đó là từ chữ “hỏi kẻ giữ cửa” trở đi, nói rõ nhà vua muốn hại mẹ). Đây là trình bày nhân duyên hưng khởi giáo pháp của bản kinh này: Do vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ. Chúng ta hãy xem kinh văn. Dưới đoạn kinh văn này có lời chú giải, quý vị hãy tự xem, do chẳng khó hiểu, nên chẳng cần giới thiệu. Kinh văn thuộc trang một trăm lẻ ba, kể từ hàng thứ ba đếm từ dưới lên.

 

Nhĩ thời Vương Xá đại thành, hữu nhất thái tử, danh A Xà Thế, tùy thuận Điều Đạt ác hữu chi giáo, thâu chấp phụ vương Tần Bà Sa La, u bế trí ư thất trùng thất nội, chế chư quần thần, nhất bất đắc vãng.

爾時王舍大城 。有一太子。名阿闍世。隨順調達惡友

之教。收執父王頻婆娑羅 。幽閉置於七重室內 。制諸群臣

。一 不得往。

(Khi ấy, trong đại thành Vương Xá có một thái tử tên là A Xà Thế, nghe theo lời dạy của bạn ác là Điều Đạt, bắt giữ phụ vương Tần Bà Sa La (Bimbisara), nhốt kín trong một căn nhà có bảy lớp cửa, cấm ngặt các quần thần không ai được đến đó).

 

Nay ta gọi chuyện này là “chánh biến” (đảo chánh, coup d’état), chánh biến trong cung đình. Cuộc chánh biến này là con đoạt quyền cha, chẳng phải là người ngoài, mà là con cái đoạt quyền. Nói thật ra, ngôi vua của cha trong tương lai nhất định truyền cho ông ta, nhưng ông ta chẳng chờ nổi, còn chưa truyền, ông ta đã muốn làm vua ngay! Vì sao ông ta chẳng chờ nổi? Có kẻ xúi giục, người ấy là ai? Đề Bà Đạt Đa! Gặp phải một người như vậy. Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là anh của tôn giả A Nan (Ānanda)[3], là anh ruột, là em họ của Thích Ca Mâu Ni Phật. Người này hết sức thông minh, đức Phật có ba mươi hai tướng, ông ta có ba mươi tướng, nên nhìn cũng hết sức đẹp đẽ. Tuy hết sức thông minh, nhưng tâm thuật bất chánh, nói theo kiểu hiện thời là thích chơi trội, là một người như thế đó, chẳng thật thà cho lắm. Vì lẽ đó, ông ta khá ganh ghét Thích Ca Mâu Ni Phật, hy vọng trong tương lai chính mình thành Phật, thay thế đức Phật. Ông ta muốn học thần thông, nhưng Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng dạy. Ông ta tìm đến đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, những vị như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất cũng đều chẳng dạy. Cuối cùng tìm tới A Nan. Ngài A Nan do thấy ông ta là anh mình, vì A Nan chỉ chứng đắc Sơ Quả Tu Đà Hoàn, chẳng có năng lực quan sát căn tánh của anh mình, nên đem phương pháp tu thần thông dạy ông ta. Chẳng bao lâu, ông ta tu thành Ngũ Thông, lợi dụng thần thông để dụ dỗ, mê hoặc thái tử A Xà Thế. Thương lượng với thái tử, ông ta nói: “Ngài hãy giết cha để làm quốc vương, tôi hại chết Thích Ca Mâu Ni Phật, tôi thành Phật. Ngài là tân vương, tôi là tân Phật, hai người chúng ta cùng nhau giáo hóa người đời trên thế gian, há chẳng phải là chuyện tốt đẹp ư?” Vua A Xà Thế nghe lời ấy, mắc bẫy của ông ta, thật sự đem cha nhốt lại, nhốt trong “thất trùng thất nội”, tức là qua bảy tầng canh giữ. Ra lệnh bất luận kẻ nào cũng chẳng được gặp mặt, chẳng cho ai đến thăm, nhằm mục đích khiến cho vua cha chết đói, dùng phương pháp này. Nhắc tới một đoạn nhân duyên như vậy, nhân duyên trong đoạn này cũng được nói rất cặn kẽ trong phần chú giải[4].

Trong chú giải có mấy câu tôi phải trao đổi cùng với các đồng tu đôi chút. Trang một trăm lẻ năm, hàng thứ năm, xem từ hai câu tiếp theo đó: “Như thử đẳng sự, giai thị đại sĩ thiện quyền hiện hóa, hành ư phi đạo, thông đạt Phật đạo. Chúng sanh căn tánh bất đồng, nhập đạo hữu dị, nhất nghịch, nhất thuận, hoằng đạo ích vật, thị hạnh vô gián, nhi vô não khuể, Xà vương hiện nghịch, vi tức ác nhân, linh bất khởi nghịch” (Những chuyện như thế đều do bậc đại sĩ quyền biến, thiện xảo hóa hiện, làm chuyện trái nghịch đạo lý, [hòng khiến cho chúng sanh] thông đạt Phật đạo. Chúng sanh căn tánh bất đồng, nhập đạo sai khác, một đằng nghịch, một đằng thuận. Do hoằng dương đạo, lợi lạc chúng sanh, nên thị hiện hạnh Vô Gián, nhưng chẳng có ưu não, sân khuể. Vua A Xà Thế thị hiện hạnh ác nghịch, nhằm ngăn dứt những kẻ ác, khiến cho họ chẳng dấy lên những hạnh ác nghịch). Đoạn văn này có ý nghĩa giống như cách nhìn chuyện Tần Cối hại Nhạc Phi mà tôi vừa mới nói. Vì thế, những chuyện trong cảnh giới đúng là chẳng có thiện, ác, đúng, sai. Thiện, ác, đúng, sai, đích xác là do phân biệt, chấp trước trong tự tâm chúng ta. Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước thì mới có thể thấy chân tướng của thế gian và xuất thế gian. Hết thảy chúng sanh có căn tánh khác nhau. Có những chúng sanh phải dùng thiện pháp nhu hòa để tiếp dẫn thì họ có thể nhập Phật môn. Có những chúng sanh phải dùng ác pháp thì mới có thể tiếp dẫn họ nhập Phật môn. Quý vị thấy tướng thị hiện của các vị Bồ Tát trong Phật môn, lấy ngay Quán Âm Bồ Tát để nói. Quán Âm Bồ Tát thị hiện tại Trung Hoa, tướng mạo vô cùng nhu hòa, quá nửa là tướng người nữ, do từ bi thương xót, nên hiện tướng ấy. Quý vị đến Tây Tạng hoặc Ấn Độ để xem tượng đắp của Quán Âm Bồ Tát, đôi khi mặt xanh, nanh nhọn, đáng sợ hãi cùng cực, nhưng đó cũng là hình tướng của Quán Âm Bồ Tát. Thật vậy, nên dùng phương pháp gì để độ được, liền thị hiện phương pháp ấy, có thiện độ, có ác độ, nhưng đạt đến mục tiêu cuối cùng thì là một.

Trong hội này, nói thật ra, có phải vua A Xà Thế thật sự là như vậy hay không? Chưa hề! Bồ Tát tái lai, diễn tuồng, một người đóng vai mặt trắng (vai chánh diện, vai thiện), một người khác đóng vai mặt đen (vai phản diện, vai ác). Các Ngài đang diễn tuồng, diễn cho chúng ta xem, khiến cho chúng ta giác ngộ. Các Ngài diễn tướng thế gian, khiến cho chúng ta từ sự biểu diễn ấy mà thấu hiểu tướng thế gian sâu đậm hơn, nhận thức rõ ràng hơn. Do đó, mới có thể thật sự tỉnh ngộ, đoạn tuyệt nỗi tham luyến đối với pháp thế gian, nhất tâm tu đạo. Vì vậy, những người ấy đều là bậc Đại Quyền thị hiện, nhưng những gì các Ngài biểu diễn đều là thật, chẳng giả. Chẳng hạn như các Ngài thị hiện ác hạnh xác thực là đáng đọa trong địa ngục Vô Gián, về sau, do sám hối bèn có thể thượng phẩm trung sanh, tuyệt đối chớ nên nói “đó là Bồ Tát tái lai biểu diễn, chưa chắc đã là thật!”. Nếu chúng ta hiểu như vậy thì sai mất rồi, sự biểu diễn của Ngài là thật. Dẫu chúng ta tạo trọng tội Ngũ Nghịch, mà chí tâm sám hối, thì cũng có thể vãng sanh, điều này tương ứng với ý nghĩa trong kinh này, chẳng trái nghịch. Pháp môn này quả thật có thể độ chúng sanh khổ sở cùng cực trong địa ngục viên thành Phật đạo. Chúng sanh ác cùng cực, khổ cùng cực, do chí tâm sám hối niệm Phật vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ thuộc phẩm vị nào? Không nhất định! Không thể đoán định chắc chắn họ thuộc loại hạ phẩm hạ sanh, chưa chắc! Tùy thuộc sức sám hối của người ấy. Nếu sức mạnh sám hối của người ấy đặc biệt to lớn, phẩm vị bèn lập tức tăng cao. Chuyện này cũng rất chẳng thể nghĩ bàn, đúng là pháp khó tin. Có người nói: Người này tu hành suốt cả một đời, tu hành rất khá, phẩm vị cao, mọi người đều công nhận đúng là chẳng có vấn đề gì; nhưng người làm nhiều điều xấu dường ấy, một niệm sám hối mà phẩm vị cũng cao, không công bằng! Chúng ta nhìn cách nào cũng đều thấy không công bằng. Nói chung, chẳng nghĩ ra đạo lý ở chỗ nào!

Thật ra, lý ấy rất sâu, xác thực là có căn cứ lý luận viên mãn, nhưng chúng ta không hiểu. Vì chúng ta là nhục nhãn phàm phu, chỉ thấy sự thị hiện bên ngoài, chẳng hiểu rõ Lý, nhân quả trong quá khứ cũng chẳng hiểu rõ. Kẻ ấy suốt đời này là người ác, nhưng trong nhiều đời nhiều kiếp là người tốt, trong nhiều đời nhiều kiếp đã tu không ít công đức, chẳng thể một nét bút sổ toẹt được! Chúng ta chẳng có thần thông, chẳng biết sự tu học của những chúng sanh ấy trong đời quá khứ. Do đó, cuối lời chú giải, câu cuối cùng nơi hàng thứ ba trong trang một trăm lẻ sáu đã nhắc nhở chúng ta. “Điều Đạt”, tức là Đề Bà Đạt Đa, “A Xà, Tần Bà, Vi Đề, giai thị đại quyền, hiện nghịch, hiện thuận, lợi ích chúng sanh” (Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế, Tần Bà Sa La, Vi Đề Hy đều là bậc đại quyền, thị hiện hạnh thuận nghịch đều nhằm lợi ích chúng sanh). Đại Quyền (大權) là bậc Bồ Tát thị hiện, là Đại Thừa Bồ Tát quyền xảo phương tiện thị hiện cho chúng ta thấy. Giống như diễn tuồng, trên sân khấu các Ngài sắm vai diễn nào, thật ra, thảy đều là đại Bồ Tát. Vì lẽ đó, thuở ấy, đức Phật xuất hiện trên thế gian là đóng một vở tuồng cho chúng ta là những kẻ đang mê hoặc, điên đảo xem. Nhắc nhở chúng ta điều này, khiến cho chúng ta đối với những nhân vật này, tâm địa có thể sanh khởi tâm bình đẳng, cung kính, mục đích ở chỗ này. Chớ nên phân biệt, chấp trước, người này là người tốt, kẻ kia là người xấu. Quý vị chớ khởi lên ý niệm ấy. Hễ khởi lên ý niệm ấy tức là đã sai lầm, vì sao? Đã rơi vào phân biệt, chấp trước, sai mất rồi, tâm chúng ta chẳng thanh tịnh.

Chúng ta lại xem phần kinh văn tiếp theo:

 

Quốc thái phu nhân danh Vi Đề Hy.

國太夫人名韋提希。

(Quốc thái phu nhân[5] tên là Vi Đề Hy).

 

Đây là vương hậu.

 

Cung kính đại vương, tháo dục thanh tịnh, dĩ tô mật hòa sao, dụng đồ kỳ thân. Chư anh lạc trung thịnh bồ đào tương, mật dĩ thượng vương.

恭敬大王 。澡浴清淨。以酥蜜和麨。用塗其身。諸瓔

珞中。盛葡萄漿。密以上王

(Do cung kính đại  vương, nên  tắm  gội  thanh  tịnh, dùng  tô  mật

trộn với bột rang để bôi lên thân, trong các chuỗi đeo đựng nước nho, ngầm dâng lên vua).

 

Quốc vương đã bị giam kín, bất cứ ai đều chẳng thể gặp, đoạn tuyệt thực phẩm, sanh mạng lâm nguy. Hoàng hậu rất thông minh, khi ấy, trừ bà ta ra, chẳng ai có thể cứu nhà vua. Nhưng thức ăn lẫn đồ uống đều chẳng được đem vào, canh cửa rất nghiêm, chẳng cho đem vào. Dùng phương pháp gì? Dùng mật và “sao” (麨: bột rang[6]), người Đài Loan gọi Sao là “miến trà” (麵茶), dùng mật trộn [thành chất dính] để trét lên người, bước vào [trong ngục, lính canh] sẽ chẳng kiểm tra được. Vào tới bên trong, lại gỡ ra cho vua Tần Bà ăn. “Anh lạc” (瓔珞) là đồ trang sức để đeo, bên trong đồ trang sức trống rỗng, giống như đồ đựng sữa, chứa thức uống trong ấy, mang vào như vậy đó. Vì thế, vua Tần Bà do có thức ăn, nên có thể giữ được tánh mạng.

 

Nhĩ thời đại vương thực sao, ẩm tương, cầu thủy thấu khẩu. Thấu khẩu tất dĩ, hiệp chưởng cung kính, hướng Kỳ Xà Quật sơn, dao lễ Thế Tôn, nhi tác thị ngôn: “Đại Mục Kiền Liên thị ngô thân hữu, nguyện hưng từ bi, thọ ngã Bát Giới”. Thời Mục Kiền Liên như ưng chuẩn phi, tật chí vương sở, nhật nhật như thị, thọ vương Bát Giới. Thế Tôn diệc khiển tôn giả Phú Lâu Na, vị vương thuyết pháp.

爾時大王食麨飲漿。求水漱口。漱口畢已。合掌恭敬

。向耆闍崛山 。遙禮世尊。而作是言。大目犍連。是吾親

友。願興慈悲 。授我八戒。時目犍連。如鷹隼飛,疾至王

所。日日如是 。授王八戒。世尊亦遣尊者富樓那,為王說

法。

(Lúc bấy giờ, đại vương ăn bột rang, uống nước ép, xin nước súc miệng. Súc miệng xong xuôi, chắp tay cung kính, hướng về núi Kỳ Xà Quật, bái vọng đức Thế Tôn, bạch như thế này: “Ngài Đại Mục Kiền Liên là thân hữu của con, nguyện hãy dấy lòng từ bi, truyền cho con Bát Quan Trai Giới”. Khi ấy, ngài Mục Kiền Liên như chim ưng, chim ó bay liệng, nhanh chóng đến chỗ nhà vua, mỗi ngày đều như thế, truyền Bát Quan Trai Giới cho nhà vua. Đức Thế Tôn cũng sai tôn giả Phú Lâu Na thuyết pháp cho nhà vua).

Quốc vương gặp đại nạn này cũng đau khổ chẳng thể chịu nổi. Tuy được bí mật chuyển đạt đồ ăn, thức uống, nên có cái để ăn uống, nhưng trong cung đình cũng sám hối, cầu Phật giúp đỡ. Nhưng nhà vua cầu Phật, vẫn chẳng cầu sanh Tịnh Độ, chẳng khởi ý niệm ấy, chỉ mong cầu Phật truyền giới, truyền Bát Quan Trai Giới là hành pháp để người tại gia tu hạnh xuất gia. Thời hạn của Bát Quan Trai Giới là một ngày một đêm, hết một ngày đêm liền viên mãn, ngày hôm sau lại phải thọ lần nữa, có thể thọ mỗi ngày. Nếu chẳng có thầy, không có người xuất gia, chính mình có thể đối trước Phật, Bồ Tát tự thọ. Vì thế, hành pháp này có khai duyên, [nghĩa là] hễ có người xuất gia truyền cho quý vị thì rất tốt, chẳng có người xuất gia thì chính mình có thể đối trước Phật, Bồ Tát phát nguyện thọ trì. Tám giới ấy gồm tám điều giới và một điều về Trai, nên gọi là Bát Quan Trai Giới. Trai (齋) là ăn một bữa trưa, chẳng ăn sau giữa trưa. Bát Quan Trai Giới thật sự thì sáng sớm ăn thứ gì cũng không được. Sáng sớm cũng chớ nên ăn, mỗi ngày ăn một bữa. Sau giữa Ngọ, tức là sau giữa trưa, có thể uống nước, nhưng trong nước chẳng thể có chất trầm lắng. Như sữa thì chẳng thể uống, vì sữa có chất trầm lắng. Sữa đậu nành cũng chẳng thể uống, vì sữa đậu nành cũng có chất trầm lắng. Có thể uống gì? Có thể uống mật, mật và nước chẳng có chất trầm lắng. Uống nước đường cũng được! Vì vậy, đối với Bát Quan Trai Giới, Trai hết sức nghiêm ngặt, trai lẫn giới đều nghiêm ngặt. Đó là cuộc sống của người xuất gia thuở Phật tại thế, chúng ta sống một ngày [theo cách sống ấy].

“Trung” (中) [ở đây] là giữa trưa, chẳng phải là Ngọ. Người hiện thời nói “trì ngọ”, đó là sai lầm. Ngọ (午) là giờ Ngọ, từ mười một giờ đến một giờ đều thuộc về giờ Ngọ. Một giờ chiều thì mặt trời đã qua khỏi giữa trưa từ lâu. Vì vậy, người ấy (người trì Bát Quan Trai Giới) là sau giữa trưa chẳng ăn, chẳng phải là ăn vào giờ Ngọ. Thời gian giữa trưa mỗi ngày khác nhau. Xưa kia, dùng đồng hồ mặt trời (nhật quỹ, 日晷)[7] để tính toán thời gian giữa trưa. Hiện thời, thuận tiện hơn xưa kia, hiện thời dùng gì? Nếu là người trì ngọ, sẽ dùng nhật lịch thiên văn (Astronomical Almanac), đài thiên văn mỗi năm đều phát hành. Trong nhật lịch thiên văn có ghi chép mỗi ngày, nhằm tháng mấy, ngày mấy, thời gian đúng giữa trưa vào đúng mấy giờ, mấy phút, mấy giây, viết rất rõ ràng. Nhất định phải [thọ trai] trước khi ấy, hễ quá một giây tức là đã phá trai, đã phá Bát Quan Trai. Vì thế, đây là một chuyện rất phiền phức. Hiện thời có rất nhiều người trì ngọ, đó là làm cho có tiếng mà thôi, chứ thật ra [cả trai lẫn giới] đều bị phá sạch cả rồi. Buổi tối ăn hoa quả, đã phá giới, [vì hoa quả] có chất bã. Buổi tối uống cốc sữa thì cũng đã phá giới. Người ấy trọn chẳng hiểu những thứ ấy đều chẳng được dùng. Phàm là những gì có chất trầm lắng đều chẳng được uống. Đó là sống cuộc đời của người xuất gia trong một ngày.

Quốc vương bị người ta giam kín nơi đó, đau khổ chẳng chịu đựng nổi, nghĩ ta phải tu phước, trong đời quá khứ đã tạo tội nghiệp quá nhiều, chẳng tu phước, bèn cầu tôn giả Mục Kiền Liên, chẳng dám cầu Phật, mong mỏi học trò của đức Phật đến giúp nhà vua thọ giới. Ngài Mục Kiền Liên và nhà vua có quan hệ thân thích. Vua vừa động một niệm, đức Phật liền biết, liền ngay lập tức sai Mục Kiền Liên truyền giới cho vua, hòng mãn nguyện cho ông ta. Lại sai Phú Lâu Na đến thuyết pháp, chỉ dạy, cho nhà vua khỏi đau khổ vì tịch mịch mà suy nghĩ lung tung. Đức Phật nghĩ rất chu đáo, phái hai vị ấy đến chiếu cố, giúp đỡ nhà vua. À! Chúng ta nghỉ ngơi mấy phút.

 

 

[1] Phần chú giải của pháp sư Đế Nhàn cũng rất sơ lược. Chúng tôi xin trích dẫn như sau: “Một ngàn hai trăm năm mươi người là nêu ra con số. Ba anh em ngài Ca Diếp có một ngàn đệ tử. Ưu Lâu: Cõi này dịch là Mộc Qua Lâm (rừng đu đủ). Già Da, cõi này dịch là Thành. Na Đề, cõi này dịch là Giang (sông). Xá Lợi Phất là tên, dịch nghĩa là Châu Tử, cũng dịch là Thân Tử, họ Câu Lật Đà. Mục Kiền Liên là họ, dịch là Tán Tụng, còn dịch là Thái Phục Căn, hoặc dịch là Hồ Đậu. Hai vị này có tất cả hai trăm năm mươi người [đệ tử]. Các vị Ca Diếp, Xá Lợi Phất v.v… trước kia thờ lửa, từ tà vào chánh, gian khổ đã nhiều năm, chẳng có thành tựu gì. Vừa được gặp Phật, liền đắc quả bậc thượng, cảm ơn sâu của Phật, thường theo hầu đức Phật, làm đại chúng cùng nghe pháp”.

[2] Giáp cốt văn  (甲骨文) còn gọi là Khế Văn, Giáp Cốt Bốc Từ, hoặc Quy Giáp Thú 

Cốt Văn là văn tự được khắc trên mai rùa (quy giáp) hoặc xương thú (thú cốt) nhằm ghi chép những sự tích hoặc dự đoán do bói toán thường là vào cuối nhà Thương, cho đến đầu triều Châu. Những văn tự này cung cấp tài liệu quý báu về văn hóa Trung Hoa thời cổ, cũng như là tài liệu để nghiên cứu cội nguồn của chữ Hán hiện thời. Các văn tự này phần lớn được phát hiện tại di chỉ Ân Khư (thuộc huyện An Dương, tỉnh Hà Nam).

[3] Đề Bà Đạt Đa và A Nan là con của Bạch Phạn Vương (Śuklodana), Bạch Phạn Vương là em trai của Tịnh Phạn Vương (Śuddhodana). Hai vua là con trai của Sư Tử Tần Vương (Simhahanu).

[4] Trong sách ấy chú giải như sau (trong đây, những chi tiết đã được hòa thượng Tịnh Không nhắc tới sẽ lược đi không dịch): “Tần Bà Sa La, cõi này dịch là Mô Thật, hoặc dịch là Kiên Ảnh. Vi Đề Hy dịch là Tư Duy. A Xà Thế, cõi này dịch là Vị Sanh Oán, hoặc Bà La Lưu Chi, cõi này dịch là Chiết Chỉ (gãy ngón tay)… Lúc chưa sanh, thầy bói đoán: Sanh ra đứa trẻ này, quyết định sẽ hại cha, ý nói trong lúc còn ở trong thai, đã có tướng oán. Do thầy bói tiên đoán, nên đặt tên như vậy. Điều Đạt dịch là Thiên Nhiệt, còn dịch là Thiên Thọ, là con vua Bạch Phạn, là em họ đức Phật, là anh ruột A Nan, có ba mươi tướng. Xuất gia tụng sáu vạn pháp tụ, mãn mười hai Vi Đà. Vì lợi dưỡng, nên đến chỗ đức Phật, xin học thần thông. Phật chẳng giảng nói, dạy ông ta quán vô thường, sẽ được đắc đạo…. Điều Đạt vào núi, học được Ngũ Thông, tâm niệm: ‘Ai sẽ làm thí chủ cho ta? Thái Tử A Xà Thế, có tướng đại vương’, liền biến hiện thân hình thành Tượng Mã Bảo… Lại lên cõi trời, lấy hoa trời, thức ăn trời [hòng lấy lòng Thái Tử]… Điều Đạt phá Tăng, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên giáo hóa, [tăng chúng] lại hòa hợp. Ông ta đẩy [tảng đá to từ] trên núi đè Phật, Mật Tích Kim Cang dùng chày Kim Cang đỡ, đá vỡ nát, [mảnh đá văng] làm ngón chân Phật bị thương. Tỳ-kheo-ni Hoa Sắc quở trách, Điều Đạt bèn đánh bà ta lòi mắt. Điều Đạt tạo ba tội nghịch, hãm vào địa ngục trong khi còn sống… Xưa kia, vua Tần Bà đi săn nai trong núi Tỳ Phú La, chẳng săn được gì, gặp một vị tiên nhân đang tĩnh tọa, bèn sai người xua đuổi, rồi sai người giết đi. Lúc lâm chung, tiên nhân khởi ác niệm, nguyện trong đời sau, ta sẽ giống như ngày nay dùng tâm và miệng hại ngươi!”. Vị tiên nhân ấy đầu thai thành thái tử A Xà Thế.

[5] Quốc Phu Nhân là một danh xưng để tôn xưng các mạng phụ (những phụ nữ được triều đình sắc phong). Ngày xưa, các quan hoặc chư hầu được phong vương thì đất phong của họ thường được gọi là “quốc” hoặc “quận quốc”. Tương ứng, vợ của các vương gia được phong là Quốc Phu Nhân. Có khi chính bản thân người nữ đó được phong thực ấp, chẳng hạn như Vũ Tắc Thiên đã phong cho chị mình là Vũ Thuận làm Hàn Quốc Phu Nhân, về sau đổi thành Trịnh Quốc Phu Nhân. Thoạt đầu, Quốc Phu Nhân chỉ dùng để gọi các bà ngoại mạng phụ. Nội mạng phụ là những người có liên hệ huyết thống hoặc hôn nhân trực tiếp với hoàng đế như hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu (bà nội vua), các công chúa, trưởng công chúa (chị hay em gái của nhà vua), thái trưởng công chúa (cô của nhà vua) chưa lấy chồng. Đôi khi còn bao gồm vợ cả của anh em họ nhà vua. Ngoại mạng phụ là cáo mạng phu nhân, tức là các công chúa, trưởng công chúa, thái trưởng công chúa đã lấy chồng, cũng như chánh thất của những vương gia, đại thần không thuộc hoàng tộc được triều đình sắc phong. Ở đây, bà Vi Đề Hy được gọi là Quốc Thái Phu Nhân với ý nghĩa hoàng thái hậu (theo nghĩa nội mạng phụ), vì lúc đó A Xà Thế đã làm vua, vua Tần Bà đã trở thành Thái Thượng Hoàng.

[6] “Sao” ở đây là gạo hoặc lúa mạch rang chín, nghiền thành bột.

[7] Nhật Quỹ (Sundial) là một loại đồng hồ dựa theo bóng nắng, thông thường gồm một đĩa tròn có khắc vạch chỉ giờ, chính giữa là một cây kim mỏng và sắc. Khi mặt trời di chuyển quanh bầu trời, bóng nắng chiếu vào kim sẽ soi lên vạch giờ tương ứng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *