Tập 8/28 – Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 03-002-0001  đến 03-002-0028

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 8

 

Xin xem trang bốn mươi ba, dòng thứ năm:

“Quán giả quán dã, hữu Thứ Đệ Tam Quán, Nhất Tâm Tam Quán” (Quán là quan sát, có Thứ Đệ Tam Quán và Nhất Tâm Tam Quán). Đây là giải thích chữ thứ ba trong tựa đề kinh, chữ này là cương lãnh tu hành. Đại Thừa Phật pháp chẳng rời khỏi nguyên tắc này, trong nhà Thiền nói là Quán Chiếu, Chiếu Trụ, và Chiếu Kiến, công phu cũng là ba tầng cấp. Chúng ta đọc Tâm Kinh, “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”, đó là tầng cấp tu hành cao nhất. Tầng cấp thấp nhất là Quán Chiếu, chúng tôi bàn từ chỗ này. Ba tầng cấp này trong các tông có danh xưng khác nhau, nhưng cảnh giới như nhau. Chiếu Kiến trong Thiền Tông tương đương với Lý nhất tâm bất loạn trong Tịnh Độ Tông. Họ nói Chiếu Trụ thì tương đương với Sự nhất tâm bất loạn của chúng ta. Họ nói Quán Chiếu thì tương đương với công phu thành phiến của chúng ta. Do vậy có thể biết, trong Tịnh Tông nói danh từ khác biệt, nhưng cảnh giới như nhau, phải nên hiểu điều này. Trong Phật môn thường nói “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, cảnh giới công phu đều giống nhau, chỉ là sử dụng phương pháp và phương thức khác nhau. So với các tông khác, phương pháp và phương thức trong Tịnh Tông thật sự dễ dàng hơn, ổn thỏa, thích đáng hơn. Đó là cái hay của Tịnh Tông.

Chúng ta thấy trong lời Sớ, [Trí Giả] đại sư đã giảng rõ hai thứ Tam Quán ấy. Xin hãy xem dòng đầu trong trang bốn mươi bốn: “Tùng Giả nhập Không Quán, diệc danh Nhị Đế Quán. Tùng Không nhập Giả Quán, diệc danh Bình Đẳng Quán. Nhị Không Quán vi phương tiện, đắc nhập Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế Quán, tâm tâm tịch diệt, tự nhiên lưu nhập Tát Bà Nhã hải, thử danh xuất Anh Lạc Kinh” (Từ Giả nhập Không Quán, còn gọi là Nhị Đế Quán. Từ Không nhập Giả Quán, còn gọi là Bình Đẳng Quán. Nhị Không Quán làm phương tiện để nhập Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế Quán. Tâm tâm tịch diệt, tự nhiên lưu nhập biển Nhất Thiết Chủng Trí. Danh xưng này xuất phát từ kinh Anh Lạc[1]). Những gì đại sư nói đều có kinh điển làm căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện. Nhị Đế là Chân Đế và Tục Đế; Tam Quán là Không Quán, Giả Quán, và Trung Quán, những phép Quán này do Thiên Thai đại sư thành lập. [Những điều này] sẽ nói cặn kẽ [trong phần sau], chúng ta đọc lời giải thích của Ngài nơi dòng hai từ dưới đếm lên trong trang bốn mươi bốn: “Kim thích kỳ ý” (Nay giải thích ý ấy), giải thích những ý nghĩa được bao hàm trong các danh từ ấy. “Giả thị hư vọng, Tục Đế dã. Không thị thẩm thật, Chân Đế dã” (Giả là hư vọng, là Tục Đế. Không là suy xét lẽ chân thật, là Chân Đế). “Thẩm” (審) là thẩm tra, xem xét nó là thật, là thực tại. Không là thực tại, Giả là hư vọng. Không là gì? Giả là gì? Ở chỗ này, phải nói đơn giản cùng quý vị. Giả là nói theo Tướng, Không là nói theo Tánh. Vì sao Tướng là giả? Tướng là pháp sanh bởi nhân duyên; nói cách khác, nó có sanh và diệt. Phàm những gì có sanh diệt thảy đều là giả, chẳng thật. Thân thể này của chúng ta, kể cả tất cả động vật, những tế bào trong thân thể đổi mới, thay cũ, sanh diệt trong từng sát-na, không chỉ là sanh, lão, bệnh, tử. Vì thế, theo cách quan sát trong Phật pháp, chúng đều là giả, chẳng thật. Thứ thật sự, thật sự bất sanh bất diệt, đó là thật. Vì thế, thân là giả, tâm cũng là giả, niệm này khởi lên, niệm kia diệt, tâm ấy là tâm gì? Tâm sanh diệt. Tâm sanh diệt là tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở, chúng ta gọi nó là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, mà là vọng tâm. Chân tâm bất sanh bất diệt. Chân thân là Pháp Thân, cũng là bất sanh bất diệt.

Chúng ta hãy suy nghĩ và quan sát kỹ càng, tất cả hết thảy các pháp trong thế gian này, thứ nào là bất sanh bất diệt? Chẳng tìm được thứ nào! Địa cầu có thành, trụ, hoại, không, vẫn là một pháp sanh diệt. Mặt trời sẽ có ngày tiêu mất độ sáng. Toàn thể đại vũ trụ là pháp sanh diệt, chẳng có gì là bất sanh bất diệt. Do đó, Phật pháp quy nạp hết thảy các pháp, quy nạp đến mức đơn giản nhất, dễ dàng nhất để dạy kẻ sơ học, tức là quy nạp thành một trăm pháp. Một trăm pháp là hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Quy nạp thành một trăm pháp sẽ giảng giải khá dễ dàng. Trong một trăm pháp ấy, chín mươi bốn pháp trước đều là pháp sanh diệt, đều là giả, đều chẳng thật. Chín mươi bốn pháp bao gồm tám thức, tám thức là tâm, [nên tám thức] là tâm pháp, năm mươi mốt pháp là Tâm Sở pháp, tức là tác dụng tâm lý, Sắc pháp là nói đến vật chất, lục căn, lục trần. Trong lục căn, Ý Căn là tâm pháp, nó chính là Mạt Na Thức. Do đó, trong lục căn có năm căn thuộc Sắc pháp, lục trần là Sắc pháp, sáu [trần] cộng với năm sắc pháp [của Ngũ Căn] thành mười một loại. Nay chúng ta gọi mười một loại ấy là vật chất.

Còn có một loại gọi là Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp (Citta-viprayukta-samśkāra)[2], chúng chẳng phải là Tâm pháp, cũng chẳng phải là Tâm Sở pháp, mà cũng chẳng phải là Sắc pháp, nhưng hư vọng sanh từ ba thứ pháp ấy (tức là sanh từ Tâm pháp, Tâm Sở pháp và Sắc pháp). Người hiện thời gọi chúng là gì? Nói thật ra, chúng là vọng tưởng, thuật ngữ hiện thời gọi chúng là một thứ khái niệm. Chúng có thật hay không? Chẳng có thật, nhưng có chuyện như thế, trọn chẳng có thật; đó là Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp. Các pháp ấy toàn là giả, toàn bộ chẳng phải là thật. Nói thật ra, Bất Tương Ứng Hành Pháp là quan niệm sai lầm, là cảm nhận sai lầm! Pháp chân thật có sáu thứ, gọi là Lục Vô Vi Pháp. Trong sáu pháp vô vi[3], năm món đầu gọi là Tương Tự Vô Vi, chẳng phải là Chân Vô Vi. Vì sao gọi chúng là Vô Vi? Vì chúng chẳng có sanh diệt. Chẳng hạn như hư không; do chẳng thấy hư không sanh diệt, nên hư không là pháp vô vi. Nó chẳng phải là pháp vô vi thật sự; vì sao chẳng phải là pháp vô vi thật sự? Nếu quý vị thật sự chứng quả, hư không cũng là bất khả đắc. Có thể thấy là trước khi quý vị thật sự khai ngộ chứng quả, nó vĩnh viễn có hình trạng như vậy. Sau khi đã thật sự chứng quả, sẽ khác hẳn. Quý vị thấy trong Chứng Đạo Ca, Vĩnh Gia đại sư đã nói: “Giác hậu không không vô đại thiên” (Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). “Giác” là đại triệt đại ngộ, đại thiên thế giới cũng chẳng có. Vì vậy, giống như thời gian và không gian là những khái niệm sanh từ sự nhận biết sai lầm của chúng ta, chúng cũng chẳng phải là chân thật.

Hết thảy các pháp hữu vi là giả, phải nhận thức điều này. Sau khi đã thật sự nhận thức, sẽ có lợi ích rất to. Vì sao? Quý vị sẽ chẳng sanh phiền não, giả mà! Quý vị sẽ chẳng coi chúng là thật. Phàm phu ngỡ giả là thật, rồi khởi phân biệt, chấp trước trong ấy. Hết thảy đấu tranh, phiền não đều khởi từ đây, tạo nghiệp, chịu báo. Nếu quý vị hiểu chúng là giả, sẽ chẳng chấp trước, cũng chẳng tranh giành, quý vị mới có thể buông xuống vạn duyên. Những gì là thật? Tánh là thật. “Không” là nói đến Tánh. Đừng hiểu Không là chẳng có gì hết, nó có. Đã có, vì sao nói là Không? Mắt chẳng thấy, tai cũng chẳng nghe, tay cũng chẳng sờ được, nhưng nó thật sự có, chỉ đành phải dùng Không để đại diện cho nó. Chẳng hạn như trong kiến thức thông thường hiện thời, chúng ta biết có điện, điện có tồn tại hay không? Tồn tại! Ở chỗ nào? Căn phòng này chỗ nào cũng đều có điện. Nếu quý vị không tin, quý vị lấy radio loại sử dụng transistor đặt trong đó, vừa mở máy liền có tiếng vang ra, cho thấy điện tồn tại. Mắt chúng ta chẳng thấy, tai cũng chẳng nghe thấy, tay cũng chẳng sờ trúng, nhưng nó tồn tại, đành phải gọi nó là Không. Vì thế, đừng nên nói Không có nghĩa là Vô!

Tâm Kinh dạy chúng ta: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Sắc là giả sắc. Sắc ở đây là nói tới Giả, Không ở đây là nói tới Chân. Không là tánh Không, Giả do đâu mà có? Từ trong Không biến hiện, từ tánh Không biến hiện giả tướng. Vì bản tánh của nó là Không, nên tuy biến hiện giả tướng, mà giả tướng ấy “đương thể tức Không, liễu bất khả đắc” (Ngay nơi bản thể chính là Không, trọn chẳng thể đạt được); đó là chân tướng, là thật. Ở đây, Trí Giả đại sư bảo: “Kim dục khử Tục quy Chân” (Nay muốn bỏ Tục trở về với Chân). Mục tiêu của người học Phật là phải bỏ Tục Đế, cũng tức là phải bỏ giả tướng để chứng đắc chân tánh. Không chỉ là Thiền Tông phải minh tâm kiến tánh, mà bất cứ tông nào hay pháp môn nào, mục tiêu cuối cùng đều là minh tâm kiến tánh. Người niệm Phật chúng ta niệm Phật chưa kiến tánh, được gọi là “đới nghiệp vãng sanh”, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn là minh tâm kiến tánh, chẳng có ngoại lệ. “Cố ngôn tùng Giả nhập Không Quán, Giả thị nhập Không chi thuyên, tiên tu quán Giả” (Vì thế nói từ Giả nhập Không Quán, Giả là phương tiện để nhập Không, nên trước hết cần phải quán Giả). Trong Phật môn, Giả được gọi là “Phật sự”. Phật sự nương vào Giả để kiến lập, vì Chân chẳng có hình tượng, chẳng có dấu tích, nên chẳng thể kiến lập. Phật thị hiện thân tướng, thị hiện đạo tràng, thị hiện giảng kinh, thuyết pháp, đều là sự tướng, điều đó được gọi là “tạ giả tu chân” (nhờ vào giả để tu chân), quý vị ắt phải ngộ chân tánh từ giả tướng, đó là đúng. Nếu quý vị chấp trước giả tướng ấy thì sai mất rồi! Chớ nên chấp trước giả tướng, phải ngộ chân tánh từ giả tướng. Nói cách khác, ngộ Phật Tánh bất sanh bất diệt từ trong pháp sanh diệt, nó cũng là tự tánh. Ngộ tự tánh bất sanh bất diệt, đó là chánh xác. Do đó, phương pháp tu hành trong tông Thiên Thai là thực hiện từ chỗ này, trước hết cần phải quán Giả.

“Tri Giả hư vọng, nhi đắc hội Chân” (Biết Giả là hư vọng bèn thấu hiểu Chân). “Biết” là trí huệ, là Quán. Quán là Huệ, chẳng phải là cảm tình, chẳng phải là phân biệt, chấp trước. Nếu dùng phân biệt, chấp trước, dùng thức thứ sáu tức ý thức để nghiên cứu, sẽ chẳng gọi là Quán. Người ấy dùng Quán, chẳng dùng nghiên cứu, tức là dạy quý vị quyết định chẳng rơi vào phạm vi ý thức. Phải dùng trí huệ để quan sát, dùng tâm thanh tịnh để chiếu kiến, như vậy thì mới có thể hiểu chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Chân tướng là gì? “Tướng giả, Tánh chân” (Tướng là giả, Tánh là thật). Đó là chân tướng. Tướng thiên sai vạn biệt, nhưng Tánh là một. Có thể khế hội chân tướng sự thật này, cách nghĩ, cách nhìn (cách nhìn là kiến giải), và cách làm của người ấy sẽ tự nhiên giống như Phật, tự nhiên làm được cái gọi là “đại từ đại bi phổ độ chúng sanh”. Vì sao? Tình và vô tình vốn có cùng một Thể với chính mình. Tâm từ bi lưu lộ gọi là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. “Vô duyên” là chẳng có điều kiện, công đức trong bản tánh mới có thể hiển lộ. “Cố ngôn Nhị Đế Quán, thử Quán nhược thành, tức chứng Nhất Thiết Trí dã” (Nên nói là Nhị Đế Quán. Nếu phép Quán ấy thành, liền chứng Nhất Thiết Trí). Nếu tu thành phép Quán ấy, sẽ hiểu rõ ràng, rành rẽ bản thể của vạn hữu trong vũ trụ, thật sự tìm được bản thể luận như các triết gia đã nói. A La Hán và Bích Chi Phật của Tiểu Thừa đều nhập cảnh giới này!

Lại xem đoạn thứ hai, “Thích Giả Quán” (Giải thích về Giả Quán). “Tùng Không nhập Giả Quán giả, nhược trụ ư Không, dữ Nhị Thừa hà dị, bất thành Phật pháp, bất ích chúng sanh. Thị cố quán Không, bất trụ ư Không, nhi nhập ư Giả” (Từ Không nhập Giả Quán là nếu trụ nơi Không thì có khác gì Tiểu Thừa, chẳng thành Phật pháp, chẳng lợi ích chúng sanh. Vì thế, quán Không, nhưng chẳng trụ nơi Không, bèn nhập Giả). Trong phần trước là Không Quán. Không Quán đã thành tựu, biết vạn pháp như một, vạn pháp là một Thể, chẳng sanh chấp trước đối với hết thảy các pháp, chỉ nhập cảnh giới ấy. Nếu trụ trong cảnh giới ấy, sẽ là Tiểu Thừa. Nếu Bồ Tát tu Quán mà trụ trong cảnh giới ấy, chẳng khác gì Tiểu Thừa, chúng ta thường nói là “nhập Thiên Chân Niết Bàn”. Thiên (偏) là lệch vào một bên, bên nào? Bên Không, lệch sang bên Không, trụ trong Không. Trụ trong Không, sẽ chẳng có lợi ích gì cho chúng sanh. Vị ấy chẳng độ chúng sanh, nên cũng chẳng thành Phật pháp. Phật pháp là pháp giác ngộ, lệch vào một bên thì giác ở chỗ nào? Đối với hàng Tiểu Thừa, Phật pháp miễn cưỡng nói ra một thứ Chánh Giác. So với kẻ bình phàm như chúng ta, các vị ấy đã thấy một ít chân lý, nhưng chỉ gọi là Chánh Giác, chẳng thể gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác. Đẳng (等) là bằng với Phật, họ (người Tiểu Thừa) chẳng bằng Phật. Phật thì như thế nào? Phật biết Không, nhưng chẳng trụ Không, còn Tiểu Thừa trụ Không. Phật đại từ đại bi, lợi ích hết thảy chúng sanh; họ chẳng lợi ích chúng sanh. Do họ chẳng lợi ích chúng sanh, nên chẳng thành Phật pháp. Chư Phật Như Lai chẳng khen ngợi, chẳng cổ vũ, khích lệ người Tiểu Thừa, mà cổ vũ khích lệ họ hồi Tiểu hướng Đại, từ Không nhập Giả. Đã chứng đắc Không, từ trong Không bèn quay lại, lại quay trở vào thế gian. Chẳng vứt bỏ những giả tướng, mà lợi dụng các giả tướng ấy để giúp đỡ vô lượng vô biên chúng sanh còn đang chấp trước, giúp họ giác ngộ, đó gọi là “phổ độ chúng sanh”. Nói theo sự thật, một đằng là bản thể, tánh thể, một đằng là hiện tượng. Hiện tượng là Giả Hữu, Tánh Thể là Chân Không.

Hết thảy chúng sanh, nếu chẳng phải là mê bên này, bèn mê bên kia. Lục đạo phàm phu mê nơi giả tướng, ngỡ giả tướng là thật sự có, tâm luôn trụ nơi giả tướng. Do trụ nơi giả tướng, nên phải luân hồi trong lục đạo. Lục đạo luân hồi là giả tướng. Những vị A La Hán và Bích Chi Phật của Tiểu Thừa biết những tướng ấy là giả, nên chẳng cần đến chúng. Chẳng cần đến chúng thì sao? Trụ bên Không, trụ bên tánh Không. Trong tánh Không, thứ gì cũng chẳng có, tác dụng gì cũng chẳng có, nên [Tiểu Thừa chỉ trụ trong tánh Không] được gọi là “tự liễu hán” (自了漢: Kẻ chỉ lo giải thoát cho riêng mình). Tuy trụ bên tánh Không, nhưng họ có thấu hiểu tánh Không rốt ráo hay chăng? Vẫn chưa thể hiểu, nên gọi là Thiên Chân Niết Bàn (Niết Bàn lệch về phía Chân Đế). Phật và các vị đại Bồ Tát rất cao minh, các Ngài chẳng trụ vào hai bên, mà cũng chẳng chấp trước Không, cũng chẳng chấp trước Có, hai bên Không và Có đều chẳng trụ. Vì vậy, bất đắc dĩ đặt cho điều đó một danh từ là Trung Đạo. Chẳng lệch về bên nào, đấy mới là thật sự đạt được tác dụng to lớn của Không và Giả. Không có tác dụng của Không, Giả có tác dụng của Giả, nên mới có thể phát huy Không và Giả là đức dụng của Thể và Tướng đến mức độ cao nhất. Chúng ta nói là đối với sự hưởng thụ, hạnh phúc, tự tại, người ấy đều đạt được viên mãn, chứ thiên lệch thì sẽ chẳng đạt được.

Chúng ta đọc đoạn văn kế tiếp: “Thị cố quán Không, bất trụ ư Không, nhi nhập ư Giả, tri bệnh thức dược, ứng bệnh thọ dược, linh đắc phục hành” (Do vậy, quán Không mà chẳng trụ vào Không, mà nhập Giả. Biết bệnh, biết thuốc. Ứng theo căn bệnh để cho thuốc, khiến cho [người bị bệnh] uống theo, hành theo). Ba câu này vô cùng khó khăn! Biết bệnh, biết thuốc là Huệ, [tức là] biết căn bệnh của chính mình, biết căn bệnh của chúng sanh, biết dùng phương pháp gì để đối trị, đó là trí huệ. Phương pháp gì có thể trị bệnh của chính mình, phương pháp gì có thể trị bệnh của chúng sanh, đó gọi là “biết bệnh, biết thuốc”. Căn bệnh của chúng ta đã được hiển lộ chẳng sót qua đức hiệu của Thích Ca Mâu Ni Phật. Căn bệnh thứ nhất là chẳng có chút xíu tâm từ bi nào, tự tư tự lợi, đó là cái gốc bệnh của chúng ta. Thứ hai là suy nghĩ loạn xạ. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Phật dùng danh hiệu [để đối trị], Thích Ca dịch sang nghĩa tiếng Hán là Nhân Từ. Đó là loại thuốc một vị, nhằm đối ứng điều gì? Đối trị căn bệnh thiếu tâm từ bi của chúng ta, trị căn bệnh ấy. Mâu Ni dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tịch Diệt, có nghĩa là thanh tịnh, nhằm đối trị căn bệnh suy nghĩ loạn xạ của chúng ta. Phật, Bồ Tát chẳng có danh hiệu, vì chúng sanh bị bệnh mà [chư Phật, Bồ Tát] kiến lập danh hiệu. Danh hiệu của các Ngài là thuốc. Quý vị niệm danh hiệu ấy sẽ giống như uống thuốc, sẽ có thể trị lành bệnh. Nhưng quý vị phải biết đức dụng của danh hiệu ấy! Niệm Thích Ca Mâu Ni Phật nhằm niệm cho ra tâm từ bi và tâm thanh tịnh của chính mình, bệnh của chúng ta liền được chữa khỏi. Nếu chẳng hiểu tác dụng của danh hiệu, hằng ngày niệm Nam-mô Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn vô dụng, vẫn là suy nghĩ loạn xạ, vẫn là tự tư tự lợi y hệt, như vậy là vô dụng! Vì thế, danh hiệu của hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều là những phương thuốc nhằm đối trị căn bệnh của chúng sanh.

“Ứng bệnh thọ dược” (Ứng theo căn bệnh mà cho thuốc) là quán cơ, [tức là] quan sát thấy căn cơ mỗi cá nhân khác nhau, chúng ta phải dùng phương pháp gì để đối trị. Đây chính là Đối Trị Tất Đàn trong Tứ Tất Đàn. Chúng ta biết căn bệnh của chính mình, cũng biết rất nhiều Phật pháp, nhưng học Phật pháp nhiều năm ngần ấy mà vẫn chẳng dùng được. Căn bệnh của chúng ta chẳng nhẹ đi, phiền não chẳng giảm thiểu, trí huệ chẳng tăng trưởng, vẫn u mê, hồ đồ, đúng, sai, thiện, ác, tà, chánh đều chẳng hiểu rõ ràng. Phương pháp nhiều ngần ấy, uống theo đúng toa thuốc mà chẳng thấy công hiệu, vấn đề này hết sức nghiêm trọng. Xét kỹ những lời dạy răn của cổ đức, suy nghĩ vẫn thấy các Ngài nói rất có lý: Bản thân chúng ta đã suy tưởng sai lầm! Cổ nhân dạy chúng ta tu hành, phải thực hiện từ phước huệ. Tu phước là tu như thế nào? Vì đại chúng mà làm việc. “Làm việc” trong Phật pháp chính là làm những việc nặng nhọc nhằm phục vụ đại chúng, làm việc cho mọi người. Quý vị nghĩ xem: Lục Tổ ở núi Hoàng Mai tám tháng, giã gạo, bửa củi trong xưởng xay xát, đó là tu phước. Làm việc thay cho thường trụ, thay cho mọi người, chẳng ngại cực khổ, tu phước đấy nhé! Đồng thời, Ngài tu Huệ, Huệ là huệ gì vậy? Huệ là Căn Bản Trí, Căn Bản Trí là vô tri, Bát Nhã vô tri. Vô tri là Căn Bản Trí, tức là tất cả hết thảy cách nghĩ, cách nhìn thảy đều buông xuống, khôi phục sự thanh tịnh trong tâm địa. Lục Tổ nói: “Vốn chẳng có một vật, nào sợ nhuốm bụi trần”, đó là Căn Bản Trí, khôi phục cái tâm thanh tịnh. Bất luận tại gia hay xuất gia, bất luận tu học tông phái hay pháp môn nào đều nên thực hiện từ chỗ này.

Đối với Tịnh Tông, đức Phật rất từ bi, đặc biệt dạy rõ cho chúng ta biết, Ngài nói Tam Phước. Tam Phước là cơ sở tu hành. Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp”, tổng cộng gồm mười một câu được kiến lập trên cơ sở “hiếu thân, tôn sư” (hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy). Nói cách khác, học bắt đầu từ đâu? Học từ hiếu thân tôn sư. Hiếu thân tôn sư chẳng làm được thì từ tâm và mười thiện nghiệp cũng chẳng có, chẳng thể nào có được. Vì từ tâm, tu mười thiện nghiệp được kiến lập trên cơ sở hiếu thân tôn sư, làm sao quý vị có thể thành tựu cho được? Chẳng hiếu thuận cha mẹ, không nghe lời sư trưởng răn dạy, chẳng thể nào có thành tựu! Bất quá, trước kia có sư đạo, hiện thời rất khó, hiện thời tìm đâu ra thầy? Tìm thầy chẳng thấy! Thầy cũng chẳng tìm thấy học trò. Học trò chẳng nghe lời; chẳng nghe lời thì chẳng thể coi là học trò! Học trò phục tùng thầy một trăm phần trăm thì gọi là học trò. Chẳng nghe lời thầy, chẳng thể coi là học trò. Vì thế, hiện thời chẳng có sư đạo, đó là điều đáng đau buồn cho người trong thế hệ chúng ta. Chẳng có sư đạo thì hiếu đạo cũng chẳng có. Vì trong sự giáo học xưa kia, dạy quý vị tôn sư, nghe lời thầy răn dạy là trách nhiệm của cha mẹ. Cha mẹ dạy quý vị tôn sư trọng đạo, thầy dạy quý vị hiếu thuận cha mẹ, đôi bên giúp nhau dạy dỗ. Nói chung, cha mẹ chẳng thể nói: “Mày là con tao, phải biết hiếu thuận với tao”. Con hỏi: “Vì sao con phải hiếu thuận với cha mẹ?” Nghẹn họng luôn! Thầy cũng chẳng thể nói: “Ta là thầy của các trò, các trò phải tôn trọng ta”, lời ấy cũng chẳng thể thốt ra được! Vì thế, [những điều ấy] đều phải do bên thứ ba nói. Cha mẹ hiện thời chẳng dạy quý vị tôn sư trọng đạo, thầy cũng chẳng dạy quý vị hiếu thuận cha mẹ, toàn thể cơ sở đã mất tiêu rồi, bị hủy hoại rồi. Đó là chỗ bi ai của người trong thế hệ này. Nói cách khác, đó là nguồn gốc căn bệnh!

Đã tìm được gốc bệnh thì mới biết đúng bệnh, làm thế nào để cứu chữa? Chúng ta làm bên thứ ba, chúng ta khuyên họ hiếu thuận cha mẹ, khuyên họ tôn sư trọng đạo: Quý vị học với vị thầy nào, hãy nghe lời vị thầy ấy. Trong một đời này, quý vị theo một vị thầy chẳng thể ít hơn năm năm. Nói thật ra, hạn độ thấp nhất phải nên là mười năm. Mười năm theo một thầy sẽ có thành tựu, nghe một vị thầy chỉ dạy. Quý vị nghe hai người dạy dỗ, sẽ có hai ý kiến, [trở thành] hai con đường. Quý vị thân cận ba vị thầy sẽ là đường ngã ba. Thân cận bốn vị thầy là ngã tư, chẳng biết học điều gì mới nên! Vị thầy này nói phương pháp này tốt, vị thầy kia nói phương pháp nọ hay, khiến cho quý vị chẳng biết theo đường lối nào, chẳng có cách nào tu tập! Do đó, theo một vị thầy là theo một đường lối. Vì sao chúng ta thân cận thiện tri thức? Thiện tri thức nhất định dạy: “Quý vị chỉ có thể nghe theo ta. Ngoài ta ra, bất luận kẻ nào cũng chẳng thể nghe!” [Nói như vậy] nhằm ban cho quý vị một đường lối để noi theo. Quý vị lại nghe người khác giảng, sẽ là hai con đường! Không chỉ là hai con đường, mà sợ rằng người khác giảng khác với thầy, quý vị quay về vặn vẹo thầy: “Thưa thầy! Thầy nói như thế này, người kia nói như thế nọ?” Vẫn là trò cùng thầy hai bên ồn ào, ầm ĩ, thành ra thể thống gì nữa?

Vì lẽ đó, từ xưa tới nay, quý vị đọc Cao Tăng Truyện hay Cư Sĩ Truyện, thấy người ta học Phật hoặc học pháp thế gian đều theo một vị thầy. Học theo lời lẽ của một nhà, đó gọi là sư thừa! Đó là “ứng bệnh thọ dược” (thuận theo đúng bệnh mà cho thuốc), bảo cho kẻ ấy biết phương pháp. Tiếp đó là nói “linh đắc phục hành”, nghĩa là phải cổ vũ, khích lệ khiến cho kẻ ấy nghiêm túc làm theo thì mới có thể đạt được hiệu quả, mới có thể thành tựu. “Thị cố tùng Không nhập Giả Quán, nhi ngôn bình đẳng giả, vọng tiền xưng bình đẳng, tiền phá Giả dụng Không, kim phá Không dụng Giả. Phá dụng ký quân, cố ngôn Bình Đẳng Quán. Thử Quán thành thời, chứng Đạo Chủng Trí” (Vì thế, từ Không nhập Giả Quán, nhưng nói là “bình đẳng” là do đối ứng với những điều trước đó mà nói là “bình đẳng”. Trong phần trước, để phá Giả bèn dùng Không, nay để phá Không bèn dùng Giả. Phá và dùng đã quân bằng, nên nói là Bình Đẳng Quán. Khi phép Quán này thành tựu, bèn chứng Đạo Chủng Trí). Đạo Chủng Trí là sở chứng của Đại Thừa Bồ Tát. Điều quan trọng nhất trong đoạn này là “tri bệnh thức dược, ứng bệnh thọ dược, linh đắc phục hành” (biết bệnh, biết thuốc, ứng theo căn bệnh mà cho thuốc, khiến cho người ấy uống vào, hành theo). Ba câu ấy vô cùng trọng yếu! Trong lời chú giải của tôn giả Tứ Minh cũng có nói tỉ mỉ, chư vị tự đọc sẽ biết.

Chúng ta lại xem đoạn tiếp theo trong trang bốn mươi sáu. Xem phần Thích Trung Quán (giải thích về Trung Quán). “Nhị Không vi phương tiện giả, sơ quán Không sanh tử, thứ quán Không Niết Bàn” (Nhị Không làm phương tiện: Trước hết là quán Không sanh tử, rồi quán Không Niết Bàn). Hai loại Quán này có công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Phép Quán đầu tiên là quán Giả, có thể liễu sanh tử, biết sanh tử trọn chẳng thể được. Kế đó là Quán Không, Niết Bàn vốn cũng trọn chẳng thể được. Niết Bàn là do sanh tử mà kiến lập, chẳng có sanh tử thì lấy đâu ra Niết Bàn? Hai thứ ấy được kiến lập tương đối, chẳng có bên này thì bên kia cũng chẳng có. Đây là giảng rõ vì sao Phật và Bồ Tát chẳng trụ trong sanh tử, chẳng trụ trong Niết Bàn, đôi bên đều chẳng có! “Thử chi Nhị Không, vi song giá chi phương tiện” (Hai thứ Không ấy chính là phương tiện nhằm ngăn dứt quan niệm có hai bên), có thể thấy đây là phương tiện môn. “Thử chi nhị dụng, vi song chiếu chi phương tiện” (Hai tác dụng ấy chính là phương tiện để cùng chiếu cả hai bên). “Song giá” (雙遮) là hai bên đều rời khỏi, hai bên sanh tử và Niết Bàn đều chẳng trụ. “Song chiếu” (雙照) là hai bên sanh tử và Niết Bàn đều cùng dùng, ta đồng thời đều dùng. Giống như trong kinh Phật đã nói: “Độ vô lượng vô biên chúng sanh”, đó là dùng Giả. “Nhi thật vô chúng sanh đắc độ giả” (Nhưng thật sự chẳng có chúng sanh đắc độ), đó là dùng Không. Các Ngài dùng cả hai bên, nên mới thành tựu công đức viên mãn chẳng thể nghĩ bàn. Đó là phương tiện Song Chiếu. “Tâm tâm quy thú nhập Tát Bà Nhã hải” (Tâm luôn quy hướng về biển Nhất Thiết Chủng Trí), Tát Bà Nhã (Sarvajñā) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán là Nhất Thiết Chủng Trí. Quả đức Như Lai trí huệ viên mãn, sánh ví như biển cả, dùng chữ Biển nhằm hình dung sự sâu rộng. “Song chiếu Nhị Đế dã, thử quán thành thời, chứng Nhất Thiết Chủng Trí, thị vi Thứ Đệ Tam Quán dã” (Cùng chiếu cả Chân Đế và Tục Đế. Khi phép Quán này thành tựu, bèn chứng Nhất Thiết Chủng Trí, đó là Thứ Đệ Tam Quán). Đó là sở chứng nơi quả địa của Phật. Đây là giảng về Không Quán.

Trong chú giải có mấy câu, chúng ta đọc một lượt. Nơi trang bốn mươi bảy, dòng thứ nhất, chúng ta xem từ đó. “Trung Đạo chi quán, đế quán bất nhị” (Phép quán Trung Đạo, quán bất nhị chắc thật), Đế là Đế Thật (諦實), tức là nghiêm túc tu học. “Hoặc Trí nhất như” (Hoặc và Trí giống như nhau). Hoặc (惑) là vô minh, phiền não; Trí là trí huệ Bát Nhã. Tướng khác nhau! Tướng của phiền não và Bồ Đề khác nhau, tướng của ngu si và thông minh khác nhau, nhưng Thể giống nhau. Thể đã là giống nhau, trên thực tế chúng là một, nhưng một đằng là giác, một đằng là mê. Nói thật ra, giác và mê cũng trọn chẳng thể được. Ý nghĩa này càng giảng càng sâu, càng giảng càng huyền, chẳng dễ hiểu cho lắm, nhưng đó là chân tướng sự thật. “Tam Quán viên dung, thị vô tác hạnh, cố đắc tự nhiên nhập Tát Bà Nhã. Thử Quán chi quả, danh Nhất Thiết Chủng Trí, vị tại Sơ Địa” (Tam Quán viên dung, là hạnh vô tác, nên tự nhiên nhập vào Tát Bà Nhã. Quả của phép Quán này được gọi là Nhất Thiết Chủng Trí, thuộc vào địa vị Sơ Địa). Sơ Địa của Biệt Giáo và Sơ Trụ của Viên Giáo. Kể từ các địa vị ấy, Đại Thừa Phật pháp gọi sự tu hành của họ là “vô công dụng đạo”. Vì sao? Hoàn toàn chẳng dùng tâm ý thức, lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm đều chẳng có. Từ đó về sau, bốn mươi mốt phẩm vô minh tự nhiên đoạn trừ, chẳng còn khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm là phiền não. Do đó, địa vị này là Niệm Bất Thoái, địa vị kể từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên.

Những điều vừa nói trên đây đều là Thứ Đệ Tam Quán. Loại sau đó là đối với người căn tánh hết sức nhạy bén, chẳng cần theo thứ tự, nhất tâm bèn tam quán, thành tựu nhanh chóng. “Nhất Tâm Tam Quán, tư nãi xứng tánh nhi quán, tuyệt đãi nhi chiếu, cái nhất thiết pháp, vô phi tam đức, như Y tự tam điểm” (Nhất Tâm Tam Quán chính là xứng tánh để quán, dứt bặt đối đãi mà chiếu soi, bởi lẽ hết thảy các pháp, không gì chẳng phải là ba đức, như ba chấm trong chữ Y). Đây là một chữ cái trong tiếng Phạn Ấn Độ, cách viết chữ cái ấy là ba chấm (), phát âm là Y, là một trong bốn mươi hai chữ cái của tiếng Phạn. “Tam bất cô lập, nhất nhất viên cụ, cử nhất tức tam, nãi dĩ Tam Đức nhi vi Tam Đế” (Ba điều ấy chẳng cô lập, mỗi một điều đều đầy đủ trọn vẹn. Nêu lên một điều chính là ba, tức là dùng Tam Đức để thành Tam Đế). Chúng ta chỉ xem mấy câu này. Vì sao có Nhất Tâm Tam Quán? Nhất Tâm Tam Quán được kiến lập trên lý luận như thế nào? Nói thật ra, tự tánh là viên dung, trong tự tánh chẳng có giới hạn. Chúng ta chia nó thành từng tầng cấp là vì chúng ta mê quá sâu, do mê mà phân chia. Nói theo tự tánh, há có tầng cấp nào để noi theo? Đó là căn cứ lý luận của Nhất Tâm Tam Quán. Vì vậy, Nhất Tâm Tam Quán là xứng tánh khởi tu, toàn thể tu là tánh. Ở đây, đã giải thích là “xứng tánh để quán”.

“Tuyệt đãi nhi chiếu” (Dứt bặt đối đãi để chiếu), “đối đãi” (對待) tức là tương đối. Phàm phu chúng ta mê muội đã lâu, tập khí quá sâu, khởi tâm động niệm đều vướng nơi tương đối. Ông Ái Nhân Tư Thản (Albert Einstein) lập ra thuyết Tương Đối Luận (general theory of relativity), chúng ta sống trong không gian tương đối, trong một thế giới tương đối, chỉ cần khởi lên một ý niệm, nhất định sẽ có một ý niệm khác đối nghịch. Chúng ta nghĩ đến cái lớn thì tương phản với cái lớn là một cái bé. Nghĩ đến dài sẽ có cái tương phản với dài là ngắn. Nghĩ đến ta sẽ có cái đối lập với ta là người khác, luôn luôn là tương đối! “Tuyệt đãi” là lìa khỏi tương đối. Do lìa khỏi tương đối, nên bất đắc dĩ miễn cưỡng gọi là “nhất tâm”. Nói thật ra, hễ là “nhất” thì đối lập với một sẽ là nhiều, nên thật sự là bất đắc dĩ mới nói [như vậy]. Nếu nói lời thật với quý vị sẽ là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”, “mở miệng liền trật, động niệm đã sai”, đạt tới tuyệt đãi! Tuyệt đãi thì không chỉ là chẳng thể mở miệng, mà dấy lên ý niệm cũng chẳng được! Thật sự đạt đến cảnh giới ấy, quý vị nghĩ xem: Tâm thanh tịnh, trong tâm chẳng sanh một niệm. Cái tâm “một niệm chẳng sanh” là thanh tịnh, tâm là định, tự nhiên có thể chiếu khắp hư không pháp giới, tự nhiên có thể chiếu quá khứ lẫn vị lai. Chúng ta nói là “thần thông”, thật ra đó là bản năng, tức năng lực vốn sẵn có. Quá khứ, hiện tại, cõi này, phương khác, chẳng có gì không hiểu rõ. Chỉ cần quý vị có thể ngưng dứt hết thảy phân biệt, chấp trước và khởi tâm động niệm, năng lực ấy liền hiện tiền. Chuyện này phải luyện tập, công phu ấy là phải làm như thế nào để ngưng dứt tập khí từ vô thỉ kiếp tới nay.

“Cái nhất thiết pháp, vô phi Tam Đức” (Ấy là vì hết thảy các pháp, không gì chẳng phải là ba đức): Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, không gì chẳng phải là Pháp Thân, không gì chẳng phải là Bát Nhã, không gì chẳng phải là Giải Thoát. Nay chúng ta gọi Giải Thoát là “tự do tự tại, chẳng bị ràng buộc”, đúng là pháp nào cũng đều là như vậy. Tiếp đó, nêu tỷ dụ. Đại sư dùng ba chấm [trong chữ Y của tiếng Phạn] để tỷ dụ Tam Đức. Hễ nói tới Pháp Thân, tất nhiên có Bát Nhã và Giải Thoát. Nói tới Bát Nhã, nhất định có Pháp Thân và Giải Thoát. Một chính là ba, ba chính là một. Chẳng thể nói trơ trọi một đức nào trong Tam Đức, chẳng thể nào! Hễ có một, sẽ nhất định có cả ba. Do đó nói: “Nhất nhất viên cụ” (Mỗi một điều đều đầy đủ trọn vẹn), Viên (圓) là viên mãn, Cụ (具) là trọn đủ. Pháp Thân trọn đủ viên mãn Bát Nhã và Giải Thoát. Giải Thoát trọn đủ viên mãn Pháp Thân và Bát Nhã. Nêu lên một, bèn chính là ba. Đấy chính là dùng Tam Đức để làm Tam Đế. Tam Đế (Không, Giả, Trung) là cảnh giới được quán bởi chúng ta. Tiếp theo đó, sách viết: “Tức ư nhất tâm, nhi tu Tam Quán, thử chi quán pháp, Năng Sở song tuyệt” (Liền từ ngay trong nhất tâm mà tu Tam Quán. Trong pháp quán này, Năng và Sở cùng mất). Nay chúng ta dùng phương pháp gì để tu pháp Quán này? Thưa cùng quý vị, Đại Kinh đã nói: “Phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”, nói thật ra, đó là Nhất Tâm Tam Quán. Khi đó, tùy thuộc quý vị dùng cái tâm nào? Nếu tâm quý vị thật sự chuyên nhất, khi ta niệm một câu Phật hiệu, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước. Niệm câu Phật hiệu rành mạch, từng chữ phân minh, từ trong tâm sanh ra, niệm ra đằng miệng, nghe lọt vào tai, đó là Nhất Tâm Tam Quán. Nếu khởi tâm động niệm, ta niệm Phật thì hôm nay phải niệm một vạn câu hay hôm nay ta phải niệm năm ngàn câu, đó là Thứ Đệ Tam Quán, vì sao? Quý vị đã khởi tâm động niệm. Thứ Đệ và Nhất Tâm, chính mình phải phân biệt thật rõ ràng!

Người tu Nhất Tâm Tam Quán trong cuộc sống hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật, đều phải học chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, vĩnh viễn gìn giữ tâm địa thanh tịnh quang minh. Khi người khác đến, chúng ta đối đãi với người ấy bèn thuận theo sự chấp trước của người ấy mà chấp trước, thuận theo sự phân biệt của người ấy mà phân biệt. Đó là Thể Dụng như như. Trong tự tánh chẳng có phân biệt, chấp trước, đó là dùng Không. Chính mình dùng Không, nhưng đối với người khác, để đối đãi với họ bèn dùng Giả. Hai bên Không và Giả đều dùng, song chiếu, song giá ngay trong một niệm. Vì lẽ đó, Quán Kinh đã giảng rõ tỉ mỉ lý luận và phương pháp niệm Phật. À! Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này!

 

[1] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Bồ Tát Anh Lạc Kinh, còn gọi là Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp Kinh, có mười bốn quyển, do ngài Trúc Phật Niệm dịch dưới đời Hậu Tần (Diêu Tần). Kinh giảng về các địa vị Bồ Tát và nhân hạnh như Tam Tụ Tịnh Nghiệp v.v… Kinh được chia thành tám phẩm như Tập Tụ, Hiền Thánh Danh Tự, Hiền Thánh Học Quán… sử dụng rất nhiều danh nghĩa giống như kinh Hoa Nghiêm, nên cũng được tông Hoa Nghiêm rất coi trọng.

[2] Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp gồm có hai mươi bốn pháp. Các kinh luận giải thích danh tướng của Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp khác nhau đôi chút, nếu xét theo Bách Pháp Minh Môn Luận thì Bất Tương Ứng Hành Pháp là Đắc, Mạng Căn, Chúng Đồng Phận, Dị Sanh Tánh, Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Báo, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô Thường, Lưu Chuyển, Định Dị, Tương Ứng, Thế Tốc, Thứ Đệ, Thời, Phương, Số, Hòa Hợp Tánh, Bất Hòa Hợp Tánh.

[3] Sáu pháp Vô Vi là Hư Không Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Bất Động Vô Vi, Tưởng Thọ Diệt Vô Vi và Chân Như Vô Vi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *