Tập 26/28 – Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 03-002-0001  đến 03-002-0028

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 26

 

Phần trước là một đoạn lớn, từ phép Quán thứ nhất đến phép Quán thứ mười hai thuộc loại Quán Tưởng Niệm Phật. Từ phép Quán thứ mười ba thuộc về Quán Tượng Niệm Phật, phương pháp này khác với các phương pháp trước. Chúng ta xem đoạn tiếp theo, [hãy xem từ] hàng thứ ba đếm từ dưới lên trong trang hai trăm lẻ chín.

 

Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: – Nhược dục chí tâm sanh Tây Phương giả, tiên đương quán ư nhất trượng lục tượng, tại trì thủy thượng.

佛告阿難及韋提希 。若欲至心生西方者。先當觀於一

丈六像。在池水上。

(Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: – Nếu muốn chí tâm sanh về Tây Phương, trước hết hãy nên quán tượng cao một trượng sáu ở trên mặt nước trong ao).

 

Khoa đề của phần này là “tạp minh Phật, Bồ Tát quán, sơ quán trượng lục tượng” (nói về pháp quán xen lẫn Phật và Bồ Tát, trước hết là quán tượng cao một trượng sáu). Trong phần trước đã nói thân tướng của Phật và Bồ Tát đều vô cùng cao lớn, thật sự rất khó tưởng tượng; nhưng Quán Tượng Niệm Phật cũng phải rất có phước báo thì mới được. Nếu chẳng có phước báo, rất khó tu hành! Nếu phước báo rất lớn, chính mình cũng chẳng phải làm chuyện gì, cuộc sống có người chăm sóc, trong nhà có Phật đường, trong Phật đường khắc hình tượng Phật, Bồ Tát cao một trượng sáu thước. Hiện thời, tại Đại Lục, có rất nhiều tượng Phật cao một trượng sáu thước, rất cao, rất lớn. Tượng Phật thờ trong nhà, mỗi ngày nhìn ngắm, quán tượng; nhưng nếu rời khỏi Phật đường, cái nhân tu tập ấy bị đoạn mất, nên phải thường ở trong Phật đường quán tượng. Vì lẽ đó, chính mình chỉ đành chẳng đi làm thì mới có thể tu được. Do đó, điều này cho thấy [phải có] phước báo rất lớn [thì mới tu Quán Tượng Niệm Phật thành công]. Hiện thời, [cách tu này] không chỉ là rất khó đối với kẻ tại gia, mà đối với người xuất gia cũng rất khó! Phải buông hết thảy xuống, mỗi ngày quán tượng trong Niệm Phật Đường, rất khó! Đó là [nói về cách tu quán tưởng] kim thân cao một trượng sáu.

Chúng ta đọc lời chú giải: “Hành giả ư tiền y chánh chư quán, tuy dĩ tinh tu, thượng vị đắc nhập” (Hành giả nương theo các phép Quán về chánh báo và y báo như trên đây, tuy đã tu chuyên ròng, vẫn chưa chứng nhập). Ý nói tuy tu Quán đúng như các phương pháp trên đây, nhưng chẳng thể quán thành tựu. Chẳng thể thành tựu, bèn chẳng thể đắc lực. “Kỳ cầu sanh chi tâm, di gia đôn đốc, danh vi chí tâm” (Cái tâm cầu được vãng sanh ấy càng được thêm đôn đốc, nên gọi là chí tâm), nhưng cái tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hết sức ân cần, tha thiết. Quán chẳng thành, nhưng chúng ta rất mong mỏi được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, làm như thế nào đây? Bất đắc dĩ, đức Phật lại dạy chúng ta một phương pháp: Chẳng thể quán Thắng Ứng Thân thành tựu, bèn quán Liệt Ứng Thân, tức là thân trượng sáu. “Cố linh thử nhân xả thắng, quán liệt” (Nên dạy người ấy thôi quán Ứng Thân, mà quán Liệt Thân). Mười hai phép Quán trên đây đều vô cùng thù thắng, nhưng quán chẳng thành công, chúng ta bỏ đi, quán tượng Liệt Ứng Thân. “Vị quán nhị thị tiền, tưởng Di Đà, cố vân tiên đương quán trượng lục dã” (Trước khi quán hai vị thị giả, bèn tưởng Di Đà, nên nói là trước hết quán tượng cao một trượng sáu). Đây là thân cao một trượng sáu thước, chúng ta sẽ dễ quán hơn nhiều. “Hành nhân dục thác bỉ độ liên trì, cố linh quán tượng tại trì thủy thượng” (Hành nhân muốn thác sanh trong ao sen nơi cõi ấy, nên dạy họ quán tượng ở trên mặt nước trong ao). Tuy chúng ta thờ phụng hình tượng Phật, phải tưởng tượng Phật ấy đứng trên hoa sen báu trong ao bảy báu. Do đó, trong quán tượng còn bao gồm quán tưởng, nhưng quán tượng là chủ, dễ tu thành công hơn! “Ưng tri thắng thân, ký tâm tác, tâm thị, khởi kim trượng lục, phi tác thị da? Viên nhân tác vi, giai liễu duy tâm” (Hãy nên biết thân thù thắng đã là “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, há nay tượng cao trượng sáu chẳng phải là “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” ư? Người viên đốn làm gì cũng đều thấu hiểu duy tâm). Do vậy, có thể biết, bất luận là quán Thắng Ứng Thân hay quán Liệt Ứng Thân, đều chẳng thể bỏ nguyên tắc “tâm này làm, tâm này là”. Đối với những chữ tiếp đó, tôi không nói tới, vì đã bao hàm hết thảy vạn pháp, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, [tương tự, ta cũng có thể nói] tâm này làm Bồ Tát, tâm này là Bồ Tát. “Tâm làm, tâm là” bao quát hết thảy muôn pháp thế gian và xuất thế gian, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này. Lại xem kinh văn.

 

Như tiên sở thuyết Vô Lượng Thọ Phật thân lượng vô biên, phi thị phàm phu tâm lực sở cập.

如先所說無量壽佛身量無邊。非是凡夫心力所及。

(Như trong phần trước đã nói Vô Lượng Thọ Phật thân lượng vô biên, tâm lực phàm phu chẳng thể quán tưởng nổi).

 

Đối với những điều đã nói trong phần trước, đức Phật biết rất rõ ràng, nhất là phàm phu trong đời Mạt chắc chắn chẳng thể quán thành công! Đừng nói là quán thân tướng Phật, ngay cả quán mặt trời hay quán nước, chúng ta đều chẳng có cách nào thành tựu.

 

Nhiên bỉ Như Lai túc nguyện lực cố, hữu ức tưởng giả, tất đắc thành tựu.

然彼如來宿願力故。有憶想者。必得成就。

(Nhưng do túc nghiệp lực của đức Như Lai ấy, hễ có ai ức tưởng, ắt được thành tựu).

 

Nói thật ra, pháp môn Niệm Phật hoàn toàn cậy vào thần lực Tam Bảo gia trì, đặc biệt là A Di Đà Phật nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, nhất định gia trì chúng ta. Tâm nguyện của chúng ta càng thanh tịnh, càng khẩn thiết, sức mạnh gia trì của Phật lực càng rõ rệt. Các đồng tu phải hiểu, đây là một sanh lộ, là hy vọng duy nhất của chúng ta. Lục đạo là tử lộ, nhất định phải buông xuống chuyện trong lục đạo. Những chuyện gì trong lục đạo? Các thứ kiến giải, các nỗi vọng tưởng, các thứ phân biệt, chấp trước, tham, sân, si, mạn, tất cả đều là chuyện thuộc về lục đạo, phải vứt bỏ. Chẳng vứt bỏ, quý vị đang tu gì thế? Tu lục đạo! Người học Phật, nói thật ra, bề ngoài là đang học Phật, nhưng thật ra là đang tu lục đạo rất nhiều! Cớ sao rất nhiều? Trong Phật môn mà ganh tỵ, chướng ngại, thị phi, nhân ngã, miệng niệm Phật nhưng trong tâm vẫn muốn làm những chuyện đó! Đấy là gì? Tu lục đạo luân hồi, tu ba ác đạo trong Phật môn! Chúng ta thấy người khác có những điều ấy, đừng quan tâm đến, chính mình quyết định chớ nên khởi ý niệm ấy!

Sáng hôm nay có mấy đồng tu nói đến chuyện hằng thuận chúng sanh và tùy hỷ công đức. Khóa sáng và khóa tối mỗi ngày đều niệm mười nguyện Phổ Hiền: “Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai”, niệm hằng ngày. Thuận là gì? Hằng thuận chúng sanh. Chúng sanh: Phàm những tướng do các duyên hòa hợp mà sanh ra thì đều gọi là “chúng sanh”. Hết thảy mọi người là chúng sanh, hết thảy sự vật cũng là chúng sanh, bàn ghế cũng đều là chúng sanh. Chẳng có gì không phải là chúng sanh, vì đều do các duyên hòa hợp mà sanh. Tùy thuận như thế nào? Đối với hết thảy chúng sanh, nói cách khác, đối với hết thảy hoàn cảnh nhân sự hay hết thảy hoàn cảnh vật chất, bất luận là người thiện, kẻ ác, người tốt, kẻ xấu, cảnh giới là thuận cảnh hay nghịch cảnh, chúng ta đều chẳng khởi tâm, mà cũng chẳng động niệm, đó là “hằng thuận”. Hễ khởi tâm động niệm thì còn thuận theo gì nữa? Hằng thuận tự tánh của hết thảy chúng sanh. Lục Tổ đã nói về tự tánh rất hay: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, trong “vốn chẳng có một vật”, hằng thuận tự tánh. Hằng thuận tự tánh của hết thảy chúng sanh, hằng thuận vật tánh. Không khởi tâm, chẳng động niệm là thuận; khởi tâm động niệm sẽ không thuận, phải biết điều này!

Tùy hỷ là giúp người khác thành tựu những điều tốt đẹp. Thấy chuyện của người ta có lợi ích cho chúng sanh, lợi ích xã hội, chúng ta sẽ tận tâm tận lực giúp đỡ, thành toàn người ấy. Thành toàn như thế nào thì là tùy hỷ? Thành toàn mà chẳng kể công sẽ là tùy hỷ. Không cần danh, chẳng cần lợi, chẳng cần công đức, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, đó gọi là tùy hỷ. Nếu trong ấy có xen lẫn danh lợi, lại muốn tranh giành những điều tốt đẹp, đó chẳng phải là tùy hỷ. Tùy hỷ hoàn toàn là nghĩa vụ, trọn hết nghĩa vụ, chẳng cầu quyền lợi, đó mới là tùy hỷ. Do đó, cương mục tu học của Bồ Tát thật sự được bao gồm trong ý nghĩa của khoa mục [tùy hỷ] này. Nếu chúng ta chẳng hiểu rõ ràng, sẽ thường là tu hành hoàn toàn sai lầm. Chúng ta xem đoạn cuối cùng.

 

Đản tưởng Phật tượng, đắc vô lượng phước. Huống phục quán Phật cụ túc thân tướng.

但想佛像。得無量福。況復觀佛具足身相。

(Chỉ tưởng tượng Phật còn được phước vô lượng, huống lại quán trọn đủ thân tướng của Phật).

 

Tượng Phật đắp hay hình Phật in màu đều như nhau; nhưng có những tượng Phật, đặc biệt là giống như tượng chúng ta đang in hiện thời, tượng đúc cũng thế, tượng vẽ rất nhỏ, tượng Phật nhỏ mang theo thân rất thuận tiện. Nhưng chúng ta đối trước tượng Phật quán tưởng thì phải tưởng bức tượng Phật ấy rất lớn, giống như người thật, cao một trượng sáu thước, tưởng ở trước tượng Phật, chúng ta rất nhỏ, phải tưởng theo cách như vậy. Đừng tưởng chúng ta rất lớn, tượng Phật nhỏ xíu, quán tưởng kiểu ấy thì đã sai lầm mất rồi. Do đó, tượng nhỏ một chút chẳng sao cả, nói chung là khi tưởng, [phải tưởng] chúng ta đối trước tượng Phật chỉ bằng một nửa tượng Phật, chỉ cao lớn bằng một nửa tượng Phật, Phật to gấp bội chúng ta, phải thường quán tưởng như thế. Lễ bái chư Phật cũng phải tưởng theo cách giống như vậy, như vậy thì mới rất đúng pháp.

Lại xem tiếp đoạn văn tiếp theo, xem dòng in theo lối đảnh cách trong trang hai trăm mười một.

 

A Di Đà Phật thần thông như ý, ư thập phương quốc, biến hiện tự tại, hoặc hiện đại thân mãn hư không trung, hoặc hiện tiểu thân, trượng lục bát xích.

阿彌陀佛神通如意。於十方國。變現自在 。或現大身

。滿虛空中。或現小身。丈六八尺。       

(A Di Đà Phật thần thông như ý, trong các cõi nước mười phương, biến hiện tự tại. Hoặc hiện thân to lớn đầy ắp hư không, hoặc hiện thân nhỏ, cao một trượng sáu, hoặc cao tám thước).

 

Hiện thân trượng sáu, hoặc hiện thân cao tám thước. Hiện thân cao tám thước tức là hoàn toàn giống như người bình thường.

 

Sở hiện chi hình, giai chân kim sắc. Viên quang hóa Phật, cập bảo liên hoa, như thượng sở thuyết.

所現之形。皆真金色 。圓光化佛。及寶蓮華。如上所

說。

(Thân hình hóa hiện đều là sắc vàng ròng. Trong viên quang hóa Phật và hoa sen báu như trên đã nói).

 

Khoa đề của đoạn này là “phất khử chúng nghi” (trừ khử các nỗi nghi), trong chú giải có [giảng giải đoạn này]. Vì chúng ta thấy tượng Phật, có tượng Phật lớn, có tượng Phật nhỏ, rốt cuộc chúng ta quán tượng to tốt hơn, hay quán tượng nhỏ tốt hơn? Thưa cùng quý vị lớn hay nhỏ đều như nhau. Biết tướng thị hiện của đức Phật là “thuận theo tâm chúng sanh mà ứng với khả năng tiếp nhận của họ”. Đức Phật hiện thân tướng có thể lớn, có thể nhỏ; nhưng lớn cũng là pháp giới, nhỏ cũng là pháp giới, chỉ cần tâm chúng ta dùng cái tâm chí thành, cung kính để quán tưởng, sẽ là chánh xác, lợi ích đạt được chắc chắn là như nhau.

Lại xem trang hai trăm mười hai, hãy xem kinh văn.

 

Quán Thế Âm Bồ Tát, cập Đại Thế Chí, ư nhất thiết xứ, thân đồng chúng sanh.

觀世音菩薩。及大勢至。於一切處。身同眾生。

(Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí trong hết thảy mọi nơi, thân giống như chúng sanh).

 

Bồ Tát vì thị hiện thân phận là bạn học của chúng sanh, giống như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Vị chư thứ loại, tác bất thỉnh chi hữu” (Vì muôn loài mà làm bạn chẳng thỉnh). Do đó, các Ngài nhất định phải hiện thân đồng loại với chúng sanh, thân tướng giống như chúng sanh.

 

Đản quán thủ tướng.

但觀首相。

(Chỉ quán tướng đầu).

 

[Trong bản in, câu này được in thành] chữ Thủ (手) có thể là sai, trong phần chú giải đã nói rất rõ ràng: Thủ là đầu, tức chữ Thủ trong Đầu Thủ (頭首), chẳng phải là Thủ trong Thủ Túc (手足: chân tay). Vì nhìn vào hình dáng của đầu, chúng ta có thể nhận biết vị nào là Quán Âm, vị nào là Đại Thế Chí, có thể thấy rõ ràng.

 

Tri thị Quán Thế Âm, tri thị Đại Thế Chí.

知是觀世音。知是大勢至。

(Biết là Quán Thế Âm, biết là Đại Thế Chí).

 

Nhìn vào tay sẽ chẳng nhìn ra. Tay của Đại Thế Chí Bồ Tát và tay của Quán Âm Bồ Tát như nhau, nhưng đầu thì khác nhau.

 

Thử nhị Bồ Tát, trợ A Di Đà Phật, phổ hóa nhất thiết, thị vi tạp tưởng quán, danh đệ thập tam quán.

此二菩薩。助阿彌陀佛。普化一切 。是為雜想觀。名

第十三觀。

(Hai vị Bồ Tát này giúp A Di Đà Phật giáo hóa trọn khắp hết thảy. Đó là tạp tưởng quán, được gọi là pháp Quán thứ mười ba).

 

Phần chú giải đã giảng rất hay: “Quán Âm quan trung lập Phật, Thế Chí kế thượng bảo bình, dĩ thử vi biệt. Nhược thủ tác thủ, bất thị dịch nhân thất ý, hoặc thị sao lục chi ngộ” (Trong mão của đức Quán Âm có hóa Phật đứng, trên nhục kế của ngài Thế Chí có bình báu, dùng điều này để phân biệt. Nếu Thủ (首) [mà chép] là Thủ (手), chẳng phải là người dịch dịch sai, mà có lẽ là do sao lục bị lầm lẫn). Đối với kinh văn, chắc chắn chẳng thể nói là người phiên dịch dịch sai, chẳng thể nào, có thể là do người sao chép phạm sai lầm. Sau khi đã sao chép sai, người đời sau chẳng dám sửa, vẫn phải giữ nguyên trạng, chỉ có thể ghi rõ trong phần chú giải. Đây là tôn trọng kinh điển, chẳng thể tùy tiện sửa đổi, tuy phát hiện sai lầm, vẫn chẳng thể sửa! Chúng tôi giới thiệu phần Quán Tượng đến đây. Phép Quán thứ mười ba là Quán Tượng Niệm Phật. Dưới đây chúng ta lại xem phép Quán thứ mười bốn. Phép Quán thứ mười bốn là ba bậc vãng sanh. [Hãy xem] từ dòng thứ hai trong trang hai trăm mười bảy.

 

Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: – Thượng phẩm thượng sanh giả.

佛告阿難及韋提希。上品上生者。

(Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: – Thượng phẩm thượng sanh…).

                  

Trước hết nói đến cái nhân tu tập, điều này cũng rất trọng yếu, đoạn này quan trọng lắm!

 

Nhược hữu chúng sanh, nguyện sanh bỉ quốc giả, phát tam chủng tâm, tức tiện vãng sanh, hà đẳng vi tam? Nhất giả chí thành tâm, nhị giả thâm tâm, tam giả hồi hướng phát nguyện tâm. Cụ tam tâm giả, tất sanh bỉ quốc.

若有眾生。願生彼國者 。發三種心。即便往生。何等

為三。一者至誠心 。二者深心。三者迴向發願心 。具三心

者。必生彼國。

(Nếu có chúng sanh, nguyện sanh về cõi ấy, phát ba thứ tâm, liền được vãng sanh. Những gì là ba? Một là chí thành tâm, hai là thâm tâm, ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Đủ ba tâm, ắt sanh về cõi ấy).

Trong kinh này, đức Phật giảng về Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là ba tâm ấy. Ba tâm ấy là một tâm, [đã là] một tâm, cớ sao nói thành ba tâm? Chí thành tâm là Thể của tâm, hai thứ sau là chí thành tâm khởi tác dụng. Vì thế nói là có Thể và có Dụng. Nói thật ra, nhà Phật nói Bồ Đề tâm, Nho gia cũng phát Bồ Đề tâm. Nho gia nói “thành ý, chánh tâm”, thành ý là chí thành tâm như chúng ta đang nói ở đây, chánh tâm của Nho gia là do thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm hợp lại, bèn thành chánh tâm. Chánh tâm là tác dụng của thành ý. Như vậy là Nho gia cũng nói Thể và Dụng, chẳng hai, chẳng khác cách nói của Phật pháp. Trong phần trước, tôi đã từng thưa trình cùng quý vị, Phật pháp truyền đến Trung Quốc, tuy kinh luận Tiểu Thừa đã được phiên dịch hoàn toàn như thế, nhưng người Hoa chẳng dùng, mà dùng Nho gia và Đạo gia để thay thế. Tư tưởng và cảnh giới tu học của Nho gia tuyệt đối chẳng kém Tiểu Thừa, tư tưởng và tâm lượng của họ gần với Đại Thừa nhất. Vì thế, dùng Nho để nhập Phật, quả thật thuận tiện hơn so với dùng Tiểu Thừa để tiến nhập Đại Thừa. Tôi khuyến cáo các đồng tu, chẳng thể không đọc Tứ Thư. Gần đây, chúng tôi có in một bộ Tứ Thư Hán Anh đối chiếu, vừa mới biếu tặng một trăm bản. Chúng tôi in một ngàn bộ, hai trăm bộ đóng gáy bằng lò xo, chẳng phải là sách đóng bìa cứng, các trang sách có thể tháo rời được. Sách này chuẩn bị gởi sang ngoại quốc, chúng tôi muốn khuyên người ngoại quốc đọc Tứ Thư. Trang sách có thể tháo rời thì [nếu] nhiều người [cần đọc, không đủ sách], có thể tháo ra, đem photocopy dùng [làm tài liệu tham chiếu] trong khi giảng giải, sẽ thuận tiện, chẳng cần phá tung cuốn sách. Tám trăm bộ còn lại được đóng bìa cứng thành tập, còn hai trăm bản kia là trang sách rời.

Chúng ta khuyên người ngoại quốc đọc Tứ Thư, khuyên họ đọc sách Khổng Tử. Trong tương lai, người ngoại quốc đều đọc, còn người Hoa chẳng đọc. Người ngoại quốc đến làm thầy người Hoa, người Hoa phải học với họ, rất hổ thẹn! Chuyện này tôi đã từng làm thử đôi chút tại ngoại quốc. Người ngoại quốc vui thích, vừa nghe nói, nghe điều chưa từng nghe, hết sức hoan hỷ, thích thú tiếp nhận. Có thể thấy là không có ai dạy họ, chẳng có ai cung cấp tài liệu cho họ. Vì thế, nay chúng ta cung cấp tài liệu, nghĩ phương cách giúp đỡ họ. Đó là phát Bồ Đề tâm.

Nói đơn giản, chí thành tâm là chân thành, chân thành là chân tâm. Chân thành có tiêu chuẩn hay không? Trong Bút Ký Đọc Sách, tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa, chú giải chữ Thành: “Một niệm chẳng sanh thì gọi là Thành”. Chú giải rất chánh xác, tương ứng với Phật pháp. Trong tâm chẳng có một vọng niệm thì mới gọi là thành tâm, hễ có vọng niệm tức là chẳng chân thành! Các vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn; trong phần chú giải của Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói về chuyện vẽ bùa, niệm chú cũng giống như thế. Vẽ bùa thì vì sao bùa sẽ linh? Phải dùng thành tâm để vẽ. Vẽ đạo bùa ấy mà trong tâm khởi một vọng niệm, đạo bùa ấy chẳng linh. Do đó, người vẽ bùa, lúc bình thường phải luyện tập, luyện rất nhuần nhuyễn. Khi đã rất thuần thục, sau khi một nét bút chấm xuống liền vẽ một mạch hoàn thành, trong tâm chẳng khởi một vọng tưởng, đạo bùa đó sẽ linh. Niệm chú cũng giống như vậy, nên chú càng dài càng khó niệm. Quý vị nói chú Lăng Nghiêm dài như vậy, [trong khi niệm] từ đầu đến cuối dấy lên bao nhiêu vọng niệm? Chú Lăng Nghiêm [niệm kiểu ấy] có còn linh hay chăng? Chẳng linh! Chú Đại Bi rất dài, quý vị niệm một biến, trong khi đó có vọng tưởng nào hay không? Hễ có một vọng tưởng, chú ấy chẳng linh. Thành bèn linh, chẳng dễ dàng! Một câu A Di Đà Phật dễ niệm hơn, trong câu “A Di Đà Phật” ấy chẳng có vọng tưởng, sẽ linh. Do đó, cổ nhân nói: “Niệm kinh chẳng bằng niệm chú”. Vì sao? Kinh quá dài, trong một bộ kinh dài như vậy, chẳng có một vọng niệm xen vào, khó lắm, quá khó! Chẳng bằng niệm chú, chú ngắn hơn. Niệm chú chẳng bằng niệm Phật, Phật hiệu càng ngắn hơn, ngắn hơn chú ngữ rất nhiều, đạo lý ở ngay chỗ này. Do đó, hễ động một vọng niệm sẽ không linh. Đó là chân thành.

Thâm tâm là Tự Thụ Dụng, thâm tâm là thanh tịnh tâm, bình đẳng tâm, thuộc về Tự Thụ Dụng. Ham thiện, chuộng đức, thiện đức đến tột cùng là thanh tịnh, bình đẳng. Hồi hướng phát nguyện tâm là tâm đại từ bi, lợi ích chúng sanh. Do đó, tâm thứ ba là chân thành, là Tha Thụ Dụng, Tha Thụ Dụng là đại từ đại bi. Bản thân chúng ta hễ có mảy may điều thiện nào, chính chúng ta chẳng mong hưởng thụ, hy vọng nhường quả báo của điều thiện ấy cho hết thảy chúng sanh hưởng thụ. Hồi hướng phát nguyện, phát nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh, trong Khởi Tín Luận gọi tâm này là đại bi tâm. Ba tâm trong Khởi Tín Luận là trực tâm, thâm tâm, và đại bi tâm. Trực tâm là chí thành tâm, thâm tâm [thì Quán Kinh và Khởi Tín Luận nói] giống nhau, đại bi tâm chính là hồi hướng phát nguyện tâm được nói ở đây. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể không phát tâm. Không phát Bồ Đề tâm, chắc chắn không thể vãng sanh.

 

Phục hữu tam chủng chúng sanh, đương đắc vãng sanh, hà đẳng vi tam? Nhất giả, từ tâm bất sát, cụ chư giới hạnh. Nhị giả, độc tụng Đại Thừa, Phương Đẳng kinh điển. Tam giả, tu hành lục niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc. Cụ thử công đức, nhất nhật nãi chí thất nhật, tức đắc vãng sanh.

復有三種眾生 。當得往生。何等為三。一者慈心不殺

。具諸戒行 。二者讀誦大乘方等經典 。三者修行六念。迴

向發願。願生彼國。具此功德。一日乃至七日。即得往生。

(Lại có ba loại chúng sanh sẽ được vãng sanh. Những gì là ba? Một là từ tâm chẳng giết, đủ các giới hạnh. Hai là đọc tụng kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa. Ba là tu hành lục niệm[1], hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy. Trọn đủ công đức ấy, từ một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sanh).

 

Nói thật ra, loại thứ hai là Tam Phước được nói trong phần trước, là chánh nhân tịnh nghiệp. Có thể thấy đoạn kinh văn này trong Quán Kinh vô cùng trọng yếu, nhất định phải nhớ kỹ. Tam Phước và Bồ Đề tâm được nói ở đây, Bồ Đề tâm thật sự chẳng dễ dàng. Trong Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư lão nhân gia đã bảo: Người thật sự phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, nguyện tâm ấy chính là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Cổ nhân chưa ai nói điều ấy, xét theo các sách vở xưa, chúng ta thấy quả thật Ngẫu Ích đại sư là người đầu tiên nói điều ấy. Hãy suy nghĩ xem Ngài nói lời ấy có đúng hay không? Thật đúng! Quý vị đối chiếu với văn tự trong đoạn kinh này, chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm, [sẽ thấy] chẳng sai tí nào! Thật sự muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ba tâm ấy liền trọn đủ. Đã phát [Bồ Đề tâm] mà chính mình chẳng biết, không biết là đã phát trọn vẹn ba tâm ấy. Do đó, lão nhân gia nói câu này hay lắm. Bản thân chúng ta phải chân tâm cầu sanh, chẳng phải là giả tâm, giả ý, mà là chân tâm cầu sanh, một niệm tâm ấy bèn trọn đủ viên mãn đại Bồ Đề tâm. Kinh này cũng nói từ một ngày cho đến bảy ngày, có cùng một cách nói với kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Do vậy có thể biết, pháp môn này là Đốn Giáo, là đốn siêu.

Chúng ta xem  phần  kinh  văn  kế  tiếp  trong  trang  hai  trăm  hai

mươi.

 

Sanh bỉ quốc thời, thử nhân tinh tấn, dũng mãnh cố, A Di Đà Như Lai, dữ Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô số hóa Phật, bách thiên tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, thất bảo cung điện. Quán Thế Âm Bồ Tát chấp kim cang đài, dữ Đại Thế Chí Bồ Tát, chí hành giả tiền. A Di Đà Phật phóng đại quang minh, chiếu hành giả thân, dữ chư Bồ Tát, thọ thủ nghênh tiếp. Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, dữ vô số Bồ Tát tán thán hành giả, khuyến tấn kỳ tâm.

生彼國時 。此人精進勇猛故。阿彌陀如來。與觀世音

大勢至。無數化佛 。百千比丘聲聞大眾 。無量諸天。七寶

宮殿。觀世音菩薩 。執金剛臺。與大勢至菩薩 。至行者前

。阿彌陀佛放大光明 。照行者身。與諸菩薩 。授手迎接。

觀世音大勢至。與無數菩薩。讚歎行者。勸進其心。

(Khi sanh về cõi ấy, do người đó tinh tấn, dũng mãnh, A Di Đà Như Lai, và Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô số hóa Phật, trăm ngàn tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, cung điện bảy báu. Quán Thế Âm Bồ Tát cầm đài kim cang, cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát tới trước hành giả. A Di Đà Phật phóng đại quang minh chiếu thân hành giả, và các Bồ Tát xòe tay tiếp đón. Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, và vô số Bồ Tát tán thán hành giả, khuyến tấn tâm người ấy).

 

Nói rõ trạng huống vãng sanh của người tu hành. Vì thế, chỉ cần nhất tâm nhất ý niệm, chớ nên phân biệt, đừng nên chấp trước, cũng chẳng nghĩ đến phẩm vị cao hay thấp. Vì sao? Tưởng những điều ấy đều là vọng tưởng. Thậm chí nhất tâm bất loạn cũng đừng nghĩ tới, chỉ có một câu Phật hiệu cứ niệm miết, đó gọi là “thật thà niệm Phật”. Quý vị chân tâm chân ý cầu sanh Tịnh Độ, thứ gì cũng đều viên mãn trọn đủ. Khi vãng sanh, cảnh giới rất thù thắng, A Di Đà Phật, Quán Âm Thế Chí, và vô số Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên đều đến đón tiếp quý vị. Thế giới Tây Phương ở chỗ nào, không cần biết! Các Ngài đến đón tiếp, ta cũng chẳng cần phải tìm đường, mà cũng chẳng phải tìm phương hướng, tự tại lắm! Vì thế, kinh nói Tây Phương thì Tây Phương rốt cuộc ở nơi đâu? Chớ nên sanh ý niệm ấy, đến lúc đó, Phật sẽ đến tiếp dẫn ta, chẳng thể sai sót được! Nay tôi đi khắp nơi ở ngoại quốc, chẳng biết phương hướng, mà cũng chẳng biết đường. Vì sao? Đến nơi nào cũng đều có người đến đón tiếp, tôi cần gì phải nhớ đường? Cần gì phải nhớ phương hướng? Chẳng cần! Đến chỗ nào cũng đều có người đón tiếp, nên căn bản là chẳng cần. Họ chuẩn bị cẩn thận mọi thứ cho tôi, đối với vé máy bay, người ta nói: “Pháp sư! Vé máy bay bao nhiêu tiền?” Không biết, không hiểu! Vì trước nay tôi chưa bao giờ hỏi tới, trước nay chưa hề nhìn vào vé máy bay.

Người niệm Phật vãng sanh rất tốt, Phật, Bồ Tát đều an bài tốt đẹp thay cho quý vị, thứ gì cũng chẳng cần phải bận lòng, chỉ cần thật thà niệm được rồi! Thật thà niệm là quan trọng! Bản thân chúng ta chỉ cần làm được “thật thà niệm” là tốt rồi, những chuyện khác Phật, Bồ Tát đều xếp đặt ổn thỏa, chẳng phải bận tâm tí nào, quý vị thấy có thù thắng lắm không? Quý vị làm chuyện tốt đẹp nào, tu pháp môn nào đi nữa, đều chẳng đạt được [sự thù thắng này]! Tu Thiền, tu Mật, tu thành tựu, thì A Di Đà Phật có đến đón tiếp quý vị hay không? Có chư Phật, Bồ Tát đông ngần ấy đến đón hay chăng? Chẳng có! Do vậy có thể biết, pháp môn này xác thực là thù thắng khôn sánh. Hãy xem kinh văn trong trang hai trăm hai mươi mốt.

 

Hành giả kiến dĩ.

行者見已。

(Hành giả thấy rồi).

 

Người tu hành thấy cảnh giới ấy, Phật, Bồ Tát đến đón tiếp.

 

Hoan hỷ dũng dược, tự kiến kỳ thân, thừa kim cang đài, tùy tùng Phật hậu, như đàn chỉ khoảnh, vãng sanh bỉ quốc.

歡喜踊躍。自見其身 。乘金剛臺。隨從佛後。如彈指

頃。往生彼國。

(Hoan hỷ, hớn hở, tự thấy thân mình ngồi trên đài kim cang, theo sau đức Phật, như trong khoảng khảy ngón tay, vãng sanh cõi kia).

 

Qua phần kinh văn này, chư vị hãy xem kỹ, đừng đọc lướt qua, [sẽ thấy rõ] vãng sanh là vãng sanh trong khi còn sống, đây là pháp môn bất tử. Người tu hành thấy cảnh giới này, thấy trong khi còn sống sờ sờ, chẳng phải là khi đã chết. Lúc đã chết sẽ chẳng thấy nữa, khi sống thì thấy. Phước báo to lớn, khi còn sống bèn trông thấy, rất rõ ràng, bảo các đồng tu trợ niệm: “Tôi đã thấy đức Phật đến tiếp dẫn tôi, nay tôi theo Ngài ra đi”. Có thể nói với quý vị, nói rõ ra, đó là phước báo to lớn. Phước báo kém hơn một chút, cũng trông thấy, muốn kể với quý vị, miệng mấp máy, nhưng chẳng thốt ra tiếng, vẫn hiểu rành mạch, rõ ràng, trông thấy, vãng sanh. Chúng ta thấy người lâm chung miệng mấp máy, có khi chúng ta cảm thấy họ đang niệm Phật theo [đại chúng], nhưng thật ra người ấy trông thấy cảnh giới này, muốn nói với chúng ta, nhưng chẳng thốt nên lời, chẳng có âm thanh, bèn vãng sanh. Chúng ta không biết, ngỡ người ấy mấp máy niệm Phật theo chúng ta. Thật ra, người ấy bảo chúng ta: Phật, Bồ Tát đến đón tiếp, người ấy trông thấy, rất hoan hỷ, theo Phật ra đi. Khi ấy, khí lực rất suy, miệng mấp máy động, nhưng chẳng có âm thanh. Điều này chỉ rõ: Vãng sanh là vãng sanh trong khi còn sống, chẳng phải là chết rồi mới vãng sanh. Do đó, pháp môn này là pháp môn bất tử, thành Phật trong một đời. Chúng ta vãng sanh chẳng phải là đã chết rồi mới vãng sanh, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật trong một đời. Tìm ở đâu ra pháp môn này? Tìm không thấy! Bỏ pháp môn này chẳng tu, đúng là ngu si, đúng là cuồng vọng. Thầy Lý nói [hạng người vứt bỏ không chịu tu pháp môn này là] “ngu si, cuồng vọng” chẳng sai! Lại xem đoạn kế tiếp.

 

Sanh bỉ quốc dĩ.

生彼國已。

(Đã sanh về cõi ấy).

 

Đây là nói [tình hình sau khi đã] tới Tây Phương Cực Lạc thế giới.

 

Kiến Phật sắc thân, chúng tướng cụ túc. Kiến chư Bồ Tát, sắc tướng cụ túc, quang minh, bảo lâm, diễn thuyết diệu pháp.

見佛色身。眾相具足 。見諸菩薩。色相具足。光明寶

林。演說妙法。

(Thấy sắc thân của Phật các tướng trọn đủ. Thấy các Bồ Tát, sắc tướng trọn đủ. Quang minh, rừng báu, diễn nói diệu pháp).

 

Hoàn toàn giống như cảnh giới do đức Phật đã giảng trong kinh. Trước kia là nghe đức Phật nói, nay là đích thân trông thấy, tự mình trông thấy. Tình và vô tình đều thuyết pháp, sau khi nghe Phật pháp, bèn khai ngộ.

 

Văn dĩ tức ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn.

聞已即悟無生法忍。

(Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn).

 

Vừa nghe liền khai ngộ, liền chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn.

 

Kinh tu du gian.

經須臾間。

(Trong khoảnh khắc).

 

“Tu du” (須臾) là thời gian cực ngắn.

 

Lịch sự chư Phật biến thập phương giới.

歷事諸佛遍十方界。

(Trải qua phụng sự chư Phật trọn khắp các cõi trong mười phương).

 

Thần thông và đạo lực của người ấy ngay lập tức hiện tiền, có thể đến các cõi Phật trong mười phương để lễ Phật, đến nghe đức Phật thuyết pháp. Cũng có lẽ chúng ta thấy chỗ này bèn hoài nghi: Cớ sao vừa mới gặp gỡ A Di Đà Phật, liền ngay lập tức ra đi? Chư vị phải biết: Đến khi đó, năng lực của người ấy chẳng thể nghĩ bàn, thân người ấy đang ở chỗ A Di Đà Phật lễ bái, mà phân thân của người ấy đã trọn khắp các cõi Phật trong mười phương. Trước mỗi vị Phật, mỗi vị Bồ Tát, người ấy đều hiện diện, có năng lực to như vậy. Không như thế gian này, dẫu tu giỏi giang cách mấy, chẳng có cách nào phân thân! Người ấy có năng lực phân thân, có rời khỏi thế giới Cực Lạc hay không? Chẳng có! Chẳng rời khỏi thế giới Cực Lạc, nhưng hóa thân đã trọn khắp mười phương. Thành tựu nhanh chóng ngần ấy, nên thường là những kẻ học Giáo chẳng tin tưởng. Pháp khó tin! Há có lẽ nào mau chóng dường ấy? Ở nơi đây mới vừa vãng sanh, bên kia đã hóa thân trọn khắp hết thảy các cõi Phật, quá nhanh! Thật ra, chuyện này là thật, quyết định chẳng giả.

 

Ư chư Phật tiền, thứ đệ thọ ký, hoàn chí bổn quốc, đắc vô lượng bách thiên Đà La Ni môn.

於諸佛前。次第授記。還至本國得無量百千陀羅尼門。

(Ở trước chư Phật, lần lượt được thọ ký. Trở về cõi mình, đắc vô lượng trăm ngàn môn Đà La Ni).

Đúng là trong một thời gian rất ngắn có thành tựu chẳng thể nghĩ bàn như vậy, đúng là chúng ta phải nên giác ngộ, phải nên tu học. Đoạn cuối cùng là:

 

Thị danh thượng phẩm thượng sanh giả.

是名上品上生者。

(Gọi là thượng phẩm thượng sanh).

 

Đoạn văn này ở trong trang hai trăm hai mươi hai. Chúng ta xem tiếp:

 

Thượng phẩm trung sanh giả.

上品中生者。

(Thượng phẩm trung sanh…).

 

Tu cái nhân hơi kém hơn hạng người trước một chút.

 

Bất tất thụ trì, độc tụng Phương Đẳng kinh điển, thiện giải nghĩa thú. Ư Đệ Nhất Nghĩa, tâm bất kinh động, thâm tín nhân quả, bất báng Đại Thừa. Dĩ thử công đức hồi hướng, nguyện cầu sanh Cực Lạc quốc.

不必受持讀誦方等經典。善解義趣。於第一義心不驚

動。深信因果。不謗大乘。以此功德迴向。願求生極樂國。

(Chẳng bắt buộc phải thọ trì, không cần[2] thọ trì đọc tụng kinh điển Phương Đẳng, khéo hiểu nghĩa thú. Đối với Đệ Nhất Nghĩa, tâm chẳng kinh động, tin sâu nhân quả, chẳng báng Đại Thừa. Dùng công đức này hồi hướng, nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc).

 

Phần trước là nói người thượng phẩm thượng sanh có đọc tụng Đại Thừa, chỗ này không bắt buộc đọc tụng Đại Thừa, nhưng “tin sâu nhân quả”. Nhân quả là gì? Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, người ấy hoàn toàn chẳng hoài nghi điều này. Một câu Phật hiệu niệm đến tận cùng, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới có thể đạt đến thượng phẩm trung sanh, địa vị này hết sức cao. Lấy đoạn kinh văn này để xem, người đồ đệ niệm A Di Đà Phật của pháp sư Đế Nhàn xưa kia, điều gì cũng chẳng hiểu, niệm một câu danh hiệu suốt ba năm. Lão pháp sư dạy ông ta: “Niệm mệt liền nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe khoắn rồi lại niệm”. Ông ta niệm ba năm bèn đứng vãng sanh, biết trước lúc mất. Nếu chúng ta dùng kinh này để phán đoán, người này rất có thể là thượng phẩm trung sanh, có địa vị vãng sanh cao ngần ấy, do gặp duyên thù thắng, duyên gì vậy? Lão pháp sư dạy ông ta niệm Phật là duyên, ông ta thật sự có thể hoàn toàn tiếp nhận, tin sâu, chẳng ngờ, nên mới có quả báo thù thắng ngần ấy. Ông ta vâng theo lời thầy răn dạy một trăm phần trăm, chẳng khấu trừ tí nào, trong ba năm thành tựu chẳng thể nghĩ bàn. Duyên thù thắng là do nhìn từ chỗ này!

Do vậy có thể biết, các đồng tu chúng ta gặp duyên chẳng thể nói là không thù thắng, [mà là] thù thắng bậc nhất. Đọc tụng Đại Thừa, đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ đã tốt đẹp rồi, có thể đọc tụng năm kinh một luận càng hay hơn. Nếu ngại năm kinh một luận quá nhiều, quá rườm rà, thì một bộ kinh là được rồi, y giáo phụng hành, lý luận và giáo huấn trong kinh thảy đều làm được, sẽ chẳng khác gì A Di Đà Phật, đương nhiên là thượng phẩm thượng sanh. Như vậy là đáng tin cậy, chẳng cần phải đọc trọn hết, một bộ kinh là được rồi. Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông. Do đó, tôi giới thiệu lần nữa: Kinh Vô Lượng Thọ là kinh Hoa Nghiêm cô đọng. Kinh Hoa Nghiêm là toàn thể Tam Tạng mười hai bộ rút gọn. Do vậy có thể biết, đọc bộ kinh này là đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh, một chính là hết thảy, hết thảy chính là một. Quý vị phải hiểu: Công đức này thật sự chẳng thể nghĩ bàn, lời này do cổ đại đức, các vị tổ sư đại đức từ xưa đã nói ra, chúng ta chẳng thể không tin tưởng. Chúng ta có thể nói: Các pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt một đời Ngài, đều chẳng ra khỏi bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật. Quý vị thấy những điều được giảng trong một bộ kinh Vô Lượng Thọ hoàn toàn nhằm giải thích bốn mươi tám nguyện, chẳng có câu nào mâu thuẫn với nguyện văn trong bốn mươi tám nguyện. Một bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh trên thực tế là để giải thích, giảng giải tỉ mỉ, cặn kẽ kinh Vô Lượng Thọ. Một bộ Đại Tạng Kinh, toàn bộ Đại Tạng Kinh là kinh Hoa Nghiêm được nói cặn kẽ. Đến cuối cùng quy nạp lại, thật vậy, quy nạp thành một bộ kinh Vô Lượng Thọ. Kinh dạy chúng ta đọc tụng Đại Thừa, chúng ta hiểu sự thật ấy, niệm bộ kinh Vô Lượng Thọ chẳng có tí hoài nghi nào, nguyên lai, [do cả bộ Đại Tạng Kinh quy nạp thành kinh Vô Lượng Thọ nên niệm kinh Vô Lượng Thọ thì có nghĩa là] tất cả hết thảy các kinh Đại Thừa ta đều đọc cả rồi.

Người ấy tuy chẳng đọc kinh, nhưng chẳng hủy báng Đại Thừa, chỉ thật thà niệm Phật. Một câu Phật hiệu thành tựu công đức vô lượng, thượng phẩm trung sanh. Chúng ta gặp duyên thù thắng như vậy, trong một đời này chẳng thể thành tựu thượng phẩm thượng sanh hoặc thượng phẩm trung sanh, rất oan uổng! Chúng ta lại xem đoạn kinh văn kế tiếp từ hàng thứ nhất trong trang hai trăm hai mươi bốn.

 

Hành thử hạnh giả.

行此行者。

(Người hành theo hạnh này).

 

Người nương theo pháp môn này tu hành.

 

Mạng dục chung thời, A Di Đà Phật, dữ Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô lượng đại chúng quyến thuộc vi nhiễu, trì tử kim đài, chí hành giả tiền, tán ngôn: “Pháp tử! Nhữ hành Đại Thừa, giải Đệ Nhất Nghĩa. Thị cố, ngã kim lai nghênh tiếp nhữ”, dữ thiên hóa Phật, nhất thời thọ thủ.

命欲終時。阿彌陀佛 。與觀世音大勢至。無量大眾眷

屬圍繞。持紫金臺 。至行者前。讚言法子 。汝行大乘。解

第一義。是故我今來迎接汝。與千化佛。一時授手。

 (Lúc sắp mạng chung, A Di Đà Phật và Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô lượng đại chúng quyến thuộc vây quanh, cầm đài vàng tía, đến trước hành giả, khen rằng: “Pháp tử! Ngươi hành Đại Thừa, hiểu Đệ Nhất Nghĩa. Do vậy, ta nay đến đón ngươi”. Và một ngàn vị hóa Phật, đồng thời xòe tay [tiếp dẫn]).

 

Tây Phương Tam Thánh và chư Phật, Bồ Tát, “ngàn vị hóa Phật”, [nói chung là] chư Phật, Bồ Tát thảy đều đến đón tiếp[3]. Lại xem phần kinh văn tiếp theo.

Hành giả tự kiến tọa tử kim đài, hợp chưởng xoa thủ, tán thán chư Phật, như nhất niệm khoảnh, tức sanh bỉ quốc thất bảo trì trung. Thử tử kim đài, như đại bảo hoa, kinh túc tắc khai.

行者自見坐紫金臺 。合掌叉手。讚歎諸佛。如一念頃

。即生彼國七寶池中。此紫金臺。如大寶華。經宿則開。

(Hành giả tự thấy ngồi trên đài vàng tía, chắp tay tán thán chư Phật, như trong khoảng một niệm, liền sanh trong ao bảy báu nơi cõi ấy. Đài vàng tía ấy như hoa sen báu lớn, qua một đêm liền nở).

 

“Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”, thời gian [ngộ Vô Sanh] của người ấy lâu hơn thượng phẩm một chút. Thượng phẩm tới đó hoa lập tức nở ngay, ở đây là cách một ngày, ngày hôm sau, hoa nở thấy Phật. Hoa nở thấy Phật là hàng Bồ Tát từ Thất Địa trở lên. Khi chưa nở là sắp thành Thất Địa Bồ Tát, vừa nở bèn thật sự là hàng Thất Địa Bồ Tát trở lên, có thể thấy thành tựu thật sự quá nhanh. Phần kinh văn tiếp theo là nói đến lợi ích của người ấy.

 

Hành giả thân tác tử ma kim sắc, túc hạ diệc hữu thất bảo liên hoa. Phật cập Bồ Tát, câu thời phóng quang, chiếu hành giả thân, mục tức khai minh.

者身作紫磨金色 。足下亦有七寶蓮華。佛及菩薩。

俱時放光。照行者身。目即開明。

(Hành giả thân có màu như vàng tía được giồi mài, dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Phật và Bồ Tát đồng thời tỏa ánh sáng, chiếu vào thân hành giả, mắt liền mở sáng).

 

“Mục” ở đây là tâm mục.

 

Nhân tiền túc tập.

因前宿習。

(Do sự tu tập từ đời trước).

         

Do sự học tập trong đời quá khứ.

Phổ văn chúng thanh, thuần thuyết thậm thâm Đệ Nhất Nghĩa Đế, tức hạ kim đài, lễ Phật hợp chưởng, tán thán Thế Tôn, kinh ư thất nhật, ứng thời tức ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, đắc bất thoái chuyển.

普聞眾聲 。純說甚深第一義諦。即下金臺。禮佛合掌

。讚歎世尊 。經於七日 。應時即於阿耨多羅三藐三菩提。

得不退轉。

(Nghe khắp các âm thanh thuần nói Đệ Nhất Nghĩa Đế rất sâu, liền bước xuống đài vàng, lễ Phật, chắp tay, tán thán Thế Tôn. Qua bảy ngày, ngay khi đó, đắc bất thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề).

 

Bảy ngày chứng trọn vẹn ba món Bất Thoái[4].

 

Ứng thời tức năng phi hành, biến chí thập phương, lịch sự chư Phật.

應時即能飛行。遍至十方。歷事諸佛。

(Ngay khi đó, liền có thể phi hành, đến khắp mười phương, phụng sự chư Phật).

 

Chẳng khác gì thượng phẩm thượng sanh. Thượng phẩm thượng sanh là trong một đời đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, lập tức có năng lực này. Người thượng phẩm trung sanh phải sau bảy ngày. Sau bảy ngày thì đạo lực, thần thông, trí huệ  mới  hoàn  toàn  giống  như  thượng

phẩm.

 

Ư chư Phật sở, tu chư tam-muội, kinh nhất tiểu kiếp, đắc Vô Sanh Nhẫn, hiện tiền thọ ký.

於諸佛所 。修諸三昧。經一小劫。得無生忍。現前受

記。

(Ở chỗ chư Phật, tu các tam-muội, qua một tiểu kiếp, đắc Vô Sanh Nhẫn, được thọ ký trong hiện tiền).

 

Vô Sanh Nhẫn ở đây là chân thật Vô Sanh Pháp Nhẫn, là Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa, thuộc loại Viên Giáo. Ở đây, chúng ta thấy thượng phẩm thượng sanh là chứng đắc ngay lập tức, thượng phẩm trung sanh là sau một tiểu kiếp mới thật sự chứng đắc. Nguyên nhân chỗ nào? Từ kinh văn, chúng ta phải nên thấy rõ ràng, xác đáng, một đằng là đọc tụng Đại Thừa, một đằng chẳng đọc tụng Đại Thừa, nguyên nhân ở chỗ này. Đọc tụng Đại Thừa đã tu tập sâu dầy trong đời quá khứ, vừa nghe Phật pháp bèn khai ngộ. Trong quá khứ chẳng hề đọc tụng Đại Thừa thì phải trải qua một thời gian khá dài nghe kinh mới khai ngộ. Hy vọng các đồng tu phải nhớ kỹ [điều này]. Chúng ta xem Lục Tổ Đàn Kinh, thiền sư Pháp Đạt niệm kinh Pháp Hoa ba ngàn lượt, Lục Tổ đại sư vừa giảng, Sư liền khai ngộ. Chúng ta chưa đọc kinh Pháp Hoa ba ngàn lượt, nói cách nào cũng chẳng thể khai ngộ, mới biết công đức đọc tụng có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.

Người hiện thời sợ niệm kinh; nhất là tôi lại còn bảo họ phải đọc thuộc lòng, càng sợ hãi hơn, kinh hoảng chẳng dám niệm, còn làm sao được nữa? Từ đoạn kinh văn này, chư vị biết đọc tụng và không đọc tụng sai biệt to lớn cỡ nào? Quay lại xem thế gian này, hãy xem cổ nhân, vừa nghe mấy câu kinh liền khai ngộ, căn bản đều là do đọc tụng. Nay chúng ta nghe kinh, nghe khai thị không thể khai ngộ là vì chẳng có đọc tụng. Đọc đến đoạn này, hãy nên hiểu rõ, tôi khuyên quý vị đọc tụng là đúng!

 

Thị danh thượng phẩm trung sanh giả.

是名上品中生者。

(Gọi là thượng phẩm trung sanh).

 

Được rồi, chúng ta học tới chỗ này!

 

[1] Lục niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Sớ Sao giảng: “Ba món đầu là niệm Tha, ba món sau là niệm Tự. Giới và Thí là cái nhân thuộc về Tự, sanh Thiên là quả thuộc về Tự. Giới là điều lành do ngưng dứt [những ác hạnh], Thí là hành thiện (điều lành do thực hiện những thiện nghiệp). Thiên có viễn quả và cận quả. Viễn là Đệ Nhất Nghĩa Thiên (Phật quả), [cận quả là các tầng trời trong tam giới])”.

[2] Sớ Sao giảng: “Nói ‘không cần’ là người nghĩa trì (trì theo nghĩa), không thích đọc tụng. Chỉ lấy một câu hay một bài kệ trong kinh để nghiên cứu sâu xa chỉ thú. Đối với lý chẳng thể diễn nói, suy lường, tâm chẳng kinh hãi, dao động. Tâm lại an trụ nơi Trung Đạo, chẳng bị kinh động bởi Nhị Biên, thấu hiểu, thông đạt nhân quả, nên gọi là tin sâu”.

[3] Sách Sớ Sao giảng: “Duyên trong phẩm vị này so với phẩm vị trước có chỗ khác biệt, kém xa phẩm trên. Phẩm trước thì Tam Thánh cùng vô lượng hóa Phật, tỳ-kheo, chư thiên, và cung điện cùng đến nghênh tiếp. Trong phẩm này, [chỉ có] một ngàn vị hóa Phật đến đón. Phẩm vị trước là đài kim cang, phẩm vị này là đài tử kim. Phẩm trước, Phật quang chiếu đến thân, phẩm này chỉ là ngôn ngữ tán thán. Xòe tay chính là tiếp dẫn vậy”.

[4] Sách Sớ Sao giảng: “Đệ Nhất Nghĩa rất sâu là Thật Tướng của các pháp. Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt, được gọi là tinh tấn sâu mầu, xưng tụng tột cùng là Đệ Nhất. Chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề chính là Đạo Chủng Bồ Đề, cũng thuộc về địa vị bất thoái nơi đạo chủng. Hiện tiền thọ ký là một trong bốn loại thọ ký… Lời Sao như sau: Nói là tinh tấn sâu mầu, là do nghe các âm thanh nói Đệ Nhất Nghĩa, có thể thành tựu Lý Thú Bất Tư Nghị Quán. Vì thế, tiến nhập nhanh chóng như gió. Bất Thoái có ba loại: Một là Vị Bất Thoái, phá Kiến Tư, vĩnh viễn chẳng đánh mất địa vị siêu phàm, thuộc về Tập Chủng Tánh. Hai là Hạnh Bất Thoái, vĩnh viễn chẳng đánh mất hạnh Bồ Tát, thuộc về Tánh Chủng Tánh và Đạo Chủng Tánh. Ba là Niệm Bất Thoái, vĩnh viễn chẳng đánh mất chánh niệm Trung Đạo, thuộc về Thánh Chủng Tánh. Người thượng phẩm trung sanh đã đắc Tánh Chủng Bồ Đề trong cõi này, đến cõi kia, sau một kiếp, mới đắc hai thứ Vô Sanh và Thánh Chủng Bất Thoái. Nay kinh nói là ‘bảy ngày’, hãy nên hiểu là đắc Đạo Chủng Bất Thoái”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *