#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 25
Xin mở kinh bổn, trang một trăm chín mươi tám, xem dòng thứ tư từ dưới đếm lên. Hãy xem kinh văn. Đây là phép Quán thứ mười trong mười sáu phép Quán, quán Quán Thế Âm Bồ Tát:
Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: – Kiến Vô Lượng Thọ Phật liễu liễu phân minh dĩ.
佛告阿難及韋提希。見無量壽佛了了分明已。
(Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: – Đã thấy Vô Lượng Thọ Phật rành rẽ, phân minh xong).
Tổng kết phép Quán trong phần trước; sau khi đã quán A Di Đà Phật thành tựu.
Thứ phục ưng quán Quán Thế Âm Bồ Tát. Thử Bồ Tát thân trưởng thập bát vạn ức na-do-tha do-tuần.
次復應觀觀世音菩薩 。此菩薩身長十八萬億那由他由
旬。
(Kế đó, lại nên quán Quán Thế Âm Bồ Tát. Vị Bồ Tát này thân cao mười tám vạn ức na-do-tha do-tuần).
Trong chú giải có giảng về “mười tám vạn ức”[1].
Thân tử kim sắc, đảnh hữu nhục kế, hạng hữu viên quang, diện các bách thiên do-tuần. Kỳ viên quang trung, hữu ngũ bách hóa Phật, như Thích Ca Mâu Ni, nhất nhất hóa Phật, hữu ngũ bách hóa Bồ Tát, vô lượng chư thiên, dĩ vi thị giả.
身紫金色。頂有肉髻。項有圓光 。面各百千由旬。其
圓光中。有五百化佛 。如釋迦牟尼。一一化佛 。有五百化
菩薩。無量諸天。以為侍者。
(Thân màu vàng tía, đỉnh đầu có nhục kế. Cổ có viên quang, mỗi phía chiếu xa đến trăm ngàn do-tuần. Trong viên quang ấy, có năm trăm hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Phật. Mỗi vị hóa Phật có năm trăm hóa Bồ Tát, vô lượng chư thiên để làm thị giả).
Bồ Tát và Phật cũng hết sức tương tự, trong quang minh cũng có hóa Phật và hóa Bồ Tát.
Cử thân quang trung, ngũ đạo chúng sanh nhất thiết sắc tướng, giai ư trung hiện.
舉身光中。五道眾生一切色相。皆於中現。
(Trong quang minh khắp thân Ngài, hết thảy sắc tướng của chúng sanh trong năm đường[2] đều hiện bóng trong ấy).
Không chỉ là trong quang minh hiện tướng chư Phật, Bồ Tát, mà cũng đồng thời hiện tướng lục đạo chúng sanh.
Đảnh thượng Tỳ Lăng Già ma-ni bảo dĩ vi thiên quan. Kỳ thiên quan trung, hữu nhất lập hóa Phật, cao nhị thập ngũ do-tuần.
頂上毘楞伽摩尼寶以為天冠 。其天冠中。有一立化佛
。高二十五由旬。
(Trên đỉnh đầu, báu Tỳ Lăng Già ma-ni dùng làm mão trời. Trong mão trời ấy, có một vị hóa Phật đứng, cao hai mươi lăm do-tuần).
Đây là nói mão của Bồ Tát, giữa mão có một tượng Phật. Tượng Phật ấy là tượng đứng, là tượng Phật đứng.
Quán Thế Âm Bồ Tát, diện như Diêm Phù Đàn kim sắc, mi gian hào tướng, bị thất bảo sắc, lưu xuất bát vạn tứ thiên chủng quang minh. Nhất nhất quang minh, hữu vô lượng vô số bách thiên hóa Phật. Nhất nhất hóa Phật, vô số hóa Bồ Tát dĩ vi thị giả, biến hiện tự tại, mãn thập phương thế giới.
觀世音菩薩 。面如閻浮檀金色。眉間毫相。備七寶色
。流出八萬四千種光明 。一一光明 。有無量無數百千化佛
。一一化佛 。無數化菩薩以為侍者 。變現自在。滿十方世
界。
(Sắc mặt Quán Thế Âm Bồ Tát như vàng Diêm Phù Đàn, tướng bạch hào giữa hai mày trọn đủ màu của bảy thứ báu, tỏa ra tám vạn bốn ngàn loại quang minh. Mỗi một quang minh có vô lượng vô số trăm ngàn hóa Phật. Mỗi vị hóa Phật có vô số hóa Bồ Tát làm thị giả, biến hiện tự tại, trọn khắp mười phương thế giới).
Trong ba mươi hai tướng của đức Phật có tướng bạch hào, Bồ Tát cũng có tướng bạch hào. Đã thế, tướng bạch hào cũng phóng quang hóa Phật, biến hiện tự tại. Trong đoạn trước đã nói: Hóa Phật nơi thân quang của Phật biến hiện tướng của lục đạo chúng sanh trong mười phương thế giới; ở đây nói đến một tướng trong vô lượng tướng hảo, tức là tướng bạch hào. Nói thật ra, hết thảy các tướng hảo đều phóng quang. Trong quang minh đều có hóa Phật, hóa Bồ Tát trọn khắp mười phương thế giới.
Tý như hồng liên hoa sắc, hữu bát thập ức vi diệu quang minh, dĩ vi anh lạc, kỳ anh lạc trung, phổ hiện nhất thiết chư trang nghiêm sự.
臂如紅蓮華色 。有八十億微妙光明。以為瓔珞。其瓔
珞中。普現一切諸莊嚴事。
(Cánh tay sắc như hoa sen đỏ, có tám mươi ức quang minh vi diệu để làm anh lạc. Trong anh lạc, hiện khắp hết thảy các sự trang nghiêm).
Những điều nói trên đây đều là chánh báo, đều thuộc về thân thể, hoặc là toàn thể, hoặc là bộ phận. Ở đây nói về y báo, y báo là vật ngoài thân. Anh lạc và y phục đều thuộc về y báo. Đây chính là nói về y báo và chánh báo trang nghiêm.
Thủ chưởng tác ngũ bách ức tạp liên hoa sắc, thủ thập chỉ đoan, nhất nhất chỉ đoan hữu bát vạn tứ thiên hoạch, do như ấn văn. Nhất nhất hoạch hữu bát vạn tứ thiên sắc. Nhất nhất sắc hữu bát vạn tứ thiên quang. Kỳ quang nhu nhuyễn, phổ chiếu nhất thiết. Dĩ thử bảo thủ, tiếp dẫn chúng sanh.
手掌作五百億雜蓮華色 。手十指端。一一指端有八萬
四千畫。猶如印文 。一一畫有八萬四千色 。一一色有八萬
四千光。其光柔軟。普照一切。以此寶手。接引眾生。
(Bàn tay có màu như năm trăm ức hoa sen các loại. Mười đầu ngón tay, mỗi đầu ngón tay có tám vạn bốn ngàn đường vân giống như nét khắc trên cái ấn. Mỗi đường vân có tám vạn bốn ngàn màu. Mỗi một màu có tám vạn bốn ngàn ánh sáng. Quang minh ấy mềm mại, chiếu khắp hết thảy. Dùng tay báu này để tiếp dẫn chúng sanh).
Nay chúng ta gọi những đường vân trong bàn tay là các vân tay. Vân tay của Ngài hết sức vi tế, đồng thời cũng phóng quang, quang minh cũng chiếu khắp hết thảy.
Cử túc thời, túc hạ hữu thiên bức luân tướng, tự nhiên hóa thành hữu ngũ bách ức quang minh đài. Hạ túc thời, hữu kim cang ma-ni hoa bố tán nhất thiết, mạc bất di mãn.
舉足時。足下有千輻輪相 。自然化成有五百億光明臺
。下足時。有金剛摩尼華布散一切。莫不彌滿。
(Khi giở chân, dưới bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm, tự nhiên hóa thành năm trăm ức đài quang minh. Lúc đặt chân xuống, có hoa kim cang ma-ni rải khắp hết thảy mọi nơi, không đâu chẳng trọn khắp).
Trong đoạn cuối này, cho biết dưới bàn chân [Bồ Tát] có “thiên bức luân tướng”, Luân (bánh xe) là viên mãn, ngàn căm cũng biểu thị sự viên mãn. Tướng hảo nơi ngón chân, từ trong luân tướng, “thiên bức luân tướng” là những đường chỉ trong gan bàn chân, cũng phóng quang giống hệt như vậy. Không chỉ tỏa ánh sáng, lại còn giở chân, hạ chân, tự nhiên biến hóa đài sen. “Kim cang ma-ni hoa” cũng là hoa sen báu. Do đó nói giở chân, hạ chân là tự nhiên biến hiện, chẳng phải là tác ý, chẳng phải cố ý biến như vậy, mà là tự nhiên biến hiện. Ngài biến hiện đương nhiên đều có lý, đều có lý tồn tại, Lý ấy thuộc về Tánh Đức: Chân Như bản tánh trọn đủ vô lượng vô biên đức năng. Sau khi chứng đắc tự tánh, các hiện tượng ấy hoàn toàn là tự nhiên. Do đó, cổ nhân nói: “Chẳng đọc Hoa Nghiêm, không biết sự phú quý trong nhà Phật”, cũng chẳng hiểu chỗ hay của việc thành Phật. Thụ dụng các thứ trang nghiêm trong pháp thế gian là do nhiều đời hoặc do đời này tu phước mà hiện; còn y báo và chánh báo trang nghiêm của chư Phật, Bồ Tát do Tánh Đức biến hiện. Tánh Đức là tự nhiên, vĩnh viễn chẳng có suy kiệt, chẳng giống như Tu Đức. Tu Đức sẽ có lúc hết, Tánh Đức chẳng có hạn lượng, vô cùng, vô tận. Do vậy có thể biết: Phước báo trong Tánh Đức thù thắng hơn Tu Đức quá nhiều. Cầu huệ, cầu phước đều phải cầu từ tự tánh; đó mới là chánh xác.
Chúng ta lại xem đoạn kinh văn kế tiếp, [trong Sớ Sao, khoa mục này được gọi là] “dữ Phật đồng dị” (giống và khác với Phật). Hãy xem trang hai trăm lẻ một, dòng thứ ba từ dưới đếm lên.
Kỳ dư thân tướng, chúng hảo cụ túc, như Phật vô dị.
其餘身相。眾好具足。如佛無異。
(Những thân tướng khác, các tùy hình hảo trọn đủ, giống như Phật, chẳng khác).
Những tướng hảo khác hoàn toàn giống như A Di Đà Phật.
Duy đảnh thượng nhục kế, cập Vô Kiến Đảnh tướng, bất cập Thế Tôn.
唯頂上肉髻。及無見頂相。不及世尊。
(Chỉ có tướng nhục kế và tướng Vô Kiến Đảnh[3] trên đỉnh đầu chẳng bằng đức Thế Tôn).
Bồ Tát thị hiện là bậc Đẳng Giác Bồ Tát, còn có một phần sanh tướng vô minh chưa phá. Tuy tướng hảo giống như Phật, nhưng chú tâm quan sát, [sẽ thấy] còn kém một chút, có ý nghĩa này!
Thị vi quán Quán Thế Âm Bồ Tát chân thật sắc thân tướng, danh đệ thập quán.
是為觀觀世音菩薩真實色身相。名第十觀。
(Đó là quán tướng sắc thân chân thật của Quán Thế Âm Bồ Tát, gọi là phép Quán thứ mười).
Xin xem phần kinh văn tiếp theo.
Phật cáo A Nan: – Nhược dục quán Quán Thế Âm Bồ Tát giả, đương tác thị quán.
佛告阿難。若欲觀觀世音菩薩者。當作是觀。
(Đức Phật bảo ngài A Nan: “Nếu muốn quán Quán Thế Âm Bồ Tát, hãy nên quán như thế”).
“Đương tác thị quán”: Cách quán hình tượng như đức Phật đã dạy trên đây.
Tác thị quán giả, bất ngộ chư họa.
作是觀者。不遇諸禍。
(Quán như thế, chẳng gặp các họa).
Xa lìa hết thảy các tai nạn bất ngờ. Thường tưởng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thường xưng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, cũng là nhớ Phật, niệm Phật. Thường có thể ức niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, sẽ không gặp hết thảy các tai nạn ngoài ý muốn.
Tịnh trừ nghiệp chướng, trừ vô số kiếp sanh tử chi tội.
淨除業障。除無數劫生死之罪。
(Trừ sạch nghiệp chướng, trừ tội trong vô số kiếp sanh tử).
Đây là nói tới công đức diệt tội do quán tưởng. Dưới đây là nói đến chuyện được phước.
Như thử Bồ Tát, đản văn kỳ danh, hoạch vô lượng phước, hà huống đế quán.
如此菩薩。但聞其名。獲無量福。何況諦觀。
(Bồ Tát như thế, chỉ nghe tên Ngài đã được vô lượng phước, huống hồ là quán kỹ lưỡng).
Chúng ta đọc kinh văn là được rồi.
Nhược hữu dục quán Quán Thế Âm Bồ Tát giả, tiên quán đảnh thượng nhục kế; thứ quán thiên quan. Kỳ dư chúng tướng, diệc thứ đệ quán chi, tất linh minh liễu, như quán chưởng trung. Tác thị quán giả, danh vi chánh quán. Nhược tha quán giả, danh vi tà quán.
若有欲觀觀世音菩薩者 。先觀頂上肉髻。次觀天冠。
其餘眾相 。亦次第觀之。悉令明了 。如觀掌中。作是觀者
。名為正觀。若他觀者。名為邪觀。
(Nếu có ai muốn quán Quán Thế Âm Bồ Tát thì trước hết hãy nên quán nhục kế trên đỉnh đầu, kế đó quán mão trời, và các tướng khác cũng theo thứ tự mà quán sao cho thảy đều rõ rệt như nhìn vào bàn tay. Quán như thế thì gọi là chánh quán. Nếu quán khác đi thì là tà quán).
Trong chú giải có một đoạn mà chúng ta cần xem cẩn thận, xem từ câu thứ hai nơi dòng thứ tư trong trang hai trăm lẻ ba: “Hành giả quán ư quan, kế, hào, diện, thân sắc, quang minh, nhất nhất tu dụng tâm tác, tâm thị, nhi vi năng quán” (Hành giả quán tưởng mão trời, nhục kế, bạch hào, vẻ mặt, thân sắc, quang minh [của Quán Thế Âm Bồ Tát], đối với mỗi thứ đều nên dùng “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” để quán tưởng). Hành giả là người nương theo lý luận và phương pháp này để tu hành, cách tu như thế nào? Quý vị quán mão đội đầu, nhục kế, tướng bạch hào, vẻ mặt, thân sắc, quang minh của Bồ Tát giống như trong kinh đã nói, mỗi thứ đều quán tưởng cặn kẽ. Quán tưởng thì phải khéo dụng tâm. Chẳng khéo dụng tâm sẽ dấy vọng tưởng, đó chẳng phải là quán tưởng. Quán tưởng và vọng tưởng sai khác nhỏ nhặt như vậy, đừng nên ngỡ vọng tưởng là quán tưởng, điều này rất trọng yếu. Nói thật ra, rất nhiều kẻ bình phàm ngỡ vọng tưởng là quán tưởng; vì thế, tội cũng chẳng thể diệt được, mà phước cũng chẳng thể hiện tiền, đó là do dụng tâm sai lầm. Như thế nào thì mới gọi là khéo dụng tâm? Câu tiếp theo [trong lời Sớ] rất trọng yếu, “tâm tác, tâm thị”. Trong phần kinh văn ở đoạn trước đã dạy: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, phải dụng tâm như vậy. Quán A Di Đà Phật phải dùng cái tâm ấy, mà quán Quán Thế Âm Bồ Tát cũng phải dùng cái tâm ấy. Tâm này làm Bồ Tát, tâm này là Bồ Tát. Nói thật ra, vì sao có thể diệt tội, trừ chướng, sanh phước? Điều khẩn yếu nhất là ứng dụng lý luận, phương pháp từ việc quán Phật hay quán Bồ Tát vào trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta quan sát hết thảy vạn sự, vạn pháp, lẽ đâu chẳng khai trí huệ? Trí huệ đã khai, lẽ đâu chẳng sanh phước? Phước huệ trọn đủ, há còn có tội nghiệp? Đương nhiên là tiêu tội nghiệp, lý ở chỗ này! Vì thế, phải biết dụng tâm thì mới là thật sự dụng tâm, tuyệt đối chẳng phải là dấy vọng tưởng. Dấy vọng tưởng là lầm lẫn quá ư to lớn!
Đoạn này đã giảng giải ý nghĩa rất rõ ràng; vì thế, đối với mỗi chuyện, đều phải dùng, ắt phải sử dụng, tức là trong mỗi phép Quán đều cần phải dùng “tâm làm, tâm là”. “Tâm là” chính là cái có thể hiện (năng hiện), duy tâm sở hiện, “tâm làm” là duy thức sở biến. Hết thảy các tướng cảnh giới đều do tự tâm hiện, do bổn thức biến. Ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm. Chư Phật, Bồ Tát thảy đều do tự tánh biến hiện, đó gọi là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Di Đà đã là tự tánh, há Quán Âm Bồ Tát lại có bao giờ chẳng phải là tự tánh? Biết chư Phật, Bồ Tát, Tịnh Độ do tự tánh biến hiện, có thứ gì nơi cảnh giới trước mắt chúng ta chẳng phải do tự tánh biến hiện? Quý vị quán sát như vậy, quán lâu ngày, tự nhiên minh tâm kiến tánh, tâm địa mới có thể thật sự đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, bất tri bất giác tự nhiên nhập cảnh giới Phật. Dùng nguyên tắc này để quán tưởng, “nhi vi năng quán, thuyết tại tượng tiền, dụng tại thử xứ” (dùng làm chủ thể để quán, [nguyên tắc đã được nói] trong phần quán tượng [A Di Đà Phật] trên đây được vận dụng vào chỗ này).
Những điều đã nói trong phần quán tượng ở phần trước là huấn luyện, tức là [những điều được nói] trong phần quán Vô Lượng Thọ Phật, [nguyên tắc] “tâm này là Phật, tâm này làm Phật” đã được nói trong đoạn kinh văn dạy về phép quán Vô Lượng Thọ Phật, tức là được nói trong phép Quán thứ chín, nhưng quý vị phải biết sử dụng; hiện thời, đang nói đến phép quán Bồ Tát, quý vị phải biết vận dụng nguyên tắc ấy để quán tượng [Bồ Tát], sau đó mở rộng ra. “Ký vân tác Phật thị Phật”, [có nghĩa là] nếu nói “làm Phật, là Phật”, “khởi bất năng tác Quán Âm thị Quán Âm da?” (há chẳng thể làm Quán Âm bèn là Quán Âm ư?), [nghĩa là] tâm này làm Quán Âm, tâm này là Quán Âm. “Thị kế, thị quan” (Là nhục kế, là mão), tâm này làm nhục kế, tâm này là nhục kế, chẳng có gì không phải là như thế. “Thị kế, thị quan, giai khả vi lệ, bất độc dĩ Phật lệ quán Bồ Tát, diệc tu lệ ư phổ tạp tam bối, khởi duy dĩ tiền lệ hậu, diệc hợp dĩ hậu lệ tiền, dĩ linh hành nhân, thỉ mạt kinh văn, câu khả tu quán cố” (Là nhục kế, là mão trời, đều có thể theo lệ ấy [để quán]. Không chỉ riêng quán Bồ Tát là noi theo lệ quán Phật, mà cũng nên theo lệ ấy để quán [trong các môn] Phổ Quán, Tạp Quán, Ba Bậc Vãng Sanh. Há có phải chỉ là áp dụng nguyên tắc trong phép Quán trước vào phép Quán sau, mà cũng phải nên áp dụng nguyên tắc trong phép Quán sau vào phép Quán trước, khiến cho hành nhân đối với kinh văn từ đầu đến cuối đều có thể quán [theo cùng một nguyên tắc]). [Ý nói]: Đối với mười sáu phép Quán, từ phép Quán thứ nhất là Nhật Quán cho đến phép quán cuối cùng là Trì Danh, đều phải vận dụng nguyên tắc này. Chúng ta hiểu đạo lý này, phải dùng tâm thái và nguyên tắc ấy để chấp trì danh hiệu, đích xác là chẳng giống kẻ bình phàm niệm câu A Di Đà Phật. Kẻ bình phàm niệm A Di Đà Phật miệng có, tâm không! Không có cái tâm gì? Chẳng phải là cái tâm vô tưởng niệm A Di Đà Phật. Vì tưởng niệm A Di Đà Phật là vọng tưởng, niệm A Di Đà Phật [luôn suy tưởng] “con rất yêu mến A Di Đà Phật, con rất mong được thấy A Di Đà Phật”. Đó là cái tâm cảm tình, là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Chân tâm là gì? Tâm này là Phật, tâm này làm Phật, đó là đúng, chẳng sai. Vì thế, đối với “miệng có, tâm không”, trước nay chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa “miệng có, tâm không”, từ chỗ này chúng ta mới hiểu rõ ràng.
Đây là chân tâm, cái “có thể hiện, có thể biến” đều là chân tâm. “Tâm này làm Phật” là chân tâm. Chẳng phải là chân tâm, sẽ chẳng hiển lộ cảnh giới, mà cũng chẳng thể sanh ra biến hóa. Có người nói: “Nhà Phật của các ông nói hết thảy các pháp chỉ do tâm biến, [vậy thì] tôi cầm vật này, ông hãy biến nó thành một món lễ vật cho tôi xem thử! Ông có biến được hay không? Biến chẳng được thì tức là nói gạt người mất rồi!” Người ấy chẳng hiểu cái có thể biến chính là chân tâm, nay cái tâm mà chúng ta đang nói lại chính là vọng tâm, vọng tâm chẳng thể biến, chân tâm có thể biến. Ở đây nói “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, “là” và “làm” đều nói về chân tâm. Người bình phàm hiểu lầm Phật pháp, chúng ta phải nên hiểu điều này. Sau khi đã hiểu, sẽ dần dần thong thả học tập, học sử dụng [những điều ấy] trong cuộc sống hằng ngày, dùng trong thấy, nghe, hay, biết, sẽ thụ dụng rất to lớn. Hiện tiền sẽ có thể đạt được tự tại giải thoát, xác thực là có thể giúp cho chúng ta đoạn phiền não, thành Phật đạo.
Phép Quán thứ mười một tiếp theo đây là quán Đại Thế Chí Bồ Tát.
Thứ quán Đại Thế Chí Bồ Tát. Thử Bồ Tát thân lượng đại tiểu, diệc như Quán Thế Âm, viên quang diện các bách nhị thập ngũ do-tuần, chiếu nhị bách ngũ thập do-tuần, cử thân quang minh, chiếu thập phương quốc, tác tử kim sắc. Hữu duyên chúng sanh, giai tất đắc
kiến, đản kiến thử Bồ Tát nhất mao không quang.
次觀大勢至菩薩 。此菩薩身量大小。亦如觀世音。圓
光面各百二十五由旬 。照二百五十由旬 。舉身光明。照十
方國。作紫金色 。有緣眾生。皆悉得見 。但見此菩薩一毛
空光。
(Kế đó, quán Đại Thế Chí Bồ Tát. Vị Bồ Tát này thân lượng lớn nhỏ cũng như Quán Thế Âm. Viên quang mỗi phía rộng một trăm hai mươi lăm do-tuần, chiếu xa hai trăm năm mươi do-tuần. Quang minh nơi toàn thân Ngài chiếu mười phương cõi nước, có màu vàng tía. Chúng sanh hữu duyên thảy đều được thấy, chỉ thấy một ánh sáng nơi lỗ chân lông của vị Bồ Tát này…).
Chữ Không (空) ở đây có nghĩa là từ lỗ chân lông tỏa ra ánh sáng.
Tức kiến thập phương vô lượng chư Phật tịnh diệu quang minh. Thị cố hiệu thử Bồ Tát danh Vô Biên Quang, dĩ trí huệ quang, phổ chiếu nhất thiết, linh ly tam đồ, đắc vô thượng lực. Thị cố hiệu thử Bồ Tát vi Đại Thế Chí.
即見十方無量諸佛淨妙光明 。是故號此菩薩名無邊光
。以智慧光。普照一切 。令離三塗。得無上力 。是故號此
菩薩為大勢至。
(Liền thấy quang minh trong sạch, mầu nhiệm của mười phương vô lượng chư Phật. Do đó, vị Bồ Tát này được gọi là Vô Biên Quang. Dùng trí huệ quang chiếu khắp hết thảy, khiến họ được lìa tam đồ, đắc vô thượng lực. Do vậy, vị Bồ Tát này có hiệu là Đại Thế Chí).
Trong đoạn kinh văn này, trước hết giới thiệu Đại Thế Chí Bồ Tát và Quán Thế Âm Bồ Tát có hình trạng, vóc dáng, diện mạo đều giống hệt nhau. Ở đây cũng giới thiệu nguyên do của danh hiệu Bồ Tát, vì sao Ngài được gọi là Đại Thế Chí? Ngài còn có một danh hiệu khác là Vô Biên Quang, ở đây, chúng ta đều thấy: Vì Ngài có thể khiến cho hết thảy chúng sanh hữu duyên xa lìa tam đồ, đắc vô thượng lực, nên gọi là Đại Thế Chí. Danh hiệu Đại Thế Chí được kiến lập từ chỗ này.
Chúng ta lại xem đoạn kinh văn tiếp theo trong trang hai trăm lẻ năm, [có khoa đề là] “dữ Quán Âm minh dị đồng” (nói rõ chỗ giống nhau và khác nhau so với ngài Quán Âm).
Thử Bồ Tát thiên quan, hữu ngũ bách bảo hoa, nhất nhất bảo hoa, hữu ngũ bách bảo đài. Nhất nhất đài trung, thập phương chư Phật tịnh diệu quốc độ quảng trường chi tướng, giai ư trung hiện, đảnh thượng nhục kế, như Bát Đầu Ma hoa.
此菩薩天冠 。有五百寶華。一一寶華。有五百寶臺。
一一臺中 。十方諸佛淨妙國土廣長之相 。皆於中現。頂上
肉髻。如缽頭摩華。
(Mão trời của vị Bồ Tát này có năm trăm hoa báu. Mỗi một hoa báu có năm trăm bảo đài. Trong mỗi đài, tướng các cõi nước tịnh diệu rộng lớn của mười phương chư Phật đều hiện trong ấy. Nhục kế trên đỉnh đầu Ngài như hoa sen đỏ).
“Bát Đầu Ma” (Padma) là hoa sen đỏ.
Ư nhục kế thượng hữu nhất bảo bình.
於肉髻上有一寶瓶。
(Trên nhục kế có một bình báu).
Đây là chỗ khác với Quán Âm Bồ Tát.
Thịnh chư quang minh.
盛諸光明。
(Chứa các quang minh).
Trong bình báu ấy đựng gì? Chứa quang minh.
Phổ hiện Phật sự. Dư chư thân tướng, như Quán Thế Âm đẳng vô hữu dị.
普現佛事。餘諸身相。如觀世音等無有異。
(Hiện khắp các Phật sự. Những thân tướng khác giống hệt như Quán Thế Âm, chẳng khác).
Chỗ chẳng giống Quán Âm Bồ Tát là mão khác nhau.
Thử Bồ Tát hành thời, thập phương thế giới, nhất thiết chấn động. Đương địa động xứ, hữu ngũ bách ức bảo hoa, nhất nhất bảo hoa, trang nghiêm cao hiển như Cực Lạc thế giới.
此菩薩行時 。十方世界。一切震動。當地動處。有五
百億寶華。一一寶華。莊嚴高顯如極樂世界。
(Lúc Bồ Tát này đi, mười phương thế giới hết thảy chấn động. Chỗ đất chấn động có năm trăm ức hoa báu. Mỗi một hoa báu trang nghiêm, cao rạng như thế giới Cực Lạc).
Đây là cảnh giới hiện ra khi Bồ Tát đi.
Thử Bồ Tát tọa thời, thất bảo quốc độ, nhất thời động dao, tùng hạ phương Kim Quang Phật sát, nãi chí thượng phương Quang Minh Vương Phật sát. Ư kỳ trung gian, vô lượng trần số phân thân Vô Lượng Thọ Phật, phân thân Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, giai tất vân tập Cực Lạc quốc độ, tắc tái không trung, tọa liên hoa tòa, diễn thuyết diệu pháp, độ khổ chúng sanh.
此菩薩坐時 。七寶國土。一時動搖。從下方金光佛剎
。乃至上方光明王佛剎 。於其中間 。無量塵數分身無量壽
佛。分身觀世音大勢至 。皆悉雲集極樂國土 。畟塞空中。
坐蓮華座。演說妙法。度苦眾生。
(Khi vị Bồ Tát này ngồi, cõi nước bảy báu đồng thời rung chuyển. Từ cõi Kim Quang Phật ở phương dưới cho đến cõi Quang Minh Vương Phật ở phương trên, trong khoảng đó, vô lượng phân thân của Vô Lượng Thọ Phật, phân thân của Quán Thế Âm, Đại Thế Chí số nhiều như vi trần đều cùng vân tập đầy dẫy trong hư không của cõi Cực Lạc, [tất cả các phân thân] đều ngồi trên tòa hoa sen, diễn nói diệu pháp, độ chúng sanh đang khổ sở).
Đoạn này nói Bồ Tát đi và ngồi đều thực hiện sự trang nghiêm lợi ích chúng sanh.
Tác thử quán giả, danh vi quán kiến Đại Thế Chí Bồ Tát, thị vi quán Đại Thế Chí sắc thân tướng. Quán thử Bồ Tát giả, danh đệ thập nhất quán.
作此觀者 。名為觀見大勢至菩薩。是為觀大勢至色身
相。觀此菩薩者。名第十一觀。
(Hành phép Quán này thì gọi là quán thấy Đại Thế Chí Bồ Tát, tức là quán tướng sắc thân của ngài Đại Thế Chí. Quán vị Bồ Tát này
thì gọi là phép Quán thứ mười một).
Đoạn kinh văn này giới thiệu Đại Thế Chí Bồ Tát trong Tây Phương Tam Thánh. Kinh nói Bồ Tát đi và ngồi, tức là nói tới hai thứ trong bốn oai nghi. Nói hai thứ thì hai thứ khác cũng đều được bao gồm trong ấy, phải biết điều này. Đi, đứng, ngồi, nằm toàn là Phật sự, toàn là chấn động hết thảy. Đại Thế Chí Bồ Tát đi, đứng, ngồi, nằm, hết thảy chấn động, Quán Thế Âm Bồ Tát có [giống như vậy] hay không? Đương nhiên là có. Chớ nên bảo là trong phần kinh văn nói về Quán Âm Bồ Tát chẳng hề đề cập thì có lẽ Quán Âm Bồ Tát [đi, đứng, nằm, ngồi] chẳng có chuyện ấy! Đức Phật nói kinh, hễ có những gì trong phần kinh văn giảng về Quán Âm Bồ Tát, [đã nói] Quán Âm Bồ Tát đã có thì Đại Thế Chí Bồ Tát đều có. Đã nói Đại Thế Chí Bồ Tát có [những tướng trạng gì], Quán Thế Âm Bồ Tát cũng đều có, chẳng khác gì nhau!
Đối với sự chấn động, nói “hết thảy chấn động” thì chẳng phải là như chúng ta nói đến nạn động đất trong hiện thời, động đất thì nguy hiểm quá! [Nếu hiểu kiểu đó], hễ Bồ Tát đến bèn mang lại đại tai nạn cho chúng ta ư? Hiểu lầm mất rồi! Đức Phật nói “đại địa chấn động” là nói về tâm địa, tức tâm địa của hết thảy chúng sanh. Thấy quang minh của đức Phật, nghe đức Phật thuyết pháp, tâm địa chấn động, giác ngộ! Trước kia, tâm này mê hoặc, điên đảo, nay bị chấn động, tâm liền khai giải, tâm khai ý giải, mang ý nghĩa này. Vì thế, chớ nên hiểu lầm ý! Hễ hiểu lầm ý, chúng ta đều chẳng hoan nghênh Phật, Bồ Tát đến, [vì] lúc các Ngài đến, tai nạn quá lớn. Ở đây là nói tâm địa chấn động, tâm khai ý giải. Do đó, “động” ở đây có nghĩa là “tuôn trào”, tuôn trào là gì? Trí huệ luôn tuôn trào, giác tánh thường tuôn trào, biểu thị ý nghĩa này. Hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều có thể giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đấy là nói tổng quát.
Đoạn kinh văn tiếp theo nói về công đức diệt tội nơi hàng thứ ba trong trang hai trăm lẻ bảy.
Trừ vô số kiếp A-tăng-kỳ sanh tử chi tội. Tác thị quán giả, bất xử bào thai, thường du chư Phật tịnh diệu quốc độ. Thử quán thành dĩ, danh vi cụ túc quán Quán Thế Âm, Đại Thế Chí.
除無數劫阿僧祗生死之罪 。作是觀者。不處胞胎。常
遊諸佛淨妙國土。此觀成已。名為具足觀觀世音大勢至。
(Trừ tội trong vô số kiếp A-tăng-kỳ sanh tử. Quán phép này, chẳng ở trong bào thai, thường dạo trong các cõi nước thanh tịnh mầu nhiệm của chư Phật. Phép Quán này thành tựu thì gọi là quán trọn đủ Quán Thế Âm và Đại Thế Chí).
Trong chú giải, nói tổng quát thì chỉ có trong mão của hai vị Bồ Tát này [là khác biệt], một vị là hóa Phật, vị kia là bình báu. “Nhị chủng hữu dị, dư tướng giai đồng” (Hai thứ có khác biệt, những tướng khác đều giống nhau). Những tướng khác hoàn toàn đều giống nhau, chỉ có trên mão là có sai khác đôi chút. Tướng mạo giống nhau, oai nghi cũng giống nhau, đương nhiên công đức lợi sanh vẫn giống nhau. Do đó, bất luận nói về điểm nào, hai vị Bồ Tát thảy đều giống nhau.
Tiếp theo là phép Quán thứ mười hai: “Phổ vãng sanh quán”. Trong phần này có hai đoạn. Đoạn thứ nhất là “tác tự thân vãng tưởng” (tưởng thân mình vãng sanh). Người tu Tịnh Tông tuy chẳng tu phép Quán này, nhưng trì danh niệm Phật thì tốt nhất cũng nên thường hành phép Quán [chính mình] vãng sanh, rất hữu ích đối với việc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong tương lai của chúng ta.
Kiến thử sự thời, đương khởi tự tâm sanh ư Tây Phương Cực Lạc thế giới, ư liên hoa trung, kết già phu tọa. Tác liên hoa hợp tưởng, tác liên hoa khai tưởng. Liên hoa khai thời, hữu ngũ bách sắc quang lai chiếu thân tưởng. Nhãn mục khai tưởng, kiến Phật, Bồ Tát mãn hư không trung. Thủy, điểu, thụ lâm, cập dữ chư Phật sở xuất âm thanh, giai diễn diệu pháp, dữ thập nhị bộ kinh hợp. Nhược xuất Định chi thời, ức trì bất thất. Kiến thử sự dĩ, danh kiến Vô Lượng Thọ Phật Cực Lạc thế giới. Thị vi phổ quán tưởng, danh đệ thập nhị quán.
見此事時。當起自心生於西方極樂世界 。於蓮華中。
結跏趺坐。作蓮華合想 。作蓮華開想。蓮華開時 。有五百
色光來照身想 。眼目開想。見佛菩薩滿虛空中 。水鳥樹林
。及與諸佛所出音聲 。皆演妙法。與十二部經合 。若出定
之時。憶持不失 。見此事已。名見無量壽佛極樂世界 。是
為普觀想。名第十二觀。
(Khi thấy sự ấy, hãy nên tự khởi tâm sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngồi xếp bằng trong hoa sen. Tưởng hoa sen khép lại, tưởng hoa sen nở ra. Tưởng khi hoa sen nở, có năm trăm ánh sáng có màu chiếu đến thân. Tưởng khi mở mắt, thấy Phật, Bồ Tát đầy khắp hư không. Âm thanh của nước, chim, rừng cây và tiếng Phật nói đều diễn diệu pháp, phù hợp với mười hai bộ kinh. Như khi xuất Định, nhớ giữ chẳng quên. Đã thấy sự ấy thì gọi là thấy thế giới Cực Lạc của Vô Lượng Thọ. Đó là phổ quán tưởng, được gọi là phép Quán thứ mười hai).
Phần sau còn có một đoạn, [chúng ta] hãy đọc tiếp nơi trang hai trăm lẻ chín, hàng thứ hai.
Vô Lượng Thọ Phật hóa thân vô số, dữ Quán Thế Âm, cập Đại Thế Chí, đương lai chí thử hành nhân chi sở.
無量壽佛化身無數 。與觀世音及大勢至。當來至此行
人之所。
(Vô Lượng Thọ Phật hóa thân vô số, cùng với Quán Thế Âm, Đại Thế Chí sẽ đến chỗ hành nhân ấy).
Đoạn này nhằm dạy chúng ta hãy thường ức tưởng chính mình vãng sanh. Quán tưởng chẳng dễ dàng. Hơn nữa, hiện thời chúng ta phiền não rất nặng, vọng niệm quá nhiều, nên vận dụng Quán Tưởng Niệm Phật quả thật chẳng dễ gì thành tựu. Vì lẽ đó, chúng ta chuyên chọn Trì Danh làm phương pháp tu hành, lấy Trì Danh làm chủ, và cũng có thể dùng quán tưởng để phụ trợ, điều này rất hữu ích. Dùng quán tưởng để phụ trợ thì chúng ta có thể tưởng bao nhiêu bèn tưởng bấy nhiêu, rất thuận tiện! Đặc biệt là ban đêm trước khi ngủ, trong khi chúng ta nằm trên giường, hãy tưởng đang vãng sanh, tưởng đức Phật đến tiếp dẫn chúng ta. Thường quán tưởng như vậy, sẽ có lợi ích to nhất, lúc lâm chung chẳng sợ hãi. Người bình phàm, nói thật ra, hết thảy chúng sanh đều là như vậy, có thể nói là lục đạo chúng sanh không ai chẳng như vậy, tham sống sợ chết! Khi thật sự sắp chết, nỗi sợ hãi hiện hữu, thật sự có thể giữ cho tâm chẳng điên đảo, xa lìa hoảng sợ, cần phải có định lực rất sâu. Khi lâm chung, người thật sự chẳng điên đảo, chẳng sợ hãi, dẫu chẳng phải là người niệm Phật, cũng chắc chắn chẳng đọa trong ba ác đạo. Vào trong ba ác đạo là như thế nào? Do hoảng loạn nên mới vào, há có người nào đầu óc sáng suốt lại đọa trong ba ác đạo? Chẳng thể nào! Chỉ có trong lúc hoảng loạn thì mới như thế, chẳng thấy rõ ràng hết thảy cảnh giới, bèn thuận theo nghiệp lực lôi dắt vào đó. Thần trí sáng suốt, chẳng hề hoang mang, thấy rất rõ cảnh giới, người ấy sẽ có thể chọn lựa, tất nhiên sẽ chọn lựa phước báo nhân thiên. Nếu là người niệm Phật, vào lúc khẩn yếu ấy, chắc chắn là người ấy chọn lựa Tây Phương Tịnh Độ. Chỉ có một niệm tương ứng ấy, Phật liền đến đón tiếp, [vãng sanh Tây Phương với] tốc độ vô cùng nhanh chóng. Quý vị một niệm tương ứng, ngay lập tức Phật, Bồ Tát đến tiếp dẫn quý vị. Vì thế, loại quán tưởng này, tức là quán tưởng thường vãng sanh có lợi ích vô cùng to lớn.
Mấy câu cuối trong đoạn kinh văn này nói rất hay. Trong khi chúng ta quán tưởng, vẫn còn chưa mạng chung, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí đều hiện tiền, đúng là “nhập ngã tưởng trung” (vào trong tâm tưởng của ta), cũng chính là như kinh văn trong phần trước đã nói: “Nhập chúng sanh tâm tưởng trung” (Vào trong tâm tưởng của chúng sanh). Trong tâm tưởng Phật, tâm liền làm Phật. Tưởng Bồ Tát, tâm liền làm Bồ Tát. Cuối phần chú giải có nói: “Tư nãi tam quán nhất tâm, tác thị song vận, trí linh tâm Phật, bỉ thử vãng lai, cố tri quán thể, thành bất khả tư nghị” (Đây chính là Tam Quán Nhất Tâm, cùng vận dụng “tâm này làm Phật” và “tâm này là Phật”, khiến cho tâm và Phật dung nhập lẫn nhau. Do vậy, biết Thể của Quán đúng là chẳng thể nghĩ bàn). Quý vị thường thường có thể quán tưởng như thế, sẽ cảm ứng đạo giao với Phật, Bồ Tát, điều này thuộc về Sự, còn “tâm làm, tâm là” thuộc về Lý. Lý và Sự tương ứng, Lý và Sự chẳng hai, niệm Phật, ức Phật như vậy, công đức lại chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy có thể biết, nếu chúng ta chẳng đọc kinh luận này, không hiểu rõ, tuy nói pháp này là “đạo dễ hành”, nhưng chúng ta cũng thường hiểu lầm pháp này. Đấy chính là duyên cớ khiến cho người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi. Đấy cũng là như cổ nhân đã nói: “Sanh về Tây Phương, phẩm vị cao hay thấp do mỗi người gặp duyên khác nhau”, đều nhằm chứng minh cho chúng ta. Chúng ta gặp duyên rất thù thắng, thù thắng ở chỗ nào? Hiểu rõ Lý, hiểu rõ phương pháp, cảnh giới đều biết, biết dụng tâm, biết dụng công, tức là duyên thù thắng, vãng sanh Tây Phương phẩm vị sẽ cao!
Phẩm vị cao hay thấp, nói thật ra là do gặp duyên khác nhau. Dường như Thiện Đạo đại sư nói câu này, Ngài nói trong Tứ Thiếp Sớ, gặp duyên khác nhau. Đích xác là đối với người niệm Phật chúng ta mà nói, câu nói này của Thiện Đạo đại sư đã tạo tín tâm rất lớn cho chúng ta. Bởi lẽ, nếu chẳng nghe lời trên đây, sẽ luôn cảm thấy chính mình nghiệp chướng rất nặng, ta có thể vãng sanh hay không, tự mình chẳng nắm chắc. Nếu như vãng sanh, hạ hạ phẩm là đã là rất may mắn, rất thỏa mãn, chẳng dám mơ tưởng cao hơn! Cũng chẳng biết chính mình có thật sự nắm chắc hay không! Nghe những lời này của tổ sư, tâm mới định, biết là không chỉ nắm chắc vãng sanh, mà còn nắm chắc cầu đạt được thượng thượng phẩm vãng sanh. Vì điều này chẳng liên quan đến thiện căn và phước đức trong đời quá khứ cho mấy, mà liên quan rất lớn với chuyện gặp duyên trong đời này. Lại thưa cùng chư vị rõ ràng hơn một chút, vì sao nói là chẳng liên quan đến thiện căn và phước đức trong đời quá khứ cho mấy? Quý vị đã trọn đủ thiện căn và phước đức trong đời quá khứ. Nếu quý vị chẳng trọn đủ thiện căn và phước đức, chẳng phải là nhiều thiện căn, lắm phước đức, làm sao quý vị có thể tin tưởng cho được? Làm sao quý vị có cơ hội gặp gỡ [pháp môn này] cho được? [Nếu không trọn đủ], sẽ chẳng gặp pháp môn này! Quý vị có thể gặp gỡ, sau khi gặp gỡ, có thể tin tưởng, có thể phát nguyện, cho thấy thiện căn và phước đức của quý vị chẳng có vấn đề, đã trọn đủ! Vấn đề hiện thời là vấn đề duyên. Duyên này khiến cho phẩm vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sai khác. Quý vị là thượng thượng phẩm, hay là thượng trung phẩm, hoặc thuộc vào ba phẩm hạ, là do vấn đề gặp duyên.
Bản thân chúng ta phải hiểu rõ chuyện này, nhất định phải phát nguyện làm Tăng Thượng Duyên cho hết thảy chúng sanh. Chúng ta gặp nhân duyên hết sức thù thắng, bản thân chúng ta có thể đạt tới phẩm vị cao, nhưng vẫn còn có những người niệm Phật chẳng biết. Nếu chúng ta có duyên gặp họ, quý vị có thể giảng giải cho họ nghe, khiến cho họ cũng có thể tăng cao phẩm vị, tự hành, hóa độ người khác. Ngàn muôn phần đừng ôm ấp tâm niệm: “Ta gặp duyên tốt đẹp, ta thượng thượng phẩm vãng sanh, cũng chớ nên nói với người khác để phẩm vị vãng sanh của những người khác đều thấp hơn ta”. Hễ có ý niệm ấy thì ý niệm ấy chính là tiếc pháp, tâm keo kiệt đã nổi lên. Keo kiệt là phiền não lớn nhất, thuộc về tham phiền não. Tham, sân, si phiền não sanh khởi, sẽ chướng ngại quý vị vãng sanh. Không chỉ phẩm vị chẳng thể tăng cao, mà còn bị chướng ngại, quý vị chưa chắc vãng sanh được! Trừ phi chẳng có duyên, hễ có duyên bèn khuyên người khác, hễ có duyên bèn giảng giải cho người ta!
Giảng giải cho người khác, có phải là sẽ khiến cho sự tu hành của chính mình bị lỡ làng hay chăng? Chẳng hề lỡ làng! Quý vị giảng giải cho người khác, nhưng chính mình vẫn nhớ Phật, niệm Phật, không nhất định phải là “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” thì mới là niệm Phật. Ta khuyên người khác niệm Phật, cũng là đang niệm Phật, tâm ta chẳng lìa A Di Đà Phật. Do đó, niệm Phật không nhất định là miệng niệm. Tâm niệm, ức niệm thì thân cũng đang niệm, ba nghiệp thân, miệng, ý đều đang niệm Phật. Không chỉ riêng là miệng niệm, tự hành là niệm Phật, mà giúp đỡ người khác cũng là niệm Phật. Một mình ta niệm câu A Di Đà Phật, mọi người đều niệm A Di Đà Phật, mọi người niệm A Di Đà Phật chính là ta đang niệm A Di Đà Phật, nhất định phải hiểu đạo lý này. Trong kinh Đại Thừa đã đôi ba lượt dạy: Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một, ngàn muôn phần phải thấu hiểu ý nghĩa này. Phương pháp tu hành của chúng ta mới có thể giống như quang minh, từng tia sáng soi tỏ lẫn nhau thì quang minh mới hiển thị sự rộng lớn khôn sánh.
À! Chúng ta tan học, nghỉ ngơi mấy phút.
[1] Do chánh kinh thường ghi là “thử Bồ Tát thân trưởng bát thập vạn ức na-do-tha do-tuần”, nên trong chú giải, pháp sư Đế Nhàn đã viết: “Lời Sao như sau: ‘Tám mươi vạn ức phải là mười tám vạn ức. Nay nói tám mươi tức là vượt trỗi thân Phật, nên biết là sai’. Hỏi: Phật Thích Ca cao một trượng sáu, thân người đời tám thước, thân vị Phật kia (A Di Đà Phật) là sáu mươi vạn ức, Quán Âm cao mười tám vạn ức, sao lại quá thấp? Đáp: Thắng Ứng Thân trong cõi Tịnh Độ chẳng thể so sánh theo uế độ được, há chẳng thấy thân của ngài Diệu Âm trong kinh Pháp Hoa ư? Ngài Diệu Âm chỉ cao bốn vạn hai ngàn, mà thân Phật là sáu trăm tám mươi vạn, Phật cách biệt Bồ Tát nhiều chừng ấy”.
[2] Kinh nói “ngũ đạo” (năm đường) tức là không kể A Tu La, vì trừ địa ngục ra, đường nào cũng có A Tu La, nên gộp chung A Tu La vào bốn đường nhân, thiên, quỷ, súc sanh.
[3] Vô Kiến Đảnh Tướng là tùy hình hảo của Nhục Kế, tất cả trời người chẳng thấy được tướng chót đỉnh của Nhục Kế, nên gọi là Vô Kiến Đảnh. Kinh Quán Phật đã nói: “Nhục Kế của đức Phật sanh ra vạn ức quang minh, mỗi quang minh lần lượt chiếu đến vô lượng thế giới ở phương trên, chư thiên, người đời, cho đến hàng Thập Địa Bồ Tát cũng chẳng thể thấy được”.