Tập 23/28 – Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 03-002-0001  đến 03-002-0028

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 23

 

Xin xem trang một trăm bảy mươi hai, hàng cuối cùng. Phép Quán thứ bảy là quán chánh báo, đây là Hoa Tòa Quán.

 

Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: – Đế thính, đế thính, thiện tư niệm chi! Ngô đương vị nhữ phân biệt, giải thuyết trừ khổ não pháp, nhữ đẳng ức trì, quảng vị đại chúng phân biệt giải thuyết.

佛告阿難及韋提希 。諦聽諦聽。善思念之。吾當為汝

分別解說除苦惱法。汝等憶持。廣為大眾分別解說。

(Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: – Lắng nghe, lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ! Ta nay sẽ vì các ngươi phân biệt, giải thích pháp trừ khổ não. Các ngươi hãy ghi nhớ, vâng giữ, rộng vì đại chúng phân biệt, giải thích).

 

Trong đoạn kinh văn này, “đế thính” là Văn Huệ, “thiện tư” là Tư Huệ, “niệm chi” là Tu Huệ, Tam Huệ Văn, Tư, Tu. Kinh đã nói minh bạch “trừ khổ não pháp”. Mọi người đều cảm thấy rất khổ não. Làm thế nào để diệt trừ pháp khổ não? Trong chương này, đức Phật sẽ dạy chúng ta pháp trừ khổ não. Nếu chúng ta học hiểu, sẽ cũng có thể diệt trừ khổ não giống như bà Vi Đề Hy. Hãy xem kinh văn:

 

Thuyết thị ngữ thời, Vô Lượng Thọ Phật trụ lập không trung. Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, thị nhị đại sĩ thị lập tả hữu, quang minh xí thịnh, bất khả cụ kiến, bách thiên Diêm Phù Đàn kim sắc, bất đắc vi tỷ.

說是語時 。無量壽佛住立空中。觀世音。大勢至。是

二大士侍立左右 。光明熾盛 。不可具見。百千閻浮檀金色

。不得為比。

(Lúc nói lời ấy, Vô Lượng Thọ Phật đứng trên không trung. Hai vị đại sĩ Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hầu hai bên, quang minh chói lọi, chẳng thể thấy trọn. Màu sắc của trăm ngàn vàng Diêm Phù Đàn chẳng thể sánh bằng).

 

Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn đã dạy A Nan và đại chúng: Nếu muốn thấy A Di Đà Phật, hãy nên nhất tâm đảnh lễ, khen ngợi, A Di Đà Phật liền hiện tiền. Ở đây, trong phần trước, đức Phật dùng thần lực thị hiện các cõi Phật cho phu nhân Vi Đề Hy thấy. Kinh giảng đến chỗ này, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, tức Tây Phương Tam Thánh hiện thân ở nơi đây, đều nhằm chứng minh cho chúng ta thấy tánh chất chân thật của bộ kinh này. Trong kinh Vô Lượng Thọ, những người thấy khi ấy, không kể hàng Bồ Tát, chỉ tính riêng đại chúng dự hội, chư thiên cũng không tính, khi chỉ tính riêng nhân gian, bèn có hai vạn người tham dự pháp hội ấy. Tỳ-kheo xuất gia là một vạn hai ngàn người, tức là cư sĩ, quốc vương, đại thần… [nói đúng ra là] hơn hai vạn người. Ở đây là hoàng cung, nhằm lúc phu nhân Vi Đề Hy bị giam cầm, trong cung chỉ có năm trăm cung nữ hầu hạ hoàng hậu. Những người thấy Tây Phương Tam Thánh ở đây là A Nan, Mục Liên, phu nhân Vi Đề Hy và năm trăm cung nữ. Do đó, cũng chẳng phải là một người thấy, mà là đại chúng thấy, chúng ta phải nên tin tưởng. Chớ nên nghĩ: Kinh viết như vậy, nhưng ta chẳng thấy, những gì bản thân chúng ta chẳng thấy nhiều lắm! Người đông ngần ấy trông thấy, chúng ta hãy nên tin sâu, chẳng ngờ. Tây Phương thế giới Di Đà Tam Thánh quyết định chẳng phải là giả. Chúng ta xem kinh văn:

 

Thời Vi Đề Hy kiến Vô Lượng Thọ Phật dĩ, tiếp túc tác lễ, bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ngã kim nhân Phật lực cố, đắc kiến Vô Lượng Thọ Phật cập nhị Bồ Tát, vị lai chúng sanh đương vân hà quán Vô Lượng Thọ Phật cập nhị Bồ Tát.

時韋提希見無量壽佛已 。接足作禮。白佛言。世尊。

我今因佛力故 。得見無量壽佛及二菩薩 。未來眾生。當云

何觀無量壽佛及二菩薩。

(Khi ấy, Vi Đề Hy thấy Vô Lượng Thọ Phật rồi bèn làm lễ áp sát chân Phật, bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con nay do Phật lực nên được thấy Vô Lượng Thọ Phật và hai vị Bồ Tát. Chúng sanh trong đời mai sau hãy nên quán Vô Lượng Thọ Phật và hai vị Bồ Tát như thế nào?”)

 

Vi Đề Hy phu nhân thấy Tây Phương Tam Thánh liền lập tức đảnh lễ, “tiếp túc tác lễ” là cách đảnh lễ cung kính nhất. Trong chú giải đã nói rõ, chẳng phải là bà ta lễ bái Tây Phương Tam Thánh, mà là lễ bái Thích Ca Mâu Ni Phật, nên trong những câu tiếp đó, bà ta thưa hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật. Bà ta thấy Tây Phương Tam Thánh, chúng sanh trong đời tương lai phải như thế nào thì mới có cơ duyên được Phật lực gia trì thấy Tây Phương Tam Thánh giống như tôi? Có thể thấy phu nhân tâm lượng khác hẳn [vua Tần Bà Sa La], chính mình vừa mới đạt được lợi ích, đã ngay lập tức nghĩ đến hết thảy chúng sanh. Không chỉ nghĩ đến chúng sanh thuở ấy, mà còn nghĩ đến chúng sanh trong đời tương lai sau này, điều này đáng để chúng ta học tập, đáng cho chúng ta làm theo. Đó là tâm Đại Thừa, là Bồ Đề tâm. Chúng ta xem kinh văn:

 

Phật cáo Vi Đề Hy: – Dục quán bỉ Phật giả, đương khởi tưởng niệm, ư thất bảo địa thượng, tác liên hoa tưởng.

佛告韋提希 。欲觀彼佛者。當起想念,於七寶地上作

蓮華想。

(Đức Phật bảo bà Vi Đề Hy: “Muốn quán đức Phật ấy, hãy nên dấy lên tưởng niệm, trên đất bảy báu, tưởng có hoa sen).

 

Đây là dạy chúng ta phương pháp quán tưởng Phật, Bồ Tát. Hãy xem kinh văn:

 

Linh kỳ liên hoa nhất nhất diệp thượng, tác bách bảo sắc. Hữu bát vạn tứ thiên mạch, do như thiên họa. Mạch hữu bát vạn tứ thiên quang, liễu liễu phân minh, giai linh đắc kiến. Hoa diệp tiểu giả, tung quảng nhị bách ngũ thập do-tuần, như thị liên hoa, cụ hữu bát vạn tứ thiên diệp.

令其蓮華一一葉上作百寶 。有八萬四千脉。猶如天

畫。脉有八萬四千光 。了了分明 。皆令得見。華葉小者。

縱廣二百五十由旬。如是蓮華。具有八萬四千葉。

(Sao cho hoa sen ấy mỗi cánh có màu của trăm thứ báu. Hoa có tám vạn bốn ngàn mạch, giống như nét vẽ cõi trời. Mỗi mạch có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, đều quán sao cho thấy rành rẽ, rõ ràng. Cánh hoa nhỏ có kích thước là hai trăm năm mươi do-tuần. Hoa sen như thế có tám vạn bốn ngàn cánh).

 

Phần trước là nói đến quán Phật, nay là trước hết quán từ hoa sen. Trước hết, quán tòa sen báu của đức Phật, quán bắt đầu từ chỗ này. Lại xem kinh văn trong trang một trăm bảy mươi sáu.

 

Nhất nhất diệp gian.

一一葉間。

(Trong mỗi cánh hoa).

 

Đây là khoảng giữa cánh hoa sen và lá sen.

 

Hữu bách ức ma-ni châu vương dĩ vi ánh sức, nhất nhất ma-ni châu, phóng thiên quang minh. Kỳ quang như cái, thất bảo hợp thành, biến phú địa thượng.

有百億摩尼珠以為映飾 。一一摩尼珠。放千光明。

其光如蓋。七寶合成。遍覆地上。 

(Có trăm ức ma-ni châu vương trang hoàng chói lọi, mỗi một viên ma-ni châu tỏa ra ngàn tia quang minh. Quang minh ấy như cái lọng do bảy báu hợp thành, che khắp mặt đất).

 

Đây là nói sự trang nghiêm trên bản thể của hoa. Ở khoảng giữa hoa và lá giao nhau, còn có nhiều thứ trân bảo trang hoàng. Đã thế, thứ nào cũng đều phóng quang, mỗi viên ma-ni châu đều tỏa ánh sáng. Nói thật ra, hoa cũng tỏa ánh sáng, mà lá cũng tỏa ánh sáng.

 

Thích Ca Tỳ Lăng Già bảo dĩ vi kỳ đài.

釋迦毗楞伽寶以為其臺。

(Dùng báu Thích Ca Tỳ Lăng Già làm đài hoa).

 

Trong phần trước, chúng ta đã thấy chất báu này, nó là Như Ý bảo.

 

Thử liên hoa đài, bát vạn kim cang Chân Thúc Ca bảo, phạm ma-ni bảo, diệu trân châu võng, dĩ vi hiệu sức.

此蓮華臺 。八萬金剛甄叔迦寶。梵摩尼寶。妙珍珠網

。以為校飾。

(Đài sen ấy được trang hoàng bằng tám vạn kim cang Chân Thúc Ca bảo, Phạm ma-ni bảo và lưới trân châu mầu nhiệm).

 

“Hiệu sức” (校飾) là trang hoàng trên đài sen. Trong phần sau có chú giải về Chân Thúc Ca (Kimśuka)[1], đó là một chất báu có màu đỏ. Lại xem kinh văn.

 

Ư kỳ đài thượng, tự nhiên nhi hữu tứ trụ bảo tràng, nhất nhất bảo tràng, như bách thiên vạn ức Tu Di sơn, tràng thượng bảo mạn, như Dạ Ma thiên cung. Phục hữu ngũ bách ức vi diệu bảo châu, dĩ vi ánh sức. Nhất nhất bảo châu, hữu bát vạn tứ thiên quang. Nhất nhất quang, tác bát vạn tứ thiên dị chủng kim sắc.

於其臺上 。自然而有四柱寶幢。一一寶幢。如百千萬

億須彌山 。幢上寶幔 。如夜摩天宮。復有五百億微妙寶珠

。以為映飾 。一一寶珠 。有八萬四千光。一一光。作八萬

四千異種金色。

(Trên đài ấy, tự nhiên có bốn trụ tràng báu. Mỗi một tràng báu như trăm ngàn vạn ức núi Tu Di. Trên tràng giăng màn báu như cung trời Dạ Ma. Lại có năm trăm ức bảo châu vi diệu trang hoàng chói ngời. Mỗi một bảo châu có tám vạn bốn ngàn ánh sáng; mỗi một tia sáng có tám vạn bốn ngàn màu vàng khác loại).

 

Nhìn từ đoạn kinh văn này, trước hết nói rõ màu sắc và số lượng hoa sen, sau đó mới nói tới quang minh của các bảo châu trong hoa. Rồi lại quán đài hoa, lưới báu, lại nhìn thấy những thứ trang sức trên đài hoa. Những thứ trang sức trên đài sen gồm có tràng báu, bảo châu, đều tỏa quang minh. Đoạn kế tiếp trong trang một trăm bảy mươi tám nhằm nói về tác dụng của nó.

 

Nhất nhất kim sắc, biến kỳ bảo độ, xứ xứ biến hóa, các tác dị tướng, hoặc vi kim cang đài, hoặc tác trân châu võng, hoặc tác tạp hoa vân, ư thập phương diện tùy ý biến hiện, thi tác Phật sự. Thị vi hoa tòa tưởng, danh đệ thất quán.

一一金色。遍其寶土 。處處變化。各作異相。或為金

剛臺。或作珍珠網 。或作雜華雲 。於十方面隨變現。施

作佛事。是為華座想。名第七觀。

(Mỗi một sắc vàng trọn khắp cõi ấy, biến hóa khắp nơi, ở mỗi nơi đều hiện tướng lạ: Hoặc là đài kim cang, hoặc biến thành lưới trân châu, hoặc thành mây các loại hoa, tùy ý biến hiện trong mười phương, thực hiện Phật sự. Đó là quán tưởng hoa tòa, là phép Quán thứ bảy).

 

Ở đây, có một câu phải đặc biệt chú ý. Trong phần trước, tôi đã nói các thứ trang nghiêm, nhưng vẫn chưa nói đến tượng Phật, chỉ là nhìn vào hoa sen, tòa sen, đài sen của đức Phật mà thôi. Câu “thi tác Phật sự” rất trọng yếu. “Phật sự” là giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui, đó là Phật sự. Tòa sen của Phật trang nghiêm như vậy. Hoa sen cũng có thể khiến cho chúng sanh thấy sắc, nghe tiếng, trông thấy quang minh ấy đều có thể diệt tội, tăng phước, đều có thể phá mê, khai ngộ. Đó mới là hiển thị y báo và chánh báo trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn trong thế giới Tây Phương. Đoạn kinh văn kế tiếp cho chúng ta biết những thứ trang nghiêm ấy do đâu  mà

có, xin hãy xem kinh văn.

 

Phật cáo A Nan: – Như thị diệu hoa, bổn thị Pháp Tạng tỳ-kheo nguyện lực sở thành.

佛告阿難。如此妙華。本是法藏比丘願力所成。

(Phật bảo A Nan: – Hoa mầu nhiệm như thế vốn do nguyện lực của tỳ-kheo Pháp Tạng tạo thành).

 

Do đó, quy kết về cuối cùng, vẫn là do bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật thành tựu. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy đức Phật đã phát nguyện, năm kiếp tu hành, thành tựu trang nghiêm thế giới. Trong kinh này, những gì chúng ta được đọc và trông thấy đều do bốn mươi tám nguyện thành tựu. Hãy xem trang một trăm bảy mươi chín.

 

Nhược dục niệm bỉ Phật giả, đương tiên tác thử hoa tòa tưởng.

若欲念彼佛者。當先作此華座想。

(Nếu muốn niệm đức Phật ấy, trước hết hãy nên tưởng hoa tòa này).

 

“Niệm” ở đây là quán tưởng niệm Phật, trước khi chưa quán tượng Phật, hãy quán hoa tòa trước.

 

Tác thử tưởng thời, bất đắc tạp quán, giai ưng nhất nhất quán chi, nhất nhất diệp, nhất nhất châu, nhất nhất quang, nhất nhất đài, nhất nhất tràng, giai linh phân minh, như ư kính trung, tự kiến diện tượng. Thử tưởng thành giả, diệt trừ ngũ vạn ức kiếp sanh tử chi tội, tất định đương sanh Cực Lạc thế giới. Tác thị quán giả, danh vi chánh quán. Nhược tha quán giả, danh vi tà quán.

作此想時 。不得雜觀。皆應一一觀之。一一葉。一一

珠。一一光 。一一臺。一一幢 。皆令分明。如於鏡中。自

見面像 。此想成者 。滅除五萬億劫生死之罪。必定當生極

樂世界。作是觀者。名為正觀。若他觀者。名為邪觀。

(Khi quán tưởng phép này, chớ nên tạp quán, hãy đều nên quán từng điều một. Mỗi một cánh hoa, mỗi một viên châu, mỗi một ánh sáng, mỗi một đài, mỗi một tràng đều quán phân minh, như từ trong gương, tự thấy vẻ mặt. Phép quán tưởng này đã thành, sẽ diệt trừ tội trong năm vạn ức kiếp sanh tử, nhất định trong tương lai sẽ  sanh  về  thế  giới  Cực

Lạc. Quán như vậy thì là chánh quán. Nếu quán khác đi sẽ là tà quán).

 

Trong phần chú giải cho đoạn này có mấy câu, chúng ta đọc xong liền hiểu rõ, lại còn biết tầm quan trọng của sự chuyên nhất trong tu học. “Thủ cú niệm, tác quán khán” (Hãy nên hiểu chữ Niệm trong câu đầu tiên là Quán), đó là Quán Tưởng Niệm Phật. “Quán tưởng tu chuyên, nhất, bất khả giáp tạp, thiểu nhất bất thận, quán tức bất thành” (Quán tưởng thì cần phải chuyên, chẳng được xen tạp. Hễ chẳng cẩn thận một chút, sẽ chẳng quán thành công). Cảnh giới được giảng trong kinh quả thật quá vi tế. Suy gẫm lời cổ nhân, chúng ta [sẽ nhận thấy] tâm chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề quá thô thiển, cảnh giới quá vi tế, quán tưởng rất khó thành tựu! Càng về sau, sự quán tưởng càng tinh tế, đối với đài hoa mà chúng ta đã chẳng có cách nào quán tưởng, phần sau lại nói tới thánh tượng, càng chẳng dễ dàng, càng khó khăn! Ở đây, chúng ta biết một nguyên tắc là “phải chuyên”, quyết định chẳng thể xen tạp. Nói thật ra, chúng ta tu học hiện thời phạm lỗi lầm lớn nhất là xen tạp; vì thế, tu học đã lâu mà chẳng thể thành tựu. Đọc kinh, đọc lời khai thị của cổ đức, tuy [các Ngài] luôn luôn nhắc nhở, chỉ dạy chúng ta như vậy, nhưng chúng ta rất hàm hồ, lơ mơ đọc lướt qua, chẳng biết mối quan hệ có tánh chất trọng yếu giữa câu nói ấy và sự thành bại trong sự tu học suốt một đời chúng ta.

Niệm Phật là một trong mười sáu phép Quán. Ở đây nói đến “chẳng thể xen tạp”, niệm Phật cũng vậy, cũng chẳng thể xen tạp. Do vậy, tôi dạy các đồng tu phương pháp, quý vị phải thật sự chịu làm. Nói thật thà thì công phu cũng chưa tới ba năm hoặc năm năm đều có thể làm được, tu mà không đến mức ấy tức là chính quý vị sai lầm. Do đó, một câu Phật hiệu quyết định chẳng thể gián đoạn, chẳng thể xen tạp, trong ba năm hay năm năm chắc chắn sẽ thành tựu. Không xen tạp là công phu chân chánh, khởi một niệm là xen tạp. Hễ xen tạp, tất nhiên là gián đoạn, gián đoạn bèn xen tạp; chẳng phải là xen tạp vọng tưởng, thì là xen tạp vô minh. Tâm ấy chẳng thể chuyên nhất, ở đây nói là “thiểu nhất bất thận, quán tức bất thành” (hễ chẳng cẩn thận đôi chút, phép Quán ấy sẽ chẳng thể thành). Hơi thiếu cẩn thận, công phu bị mất đi. Do đó, trước hết khuyên chư vị niệm kinh, niệm kinh nhuần nhuyễn, niệm đến mức có thể đọc thuộc lòng. Đọc thuộc lòng rất thuần thục, sau đấy mới bắt đầu tu hành. Tu hành thì phải là niệm bộ kinh này từ đầu đến đuôi, chẳng thể có một vọng tưởng. Kinh này không dài, chúng ta chọn kinh Vô Lượng Thọ cũng chẳng dài! Khi niệm đến mức có thể đọc thuộc lòng, niệm bộ kinh này từ đầu đến cuối một lượt cũng chẳng lâu hơn nửa giờ. Trong nửa giờ, chẳng khởi một vọng niệm, công phu ấy cũng khá lắm. Nếu dấy lên vọng niệm sẽ chẳng tính, lượt tụng kinh ấy chẳng tính, lại niệm từ đầu đến cuối, xem thử mỗi ngày có thể niệm mấy bộ.

Nếu một ngày có thể niệm năm bộ, hoặc mười bộ đều chẳng dấy vọng niệm, xét theo Ngũ Nhẫn Bồ Tát, quý vị đã đắc môn thứ nhất là Phục Nhẫn; trong Tịnh Độ nói đó là “công phu thành phiến”. Sau đó, quý vị chẳng niệm kinh, mà chuyên niệm một câu Phật hiệu A Di Đà Phật là được rồi. Đấy là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, công phu mới đắc lực! Công phu niệm Phật hiệu của chúng ta chẳng đắc lực là do vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng, xen tạp. Vì vậy, “quán tức bất thành” (quán cũng chẳng thành); Niệm Phật cũng là Quán, cho nên cũng chẳng thể thành tựu, đạo lý ở chỗ này. Nếu niệm thành công, liền diệt tội; chư vị biết tội là gì vậy? Tội là vọng tưởng, chẳng có vọng tưởng, đương nhiên tội tiêu diệt. Tội đã diệt, tâm liền thanh tịnh, tâm thanh tịnh là phước. Tâm thanh tịnh khởi tác dụng là huệ, phước huệ đều hiện tiền, há có lẽ nào chẳng sanh về Tây Phương? Chúng ta lại xem đoạn kế tiếp. Đoạn kế tiếp quan trọng lắm. Đó là phép quán thứ tám, tức Thánh Tượng Quán.

 

Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: Kiến thử sự dĩ.

佛告阿難。及韋提希。見此事已。

(Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: – Trông thấy chuyện ấy rồi).

 

“Kiến thử sự dĩ” là nói đến đài hoa trên hoa sen.

 

Thứ đương tưởng Phật, sở dĩ giả hà? Chư Phật Như Lai thị pháp giới thân, nhập nhất thiết chúng sanh tâm tưởng trung. Thị cố nhữ đẳng tâm tưởng Phật thời, thị tâm tức thị tam thập nhị tướng, bát thập tùy hình hảo, thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật. Chư Phật Chánh Biến Tri hải, tùng tâm tưởng sanh.

次當想佛 。所以者何。諸佛如來是法界身。入一切眾

生心想中 。是故汝等心想佛時 。是心即是三十二相。八十

隨形好。是心作佛。是心是佛。諸佛正遍知海。從心想生。

(Kế đó, hãy nên tưởng Phật. Do vì lẽ nào? Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, khi tâm các ngươi tưởng Phật, tâm này chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật sanh từ tâm tưởng).

 

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, tốt nhất là phải niệm thuộc lòng đoạn kinh văn này, đoạn Tam Phước trong phần trước cũng phải niệm thuộc, đoạn này phải niệm thuộc. Nói thật ra, Tam Phước chính là Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta: Con đường để phàm phu tu học thành Phật phải đi như thế nào! Quý vị chẳng nhớ, thì làm sao được? Đoạn này nói về lý luận thành Phật: Vì sao niệm Phật có thể thành Phật? Bất luận quý vị tu Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật, hay Thật Tướng Niệm Phật, lý luận đều ở trong đoạn này, thuộc trong ba dòng kinh văn này. Nhất định phải niệm thuộc lòng ba dòng kinh văn này! Quý vị thấy các vị tổ sư đại đức từ xưa chú giải kinh hoặc giảng kinh thường trích dẫn đoạn kinh văn này, ở đây chúng ta thấy nguyên văn. Câu “sở dĩ giả hà?” [là câu dẫn nhập] nhằm nêu ra nguyên lý. “Chư Phật Như Lai là pháp giới thân”, chư Phật Như Lai có tướng hay không? Chẳng có tướng! Có thân hay chăng? Chẳng có thân! “Nhập nhất thiết chúng sanh tâm tưởng trung” (Vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh), thân của chư Phật Như Lai là tận hư không khắp pháp giới, được gọi là Pháp Thân của Phật. “Pháp giới thân” là Pháp Thân. Pháp Thân, tiếng Phạn là Tỳ Lô Giá Na, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Biến Nhất Thiết Xứ, vì nó trọn khắp hết thảy mọi nơi. Do đó mới “nhập nhất thiết chúng sanh tâm tưởng trung” (vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh), đó là nguyên lý.

“Thị cố, nhữ đẳng tâm tưởng Phật thời, thị tâm tức thị tam thập nhị tướng, bát thập tùy hình hảo” (Vì vậy, khi tâm các ngươi tưởng Phật, tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo). Tưởng Phật, tâm quý vị bèn làm Phật. Tưởng Phật là như thế. Tưởng Bồ Tát sẽ làm Bồ Tát, tưởng thiên liền sanh thiên, tưởng nhân liền vào nhân đạo. Tưởng ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn, liền biến thành súc sanh, biến thành ngạ quỷ, biến thành địa ngục. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do tâm tưởng sanh. “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật” (Tâm này làm Phật, tâm này là Phật): “Tâm này làm Phật” là nói về Tu Đức, “tâm này là Phật” là nói đến Tánh Đức. Trong bản tánh có trọn đủ y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới, thứ gì cũng chẳng thiếu, quý vị tưởng điều gì sẽ biến thành điều đó. “Chư Phật Chánh Biến Tri hải, tùng tâm tưởng sanh” (Biển Chánh Biến Tri của chư Phật sanh từ tâm tưởng), trong mười pháp giới nêu lên một pháp giới, Phật pháp giới sanh từ tâm tưởng, [suy ra] Bồ Tát pháp giới cũng sanh từ tâm tưởng. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong lục đạo không có gì chẳng sanh từ tâm tưởng. Chúng ta phải biết nguyên lý này, biết nguyên lý này thì mới biết trong Phật pháp chẳng có mê tín. Phật pháp nói câu nào cũng là lời chân thật, xác thực là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, nhưng bản thân chúng ta biết quá ít.

Trong đoạn chú giải này, có những điều trọng yếu mà tôi phải nêu ra cùng quý vị đôi chút. Chúng ta xem lời chú giải: “Sao vân, dục tưởng Phật thân, tu tri quán Thể” (Sao rằng: Muốn tưởng thân Phật thì cần nên biết quán Thể), Quán là phương pháp tu hành, Thể là căn cứ. Căn cứ để quý vị [tu tập] phép quán tưởng này là gì vậy? “Thể thị Bổn Giác, khởi thành năng quán” (Thể là Bổn Giác, khởi tác dụng thành Năng Quán). Điều này chẳng giả, Bổn Giác ở chỗ nào? Bổn Giác là chính mình, tức là bản tánh của chính mình. Đức Phật dạy chúng ta thuận theo tánh sẽ thành quả báo cực thiện; phàm phu chúng ta trái nghịch bản tánh. Nói cách khác, do vận dụng Bổn Giác sai quấy, nên mới có lục đạo luân hồi, mới có phiền não, ác báo. Kế đó, [sách Diễn Nghĩa] nói rõ: “Tu tri Bổn Giác thị chư Phật Pháp Thân” (Cần phải biết Bổn Giác là Pháp Thân của chư Phật). Tôi vừa mới nói pháp giới thân là Pháp Thân, Pháp Thân của chư Phật chính là Bổn Giác của chúng ta. Do vậy, có thể biết, ta và chư Phật có cùng một Pháp Thân. Kinh thường diễn tả chuyện này như sau: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân”, chẳng giả! Mười phương ba đời Phật đều có chung một Pháp Thân, vậy thì lũ phàm phu chúng ta có cùng [chung một Pháp Thân] với các Ngài hay chăng? Cũng cùng chung. Không chỉ là hết thảy phàm phu và Phật có cùng một Pháp Thân, mà tất cả hết thảy vạn vật cũng đều có cùng một Pháp Thân, “tình dữ vô tình, đồng viên Chủng Trí”. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do cùng một thứ biến hiện, trong Phật pháp, bất đắc dĩ đặt cho thứ ấy một cái tên, chứ trên thực tế, há có tên gọi ư? Gọi tên nó là Bản Tánh, là Chân Như, là Pháp Tánh, là Đệ Nhất Nghĩa. Kinh Phật có khoảng mấy chục danh từ như vậy!

Nếu chúng ta hỏi: “Nếu đã là cùng một thứ, đặt một tên là được rồi, vì sao đặt lắm tên gọi như thế?’ Đặt một tên bèn sợ quý vị chấp trước, hễ chấp trước thì sai mất rồi. Đức Phật nói các thứ tên nhằm vào ý nghĩa: “Chớ nên chấp trước. Chỉ cần là một chuyện thì quý vị nói thế nào cũng đều được”. Hễ chấp trước thì sai mất rồi, đã mê rồi! Đức Phật nói ra các thứ tên gọi nhằm vào ý nghĩa: Phá chấp trước, chớ nên chấp trước tướng danh tự. Tiếp đó, sách [Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa] viết: “Dĩ chư Phật vô sở chứng, chứng ư chúng sanh bản tánh cố” (Dùng vô sở chứng của chư Phật để chứng bản tánh của chúng sanh). Kinh Đại Thừa cũng thường diễn tả điều này là: “Viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc”, kinh Lăng Nghiêm nói như vậy. Đến cuối cùng, đã thành Phật, thành Phật bèn đạt được gì? Tâm Kinh nói rất hay: Thành Phật là “vô trí mà cũng vô đắc”. Trí là cái có thể chứng, “đắc” là cái chứng được. Đạt đến cảnh giới ấy, trí có thể chứng (năng chứng trí) và Bồ Đề Niết Bàn là cái có thể đạt được đều chẳng có, đó là thật sự chứng đắc. Chỉ cần có trí, có đắc, thì vẫn chẳng thể rời khỏi Năng và Sở, tuy đã thành Phật, nhưng thành đức Phật gì vậy? Thành Tạng Giáo Phật, Biệt Giáo Phật, Thông Giáo Phật. Tạng, Thông, Biệt Phật đều là có tu, có chứng, nhưng Viên Phật (Phật của Viên Giáo) chẳng có. Vì trong ba loại Phật trước, Biệt Giáo Phật cao nhất, Biệt Giáo Phật tương đương với địa vị Đệ Nhị Hạnh Bồ Tát trong Viên Giáo. Trên địa vị Đệ Nhị Hạnh Bồ Tát, còn có Tam Hạnh, Tứ Hạnh, cho đến Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, vẫn còn cách xa lắm! Vì thế, các địa vị ấy (Tạng Giáo Phật, Biệt Giáo Phật, Thông Giáo Phật) có tu, có chứng, thật sự chứng đắc thành Phật. Đạt đến Viên Giáo Phật sẽ là vô tu vô chứng.

Câu kế tiếp rất trọng yếu: “Nhược Thỉ Giác hữu công, Bổn Giác nãi hiển” (Nếu Thỉ Giác có công, Bổn Giác bèn hiển lộ). Do vậy có thể biết, nếu muốn biết chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, chúng ta thường nói là “muốn biết rành mạch, rõ ràng mười phương, ba đời, quá khứ, hiện tại, tương lai, hoàn toàn cậy vào Thỉ Giác có công, Bổn Giác liền hiển lộ”. Bổn Giác là tự tánh. Câu “Bổn Giác nãi hiển” nói theo nhà Thiền sẽ là “minh tâm kiến tánh”. Tánh là Bổn Giác, “hiển” là kiến tánh. “Cố vân Pháp Thân tùng tâm tưởng sanh” (Nên nói Pháp Thân sanh từ tâm tưởng): Nay chúng ta dùng vọng tâm, sử dụng vọng tưởng, sử dụng vọng tưởng cũng được, quý vị chỉ tưởng một chuyện, vĩnh viễn cứ tưởng mãi. Tới khi nào hết tưởng, trở về nguồn, bèn kiến tánh. Vì thế, chớ nên loạn tưởng, chớ nên nghĩ nhiều, nghĩ nhiều, sẽ chẳng được đâu, chẳng trở về nguồn được! Càng tưởng càng xa! Phải chuyên tưởng, tưởng một chuyện, [đó là] chuyên tưởng. “Tư tận hoàn nguyên” (Hết sạch suy nghĩ, sẽ trở về nguồn) bèn thành công. Do đó, [biển Chánh Biến Tri] sanh từ tâm tưởng!

“Hựu Di Đà dữ chư Phật, nhất tâm, nhất trí, ứng dụng diệc nhiên. Di Đà thân hiển, tức chư Phật thân. Chư Phật tướng minh, tức Di Đà thể. Thị cố, phiếm minh chư Phật thân, dĩ vi quán sát Di Đà quán thể” (Lại nữa, Phật Di Đà và chư Phật một tâm, một trí, ứng dụng cũng thế. Thân của Phật Di Đà hiển lộ, chính là thân của chư Phật [hiển lộ]. Giảng rõ về tướng của chư Phật, chính là [giảng rõ về] Thể của Phật Di Đà. Vì thế, giảng chung về thân chư Phật, coi đó là cách quán sát Phật Di Đà theo phương diện quán Thể). Trong đoạn này, đức Phật vẫn chưa dạy chúng ta, chưa nói rõ cách quán tưởng A Di Đà Phật, tức là quán tưởng Vô Lượng Thọ Phật, chỉ nói đến chư Phật Như Lai, hiểu là đức Phật nào cũng đều được. Nếu quý vị có thể nương theo nguyên lý và nguyên tắc này để tu, chẳng có ai không thành tựu. Niệm Phật, thành Phật, Lý và Sự đều ở trong đoạn kinh văn này. Chuyên tưởng, tâm liền thanh tịnh. Vì sao tâm chúng ta chẳng thanh tịnh? Do tâm loạn tưởng. Loạn đến mức độ nào? Chính mình chẳng thể khống chế! Do chính mình chẳng thể khống chế, nên một hồi tưởng Đông, một hồi nghĩ Tây, ngay cả đêm ngủ cũng chẳng thật thà, mộng mị tơi bời! Mộng do đâu mà có? Mộng cũng sanh từ tưởng. Vì thế, ban đêm nằm mộng, có thể kiểm nghiệm mức độ tịnh uế trong tâm mình. Tâm hơi thanh tịnh một chút, sẽ chẳng gặp ác mộng, sẽ chẳng nằm mộng rất loạn, mà sẽ có chút lớp lang. Đó cũng là hiện tượng niệm Phật có tiến bộ. Nếu tiến bộ hơn, ban đêm nằm mộng thường mộng thấy niệm Phật, mộng thấy gặp Phật, mộng thấy nghe kinh, do nguyên nhân nào? Các chủng tử được huân tập trong A Lại Da khởi tác dụng, tự nhiên hiện hành, có sức mạnh to lớn, mạnh mẽ. Chủng tử nghiệp tập nào to lớn, mạnh mẽ sẽ hiện hành. Khi chẳng khống chế được, nó sẽ tự nhiên hiện hành. Nếu tâm thật sự thanh tịnh, mộng sẽ ít đi. Ít mộng là một hiện tượng tốt.

Đoạn văn này hết sức trọng yếu, nên tổ sư chú giải cũng đặc biệt tường tận. Tôi nghĩ các đồng tu tự xem đoạn này cũng hiểu được. Xin mở sang trang một trăm tám mươi sáu, xem dòng thứ hai. Dòng kinh văn này dạy chúng ta phương pháp tu hành, là cương lãnh tổng quát của cách tu, hết sức trọng yếu. Có thể nói là ba kinh nhất trí nguyên lý này, kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đều chẳng ra ngoài lệ ấy.

 

Thị cố ưng đương nhất tâm hệ niệm.

是故應當一心繫念。

(Vì thế, hãy nên nhất tâm hệ niệm).

 

Phương pháp tu học của Tịnh Tông là nhất tâm hệ niệm.

 

Đế quán bỉ Phật, Đa Đà A Già Độ, A La Ha, Tam Miệu Tam Phật Đà.

諦觀彼佛。多陀阿伽度。阿羅訶。三藐三佛陀。

(Quán kỹ vị Phật ấy, Như Lai, Ứng Cứng, Chánh Đẳng Chánh Giác).

           

Ba hiệu sau hoàn toàn là tiếng Phạn dịch âm. Đa Đà A Già Độ (Tathāgata) dịch sang nghĩa tiếng Hán là Như Lai. A La Ha (Arhat) dịch sang nghĩa tiếng Hán là Ứng Cúng. Tam Miệu Tam Phật Đà (Samyak-saṃbuddha) dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Biến Tri, hoặc dịch là Đẳng Chánh Giác. Đây là ba hiệu trong mười hiệu của Như Lai, dịch âm tiếng Phạn. Vì vậy, chúng ta hiểu: Hết thảy chư Phật là một Thể. Là một Thể, nhưng thuận theo tâm niệm của hết thảy chúng sanh mà hiện ra các hiện tượng bất đồng. Vì thế, Phật là vô lượng vô biên. Vô lượng vô biên là đức dụng của bản tánh, là tác dụng của Tánh Đức, tức là bản tánh khởi tác dụng. Xét theo phía chúng ta, chúng ta chưa kiến tánh, dẫu đã kiến tánh thì chẳng viên mãn, đều thuộc loại Tu Đức. Sau khi đã kiến tánh viên mãn, sẽ là Tánh Đức. Phàm các danh hiệu của Phật được dùng trong kinh điển đều nhằm hiển lộ Tánh Đức, còn danh hiệu của các vị Bồ Tát được dùng để hiển lộ Tu Đức. Tánh và Tu chẳng hai, Tánh là Bổn Giác, Tu là Thỉ Giác. Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai, đó là đạt đến Cứu Cánh Giác. Vì lẽ này, Phật Di Đà và chư Phật bất tăng, bất giảm. Kinh Hoa Nghiêm nói “một chính là nhiều, nhiều chính là một, một chính là vô lượng, vô lượng chính là một”.

Chuyện này đã là sự thật, [vậy thì] ta niệm Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng được hay sao? Ta niệm Thích Ca Mâu Ni Phật chính là niệm A Di Đà Phật, cần gì phải niệm A Di Đà Phật? Nói theo Lý thì xuôi lọt, nhưng xét theo Sự bèn chẳng đúng pháp! Cớ sao chẳng đúng pháp? Chẳng nghe lời thầy! Thầy, Thích Ca Mâu Ni Phật là Bổn Sư của chúng ta, lão nhân gia bảo chúng ta niệm A Di Đà Phật, ta khăng khăng chẳng nghe lời! Quý vị hãy nghĩ tới Tam Phước trong phần trước, [không nghe lời] chính là chẳng thực hiện điều khoản “phụng sự sư trưởng”. Phụng sự sư trưởng thì phải y giáo phụng hành. Y giáo phụng hành, chúng ta niệm A Di Đà Phật là niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tùy thuận, thuận tánh. Nếu ngược lại, ta niệm Thích Ca Mâu Ni Phật là niệm A Di Đà Phật, đã nghịch tánh! Nói theo Lý thì chẳng sai, nhưng chẳng tùy thuận lời thầy dạy, nên vãng sanh khó thể thành tựu! Quý vị muốn tìm nguyên nhân thật sự ở đâu ư? Chẳng thuận theo lời thầy dạy là chẳng thuận tánh. Không thuận tánh tức là thuận theo phiền não, thuận theo tà kiến, thuận theo vọng tưởng, chấp trước, làm sao có thể kiến tánh cho được? Giống như nước, nước có thể tùy thuận. Quý vị đựng nó trong ống tròn, nó có hình dạng tròn. Đựng trong hộp vuông, nó có hình dạng vuông. Nếu nó nhất định chấp trước, ta là vuông, quyết định chẳng thể tròn. Đựng trong vật hình tròn, ta vẫn vuông, tức là chẳng thuận tánh. Vậy thì cớ sao chẳng chịu nghe lời thầy? Vì sao chẳng thể tiếp nhận lời thầy dạy dỗ? Điều này rất quan trọng.

Tông Thiên Thai gọi nhất tâm hệ niệm là Nhất Tâm Tam Quán. Trong chú giải có nói [đến chuyện này], nơi hàng thứ tư đếm từ dưới lên trong trang một trăm tám mươi sáu, xem từ hai chữ cuối cùng: “Nhất tâm hệ niệm bỉ Phật, tức Nhất Tâm Tam Quán dã” (Nhất tâm hệ niệm đức Phật ấy chính là Nhất Tâm Tam Quán). Chúng ta không hiểu pháp Quán của tông Thiên Thai, chẳng sao hết! Chỉ cần nhất tâm, nhất tâm đích xác là rất khó. Nhất tâm là chẳng xen tạp, nhất quyết chẳng tán loạn. Người thế tục gọi “hệ niệm” là vương vấn. Trong tâm thường luôn có [chuyện gì đó], thường xuyên nghĩ tới [điều ấy]. Đây là bảo quý vị thời thời khắc khắc niệm câu Phật hiệu này, nhằm vun bồi nhất tâm hệ niệm. Cổ đại đức nói: Bí quyết niệm Phật chẳng có gì khác, mà là đổi chỗ sống thành chỗ chín, đổi chỗ chín thành chỗ sống, bèn thành công. Chỗ chín nhất (quen thuộc nhất) của chúng sanh là gì? Vọng tưởng, suy nghĩ lung tung. Quý vị thấy [chúng ta] suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ rối bời. Chỗ sống sít nhất là gì? Một câu Phật hiệu! Niệm niệm luôn quên bẵng, rất lạt lẽo, hờ hững! Làm như thế nào để Phật hiệu chín muồi như vọng tưởng, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng quên khuấy, biến vọng tưởng thành xa lạ như Phật hiệu, thường quên bẵng, sẽ thành công. Đổi chỗ sống thành chỗ chín là được rồi, chẳng có ai không vãng sanh. Do đó, dạy quý vị niệm Phật mỗi ngày, hằng ngày nghe Phật hiệu chẳng gián đoạn, hằng ngày nhìn tượng Phật đừng lìa bỏ, không gì chẳng nhằm đổi chỗ sống thành chỗ chín, đạo lý là như vậy đó!

Quý vị biết đạo lý này, liền biết hết thảy chẳng có chướng ngại. Tượng Phật chẳng thể thờ ở nơi nào đó ư? Chẳng thờ, ta sẽ quên bẵng, chẳng đổi sống thành chín được! Vì thế, trừ phòng vệ sinh đừng nên thờ tượng Phật ra, nơi nào cũng đều có thể thờ tượng Phật! Nhưng nói thật ra, âm thanh của câu A Di Đà Phật, ngay ở trong nhà vệ sinh cũng nghe rõ ràng, rành mạch. Hiện thời có máy niệm Phật rất hay, càng làm càng tiến bộ, công đức rất lớn. Được rồi! Chúng ta tan học.

 

 

[1] Sách Sớ Sao viết: “Chân Thúc Ca, cõi này dịch là Xích Sắc, vốn là một thứ cây ở Thiên Trúc, hoa có màu đỏ, hình như bàn tay. Chất báu này tương tự, nên gọi tên như vậy”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *