Tập 12/28 – Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 03-002-0001  đến 03-002-0028

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 12

 

Xin mở trang sáu mươi hai. Trong bản Sớ Sao này, chúng ta dùng tác phẩm do pháp sư Đế Nhàn trích lục từ bộ Sớ Sao, gần như là nguyên văn, chính pháp sư Đế Nhàn thêm [những lời chú giải] rất ít, tối đa chỉ là giới thiệu từ ngữ mà thôi. Bản trích lục của lão nhân gia cũng là phần rất trọng yếu trong bộ Sớ Sao, chúng tôi vẫn hiềm thời gian quá ngắn, chẳng có cách nào giới thiệu tường tận cùng quý vị được! Chỉ là trong các phần trọng yếu, chọn lựa những điểm trọng yếu nhất đối với sự tu học bình thường của chúng ta, đặc biệt có quan hệ với sự niệm Phật, để giới thiệu đơn giản, ngắn gọn cùng mọi người.

Từ Sớ Sao, chúng ta hiểu rõ Phật pháp đích xác là sống động, hoạt bát. Trong Viên Giáo, tư tưởng, kiến giải và hành trì của người căn cơ viên đốn rất gần với Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Trong vô ngại pháp giới, điều cần phải chú ý nhất là sự khác biệt giữa tà và chánh. Một niệm chánh thì là Phật pháp, một niệm tà bèn biến thành ma sự. Tạng, Thông, Biệt, Viên đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này, trong pháp Tiểu Thừa cũng là như thế. Chọn lấy điều thiện để cố chấp là tốt, nhưng nếu chẳng hiểu rõ lý luận, chẳng biết mục đích thì hễ có những sự cố chấp ấy sẽ là sai lầm, đạt được hiệu quả trái ngược. Đối với những chỗ này, nếu chúng ta đọc nhiều kinh luận Đại Thừa sẽ có thể hiểu rõ. Đây là nói tới người thuộc Viên Giáo, tư tưởng tương đối cởi mở, hễ dốc công tu tập sẽ có thể dùng giáo nghĩa Viên Giáo để làm căn cứ tu học cho chính mình. Nói cách khác, họ có thể dùng phương pháp tu hành của chư Phật và chư đại Bồ Tát làm phương pháp tu hành của chính mình. Đã nhanh chóng, lại còn đơn giản hơn mấy thứ trên đây, đó là như cổ đức thường nói: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (Người căn cơ viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên). Nói, nghe, và học tập đều chẳng ra ngoài lệ ấy. Mấy câu kế đó (như “thật tánh, thật thể, nãi chí thật bổn mạt cứu cánh đẳng”) xuất phát từ Thập Như Thị của kinh Pháp Hoa. Thập Như Thị là nói về Thật Tướng của các pháp từ bản thể cho đến hiện tượng, cho đến tác dụng đều được bao gồm [trong mười món Như Thị ấy]. Thập Như Thị cũng có các cách giảng sâu, cạn, rộng, hẹp khác nhau, do căn tánh của mỗi người mỗi khác. Nhưng trong kinh Pháp Hoa, chánh thuyết (điều được giảng chủ yếu) đương nhiên là giáo nghĩa Viên Giáo, Pháp Hoa thuần viên mà! Hoa Nghiêm là toàn viên, Pháp Hoa là thuần viên, kinh điển Đại Thừa Viên Giáo chỉ có hai bộ ấy. Nói theo giáo nghĩa Viên Giáo, hết thảy các pháp đều là Phật pháp, chẳng có một pháp nào không phải là Phật pháp.

Chúng ta lại đọc phần tiếp theo. “Ký nhất thiết giai thật, thật ngoại vô dư” (Hết thảy đã đều là thật; nên ngoài thật ra, chẳng có gì khác), ngoài chân thật ra, chẳng có thứ gì khác nữa. “Phục vân dư giai ma sự giả hà dã?” (Lại nói “những thứ khác đều là ma sự”, là vì cớ nào?). Vì sao lại nói những thứ khác đều là ma sự? Hết thảy đều là chân thật, há có ma sự gì? Đấy là chỗ đáng nghi vấn. Tiếp theo đó là lời giải thích. “Ưng tri thử thuyết, thị dĩ lý giản tình” (Hãy nên biết: Nói như vậy là dùng lý để phân biệt tình), hoàn toàn nói theo lý trí thì phải là chân thật, trong hết thảy các pháp, chẳng có một pháp nào chẳng phải là Phật pháp. “Nhược ly tâm duyên năng sở đẳng tướng, danh vi Thật Tướng” (Nếu lìa các tướng như tâm duyên, năng, sở v.v… thì gọi là Thật Tướng), đó là lý tánh thuần túy, trí huệ thuần túy, dùng trí huệ để quán chiếu. “Giới nhĩ hữu tướng, tức vi ma sự” (Hễ có một tướng nhỏ nhoi thì chính là ma sự). “Những điều khác” vừa nói trên đây chính là chỉ điều này! “Giới nhĩ” (介爾) là một mảy tơ tóc. Hễ có mảy may chấp trước, bèn gọi là “ma sự”. Vì thế, một mảy may cũng đừng nên chấp trước. Ở chỗ này, quý vị nhất định phải hiểu rõ ràng: Ly tướng hoặc chấp trước đều từ trong nội tâm của chính chúng ta. Trong tâm chớ nên chấp trước, tâm địa phải thanh tịnh; nhưng xử sự, đãi người, tiếp vật, điều gì đáng nên chấp trước thì vẫn phải chấp trước, chỗ đừng nên chấp trước sẽ chẳng chấp trước, đó là ứng dụng. Nội tâm thanh tịnh, ứng dụng tự như. Ứng dụng là đối với người khác, họ có chấp trước thì chúng ta tùy thuận sự chấp trước của họ mà chấp trước. Họ chẳng chấp trước, chúng ta cũng có thể tùy thuận sự chẳng chấp trước của họ mà cũng không chấp trước. Như vậy thì mới có thể dung hòa, tương tức với pháp thế gian, mới có thể chung sống hòa thuận, chẳng đến nỗi đối lập pháp thế gian. [Nếu đối lập] thì sai mất rồi. Phật pháp thường gọi điều này là: “Phật pháp tại thế gian, bất hoại thế gian pháp” (Phật pháp trong thế gian, chẳng hoại pháp thế gian).

Pháp thế gian là gì? Pháp thế gian là phân biệt, chấp trước, chúng ta trọn chẳng phá hoại nó. Vì người thế gian có phân biệt, chấp trước, từ phân biệt và chấp trước mà kiến lập trật tự xã hội, giống như pháp luật, quan niệm đạo đức, phong tục và tập quán trong thế gian đều sanh từ phân biệt và chấp trước. Chúng đã có, chúng ta là người thật sự giác ngộ, tâm địa thanh tịnh, nhưng vào trong cảnh giới của họ thì cũng phải thuận theo thói tục, chẳng thể không thuận theo thói tục. Chẳng thuận theo thói tục, sẽ phá hoại hình tượng xã hội, họ sẽ chẳng thể tiếp nhận, chẳng cho phép! Vì lẽ đó, phải tùy thuận thế gian, trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát có “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Tùy hỷ, nhưng trong nội tâm của chính mình vẫn chẳng phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, đó là công đức. Bên ngoài vẫn phân biệt, chấp trước giống như mọi người, nhưng bên trong xác thực là chẳng có phân biệt, chấp trước. Bên ngoài là tùy hỷ, bên trong là công đức; đó là phương pháp tu học của Bồ Tát.

Vì lẽ đó, phải chú ý “giới nhĩ hữu tướng, tức vi ma sự” (hễ có mảy may tướng thì chính là ma sự) đang được nói ở đây, “giới” (介) là mảy may. Nói nghiêm ngặt, “mảy may” chính là Đẳng Giác Bồ Tát hãy còn có đôi chút chưa thể buông xuống, đó là ma sự của Ngài. Ma sự ấy chính là sanh tướng vô minh, [tức là] một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, huống hồ những kẻ khác? Vì lẽ đó, Phật pháp chẳng có gì khác, [chỉ là] phá sạch hết thảy phân biệt, chấp trước mà thôi. Phá sạch hết thảy phân biệt, chấp trước, chẳng phải là phá người khác! Nếu quý vị phá người khác thì trật mất rồi. Phá chính mình, chẳng dính dấp gì đến người khác! Phá phân biệt và chấp trước của chính mình, khiến cho chính mình được thật sự giải thoát, đạt được trí huệ Bát Nhã chân chánh và Pháp Thân thanh tịnh. Đích thực lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước thì Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, quý vị thảy đều chứng đắc. Tuy chứng đắc, chẳng hoại pháp thế gian, cùng bất luận kẻ nào cũng đều có thể đối xử hoan hỷ, vì sao? Có thể hằng thuận chúng sanh. Hằng thuận chúng sanh là đối xử hoan hỷ với mọi người, quyết định chẳng trái nghịch hết thảy chúng sanh. Vì Bồ Tát hiểu hết thảy đều là giả, việc gì phải khắt khe? Họ muốn như thế nào liền tùy thuận họ là được rồi, chẳng cần phải riết róng so đo, như vậy thì mới có thể tùy hỷ, mới có thể hằng thuận.

Chúng ta cũng phải ghi nhớ hai câu kế tiếp nơi dòng thứ ba đếm từ dưới lên trong trang sáu mươi hai, xem từ chữ cuối cùng. “Dĩ tình phân biệt, nhất thiết giai tà, ly tình phân biệt, nhất thiết giai chánh” (Dùng tình để phân biệt, hết thảy đều tà. Lìa tình phân biệt, hết thảy đều chánh), nay chúng ta gọi “tình” là cảm tình. Thứ này rất phiền, người thế gian coi nó rất nặng: Con người chẳng có tình cảm thì đáng sợ quá, như vậy là không được rồi! Chúng ta thấy vấn đề này rất nghiêm trọng, chẳng biết tất cả hết thảy phiền phức đều do tình chiêu cảm. Phiền phức to lớn là luân hồi sanh tử trong lục đạo. Nếu chẳng có thứ này, thưa cùng chư vị, tất cả phiền não đều chẳng có, sanh tử luân hồi cũng chẳng có. Nó chẳng phải là thứ tốt đẹp, cớ sao lại coi trọng nó dường ấy, chẳng chịu buông xuống. Có những kẻ chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật này, nghe nói đức Phật dạy phải đoạn tình, bèn nẩy sanh một quan niệm sai lầm: “Chớ nên học Phật, người học Phật vô tình, biến thành phường ‘vô tình vô nghĩa’ như thế tục thường nói, chẳng thể học Phật!” Thật ra, tôi thưa cùng chư vị, cái tình như người thế gian chấp trước là giả tình, giả ý. Chân tình của Phật, Bồ Tát là chân tình thật ý. Vì sao? Tình và trí là một thứ, đã mê bèn gọi là Tình, hễ giác ngộ thì gọi là Trí. Thay đổi tên, nhưng trên thực tế là cùng một chuyện. Trí là gì? Trí là Tình chân thật, vĩnh viễn không thay đổi. Cái Tình như quý vị vừa nói chính là Trí bị mê hoặc, nên nó chẳng phải là thứ tốt đẹp.

Phật pháp đặt cho nó một tên gọi, Phật pháp nói “từ bi” thì từ bi là lý trí. Tình ái thế gian là mê hoặc, điên đảo. Nói thật ra, từ bi và ái tình là cùng một chuyện, làm sao có thể nói Phật vô tình? Phật mới có cảm tình chân thật. Trước kia, khi tôi theo học Triết với tiên sinh Phương Đông Mỹ, cụ đã bảo tôi: “Một triết gia là người có cảm tình phong phú nhất. Chẳng có cảm tình sẽ không thể học triết học”. Lại thưa cùng quý vị, chẳng có cảm tình chân thật sẽ không thể thành Phật, không thể thành Bồ Tát, cùng một đạo lý. Giả tình, giả ý chẳng thể học Phật, học Phật phải là cảm tình chân thật. Cảm tình chân thật, thay đổi tên gọi bèn thành “trí”. Vì vậy, Trí và Tình là một, chẳng hai, một đằng giác, một đằng mê. Ở đây nói “dùng tình để phân biệt”, đó là mê tình. Dùng tình chấp để phân biệt hết thảy các pháp thì hết thảy các pháp đều tà. Rời lìa mê tình, quý vị phân biệt hết thảy các pháp, hết thảy các pháp đều chánh, phải biết điều này.

Do vậy, kế tiếp đó bèn nói: “Kim giản tình thủ lý” (Nay loại riêng

tình ra để giữ lấy lý), “giản” (簡) là phân biệt, là bỏ riêng ra. Mê tình là gì? Lý trí là gì? “Thị vi kinh Thể” (Là Thể của kinh), đức Phật nói kinh là do căn cứ trên đạo lý này để nói. “Ưng tri Thật Tướng toàn thể chiếu minh, xưng vi chân tâm, diệc danh Bổn Giác. Giác thể biến cố, chư pháp giai thật” (Hãy nên biết: Toàn thể Thật Tướng chiếu sáng, được gọi là chân tâm, còn gọi là Bổn Giác. Do giác thể trọn khắp, nên các pháp đều là thật), mấy câu này dễ hiểu. Chân trí là chân tâm, là Bổn Giác. Giác thể là tự tánh, là chân tâm. Chân tâm trọn khắp pháp giới, hết thảy muôn tướng trong pháp giới đều do chân tâm biến hiện; do đó, các pháp đều là thật, chẳng có gì không phải là chân thật. Đã giác ngộ thì sẽ nói tương phản với kinh Kim Cang: “Phàm những gì có tướng đều là Thật Tướng”. Khi mê, quý vị có tình chấp, “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Tình chấp vừa đoạn, phàm những gì có tướng đều là Thật Tướng. Một niệm sai lệch, chân và vọng bèn hiển lộ.

“Nhược chỉ kỳ yếu, bất ly hiện tiền phân biệt chi niệm, niệm tức Bổn Giác, giác tức kinh Thể. Vô biệt kinh Thể dĩ vi sở thuyên, dĩ thử giác tâm, quán ư y chánh, năng sở tức tuyệt, đãi đối tư vong, diệu quán chi tông, tự tư nhi lập” (Nếu chỉ ra điểm trọng yếu thì chẳng lìa cái niệm phân biệt hiện tiền. Niệm chính là Bổn Giác, giác chính là Thể của kinh. Chẳng có cái Thể của kinh nào khác để diễn nói. Dùng ngay cái giác tâm này để quán y báo và chánh báo, Năng và Sở liền dứt tuyệt, đối đãi do đó bị mất. Tông chỉ Diệu Quán từ đó mà thành lập). Không chỉ là cái Thể của kinh này, mà Thể của hết thảy các kinh Đại Thừa đều là như vậy. Hiểu đạo lý này, chúng ta mới thật sự phát khởi tín tâm thanh tịnh kiên cố đối với kinh Đại Thừa, hiểu căn cứ lý luận của kinh Đại Thừa là chân thật nhất. “Chỉ yếu” (指要) là chỉ ra điều khẩn yếu nhất, điều trọng yếu mấu chốt nhất, nó chính là ý niệm hiện tiền của chúng ta. Mắt chúng ta có thể thấy, tai có thể nghe, cái “có thể”, [tức là] cái có thể thấy, có thể nghe chính là Bổn Giác, [thấy, nghe] tức là chân tánh nơi tâm khởi tác dụng, chân tánh khởi tác dụng có thể thấy và có thể nghe. Nếu đối với thấy, nghe, hay, biết mà khởi phân biệt và chấp trước, bèn là sai lầm. Do tùy thuận chúng sanh, bèn dấy lên phân biệt, chấp trước, nhưng chính mình chẳng có phân biệt, chấp trước, đó là Phật, Bồ Tát. Trong nội tâm của chính mình thật sự dấy lên phân biệt, chấp trước, đó là phàm phu, là mê. Nội tâm thanh tịnh chẳng có phân biệt, chấp trước, do tùy thuận chúng sanh mà phân biệt, chấp trước, đó là đại từ đại bi phổ độ chúng sanh. Đức Phật nói kinh đã dựa trên nguyên lý ấy để nói.

Những phần kế tiếp chúng ta có thể tỉnh lược. Trong  đoạn  kế  đó,

nơi trang sáu mươi lăm, có hai câu mà chúng ta nhất định phải ghi nhớ kỹ lưỡng, hai câu ấy nằm trong dòng thứ nhất của trang sáu mươi lăm: “Tình tưởng phả vong, bản tánh nan hiển” (Nếu chẳng quên tình tưởng, bản tánh sẽ khó hiển lộ), có nghĩa là nếu chẳng vứt bỏ tình tưởng, quý vị sẽ chẳng có cách nào kiến tánh. Phải ghi nhớ kỹ càng hai câu ấy. Chúng ta học Phật, nói theo phía người niệm Phật, vì sao chúng ta chưa thể đắc nhất tâm bất loạn? Chướng ngại lớn nhất chính là hai chữ “tình tưởng”. Tình quá nặng, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, làm sao có thể đắc nhất tâm cho được? Tất cả hết thảy các phương pháp tu hành, không gì chẳng nhằm đoạn hết tình tưởng mà thôi, [để đạt mục đích ấy] các tông, các phái, vô lượng pháp môn có phương pháp và cách thức khác nhau. Trong Tịnh Độ, nay chúng ta giữ lấy cách trì danh niệm Phật, dùng phương pháp này để xóa sạch [tình tưởng]. Người biết dụng công thì tình tưởng vừa mới dấy lên, ngay lập tức đổi nó thành Phật hiệu, chẳng cho niệm ấy tiếp tục tăng trưởng, đó gọi là “dụng công”. Một niệm khởi là mê, chế phục niệm vừa dấy lên thì là giác, giác nhằm đối trị mê. Do đó, chẳng sợ mê. Cổ nhân thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, quý vị phải giác ngộ nhanh chóng, đừng để vọng tưởng tiếp tục tăng trưởng! Vọng tưởng vừa dấy lên, liền ngay lập tức cảm nhận, dùng câu Phật hiệu để thay thế nó, biến vọng niệm thành A Di Đà Phật, phải thay đổi nhanh chóng! Phương pháp này nhằm khuất phục phiền não. Sử dụng công phu lâu ngày, tự nhiên tình tưởng ít đi; khi nó tự nhiên ít đi, công phu bèn đắc lực, tâm đã thanh tịnh, trí huệ bèn tăng trưởng. Quý vị xử sự, đãi người, tiếp vật, chẳng mê hoặc, điên đảo giống như trước kia, nhìn sự việc cũng có thể thấy rõ ràng, làm việc cũng chẳng thường làm sai như trước kia, sai lầm ít đi. Đó là đạt được lợi ích trong hiện tiền. Tâm phải thanh tịnh, tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật Tướng” (Tín tâm thanh tịnh bèn sanh Thật Tướng), sanh Thật Tướng là sanh trí huệ, là thấy chân tướng của hết thảy vạn pháp. Vì vậy, hai câu này rất khẩn yếu!

Đoạn kế tiếp nêu lên ý nghĩa thứ hai của Thể. “Thư gia giải, lễ giả, huấn Thể dã. Thể hữu tôn, ty, trưởng, ấu. Quân phụ chi thể tôn, thần tử chi thể tiện. Đương tri Thể lễ chi thích, thị quý cực chi pháp dã” (Theo cách giải thích của các nhà chú giải kinh sách Nho gia, Lễ nhằm giải thích Thể. Thể có tôn, ty, lớn, bé. Thể của vua và cha là tôn quý, thể của bầy tôi và con cái kém cỏi hơn. Hãy nên biết: Dùng Lễ để giải thích Thể thì Thể là pháp tôn quý tột bậc). Điểm quan trọng trong cách giải thích này nằm trong câu cuối cùng: Thể là pháp tột bậc tôn quý. Vì sao? Vì hết thảy các pháp đều từ đây mà ra; nó là mẫu thể (cái bản thể chánh yếu, cội nguồn); tất cả hết thảy các pháp đều được biến hiện từ nó. Thể là Chân Như bản tánh; nói theo thuật ngữ hiện đại, [Thể] là bản thể của vạn hữu trong vũ trụ. Vì thế, dùng Lễ để giải thích Thể, “huấn” (訓) là giải thích. Lễ là tôn quý nhất, vì nó nhấn mạnh tôn, ty, trên, dưới. Trong chú giải, chúng ta xem từ hai chữ cuối trong trang ấy: “Thể chỉ Pháp Thân, chư Phật sở sư, vạn pháp triều hội. Thể phi tu chứng, Lý tuyệt ngôn tư, dục sử tiêu tâm, cưỡng xưng ‘quý cực’. Tư thị Bổn Giác, phi tịch, phi chiếu, hựu thị Pháp Tánh, phi quảng, phi thâm. Đệ Nhất Nghĩa danh vi bản tánh, Pháp Thân đức dã” (Thể chỉ Pháp Thân, [Pháp Thân] là khuôn mẫu để chư Phật noi theo, là chỗ để muôn pháp hướng về. Thể chẳng do tu chứng [mà hòng đạt được], Lý dứt bặt ngôn từ, suy nghĩ. Vì muốn nêu bày cái tâm, nên cưỡng gọi là “tôn quý tột bậc”. Đó là Bổn Giác, chẳng phải là tịch, chẳng phải là chiếu. Lại là Pháp Tánh, chẳng rộng, chẳng sâu. Đệ Nhất Nghĩa được gọi là bản tánh, là phẩm đức của Pháp Thân), mấy câu này đã giảng rất rõ ràng. Thể là gì? Là Pháp Thân. “Sư”“sư phạm” (師範: khuôn mẫu để noi theo, học theo), là tấm gương để học tập theo. Chư Phật học theo ai? “Thuận Pháp Tánh”: Thuận theo Pháp Tánh sẽ thành Phật. Vì thế, thuận theo Pháp Tánh bèn có ý nghĩa “sư”, tức là “sư pháp” (師法: noi theo pháp), ý nghĩa này cũng đã được nói trên đây. Vì lẽ đó, nó chính là Bổn Giác như kinh điển đã nói, hoặc còn gọi là bản tánh, hay Pháp Tánh, rất nhiều danh từ, trên thực tế đều là nói cùng một chuyện. Tuy cùng nói về một chuyện, nhưng danh từ khác nhau thì ý nghĩa có khác biệt đôi chút. Vì bản tánh là vạn đức vạn năng, thường là một danh từ chẳng thể bao hàm toàn thể đức năng của nó; vì vậy, kiến lập rất nhiều danh từ nhằm tỏ rõ nó có vô lượng đức năng, có ý nghĩa này.

Cuối cùng, sách viết: “Linh tu quán giả, dĩ thử Thể đức, thể bỉ y chánh, nhất nhất quý cực, thành diệu tông hỹ” (Khiến cho người tu quán do đức của cái Thể ấy mà thấu hiểu y báo và chánh báo của cõi kia mỗi mỗi đều tôn quý tột bậc, nên thành diệu tông). Người học Phật nhất định phải biết căn cứ lý luận để đức Phật thuyết pháp là Chân Như bản tánh. Đã biết căn cứ lý luận ấy, sau đó, dựa trên nguyên lý ấy để nhìn tất cả hết thảy các pháp, hết thảy các pháp đều là Tánh Đức, chúng ta mới có thể thực hiện “lễ kính chư Phật” trong mười nguyện Phổ Hiền. Vì sao? Sự lễ kính của Phổ Hiền được kiến lập trên quan niệm thanh tịnh bình đẳng, quan niệm thanh tịnh bình đẳng ấy do đâu mà có? Do quý vị thật sự biết Thật Tướng của các pháp, nên nó tự nhiên hiện tiền. Vì nó là Tánh Đức, chẳng phải là Tu Đức, cậy vào tu tập sẽ tu chẳng được, nhất định là kiến tánh thì nó sẽ tự nhiên hiện tiền. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, nên kể từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở đi, những điều tu hành của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ được gọi là Phổ Hiền Hạnh. Phổ Hiền Hạnh được quy nạp thành cương lãnh gồm mười đại nguyện vương, đó là pháp tu của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, mà cũng là pháp tu của các vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong thế giới Tây Phương, từ hạ hạ phẩm vãng sanh cho đến thượng thượng phẩm thảy đều tu mười nguyện Phổ Hiền, từ kinh Vô Lượng Thọ chúng ta đã thấy điều này.

Đoạn tiếp theo là giải thích Thể bằng cách dùng ý nghĩa “để” (底). Chúng ta xem lời Sớ. “Phục thứ, Thể thị Để dã, cùng nguyên cực để, lý tận uyên phủ, cứu sướng Thật Tế, nãi danh vi Để. Thích Luận vân, trí độ đại hải duy Phật cùng để. Cố dĩ Để thích Thể dã” (Lại nữa, Thể là đáy. Tột cùng nguồn, thấu tận đáy, lý tột cùng chỗ sâu thẳm, thấu đạt rốt ráo Thật Tế, nên gọi là Đáy. Thích Luận viết: “Biển cả trí độ chỉ có Phật thấu tột tận đáy”, nên dùng chữ Đáy để giải thích Thể). Để là gì? Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Đả phá sa oa vấn đáo để” (Đập vỡ cái nồi bằng đất nung để tìm tận đáy)[1], đó là căn nguyên, xét tận nguồn, truy tận đáy. Nói cách khác, [Để] là căn nguyên của vạn hữu trong vũ trụ. Căn nguyên vẫn là Pháp Tánh, vẫn là bản tánh, cho nên nó có ý nghĩa là “đáy”, tìm thấu tột nguồn tận đáy chính là thật sự đạt đến tận cội nguồn. Kinh nói rất hay: “Duy Phật dữ Phật cứu cánh cùng để” (Chỉ có Phật và Phật là thấu đạt rốt ráo tận nguồn cội), triệt để hiểu rõ, chẳng có mảy may nghi hoặc. Nói cách khác, Đẳng Giác Bồ Tát vẫn chưa rốt ráo, vẫn thua kém một chút. Ắt phải thấu đạt rốt ráo tận đáy thì mới là thật sự hiểu rõ, thông đạt vạn pháp trong vũ trụ. “Đạt” có nghĩa là thấu hiểu đến tột cùng sâu thẳm. Vì thế, Tây Phương Cực Lạc thế giới bất luận là xét về lý luận, phương pháp hay cảnh giới, thảy đều chưa hề được nói trong tất cả hết thảy các kinh Đại Thừa. Đúng là rất khó khiến cho kẻ khác tin tưởng, vì lý ấy quá sâu, một mực thấu tận đáy. Đẳng Giác Bồ Tát mà còn chưa hiểu rõ rệt cho lắm, quý vị nói xem: Làm sao có thể khiến cho người ta tin tưởng? “Khó tin” thì chẳng phải là phàm nhân than “khó tin”, mà là lời cảm thán “khó tin” của mười phương chư Phật! Chư Phật nói “khó tin”, chẳng phải là nói chính các Ngài khó tin, mà là nói những kẻ ngoài các Ngài ra: Từ Đẳng Giác trở xuống [đều cảm thấy pháp môn Tịnh Độ] khó tin, thật đấy! Đẳng Giác Bồ Tát không tin pháp môn này rất nhiều! Nếu Ngài tin tưởng thì đã vãng sanh Tịnh Độ. Còn chưa vãng sanh Tịnh Độ, tức là hoàn toàn chẳng tin. Vì thế, đây là pháp khó tin!

Nhưng [pháp môn này] tu hành rất dễ dàng, khó tin, dễ hành, [kẻ thấy khó tin là vì] chưa thể thấu hiểu tột cùng cội nguồn. Vì lẽ đó, người bình phàm tiếp xúc pháp môn này mà có thể tin tưởng sâu đậm, chẳng nghi ngờ, chúng ta cũng chẳng biết do duyên cớ nào! Nếu đức Phật không dạy trong kinh Vô Lượng Thọ, làm sao chúng ta có thể hiểu được? Đức Phật nói: Người ấy trong vô lượng kiếp thời quá khứ đã từng cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, thiện căn sâu dầy dường ấy, tiếp xúc pháp môn này bèn có thể tin tưởng, có thể phát nguyện. Đó là do thiện căn, phước đức, và nhân duyên trong quá khứ của người ấy chín muồi, nay lại được mười phương chư Phật, Bồ Tát âm thầm gia trì, thành tựu Tín, Nguyện, Hạnh trong đời này cho người ấy, nên đời này, người ấy vãng sanh thành Phật, khó lắm! Kinh có nhắc tới vương tử A Xà (tức A Xà Thế). Vương tử A Xà trong đời quá khứ từng cúng dường bốn trăm ức Phật, [thế mà] gặp pháp môn này chỉ phát một nguyện, hy vọng trong tương lai, “tôi thành Phật giống như A Di Đà Phật”, vẫn chẳng phát nguyện niệm Phật vãng sanh. Phát một nguyện như thế, trong đời này có thể vãng sanh hay không? Vẫn là chẳng nhất định, vì ông ta chẳng phát nguyện tu hành, mới biết cúng dường bốn trăm ức Phật là “ít thiện căn”, cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai mới là nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Nay chúng ta gặp pháp môn này mà không tin, chẳng có gì đáng ngạc nhiên! Gặp pháp môn này mà tin tưởng thì mới đúng là đáng ngạc nhiên! Người ấy (người vừa nghe pháp môn bèn tin tưởng, phát nguyện, tu trì) trong đời quá khứ giống như đức Phật đã nói: Từng cúng dường vô lượng vô biên Như Lai.

Chúng ta đọc mấy câu tiếp theo. Nơi trang sáu mươi bảy, dòng thứ hai, xem từ cuối trang: “Kim viên nhân” (Nay người căn cơ viên đốn); nói thật ra, “viên nhân” là người nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Nếu chẳng phải là người nhiều thiện căn, lắm phước đức, chẳng thể nào là căn tánh viên đốn! Vì Tịnh Độ Tông là “viên nhất trong các pháp viên, đốn nhất trong các pháp đốn, chuyên nhất trong các pháp chuyên”, cổ đại đức tán thán như vậy. Chẳng phải là người căn tánh viên đốn, đích xác là rất khó thọ trì! “Tùng Danh Tự Tức, dĩ tín giải tâm cùng Trí Độ để, nãi chí duy Phật dữ Phật, cứu cánh cùng để, dĩ thử Để nghĩa, thích ư kinh thể” (Từ địa vị Danh Tự Tức, dùng tâm tín giải thấu đạt tận đáy Trí Độ, cho đến chỉ có Phật và Phật thấu đạt rốt ráo tận đáy. Dùng cái nghĩa “đáy” ấy để giải thích cái Thể của kinh). Đây là nói thiện căn, phước đức, và nhân duyên trong Viên Giáo vô cùng sâu dầy, đúng như kinh Di Đà đã nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để sanh về cõi ấy), [phải là] nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên! Vì vậy, người ấy vừa tiếp xúc pháp môn này, vừa tiếp xúc là Danh Tự Phật. Gọi là Danh Tự vì nghe nói pháp môn này bèn nghe hiểu, đã nghe hiểu bèn tin tưởng, phát nguyện, chịu nghiêm túc niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đó là một loại. Loại người này tuy trí chưa thể rốt ráo thấu đạt đến tận đáy giống như chư Phật, nhưng cũng chẳng sai biệt cho mấy, [vì] người ấy chẳng hoài nghi mà! Chư Phật do thấu hiểu rốt ráo tận đáy, nên chẳng hoài nghi bất cứ chuyện gì, còn những người ấy tuy chẳng thấu đạt tận cùng, nhưng vẫn chẳng hoài nghi, nên cũng chẳng sai biệt cho mấy, trong một đời này, người ấy quyết định có thể thành tựu. Đây là dạy người tu hành biết độ sâu của pháp môn này; chỉ cần chúng ta tin sâu, nguyện thiết, tuy chưa đạt đến độ sâu ấy, nhưng đã tương ứng với độ sâu ấy, công đức lợi ích liền tự đạt được từng phần.

Tiếp đó là ý nghĩa của chữ Đạt. “Đạt” là thông đạt, hiểu rõ, đó là đoạn thứ ba. “Phục thứ, Thể thị đạt nghĩa” (Lại nữa, Thể có nghĩa là đạt). Đạt (達) là thông đạt, “đắc thử Thể ý, thông đạt vô ủng” (hiểu ý nghĩa này của Thể, nên thông đạt, không có chướng ngại). “Ủng” (壅) là chướng ngại, là trở ngại. [“Vô ủng” là] chẳng có chướng ngại, thông đạt vô ngại. “Như phong hành không trung, tự tại vô chướng ngại, nhất thiết dị danh biệt thuyết, giai dữ Thật Tướng bất tương vi bội. Thích Luận vân: “Bát Nhã thị nhất pháp, Phật thuyết chủng chủng danh, cố dĩ thể đạt thích kinh thể dã” (Như gió lùa trong hư không, tự tại, chẳng chướng ngại. Hết thảy các tên gọi khác hay cách nói khác đều chẳng mâu thuẫn Thật Tướng. Thích Luận giảng: “Bát Nhã là một pháp, nhưng Phật nói ra các thứ tên gọi [khác nhau]”, nên dùng việc thông đạt Thể để giải thích Thể của kinh). Nói thật ra, chẳng có trí huệ thì làm sao có thể thông đạt hết thảy các pháp? Chỉ có chân trí hiện tiền thì mới thông đạt hết thảy vô ngại. Do lẽ đó, “đạt” cũng là Tánh Đức, đặc biệt phơi bày trí huệ trong Tánh Đức. Đó là giải thích ba ý nghĩa của Thể.

Cuối đoạn này có một câu, chúng ta phải ghi nhớ. Xem từ chữ thứ ba trong dòng thứ nhất của trang sáu mươi tám. “Nhược thức thử Thể, tắc ư chư pháp thông đạt tự tại, phục ư thế gian cập xuất thế gian nhất thiết dị danh, nhất trung giải đa, đa trung giải nhất” (Nếu biết Thể này, sẽ thông đạt tự tại nơi các pháp. Lại còn đối với hết thảy các tên gọi khác nhau của pháp thế gian và xuất thế gian, sẽ từ một mà hiểu nhiều, từ nhiều mà hiểu một). Chúng ta đọc đến chỗ này là được rồi, đây là một câu vô cùng quan trọng. Then chốt ở ngay chữ “Nhất”, Thiền Tông cũng nói “nhất”. Nếu đạt được “nhất”, sẽ đạt được hết thảy. “Nhất” là nhất tâm. Nhất chẳng phải là một con số, bất đắc dĩ cưỡng gọi là Nhất. Phương pháp của Tịnh Độ Tông trực tiếp, tu gì? Tu nhất tâm bất loạn, “nhất” ở đây là nhất tâm. Chỉ cần đạt đến nhất tâm, tự nhiên thông đạt hết thảy các pháp, pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều thông đạt. Nay nói với kẻ sơ học, họ sẽ chẳng tin tưởng. Vì thế, bảo họ học một bộ kinh, họ chẳng cam lòng, chẳng bằng lòng, vừa bắt đầu bèn kinh luận gì cũng đều muốn học, học đạt được hiệu quả gì? Thứ gì cũng chẳng thông, thứ gì cũng chẳng đạt! Vì sao? Kẻ ấy chẳng thể tu nhất tâm, tâm tán loạn, học tạp loạn, vĩnh viễn chẳng thể thông đạt. Dạy học vào thời cổ kỵ nhất chuyện này. Người hiện thời có quan niệm chẳng giống tiền nhân, đó là nỗi bất hạnh của chúng ta. Hiện thời, người Hoa chịu khổ nạn to lớn dường ấy, vẫn phải tiếp tục hứng chịu nỗi khổ nạn ấy, vẫn chưa hứng chịu xong! Khi nào người Hoa mới chẳng hứng chịu khổ nạn? Đến khi nào người Hoa thật sự giác ngộ, lại đọc sách của Khổng lão phu tử, lại sử dụng phương pháp học tập của cổ nhân, người Hoa sẽ không mắc nạn. Chúng ta vứt bỏ những cái của chính mình, học theo ngoại quốc, ngoại quốc hoàn toàn chẳng hay! Nếu quý vị thường sang các nước trên thế giới, tôi đến rất nhiều nơi, thấy họ chẳng hay bằng Trung Quốc, thua kém chúng ta rất xa! Vì thế, nay tôi sang ngoại quốc, dạy người ngoại quốc đọc sách Khổng Tử, học theo phương pháp cổ xưa của Trung Quốc thì bọn họ mới có thể đạt được hạnh phúc thật sự. Không đọc sách cổ sẽ không được!

Trong phương pháp xa xưa, Nho và Phật dạy chúng ta dốc sức nơi nhất tâm. Trẻ nhỏ học tập, chưa hề nghe nói có chuyện học hai thứ cùng một lúc. Chẳng có! Muốn học đồng thời đôi ba thứ, thầy sẽ chẳng dạy, không nhận quý vị làm học trò. Học trò hiện thời thì sao? Ông không cho tôi học tám thứ, mười thứ, tôi không theo ông học nữa! Còn có cách nào nữa? Vì thế, hiện thời thầy chẳng tìm ra trò, mà trò cũng chẳng tìm thấy thầy! Trong quá khứ, tôi ở chỗ thầy Lý, thầy Lý theo đúng quy củ, học kinh chỉ có thể học một bộ. Học hai bộ chắc chắn là chuyện không thể được, thầy nhất định chẳng dạy quý vị! Tôi ở Đài Trung mười năm, chỉ học năm bộ kinh. Hiện thời, quý vị học trong Phật Học Viện, một năm không chỉ học năm bộ, tôi mười năm mới học năm bộ. Tiêu chuẩn của thầy Lý còn khoan dung hơn cổ nhân rất nhiều, chẳng nghiêm ngặt như cổ nhân, nên chúng tôi đạt được lợi ích cũng thua kém tổ sư đại đức xưa kia, do nghiêm khắc chẳng đủ mức mà! Nhưng nếu thầy nghiêm ngặt, chúng tôi sẽ bỏ đi hết, chẳng thể theo học với thầy. Cũng là vì thầy nhìn thấy căn tánh của chúng tôi, chẳng có cách nào, nếu thầy nghiêm ngặt, chắc chắn chúng tôi sẽ bỏ đi hết. Theo học với thầy mà có lúc trong tâm chẳng phục, cảm thấy thầy ngang bướng, chuyên chế, không đếm xỉa lý lẽ! Thật ra, thầy đúng là hợp lý, lời thầy nói là chánh lý, nhưng chúng tôi ngỡ là ngụy biện, vẫn là do chúng tôi suy nghĩ sai quấy, chứ thầy chẳng sai trái! Mãi tới sau này, chúng tôi mới tự mình giác ngộ: Thầy [dạy bảo theo kiểu ấy là] chánh xác, lại còn cảm thấy thầy chưa nghiêm khắc đủ mức.

Vì vậy, học gì thì cũng nhất định là “thâm nhập một môn”, quyết định chẳng thể học hai môn, [học đồng thời] hai môn là điều kỵ húy rất lớn. Quý vị thấy trong chú sớ của tổ sư, trong kinh luận của chư Phật, đều nói giống như nhau: “Nhất trung giải đa, đa trung giải nhất” (Trong một hiểu nhiều, trong nhiều hiểu một), nhất định phải huấn luyện từ phương pháp cơ bản. Nhất định là trước hết cầu Căn Bản Trí, Căn Bản Trí là vô tri, Bát Nhã vô tri. Trước hết tu vô tri rồi sau đó mới lại tu “không gì chẳng biết”, nên vừa bắt đầu học tập, chớ nên đọc hết thảy các kinh luận. Người hiện thời hoàn toàn tương phản với cổ nhân, hiện thời là vừa dụng công bèn đọc rất nhiều kinh luận, học gì vậy? Học “không gì chẳng biết”. Kết quả là học suốt đời, đúng là cái gì cũng chẳng biết! Nói thật ra, chuyện này hoàn toàn trái nghịch giáo huấn của đức Phật. Đức Phật dạy chúng ta: Theo thứ tự, trước hết là đoạn phiền não, sau đấy sẽ học pháp môn. Tứ Hoằng Thệ Nguyện đã chỉ dạy trình tự ấy. Thứ nhất là quý vị phải phát nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Quý vị phải phát đại nguyện ấy, bỏ mình vì người khác, vì Phật Giáo, vì chúng sanh. Thực hiện từ chỗ nào? Trước hết là đoạn phiền não, “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Sau khi đoạn hết phiền não, sẽ lại là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

Chẳng hề nói chưa đoạn phiền não mà đã học pháp môn. Chưa đoạn phiền não mà học pháp môn, sẽ giống như trong phần trước đã nói: Đều là tà tri tà kiến, đều là ma sự. Vì sao? Trong tâm quý vị còn có một tí chưa buông xuống được, còn có tình chấp. Chỉ cần có tình chấp, những gì quý vị đã học đều là ma sự. Trong phần giảng về tựa đề kinh của tác phẩm chú giải kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư đã nói: Chẳng đoạn phiền não mà muốn học pháp môn thì đều là tà tri tà kiến, tăng trưởng tà kiến. Chẳng đoạn phiền não và cũng chẳng học pháp môn, Thanh Lương đại sư bảo là tăng trưởng vô minh. Chẳng đoạn phiền não mà học hết thảy các pháp môn là tăng trưởng tà kiến, quý vị liền biết: Đoạn phiền não rất trọng yếu. Phiền não là chướng ngại, trước hết, phải xóa bỏ chướng ngại. Sau khi đã xóa trừ chướng ngại, sẽ học pháp môn rất nhanh. Vừa thấy, vừa nghe, liền lập tức thông đạt. Giống như Lục Tổ đại sư tâm địa thanh tịnh, Ngài chưa hề nghe, chưa hề đọc kinh Pháp Hoa. Thiền sư Pháp Đạt niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, nhưng chẳng hiểu nghĩa kinh Pháp Hoa. Lục Tổ bảo: “Ông hãy niệm kinh Pháp Hoa cho ta nghe xem nào!” Sư chỉ niệm đến phẩm thứ hai. Kinh Pháp Hoa có hai mươi tám phẩm, Sư chỉ niệm đến phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện, Lục Tổ đại sư bảo: “Được rồi! Chẳng cần niệm nữa, ta đều biết trọn vẹn”, giảng giải cho Sư. Quý vị hãy nghĩ xem, đó là đã đạt nhất tâm liền thông đạt hết thảy các pháp, há cần phải xem hết cả bộ kinh! Vừa xem một chút, liền hiểu rõ toàn bộ, thông đạt toàn bộ.

Vì vậy, hiện thời mọi người chẳng tu từ căn bản, mà tu nơi cành lá, vĩnh viễn chẳng tu thành tựu. Chúng tôi nói lời thật với họ, họ trách tôi lừa gạt họ, còn vặn hỏi ngược lại: “Chẳng phải là trước kia thầy cũng học rất nhiều đó sao?” Lại còn nói tôi lừa họ, nói tôi đố kỵ, sợ trong tương lai, họ học thành công vượt trỗi tôi! Quý vị nói có oan uổng hay không! Những điều tôi học trước kia, thưa cùng chư vị, là tu mù luyện đui. Tu luyện nhiều năm ngần ấy, đến nay mới tìm được đường. Tôi nói lời thật cùng quý vị, quý vị muốn học theo kiểu của tôi xưa kia, học ba mươi năm chưa chắc đã được như tôi, tôi dám nói như thế. Nay nếu quý vị nghe lời tôi, chẳng cần ba mươi năm, mà sau mười năm, nhất định quý vị vượt trỗi tôi. Tôi mong quý vị vượt trỗi tôi, vì sao? Vượt trỗi tôi thì Phật pháp mới có tiền đồ, chúng sanh mới có hy vọng, chứ đều giống như tôi thì thôi rồi! Tôi hy vọng sau này các vị đều có thể vượt trỗi tôi, nhưng quý vị chẳng nghe tôi khuyến cáo, chẳng có cách nào! Chúng tôi thường nói: Người thế gian hiện thời nhận giả, chẳng nhận thật, nghe lừa, chẳng nghe khuyên. Nếu tôi lừa quý vị, [sẽ bảo]: “Quý vị kinh luận gì cũng đều phải nghiên cứu. Chẳng nghiên cứu sẽ không thể thành tựu!” Họ sẽ tin tưởng. Tôi bảo: “Quý vị thứ gì cũng đừng nghiên cứu, mỗi ngày niệm một quyển sách, cũng chẳng đòi hỏi phải hiểu nghĩa”, họ chẳng tin tưởng! Vậy là chẳng có cách nào, nói thật thì họ chẳng tin. Được rồi, chúng tôi giới thiệu phần Biện Thể đến đây!

 

 

[1] Đây là một câu tục ngữ (打破砂鍋問到底) nhằm chỉ thái độ kiên quyết truy tìm ý nghĩa hoặc căn nguyên của một vấn đề đến tột cùng, không khoan nhượng, không bằng lòng với những giải thích hời hợt, nông cạn. Hiểu theo nghĩa rộng, tục ngữ này cũng được dùng để phê phán thái độ cố chấp cứ khăng khăng muốn biết một điều gì đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *